Cỏ làm hại ruộng vườn, si làm hại người đời. Bố thí người ly si, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 358)
Kinh nghiệm quá khứ và hy vọng tương lai là những phương tiện giúp ta sống tốt hơn, nhưng bản thân cuộc sống lại chính là hiện tại.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Người thực hành ít ham muốn thì lòng được thản nhiên, không phải lo sợ chi cả, cho dù gặp việc thế nào cũng tự thấy đầy đủ.Kinh Lời dạy cuối cùng
Hãy lắng nghe trước khi nói. Hãy suy ngẫm trước khi viết. Hãy kiếm tiền trước khi tiêu pha. Hãy dành dụm trước khi nghỉ hưu. Hãy khảo sát trước khi đầu tư. Hãy chờ đợi trước khi phê phán. Hãy tha thứ trước khi cầu nguyện. Hãy cố gắng trước khi bỏ cuộc. Và hãy cho đi trước khi từ giã cuộc đời này. (Before you speak, listen. Before you write, think. Before you spend, earn. Before you retire, save. Before you invest, investigate. Before you critisize, wait. Before you pray, forgive. Before you quit, try. Before you die, give. )Sưu tầm
Mạng sống quý giá này có thể chấm dứt bất kỳ lúc nào, nhưng điều kỳ lạ là hầu hết chúng ta đều không thường xuyên nhớ đến điều đó!Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Hãy học cách vui thích với những gì bạn có trong khi theo đuổi tất cả những gì bạn muốn. (Learn how to be happy with what you have while you pursue all that you want. )Jim Rohn
Cỏ làm hại ruộng vườn, sân làm hại người đời. Bố thí người ly sân, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 357)
Những người hay khuyên dạy, ngăn người khác làm ác, được người hiền kính yêu, bị kẻ ác không thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 77)
Trực giác của tâm thức là món quà tặng thiêng liêng và bộ óc duy lý là tên đầy tớ trung thành. Chúng ta đã tạo ra một xã hội tôn vinh tên đầy tớ và quên đi món quà tặng. (The intuitive mind is a sacred gift and the rational mind is a faithful servant. We have created a society that honor the servant and has forgotten the gift.)Albert Einstein
Mỗi ngày, hãy mang đến niềm vui cho ít nhất một người. Nếu không thể làm một điều tốt đẹp, hãy nói một lời tử tế. Nếu không nói được một lời tử tế, hãy nghĩ đến một việc tốt lành. (Try to make at least one person happy every day. If you cannot do a kind deed, speak a kind word. If you cannot speak a kind word, think a kind thought.)Lawrence G. Lovasik

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Rộng mở tâm hồn và phát triển trí tuệ »» 2. Nghiệp »»

Rộng mở tâm hồn và phát triển trí tuệ
»» 2. Nghiệp

Donate

(Lượt xem: 6.600)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  English || Đối chiếu song ngữ


       


Rộng mở tâm hồn và phát triển trí tuệ - 2. Nghiệp

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc
Nhân quả

Là người nghiên cứu tôn giáo tỉ giảo, tôi cho rằng Phật giáo là tôn giáo hoàn hảo nhất mà nhân loại đã từng biết đến. Triết thuyết tái sinh và luật nhân quả nghiệp báo là vượt trội hơn bất kỳ tín ngưỡng nào khác.
Dr. C. G. Jung, Nhà tâm lý học Thụy Sĩ

Hoàn cảnh tái sinh của chúng ta sau khi rời bỏ thân xác này tùy thuộc vào những hành vi trước đây của ta. Điều này là do chức năng vận hành của nhân quả: nghiệp và kết quả của nghiệp. Nghĩa là, những gì chúng ta làm sẽ là nhân của những gì ta nhận được (quả) trong tương lai , và những gì mà ta nhận được hôm nay chính là kết quả của nhân mà ta đã tạo trước đây.

Từ “karma” trong Phạn ngữ có nghĩa là hành vi, chỉ đến những hành vi có tác ý của thân, khẩu và ý, tức là chỉ chung những gì chúng ta làm, nói ra và suy nghĩ. Những hành vi này để lại những dấu ấn (hay chủng tử) và khuynh hướng trong dòng tâm thức của ta. Khi những chủng tử và khuynh hướng này gặp các nhân duyên thích hợp, chúng sẽ tác động đến những gì ta trải nghiệm.

Lập luận về nghiệp - những hành vi và kết quả của chúng - rất phù hợp với khoa học và tâm lý học. Các nhà vật lý, hóa học và sinh vật học nghiên cứu chức năng vận hành của nhân quả trên bình diện vật lý. Họ khảo sát các nguyên nhân tạo ra một hiện tượng và những kết quả xảy ra khi những sự vật nhất định tương tác theo một cách đặc biệt nào đó. Các nhà tâm lý học tìm hiểu những nguyên nhân gây rối loạn tâm lý và những kết quả đạt được từ những phương pháp trị liệu nào đó. Phật giáo cũng khảo sát về chức năng nhân quả, nhưng theo cách tinh tế hơn. Phật giáo xem xét sự vận hành của nhân quả như thế nào trên một tâm thức vi tế, không phải trên bình diện vật lý. Hơn thế nữa, Phật giáo xem xét nhân quả trải dài qua nhiều kiếp sống.

