Chim Việt Cành Nam [ Trở Về ]
HÙNG VƯƠNG DỰNG NƯỚC Lê Văn Hảo |
TÍN NGƯỠNG VÀ TƯ DUY NGƯỜI XƯA |
Hình ngôi sao - mặt trời giữa mặt trống đồng, hình chim, hươu, cóc, cá sấu...trên trống, trên thạp đồng và trên những hiện vật khảo cổ khác là những biểu tượng của một thứ tôn giáo tự nhiên đã có từ thời nguyên thuỷ, kết hợp với tôn giáo nông nghiệp của người Việt cổ trồng lúa nước thời Hùng Vương. Trong tư duy tôn giáo Việt cổ còn đọng lại tín ngưỡng vật tổ có từ rất xa xưa, thưở con người còn sống gần gũi, gắn bó với giới thực vật và động vật và chưa đủ sức mạnh để tách hẳn ra khỏi nó để ngự trị nó. Do đó có những thị tộc, rồi những bộ lạc nhìn nhận một động vật hay một thực vật nào đó là cùng dòng dõi của mình, là tỏ tiên hay họ hàng thân thích của mình. Chim, cá sấu, hươu nai, trâu , gà, cóc hay cây dâu, cây trầu, cây đậu...đã từng là vật tổ của người nguyên thuỷ rồi của người Việt cổ. Người Việt cổ ngày nay vẫn tự hào một cách bóng bẩy, đầy ý nghĩa hình tượng rằng mình là "con Rồng cháu Tiên". Đó là một niềm tự hào bắt nguồn từ tín ngưỡng vật tổ xa xưa. Một gống chim từ lâu đời được tôn thờ là tổ tiên của một cộng đồng người ở miền núi rừng và trung du mà con cháu về sau phát triển thành bộ lạc Văn Lang - cũng tức là Mê Linh, mà Văn Lang hay Mê Linh chỉ là dạng Việt - Hán của những từ cổ là Mling, Mlang, Kling, Klang, Bling, Blang trong các ngôn ngữ Đông Nam Á đều có nghĩa là chim, ví dụ chim hràng của người Khmú, chim kláng của người Mường...Một giống thuồng luồng, trước khi được nhập với cá sấu, rắn nước, rái cá và một số giống vật khác để được huyền thoại hoá thành con rồng, đã là vật tổ của một cộng đồng vốn cư trú ở miền sông biển trước khi hoà hợp vào trong khối liên minh bộ tộc Văn Lang. Hai hình tượng chim và rồng mang ý nghĩa tín ngưỡng vật tổ này gắn liền với hệ thống thần thoại xoay quanh cái trục đất (núi) - nước (sông) đã tồn tại khá phổ biến ở các dân tộc miền Đông Nam Á và Nam Thái Bình Dương. Riêng ở Việt Nam, người Mường và các dân tộc người ở Tây Nguyên sống ở các vùng trung du, cao nguyên và rừng núi còn giữ truyền thuyết và tín ngưỡng về chim tổ đậm nét hơn, còn người Việt sống ở các miền đồng bằng ven sông ven biển thì nhấn mạnh nhiều hơn đến những truyền thuyết và tín ngưỡng về rắn, rồng, thuồng luồng, giao long. Và như thế, từ một hệ thống lưỡng hợp Chim - Rồng đã phân lập ra 2 bộ tộc lớn : một bên là bộ tộc gắn với Mặt Trời - Tiên - Núi - Chim - mà sản phẩm tiêu biểu là trống đồng Ngọc Lũ, truyện Ông Tản và những truyền thuyết về Chim Tổ, bên kia là bộ tộc gắn với Nước - Rồng rắn - Sông biển mà sản phẩm tiêu biểu là thuyền chiến, thuyền đua, hội nước và những truyền thuyết về Rồng, Rùa. Trong những hình thức tôn giáo tự nhiên có tục thờ mặt trời là một tín ngưỡng rất cổ còn được bảo lưu ở thời Hùng Vương. Hình ngôi sao mặt trời được chạm khắc phổ biến trên mặt trống đồng, trên nắp thạp đồng. Những hình người và động vật (hươu nai, chim chóc...) trên mặt các trống Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Sông Đà...