Giảng rộng
Nói “tiên triết” là chỉ chung các bậc thánh hiền trong quá khứ. Được nghe lời dạy của thánh hiền thì sinh lòng ngưỡng mộ, ắt tự thân phải ra sức làm theo, giống như vẫn còn được thấy các ngài hiện diện trước mình. Nói “đi đứng nằm ngồi thường nghĩ nhớ”, có nghĩa là bất kỳ lúc nào cũng nhìn thấy các bậc thánh hiền như đang hiện diện trước mặt mình, nhưng không nên quá câu nệ nơi nghĩa đen của từ ngữ, mà nên hiểu là lúc nào cũng suy xét nhớ nghĩ lời dạy của các ngài để làm theo.
Đạo lý của các bậc thánh hiền xưa nay, tùy theo địa phương truyền bá mà có sự linh hoạt tự nhiên nhưng không xa lìa cội gốc, nếu như quá cố chấp vào hình thức mà trong tâm vẫn tồn tại dù chỉ một chút các ý niệm “ý, tất, cố, ngã”, ắt sẽ không khác gì Diệp công thích rồng nhưng chỉ biết đến tranh vẽ rồng chứ không biết có con rồng thật.
Năm xưa, tôi có lần gặp một người cầm trong tay quyển sách Trung dung, liền cùng ông ta bàn luận về nghĩa lý đại thể của hai chữ “trung dung”. Tôi bảo ông ấy: “Trung dung không có hình tướng, nếu cố chấp vào hình thức mà cho rằng chỉ có 33 chương trong sách này mới đúng thật là Trung dung thì đối với đạo lớn của Khổng Nhan dù có nằm mơ cũng không thấy được, huống chi là thực hiểu.”
Ông ấy lập tức nổi giận, nói: “Ý nghĩa ông nói đó là thiền học, chẳng phải đạo Nho của ta.” Nói xong bèn ném ngược quyển Trung dung lên bàn sách. Tôi nói: “Ông thành kẻ tiểu nhân rồi.” Ông ta hỏi vì sao, tôi nói: “Khổng tử từng nói rằng: ‘Quân tử trung dung, tiểu nhân ngược với trung dung.’ Chẳng phải ông vừa ném ngược quyển Trung dung lên bàn đó sao?” Người kia lập tức cãi lại: “Khổng tử nói ‘tiểu nhân ngược với trung dung’, sao có thể chấp cho đó là quyển sách Trung dung trong tay tôi?” Tôi liền cười lớn nói: “Tôi nói trung dung không có hình tướng, chính là như ý ông vừa nói đó.” Ông ta im lặng suy nghĩ hồi lâu, liền tự có chỗ hiểu được.
Một hôm, có người bạn đề cập đến một câu trong sách Mạnh tử: “Nếu tin hoàn toàn vào sách, chẳng bằng không đọc sách.” Tôi nói: “Câu này người thường không dám tùy tiện nói ra, nhưng Mạnh tử nói thì quả đúng không sai.” Người kia vừa nghe có vẻ không hài lòng, tôi chỉ cười không nói gì thêm. Qua một lúc lâu, người ấy bỗng hiểu ra, nói: “Ông quả là người khéo đọc sách Mạnh tử. Tôi đã bị ông giễu cợt rồi.”
Các bậc tiên hiền như vua Nghiêu, vua Thuấn, vua Vũ, vua Thang, Văn Vương, Vũ Vương, Chu Công, Khổng tử, Nhan Hồi... đều là những bậc thánh hiền thời cổ đại, nhưng giá trị văn hiến quý báu của các ngài vẫn còn lưu lại đến nay. Trong những lúc có chút thời gian rỗi rảnh, tôi vẫn thường thả hồn quay về ngàn năm trước, tìm tòi sưu tập rồi đọc qua trước thuật của rất nhiều người, sau đó suy ngẫm trầm tư, lại tham khảo qua lập luận của các bậc hiền nho ngày trước. Nếu như trong ấy có những lời thích hợp với mình, ắt thường ghi nhớ trong lòng hoặc lặng lẽ ngâm nga một mình, tự nhiên để hết tinh thần vào đó. Thỉnh thoảng lại gặp một đôi câu xét thấy chưa thực sự thông suốt, liền viết ra thành tập, đặt lại vấn đề để hy vọng có thể làm sáng tỏ hơn nữa những lời dạy của các bậc thánh hiền ngày trước, khiến cho những học thuyết ấy được vĩnh viễn lưu hành trong đời.
