Kinh Thánh kể lại rằng khi đức Chúa sáng tạo ra loài người, ngài đã lấy
xương sườn của người đàn ông để tạo ra người đàn bà và cho người đàn bà
ấy làm vợ anh ta.
Chuyện đã quá lâu nên chúng ta cũng khó lòng biết được là sự thật xưa
kia đã diễn ra như thế nào. Tuy nhiên, điều làm tôi quan tâm nhiều nhất
trong mẩu chuyện này lại chính là cách hiểu về mối quan hệ vợ chồng. Bất
kể rằng người đàn bà có thật được làm từ xương sườn của người đàn ông
hay không, thực tế là chúng ta chỉ có được một cuộc hôn nhân lý tưởng
khi hai người thực sự trở thành một phần thân thể và tâm hồn của nhau.
Nói cách khác, mỗi người đều phải cảm nhận được những buồn vui của người
kia như của chính mình, cùng nhau chia sẻ tất cả những lo toan, bực dọc
cho đến những hạnh phúc ngọt ngào trong cuộc sống. Chỉ có như vậy thì
hôn nhân giữa hai người mới thực sự là nền tảng vững chắc cho tòa lâu
đài hạnh phúc mà trong đó những đứa con sẽ ra đời và khôn lớn.
Vì thế, mỗi khi chứng kiến một cuộc hôn nhân đổ vỡ hay phải tồn tại
trong đau khổ, tôi thường nói đùa rằng đó là một trường hợp nhận... lầm
xương sườn người khác!
Đó là nói theo cách hoàn toàn biểu trưng, để chỉ rõ rằng hạnh phúc thực
sự trong hôn nhân chỉ có thể đạt được với sự hòa hợp giữa hai người, hay
nói theo cách khác là hai người “tuy hai mà một”! Nhưng xét cho cùng lý,
nếu mỗi người chỉ có một cái “xương sườn” để đi tìm, thì rõ ràng việc
“nhận lầm” của người khác cũng là điều thường xuyên phải xảy ra thôi.
Hơn thế nữa, nếu không may cái “xương sườn” của tôi lại nằm đâu đó cách
tôi vài trăm cây số hoặc ở tận bên kia bờ đại dương, thì biết làm sao mà
“ráp lại”!
Trên đất nước hình cong chữ S này, ông bà ta xưa kia đã từng nói một
cách hình tượng và hợp lý hơn về một cuộc hôn nhân lý tưởng. Hãy nghe
câu ca dao này:
Râu tôm nấu với ruột bầu,
Chồng hòa vợ thuận gật đầu khen ngon.
Thế là đã quá rõ vấn đề. Chỉ cần được “chồng hòa vợ thuận” thì mọi khó
khăn đều có thể vượt qua, mọi buồn vui đều có thể san sẻ, và mọi bất
đồng cũng không còn là trở lực. Triết lý sống ở đây đơn giản và mộc mạc
nhưng lại hết sức thiết thực và chí tình, chí lý, như được diễn đạt một
lần nữa mạnh mẽ hơn qua câu tục ngữ: “Thuận vợ thuận chồng, tát bể Đông
cũng cạn.”
Hiểu theo cách này thì chúng ta có thể yên tâm không còn sợ chuyện...
nhận lầm “xương sườn” người khác. Và vấn đề hạnh phúc lứa đôi trong hôn
nhân cũng không còn là chuyện “duyên phận trời cho”, “phải sao chịu
vậy”! Chìa khóa của vấn đề chính là nằm trong yếu tố “chồng hòa vợ
thuận”, mà điều đó thì không ai có thể mang đến cho chúng ta, chỉ có tự
ta phải nỗ lực và khéo léo trong ứng xử mới có thể đạt đến mà thôi. Ở
đây không có chỗ cho những biện bạch đúng sai, phải trái hay tốt xấu,
hơn kém. Chỉ cần vợ chồng đồng thuận một lòng, “phu xướng phụ tùy” là đã
có thể đủ để đảm bảo cho một cuộc sống gia đình hạnh phúc.