Những gì ta trải nghiệm là kết quả từ những hành vi của chính ta; đó không phải là một quy chế trừng phạt và tưởng thưởng. Khi cây hoa mọc lên từ một hạt mầm, đó không phải là một phần thưởng, cũng không phải sự trừng phạt của hạt mầm. Đó chỉ đơn thuần là một kết quả. Tương tự, khi những hành vi của ta mang lại những trải nghiệm trong tương lai, đó là kết quả của những hành vi ấy, không phải sự tưởng thưởng hay trừng phạt.

Đức Phật không hề đặt ra những lệnh cấm để ai vi phạm sẽ bị trừng phạt. Vì ngài không muốn chúng ta khổ đau, nên ngài sẽ không bao giờ phán xét hay trừng phạt chúng ta. Những khổ đau của ta khởi sinh từ chính những hành vi của ta.

Newton không sáng tạo ra định luật hấp dẫn; ông hoàn toàn chỉ mô tả cách vận hành của nó như thế nào thôi. Cũng vậy, đức Phật không sáng tạo ra định luật nhân quả nghiệp báo. Ngài chỉ mô tả những gì ngài thấy biết sau khi đã đoạn trừ mọi sự che chướng trong tâm thức của ngài mà thôi.

Có thể chúng ta cho rằng, kiếp này phải nhận lãnh kết quả của những hành động mình đã tạo tác trong các kiếp quá khứ thì thật là bất công. Tuy nhiên, đây thực sự không phải là vấn đề bất công hay không. Chúng ta không cho rằng một vật rơi xuống mà không bay lên là bất công, vì chúng ta biết rằng không ai sáng tạo ra lực hấp dẫn cả. Lực hấp dẫn không thiên vị ai hết. Đó hoàn toàn chỉ là cách vận hành tự nhiên của vạn vật. Cũng thế, không ai đưa ra quy luật là nếu chúng ta làm khổ người khác thì sẽ phải chịu khổ đau trong tương lai. Đó hoàn toàn chỉ là kết quả tự nhiên khởi sinh từ cái nhân đã tạo.

Vì chúng ta đã tạo nhân nên phải nhận lấy quả. Đức Phật không thể đi vào trong tâm ta để khiến cho ta phải suy nghĩ hay hành động khác đi. Vì đức Phật có lòng từ bi vô lượng, nên nếu ngài có thể cứu vớt được chúng ta thì hẳn ngài đã làm điều đó rồi. Thầy giáo có thể dạy ta chữ viết, nhưng tự chúng ta phải học. Thầy giáo không thể học thay cho ta. Cũng vậy, đức Phật chỉ giảng giải những gì cần tu tập và những gì phải từ bỏ, nhưng chúng ta phải tự mình thực hành. Đức Phật không thể thực hành thay cho chúng ta.

Điều tốt đẹp trong tiềm năng con người chính là ở chỗ chính ta chịu trách nhiệm về những gì ta lãnh chịu. Sống trong hiện tại, ta tạo dựng tương lai cho chính mình. Chúng ta có khả năng quyết định mình sẽ là người như thế nào và những gì sẽ xảy đến với ta trong tương lai, cũng như khả năng bảo đảm hạnh phúc cho bản thân ta và người khác. Để làm được như vậy, ta nhất thiết phải nhận lấy trách nhiệm và vận dụng khả năng như thế.

Nhân quả vận hành như thế nào?

Luật nhân quả có bốn đặc điểm mang tính nguyên tắc: (1) nghiệp có tính xác định, nghĩa là, những hành vi hiền thiện chắc chắn mang lại kết quả an vui, hạnh phúc và những hành động xấu ác chắn chắn mang lại kết quả khổ đau, bất hạnh; (2) nghiệp có tính mở rộng, một nhân nhỏ nhặt cũng có thể tạo kết quả lớn lao; (3) nếu nguyên nhân của một sự kiện nào đó không được tạo ra thì sự kiện đó sẽ không được trải nghiệm; và (4) những chủng tử của mọi hành vi để lại trong dòng tâm thức của chúng ta sẽ không bao giờ mất đi.

Đặc điểm đầu tiên của nghiệp là mọi hành vi hiền thiện sẽ mang lại kết quả an vui, hạnh phúc và mọi hành vi xấu ác sẽ đưa đến kết quả bất hạnh, khổ đau. Tự thân mọi hành vi vốn không sẵn mang tính chất thiện hay ác, nhưng được xem là thiện hay ác tùy theo việc chúng mang lại kết quả hạnh phúc hay khổ đau. Nếu hạt táo được ươm xuống đất, cây táo sẽ mọc lên, chứ không phải cây ớt. Cũng vậy, nếu hành động hiền thiện được thực hiện, chắc chắn sẽ gặt hái hạnh phúc chứ không bao giờ là khổ đau. Khi thọ nhận khổ đau, đó là do những hành vi bất thiện đã làm, chứ không thể là do những hành vi hiền thiện. Đức Phật dạy:

Tùy theo nhân được gieo,
Mà gặt quả tương ứng.
Người gieo nhân hiền thiện,
Sẽ gặt quả hạnh phúc.
Kẻ gieo nhân xấu ác,
Sẽ chuốc lấy khổ đau.

Việc ghi nhớ lời dạy này trong đời sống hằng ngày sẽ rất hữu ích. Chẳng hạn, nếu một người có khuynh hướng nói dối để tăng lợi nhuận trong kinh doanh. Và rồi người ấy nhớ lại rằng điều này sẽ mang đến những kết quả đau khổ về sau. Khi nhận ra được rằng việc nói dối cho dù có thể đem lại nguồn lợi trước mắt, nhưng về lâu dài sẽ mang đến nhiều bất ổn hơn, người ấy sẽ quyết định không nói dối. Nhờ tránh được việc nói dối, người ấy sẽ gặt hái được lợi ích lâu dài của hành vi hiền thiện, cũng như ngay trước mắt có được niềm tin và sự kính trọng của mọi người.

