Điều khác biệt giữa sự ngu ngốc và thiên tài là: thiên tài vẫn luôn có giới hạn còn sự ngu ngốc thì không. (The difference between stupidity and genius is that genius has its limits.)Albert Einstein
Lấy sự nghe biết nhiều, luyến mến nơi đạo, ắt khó mà hiểu đạo. Bền chí phụng sự theo đạo thì mới hiểu thấu đạo rất sâu rộng.Kinh Bốn mươi hai chương
Người thực hành ít ham muốn thì lòng được thản nhiên, không phải lo sợ chi cả, cho dù gặp việc thế nào cũng tự thấy đầy đủ.Kinh Lời dạy cuối cùng
Sống trong đời cũng giống như việc đi xe đạp. Để giữ được thăng bằng bạn phải luôn đi tới. (Life is like riding a bicycle. To keep your balance you must keep moving. )Albert Einstein
Đừng chọn sống an nhàn khi bạn vẫn còn đủ sức vượt qua khó nhọc.Sưu tầm
Hãy sống như thể bạn chỉ còn một ngày để sống và học hỏi như thể bạn sẽ không bao giờ chết. (Live as if you were to die tomorrow. Learn as if you were to live forever. )Mahatma Gandhi
Hạnh phúc không phải là điều có sẵn. Hạnh phúc đến từ chính những hành vi của bạn. (Happiness is not something ready made. It comes from your own actions.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Cỏ làm hại ruộng vườn, si làm hại người đời. Bố thí người ly si, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 358)
Chúng ta nhất thiết phải làm cho thế giới này trở nên trung thực trước khi có thể dạy dỗ con cháu ta rằng trung thực là đức tính tốt nhất. (We must make the world honest before we can honestly say to our children that honesty is the best policy. )Walter Besant
Phán đoán chính xác có được từ kinh nghiệm, nhưng kinh nghiệm thường có được từ phán đoán sai lầm. (Good judgment comes from experience, and often experience comes from bad judgment. )Rita Mae Brown

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Chánh niệm (Giảng bằng ngôn ngữ thông thường) »» Lời Bạt: "Sức Mạnh của Tâm Từ” »»

Chánh niệm (Giảng bằng ngôn ngữ thông thường)
»» Lời Bạt: "Sức Mạnh của Tâm Từ”

Donate

(Lượt xem: 7.298)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  English || Đối chiếu song ngữ


       

Chánh niệm  (Giảng bằng ngôn ngữ thông thường) - Lời Bạt: "Sức Mạnh của Tâm Từ”

Font chữ:

Những công cụ của chánh niệm được bàn luận trong quyển sách này, nếu bạn chịu ứng dụng chúng, chắc chắn sẽ chuyển hóa mọi sự trải nghiệm của bạn. Trong phần 'Lời Bat này , tôi muốn nhấn mạnh thêm về một khía cạnh quan trọng khác của đạo Phật luôn luôn đi bên cạnh chánh niệm, đó là: Tâm Từ (metta). Tâm Từ có nghĩa là tâm từ ái, lòng từ, lòng từ ái, lòng nhân từ, lòng yêu thương, tình thân mến dành cho người khác và những chúng sinh khác.
Nếu không có tâm từ, sự thực hành chánh niệm của chúng ta sẽ không bao giờ phá bỏ được dục vọng và ý tưởng cố chấp về cái 'ta'. Phần mình, chánh niệm là cơ sở cần thiết cho việc phát triển tâm từ. Cả hai luôn cùng phát triển với nhau.

Khi quyển sách này ra đời, nhiều xung đột vẫn đã và đang xảy ra trên thế giới này, làm tăng thêm những cảm giác bất an ninh và sợ hãi của nhiều người. Trong bối cảnh không yên ấm này, việc tu dưỡng tâm từ ái là thực sự quan trọng cho sự an lạc của chúng ta, và đó là niềm hy vọng tốt nhất cho tương lai của thế giới. Sự quan tâm đến người khác được thể hiện bằng tâm từ chính là tâm điểm của sự kỳ vọng của Phật - bạn có thể thấy điều đó ở khắp nơi trong giáo lý và trong cách sống của Đức Phật lịch sử.

Mỗi chúng ta đều được sinh ra với tâm từ tiềm tàng bên trong. Chỉ khi nào tâm được tĩnh lặng, không còn sân, tham, và ganh ghét thì hạt giống tâm từ mới phát triển; chỉ khi nào có mảnh đất phì nhiêu của một cái tâm an bình thì tâm từ mới khai hoa tươi tốt. Chúng ta phải nuôi dưỡng hạt giống tâm từ trong mỗi chúng ta và trong những người khác, giúp họ gieo trồng hạt giống đó trưởng thành.

Tôi có nhiều dịp đi khắp thế giới để giảng dạy Giáo Pháp, và vì vậy tôi trải qua rất nhiều thời gian ở các phi trường. Một lần nọ tôi ở trong phi trường Gatwich gần London để chờ chuyến bay. Tôi còn dư nhiều thời gian, nhưng đối với tôi thời gian dư không là vấn đề. Tôi lại có thêm thời gian để thiền. Tôi ngồi tréo chân trên ghế đợi, nhắm mắt lại và bắt đầu thiền, trong khi xung quanh rất nhiều người qua lại, hay đang hối hả đi ra máy bay của họ. Khi thiền trong những hoàn cảnh này, tâm tôi đầy ắp những ý nghĩ về lòng từ tâm và bi mẫn dành cho mọi người ở bất cứ nơi đâu. Cùng với mỗi hơi thở, mỗi xung động, mỗi nhịp tim, tôi cố gắng giúp mình thấm nhuần ánh sáng tâm từ.

Lần đó, khi tôi đang ngồi thiền và chìm trong những cảm nhận về tâm từ, tôi không còn để ý gì với những bận rộn xung quanh tôi. Nhưng bỗng nhiên tôi cảm giác được có ai đó đến ngồi sát bên tôi. Đó là một cháu bé gái khoảng hai tuổi. Tôi vẫn nhắm mắt và khi đó cháu bé choàng hai tay ôm lấy cổ của tôi. Rõ ràng là cháu bé đã rời khỏi mẹ và đến bên tôi.

Người mẹ vội vã đến nói với tôi: "Xin thầy chúc phúc cho cháu và để cháu đi” Tôi liền nói với cháu bé: "Này con, hãy đi theo mẹ, mẹ cháu sẽ hôn con nhiều, ôm con nhiều, có nhiều đồ chơi, và nhiều bánh kẹo cho con. Ta không có gì cho con cả". Đứa bé vẫn không chịu buông tay khỏi cổ để theo mẹ. Mọi người ở phi trường bắt đầu chú ý, họ dường thấy như cháu bé có mối liên hệ gần gũi nào đó với tôi.

Tôi tiếp tục khuyên cháu bé, y như lúc nãy, hãy đi theo mẹ để kịp chuyến bay. Nhưng cháu bé khóc lên và không chịu đi. Đến khi mẹ cháu khéo léo gỡ tay ra khỏi cổ tôi và bồng cháu đi. Cháu vẫn khóc và muốn chạy lại tôi. Đó là hình ảnh cuối cùng tôi thấy cháu khuất xa.

Có thể vì y phục của tôi, cháu bé tưởng tôi là ông già Noel. Nhưng cũng có thể cháu bé cảm nhận được sự lan tỏa của tâm từ. Trẻ con thì cực kỳ nhạy cảm với những cảm nhận như vậy. Tâm lý trẻ con hấp thu rất nhanh những cảm nhận xung quanh. Khi chúng giận lên, chúng cảm thấy sự rung động; khi chúng đầy lòng từ bi, chúng cũng cảm giác những rung động. Cháu bé có thể muốn ở gần tôi vì cảm giác tâm từ. Có một mối liên hệ thực sự giữa chúng tôi - đó là sợi dây tâm từ.

Bốn Trạng Thái Siêu Phàm

Trạng thái siêu phàm của tâm là trạng thái vượt trên những trạng thái tâm của người phàm tục. (Siêu phàm là vượt trên phàm trần). Tâm từ tạo ra nhiều điều kỳ diệu.
Chúng ta thậm chí không biết được mình có phẩm chất này, nhưng sức mạnh của tâm từ là có sẵn bên trong mỗi chúng ta. Tâm từ là một trong bốn phẩm chất siêu phàm được chính Đức Phật định nghĩa. Bốn đó là Từ, Bi, Hỷ, Xả. Bốn tâm này tương quan mật thiết với nhau; ta không thể tu dưỡng một loại tâm mà không tu dưỡng ba loại kia.

