Đừng làm một tù nhân của quá khứ, hãy trở thành người kiến tạo tương lai. (Stop being a prisoner of your past. Become the architect of your future. )Robin Sharma
Thành công có nghĩa là đóng góp nhiều hơn cho cuộc đời so với những gì cuộc đời mang đến cho bạn. (To do more for the world than the world does for you, that is success. )Henry Ford
Kẻ làm điều ác là tự chuốc lấy việc dữ cho mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Sống trong đời cũng giống như việc đi xe đạp. Để giữ được thăng bằng bạn phải luôn đi tới. (Life is like riding a bicycle. To keep your balance you must keep moving. )Albert Einstein
Đừng cư xử với người khác tương ứng với sự xấu xa của họ, mà hãy cư xử tương ứng với sự tốt đẹp của bạn. (Don't treat people as bad as they are, treat them as good as you are.)Khuyết danh
Cái hại của sự nóng giận là phá hoại các pháp lành, làm mất danh tiếng tốt, khiến cho đời này và đời sau chẳng ai muốn gặp gỡ mình.Kinh Lời dạy cuối cùng
Trời không giúp những ai không tự giúp mình. (Heaven never helps the man who will not act. )Sophocles
Người biết xấu hổ thì mới làm được điều lành. Kẻ không biết xấu hổ chẳng khác chi loài cầm thú.Kinh Lời dạy cuối cùng
Tôi chưa bao giờ học hỏi được gì từ một người luôn đồng ý với tôi. (I never learned from a man who agreed with me. )Dudley Field Malone
Để sống hạnh phúc bạn cần rất ít, và tất cả đều sẵn có trong chính bạn, trong phương cách suy nghĩ của bạn. (Very little is needed to make a happy life; it is all within yourself, in your way of thinking.)Marcus Aurelius

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Chánh niệm (Giảng bằng ngôn ngữ thông thường) »» Chương 3: Thiền Là Gì? »»

Chánh niệm (Giảng bằng ngôn ngữ thông thường)
»» Chương 3: Thiền Là Gì?

Donate

(Lượt xem: 9.783)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  English || Đối chiếu song ngữ


       

Chánh niệm  (Giảng bằng ngôn ngữ thông thường) - Chương 3: Thiền Là Gì?

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Thiền là một ngôn từ, và những ngôn từ thì được dùng theo những cách khác nhau bởi những người nói khác nhau. Điều này nghe có vẻ tầm phào, nhưng không phải vậy. Cũng đáng phải quan trọng để phân biệt chính xác một người nào đó muốn nói gì với những ngôn từ người đó dùng để nói. Ví dụ, các nền văn hóa trên thế giới sản sinh ra những kiểu tu tập tâm nào đó mà họ gọi là thiền. Điều đó lại tùy thuộc vào những định nghĩa lỏng lẻo khác nhau về thiền. Mọi người đều thiền, từ người Châu Phi cho đến những người Eskimo ở vùng cực Bắc. Những kỹ thuật thiền thì khác nhau, nhưng ở đây chúng ta cũng không cần phải cố gắng nghiên cứu tìm hiểu hết tất cả để làm gì. Những quyển sách khác có thể làm việc đó. Trong phạm vi quyển sách này, chúng tôi chỉ muốn giới thiệu sơ lược về một số kỹ thuật tu tập tâm được biết nhiều ở các nước phương Tây, và ít nhiều có liên quan đến vấn đề “thiền”.

Trong truyền thống đạo Cơ-đốc giáo Do Thái, chúng tôi thấy có hai cách thực hành song song, được gọi là cầu nguyện và tụng chú. Cầu nguyện là cầu xin trực tiếp những đấng thần linh nào đó. Còn chú niệm là suy nghĩ có ý thức liên tục ít lâu về một chủ đề, thông thường là một ý nguyện hay một đoạn kinh. Theo cách nhìn về tu dưỡng tâm, thì cả hai cách này là cách tập trung tâm, tức là định tâm. Những dòng chảy tư duy cố hữu khác đều bị chặn lại, và tâm thì được hướng về một đề mục của ý thức. Những cách thực hành định tâm đều mang lại kết quả: sự tĩnh lặng sâu, đó là làm chậm lại quá trình trao đổi chất, và một cảm giác bình an và tốt lành.

Truyền thống Ấn Độ giáo (Hindu) thì có thiền Yoga (Du-già), nó cũng chính là thiền định. Cách thực hành căn bản xưa nay vẫn là hướng tâm tập trung vào một đối tượng riêng lẻ—một hòn đá, một ngọn nến, một từ ngữ—để làm cho tâm không bị xao lãng. Sau khi tu tập được những kỹ năng căn bản về định tâm, các thiền giả Du-già sẽ tiến xa hơn, thiền định vào những đối tượng và đề mục phức hợp khác của tâm—ví dụ như: thiền tụng (những bài kinh), thiền chú, thiền về những hình ảnh đầy màu sắc tôn giáo khác như hình tượng thần linh, các luồng năng lượng trong cơ thể và những thứ khác...vân vân. Tuy nhiên, dù những đề mục có phức hợp đến đâu đi nữa, thì loại thiền này cũng thuần túy là tu luyện cách tập trung tâm, vẫn thuộc về phương thức thiền định (với mục tiêu là đạt đến sự định tâm).

Trong truyền thống Phật giáo, thiền định vẫn được đánh giá cao. Nhưng có một yếu tố được đưa thêm vào và được nhấn mạnh nhiều hơn—Đó là “sự tỉnh giác”. Toàn bộ thiền Phật giáo là nhắm vào việc tu dưỡng sự tỉnh giác [chánh niệm], dùng sự định tâm [chánh định] như là một công cụ. Thiền Phật giáo được phát triển rộng khắp, tuy nhiên lịch sử cũng sản sinh ra những trường phái tu tập khác nhau để cùng nhắm đến mục tiêu đó.

