Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]            [ Trangchủ ]
Hành Trình Về Thời Ðại 
HÙNG VƯƠNG DỰNG NƯỚC
Lê Văn Hảo
. Mở đầu : Thời Ðại Hùng Vương , Nghiên cứu khoa học và tự hào dân tộc
. Chương I : Từ trong mây mù huyền thoại đến hiện thực lịch sử
. Chương II : Hành hương về đất Tổ
. Chương III : Khơi nguồn truyền thống , Thống nhất và văn minh
. Chương IV : Ði tìm dấu vết một thời đại trên những di tích khảo cổ
. Chương V : Bên bờ sông Hồng, sông Mã : Chứng tích của nền văn hoá Đông Dơn rực rỡ
. Chương VI : Ngắm nghía và suy nghĩ về văn vật kỳ diệu của thời đại dựng nước : những chiếc trống đồng Đông Sơn
. Chương VII : Thiên nhiên thời đại dựng nước
. Chương VIII : Thăm lại làng xưa chạ cổ cách đây hàng nghìn năm
. Chương IX : Cuộc sống đầm ấm của gia đình người Việt cổ
. Chương X : Nếp phong tục thuần phác cổ xưa 
. Chương XI : Hội làng thời Hùng Vương
. Chương XII : Những người nghệ sĩ tạo hình tài hoa
. Chương XIII : Thần thoại và truyền thuyết anh hùng Việt cổ
. Chương XIV : Tín ngưỡng và tư duy người xưa
. Chương XV : Khơi nguồn truyền thống thượng võ của dân tộc
. Chương XVI : Bản anh hùng ca dựng nước xây thành chống ngoại xâm của vua Thục An Dương Vương
. Chương XVII : Bà Trưng khởi nghĩa lập chiến công oanh liệt ngàn thu
. Chương XVIII : Lời tạm kết

        *** Hành trình về thời đại Hùng Vương dựng nước qua hình vẽ trên Trống đồng ***

MỞ ĐẦU

THỜI ĐẠI HÙNG VƯƠNG :
NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VÀ TỰ HÀO DÂN TỘC

Từ 1959 đến nay, nghiên cứu thời đại Hùng Vương dựng nước là một công trình khoa học lớn:

- Đã phát hiện, thăm dò, khai quật phân tích hơn 200 di chỉ khảo cổ .

- Đã tổ chức 4 hội nghị khoa học chuyên đề (1969-1971). Đã xuất bản:

. Thời đại Hùng Vương (nhiều tác giả), nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 1971 (tái bản 1975), 271 trang. Giải thưởng Uỷ ban khoa học xã hội Việt Nam (đã in lại tại Pháp, Nhật, Ca-na-đa).

. Hùng Vương dựng nước (nhiều tác giả), nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 4 tập, 1970-1974, 1460 trang. Giải thưởng Uỷ ban khoa học xã hội Việt Nam.

. Những trống đồng Đông Sơn đã phát hiện ở Việt Nam (nhiều tác giả),viện bảo tàng lịch sử xuất bản, Hà Nội, 1975 v.v...

-Đã triển khai các cuộc triển lãm lớn: "Thời đại dựng nước và giữ nước đầu tiên" tại viện Bảo tàng lịch sử và tại nhà Bảo tàng Đền Hùng, triển lãm lưu động về thời đại Hùng Vương tại thành phố Hồ Chí Minh, Huế và nhiều tỉnh, thành phố, thị xã khác trong cả nước.

***

Những thành tựu đấu tiên của khảo cổ học ở các tỉnh phía Nam ở các di chỉ nổi tiếng như Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), Dốc Chùa (Sông Bé)... đang góp phần thôi thúc các nhà nghiên cứu trở lại một lần nữa, ra sức tìm hiểu văn minh và lịch sử thời các vua Hùng. Đúng là mọi vấn đề của cuộc sống đến lúc chín muồi thì tự nó đòi hỏi phải được đặt ra, được giải quyết, và có sẵn điều kiện để giải quyết. Giới khoa học lịch sử Việt Nam hiện nay chủ trương một lần nữa tập trung lực lượng đẩy mạnh công tác nghiên cứu tìm hiểu sâu sắc thêm thời đại lịch sử các vua Hùng dựng nước là đáp ứng một yêu cầu phát triển khoa học nội tại.