Bốn trạng thái tâm này còn được gọi là “Tứ Vô Lượng Tâm” (HV) mà chúng ta hay nghe đến. Để dễ hiểu bốn trạng thái tâm này, chúng ta lấy ví dụ về bốn giai đoạn chăm lo cho con của những bậc cha mẹ. Khi một phụ nữ mang bầu, chị ấy liền cảm thấy mình đang mang một cái gì vô cùng đáng yêu và thiêng liêng. Chị dồn hết tình cảm và tâm trí để lo bảo vệ đứa bé trong bụng, ước ao cho bé khỏe mạnh và có tương lai tốt đẹp sau khi ra đời. Đầy những ý nghĩ và tình thương dành cho đứa bé. Giống như lỏng từ, tình thương đó là vô cùng, là bao trùm, không cần phải được ai truyền cho cái tâm từ yêu thương đó. Đó là tâm từ.

Khi đứa trẻ ra đời, khám phá thế giới, bắt đầu chạy nhảy, vấp té, trầy chân, sưng đầu, gảy tay..., hay bệnh tật, ốm yếu..., thì lúc đó cha mẹ luôn cảm thấy lo lắng và cảm nhận từng cái đau hay bệnh của trẻ còn hơn chính mình bị đau, bị bệnh. Họ luôn thấy lo lắng, thương xót cho đứa bé. Đó là tâm bi mẫn. Lòng bi mẫn giúp ta có những hành động đúng đắn để giúp cho người mà mình lo lắng, thương xót; và đồng cảm với nỗi khổ của họ. Chúng ta cũng có thể có tâm bi mẫn và thương xót dành cho những đồng loại và chúng sinh gặp hoạn nạn, tai ương hay đang sống một đời vất vả và khổ sở.

Thời gian trôi qua, con lớn lên, bắt đầu đi học. Cha mẹ quan sát con mình lớn lên, chơi thể thao, có bạn bè, học hành, làm được nhiều điều tốt. Cha mẹ luôn vui mừng cho con, từ kết quả bài kiểm tra đánh vần, đến trận chơi bóng trong trường học..., ngay cả khi con được chọn ra ứng cử tổng thống. Đây là tâm hoan hỷ, lòng vui mừng cho con cái. Chúng ta cũng có thể có tâm hoan hỷ này dành cho mọi người xung quanh, mừng vui, tùy hỷ với những may mắn, hạnh phúc và thành công của họ.

Rồi khi con trưởng thành hoàn toàn, ra trường, đi làm, có vợ chồng, con cái. Chúng hầu như không dành thời gian nhiều để sống gần, hay chăm sóc, hay báo đáp công ơn cha mẹ. Nghe thật buồn. Tuy nhiên, cha mẹ vẫn yêu thương con, thông cảm cho con, buông bỏ tất cả, chỉ mong sao con hạnh phúc. Đó là tâm buông xả. Chúng ta cũng có thể phát huy tâm này cho mọi người xung quanh. Hãy buông xả những lỗi lầm, những khuyết điểm của họ. Buông xả những gì họ nói hay làm xấu đối với mình.

Chữ metta xuất phát từ chữ mittra, có nghĩa là "bạn" trong tiếng Pali. Vì vậy, tôi (tác giả) luôn muốn dịch chữ này đầy đủ nghĩa là "lòng ái hữu" (tình yêu thương bạn hữu, ai cũng là bạn hữu), hơn là cái nghĩa "lòng tử tế, yêu thương". (Tiếng Việt đã có sẵn các từ là tâm từ, lòng từ, lòng nhân ái, lòng nhân từ). Trong tiếng Phạn, chữ mittra cũng mang nghĩa là mặt trời, trung tâm hệ nhật quang cung cấp nguồn ánh sáng cho mọi sự sống trên thế gian. Cũng giống như những tia sáng mặt trời cung cấp nguồn năng lượng cho sự sống, thì sự ấm áp và lan tỏa của tâm từ cũng thấm vào trái tim của tất cả chúng sinh.

Hạt Giống Trong Tất Cả Chúng Ta

Những vật thể khác nhau phản xạ lại tia sáng mặt trời một cách khác nhau. Cũng như vậy, những người khác nhau có những khả năng thể hiện tâm từ một cách khác nhau. Có người dường như luôn luôn từ ái và tốt bụng, trong khi những người khác thì luôn phòng thủ và do dự, không muốn thể hiện. Một số người phải cố lắm mới tỏ ra từ ái hay tốt bụng được, trong khi người khác luôn thể hiện lòng tốt một cách dễ dàng. Nhưng không có ai hoàn toàn không có chút tâm từ. Chúng ta sinh ra đều có bản năng này. Chúng ta có thể thấy trong những đứa bé, chúng luôn tươi cười ngay cả với những người lạ mặt. Điều đáng buồn là nhiều người không hề biết mình có bao nhiêu tâm từ. Cái bản năng thiên phú của tâm từ có thể đã bị chôn vùi bên dưới cái đống tâm sân, giận và hận thù vốn được tạo ra bởi những hành động và suy nghĩ [nghiệp] bất thiện đã được tích lũy cả đời, hay thậm chí trong nhiều kiếp trước. Nhưng, tất cả chúng ta đều có thể tu dưỡng trái tim mình, cho dù bất cứ điều gì. Chúng ta có thể nuôi dưỡng hạt giống tâm từ cho đến khi sức mạnh của tâm từ được nở hoa, lan tỏa hương sắc.

Vào thời Phật còn tại thế, có một người tên là Angulimala; người này có thể gọi theo danh từ ngày nay là một “kẻ giết người hàng loạt”. ‘Hắn’ đeo trên cổ một vòng bao gồm 999 ngón tay, mỗi ngón tay là của một nạn nhân đã bị hắn giết; và hắn đang gặp Phật để giết và lấy thêm một ngón nữa cho đủ bộ sưu tập 1.000 ngón tay. Mặc dù đã biết hung danh và sự dã man của tay sát nhân, Phật vẫn nhìn thấy được năng lực từ bi bên trong ‘hắn’. Vì lòng từ bi, Phật đã giảng dạy Giáo Pháp cho tên cướp. Sau khi nghe Phật khuyên dạy, tên cướp đã quăng bỏ đao kiếm và quy phục dưới chân Đức Phật. Tên cướp quy y theo Phật và được thọ giới vào Tăng đoàn thành một Tỳ kheo xuất gia.

Thật ra Angulimala bắt đầu nghiệp giết người nhiều năm là do sự chỉ dạy và xúi giục của một người là thầy của ông trước đây. Bản chất bẩm sinh của ông không phải tàn ác, ông từng là một đứa trẻ tốt bụng. Trong tim ông đầy tâm từ, rộng lượng và bi mẫn. Khi ông trở thành tu sĩ, những phẩm chất tốt đẹp này đã được bộc lộ; và với những phẩm chất đó được tu dưỡng và phát huy, ông đã vượt qua mọi trở ngại và chứng đắc thành bậc thánh A-la-hán.
(Bạn có thể tìm đọc thêm về quãng đời tu hành đầy cảm động của ngài. Ngày ấy, sau khi ngài Niết-bàn, người ta đã đắp lên một bảo tháp cao bằng núi để tưởng nhớ đến ngài. Thánh tích đó vẫn còn đến ngày nay và là một trong những bảo tháp Phật giáo lớn nhất ở Ân Độ).

Câu chuyện về Angulimala cho chúng ta thấy: đôi khi người ta bề ngoài rất hung dữ và tàn bạo, nhưng chúng ta cần nhận ra rằng đó không phải là bản chất của họ. Những hoàn cảnh của cuộc sống đưa đẩy họ làm những việc bất thiện. Chúng ta cũng vậy, không phải chỉ riêng những tội phạm dã man, cũng bị nhiều nguyên nhân và điều kiện tác động - có cả thiện và bất thiện - đưa đẩy chúng ta hành động.

