Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về 
Hành Trình Về Thời Ðại 
HÙNG VƯƠNG DỰNG NƯỚC
Lê Văn Hảo
CHƯƠNG I I I

KHƠI NGUỒN TRUYỀN THỐNG
THỐNG NHẤT VÀ VĂN MINH

Phía tây chân núi Hùng, ở cổng chính dẫn lên đền Hùng, khách hành hương đứng trước câu đối giàu ý nghĩa:
Thái thuỷ khai cơ, tứ cố sơn hà quy bản tịch
Đăng cao vọng viễn, quần phong la liệt tử thi tôn.
(Mở lối đắp nền, bốn mặt non sông quy một mối
Lên cao nhìn rộng, nghìn trùng đồi núi tựa đàn con)
Sự nghiệp của tổ tiên ta ở thời đại Hùng Vương, càng suy ngẫm càng thấy lạ, thấy hay, thấy nhiều màu vẻ, mà càng lùi xa nhìn ngắm từ vị trí của thế hệ mấy nghìn năm con cháu bây giờ, càng thấy trong đó nổi lên kỳ vĩ công trạng "mở lối, đắp nền, bốn mặt non sông quy về một mối" đúng như nhận thức mà người trước đã truyền ghi ngay ở trước đền Hùng để nhắc nhở người sau. Trước buổi bình minh của lịch sử dân tộc.

Bởi đã qua rồi những nghìn, những chục nghìn năm tổ tiên nguyên thủy, từng thị tộc, vài chục người, trú náu trong các hang động Hòa Bình, Bắc Sơn, ghè đẽo qua loa những mảnh cuội suối, cuội sông làm đồ dùng, nhặt từng hạt, củ, bắt từng con ốc để nuôi mình, và ngoài việc kiếm sống ấy, chẳng còn là bao công sức, thời gian và tâm trí để đóng góp cho đời sống văn minh đích thực của con người.

Đã đến lúc những bộ lạc người Việt cổ, ngoài việc chiếm lĩnh khắp miền núi rừng Đông Bắc, Tây Bắc, dọc Trường Sơn, còn đủ thế và lực để tràn ra khai phá từ miền biển Đông nước mặn đến đồi gò trung du và cả miền đồng bằng đầm lầy, với nền kỹ thuật đã được suốt một thời đại đồ đá dài dặc đưa tới đỉnh cao cuối cùng.

Văn minh có điều kiện để xây đắp nhiều hơn và lẽ ra phải có được một đài cao thành tựu và biểu hiện với quy mô lớn lao tương xứng. Thế nhưng, gạn lọc từ những văn hóa khảo cổ thời đá mới muộn với những đặc trưng gần gũi và có tuổi trên dưới bốn nghìn năm - từ văn hoá hang động ở rừng núi đến văn hoá sông nước ven biển hoặc văn hoá đồi gò trung du và đồi đất đồng bằng - lại thấy phổ biến một quy mô tản mạn và một tình trạng phân tán. Rõ ràng là còn sự rời rạc bộ lạc - chỉ trên một miền đất nước mà sử cũ đã nhắc tới con số 15 bộ lạc - thì quy mô và tình trạng kém văn minh này còn ngự trị.

Trong khi đó đã hiện ra nguy cơ có thể thủ tiêu ngay chính nền văn minh còn đang độ manh nha ấy từ những thế lực bành trướng khổng lồ ở các phương trời xa đã tập hợp xong các sức mạnh đen tối của nó.

Một quá trình diễn biếnvăn minh kỳ lạ:
Từ Văn hoá Phùng Nguyên đến Văn hoá Đông Sơn rực rỡ
Chính vào lúc này, theo dõi những hiện tượng khảo cổ học trong khoảng thời gian từ ba đến bốn nghìn năm trước ở đất nước ta, bổng thấy xuất hiện một quá trình diễn biến văn minh kỳ lạ.