đều đi, nhảy, chạy, bay chung quanh hình mặt trời ngược chiều kim đồng hồ. Trống nào cũng vậy, rõ ràng không phải là ngẫu nhiên. Hình ảnh mặt trời đã để lại dấu ấn sâu sắc trong cuộc sống của người Việt cổ trồng lúa nước đến mức họ đã luôn khắc họa nó ở vị trí trung tâm của trống đồng, văn vật tiêu biểu của nền văn minh Việt cổ. Cùng với mặt trời, đất và nước là hai thực thể khác có ý nghĩa thiết thân đối với nghề nông và đã được thần thánh hoá từ lâu đời. Đất có thần Đất, thần Bếp, thần thành hoàng làng coi giữ. Việc thờ thần Nước và mở hội nước lại càng quan trọng và phổ biến hơn. Phần lớn các làng chạ ven sông, ven biển đều thờ thần Nước và mở hội rước nước, đua thuyền, đánh trống cầu mưa. Tục thờ thần Nước và mở hội nước sẽ tồn tại lâu dài suốt thời phong kiến ở tất cả các vùng đồng bằng ven sông ven biển từ Bắc dến Nam. |
Trình độ văn hoá tinh thần ngày một cao giúp cho con người dần dần tách rời khỏi giới động vật và thực vật, đồng thời khẳng định sức mạnh của chính mình trước những hiện tượng thiên nhiên. Những sức mạnh thiên nhiên không còn là đối tượng sùng bái duy nhất nữa. Ý thức về giống nòi và tập thể cộng đồng đã dẫn người Việt cổ đến việc sùng bái trước hết là tổ tiên và những người đứng đầu cộng đồng của mình, từ làng chạ đến liên minh bộ tộc, và vị thần - người lớn nhất bấy giờ hiển nhiên là thủ lĩnh tối cao của các miền đất đai và các tộc người của nước Văn Lang : vua Hùng. Việc sùng bái vị thủ lĩnh đã có công thành lập liên minh bộ tộc, hình thức nhà nước sơ khai đầu tiên, đã khơi nguồn cho một trong những truyền thống có ý nghĩa hay và đẹp nhất của dân tộc Việt Nam : truyền thống tưởng nhớ tổ tiên, tưởng nhớ những người đã có công lớn trong việc dựng nước và giữ nước. Đặc biệt là cho đến nay "trải qua mấy nghìn năm, biết bao thế hệ, biết bao biến đổi mà người Việt Nam ta vẫn tưởng nhớ vua Hùng với tất cả tình yêu và lòng tin... thì sự tưởng nhớ đó phải có sức mạnh lạ thường, phải có gốc rễ rất vững chắc" : "Sự tưởng nhớ ấy là biểu hiện của sức sống mãnh liệt, một biểu hiện của niềm tự hào dân tộc, ý thức độc lập, tự chủ, ý chí kiên cường bất khuất đã thể hiện trong cuộc đấu tranh không ngừng và vô cùng ác liệt chống ngoại xâm và thiên nhiên... (1). Sự sùng kính đối với những nhân vật cụ thể là các vua Hùng dần dần đưa người Việt cổ đến chỗ đồng nhất các anh hùng dựng nước này với hệ thống các thần linh có từ trước, các vật tổ chim và rồng được nhân cách hoá thành Mẹ Âu và Bố Rồng. Vua Hùng trở thành những người con của hai vị anh hùng thần thoại đã có công khai sáng lịch sử và văn hoá dân tộc, và bản thân vua Hùng, anh hùng dựng nước, cũng đứng trong hàng ngũ của những anh hùng khai sáng văn hoá : vua Hùng dạy dân săn bắn, cấy lúa, trồng khoai, ăn trầu... Từ tín ngưỡng về một tổ tiên chung là các vua Hùng, người Việt cổ đã hướng dần đến sùng bái những tổ tiên của những đơn vị hẹp hơn : làng chạ, dòng họ, gia đình. Tín ngưỡng về thần thánh hoàng làng, về ông khai canh (người lập làng) và đạo thờ tổ tiên gia đình, gia tộc của người Việt, người Mường...thời cận hiện đại đã phát triển trên nền tảng ấy. Cùng với tổ tiên của dân tộc, của làng chạ và của dòng họ, tất cả những anh hùng văn hoá và anh hùng chống ngoại xâm đều được tôn thờ. Ông Tản, Ông Dóng cùng với những anh hùng cùng thời, và trước đó hay sau đó : những Cao Sơn, Quý Minh, Cốt Tung, Úùt Soi, Tuấn Cương, Mộc Xanh, Ông Cận, Ông Đống, Đinh Thiên Tích, Lư Cao Sơn...