Ngồi buồn vọc nước giỡn trăngNước xao trăng lặn, buồn chăng hỡi buồn!(Ca dao)
[ 1 ]Mùa đông Hamburg Tháng giêng của Âu châu thường là tháng đông, tháng trọng đông. Ngoài trời thường tuyết đổ hay mưa dầm, mưa đá… và lạnh run dù đã khoác vào người mấy lớp áo. Vậy sao mà năm nay đất trời lại có phần khác lạ? Chắc đất mẹ đang lên cơn sốt trước thảm họa hâm nóng toàn cầu. Đông đến mà không lạnh, không một bông tuyết. Còn lạ hơn nữa, đã nói không lạnh, không tuyết mà sao mình vẫn cứ run. Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ. Cụ Tiên Điền từng nói vậy, đúng tim đen. Tôi đang có tang. Tang một người không cùng huyết thống nhưng lại quá vô cùng thân thiết.
Bà Karla đã đến với cuộc đời tôi như một người mẹ. Qua bà Karla tôi mới mơ hồ có ý niệm thế nào là tình mẹ. Là thằng bé sinh ra và lớn lên ở một vùng đất ngập tràn chiến tranh khói lửa, má tôi đã mất đi sau một cơn bệnh không nặng, ngay trong lúc chiến tranh đang cao độ nên không thể đưa đến bệnh viện để cứu chữa. Lúc ấy thằng bé mới hơn một tuổi đời. Tuổi thơ tôi vì thế chỉ nghe tiếng ru của bom đạn át cả tiếng côn trùng rên rỉ bên tai. Và tuyệt nhiên không có tiếng ru của mẹ. Tôi chưa hề có ý niệm trong lòng thế nào là tình mẹ. Chỉ biết người thiếu phụ đoan trang trong bức hình trên bàn thờ ấy là người mình và các anh chị gọi là má. Các anh chị còn kể lại cho nghe những kỷ niệm đẹp về/với người đàn bà tuyệt vời, về óc thông minh, về từ tâm… Tôi nghe thấy lòng rất vui và đầy tràn hãnh diện, nhưng sao vẫn nghe như nghe chuyện của ai. Nghe mà không thể òa ra khóc được. Kể cả trong các mùa Vu Lan sau này, khi cài những chiếc hoa trắng lên ngực tôi cũng ít thấy buồn. Lại còn cảm nhận rằng cái màu trắng ấy đẹp và tinh khiết hơn các màu khác nhiều lắm.
Và như thế, bà Karla tự dưng đã đến với tôi từ gần năm mươi năm qua. Như một người mẹ thay thế người má đã mất. Nhiều khi tôi nghĩ, hay má tôi đã hiển hiện trong người đàn bà người Đức này để vỗ về thằng con út thiếu tình mẹ. Bà Karla dễ thương nhưng không dễ dãi. Bà thông thái và suốt đời luôn lặng lẽ đi tìm kiếm một lẽ sống minh triết và thánh thiện, cả trong tôn giáo, triết lý, âm nhạc… trong khi lòng vẫn ngập tràn những nghi vấn, luôn ngờ vực với mọi điều mà thế gian gọi tên là chân lý. Không biết bao nhiêu lần chúng tôi đã ngồi tranh luận nhau về đủ mọi vấn đề tôn giáo, triết học, âm nhạc. Hơn thế, bà có khi - và rất thường - là người bạn tâm đắc của chúng tôi. Không phải chỉ cho tôi, cho cả gia đình tôi. Nếu vợ chồng tôi có bất đồng gì với nhau thì bà Karla là người được vợ tôi gọi điện thoại đầu tiên để kể chuyện. Các con tôi gọi bà là bà nội bằng một loại ngôn ngữ riêng chỉ có chúng tôi biết (vì bà ghét dùng chữ Oma trong tiếng Đức, có khi ám chỉ người đàn bà già khọm, quê mùa, suy nhược và ít suy tư). Bà có thể lắng nghe. Bà biết khen những lúc cần khen và biết khuyên bảo những lúc cần khuyên bảo. Bà đàn hay hát giỏi. Giọng bà cất lên cao vút và tuyệt vời vì bà là một ca sĩ chuyên nghiệp, đã tốt nghiệp ở một đại học nổi tiếng là Đại học Âm nhạc thành phố Dresden. Bà còn là ca sĩ chính thức trong Giàn Hợp Xướng Đài Phát Thanh NDR, một trong ba đài phát thanh lớn nhất nước Đức. Khi chúng tôi thật sự gặp nhau (khi còn ở Việt Nam thì chỉ liên lạc bằng thư) thì bà đã về hưu, hưu non do thanh quản có vấn đề nên giọng hát không còn như trước.
