Sau khi đức Phật thành đạo, ngài bắt đầu công cuộc giáo hóa khắp nơi,
đem những hiểu biết thiết thực về một đời sống giải thoát - an vui và
hạnh phúc - để truyền dạy cho tất cả mọi người. Rất nhiều người sau khi
nhận hiểu được những điều ngài truyền dạy đã quyết định rời bỏ đời sống
thế tục để có thể chuyên tâm thực hành một cuộc sống an lạc, gọi là xuất
gia. Những người xuất gia cùng nhau chung sống để hỗ trợ cho nhau trong
việc tu tập và tạo thành Tăng đoàn đầu tiên trên trái đất này.
Nhưng các vị tăng sĩ xuất gia xét cho cùng cũng chỉ là những người vừa
buông bỏ cuộc sống thế tục. Cho dù có quyết tâm sống một cuộc đời đạo
hạnh, nhưng họ cũng không thể chỉ trong một sớm một chiều dứt trừ được
hết những thói hư tật xấu vốn có đã lâu đời. Vì thế, điều chắc chắn là
họ cũng mang theo vào Tăng đoàn ít nhiều những tập quán cũ. Trong thời
gian tu tập, khi chưa hoàn toàn đạt được sự giải thoát, những thói hư
tật xấu của mỗi người chắc chắn sẽ tạo ra những va chạm, mâu thuẫn không
thể tránh khỏi trong tập thể Tăng đoàn.
Đức Phật hoàn toàn thấu hiểu được thực tế đó, và ngài cũng chưa bao giờ
đòi hỏi các vị xuất gia phải ngay lập tức chứng đắc thánh quả hay đạt
được sự giải thoát rốt ráo. Vì thế, ngài đã chỉ dạy những phương pháp để
duy trì đời sống hòa hợp trong Tăng đoàn, tạo điều kiện trước hết cho
nếp sống giải thoát. Chính các phương pháp này là khuôn vàng thước ngọc
cho tất cả những người xuất gia vào thời đức Phật cũng như sau này, giúp
tạo ra sự thương yêu hòa hợp trong tập thể tăng chúng, cho dù là ở bất
cứ nơi đâu.
Những phương pháp này được nhiều kinh điển ghi chép lại thành một hệ
thống cụ thể gọi là Lục hòa kính, nghĩa là sáu phương pháp hòa thuận và
tôn kính lẫn nhau. Tất cả những người xuất gia đều phải ghi nhớ và thực
hiện đúng theo sáu phương pháp mang tính nguyên tắc này, và điều đó sẽ
đảm bảo cho cuộc sống chung trong tập thể Tăng đoàn luôn duy trì được sự
hòa thuận và tôn kính lẫn nhau.
Theo sách Tổ đình sự uyển, quyển 5, Lục hòa kính được liệt kê tên gọi và
ý nghĩa căn bản như sau:
Thứ nhất là thân hòa, cộng trú, nghĩa là thân hòa hợp, cùng nhau chung
sống. Nguyên tắc này nhấn mạnh sự tương đồng giữa mọi người trong cùng
một tập thể, và chỉ có thể đạt được sự hòa hợp cho đời sống thông qua
việc cùng nhau chung sống. Nói cách khác, nếu chúng ta tránh né những
người khác như một biện pháp để giải quyết những bất đồng thì thực ra là
bất đồng ấy vẫn chưa được giải quyết. Chỉ khi nào chúng ta mạnh dạn đối
mặt với những bất đồng và cùng nhau tìm cách vượt qua được nó thì sự hòa
hợp mới thực sự được đạt đến. Khi tuân theo nguyên tắc này, mọi người
trong cùng một tập thể sẽ cùng nhau chung sống, luôn quan tâm giúp đỡ
lẫn nhau, cùng nhau khắc phục mọi nhược điểm, cùng nhau vượt qua mọi khó
khăn trong cuộc sống. Mỗi người đều biết tôn trọng tập thể, trong đó có
cả bản thân mình và người khác, vì thế mà mọi mục tiêu nhắm đến đều là
vì tập thể chứ không còn là của riêng ai.