Thiền Tông (Zen) sử dụng hai đường lối khác nhau. Thứ nhất (i) là dùng tâm lực và ý chí mạnh mẽ để nhảy thẳng vào sự tỉnh giác. Thiền sinh ngồi xuống và chỉ ngồi và ngồi, không còn nghĩ về bất cứ thứ gì, chỉ hằng biết hay tỉnh giác về sự ngồi. Điều này nghe có vẻ rất đơn giản. Nhưng không phải vậy. [Cứ thử cách này trong chốc lát bạn sẽ thấy ngay là rất khó]. Đường lối thứ hai (ii) của Thiền Tông là tu tập theo pháp môn thiền Lâm Tế (Rin-zai). Đó là cách đánh lừa tâm ra khỏi ý nghĩ ý thức và trực chỉ vào sự tỉnh giác. Thiền sư đặt ra cho những thiền sinh những câu hỏi [công án] không bao giờ giải được, và thiền sinh phải nỗ lực tập trung vào công án đó để tự tìm ra lời giải đáp. Do vậy, thiền sinh không thể nào trốn khỏi sự khổ cực của tình huống công án, cho nên thiền sinh buộc phải nhảy vào sự trải nghiệm thuần túy của giây phút hiện tại. Chẳng còn hướng đi nào khác.

(Thiền của Thiền tông nhắm vào mục đích kiến tánh để đốn ngộ. Đó là dùng cách “quán công án” hoặc “khán thoại đầu”. Mục đích là nhằm phá hủy các khái niệm và ngôn ngữ hình thức, vốn được cho là không thể chuyển tải được thực tại. Truyền thống này khiến ngôn ngữ của Thiền tông thường khó hiểu và khác lạ đối với lý trí bình thường). Thiền Tông là pháp môn thiền khó, không phải dễ tu theo. Nó có thể thật sự phù hợp đối với nhiều người, nhưng nó là một pháp môn thực sự khó.
Một trường phái khác là Phật giáo Mật Tông thì gần như ngược lại. Họ đề cao tư duy ý thức thông thường, đó là sự thể hiện cái ‘Ta’ mà bạn vẫn thường nghĩ bạn là cái ‘Ta’ đó. Chúng ta đều nghĩ vậy, đều nghĩ ta là cái ‘Ta’ riêng biệt, có danh tánh riêng. Chúng ta đều hành động và mưu cầu tất cả vì cái ‘Ta’ của chúng ta. Tư duy theo ý thức nối kết chặt với khái niệm về cái ‘Ta’. Cái ‘Ta’ [bản ngã, ngã] chẳng qua chỉ là những phản ứng và tâm ảnh được dán ghép một cách giả tạo vào tiến trình trôi chảy của sự tỉnh giác thuần túy. Mật Tông tìm cách tu tập sự tỉnh giác thuần túy bằng cách tiêu diệt hình ảnh cái ngã. Điều này được làm thông qua quá trình “quán tưởng”. Một thiền sinh được giao một hình ảnh vị thần Mật Tông để thiền. Người ấy cứ thiền cho đến khi nào ‘mình’ trở thành hình ảnh đó. Người ấy lột bỏ danh tánh của mình và mang danh tánh khác. Việc này tốn nhiều thời gian quán tưởng, nhưng có thể làm được. Trong quá trính quán tưởng này, thiền sinh có thể quan sát được cách mà cái ngã được dựng lên. Rồi thiền sinh nhận ra bản chất độc đoán của tất cả mọi cái ngã, bao gồm cái ngã của mình, và thiền sinh tìm cách thoát khỏi sự dính mắc vào cái ngã đó. Thiền sinh lúc đó có thể chọn một cái ngã, ngã của mình hay ngã nào khác mà anh ta muốn; hoặc anh ta không chọn cái ngã nào. Kết quả là dẫn đến sự tỉnh giác thuần túy. Thiền Mật tông cũng không phải là dễ tu.
(Tác giả chỉ diễn tả sơ lược như vậy. Những độc giả không tu theo Mật tông, hoặc chưa bao giờ biết về loại thiền này, thì cũng khó mà hiểu được chính xác phương pháp thiền đó là gì. Điểm ở đây là chỉ cần biết đó là một pháp môn thiền không liên quan gì với Thiền Phật giáo nguyên thủy. Thiền mật tông có lẽ bắt nguồn từ thiền Yoga (Du-già); và Phật giáo Mật tông cũng được xếp vào nhóm của Phật giáo Đại thừa).

Thiền Minh Sát (Vipassana) là phương thức thiền cổ xưa nhất của Đạo Phật. Phương thức thiền này được ghi rõ trong kinh “Bốn Nền Tảng Chánh Niệm” (Sitipatthana Sutta), còn gọi là Kinh “Tứ Niệm Xứ” (HV). Đó là một bài thuyết giảng về tu thiền do chính Đức Phật giảng dạy. Thiền Minh Sát là sự tu dưỡng từng bước sự chánh niệm [sự chú tâm tỉnh giác] một cách trực tiếp. Nó tiến hành từng bước từng bước qua nhiều năm tháng. Sự chú tâm của thiền sinh luôn được hướng tới việc quan sát mọi mặt của sự sống của chính mình. Thiền sinh được huấn luyện để chú ý nhiều và nhiều hơn nữa vào dòng chảy trải nghiệm sự sống. Thiền Minh Sát là một kỹ thuật nhẹ nhàng, nhưng nó cũng rất là uyên thâm, sâu sắc. Nó là một hệ thống cổ xưa và bài bản để luyện tập tâm; là một hệ thống những bài tập thực hành giúp cho ta càng lúc càng trở nên tỉnh giác hơn về sự trải nghiệm sự sống của chính mình. Đó là sự lắng nghe một cách chú tâm, sự thấy biết một cách chánh niệm, và sự kiểm chứng một cách cẩn thận. Chúng ta học ngửi một cách sắc xảo, học chạm xúc một cách trọn vẹn, và chú tâm một cách thực sự vào những thay đổi đang diễn ra trong tất cả những trải nghiệm đó. Chúng ta học cách lắng nghe những ý nghĩ của mình mà không bị dính mắc vào những ý nghĩ đó.

