Ngay trước khi Thái tử Siddhartha từ bỏ đời sống thế tục, vợ chàng, Yasodhara đã hạ sinh một bé trai. Theo như truyện được ghi lại, khi được hay tin vợ mình sanh, Ngài đã thốt lên rằng: “Một cái gông cùm (rahula) đã được sinh ra, một sợi dây trói buộc đã được sinh ra", và đây là lý do cậu bé có cái tên đó. Cũng có nhiều khả năng tên của cậu ấy được đặt theo hiện tượng nguyệt thực (rahu), mà có thể đã xảy ra vào khoảng thời gian chào đời của mình. Nhưng cho dù với lý do nào thì sự ra đời của đứa trẻ này, chỉ khiến cho mong muốn được thoát khỏi cái, mà với Thái tử Siddhartha là một chiếc lồng bằng vàng, trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Vào cái đêm mà chàng quyết định ra đi, Thái tử hướng mắt về chiếc giường hoàng gia, nơi vợ và con của chàng đang yên giấc để ngắm nhìn họ lần cuối, nhưng vòng tay của vợ đã che khuất gương mặt đứa bé.
Bảy năm sau, khi Đức Phật trở lại thăm Kapilavatthu, Yasodhara đã đưa cậu bé Rahula đi nghe Thế Tôn thuyết giảng. Khi đến nơi, nàng đã nói với con trai:
“Đó là cha của con, này Rahula. Hãy đi tới và hỏi người về gia tài thừa kế của con đi.”
Đứa trẻ đi qua hội chúng và đến trước Đức Phật rồi nói:
“Cái bóng của người thật là mát mẻ và êm dịu, bạch Sa Môn.”
Khi buổi thuyết Pháp kết thúc và Đức Phật rời đi, Rahula đi theo sau Ngài, và trong khi đi một bên, Rahula đã thưa:
“Hãy trao cho con gia tài mà con đáng được thừa kế, thưa Ngài Sa Môn.”
Hẳn nhiên Đức Phật không còn vàng bạc hay tài sản nhưng Ngài có một thứ quý giá hơn bội phần - Chánh Pháp, nên Ngài đã quay sang thầy Sariputta và nói:
“Này Sariputta, Thầy hãy xuống tóc cho chú bé này.”1
Sau đó, cha của Đức Phật - Vua Suddhodana và Yasodhara đã than phiền rằng, cậu bé đã bị đem đi mà không có phép của họ, vì lẽ đó đức Phật đã ra một quy định rằng, trước khi một người muốn được xuất gia thì cần phải có sự đồng ý của cha mẹ.2
Như để bù đắp cho suốt bảy năm lớn lên trong cảnh vắng cha, Đức Phật rất quan tâm đến việc giáo dục đạo đức và tinh thần của Rahula nên đã nhiều lần tự mình dạy dỗ chú ấy. Ngài còn dạy Thầy Sariputta làm Thầy truyền giới và Thầy Moggallana làm Thầy y chỉ cho chú Rahula. Rahula đã đáp lại sự dạy dỗ ưu tú này bằng cách trở thành một cậu học trò ham học và vô cùng chăm chú. Người ta kể rằng mỗi buổi sáng sau khi thức dậy, chú ấy sẽ vóc một nắm cát và tự nhủ mình rằng:
"Mong rằng hôm nay, số từ của những lời dạy dỗ mà con nhận được từ Thầy của mình sẽ nhiều như số hạt cát này vậy.”
Kết quả của sự nhiệt tình này là Đức Phật đã tuyên bố, trong số tất cả các đệ tử của Ngài, Rahula là người ham học nhất. Khi Rahula còn bé, Đức Phật đã chia sẻ với chú ấy những khía cạnh của Giáo Pháp phù hợp với lứa tuổi của chú, và theo cách mà chú có thể tiếp thu và ghi nhớ.
Một lần, Đức Phật lấy một chậu nước rồi gọi Rahula đến bên cạnh và nói rằng:
“Này Rahula, chú có thấy một ít nước còn lại này trong chậu không?”
“Con có thấy, bạch Thế Tôn”
“Cũng ít vậy, này Rahula, là Sa môn hạnh của những người không hổ thẹn với việc cố tình nói láo.”
Đức Phật sau đó đã đổ nước đi và nói: “Này Rahula, chú có thấy chút ít nước còn lại ấy mà ta đã đổ đi không?”
“Con có thấy, bạch Thế Tôn.”
“Cũng đổ đi vậy, này Rahula, là Sa môn hạnh của những người không hổ thẹn với việc cố tình nói láo.”
Rồi Thế Tôn lật úp chậu nước ấy và bảo: “Này Rahula, chú có thấy chậu nước bị lật úp ấy không?”
“Con có thấy, bạch Thế Tôn.”