Thứ hai là khẩu hòa, vô tranh, nghĩa là lời nói hòa hợp, không tranh
cãi. Nguyên tắc này nêu bật sức mạnh của lời nói trong việc giữ gìn sự
hòa hợp giữa mọi người. Như tục ngữ có câu:
Lời nói chẳng mất tiền mua,
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.
Lựa lời mà nói hoàn toàn không có nghĩa là nói sai lệch sự thật hay
thiếu sự trung thực, thẳng thắn, mà có nghĩa là phải cố gắng chọn lựa
một cách diễn đạt vấn đề sao cho không gây tổn thương đến người khác một
cách không cần thiết. Lựa lời mà nói cũng có nghĩa là biết im lặng đúng
lúc để không nói ra những lời vô bổ nhưng có thể gây tổn thương hoặc khó
chịu cho người khác. Ngoài ra, lựa lời mà nói còn có nghĩa là luôn cố
gắng nói ra những lời khuyến khích điều lành, ngăn giữ điều ác. Việc
thực hiện theo nguyên tắc này có nghĩa là phải biết thận trọng
trong sử dụng lời nói, trong chừng mực có thể được phải luôn chọn lựa
những cách diễn đạt hòa nhã, êm dịu thay vì là căng thẳng, xúc phạm. Và
trên hết là phải tránh hẳn sự tranh cãi. Ở đây cần phân biệt rõ là sự
tranh luận để làm rõ vấn đề hoàn toàn khác biệt với sự tranh cãi vốn chỉ
nhằm chứng minh cho sự đúng đắn của bản thân mình.
Thứ ba là ý hòa, đồng sự, nghĩa là tâm ý hòa hợp, cùng nhau làm việc,
cùng nhau phục vụ. Nguyên tắc này nhấn mạnh tính chất quyết định của tâm
ý như là yếu tố tiên quyết của mọi việc làm, như trong kệ số 1 của kinh
Pháp Cú dạy rằng:
Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo.
Nếu với ý ô nhiễm,
Nói lên hay hành động,
Khổ não bước theo sau,
Như xe, chân vật kéo.
Vì thế, trước hết phải có sự hòa hợp tâm ý thì sau đó mới có thể cùng
nhau làm việc, cùng nhau phục vụ trong sự hòa hợp. Khi thực hiện theo
nguyên tắc này, mọi người trong một tập thể phải có được sự “đồng lòng
nhất trí”, luôn hướng đến những chuẩn mực chung cũng như một lý tưởng
chung, và trên cơ sở đó mà cùng nhau thực hiện mọi công việc, phụng sự
lẫn nhau.
Thứ tư là giới hòa, đồng tu, nghĩa là hòa hợp trong sự giữ giới, cùng
nhau tu tập. Nguyên tắc này nhấn mạnh sự tương đồng giữa mọi người trong
việc giữ theo giới luật, nghĩa là những khuôn thước chung của những
người đã sống cuộc sống xuất gia. Dựa trên nền tảng của giới luật, mọi
người có thể cùng nhau tu tập, cùng hướng đến một đời sống tốt đẹp hơn,
an lạc hơn nhờ vào những nỗ lực tu tập của chính mình. Mỗi người có thể
vẫn còn những bất đồng với người khác, nhưng một khi đã quyết định bước
vào Tăng đoàn thì điểm chung là giới luật, không ai có thể khác biệt về
điểm này. Vì thế, mọi người đều phải cùng nhau thực hiện theo đúng với
giới luật trong suốt quá trình tu tập.
Thứ năm là kiến hòa, đồng giải, nghĩa là chỗ thấy biết hòa hợp nhau,
cùng nhau hiểu rõ để cùng tu học. Nguyên tắc này nhấn mạnh sự chia sẻ
kiến thức, hỗ trợ lẫn nhau để cùng tiến bộ trong sự tu tập, không phân
biệt hay nhắm đến sự hơn kém lẫn nhau.
Thứ sáu là lợi hòa, đồng quân, nghĩa là hòa hợp trong chỗ lợi lạc, cùng
chia đều cho nhau, cùng xem nhau bình đẳng không phân biệt hơn kém.
Nguyên tắc này nhấn mạnh sự chia sẻ đồng đều những giá trị vật chất
trong cuộc sống tập thể, không phân biệt là của người này hoặc của người
khác. Đây chính là điều kiện rất quan trọng để đảm bảo tính hòa hợp của
một tập thể, bởi vì khi thực hiện theo nguyên tắc này thì mọi người đều
không còn phân biệt giữa quyền lợi cá nhân và quyền lợi tập thể, đều xem
rằng mọi giá trị vật chất có được đều là của tập thể mọi người và phải
được chia đều cho tất cả một cách bình đẳng không phân biệt.
Theo đúng như tên gọi, sáu nguyên tắc của Lục hòa kính lấy sự hòa hợp và
kính trọng lẫn nhau làm căn bản. Điều này có nghĩa là hoàn toàn không có
sự phân biệt vai vế thấp cao, không phân biệt sự khôn ngoan lanh lợi hay
ngu si chậm lụt. Đây chính là sự khác biệt lớn nhất so với cung cách ứng
xử mà chúng ta thường gặp trong cuộc sống, vốn luôn tùy thuộc vào sự
khác biệt giữa các đối tượng để đưa ra những cách ứng xử khác nhau.
Một vị quan đến hiệu may nổi tiếng kia để đặt may một chiếc áo dài. Chủ
hiệu hỏi: “Ngài làm quan bao lâu rồi?” Khi vị quan ra về, một người học
việc trong hiệu may liền hỏi ông chủ hiệu: “Thưa ông, chỉ là may một
chiếc áo dài, vì sao phải hỏi đến việc làm quan đã bao lâu?” Chủ hiệu
cười đáp: “Vì cách may phải khác nhau. Người mới làm quan thì phải may
vạt trước hơi dài, vạt sau ngắn; còn người làm quan đã lâu thì ngược
lại.”
Câu chuyện mang ý nghĩa hài hước, châm biếm tính kiêu căng, khinh mạn
của người mới làm quan cũng như tính lòn cúi, bợ đỡ của những kẻ sống
lâu trong quan trường. Mặc dù vậy, nó cũng nói lên được cả tính chất xu
phụ, phân biệt đối xử của hầu hết người đời. Tùy theo lúc “lên voi” hay
“xuống chó” mà có những cung cách đối xử khác nhau với người khác, cũng
như tùy thuộc vào đối tượng của mình thuộc tầng lớp nào, vai vế ra sao
để có những cách ứng xử khác nhau.
Sự khác biệt trong cách ứng xử theo nguyên tắc Lục hòa kính lại không
phải như vậy, không phải tùy thuộc vào vai vế khác nhau trong xã hội,
cũng không tùy thuộc vào vai vế của bản thân mình cao hay thấp, mà chỉ
hoàn toàn là tùy thuộc vào tính cách riêng của mỗi người mà thôi. Chẳng
hạn, đối với người thích nói ngắn gọn thì nên nói ngắn gọn, đối với
người thích bộc lộ tình cảm thì bộc lộ tình cảm, cũng như đối với người
thâm trầm kín đáo thì tránh không khoa trương ầm ĩ...
Vì tất cả mọi người đều hướng đến sự hòa hợp và tôn kính lẫn nhau, nên
sự tiếp xúc luôn được cởi mở, thân thiện mà không buông tuồng thái quá.
Từ hơn 25 thế kỷ qua, Lục hòa kính vẫn luôn là khuôn thước của người
xuất gia, giúp cho đời sống trong Tăng đoàn luôn duy trì được sự hòa
hợp, an vui. Nhưng không chỉ là như thế, nếu chúng ta biết vận dụng Lục
hòa kính một cách thích hợp vào đời sống thường ngày, chắc chắn cũng sẽ
đạt được sự hòa hợp với tất cả mọi người quanh ta.