Hãy đạt đến thành công bằng vào việc phụng sự người khác, không phải dựa vào phí tổn mà người khác phải trả. (Earn your success based on service to others, not at the expense of others.)H. Jackson Brown, Jr.
Mỗi ngày, hãy mang đến niềm vui cho ít nhất một người. Nếu không thể làm một điều tốt đẹp, hãy nói một lời tử tế. Nếu không nói được một lời tử tế, hãy nghĩ đến một việc tốt lành. (Try to make at least one person happy every day. If you cannot do a kind deed, speak a kind word. If you cannot speak a kind word, think a kind thought.)Lawrence G. Lovasik
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 8)
Chúng ta trở nên thông thái không phải vì nhớ lại quá khứ, mà vì có trách nhiệm đối với tương lai. (We are made wise not by the recollection of our past, but by the responsibility for our future.)George Bernard Shaw
Dầu giữa bãi chiến trường, thắng ngàn ngàn quân địch, không bằng tự thắng mình, thật chiến thắng tối thượng.Kinh Pháp cú (Kệ số 103)
Quy luật của cuộc sống là luôn thay đổi. Những ai chỉ mãi nhìn về quá khứ hay bám víu vào hiện tại chắc chắn sẽ bỏ lỡ tương lai. (Change is the law of life. And those who look only to the past or present are certain to miss the future.)John F. Kennedy
Nhiệm vụ của con người chúng ta là phải tự giải thoát chính mình bằng cách mở rộng tình thương đến với muôn loài cũng như toàn bộ thiên nhiên tươi đẹp. (Our task must be to free ourselves by widening our circle of compassion to embrace all living creatures and the whole of nature and its beauty.)Albert Einstein
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp Cú (Kệ số 8)
Nếu muốn có những điều chưa từng có, bạn phải làm những việc chưa từng làm.Sưu tầm
Ví như người mù sờ voi, tuy họ mô tả đúng thật như chỗ sờ biết, nhưng ta thật không thể nhờ đó mà biết rõ hình thể con voi.Kinh Đại Bát Niết-bàn

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Rộng mở tâm hồn và phát triển trí tuệ »» Phần III: Hiện trạng của chúng ta - 1. Tái sinh »»

Rộng mở tâm hồn và phát triển trí tuệ
»» Phần III: Hiện trạng của chúng ta - 1. Tái sinh

Donate

(Lượt xem: 8.373)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  English || Đối chiếu song ngữ


       


Rộng mở tâm hồn và phát triển trí tuệ - Phần III: Hiện trạng của chúng ta - 1. Tái sinh

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc
Nối liền những kiếp sống

Ở nhiều quốc gia và trong nhiều nền văn hóa, người ta tin vào sự tái sinh: rằng đời sống hiện tại của ta là một trong những kiếp sống nối tiếp nhau. Mặc dù sự tồn tại hiện nay của ta có vẻ như rất chắc thật, nhưng nó không kéo dài mãi mãi. Đời sống của ta rồi sẽ chấm dứt. Tuy nhiên, cái chết không có nghĩa là chấm dứt sự tồn tại của ta. Nó chỉ đánh dấu một giai đoạn chuyển tiếp mà tâm thức ta rời bỏ thân xác hiện tại và tái sinh trong một thân thể khác.

Một số sự vật như hoa lá, núi non... có thể được ta nhận biết trực tiếp qua các giác quan: ta có thể thấy, nghe, ngửi, nếm và sờ mó. Để biết về một số sự vật khác, ta dùng sự suy luận. Chẳng hạn, ta không thể nhìn thấy lửa khi ở quá xa, nhưng vì nhìn thấy khói bốc lên, ta suy luận và biết ở đó có lửa. Để biết được nhiều sự việc hơn nữa, chúng ta dựa vào sự chứng thực của những người đáng tin cậy. Chẳng hạn, bản thân ta chưa từng thực hiện các thí nghiệm khoa học, nhưng ta chấp nhận kết luận của các nhà khoa học đáng tin cậy là những người đã thực hiện các thí nghiệm.

Các chủ đề tiếp theo đây - như tái sinh, nghiệp và luân hồi - không thể được nhận biết qua các giác quan. Ta không thể nhìn thấy tâm thức của một ai đó rời khỏi thân xác này rồi đi vào một thân xác khác. Ta cũng không thể thấy được sự phát triển những hệ quả lâu dài của một hành vi cụ thể. Với mắt thường, ta không thể nhận biết được hết mọi hình thức đa dạng của sự sống trong vũ trụ. Những chủ đề này phải được khảo sát bằng lý luận và lắng nghe kinh nghiệm từ những người đáng tin cậy. Sau đó, ta sẽ tự mình quyết định về việc chúng có tồn tại hay không.