Ngoài những kỹ thuật thiền đã được giảng giải trong các chương trước của quyển sách, tôi muốn đưa ra thêm một cách khác để thực hành tâm từ. Xin nhắc lại, bạn sẽ bắt đầu thiền bằng cách dẹp bỏ hết các ý nghĩ tự ghét mình hay tự ti với mình. Trước khi ngồi vào thiền, niệm những câu sau đây với chính mình. Và nên nhớ là phải hết sức thành tâm khi niệm:

Nguyện cho tâm mình đầy những ý nghĩ từ, bi, hỷ, xả. Nguyện cho mình rộng lượng. Nguyện cho mình tốt bụng. Nguyện cho mình hạnh phúc và an lạc. Nguyện cho mình được khỏe mạnh. Nguyện cho trái tim mình được mềm mại. Nguyện cho lời nói của mình làm vui lòng người khác. Nguyện cho hành động của mình được tử tế.

Nguyện cho tất cả những gì mình thấy, nghĩ, ngửi, và nếm sẽ giúp tu dưỡng tâm từ, bi, hỷ, xả. Nguyện cho tất cả trải nghiệm của mình giúp tu dưỡng lòng rộng lượng và tốt bụng. Nguyện tất cả trải nghiệm giúp mình buông xả. Nguyện tất cả trải nghiệm tạo hành vi thân thiện. Nguyện tất cả trải nghiệm là nguồn an lạc và hạnh phúc. Nguyện cho tất cả giúp mình không còn sợ hãi, căng thẳng, lo lắng và bất an.

Dù bất cứ nơi nào hay phương nào mình đến, nguyện xin chào mọi người một cách hạnh phúc, an lạc, và thân thiện. Nguyện cho mình được phòng hộ khắp nơi khỏi tham, sân, ác cảm, hận thù, ganh tỵ, và sợ hãi.

Khi bạn tu dưỡng tâm từ trong chúng ta, chúng ta cũng học và thấy được rằng những người khác cũng có cùng bản chất tốt đẹp này - tuy nhiên, nó bị chôn kín. Đôi khi, chúng ta phải đào sâu để tìm thấy nó, nhưng có lúc nó nằm ngay gần trên bề mặt.

Nhìn Xuyên Qua Lớp Bụi Mờ

Đức Phật có lần kể về câu chuyện một Tỳ kheo tìm thấy một mảnh vải dơ dáy bên đường. Miếng vải rất dơ đến nỗi vị Tỳ kheo không muốn đụng vào. Ông lấy chân đạp đạp để cho bụi đất bay ra bớt. Ông dùng hai ngón tay cầm nó lên, để xa người. Ngay cả khi Tỳ kheo ấy làm vậy, ông cũng thấy được giá trị tiềm ẩn của một miếng vải; nếu mang về giặt - nhiều lần - cho đến khi nó sạch, và nó trở thành một miếng vải hữu dụng. Nhiều miếng như vậy có thể may kết lại thành một áo cà-sa.

Cũng như vậy, bởi vì những lời nói thô thiển và bất nhã, nên một người dường như trở thành kẻ không đáng; có khi ta không thể nào nhìn thấy được tiềm năng về tâm từ của kẻ đó. Nhưng, chính lúc này là lúc cần thực tập nỗ lực khéo léo. Bên dưới vẻ bề ngoài thô thiển của một người, ta có thể tìm thấy viên ngọc sáng ấm áp, đó chính là một phẩm chất đích thực của người đó.

Một người hay dùng lời lẽ gắt gao với người khác, nhưng nhiều khi người đó cũng hành động một cách đầy bi mẫn và tử tế. Mặc dù nói năng rổn rảng, chửi bới, nhưng hành động của cô ta có thể tốt lành. Đức Phật đã ví dụ loại người này như một “ao nước phủ đầy bèo rong”. Khi bạn muốn dùng nước này, bạn phải giạt bèo rong qua một bên. Cũng vậy, đôi khi chúng ta cần bỏ qua vẻ bề ngoài của một người mới thấy được tấm lòng tốt đẹp bên trong của người ấy.

Nhưng nếu lời lẽ của một người là quá tàn nhẫn và hành động của cô ta là quá xấu xa, thì ta phải làm gì?. Cô ta đã là dạng 'hết thuốc chữa'?. Ngay cả một người như vậy cũng có một trái tim trong sạch. Hãy tưởng tượng bạn đang băng qua một sa mạc. Không có nước uống và không nhìn thấy ở đâu có nước. Bạn nóng bức và mệt lã. Mỗi bước đi càng thêm khát. Bạn tuyệt vọng vì không có nước. Rồi bạn thấy một lỗ chân bò có nước, chỉ có một tí nước cạn. Nếu bạn dùng hai tay múc lên, thì nước và bùn sẽ lẫn lộn đục ngầu. Bạn chỉ còn cách là quỳ xuống, từ từ dùng miệng xuống mặt nước và hút nhè nhẹ từng chút, để cho bùn khỏi bị quậy lên. Cho dù trong một chút nước đục đầy bụi đất, ta vẫn có thể tìm thấy một chút nước trong nếu biết khéo léo và kiên nhẫn. Và bạn có thể giải cơn khát chết người đó. Tương tự vậy, nếu bạn kiên nhẫn và cố gắng từng chút, bạn có thể tìm thấy lòng tốt bên trong một người cho dù hành động và thái độ bên ngoài người ấy không còn một chút lương tri.

Trung Tâm Thiền tôi thường đến dạy nằm trên những ngọn đồi cao ở vùng quê thuộc West Virginia nước Mỹ. Khi chúng tôi mới mở trung tâm, có một người sống bên dưới chân đồi, ông ta rất là không thân thiện. Lúc mới lập thiền viện, tôi thường đi bách bộ rất lâu mỗi ngày. Mỗi khi tôi gặp người đàn ông đó, tôi vẫy tay chào, nhưng ông ấy chỉ nhăn mặt nhìn tôi và chẳng hề chào lại. Dù vậy, tôi vẫn luôn luôn đưa tay chào và nghĩ tốt về ông ta, và mong gửi tâm từ đến ông. Tôi không bỏ cuộc. Một năm sau ông ta thay đổi, ông ta hết nhăn mặt nhìn tôi. Tôi cảm thấy tuyệt vời. Việc thực hành tâm từ luôn mang lại kết quả.

Một năm nữa sau đó, điều kỳ diệu lại xảy ra. Khi tôi đi bộ và chào ông ta lái xe qua, tôi thấy ông ta đưa một ngón tay từ trên vô-lăng lái xe để chào lại tôi. Tôi lại thấy thực tập tâm từ lại có kết quả. Một năm nữa sau đó, tôi thấy ông ta đưa cả hai ngón tay từ vô-lăng để chào tôi. Một năm sau nữa, tôi lại thấy ông ta đưa cả bốn ngón tay khỏi vô-lăng để chào tôi cùng lúc tôi chào ông. Thời gian sau, mỗi khi gặp tôi, ông ta đưa cả bàn tay ra khỏi vô-lăng và vẫy chào tôi.

Các bạn biết không, một ngày nọ, tôi thấy người đàn ông đó đang đậu xe bên con đường rừng. Tôi đến gần chào và hỏi thăm về chuyện thời tiết. Cuộc nói chuyện qua lại, tôi mới biết rằng nhiều năm trước ông ta bị một tai nạn khủng khiếp, một cây to ngã đè xuống xe của ông. Hầu hết xương của ông đều bị gãy và ông bị hôn mê bất tỉnh một thời gian. Lần đầu tiên tôi gặp ông lái xe qua, lúc đó ông mới vừa hồi phục chút ít. Ông ta không đưa tay chào lại tôi không phải vì ông xấu xa hẹp hòi, mà vì ông ta không thể cử động ngón tay của mình được!. Nếu tôi bỏ cuộc, thì có lẽ cả đời tôi chẳng biết được ông là một người tốt bụng. Một ngày nọ khi tôi đang đi giảng đạo ở xứ khác, ông ta đã đích thân đến thiền viện để hỏi thăm tôi. Ông ta đã lo lắng cho tôi vì lâu ông không gặp tôi. Bây giờ, chúng tôi trở thành những người bạn.

