Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về 
Hành Trình Về Thời Ðại 
HÙNG VƯƠNG DỰNG NƯỚC
Lê Văn Hảo
CHƯƠNG IV

ĐI TÌM DẤU VẾT MỘT THỜI ĐẠI
TRÊN NHỮNG DI TÍCH KHẢO CỔ

Như thế là, bằng những phương pháp khoa học hiện đại, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã chứng minh: Thời đại Hùng Vương dựng nước là một hiện thực lịch sử.

Đến lượt chúng ta, chúng ta hãy làm quen một cách cụ thể với thời đại đó, qua những hiện vật có thể sờ mó được, quan sát được ngay tại những di tích khảo cổ, tức là nơi ăn chốn ở, nơi sống và chỗ chết của người xưa.

ĐẾN THĂM DI CHỈ PHÙNG NGUYÊN
(PHÚ THỌ)

Trước hết ta hãy đến thăm Phùng Nguyên (nay thuộc huyện Phong Châu, tỉnh Phú Thọ) là di chỉ được phát hiện đầu tiên tiêu biểu cho giai đoạn văn hoá Phùng Nguyên, giai đoạn mở đầu của thời đại dựng nước.

Cũng thuộc giai đoạn Phùng Nguyên còn có hơn 30 di chỉ khác phần lớn tập trung ở các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình, Hà Tây, Hải Phòng, Hà Nội như: Lũng Hòa, Gò Bông, Xóm Rền, Văn Điển, Tràng Kênh v.v... Phùng Nguyên và các di chỉ đồng dạng kể trên thường phân bố ở miền trước núi, dưới chân gò đồi, ven sông suối ở vùng trung du hoặc trên những thềm sông, trên những gò đồi cao nằm rải rác ở vùng đồng bằng và miền ven biển. Diện tích của mỗi di chỉ rộng hàng vạn mét vuông (có khi đến hàng chục vạn mét vuông) bởi vì đây là những làng chạ định cư khá lớn, tập trung đông đúc dân cư. Khu mộ táng thường nằm ngay trong di chỉ và cùng thời với địa điểm cư trú, đó là những ngôi mộ huyệt đất, đơn táng, thường chôn theo công cụ và đồ trang sức bằng đá, gốm.

Ở một số nơi cu trú khác của người xưa, còn thấy dấu vết chứng tỏ sự tồn tại của những "công xưởng" chế tác đá, chuyên sản xuất đồ nghề, đồ dùng, đồ trang sức, ví dụ như ở di chỉ Tràng Kênh (Hải Phòng)

Phùng Nguyên và các di chỉ thuộc văn hóa khảo cổ Phùng Nguyên đã cho chúng ta những hình ảnh cụ thể, sinh động về cuộc sống của người xưa qua những hiện vật họ để lại.

Người Phùng Nguyên đã chế tác được rất nhiều hiện vật thuộc các loại đồ đá, đồ gốm, đồ xương và một ít đồ đồng.

Hiện vật bằng đá của họ rất phong phú về loại hình và số lượng: nào là rìu, đục, giáo, lao, qua, mũi tên, mũi nhọn, mũi khoan, chì lưới, bàn mài, bàn dập gốm. Rìu bốn Phùng Nguyên loại lớn dài đến 10 cm, loại nhỏ có cái chỉ dài 1,3 cm, có loại hình thang, có loại hình chữ nhật (rìu tứ giác), có loại có vai, có nấc, có loại vừa có vai vừa có nấc. Đục cũng gồm nhiều loại: Đục lưỡi thẳng, đục vũm... Bàn mài đã phát triển thành nhiều kiểu: Bàn mài ráp, bàn mài mịn, bàn mài vũm, bàn mài rãnh, kiểu "dấu Bắc Sơn", kiểu "dấu Hạ Long"... Người Phùng Nguyên trang sức bằng vòng tay, hoa tai, hạt chuỗi, hạt cườm, những mãnh đá mỏng có lỗ để đeo, có hình đuôi cá, hình đồng xu hoặc không có hình thù nhất định. Người Phùng Nguyên đã là nghệ sĩ tạc tượng: ví dụ như tượng người đàn ông ở Văn Điển.

