Lời dẫn
Chuyện trong thiên hạ, nếu không có chứng cứ rõ ràng, chỉ dựa vào lời nói thì không đủ để đặt niềm tin. Nhưng nếu có chứng cứ rõ ràng, đã được khảo nghiệm kỹ, thì những lời ấy nhất định là chân thật.
Những chuyện niệm Phật được vãng sinh [ghi chép ở đây] đều là có chứng cứ rõ ràng, đã được khảo nghiệm kỹ. Bởi trong thiên hạ, muôn việc đều có thể giả tạo, chỉ riêng một chuyện sống chết là hoàn toàn không thể nào có mảy may giả tạo.
Từ xưa đến nay, các bậc thánh hiền hào kiệt, vì người giảng giải giáo pháp, bàn luận đạo đức, tu hành theo nhân nghĩa, số lượng rất nhiều, không chỉ là ngàn vạn.... Nhưng các vị ấy đến khi qua đời, nếu không phải do bệnh tật nằm trên giường mà chết, thì cũng là do tuổi già mà chết. Nếu như nói đến những việc như biết trước ngày giờ mình sẽ chết, tắm rửa sạch sẽ rồi ngồi an nhiên mà đi, hoặc có mùi hương lạ tỏa thơm khắp nhà, hoặc nghe tiếng nhạc trời réo rắt nghênh đón, thì từ thuở khai thiên lập địa đến nay chưa từng nghe dù chỉ một vị trong số đó đạt được.
Chỉ riêng đối với những người niệm Phật thì những điềm lành lúc lâm chung như vậy thật không chỉ có một hai trường hợp. Cho nên, không ai được thọ dụng tốt đẹp hơn người niệm Phật, mà cũng không ai tôn quý hơn người niệm Phật.
Vào giây phút lâm chung nếu đã được an nhiên như thế, thì chỗ tái sinh về nhất định phải là nơi phúc đức phi thường. Vì sao người ta không chịu suy xét kỹ chỉ riêng ở một điểm này?
Vì thế, tôi thu thập chuyện những người ở đất Trung Hoa này được vãng sinh về Tây phương Cực Lạc, [cùng một số chuyện ghi trong Kinh điển,] trích ra hơn mấy mươi bài, ghi lại nơi đây, đặt tên là “Vãng sinh sự lược”, nghĩa là “lược kể một số chuyện vãng sinh”, cũng có ý muốn nêu ra những gương hiền đức để mọi người cùng học hỏi theo, cùng được sinh về cõi Tây phương Cực Lạc.
Chuyện vãng sinh của các vị Bồ Tát
Ðức Như Lai thọ ký vãng sinh
Kinh Đại Vô Lượng Thọ chép rằng: “Bồ Tát Di-lặc thưa hỏi Phật: ‘Bạch Thế Tôn, thế giới Ta-bà này có bao nhiêu vị Bồ Tát được vãng sinh Cực Lạc?’ Đức Phật dạy: ‘Thế giới Ta-bà này có sáu mươi hai ức Bồ Tát thuộc hàng bất thối chuyển được vãng sinh về Cực Lạc. Còn số Bồ Tát công hạnh nhỏ hơn thì nhiều không thể tính đếm. Không chỉ riêng ở thế giới Ta-bà này, mà những cõi Phật ở phương khác cũng có người vãng sinh. Như cõi Phật Viễn Chiếu có một trăm tám mươi ức Bồ Tát đều sẽ vãng sinh. Cho đến các cõi Phật khác trong mười phương, người được vãng sinh nhiều vô số. Nếu kể ra hết thì dù trọn một kiếp cũng chưa kể hết.’”
Phát nguyện vãng sinh của Bồ Tát Văn-thù
Kinh Quán Phật Tam-muội chép rằng: “Đức Phật thọ ký cho Bồ Tát Văn Thù sẽ được sinh về thế giới Cực Lạc.”
Bồ Tát Văn-thù có kệ phát nguyện rằng:
Nguyện khi ta lâm chung,
Bao chướng ngại trừ hết,
Được thấy Phật Di-đà,
Vãng sinh về Cực Lạc.
Được sinh Cực Lạc rồi,
Trọn thành tựu nguyện lớn,
Được Phật A-di-đà,
Thọ ký sẽ thành Phật.
Bồ Tát Phổ Hiền cầu vãng sinh
Trong kinh Hoa Nghiêm, Bồ Tát Phổ Hiền kể ra mười nguyện lớn, trong đó tất cả đều rộng vì chúng sinh mà cầu sinh Tịnh độ.
Kệ rằng:
Nguyện khi sắp đến lúc mạng chung,
Hết thảy chướng ngại đều trừ sạch.
Trước mắt được thấy Phật Di-đà,
Tức thời vãng sinh về Cực Lạc.
Bồ Tát Thế Thân làm kệ luận về Tịnh độ
Bồ Tát Thế Thân là người Ấn Độ, từng trước tác rất nhiều bộ luận. Ngài từng lên cõi trời Đâu-suất, gặp được Bồ Tát Di-lặc trong Nội viện.
Trong số trước tác của ngài có Vô Lượng Thọ Kinh Luận, Tịnh Độ Kệ, Ngũ Môn Tu Pháp, đều rộng khuyên việc tu tập cầu vãng sinh Cực Lạc.
