Chim Việt Cành Nam [ Trở Về ]
HÙNG VƯƠNG DỰNG NƯỚC Lê Văn Hảo |
NẾP PHONG TỤC THUẦN PHÁC CỔ XƯA |
Trong
những làng xưa chạ cổ cách đây hàng nghìn năm, chúng ta
đã quan sát người Việt cổ qua cách ăn ở, ăn mặc, ăn uống
nhiều màu vẻ của họ, chứng tỏ trình độ sinh hoạt và
nhu cầu của xã hội Việt cổ đã phát triển đến một mức
nhất định. Phong tục tập quán của người Việt cổ, thuần
phát nhưng không kém phần đa dạng, những tập tục về sinh
đẻ, cưới xin, tang ma, về giao tiếp cộng đồng, cũng cho
chúng ta nhiều hình ảnh sinh động về một đời sống xã
hội phong phú, hài hoà.
Qua truyền thuyết dân gian và tư liệu dân tộc học so sánh, ví dụ truyền thuyết về đám cưới Mị Nương - Sơn Tinh ( quen gọi là Ông Tản, người anh hùng núi Tản ) con gái và con rể vua Hùng, tư liệu về đám cưới truyền thống của người Mường v.v... ta có thể hình dung được phần nào đám cưới và những phong tục cưới xin hàng nghìn năm trước đây; Sơn Tinh và Mị Nương có thể là hình ảnh của những chú rể và cô dâu ở thời đại Hùng Vương. Hôn nhân thời ấy đã là chế độ hôn nhân một vợ một chồng đánh dấu sự hình thành những gia đình cá thể, những lứa đôi gắn bó với nhau một cách ổn định, khác với những hình thức hôn nhân lỏng lẻo, tùy tiện và chế độ quân hôn hỗn tạp ở thời nguyên thủy. Mị Nương, giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh, chỉ chọn lấy Sơn Tinh, cũng như trong những lứa đôi khác ở thời Hùng Vương: Tiên Dung một cô con gái khác của vua Hùng chỉ lấy chàng trai nghèo Chử Đồng Tử; người con gái họ Lưu, trong truyện Trầu Cau, chỉ lấy một trong hai anh em Tân và Lang. Trong những cuộc hôn nhân một chồng một vợ đó, người con gái về nhà chồng : Mị Nương theo Sơn Tinh về núi Ba Vì ( Tản Viên ). Trái với phong tục chàng rể phải về ở với gia tộc bên vợ như ở thời kỳ chế độ quyền mẹ ( mẫu quyền ), tục con gái về nhà chồng đánh dấu sự thắng lợi bước đầu của tổ chức gia đình và xã hội quyền cha ( phụ quyền ). Nghi lễ cưới xin đã phát triển đến mức độ đáng kể thể hiện qua một số phong tục khác có ý nghĩa đặc sắc. Trước hết đó là tục thách cưới : Khi Sơn Tinh và Thủy Tinh cùng đến xin vua Hùng gả con cho thì vua Hùng đã thách hai người phải đem nộp " voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao... ". Thời kỳ mẫu hệ không có tục thách cưới. Tục lệ mới phản ánh sự giảm sút trong thân phận và giá trị người phụ nữ : họ bắt đầu trở thành món hàng để trả giá, bán mua. Trong nghi lễ hôn nhân Việt cổ đầu tiên có lễ dạm. Vật phẩm dùng trong lễ này là gói đất. Sách Lĩnh Nam chích quái chép : Ở thời Hùng Vương " việc hôn nhân lấy gói đất làm đầu ". Vị trí của đất thật là quan trọng trong đời sống vật chất và tinh thần của nhiều tộc người cổ đại. Ở người Việt cũng như nhiều dân tộc như Khmú, Kháng, Mảng, Laha, Xinh - mun... ( vốn có nhiều nét gần gũi với người Việt ), đất là một vật chất và hình tượng cao quý, thiêng liệng. Bởi lẽ đất