Họ cũng là những người thợ gốm tài tình và điêu luyện đã chế ra được nhiều loại đồ nấu, đồ đựng có kích thước khá lớn: những nồi, chõ, vò, bình, bát, chậu, mâm bồng... Tỷ lệ hài hoà giữa chiều cao và độ phình của đồ gốm Phùng Nguyên khiến cho chúng vừa chững chạc vừa linh hoạt. Hoa văn trang trí trên gốm đã có giá trị mỹ thuật; bằng các chi tiết kết cấu gồm có những chấm đủ các loại, những đường hình dọc đơn giản (như vạch thẳng, gấp khúc, đường cong, lượn sóng...), những kết cấu đơn giản hoặc phức tạp (như hình tam giác, hình tròn, hình mặt nguyệt, hình chữ S); và sử dụng thành thạo nhịp điệu của bố cục cũng như vận dụng khéo léo các chi tiết, người Phùng Nguyên đã tạo nên những dải đồ án hoa văn mang tính chất đối xứng, cân phân, nghiêm túc mà vô cùng linh hoạt.

Người Phùng Nguyên đã bắt đầu làm chủ vùng trung du và một phần đồng bằng Bắc Bộ, đưa nông nghiệp lên thành ngành sản xuất chủ yếu. Họ sống tập trung, định cư trên những khu vực lớn. Họ đã trồng được lúa, dùng cuốc đá để vỡ đất, dao đá để gặt hái, dùng các công cụ gỗ để khai thác lớp phù sa do lụt lội mang đến hàng năm. Sử sách xưa chép: Dân Lạc theo nước triều lên xuống để khẩn ruộng mà làm ăn, ruộng ấy gọi là ruộng Lạc. Hai nhà ngôn ngữ học Nguyễn Kim Thản và Vương Lộc đã đưa ra giả thuyết đáng chú ý: ruộng Lạc có nghĩa là ruộng nước. Ruộng Lạc cũng làm cho chúng ta liên tưởng tới những từ như ruộng rặc, ruộng rộc hiện còn trong tiếng địa phương ở một số vùng trung du, hay từ rác trong tiếng Mường (có nghĩa là nước).

Bên cạnh nghề trồng lúa, nghề trồng rau củ và cây ăn quả vẫn phát triển. Tại di chỉ Tràng Kênh, qua phân tích bào tử phấn hoa, người ta đã tìm thấy hạt phấn của các loài rau đậu bên cạnh hạt phấn của lúa.

Người Phùng Nguyên cũng coi trọng nghề chăn nuôi như mọi dân cư nông nghiệp khác ở những vùng các sông lớn. Chó, trâu đã có từ thời trước; ở giai đoạn này người ta thuần dưỡng và chăn nuôi thêm: gà, bò, lợn. Tượng gà nhà đã được nặn bằng đất nung. Đất Cổ Loa (ngoại thành Hà Nội) khi chưa xuất hiện cung thành của vua Thục còn mang cái tên giản dị là Xóm Gà. Sử cũ ghi: Người Lạc Việt giỏi thuật bói toán bằng chân gà. Nghề nuôi lợn đã trở thành phổ biến. Trong nhiều ngôi mộ cổ có xương hàm lợn chôn theo. Việc thuần dưỡng trâu bò đã được chứng minh qua các xương cốt và tượng nghệ thuật : Tượng trâu bò đã tìm thấy ở nhiều nơi tại Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hà Nội... Ắt hẳn trâu bò đã được dùng kéo cày hay được lùa xuống giẫm cho lúa đất để dễ cấy, như người Mường trước đây còn làm như thế. Chăn nuôi gắn bó chặt chẽ với trồng trọt: đó là một đặc điểm mang tính quy luật trong lịch sử kinh tế nông nghiệp Việt Nam.