Từ địa bàn quanh đỉnh tam giác châu của đồng bằng phù sa sông Hồng, nền văn hoá khảo cổ Phùng Nguyên vừa khởi sắc, vừa toả ra những ảnh hưởng của mình để rồi từ đấy hình thành và phát triển nền văn hoá khảo cổ Đông Sơn rực rỡ, trùm lên trên và thay thế tất cả các văn hoá khảo cổ khác trong kỷ nghìn năm cuối cùng trước Công nguyên.

Giở lại những trang sử cũ ghi chép về thời đại này, chúng ta lại gặp những dòng chữ cô đọng nói về nhân vật Hùng Vương, được xưng tụng là "người kỳ lạ" Phong Châu - đều là tên gọi xưa của vùng "Đất tổ" quanh nơi hội lưu của các dòng sông, sông Hồng, Đà, Lô - thu phục được các bộ lạc mà thành lập một cộng đồng lớn mạnh hơn và dựng  nước Văn Lang với kinh đô Phong Châu.

Trong khi đó, bằng những hình tượng và tình tiết tráng lệ, truyền thuyết dân gian cũng khơi ra một dòng truyện kể tràn đầy sức hấp dẫn về cội nguồn các vua Hùng là từ sự giao hoà giữa Bố Rồng (Lạc Long), tiêu biểu cho các tập đoàn người Việt Cổ vùng văn hoá sông nước ven biển, và Mẹ Âu (Âu Cơ), tượng hình của các cộng đồng cư dân miền văn hoá núi đồi ở Việt Trì - Bạch Hạc; về vua Hùng cùng các tướng tá, các con gái, con trai, con rể... chiến thắng giặc ngoại xâm, điều khiển kỳ công trấn ngự giặc lũ lụt, tìm ra dưa hấu, và làm bánh chưng, bánh giầy, dạy dân gian điểm và múa hát, khai phá đảo hoang và đầm lầy, mở rộng đất đai cương vực...

Tất cả các nguồn thông tin khác nhau như thế không có gì khác hơn là sự phát sáng hay ánh xạ của một tiến trình lịch sử vĩ đại "mở lối đắp nền, bốn mặt non sông qui một mối" ở thời đại các vua Hùng.

Kết thúc được sự phân tán, tản mạt như vậy chính là sự vượt lên của văn minh. Văn minh được bảo vệ cũng chính là nhờ đó. Và cũng chính là vì thế mà tạo ra được sự phát triển mạnh mẽ hơn của văn minh. Những quan hệ biện chứng ấy của phạm trù văn minh đều chằng chéo qua một hạt nhân cơ bản: Thống nhất.

Chính sự thống nhất đất nước được thực hiện lần đầu tiên ở thời đại các vua Hùng là một tiền đề quan trọng để nở rộ nền văn minh rực rỡ thứ nhất của dân tộc: Nền văn minh sông Hồng.

Sự thống nhất ấy đã xoá bỏ được những ranh giới từ lớn như cả một vùng đèo Ngang hay Tam Điệp, đến nhỏ như một khúc sông hay vạt rừng, từng chia cách các bộ lạc, đặng chuyển hoá không phải chỉ theo cấp số cộng những số dân, năng lực và tài nguyên của liên minh bộ lạc, mà là theo cấp số nhân, để thành cả một sức mạnh tổng hợp của một khối cộng đồng gắn bó, gồm khoảng một triệu người - một số dân có ý nghĩa rất đáng kể vào thời điểm bấy giờ - ở trên một địa vực liền khoảng rộng lớn và giàu có từ phía nam đèo Hải Vân tới mãi vùng rừng núi xa ở phía bắc: Địa bàn nước Văn Lang của người Việt Cổ.