đều được thần thoại hoá vì công lao đánh giặc, trị thuỷ, truyền nghề...của họ. Hàng nghìn ngôi miếu, đình, đền cùng trí nhớ và lòng biết ơn của nhân dân đã ghi lại kỷ niệm của họ qua các thời đại. NHỮNG VỊ NỮ THẦN TRONG VĂN MINH NÔNG NGHIỆP THỜI DỰNG NƯỚC Đặc biệt là hàng loạt nữ thần, tự mẹ Âu Cơ, người mẹ thần thoại của giống nòi, rồi bà mẹ người anh hùng làng Dóng, đến các bà Dâu, Đậu, Giàn, Nành...những nữ anh hùng lao động nông nghiệp đầu tiên của thời dựng nước, được tôn thờ ở khắp nơi, trong những ngôi chùa cổ nhất không mang tên Phật mà lại mang tên các Bà (Chùa Bà Dâu, Chùa Bà Đậu...) qua đó nhân dân ta ưu tiên đề cao những thần linh bản địa cổ xưa của mình sánh với những tín ngưỡng, tôn giáo, thần linh du nhập về sau vào đất nước ta. Những nữ thần cổ xưa ấy có lẽ xuất hiện từ thời đại dòng mẹ và còn tồn tại ở thời đại Hùng Vương, thời đại quá độ sang chế độ dòng chạ, quyền cha. Mặt trời và Mặt trăng là hai nữ thần và là hai chị em. Thần lửa là một bà già thường được gọi là bà Hoả chuyên giữ một thứ lửa nhiệm mầu. Thân nghề Mộc cũng là nữ thần dạy cho loài người cách chế ra công cụ, cách làm nhà, đóng thuyền. Một nhóm nữ thần trông nom việc sinh đẻ và nuôi dạy trẻ nhỏ : đó là mười hai Bà Mụ. Trong một số làng người Việt, thành hoàng là nữ thần. Đến khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam, khoảng đầu Công Nguyên, nó phải kết hợp pha trộn với các tín ngưỡng bản địa. Do đó mà nhiều chùa Phật lại mang tên các nữ thần bản địa. Ở Hà Bắc, Hà Nội, Hà Nam...có những chùa Bà Dâu, chùa Bà Đậu chùa Bà Nành, chùa Bà Giàn, chùa Bà Tướng, chùa Bà Ngô, chùa Bà Đá, chùa Bà Đanh... ; trong chùa, ngoài tượng Phật có tượng của các Bà ấy. Tại chùa Dâu (Bắc Ninh) một người con gái địa phương nhà nghèo tên là Man Nương có công giúp dân trị thuỷ đã được tôn làm Phật Mẫu và ngày mất của cô gái ấy được tế lễ như là ngày sinh của Phật. Đạo Tam Phủ trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam thời phong kiến cũng thờ một loạt nữ thần vốn là thần linh của tôn giáo tự nhiên cổ xưa, đó là những Mẫu Thượng ngàn (nữ thần rừng núi), Mẫu Thiên phủ (nữ thần trên trời), Mẫu Thoải (hay Mẫu Thoải Cung, nữ thần dưới nước) (2). Việc sùng bái nữ thần phản ánh vai trò quan trọng của người phụ nữ Việt cổ trong sinh hoạt kinh tế, xã hội và văn hoá thời dựng nước. |