“Cũng lật úp vậy, này Rahula, là Sa môn hạnh của những người không hổ thẹn với việc cố tình nói láo.”
Rồi Thế Tôn lật ngửa trở lại chậu nước ấy và bảo Tôn giả Rahula: “Này Rahula, chú có thấy chậu nước này trống không không?”
“Con có thấy, bạch Thế Tôn.”
“Cũng trống không vậy, này Rahula, là Sa môn hạnh của những người không hổ thẹn với việc cố tình nói láo.”
Đức Phật sau đó đã gây ấn tượng với con trai về tầm quan trọng của việc nói sự thật.
“Này Rahula, đối với ai mà không biết hổ thẹn với việc cố tình nói láo thì không có điều ác nào mà người đó không làm. Do vậy, chú nên tự rèn luyện rằng: “Ta quyết không nói dối cho dù là nói đùa vui.”
Sau khi giải thích những gì cần làm, Đức Phật tiếp tục hướng dẫn cho Rahula cách để có thể được thực hiện những điều ấy.
“Này Rahula, chú nghĩ thế nào? Mục đích của cái gương là gì?
“Bạch Thế Tôn, mục đích của tấm gương là để tự soi chính mình.”
“Cũng vậy, này Rahula, một người trước khi thực hiện những nghiệp về thân, khẩu hay ý cần phải tự soi xét lại chính mình. Trước khi thực hiện nghiệp thân, khẩu hay ý, người ấy nên suy nghĩ rằng: “Việc ta sắp làm có mang đến tai hại cho ta hay cho người khác không?” Nếu câu trả lời là có thì chú chớ nên thực hiện. Nhưng nếu câu trả lời là không thì chú hãy nên thực hiện. Chú nên quán xét như vậy cả trong khi đang thực hiện và sau khi chú hoàn thành việc đó. Như vậy, này Rahula, chú nên thực tập tự nhắc nhở mình rằng: “Ta chỉ thực hiện một nghiệp sau khi đã nhiều lần xem lại chính mình, soi xét lại chính mình.”3
Chú Rahula được rèn luyện trong mười giới, cùng các uy nghi của tu viện cho đến khi chú ấy mười tám tuổi, Đức Phật thấy rằng chú đã sẵn sàng cho thiền tập, nên đã hướng dẫn cho chú ấy cách để thực hành.
“Này Rahula, hãy tu tập phát triển tâm giống như bốn nguyên tố của tự nhiên (đất, nước, lửa và gió) bởi vì nếu thực tập như vậy, những xúc cảm khả ý hoặc không khả ý đã được khởi lên và chiếm giữ tâm trí sẽ không tồn tại. Giống như khi người ta quăng phân uế, nước tiểu, nhổ nước miếng, quăng mủ và quăng máu trên đất hay vào trong nước, vào lửa hay là gió, dẫu vậy, đất, nước, lửa hay gió sẽ không lo âu, khó chịu hay dao động. Cũng vậy, hãy tu tập phát triển tâm giống như bốn nguyên tố lớn. Này Rahula, hãy tu tập phát triển tâm từ, do sự tu tập đó, cái gì thuộc sân tâm sẽ được trừ diệt. Hãy tu tập phát triển tâm bi, do sự tu tập đó, cái gì thuộc hại tâm sẽ được trừ diệt. Hãy tu tập phát triển tâm hỷ, do sự tu tập đó, cái gì thuộc bất lạc sẽ được trừ diệt. Hãy tu tập phát triển tâm xả, do sự tu tập đó, cái gì thuộc hận tâm sẽ được trừ diệt. Hãy tu tập quán bất tịnh, do sự tu tập đó, cái gì thuộc tham ái được trừ diệt. Hãy tu tập quán vô thường, do sự tu tập đó, cái gì thuộc ngã mạn được trừ diệt.”4
Nương theo lời khuyên bảo và hướng dẫn của Đức Phật về thiền tập, chú Rahula cuối cùng cũng đã giác ngộ khi chú ấy vẫn đang mười tám tuổi. Kể từ đó, những người bạn thường gọi chú là Rahula may mắn (Rahulabhadda) và để giải thích nguyên do được đặt cho tên này, chú đã nói:
Họ gọi tôi là Rahula may mắn vì hai lý do:
Thứ nhất vì tôi là con trai của Đức Phật.
Và lý do còn lại là do tôi đã thấy được chân lý.5
Ngoài những điều này thì chúng ta biết rất ít về Rahula. Thầy ấy dường như không nổi bật lắm trong cả vai trò là Thầy giáo thọ và Thầy y chỉ cho những Thầy khác. Có thể là do Thầy Rahula cố tình lui mình về phía sau, để tránh bị người khác cho rằng Thầy ấy lợi dụng vị thế là con trai của Bậc Giác Ngộ.