Bên cạnh kinh tế sản xuất, vẫn còn tồn tại kinh tế hái lượm ở vị trí thứ yếu. Hạt trám thường thấy trong các di chỉ. Dấu vết săn bắn cũng được chứng thực qua những xương cốt thú rừng tìm thấy trong các tầng văn hóa: Lợn rừng, hươu nai, hổ, dím, khỉ... Lợn rừng và hươu nai là những thú rừng thường phá hoại hoa màu nên đã trở thành đối tượng săn bắn chủ yếu của người xưa; ở di chỉ Tràng Kênh, xương lợn rừng chiếm 47,5%; ở Đình Chàng, xương hươu nai chiếm 40,3%, lợn rừng 15%; ở Đông Lâm, xương hươu nai chiếm tới 67,1%.

Nghề đánh cá phát triển tùy theo từng khu vực. Ở địa điểm Phùng Nguyên cạnh sông Hồng chưa thấy dấu vết của nghề đánh cá, trái lại ở địa điểm Đồng Vông bên sông Ngũ Huyện Khê (thuộc Đông Anh, Hà Nội) lại có nhiều chì lưới bằng đá và đất nung.

Các nghề thủ công ở giai đoạn Phùng Nguyên đã phát triển mạnh mẽ trong đó những nghề như: chế tác đá, làm gốm, luyện kim, đã trở thành những ngành thủ công quan trọng.

Kỹ thuật chế tác đá đã đạt trình độ hoàn thiện: Người Phùng Nguyên đã áp dụng thành thạo tất cả các kỹ thuật chủ yếu của nghề đá: kỹ thuật ghè đẽo, kỹ thuật mài, kỹ thuật cưa, kỹ thuật khoan, kỹ thuật tiện, và kỹ thuật tu chỉnh ép. Trình độ cao của kỹ thuật chế tác đá còn được thể hiện qua các việc chọn màu đá và chất liệu đá thích ứng với nhu cầu sử dụng. Sự tồn tại của những "công xưởng" chế tác đá thể hiện rõ tính chất chuyên môn của công việc sản xuất đồ đá, cũng như sự phân công chế tạo giữa các "công xưởng" này đã phản ảnh trình độ tổ chức chuyên môn của người thợ thủ công Phùng Nguyên.

Sản xuất đồ gốm là một ngành thủ công quan trọng với sự phát hiện và phát triển kỹ thuật bàn xoay. Người Phùng Nguyên, thợ thủ công và nghệ sĩ, đã dồn tất cả tài năng, và khiếu thẩm mỹ của mình vào việc tạo dáng gốm và trang trí hoa văn trên gốm.

Nghề đúc đồng đã ra đời ở giai đoạn Phùng Nguyên và ngày càng chiếm địa vị chủ đạo. Một số cục đồng phát hiện ở di chỉ Gò Bông được phân tích bằng quang phổ cho thấy đó là một hợp kim đồng thau gồm có đồng, thiếc và vết bạc. Việc tồn tại những xi đồng tìm thấy ở nhiều di chỉ cho thấy nghề luyện kim ở thời đại Hùng Vương là một kỹ thuật bản địa.

Nghề dệt ở giai đoạn Phùng Nguyên cũng đã có một bước phát triển nhất định qua sự tồn tại đều khắp một khối lượng lớn dọi xe chỉ. Sau một thời kỳ "dùng vỏ cây làm áo", đã đến thời kỳ trồng gai đay, trồng dâu chăn tằm, ươm tơ, dệt vải, dệt lụa. Tằm là một loài sâu nhiệt đới được tổ tiên ta chăn nuôi từ sớm. Truyền thuyết cũng nói: Thời Hùng Vương dân Lạc chăm việc nông tang. Vết tích vải còn lại qua các cuộc khai quật (dấu vải in trên đồ gốm) cho biết đó là một loại sợi nhỏ, mịn và săn.