Nhân đó mà trong khoảng 30 năm qua đã hình thành một tập sách đặt tên là “Chất Khổng thuyết”, nêu một số vấn đề cần làm rõ trong học thuyết Khổng tử, vẫn dùng để tự mình suy ngẫm lấy đó làm vui, cũng không dám nói là như được thấy các bậc tiên triết trước mắt, chỉ là muốn làm sáng tỏ cái học của thánh hiền để không phụ lời giáo huấn của các ngài.
Dưới đây xin trích một số vấn đề trong sách Chất Khổng thuyết, mong được chia sẻ với những người cùng chí hướng.
Trích “Chất Khổng thuyết”
Bàn về việc “họ Khổng ba đời bỏ vợ”
Thật quá đáng lắm thay! Những kẻ học Nho thiển cận không hiểu được ý nghĩa của từ ngữ, vu báng điều xấu xa cho gia đình bậc thánh. Đức Khổng tử lấy lễ pháp giáo hóa người đời, trước vẫn xem việc dạy dỗ vợ con trong nhà là căn bản, đức độ chưa hẳn đã kém Văn Vương xưa kia. Ví như vợ ngài không được hiền đức sánh kịp Hậu phi của Văn Vương, ắt cũng đâu tệ hại đến nỗi phải bị chồng xô đuổi?
Một đời bỏ vợ cũng đã là chuyện ghê gớm lắm, huống chi lại đến ba đời đều bỏ vợ! Xét như đạo vợ chồng, theo đạo lý nhà Nho là chuyện hệ trọng, nếu phạm lỗi nhỏ mà bị chồng xô đuổi, ắt gia pháp họ Khổng chẳng thể bỏ qua mà không trách phạt, bằng như phạm lỗi quá lớn đến nỗi phải bị trục xuất ra khỏi gia đình, ắt phải là điều bất hạnh cho họ Khổng biết bao! Huống chi đức Khổng tử là bậc thầy mẫu mực của muôn đời, nếu như vợ ngài lại đức hạnh kém cỏi đến nỗi bị trục xuất, ắt phải tổn thương rất lớn đến thanh danh gia đình. Thế rồi đến người con dâu của bà cũng bị trục xuất, cho đến cháu dâu lại cũng bị trục xuất, như thế thì họ Khổng có còn ra thể thống gì nữa?
Một hôm, tôi mang sách Lễ ký, thiên Đàn cung ra đọc thật kỹ và suy ngẫm, đến câu “Không phải vợ chính của ông Cấp, ắt không phải mẹ của ông Bạch” bỗng kinh ngạc hiểu ra, nghĩ rằng: “Đã không phải vợ chính, tất nhiên là vợ kế. Như vậy trong sách dùng chữ “xuất mẫu” (出母) hóa ra không phải chỉ “người mẹ bị trục xuất”, mà là để chỉ “người mẹ đã sinh ra mình”, cũng giống như nói “sinh mẫu” (生母), như vậy tức là để chỉ người mẹ ruột. Nói “không để tang xuất mẫu” là ý nói không chịu tang mẹ ruột ba năm. Ấy vì Tử Tư là con dòng thứ, Bá Ngư từng bảo Tử Tư để tang mẹ ruột của mình ba năm, Tử Tư không tiện nói với cha như vậy là sai lễ, liền nói: “Từ xưa tổ tiên gia tộc chúng ta chưa từng sai với lễ tắc quy định. Nếu có quy định chịu đại tang ắt phải làm theo.” Từ đó về sau, lễ nghi trong gia đình họ Khổng quy định những người con dòng thứ không để tang 3 năm cho mẹ ruột của mình, sau thành tục lệ vĩnh viễn như thế. Cho nên, trong sách Lễ ký chép rằng: “Họ Khổng có quy định [con dòng thứ] không để tang mẹ ruột là bắt đầu từ ông Tử Tư.” Thật rõ ràng sáng tỏ vô cùng. Thiên Đàn cung của sách Lễ ký đã dùng chữ xuất (出) để thay cho chữ sinh (生), có thể nói là rất hay lạ, trang nhã mà không rơi vào khuôn sáo.
