… Có xáo thì xáo nước trongĐừng xáo nước đục đau lòng cò con(Ca dao)
Trong cuộc đời, mình hay nghĩ đến chuyện tới, ít nghĩ chuyện lui; nghĩ chuyện đi, ít nghĩ chuyện về. Và mình cũng hay nghĩ đến chuyện được mà ít nghĩ chuyện mất.
Tháng 11 năm 2017 tại Bonn, nước Đức, đại biểu gần 200 quốc gia đến nhóm họp bàn về chuyện bảo vệ thiên nhiên, chống tác động hâm nóng toàn cầu, gọi là “UN-Klimakonferenz” lần thứ 23, gọi tắt là COP23. Tiếng Việt mình dịch là Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Biến đổi Khí hậu. Nhiều chính trị gia cao cấp cũng đã đến tham dự. Bà Thủ Tướng Merkel của Đức đến và xác nhận thêm: Vấn đề biến đổi khí hậu là “thách thức trọng tâm của cả nhân loại”.
Các đại biểu đã làm việc cật lực với nhau trong suốt 12 ngày.
Họ chia nhau theo từng nhóm nhỏ, thảo luận thật chi tiết trong nhiều phòng họp hay nhiều hội trường lớn, nhỏ khác nhau. Tại một hội trường nọ của hội nghị, khi vị chủ tọa vừa dứt lời để cho các tham dự viên có thể thuyết trình và thảo luận với nhau thì một anh thanh niên tóc cắt ngắn, có đôi mắt thật sáng và dáng điệu thật từ tốn lên bục phát biểu. Tiếng nói của anh cũng nhỏ nhưng nghe rất rõ. Anh nói: “Thưa các bạn, nguyên cả một ngôi làng, quê hương của tôi đã bị nhận chìm xuống biển.” Không khí cả hội trường bỗng chùng xuống. Những tham dự viên khác bối rối tưởng như chưa hiểu hết lời anh. Tên anh là Kaboua John đến từ Kiribati, một quốc đảo rất nhỏ ở khu vực Thái Bình Dương, gần Hawaii. Các chuyên gia khí tượng trên thế giới từng tiên đoán rằng, nước Kiribati có toàn diện tích đất ở dưới mực nước biển hai mét, chỉ trong vòng vài mươi năm nữa sẽ bị chìm hẳn vào lòng biển. Nghĩa là Kiribati rồi đây sẽ chìm hẳn trong lòng đại dương, sẽ bị xóa sạch trên bản đồ thế giới ngay trong thế kỷ thứ 21 này. Anh Kaboua đã chỉ cho cả cử tọa thấy hình ảnh ngôi nhà của anh đã bị biển cuốn trôi. Anh nói tiếp: “Chúng tôi đang mất dần nhà cửa, ruộng vườn, nước uống. Độ mặn muối biển hòa lẫn trong nguồn nước ngầm càng ngày càng lên cao. Nhưng… tôi không muốn mất vĩnh viễn hòn đảo quê hương của chúng tôi, không muốn đánh mất những bãi biển xinh đẹp, những người hàng xóm vừa mở miệng ra là đã nở nụ cười tươi trên môi.”
Nỗi mất này mới thật là nỗi mất quá lớn.
Rồi ngay sau đó đến phiên một cô gái thật trẻ và đẹp tên là Anne Dunn từ nước Fidschi. Quốc đảo Fidschi thuộc châu Đại Dương ở vào phía nam Thái Bình Dương. Cô chỉ cho mọi người thấy những tấm ảnh của Khu Nghĩa Trang mà nơi đó ông bà của cô đã yên nghỉ. Cô nói: “Đầu năm nay ba tôi mất đi, ước muốn cuối đời của ông là được chôn kế bên cha mẹ của mình. Thế nhưng nghĩa địa nơi chôn cất ông bà nội tôi đâu còn nữa, chỉ còn trơ trọi vài hòn đá nhô lên khỏi mặt biển. Biển đã cuốn trôi tất cả nguồn cội của tôi. Những nơi tôi từng đến đã không còn đó nữa. Chúng tôi cũng giống như tất cả quý vị, chúng tôi cũng mộng mơ và cũng cười đùa. Chúng tôi không thể chỉ là một chấm nhỏ trên hành tinh này. Chúng tôi hiện hữu, sinh sống ở đó.”
Trên cuộc đời này có trăm ngàn kiểu mất mát. Nhưng có nỗi mất mát nào lớn hơn khi con người mất hẳn chỗ mình đang đứng trên quả địa cầu này? Khi mấy tấc đất nhỏ đang ở dưới chân bạn - vâng, khoảnh nhỏ vài cen-ti-mét vuông ngay phía dưới gót chân rắn chắc kia của anh, ngay chỗ dưới những ngón chân xinh đẹp này của chị - bị giật sập đi, bị cuốn trôi mất. Tôi đã từng trải qua những ngày mà cơn lũ lụt ngập cả ngôi làng của mình, cả gia đình phải trèo lên nóc nhà ngồi chờ cơn lũ đi qua. Nhưng điểm khác biệt là tôi biết chắc chắn rằng sau cơn lũ lụt ấy thì mảnh đất của mình sẽ “nổi lên” trở lại, dù nó sẽ mang nhiều thương tích và mất mát. Trong trường hợp này, truờng hợp nơi chôn nhau cắt rốn mất đi vĩnh viễn thì tôi không thể nào hình dung được.