Khi có điều không may xảy đến, một số người phản ứng bằng sự giận dữ, trong khi có những người khác đâm ra muộn phiền, chán nản. Tâm lý học Phật giáo chú trọng đến các phương pháp thực hành để tự mình thoát ra khỏi những khổ đau và rối rắm như thế. Vì vậy, khi gặp phải những điều không may, tốt nhất là ta nên nhớ đến tính xác định của nghiệp. Thay vì giận dữ, phiền muộn, vốn chỉ làm tăng thêm khổ đau, chúng ta có thể nhớ lại rằng tình trạng này phát sinh là do những nghiệp đã tạo của ta trong quá khứ.

Chẳng hạn như khi bị mất trộm, ta buồn khổ vì sự mất mát tài sản. Nếu thêm vào đó ta lại nổi giận lên, thì ta càng khổ sở nhiều hơn nữa. Ngược lại, nếu ta xem việc tài sản của mình bị mất trộm là kết quả của một hành vi xấu nào đó của ta trong quá khứ - có lẽ ta đã trộm cắp hay lường gạt người khác - thì chúng ta sẽ chấp nhận sự việc dễ dàng hơn mà không tức giận. Nhờ nhận biết được rằng những kết quả khổ đau là phát sinh từ những hành vi ích kỷ, chúng ta sẽ quyết tâm mạnh mẽ hơn là từ nay về sau sẽ không trộm cắp hoặc lường gạt người khác.

Một số người phản ứng với khổ đau bằng việc đắm mình trong mặc cảm: “Tôi là người không ra gì. Tôi đáng phải chịu khổ đau.” Sẽ khôn ngoan khéo léo hơn nếu ta nhận biết được rằng khổ đau này chính là kết quả của những hành vi ta đã làm trong quá khứ. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng ta là người “xấu xa, vô giá trị”, mà chỉ cho thấy rằng ta đã có những hành vi xấu ác trong quá khứ và giờ đây đang nhận lãnh kết quả của chúng. Thừa nhận mình đã có những hành vi xấu ác và biết rằng khổ đau là kết quả tất yếu phải gánh chịu, chúng ta có thể phát khởi một tâm nguyện mạnh mẽ tránh xa mọi hành vi gây ra khổ đau trong tương lai.

Việc thừa nhận rằng những bất ổn của chúng ta là do những hành vi bất thiện trước kia, không có nghĩa là chúng ta thụ động khi đối diện với những hoàn cảnh có thể gây nguy hại. Nếu có thể làm được một điều gì đó để ngăn ngừa hoặc cải thiện một tình trạng tồi tệ, chúng ta nên làm ngay. Tuy nhiên, trong khi ta nỗ lực khắc phục vấn đề thì việc ghi nhớ rằng điều không may đó là do chính những hành vi bất thiện [trước kia của mình] sẽ giúp ta không tức giận hay oán hờn người khác.

Đặc điểm thứ hai của nghiệp là một hành vi nhỏ nhặt cũng có thể mang lại một kết quả lớn lao. Cũng giống như một vụ thu hoạch rất nhiều đã có được nhờ vào một số ít hạt giống, một kết quả lớn lao cũng có thể có được nhờ vào một hành vi nhỏ nhặt. Việc giúp đỡ một ai đó bằng hành vi nhỏ nhặt thôi nhưng có thể mang lại hạnh phúc rất lớn lao, trong khi việc gây tổn thương nhẹ cho ai đó cũng có thể gây ra khổ đau kéo dài nhiều năm.

Việc cân nhắc rằng những hành vi nhỏ nhặt có thể đưa đến những kết quả lớn lao sẽ giúp chúng ta từ bỏ việc biện hộ cho những cách ứng xử không tốt của mình. Người ta có thể viện lý rằng: “Tôi chỉ thu tiền khách hàng nhiều hơn một chút thôi”, hoặc “ Tôi chỉ to tiếng trong gia đình một lát thôi”. Tất nhiên, việc gây hại cho người khác chút ít vẫn tốt hơn là làm tổn thương họ quá nhiều. Nhưng chúng ta vẫn không thể bỏ qua, vì hành vi nhỏ nhặt đó rồi cũng sẽ mang lại kết quả của nó. Chủng tử của một hành vi sẽ phát triển và gây ra một kết quả lớn lao hơn.

Tương tự, cho dù chúng ta không có khả năng làm được những việc thiện lớn lao, nhưng việc thực hiện những điều lành nhỏ nhặt là rất quan trọng, vì ngay cả một việc thiện nhỏ cũng có thể mang lại kết quả lợi lạc rất lớn. Những điều có vẻ như nhỏ nhặt trong đời sống lại là rất quan trọng. Đức Phật đã dạy trong kinh Pháp Cú:

Việc ác dù nhỏ nhoi,
Có thể gây họa lớn,
Trong kiếp sống sau này -
Như thuốc độc vào thân.

Việc lành dù nhỏ nhặt,
Mang hạnh phúc đời sau,
Giúp thành tựu việc lớn,
Như gieo hạt bội thu.