Công việc mục tiêu của Thiền Minh Sát là học cách chú tâm. Nói cách khác, mục tiêu của nó là học cách nhìn thấy những lẽ thật về sự vô thường, bất toại nguyện [khổ] và sự vô ngã trong mọi hiện tượng. Chúng ta cứ nghĩ rằng chúng ta vẫn đang làm vậy, nhưng kỳ thực ra chúng ta đang không làm vậy, (chúng ta chưa bao giờ đang nhìn thấy sự thật). Đó chỉ là ảo tưởng. Ảo tưởng là do chúng ta cũng có chú tâm để ý một ít đến sự sống của mình, tuy vậy sự chú tâm đó rất mờ nhạt như kiểu sự chú tâm của ta khi đang lúc chúng ta đang ngủ gà ngủ gật vậy. Đơn giản là chúng ta không chú tâm đủ nhiều để biết được rằng chúng ta chẳng hề chú tâm gì. Hãy suy nghĩ về điều này.
(Về hình thức ngữ nghĩa, đây là một kiểu nói ‘huề tiền’, nghe như một ‘nghịch lý’—vì nếu ta đã chú tâm nhiều thì ắt hẵn ta đã có sự chú tâm rồi, chứ không lẽ còn sự ‘không chú tâm’ mà ta nhìn thấy. Tuy nhiên, độc giả sẽ tự suy ra được ý của câu nói này là gì. Tác giả đang đề cao “sự chú tâm” [tỉnh giác] trong thiền tập chánh niệm).

Thông qua tiến trình chánh niệm, chứng ta dần dần trở nên tỉnh giác, ý thức rõ mình là cái gì bên dưới hình ảnh cái ‘ta’ giả tạm mà người đời hay gọi là ‘bản ngã’ hay ‘linh hồn’. Chúng ta tỉnh thức thấy cuộc sống đúng-như-nó-là. Cuộc sống không phải chỉ là những thăng trầm, sướng khổ, lên xuống. Đó chỉ là ảo tưởng, mê lầm. Sự sống vốn là một kết cấu đa chiều sâu sắc hơn nhiều, nếu chúng ta chịu khó nhìn, và nếu chúng ta nhìn một cách đúng đắn.

Thiền Minh Sát là một hình thức huấn luyện tâm dạy cho bạn cách trải nghiệm thế giới theo một cách hoàn toàn mới. Lần đầu tiên bạn biết được điều gì thực sự đang xảy ra với bạn, xung quanh bạn và bên trong bạn. Đó là một tiến trình tự khám phá chính mình, một cuộc tự thân tìm tòi thông qua đó bạn có thể quan sát những trải nghiệm và cảm nhận của chính mình trong khi đang quán sát chúng, và ngay trong khi chúng đang diễn ra. Chúng ta nên tiếp cận Thiền Minh Sát bằng thái độ như vậy.
"Không cần để ý những điều mình đã được giáo dục. Dẹp bỏ mọi lý thuyết và định kiến và những khuôn phép nguyên tắc. Tôi muốn hiểu rõ bản chất tự nhiên đích thực của sự sống. Tôi muốn biết rõ kinh nghiệm sống này đích thực là gì. Tôi muốn thấy rõ những tính chất chân thực và sâu sắc nhất của đời sống, và tôi không muốn đơn thuần chấp nhận sự giải thích của người khác. Tôi muốn tự mình thấy biết được cho chính mình".

Nếu bạn theo thiền tập với thái độ như vầy, bạn sẽ thành công. Bạn sẽ thấy mình quán sát mọi sự việc một cách khách quan, chính xác như-chúng-là, đang trôi qua và biến đổi liên tục trong từng khoảng khắc, trong từng sát-na. Từ đó, cuộc sống bắt đầu diễn ra với muôn vàn màu sắc không thể nào diễn tả hết được. Nó phải được trải nghiệm thực sự.

Trong tiếng Pali, thiền quán trí tuệ hay Thiền Minh Sát được gọi là 'Vipassana Bhavana'. Bhavana xuất phát từ căn từ 'Bhu', có nghĩa là lớn lên, tăng trưởng hay trở thành. Vì vậy, 'Bhavana' có nghĩa là vun trồng, nuôi dưỡng, và từ này luôn luôn được dùng để nói về tâm. Bhavana có nghĩa là sự 'tu dưỡng tâm'. Danh từ 'Vipas-sana' thì xuất phát từ hai căn từ. 'Passana' có nghĩa là thấy hay cảm nhận. 'Vi' là một tiếp đầu ngữ với nhiều nghĩa. Nghĩa căn bản là 'một cách đặc biệt'. Nhưng nó cũng bao hàm ý nghĩa 'đi vào, bên trong' và 'xuyên suốt, thấu đáo'. Toàn bộ danh từ 'Vipassana' có ý nghĩa là: “nhìn vào bên trong cái gì với sự minh bạch rõ ràng và chính xác, nhìn rõ mỗi thành phần một cách riêng biệt và phân biệt, và nhìn thấy xuyên suốt để cảm nhận được cái thực tại đích thực của cái đó”. Quá trình này dẫn đến trí tuệ nhìn thấu bên trong của bất kỳ sự vật hiện tượng nào đang được quán sát. Kết hợp lại tất cả thì toàn bộ danh từ ghép "Vipassana Bhavana" có nghĩa là: "sự tu dưỡng tâm, nhằm mục đích thấy biết một cách đặc biệt để dẫn đến trí tuệ và sự hiểu biết trọn vẹn". Chúng ta hay gọi là Thiền Minh Sát.