Thực Tập Tâm Từ

Phật đã nói rằng: "Sau khi dùng tâm quan sát toàn bộ thế gian, ta không thấy có ai thương yêu người khác hơn chính mình. Vì vậy, những người yêu thương bản thân mình thì có thể tu tập tâm từ nàyHãy tu tập tâm từ với chính bản thân mình trước, với tâm nguyện sau này chia sẻ tâm từ đó với người khác. Hãy yêu quý bản thân mình. Phát triển cảm giác này. Hết mực tử tế tốt và tốt bụng với chính mình. Hãy tự hài lòng với bản thân mình. Hãy an lạc với những thiếu sót của mình. Nâng niu cả những khuyết điểm yếu kém của mình. Hãy nhẹ nhàng và bỏ qua mọi thứ, chấp nhận mình như mình đang là. Nếu có ý nghĩ nào như kiểu 'tại sao mình như vậy', thì hãy buông bỏ và để nó tự biến đi. Luôn tạo cảm giác tốt bụng và tử tế một cách sâu sắc. Hãy yêu thương bản thân mình. Hãy để sức mạnh của tâm từ thấm vào thân-tâm của bạn. Hãy thả mình vào sự ấm áp và lan tỏa của nó. Mở rộng tâm từ này đến những người thân yêu của mình, đến mọi người bạn chưa quen hay không yêu không ghét - thậm chí đối với những người thù ghét bạn!

Hãy nguyện cho tất cả mỗi người chúng ta sẽ thấy được tâm mình không còn bị tham, sân, ác cảm, ganh ghét và sợ hãi. Nguyện cho ý nghĩ từ ái bao trùm hết chúng ta. Nguyện cho mỗi tế bào, mỗi giọt máu, mỗi phân tử, mỗi nguyên tử trong thân tâm chúng ta được tràn đầy ý nghĩ từ ái. Nguyện thân chúng ta thư thái. Nguyện tâm chúng ta được thư thái. Nguyện cho thân và tâm chúng ta tràn đầy ý nghĩ từ tâm. Nguyện cho sự bình an và tĩnh lặng của tâm từ thấm nhuần toàn thể con người chúng ta.

Nguyện cho tất cả chúng sinh thập phương trên thế gian sẽ có được lòng tốt. Nguyện cho họ sẽ được hạnh phúc, may mắn, tử tế và có được bạn bè tốt biết chăm sóc lẫn nhau. Nguyện cho tất cả chúng sinh khắp nơi được tràn đầy cảm giác từ tâm — nhiều, cao quý và vô lượng. Cầu mong họ sẽ hết thù hận, hết đau đớn và không còn sợ hãi. Cầu mong cho tất cả sống hạnh phúc.

Cũng như khi chúng ta tập đi bộ, chạy bộ hay bơi lội để làm săn chắc cơ thể, việc thực tập tâm từ giúp trái tim ta khỏe mạnh. Ngay lúc đầu, nó có thể như là cái máy. Nhưng nếu bạn kết hợp với những ý nghĩ tâm từ nhiều lần, nó sẽ trở thành thói quen, thói quen tốt. Đến một lúc, trái tim bạn sẽ mạnh mẽ hơn và sự đáp ứng bằng tâm từ sẽ trở nên tự động. Khi trái tim ta càng mạnh mẽ, chúng ta càng có thể nghĩ tốt và nhân ái đối với những người khó chịu nhất.

Cầu mong cho những người thù ghét mình được khỏe mạnh, hạnh phúc, và an lạc. Cầu mong cho hiểm nguy, khó khăn hay đau khổ đừng đến với họ. Cầu mong cho họ sẽ luôn thành công.

“Thành công ư?”, một số người hỏi rằng làm sao chúng ta có thể cầu mong điều lành cho kẻ thù của mình; nếu họ vẫn đang rắp tâm hãm hại mình?. Khi chúng ta nguyện cho kẻ thù thành công, không có nghĩa là mong họ có những thành công phàm tục hay thành công trong những việc làm trái đạo đức và luân lý; chúng ta chỉ có nghĩa là họ thành công về mặt tâm linh. Vì kẻ thù của ta chưa hề có gì về mặt tâm linh. Nếu họ thành công về mặt tâm linh đạo đức, họ đã không tiếp tục hãm hại chúng ta.

Khi chúng ta nguyện như vậy, có nghĩa chúng ta "Cầu mong cho kẻ thù không còn sân hận, tham lam và ganh ghét. Cầu mong cho họ bình tâm, sung sướng và hạnh phúc". Tại sao người ta phải tàn bạo hay xấu bụng?. Chắc có lẽ họ đã bị lớn lên trong những hoàn cảnh thiếu may phúc. Có khi hoàn cảnh sống của họ đưa đẩy họ đến những việc ác đó. Phật dạy chúng ta nghĩ đến những kẻ thù hung ác như cách chúng ta nghĩ về những người đang bệnh nặng. Họ rất đáng thương. Chẳng ai đi ghét giận hay bực tức với những người đang bệnh nặng. Hay chúng ta nên thông cảm và xót thương họ. Có lẽ thậm chí còn hơn những người mình yêu quý, những kẻ thù đáng để cho ta đối xử tử tế, bởi vì sự đau khổ của họ thậm chí lớn nặng hơn nhiều so với đau khổ của người khác. Vì vậy, chúng ta hãy tập tu dưỡng những ý nghĩ tốt về kẻ thù. Cho họ một chỗ trong trái tim mình, như những người thân yêu nhất.

Cầu mong cho những người đã hãm hại mình sẽ không cỏn tham lam, sân hận, ác cảm, hận thù, ghen tỵ và sợ hãi. Mong cho những ý nghĩ từ ái sẽ bao trùm lấy họ. Nguyện cho ý nghĩ từ ái bao trùm hết chúng ta. Nguyện cho mỗi tế bào, mỗi giọt máu, mỗi phân tử, mỗi nguyên tử trong thân tâm của họ được tràn đầy ý nghĩ từ tâm. Nguyện cho thân họ thư thái. Nguyện cho tâm họ thư thái. Nguyện cho sự bình an và tĩnh lặng của tâm từ thấm nhuần toàn thể con người của họ.

Thực tập tâm từ có thể thay đổi những thói quen nghĩ tiêu cực của chúng ta trở thành những thói quen nghĩ tích cực. (Chúng ta không còn thói quen nghĩ xấu người khác, mà luôn có thói quen nghĩ tốt về mọi người). Khi thực tập tâm từ, tâm chúng ta cũng tràn đầy niệm an lạc và hạnh phúc. Chúng ta được thư thái. Chúng ta trở nên nhẹ nhàng và dễ tập trung tâm [dễ đạt định]. Khi tâm chúng ta trở nên tĩnh lặng và an lạc, thì sự thù ghét, sân hận, tức giận cũng phai biến mất. Nhưng tâm từ không phải chỉ giới hạn trong những ý nghĩ. Chúng ta phải thể hiện ra lời nói và hành động. Chúng ta không thể nào tu dưỡng tâm từ khi sống một mình, tách khỏi xã hội và thế giới.

Bạn có thể bắt đầu nghĩ những ý nghĩ tử tế về mọi người bạn tiếp xúc hàng ngày. Nếu bạn có chánh niệm, bạn có thể tỉnh giác làm việc này trong từng giây phút khi tiếp xúc. Mỗi khi bạn gặp một người nào, hãy nghĩ rằng, cũng giống như bạn, người đó cũng muốn có hạnh phúc và muốn tránh khỏi khổ đau. Tất cả chúng ta đều giống nhau như vậy. Tất cả mọi chúng sinh đều như vậy. Ngay cả một con côn trùng nhỏ bé nhất cũng biết co mình lại để né tránh nguy hiểm.

Chúng ta ai cũng biết được điều đó, và khi chúng ta nhân ra cái "điểm chung”, chúng ta mới hiểu mình được nối kết một cách gần gũi với mọi người và mọi loài chúng sinh như thế nào!. Người phụ nữ đứng sau quầy tính tiền, người đàn ông lái xe qua mặt trên xa lộ, đôi bạn trẻ đang dắt nhau qua đường, người đàn ông già đang rải thức ăn những con chim. Mỗi khi bạn gặp hay thấy bất cứ ai, hay chúng sinh nào, hãy tâm niệm "điểm chung" đó trong tâm mình. Hãy cầu chúc cho họ được hạnh phúc, bình an và khỏe mạnh. Đây là việc thực hành giúp thay đổi cuộc sống của bạn và cuộc sống của những người xung quanh bạn.
(Nghe như chuyện đâu đâu dành cho những người đa cảm hay quá rảnh rang. Nhưng không phải vậy: (i) bạn đang tập luyện tâm từ. (ii) Tâm từ mang lại nhiều lợi lạc cho đời sống thân tâm của bạn, như đã nói trên. (iii) Và quan trọng, tâm từ giúp cho việc tu thiền của bạn được thành công. Nó cũng là những viên đá lót trên con đường hàng ngày để đi đến mục tiêu của việc tu hành. (iv) Nó là một trong bốn tâm cao quý vô lượng mà Đức Phật đã định nghĩa và khuyên dạy).

