Chim Việt Cành Nam [ Trở Về ]
HÙNG VƯƠNG DỰNG NƯỚC Lê Văn Hảo |
KHƠI NGUỒN TRUYỀN THỐNG THƯỢNG VÕ CỦA DÂN TỘC |
Có những nhà nghiên cứu cổ sử học, khảo cổ học cho rằng ở thời Hùng Vương, ngành quân sự có lẽ được phát triễn hơn các ngành khác. Vua Hùng vốn là một thủ lĩnh thiện chiến của bộ lạc Văn Lang (hay Mê Linhà), ngự trị trên vùng đất nằm vắt ngang hai bên bờ sông Thao từ chân núi Ba Vì đến sườn núi Tam Đảo. Ngoài bộ lạc Văn Lang còn có 14 bộ lạc khác : bộ lạc Dâu, bộ lạc Nành, bộ lạc Trâu, bộ lạc Rồng... Giữa các bộ lạc bắt đầu có nhiều cuộc xung đột võ trang để giành quyền thống trị. Chiến tranh trở thành hiện tượng thường xuyên trong xã hội thời Hùng Vương ; đào ở đâu cũng thấy nhiều vũ khí : giáo, lao, dao găm, kiếm, qua, rìu chiến, mũi tên, mảnh giáp bằng đồng...Trên trống đồng ghi lại hình ảnh những người vũ trang, những thuyền chiến, cảnh chiến tranh, giết tù binh... Sau một thời gian, vua Hùng chiến thắng được tất cả các bộ lạc lập thành một liên minh bộ tộc tức là nước Văn Lang. Quân đội của nhà nước sơ khai đầu tiên này trong lịch sử dân tộc chắc hẳn là một lực lượng tương đối có tổ chức, có bộ phận thường trực, có những đơn vị thân binh để hộ vệ vua Hùng, các Lạc hầu, Lạc tướng và làm chủ lực trong các cuộc chiến tranh. Tuy nhiên lực lượng quân sự lúc ấy chưa nhiều. Mỗi lần có chiến tranh, nhà nước có truyền thống dựa vào các lực lượng chiến đấu và hậu cần trong nhân dân các làng chạ. Nông dân các làng chạ khi bình thường thì lao động sản xuất, khi biến động thì sẵn sàng chiến đấu theo lệnh của thủ lĩnh quân sự. Ở các dân tộc Tây Bắc, Việt Bắc, Tây Nguyên thời cận đại đều như thế. Nhà nước các triều đại phong kiến sau này vẫn dùng chính sách " ngụ binh ư nông ", và vẫn còn sử dụng hương binh (hay dân binh) trong một chừng mực nhất định. |
Việc trang bị cho quân đội thường trực thời Hùng Vương cũng đã thành vấn đề. Các loại vũ khí thô sơ mà mỗi người có thể tự túc dễ dàng dần dần nhường bước trước vũ khí hiện đại bằng kim loại. Từ khi kim loại tham gia vào chiến tranh, các cộng đồng lớn phải mở những xưởng thủ công chuyên chế tạo vũ khí vì cá nhân hay cộng đồng nhỏ không có đủ khả năng. Các xưởng này sản xuất ra rìu, giáo, lao, dao găm các loại...và các quân trang, quân dụng khác như áo giáp, tấm đồng che ngực, trống đồng, thuyền đồng... Ở miền Đông Nam Á cổ đại, trống đồng có giá trị như là chiếc gậy chỉ huy ở các dân tộc khác trên thế giới. Chủ nhân của trống là những kẻ có quyền lực lớn nhất trong cộng đồng. Sách sử cổ của Trung Quốc có ghi : " Người Di Lão ở phía nam Ngũ Lĩnh muốn đánh nhau thì đánh trống (đồng) lên, dân chúng kéo đến ùn ùn như mây. Người có trống được gọi là Đô Lão, được dân chúng suy tôn và phục tùng " (1). |
Người Việt cổ là một cư dân làm ruộng nước, đánh cá, cắt tóc, xăm mình, sống gần sông nước nên giỏi bơi lặn, thạo chèo thuyền vượt biển. Hàng năm trong dịp hội làng, nhân dân tổ chức đua thuyền để cầu nước, để vui chơi mà cũng để ôn luyện thuỷ chiến. Thuyền chiến thời Hùng Vương, như thấy chạm khắc trên trống đồng, chở những thuỷ thủ vũ trang bằng giáo mác, khiên, rìu chiến, cung tên trong tư thế sẵn sàng chiến đấu; thuyền có bánh lái, cột buồm, đằng lái có lầu canh. Theo sử sách Trung Quốc cổ, miền đất Văn Lang là " xứ sở của những người sống được dưới mặt nước " (ý nói bơi lặn giỏi) ; ở đất Việt cổ " việc trên cạn ít, việc dưới nước nhiều " ; " dân quen ở nước " ; " Vua Thang vua Vũ là thánh chúa cũng không thể cùng người Việt chèo thuyền trôi nổi trên sông nước " ; " Người Việt thạo thuỷ chiến, giỏi dùng thuyền ". Hàng nghìn năm trước Ngô Quyền và Trần Hưng Đạo con cháu của bố Rồng, tổ tiên thần thoại thống lĩnh vùng sông nước đã khơi nguồn truyền thống Bạch Đằng một truyền thống vẻ vang trong lịch sử thượng võ của dân tộc Việt Nam. |