Trong Thiền Minh Sát, chúng ta tu tập phương pháp nhìn sự sống theo cách đặc biệt này. Chúng ta tu tập bản thân để nhìn thấy được thực tại đúng như nó là. Và chúng ta gọi đó là phương pháp nhận thức đặc biệt đó là “Chánh niệm”. Tiến trình chánh niệm thật sự khác với những gì chúng ta thường làm.

Chúng ta thông thường chẳng bao giờ chú tâm để ý đến những gì đang thực sự diễn ra trước mắt chúng ta. Chúng ta nhìn mọi thứ qua bức màn của những tư duy và quan niệm của chúng ta, và chúng ta lầm tưởng những đối tượng của tâm là thực tại, (giống như một người vì màn đêm tối mà lầm tưởng một sợi dây là con rắn vậy). Chúng ta cứ bị dính mắc vào dòng tư duy bất tận như vậy và bỏ lỡ thực tại trôi qua mà không hề biết đến. Chúng ta tiêu tốn thời gian vào sinh hoạt hàng ngày, bị dính mắc trong một cuộc chạy bất tận đi tìm khoái lạc và thỏa mãn nhu cầu, và bị kẹt trên một chuyến bay bất tận cất cánh từ khổ đau và bất toại nguyện. Chúng ta tiêu tốn tất cả sức lực, cố gắng cả đời để chỉ làm cho mình...cảm thấy tốt hơn, để chôn vùi nỗi sợ hãi của chúng ta. Chúng ta không ngừng đi tìm sự an ninh. Trong khi đó thế giới chân thực trôi qua mà không được tiếp xúc, không được nếm trải. Với Thiền Minh Sát, chúng ta tu tập chính bản thân mình dẹp bỏ những nhịp sống cố hữu hàng ngày để mình cảm thấy dễ chịu và thư thả hơn, và như vậy chúng ta lặn sâu vào thực tại đích thực của cuộc sống. Có một lẽ thật là sự bình an chỉ đến với bạn khi nào bạn không theo đuổi nó. Nếu bạn đeo đuổi nó thì chẳng khác nào như “gậy ông đập lưng ông” vậy.

Khi nào bạn buông xả dục vọng tìm kiếm khoái lạc, tiện nghi, sung sướng, thì sự bình an mãn nguyện thật sự sẽ đến với bạn. (Bớt tham con người sẽ trong sạch và nhẹ nhàng thư thái hơn). Khi bạn dẹp bỏ cuộc chạy điên cuồng đi tìm thỏa mãn nhu cầu khoái lạc, vẻ đẹp thực sự của cuộc sống sẽ hiện ra trong đời bạn. (Một người suốt đời chỉ chạy theo tiền bạc, của cải vật chất và danh vọng thì làm sao thấy được vẻ đẹp và lẽ sống chân thực của cuộc đời). Khi bạn đi tìm tòi để hiểu được lẽ chân thực mà không còn bị ảo tưởng mê lầm, sau cùng không còn khổ đau và mối nguy hại, thì đó là lúc bạn có được sự tự do và an ninh đích thực. (Bình an và giải thoát đích thực chỉ có được khi bạn đã thấy được lẽ chân thực của sự sống như nó là, chứ không phải là cuộc sống như người đời đang nhìn dưới ‘lăng kính’ đầy quan niệm thế tục và lối mòn tư duy cố hữu). Ở đây, chúng tôi không phải đang cố nhồi sọ một triết lý mới cho bạn. Mà đây là một thực tại, là lẽ thật, là chân lý của sự sống mà chúng ta có thể quan sát được, bạn có thể tự mình nhìn thấy và chứng ngộ được.

Phật giáo đã hơn 2,550 năm, và tư tưởng của triết lý cổ xưa này đã có nhiều thời gian để phát triển thành nhiều tầng nhiều lớp triết lý và nghi thức cho đến hôm nay. Tuy nhiên, thái độ cốt lõi và cao đẹp của đạo Phật là không áp đặt tư tưởng và không liên quan gì đến thần quyền. Đức Phật Cồ-đàm là người không thích kiểu chính thống cứng nhắc và là người không chủ trương truyền thống giáo điều. Phật chưa bao giờ đưa ra một lời dạy theo kiểu giáo điều, mà chỉ như là những lời đề nghị hay gợi ý để mỗi cá nhân tự mình tìm hiểu và tự mình chứng nghiệm cái gì là đúng cái gì là sai.
Lời của Phật là lời mời gọi từng mỗi người và mọi người “Đến và Thấy”, đến để thấy chứ không phải đến để tin. Một trong những điều Đức Phật khuyên dạy các đệ tử của mình là “Đừng đặt ai bên trên cái đầu của mình”. Nghĩa là gì? Nghĩa là đừng chấp nhận lời nói của người khác là đúng hay sai. Phải từng mình trải nghiệm và kiểm chứng cái gì là đúng, cái gì là sai.

