Cuộc đời là một tiến trình học hỏi từ lúc ta sinh ra cho đến chết đi. (The whole of life, from the moment you are born to the moment you die, is a process of learning. )Jiddu Krishnamurti
Khi gặp chướng ngại ta có thể thay đổi phương cách để đạt mục tiêu nhưng đừng thay đổi quyết tâm đạt đến mục tiêu ấy. (When obstacles arise, you change your direction to reach your goal, you do not change your decision to get there. )Zig Ziglar
Chúng ta nhất thiết phải làm cho thế giới này trở nên trung thực trước khi có thể dạy dỗ con cháu ta rằng trung thực là đức tính tốt nhất. (We must make the world honest before we can honestly say to our children that honesty is the best policy. )Walter Besant
Chúng ta nên hối tiếc về những sai lầm và học hỏi từ đó, nhưng đừng bao giờ mang theo chúng vào tương lai. (We should regret our mistakes and learn from them, but never carry them forward into the future with us. )Lucy Maud Montgomery
Đừng cố trở nên một người thành đạt, tốt hơn nên cố gắng trở thành một người có phẩm giá. (Try not to become a man of success, but rather try to become a man of value.)Albert Einstein
Vết thương thân thể sẽ lành nhưng thương tổn trong tâm hồn sẽ còn mãi suốt đời. (Stab the body and it heals, but injure the heart and the wound lasts a lifetime.)Mineko Iwasaki
Dầu giữa bãi chiến trường, thắng ngàn ngàn quân địch, không bằng tự thắng mình, thật chiến thắng tối thượng.Kinh Pháp cú (Kệ số 103)
Chỉ có một hạnh phúc duy nhất trong cuộc đời này là yêu thương và được yêu thương. (There is only one happiness in this life, to love and be loved.)George Sand
Không trên trời, giữa biển, không lánh vào động núi, không chỗ nào trên đời, trốn được quả ác nghiệp.Kinh Pháp cú (Kệ số 127)
Điều quan trọng nhất bạn cần biết trong cuộc đời này là bất cứ điều gì cũng có thể học hỏi được.Rộng Mở Tâm Hồn

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Chánh niệm (Giảng bằng ngôn ngữ thông thường) »» Chương 7: Những Việc Cần Làm Với Tâm »»

Chánh niệm (Giảng bằng ngôn ngữ thông thường)
»» Chương 7: Những Việc Cần Làm Với Tâm

Donate

(Lượt xem: 7.246)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  English || Đối chiếu song ngữ


       

Chánh niệm  (Giảng bằng ngôn ngữ thông thường) - Chương 7: Những Việc Cần Làm Với Tâm

Font chữ:

Thiền mà chúng tôi đang giảng bày trong quyển sách này được gọi là Thiền quán Trí tuệ [Thiền tuệ]. Như chúng tôi đã trình bày trước đây, có rất nhiều loại đối tượng thiền hay đề mục thiền, gần như là vô hạn, và nhân loại đã dùng rất nhiều đối tượng khác nhau để thiền trong suốt những thời đại đã qua. Ngay cả trong phương thức Thiền Minh Sát thôi cũng có rất nhiều loại đối tượng [đề mục] thiền.
Có nhiều thiền sư dạy những thiền sinh theo dõi [quán] hơi thở của mình bằng cách quan sát sự phồng lên và xẹp xuống của phần bụng. Một số thầy khác thì dạy cách tập trung chú tâm vào sự tiếp xúc giữa thân người và gối ngồi thiền, hoặc sự tiếp xúc của hai bàn tay chạm hay đặt vào nhau, hoặc cảm giác của chân này chạm xúc với chân kia.

Còn phương pháp của chúng tôi ở đây được coi là phương pháp cổ truyền chính thống nhất và có lẽ là phương pháp do chính Đức Phật Cồ-đàm đã chỉ dạy cho những đệ tử của mình. Kinh "Tứ Niệm Xứ" (Satipatthana Sutta), bài thuyết giảng nguyên thủy về bổn nhóm đối tượng dùng để chú tâm và thiết lập sự chánh niệm, do chính Đức Phật nói ra. Trong đó, Đức Phật đặc biệt nhấn mạnh rằng chúng ta phải bắt đầu bằng cách tập trung sự chú tâm vào hơi thở; và sau đó thì tập cách nhận biết tất cả mọi hiện tượng khác khởi sinh từ thân và tâm.
(Như đã nói trước đây, “nguyên lý” thực hành ban đầu là: (a) Chú tâm chánh niệm vào hơi thở vào ra để giúp cho tâm được tập trung [đạt định] ở một mức độ cần thiết nào đó. Và (b) khi tâm được định, không còn lăng xăng, thì thiền sinh sẽ có khả năng quan sát và nhận biết được những hiện tượng khởi sinh một cách khách quan và vô tư.)

