四 妙 諦; S: catvāri ārya-satyāni; P: cattāri ariya-saccāni; cũng gọi là Tứ thánh đế (四 聖 諦)
Bốn chân lí cao cả, là gốc cơ bản của giáo pháp đạo Phật. Bốn chân lí đó là:
1. Khổ đế (苦 諦; s: duḥkhasatya), chân lí về sự Khổ; 2. Tập khổ đế (集 苦 諦; s: samudayasatya), chân lí về sự phát sinh của khổ; 3. Diệt khổ đế (滅 苦 諦; s: duḥhanirodhasatya), chân lí về diệt khổ; 4. Ðạo đế (道 諦; s: mārgasatya), chân lí về con đường dẫn đến diệt khổ.
Chân lí thứ nhất cho rằng mọi dạng tồn tại đều mang tính chất khổ não, không trọn vẹn. Sinh, lão bệnh, tử, xa lìa điều mình ưa thích, không đạt sở nguyện, đều là khổ. Sâu xa hơn, bản chất của năm nhóm thân tâm, Ngũ uẩn (五 蘊; s: pañcaskandha; p: pañcakhandha), là các điều kiện tạo nên cái ta, đều là khổ.
Chân lí thứ hai cho rằng nguyên nhân của khổ là sự ham muốn, Ái (愛; s: tṛṣṇā; p: taṇhā), tìm sự thỏa mãn dục vọng, thỏa mãn được trở thành, thỏa mãn được hoại diệt. Các loại ham muốn này là gốc của Luân hồi (輪 迴; s, p: saṃsāra).
Chân lí thứ ba nói rằng một khi gốc của mọi tham ái được tận diệt thì sự khổ cũng được tận diệt.
Chân lí thứ tư cho rằng phương pháp để đạt sự diệt khổ là con đường diệt khổ tám nhánh, Bát chính đạo. Không thấu hiểu Tứ diệu đế được gọi là Vô minh (無 明; s: avidyā; p: avijjā).
Theo truyền thuyết, thông qua sự khám phá Tứ diệu đế, Ðức Phật đạt Giác ngộ (覺 悟; s, p: bodhi). Ngài bắt đầu giáo hóa chúng sinh bằng giáo pháp này, tại Lộc uyển.
Phật thuyết như sau về Tứ diệu đế trong kinh Chuyển pháp luân (bản dịch của Thích Minh Châu):
»Này các tỉ-kheo, đây chính là Khổ thánh đế: sinh là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, oán ghét gặp nhau là khổ; thân ái biệt li là khổ, cầu không được là khổ, tóm lại năm uẩn chấp thủ là khổ.
Này các tỉ-kheo, đây chính là Tập khổ thánh đế. Chính là ái đưa đến hữu, tương ứng với hỉ và tham, tìm cầu hoan lạc chỗ này chỗ kia, chính là dục ái, sinh ái, vô sinh ái.
Này các tỉ-kheo, đây chính là Diệt khổ thánh đế. Chính là sự diệt tận, vô dục, từ bỏ, xả li, giải thoát, tự tại đối với các ái.
Này các tỉ-kheo, đây chính là Ðạo diệt khổ thánh đế, đưa đến diệt Khổ, chính là con đường thánh tám ngành: Chính kiến, Chính tư duy, Chính ngữ, Chính nghiệp, Chính mệnh, Chính tinh tiến, Chính niệm, Chính định.«