Bồ Tát Ngũ Thông thỉnh Phật hóa hiện
Ở Ấn Độ có vị Bồ Tát Ngũ Thông tu ở chùa Kê Đầu Ma. Ngài dùng thần lực đi đến cõi Cực Lạc, lễ Phật A-di-đà rồi thưa thỉnh rằng: “Chúng sinh ở cõi Ta-bà phát nguyện sinh về Tịnh độ, nhưng không được thấy hình tượng của Phật, xin hóa hiện cho được thấy.”
Đức Phật dạy: “Ngươi hãy về cõi ấy trước, ta sắp hóa hiện.”
Bồ Tát Ngũ Thông trở về, đã thấy hình dung thánh tượng hóa hiện, có đức Phật A-di-đà và năm mươi vị Bồ Tát, mỗi vị đều ngồi giữa tòa sen, lơ lửng trên ngọn cây. Bồ Tát Ngũ Thông liền sai người vẽ lại để lưu truyền. Chuyện này xem rõ trong sách Cảm thông truyện.
Bồ Tát Mã Minh soạn Ðại thừa Khởi tín luận
Bồ Tát Mã Minh là vị Tổ thứ 12 của Thiền tông Ấn Độ, khi soạn Đại thừa Khởi tín luận, có một phần trong đó ngài nói rõ về việc cầu sinh Tịnh độ, lời lẽ rất thiết yếu, thuyết phục:
[Như trong Khế kinh có dạy, nếu có người chuyên tâm niệm Phật A-di-đà ở thế giới Tây phương Cực Lạc, khi tu tập được các căn lành đều hồi hướng, nguyện sinh về Cực Lạc, thì người ấy nhất định được vãng sinh. Sinh về cõi ấy, do thường được gặp Phật nên mãi mãi không còn thối chuyển. Nếu có người thường quán tưởng pháp thân chân như của đức Phật ấy, chuyên cần tu tập, quyết định sẽ được vãng sinh. Đó là do thường an trụ trong thiền định chân chánh.]
Bồ Tát Long Thụ được thọ ký vãng sinh
Kinh Lăng-già có chép rằng: “Này Đại Tuệ, ông nên biết rằng, sau khi đức Như Lai nhập Niết-bàn, trong tương lai sẽ có một người thọ trì gìn giữ Giáo pháp của Như Lai, là bậc tỳ-kheo có danh tiếng lớn, có công hạnh lớn, hiệu là Long Thụ. Vị ấy có khả năng phá trừ những thuyết chấp có và chấp không, làm rõ Giáo pháp Vô thượng Đại thừa ở giữa thế gian này. Vị ấy sẽ chứng đắc địa vị ban đầu của Thập địa là Hoan hỷ địa, được vãng sinh về thế giới Cực Lạc.”
Tu tập căn lành được vãng sinh
Trong kinh Đại Bi, đức Phật có dạy: “Này A-nan, sau khi ta diệt độ, ở miền bắc Ấn Độ sẽ có một vị tỳ-kheo tên là Kỳ-bà-ca, tu tập vô số các căn lành Bồ-đề thù thắng nhất, nhờ đó mà sau khi mạng chung sẽ được sinh về phương tây, cách đây trăm ngàn ức thế giới, cõi thế giới của đức Phật A-di-đà. Tỳ-kheo Kỳ-bà-ca sau khi vãng sinh lại tiếp tục trồng các căn lành,về sau sẽ thành Phật hiệu là Phật Vô Cấu Quang.”
Chứng đắc Pháp nhẫn được vãng sinh
Kinh Bồ Tát sinh địa chép rằng: “Lúc bấy giờ, ông Sai-ma-kiệt chứng đắc Pháp nhẫn Vô sinh, năm trăm người thiện nam và hai mươi lăm tín nữ đều chứng đắc địa vị không còn thối chuyển. Sau khi mạng chung, tất cả những người ấy đều được vãng sinh về cõi Cực Lạc của đức Phật A-di-đà.”
Bồ Tát ghi tên cùng niệm Phật
Thiền sư Trương Lô Trạch noi theo khuôn phép trước đây của Đại sư Tuệ Viễn mà thành lập Hội niệm Phật, lấy tên là Thắng hội Liên Hoa, rộng khuyên hết thảy mọi người cùng nhau niệm Phật.
Một đêm, thiền sư nằm mộng thấy có người thiếu niên mặc áo trắng, đội khăn đen, phong thái thanh cao, diện mạo tuấn tú, chắp tay thưa rằng: “Tôi muốn được vào Thắng hội Liên Hoa của ngài, xin ghi tên.” Thiền sư hỏi tên, người ấy đáp: “Phổ Tuệ.” Sau khi ghi tên rồi, lại nói: “Anh tôi là Phổ Hiền cũng xin ghi tên.”
Thiền sư tỉnh dậy lấy làm lạ, chợt nhớ lại trong kinh Hoa Nghiêm, phẩm Ly thế gian có hai vị Bồ Tát. Bồ Tát Phổ Tuệ liên tục đưa ra hàng trăm câu hỏi, Bồ Tát Phổ Hiền đều nhất nhất giải đáp. Thiền sư thầm nghĩ: “Các vị đều là Đại Bồ Tát, Hội này làm sao lại nhận được sự tham gia vô tướng của quý ngài?” Sau đó liền ghi tên hai vị lên đứng đầu trong Hội.
Đại sư Liên Trì nói về việc này như sau: “Phàm tăng lập hội, Bồ Tát tham gia. Lành thay! Cho nên biết rằng pháp Tịnh độ không phải nhân duyên nhỏ nhặt. Phải tin chắc rằng khi sự việc xuất phát từ tâm chân thành ắt có thể có sự cảm thông linh ứng, hoàn toàn không phải do gượng ép suy diễn.”