Chúng tôi cũng muốn các bạn áp dụng thái độ này khi đọc từng câu chữ trong quyển sách này!. Chúng tôi không phải đang tuyên thuyết những điều để bạn cứ đọc và chấp nhận một cách dễ dàng chỉ vì lý do chúng tôi là người biết rành về lĩnh vực thiền này. Niềm tin mù quáng chẳng liên quan gì đến tinh thần quyển sách này. Có những thực tại, những lẽ thật thuộc về trải nghiệm và cần bạn phải tự trải nghiệm. Bạn chỉ cần học và điều chỉnh cách cảm nhận về sự sống theo sự hướng dẫn trong sách này, và bạn sẽ tự mình thấy biết được mọi sự cho chính mình, bởi chính mình. Điều đó, và chỉ có thể là điều đó, mới chính là cơ sở cho niềm tin của bạn. Thiền Minh Sát là sự tự tìm tòi khám phá chính mình.

Nhân tiện nói về vấn đề này, chúng tôi xin nói ngắn gọn về một số điểm chính của triết lý Phật giáo. Chúng tôi không cố bàn luận rộng rãi về Phật giáo, vì những đề tài này đã được trình bày một cách tuyệt vời trong nhiều kinh văn và giảng luận khác nhau. Còn ở đây căn bản chỉ xoay quanh đề tài Thiền Minh Sát, và chúng tôi chỉ trình bày một số triết lý căn bản của Phật giáo để giúp bạn hiểu thêm về chủ đề thiền của quyển sách này.

Theo quan điểm của Phật giáo, loài người sống theo một kiểu rất kỳ lạ. Chúng ta coi những thứ luôn biến đổi vô thường là bất biến, cố định, trường tồn mặc dù chúng ta đều nhìn thấy mọi sự xung quanh ta luôn biến đổi. Tiến trình biến đổi là liên tục và bất tận. Khi bạn đang đọc quyển sách này, cơ thể của bạn cũng đang già đi. Nhưng bạn chẳng hề để tâm vào điều đó. Quyển sách trong tay bạn cũng đang biến hoại hư hao đi. Chữ in đang phai dần và các trang giấy cũng đang cũ giòn đi. Những bức tường chỗ bạn ngồi cũng đang cũ đi. Những phân tử bên trong bức tường cũng đang xung động, và tất cả mọi thứ đang chuyển hóa, biến hoại và phân thành nhiều mảnh và tan rã dần dần theo thời gian. Bạn cũng không hề chú tâm đến điều đó.

Rồi một ngày buồn tênh bạn nhìn xung quanh mình. Thân thể mình nhăn nheo và lụm khụm và dễ đau bệnh. Quyển sách đã chuyển màu úa vàng, chỉ còn là một mớ giấy phế thải vô dụng. Tường vách thì lỗ chổ hư nát. Bạn già đi, tiều tụy vì thời xuân sắc đã qua và bỗng nhiên ngồi khóc một mình nhìn những gì có được ngày xưa nay đã không còn. Niềm đau này đến từ đâu?. Nó đến từ sự không chánh niệm, sự thiếu chú tâm, sự vô tâm của chính mình về cuộc đời mình. Bạn đã không nhìn sát cuộc đời mình. Bạn đã không quan sát một cách sâu sát dòng chảy biến đổi của thế gian khi nó liên tục trôi qua. Bạn chỉ lo lập một bộ sưu tập những tâm tạo tác [tâm hành] về cái ‘ta’, về cái ‘quyển sách’, ‘tường nhà’, và bạn cứ cho rằng chúng là bất biến, là tồn tại mãi mãi. Chúng không phải vậy. Chúng luôn biến đổi và tan rã. Nhưng bây giờ bạn vẫn còn có thể nhảy vào dòng chảy liên tục đó của sự sống. Bạn vẫn còn có thể học cách cảm nhận sự sống đúng là sự chuyển động của một dòng chảy liên tục, nó thật đẹp như một vũ điệu hay một bản giao hưởng. Bạn có thể học được cách hoan hỉ vui tươi trong dòng sinh diệt bất tận của mọi hiện tượng trên đời. Bạn có thể học cách sống chung với dòng chảy cuộc đời hơn là cứ mãi mãi trốn chạy hay đi ngược dòng với nó. Bạn có thể học được. Chỉ là vấn đề của thời gian và tu tập.

Những thói quen cảm nhận của con người là rất ngu dốt và u mê theo nhiều cách. Chúng ta lơ là vô tâm với 99% những xúc tác mà chúng ta nhận được từ bên ngoài cảnh trần, và chúng ta củng cố 1% còn lại thành những đối tượng của tâm. Rồi sau đó, chúng ta phản ứng với những đối tượng của tâm [mọi pháp] đó theo những thói quen [tập khí] đã được lập trình thành lề thói ở trong đầu từ rất lâu.