Lê Văn Hảo
Nguyên hội viên Hội Á Châu Paris
CHƯƠNG I

TỪ TRONG MÂY MÙ HUYỀN THOẠI
ĐẾN HIỆN THỰC LỊCH SỬ

Liên tiếp trong mấy chục năm ròng, giới khoa học lịch sử Việt Nam, đã tập trung nhiều cố gắng để xem xét lại hàng loạt vấn đề về thời đại Hùng Vương bấy lâu nay chưa sáng rõ.

Hàng trăm công trường khảo cổ đã được mở ra trên khắp mọi miền đắt nước.

Chỉ riêng miền Trung du và phía bắc châu thổ sông Hồng - nơi mà sử cũ và truyền thuyết gọi là đất Văn Lang hay Phong Châu - địa bàn của các vua Hùng, đã phát hiện được hàng trăm di tích, địa điểm cư trú, mộ táng, "công xưởng", nơi chôn dấu tài sản, cùng hàng vạn di vật của tổ tiên.

Hàng nghìn di tích tín ngưỡng và phong tục cổ liên quan đến thời Hùng Vương cũng đã được kiểm kê, sưu tầm để gắng xuyên qua hư ảo mà nhận diện hiện thực của quá khứ.

Hàng nghìn trang văn trong kho sử cũ cũng được lật lại, soi rọi bằng những cách nhìn mới.

Hàng trăm sáng tác dân gian về thời Hùng Vương cũng được ghi chép thêm, phân tích lại để tìm cái lõi cốt của sự thực lịch sử náu mình sau mây mù huyền thoại.

Tiếng nói và tên gọi con người, sự việc, đất đai, sông núi ... được bảo lưu trong ngôn ngữ cận hiện đại hoặc trong tư liệu cổ cũng được huy động, tìm tòi để khôi phục lại những âm thanh, ngôn từ của tổ tiên cùng ý nghĩa, giá trị của nó.

Hàng trăm bộ xương, đầu sọ của người cổ được lòng đất gìn giữ cũng đã được khai quật, đo, tính, để tìm lại hình hài, loài giống của tổ tiên.

Sau cùng, nhiều ngành khoa học tự nhiên, nghiên cứu từ đất đai, cây cỏ đến động vật, cũng tham gia đóng góp những đường nét cho bối cảnh của đời sống người xưa.

Tất cả những ngành và liên ngành khoa học đó, sử dụng những phương pháp chuyên môn của mình, đã tạo ra những luồng sáng khác nhau từ nhiều chiều hướng cùng rọi chiếu vào một điểm, để cuối cùng, dưới ánh sáng của một năng lượng nghiên cứu tổng hợp, đã thấy dần dần hiện ra, lung linh, rỡ ràng cả một thời mơ màng chìm đắm xa xưa...

Từ những chấm sáng như thế, vô vàn, liên kết lại, hình ảnh của cả một thời đại bộc lộ dần. Đây là một thời đại kéo dài từ hai đến bốn nghìn năm trước - đúng như truyền ngôn "mấy nghìn năm lịch sử" của chúng ta. Đấy là một thời đại xao động những biến cố hệ trọng: chuyển mình từ xã hội nguyên thủy sang xã hội giai cấp, xây dựng những thể chế đầu tiên của quốc gia và dân tộc, tiến hành chiến tranh để thống nhất và bảo vệ cộng đồng ... đúng như cách mệnh danh " THỜI ĐẠI DỰNG NƯỚC VÀ GIỮ NƯỚC ĐẦU TIÊN"