Nhìn lại thần thoại, truyền thống, tín ngưỡng thời Hùng Vương, chúng ta thấy tư duy người xưa bị bao trùm dày đặc trong một chủ nghĩa thần linh phổ biến. Trong thế giới tự nhiên đâu đâu cũng có thần và sự can thiệp của thần. Vì chưa giải thích được các sự vật, các hiện tượng một các khoa học, người xưa đã gán cho chúng một sức mạnh siêu nhiên, một nguồn gốc thần bí, đã giải thích chúng một cách siêu hình. Trong cuộc đấu tranh với thiên nhiên, người Việt cổ đã sớm nhận thức được một số đặc điểm của các hiện tượng và cố gắng giải thích theo những tri giác mộc mạc, cảm tính của mình. Ví dụ, thấy rằng hễ trước khi có gió to thì cây ngải thường cuốn bông cuốn lá lại, trước khi có những trận mưa lớn thì cóc nghiến răng, nguời xưa đã nghĩ ra chuyện Cóc kiện trời đòi mưa, truyện Thần Gió có đứa con nghịch ngợm bị Trời bắt hoá thành cây ngải báo tin gió cho thiên hạ biết bằng cách cuốn bông cuốn lá lại. Mặc dầu chưa giải thích được mưa là do nước ở hồ, ao, sông biển bốc hơi lên cao gặp lạnh đọng lại rơi xuống thành mưa, người xưa cũng đã thấy được rằng mưa không phải do Ông Trời hoá phép ra, cũng không phải là nước mắt của Ả Chức, Chàng Ngưu mà chính là nước đi từ sông biển rồi lại trở về sông biển, do đó mà nghĩ ra truyện thần Mưa thường xuống hạ giới hút nước sông biển rồi phun nước cho thế gian. Quan sát những trận lốc cuốn mây lại thành một cột lớn hút nước ở một khúc sông nào đấy lên trời, người xưa hình dung thần Mưa có hình rồng xuống hút nước, và có nhiều lúc nhầm lẫn : sông biển không hút lại nhè đồng ruộng hoặc nhà cửa mà hút làm hư hỏng rất nhiều của cải thiên hạ, điều này được nghĩ ra sau khi thấy những tác hại của cơn lốc trong thực tế. Quan sát thời tiết liên quan đến lũ lụt, người xưa kể truyện thần Nước mỗi năm vào tháng tám dâng nước một lần để lấy gỗ về xây dựng cung điện, hay truyện Thuỷ Tinh hàng năm vào tháng tám dâng nước một lần đánh báo thù Sơn Tinh. Rõ ràng là tuy chưa biết khí tượng và thuỷ văn là gì và chưa giải thích được hiện tượng lũ lụt theo quan điểm khoa học, người xưa đã nắm được tính lặp đi lặp lại của hiện tượng : nước lũ xảy ra hàng năm vào tháng tám. Ở đây thần thoại, tín ngưỡng tôn giáo xuất hiện như là những cội nguồn xa xưa nhất của khoa học. Thần thoại đã dùng hình tượng văn học, hư cấu nghệ thuật để nói lên phần nào tính qui luật của một số hiện tượng mà người xưa bắt đầu nhận thức được. Theo đà phát triển của tri giác cảm tính thành nhận thức lý tính, người Việt cổ dần dần thấy được phần nào bản chất và sự tồn tại khách quan của thế giới, tiến tới những ý niệm sơ khai về nguồn gốc và toàn bộ thế giới dựa trên sự tổng hợp những nhận xét bề ngoài đối với các sự vật, các hiện tượng. Trời đất ban đầu là đám hỗn độn , sau đó xuất hiện thần Trụ trời lấy đầu đội trời xây dựng vũ trụ. Như thế nghĩa là cõi tự nhiên đã có một cái gì rồi chứ không phải sinh ra từ hư vô, và thần Trụ trời chỉ làm công việc thay đổi hình thù của thế giới mà thôi, chứ không đóng vai trò một Thượng đế, một đấng sáng tạo huyễn hoặc nào đó. Thần Trụ trời chỉ biết dùng sức đội trời lên cao và sử dụng những thứ có sẵn trong thiên nhiên như đất, đá đắp cột chống trời chứ không phải thần dùng phép mầu nhiệm để tạo ra vũ trụ : thần đã phải dùng sức lao động của mình hì hục đào đất đá như những nông dân Việt cổ trong sự nghiệp khai sơn phá thạch đầu tiên để làm nên ruộng rẫy. Truyện cũng kể rằng núi đồi, sông biển đều là