Ví dụ: Một hôm ta ngồi im trong một đêm tĩnh lặng. Rồi ngoài kia có tiếng chó sủa. Thật ra cái cảm nhận của ta lúc đó là rất đẹp nếu ta chịu chú tâm quan sát sự cảm nhận đó. Giữa không gian tĩnh lặng dâng lên một làn sóng xung động của âm thanh. Ta có thể lắng nghe một khúc âm vực phức hợp, trầm bổng, cao thấp, rất hay, chúng tạo thành những kích thích điện tử trong hệ thần kinh của mình. Mỗi tiến trình âm thanh là rất đẹp và tự nó rất hoàn hảo. Nhưng loài người chúng ta thường không bao giờ để ý đến chúng. Thay vì vậy, chúng ta chỉ ý đến con chó, tạo chấp sự nhận thức đó thành một đối tượng của tâm, đó là chó, hơn là âm thanh. Rồi chúng ta đặt tên dán nhãn cho sự chấp tạo đó, rồi phản ứng lại bằng một loạt các phản xạ thuộc về tình cảm và quan niệm cố hữu về những tên nhãn đó. (Những ‘tên ‘hay ‘nhãn’ được chấp tạo như vậy được gọi là những hình ảnh trong tâm hay tâm ảnh). Thường thì chúng ta chỉ nghĩ về con chó kiểu như vầy:
– “Lại là con chó đó nữa. Nó luôn luôn sủa giữa đêm khuya. Thật là bực mình. Nó đúng là sự phiền phức hàng đêm. Ai đó phải làm gì nó chứ. Có lẽ tôi nên gọi cảnh sát. À mà không, gọi đội bắt chó chứ. Vậy, để tôi gọi trung tâm nhốt thú vật đi lạc. Hay không, có lẽ tôi viết thư nói phải quấy với nhà chủ của con chó đó. Nhưng coi chừng rắc rối nữa. Thôi tốt nhất tôi lấy hai cái bịt tai là xong”. Những phản xạ như vậy chỉ là những thói quen nhận thức [tập khí] của tâm. Đó là “thói tâm”. Chúng ta học cách phản ứng theo thói như vậy từ những ngày thơ bé bằng cách sao chép, bắt chước những thói quen của mọi người xung quanh. Những phản xạ thuộc về nhận thức đó không phải là di truyền trong cấu trúc hệ thần kinh. Nhưng đây không phải là cách duy nhất mà bộ máy tâm thức được dùng. Rằng: có những thứ đã được học và đã được bắt chước có thể được xả bỏ đi. Bước đầu tiên là phải nhận ra bạn đang làm cái gì, ngay khi bạn đang làm nó, và lùi lại, và lặng lẽ quan sát nó.

Theo quan điểm của Phật giáo, con người có một cái nhìn ngược ngạo về cuộc sống. Những thứ thực sự là nguồn gốc của khổ đau thì ta coi như là hạnh phúc. Nguyên nhân nguồn gốc của mọi khổ đau chính là từ Tham-Sân như chúng ta đã nói trước đây. Mọi sự khởi sinh đều tạo ra một nhận thức. Bất kỳ thứ gì—một cô gái đẹp, một anh chàng đẹp trai, một con thuyền tốc độ, một tên sát thủ với súng trong tay, một chiếc xe tải đang đâm vô mình... bất kỳ thứ gì. Cho dù nó là gì, thì lập tức sau đó chúng ta phản xạ ngay với đối tượng kích thích đó bằng một cảm giác [cảm thọ] về nó.

Ví dụ, hãy lấy sự lo âu. Chúng ta lo âu đủ điều. Bản thân sự lo lắng không là vấn đề. Lo lắng là một tiến trình. Nó có các bước. Lo lắng bất an không phải là một trạng thái của sự tồn tại mà là một diễn biến. Cái chúng ta cần làm là nhìn ngay vào chỗ bắt đầu của diễn biến đó, những khúc ban đầu đó dần dần khởi sinh lên tiến trình, như là những mạch nước đổ vào tạo ra dòng suối vậy. Mối mắc xích đầu tiên của sự lo lắng bất an chính là phản xạ “nắm giữ”/“chối bỏ” của tâm. Ngay sau khi một sự gì chạm xúc với tâm, (tâm) chúng ta liền cố nắm giữ hay chối bỏ ngay lập tức (i).
(Ví dụ: Khi đang đói bụng, hay khi thấy thức ăn thơm ngon, chúng ta chụp lấy hay muốn ăn ngay. Đang no nê, hay đang bệnh yếu, hay gặp phải đồ ăn dở, chúng ta từ chối hay chối bỏ nó ngay. Cũng như vậy, nhiều thói đời cũng đáng buồn như thói tâm. Khi ta gặp người bề ngoài đẹp đẽ, sang trọng, giàu có ta thường cố nắm giữ quan hệ giao hảo, “bắt quàng làm họ”. Không quen biết cũng nói chuyện thân mật. Không họ hàng cũng gán ghép họ nội họ ngoại. Không đồng hương cũng gán ghép gần xa, khen ngợi quê hương của khách. Còn khi ta gặp người xấu xí, thấp hèn, nghèo nàn, ta thường không chào hỏi thân ái, không muốn nói chuyện nhiều, ngồi chung bàn nhưng ngồi tránh xa và thậm chí cũng chẳng thèm hỏi người ấy tên gì. Cứ như sợ người ta nhờ vả hay nhìn ra mình là họ hàng của họ vậy. Thói đời cũng là thói tâm, từ ăn học, từ giáo dục cha mẹ, từ bắt chước cuộc sống và từ bản năng sinh tồn hơn thua mà tạo tác trong tâm).
Quay lại về sự lo lắng bất an chỗ (i) ở trên: Rồi sau đó hàng chuỗi những lo âu phản ứng thành một chuyển động. (Đó là những chuỗi phản ứng có điều kiện, thông qua sự ‘học’, sự ‘bắt chước’ và những ‘nguồn’ tác động của cảnh trần và đời sống xã hội của nhân loại xung quanh lâu ngày đã được huân tập và tác thành những tập khí hay thói tâm). May mắn thay, có một công cụ được gọi là Thiền Minh Sát (Vipassana) mà chúng ta có thể dùng để làm ‘đoản mạch’, làm tắt ngưng toàn bộ cái cơ chế thói tâm cố hữu đó của tâm. (Giống như một mạng điện hay điện tử đang chạy theo cơ chế lập trình từ lâu của nó. Chúng ta cắt một dòng mạch hay đổ một gáo nước vào đó, lập tức mạng điện sẽ bị đoản mạch và ‘chết máy’ ngay. Cơ chế cũ bị phá bỏ.)