Việc suy ngẫm, quán chiếu về vấn đề tái sinh, nhân quả và luân hồi phải mất nhiều thời gian. Khi tiếp cận với những chủ đề này, chúng ta nên tạm thời gạt bỏ bất kỳ định kiến sẵn có nào về nguyên nhân cũng như cách thức mà chúng ta hiện hữu trong cuộc đời này. Hãy lắng nghe, đọc sách và suy ngẫm với một tâm hồn rộng mở. Hãy thảo luận với người khác về những chủ đề này trong tinh thần tự do chất vấn để tìm hiểu chân lý. Hãy trải nghiệm các giáo lý về tái sinh về nghiệp bằng cách tạm thời chấp nhận chúng, và thử xem liệu chúng có thể giải thích được những sự việc mà trước đây bạn chưa có lời giải đáp hay không.

Những người nhớ lại tiền kiếp

Mặc dù hầu hết chúng ta không thể nhớ lại những kiếp sống trước đây của mình, nhưng một số người có được khả năng đó. Nghe biết về kinh nghiệm của họ có thể giúp ta hiểu được về sự tái sinh.

Người Tây Tạng có một hệ thống phương pháp để tìm kiếm, kiểm nghiệm và xác nhận hóa thân tái sinh của các bậc thầy tâm linh. Tôi muốn chia sẻ với các bạn về việc [hóa thân tái sinh] của hai bậc thầy tâm linh Tây Tạng mà chính bản thân tôi được biết đã được nhận ra như thế nào.

Ngay sau khi Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ mười ba, nhà lãnh đạo tôn giáo và chính trị Tây Tạng, viên tịch vào năm 1933, có những dấu hiệu cho thấy ngài sẽ tái sinh ở đâu: khi đã qua đời, đầu ngài quay về hướng đông bắc; một loại nấm hiếm thấy bỗng mọc lên trên cây cột phía đông bắc trong phòng đặt lăng mộ ngài; và những đám mây lành cùng với cầu vồng bảy sắc xuất hiện trên bầu trời phía đông bắc thủ đô Lhasa của Tây Tạng.

Vị thầy nhiếp chính của Tây Tạng vào lúc ấy đã đi đến Lhamo Latso, một cái hồ nằm cao trên những ngọn núi, nơi người ta thường thấy được các linh ảnh. Trên mặt hồ, vị này nhìn thấy xuất hiện ba chữ cái Tây Tạng là A, KA, MA và một quang cảnh. Trong quang cảnh ấy có một tu viện ba tầng nằm trên ngọn đồi với mái lợp bằng vàng và ngọc, cùng với con đường dẫn đến một ngôi nhà có những miếng ngói màu ngọc lam viền quanh mái. Trong sân nhà có một con chó với màu lông nâu và trắng đang đứng.

Sau đó, một đoàn tìm kiếm được phái đến Amdo, thuộc miền đông bắc Tây Tạng. Họ cải trang như những thương gia trên đường buôn bán. Ở Tây Tạng, những người đi đường thường ghé vào nhà các nông dân địa phương để ăn uống và ngủ trọ. Khi đoàn tìm kiếm này ghé vào nhà của một nông dân thì có một con chó màu nâu đứng trước sân sủa vào họ. Họ nhận ra ngôi nhà này phù hợp với những điểm mô tả ngôi nhà mà vị nhiếp chính đã nhìn thấy trên mặt hồ và vị trí ngôi làng thì phù hợp với những chữ cái đã xuất hiện trên mặt hồ: ngôi làng thuộc Amdo, gần Kumbum, và tu viện ở địa phương này có tên là Karma (KA và MA) Shartsong Hermitage.

Khi vị trưởng đoàn, đã cải trang như một người hầu, bước vào gian nhà bếp, một cậu bé chạy đến leo lên người ông. Cậu bé dùng tay lần tràng hạt đeo trên cổ vị trưởng đoàn và bảo ông là một vị thầy đến từ tu viện Sera. Cậu bé cũng nhận ra một quan chức chính phủ khi ấy đang cải trang làm người trưởng đoàn thương gia, và nói chuyện với mọi người bằng phương ngữ Lhasa, là một khả năng mà chỉ Đức Đạt-lai Lạt-ma trước đây mới có, chứ một cậu bé trong gia đình này hay những người dân Amdo không thể biết được.

Sau đó, cậu bé tiếp tục nhận ra một cách chính xác những di vật của đức Đạt-lai Lạt-ma trước đây để lại như cây gậy, các pháp khí, kính đeo mắt, được đặt lẫn lộn trong những đồ vật tương tự khác. Và như vậy, cậu bé đã được thừa nhận là vị Đạt-lai Lạt-ma thứ mười bốn, nhà lãnh đạo tôn giáo và chính trị của Tây Tạng hiện nay.