Người vợ hoặc chồng của bạn chắc chắn là người bạn đem lòng yêu thương
nhiều nhất, nhưng không nhất thiết - và thường không thể là người có
nhiều ưu điểm nhất, giỏi giang nhất hoặc xinh đẹp, đáng yêu nhất như ảo
tưởng của không ít bạn trẻ khi vừa mới lập gia đình. Tâm lý tự nhiên khi
đang yêu là bạn thường chỉ nhìn thấy toàn những... ưu điểm của người
yêu. Nhưng một khi đã kết hôn, bạn không thể mong rằng ảo tưởng đó sẽ
tiếp tục tồn tại. Người vợ hoặc chồng của bạn chắc chắn là có một số ưu
điểm nhất định nào đó mà bạn đã chọn lựa, nhưng cũng chắc chắn là còn có
rất nhiều người khác giỏi giang hơn, tuyệt vời hơn nữa... Chỉ có điều họ
không phải là người bạn đã chọn! Và bạn không thể thất vọng khi nhận ra
điều đó. Tương tự, mỗi con người đều có những khuyết điểm, ý trung nhân
của bạn cũng không phải là ngoại lệ, vì thế anh ấy hoặc cô ấy cũng phải
có những khuyết điểm, những tật xấu, ngay cả những khuyết điểm hay tật
xấu mà trước đây bạn chưa từng nhận thấy. Bạn phải biết chấp nhận những
điều đó thay vì là thở than, thất vọng. Vả lại, suy cho cùng thì bản
thân bạn cũng không thể là người hoàn hảo, và cũng có không ít những
khuyết điểm hay tật xấu mà trước đây anh ấy hoặc cô ấy chưa từng nhận
biết. Chẳng thế mà ông bà xưa vẫn thường nói “Nồi nào vung nấy” đó sao?
Râu tôm là thứ mà các bà nội trợ vặt bỏ đi vì chẳng có mùi vị gì. Ruột
bầu nói ở đây hẳn là thứ bầu già, hạt đã hơi cứng, nên khi nấu phải cắt
bỏ ruột đi để tô canh không bị chua. Vì thế, râu tôm mà nấu với ruột bầu
thì chắc chắn là đôi vợ chồng này đã chẳng có gì để ăn, phải nhặt lấy
những thứ người ta bỏ đi để mang về dùng qua bữa. Nghèo khó đến thế
nhưng họ vẫn giữ được sự hòa thuận với nhau, nên cho dù phải ăn bát canh
nấu bằng những thứ bỏ đi mà vẫn cùng nhau vui vẻ “gật đầu khen ngon”.
Hạnh phúc không đến từ bát canh “râu tôm, ruột bầu”, mà đến từ sự hòa
thuận của đôi vợ chồng ngay trong những hoàn cảnh khó khăn, cơ cực nhất.
Nếu như họ đã có thể giữ được sự hòa thuận ngay cả trong những hoàn cảnh
ấy, thì liệu còn nghịch cảnh nào có thể chia lìa được họ?
Để thấy rõ hơn giá trị của sự hòa thuận giữa vợ chồng với nhau, chúng ta
hãy thử nhìn qua một vài số liệu thống kê thực tế về tình hình chung
sống của những đôi uyên ương bên trời Tây, nơi mà nền văn minh khoa học
và những thành tựu vật chất đang dẫn đầu toàn thế giới.
Tạp chí New York Times số ra ngày 19 tháng 4 năm 2005 công bố kết quả
một cuộc nghiên cứu được các nhà khoa học Hoa Kỳ tiến hành kéo dài qua
nhiều thập kỷ. Theo kết quả phân tích trong cuộc nghiên cứu này, tỷ lệ
ly hôn tại Hoa Kỳ vào khoảng năm 1980 chiếm đến 41% trong tổng số các
cặp vợ chồng đã chính thức kết hôn! Tỷ lệ này sau đó có giảm dần, và đến
năm 2002 thì dừng ở mức khoảng 31%, nghĩa là cứ 3 cặp kết hôn thì gần
như là có một cặp sẽ ly hôn! Những người thực hiện cuộc nghiên cứu cũng
lưu ý một kết quả phân tích cho thấy là nếu tính riêng những cặp vợ
chồng đều đã tốt nghiệp đại học thì tỷ lệ ly hôn vào khoảng năm 2002 là
20%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ chung. Cuộc nghiên cứu này cũng cho
biết là có 60% những vụ ly hôn đã xảy ra trong khoảng 10 năm đầu sau khi
kết hôn, và tỷ lệ này lên đến hơn 80% nếu thời gian quan sát là 20 năm.
Điều này cũng có nghĩa là trong tất cả các vụ ly hôn, chỉ có chưa đến
20% đủ may mắn để cùng nhau chung sống được hơn 20 năm!
Những cô dâu còn quá trẻ có khuynh hướng sẽ ly hôn nhiều hơn. Kết quả
nghiên cứu cho thấy trong số những cô gái kết hôn ngay khi vừa đủ tuổi,
có đến 59% sẽ ly hôn trong vòng 15 năm sau đó. Với những người kết hôn ở
độ tuổi chín chắn hơn, khoảng 25 trở lên, tỷ lệ ly hôn giảm thấp hơn rõ
rệt.
Cũng may là tỷ lệ ly hôn ở nước ta nói riêng và ở châu Á nói chung chưa
đến mức... khủng khiếp như thế! Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với số
liệu phân tích các vụ ly hôn tại Hoa Kỳ khi cho thấy những người da
trắng có khuynh hướng ly hôn nhiều hơn, chiếm 27%, người Mỹ gốc Phi là
22%, và những người gốc châu Á chỉ chiếm 8%.