Nghề đan lát được người Phùng Nguyên ưa thích, họ để lại cho chúng ta dấu vết những kiểu hoa văn đan trên gốm, dấu vết đồ đan trong các ngôi mộ, trong các tầng văn hoá với những kỹ thuật đan lát khá tinh vi: lóng mốt, lóng đôi, lóng thúng, lóng nia...

Số lượng tài sản khác nhau chôn theo trong các ngôi mộ cổ giai đoạn Phùng Nguyên cho chúng ta biết về sự phân hoá tài sản trong xã hội thời đó. Những mảnh trang sức hình đuôi cá, tượng đàn ông Văn Điển có thể đã phản ánh sự xác lập của chế độ quyền cha, dòng cha. Những hình tượng hoa văn trang trí trên đồ gốm những dáng hình của vòng trang sức có thể phản ánh sự tồn tại của tục thờ thần mặt trời. Tục chôn theo xương hàm lợn trong mộ cũng thường thấy ở nhiều nơi từ thời đại đồ đá mới. Nghệ thuật trang trí đồ gốm Phùng Nguyên còn giúp chúng ta khám phá những biểu hiện khá phong phú của tư duy thẫm mỹtư duy khoa học của người Phùng Nguyên. Nhà khảo cổ học Hà Văn Tấn sau khi phát hiện các kiểu đối xứng trên những hoa văn trang trí gốm Phùng Nguyên: kiểu đối xứng gương (đối xứng lưỡng trắc); kiểu đối xứng trục (đối xứng quay), kiểu đối xứng tịnh tiến, đã kết luận: Người Phùng Nguyên có khả năng tư duy trừu tượng, tư duy mỹ học, tư duy khoa học ở trình độ cao, thể hiện bằng nhiều hình vẽ đẹp và kỳ lạ, nhiều đồ án được tính toán rất chính xác.

Các địa điểm khảo cổ thuộc giai đoạn Phùng Nguyên có những đặc trưng văn hoá không hoàn toàn giống nhau. Người Phùng Nguyên ở lèn Hai Vai (Nghệ Tĩnh) có khác người Phùng Nguyên ở Xóm Rền (Phú Thọ), người Phùng Nguyên ở Văn Điển (Hà Nội) lại khác người Phùng Nguyên ở Tràng Kênh (Hải Phòng).

Đó là tính cánh nhiều màu vẻ của nền văn hoá khảo cổ Phùng Nguyên ở buổi đầu thời đại dựng nước.

TÌM HIỂU GIAI ĐOẠN VĂN HÓA ĐỒNG ĐẬU
TRÊN DI CHỈ ĐỒNG ĐẬU (VĨNH PHÚC)

Rời di chỉ Phùng Nguyên và các di chỉ đồng dạng với nó ở miền trung du và đồng bằng Bắc Bộ, bắc Trung Bộ, chúng ta hãy đến thăm di chỉ Đồng Đậu (huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc) và khoảng một chục di chỉ đồng dạng phân bố trên một địa bàn khá rộng về cơ bản trùng hợp với phạm vi phân bố các địa điểm khảo cổ thuộc giai đoạn Phùng Nguyên. Đó là những địa điểm khảo cổ thuộc giai đoạn Đồng Đậu, giai đoạn thứ hai của thời đại Hùng Vương dựng nước.

Cũng như người ở giai doạn trước, người Đồng Đậu sống định cư lâu dài trên những đồi gò cao nổi lên giữa vùng trung du và đồng bằng với một quy mô rộng lớn.

Hiện vật khảo cổ thuộc giai đoạn Đồng Đậu phần nhiều còn bảo toàn được nguyên vẹn, đa dạng về loại hình, phong phú về số lượng và ổn định về chất lượng. Ở giai đoạn này đã phát hiện được các muỗng đúc, các khuôn đúc rìu, mũi tên bằng đá và bằng gốm phản ảnh trình độ phát triển cao của kỹ thuật đúc đồng Việt cổ. Người Đồng Đậu sử dụng rìu, giáo, dao, dao phạng, dao khắc, đục, giũa, mũi nhọn, mũi tên lưỡi câu, kim, dây...