là nguồn sống tuyệt đối của những cư dân nông nghiệp ruộng rẫy; ở những tộc người mà trình độ phát triển càng cao phải dựa nhiều vào đất. Ý nghĩa tượng trưng của đất dùng trong nghi lễ hôn nhân cũng là điều tự nhiên. Nhưng phong tục cưới xin này hình như còn gắn bó với một tục rất cổ khác của người Việt là tục ăn đất và chế biến đất ăn : Tục này thấy ở người Kháng ( Tây Bắc ), người Bana ( Tây Nguyên ) cũng như ở người Việt cổ truyền các vùng Thái Bình, Hà Nam, Hà Tây, Phú Thọ. Đất ăn được hun bằng cỏ tế và cây sim trở thành một thứ hương liệu được gọi là " ngói " hay " đá non " và được nhân dân những vùng có tục ăn đất rất ưa thích : người ta mua về làm quà cho nhau, hay đem ra mời khách như mời nhau điếu thuốc miếng trầu. Ở Vĩnh Phú vùng đất tổ Hùng Vương còn tục con gái sau khi cưới còn ở lại nhà cha mẹ đẻ một thời gian và khi về ở hẳn nhà chồng thì bố mẹ cho vừa bò, vừa lúa, vừa nghề làm đất ăn : gian nhà đất, giếng đất và cả dụng cụ làm " ngói ". Nếu như trầu cau " miếng trầu là đầu câu chuyện " là lễ vật cổ truyền không thể thiếu của đám cưới, thì miếng ngói một thứ hương liệu ( đất thơm ) cũng được xem như món quà quý trong lễ dạm, có lẽ đó là giá trị và ý nghĩ thực tiễn của gói đất đặc biệt mà Lĩnh Nam chích quái đã nói đến (1). Ở những vùng núi và trung du hiếm muối ăn thì " Việc hôn nhân lấy gói muối làm đầu " (2). Có thễ dễ dàng thấy ý nghĩa vừa tượng trưng vừa thực tiễn của muối : rất cần cho đời sống, thứ gia vị và thực phẩm này có khi là thứ của hiếm và quý; nó biểu hiện sự mặn mà đằm thắm rất hợp với tinh thần của hôn nhân. Sau lễ dạm thì đến ngày lễ cưới. Truyền thuyết và sử sách cổ tả lại đám cưới của Sơn Tinh - Mị Nương đều đồng nhất lễ hỏi và lễ cưới. Nghi lễ hôn nhân chỉ gồm có hai bước ( dạm và cưới là một nét độc đáo của phong tục Việt cổ ) khác với phong tục hôn nhân của các tộc người ở phương Bắc, và điều này còn được bảo lưu về sau ở nhiều tộc người ở phương nam quanh người Việt cũng ở ngay trong người Việt : nhiều đám cưới người Mường, người Tây Nguyên, người nông dân Việt ( ở các vùng ít chịu ảnh hưởng lễ giáo phong kiến ) ở thời đại vẫn còn giữ tục lệ đồng nhất lễ hỏi và lễ cưới. Sử sách cổ Trung Quốc nhiều lần nhấn mạnh sự khác biệt về chế độ phong tục hôn nhân giữa người Việt và người Hán đầu công nguyên. Bọn xâm lược thống trị phong kiến nhà Hán, trong âm mưu đồng hoá người Việt đã từng đặt cả một chức quan coi về hôn lễ, làm mối gọi là " mối quan ", với ý đồ thủ tiêu phong tục hôn nhân từ thời Hùng Vương để truyền bá điển lễ hôn nhân phong kiến Hán tộc. Nghi thức hôn lễ Việt cổ có kèm những trò vui : người dự dám cưới lấy bùn, đất, hoa quả ném vào chàng rể. Nhiều hội làng cổ truyền vùng Phú Thọ nhắc lại sự tích tống diễn chàng rể Sơn Tinh trong đám cưới Mị Nương, cũng như nhiều đám cưới Mường thời cận đại vẫn còn giữ nguyên phong tục cổ kính độc đáo này. Lĩnh