Không phải chỉ có hai trường hợp đó. Có hàng ngàn, hàng vạn… ví dụ khác. Họ đã phải dời cả một ngôi làng đi đến nơi khác. Mà họ cũng chỉ dời đến một bãi biển khác thôi, dời sâu vào đất liền thì phải mua đất. Nhưng đó là cách sống sót duy nhất của họ.
Cô Anne Dunn còn nói thêm trong hội nghị rằng, cô không thể hiểu nổi, có những người trên đời này đã chối bỏ việc biến đổi khí hậu. Có những người vẫn hằng ngày vô tình hay cố ý làm những việc vô ý thức để làm tăng độ nóng của trái đất. Những người trực tiếp ít nhiều tạo nên việc hâm nóng toàn cầu ấy chính là tất cả chúng ta. Đặc biệt những người sống tiện nghi trong các nước kỹ nghệ phát triển thì càng có trách nhiệm hơn. Nhưng tựu chung là mọi người ai cũng góp phần vào. Ta phải thành thật xác nhận cùng nhau như vậy. Vậy mà có người còn xem việc này không liên hệ gì đến mình. Họ nghĩ, họ chỉ phải lo việc của họ thôi, ai sống chết mặc ai. Ví dụ như sự kiện hôm 1/6/2017 Tổng thống Donald Trump tuyên bố Hoa Kỳ rút khỏi Thỏa thuận Khí hậu Paris vì sợ tốn kém ngân quỹ. Ông chỉ muốn lo cho nước Mỹ theo quan niệm America First của ông, trên căn bản những tốn kém về nhân mạng, đất đai… của những quốc gia còn lại trên thế giới. Nhưng không biết có phải thật sự ông lo cho nước Mỹ hay chỉ lo cho ông? Đáng buồn thay!
Tuần báo Die Zeit (Thời Đại) ở Đức, số 20 ngày 09.05.2019 có đăng tấm hình một người đàn bà cố lội nước đi về nhà vì con đường làng tên Eita ở Kiribati đã ngập nước rồi. Thử nghĩ, nếu ta là bà mẹ ấy, đi chợ nhưng không thể mang quà về nhà cho con được vì ngôi làng của mình đã chìm sâu vào lòng biển, ta sẽ nghĩ sao? Ai trong chúng ta mà không từng có thời ngồi ngóng mẹ từ chợ mang quà về.
Và rồi không phải chỉ có châu Đại Dương bị tai họa, mà cả toàn cầu. Âu, Úc, Mỹ, Phi Châu đều đang hứng chịu những thảm cảnh như vậy. Do độ nóng tăng cao, những tảng băng lớn đang chảy dần và tan vào biển làm lượng nước biển tăng vọt. Nước biển bây giờ không phải ngập đến cổ mà đã sắp qua khỏi đầu. Cũng không phải chỉ ở những nơi với các địa danh xa lạ mà ngay cả trên đồng bằng sông Cửu Long của đất nước mình.
Hai năm trước tôi xem truyền hình thấy chiếu hình ảnh một chú gấu bơi trên biển nhiều giờ, quá mệt mỏi đứng run rẩy, vô vọng trên một tảng băng. Và tảng băng ấy trôi bập bềnh trên biển nhưng đang tan dần chỉ còn… chừng hai mét vuông. Xem đến đó tự dưng nước mắt tôi trào ra và phải tắt máy TV vì không thể xem thêm được nữa. Xin nói thêm, ở những vùng Bắc cực này ngày xưa, có những chú gấu vui đùa với nhau, bơi từ tảng băng này đến tảng băng khác và nằm trên đó nghỉ lấy sức. Bây giờ những tảng băng ấy đã biến mất.
Ai từng gặp nạn, từng lênh đênh giữa biển khơi, như đi vượt biên, mới hiểu thế nào là cái mênh mông đáng sợ và nỗi cô đơn tận cùng, một mình bé nhỏ giữa lòng đại dương. Lo sợ với một nỗi vô vọng vì không có vật gì để tay chân có thể bám víu vào như khi ở trên đất liền, chung quanh chỉ toàn là nước và biển.
Từ cuối tháng 8/2018 các bạn trẻ trên toàn thế giới, đầu tiên là các học sinh rồi lan dần đến sinh viên, đang cổ động phong trào “Friday for Future”. Đó là phong trào “Bãi Khóa và Biểu Tình vào mỗi thứ sáu” để kêu gọi con người thức tỉnh cho việc bảo vệ thiên nhiên. Họ muốn kêu gọi các chính trị gia có biện pháp chống việc phá hoại môi trường. Phong trào này khởi xướng đầu tiên tại Thụy Điển do một nữ sinh có tên là Greta Thunberg. Greta lúc ấy chỉ mới 15 tuổi. Cô học sinh này có cha là một ca sĩ hát Opera tên là Malena Ernman và mẹ là nữ minh tinh điện ảnh tên Svante Thunberg. Cha mẹ cô ủng hộ ý tưởng này của cô và hỗ trợ phương tiện để Greta thực hiện những nguyện vọng của mình.
Greta từng phát biểu một câu thật cảm động:
“Có người nói với tôi rằng, tôi nên học đại học để trở thành một nhà khoa học khí hậu và góp phần giải quyết khủng hoảng khí hậu. Nhưng đáp án vấn đề khủng hoảng khí hậu đã có sẵn rồi. Chúng ta đã có đủ dữ kiện và giải pháp. Tất cả những gì chúng ta phải làm bây giờ là thức tỉnh và thay đổi.”
Dần dần các bạn trẻ trên toàn thế giới đã ủng hộ ý kiến này của Greta. Mỗi thứ sáu trên cả ngàn địa điểm trên toàn thế giới đã có hàng trăm ngàn bạn trẻ nghỉ học xuống đường biểu tình để mong thức tỉnh con người. Tôi đã có lần tham gia trong số họ, dù hôm ấy là ngày mình phải đi làm việc. Đó là hôm thứ sáu, 15.03.2019 tại thủ phủ Kiel của tiểu bang Schleswig-Holstein nơi tôi đang ở. Tôi đi cùng 7.000 học sinh và sinh viên biểu tình trước Tòa Thị Chính Thành Phố và diễn hành đến Tòa Thủ Hiến của tiểu bang Schleswig-Holstein. Tôi đã đọc được một câu biểu ngữ tự viết tay trên tấm cạc tông của anh sinh viên Thomas (24 tuổi). Đọc tấm biểu ngữ khôi hài mà cười… ra nước mắt: “Hãy chuẩn bị mặc quần tắm vào đi, biển ngập tràn khắp rồi!” Báo Kieler Nachrichten cho biết ngày hôm đó, riêng tiểu bang Schleswig-Holstein chúng tôi, các bạn trẻ đã đồng loạt tổ chức biểu tình trên 23 thành phố. Cả thế giới ngày hôm đó cũng có tổng cộng 1.800 địa điểm trong 123 quốc gia đã đồng loạt nói lên tiếng nói của những sinh viên học sinh như thế. Họ là những người trẻ đang sinh sống tại Jakarta, Sydney, London, Rom, Stockholm, Tokyo, Florida v.v… Và không phải chỉ một hôm, họ sẽ tiếp tục vào mỗi ngày thứ sáu như thế.
Tại Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Biến đổi Khí hậu COP24 năm 2018 ở Katowice, Ba Lan, cô Greta cũng được mời đến tham dự. Tại đó Greta được ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc António Guterres tiếp kiến và cô có đọc một bài phát biểu cho toàn thể tham dự viên tại đại sảnh đường. Bài phát biểu sau đó được phổ biến rộng và được nhiều người tán thưởng. Nhưng cũng có một số chính trị gia cánh hữu – những người từng chống đối việc bảo vệ môi trường – đã phản đối và phỉ báng gọi là “mù quáng về ý thức hệ”.
Không biết ai là kẻ mù quáng (và ích kỷ) đây?
Trong tác phẩm 365 Lời Khuyên Tâm Huyết, Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 đã viết:
“Kiếp người kéo dài tối đa khoảng một trăm năm. Quả hết sức ngắn so với các thời kỳ địa chất. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó nếu chúng ta chỉ biết tạo ra những điều tồi tệ, thì kiếp người của mình sẽ chẳng mang một ý nghĩa nào cả. Tất cả mọi người đều có quyền được hưởng hạnh phúc, nhưng không một ai có quyền tàn phá hạnh phúc của kẻ khác. Mục đích của sự hiện hữu con người không phải là để tạo ra khổ đau cho những người khác.”
●●●
Trong cuộc biểu tình ngày 15.03.2019 ấy tại Kiel, tôi đã đi chung với các bạn trẻ và đã cùng họ la lớn lên rằng: “Wir sind viele, wir sind laut, weil ihr uns die Zukunft klaut!” (Chúng tôi là số đông, chúng tôi gây náo động vì các người đã đánh cắp đi tương lai của chúng tôi.)
Tôi đã cùng những người học sinh, sinh viên trẻ la lớn như thế trước Tòa Thủ Hiến của tiểu bang - dù bây giờ mình đã không còn trẻ nữa. Nhưng biết đâu rằng tôi - và những người ở lứa tuổi của tôi - sẽ có ngày quay trở lại trái đất này trong một kiếp lai sinh, sẽ cùng những người trẻ cùng gánh chịu các tai ương này?
Xin nhớ cho rằng, ai kẻ trồng đậu sẽ hái đậu, ai kẻ gieo mè sẽ gặt mè. Nhân quả là một quy luật của thiên nhiên bất di bất dịch.