Câu chuyện về ngài Zopa Rinpoche cũng hết sức khác thường. Ngài Lạt-ma Kunzang Yeshe ở Lawudo đã ẩn tu trong một hang động xa xôi hẻo lánh thuộc vùng Solokumbu, Nepal, tinh tấn theo đuổi con đường tâm linh trong suốt hơn hai mươi năm. Dân chúng các làng lân cận đã nhờ ngài dạy dỗ con em của họ, và ngài hứa trong tương lai sẽ xây dựng một ngôi trường cho các tăng sĩ trẻ trong vùng. Nhưng rồi ngài vẫn tiếp tục ẩn tu và đã viên tịch trong thiền định vào khoảng năm 1945.

Năm 1946, một đứa bé ra đời ở Thami, một ngôi làng nằm bên kia triền sông nhìn từ Lawudo. Lúc vừa mới biết đi chập chững, cậu bé thường đi về hướng Lawudo. Người chị của cậu bé thường phải chạy đuổi theo để đưa cậu bé về trước khi cậu đi quá xa hoặc té ngã đau trên những con đường đồi núi. Khi vừa biết nói, cậu bé nói với mọi người: “Tôi là Lạt-ma ở Lawudo, tôi muốn đi về hang động của tôi.”

Sau đó, cậu bé được thừa nhận là hóa thân tái sinh của vị Lama ở Lawudo và được đặt tên là Zopa Rinpoche. Một trong những việc làm đầu tiên của ngài khi trưởng thành là xây dựng một trường học ở thung lũng Kathmandu, chủ yếu dành cho các tăng sĩ trẻ ở vùng Solokumbu. Mặc dù rất bận rộn với việc dạy dỗ nhiều đồ chúng và những chuyến lưu giảng thường xuyên đến các quốc gia phương Tây, nhưng ngài Zopa Rinpoche vẫn luôn mang dáng dấp của một vị thiền tăng ẩn cư nơi rừng núi. Chúng tôi thường nói đùa: “Ngài đi đâu cũng mang theo cả hang động của mình.” Bởi vì, mỗi đêm ngài chỉ ngủ chừng một giờ rồi ngồi dậy, và ngài dễ dàng nhập định hay xuất định ngay khi đang trò chuyện với chúng tôi.

Việc nhớ lại tiền kiếp không chỉ giới hạn nơi các bậc thầy tâm linh đã chứng ngộ. Nhiều đứa trẻ bình thường cũng có khả năng đó. Francis Story đã nghiên cứu sâu về những trường hợp như vậy và ghi lại trong cuốn sách của ông có tựa là Rebirth as Doctrine and Experience (Tái sinh - lý thuyết và thực nghiệm).

Lấy ví dụ, vào năm 1964, cậu bé Sunil Dutt ở Bareilly, Ấn Độ, vừa được 4 tuổi đã nói với cha mẹ rằng cậu chính là Seth Krishna, là chủ nhân một ngôi trường ở Budaun. Cha mẹ cậu liền đưa cậu đến nơi đó, và ngay lập tức cậu nhận ra ngôi trường và biết tường tận về nơi đó. Cậu bước vào văn phòng hiệu trưởng và hốt hoảng khi thấy một người xa lạ ngồi ở đó. Thực tế là vị hiệu trưởng mà Seth Krishna chỉ định trước đây đã bị thay thế. Cậu bé cũng nhận ra tấm bảng mang tên cậu ở mặt trước ngôi trường đã không còn nữa và cậu chỉ rõ vị trí trước đây đã gắn tấm bảng.

Khi đến nhà ông bà Shri Krishna Oil Mill, Sunil gọi đúng tên một người giúp việc lớn tuổi và nhận ra vợ chồng người chị của Seth Krishna. Cậu cũng nhận ra được Seth Krishna trong một tấm hình chụp chung với nhiều người. Cảnh gặp gỡ giữa cậu và bà quả phụ Seth Krishna thật cảm động. Cậu hỏi bà về một vật sở hữu đặc biệt của gia đình thuộc tín ngưỡng và nhận ra tủ đựng áo quần của cậu trước đây.

Nhiều trường hợp nhớ lại tiền kiếp như vậy đã được khảo sát và các thông tin đó đều được Francis Story thẩm định. Tiến sĩ Ian Stevenson cũng làm công việc tương tự và ghi lại các trường hợp vào tập sách của ông có tên là Twenty Cases Suggestive of Reincarnation (Hai mươi trường hợp tái sinh đáng suy ngẫm).

Một ví dụ khác được ghi lại trong chương trình mang tên “Tái sinh” của đài truyền hình quốc gia Úc. Với tác dụng của sự thôi miên, cô Helen Pickering, một người chưa từng đi ra khỏi nước Úc, đã nhớ lại trước đây cô từng là Bác sĩ James Burns ở Scotland vào những năm đầu thế kỷ 19, và cô vẽ ra được hình ảnh ngôi trường đại học y khoa mà cô đã từng theo học.