Và mới hai tuần trước bà Karla qua đời, ở tuổi 92.
Mất đi một người thân và thiết như thế, sao lòng không “lạnh” được? Một cánh nhạn đã lướt vụt ngang qua mặt hồ nước lặng và bình yên. Bốn mươi tám năm biết nhau có khi chỉ là một chốc lát ngắn ngủi, khi cánh chim đã vụt bay xa khỏi tầm mắt. Suốt năm năm vừa qua, cứ mỗi chủ nhật tôi lái xe vượt gần 200 cây số đường dài xa lộ đến nhà dưỡng lão để được ngồi với bà. Khoảng ấy giờ còn nhanh hơn nữa, nhanh hơn vài giờ xe. Không dấu ghi, không vết mòn. Cánh chim vút bay nhanh quá, không để lại dấu vết đường bay. Nhưng mặt nước lặng này đã từng in dấu chim. Hỏi sao lòng khỏi bùi ngùi xao xuyến.
Ai dám nói, chỉ mùa thu lá vàng rơi rụng mới buồn. Mùa đông cũng buồn. Nhất là mùa đông không giá lạnh, không tuyết đổ… thì nghe càng não ruột hơn.
Rồi buổi sáng hôm nay, cũng vẫn mùa đông 2017/18, lúc đang ngồi ở chùa Bảo Quang hầu Sư Bà bị bệnh – như tôi đã ngồi bên bà Karla trước đây mỗi cuối tuần trong suốt năm năm qua - tôi nhận được món quà quý mà lão tiền bối họ Đỗ đã đoái hoài gởi đến một tâm hồn đang cô đơn lạc lõng. Chỉ vỏn vẹn mấy chữ thật ngắn qua email mà quá tình: Gởi Tuấn tập thơ mới layout của anh Ngọc “Thơ Ngắn Đỗ Nghê” để lúc nào rỗi rảnh đọc cho vui nhe.
Dạ không, thưa anh, không thể chờ - dại chi mà chờ. Biết chừng nào là rảnh, chừng nào là rỗi. Đọc ngay. Dở tình cờ vào giữa sách, gặp ngay ở trang 27, bài La Ngà 5:
Ba dạy conMỗi ngàyMột chútKhông bài học nàoNhư ba đã họcTừ conNỗi mất!Tôi nhắm mắt, buông tay cho mình tha hồ rơi vào cõi không. Điều ấy chỉ có lời thơ, tình thơ, ý thơ mới diễn tả được. Điều ấy chỉ có thi sĩ mới nói hết lời được, dù rất ít chữ. Nỗi Mất. Chỉ hai chữ “Nỗi Mất” vang vọng tự trong lòng thôi. Chỉ lúc này tôi mới cảm nhận có vật gì đó vừa rón rén bước qua đời mình, vừa mỉm cười và vỗ nhẹ cánh bay đi. Nhẹ nhàng và vô tình (như những giọt nước vuột qua kẻ tay). Rồi lướt nhẹ bay thẳng qua cửa sổ đi vào trời đông. Adieu!
[ 2 ]Vua Dụ Tông đời Lê cho người cung thỉnh Thiền sư Hương Hải (1628 – 1715) vào triều vấn đạo. Hỏi:
- Thế nào là thâm ý của đạo Phật?
Sư đáp lời vỏn vẹn:
- Nhạn quá trường không
Ảnh trầm hàn thủy
Nhạn vô di tích chi ý
Thủy vô lưu ảnh chi tâm.
Nhạn bay trên không
Bóng chìm đáy nước
Nhạn không ý để dấu
Nước không tâm lưu bóng.
Vua khen ngợi:
- Lão sư thông suốt thay !
Thông suốt gì? Tại sao?
Vua nói vua biết. Tôi kẻ thường dân làm sao hiểu hết ý của thánh thượng ở trên bệ rồng chín tầng cao. Nhưng giờ này cùng đứng trước lời dạy của Thiền sư thì vua, tôi bình đẳng. Ít nhất là trong việc hiểu và hành theo lời dạy của bậc “Lão sư”.
Tôi hiểu cho tôi. Cảnh nào thơ mộng và thâm thúy bằng cảnh ấy, có thể là cảnh một buổi chiều buồn như hôm nay. Một cánh chim nhạn từ đâu đó xuất hiện trên cõi đời. Nhạn bay vụt qua, in hình vào bóng nước. Nhạn lại bay và rồi lặng yên bay đi xa, xa mất hút. Nhạn đà bay xa, nước không còn in bóng nhạn, có thể chỉ còn gợn lại chút mây. Nhưng ai dám nói, mặt nước bây giờ là mặt nước như thuở xưa? Vì nước này đã một thời có in đậm bóng hình chim nhạn.
Và bây giờ nhạn đã bay xa.