Đầu tiên, bạn có thể sẽ gặp nhiều sự ngượng ngùng hay kháng cự đối với việc thực tập này. Cứ như là việc làm bị ép buộc, miễn cưỡng. Dường như ta cảm thấy mình không thể làm cho mình nghĩ theo những cách nghĩ như vậy. Điều đó chỉ do bởi vì chúng ta thường cảm thấy rằng ta chỉ dễ dàng nhân từ với một số người và khó nhân từ với những người khác. Ví dụ, trẻ thơ thường làm cho chúng ta yêu mến ngay một cách tự nhiên, trong khi những người lớn khác, đủ mọi thành phần, thì khó làm cho ta mở lòng từ ái hay quý mến ngay được. Hãy quan sát thói quen này của tâm. (Đây cũng là một thói tâm). Học cách nhận biết những cảm xúc hay tình cảm không tốt và tiêu cực; và bắt đầu dẹp bỏ chúng. Bằng sự chánh niệm quan sát, chúng ta có thể dần dần thay đổi thói tâm phản ứng và suy nghĩ của mình đối với người khác.

Việc chuyển gửi ý nghĩ tâm từ cho người khác có thực sự thay đổi họ không?. Việc thực hành tâm từ có thay đổi được thế giới không?. Việc truyền gửi tâm từ cho người khác ở xa hay những người không quen biết có tác động hay không thì ta không thể biết ngay, nhưng ta có thể biết được tác động của tâm từ đến sự bình an của chính mình. Điều quan trọng là sự chân thành trong tâm niệm bạn mong cầu hạnh phúc cho những người khác. Thật sự vậy, tác động sẽ có ngay lập tức. Cách duy nhất để bạn biết được điều này là hãy thực tập và tự mình biết được.

Thực hành tâm từ không có nghĩa là chúng ta bỏ qua những hành động bất thiện của người khác. Nó có nghĩa là chúng ta phải đáp lại những hành động đó một cách đúng đắn. Thời Phật còn sống có một hoàng tử tên là Abharaja Kumara. Một lần nọ, Hoàng tử đến gặp Phật và hỏi Phật rằng Phật có bao giờ nói lời gắt gỏng hay nặng nhẹ với người khác hay không. Lúc này, Hoàng tử cũng đang ngồi bồng một đứa con trên đùi của mình. Phật hỏi rằng: "Này hoàng tử, nếu đứa bé này lỡ bỏ một miếng gỗ vào trong miệng của nó, Hoàng tử sẽ làm gì?". Hoàng tử trả lời rằng, nếu xảy ra chuyện đó, ông sẽ giữ chặt đứa bé bằng hai chân và dùng ngón tay để mốc lấy miếng gỗ ra, cho dù có làm chảy máu miệng của con mình.

"Tại sao Hoàng tử làm vậy?"

"Bởi vì tôi yêu thương con tôi. Tôi muốn cứu giữ mạng sống của nó".

"Cũng vậy, này Hoàng tử, đôi khi ta phải dùng một số lời nặng nhẹ với các đệ tử của tôi, không phải vì sự hung dữ, mà vì tình yêu thương của ta dành cho họ", Phật trả lời.
Nhiều lúc Phật có trách rầy những đệ tử của mình chẳng qua đó là lòng từ bi của Phật mong muốn những đệ tử nỗ lực tu tập để mong có ngày chứng ngộ sự giải thoát.

Đức Phật lịch sử đã dạy cho chúng ta năm công cụ rất căn bản để chúng ta đối xử với mọi người một cách tốt bụng và tử tế. Đó là Năm Giới Hạnh về đạo đức. Nhiều người cho rằng những luân lý đạo đức sẽ giới hạn sự tự do của mọi người, nhưng thật ra thì những giới hạnh đó giúp chúng ta tự do. Những giới hạnh đạo đức, nếu thực hành, sẽ giúp chúng ta được tự do khỏi những khổ đau mà chúng ta có thể gây ra cho mình và mọi người, bởi vì nhiều lúc chúng ta có thể hành động một cách không tốt lành. Những hướng dẫn của Năm Giới Hạnh tập cho chúng ta bảo vệ mọi người khỏi nguy hại và những điều không muốn (ít nhất là nguy hại từ chúng ta có thể gây ra cho họ); và bằng cách bảo vệ mọi người, chúng ta bảo vệ được chính bản thân mình. Năm Giới giúp chúng ta kiêng cữ và từ bỏ những việc bất thiện như sát sinh, ăn cắp, tà dâm, nói láo hay nói lời không tốt đẹp, và dùng những chất độc hại (như rượu, bia, ma túy...) dẫn đến những hành động mất lý trí.

Việc phát triển chánh niệm bằng cách thiền tập cũng giúp chúng ta liên hệ với người khác bằng tâm từ. Khi ngồi thiền, quan sát tâm chúng ta khi có sự thích hay sự ghét khởi sinh. Chúng ta tự dạy chính mình cách thư giãn và buông thả khi những tâm đó khởi sinh. Chúng ta học và nhìn thấy được rằng sự dính mắc (thích) và sự ác cảm (ghét) chỉ là những trạng thái nhất thời của tâm, và chúng ta cứ để cho chúng biến đi. Thiền giúp chúng ta nhìn vào thế giới trong ánh sáng mới và giúp cho ta lối thoát khỏi nó. Chúng ta càng thực tập sâu hơn, thì những kỹ năng càng được phát triển mạnh mẽ và thiện xảo hơn.

Xử Lý Cơn Giận

Khi chúng ta giận ai, chúng ta thường bám vào khía cạnh nào đó của người đó. Thông thường, chỉ cần một hay hai giây phút cũng đủ buông ra những lời cáu gắt, một cái liếc nhìn, một hành động thiếu suy nghĩ. Trong tâm chúng ta, người đó là thứ bỏ đi. Chúng ta chỉ chú tâm đến phần rất nhỏ của người đó, mà không còn để ý những phần thân tâm khác tạo nên cả con người đó. Phần rất nhỏ làm chúng ta tức giận. (Chẳng hạn, trong một người có nhiều tính cách, nhưng tính cách hay nói thật và hay vạch ra những yếu kém của ta thì thường làm ta tức giận với người đó, cho dù người đó có hàng trăm tính cách tốt đẹp khác.)

Trong nhiều năm, tôi đã nhận được nhiều thư từ từ những người tù, họ đang tìm học Giáo lý của Đức Phật. Một số họ đã phạm trọng tội, như giết người. Và bây giờ họ nhìn mọi sự một cách khác đi và muốn thay đổi cuộc đời mình. Trong đó có một lá thư viết một cách đầy trí tuệ hiểu biết, và nó đã thực sự làm xúc động lòng tôi. Trong đó, anh ta kể lại chuyện những tù nhân khác luôn luôn la ó và chế nhạo người cai tù mỗi khi ông ta xuất hiện. Một người bạn tù của anh ta đã cố gắng giải thích với những người tù kia rằng bản thân người cai tù cũng là một con người, nhưng họ không chịu nghe vì họ đang bị mù quáng bởi lòng sân giận và thù hận (đối với những người đang giam giữ mình). Tất cả những gì họ nhìn thấy là bộ đồng phục cai tù, chứ không nhìn được con người bên trong y phục đó.

Khi chúng ta đang giận một người, chúng ta có thể tự hỏi mình: Ta đang giận với tóc của người đó? Hay làn da của người đó? Hay răng người đó? Não hay tim của người đó? Hay tính hài hước, vui tươi của người đó? Hay sự nhẹ nhàng, lịch sự của người đó? Hay sự hào hiệp của người đó? Hay nụ cười của người đó?. Khi chúng ta dành chút thời gian để xem xét những yếu tố và tiến trình tạo nên con người ấy, thì ngay khi đó cơn giận của chúng ta đã mềm đi một chút. Bằng phương pháp chánh niệm, ta nhìn thấy rõ chúng ta và những người khác một cách rõ ràng. Sự hiểu biết sẽ giúp chúng ta quan hệ với những người khác bằng tâm từ ái. Bên trong chúng ta là cốt lõi của lòng tốt. (Nhân tri sơ tính bổn thiện, mọi người sinh ra đều có bản tính thiện lành và nhân từ). Ví dụ như trường hợp của sát thủ Angulimala trước khi gặp Phật, người ta không thể nào thấy được bản tính này bên trong ‘hắn ta’. Sự thấu hiểu tính chất "vô ngã" của con người sẽ làm dịu lỏng ta ít nhiều và giúp ta vị tha hơn đối với những hành động xấu ác của người khác!. Chúng ta học cách liên hệ mình với mọi người bằng tâm từ.