Đấy còn là một thời đại bồi đắp và định hình nền văn minh đầu tiên mang bản lĩnh dân tộc với một loạt thành tựu đặc sắc trong đời sống vật chất, xã hội và tinh thần - từ ngôi nhà sàn mái cong đến con thuyền đuôi én, từ những truyện kể kỳ thú đến chiếc trống đồng kỳ diệu... vừa tỏa rộng ảnh hưởng đến những miền đất đai xa xôi đương thời, vừa in dài dấu vết trong những thời đại lịch sử tiếp theo đúng như niềm tự hào mà Nguyễn Trãi xưa đã khẳng định:

" Nước Đại Việt ta vốn xây nền văn hiến đã lâu " ...

Đấy chính là thời đại Hùng Vương dựng nước mà từ bao đời nay, với nếp quen phụng thờ và tưởng nhớ tổ tiên, nhân dân ta vẫn giữ trọn niềm tin yêu sắt đá và hình tượng hoá thành các nhân vật tiêu biểu: VUA HÙNG

Khoa học hôm nay đã mở rộng khái niệm, củng cố độ bền và trả lại chiều sâu cho những sự kiện và con người hằng được quan niệm theo tư duy cảm tính để cho hợp và đúng hơn với phong cách và yêu cầu của thời đại mới.

Đồng thời, bên cạnh việc nghiên cứu khái quát và tổng hợp, vẫn tìm tòi chi tiết cụ thể, chẳng hạn về chính những vua Hùng, gần đây đã xuất hiện những dấu hiệu trực tiếp của một vùng "kinh đô" mà huyền thoại đã xây dựng kèm những lầu son gác tía, tiếng hát Trương Chi và nước mắt Mị Nương... hy vọng có thể sẽ tiến tới chỗ tìm được mộ táng của những vua Hùng ấy. Khi đó sẽ còn xuất hiện những cứ liệu tốt hơn nữa cho việc tìm hiểu và vẽ lại chân dung thời đại.

Huyền thoại bây giờ đang trở thành lịch sử.

Chúng ta hãy đốt nén hương lòng, kính cẩn hướng về những anh hùng dựng nước, hãy hành trình, hành hương vào chiều sâu lịch sử thiêng liêng của Tổ quốc ngàn năm...

. Mở đầu : Thời Ðại Hùng Vương , Nghiên cứu khoa học và tự hào dân tộc
. Chương I : Từ trong mây mù huyền thoại đến hiện thực lịch sử
. Chương II : Hành hương về đất Tổ
. Chương III : Khơi nguồn truyền thống , Thống nhất và văn minh
. Chương IV : Ði tìm dấu vết một thời đại trên những di tích khảo cổ
. Chương V : Bên bờ sông Hồng, sông Mã : Chứng tích của nền văn hoá Đông Dơn rực rỡ
. Chương VI : Ngắm nghía và suy nghĩ về văn vật kỳ diệu của thời đại dựng nước : những chiếc trống đồng Đông Sơn
. Chương VII : Thiên nhiên thời đại dựng nước
. Chương VIII : Thăm lại làng xưa chạ cổ cách đây hàng nghìn năm
. Chương IX : Cuộc sống đầm ấm của gia đình người Việt cổ
. Chương X : Nếp phong tục thuần phác cổ xưa 
. Chương XI : Hội làng thời Hùng Vương
. Chương XII : Những người nghệ sĩ tạo hình tài hoa
. Chương XIII : Thần thoại và truyền thuyết anh hùng Việt cổ
. Chương XIV : Tín ngưỡng và tư duy người xưa
. Chương XV : Khơi nguồn truyền thống thượng võ của dân tộc
. Chương XVI : Bản anh hùng ca dựng nước xây thành chống ngoại xâm của vua Thục An Dương Vương
. Chương XVII : Bà Trưng khởi nghĩa lập chiến công oanh liệt ngàn thu
. Chương XVIII : Lời tạm kết