Rìu có nhiều kiểu: rìu hình chữ nhật, rìu hình xoè cân, rìu hình lưỡi lệch. Mũi giáo hình lá có họng tra cán hình bầu dục. Mũi tên có dạng hình lá, hình cánh én. Lưỡi câu đủ kiểu, có dạng hoàn thiện như lưỡi câu ngày nay. Trong tác phẩm Kinh tế thời Nguyên thủy ở Việt Nam, nhà nghiên cứu lịch sử kinh tế Đặng Phong đã phát hiện rằng, ngoài lưỡi câu thông thường Việt cổ đã sáng tạo một loại lưỡi câu rất độc đáo là lưỡi câu chuôi cong, chuôi gục về phía mũi nhọn có ưu điểm làm cho lưỡi câu vững hơn khi giật dây mũi nhọn móc ngang vào hàm con cá. Cho đến nay ngư dân các tỉnh Thanh Hóa, Hà Nam, Ninh Bình, Hà Tây, Hòa Bình... và đồng bào các dân tộc Thái, Mường... dọc sông Đà vẫn sử dụng lưỡi câu chuôi cong này để câu những con cá lớn ở sông.

Giũa, một trong những hiện vật độc đáo nhất của thời đại đồng thau và thời đại đồ sắt sớm ở nước ta, đến giai đoạn này mới thấy xuất hiện với thân hình chữ nhật, hai cạnh dài hơi bóp vào, trên mặt có những hàng đinh nhọn, chuôi dẹt và thẳng. Đồng thau ở giai đoạn Đồng Đậu qua phân tích quang phổ, là một hợp kim tốt: tỷ lệ đồng là trên dưới 80%, và thiếc trên dưới 15%.

Nghề gốm vẫn là một ngành thủ công quan trọng. Gốm Đồng Đậu rắn chắc hơn gốm Phùng Nguyên vì đã được nung ở một nhiệt độ cao hơn. Không còn xốp bở như trước, xương gốm được pha nhiều cát mịn, thành gốm dày, nặng. Màu sắc gốm có thể là đỏ, nâu đen, vàng nâu, nhưng phổ biến là xám mốc. Kỹ thuật bàn xoay đã đạt đến trình độ hoàn thiện.

Lần đầu tiên, ở giai đoạn này, xuất hiện một loại hình gốm đặc biệt: đó là những chiếc vò, kích thước lớn, thành gốm dày, miệng cao và đứng, bên ngoài có trang trí những đồ án hoa văn phức tạp.

Hoa văn trên gốm được khắc vạch bằng một dụng cụ có nhiều răng (có khi đến 10 răng) tạo nên những nét khắc cạnh hẹp, song song, cách đều nhau làm chúng ta liên tưởng đến bút kẻ khuông nhạc: Người Đồng Đậu đã sáng tạo nên những hoa văn "khuông nhạc".Hoa văn này trang trí phần cổ và miệng gốm, nhất là mặt trong hay trên miệng.

Người Đồng Đậu không ưa những hình đóng kín gò bó, những dải hoa văn cân xứng chặt chẽ mà thích trang trí theo lối phối hợp nhiều kiểu hoa văn tạo nên một lối bố cục độc đáo, phóng khoáng. Những đồ án kết cấu theo hình nan hoa bắt đầu thấy xuất hiện cùng với những vòng trang trí theo hình dây thừng bện, hình sóng nước... Đó là sự khác biệt về phong cách so với giai đoạn Phùng Nguyên.

Những tác phẩm nghệ thuật của giai đoạn Đồng Đậu cũng được phát hiện nhiều hơn trước gồm những tượng hình đầu người, trâu, bò, chim...