Sau đó, cô cùng đi với nhóm nghiên cứu và hai nhân chứng độc lập, đến thành phố mà cô nhớ là cô đã sống trước đây. Người ta tìm thấy trong hồ sơ lưu trữ của thành phố có tên Bác sĩ James Burnes sống vào đúng thời điểm như cô nói. Helen cũng nhận ra nơi trước đây từng có một quán rượu, nhưng nói rằng nó thay đổi nhiều quá vì đã được kiến trúc lại.

Nhóm nghiên cứu đã bịt mắt cô và đưa cô đến thành phố Aberdeen, nơi trước đây có ngôi trường đại học y khoa. Khi được tháo băng bịt mắt ra, cô Helen nhận biết ngay nơi này. Không chút ngần ngại, cô dẫn mọi người đi thẳng ngay đến trường đại học. Trên đường đi, cô cũng chỉ cho họ nơi trước đây có tòa nhà của hội truyền giáo Seamen. Khi kiểm tra lại trong hồ sơ của thành phố thì quả đúng như vậy.

Khi bước vào trường đại học y khoa, cô có một cảm xúc rất kỳ lạ - một cảm xúc bộc lộ thật rõ ràng. Cô biết chính xác mọi nơi và dẫn mọi người đi viếng quanh ngôi trường. Thỉnh thoảng, cô Helen lại nhận xét rằng kiến trúc của ngôi trường đã khác đi so với thời của Bác sĩ Burns. Một sử gia địa phương khi được hỏi đã xác nhận điều này. Sử gia này cũng hỏi cô về ngôi trường và cách bố trí các phòng ốc của nó hồi cách đây gần một thế kỷ rưỡi, và những câu trả lời của cô đều phù hợp, chính xác. Các nhân chứng và người sử gia này vốn không tin vào thuyết tái sinh, nhưng bọn họ đều kinh ngạc trước sự thật và thừa nhận là chỉ có thể giải thích những hiểu biết của cô Helen bằng vào thuyết tái sinh mà thôi.

Tái sinh diễn ra như thế nào?

Tái sinh diễn ra như thế nào? Cái gì đi tái sinh? Để hiểu được điều này, trước hết ta phải hiểu được bản chất của thân và tâm ta, cũng như ý nghĩa tâm linh của “sự sống”, thay vì là ý nghĩa sinh học.

Từ ngữ “tâm thức chúng ta” chỉ đến mỗi một tâm thức cá biệt của từng người trong chúng ta. Cách viết “tâm thức chúng ta” thay vì là “những tâm thức” chỉ nhằm mục đích diễn đạt đơn giản, không có ý chỉ đến một tâm duy nhất. Đừng nhầm lẫn điều này, vì chúng ta không phải là những phần nhỏ của một tâm chung lớn hơn. Mỗi chúng ta đều có một dòng tâm thức, hay dòng tâm thức tương tục, của riêng mình. Mặc dù các thuật ngữ như “tâm thức”, “dòng tâm thức” và “dòng tâm thức tương tục” thường được sử dụng với nghĩa như nhau, nhưng hai thuật ngữ kể sau nhấn mạnh đến tính chất tương tục của tâm thức trải qua thời gian.

Mỗi chúng ta có một thân thể và một tâm thức. Khi hai yếu tố này vẫn còn kết hợp, ta nói “Tôi đang sống”. Khi chúng tách rời nhau, ta gọi là “chết”.

Thân thể và tâm thức của chúng ta là hai thực thể khác nhau, mỗi cái có dòng tương tục riêng của nó. Thân thể chúng ta là một thực thể vật chất, được tạo thành bởi các nguyên tử và phân tử. Chúng ta có thể thấy, nghe, ngửi, nếm và xúc chạm nó. Ta cũng có thể quan sát các thành phần của nó dưới kính hiển vi và phân tích các chức năng về mặt hóa học hay điện học.

Nhưng tâm thức chúng ta là hoàn toàn khác. Nó không phải là phần vật chất của não bộ, mà là thành phần có công năng trải nghiệm, tri giác, nhận biết và xúc cảm với môi trường quanh ta. Vì thế, “tâm thức” không chỉ riêng đến phần lý trí, mà là toàn bộ khía cạnh tri giác và trải nghiệm của chúng ta, sự nhận thức của ta. Vì tâm thức không do vật chất tạo thành, nên không thể đo lường được bằng các thiết bị khoa học. Ta không thể thấy, nghe, ngửi, nếm và xúc chạm vào tâm ta. Trong khi thân thể ta có bản chất vật lý và do các phân tử cấu thành, thì tâm thức ta lại là không hình thể và có năng lực nhận thức.

Trong Phật giáo, tâm thức được định nghĩa là “sự sáng suốt và tỉnh giác đơn thuần”. Tâm sáng suốt trong ý nghĩa là nó có thể phản chiếu hay soi sáng các đối tượng. Những đối tượng như hoa hồng, hương thơm ngọt ngào, âm thanh, ý tưởng, đều có thể sinh khởi trong tâm. Tâm tỉnh giác trong ý nghĩa là nó nhận biết hay có tương quan, duyên theo các đối tượng này. Tâm rõ biết hay nhận biết được toàn bộ về thế giới quanh ta và bên trong ta. Tâm thức chính là công năng thuần túy sáng suốt và tỉnh giác này. Nhờ đó mà các đối tượng có thể sinh khởi và được tâm duyên theo.

