Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về 
Hành Trình Về Thời Đại 
HÙNG VƯƠNG DỰNG NƯỚC
Lê Văn Hảo
LỜI TẠM KẾT
Các bạn đọc trẻ thân mến,

Chúng ta vừa cùng nhau vẽ phác bức tranh tổng quát về thời bình minh của lịch sử dân tộc. Từ sương mù của quá khứ xa thẳm đã bắt đầu hiện lên một số nét chủ yếu nhất của cuộc sống Việt cổ, hiện lên diện mạo cơ bản của văn minh nước ta thời dựng nước đầu tiên. Về cơ bản, chúng ta đã chứng minh được, với cơ sở khoa học cần thiết, rằng có một thời đại Hùng Vương trong lịch sử, khi đó tổ tiên ta, ước triệu con người quần tụ quanh đất Phong Châu, chuyển mình thành dân tộc, dựng nước. Tổ tiên ta đã đi từ giai đoạn Phùng Nguyên, thời gian mà văn minh Việt cổ mới chớm nụ đã xứng đáng được biểu dương cái hay cái đẹp cái độc đáo, chứng minh dân tộc ta quả là danh bất hư truyền có hàng nghìn năm văn hiến, đến giai đoạn Đông Sơn, thời gian mà văn minh Việt cổ tiến đến đỉnh cao và biểu lộ những sắc thái địa phương đa dạng trong cùng một phong cách : đây là quá trình phát triển sinh động của một nền văn minh sắc sảo, của tộc người Việt cổ đầy sức sống và sức sáng tạo.

Chúng ta đã tiến hành có kết quả một đợt nghiên cứu khoa học đầu tiên về sự nghiệp dựng nước đầu tiên của dân tộc. Nhưng thật ra văn minh Việt cổ cao đẹp tràn đầy sức sống Phùng Nguyên - Đông Sơn, từ xưa vẫn để lại trong lòng những thế hệ Việt Nam một luồng ánh sáng không lúc nào phai mờ : đó là kỷ niệm da diết về truyền thống văn hiến mấy nghìn năm, về sự tạo tác thành công một nền văn minh độc đáo của nòi giống Tiên Rồng ở ngọn nguồn lịch sử dân tộc

Chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh việc nghiên cứu thời đại Hùng Vương bởi vì lúc này đúng là lúc có những kẻ muốn gieo hoang mang, vẫn cứ lặp lại mãi những luận điệu sai trái đã vừa bị khoa học bác bỏ. Họ không phủ nhận được nữa rằngb trên đất nước ta đã từng nảy nở, ở thời gian hàng nghìn năm trước Công nguyên, một nền văn hoá đặc sắc, phát triển cao, sinh ra từ bản địa thì xoay sang đặt câu hỏi : " những tên gọi đối với ta xiết mấy thân thương : " vua Hùng " " dân Lạc ", " nước Văn Lang " thật ra có ý nghĩa chân thực nào không ? Hoặc họ đặt câu hỏi khác : văn minh Đông Sơn rực rỡ thật đấy, nảy nở từ lưu vực sông Hồng thật đấy, thế nhưng trong chừng mực nào người Việt Nam ngày nay là con cháu cư dân đất nước các vua Hùng xưa ? Nước Sở bên hai bờ sông Dương Tử cũng có vua mang hiệu là Hùng...phải chăng là có sự lẫn lộn giữa tên Văn Lang và tên một nước khác là Dạ Lang ? Hoặc họ đặt câu hỏi : Phải chăng chỉ có người Mường là di duệ thật sự của người Việt cổ ? Còn dân tộc Việt, người nước Đại Cồ Việt - Đại Việt tổ tiên trực tiếp của chúng ta, phải chăng chỉ mới xuất hiện dần từ thế kỷ X song song với quá trình dựng nước lúc bấy giờ mà sử sách đã có ghi chép ? Vả lại nói đến " dân tộc " lúc này phải chăng cũng đã là gượng ép : đã có thể nói đến dân tộc được chăng ở những ngày kinh tế nông nghiệp tận dụng tàn dư của tổ chức công xã nguyên thuỷ, vả gần 10 thế kỷ vừa qua ? vân vân và vân vân....