Chiến tranh đã trở thành một hiện tượng xảy ra tương đối thường xuyên, trong đó chủ yếu là những cuộc chiến tranh chống ngoại tộc xâm lược. Qua nhiều truyền thống, thần tích vùng trung du, vùng đồng bằng Bắc Bộ, chúng ta thấy hầu hết các tướng tá của vua Hùng đều luôn luôn phải mang quân đi đánh dẹp các cuộc xâm lăng của ngoại tộc từ nhiều phía. Đó là những bọn giặc Ân, giặc Tây Thục, Ai Lao, Hồ Tôn, Ô Lư, Xích Tỵ v.v...Trong số các ngoại tộc mà truyền thuyết và thần tích nhắc đến, có thể xác minh được một số : ví dụ Hồ Tôn là người Lâm Ấp ở phía nam Cửu Chân, Ai Lao và Tây Thục là người Bộc ở vùng Quý Châu và Quảng Tây phía bắc Văn Lang. Các bộ tộc và các tộc người tranh nhau quyền làm bá chủ hay đấu tranh giữ vững lãnh thổ và đời sống độc lập của mình. Xem xét những vũ khí thời Hùng Vương để lại, rất giàu về số lượng, phong phú về loại hình (nhiều loại giáo, lao, nhiều kiểu dao găm, hơn 10 kiểu mũi tên đồng...) tìm thấy ở nhiều nơi từ Việt Bắc đến Nghệ Tĩnh, có thể thấy rằng ý chí chiến đấu của người Việt cổ đã được thể hiện tới một trình độ nhất định. Chiến tranh đã là hiện tượng xã hội không tránh được thì cần phải tạo ra những phương tiện thích hợp để tiến hành chiến tranh. Sự cân nhắc, tính toán, tập trung chú ý của người xưa vào hiện tượng chiến tranh thể hiện ở việc họ đã chế tạo nhiều loại vũ khí với những tính năng lợi hại khác nhau. Như rìu chiến có thứ lưỡi phát triển lệch về một phía để chém cho khỏe, lại có thứ lưỡi xòe rộng, chém bổ xuống xuống rồi hất ngược lên, mỗi lần vung tay là chém được hai đòn. Qua một chi tiết như thế, có thể thấy óc tìm tòi sáng tạo của người xưa trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự. Trong suốt quá trình phát triển của thời đại đồ đồng, vũ khí được liên tục cải tiến. Sự tìm tòi sáng tạo ấy là một đặc trưng của tinh thần biết mình biết người trong khoa học và nghệ thuật chiến tranh. Vũ khí thời Hùng Vương thường nhỏ, nhẹ, ngắn, gọn khác với vũ khí của nhiều miền khác, ở cùng thời hay khác thời, thường là to, nặng, dài, cồng kềnh. Cách trang bị cho các chiến sĩ Việt cổ cũng gọn nhẹ một cách thích hợp : chỉ dùng tấm đồng che ngực mà không dùng áo giáp, mũ đồng, chỉ đi chân đất không có giày. Vũ khí và trang bị của những người tham gia chiến đấu ở thời Hùng Vương như vậy là đã có một phong cách riêng thích hợp với điều kiện thiên nhiên, kinh tế, số dân và thể chất của người Việt cổ. |
Trong những điều kiện như thế, tinh thần dũng cảm ngoan cường của họ là một yếu tố quan trọng. Về mặt vũ khí, biểu hiện cụ thể của tinh thần ấy là sự phổ biến và tính phong phú của các loại vũ khí đánh gần, đánh giáp lá cà : giáo, lao, qua, rìu và nhất là dao găm. Dao găm có rất nhiều loại : loại có chắn tay, loại không có chắn tay, loại chuôi tròn, không kể loại lấy tượng người làm chuôi, loại lưỡi rộng bản để khoét rộng vết thương, loại lưỡi nhỏ mà dài để xuyên sâu địch thủ. Ở những mũi giáo có một lỗ hay hai lỗ nhỏ ở thân có thể dùng để buộc các mồi lửa để tăng thêm hiệu lực tiêu diệt địch. Người Việt cổ còn phát huy sở trường chiến đấu của mình bằng cách phát triển lối đánh bằng thuyền, và đánh bằng cung nỏ. Những hình thuyền chiến phổ biến trên trống đồng, số lượng của hàng chục kiểu đầu mũi tên đồng, của hàng vạn mũi tên đồng đào được ở khắp nơi đã chứng minh cho sở trường thuỷ chiến và sở trường xử dụng cung nỏ mà sử sách cổ của Trung Quốc cũng đã phải thừa nhận. Tính tổ chức, óc kỷ luật, tinh thần bất khuất của quần chúng nhân dân, nhờ được rèn luyện luôn luôn trong các cuộc chiến đấu, đã trở thành một đặc điểm của truyền thống thượng võ Việt Nam. Ở thời Hùng Vương, đoàn kết chiến đấu chống ngoại xâm đã là vấn đề nổi bật lên hàng đầu. Chiến tranh nhân dân, truyền thống cả nhà đánh giặc, cả làng đánh giặc, toàn dân ra trận, thực sự đã hình thành từ thời ấy. Hình tượng Ông Dóng chính là sự kết tinh của ý chí chiến đấu và chiến thắng của nhân dân các làng chạ và liên minh bộ tộc Việt cổ. |
_______________________
(1) - Theo Văn hiến thông khảocủa Mã Đoan Lâm |