Vì cả tâm lý học cũng như khoa học đều không có một định nghĩa chính xác về tâm thức hay thức, và vì chúng ta đã quen cho rằng mọi sự vật đều cấu thành trên cơ sở phân tử, nên việc nghĩ về tâm thức ta như một thực thể vô hình thoạt tiên có vẻ như rất kỳ lạ. Nhưng nếu chúng ta ngồi tĩnh lặng để tự mình nhận ra những phẩm tính trong sáng và tỉnh giác, ta sẽ có một hiểu biết mới về tâm thức của mình.

Khi ta đang sống, thân và tâm ta kết hợp và có sự tương tác lẫn nhau. Tuy nhiên, chúng là hai thực thể khác nhau. Khi ta nhìn thấy một bông hoa cúc, các nơ-ron thuộc hệ thần kinh của ta phản ứng theo những mô thức nhất định về mặt hóa học và xung điện. Tuy nhiên, cả những phần vật thể liên quan cũng như các phản ứng hóa học và xung điện đó đều không nhận biết bông hoa. Nhãn căn, hệ thống thần kinh và não bộ là những cơ sở vật lý để tâm thức có thể nhận biết và trải nghiệm về bông hoa.

Tình thương ta dành cho một người thân yêu là một kinh nghiệm có ý thức. Mặc dù có những phản ứng hóa học và xung điện xảy ra trong hệ thần kinh vào thời điểm ta khởi lòng thương yêu, nhưng những nguyên tử [tham gia các phản ứng đó] tự chúng không trải nghiệm được cảm xúc thương yêu. Nếu thương yêu chỉ là những chức năng hóa học, thì chúng ta hẳn đã có thể tạo ra tình thương yêu từ một cái đĩa nuôi cấy [trong phòng thí nghiệm]! Vì thế, các phản ứng hóa học và xung điện không phải là tình thương yêu, cho dù chúng có thể xảy ra đồng thời khi tâm thức đang trải nghiệm cảm xúc thương yêu.

Vì thân và tâm là hai thực thể tách biệt, nên mỗi cái có dòng tiếp diễn riêng của nó. Vì thân thuộc vật chất, vật lý, nên căn nguyên tương tục của nó - những chất liệu thực sự chuyển hóa thành thân thể ta - cũng là chất liệu vật chất. Thân thể chúng ta hình thành từ sự kết hợp giữa tinh cha noãn mẹ. Cũng thế, cái còn lại sau khi thân thể hiện tại của chúng ta chết đi cũng mang tính chất vật thể: một xác chết phân hủy.

Thân thể chúng ta vận hành trong hệ thống nhân quả. Cái thân hôm nay tùy thuộc vào cái thân đã có từ hôm qua. Mặc dù không được tạo thành chính xác từ những nguyên tử giống như hôm qua - thân thể nhận thức ăn vào và bài tiết chất thải - nhưng vẫn là một sự tiếp nối của cái thân hôm qua. Chúng ta có thể truy nguyên thân thể hiện tại của mình đến giai đoạn thai bào nằm trong bụng mẹ và cuối cùng là tinh trùng và trứng của cha mẹ. Tinh trùng và trứng, mỗi cái lại có dòng tương tục của riêng nó, vì được tạo thành từ các nhân duyên. Khoa học chưa từng xác định được thời điểm khởi nguyên của vật chất, và thật ra thì một thời điểm khởi nguyên như vậy có hiện hữu hay không vẫn còn là một nghi vấn. Vật chất và năng lượng có sự chuyển đổi dạng thức qua lại, nhưng tổng thể của chúng thì không hề tăng lên hay giảm đi.

Vì tâm thức là chỉ là sự trong sáng và nhận biết đơn thuần, không tạo thành từ các nguyên tử, nên căn nguyên tương tục của nó cũng là bản chất trong sáng, nhận biết và không tạo thành từ nguyên tử. Tâm thức hiện tại của chúng ta tùy thuộc vào tâm thức từ hôm qua. Tâm thức hôm qua lại tùy thuộc vào tâm thức của ngày trước đó nữa, và cứ như vậy tiếp nối… ta có thể truy nguyên dòng tâm thức tương tục của mình. Vì tâm thức là một dòng tương tục liên tục chuyển biến, nên mỗi sát-na ta đều có thể trải nghiệm những điều mới mẻ, và ta có thể ghi nhớ những gì đã xảy ra với ta trong quá khứ.