Thành tựu của nghề gốm đã được sử dụng để phục vụ cho nghề luyện kim đồng thau. Ở giai đoạn này, đã phát hiện ra những thìa rót đồng, những khuôn đúc đồng. Đất làm khuôn được chọn lọc kỹ, rất mịn, mặt giáp, khuôn nhẵn và khít. Khuôn đúc mũi nhọn ở di chỉ Đồng Đậu một lần có thể đúc hai, ba hiện vật.

Đồ đá vẫn được dùng trong sản xuất và sinh hoạt. Công cụ, vũ khí bằng đá vẫn nhiều về số lượng và phong phú về loại hình. Những bàn mài Đồng Đậu vừa có mối liên quan vơi kỹ thuật chế tác đá vừa có mối liên hệ với thuật luyện kim. Đã xuất hiện loại bàn mài có quai.

Đồ trang sức bằng đá Đồng Đậu đã hoàn thiện về hình dáng. Loại vòng có kích thước lớn và nặng được chế tạo một cách hoàn mỹ. Loại hoa tai 4 mấu phát triển. Loại hình vòng mới xuất hiện là loại vòng có khe hở tròn nhưng to, dày, trau chuốt, tinh vi. Loại hình hạt chuỗi mới là loại hình ống, hai đầu to, giữa cong lõm có khe hở: đó là loại hạt chuỗi hình gối gục. Ngoài ra còn có những đồ trang sức hình trụ tròn hay móng dẹt, có khắc hoặc có lỗ để đeo.

Nghề đá cũng được sử dụng để phục vụ cho nghề luyện kim. Khuôn đúc bằng đá được phát hiện ở nhiều nơi. Ở di chỉ Đồng Dền thấy có một khuôn đúc rìu còn nguyên vẹn cả 2 mang. Ở di chỉ Đồng Đậu phát hiện được một khuôn mỗi lần có thể đúc được 2 đầu mũi tên.

Vũ khí gồm các loại mũi lao có một hoặc hai ngạnh, mũi nhọn có một hay hai đầu. Đồ trang sức có các loại vòng, vật có xuyên lỗ để đeo.

Giai đoạn Đồng Đậu là một bước phát triển tất yếu trên cơ sở giai đoạn Phùng Nguyên.

Nét nổi bật khiến giai đoạn này khác biệt hẳn giai đoạn trước là sự phá triển của kỹ thuật luyện kim đồng thau.

Hiện vật bằng đồng thau trong giai đoạn Đồng Đậu chiếm tỷ lệ trên dưới 20% tổng số công cụ và vũ khí. Ngoài kỹ thuật đúc, người Đồng Đậu còn sử dụng kỹ thuật rèn để làm các hiện vật đồng thau như lưỡi câu, mũi nhọn...

Nghề trồng lúa tiếp tục phát triển, nghề chăn nuôi trâu bò lợn gà được coi trọng. Công cụ và vũ khí bằng đồng thau được sử dụng phục vụ cho các nghề đánh cá, săn bắn. Đã tìm thấy xương và răng voi trong nhiều địa điểm khảo cổ. Người Đồng Đậu dùng lưỡi câu đồng, câu được những con cá trắm dài gần 1 mét, nặng hàng mấy ki-lô-gam. Người Đồng Đậu đã săn được từ trâu, bò rừng, lợn rừng, voi, khỉ cho đến rùa, chuột... Đặc biệt hươu nai, hoẵng ở di chỉ Đồng Đậu chiếm tỷ lệ gần 70% trong số các thú rừng, chúng là đối tượng săn bắn của người thời này.

THĂM DI CHỈ GÒ MUN VÀ TÌM HIỂU GIAI ĐOẠN
VĂN HOÁ GÒ MUN

Rời Đồng Đậu và các di chỉ đồng dạng, chúng ta hãy đi thăm Gò Mun cùng với hơn 10 địa điểm khảo cổ khác thuộc giai đoạn văn hóa Gò Mun được phân bố trên một địa bàn về cơ bản phù hợp với địa bàn các địa điểm thuộc những giai đoạn trước. Đó là Bãi Dưới, Vinh Quang, Đình Tràng, Đồng Lâm, Nội Gầm... thuộc các tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Tây, Bắc Ninh, Hà Nội.