Trong lịch sử, đây là lần thứ nhất xuất hiện một sức mạnh với một chất lượng mới lạ như vậy. Cho nên nguồn đất nguyên khai màu mỡ ấy mới thúc nở được cả một mùa màng văn minh rực rỡ, với sắc màu vàng óng của lúa nếp và đồng thau, với những âm thanh hùng tráng của trống đồng, cồng chiêng, cùng tiếng khèn dặt dìu, tiếng chuông nhạc thánh thót và tiếng sênh phách giòn giã; với bóng hình đồ sộ mà duyên dáng của những ngôi nhà sàn mái cong và những con thuyền vọng lâu đi biển; với sức nóng của các lò luyện kim và vòng xoay nhanh của những bàn nặn chuốt gốm, tiện khoan đá; với đường nét hoa văn đối xứng hài hoà và tinh vi trang trí trên khắp các vật phẩm; với sự chăm nom ân cần và hợp thức cho những lứa trẻ sơ sinh, những đôi gái trai và những người lìa đời: với những vua Hùng cùng lạc hầu, lạc tướng và dân làng chạ gắn bó trong một thể chế chững chạc mà khoan hoà...

Chính những vùng đất mãi xa ngoài đảo khơi hoặc nằm sâu trong đất liền, từng tiếp nhận sâu sắc những ảnh hưởng của nền văn minh sông Hồng, làm chứng về sức chiếu sáng của nền văn minh ấy ở Đông Nam Á đương thời. Cũng như sự bất lực của cả một nghìn năm xâm lược, thống trị và đồng hoá của bọn phong kiến phương Bắc, cùng với hiệu quả của những truyền thống xã hội và văn hoá trong suốt một nghìn năm sau đấy nữa, đã thừa nhận sức ăn sâu của nền văn minh này vào chiều dài lịch sử Việt Nam.

Mối quan hệ giữa Thống nhấtVăn minh đã một lần xác lập và được chứng minh ở thời đại các vua Hùng, sẽ được tái hiện và phát triển ở các thời đại sau.

Nói văn minh là nói đến sự kết tụ: kết tụ của sự phát triển kỹ thuật sản suất, kết tụ của sức sáng tạo nhân dân, kết tụ của tâm hồn dân tộc. Bốn mươi thế kỷ trôi qua, cho đến hôm nay, chúng ta càng thấy rõ: Tất cả sức mạnh, tinh hoa, bản sắc, tâm hồn và truyền thống dân tộc Việt Nam hình thành trong lịch sử, đều có mầm mống đầu tiên từ một ngọn nguồn là nền văn minh Việc cổ của thời đại của các vua Hùng dựng nước.

. Mở đầu : Thời Ðại Hùng Vương , Nghiên cứu khoa học và tự hào dân tộc
. Chương I : Từ trong mây mù huyền thoại đến hiện thực lịch sử
. Chương II : Hành hương về đất Tổ
. Chương III : Khơi nguồn truyền thống , Thống nhất và văn minh
. Chương IV : Ði tìm dấu vết một thời đại trên những di tích khảo cổ
. Chương V : Bên bờ sông Hồng, sông Mã : Chứng tích của nền văn hoá Đông Dơn rực rỡ
. Chương VI : Ngắm nghía và suy nghĩ về văn vật kỳ diệu của thời đại dựng nước : những chiếc trống đồng Đông Sơn
. Chương VII : Thiên nhiên thời đại dựng nước
. Chương VIII : Thăm lại làng xưa chạ cổ cách đây hàng nghìn năm
. Chương IX : Cuộc sống đầm ấm của gia đình người Việt cổ
. Chương X : Nếp phong tục thuần phác cổ xưa 
. Chương XI : Hội làng thời Hùng Vương
. Chương XII : Những người nghệ sĩ tạo hình tài hoa
. Chương XIII : Thần thoại và truyền thuyết anh hùng Việt cổ
. Chương XIV : Tín ngưỡng và tư duy người xưa
. Chương XV : Khơi nguồn truyền thống thượng võ của dân tộc
. Chương XVI : Bản anh hùng ca dựng nước xây thành chống ngoại xâm của vua Thục An Dương Vương
. Chương XVII : Bà Trưng khởi nghĩa lập chiến công oanh liệt ngàn thu
. Chương XVIII : Lời tạm kết

          *** Hành trình về thời đại Hùng Vương dựng nước qua hình vẽ trên Trống đồng ***