Chúng ta ngồi xuống, quan sát dòng không khí đi vào và đi ra hai lỗ mũi. Mới nhìn thì việc làm này trông có vẻ kỳ cục và vô ích. Để chúng tôi giải thích về lý do đằng sau việc làm này, trước khi đi đến các hướng dẫn chuyên biệt.
(a) Câu hỏi đầu tiên chúng ta phải hỏi là: “Tại sao phải tập trung sự tỉnh giác để làm gìLý do của mọi lý do là chúng ta đang mong muốn tu tập cho được sự tỉnh giác [chánh niệm]. (Chúng ta muốn tu tập sự tỉnh giác và muốn sự chánh niệm luôn luôn có mặt mỗi khi chúng ta cần). Ụa, như vậy thì tại sao chúng ta không ngồi xuống và tỉnh giác ý thức vào bất cứ thứ gì xuất hiện trong tâm của ta?. Thật ra cũng có nhiều dạng thiền mang tính chất theo kiểu này. Những dạng thiền đó nhiều lúc được gọi là kiểu 'thiền không bài bản', không chọn đối tượng [đề mục] chính thức; và những dạng thiền này thì rất khó làm. Tâm của chúng ta rất là tinh ma, ranh mãnh. Tư duy ý nghĩ vốn là một tiến tình phức tạp. Có nghĩa là chúng ta lúc nào cũng bị mắc kẹt, bị dính mắc, bị bao bọc trong dòng ý nghĩ. Một ý nghĩ này dẫn đến một ý nghĩa khác, ý nghĩ khác lập tức dẫn đến ý nghĩ khác, và khác, và khác nữa..., liên tiếp. Rồi bất ngờ chúng ta chợt bừng tỉnh và chợt nhận ra rằng suốt cả tiếng đồng hồ trôi qua mình cứ nghĩ tùm lum trong mộng tưởng, hay chuyện ái tình, hay về một chuỗi những lo toan về những thứ nợ nần, được mất, chuyện cơm áo gạo tiền, hay có thể là bất kỳ những thứ gì...

Có sự khác nhau giữa hành động “tỉnh giác” hay “ý thức nhận biết về một ý nghĩ” so với hành động “nghĩ một ý nghĩ”. Sự khác nhau là rất tinh vi. Sự khác nhau căn bản là về vấn đề cảm giác hay cấu trúc. Ý nghĩ mà bạn đang chú tâm nhìn vào nó bằng sự chú tâm thuần kiết thì tạo cảm giác nhẹ nhàng về cấu trúc; có một cảm nhận về khoảng cách giữa ý nghĩ đó và sự tỉnh giác đang nhìn cái ý nghĩ đó. Sự cảm nhận đó khởi sinh rất nhẹ nhàng như là một bong bóng, và nó biến mất mà không cần phải làm khởi sinh (duyên) cho một ý nghĩ tiếp theo của dòng ý nghĩ. (Ý nghĩ được quan sát khi thiền quán thì tự đến tự đi một cách nhẹ nhàng và vô tư, không tạo duyên hay gây ra ý nghĩ tiếp theo). Còn ý nghĩ theo ý thức bình thường của chúng ta thì nặng nề hơn về cấu trúc. Nó nặng ký hơn, áp đặt và bắt buộc. Nó thu hút ta và điều khiển tâm thức của ta. Tự bản chất nó là ám ảnh, đuổi bắt, và nó dẫn thẳng đến ý nghĩ tiếp theo của dòng ý nghĩ, mà không có một khoảng trống giữa hai ý nghĩ. (Ý nghĩ ý thức thông thường thì có sự cố ý, mang ý hành, và vì những động cơ tham-sân, nó lập tức gây ra, hay làm khởi sinh (duyên) ý nghĩ tiếp theo).

Ý nghĩ ý thức thường tạo ra sự căng thẳng tương ứng trong cơ thể, ví dụ như sự co rút cơ hay sự làm tăng nhịp tim. Nhưng bạn sẽ không cảm thấy được sự căng thẳng đó cho đến khi nó phát lên thành một sự đau thật sự, bởi vì ý nghĩ có ý thức thông thường thì cũng rất tham lam [có chứa tham dục]. Nó lôi kéo hết sự chú ý của ta, mà không để lại dấu vết gì để ta nhận biết được tác động của nó. Sự khác nhau đó giữa “sự tỉnh giác chú tâm vào ý nghĩ” và “sự nghĩ cái ý nghĩ” là có thật. Nhưng nó cực kỳ tinh vi và khó nhận thấy. Chánh định [từ thiền định] là một công cụ cần thiết để nhìn thấy sự khác nhau này.

Sự tập trung sâu hay định sâu của tâm có tác dụng làm chậm lại tiến trình ý nghĩ và làm tăng nhanh sự tỉnh giác chú tâm để quán sát ý nghĩ. Kết quả là phát huy thêm khả năng để xem xét tiến trình ý nghĩ. Chánh định là kính hiển vi để nhìn những trạng thái tinh vi bên trong thân tâm. Chúng ta hội tụ sự chú tâm để có được “sự tập-trung-vào- một-điểm” của tâm, bằng cách chú tâm liên tục và tĩnh lặng. Trạng thái đó được gọi là “sự hợp nhất của tâm” [tâm-nhất-điểm]. Nếu không có một tiêu điểm nhất tâm cố định, thì bạn sẽ bị lạc mất, bạn sẽ bị cuốn đi bởi những làn sóng biến đổi bất tận quay cuồng bên trong tâm thức.