Đặc điểm thứ ba của nghiệp là nếu không tạo nhân thì sẽ không nhận quả. Điều này hoàn toàn hợp lý: nếu không gieo hạt, sẽ không có cây trái mọc. Trong một tai nạn giao thông, tại sao một người chết trong khi một người khác lại bình an? Tại sao một người chết vì ung thư khi còn rất trẻ, nhưng người khác thì không? Những điều này xảy ra là vì trong kiếp trước có một người đã tạo nhân, còn người kia thì không.

Cũng vậy, nếu chúng ta mong muốn hạnh phúc, chúng ta nhất thiết phải tạo nhân hạnh phúc. Chỉ cầu nguyện cho mình được hạnh phúc mà không tích cực tạo nhân lành thì cũng giống như cầu nguyện cho mình hiểu môn toán mà không chịu học tập. Nếu chúng ta không tạo nhân thì sẽ không có quả. Nhận thức rõ điều này sẽ giúp ta tích cực hơn trong việc tránh ác làm thiện.

Cuối cùng, những chủng tử do hành vi của ta tạo ra trong tâm thức sẽ không bao giờ tự nhiên mất đi. Nghĩa là, trừ phi một chủng tử bất thiện đã được thanh tịnh hóa, hoặc trừ phi một chủng tử hiền thiện bị hủy hoại bởi sân hận hay tà kiến, bằng không thì cuối cùng rồi mỗi chủng tử đều sẽ chín muồi khi hội đủ các nhân duyên. Đôi khi chúng ta nói dối rồi nghĩ rằng: “Chẳng có gì quan trọng. Không ai biết mình nói dối cả. Sẽ không có gì xảy ra đâu.” Thật ra, điều đó không đúng, vì những chủng tử [của việc nói dối] có thể tồn tại một thời gian dài trong dòng tâm thức trước khi hội đủ những điều kiện nhân duyên để tạo thành kết quả. Như Đức Phật dạy trong kinh Pháp Cú:

Dù hiền thiện, xấu ác,
Nghiệp của mọi hành vi,
Đều không bao giờ mất,
Sẽ có quả tương ứng.

Có một số hành vi vốn mang bản chất hủy hoại và khổ đau. Đó là các hành vi giết hại, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói lời chia rẽ, nói lời thô ác, nói lời vô nghĩa, tham muốn của người khác, ác tâm và tà kiến. Mười hành vi mang tính hủy hoại này (thập bất thiện nghiệp) sẽ được trình bày sâu rộng hơn ở chương nói về đạo đức. Việc từ bỏ mười hành vi bất thiện này tự nó đã là hiền thiện. Các việc thiện khác bao gồm sự rộng lượng bố thí, chăm sóc người bệnh, giúp đỡ người nghèo, hiếu thuận cha mẹ, giúp đỡ thầy cô, an ủi người đau khổ và sẵn lòng phụng sự người khác.

Tiêu chí chung cho những hành vi nên làm và không nên làm có thể được thiết lập dựa trên động cơ thúc đẩy của hành vi. Những hành vi nào do sự thúc đẩy của tham lam, sân hận, ích kỷ, ganh tị, kiêu mạn... đều là những hành vi xấu ác. Những hành vi nào được thúc đẩy bởi tâm ly tham, nhẫn nhục, từ bi và trí tuệ là những hành vi hiền thiện. Chúng ta phải quán chiếu động cơ thúc đẩy của một hành vi để xác định xem tự thân hành vi đó là thiện hay bất thiện, vì nếu không có một tác ý cụ thể, chúng ta sẽ không nói ra hay hành động.

Việc nhận thức rõ về vai trò của động cơ thúc đẩy trong việc quyết định kết quả lâu dài về sau của những hành vi sẽ vô cùng hữu ích để giúp ta từ bỏ những hành vi đạo đức giả và tự dối mình. Đôi khi chúng ta khéo léo dựng lên một tình huống để có vẻ như ta là người tốt, cho dù động cơ của ta là vị kỷ. Chẳng hạn, ta có thể hăng hái giúp việc này việc nọ cho một người bạn, không phải vì ta chân thành quan tâm đến hạnh phúc của người ấy, mà vì muốn người ấy phải cảm thấy mang ơn ta. Thật ra, việc tự dối mình như thế chẳng có ý nghĩa gì, vì chủng tử chủ yếu được tạo ra trong tâm thức ta là một chủng tử ích kỷ. Việc nhận thức rõ được kết quả của những hành vi dối trá như thế sẽ giúp chúng ta xem xét những động cơ thôi thúc của mình một cách trung thực và cải thiện những động cơ nào không chính đáng.

Nghiệp quả

Chúng ta không nhất thiết phải nhận lãnh kết quả của hành vi ngay lập tức. Khi Susan nổi trận lôi đình với cậu Bill đồng nghiệp, hậu quả tức thời mà cô ta đón nhận là Bill sẽ từ chối hợp tác với cô trong công việc mà hai người cùng làm trong ngày đó. Tuy nhiên, nghiệp quả hành vi của cô không dừng lại ở đó, mà còn tiếp tục ảnh hưởng đến mối quan hệ về sau của họ. Cho dù cô ta có làm hài lòng cậu trong tương lai, nhưng cậu cũng không còn tin tưởng cô như trước nữa.

Hơn nữa, chủng tử những lời lẽ thô ác của cô vẫn tồn tại trong dòng tâm thức của cô và sẽ tác động đến những kinh nghiệm của cô trong tương lai. Với thói quen nói lời thô ác, cô ta sẽ dễ dàng lặp lại hành vi tương tự khi dịp thuận tiện.