Người Gò Mun cũng thích ở trên những gò đồi cao nổi lên giữa vùng đồng bằng và trung du; họ bắt đầu thích tập trung ở những vùng chân gò, những vùng gò thấp ven các sông Hồng, Cầu, Đáy, Cà Lồ... Cuộc sống định cư lâu dài của họ đã để lại những tầng văn hóa khá dày.

Đến giai đoạn Gò Mun, công cụ và vũ khí đồng thau đã chiếm tỷ lệ trên 50% tổng số công cụ và vũ khí, với các loại mũi tên, mũi nhọn, lưỡi câu, dao, giáo, dây, kim, giũa, dùi, đục. Loại rìu lưỡi xéo đã xuất hiện dưới dạng hoàn chỉnh với mũi rìu hơi chúc và lưỡi hơi cong. Đồ đồng thau Gò Mun đã được sử dụng vào sản xuất nông nghiệp: những lưỡi hái đã được phát hiện; những chiếc rìu cũng đã được sử dụng như những nông cụ.

Đồng thau cũng được dùng làm đồ trang sức: vòng tay được uốn bằng những dây đồng.

Đồ gốm Gò Mun có độ dày rất đều, độ nung cao (khoảng 900C); có mảnh được nung gần thành sành. Gốm có màu xám xanh, xám mốc. Người thợ gốm Gò Mun phát triển lối trang trí hoa văn bên trong miệng hiện vật đã có từ giai đoạn Đồng Đậu. Các miệng gốm Gò Mun thường được bẻ loe ra, nằm ngang, rộng bản, góc tạo thành giữa cổ và thân thường là góc nhọn. Những loại hình thường gặp là các loại nồi, các loại , bình cổ cao, chậu, âu, bát đĩa, cốc. Chân đế có xu hướng thấp dần, loại đáy bằng xuất hiện, hình dáng ổn định, thanh thoát. Ngoài ra còn có các loại bi, dọi xe chỉ, chì lưới.

Loại hoa văn độc đáo và phổ biến của gốm Đồng Đậu là hoa văn nan chiếu, và hoa văn khắc vạch: những đường nét này được phối trí hài hòa với những vòng tròn nhỏ tạo nên những đồ án sinh động kết thành một dải quây vòng phủ kín miệng gốm, làm thành đặc trưng chủ yếu của hoa văn gốm Gò Mun.

Kỹ thuật chế tác đá đang ở trên bước đường suy thoái. Đó là do sự phong phú và sự phát triển của nghề luyện kim đồng thau. Những cái hái bằng đồng thau phát hiện được ở nhiều nơi nói lên sự phát triển và hoàn thiện của nông nghiệp trồng lúa. Hợp kim đồng thau để đúc hái có 89% đồng và 0,1% thiếc với những vết chì. Trong số những công cụ bằng đồng thau dùng để thu hoạch hoa màu của người xưa ở vào khoảng thiên niên kỷ thứ 2 trước Công nguyên, loại hái Gò Mun lưỡi cong, có gờ ở giữa, họng tra cán hình chóp cụt là có hình dáng hoàn thiện và tiến bộ hơn cả.

Lần đầu tiên những mũi tên đồng thau xuất hiện, với loại hình đa dạng và số lượng nhiều, đòi hỏi những tiến bộ về kỹ thuật và cũng đòi hỏi phải có một khối lượng nguyên liệu lớn để đáp ứng đủ nhu cầu, vì mũi tên một lần bắn đi là mất "một đi không trở lại". Truyền thống giỏi cung nỏ của người Việt cổ khiến quân thù xâm lược ở buổi đầu công nguyên phải khiếp sợ và khâm phục, vốn đã có một gốc rễ lâu bền từ giai đoạn Gò Mun này.