Chúng ta dùng hơi thở như là tiêu-điểm tập trung. Nó đóng vai trò như “ngôi nhà”, như một cột mốc, như một bến neo sinh động, từ nơi đó tâm lăng xăng ra đi rồi quay về lại đó. Sự xao lãng không thể gọi là xao lãng nếu không có một “tiêu-điểm” trung tâm, hay một cái “mốc”, mà từ đó tâm bị trôi giạt hay xao lãng. (Nếu không có thứ gì cố định nhà, thì không có việc ở nhà, đi khỏi nhà, và quay về nhà. Không có bến bờ hay cột mốc nào thì sao nói thuyền trôi xa, xa là xa khỏi cái mốc nào?). Đó là một cái “khung” để tham chiếu, là căn cứ gốc để từ đó chúng ta có thể quan sát những biến đổi và xáo trộn không ngừng diễn ra: chúng luôn luôn tiếp diễn như là một phần của sự tư duy và ý nghĩ thông thường của chúng ta.

Trong các Kinh nguyên thủy bằng tiếng Pali của Phật giáo, thiền [sự tu dưỡng tâm, sự huấn luyện tâm] được ví như là việc huấn luyện thuần phục một con voi vậy. Ngày xưa, người ta bắt một con voi dữ từ rừng về và cột bằng dây thừng vào một gốc cây hay cây cột chắc chắn. Khi bị trói, voi sẽ vùng vẫy, điên tiếc và trong nhiều ngày nó sẽ cố kéo đứt sợi dây thừng để thoát thân. Cuối cùng nó cũng hiểu ra rằng nó không thể nào thoát được, và vật vã nằm xuống. Đến lúc này, ta có thể cho nó ăn và huấn luyện nó cho bớt hoang dã để an toàn hơn. Sau cùng, ta tháo dây bỏ cộc cho voi đi lại tự do và huấn luyện voi làm những công việc có ích cho người. Trong ví dụ này, con voi dữ chính là tâm của ta, sợi dây thừng là sự chánh niệm, và cây cột là đối tượng thiền [Hơi Thở] của ta. Con voi được thuần hóa có ích được ví cho bản tâm của ta sau khi đã được tu dưỡng, đã được chánh định và có thể được dùng [làm công cụ] để chọc thủng những lớp tường vô minh mê lầm đang che mờ thực tại và chân lý của sự sống. Thiền huấn luyện được tâm. Thiền thuần phục được tâm. Thiền là tu dưỡng tâm, là vậy.

(b) Câu hỏi tiếp theo chúng ta cần hỏi là: “Tại sao phải chọn hơi thở làm đối tượng chính của thiền? Sao không chọn cái gì khác hay ho hơn?". Trả lời câu hỏi này thì có nhiều thứ. Trước nhất, đối tượng hữu ích của thiền phải là cái gì đó giúp phát huy được sự chánh niệm. Cái đó phải mang theo được, dễ dàng có sẵn và không tốn chi phí. Đó cũng phải là cái không làm ta bị lẫn lộn như gạo với cát, chẳng hạn như chúng ta đang tu dưỡng tâm cho trong sạch mà lại lấy những đối tượng thuộc tham, sân, si để thiền thì còn gì là thiền. Hơi thở đáp ứng được tất cả những yêu cầu chọn lọc cần thiết này, và thậm chí nó còn có nhiều điều tốt hơn nữa. Hơi thở là là hiện tượng chung của mọi người. Ai cũng phải thở. Chúng ta đều mang hơi thở theo chúng ta đến bất cứ nơi đâu chúng ta đi. Hơi thở luôn luôn có mặt, luôn luôn có sẵn, không bao giờ ngừng thở từ lúc sinh ra cho đến tận lúc chết, và nó cũng chẳng tốn chi phí tiền bạc gì để thở.

Hơi thở là một tiến trình không-thuộc-về-ý-niệm [của người thở], hơi thở là một thứ có thể trải nghiệm trực tiếp [thở là thở] mà không cần phải có ý nghĩ hay tư duy để thở. Hơn nữa, nó chính là một tiến trình của sự sống, một mảng của sự sống vốn luôn luôn biến đổi. Hơi thở chuyển động theo chu kỳ - hít vào, đẩy ra; thở vào, thở ra. Vì vậy, nó là một mô hình thu nhỏ của bản thân sự sống.

Cảm giác của hơi thở là rất tinh vi, nhưng nó sẽ trở nên rõ rệt nếu ta biết hòa nhập vào nó. Phải tập luyện ít nhiều để thấy được điều đó. Nhưng bất cứ ai cũng có thể làm được. Bạn cần phải thao tác làm việc với nó, nhưng cũng không phải quá vất vả nhọc nhằn. Vì tất cả lý do này, hơi thở trở thành một đối tượng thiền rất lý tưởng. (Một đối tượng hữu dụng và hữu ích mà Đức Phật đã chọn!). Thở là một tiến trình không tự nguyện, nó tự diễn tiến theo nhịp độ (sinh học) của nó mà không cần phải có ý chí hay ý thức làm việc đó. (Tức là cá nhân một người không tự nguyện thở, không tự tác thở, nhưng hơi thở vẫn thở tự nhiên theo tiến trình sống của nó và cơ thể). Tuy nhiên, chỉ một hành vi ý chí (cố ý) có thể làm cho hơi thở chậm lại hay nhanh hơn. Làm cho hơi thở dài hơn và êm dịu hơn, hoặc ngắn hơn và bụp chụp hơn. Sự cân bằng giữa hơi thở không tự nguyện và sự điều khiển gò ép hơi thở thì cũng rất là tinh vi và tế nhị.