Thật sai lầm nếu cho rằng nghiệp quả hành vi của ta luôn đến nhanh và sau đó dứt mất. Cũng giống như một hạt mầm cần có thời gian để phát triển thành cây, những chủng tử của nghiệp cũng cần thời gian để tạo thành kết quả. Như đức Phật dạy trong kinh Pháp Cú:

Việc ác không nhất thiết,
Tức thời gây thương tổn,
Nhưng thường làm việc ác,
Ác báo ắt sẽ đến.

Tất nhiên, các hành vi hiền thiện cũng tương tự như vậy. Chúng ta có thể không tức thời nhận được kết quả tốt đẹp, nhưng khi những nhân duyên thích hợp được hội đủ, chắc chắn các chủng tử hiền thiện đó sẽ kết quả. Chúng ta nên hoan hỉ khi tạo được các nhân lành và biết rằng chúng sẽ kết quả trong tương lai. Sự nôn nóng mong đợi kết quả cũng không làm cho kết quả ấy đến sớm hơn.

Điều này đặc biệt quan trọng cần ghi nhớ khi ta dấn thân vào tu tập tâm linh. Việc đạt đến chứng ngộ không giống như gọi một món ăn nhanh! Chúng ta có khuynh hướng nôn nóng và muốn được chứng ngộ ngay lập tức. Nhưng nếu ta nghĩ rằng mình sẽ được chứng ngộ sau khi tu tập đôi chút trong một thời gian ngắn, ta sẽ thất vọng. Những chủng tử hiền thiện cần có thời gian để thuần thục. Sự tu tập chuyên sâu là cần thiết để chuyển hóa tâm thức của ta.

Một hành vi tạo nghiệp được hoàn tất sau khi trải qua đủ ba giai đoạn: động cơ thôi thúc hành vi (hay giai đoạn tác ý), tự thân hành vi đó (hay giai đoạn thực hiện), và sự hoàn tất hành vi (hay giai đoạn hoàn tất). Hành vi đã hoàn tất như thế sẽ tác động đến bốn phương diện trải nghiệm của chúng ta: (1) thân thể mà ta tái sinh trong những kiếp sau này; (2) những gì xảy đến với ta khi còn đang sống; (3) cá tính của chúng ta; (4) môi trường sống của ta.

Trước hết, những hành vi của ta sẽ có ảnh hưởng đến dạng thân thể nào mà ta nhận lấy khi tái sinh. Những hành vi hiền thiện sẽ đưa ta đến những hoàn cảnh tái sinh thoải mái, sung sướng, trong khi những hành vi xấu ác sẽ đưa ta đến những tái sinh đầy khổ đau. Lấy ví dụ về một tái sinh tốt đẹp, như hiện nay ta đang có được, là kết quả của những hành vi hiền thiện mà ta đã làm trong những kiếp quá khứ. Các chủng tử của hành vi hiền thiện trước đây đã đưa dòng tâm thức ta tái sinh làm người trong những hoàn cảnh may mắn [thuận lợi cho việc tu tập].

Tương tự, khi một người có hành vi bất thiện - chẳng hạn như quan hệ tình dục bừa bãi và thiếu trách nhiệm - thì một chủng tử bất thiện [tương ứng] sẽ lưu lại trong dòng tâm thức người đó. Vào lúc chết, nếu người này khởi lên nhiều tham muốn, thì điều đó sẽ là một điều kiện phối hợp để chủng tử của hành vi bất thiện kia tạo thành kết quả. Tâm thức của người đó bị cuốn hút vào một thân thể tái sinh trong hoàn cảnh sống khổ đau, bất hạnh. Vì hành vi gây nhân là bất thiện, nên kết quả sẽ là một tái sanh đau khổ.

Những hành vi trước đây của chúng ta ảnh hưởng đến những gì xảy đến với ta trong đời này. Chẳng hạn, nếu chúng ta rộng rãi bố thí trong một kiếp sống, chúng ta sẽ được giàu sang trong những kiếp sống về sau. Trái lại, nếu ta trộm cắp thì những kiếp sau ta sẽ phải chịu cảnh khó khăn túng quẫn. Việc lưu tâm đến vấn đề này sẽ rất hữu ích, vì nó giúp ta có một nhận thức mở rộng hơn trong việc lý giải vì sao mọi sự việc lại xảy ra theo cách mà ta đang nhận biết.

Những hành vi trước đây cũng ảnh hưởng đến cá tính của chúng ta hiện nay. Một người có thói quen chỉ trích và nhục mạ người khác sẽ dễ dàng lặp lại những điều đó trong những kiếp sống tương lai. Một người có tu tập lòng từ bi thì kiếp sau sẽ có khuynh hướng thiên về tính cách đó.

Có một số khuynh hướng ứng xử tự động khởi sinh trong ta. Chẳng hạn, một số người rất dễ cảm thấy bị xúc phạm. Một số người khác có khuynh hướng nhục mạ người khác. Một số người sẵn có khuynh hướng quan tâm, giúp đỡ người khác. Những cung cách ứng xử theo thói quen như vậy có được là do chúng ta đã quen thuộc với những suy nghĩ và hành vi như vậy trong quá khứ.

Mặc dù chúng ta chịu ảnh hưởng bởi những khuynh hướng của tập khí xấu ác từ quá khứ, nhưng những tập khí này có thể được chuyển hóa và những tập khí mới hiền thiện, tích cực hơn có thể được phát triển để thay thế. Thêm nữa, việc nuôi dưỡng những khuynh hướng hiền thiện để chúng phát triển là điều rất lợi lạc. Bằng cách này, chúng ta sẽ uốn nắn được những cá tính của mình và hoàn thiện nhân cách.