Nhưng, ta phải làm gì nếu ai đó đánh ta, làm hại ta, hay làm tổn thương ta?. Làm gì nếu người khác sỉ nhục ta?. Thường thì người đời đều muốn trả đũa hoặc trả thù - thói thường và phản ứng của con người là vậy. Nhưng, rồi nó sẽ dẫn đến đâu?. "Hận thù không thể nào được xóa bỏ bằng hận thù", như lời của Phật được chép lại trong Kinh Pháp Cú (Dhammapada). Một phản ứng giận dữ sẽ dẫn đến sự giận dữ. (Mình hung dữ và thù ghét với người khác thì người khác càn hung dữ và thù ghét mình nhiều hơn. Mình càng muốn trả thù họ, họ càng tiếp tục thù hận mình nhiều hơn). Nếu ta phản ứng lại cơn tức giận của người khác bằng tâm từ ái, thì sự tức giận của người đó sẽ được nguôi ngoai phần nào, hay ít nhất là không tăng lên. Từ từ cơn giận sẽ phai biến.

"Chỉ có tình thương mến mới xóa được hận thù", đó là câu tiếp theo của Kinh Pháp Cú.

Thời của Đức Phật lịch sử, có một người muốn làm kẻ thù của Phật và âm mưu giết Phật, đó là Devadatta (Đề-bà- đạt-đa); ông ta cũng chính là anh vợ của Phật khi Người còn là Thái tử Siddhatta, tức là anh của công chúa Yasodhara (Gia-du Đà-la). Người này xuất gia đi tu theo Phật, nhưng vì bất đồng quan điểm với Phật và vì lòng tham muốn lãnh đạo và thay đổi Tăng đoàn, nên ông sinh lòng thù hận Phật và muốn giết Phật. Ông cho voi dữ uống rượu và canh đúng lúc và đúng nơi Phật đang đi qua, ông thả voi điên ra để giết Phật. Mọi người đều bỏ chạy, và ai cũng kêu Phật hãy bỏ chạy khỏi voi dữ. Ngài Ananda cũng bước lên đứng ngăn voi dữ tấn công Phật, nhưng Phật bảo ngài tránh ra, vì sức người như ngài cũng không ngăn được voi dữ.

Khi voi dữ đến gần Phật, nó chồm lên, hai tai dựng đứng trong cơn say điên. Đức Phật chỉ đứng im và phóng những ý nghĩ từ bi về phía con voi. Con voi ngừng lại, Phật đưa hai bàn tay ngửa về phía con voi và truyền tâm từ bi sang nó. Con voi phủ phục quỳ xuống dưới chân Phật, ngoan ngoãn như một con cừu. Lòng từ bi đã chinh phục được sự hung dữ dã man của một con vật đang trong cơn điên tiếc.

Sự phản ứng tức giận đối với những tức giận, thù hận đối với thù hận, là kiểu phản ứng có điều kiện; do điều kiện tác động mà có; thứ đó là do học hỏi, do bắt chước hay do bị nhiễm thói phàm trần chứ không phải đơn thuần là bản năng. Nếu chúng ta được nuôi dạy từ nhỏ và có được tính nhẫn nhục, tốt bụng, và nhẹ nhàng, thì tâm từ đã trở thành một phần trong cuộc sống của ta. Nó đã trở thành một thói quen. Nếu không, nếu chúng ta (bị) lớn lên trong môi trường xấu, hoặc luôn nhìn thấy những thói đời xấu xa, tranh đấu và bạo lực, thì chúng ta chỉ toàn có thói quen luôn tức giận. Nhưng, nhưng mà ngay khi chúng ta đã là người lớn, chúng ta vẫn luôn cỏn cơ hội thay đổi thói quen phản ứng của chúng ta. Chúng ta có thể tu tập để phản ứng và đối xử theo một cách khác.

Một câu chuyện khác trong đời Đức Phật, nó có thể dạy cho chúng ta cách ứng xử lại những lời sỉ nhục hay chửi bới từ những người xấu. Những kẻ đối đầu với Đức Phật đã cho tiền một kỹ nữ tên là Cinca đến chửi bới và làm nhục Phật. Cinca cột một bó đũa, (một cách nào đó), bên dưới lớp áo dày và giả như mình đang mang bầu. Khi Phật đang thuyết giảng cho hàng trăm người, cô ta đến đến trước mặt và chửi Phật là người giả dạng thánh nhân và vu oan cho Phật đã làm cho cô ta có bầu. Đức Phật không tức giận hay ghét cô ta, mà bình tĩnh nói với cô ta rằng: "Này chị kia, chỉ có chị và tôi là biết rõ chuyện gì là có thực hay không". Cinca ngạc nhiên thái độ ôn hòa của Phật và thấy mình chùn xuống. Cô ta ngạc nhiên định quay đi và bị vấp ngã. Những sợi dây buộc bó đũa bị bung ra và làm rơi đũa ra. Mọi người đều thấy âm mưu của cô. Một số người đòi đánh phạt cô ta. Nhưng Phật nói rằng: "Không, đó không phải là cách các người đối xử với cô ta. Chúng ta phải giúp cô ta hiểu biết được Giáo pháp. Đó là 'hình phạt’ hữu ích nhất". Sau khi Phật giảng dạy Giáo pháp cho cô ta, toàn bộ cá tính của cô ta đã thực sự thay đổi. Cô ta trở nên nhẹ nhàng, tử tế và đầy tình thương.

Khi ai đó cố làm chúng ta tức giận hay làm chuyện gì tổn thương chúng ta, chúng ta hãy cố nghĩ những ý nghĩ tâm từ về người đó. Đức Phật nói rằng: "Một người mà lúc nào cũng tràn đầy những ý nghĩ từ tâm thì người ấy vững vàng như trái đất." Ai muốn làm trái đất biến mất, muốn đào bới bằng cuốc xẻng để hết đất thì chỉ là những hành động vô ích và vô vọng. Dù có đào một kiếp, thậm chí hàng ngàn tỷ kiếp, thì cũng chẳng hề làm trái đất mất đi. Trái đất vẫn còn đó, không bị ảnh hưởng gì, không bị yếu giảm đi chút nào. (Như vậy, tâm từ đích thực là vô cùng mạnh mẽ!). Cũng giống như trái đất, một người đầy lòng từ tâm thì không bao giờ bị lung lạc hay bị sốc nổi bởi sự sân giận. (Thật vậy, người hiền lành và nhân ái thì họ ít khi nào nổi giận, bực tức hay thù ghét. Đây là mức độ tương đối: đáng khen và đáng quý. Một người đích thực từ tâm thì không bao giờ nổi giận, bực tức hay thù ghét. Đây là mức độ tuyệt vời: xuất chúng, đáng mơ ước).

Một câu chuyện khác về Đức Phật lịch sử (theo Kinh "Akkosina Sutta"): có một người Bà-la-môn tên là Akkosina; cái tên có nghĩa là "không tức giận". Nhưng thực tế thì ngược lại: ông này luôn luôn tức giận. Khi ông ta nghe người ta nói là Phật không bao giờ tức giận với ai, ông ta bèn đến gặp Phật để thử. (Ông tức giận ngay cả chỉ vì cái chuyện ông nghe được là có người không tức giận!). Ông đến chửi rủa Phật, gọi Phật bằng những từ ngữ thô tục và xấu xa nhất. Sau một tràng chửi rủa của ông này, Phật mới hỏi rằng ông ta có họ hàng, người thân và bạn bè và ông ta có đến chơi thăm nhà ông không. Ông ta trả lời "Có". Và Phật hỏi tiếp rằng ông ta có hay gói quà biếu như bánh trái hay đồ ăn để cho họ mang về hay không?. Ông trả lời "Có". Phật hỏi ông ta:
"Này Bà-la-môn, nếu họ không nhận quà biếu đó, thì ai sẽ nhận?"
"Nếu họ không nhận, thì tôi sẽ nhận lại chứ còn ai nữa, này ông Cồ-đàm".

