Gió bên đông, động bên tâyTuy rằng nói đấy nhưng đây chạnh lòng(Ca dao)
Phải chăng văn học, văn chương đã bắt nguồn từ cổ tích, thần thoại; sau nó là đến ca dao tục ngữ? Đọc Quốc Văn Giáo Khoa Thư lúc nhỏ tôi nhớ có câu chuyện con cọp mò mẫm muốn đến gạ chuyện muốn xơi thịt con trâu của anh nông dân. Biết khó lòng đọ sức với cọp anh nông dân mới lập mưu trói nó vào gốc cây, đập cho một trận tơi bời rồi nói: túi khôn của tao đây nè. Đó là cái thời mà thú còn biết nói tiếng người.
Cũng rất nhiều khi tôi tự thấy mình sao đi làm một việc công toi, thắc mắc làm chi về một trật tự cuộc đời như hôm nay. Thắc mắc chi, sao con người mình “khôn quá” vậy. Con người bây giờ có thể bay như chim, lội như cá, có pháp thuật ngồi ở đây mà nói tiếng nói vọng qua đến bên kia địa cầu (điện thoại) v.v... Tất nhiên tôi vui, tôi thừa hưởng cái khôn ấy từ đồng loại tôi mang lại. Nhưng ai dám nói, chỉ có huyền thoại trong quá khứ mà không có những huyền thoại của tương lai? Đừng nói tôi nói nhảm. Đừng nói tôi đang hành nghề thầy bói. Tôi sẽ xin kể cả chuyện xưa lẫn chuyện nay ra đây.
[ 1 ] Chuyện 3 anh em họ Điền Họ Điền thì chắc là người Trung Hoa hay người Đại Hàn. Theo tôi hiểu, người Việt mình không thấy ai họ Điền. Người họ Điền mà tôi từng nghe chính là ông Điền Văn bên Trung Hoa, một người giàu có, lại có lòng nghĩa hiệp, thích chiêu hiền đãi sĩ nên được người tặng cho danh hiệu Mạnh Thường Quân. Thôi, chuyện hay thì mình kể mình học, dù là ở nơi nào trên hành tinh này. Chuyện rằng:
Ngày xưa có ba anh em họ Điền, cha mẹ qua đời nhưng ba anh em sống chung với nhau rất hòa thuận. Bầu trời quang đãng vậy mà có khi cũng giông bão. Ngày nọ người em thứ hai cương quyết dọn ra ở riêng và đòi chia gia tài để sống chung cùng vợ. Sau nhiều lần khuyên can, thấy không thể lay chuyển ý của em, người anh cả mới quyết định chia. Cuộc chia tài sản cũng tương đối êm thắm, ai cũng hài lòng với những của cải mình thừa hưởng được. Chỉ còn vật duy nhất còn lại mà không biết chia làm sao cho công bằng. Đó là cây cổ thụ ngay trước nhà. Sau mấy ngày bàn cãi, ba anh em họ Điền mới thống nhất với nhau rằng, hôm sau sẽ kêu thợ đến hạ cây xuống, cưa xẻ thành ván để chia.
Hôm sau đám thợ đến, ba anh em cùng đi ra vườn thì thấy cây đại thụ mới đêm qua còn xanh tươi mà chỉ qua một đêm đã khô héo. Vừa mới trông thấy vậy người anh cả bèn chạy đến ôm gốc cây và khóc lên nức nở. Hai người em thấy thế mới đến khuyên can: “Một thân cây khô héo, giá phỏng bao nhiêu mà anh phải thương tiếc như vậy?” Lúc này người anh mới trả lời cho hai em: “Không phải anh khóc vì tiếc cây đâu. Ngay cả loài cây cỏ vô tri mà nghe thấy sắp phải chia lìa chúng còn biết buồn phiền khô héo đi, huống gì chúng ta đây là người cùng ruột thịt. Anh thấy cây mà suy đến cảnh ba anh em chúng ta, anh mới bật khóc”. Hai người em nghe anh nói xong cũng ôm chầm lấy nhau và khóc. Bắt đầu từ hôm đó, ba anh em ở lại với nhau êm ấm, vui vẻ như trước. Cây cổ thụ nọ đã khô héo cũng trở lại xanh tươi như cũ.
Thật may mắn cho anh em họ Điền có người anh cả nhân từ và sáng suốt.