Không phải ngẫu nhiên mà, song song với niềm vui trong nước, ngoài nước trước thành tựu của khoa học lịch sử Việt Nam, nghiên cứu về những trang mở đầu lịch sử dân tộc ta, đồng thời góp được phần soi sáng quá khứ anh em chung của cư dân cả một vùng Đông Nam Á này, thì lại cũng nổi lên đây đó những ý kiến bàn qua bàn lại ngang trái, không có cơ sở khoa học về nguồn gốc dân tộc Việt Nam ta.

Công cuộc nghiên cứu của chúng ta sẽ gạt bỏ dứt khoát hơn nữa những luận điệu hồ đồ, xuyên tạc. Đó là đẩy mạnh khoa học tiến tới khai thác sâu thêm vốn di sản tinh thần của dân tộc.

Trong bản anh hùng ca dựng nước và giữ nước trường kỳ, vĩ đại - thời đại Hùng Vương, thời đại của con người Việt cổ, văn minh Việt cổ là chương đầu tiên mà vô cùng quan trọng.

Những truyền thống tinh thần lớn lao nhất của dân tộc đã bắt đầu từ đấy và được phát huy lên mãi, những phẩm chất cao quý nhất của con người đã hình thành từ đấy và tiếp tục nảy nở qua thử thách của thời gian, của lịch sử.

Tinh thần khai sơn phá thạch, chế ngự thiên nhiên, sáng tạo văn hoá, quyết thắng kẻ thù của Mẹ Âu Bố Rồng, Ông Dóng, Ông Tản, Vua Hùng, Vua Thục, Bà Trưng vẫn luôn ngời sáng trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta trước đây, ngày nay và mai sau.

Ý chí đoàn kết quật khởi trong đấu tranh chống thiên tai địch hoạ, mối tình trung với nước, hiếu với dân, đại nghĩa trả ơn dân đền nợ nước, giành độc lập tự do cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân, mối tình gắn bó nước với nhà, làng với nước, đức tính cần cù thông minh sáng tạo mềm mỏng mà quật cường, bất khuất trước bất cứ nghịch cảnh nào. Tất cả những nét đặc sắc đó đã xuất hiện nơi con người Việt cổ, những người làm ruộng nước, đúc trống đồng và chống ngoại xâm quyết liệt.

Chính nhờ đó mà cách đây hàng nghìn năm, ngay trên giải đất ngày nay chúng ta đang lao động, chiến đấu để gìn giữ, điểm tô cho thêm đẹp giàu và vững mạnh, đã xuất hiện nền văn minh Việt cổ, nền văn minh sông Hồng ở trình độ khá cao, một đóng góp đáng kể vào nền văn minh xa xưa của loài người, một niềm tự hào chính đáng của dân tộc Việt nam văn hiến.

Nền văn minh ấy nói lên thắng lợi vĩ đại của nhân dân Việt cổ chống thiên nhiên và ngoại xâm, ổn định nếp sống của mình, nói lên thành quả tốt đẹp của lao động và tư duy sáng tạo ở một cộng đồng người đã khá đông biết đoàn kết lại với nhau trong một gia đình lớn gồm nhiều thành phần dân tôc, cùng là người của đất Việt, cùng chung một sự nghiệp, một Tổ quốc thiêng liêng. Khi chúng ta khẳng định : " Đồng bào Kinh hay Tày, Mường hay Dao, Gia Rai hay Ê-Đê, Xê-đăng hay Ba-na và các dân tộc thiểu số khác đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt...sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau " thì đó chính là tiếng nói của Tổ quốc thiêng liêng từ ngàn xưa vọng lại. Tính đa dạng muôn màu muôn vẻ của nền văn minh Việt cổ được phản ánh lại ít nhiều trong mỗi một nền văn hoá của các dân tộc anh em đang sống trên đất nước Việt Nam ngày nay là một bằng chứng hùng hồn về truyền thống đoàn kết thống nhất vĩ đại của nhân dân Việt Nam bắt nguồn từ nền văn minh Việt cổ ấy.

