Ý kiến và quan điểm, nếu kiên cố quá sẽ trở thành một sự phán xét. Và
đây cũng là một trong những yếu tố có thể điều kiện hóa kinh nghiệm của
ta. Chúng ta tự phán xét mình và phán xét người khác, ít khi để cho một
sự kiện nào đi qua mà không phê phán. Mặc dù loại tư tưởng này hoạt động
rất thầm lặng trong cuộc sống bận rộn hằng ngày, nhưng nó sẽ hiện lên
thật rõ rệt khi chúng ta theo dõi tâm trong lúc ngồi thiền. Nhiều lúc ta
có cảm tưởng như là tâm mình không còn làm việc gì khác hơn là phê phán!
Có lẽ, cũng như mọi người khác, ta đã bị cái tâm phán xét không ngừng ấy
làm khốn khổ không ít. Nhưng bạn nên nhớ rằng, trong sự tu tập ta bao
giờ cũng chú trọng vào việc thay đổi mối tương quan giữa ta với vấn đề
hơn là cố thay đổi chính vấn đề ấy. Sau đây là ba phương pháp mà ta có
thể áp dụng để thay đổi mối tương quan giữa ta với tâm phán xét. Có một
vài phương pháp là “cây nhà lá vườn”, nên bạn sẽ không tìm thấy chúng
trong kinh điển. Tôi đã phát kiến ra những phương pháp ấy trong thời
gian phải tranh đau với “những đợt tấn công của tâm phán xét” trong sự
tu tập của chính tôi.
Một lần, khi đang thiền tập trong một khóa tu, tôi đã kinh nghiệm được
sự khó chịu của tâm phán xét này thật rõ ràng. Lần đó tôi đang ngồi
trong phòng ăn của trung tâm tu học, từ vị trí ấy tôi có thể nhìn thấy
mọi người đi ra vào lấy thực phẩm. Mặc dù bề ngoài thì tôi có vẻ như
đang chú tâm vào miếng ăn của mình, nhưng ánh mắt tôi để ý đến tất cả
mọi việc xảy ra chung quanh. Tôi rất ngạc nhiên khi nhận thấy rằng tâm
tôi có từng lời phán xét cho mỗi người đi vào phòng ăn.
Tôi không thích cách người ta đi đứng thiếu chánh niệm, hoặc là số lượng
thực phẩm người ta lấy, hoặc là cách người ta ăn uống, hoặc là cách ăn
mặc của họ... Tôi cảm thấy vô cùng khó chịu khi thấy mình có biết bao
nhiêu lời phê phán ngập tràn trong tâm. Điều tôi kể bạn nghe có quen
thuộc không?
Phản ứng đầu tiên của tôi đối với sự khám phá mới đó là đâm ra bực tức
với chính mình. Trước hết, tôi lên án tất cả những lời phê phán ấy là
“bất thiện”, rồi lại tự cho mình là xấu vì đã có những ý nghĩ như thế.
Nhưng sau một thời gian, tôi hiểu rằng quay sang phán xét sự phán xét
cũng chẳng ích lợi gì!
Phương pháp đầu tiên mà tôi dùng để đối phó với tâm phê phán là sử dụng
chánh niệm. Với chánh niệm, tôi cố gắng ghi nhận thật rõ sự biểu hiện
của tâm phê phán như thế nào, thấy được những tầng lớp tiếp nối nhau của
tư tưởng với một ý thức sáng tỏ. Khi áp dụng chánh niệm như vậy, tôi
nhận thấy rằng ta sẽ trở nên bớt dính mắc vào chúng hơn.
Nhưng trong những trường hợp đặc biệt, đôi khi ta cũng cần phải có những
biện pháp hơi khác thường một chút. Thế cho nên tôi có phát kiến thêm
hai phương pháp khác nữa để đối phó với tâm phán xét. Trước hết, tôi bắt
đầu đếm những ý nghĩ phê phán khi chúng vừa khởi lên. Mỗi khi có một ý
tưởng phê phán nào trong tâm, tôi đếm: “Phê phán 1, phê phán 2, phê phán
3... phê phán 500...” Cho đến một lúc, tôi phải phá lên cười. Tôi bắt
đầu nhìn những tư tưởng “bất thiện” ấy bằng một ánh mắt thư thái hơn,
không tin vào chúng và cũng không phản ứng chống cự lại chúng. Một tư
tưởng phán xét khởi lên, ta có thể nhận diện nó, mỉm cười và rồi buông
bỏ nó. Thật là một làn gió tươi mát thổi vào tâm ta.
Phương pháp thứ hai tôi sử dụng những khi có nhiều tư tưởng phán xét
khởi lên liên tục và nhanh chóng là kèm theo sau mỗi lời phê bình câu
“bầu trời màu xanh.” Chg hạn, “Anh chàng đó lấy nhiều đo ăn quá - bầu
trời màu xanh.” “Tôi không ưa cách họ đi đứng - bầu trời màu xanh.”...
“Bầu trời màu xanh” là một ý nghĩ có tính chất trung hòa, nó đến và đi
mà không gây nên một phản ứng nào trong tâm. Khi cộng nó thêm vào cuối
mỗi câu phê bình, nó nhắc nhở tôi rằng hãy để cho sự phê phán của mình
đi qua như là ý nghĩ về “bầu trời màu xanh” vậy, vô thưởng vô phạt!
Thế nên, thay vì chống cự hoặc tranh đấu với sự phê phán của mình, hoặc
bất cứ một loại tư tưởng nào khởi lên thường xuyên khác, chúng ta có thể
học cách không phản ứng, không để cho chúng làm khó chịu, và nhiều khi
còn có thể mỉm cười với chúng.
Bạn hãy thử thí nghiệm với một ý tưởng nào từng làm cho bạn khó chịu
nhất. “Tự thù ghét 1, tự thù ghét 2... tự thù ghét 590... tự thù ghét
10.000...” Rồi đến một lúc bạn sẽ bắt đầu mỉm cười. Sự thật là như vậy!
Và nụ cười ấy báo hiệu một sự chuyển hóa vô cùng quan trọng trong mối
tương quan giữa bạn với những vấn đề khó khăn. Những vấn đề ấy hoàn toàn
trống rỗng, chúng không là của ai, vì chúng cũng không có một gốc rễ
nào. Chúng được nuôi dưỡng nhờ vào sự liên he với ta. Cũng chính vì ta
không ưa nó mà nó tiếp tục xuất hiện. Đến khi ta thôi không còn ghét bỏ
một việc nào thì sẽ không có gì là vấn đề nữa.
Trong kinh nghiệm tu tập, tôi đã từng theo dõi những cốt truyện kinh
hoàng nhất trong tâm trí mình. Được rồi, thì chúng đang có mặt, sinh lên
và sẽ diệt đi. Nếu ta biết đối xử với chúng một cách bất bạo động, không
để bị đồng hóa, thì nội dung của chúng không có gì là quan trọng. Ta sẽ
có được một sự tự do lớn khi ý thức rằng: Dưới sự quán chiếu của chánh
niệm, nội dung của chúng hoàn toàn là vô nghĩa.