những chỗ đất đá được đắp cao hay đào sâu mà có chứ không phải sinh ra từ hư vô hay từ một ý chí siêu nhiên, nhiệm mầu nào. Quan niệm có tính chất hiện thực chấc phác về vũ trụ cũng đã được thể hiện trong tư tưởng người Việt cổ cho rằng trời tròn và sâu như cái bát úp, đất phẳng như cái mâm vuông, chỗ tiếp giáp giữa trời và đất là chân trời. Có lẽ kinh nghiệm dựng nhà bằng cột gỗ và có mái cong trên những mảnh đất bằng phẳng đã đưa người xưa đến quan niệm trời tròn đất vuông, được thể hiện trong một truyền thống khác là truyện Bánh chưng bánh giầy. Về hiện tượng sấm sét và rét nàng Bân, người xưa cũng đã phần nào cảm giác thấy tính qui luật của chúng : đó là truyện thần Sét thường ngủ vào mùa đông, tháng hai tháng ba mới dậy làm việc, truyện nàng Bân may áo cho chồng, may ba tháng ròng mới được cổ tay. Đáng chú ý hơn nữa là những kiến giải có tính chất hiện thực về nguồn gốc con người và các giống loài. Khi tạo ra loài nguời cũng như các động vật khác, ông Trời đều phải dùng đến vật liệu sẵn có của mình. Ngay cả việc tu bổ các giống vật cũng vậy, khi hết "vật liệu" thần đành chịu không có cách nào khác ngoài cách mượn tạm chân ghế, chân hương để táp chân cho chó, cho vịt, cho chim chiền chiện. Rõ ràng là cách giải thích này bắt nguồn từ kinh nghiệm lao động : người xưa đã thấy được vai trò quyết định của công cụ và vật liệu : săn thú thì phải có gậy gộc, cung nỏ, làm ruộng thì phải có cày cuốc, nặn đồ gốm thì phải có đất thô, v.v...Nếu không có những vật liệu sẵn có thì "thần" hay người cũng phải bó tay. Bàn tay Mười hai Bà mụ có nhiệm vụ nặn lại cơ thể cho một người nào đó có khác gì với những bàn tay nhào đất, nặn gốm, mài đá, đúc đồng của người Việt cổ. Các bà cũng chỉ làm việc cải biến, thay đổ hình dáng các sự vật cụ thể chứ không hề hay không thể thêm hay bớt "chất căn bản" hay "chất tinh tuý" trong trời đất được. Qua những hình tượng chứa đựng trong thần thoại, tín ngưỡng cổ, ta thấy có phảng phất bóng dáng của tư tưởng cho rằng vạn vật luôn luôn thay đổi và biến chuyển nhưng trong đó vật chất không bao giờ mất đi mà cũng không bao giờ được sáng tạo ra. Đối với vấn đề sống chết của con người, tổ tiên chúng ta cũng đã giải thích theo xu hướng thừa nhận sự tồn tại khách quan của quy luật tự nhiên. Truyện Rắn già rắn lột, người già người chui tuột vào săng kể rằng con người khi già chỉ việc lột xác là được trẻ lại như xưa, duy chỉ có rắn là hễ già là phải chết, nhưng về sau vị thần do Trời sai xuống thi hành lệnh đó đã bị rắn vây bắt rồi trả lại cho trời và từ đó người già phải chết. Tư tưởng của Trời muốn cho loài người không chết chính là sự phản ánh ý muốn sống lâu, sống mãi của con người, nhưng người xưa đã nhận thức được rằng ước mong ấy không thể thực hiện được, cho nên dù tin ở Trời, người xưa cũng thấy Trời không thể dùng phép mầu nhiệm gì để chi phối sự sống chết của con người. Trong tư duy người xưa đã bắt đầu có ý niệm mặc dầu còn mờ nhạt về quy luật khách quan. Việc sống chết cũng như sự phát sinh, phát triển và tiêu diệt của mọi sự vật , hiện tượng đều nằm trong phạm vi tác động của quy luật tự nhiên. YÙ muốn Trời cũng như ước vọng của con người không thể uốn lệch quá trình khách quan của thế giới (3)! |