Và ở đây có nhiều bài học cần phải học về bản chất của ý chí và dục vọng. Thêm nữa, cái điểm tiếp xúc nơi chóp mũi có thể được coi là ô cửa sổ nối kết bên trong và những thế giới bên ngoài chúng ta. Nó là một điểm liên lạc và chuyển-giao-năng-lượng. Ở điểm này, những chất liệu từ thế giới bên ngoài di chuyển vào và trở thành một phần của cái chúng ta gọi là ‘ta’, và một phần của cái ‘ta’ lại tuôn chảy ra hòa vào biển thế giới bên ngoài. Ở đây có những bài học cần phải học về cái quan niệm về bản ngã [ngã kiến], tức là về cái ‘ta’, và về cái cách mà chúng ta tạo chấp ra cái quan niệm đó.

Hơi thở là một hiện tượng chung của tất cả nhân loại đã từng đi bộ trên trái đất này, và của tất cả mọi chúng sinh. Ai cũng phải thở. Một sự hiểu biết do tự mình trải nghiệm về quá trình thở kéo chúng ta lại gần hơn với những chúng sinh khác. Sự hiểu biết đó chỉ cho ta thấy được sự kết nối cố hữu vốn có giữa chúng ta và tất cả sự sống xung quanh.

Cuối cùng, hơi thở là một tiến trình hiện tại, là tiến trình diễn ra trong giây phút hiện tại. Ý chúng tôi muốn nói là nó luôn diễn ra chính tại “nơi-đây-và-bây-giờ”. Dĩ nhiên, thường thì chúng ta không thật sự sống trong hiện tại. Chúng ta tiêu phí thời gian suy nghĩ về quá khứ, hoặc nghĩ trước về tương lại với những lo toan và dự tính. Hơi thở không liên quan gì đến bất cứ sự gì diễn ra trong thời gian khác. Khi chúng ta thực sự quan sát hơi thở, chúng ta lập tức đặt mình trong thời khắc hiện tại. Chúng ta được kéo ra khỏi bãi lầy của những hình ảnh của thói tâm và chúng ta thật sự hòa nhập vào trải nghiệm những gì đang diễn ra ngay “tại-đây-và-bây giờ”. Có nghĩa là, hơi thở là một mảng sống của hiện thực. Quán sát một cách chánh niệm về hơi thở - như một mô hình thu nhỏ của bản thân sự sống - dẫn chúng ta đến những sự hiểu biết trí tuệ khác và rộng mở hơn để chúng ta có thể áp dụng vào vô số những trải nghiệm khác.

Bước đầu tiên, để có thể dùng hơi thở làm đối tượng thiền là bạn phải tìm thấy nó. Cái bạn cần tìm là cái cảm nhận về thân, thuộc về xúc giác, khi dòng không khí đi vào và đi ra hai mũi. Thông thường nó là điểm tiếp xúc nằm bên trong chóp mũi. Tuy nhiên, chính xác cái điểm tiếp xúc đó nằm chỗ nào thì có thể mỗi người mỗi khác, tùy theo hình dạng cái mũi (của mỗi người). Để tìm được điểm tiếp xúc đó của mình, bạn hít nhanh một hơi thở sâu và nhận biết điểm tiếp xúc đó nằm bên trong mũi, hoặc nằm ở phần trên môi ngay giữa hai mũi. Nơi đó bạn cảm nhận được cảm giác rõ ràng nhất khi hơi thở đi qua. Giờ thì thở mạnh ra và nhận biết được cảm giác đó ở cũng ngay điểm đó. (Nếu khi thở vào và khi thở ra bạn đều cảm nhận được sự tiếp xúc rõ ràng của hơi thở tại ngay tại một điểm, thì điểm đó chính là điểm bạn nên chọn để theo dõi hơi thở vào rai). Từ điểm này, bạn sẽ bắt đầu theo dõi toàn bộ hơi thở vào ra. Một khi bạn đã xác định rõ ràng điểm tiếp xúc đó, bạn không nên thay đổi hay chuyển qua điểm tiếp xúc khác nữa. Hãy dùng luôn điểm đã xác định để cố định sự chú tâm của mình ngay ở đó. Nếu không chọn được điểm tiếp xúc đó, bạn sẽ thấy chính mình di chuyển vào ra lỗ mũi, di chuyển lên xuống như trong đường ống, cứ mãi mãi đuổi theo hơi thở, chẳng bao giờ bắt kịp được nó, bởi vì hơi thở nó luôn biến đổi, luôn chuyển động và luôn chảy qua.