Nam chích quái còn cho biết thêm : trong đám cưới, người ta giết trâu, dê làm đồ lễ, nấu cơm nếp để cô dâu chú rễ nhập phòng cùng ăn, sau đó mới thành thân. Tục cùng ăn cơm chung trước khi đôi gái trai chính thức thành vợ chồng, cũng là một nghi lễ quen thuộc trong nhiều đám cưới Mường và Tây Nguyên thời cận hiện đại. Bên cạnh những phong tục hôn nhân đánh dấu bước phát triển lịch sử xã hội theo hướng quyền cha, vẫn còn tồn tại nhiều tàn dư của chế độ quyền mẹ. Người phụ nữ trong các cuộc hôn nhân thời Hùng Vương tỏ ra có một vai trò chủ động : nàng Tiên Dung chủ động lấy anh chàng họ Chử ; cô con gái họ Lưu chủ động thử thách và chọn lấy người anh trong cặp anh em Tân, Lang. Sách sử Trung quốc chép Mị Châu con gái vua Thục chủ động yêu Trọng Thủy. Như vậy là người phụ nữ còn tương đối tự do phóng khoáng, không chỉ trong hôn nhân mà cả trong việc gái trai yêu đương. Truyền thuyết và tín ngưỡng dân gian vùng đất Tổ ( Phú Thọ, Hà Tây, Bắc Giang ) cho biết có những người phụ nữ Việt cổ đã thụ thai " một cách thần bí " ( giẫm vào một dấu chân khổng lồ, nhìn thấy cầu vồng, gặp rắn, rồng... ), khiến cho con cái chỉ biết mẹ mà không biết đến cha. Sử sách Trung Quốc và Việt Nam cho biết vào đầu Công nguyên nhiều làng chạ Việt cổ vẫn giữ tục lệ cũ cho gái trai được tự do gắn bó vào mùa thu, vốn là mùa cưới xin, mùa hồng cốm... Và mãi cho đến đời Trần, ở những gia đình nghèo, trai gái vẫn tự do lấy nhau : vào những ngày cuối năm, trước tết Nguyên đán, có tục lễ tháo khoán cho gái trai tự do lấy nhau không cần theo điển lễ phong kiến. Ở thời Hùng Vương còn có tục con gái lấy chồng rồi lại quay về nhà mẹ đẻ ở một thời gian, sau vài mùa cau, mùa lúa mới về ở hẳn bên chồng. Truyền thuyết vùng đất tổ kể rằng Ngọc Hoa con gái vua Hùng ở miền này đi lấy chồng là Sơn Tinh ở núi Tản Viên, cưới xong nàng lại trở về quê cha, lâu không trở lại núi với chồng, thành ra Sơn Tinh phải tới đón về; rời quê cha, lòng Ngọc Hoa buồn rười rượi, nhân dân các làng chạ làm trò vui cho Ngọc Hoa khuây khoả và để tiễn đưa hai vợ chồng. Đó là nguồn gốc của tục lệ rước Chúa Ông Chúa Bà và trò Bách nghệ khôi hài ở một số làng quanh vùng núi Hi Cương, nơi có ngôi đền Hùng : hàng năm khi mở hội " vào đám " nhân dân chọn lấy hai thanh niên gái và trai đóng vai Ngọc Hoa và Sơn Tinh cho ngồi trên kiệu rước đi, trước kiệu là một đoàn người ăn mặc sặc sỡ cầm các vật tượng trưng cho gia súc, cờ quạt, lúa, ngô,... vừa đi vừa nhảy múa làm trò vui. Sử sách cho biết Trưng Trắc và Thi Sách sau khi lấy nhau vẫn ở riêng mỗi người tại đất bản bộ ( Mê Linh và Chu Diên ) của mình. Nhiều làng ở Phú Thọ, Hà Tây, Bắc Giang, cho mãi đến trước Cách Mạng Tháng Tám, vẫn giữ tục lệ con gái lấy chồng rồi quay về nhà cha mẹ đẻ một thời gian. Ở một số làng thuộc huyện Đan Phượng ( Hà Tây ) các đám cưới cổ truyền được tiến hành theo những nghi thức khá đặc biệt : Ngay vào ngày cưới, cô dâu chỉ về nhà chồng ở lại đấy có một đêm rồi sau đấy lại trở về nhà cha mẹ đẻ. Đêm ở nhà chồng ấy, cô dâu thường có họ hàng hoặc bạn bè của mình ngủ chung gọi là " ngủ bạn ". Sớm hôm sau, ngay từ gà gáy tinh mơ, cô dâu trở về nhà mình. Ngày hôm ấy và mấy ngày hôm sau nữa, nhà trai tiếp tục cho người đi đón cô dâu, và cô dâu cũng chỉ về nhà chồng vào buổi tối, còn ban ngày thì trở về nhà mình. Sau đấy nhà trai tạm ngừng việc đưa đón và cô dâu ở lại hẳn bên nhà mẹ. Sau một thời gian, có thể là từ năm ba tháng đến vài ba năm, nhà trai tổ chức lễ xin về với đầy đủ các nghi thức như dẫn lễ, ăn uống ( có khi còn to hơn lễ cưới ). Từ đấy, cô dâu về ở hẳn nhà chồng. Đến đây nghi lễ hôn nhân mới thực sự kết thúc. Sơn Tinh thuở xưa cũng đã tổ chức lễ xin về và sau đó nhân dân địa phương cử hành cuộc rước tiễn " Chúa Ông Chúa Bà " Cho đến gần thế kỷ XV, Đại Việt sử ký toàn thư cho biết ở một số nơi " tập tục cưới gả phần nhiều không theo nghi lễ, có khi lễ cưới xong còn để đến ba bốn năm mới cho rước dâu ". Như vậy, phong tục hôn nhân thời Hùng Vương với chế độ một vợ một chồng, con gái về nhà chồng, với tục thách cưới và lễ tiết đạm và hỏi cưới đồng nhất là phong tục hôn nhân của xã hội quyền cha, nhưng vẫn còn trộn lẫn vào một số tàn dư của phong tục hôn nhân ở thời kỳ quyền mẹ. Ở hệ thống phong tục ấy đã thấy được những biểu hiện sớm về một phong cách dân tộc được kế thừa và bảo lưu lâu dài về sau trong nhiều dân tộc ở Việt Nam. |
Khi có người lìa đời, tục lệ đầu tiên của người Việt cổ là giã cối. Sách Lĩnh Nam chích quái ghi rõ : Có người chết thì giã cối làm lệnh, người lân cận nghe tiếng đến cứu. Tiếng chày cối va chạm ở đây coi như những tín hiệu thông tin cho làng chạ biết. Ở người Mường và ở một số vùng người Việt như Phú Thọ, Hà Tây, ngoại thành Hà Nội, tục lệ cổ kính này vẫn còn bảo lưu cho mãi đến gần đây. Trước khi đem chôn xác chết, một số nghi lễ được cử hành, phản ánh quan niệm và thái độ của người Việt cổ về cõi chết và cõi sống, sự chết và sự sống. Người ta cầu cúng, tưởng nhớ, tiếc thương người chết bằng khóc than vỗ về khuyên nhủ, nhắc nhở người chết về nguồn gốc, bổn phận và cách sống ở thế giới bên kia bằng những bài hát cầu hồn. Một nhân vật quan trọng trong lễ tang với vai trò tương tự như thầy mo trong các đám ma Mường cận hiện đại, hát lên những bài mo cầu hồn, tiễn hồn dưới hình thức ví von vần vè của sử thi, vừa hát vừa làm những cử chỉ bộ điệu tương ứng với nội dung bài mo. Nhân vật thầy mo được coi như có khả năng giao tiếp với thần linh và với linh hồn người chết, đứng ra làm môi giới giữa người sống và hồn ma, dẫn dắt hồn ma đến nơi đến chốn trong cuộc hành trình về cõi chết, cõi bên kia. Sau khi thầy mo đã hát múa cầu hồn, tiễn hồn xong người ta chia của cho người chết để mang sang thế giới bên kia : đó là những vật quý, đồ trang sức, vũ khí, công cụ, đồ dùng hằng ngày dưới dạng vật thật hay vật tượng trưng ( làm thu nhỏ lại, cũng bằng chất liệu và với hình dáng vật thật ). Trong chiếc quan tài ở ngôi mộ Việt Khê có chôn theo đến 107 hiện vật gồm đồ đồng, đồ đá, đồ gỗ, đồ đan, vải sơn ( không có đồ gốm ): bình, thạp, thố, đỉnh, khay, chuông, trống đồng, hộp sơn bằng gỗ, giáo cán dài, dao găm, kiếm và cả một cái bơi chèo bằng gỗ. Đây ắt hẳn là mộ của một nhân vật quyền quý, giàu sang. Sau bước chia của đến bước chôn cất thì ở đây phong tục tang ma của người Việt cổ đã phát triển rất đa dạng phong phú. Ở đầu thời Hùng Vương đã có tục chôn người dưới huyệt đất : nhiều huyệt đất được đào công phu thành tầng cấp sâu rộng; đến thiên niên kỷ I trước Công nguyên phổ biến những huyệt hình hộp chữ nhật như ngày nay. Ở thời đó, cũng có nơi người ta chôn xác chết trong tiểu gốm ở nghĩa địa sát địa điểm cư trú. Ở nơi khác xác chết được chôn trong những chiếc quan tài bằng thân cây khoét rỗng hình thuyền độc mộc ở xa nơi cư trú, như phong tục của người Mường cận đại. Xác chết có lót hoặc bao chiếu cói đặt nằm giữa quan tài và xung quanh là những của cải mang theo. Ở nơi khác nữa, có tục hoả táng : người chết được đốt cùng với thứ mặc và đồ trang sức trên người, sau đó than tro và xương răng cháy vụn được bỏ vào những đồ đựng lớn và quý như thạp đồng, trống đồng ( lật ngửa ) cùng với tài sản được chia rồi đem chôn sâu ở nơi xa nơi cư trú, như phong tục người Thái, người Tày - Nùng cổ cận đại. Cũng có trường hợp vật tuỳ táng được đặt ở bên ngoài, xung quanh đồ đựng than tro của người chết. Có một vài hình thức chôn cất khá lạ : chôn người - chủ yếu là trẻ con - trong những đôi nồi lớn úp miệng; chôn đầu người trong những đồ đựng bằng đồng nhỏ như thạp nhỏ và thố. Qua hệ thống phong tục tang ma, qua quan niệm và thái độ đối với người chết, sự chết và cõi chết, có thể thấy được phần nào sự phát triển lịch sử - xã hội và tình cảm - tư duy. Sự săn sóc, ân cần chu đáo thể hiện qua khóc than, hát mo, chia của, chôn cất, xuất phát từ tình người là chủ yếu chứ không phải là vì lo ngại, sợ hãi như ở thời nguyên thủy. Cũng có thể người Việt cổ quan niệm rằng người chết vẫn còn tiếp tục tham gia vào sinh hoạt của người sống, hoặc làm lợi hoặc làm hại cho họ bằng những phương tiện thần bí, do đó họ có thể hiện lòng kính trọng và sự quan tâm săn sóc của mình đối với người thân đã khuất bằng những nghi lễ chôn cất có tính chất ma thuật nhằm bảo đảm cho mình được nhiều ảnh hưởng tốt, ngăn ngừa những ảnh hưởng có hại. Chắc chắn là người Việt cổ quan niệm người chết vẫn rất gần gũi với người sống, hơn nữa họ muốn tạo ra sự gần gũi đó bằng cách chôn người thân sát địa điểm cư trú, những trường hợp đem chôn sâu ở xa nơi cư trú không phải là phổ biến. Người sống hi vọng rằng người thân đã chết sẽ còn lẫn quất đâu đó và phù hộ cho mình. Qua những nghi thức chôn cất