Ta không thể nhớ về quá khứ lâu xa hơn một thời điểm nhất định nào đó. Dù vậy, ta vẫn biết rằng lúc còn bé mình có tâm thức, vì ta có thể quan sát những đứa bé hiện nay đều có tâm thức. Tâm thức ta lúc còn bé là sự tiếp nối của tâm thức khi chúng ta đang còn trong thai bào và cứ vậy đi ngược lại đến thời điểm thụ thai, mỗi sát-na tâm đều là kết quả của sát-na tâm trước đó.

Vào thời điểm thụ thai, khi tinh cha huyết mẹ hòa hợp thì tâm thức từ đâu đi vào thai bào? Như chúng ta đã thấy, mỗi sát-na tâm đều là sự tiếp nối của sát-na tâm trước đó. Theo đó, cái tâm thức đi vào trứng đã thụ tinh cũng là một sự tiếp nối của thời điểm trước đó. Tâm thức ấy không phải do tinh cha huyết mẹ tạo thành, vì tâm thức là một thực thể khác biệt với những chất liệu vật chất tạo thành thân thể.

Người Phật tử tin rằng, tâm thức chúng ta không do Thượng đế hay một ai khác tạo thành, vì nó không thể được tạo thành từ chỗ không có gì. Hơn nữa, người Phật tử còn đặt nghi vấn về lý do Thượng đế tạo ra con người chúng ta. Chắc chắn là không có lý do gì để tạo ra khổ đau hoặc thậm chí là tạo ra những sinh thể có nguy cơ suy thoái từ trạng thái hoàn hảo đọa lạc vào khổ đau. Phật tử tin rằng, nếu nhân là tốt đẹp thì quả cũng phải tốt đẹp; vì vậy, những gì được tạo ra từ Thượng đế toàn hảo cũng phải là toàn hảo. Nếu những chúng sinh được tạo ra sẵn có nguy cơ sa đọa thì đó không phải là toàn hảo.

Vì mỗi sát-na tâm là kết quả của sát-na tâm trước đó, nên nguyên nhân hợp lý duy nhất tạo thành tâm thức vào thời điểm thụ thai phải là sát-na tâm trước đó trong cùng một dòng tương tục. Như vậy, tâm thức chúng ta đã hiện hữu từ trước khi đi vào thân thể này. Chúng ta đã có các đời sống quá khứ, khi tâm thức ta kết hợp với những thân thể khác.

Sau khi chết, mặc dù thân thể vật chất bị phân hủy, nhưng tâm thức thì không. Dòng tương tục của tâm thức ta sẽ tái sinh trong một thân thể khác. Mỗi sát-na tâm đều là nguyên nhân tạo thành sát-na tâm tiếp theo sau đó. Do vậy, vì nguyên nhân (sát-na tâm vào lúc chết) hiện hữu nên kết quả (sát-na tâm tiếp theo) cũng sẽ hiện hữu. Dòng tâm thức ta vẫn tiếp diễn khi thân thể này đã ngừng mọi chức năng hoạt động.

Vào thời điểm chết, các thức giác quan thô [như nhãn thức, nhĩ thức, tị thức, thiệt thức, thân thức], vốn là nền tảng giúp ta có thể thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm, và ý thức dạng thô, vốn giữ chức năng suy nghĩ và nhận hiểu, đều sẽ tan hòa vào một dạng thức cực kỳ vi tế. Thức cực kỳ vi tế này sẽ rời bỏ thân thể hiện tại của chúng ta và đi vào một trạng thái trung gian.

Đức Phật dạy rằng, trong trạng thái trung gian này, chúng ta sẽ có một thân vi tế tương tự như thân vật chất thô nặng mà ta sẽ có trong đời sống tiếp theo. Trong khoảng thời gian 7 tuần lễ, tất cả các nhân duyên dẫn đến tái sinh sẽ hòa hợp và chúng ta tái sinh trong một thân thể khác. Trong thân thể mới này, các thức thô nặng sẽ xuất hiện trở lại để chúng ta có thể thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm và suy nghĩ, nhận biết về môi trường sống mới.

Khi tái sinh, dòng tâm thức của ta kết hợp với một thân thể mới, nghĩa là không nhập vào một sinh thể sẵn có sự sống, vì mọi sinh linh đang sống đều sẵn có một dòng tâm thức riêng. Lúc khởi đầu đời sống này, tâm thức ta đi vào một trứng đã thụ tinh trong lòng mẹ. Tâm thức ta không đi vào em bé một tháng tuổi, vì em bé đã sẵn có một dòng tâm thức.

Mỗi người đều có một dòng tâm thức riêng biệt. Chúng ta không phải là những phần nhỏ trong một “tâm thức phổ quát”, vì mỗi chúng ta đều có những trải nghiệm riêng. Nhưng điều đó không có nghĩa chúng ta hoàn toàn tách biệt và không liên hệ với nhau, vì khi đã tiến bộ trên con đường tu tập, ta sẽ nhận ra sự hợp nhất và tương thuộc giữa mọi chúng sinh. Dù vậy, mỗi chúng ta vẫn có một dòng tâm thức riêng mà ta có thể truy nguyên đến vô cùng.