Các nhà Nho đời sau tự mình không hiểu được ý nghĩa của từ ngữ, sao lại khiến cho bậc phu nhân muôn đời kính ngưỡng phải chịu tiếng xấu ác? Xét như các quan đại phu ngày nay thôi, nếu như vợ họ chưa từng bị trục xuất, xô đuổi, mà bị người ta đồn đãi rằng bị trục xuất, hẳn phải lấy đó làm mối hận muôn đời. Người quân tử có lòng nhân đức, nếu nghe biết việc như thế ắt phải thay người mà minh oan, làm rõ sự việc để giải tỏa mối hận ấy. Huống chi việc này lại xảy ra với vị phu nhân của một bậc đại thánh nhân, khiến cho đến ba đời con dâu trong nhà đều phải ôm mối hận ngàn đời như vậy? Cho nên, việc này cần phải được cải chính, giải thích cho mọi người đều rõ, làm sáng tỏ chỗ sai lầm từ trước đến nay.
Lời bàn
Người xưa bỏ vợ, phần lớn trường hợp chỉ vì những lỗi lầm nhỏ, không phải lúc nào cũng là do đánh mất đạo đức lễ nghĩa. Như xem trong sách Khổng tử gia ngữ (孔子家語) thấy Tăng tử bỏ vợ chỉ vì chưng quả lê không chín. Lại xem trong sách Mạnh tử ngoại thư (孟子外書), thấy chép việc Mạnh tử định bỏ vợ chỉ vì nhìn thấy bà ngồi xoạc chân khó coi. Ông đem việc này thưa với mẹ, bà mẹ trách Mạnh tử thất lễ, Mạnh tử nghe lời mẹ, liền tự trách, thôi không bỏ vợ.
Xem qua đó thì có thể biết, bài văn này là vì những kẻ hậu Nho thiển cận hiểu sai mà phương tiện nói ra, vì mối oan chưa được rửa sạch của ba đời phu nhân nhà họ Khổng mà nói ra, cho nên chỗ dụng tâm thật hết sức tốt đẹp, khó nhọc. Chỉ có điều là người đọc cần phải thận trọng đừng để cố chấp nơi từ ngữ mà hiểu sai ý tứ, lại ngộ nhận rằng ba đời họ Khổng đã khai sinh ra thói xấu cưới thêm vợ lẽ. Đó là điều nhất thiết phải phân biện cho rõ.
Bàn về quan niệm “ngoài đạo trung thứ không có lẽ suốt thông”
Đức Khổng tử nói rằng: “Đạo của ta chỉ một mối mà suốt thông tất cả.” Đó chính là đạo lý căn bản một đời của Khổng tử, cũng là chỗ đạo lý căn bản được truyền lại qua bao đời thánh hiền kể từ vua Nghiêu, vua Thuấn, Văn Vương, Vũ Vương, Chu Công... Nhan Hồi từ chỗ “học rộng khắp văn chương, tóm gọn theo lễ nghĩa” mà sau mới hiểu ra được lời dạy “một mối suốt thông” của thầy, cho nên mới bùi ngùi mà cảm thán. Ngoài Nhan Hồi ra, những người được truyền thụ chỗ thấu suốt này bất quá chỉ có được Tăng tử với Tử Cống mà thôi.
Nguyên lý “một mối suốt thông” của Khổng tử hàm ý đâu đâu cũng là đạo. Vì thế mà khi ngài đứng nơi ven sông trên thượng nguồn đã từng cảm thán: “Chảy mãi như thế này sao!” Khi ngài dạy cho môn đệ thường nói: “Ta chẳng có điều gì không dạy cho các ông.” Thật ra, đức Khổng tử nói câu “một mối suốt thông” lại chính vì muốn chỉ rõ việc ngay trước mắt cho những kẻ đã bước ra đường lại không biết lối đi, đã ăn món ngon lại không biết mùi vị. Môn đệ thảy đều không hiểu được ý nghĩa ấy, nên mới đưa ra câu
Hỏi: “Thế là thế nào?” Tăng tử là người đã trực nhận, lại cũng dùng phương pháp chỉ thẳng ngay trước mắt mà dạy cho những người kia rằng: “Đạo của thầy ta, chỉ hai chữ trung thứ là gồm đủ.”