Tại Anh quốc, Grant Thornton đã tiến hành một cuộc nghiên cứu phân tích
các nguyên nhân dẫn đến ly hôn trong 2 năm 2003 và 2004 với kết quả như
sau: ly hôn do vợ hoặc chồng có quan hệ ngoại tình chiếm 29% trong năm
2003, giảm còn 27% trong năm 2004; ly hôn do những căng thẳng trong gia
đình chiếm 11% trong năm 2003 nhưng tăng đến 18% trong năm 2004; ly hôn
do những xúc phạm về thể chất hoặc tinh thần chiếm 10% trong năm 2003
nhưng tăng đến 17% trong năm 2004; và ly hôn do nghiện ngập, cờ bạc
chiếm từ 5% đến 6%, tương đương với số vụ ly hôn do một trong hai người
quá say mê công việc.
Về nguyên nhân ly hôn do có quan hệ tình dục với người thứ ba, cuộc
nghiên cứu này cho thấy số vụ ngoại tình của nam giới chiếm từ 55% đến
75%; còn phụ nữ chỉ chiếm từ 25% đến 45%. Tuy nhiên, những nguyên nhân
gây căng thẳng trong gia đình lại đến từ phụ nữ là 78%, so với nam giới
chỉ chiếm 22%.
Cho đến gần đây, các nhà nghiên cứu vẫn tin rằng ảnh hưởng xấu của những
vụ ly hôn đối với con cái chỉ là trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên,
với những quy mô nghiên cứu sâu rộng và lâu dài hơn, nhận xét này đến
nay đã hoàn toàn thay đổi. Ảnh hưởng của những vụ ly hôn giữa cha mẹ có
thể bộc lộ rất lâu sau đó, nhất là khi những đứa con của họ đến tuổi kết
hôn. Các chuyên gia vẫn còn tranh cãi nhau khá nhiều về mức độ ảnh hưởng
xấu của những vụ ly hôn đối với con cái khi chúng tự mình xây dựng một
gia đình. Giáo sư Mavis Hetherington của trường Đại học Virginia ghi
nhận một kết quả nghiên cứu được công bố vào năm 2000 cho thấy có 70%
con cái của những gia đình ly hôn có khuynh hướng cho rằng ly hôn là
giải pháp thỏa đáng cho những rắc rối trong hôn nhân, ngay cả khi đã có
con cái. Đối với những cặp vợ chồng mà cha mẹ trước đây không ly hôn thì
chỉ có 40% chấp nhận giải pháp này.
Không cần phải nói, chúng ta ai cũng có thể thấy rằng mỗi một cuộc ly
hôn để lại những hậu quả xấu như thế nào, về kinh tế gia đình, về sự
nuôi dưỡng và giáo dục con cái, nhưng trên hết là hạnh phúc thực sự của
những người trong cuộc. Có thể nói là một cuộc hôn nhân không trọn vẹn
sẽ để lại những vết thương âm ỉ trong lòng mỗi người cho đến tận cuối
đời, không dễ gì có thể hàn gắn được.
Chúng ta không phủ nhận là vẫn có những trường hợp mà ly hôn là giải
pháp duy nhất để chọn lựa, khi hai vợ chồng hoàn toàn không hòa hợp nhau
và liên tục xảy ra những xung đột, mâu thuẫn. Tuy nhiên, trong phần lớn
các trường hợp thì vấn đề rất hiếm khi phát triển nghiêm trọng đến thế,
nếu mỗi người đều sớm nhận ra và có những cách ứng xử thích hợp để bảo
vệ hạnh phúc gia đình.
Một người vợ mẫu mực khi được hỏi về bí quyết giữ vững hạnh phúc gia
đình trong hơn 50 năm qua đã trả lời một cách dí dỏm nhưng vô cùng sâu
sắc: “Có gì đâu. Đó là nhờ tôi và ông nhà tôi đều có học khiêu vũ, nên
chúng tôi biết cách khiêu vũ cùng nhau. Khi một người bước tới thì người
kia phải lùi, nhờ đó mà luôn có thể lui tới nhịp nhàng. Nếu cả hai cùng
bước tới thì tất nhiên phải dẫm vào chân nhau, không thể cùng nhau khiêu
vũ cho đến hết bản nhạc.”
Tục ngữ Việt Nam ghi lại kinh nghiệm sống này một cách cụ thể như sau:
Chồng giận thì vợ bớt lời,
Cơm sôi bớt lửa một đời không khê!
Để ăn được bát canh “râu tôm nấu với ruột bầu” một cách ngon lành, thật
cũng không dễ dàng gì. Tuy nhiên, những gì mà chúng ta nhận được trong
cuộc sống gia đình hòa thuận chắc chắn là sẽ hết sức xứng đáng với công
sức đã bỏ ra để đạt được điều đó!