Nếu bạn đã từng cưa gỗ thì bạn đã biết cách. Một người thợ mộc không bao giờ đứng nhìn theo sự lên xuống của lưỡi cưa. Bạn sẽ bị chóng mặt. Bạn cần phải chú tâm vào điểm cần cưa hay đường cưa đã tính. Chỉ có như vậy bạn mới cưa đúng với đường cưa mình đã dự tính. Là một thiền sinh thì bạn tập trung [hướng sự chú tâm] vào một điểm tiếp xúc duy nhất bên trong mũi. Từ cái điểm lợi thế này, bạn quan sát toàn bộ chuyển động của hơi thở với một sự chú tâm rõ ràng và tập trung. Không được cố kiểm soát hay điều khiển hơi thở. (Không cố thở ngắn, không cố thở dài theo ý mình). Đây không phải là bài luyện thở theo kiểu trong môn Yoga. Chỉ tập trung vào chuyển động tự nhiên và tự phát của hơi thở. Đừng cố điều lượng hơi thở hay nhấn nhịp nó theo bất kỳ kiểu gì. Hầu hết những thiền sinh ban đầu đều gặp khó khăn ngay chỗ này. Vì muốn giúp mình tập trung vào cảm nhận về hơi thở nên họ đã cố nhấn nhịp hơi thở một cách vô ý. Đó chỉ là sự cố gắng một cách o ép và không tự nhiên vốn làm cản trở quá trình tập trung hơn, chứ không giúp phát huy sự tập trung. Đừng cố hít sâu hay thở ra tiếng. [Vấn đề thở ra tiếng càng không nên làm nếu bạn đang ngồi thiền giữa nhiều thiền sinh trong nhóm thiền. Thở ra tiếng có thể là một sự quấy rầy hay phiền nhiễu thật sự cho những người xung quanh. Giống như bạn ngủ ngáy to giữa mọi người đang im lặng để ngủ vậy]. Hãy để hơi thở chuyển động một cách tự nhiên, y như lúc bạn đã ngủ vậy. Buông xả, thả lỏng và để cho tiến trình diễn ra theo nhịp độ riêng của nó.

À, điều này nghe có vẻ dễ dàng. Nhưng thật ra nó tinh vi và khó khăn nhiều hơn là ta tưởng. Đừng vội nản chí nếu bạn cũng nhận thấy ý chí của mình cũng can thiệp vào hơi thở. Cứ tận dụng cơ hội đó để quan sát bản chất của ý muốn có ý thức [ý hành] của mình. Quan sát mối tương quan lẫn nhau rất tế nhị giữa hơi thở, ý muốn điều khiển hơi thở và ý muốn thôi điều khiển hơi thở. Bạn sẽ thấy khó chịu một lúc, nhưng điều đó rất là bổ ích như là một kinh nghiệm để học hỏi, và đó là một giai đoạn chuyển tiếp và sẽ chóng qua mau. Cuối cùng thì tiến trình hơi thở cũng sẽ diễn ra theo đường lối và chiều hướng tự nhiên của nó. Và lúc đó bạn không còn ý muốn can thiệp hay điều chỉnh nó nữa. Đến lúc này, bạn sẽ học được một bài học lớn là trong ta lúc nào cũng có sự thúc đẩy hay ý muốn kiểm soát vũ trụ sống.

Việc thở, thoạt đầu trông có vẻ trần tục và chẳng hay ho gì, thật sự là một tiến trình vô cùng phức tạp và hấp dẫn. Nó đầy những biến thái rất tinh vi. Có sự hít vào và đẩy ra, hơi thở dài và hơi thở ngắn, hơi thở sâu, hơi thở cạn, hơi thở êm đềm và hơi thở gấp gáp. Những biến thái này lại kết hợp với từng mỗi biến thái riêng theo những cách rất tinh vi và phức tạp. Hãy quan sát hơi thở một cách sâu sát. Nghiên cứu thật sự về nó. Bạn sẽ nhận thấy rất rất nhiều biến thái biến dạng khác nhau của hơi thở và một chu kỳ lặp đi lặp lại những kiểu biến dạng như vậy. Nó giống như một bản giao hưởng. Đừng chỉ quan sát vẻ bề ngoài của hơi thở. Ở đây có nhiều thứ để nhìn thấy hơn chỉ là hơi thở vào và hơi thở ra. Mỗi hơi thở đều có khúc khởi đầu, khúc giữa và khúc sau kết. Mỗi sự thở vào đều trải qua tiến trình khởi sinh, lớn lên và chết đi (sinh, trụ, diệt); và mỗi sự thở ra cũng trải qua tiến trình tương tự. Sự thở sâu hay thở nhanh thì thay đổi theo nhịp cảm xúc của bạn, theo ý nghĩ chạy qua tâm bạn, và theo những âm thanh bạn nghe được. Hãy nghiên cứu tìm hiểu về hiện tượng này. Bạn sẽ thấy nó rất là kỳ diệu.

Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là bạn cứ ngồi đó đối thoại ít nhiều với bên trong đầu óc của mình: "Có hơi thở ngắn gấp gáp và có hơi thở dài sâu. Tôi tự hỏi rồi tiếp theo nữa là cái gì?". Không, đó không phải là Thiền Minh Sát. Đó là sự suy nghĩ. Bạn sẽ nhận thấy kiểu suy nghĩ này đang xảy ra, nhất là vào lúc còn sơ cơ, lúc mới bắt đầu. Đây cũng là một giai đoạn chuyển tiếp và nó cũng sẽ qua mau. Đơn giản chỉ cần nhận biết hiện tượng đó và kéo sự chú tâm trở lại việc quan sát những cảm nhận về hơi thở vào ra. Nhưng tâm lại tiếp tục bị xao lãng cho coi. Tuy nhiện, bạn cứ tiếp tục kéo sự chú tâm về/vào lại hơi thở vào ra. Cứ kéo sự chú tâm về/vào lại hơi thở như vậy, cứ vậy, cứ vậy, và cứ vậy, và cứ vậy... cho đến khi nào tâm không còn bị lăng xăng và xao lãng khỏi đối tượng hơi thở nữa mà thôi.