Ví như có người đặt câu hỏi rằng: “Biển giống như thế nào?” Có người khác liền mang một chén nước biển đưa cho người ấy, nói rằng: “Đây chính là nước biển.” Nếu như lại cho rằng ngoài chén nước biển ấy không còn có biển lớn mênh mông, thì quả thật chỉ là người ngu si nói chuyện sằng bậy. Ngày nay có những học giả cứ mở miệng là nói: “Ngoài đạo trung thứ, không có lẽ suốt thông nào cả.” Như vậy có khác gì với kẻ ngu si vừa nói trên?
Bàn về câu “Ung dã khả sử nam diện”
Mấy chữ “khả sử nam diện” (可使南面 - có thể quay mặt về hướng nam) được sách Tứ thư chương cú tập chú (四書章句集註) giải thích là “vị thế của bậc nhân quân”. Dựa theo đó mà xưa nay vẫn cho rằng, vì Trọng Cung là người khoan dung độ lượng, chân thật mà cẩn trọng, có được khí độ của bậc quân vương, nên đức Khổng tử mới nhận xét như thế.
Nhưng xét lại tự thấy cách hiểu như vậy có chỗ chưa thỏa đáng. “Nhân quân” là danh hiệu để xưng bậc thiên tử của chư hầu. Trọng Cung tuy hiền đức nhưng vai vế vẫn là hàng đệ tử của Khổng tử. Một người luôn hết mực “tôn quân” như Khổng tử, lẽ nào lại đặt đệ tử mình lên vị trí bậc thiên tử của chư hầu? Lại thử hỏi, nếu thế thì phải đặt thiên tử nhà Chu với vua nước Lỗ là Lỗ Định công đương thời ở vào địa vị nào?
Xét rằng từ xưa đến nay, bất kỳ ai đã được bổ làm quan chức dù lớn hay nhỏ, đã được một thân vinh hiển, ắt người nào cũng cần phải quay mặt về nam để soi xét việc của dân. Cho nên, ý của Khổng tử ở đây cần được hiểu là, bất kỳ quan viên chức sắc nào dự vào hàng cầm quyền cai trị dân thì đều “có thể quay mặt về hướng nam” cả, mà Trọng Cung là một trong số đó.
Bàn về câu “chấp tiên chi sĩ”
Trong cách dùng ngày xưa, hai chữ sĩ (士) và sự (事) có thể thay thế cho nhau. Trong sách Chu thư, thiên Khang cáo có câu: “Kiến sĩ ư Chu” (見士於周) lại có nghĩa là “Thấy sự việc ở nước Chu”. Theo lẽ ấy mà xét thì cụm từ “chấp tiên chi sĩ” (執鞭之士) ắt phải được hiểu là “việc cầm roi đánh xe” chứ không phải là “kẻ sĩ cầm roi đánh xe”.
Nếu như hiểu chữ sĩ trong cụm từ đó là kẻ sĩ, tức người quân tử, thì như đức Khổng tử đã có dạy rất rõ rằng: “Ở ẩn tại nhà không đáng là kẻ sĩ.” Ở ẩn tại nhà mình, không đóng góp tài trí cho nhân quần xã hội, còn “không đáng là kẻ sĩ”, huống hồ lại đi cầm roi đánh xe hầu hạ người khác?
Bàn về câu “vật hữu bản mạt”
Sách Tứ thư chương cú tập chú (四書章句集註) chú giải rằng “đoạn này nối tiếp ý của câu văn trước đó”. Vì thế nên xưa nay vẫn hiểu rằng, trong câu “vật hữu bản mạt, sự hữu chung thủy” (物有本末,事有終始) thì “vật hữu bản mạt” (vật có gốc, ngọn) được xem là phần đầu, “sự hữu chung thủy” (sự việc có đầu, cuối) được xem là phần sau, cả hai tạo thành một đoạn nối tiếp theo văn trước đó.
Tuy nhiên, xét thật kỹ càng thông suốt văn mạch toàn chương, thì thấy đoạn này không phải nối tiếp phần trước nó, mà thật ra là được viết để khởi đầu cho đoạn tiếp theo. Hiểu theo cách này thì chữ vật (物) được dùng để chỉ phần nội dung trong câu tiếp theo bên dưới, bao gồm: “thân, tâm, ý, tri, gia, quốc, thiên hạ”; mà chữ sự (事) tức là các việc “cách, trí, thành, chính, tu, tề, trị, bình”. Chữ vật (物) với chữ sự (事) được hiểu phối hợp theo cách này thì tất cả ý tứ đều phù hợp, mà lại càng làm tăng thêm ý nghĩa rõ ràng mạnh mẽ hơn.
Nếu lấy quốc (đất nước) so với thiên hạ, thì đất nước phải là gốc, mà thiên hạ là ngọn; lấy gia (nhà) so với quốc (đất nước), thì nhà phải là gốc, mà đất nước là ngọn; cứ thế mà xét, cho đến các khái niệm thân, tâm, ý, tri cũng đều tương tự như vậy. Như thế, có thể thấy hai chữ “bản, mạt” (gốc, ngọn) đã biến hóa vô cùng linh hoạt, kỳ diệu.
Nếu lấy trị (治) so với bình (平) mà xét, thì trị phải là đầu, mà bình là cuối; lấy tề (齊) so với trị (治) mà xét, thì tề phải là đầu, mà trị là cuối; cứ thế mà xét, cho đến các khái niệm cách, trí, thành, chính cũng đều tương tự như vậy. Như thế, có thể thấy hai chữ “thủy, chung” (đầu, cuối) đã biến hóa vô cùng linh hoạt, kỳ diệu.
Những khái niệm “bản, mạt, thủy, chung” (gốc, ngọn, đầu, cuối) đã được vận dụng linh hoạt như thế, tất nhiên các khái niệm “tiên, hậu” (trước, sau) cũng sẽ linh hoạt như thế, cho đến khái niệm “cận đạo” (gần với đạo) cũng sẽ linh hoạt như thế.
Cho nên, đoạn văn này thật ra sử dụng bút pháp hư ảo, không tự có thực nghĩa, chỉ dùng để dẫn khởi cho 8 đề mục thực nghĩa bên dưới. Vì thế mà trực tiếp trước đó là hai đoạn mở đầu với “cổ chi dục minh minh đức” (古之欲明明德), và liền theo sau là hai câu “tri sở tiên hậu, tắc cận đạo hỹ” (知所先後,則近道矣).
Nếu như cho rằng “vật hữu bản mạt” với “sự hữu chung thủy” là 2 phần của một đoạn văn nối tiếp ý văn trước đó, thì sự phối hợp ý nghĩa xét ra rất nhiều chỗ khiên cưỡng. Xét như đoạn văn trước đó mở đầu bằng “tri chỉ nhi hậu hữu định” (知止而後有定), thật ra đã là nối tiếp câu trước đó nữa với ý cuối câu là “chỉ ư chí thiện” (止於至善), cho nên “vật hữu bản mạt” đương nhiên không thể có sự nối tiếp tương ứng với đoạn trước nó.
Huống chi hai đoạn “vật hữu bản mạt, sự hữu chung thủy” lại rõ ràng có ý đề khởi mạnh mẽ chứ không phải ý nối tiếp. Như hiểu ngược lại theo ý tứ của đoạn văn trên, thì “tâm định” làm sao có thể gọi là “sự”, chỗ được an ổn cũng làm sao có thể gọi là “sự”? Hiểu như thế thì một chữ “sự” tự nó đã không có nghĩa thỏa đáng, tất nhiên hai chữ “tiên hậu” theo sau cũng không thỏa đáng, mà đến “tắc cận đạo hỹ” lại càng không thỏa đáng.
Cách hiểu sai lệch này tuy không liên quan đến tông chỉ lớn lao, nhưng nếu như có thể ít nhiều làm sáng tỏ hơn kinh sách của thánh hiền thì cũng nên nói rõ ra để mọi người đều biết.
Bàn về việc thêm chương “Cách vật trí tri” vào sách Đại học
Chu Hy khi đọc cổ bản của sách Đại học (大學), cho rằng tiếp theo chương “Thính tụng” (聽訟) thứ tư đã bị mất đi chương thứ năm là “Cách vật trí tri” (格物致知). Do đó, ông sử dụng ý tưởng của Trình tử rồi tự mình viết bổ sung chương ấy, xếp vào trong sách “Hiền truyện”. Bấy giờ, những người học Nho tranh cãi rất nhiều, không cùng một ý. Nhiều người cho rằng, các vị hậu Nho tuy là hiền đức cũng không có lý nào lại tự mình viết thêm vào kinh sách của thánh nhân.
