Giặc phiền não thường luôn rình rập giết hại người, độc hại hơn kẻ oán thù. Sao còn ham ngủ mà chẳng chịu tỉnh thức?Kinh Lời dạy cuối cùng
Điều quan trọng không phải là bạn nhìn vào những gì, mà là bạn thấy được những gì. (It's not what you look at that matters, it's what you see.)Henry David Thoreau
Thành công không phải là chìa khóa của hạnh phúc. Hạnh phúc là chìa khóa của thành công. Nếu bạn yêu thích công việc đang làm, bạn sẽ thành công. (Success is not the key to happiness. Happiness is the key to success. If you love what you are doing, you will be successful.)Albert Schweitzer
Một số người mang lại niềm vui cho bất cứ nơi nào họ đến, một số người khác tạo ra niềm vui khi họ rời đi. (Some cause happiness wherever they go; others whenever they go.)Oscar Wilde
Người thực hành ít ham muốn thì lòng được thản nhiên, không phải lo sợ chi cả, cho dù gặp việc thế nào cũng tự thấy đầy đủ.Kinh Lời dạy cuối cùng
Ví như người mù sờ voi, tuy họ mô tả đúng thật như chỗ sờ biết, nhưng ta thật không thể nhờ đó mà biết rõ hình thể con voi.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Nghệ thuật sống chân chính là ý thức được giá trị quý báu của đời sống trong từng khoảnh khắc tươi đẹp của cuộc đời.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Bạn sẽ không bao giờ hạnh phúc nếu cứ mãi đi tìm những yếu tố cấu thành hạnh phúc. (You will never be happy if you continue to search for what happiness consists of. )Albert Camus
Người hiền lìa bỏ không bàn đến những điều tham dục.Kẻ trí không còn niệm mừng lo, nên chẳng bị lay động vì sự khổ hay vui.Kinh Pháp cú (Kệ số 83)
Như ngôi nhà khéo lợp, mưa không xâm nhập vào. Cũng vậy tâm khéo tu, tham dục không xâm nhập.Kinh Pháp cú (Kệ số 14)
|
Suốt gần hai tuần đầu tháng Năm, những luồng gió quỷ (1) từ các hốc núi xa, liên tục quét qua rừng, thốc vào đồng bằng và đô thị, rồi tuồn ra đại dương. Những ngọn gió khô khốc, làm biến đổi khí hậu cả một địa vực rộng lớn. Một vài nạn cháy rừng xảy ra, lan vào một số gia cư trên các đồi cao. Trời oi bức. Lá cây co quắp vì háp nắng. Cỏ hoa khô héo như vừa trải qua một trận lửa dữ.
Gió qua rồi, mặt hồ tĩnh lặng phản chiếu một bầu trời không mây, xanh ngát.
Không phải ai cũng vui thích sự hiếu động, hoạt náo. Ngay cả những người lăng xăng rộn ràng nhất cũng có những lúc muốn tìm sự yên tĩnh. Bởi vì bản chất của tâm vốn tịch tịnh, vắng lặng.
Sự ồn ào, sôi nổi, chẳng qua là do tác động của bản ngã, của khuynh hướng muốn biểu hiện sự tồn hữu của mình trước những cá ngã dị biệt, cũng như trước sự nhiêu khê phức tạp của xã hội, của cuộc đời.
Bản ngã, như con bạch tuộc, dễ trồi lên mặt nước khi có gió thổi qua. Một khi trồi lên, nó vươn dài những cánh tay trơn láng, mềm mại nhưng rất mạnh mẽ, để tóm thâu, nắm bắt bất cứ thứ gì trong tầm hoạt động của nó; thậm chí còn cố gắng vươn xa hơn, đến những thứ, những nơi ngoài khả năng của nó. Nhà Phật đặt tên cho những ngọn gió thường lùa qua mặt nước là “bát phong” (2); đặt tên cho những cánh tay vươn dài của bản ngã là Tham, Sân, Si, và những tên gọi phụ thuộc khác (Mạn, Nghi, Ác kiến…). (3)
Thực hành Phật Pháp là học cách kiểm soát sự vươn dậy của bản ngã, của Tham, Sân, Si; nói cách khác là, làm thế nào để giữ cho biển tâm luôn vắng lặng, yên bình, không bị khuấy động bởi các phiền não.
Nhưng để thành tựu điều này một cách rốt ráo—nghĩa là thành Phật, kinh nói phải trải qua 3 a-tăng-kỳ kiếp (vô số kiếp). Dù Thiền sư Bodhidharma giải thích chỉ cần vượt qua Tham, Sân, Si là thành tựu đạo quả bồ-đề, người học Phật cũng nên hiểu rằng sự vượt qua này khó và lâu dài như thể phải thực hành trong 3 a-tăng-kỳ kiếp.
Giữ được tâm bất động như nhiên, không phải việc đơn giản. Gió qua, mặt nước không thể không gợn sóng. Nhưng mặt nước có thể gợn sóng hoặc dao động mạnh mà không nhất thiết phải trồi lên một con bạch tuộc với những cánh tay vươn dài. Bởi vì,
“Tri nhơn pháp vô ngã
Phiền não cập nhĩ diệm
Thường thanh tịnh vô tướng
Nhi hưng đại bi tâm.” (4)
Giác ngộ rằng bản ngã là không thực, phiền não và các sở tri chướng (tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến…) cũng không thực; thực tướng của tất cả các pháp vốn thanh tịnh, thường hằng. Từ suy nghiệm và nhận thức sâu xa như thế mà phát khởi lòng Đại Bi.
Khi tám gió thổi qua, thay vì để cho phiền não Tham, Sân, Si vươn dậy, hãy phát khởi lòng Đại Bi. Tu hành không phải là cắt đứt, tuyệt diệt Tham, Sân, Si (vì không thể dứt bỏ những cái gì không thực có), mà chính là chuyển hóa tất cả phiền não thành lòng Đại Bi.
Người con Phật đi vào cuộc đời, tâm không thể không động, nước không thể không gợn sóng. Nhưng tất cả ý nghĩ, lời nói, và hành động của mình phải được phát khởi từ nơi lòng Đại Bi, không phải vì bản ngã, không phải vì Tham, Sân, Si.
Trong tương quan với xã hội, người con Phật không thể từ chối những trách nhiệm liên đới. Có khi phải đánh đổi cả chiếc áo để bảo vệ non sông; có khi phải tự đốt mình để thức tỉnh những kẻ say ngủ trong giấc mơ quyền lực hão huyền; có khi phải chấp nhận ngục tù và cái chết để mưu cầu phúc lạc cho muôn dân. Tất cả sự đánh đổi, hy sinh này, đều bắt nguồn từ lòng Đại Bi. Không như vậy thì đều là những hoang tưởng, manh động của bản ngã.
Một vài chiếc thuyền máy lướt qua, tạo những vòng sóng từ nhỏ đến lớn, tỏa ra rồi tan biến trên mặt hồ. Bọt trắng lao xao nổi bật trên giòng nước xanh. Gió vi vu thổi qua những hàng thông cao vút dọc bên đường. Càng về chiều, ghe thuyền càng thưa thớt qua lại. Trời phương tây bảng lảng ráng hồng, rơi xuống êm đềm trên mặt hồ yên tĩnh.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.223.125.236 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập