Hôm nay là ngày 11 tháng 10 năm 2019 nhằm ngày 13 tháng 9 năm Kỷ Hợi. Hôm nay cũng là ngày giỗ lần thứ 21 của Sư Phụ tôi, cố Hòa Thượng Thích Long Trí, Trụ trì chùa Viên Giác Hội An, Quảng Nam. Trước khi Thầy viên tịch, Thầy làm Chánh Văn Phòng của Viện Tăng Thống Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất dưới thời Đức Đệ Tứ Tăng Thống Hòa Thượng Thích Huyền Quang bị lưu đày nơi Nghĩa Hành, Quảng Ngãi. Thầy tôi sinh ngày 12 tháng 9 năm Mậu Thìn (1928) và viên tịch ngày 13 tháng 9 năm Mậu Dần (1998). Hưởng thọ 71 tuổi ta. Mới đó mà đã 21 mùa xuân qua thu lại rồi. Thời gian trôi qua nhanh thật.
Năm 1991, nhân lễ khánh thành chùa Viên Giác tại Hannover, tôi đã thỉnh Thầy qua thăm được một tháng và đó là lần cuối cùng, kể từ khi tôi xuất gia với Thầy năm 1964.
Từ năm 1964 đến 1966 tôi ở chùa Phước Lâm Hội An.
Từ năm 1966 đến 1968, tôi trú tại chùa Viên Giác Hội An. Đây là 2 năm Thầy trò gần gũi nhau nhiều nhất, hầu như mỗi ngày.
Từ năm 1969 đến 1971 tôi ở tại chùa Hưng Long, Sài Gòn.
Rồi từ năm 1972 đến giữa năm 1977, gần 5 năm rưỡi tôi ở chùa Honryuji tại Hachioji, Tokyo, Nhật bản, sau đó đi qua Đức.
Tôi ở Kiel một năm từ 1977 đến 1978 và dời về Hannover khai sơn, trụ trì chùa Viên Giác tại đây từ năm 1978 đến 2003. Suốt trong 25 năm ấy, tôi đã đem hết sức bình sinh ra làm việc cho chùa và cho Phật giáo Việt Nam tại Đức và từ 2003 đến nay (2019) hơn 16 năm tôi ở vào ngôi Phương Trượng, trải qua 3 đời Trụ Trì rồi. Đó là Thầy Hạnh Tấn từ năm 2003 đến năm 2008, Thầy Hạnh Giới từ năm 2008 đến 2017 và Thầy Hạnh Bổn từ năm 2017 đến nay. Kể ra tôi sống tại thành phố Hannover này cũng đã 41 năm rồi, nếu cộng thêm với 6 năm rưỡi ở Nhật cũng như ở Kiel thì con số 47 năm rưỡi tại ngoại quốc là con số chính xác nhất. Rồi đây tôi còn sống được bao nhiêu lâu nữa thì cũng tùy vào nhân duyên vậy.
Nếu tuổi Thầy tôi sau khi sinh nhật lần thứ 70 chỉ có 4 ngày thì viên tịch, nên tuổi ta tính thành 71 tuổi. Còn tôi sinh ngày 28 tháng 6 năm 1949 và hôm nay là ngày 11 tháng 19 năm 2019, như vậy tôi cũng đã hơn 70 tuổi và gần 4 tháng dư. Như vậy tôi cũng đã ở tuổi 71 rồi. Thời gian còn bao lâu nữa thì chưa biết, vì vô thường đến gõ cửa thì mình phải đi thôi. Có thể là ngày mai, mốt, bữa kia hay trong nhiều năm tháng nữa cũng không chừng. Theo thuyết duyên sanh và duyên khởi cũng như luật vô thường của nhà Phật để tính toán cũng như nghĩ suy là đúng cách nhất.
Hôm nay cũng là ngày cách đây đúng một tháng, vào ngày 11 tháng 9 năm 2019 vừa qua, tại Tu Viện Viên Đức thuộc miền Nam nước Đức, tôi đã bắt đầu chấp bút viết tác phẩm thứ 67 này và hôm nay tại thư phòng Tổ Đình Viên Giác ở Hannover tôi hoàn thiện bản thảo viết tay này ít nhất là 341 trang khổ A4. Trong 30 ngày đó, tôi có 4 cuối tuần phải đi Phật sự các nơi tại nước Đức. Như vậy chỉ có 22 ngày viết ròng rã, mỗi ngày từ 6 đến 8 tiếng đồng hồ và nếu đem chia đều cho 341 trang thì sẽ có số trang trung bình mỗi ngày là 15 trang rưỡi. Nếu đánh máy thành khổ A5 chắc không dưới 400 trang. Đây lại là một quyển sách dày nữa. Không biết mọi người có thích thú để đọc chăng?
Năm 2019 này có rất nhiều sự kiện quan trọng nên tôi đã dành hết chủ lực vào đó. Ví dụ như tổ chức cho Phái Đoàn Hoằng Pháp Âu Mỹ giảng lần cuối tại Âu Châu, tổ chức những ngày đại lễ tại chùa Viên Giác Hannover vào cuối tháng 6, sau đó tham dự khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu kỳ thứ 31 tại Dinant, Bỉ Quốc, rồi lễ Vu Lan các nơi, nên việc viết sách năm nay tôi phải để dành vào tháng 9 và tháng 10 vậy. Cứ mỗi năm như thế tôi cố gắng hoàn thành từ 1 đến 2 tác phẩm hay dịch phẩm và cũng chẳng biết là phải chấm dứt lúc nào. Thôi thì khi nào còn viết được thì cứ viết, còn đi đây đó để giảng pháp được thì cứ đi, chứ biết nói sao bây giờ cho đúng, bởi lẽ chính việc khởi đầu năm 1974 khi tôi học năm thứ 2 ngành Giáo Dục tại Đại Học Teikyo ở Hachioji, vị Thầy dạy Văn học Nhật Bản cho tôi tên là Takeda, mỗi tuần 2 giờ đã từng bảo rằng: Nếu Việt Nam có những truyện cổ tích gì đặc biệt thì hãy dịch từ tiếng Việt sang Nhật ngữ cho Thầy chấm bài gồm một công hai chuyện là biết thêm về Văn học Việt Nam cũng như Thầy ấy chấm trình độ Nhật ngữ của tôi luôn thể. Cuối năm đó tôi đã dịch xong một số chuyện cổ tích trong quyển “Truyện cổ Việt Nam tập I” của Nguyễn Đổng Chi như: Sự tích cây nêu ngày Tết, Sự tích cây Huyết Dụ, Sự tích quả dưa hấu, Đầm Dạ Trạch v.v… Thầy Takada thấy được, nên khuyên tôi nên xuất bản sách dịch ra Nhật ngữ này. Tôi về chùa Honryuji để thưa với Hòa Thượng Oikawa và đã được Thầy chấp nhận, nên bản in lần thứ nhất cho tập I bằng tiếng Nhật được ra đời tại Nhật vào năm 1974 và sau đó tập II vào năm 1975 khi tôi học năm thứ 3 cũng đã được một số tạp chí nhi đồng trích đăng, báo Yomiuri cũng như báo Phật giáo Nhật Bản ở Kyoto cũng đã đến chùa Honryuji để phỏng vấn.
Nhân duyên chỉ là vậy và năm 1977 khi sang Đức, tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện viết sách. Thế mà động cơ nào đó đã làm cho tôi bắt đầu phải viết sách tiếng Việt đầu tay nhan đề là “Giọt mưa đầu hạ” do chùa Khánh Anh tại Bagneux xuất bản vào năm 1979 với lời giới thiệu của Cố Hòa Thượng Thích Minh Tâm. Sau đó là tập sách “Ngỡ ngàng” nhỏ thôi, nhưng tập này ngày nay tìm ở đâu cũng không ra nữa. Tuy vậy, nó vẫn là một trong những sách đầu tay của mình. Thế rồi năm sau, năm sau nữa, nhất là từ năm 1979 đến năm 2004 trong suốt 25 năm như vậy, nhờ sự giúp đỡ vật chất in ấn sách và báo Viên Giác của Bộ Nội Vụ Cộng Hòa Liên Bang Đức, qua Dr. Geißler hỗ trợ, tôi lại gần như bị bắt buộc là mỗi năm phải cho ra đời một tác phẩn song ngữ Việt Đức để trình cho Bộ Nội Vụ, vì họ đã giúp cho mình in ấn. Đây là những lý do chính đáng cho đến năm 2003. Từ 2003 đến 2011, suốt 10 mùa đông như vậy, mỗi năm tôi có 3 tháng tịnh tu cũng như nhập thất tại Á cũng như Úc Châu và suốt trong 10 năm này vừa dịch vừa viết cũng được 20 tác phẩm nữa. Đa phần do Phật Tử hỗ trợ để in ấn và từ năm 2011 đến nay (2019) cũng như thế, tất cả các tác phẩm của tôi viết hay dịch đã lần lượt được ra đời với các độc giả khắp nơi trên thế giới này. Đó là nhờ vào quý Phật tử và cũng là nhân duyên vậy.
Cuộc đời của mỗi chúng ta khi sinh ra, lớn lên rồi đi vào đời, vào đạo không ai giống ai. Vì do nhân duyên cũng như nghiệp lực tạo nên và dẫn dắt ta vậy. Cho nên có nhiều người muốn như thế này, thế nọ, mà kết quả là thế kia, thế khác, không như họ muốn được. Tôi cũng nằm trong trường hợp đó, vì tất cả những gì đã xảy ra trong đời này của tôi, hầu như tôi đã không định trước được gì cả. Sau đây là một số trường hợp tôi đã hoàn thành do sự bắt đầu có nhân duyên hay ngay cả không do nhân duyên mà lại thành tựu.
Việc thứ nhất là sự tu học, hành trì cho tự thân của mình. Tôi nghĩ rằng Thần Chú Thủ Lăng Nghiêm là một thần chú linh nghiệm bậc nhất của người xuất gia cũng như tại gia, nên kể từ năm 1964 đến nay (2019) suốt trong hơn 55 năm như vậy, hầu như không có buổi sáng nào trong 55 năm ấy mà tôi không trì tụng thần chú này tại chùa, tại nhà Phật Tử hay các nơi tôi đi đến, ngay cả trên máy bay hay tàu hỏa, tàu thủy v.v… ít nhất cũng là câu thần chú sau cùng: Án a na lệ, tỳ xá đề, bệ ra... Hơn nửa thế kỷ qua, tôi đã duy trì được điều đó và mãi cho đến hôm nay ở tuổi 71 này, mỗi sáng tôi vẫn hành trì như vậy.
Việc thứ hai là lễ bái. Năm 1984 lúc tôi 35 tuổi, khi tôi thấy quý bác đi lễ chùa, quý bác lớn tuổi muốn lạy Phật một lạy cũng khó khăn, nên tôi bắt đầu phát nguyện lạy kinh trong mỗi mùa An Cư Kiết Hạ 3 tháng vào mỗi tối như vậy. Năm đầu tôi lạy Ngũ Bách Danh, tức 500 danh hiệu của Bồ Tát Quán Thế Âm, sau đó phát tâm lạy kinh Tam Thiên Phật Danh gồm 3.000 lạy. Đó là: Quá khứ trang nghiêm kiếp 1.000 vị Phật, hiện tại Hiền Kiếp 1.000 vị Phật và Vị Lai Tinh Tú Kiếp 1.000 vị Phật nữa. Tôi chưa dừng lại đó mà bắt đầu trong những mùa hè sau lạy Kinh Vạn Phật. Tuy nói là Vạn Phật, chứ trong kinh này có 11.100 vị Phật.
Vào ngày 7 tháng 6 năm 1990 (lúc đang xây chùa Viên Giác) tôi bắt đầu phát tâm lạy kinh Pháp Hoa mỗi chữ mỗi lạy.
Theo sự thống kê của Thầy Hạnh Bảo thì:
- Năm 1990 có 61 đêm lạy kinh Pháp Hoa. Tổng cộng là 14.213 lạy.
- Năm 1991 có 56 đêm lạy. Tổng cộng là 13.767 lạy.
- Năm 1992 có 55 đêm lạy. Tổng cộng là 14.824 lạy.
- Năm 1994 bước qua 1995 có 73 đêm lạy. Tổng cộng là 22.000 lạy.
Tổng cộng hơn 5 năm trong 5 mùa hạ và mỗi đêm ít nhất lạy từ 250 đến 350 lạy và tổng cộng số chữ Việt trong kinh Pháp Hoa là: 75.802 chữ, điều này cũng có nghĩa là chúng tôi đã lạy tổng cộng 75.802 lạy.
Sau đó thì tôi lập nguyện to lớn hơn, vì nghĩ rằng mình còn có khả năng lạy vào mỗi đêm trong mùa an cư kiết hạ, nên tôi bắt đầu nghĩ rằng: Bộ Kinh Niết Bàn gồm 2 quyển, lạy xong chắc “nhập Niết Bàn”, cũng tốt thôi. Thế là ngày 10 tháng 6 năm 1995 Thầy trò chúng tôi bắt đầu lạy kinh Đại Bát Niết Bàn quyển I và kết quả như sau:
1) Năm 1995 31 ngày 7.155 lạy
2) Năm 1996 47 ngày 13.594 lạy
3) Năm 1997 47 ngày 12.650 lạy
4) Năm 1998 38 ngày 15.926 lạy
5) Năm 1999 52 ngày 15.947 lạy
6) Năm 2000 51 ngày 15.654 lạy
7) Năm 2001 51 ngày 15.915 lạy
8) Năm 2002 52 ngày 15.697 lạy
9) Năm 2003 48 ngày 14.414 lạy
10) Năm 2004 50 ngày 15.632 lạy
11) Năm 2005 51 ngày 16.193 lạy
Tổng cộng trong 11 năm ấy đã lạy được 158.777 chữ trong quyển I và cũng có nghĩa là 158.777 lạy.
Vào ngày 12.6.2006 Đại Chúng chùa Viên Giác bắt đầu lạy vào quyển II của Kinh Đại Bát Niết Bàn và đêm ấy lạy được 334 lạy. Sau đây là số ngày lạy cũng như số lạy đã được ghi lại từng ngày.
1) Năm 2006 46 ngày 15.074 lạy
2) Năm 2007 40 ngày 11.983 lạy
3) Năm 2008 40 ngày 10.939 lạy
4) Năm 2009 34 ngày 13.337 lạy
5) Năm 2010 50 ngày 13.357 lạy
6) Năm 2011 31 ngày 10.054 lạy
7) Năm 2012 50 ngày 15.516 lạy
8) Năm 2013 46 ngày 14.359 lạy
9) Năm 2014 50 ngày 15.821 lạy
10) Năm 2015 48 ngày 15.613 lạy
11) Năm 2016 31 ngày 7.849 lạy
12) Năm 2017 54 ngày 16.105 lạy
13) Năm 2018 73 ngày 16.808 lạy
Vì tôi sợ trong mùa An cư Kiết hạ năm 2019 có nhiều việc để phải làm, nên tôi đã đề nghị Đại Chúng chùa Viên Giác là từ sáng ngày 25.8.2018 mỗi sáng trong thời Lăng Nghiêm thay vì lạy danh hiệu Phật và Thánh Chúng 35 lạy sau lúc đi kinh hành thì nên lạy kinh Đại Bát Niết Bàn quyển II cho hết trước khi vào hạ năm sau 2019 thì hay hơn. Cho nên sáng hôm đó chúng tôi lạy 96 lạy và mỗi sáng như vậy lạy cho đến sáng ngày 4 tháng 5 năm 2019 thì Thầy trò chúng tôi đã lạy xong toàn bộ 2 quyển kinh Đại Bát Niết Bàn này và năm 2019 lạy được tất cả 53 buổi sáng gồm 6.383 lạy. Vậy tổng cộng của quyển II gồm 183.189 chữ. Điều ấy cũng có nghĩa là 183.189 lạy. Nếu đem 2 quyển cộng lại chung thì chúng ta sẽ có số thành là: 158.777 + 189.189 chữ, thành 341.966 chữ hay 341.966 lạy.
Ngày 4 tháng 5 năm 2019, nhằm ngày 30 tháng 3 năm Kỷ Hợi. Đây là ngày Vua Rawa đệ X của Thái Lan đăng quang tại Bangkok và tôi cũng như Đại Chúng chùa Viên Giác tại Hannover đã hoàn nguyện sau 35 năm (1984-2019) lạy kinh từng chữ một như thế. Như vậy đại nguyện đã được viên thành.
Việc thứ ba là cấp phát học bổng cho Tăng Ni sinh ở trong cũng như ngoài nước. Đã từ lâu tôi được đi học ở trong nước và được Giáo Hội gởi đi du học tại Nhật Bản vào năm 1972. Do vậy tôi rất quý những người ham tu, ham học và nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn. Đầu tiên tôi giúp cho các em tại trường Tiểu học Xuyên Mỹ, Duy Xuyên, Quảng Nam. Tôi cùng với Hòa Thượng Bảo Lạc giúp đỡ suốt trong 19 năm qua sự phân phát của Thầy Hiệu Trưởng Phan Thế Tập cũng như các anh chị em cựu học sinh Xuyên Mỹ như: Sửu, Hùng, Giao v.v… Bây giờ chỉ còn giúp cho 2 trường Trung Học Trần Quý Cáp tại Hội An, còn trường Tiểu Học Xuyên Mỹ đã tạm ngưng. Ngoài ra chúng tôi còn giúp học bổng cho Tăng Ni Sinh Việt Nam hiện đang học tại Quảng Nam Đà Nẵng cũng như Sài Gòn - Huế suốt trong mấy chục năm qua vẫn chưa ngừng nghỉ. Đồng thời những “nồi cháo tình thương” tại Bệnh viện Đà Nẵng do Ni Trưởng Thích Nữ Diệu Cảnh và chùa Bảo Quang đảm nhận việc phân phối hằng tháng đều là do ngân quỹ từ các Phật Tử chùa Viên Giác tại Đức đóng góp mới có được. Đó là chưa kể những việc từ thiện khác tại Quảng Nam như quỹ giúp cho những Tăng Ni về già không có tiền thang thuốc, hay quỹ giúp bão lụt v.v… Tất cả đều đã, đương và sẽ thực hiện qua nhiều năm tháng trong mấy chục năm nay.
Năm 1994 khi tôi sang Ấn Độ hành hương và gặp Thầy Hạnh Tấn cũng như Thầy Hạnh Chánh đang du học Cao Học tại đó. Quý Thầy trình bày về khó khăn của các Thầy Cô từ Việt Nam sang đây du học không đủ tiền bạc để sống hằng tháng cũng như tiền mua sách vở để viết bài. Do vậy tôi đã phát tâm tùy theo nhu cầu của từng Thầy, Cô, bắt đầu từ năm 1994 đến 2012, nghĩa là 19 năm như vậy, chùa Viên Giác tại Hannover đã cấp phát cho 187 Thầy, Cô du học tại Ấn Độ với tổng kinh phí gần 1 triệu Euro. Có 187 vị nhận (danh sách vẫn còn lưu trữ tại văn phòng của chùa) và sau năm 2012 đã có 132 vị Tiến Sĩ ra trường. Đây cũng là một nhân duyên để trợ giúp cho quý Thầy, Cô đã du học tại Ấn Độ, nhưng đến năm 2012 tôi đã tự chấm dứt, vì hoàn cảnh của năm 2012 so với 1994 ở Việt Nam đã khá hơn nhiều rồi, nhất là vấn đề kinh tế. Vả lại tôi tuổi càng ngày càng lớn, nên dành sự trợ giúp ấy cho thế hệ đi sau tiếp tục con đường của tôi đã làm trong mấy chục năm qua. Xem như việc ấy đã được thành tựu ở giai đoạn đầu.
Việc thứ tư là tổ chức Phái Đoàn Hoằng Pháp Âu Mỹ. Những năm cuối thế kỷ 20, tôi thường cùng với một hay hai Thầy Đệ Tử sang Canada cũng như Hoa Kỳ để hoằng pháp theo lời mời của một vài chùa tại đó. Do nhân duyên này lại có nhiều chùa nữa mời trong nhiều cuối tuần. Do vậy tôi không thể một mình đảm đương nổi, nên đã gọi mời thêm quý Thầy, Cô tại Úc, Việt Nam, Hoa Kỳ, Âu Châu vào chung trong đoàn để đi ít nhất là 4 cuối tuần và nhiều nhất là 8 cuối tuần, nghĩa là đúng 2 tháng. Phái đoàn ban đầu 4 Thầy Cô, nhưng sau đó lên đến 6, 8, 10, 12 và có khi lên đến 14 vị. Chúng tôi đi suốt từ Âu Châu qua Á Châu như: Ấn Độ, Thái Lan, Lào, Nhật Bản, Đại Hàn qua Úc, rồi Canada, Hoa Kỳ v.v… đi đến đâu cũng được bà con Phật Tử rất hoan nghinh và gần 20 năm như vậy, bắt đầu từ năm nay tôi muốn dừng chân, để dành thời gian đọc Đại Tạng Kinh, cũng như sức khỏe không cho phép nhiều như xưa nữa, nên nhân ngày chúc thọ lần thứ 70 của tôi vào ngày 28 tháng 6 năm 2019 vừa qua, tôi đã chính thức thỉnh Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng, Trụ trì Tu viện Quảng Đức tại Melbourn, Úc Châu làm Trưởng Đoàn và vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ “tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự” này. Thượng Tọa Thích Thông Triết, Trụ trì Thiền viện Chánh Pháp tại Oklahoma, Hoa Kỳ, Đại diện cho Hoa Kỳ và Thượng Tọa Thích Viên Giác, Trụ trì chùa Đôn Hậu tại Na Uy, Đại diện cho Âu Châu. Hy vọng là Phái Đoàn vẫn tiếp tục làm công việc: “Hoằng pháp thị gia vụ, Lợi sanh vi sự nghiệp” này trong tương lai gần.
Do năm nay tổ chức những sự kiện quan trọng tại chùa Viên Giác Hannover vào cuối tháng 6, nên tôi đã kết hợp với Phái Đoàn Hoằng Pháp Âu Mỹ đi đến các nước Bắc Âu như: Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan và Pháp cũng như Đức vào tuần lễ cuối cùng của cuối tháng 6. Sau đó về chùa Viên Giác để cùng dự lễ chung. Như vậy việc này cũng đã không định trước, nhưng cũng đã thành tựu như nguyện, nên riêng tôi xin niệm ân tất cả chư Tôn Đức Trụ Trì các Chùa, các Tự viện ở những nơi mà Phái Đoàn Hoằng Pháp của chúng tôi đã đi qua và hy vọng trong những ngày tháng tới đây nữa, tuy tôi không tháp tùng đi cùng, nhưng cũng xin quý vị gia tâm trợ duyên cho Phái Đoàn để được thành tựu như nguyện. Đồng thời tôi cũng xin cảm ơn tất cả quý Thầy Cô đã cùng tôi đi suốt một chặng đường dài gần 20 năm qua tại hải ngoại này. Thật là những kỷ niệm không bao giờ có thể quên được trong cuộc đời làm Tăng Sĩ của mình.
Việc thứ năm là trì kinh Đại Bát Nhã 600 cuốn gồm 24 tập, mỗi tập trên dưới 1.000 trang do Thầy Hạnh Tấn, đệ tử lớn của tôi chủ xướng. Thầy ấy xuất gia với tôi từ năm 1987. Năm nay nghe tôi tổ chức Khánh Tuế lần thứ 70 nên đã phát tâm cùng với Đại Chúng chùa Viên Giác và gần 100 Phật Tử về Tổ Đình trì tụng mỗi ngày 10 tiếng đồng hồ kể từ ngày 15 đến ngày 25 tháng 6 năm 2019. Đây là một công đức không nhỏ, vì xưa nay ở Việt Nam cũng như tại ngoại quốc này chưa có nơi nào tổ chức được pháp hội tụng kinh Đại Bát Nhã đông và nhiều ngày như thế. Làm Thầy, chắc ai cũng sẽ cảm động khi có hàng đệ tử lớn, nhỏ muốn báo đáp ân huấn dục của Thầy Tổ nhân những ngày trọng đại như thế. Thật là quý hóa vô cùng.
Năm nay có nhiều sự kiện quan trọng, nên tôi đã phân chia quý Thầy, Cô đảm trách những công việc như sau:
- Về việc sắp xếp chuyện trì kinh Đại Bát Nhã thì do Thầy Hạnh Tấn đảm trách.
- Ngày 27 tháng 6 năm 2019 là ngày Hội Thảo về Văn Hóa Phật giáo do Thầy Hạnh Giới và các anh chị em Gia Đình Phật Tử Việt Nam tại Đức lo.
- Đêm kỷ niệm 40 năm báo Viên Giác do anh Chủ bút Nguyên Trí Phù Vân cùng với Nhóm Bút Nữ lo.
- Ngày 28 tháng 6 năm 2019 sinh nhật lần thứ 70 của tôi. Thầy Hạnh Bảo lo tổng quát và Thầy Hạnh Tuệ đến từ Hoa Kỳ làm xướng ngôn viên.
- Chiều ngày 28 tháng 6 năm 2019 chương trình văn nghệ đặc biệt do ca sĩ Gia Huy và các ca sĩ chuyên nghiệp đến từ Hoa Kỳ đảm trách.
- Tối ngày 28 tháng 6 năm 2019 đêm văn nghệ do 7 Gia Đình Phật Tử Việt Nam tại Đức trình diễn.
Đến ngày 29 tháng 6 năm 2019, bên trên Chánh điện thì có Đàn truyền giới Sa Di, Sa Di Ni, Thức Xoa Ma Na Ni, Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni. Phần này do Thầy Hạnh Tấn, Thầy Hạnh Giới, Sư Cô Hạnh Trì đảm trách cùng với các vị hộ giới, hộ đàn cho Đại Giới Đàn Quán Thông này. Trong khi đó bên dưới Hội trường ngày 29 có 3 buổi giảng đặc biệt gồm: Hòa Thượng Thích Thông Hải đến từ Hawai, Hoa Kỳ, Phái Đoàn Hoằng Pháp Âu Mỹ và Ni Trưởng Thích Nữ Giới Châu cũng như Ni Sư Thích Nữ Minh Liên đảm trách.
Sang ngày 30 tháng 6 năm 2019 nhằm ngày chủ nhật có những lễ như sau được tiến hành.
Đầu tiên là lễ Thọ Bồ Tát giới xuất gia cho hơn 130 vị tại Chánh điện chùa Viên Giác.
Kế tiếp là lễ Chúc Thọ cho những vị Cư Sĩ từ 60 đến trên 80 tuổi do Thầy Hạnh Tuệ làm MC và lễ tấn phong cho 35 vị lên Hòa Thượng, Thượng Tọa, Ni Sư do Thượng Tọa Thích Hoằng Khai đảm trách.
Vào lúc 12 giờ trưa cùng ngày là lễ cúng dường trai tăng cho 300 chư Tăng Ni khắp nơi trên thế giới về đây tham dự và lễ huân tăng đặc biệt kỳ này.
Thầy Hạnh Bổn, Trụ trì chùa Viên Giác lo tổng quát các khâu.
Sư Cô Thích Nữ Hạnh Trang, Trụ trì chùa Viên Quang tại Tübingen phát tâm lo việc ăn uống trong 4 ngày cho toàn thể chư Tăng Ni về tham dự lễ.
Ni Trưởng Thích Nữ Diệu Phước và Ni Chúng chùa Linh Thứu Berlin lo trang trí, cắm hoa cũng như hỗ trợ nhiều phương tiện vật chất khác như cúng dường chén bát mới cho 300 Tăng Ni và 4.000 đĩa đựng thức ăn cho Phật Tử, kể cả 300 bình bát v.v…
Thầy Như Tịnh ở Việt Nam lo phần in ấn Giới Điệp thọ giới cho các giới tử cũng như 35 bảng tấn phong rất là trang trọng. Ngoài ra Thầy Như Tịnh còn tặng cho mỗi vị trong Hội Đồng Thập Sư Tăng và Thập Sư Ni một ấn bằng chữ Hán về Pháp Danh của mình nữa.
Thầy Chúc Hiếu lo đôn đốc giấy tờ xin Visa cho quý Thầy Cô tại Việt Nam qua Tòa Đại Sứ Đức và Tòa Đại Sứ Pháp.
Ở đây cũng xin cảm ơn Thượng Tọa Quảng Đạo, Trụ trì chùa Khánh Anh rất nhiều, vì Thầy cũng đã đứng ra ký giùm 50 giấy mời gởi về Việt Nam cho quý Thầy Cô, cộng với 60 giấy mời bên Đức do Thầy Hạnh Bổn ký nữa. Tổng cộng là 110 hồ sơ mời tất cả và đã có 80 chư Tăng Ni từ khắp Bắc Trung Nam Việt Nam đến dự lễ tại Chùa Viên Giác Hannover vào cuối tháng 6 năm 2019 vừa qua. Thật là bất khả tư nghì. Trong đó có 30 vị tuy có giấy mời nhưng không đi được vì vài vị bị Tòa Đại Sứ Đức hay Pháp từ chối. Một số quý vị khác bị bệnh duyên hay những công việc đột xuất tại quê nhà, nên không qua được, cũng lấy làm tiếc lắm, nhưng lần này là lần số lượng khách mời Tăng Ni đông nhất từ xưa đến nay.
Thầy Hạnh Nhơn lo quản Khách sạn C, Ni Sư Hạnh Khánh quản Khách sạn B và Ni Sư Diệu Trạm lo tiếp đón cũng như lo phòng ốc cho Chư Tôn Đức Tăng Ni trong hai Hội Đồng Thập Sư tại Khách sạn A.
Thầy Thông Triển, Thông Triêm, Thông Trụ, Thông Giáo lo đón đưa khách đến cũng như khách đi, rất nhịp nhàng và uyển chuyển. Với cả mấy trăm người đến và đi tại phi trường Hannover, nhà ga xe lửa cũng như trạm xe bus v.v… rất phức tạp, mà quý Thầy đã chu toàn tất cả. Thật là ngoài sức tưởng tượng vậy.
Thầy Hạnh Lý lo quản việc nội tự của khách đến, khách đi.
Thầy Hạnh Luận lo việc đăng hình lên trang nhà viengiac.de
Thầy Hạnh Định hướng dẫn một xe bus 80 người đi tham quan Hòa Lan và Pháp trong 5 ngày. Đây là đoàn hành hương chỉ toàn Tăng và Ni, nên không khí sinh hoạt trong xe bus cũng rất là đặc biệt.
Các Chùa, các Chi Hội Phật Tử khắp nơi đã về Viên Giác hợp lực cùng với Hội Phật Tử và các Gia Đình Phật Tử để cùng chung lo trong các Ban Trai Soạn, Vệ sinh, Trật tự cho 6.000 mgười trong 4 ngày như thế, nhưng trông ra ai cũng hoan hỷ, vì kỳ này đặc biệt là chùa hoàn toàn không thâu lệ phí ẩm thực, nên ai ai cũng vui vẻ đi thăm viếng nhiều cửa hàng khác nhau, mà chẳng ngại ngùng gì cả. Khi muốn dùng món nào, cứ tự nhiên. Miễn sao dạ dày có khả năng dung chứa được.
Từ đó đến nay tôi đã viết hai bài đăng trên các báo và các mạng, nhan đề là: “Đức Chúng Như Hải” cũng như “Những Ngày Nắng Gắt” để thâm tạ những ân nghĩa đượm tình quê hương này. Đặc biệt có mấy ngàn tô mỳ Quảng do Chư Ni tại Quảng Nam đảm trách nấu nướng cũng như đãi khách và Chư Tăng Ni tham dự lễ vào sáng ngày 28 tháng 6 năm 2019 rất là đặc biệt, thắm đậm tình nghĩa quê hương. Những bộ y áo đặc biệt do quý Phật Tử tại Ejberg Đan Mạch, Birmingham Anh Quốc và của hai Phật Tử Nguyên Hùng và Nguyên Ân Hoa Kỳ cúng dường do nhà may, nhà thiết kế Phạm Nghiêm Trai ở Sàigòn rất ư là đặc biệt. Xin vô cùng biết ơn về những việc này.
Đặc biệt kỳ này có Hòa Thượng Thích Trí Minh, Phương Trượng các Tự Viện Na Uy, đã hơn 10 năm rồi Hòa Thượng chưa ghé chùa Viên Giác, nhưng lần này Hòa Thượng đã dự cả 4 ngày và trong tất cả các lễ quan trọng đều có sự tham dự và chứng minh của Hòa Thượng. Không khí hòa hợp Tăng Già trở nên thân thiện và đầm ấm hơn. Vì tất cả chúng tôi, ai bây giờ cũng đã trên 70 tuổi rồi. Nếu những ngày còn lại với đời mà sống và gặp nhau có ý nghĩa như vậy thì còn gì hơn.
Khâu văn phòng, khâu ghi tên kỳ này tuy không bận rộn lắm như các Đại Lễ Phật Đản hay Vu Lan, nhưng mọi người đã hoạt động rất nhịp nhàng. Nhìn mọi người ai ai cũng nở những nụ cười tươi tắn trên hai làn môi cũng như khóe mắt. Đó là những điều nên gìn giữ lại suốt cả trong hành trình hộ pháp của mình.
Riêng tôi thì đã đón nhận được những pháp hỷ lạc ấy từ mọi người, mọi phương diện, mọi hình thức, nên biết nói gì đây cho hết, chỉ bằng cách rút hết những sợi tơ lòng của mình để dệt nên chữ nghĩa, viết thành lời, thành sách để tặng đến mọi người. Vì tôi nghĩ rằng: tiền của rồi cũng sẽ ra đi, nhưng tinh thần và chữ nghĩa thì vẫn luôn còn ở lại với đời, nên tôi đang thể hiện việc này qua giấy mực.
Kể ra như vậy, với cuộc đời của một người Tăng Sĩ bắt đầu từ chốn bùn nhơ nước đọng của quê hương xứ Quảng, cho đến khi vào Sàigòn hay lúc sang Tokyo và ngày nay ở Đức hay đi khắp nơi trên thế giới như cá nhân tôi, quả là hạnh phúc và vinh dự biết bao. Nên tôi xin niệm ân Tam Bảo, ân Thầy Tổ, ân Cha Mẹ và ân Đàn Na Tín Thí rất nhiều. Vì nếu không có họ, tôi sẽ không có được ngày hôm nay.
Bây giờ Tổ Đình Viên Giác, Tu Viện Viên Đức đã xong hết mọi nợ nần, quý Thầy Cô cũng đã trưởng thành, đầy đủ khả năng để gánh vác việc Phật sự, nên tôi không còn phải lo gì nữa. Nên kể từ năm 2021 trở đi, tôi sẽ đi và ở mỗi nơi từ 2 tuần lễ cho đến 1 hay 2 tháng và cứ đi mãi như thế khắp 5 châu, cho đến khi nào bệnh duyên đến mới thôi và những lễ lộc khác tại các Chi Hội hay các Chùa tại Đức cũng như Âu Châu tôi xin vắng mặt, để có thời gian thực hiện ý nguyện cuối cùng trong đời mình vậy. Giờ tôi chỉ dành thời gian đi đây đó, đọc Đại Tạng Kinh, viết cũng như đọc sách và nếu có gặp chỗ giảng pháp thì tôi sẽ tùy duyên, chứ không còn phải bị bó buộc như xưa nữa.
Bắt đầu từ cuốn sách thứ 67 này cũng như những sách về sau và về trước, tôi đã nhờ Phật Tử Nguyên Đạo và anh Nguyên Minh Nguyễn Minh Tiến, chủ trang nhà Rộng Mở Tâm Hồn cho chỉnh trang lại và đưa toàn bộ lên Amazon để khắp nơi trên thế giới quý vị có thể đặt mua, tiện lợi hơn là in ra mỗi lần 1.000 cuốn, không có chỗ để và bây giờ nếu ai thích thì đặt 1 hay 2 cuốn trên Amazon họ vẫn có thể in và gởi đến tận nhà cho mình. Như thế hay hơn. Tuy là vậy, nhưng chú Sanh cũng phải đánh máy, vì từ xưa đến nay tất cả sách dịch và viết, tôi đều viết tay, không có quyển nào tự đánh máy cả, nên những bản cảo chính vẫn còn đây, chừng 100 năm sau nữa, nếu có ai tìm đến những tác phẩm nguyên cảo của tôi viết, chắc sẽ có giá trị lắm. Sau khi đánh máy xong phải cần có người dò lại lỗi chính tả cũng như ý tứ câu văn và kỳ này chắc chắn tôi sẽ nhờ Tứ Nguyên gồm: Anh Nguyên Trí, Nguyên Đạo ở Đức, Anh Nguyên Tánh, Nguyên Minh ở Hoa Kỳ lo giúp giùm khâu này cho tôi thì sẽ được an tâm hơn nhiều. Anh Như Thân và Thầy Hạnh Bổn sẽ lo giúp phần layout sách sau khi đã dò lại xong và phần bìa sách sẽ do anh Nguyên Minh nhờ những người chuyên môn thực hiện vậy.
Đó là tất cả những gì tôi muốn nói và muốn viết ở phần cuối của tác phẩm này. Đây là một lời tâm sự, mà cũng có thể là những lời nhắn nhủ, gởi trao lại cho những người đi sau, vì chắc rằng một mai đây tôi sẽ không còn có mặt trên cõi đời này nữa, thì đây là tấm lòng của tôi, trân quý xin gởi lại quý vị vậy. Nếu tôi sống được 80 tuổi, thì chỉ còn 9 năm nữa, tôi ở lại với mọi người trên cõi thế này mà thôi. Nếu tôi sống được đến 75 tuổi, thì chỉ còn 4 năm nữa với quý vị. Đó là chưa kể chuyện vô thường, nếu ngày mai tôi ra đi, thì đây là những lời chia tay lần cuối vậy. Nếu không phải thế, thì tôi sẽ còn diện kiến quý vị thêm một thời gian nữa, rồi chúng ta cũng phải chia tay thôi.
Từ khi đặt bút xuống viết cho đến bây giờ là 341 trang viết tay, tôi đã chưa giở lại trang đầu để xem là tôi đã viết những gì. Do vậy trong sách này chắc chắn sẽ có nhiều nơi trùng lặp. Mong quý độc giả đọc qua chỉ cho những chỗ thiếu hay thừa như thế, thật là ý nghĩa vô cùng cho tác giả.
Lời cuối xin nguyện cầu cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc và người người, nhà nhà từ vô tình cho đến hữu tình chúng sanh đều gội nhuần được ơn pháp vũ để hiểu đạo và lấy đó làm chất liệu cho tâm linh của mình trong cuộc sống hằng ngày. Và tôi mong rằng, khi quý vị đọc xong gấp sách Vua là Phật, Phật là Vua này lại, sẽ còn ít nhất vài chữ hay vài tư tưởng nhỏ còn sót lại nơi tâm thức của quý vị, thì đó chính là điều mà tác giả hằng mong muốn vậy.
Viết xong vào lúc 15 giờ chiều ngày 11 tháng 10 năm 2019 tại Thư phòng của Tổ Đình Viên Giác Hannover, Đức Quốc khi bên ngoài cửa sổ những chiếc lá vàng mùa thu đang đùa giỡn với gió lay.
Thích Như Điển
----------------------------------
Tài liệu tham khảo- Toàn tập Trần Thái Tông của Giáo sư Lê Mạnh Thát.
- Toàn tập Trần Nhân Tông của Giáo sư Lê Mạnh Thát.
- Trang nhà www.quangduc.com
- Trang nhà thuvienhoasen.org
- Thơ Trần Nhân Tông, NXB Khoa học Xã hội.
- Trang nhà www.viengiac.de Thơ Văn Lý Trần.
- Tự điển Bách khoa toàn thư mở - Wikipedia tiếng Việt.