[ 2 ] Chuyện biển không cáChuyện này cũng là một huyền thoại – huyền thoại của tương lai. Trong 50 năm nữa ở trong nước không có cá tôm bơi lội. Nước biển, nước sông, nước ao hồ đều vậy. Không, tôi không nói đến một “Ngày Tận Thế”. Tôi nói có sách mách có chứng. Lại là cuốn sách viết cho trẻ em trong các trường học.
Đó là cuốn Khi loài cá biến mất (World without Fish). Tác giả Mark Kurlansky là nhà báo, nghiên cứu về biển, đồng thời cũng là một tác giả nổi tiếng, đoạt nhiều giải thưởng danh giá về sách ở Hoa Kỳ. Sách của ông được xếp vào loại “Bán chạy nhất – Bestseller” và được dịch ra nhiều ngôn ngữ.
Ngay từ Chương Mở Đầu ông đã viết:
“Phần lớn các loài cá chúng ta thường ăn, các loài chúng ta đã biết, sẽ biến mất trong vòng 50 năm tới. Số này bao gồm cá Hồi, cá Ngừ, cá Tuyết, cá Kiếm và cá Cơm. Nếu điều này xảy ra, rất nhiều loài cá khác phụ thuộc vào chúng sẽ lâm nguy. Những loài chim ăn cá như Hải Âu và chim Cốc cũng sẽ sớm đối mặt với số phận tương tự. Tiếp đến là các loài động vật có vú lấy cá làm nguồn thực phẩm chính như cá Voi, cá Heo và Hải Cẩu. Rồi cả những loại côn trùng dựa vào chim biển như Bọ Cánh Cứng và Thằn Lằn cũng chẳng thể có tương lai tươi sáng hơn. Một cách chậm chạp – hoặc có thể không chậm như chúng ta nghĩ – sự sống đã mất hàng tỷ năm để hình thành trên trái đất sẽ tốn thời gian ngắn hơn thế rất nhiều để bị xóa sổ hoàn toàn.”
Tất nhiên có hàng loạt lý do khiến việc này xảy ra. Có sự việc như không tuân thủ Luật đánh cá quốc tế, vi phạm những vùng không được đánh cá, vi phạm việc săn chài lưới các loại cá hiếm hay lưới cả những con cá kích thước nhỏ v.v... Rồi việc các chất độc càng ngày càng nhiều trong nước. Các chất độc này do các tàu vận chuyển thoát ra, từ các dàn khoan dầu, từ nước thải trái phép của các nhà máy. Kể cả trong phạm vi gia đình, các hệ thống nhà vệ sinh thải một lượng nước có chứa các độc tố hay thuốc chữa bệnh còn giữ trong phân và nước tiểu vào hệ thống ống cống, rồi nước này lại đi vào sông, biển. Việc tiêu thụ các chất độc này đi một vòng lẩn quẩn. Đầu tiên các con cá nhỏ ăn các chất độc này vào. Sau đó các động vật lớn ăn những cá nhỏ (trong đó có loài người chúng ta). Đừng nghĩ là những chất độc nhỏ như thế thì không hại gì đến các các động vật lớn. Không, động vật lớn này thường ăn một số lượng thật lớn các động vật nhỏ, vốn đã bị nhiễm độc.
Ở chương 11, ông Kurlansky viết:
“Nếu Darwin đúng, số phận của chúng ta đã được báo trước. Tất cả các loài đều có những biến đổi và dần dần trở thành loài mới, còn những loài nguyên thủy sẽ dần tuyệt chủng. Trước đây là khủng long, thì bây giờ đã tiến hóa thành loài chim. Một số người phản biện rằng quá trình biến đổi từ loài khủng long đến loài chim là một sự tiến bộ. Nhưng Darwin đã nhắc lại rất nhiều lần, đó là một quá trình thay đổi vô cùng chậm chạp diễn ra trong hàng triệu năm. Nhưng những thay đổi mà chúng ta nhìn thấy ngày nay lại gây ra bởi con người, và chúng diễn ra chỉ trong vòng vài năm. Bằng những hành động khiến các loài khác tuyệt chủng, chúng ta đang đẩy nhanh quá trình tuyệt chủng của chính mình.” (tr. 181 ff)
[ 3 ] Chỉ cá biến mất thôi ư? Không. Không những cá biến mất mà… ngư dân cũng biến mất.