Sự phát triển của nghề thủ công luyện kim đã có ảnh hưởng lớn không những đến sự phát triển của nông nghiệp mà còn thúc đẩy sự hoàn thiện của các nghề thủ công khác - trừ nghề làm đồ đá.

Những mũi giáo gỗ phát hiện được ở giai đoạn Gò Mun cho chúng ta biết rằng nghề làm đồ gỗ - một nghề cũng có truyền thống xa xưa như nghề làm đồ đá - vẫn tiếp tục tồn tại và cải tiến.

Người Gò Mun sống bằng nghề làm ruộng trồng lúa nước là chính, đồng thời họ cũng là những người chăn nuôi, săn bắn, đánh cá. Đây là một cung cách làm ăn tiến bộ, cũng là cách làm ăn của mọi dân cư ở những vùng trung tâm nông nghiệp của thế giới cổ đại.

Hiện vật khảo cổ cho thấy rõ: giai đoạn Gò Mun được phát triển trực tiếp lên từ giai đoạn Đồng Đậu và có mối liên hệ chặt chẽ với các giai đoạn phát triển trước đó. Đồng thời giai đoạn Gò Mun cũng chứa đựng những tiền đề vật chất cho sự phát triển của một giai đoạn cao hơn vào cuối thời đại đồng thau và đầu thời đại đồ sắt ở nước ta: giai đoạn văn hoá Đông Sơn.

Phùng Nguyên - Đồng Đậu - Gò Mun: 3 giai đoạn lớn của thời đại đồng thau trong đó cư dân nông nghiệp Việt cổ, người Phùng Nguyên, người Đồng Đậu, người Gò Mun ở vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ, bắc Trung Bộ, đã từng bước chế ngự thiên nhiên, làm ruộng lúa, phát huy được tính ưu việt của nền kinh tế nông nghiệp, bước vào chế độ dòng cha, làm chủ vùng tam giác châu sông Hồng, mở đường cho một giai đoạn văn hoá rực rở, đỉnh cao thời đại dựng nước: giai đoạn Đông Sơn.

. Mở đầu : Thời Ðại Hùng Vương , Nghiên cứu khoa học và tự hào dân tộc
. Chương I : Từ trong mây mù huyền thoại đến hiện thực lịch sử
. Chương II : Hành hương về đất Tổ
. Chương III : Khơi nguồn truyền thống , Thống nhất và văn minh
. Chương IV : Ði tìm dấu vết một thời đại trên những di tích khảo cổ
. Chương V : Bên bờ sông Hồng, sông Mã : Chứng tích của nền văn hoá Đông Dơn rực rỡ
. Chương VI : Ngắm nghía và suy nghĩ về văn vật kỳ diệu của thời đại dựng nước : những chiếc trống đồng Đông Sơn
. Chương VII : Thiên nhiên thời đại dựng nước
. Chương VIII : Thăm lại làng xưa chạ cổ cách đây hàng nghìn năm
. Chương IX : Cuộc sống đầm ấm của gia đình người Việt cổ
. Chương X : Nếp phong tục thuần phác cổ xưa 
. Chương XI : Hội làng thời Hùng Vương
. Chương XII : Những người nghệ sĩ tạo hình tài hoa
. Chương XIII : Thần thoại và truyền thuyết anh hùng Việt cổ
. Chương XIV : Tín ngưỡng và tư duy người xưa
. Chương XV : Khơi nguồn truyền thống thượng võ của dân tộc
. Chương XVI : Bản anh hùng ca dựng nước xây thành chống ngoại xâm của vua Thục An Dương Vương
. Chương XVII : Bà Trưng khởi nghĩa lập chiến công oanh liệt ngàn thu
. Chương XVIII : Lời tạm kết

          *** Hành trình về thời đại Hùng Vương dựng nước qua hình vẽ trên Trống đồng ***