Khi bạn bắt đầu thực hành tiến trình này, bạn hãy chuẩn bị tinh thần đối diện với một số khó khăn. Tâm của bạn sẽ luôn luôn lang thang, chạy nhảy, lăng xăng đây đó giống như một con ong say rượu bay đậu trăm phương trong chốc lát; giống như con khỉ chuyền cành, không ở yên một giây nào. Bạn đừng lo. Hiện tượng cái "tâm-như-con-khỉ" đã được nói nhiều trong kinh văn trước đây. Đó là hiện tượng mà những thiền sinh giỏi đã từng đối đầu xử lý. Họ tu tập vượt qua khó khăn này bằng cách này hay cách khác, và chắc rằng bạn cũng có thể làm được.

Khi trường hợp đó (tâm lăng xăng, xao lãng) xảy ra, ta chỉ cần nhận biết sự thật rằng ta đã và đang suy nghĩ, mộng tưởng mông lung, lo lắng này nọ, hoặc đang nghĩ bất kỳ điều gì đó. Không nên bực mình hay chê trách bản thân mình vì sao cứ bị như vậy - cứ nhẹ nhàng, nhưng cương quyết, kéo mình quay trở lại chú tâm vào cảm giác vào hơi thở vào ra. Nếu sự xao lãng lại xảy ra tiếp, thì cứ làm lại như vậy, cứ bình tĩnh kéo sự chú tâm của mình về/vào lại hơi thở, cứ như vậy, và cứ như vậy, và cứ như vậy.

Nhiều lúc đang lặp đi lặp lại tiến trình thực hành như vậy, bỗng nhiên ta chợt nhận thấy mình thật hoàn toàn điên rồ. Tâm ta giống như một căn nhà điên di động trên bánh xe, bên trong đầy những tiếng kêu thét chí chóe ‘loạn xạ’, đang đổ nhanh xuống đồi, đâm sầm, lăn lóc, mất hết điều khiển và vô vọng. Không sao!. Hôm qua bạn còn điên khùng nhiều hơn. Bạn ít điên khùng hơn bạn hôm qua. Sự thật luôn luôn là vậy, và chỉ đơn giản là bạn không để ý thấy nó thôi. Bạn cũng chẳng điên khùng gì hơn mọi người xung quanh bạn. Sự khác nhau đích thực (giữa bạn và họ) là bạn đã đối đầu với tình huống ‘loạn xạ’ đó; còn họ thì chưa. Vì thế, họ vẫn còn cảm thấy tương đối thoải mái. Điều đó không có nghĩa là họ đang tốt lành gì hơn bạn hết. Sự vô minh hay mê lầm cũng có thể là một dạng hạnh phúc. (Ví dụ người hề quan tâm gì đến cái chết, hoặc không hề biết bản thân mình đang bị bệnh nan y, thì người đó cứ sống vô tư, buông thả, thì họ cũng cảm thấy hạnh phúc; họ hạnh phúc vì họ chẳng biết nguy cơ gì và cũng chưa hề đối diện với tình huống rối tâm đó). Tuy nhiên, loại hạnh phúc đó không dẫn đến sự giải thoát. Vì vậy, đừng để cái suy nghĩ hay suy luận so sánh này nọ như vậy làm bạn nao núng thoái chí trong việc đang thực hành đúng đắn. Nó (cảm giác bị sốc khi bất chợt nhận thấy mình thật hoàn toàn điên rồ) là một bước ngoặc, là dấu hiệu tiến bộ thật sự của bạn. Vì sao?. Vì sự thật là bạn đã đối đầu và nhìn thẳng vào vấn đề khó khăn bằng chính đôi mắt của mình, như vậy có nghĩa là bạn đang đi đúng trên con đường hướng thượng để vượt ra khỏi nó. (Không ai có thể giải quyết được vấn đề khó khăn nào nếu không đối diện và nhìn thẳng vào vấn đề đó. Vì nếu không nhìn thẳng để hiểu biết vấn đề đó là gì, thì giải quyết cái gì, hay vượt qua cái gì?)

Sự quan sát hơi thở là sự quan sát không lời. Có hai điều cần phải tránh, đó là: sự suy nghĩ và sự chìm đắm. Cái tâm suy nghĩ thì thể hiện rõ bằng cái tâm lăng xăng chạy nhảy như con khỉ không ở yên mà chúng ta vừa mới đang nói đến. Còn cái tâm chìm đắm thì gần như là ngược lại. Theo thuật ngữ chung, tâm chìm đắm [hôn trầm] là chỉ về trạng thái lờ mờ, mập mờ, đờ đẫn, biếng nhác, không tinh tường của sự chú tâm—(giống như bóng đèn bị vặn nút ‘dimming’ cho lu mờ đi vậy). Lúc tốt nhất thì nó cũng chỉ là một dạng chân không, một sự trống trơ của tâm mà trong đó chẳng có gì hết—không có ý nghĩ nào, không có sự quan sát hơi thở, không có sự chú tâm về bất cứ sự gì. Đây là một khoảng trống, là một vùng xám xịt không hình tướng, giống giống hơn như kiểu một giấc ngủ không, không có giấc mơ nào. Tâm chìm đắm hay tâm hôn trầm là một sự trống rỗng. Cần tránh rơi vào không!