“Rất nhiều thứ khác, không chỉ riêng loài cá, đều đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Ngư dân cũng đang đối diện với nguy cơ ‘‘Tuyệt Chủng’‘. Giống như các loài động vật khác, bất kể khi nào phải đối diện với nguy cơ tuyệt chủng, việc đặt ra câu hỏi ‘‘cái gì sẽ thế chỗ chúng’‘ là hoàn toàn hợp lí. Trong trường hợp của ngư dân đó là ngành du lịch. Đó là chính là điều đã xảy ra tại Newfoundland - Canada.” (tr.115).
(Ghi chú: Ngay nơi loài cá tuyết bị báo động tuyệt chủng Newfoundland - Canada, các cửa hàng souvenir đã tha hồ sáng chế các đồ vật kỷ niệm có hình cá tuyết như mũ, áo, bánh, chocolate, đồ điêu khắc, postcard… để kinh doanh. Nếu ta xem thế gian này như một đại gia đình chung sống, trong đó loài người chúng ta là những anh chị lớn, các loài sinh vật khác như đám em út, thì thật khó coi khi như những ông anh bà chị đã bám víu vào cái chết của đám em út để kiếm thêm chút cháo).
Trích tiếp:
“Và thật mỉa mai làm sao, các nhà hàng phục vụ cho du khách cá tuyết nhập khẩu trong thực đơn, bởi vì khi mọi người đến Newfoundland du lịch họ đều muốn ăn cá tuyết.”
Ở bìa sau cuốn sách (sách được xếp đứng đầu bảng trong loại bán chạy nhất của tờ New York Times) tác giả Kurlansky viết thêm: Một thế giới không còn cá thì sẽ như thế nào? Tất nhiên điều đó vẫn chưa xảy ra. Nhưng nếu loài người cứ tiếp tục đối xử với đại dương như hiện giờ, tất cả các loài cá sẽ bị tuyệt chủng trong vòng 50 năm nữa. Hãy cùng nhau thay đổi mọi thứ trước khi quá muộn!
[ 4 ] Bầu trời không có chim bayMới đây, đài phát thanh DLF (Deutschlandfunk) ở Đức tổng kết và tuyên bố: “Trong năm 2018 đã có 13% số chim bị mất đi, vì nguồn lương thực của chim là các loại côn trùng đang bị tiêu diệt dần do phân bón có thuốc giết sâu rải ở các đồng ruộng.” Tôi tin rằng ở các nước khác con số này có thể cao hơn nữa.
Hiệp Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường ở phía nam Oberrhein của Đức (Bund für Umwelt und Naturschutz (BUND) e.V. Regionalverband Südlicher Oberrhein) trình bày bức hình chụp 3 chú chim sẻ dưới đây, tiên đoán con số trong năm 2019 sẽ có 2/3 số chim sẻ bị mất đi. Khủng khiếp, chỉ còn lại 33,33%.
Trong bức hình có 2 chữ minh họa là Côn Trùng Chết = Chim Muông Chết. Bên dưới bức hình còn ghi chú thêm các lý do loài chim sẻ bị tiêu diệt là: không còn côn trùng để ăn, các loại thuốc độc dùng trong nông nghiệp, hai loại độc hại Neonicotinoide, Glyphosat làm phân bón, thiên nhiên bị phá hủy, chim sẻ bị tấn công, bị mèo rượt bắt, giống virus có tên là Usutu, bị tai nạn giao thông, các trụ quạt gió điện, bị quạ bắt.
Những dữ kiện nêu ra ở đây chỉ là những ví dụ rất nhỏ về một loại chim sẻ. Bầu trời của chúng ta bây giờ vẫn đang còn nhiều loại chim khác nữa. Tôi không dám đi sâu vào chi tiết làm phiền độc giả. Tài liệu có nhan nhản.
