HomeIndex

Phật tính

佛 性 ; S: buddhatā, buddha-svabhāva;

Theo quan điểm Ðại thừa, Phật tính là thể bất sinh bất diệt của mọi loài. Vì thế, mọi loài đều có thể đạt giác ngộ và trở thành một vị Phật, không bị đời sống hiện tại hạn chế. Có nhiều quan điểm khác nhau về Phật tính, người ta tranh cãi liệu tất cả mọi loài đều có Phật tính, liệu thiên nhiên vô sinh vô tri như đất đá có Phật tính hay không.

Giữa Tiểu thừa và Ðại thừa có sự khác biệt, liệu Phật tính có thường hằng trong mọi loài hay không. Tiểu thừa hầu như không nhắc đến Phật tính, cho rằng không phải chúng sinh nào cũng có thể thành Phật. Ðại thừa xem đạt Phật quả là mục đích cao nhất, đó là thể hiện Phật tính nằm sẵn trong mọi chúng sinh, thông qua những phép tu học nhất định.

Theo Thiền tông thì mỗi chúng sinh đều có Phật tính (j: busshō), nhưng nói chung thì không tự biết và cũng không sống với sự tự hiểu biết này như một bậc giác ngộ, một vị Phật. Sự thức tỉnh này và sự sinh diệt – một biểu hiện từ khoảnh khắc này đến khoảnh khắc nọ của sự đồng nhất với Phật tính – chính là mục đích của Thiền.

Như vị Thiền sư hiện đại người Nhật Bạch Vân An Cốc viết thì Phật tính – cũng đồng nghĩa với Pháp tính (s: dharmatā; j: hosshō) – chính là cái mà người ta gọi trong Ðại thừa là tính Không (s: śūnyatā; j: ku). Sư dạy: »Qua kinh nghiệm giác ngộ – nguồn gốc của tất cả những giáo lí đạo Phật – người ta ngộ được thế giới của tính Không. Thế giới này – chuyển động, không có trọng lượng, vượt mọi cá thể – vượt khỏi trí tưởng tượng của con người. Vì thế nên chúng ta không thể nào hiểu được và cũng không thể nào tìm hiểu được cái tự tính chân thật của vạn vật, cái Phật tính, pháp tính của chúng. Vì tất cả những gì chúng ta có thể tưởng tượng ra được đều phải có màu sắc nên tất cả những gì chúng ta tưởng tượng về Phật tính tất nhiên là sai. Cái người ta có thể tưởng tượng được chỉ là sự phản chiếu của Phật tính – nhưng không phải Phật tính. Nhưng, mặc dù Phật tính không thể diễn bày (Bất khả thuyết), không thể nghĩ bàn (Bất khả tư nghị), chúng ta vẫn có thể tỉnh thức, chứng ngộ được nó bởi vì chúng ta bản lai là Phật tính.«