cũng thấy rõ sự phân hoá của cải và địa vị xã hội được phản ánh qua quy mô và mức độ giàu có chênh lệch rõ ràng giữa các ngôi mộ, nhất là trong khoảng thiên niên kỷ I : có ngôi mộ chôn theo hơn 100 hiện vật ( có thể là mộ của thủ lĩnh bộ lạc ), có ngôi mộ không có hiện vật nào ( mộ của người nô lệ ? ). Sự bảo lưu kế thừa các phong tục chôn cất nhiều màu vẻ của thời Hùng vương ở những dân tộc khác nhau về sau này, chẳng hạn như bảo lưu hình thức chôn người dưới huyệt đất hay trong tiểu gốm ở người Việt, hình thức chôn người trong quan tài bằng thân cây khoét rỗng ở người Mường, hình thức hoả táng ở người Thái, người Tày - Nùng, cho thấy rằng đó là dấu hiệu của những đặc trưng dân tộc ở các thành phần cư dân khác nhau thời Hùng Vương cùng sống xen kẽ và hoà hợp trong thời đại dựng nước. * * * Từ khi sanh ra đến khi trưởng thành, " thành đinh ", chắn chắn người thời Hùng Vương có những phong tục phong phú độc đáo mà chúng ta chưa biết hết. Tuy nhiên, căn cứ vào Lĩnh
Nam chích quái có thể thấy ít nhất là một tục lệ
áp dụng cho trẻ sơ sinh là lót ổ bằng
lá chuối cho nằm. Sách nói trên chép : Đẻ con ra lấy
lá chuối lót cho nằm. Đồng bào Mường gần đây vẫn còn
giữ tục lệ đẻ con xong đem đặt lên trên một cái mẹt
- tiếng Mường gọi là " cúm " - lót một tàu lá chuối tươi;
bà đỡ hát nựng đứa bé và cử hành một số nghi lễ tượng
trưng thần bí nhằm cầu phúc cho nó rồi mới ẵm dậy.
|
|
Khi cậu thiếu niên Việt cổ
bước vào tuổi lao động có hiệu qủa, và sắp trở nên
một thành viên trẻ trưởng thành của làng chạ, cậu phải
trải qua một hệ thống thủ tục gọi là lễ công nhận,
còn gọi là lễ thành đinh hay lễ gia nhập. Đó là những
nghi lễ thử thách, thi tài mà những thanh niên mới vào đời
phải trình diễn trước công chúng, chứng tỏ là đã có tập
luyện công phu. Trong các xã hội quyền cha đã ổn định sau
thời Hùng Vương, chỉ đối với con trai đến tuổi 15, 16
hoặc 18, tuỳ nơi, mới cần dự lễ này, và thường là theo
cách giản dị, chỉ cần một thủ tục có tính chất trình
diện. Nhưng ở thời Hùng Vương, thời kỳ chế độ quyền
mẹ quá độ sang chế độ quyền cha, những thủ tục của
lễ thành đinh khá phức tạp và áp dụng cho cả gái lẫn
trai, bao gồm đủ các tính chất : rèn luyện, thử thách, kiểm
tra, công nhận. Đó là những cuộc thi long trọng để cá nhân
biểu diễn tài sản xuất và chiến đấu, tỏ ra am hiểu tục
lệ làng chạ và lịch sử nòi giống, đồng thời bày tỏ
lòng dũng cảm, tài tháo vát, sự mưu trí... Sau đó người
ta xăm mình cho các thanh niên hay thanh niên tự xăm mình làm
dấu hiệu chứng nhận đã thông qua lễ thành đinh. Dấu hiệu
được xăm là hình chim hay hình thuồng luồng, hình rùa hay
hình gà, di tích vật tổ xưa của cộng đồng bộ lạc. Trong
xã hội cổ đại nói chung, người ta quan tâm đến việc giáo
dục tập luyện cho thế hệ trẻ mà làng chạ hay bộ lạc
có trách nhiệm trực tiếp. Lễ thành đinh có thể được
tổ chức trong khuôn khổ của hội làng mùa thu.