"Cũng vậy, này Bà-la-môn, ông nhục mạ chúng tôi, những người không nhục mạ (ông), ông tức giận với chúng tôi, những người không tức giận (ông), ông cải vã với chúng tôi, những người không cãi vã gì (với ông). Tất cả những gì ông đã nói thì chúng tôi không nhận lấy. Tất cả là của ông, này Bà-la-môn, ông nhận lại; tất là thuộc về ông."
Bằng sự nhẫn nhục, trí tuệ, và lòng từ tâm, Đức Phật đã khuyên dạy chúng ta thay đổi cách nghĩ về những 'món quà' bất nhã và sự chọc tức đó đến với chúng ta, thay vì chúng ta chỉ lập tức phản ứng lại bằng sự tức giận và thù ghét theo cái thói quen đầy tính ‘chiến đấu’ của chúng ta.

Nếu chúng ta chịu đối đáp lại những lời nói xấu, lời chửi bới, sự sỉ nhục hay lời gây tức giận của người khác bằng sự chánh niệm và tâm từ, thì ta có thể hiểu được hoàn cảnh. Có thể người đó không có ý thức, hay không biết cách, hay không khéo léo về những lời nói và cách nói của mình. Có lẽ những lời lẽ khó nghe đó không phải là cố ý chọc tức hay hãm hại mình. Có lẽ những lời đó là ngây thơ và vô ý mà thôi. Có thể là cách nghĩ của chúng ta vào lúc đó là quá nhậy cảm với những lời nói đó. Có lẽ chúng ta nghe nhầm hay không hiểu rõ ý người ta muốn nói. Chúng ta nên lắng nghe và hiểu rõ những gì ai nói với mình. Nếu ta luôn luôn nỗi giận, thì ta sẽ khó mà hiểu hết được cái thông điệp hay ý nghĩa đằng sau lời nói của người khác. Cũng có thể người ta đang nói ra một điều gì đó mà bạn cần nên biết, cần nên lắng nghe. (Ví dụ như về mối nguy hại hay nhược điểm của mình).

Ở đời, tất cả chúng ta thường xuyên gặp những người hay đụng chạm hoặc hay làm chúng ta tức giận. Ở đâu cũng có sự bon chen và tranh đấu.
(Ví dụ ở nơi công cộng, trên xe buýt, chỗ xếp hàng trả tiền hay mua vé; trong công sở, đồng nghiệp cạnh tranh nhau, nịnh chủ hại bạn; những người có tư tưởng khác với chúng ta, làm trái ý ta; những người ỷ giàu, cao ngạo; những kẻ cơ hội, bất công; những người láng giềng phòng thủ, xa lạ, không văn minh, thái độ phân biệt, thù ghét; công chức hách dịch, lộng quyền, thiên vị, tham lam, không lịch sự; và rất nhiều người có thể vu oan, hãm hại chúng ta hàng ngày vì cuộc sống tranh giành, hay chỉ vì những thói đời truyền kiếp... Rất nhiều thứ và con người trong một xã hội thiếu văn minh hay bất công có thể làm cho hàng triệu người thường bị khổ sở, tuyệt vọng, rồi buồn bực, tức giận đến thù oán. Ngay cả trong những xã hội được cho là văn minh và nề nếp cũng có nhiều thứ và nhiều người gây tức giận và phẫn nộ cho nhiều người khác. Chẳng hạn như những thói và những người mang nặng tư tưởng phân biệt giàu nghèo, giai cấp, phân biệt màu da, phân biệt tôn giáo, duy vật chất, duy lý, duy luật...)
Nếu không có sự chánh niệm và lòng từ tâm, chúng ta sẽ luôn luôn phản ứng lại bằng sự tức giận và hận thù. Bằng sự thực hành chánh niệm, chúng ta luôn có phản xạ là luôn quan sát sự phản ứng của chúng ta đối với tất cả mọi hành động và lời nói của người khác. Cũng giống như cách thức và thủ thuật khi chúng ta ngồi thiền, chúng ta có thể quan sát sự khởi sinh của sự nắm giữ tham chấp [tham, thích, muốn, khoái...] và sự ác cảm [không thích, ghét, bực, từ đẩy, chê...]. Chánh niệm cũng giống như một màn lưới an toàn giúp phòng hộ chúng ta khỏi những hành động bất thiện. Chánh niệm cho chúng ta thời gian; thời gian cho chúng ta những sự chọn lựa!. Chúng ta không nên bị cuốn theo những cảm giác hay tình cảm. Thay vì vậy, chúng ta nên phản ứng hay đối đáp lại bằng lý trí khôn ngoan hơn là sự ngu dốt si mê, hay chấp lầm.

"Tâm Từ Bao Trùm"

Tâm từ không phải là thứ mà chúng ta cứ ngồi yên một chỗ, suy nghĩ, suy nghĩ, và suy tư về nó. Chúng ta cần phải để sức mạnh của tâm từ được chiếu sáng mỗi khi gặp gỡ hay tiếp xúc với mọi người. Tâm từ đích-thực chính là nguồn gốc căn bản đằng sau ba nghiệp thiện lành—ý nghĩ, lời nói và hành động. Với tâm từ, chúng ta nhận thức được rõ ràng những nhu cầu của người khác và giúp đỡ họ [bố thí] cách này hay cách khác trong khả năng của ta. Với những ý nghĩ từ tâm, chúng ta hoan hỷ với những thành đạt của người khác một cách ấm áp. Chúng ta cần có lòng từ tâm để có thể cùng sống và làm việc với mọi người một cách hòa đồng. Tâm từ phòng hộ cho chúng ta khỏi những khổ đau do sân giận và ganh ghét gây ra. Khi chúng ta tu dưỡng được tâm nhân-từ, tâm bi-mẫn, tâm hoan-hỷ dành cho người khác, và tâm buông xả, thì chúng ta không chỉ làm cho cuộc sống dễ chịu hơn cho những người xung quanh, mà cuộc sống của chúng ta cũng trở nên bình an và hạnh phúc. Sức mạnh của tâm từ, cũng như những hào quang mặt trời, là bao trùm khắp nơi và không thể đo lường hết được [vô lượng].

• Ví dụ chúng ta thường ghê sợ hay khinh ghét những người phạm tội và tù nhân. Chúng ta có thể tâm niệm về họ như sau:
Cầu cho tất cả những người tù đúng tội hay bị oan, hay những người đang bị giam giữ, sẽ được bình an và hạnh phúc. Cầu mong cho họ không còn tham, sân, hận thù, ganh ghét và sợ hãi. Mong cho tâm họ tràn đầy những ý nghĩ tâm từ. Cầu mong cho sự bình an và tĩnh lặng của tâm từ sẽ thấm nhuần toàn thể thân tâm của họ.

• Khi gặp hay nghĩ đến cảnh những người đang bị bệnh đang nằm trong những nhà thương, chúng ta có thể tâm niệm về họ như sau:
Cầu cho tất cả những người bệnh đang chịu nhiều bệnh tật sẽ được bình an và hạnh phúc. Cầu mong cho họ mau hết khỏi những đau đớn, đau khổ, sầu não, thất vọng, bất an, và sợ hãi. Cầu mong cho những ý nghĩ tâm từ này bao trùm lấy họ, che chở họ. Cầu mong cho thân tâm họ được tràn đầy ý nghĩ tâm từ.

• Khi gặp hay nghĩ về cảnh những người mẹ đang đau đớn quằn quại và cố gắng hạ sinh một đứa con, chúng ta có thể tâm niệm về họ như sau:
Cầu cho tất cả những người mẹ đang mang nặng đẻ đau sẽ được bình an và hạnh phúc. Nguyện cho mỗi tế bào, mỗi giọt máu, mỗi phân tử, mỗi nguyên tử trong thân tâm của họ được tràn đầy ý nghĩ tâm từ.