Thế nhưng khi tầm nhận thức ngày càng được nâng cao, phạm vi tác động vào tự nhiên và xã hội ngày càng mở rộng, người xưa bắt đầu có ý thức về vai trò và về năng lực sáng tạo của mình. Họ đã nghĩ ra hình tượng ông Khổng lồ, bà Khổng lồ đào sông xây núi, một kiểu anh hùng khai sáng văn hoá có tính chất nửa thần nửa người, thực chất là hình ảnh phóng đại của đôi vợ chồng nông dân cải tạo thiên nhiên, chiếm lĩnh thiên nhiên bằng sức lao động của mình. Ở thời nguyên thuỷ, có lẽ con người đã nghĩ rằng ngày là sự sống, đêm là sự nghỉ ngơi, thì đến giai đoạn của nền văn minh nông nghiệp, người ta thấy thêm đất là mẹ, là giống cái vì đất ủ hạt thành cây ra quả như lòng mẹ thai nghén. Cây nảy mầm đơm hoa kết quả nhờ nước từ trên trời đổ xuống. Thế là xuất hiện ý nghĩ trời là cha, là giống đực. Quan hệ đực - cái và giao phối đã được gán cho cả thiên nhiên vũ trụ để lý giải sự sinh sôi nảy nở của tạo vật. Có lẽ từ đó mà có khái niệm cha trời mẹ đất. Đất Trời là nhận thức khái quát về thiên nhiên. Đực Cái là nhận thức về sinh sản. Với sự phát triển của nông nghiệp và sự hình thành cộng đồng liên minh bộ tộc, tư duy thần thoại của con người hướng về khái niệm Đất và Nước, Đất - Nước về phương diện vật chất đã trở thành nguồn sống của cư dân nông ngiệp thì về phương diện tinh thần dã trở thành tình cảm quê hương sứ xở, ý thức về lãnh thổ của bộ tộc. Hẹp là một con sông, một vùng đồi, vùng bãi, là làng chạ. Rộng hơn là một vùng được phân ranh giới bằng những dãy núi, dòng sông ở trong vùng đó, tập thể cư dân Việt cổ chiếm lĩnh và tồn tại. Vùng đó chính là vùng đất tổ, vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ. Đất nước trở thành biểu tượng chung cho địa vực cư trú và hoàn cảnh thiên nhiên của người Việt cổ. YÙ niệm về đất nước do Mẹ Âu, Bố Rồng, Vua Hùng khai sáng và tạo dựng sẽ mở rộng dần thành ý niệm về lãnh thổ và giống nòi, thành tình cảm dân tộc đoàn kết nhiều nhóm người lại với nhau như anh em ruột thịt. Hình tượng "sinh ra trong cùng một bọc" là cội nguồn của ý niệm về "đồng bào", một trong những ý niệm đẹp nhất trong tư duy Việt Nam. Phản ánh nhu cầu của con người gắn bó với môi trường thiên nhiên, ra sức tìm hiểu, cải tạo mở rộng và bảo vệ nó để sinh sống ổn định và lâu bền, phản ánh tình cảm và ý thức đối với giống nòi, tổ tiên, lòng sùng bái và tin tưởng sâu sắc đối với các thế hệ anh hùng đã có những kỳ tích khai sáng lịch sử, văn hoá dân tộc, bảo vệ cuộc sống của tập thể cộng đồng. Tư duy Việt cổ đã chứa đựng cái cốt lõi bền vững của lòng yêu nước và tinh thần dân tộc ngày càng phát triển và củng cố theo đà mở rộng của quốc gia và sức mạnh của dân tộc sau này (4) . ÓC THIẾT THỰC, TƯ DUY THẨM MỸ VÀ TƯ DUY KHOA HỌC CỦA NGƯỜI VIỆT CỔ Sáng tạo ra được những hình tượng : Ông Bà Khổng lồ đào sông xây núi, Đất Nước, Chim Rồng, Mẹ Âu Bố Rồng, Vua Hùng, Ông Tản, Ông Dóng, người Việt cổ đã hiểu biết chắc chắn về