Tinh thần dân tộc, ý thức dân tộc đã hình thành và nảy nở rất sớm trong hoàn cảnh chung lưng đấu cật, chia ngọt sẻ bùi, chan hoà với nhau giữa người Việt cổ, cùng nhau trưởng thành nhanh chóng vượt bậc trước gian lao, thử thách. Tình yêu nước và chủ nghĩa anh hùng là sản phẩm tất yếu của tinh thần đoàn kết, tập thể, cộng đồng được hun đúc trong cuộc sống tương thân tương ái giữa các làng chạ, bộ tộc Việt cổ trên mảnh đất quê hương giàu đẹp, khắc nghiệt và quật cường.

Con người Việt cổ khẩn trương trong sản xuất và chiến đấu, sử dụng nhiều nghị lực để chiến thắng thiên nhiên và giặc giã, cũng là con người nhởn nhơ, vui chơi múa hát trong ngày hội mùa, ung dung thư thái ngồi thổi khèn, hay phấn chấn nhiệt tình ngồi tham gia vào cuộc đua thuyền rộn rịp trên sông nước bao la. Sau những tháng ngày vất vả làm ăn và đánh giặc, người Việt cổ tự ru mình trong giấc mơ thanh bình, trong ước vọng gió thuận mưa hoà, con đàn cháu đống, trong niềm khát khao về cái đẹp. NgườiViệt cổ yêu cái đẹp, cần cái đẹp trong nghệ thuật và ngay trong cuộc sống hàng ngày, như là một yêu cầu về sự hài hoà, tế nhị, về sự tròn trặn, vuông vức, cân phân, đối xứng, gọn mắt, vừa tay, vừa tầm con người. Từ cái đuôi thuyền, cái mái nhà sàn cong cong đến dáng hình khỏe mà thanh của ngọn giáo, mũi dao, dáng hình hài hoà cân đối của chiếc trống, chiếc thạp...sắc thái dântộc toả ra tươi mát, vừa mềm mại uyển chuyển lại vừa rắn rỏi, vững vàng, như muốn phản ánh tâm hồn Việt cổ tao nhã mà hăng say, thành khẩn mà thong dong, bình dị.

Người đời sau ngạc nhiên về trình độ tư duy của những con người đã sáng tạo ra nền văn minh Việt cổ : một tư duy thiết thực cụ thể, biết chủ động hướng vào những vấn đề thực tiễn nhất như làm ăn sinh sống, yêu nước thương nòi, hoà hợp bộ tộc, đoàn kết dân tộc, đồng thời cũng là một tư duy khoa học, một tư duy thẩm mỹ hướng về trừu tượng đã quen thuộc với những khái niệm về đối xứng và cách điệu, những hình tượng thần thoại và anh hùng ca hào hùng, mỹ lệ, những đồ án nghệ thuật tạo hình hiện thực, cô đúc, gãy gọn và sống động.

Qua tiến bộ kỹ thuật và sáng tạo văn nghệ, qua phong tục tập quán, tín ngưỡng và tư duy, con người thời đại dựng nước quả đã đạt đến một trình độ văn minh cao đẹp với tất cả những gì là lành mạnh, tươi mát, hồn hậu, tế nhị, lạc quan phơi phới.

Hai nghìn năm văn hiến đầu tiên ấy đã xây dựng cho dân tộc Việt nam một nền tảng vật chất và tinh thần vững chắc, kiên cố. Những cuộc chạm trán ác liệt giữa ý chí độc lập tự do Việt Nam và chủ nghĩa bành trướng đế quốc, thực dân chỉ làm cho dân tộc Việt Nam khẳng định lại bản lĩnh và phong cách của mình, đồng thời tiếp thu một số ảnh hưởng bên ngoài làm giàu thêm bản lĩnh và phong cách ấy. Đó là một qui luật lớn của lịch sử Việt Nam từ thời đại các vua Hùng đến ngày nay.

Đành rằng văn minh Việt cổ không để lại những nhà hiền triết, những nhà bác học, những áng văn lớn, như ở Hi Lạp, Ai cập, Trung Quốc, Ấn Độ cùng thời, không để lại những công trình kiến trúc vĩ đại như Tháp Chữ Kim, Trường thành Vạn Lý, Đế Thiên Đế Thích...Nền văn minh được tiêu biểu bằng những chiếc trống đồng hình như có vẻ khiêm tốn quá, thiếu hẳn mặt lộng lẫy đồ sộ nguy nga so với các thành tựu to lớn mà một số nền văn minh cổ đại thế giới đã để lại.