Thiền Minh Sát chỉ cho chúng ta cách dò xét tiến trình nhận thức của chúng ta với sự chính xác cao. Chúng ta học cách quan sát sự khởi sinh của ý nghĩ [ý hành] và nhận thức [tưởng] bằng một cảm giác vô tư bình lặng. Chúng ta học cách nhìn những phản xạ của chúng ta đối với những chạm xúc kích thích từ bên ngoài bằng sự bình tĩnh và minh bạch. Chúng ta bắt đầu nhìn thấy rõ mình phản ứng mà không bị dính chấp hay can thiệp vào những phản ứng đó. Bản chất ám ảnh của ý nghĩ theo thói tâm lâu ngày sẽ từ từ tắt lịm. Chúng ta vẫn có thể có vợ, hay có chồng. Chúng ta vẫn còn tránh né được chiếc xe tải đang lao tới ta. Tuy nhiên, chúng ta không cần phải lao vào hôn nhân nếu điều đó chỉ là ác mộng; hay chúng ta không cần phải đi vô làn của xe tải trên đường cao tốc khi xe tải vẫn thường xuyên chạy qua. (Chúng ta không cần phải làm những thứ mà ta biết chỉ là rước họa vào thân.)

Sự thoát khỏi bản chất ám ảnh của ý nghĩ theo thói quen cố hữu, như mới nói trên, tạo ra một cách nhìn hoàn toàn mới về thực tại. Đó là sự chuyển đổi toàn diện, sự thay đổi hoàn toàn cái cơ chế nhận thức cố hữu trước đây. Nó cũng mang lại niềm hạnh phúc có được nhờ giải thoát khỏi sự ám ảnh đeo bám; một cảm giác bình an và đúng đắn (đó là chánh tư duy và chánh kiến), một niềm vui mới cho đời sống và một cảm nhận trọn vẹn lành mạnh đối với mọi hoạt động sống. Nhờ những lợi ích này, Phật giáo coi cách nhìn vào mọi sự vật hiện tượng theo cách như vậy là cách nhìn đúng đắn về sự sống. Và kinh điển Phật giáo thường hay gọi cách đó là: “nhìn thấy mọi sự vật hiện tượng như chúng đích thực là”.

Thiền Minh Sát là một hệ thống những bước tu tập để từ từ mở ra cho chúng ta cách nhìn mới như vậy để nhìn thấy được từng mỗi sự việc sự thể như-nó-đích-thực-là.
(Ví dụ, khi ta nhìn cái bánh căn, chúng ta nhìn đúng bản chất nó là bột. Khi nghĩ đến bột, ta nhìn thấy đúng bản chất nó là gạo. Khi nghĩ đến gạo, ta biết đích thực nó từ hạt lúa mà ra; hạt lúa từ cây lúa, từ cây mạ xanh non; từ hạt mầm của lúa và đất, nước, gió, phân bón và công sức của người nông phu...Ta tự thấy mình ăn một hạt cơm thắm đượm bao nhiêu công sức và sự diệu kỳ của những yếu tố tự nhiên. Ta hiểu được bản chất sự sống là hữu vi, là cần nhiều những điều kiện, là tương trợ, tương sinh, tương tức. Thì sẽ thấy mình chẳng là gì. Không có ‘bản ngã’ cố định nào tự sống một mình được. Đời người và mọi sự hiện hữu cần phải có những điều kiện tạo tác. Ta không còn đề cao tự ngã, không còn tự ta nữa. Và dần dần phá bỏ cái ngã chấp là tác nhân đứng sau dục vọng vốn là nguyên nhân gây ra khổ đau và bất toại nguyện.)
Quay lại đề tài Thiền Minh Sát, song song với cách nhìn hoàn toàn mới về sự sống và thực tại, Thiền Minh Sát cũng mang lại cách nhìn mới về cái chủ thể trung tâm nhất của thực tại: Đó là cái ‘tôi’. Nếu dò xét kỹ, chúng ta sẽ biết được rằng những thói tâm xử sự những nhận thức của chúng ta cũng giống y thói tâm chúng ta về cái ‘tôi’. Chúng ta bị cuốn vào một guồng máy cố hữu của ý nghĩ [hành], cảm giác [thọ] và cảm nhận [tưởng] và chúng ta củng cố cái guồng máy đó thành một tâm hành tạo tác. Và rồi, chúng ta dán nhãn lên nó, tên là ‘Tôi’. Rồi từ đó đến mãi mãi về sau, chúng ta coi nó như thể nó là một thực thể cố định và trường tồn vĩnh viễn. Chúng ta coi nó như là một danh tánh tồn tại độc lập, không liên quan gì đến mọi sự khác. (Giống như một dạng ‘linh hồn’ bất biến và truyền kiếp vậy). Chúng ta kéo bản thân mình ra khỏi dòng biến đổi vô thường bất tận của vũ trụ thế gian. (Bản thân thế gian vũ trụ cũng biến đổi vô thường, vậy thì ta là gì trong đó mà tồn tại bất biến, độc lập và bất diệt?). Và rồi sau đó chúng ta buồn vì thấy mình đơn độc. Chúng ta làm ngơ và không hề để ý gì đến sự kết nối hữu cơ ngàn đời của chúng ta với vạn vật xung quanh, với mọi người xung quanh, và quyết tâm rằng ‘Tôi’ phải có nhiều hơn nữa, phải nắm giữ nhiều thứ hơn nữa cho cái ‘Tôi’; và chúng ta càng ngạc nhiên về cái lòng tham vô đáy và sự vô tâm vô cảm của nhân loại trên đời. Và cứ như vậy ta đi theo hướng đó. Mọi hành động bất thiện, xấu ác, những thói vô tâm ích kỷ của người đời đều bắt nguồn từ cái ý tưởng và nhận thức sai lầm về cái ‘Tôi’ như thể nó là có thật, là bất biến và bất diệt thiên thu vậy. (Thật ra cái ‘ta’, hay cái ‘ngã’, chỉ là giả danh và chỉ là một ý tưởng sai lầm. Còn lẽ thực là: không có một cái ‘ta’, không có một bản ngã bất diệt truyền kiếp như một dạng ‘linh hồn’ nào cả. Không có ‘ai’ cả!.)