Thiền Minh Sát (Vipassana) là một chức năng chủ động. Chánh định là sự chú tâm mạnh mẽ, đầy nghị lực, vào một đối tượng duy nhất [nhất điểm] nào đó. Còn sự tỉnh giác là một sự tỉnh thức sáng tỏ, rõ ràng, minh mẫn. Chánh Định (samahdhi) và chánh Niệm (sati)—đó là hai căn bản mà chúng ta mong muốn tu dưỡng cho được. Và cái tâm hôn trầm thì chẳng có chứa một chút chánh định hay chánh niệm gì cả. Lúc tệ nhất thì nó sẽ đưa bạn vào giấc ngủ. Ngay cả lúc tốt nhất thì nó cũng chỉ là vô tích sự, chỉ làm phí thời gian của bạn một cách vô ích.

Khi bạn bị rơi vào trạng thái tâm hôn trầm, chỉ cần nhận biết sự thật đó và quay sự chú tâm về/vào lại cảm giác về hơi thở. Quan sát cảm nhận hơi thở vào ngay điểm tiếp xúc. Cảm nhận sự tiếp xúc của hơi thở vào ra. Thở vào, thở ra và quan sát cái đang diễn ra. Khi bạn đã thực hành như vậy một thời gian - một tuần, mấy tuần hay mấy tháng - bạn sẽ cảm giác được sự tiếp xúc đó như là một đối tượng thuộc về thân. Cứ tiếp tục tiến trình - thở vào, thở ra. Quan sát cái đang diễn ra. Một khi tâm của bạn được tập trung sâu hơn thì bạn sẽ ít bị những rắc rối phiền nhiễu của cái ‘tâm-như-con-khỉ’. Tâm của bạn sẽ chậm lại, từ tốn lại và càng lúc bạn càng có thể theo dõi sát hơi thở một cách rõ rệt hơn, càng ít bị gián đoạn hơn. Bạn bắt đầu trải nghiệm được trạng thái tĩnh lặng sâu hơn trong đó bạn thưởng thức được sự tự do hoàn toàn khỏi những thứ mà ta hay gọi là những xáo trộn về mặt tâm linh [“chướng ngại"]. Ở đó không có tham lam, ái dục, ghen tỵ, ganh ghét, hay sân hận. Không còn những kích động. Nỗi sợ hãi cũng biến mất. Chỉ còn lại những trạng thái tâm tươi đẹp, trong sáng, hạnh phúc, hỷ lạc. Nhưng những trạng thái đó là tạm thời, chúng sẽ mất đi khi hết buổi thiền. Nhưng những trải nghiệm ngắn ngủi tốt đẹp này sẽ thay đổi cuộc sống của bạn. Đây chưa phải là sự giải thoát, nhưng những điều đó là những viên đá lót trên con đường dẫn về hướng ấy—về hướng giải thoát. Tuy nhiên, ta không nên trông đợi sẽ có được ngay những niềm hỷ lạc hạnh phúc này. Ngay cả để có được những viên đá lót này cũng cần phải tốn nhiều thời gian và nỗ lực và kiên nhẫn.

Kinh nghiệm thiền tập không phải là một cuộc cạnh tranh. Thiền có mục tiêu rõ ràng, nhất quán. Nhưng không phải cần phải có thời gian biểu hay dự toán thời gian khi nào là ‘chứng đắc’. (Cái gì đến thì sẽ đến, chuyện tâm linh không thể lên kế hoạch hay ép uổng được). Điều bạn cần làm là đào sâu hơn và sâu hơn xuyên qua những tầng lớp vô minh tăm tối để nhìn thấy ra được lẽ thật và chân lý tột cùng của sự hiện hữu. Tiến trình thiền hành bản thân nó là kỳ diệu và mãn nguyện. Ta sẽ được hỷ lạc khi thực hành theo tiến trình đó. Không cần phải vội vã.

Sau một khóa thiền tập đúng đắn và thành công, bạn sẽ cảm thấy một sự tươi tắn đầy vui sướng của tâm. Đó là một nguồn năng lượng mới, an lành, phấn khởi, và đầy hoan hỷ mà bạn có thể dùng nó để giải thỏa những vấn đề khó khăn của đời sống thường ngày. Bản thân nó cũng đủ gọi là một phần thưởng. Mục đích của thiền (là tu dưỡng tâm để đi đến giải thoát) không phải là để đối đầu với những vấn đề khó khăn khi gặp phải, tuy nhiên năng lực giải quyết khó khăn là một lợi ích phụ biên và nó nên được coi như là một phần thưởng cho công sức tu tập. Nhưng nếu bạn quá nhấn mạnh vào khía cạnh ‘năng lực giải quyết vấn đề khó khăn’, thì bạn sẽ dễ lạc hướng sự chú tâm vào những vấn đề khó khăn đó trong khi thiền tập, sự định tâm sẽ bị trệch hướng, bị phân tán. Đừng nghĩ gì đến những vấn đề khó khăn trong lúc thiền tập. Dẹp chúng qua một bên một cách nhẹ nhàng.