địa vực cư trú của mình, đã nghiền ngẫm về những vấn đề giống nòi chống xâm lược, phát triển địa bàn, chinh phục thiên nhiên...là những vấn đề xã hội và kinh tế hoàn toàn thiết thực. Tư duy người Việt cổ hoàn toàn xa lạ với những phạm trù tôn giáo trừu tượng : Sáng tạo, Phá hoại, Bảo vệ, với những nhân vật, động vật thần linh như trong tư duy Aán Độ cổ, cũng xa lạ với những phạm trù triết học duy lý, những quan niệm trừu tượng về Công lý, về cái Đẹp, cái Đúng, cái Thực như trong tư duy Hi Lạp cổ. Trái lại nó hướng vào những ý niệm giống nòi, tổ tiên, đất nước, gắn liền với những vấn đề thực tiễn như làm ăn, sinh sống, đoàn kết, đánh giặc. Tư duy người Việt cổ chủ yếu hướng vào thực tiễn. Trên mặt trống đồng, người, chim, hươu nhảy chạy bay vây quanh mặt trời theo hướng ngược chiều kim đồng hồ, điều đó chứng tỏ người Việt cổ đã phần nào nắm được tính chu kỳ, qui luật tuần hoàn của bốn mùa, của vũ trụ. Hình khối cân xứng, hài hoà của trống đồng, sự phân bố đều đặn các điểm trang trí giữa các đường tròn đồng tâm trên mặt trống tuân theo chặt chẽ những luật đối xứng : những điều đó cho phép chúng ta khẳng định rằng chủ nhân trống đồng đã có những khái niệm về hình học và số học ở một trình độ nhất định (5). Ngay ở trên những đồ gốm ra đời hàng nghìn năm trước trống đồng, đã thấy thể hiện một cách khéo léo ý niệm về đối xứng. Người thời Hùng Vương đã biết đến ít nhất là ba kiểu đối xứng khác nhau : đối xứng gương, đối xứng trục quay, và đối xứng tịnh tiến. Các nhà khảo cổ học cũng cho rằngï họ đã biết dùng thước quay (com-pa), thước đo và những loại "máy" khoan, tiện đơn giản để chế tạo ra những vật phẩm của họ. Như vậy là ý niệm về đối xứng, từ đơn giản đến phức tạp đã có trong tư duy thẩm mỹ của họ ; những khái niệm về hình học, số học đã có trong tư duy khoa học của họ và cho chúng ta thấy tư duy ấy có khả năng vươn tới cái trừu tượng, cái khái quát. Ở thời Hùng Vương, cuộc sống tinh thần phong phú của con người Việt cổ đã thể hiện ở sự phát triển của tư duy thẩm mỹ và tư duy khoa học song song với sự trưởng thành của ý thức dân tộc, ý thức về lòng yêu nước, về chủ nghĩa anh hùng. Cuộc sống tinh thần phong phú ấy đã được cụ thể hoá trong tất cả những sáng tạo văn nghệ và kỹ thuật của nền văn minh Việt cổ mà chúng ta đang tiếp tục nghiên cứu tìm hiểu. Và cho đến nay, vẫn còn nhiều điều bí ẩn mà chúng ta chưa lý giải được về thiên tài của người xưa. |
_______________________
(1) Bài Nhân ngày giỗ tổ vua Hùng, báo Nhân dân số ra ngày 29-4-1972. (2) Lê Thị Nhâm Tuyết - Phụ nữ Việt Nam qua các thời đại (in lần thứ hai) Nxb Khoa học xã hội - 1975. (3) Nguyễn Đổng Chi, Lược khảo về thần thoại Việt Nam, Nxb Văn Sử Địa 1957. Phúc Khánh, Thử tìm hiểu tư tưởng triết học trong thần thoại Việt Nam, Nxb Sự thật 1961. (4) Cao Huy Đỉnh và Đặng Nghiêm Vạn, Quá trình hệ thống hoá thần thoại Việt Nam về nguồn gốc dân tộc, tạp chí Khảo cổ học số 9-10 / tháng 6-1971. (5) Theo nghiên cứu của Hà Văn Tấn Theo những nghiên cứu của Nguyễn Đổng Chi, Nguyễn Linh, Cao Huy Đỉnh, Phan Đăng Nhật... |