Cuối cùng, những hành vi của chúng ta sẽ ảnh hưởng đến môi trường sống mà chúng ta tái sinh vào. Những năm gần đây, con người bắt đầu ý thức sâu sắc hơn về tác động của những hành vi con người đối với môi trường sống. Khi chúng ta lạm dụng môi trường vì những mục đích ích kỷ, chúng ta tự làm hại chính mình. Lòng tham muốn lợi nhuận nhiều hơn đã khiến con người hành động theo cách trực tiếp hủy hoại môi trường sống. Sự quý trọng đời sống sẽ giúp ta biết kiềm chế và nhờ đó có được một môi trường sống tốt đẹp hơn.

Kinh điển Phật giáo còn nói đến tác động của những hành vi của chúng ta đối với môi trường sống theo một ý nghĩa khác nữa. Chẳng hạ, trong Kinh dạy rằng, những hành vi phá hoại sẽ dẫn đến sự tái sinh vào một môi trường sống khó khăn, không tốt đẹp; trong khi những hành vi mang tính xây dựng sẽ đưa đến sự tái sinh vào những môi trường sống tốt đẹp, khí hậu ôn hòa.

Thuyết tiền định?

Sự vận hành của nhân quả không phải là tiền định. Và cũng không phải là số mệnh. Chúng ta có quyền lựa chọn, nếu ta biết lưu tâm và tỉnh giác với mọi hành vi của mình. Nếu ta sống buông thả, hành động, nói năng và suy nghĩ chạy theo bất kỳ điều gì khởi sinh trong tâm thức, ta sẽ không sử dụng được quyền lựa chọn đó, không tận dụng được lợi thế tiềm năng sẵn có của con người.

Khi một hành vi đã được thực hiện, kết quả không phải là cố định. Nguyên lý nhân quả hàm nghĩa là mọi sự việc đều phụ thuộc lẫn nhau. Có sự linh hoạt thay đổi và trong chừng mực nhất định chúng ta có thể tác động đến việc các chủng tử hình thành kết quả như thế nào. Chẳng hạn, nếu ta thanh tịnh hóa được một nghiệp bất thiện, ta có thể làm cho nghiệp ấy không tạo thành kết quả xấu. Ngược lại, sự sân hận của ta có thể hủy hoại một nghiệp hiền thiện, khiến cho nó không mang lại kết quả tốt đẹp.

Chỉ có trí tuệ toàn giác toàn tri của một vị Phật mới có khả năng thấy biết hoàn toàn về cách thức chính xác mà một nghiệp cụ thể tạo thành kết quả, và hành vi nào của ta trong quá khứ đã mang đến một kết quả cụ thể trong đời hiện tại. Kinh điển Phật giáo chỉ đưa ra những tiêu chí chung về nghiệp quả của những hành vi nhất định. Tuy nhiên, trong những trường hợp cụ thể, nghiệp quả chính xác có thể khác biệt tùy thuộc vào các điều kiện nhân duyên khác nữa.

Một hành vi mang lại kết quả lớn hay nhỏ tùy thuộc vào chính bản chất của hành vi ấy, vào cách nó được thực hiện như thế nào, vào đối tượng nó tác động đến, vào sức mạnh của động cơ thúc đẩy, vào tính thường xuyên của hành vi, cũng như vào việc người thực hiện sau đó có ăn năn hối cải và thanh tịnh hóa hành vi ấy hay không. Tất cả những yếu tố này sẽ tác động đến nghiệp quả. Thêm vào đó, việc người tạo nghiệp chết [trong tâm trạng] như thế nào cũng tác động đến việc chủng tử nào sẽ chín muồi và tạo thành kết quả như thế nào. Do đó, nghiệp không phải là những nguyên tắc cứng nhắc, cố định.

Giả sử ông Harry đi săn và giết một con nai. Hành vi này chắc chắn sẽ mang lại khổ đau cho ông trong tương lai. Tuy nhiên, rất nhiều yếu tố khác sẽ tác động đến kết quả xảy ra. Ông ta có chủ tâm cố ý theo dõi và sát hại con thú không, hay chỉ đi săn với đôi chút hứng thú? Sau khi giết chết con nai, ông ta có vui sướng không, hay khởi tâm thương xót nó? Ông ta có thanh tịnh hóa chủng tử nghiệp bất thiện đó trong dòng tâm thức của mình không? Ông ta có thường xuyên sát hại loài thú không? Đến lúc lâm chung, ông khởi tâm sân hận hay chỉ nghĩ đến các đấng thiêng liêng với phẩm tính tốt đẹp của các ngài? Sau khi ông ta chết, bạn bè và thân quyến có tạo phước lành và cầu nguyện hồi hướng công đức cho ông không? Những yếu tố như vậy sẽ ảnh hưởng đến kết quả cụ thể được tạo thành từ hành vi [giết hại] của ông ta.

Mỗi một hành vi tạo nghiệp đều có rất nhiều khía cạnh tinh tế. Chỉ một vị Phật mới có được năng lực toàn tri để biết chính xác về một hành vi cụ thể nào hay sự kết hợp của những hành vi nào trong quá khứ đã mang lại kết quả nào đó trong đời sống hiện tại của một cá nhân.