Hãy dẹp qua một bên tất cả mọi lo lắng và toan tính . Hãy để buổi thiền hay khóa thiền của bạn như một kỳ nghỉ mát trọn vẹn. Hãy tự tin bản thân mình, tự tin khả năng giải quyết vấn đề của mình sau đó, đến lúc đó bạn có thể dùng nguồn năng lượng và sự tươi tắn mới của tâm trí mà bạn tu dưỡng được trong quá trình thiền tập hiện tại. Hãy tự tin mình như vậy và điều đó sẽ thật sự xảy ra tốt đẹp như vậy.

Đừng cố đặt ra cho mình những mục tiêu quá cao. Hãy nhẹ nhàng, lịch sự với chính mình. Bạn đang cố gắng theo dõi hơi thở của mình một cách liên tục và không gián đoạn. Điều đó nghe có vẻ dễ dàng, cho nên bạn thường có khuynh hướng ra chiều thúc đẩy bản thân mình phải thật chu đáo và chính xác đến chi li. Điều đó là không thực tế. Cứ từ từ bằng những đơn vị hay công đoạn thực hành nhỏ trước tiên. Vào lúc bắt đầu thở vào, hãy quyết tâm theo dõi hơi thở hết trọn một lần thở vào. Ngay điều này cũng không dễ dàng, nhưng ít nhất nó cũng có thể làm được. Rồi sau đó, vào lúc bắt đầu thở ra, hãy quyết tâm theo dõi hơi thở hết trọn một lần thở, từ đầu đến cuối. Nói thì dễ vậy chứ bạn sẽ vẫn không làm được, sẽ liên tục thất bại, nhưng hãy lên tục cố gắng, liên tục tập lại.

Mỗi khi bạn bị vấp, hãy bắt đầu lại. Mỗi lần một hơi thở. (Hơi thở vào hoặc một hơi thở ra mà thôi). Tập từng cái một. Ở cấp độ một này của ‘trò chơi’, bạn chắc là thắng được. Cứ giữ vậy - và quyết tâm sau một vòng thở ra thở vào. Tức là: Tập (theo dõi) từng hơi thở vào như vậy, tập (theo dõi) từng hơi thở ra như vậy. Và lại quyết tâm làm lại từng mỗi vòng thở mới, những đơn vị thời gian nhỏ. Quan sát từng hơi thở với sự cẩn thận và chính xác, chia nhỏ từng giây một, nối tiếp nhau, mỗi lần một quyết tâm tập (theo dõi) như vậy. Bằng cách tập luyện này, cuối cùng ta sẽ đạt được một sự chú tâm liên tục, liên tiếp và không gián đoạn.

Chánh niệm vào hơi thở là sự tỉnh giác trong giây phút hiện tại. Khi chúng ta chánh niệm một cách đúng đắn, chúng ta chỉ tỉnh giác và hằng biết về những gì đang diễn ra trong thời khắc hiện tại. Ta không nhìn lùi và ta không nhìn tới. Ta phải quên đi hơi thở vừa qua, và ta không đoán trước hơi thở tiếp theo. Khi hơi thở vào vừa đang bắt đầu, ta không nghĩ hay canh lúc nó kết thúc. Ta cũng không bỏ qua hơi thở vào để canh hay nghĩ đến hơi thở ra tiếp theo. Bạn chú tâm ngay tại đó, bạn trụ ngay tại đó với cái đang thực sự diễn ra - trụ tâm ngay nơi tiếp xúc với hơi thở đang diễn ra. Hơi thở vào đang bắt đầu, và đó là cái bạn chú tâm; chú tâm vào đó và không cái gì khác ngoài nó.

Thiền là một tiến trình huấn luyện lại cái tâm. Chúng ta ao ước có được một trạng thái tâm hoàn toàn tỉnh giác, luôn luôn hằng biết về mọi hiện tượng sự việc đang diễn ra ngay trong thế giới sống bất tận của chính mình, ngay trong cái vũ trụ sống của thân tâm mình; hằng biết một cách chính xác cách nó diễn ra một cách chính xác khi nó đang diễn ra; đó là sự tỉnh giác hoàn toàn, trọn vẹn và không gián đoạn vào giây phút (khoảng khắc, thời khắc) hiện tại. Đây là một mục tiêu vô cùng khó khăn, và khó mà làm được hết một lần. Để làm được, ta sẽ thực hành từng bước nhỏ, từng phần nhỏ. Chúng ta hãy bắt đầu chú tâm tỉnh giác hoàn toàn vào một đơn vị thời gian nhỏ, chỉ một hơi thở vào thôi. Và, khi nào bạn đã làm được điều nhở này, thì bạn đang đi đúng đường đến sự trải nghiệm hoàn toàn mới về sự sống của chính mình.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 23 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Kinh Duy-ma-cật (Hán-Việt)


Đường Không Biên Giới


Người chết đi về đâu


Báo đáp công ơn cha mẹ

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.15.1.23 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (161 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...