Lễ thành đinh thời Hùng Vương đã để lại tàn dư, biến tướng khá rõ nét trong các dân tộc ở Việt Nam các thời kỳ về sau. Ở các làng xã người Việt thời cận đại, trong những ngày hội mùa xuân, hội mùa thu, người ta thường tổ chức những cuộc thi vật, thi chạy, đánh phết, đua thuyền, thi hát ( hát quan họ, hát trống quân ...) v.v... Ngoài ra còn có thi kéo lửa nấu cơm, thi dệt vải, làm bánh, dọn cỗ, thi cày, cấy, thi chọi gà, chọi chim v.v... Sự khác nhau ở hội làng người Việt sau này và lễ thành đinh Việt cổ là ở chỗ ngày xưa người ta tổ chức những cuộc thi cho những thành viên trẻ của làng chạ phải dự một lần trong đời để được xã hội công nhận còn sau này thì mở hội cho mọi người cùng dự để củng cố tinh thần tập thể cộng đồng, nuôi dưỡng truyền thống thượng võ, rèn luyện kỹ năng, khuyến khích sự tháo vát, nhanh nhẹn, tài trí... và để mua vui cho dân địa phương. Hội đâm trâu ở các dân tộc Tây Nguyên, hội mùa xuân ở các dân tộc Tây Bắc, Việt Bắc như hội gầu tào ( Mèo ), hội lồng tồng, hội múa sư tử ( Tày - Nùng ), lễ xiên cha ( Thái, Xá ) v.v... cũng là những tàn dư của lễ thành đinh cổ xưa. Tục xăm mình, vốn là một nghi thức của lễ thành đinh, một tập tục phổ biến ở người Việt cổ, vẫn còn tồn tại trong xã hội Việt Nam trung đại đến thế kỷ thứ XIII. Thời cận đại ở Lào, ai xâm mình thì được coi là người can đảm, được vào ở chùa. KẾT CHẠ ĂN THỀ ĐỜI ĐỜI GẮN BÓ VỚI NHAU Giữa các làng chạ với nhau, nhất là đối với các chạ mà sự phát triển lớn mạnh đã dẫn tới việc tách ra làm hai, chắn chắn là có những phong tục xung quanh việc hợp tác tương trợ, việc liên kết cộng đồng và tình cảm. Truyền thống hợp tác tương tợ giữa các thành viên cùng làng chạ hay giữa hai chạ (" chạ anh, chạ em ") là một truyền thống được gìn giữ lâu dài cho đến sau này. Giữa hai chạ người ta tổ chức lễ kết nghĩa ăn thề, quy định thành tục lệ những trách nhiệm, nghĩa vụ giữa các chạ anh, chạ em, làng anh, làng em như sau này trong tục " đi nước nghĩa " của các làng người Việt vùng Phú Thọ, tục kết chạ, ăn giải của các làng vùng Bắc Ninh, đời đời giao hiếu gắn bó với nhau. Trong làng hay giữa các làng,
trong các công việc làm ăn, kết bạn có những phong tục chung
quanh việc gặp gỡ, trao đổi, giao thiệp. Người ta mời nhau
ăn
trầu: " Miếng trầu là đầu câu chuyện ", người ta
trao đổi tặng phẩm... Gần với tục ăn trầu có tục
nhuộm răng cũng là một tập tục cổ còn giữ lại
trong xã hội người Việt đến đầu thế kỷ 20. Trong những
ngày hội đón khách buôn, khách đến thăm, khách hát múa của
các làng miền xuôi, miền núi như hội Lim
ở tỉnh Bắc Ninh,
hội hoa ban ở Tây
Bắc, hội hai, hội
lồng tồng ở Việt Bắc... còn có thể thấy được
hình ảnh đậm nhạt của sinh hoạt giao du, vui chơi, hội hè
ở thời Hùng Vương.
|
_______________________
(1) - Lê Thị Nhâm Tuyết, Về chế độ và phong tục hôn nhân thời Hùng Vương dựng nước tập III, trang 267-71 (2) - Một số di bản của Lĩnh Nam chích quái là gói muối thay cho gói đất. Đinh Gia Khánh khi làm chú giải sách này có gợi ý "Kể ra hai cách đều có thể được cả". |