Định luật tự nhiên về nghiệp quả không phải là sự biện minh để né tránh không giúp đỡ người khác. Khi chứng kiến người khác đang chịu khổ đau, một số người có thể tùy tiện nói rằng: “Ồ, đó là nghiệp của họ. Nếu tôi giúp đỡ tức là cản trở nghiệp quả của họ.” Đây là một nhận thức sai lầm và là một biện minh rất tồi cho sự lười nhác. Nếu ta bị tai nạn giao thông nằm chảy máu trên đường và một người đi đường trông thấy nói rằng: “Ái chà! Đó là nghiệp của ông đấy! Tôi sẽ không giúp ông đâu. Ông phải chịu đựng dần cho hết nghiệp xấu ác của ông đi.” Liệu ta sẽ cảm thấy thế nào?

Khi người khác gặp khổ đau, chúng ta nhất thiết phải giúp đỡ, vì họ cũng là con người giống như ta. Thật ra, nếu ta không giúp đỡ, đó là ta đã tạo nghiệp nhân xấu và về sau khi cần sự giúp đỡ ta sẽ không được ai giúp cả. Theo tư tưởng Phật giáo, chúng ta có trách nhiệm về mặt đạo đức và xã hội phải giúp đỡ người khác. Chúng ta không phải là những cá thể tồn tại độc lập. Trái lại, chúng ta có sự tương quan lẫn nhau, và bất chấp những khác biệt bề ngoài, tất cả chúng ta đều rất giống nhau.

Định luật nhân quả cũng không phải lý do để ta xem thường người khác. Thật sai lầm khi nghĩ rằng: “Những người đói khổ trên đời này nhất định là đã đã làm hại người khác trong quá khứ. Đó là lý do giờ đây họ phải chịu khổ đau. Họ là những người xấu và khổ sở như vậy là đáng đời.”

Một khuynh hướng phán xét như vậy cho thấy sự thiếu tự trọng và hàm ý rằng chúng ta cũng là người xấu khi ta gặp khổ đau. Điều này không đúng. Nếu chúng ta xem xét kỹ đời sống của chính mình, ta sẽ thấy có đôi khi ta hoàn toàn bị khống chế bởi những khuynh hướng xấu. Mặc dù ta không muốn quát tháo trong gia đình, nhưng cơn giận bốc lên không kiểm soát được và ta đã làm như thế. Cũng có lúc ta cố tình vu cáo người khác để rồi sau đó mới nhận ra và hối tiếc về việc đã làm. Trong cả hai trường hợp, hẳn ta cũng không muốn bị phán xét là “độc ác” hay “xấu xa”. Đúng là ta đã có sai lầm và sẽ phải nhận chịu quả báo khổ đau, nhưng điều đó không có nghĩa rằng chúng ta là những người xấu ác. Chỉ vì lúc đó những khuynh hướng xấu đã hoàn toàn khống chế ta mà thôi.

Chúng ta yêu thương chính bản thân mình và mong muốn người khác tha thứ cho ta khi lỡ làm điều sai trái, thì chúng ta cũng nên có thái độ tha thứ đối với người khác. Căm ghét và thù hận cũng không xóa được những tổn thương mà ta đã gánh chịu. Chúng chỉ gây thêm khổ đau cho chính bản thân ta và người khác. Cũng vậy, thái độ cao ngạo và xem thường những người bất hạnh là không đúng đắn. Khi gặp khó khăn, ta rất biết ơn sự giúp đỡ của người khác. Tương tự, là con người thì khi đồng loại gặp khổ đau, ta phải có trách nhiệm hết sức giúp đỡ.

Khi thấy những kẻ dối trá mà vẫn được giàu có hoặc những người hiền lương lại chết yểu, chúng ta có thể hoài nghi luật nhân quả. Tuy nhiên, nhân quả hoạt động từ đời này sang đời khác. Rất nhiều nghiệp quả nhận lãnh trong đời này là do nghiệp nhân được tạo từ những kiếp trước, và nhiều hành vi tạo tác hiện nay sẽ tạo thành nghiệp quả trong những kiếp tương lai.

Theo quan điểm Phật giáo, sự giàu có của những kẻ bất lương là kết quả sự rộng lượng bố thí của họ từ những kiếp trước. Sự dối trá hiện nay của họ tạo nghiệp nhân khiến cho họ sẽ bị gạt gẫm và cùng khổ trong tương lai. Những người hiền lương, tử tế mà chết trẻ là do nghiệp xấu từ những hành vi bất thiện từ kiếp trước, chẳng hạn như giết hại. Tuy nhiên, sự hiền lương hiện nay sẽ tạo các chủng tử tương ứng trong dòng tâm thức, giúp họ được hưởng hạnh phúc trong tương lai.

Tịnh hóa và chuyển hóa

Tất nhiên, tất cả chúng ta đều đã từng có những lỗi lầm mà giờ đây phải hối tiếc. Thế nhưng, chúng ta không hề bị kết án một cách chắc chắn là phải nhận lãnh hậu quả của những hành vi đó. Nếu một hạt giống được gieo xuống đất, cuối cùng nó sẽ mọc lên, trừ phi nó bị khô cháy hay bị nhổ lên. Trong khi nó chưa mọc, ta có thể kìm hãm sự mọc lên của nó bằng cách không tưới nước, không bón phân và không cho nó tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Tương tự, chúng ta có thể tịnh hóa những hành vi bất thiện của mình để chúng sẽ không mang lại nghiệp quả khổ đau. Nếu không thể làm được như vậy, ta cũng có thể làm trì hoãn hay suy yếu đi ảnh hưởng của chúng. Điều này được thực hiện thông qua tiến trình tịnh hóa, bao gồm bốn giai đoạn.

