Tất cả nước uống mà bạn đã dùng;
Trải qua thời gian vô thủy cho đến hôm nay;
Đã không thỏa mãn cơn khát hay làm bạn hài lòng (...)Thánh thi Milarepa
(Tây Tạng)
Có một con cóc kia ngồi đáy giếng. Hôm nọ buồn quá và không ngủ được cóc ta ngửa mặt lên trời bỗng nhìn thấy mặt trăng lưỡi liềm đẹp quá. Ôi chao, ánh sáng trăng sao mà lại dịu hiền và tươi mát đến thế. Cố dõi theo bóng trăng cho đến khi trăng đã từ từ đi xa khỏi thành giếng. Cóc không còn thấy trăng nữa nhưng cóc biết chắc chắn rằng trăng vẫn đang ở đâu đó bên trên miệng giếng. Ở một nơi rất xa.
Cố gom hết sức bình sinh cóc tìm mọi cách nhảy ra khỏi thành giếng. Sau nhiều lần cố thử, bám vào các đám rong để có thể nhảy từng đoạn, nó cũng đạt ý nguyện, đã ra khỏi giếng sâu. Nhưng trăng đi đâu mất rồi. Nó chỉ thấy vầng sáng ở phía có sóng nước. Cóc cố lết đến nơi thì trời đã hừng sáng. Trăng còn đâu. Nhưng trời nào phụ kẻ hiền - là cóc. Hạnh phúc thay, không thấy trăng nhưng cóc gặp cả một đại dương mênh mông.
Cóc ấy là tôi. Đại dương ấy là hai bài học này đây. Xin ghi ra tặng bạn đọc.
[ 1 ]Bài học “Cong và Thấp”Lão Tử: Đạo Đức Kinh - Chương 22曲則全, 枉則直, 窪則盈, 敝則新, 少則得, 多則惑.
是以聖人抱一爲天下式. 不自見故明,不自是故彰; 不自伐, 故有功; 不自矜,故長. 夫唯不爭故天下莫能與之爭. 古之所謂曲則全者, 豈虛言哉! 誠全而歸之.
Âm Hán ViệtKhúc tắc toàn, uổng tắc trực, oa tắc doanh, tệ tắc tân, thiểu tắc đắc, đa tắc hoặc.Thị dĩ thánh nhân bão nhất vi thiên hạ thức. Bất tự kiến cố minh bất tự thị cố chương; bất tự phạt, cố hữu công; bất tự căng cố trướng (hoặc trưởng). Phù duy bất tranh cố thiên hạ mạc năng dữ chi tranh. Cổ chi sở vị khúc tắc toàn giả, khởi hư ngôn tai! Thành toàn nhi qui chi.Dịch nghĩaCong [chịu khuất] thì sẽ được bảo toàn, quẹo thì sẽ thẳng ra, trũng thì sẽ đầy, cũ nát thì sẽ mới, ít thì sẽ được thêm, nhiều thì sẽ hóa mê.
Vì vậy mà thánh nhân [thánh ở đây hiểu theo quan niệm của Lão] ôm giữ lấy đạo [nhất đây là đạo] làm phép tắc cho thiên hạ. Không tự biểu hiện cho nên mới sáng tỏ, không tự cho là phải cho nên mới chói lọi, không tự kể công cho nên mới có công, không tự phụ cho nên mới trường cửu [hoặc hơn người]. Chỉ vì không tranh với ai cho nên không ai tranh giành với mình được.
Người xưa bảo: “Cong thì sẽ được bảo toàn”, đâu phải hư ngôn! Nên chân thành giữ vẹn cái đạo mà về với nó.
Chương 66江海所以能爲百谷王者, 以其善下之, 故能爲百谷王. 是以聖人欲上民, 必以言下之; 欲先民, 必以身後之. 是以聖人處上而民不重; 處前而民不害. 是以天下樂推而不厭. 以其不爭, 故天下莫能與之爭.
Âm Hán ViệtGiang hải sở dĩ năng vi bách cốc vương giả, dĩ kì thiện hạ chi, cố năng vi bách cốc vương. Thị dĩ thánh nhân dục thượng dân, tất dĩ ngôn hạ chi; dục tiên dân, tất dĩ thân hậu chi. Thị dĩ thánh nhân xử thượng nhi dân bất trọng; xử tiền nhi dân bất hại. Thị dĩ thiên hạ lạc thôi nhi bất yếm. Dĩ kì bất tranh, cố thiên hạ mạc năng dữ chi tranh.Dịch nghĩaSông biển sở dĩ làm vua trăm khe lạch (là nơi qui tụ của mọi khe) vì khéo ở dưới thấp nên làm vua trăm khe lạch. Vì thánh nhân muốn ở trên dân thì phải nói lời khiêm hạ, muốn ở trước dân thì phải lùi lại sau. Vì vậy thánh nhân ở trên mà dân không thấy nặng cho mình [không có cảm giác gánh vác trên vai], ở trước mà dân không thấy hại cho mình; vì vậy thiên hạ vui vẻ đẩy thánh nhân tới trước mà không chán. Không tranh với ai cho nên không ai tranh giành với mình được.
[ 2 ]“Bà Mẹ Mặt Đất Điêu Linh”Xin dẫn lời của Hòa Thượng Thích Phước An viết trong một tác phẩm.
“…Riêng tôi mỗi lần đọc lên các vị Thần có tên là Thần Sông, Thần Núi, Thần Rào, Thần Suối, Thần Lúa… thì tôi luôn có cảm tưởng là tâm hồn mình như có cái gì dịu lại và mặt đất này bớt đi khô cằn và trơ trọi.
(...)
“Kinh Địa Tạng (Kstigarbhaprani Dhāna Sutra) được Ngài Thực Xoa Nan Đà dịch sang tiếng Hán dưới đời nhà Đường của Trung Quốc. Lúc đó, Việt Nam ta còn lệ thuộc Trung Quốc, nhưng chắc chắn không phải vì ảnh hưởng Kinh Địa Tạng mà dân tộc Việt mới biết tục thờ cúng các Thần Cây, Thần Đất… mà chắc chắn sự thờ cúng này đã xảy ra trước đó rồi. Vậy ta có thể xem đây như là sự đồng thanh tương ứng của văn hóa dân tộc Việt với các nền văn minh lớn của nhân loại vào thời đó chăng?
“Và thông điệp của các nền văn minh lớn đó là gì?
“Có thể mượn câu nói sau đây của Dịch truyện: Thiên địa chi đại đức viết sinh - Cái đức lớn nhất trong trời đất là nguồn sống.
“Vậy là ta có thể kết luận giản dị như thế này, rằng:
“Chúng ta đừng vì sự sống của mình mà nhẫn tâm chà đạp và hủy diệt mọi sự sống khác trên mặt đất này.”