Tâm thức cực kỳ vi tế đã đi từ thân này đến thân kế tiếp, từ đời sống này sang đời sống khác, không phải là một linh hồn. Vì “linh hồn” hàm nghĩa một tự thể độc lập, thực hữu và bất biến, tạo thành con người đó. Nhưng tâm thức là phụ thuộc và liên tục biến chuyển, và vì thế được nói đến như một dòng tương tục.

Một dòng sông hay dòng suối luôn biến chuyển không ngừng - có lúc hẹp lại, có lúc mở rộng ra; có lúc lững lờ trôi êm ả qua thung lũng rộng, có lúc khác lại chảy xiết, dữ dội qua bao ghềnh đá, hẽm núi. Hình thể của con sông ở hạ lưu tùy thuộc vào vùng thượng lưu nó đã chảy qua như thế nào, và vào những điều kiện vùng hạ lưu mà nó đang chảy. Nhưng cho dù đã trải qua tất cả những thay đổi, nhưng một con sông, chẳng hạn như sông Mississippi, vẫn là một dòng tương tục, mang cùng một tên gọi trong suốt chiều dài của nó.

Cũng vậy, tâm thức luôn biến đổi không ngừng. Có những lúc an tịnh, có lúc lại vọng động. Có lúc tái sinh làm người, lại có lúc mang những hình dạng khác. Những gì xảy đến với tâm thức chúng ta trong một kiếp sống cụ thể là tùy thuộc vào những hành vi mà nó đã thực hiện và động cơ thúc đẩy từ những kiếp sống quá khứ. Mặc dù tâm thức không ngừng biến chuyển, nhưng cũng như dòng sông, nó được xem như một dòng tương tục.

Tâm thức khởi đầu từ bao giờ? Theo quan điểm Phật giáo thì tâm thức không có khởi điểm. Mỗi sát-na tâm sinh khởi đều có nguyên nhân của nó là sát-na tâm trước đó. Không có sát-na tâm đầu tiên. Chưa ai nói rằng phải có một thời điểm khởi đầu, trước đó chưa hề có tâm thức. Trong thực tế, điều đó là hoàn toàn không thể, vì làm sao có thể tạo ra sát-na tâm đầu tiên nếu từ trước không tồn tại nguyên nhân của nó, một sát-na tâm trước đó?

Ý niệm lùi lại bất tận của tâm thức mới đầu có thể rất khó nắm bắt, nhưng nếu ta nhớ lại về dãy số đã học trong môn toán, điều này sẽ dễ hiểu hơn. Có con số nào là lớn nhất không? Có con số nào là tận cùng không, dù là số âm hay số dương? Với bất kỳ con số nào ta xem như là số đầu tiên hay số cuối cùng, luôn có thể thêm vào một số nữa. Không có số khởi đầu hay số kết thúc. Dòng tâm thức của chúng ta cũng tương tự như vậy.

Thật ra, đức Phật đã dạy rằng việc nỗ lực truy tìm khởi điểm của tâm thức hay nguồn gốc của vô minh là hoàn toàn vô ích. Chúng ta sẽ hoang phí đời sống quý giá của mình trong những suy diễn vô ích về điều vốn không tồn tại. Việc đối mặt giải quyết thực trạng hiện nay của ta và nỗ lực để hoàn thiện sẽ lợi ích hơn nhiều.

Tại sao hầu hết chúng ta không thể nhớ lại những kiếp trước của mình? Đó là vì tâm thức ta bị che chướng bởi vô minh và những chủng tử bất thiện mà ta đã tạo tác trong quá khứ. Nhưng cũng không đáng ngạc nhiên khi ta không thể nhớ lại kiếp trước của mình: đôi khi ta thậm chí còn không nhớ được mình đã để xâu chìa khóa ở đâu, hoặc ta đã ăn gì vào bữa tối ngày 5 tháng 2 năm 1970... Việc ta không thể nhớ lại một điều gì không có nghĩa là điều đó không tồn tại. Điều đó chỉ có nghĩa là trí nhớ của ta bị ngăn che.

Người ta thường thắc mắc khi dân số thế giới tăng lên thì những dòng “tâm thức mới” từ đâu đến? Chư Phật cũng như các bậc thiền giả đạt đến tâm thanh tịnh và an định từng nói về nhiều cảnh giới sống khác nữa trong vũ trụ.

Khi chúng sinh ở các cảnh giới khác chết đi, họ có thể tái sinh vào trái đất này. Sau khi chết, ta cũng có thể tái sinh vào những cảnh giới của họ. Tương tự, loài thú sống quanh ta cũng có thể tái sinh thành người. Và như vậy, dân số trên trái đất này có thể tăng lên.