Việc tịnh hóa nhờ vào bốn năng lực đối trị là rất quan trọng. Nó ngăn ngừa khổ đau trong tương lai và làm giảm nhẹ mặc cảm tội lỗi hay cảm giác nặng nề của ta trong hiện tại. Nhờ làm trong sạch tâm ý, ta có khả năng nhận hiểu Giáo pháp tốt hơn, được an bình hơn và có thể tập trung tâm ý tốt hơn.

Bốn năng lực đối trị được vận dụng để thanh tịnh hóa các chủng tử nghiệp bất thiện là: (1) hối tiếc; (2) quy y Tam Bảo và phát khởi tâm nguyện vị tha, vì mọi người; (3) hành trì một phương pháp đối trị thực sự; (4) quyết tâm mạnh mẽ sẽ không tái phạm.

Trước tiên, chúng ta phải thừa nhận và khởi tâm hối tiếc về hành vi bất thiện đã làm. Việc tự trách mình và mặc cảm tội lỗi chẳng ích lợi gì, chỉ là một cách tự hành hạ mình về mặt cảm xúc mà thôi. Trái lại, với tâm hối hận chân thành, chúng ta thừa nhận mình đã có lỗi lầm và hối tiếc vì đã làm điều bất thiện.

Năng lực đối trị thứ hai là năng lực của đức tin. Những hành vi xấu ác của chúng ta, nói chung liên quan đến một trong hai đối tượng: các bậc tôn quý như Phật, Pháp, Tăng; hoặc là các chúng sinh khác. Để tái lập mối quan hệ tốt đẹp với các bậc tôn quý, ta quay về nương tựa bằng cách quy y hay nhận sự chỉ dạy từ Tam bảo. Để có quan hệ tốt đẹp với các chúng sinh khác, ta phát khởi tâm nguyện vị tha và hướng trọn lòng mình vào việc đạt đến Phật quả, để có thể làm lợi lạc tất cả chúng sinh theo cách tốt nhất.

Yếu tố thứ ba là phải thực sự bắt tay thực hiện một hành vi đối trị nào đó. Đó có thể là bất kỳ hành vi tích cực nào mang lại lợi ích cho những người khác. Kinh điển Phật giáo có chỉ ra một số việc làm cụ thể để giúp ta gột sạch các chủng tử bất thiện, như nghe thuyết pháp, đọc tụng kinh sách, lễ bái chư Phật, bố thí, cúng dường, niệm danh hiệu Phật, trì chú, tạo tác tranh tượng chư Phật, Bồ Tát, ấn tống kinh sách, thiền định v.v... Hành vi đối trị mạnh mẽ nhất là thiền quán về tánh Không. Phương thức quán tánh Không sẽ được trình bày trong chương nói về Trí tuệ.

Thứ tư, ta phải quyết tâm không tái phạm. Chúng ta thường xuyên thực hiện một số hành vi theo thói quen, chẳng hạn như chê bai người khác hay tán gẫu những chuyện vô bổ. Sẽ không thực tiễn chút nào nếu nói rằng từ nay đến cuối đời ta sẽ không bao giờ tái phạm những hành vi đó. Vì thế, phương thức khôn ngoan hơn là ta nên chọn ra một khoảng thời gian thực tiễn và quyết tâm nỗ lực không tái phạm những hành vi ấy, đồng thời cũng đặc biệt tỉnh giác và có sự nỗ lực kết hợp trong suốt thời gian đó.

Bốn năng lực đối trị này nhất thiết phải được áp dụng lặp lại nhiều lần. Chúng ta đã có hành vi bất thiện rất nhiều lần, nên lẽ đương nhiên ta không thể mong đợi việc tức thời hóa giải tất cả những hành vi đó. Bốn năng lực đối trị này càng mạnh mẽ thì năng lực tịnh hóa sẽ càng mạnh mẽ hơn. Việc thực hành pháp tịnh hóa với bốn năng lực đối trị này mỗi buổi tối trước khi đi ngủ là rất tốt. Thực hành này sẽ hóa giải bất kỳ hành vi bất thiện nào ta đã phạm vào trong ngày đó và giúp chúng ta đi vào giấc ngủ an lành.

Hiện tại, tâm thức chúng ta như một cánh đồng bỏ hoang không gieo cấy. Sự tịnh hóa cũng giống như công việc khai hoang, dọn dẹp những gai góc, sỏi đá, rác rưởi ngổn ngang trên đó. Tích lũy những tiềm năng tích cực bằng những việc làm hiền thiện cũng giống như việc bón phân, tưới nước cho cánh đồng. Sau đó, ta có thể gieo giống bằng việc lắng nghe Giáo pháp và chăm sóc cây trồng bằng sự quán chiếu và thiền định. Sau một thời gian, những chồi non của sự chứng ngộ sẽ xuất hiện.

Chúng ta nhất thiết phải hành động để hoàn thiện đời sống của mình và đạt đến sự chứng ngộ. Chúng ta có thể thuê người quét dọn nhà cửa và trưng bày đồ đạc mới, nhưng ta không thể thuê người làm sạch tâm thức ta và cài đặt vào đó những phẩm tính từ bi, trí tuệ. Tuy nhiên, nếu ta thực sự bắt tay vào tu tập thì những kết quả lợi lạc chắc chắn sẽ đến.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 28 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.135.206.166 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (251 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Nga (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...