• Khi gặp hay nghĩ về cảnh những người bị mất vợ hay chồng, phải tự mình xoay sở nuôi con một cách khổ sở thân tâm, chúng ta có thể tâm niệm về họ như sau:
Cầu cho tất cả những người bị mất vợ hay chồng sẽ được bình an và hạnh phúc. Cầu cho họ có được lòng kiên nhẫn can đảm, hiểu biết, và quyết tâm để đối diện và vượt qua những khó khăn trước mắt, những gian nan và thất bại trong đời. Nguyện cho họ được khỏe mạnh, hạnh phúc, và bình an.

• Khi gặp hay nghĩ về cảnh những trẻ thơ bị người lớn hiếp đáp, đánh đập, xâm phạm hay lợi dụng, chúng ta có thể tâm niệm về các em như sau:
Cầu cho tất cả những trẻ em tội nghiệp đã bị hiếp đáp và bị xâm phạm bằng nhiều cách khác nhau trên đời sẽ gặp được sự bình an và hạnh phúc. Nguyện cho tâm của các em được tràn đầy những ý nghĩ tâm từ, bi, hỷ, xả. Cầu cho các em sẽ được thư thái. Nguyện cho trái tim của các em sẽ được mềm mại. Cầu mong cho lời nói của các em làm vui lòng mọi người. Cầu mong các em không còn sợ hãi, căng thẳng, lo lắng, và bất an.

• Khi gặp hay nghĩ về những người nắm quyền đang gây nhiều cảnh đau khổ, nghèo nàn, bất công, không dân chủ và khó khăn cho dân chúng, chúng ta có thể tâm niệm về họ như sau:
Cầu cho tất cả những người nắm quyền hành ở các nơi sẽ trở nên nhẹ nhàng, tử tế, độ lượng, và biết thương người. Cầu mong họ hiểu biết được những người bị ngược đãi, bị hiếp đáp, những người thấp cổ bé họng, những người không có đặc quyền đặc lợi, những người bị phân biệt, và những người nghèo khổ. Cầu cho trái tim họ đồng cảm với nỗi khổ cực của những công dân bất hạnh.
Cầu mong cho những ý nghĩ tâm từ sẽ bao trùm lấy họ, che chở họ. Nguyện cho mỗi tế bào, mỗi giọt máu, mỗi phân tử, mỗi nguyên tử trong thân tâm của họ được tràn đầy ý nghĩ từ tâm. Nguyện cho sự bình an và tĩnh lặng của tâm từ sẽ thấm nhuần toàn thể con người của họ.

Và khi gặp hay nghĩ về những người bị ngược đãi, bị hiếp đáp, những người thấp cổ bé họng, những người không có đặc quyền đặc lợi, những người bị phân biệt, và những người cùng đinh nghèo khổ, thì chúng ta có thể tâm niệm về họ như sau:
Cầu cho tất cả những người bị ngược đãi, bị hiếp đáp, những người thấp cổ bé họng, những người không có đặc quyền đặc lợi, những người bị phân biệt, và những người nghèo khổ sẽ gặp được sự bình an và hạnh phúc. Cầu mong cho họ mau hết khỏi những đau đớn, đau khổ, sầu não, thất vọng, bất an, và sợ hãi. Nguyện cho tất cả họ từ khắp thập phương trên thế giới này sẽ được khỏe mạnh, hạnh phúc, và được an lạc. Cầu cho họ có được lòng kiên nhẫn can đảm, hiểu biết, và quyết tâm để đối diện và vượt qua những khó khăn trước mắt, những gian nan và thất bại trong đời. Cầu mong cho những ý nghĩ tâm từ sẽ bao trùm lấy họ, che chở họ. Cầu cho thân tâm của họ được tràn đầy ý nghĩ từ tâm.

• Cuối cùng, khi chúng ta tâm niệm, chia sẻ và phóng rải tâm từ khắp nơi, cho tất cả đồng loại và cho tất cả mọi chúng sinh trên đời, truyền thống tu tập thường khuyên dạy chúng ta đọc tụng "Kinh Tâm Từ" (hay Kinh Lỏng Từ) do chính Đức Phật nói ra để mọi người hiểu biết, tu dưỡng, tâm niệm và chia sẻ tâm từ đến tất cả mọi chúng sinh. Vì vậy, ở các xứ Phật giáo Nguyên thủy, "Kinh Lỏng Từ" thường được đọc tụng bởi tất cả Phật tử trước những nghi thức tu tập, đặc biệt là trước khi ngồi vào thiền. Mục đích là để làm an lòng những chúng sinh khuất mặt xung quanh và giúp cho tâm họ và tâm của thiền sinh được bình an; và nhờ vậy, tạo một không khí an lành trước khi thiền tập. Chúng ta nên tụng đọc đoạn trích tuyệt vời sau đây trong "Kinh Lỏng Từ" (Metta Sutta) của Phật để chúng ta thực tập, thể hiện và chia sẻ lòng từ tâm bao trùm của chúng ta, như sau:
Nguyện tất cả chúng sinh, được hạnh phúc an bình, Nguyện cho tâm chúng sinh, được vui lòng như ý.
Chúng sinh dù yếu mạnh, dài cao hoặc trung bình, thấp, nhỏ hay to lớn, có mặt hay khuất mặt, dù ở xa, ở gần, chưa sinh và đã sinh,
Không trừ chúng sinh nào,
Nguyện cho tâm tất cả, được tràn đầy hạnh phúc!
Không lừa đảo lẫn nhau, Thường bất khinh khắp chốn Khi tâm đang oán giận, không mong hay nguyền rủa, cho ai khác bị hại,
Như là một người mẹ, luôn che chở cho con, bằng cả mạng sống mình.
Hãy phát tâm vô lượng, cho lòng Từ vô biên, bao trùm cả thế giới trên, dưới và khắp nơi, không cách trở hẹp hòi, hết giận hờn thù ghét.
Khi đang đứng hay đi, khi ngồi hay khi nằm, bao giờ còn thức tỉnh, giữ niệm “Tâm Từ” này, đây chính là tâm trạng:
Cao Đẹp nhất trong đời....
Ai làm được như vậy: không còn chui bào thai quay lại thế gian này.
('Kinh Tập" (Suttanipàta), I. 8, Tiểu Bộ Kinh)

Tâm từ vượt qua tất cả mọi cách ngăn về tôn giáo, văn hóa, địa lý, ngôn ngữ, và chủng tộc. Đó là một quy luật phổ quát tự cổ xưa, nối kết tất cả chúng ta và chúng sinh lại với nhau - bất kể hình thái chúng sinh nào. Tâm từ nên được thực hành một cách vô điều kiện. Nỗi đau đớn của kẻ thù cũng giống như nỗi đau đớn của chúng ta, (ai cũng biết đau đớn và sợ đau đớn). Nỗi tức giận của kẻ thù cũng là nỗi tức giận của ta, (không ai muốn bị tức giận). Tâm từ hay tình ái hữu của họ cũng giống lòng từ của ta. Nếu họ hạnh phúc, thì ta hạnh phúc. Nếu họ bình an, thì ta bình an. Nếu họ khỏe mạnh, thì ta cũng lành mạnh. Mỗi khi chúng ta biết chia sẻ nỗi đau đớn và đau buồn một cách không phân biệt, thì chúng ta cũng nên chia sẻ tâm từ với mọi người, ở mọi nơi. Không có quốc gia xứ sở nào có thể tồn tại mà không sự giúp đỡ và tương trợ lẫn nhau của những quốc gia xứ sở khác. Cũng vậy, không một ai có thể sống một mình trong cô lập mà không cần đến những người khác. Đơn giản đó là cách mà mọi thứ tồn tại. (Sự sống của chúng ta là sự phân công, sự chia sẻ và cộng sinh). Nhưng vì chúng ta và mọi chúng sinh tùy theo nghiệp duyên mà mỗi người mỗi khác, cho nên việc thực hành tâm từ là tuyệt đối cần thiết cho chúng ta. Chính tâm từ và tình thương yêu đã nối kết tất cả chúng ta lại với nhau trong nhiều kiếp sống.
Và việc thực hành Tâm Từ và sống trong Tâm Từ đơn giản là căn bản cần phải có để trợ giúp cho việc thiền tập của chúng ta được thành công.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 23 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Truyền thuyết về Bồ Tát Quán Thế Âm


Tôi đọc Đại Tạng Kinh


Hai Gốc Cây


Các bài tiểu luận về Phật giáo của Trần Trọng Kim

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.144.109.147 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (130 lượt xem) - Hoa Kỳ (4 lượt xem) - ... ...