Phải chăng chúng ta có một lịch sử chống ngoại xâm thành công bên cạnh một nền văn hoá thanh nhã nhưng không lấy gì làm to lớn lắm ?

Phải chăng vì nước ta không rộng, dân ta không đông, từ xưa vốn nghèo lại luôn luôn bị chiến tranh tàn phá, hay là vì dân ta không cần cù, dân ta thiếu tài năng để xây dựng những công trình bề thế vĩ đại ?

Thực ra tiêu chuẩn chân chính của một nền văn minh không phải ở kích thước to lớn, khối lượng nhiều, vật chất phong phú thừa thãi. Một nền văn minh thật sự lớn là ở những giá trị tinh thần, ở những bài học về phẩm chất con người, ở chủ nghĩa nhân văn truyền lại cho đời sau.

Chủ nghĩa nhân văn thời dựng nước đã để lại cho chúng ta nhưng bài học tốt đẹp về ý nghĩa cuộc sống về giá trị con người ở chỗ nền văn minh mà tổ tiên ta xây dựng nên trong trường kỳ chống thiên nhiên, chống ngoại xâm, chống áp bức, là một nền văn minh có chú trọng đến vật chất, đến sản xuất nhưng chủ yếu đi vào chiều sâu của tâm hồn, tình cảm, ý chí và phẩm chất con người. Tổ tiên ta không vì hư danh, vì hưởng thụ mà xây dựng nên những công trình tốn công tốn của đến nỗi phải hy sinh nhiều tính mạng người để chiều theo ước vọng ngông cuồng của những tên bạo chúa. Tổ tiên ta chỉ muốn phát huy cái thông minh, sáng tạo, cái khéo léo, tài hoa để phục vụ cuộc sống phục vụ cộng đồng.

Tinh hoa của nền văn minh Việt cổ chính là tấm lòng yêu nước thương dân, vì hạnh phúc con người mà lao động hăng say, mà chiến đấu anh dũng, mà mơ tưởng hoà hợp, thanh bình. Tinh hoa ấy là ở những nét tinh vi, tế nhị, hài hoà, tao nhã tô điểm cho cuộc sống hàng ngày, là ở những giá trị nhân văn thiết thực gần gũi con người chứ không phải những ý tưởng cao xa, diệu vợi đối với con người.

Thân ái chào các bạn.
Hà Nội - Paris
1982 - 2000
Lê Văn Hảo
. Mở đầu : Thời Đại Hùng Vương , Nghiên cứu khoa học và tự hào dân tộc
. Chương I : Từ trong mây mù huyền thoại đến hiện thực lịch sử
. Chương II : Hành hương về đất Tổ
. Chương III : Khơi nguồn truyền thống , Thống nhất và văn minh
. Chương IV : Đi tìm dấu vết một thời đại trên những di tích khảo cổ
. Chương V : Bên bờ sông Hồng, sông Mã : Chứng tích của nền văn hoá Đông Dơn rực rỡ
. Chương VI : Ngắm nghía và suy nghĩ về văn vật kỳ diệu của thời đại dựng nước : những chiếc trống đồng Đông Sơn
. Chương VII : Thiên nhiên thời đại dựng nước
. Chương VIII : Thăm lại làng xưa chạ cổ cách đây hàng nghìn năm
. Chương IX : Cuộc sống đầm ấm của gia đình người Việt cổ
. Chương X : Nếp phong tục thuần phác cổ xưa 
. Chương XI : Hội làng thời Hùng Vương
. Chương XII : Những người nghệ sĩ tạo hình tài hoa
. Chương XIII : Thần thoại và truyền thuyết anh hùng Việt cổ
. Chương XIV : Tín ngưỡng và tư duy người xưa
. Chương XV : Khơi nguồn truyền thống thượng võ của dân tộc
. Chương XVI : Bản anh hùng ca dựng nước xây thành chống ngoại xâm của vua Thục An Dương Vương
. Chương XVII : Bà Trưng khởi nghĩa lập chiến công oanh liệt ngàn thu
. Chương XVIII : Lời tạm kết

  *** Hành trình về thời đại Hùng Vương dựng nước qua hình vẽ trên Trống đồng ***