Theo quan điểm Phật giáo, cây cỏ nói chung không có tâm thức. Mặc dù chúng có sự sống về mặt sinh học, theo đó chúng phát triển và sinh sản, nhưng nói chung chúng không có sự sống theo nghĩa là có tâm thức. Cho dù các loài thực vật có thể phản ứng với môi trường sống của chúng, nhưng điều đó không nhất thiết có nghĩa là chúng có tâm thức, vì ngay cả những mạt sắt vụn cũng có phản ứng khi ta đưa một cục nam châm đến gần chúng. Khi tâm thức ta dứt trừ được hết vô minh và phiền não che chướng, ta sẽ có khả năng phân biệt trực tiếp những hình thức sống nào là - hay không phải là - chúng sinh hữu tình.

Thử một lần xem

Mặc dù chúng ta có thể chưa tin được hoàn toàn là có những kiếp sống quá khứ và tương lai, nhưng ta có thể thử nghiệm trong ý nghĩa khảo sát xem liệu thuyết tái sinh có thể nào lý giải được những sự việc mà trước đây ta không hiểu được.

Các bậc cha mẹ thường nhận thấy con cái họ khi vừa sinh ra đã có những cá tính khác biệt nhau. Một đứa con trong gia đình có thể rất trầm tĩnh và dễ thỏa mãn, trong khi một đứa khác lại hiếu động; có đứa có thói quen rất dễ mất bình tĩnh, trong khi cùng một hoàn cảnh đó thì một đứa con khác lại không hề bực dọc.

Vì sao những nét cá tính như vậy biểu hiện ngay từ khi còn rất nhỏ? Và tại sao có một số nét cá tính của chúng ta lại rất mạnh mẽ và ăn sâu khó thay đổi. Chắc chắn là có những ảnh hưởng từ môi trường và yếu tố di truyền. Nhưng theo quan điểm Phật giáo, còn có những ảnh hưởng khác nữa, vì dường như chúng ta đã không đến với đời sống này như những tờ giấy trắng. Chúng ta đã mang theo với mình những cá tính và tập khí ứng xử từ kiếp sống trước đây.

Thuyết tái sinh cũng có thể giải thích trường hợp một đứa trẻ đặc biệt bộc lộ năng khiếu từ rất sớm, chẳng hạn như về âm nhạc hoặc toán học. Nếu chúng ta đã quen thuộc với một lãnh vực nào đó, hoặc đã phát triển tốt một tài năng đặc biệt trong tiền kiếp, thì một khuynh hướng nghiêng về lãnh vực đó có thể dễ dàng xuất hiện trong kiếp này. Có một chị nói với tôi rằng, đứa con trai chị từ khi còn rất bé đã rất thích âm nhạc và biết tên các nhà soạn nhạc đã soạn một số tác phẩm nào đó. Trong gia đình chị, không một ai khác có kiến thức hay ưa thích âm nhạc như thế, và sự đam mê âm nhạc của đứa con làm chị khó hiểu. Có lẽ cháu bé trong kiếp trước đã từng là một nhạc sĩ.

Rất nhiều người trong chúng ta đã từng trải qua sự quen thuộc không giải thích được khi lần đầu tiên đến một nơi nào đó nhưng lại có cảm giác mạnh mẽ là mình đã từng ở đó trước đây rồi. Đây có thể là một nhận biết trong tiềm thức về một nơi mà ta đã từng sống trong kiếp quá khứ.

Tương tự, ta cũng rất có thể đã từng gặp gỡ những người nào đó và lập tức cảm thấy rất thân thiết mà không có lý do gì rõ rệt. Chúng ta luôn cảm thấy thoải mái và tự nhiên trao đổi ngay những vấn đề riêng tư với họ. Điều này có thể cho thấy rằng ta và họ đã từng là bạn thân trong tiền kiếp.

Hầu hết mọi người đều cần có thời gian để suy xét kỹ về các chứng cứ đa dạng cho thấy có sự tồn tại của các đời sống quá khứ và tương lai. Chúng ta không thể ngay lập tức hiểu rõ được vấn đề này và rất có thể nảy sinh nhiều nghi vấn. Chúng ta cần học hỏi, quán chiếu và thảo luận về các chứng cứ tán thành hay bác bỏ thuyết tái sinh. Đối với một số người, điều này đòi hỏi sự dũng cảm để buông bỏ các định kiến đã có từ thuở nhỏ và để nghiên cứu về thuyết tái sinh. Nhưng đây là điều rất đáng làm: thông qua việc khảo sát các vấn đề với một tâm trí rộng mở đón nhận các lý lẽ và chứng cứ, trí thông minh và sự hiểu biết của chúng ta sẽ phát triển.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 28 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Chuyện Phật đời xưa


Cảm tạ xứ Đức


Yếu lược các giai đoạn trên đường tu giác ngộ


Chuyện Vãng Sanh - Tập 3

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.147.74.100 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (126 lượt xem) - Hoa Kỳ (4 lượt xem) - ... ...