Nếu bạn phá vỡ được cái ảo tưởng một chiều đó về cái ‘tôi’ thì cả thế giới của bạn sẽ được thay đổi. Tuy nhiên, bạn cũng đừng hy vọng làm được điều đó sau một đêm!. Bạn đã tiêu phí cả đời để xây dựng cái quan niệm đó, chấp tạo và củng cố nó bằng vô vàn ý nghĩ, lời nói và hành động [thân, ý, miệng] qua bao nhiêu năm tháng của đời người. Nó [quan niệm về cái ‘tôi’ bản ngã] không thể biến mất trong một ngày một bữa. Nhưng chắc chắn nó sẽ tan biến nếu bạn dành đủ thời gian và sự chú tâm. Thiền Minh Sát là một tiến trình tu tập thông qua đó quan niệm đó sẽ bị phá bỏ. (Nói cách khác, Thiền Minh Sát có chức năng phá bỏ cái quan niệm sai lầm về cái ‘tôi’ đó). Cứ từ từ, từng bước, rồi bạn sẽ gọt bỏ bớt nó...chỉ bằng cách đơn giản là quan sát nó.

Khái niệm cái ‘tôi’ là một quá trình. Đó là cái chúng ta vẫn đang làm. Trong Thiền Minh Sát, chúng ta học cách quan sát hay nhìn vào cái mình đang làm, khi mình đang làm và cách mình đang làm một sự việc gì. Bằng cách "nhìn" như vậy, cái "thói tâm cố hữu đó" đó sẽ chuyển động và phai biến, như làn mây bay qua trời xanh. Tùy vào bạn quyết định có làm việc đó hay không (tức là việc quan sát, việc nhìn vào cái, khi và cách mình đang làm, ví dụ đang suy nghĩ, đang cảm nhận, hay đang hành động); hoặc bạn có thể chọn làm gì đó thích hợp với tình huống hiện tại. Chúng ta có quyền chọn lựa.

Đây là tất cả những trí tuệ chính. Mỗi trí tuệ là một sự hiểu biết sâu sắc thấu đáo về một trong những vấn đề căn bản của sự hiện hữu của con người. Trí tuệ lớn không xảy ra nhanh chóng, mà cũng không xảy ra nếu không có sự nỗ lực đáng kể. Nhưng phần thưởng công là lớn, là xứng đáng. Những trí tuệ đó dẫn đến sự chuyển hóa hoàn toàn sự sống của bạn. Mỗi giây phút sau đó của cuộc đời bạn được thay đổi. Người hành thiền nỗ lực chuyên cần theo hướng này sẽ đạt được một sức khỏe tinh thần hoàn hảo, một lòng thương yêu thuần khiết thanh tịnh dành cho mọi chúng sinh và sự chấm dứt hoàn toàn mọi khổ đau. Điều đó không phải là một mục tiêu nhỏ. Nhưng bạn không cần phải đi hết con đường dài mới gặt hái được những lợi lạc. Lợi ích có được tức thì từ lúc bắt đầu và chúng tích lũy lên theo từng ngày năm tháng. Đó là chức năng tích lũy. Bạn càng ngồi thiền lâu, thì bạn càng hiểu biết thêm về bản chất của sự sống của chính mình. Bạn càng bỏ thêm nhiều giờ để tập thiền, bạn càng có thêm năng lực để tĩnh lặng quan sát từng xung động và ý định, từng ý nghĩ [ý hành] và cảm xúc ngay khi nó vừa khởi sinh trong tâm. Tiến trình đi đến sự thành đạo và giải thoát được đo bằng thời gian ngồi trên gối thiền của bạn. Và bạn cứ ngồi thiền, hay dừng lại bất cứ khi nào bạn thấy đã thiền đủ hôm đó. Không có roi vọt gì ép uổng bạn phải ngồi thiền, ngoại trừ lòng khao khát muốn nhìn thấy bản chất đích thực của cuộc đời mình, muốn làm cao đẹp hơn sự hiện hữu của đời mình và của người khác.

Thiền Minh Sát bao đời là thuộc về trải nghiệm, thuộc về thực hành, là chủ nghĩa kinh nghiệm. Nó không thuộc về lý thuyết. Khi bạn thực hành Thiền Minh Sát, bạn trở thành nhạy cảm với sự trải nghiệm đích thực về cuộc sống, với mọi thứ đích thực cảm giác như thế nào. Không phải bạn cứ ngồi ngồi đó để phát triển những ý nghĩ cao vời về cuộc sống. Mà bạn sống. Thiền Minh Sát, hơn bất kỳ môn nào, chính là học để sống, học cách sống.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 23 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Quy Sơn cảnh sách văn


San sẻ yêu thương


Kinh Di giáo


Sống thiền

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.138.114.198 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (161 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...