Chắc bây giờ anh chị đã có thể tin lời tôi. Chúng ta có khả năng tạo ra một huyền thoại mới là xóa hết – và xóa rất nhanh: dưới nước không có cá lội, trên trời không có chim bay. Trong toán học người ta dùng chữ rất hay là triệt tiêu. Chuyện này sẽ có thật nếu chúng ta sống như kiểu sống hiện nay. Năm mươi năm thì cũng đâu có lâu. Chắc không ai trong chúng ta muốn rằng, rồi sẽ không bao giờ nghe tiếng chim hót buổi sáng sớm, không bao giờ thấy đàn cá lượn nhởn nhơ buổi chiều vàng bên suối trong. Tôi không nói chuyện giả tưởng. Xa xứ lâu năm, có một mùa hè tôi về thăm nhà. Ngồi suốt cả tuần lễ ở Sài Gòn mà không nghe được một tiếng ve kêu, dù đi rất nhiều nơi, có khi ở công viên, có khi ở chùa, nghĩa là những nơi còn sót lại ít cây cối. Vậy mà tuyệt nhiên không hề nghe tiếng ve. Hình như cũng không thấy phượng nở (nhưng không chắc). Tôi đem việc này hỏi một vài người thì họ cười lớn và nói: Bây giờ làm gì có ve? Nghe sao buồn thúi ruột. Ve của tôi trong kỷ niệm tuổi học trò đã biến mất. Trong khi đó, mấy năm trước tôi đã nghe ve kêu ở châu Phi, đã nghe ở miền Nam nước Pháp.
Vậy, bài học từ cá ở Newfoundland (Canada) của Mark Kurlansky đã nói ở trên rất rõ ràng: Cá tuyệt chủng thì ngư dân cũng tuyệt chủng. Tôi và anh chị rồi cũng sẽ đi vào đường tuyệt chủng khi cây cỏ và sinh vật chung quanh chúng ta tuyệt chủng. Giả sử nếu có thật một “Ngày Tận Thế” vào lúc nào đó sẽ xảy ra, thì ta cũng có thể ít nhiều chi phối được tốc độ của nó. Chi phối kiểu nào đây? Xin thưa tiếp tục sau đây.
[ 5 ] Phương pháp Hóa đồng Mẫu số Vậy bây giờ thử cùng nhau tìm biện pháp giải quyết vấn đề. Ta cùng tìm mẫu số chung cho bài toán hóc búa đó. Ngay từ thời tiểu học ta đã học bài toán phân số và cách hóa đồng mẫu số này.
Ví dụ bằng số:
Mẫu số chung sẽ là 15. Bài toán đơn giản ấy có thời chúng ta đã làm nhuần nhuyễn, vậy mà bây giờ đã đem trả hết lại cho thầy ở các trường làng thời tiểu học. Ấy vậy, xin đừng coi thuờng, bài học này vô cùng ý nghĩa nếu ta biết áp dụng vào cuộc sống thường nhật của chúng ta. Cùng đầu đội trời chân đạp đất mà không có mẫu số chung thì làm sao sống với nhau được! Không dám huênh hoang múa rìu thêm, tôi xin chép trộm lại lời này của một nhà mô phạm từng có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy đại học tại Pháp - Giáo sư Cao Huy Thuần - để cùng thể nghiệm.
“Tôi xem thiên nhiên như có đời sống, và vì có đời sống nên có quyền, quyền tự bảo vệ. Đời sống của thiên nhiên cũng là đời sống của tôi, hai bên liên đới với nhau, không có mưa thì tôi chết khát, không có không khí thì phổi tôi thất nghiệp. Thải khí độc lên không thì tôi ho, phá rừng thì mưa bão nổi giận và người chịu khổ là tôi, là anh. Là Phật tử, mỗi khi cúng giỗ, tôi thắp hương trên bàn thờ và thắp cả hương trong vườn để cảm tạ mưa nắng che chở cho tôi. Không phải tôi chỉ yêu thiên nhiên, tôi kính trọng nó. Hơn thế nữa, vì tôi là đệ tử của thiền môn, tôi không xem thiên nhiên như kẻ khác tách biệt với tôi là tôi, tôi xem thiên nhiên với tôi là một, đóa hoa kia là một với tôi, tôi ở trong nó, nó ở trong tôi, tôi tan trong hương sắc của nó, nó nhập vào hồn tôi.”
Vâng, đúng vậy. Đã sống chung cùng nhau thì phải chơi đẹp với nhau. Fairplay đâu phải chỉ ở sân vận động bóng đá. Phải chơi đẹp với nhau khi cùng đứng dưới bầu trời này, khi cùng đặt chân trên mảnh đất này.
Nếu ngày mai là ngày tận thế, tôi sẽ vui vẻ phủi tay ra đi, khi biết mình đã sống đẹp, sống trọn vẹn như thế.