Khổng tử viết kinh Xuân thu, có những sự mất mát, thiếu sót, đại loại như đến đoạn nói về Hoàn Công năm thứ 14, sau hai chữ “hạ ngũ” (夏五) bị mất một chữ, hoặc phần nói về Trang Công năm thứ 24, sau hai chữ “quách công” (郭公) bị mất một đoạn... vì sao không vận dụng kiến thức của mình để viết bổ sung vào cho hoàn chỉnh, mà cuối cùng vẫn để những chỗ ấy là tồn nghi? Là vì có sự thận trọng. Huống chi phần bổ sung của Chu tử là người thuộc thời đại gần đây, cách hành văn hoàn toàn không giống với phong cách được sử dụng trước đây trong kinh sách của thánh nhân, lại chưa hẳn đã không bị rơi vào chỗ “biết một mà chẳng biết hai”.
Theo chỗ suy luận của tôi thì thật ra chương sách này không hề bị mất, mà phần giải thích ý nghĩa “cách vật trí tri” thật ra là nằm trong chương “Thính tụng” (聽訟). Xét như lý lẽ của sự vật trong thiên hạ vốn là không cùng tận, tiến vào một cảnh giới, ắt lại hiện ra thêm một cảnh giới khác nữa. Lấy như trong việc xét xử tranh tụng mà nói, mọi người đều cho rằng nếu đạt được đến chỗ phân tích cặn kẽ sự việc, phán quyết công bằng thích đáng, ắt đã là cùng cực. Thế nhưng nào biết rằng, vượt trên sự cùng cực đó còn có cấp độ cao hơn của sự “không tranh tụng”, quả thật vượt xa rất nhiều.
Người thấu suốt được cấu trúc vận hành của sự vật, ắt nhận biết được lý lẽ trong thiên hạ, từng bước từng bước thấu hiểu đến chỗ cao tột nhất, thì những việc như “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” đều không còn khó nữa. Vì thế chỉ mượn một việc “tranh tụng” làm ví dụ đơn cử, từ đó suy ra cho đến mọi sự mọi việc trong thiên hạ cũng cùng một nguyên lý ấy, thật ra hoàn toàn không nhằm giải thích về ý nghĩa “bản mạt”.
Chương này vốn nhấn mạnh vào chữ tri (知) trong “cách vật trí tri”, không phải nhấn mạnh vào chữ bản (本) trong “bản mạt”. Chu Hy khi đọc chương này lại chú ý đến chữ “bản” mà quên mất rằng chương này chú trọng chữ “tri”, vì thế mới cho rằng chương này giải thích ý nghĩa “bản mạt”, từ đó tiếp tục suy ra rằng chương giải thích về “cách vật trí tri” đã bị mất!
Xét như toàn bộ các chương giải thích của Tăng tử trong sách Đại học, thật không ngoài 3 cương lĩnh, 8 đề mục đã nêu ở đầu sách. Vậy riêng khái niệm “bản mạt” vốn không phải cương lĩnh, cũng chưa đủ là đề mục, vì sao lại có một chương giải thích riêng? Lại nếu như “bản mạt” đã được giải thích, tại sao “chung thủy” lại không được giải thích? Nay phân tích thật kỹ và suy ngẫm về cách hành văn trong các sách truyện thánh hiền thì tự nhiên thấy rõ. Như chương “Thành ý” (誠其意) được dùng làm chương đầu tiên của phần giải thích 8 đề mục, nên mở đầu là “Sở vị thành kỳ ý giả” (所謂誠其意者), lấy cách viết này áp dụng cho cả 4 chương tiếp theo sau, đều giống như vậy. Nếu như phía trước chương giải thích về “thành ý” lại đặt thêm một chương “sở vị trí tri tại cách vật” thì hóa ra văn pháp hoàn toàn rối loạn, không còn tương hợp nhất quán nữa.
Hiện nay hai phần kinh, truyện trong sách Đại học vẫn còn đủ, sao người đọc sách không tĩnh tâm xét lại một lần thử xem? Đến như hai câu cuối cùng “thử vị tri bản” (此謂知本) và “thử vị tri chi chí dã” (此謂知之至也) đều là những câu cảm thán kết ý, khiến cho người đọc hốt nhiên bừng tỉnh, lãnh hội được ý tứ, nhất định không thể xem là dư thừa.
Bàn về cụm từ “phục Nghiêu chi phục”
Chữ phục (服) chính là được dùng với nghĩa như chữ sự (事). Trong sách Thượng thư (尚書), thiên Trọng hủy chi cáo (仲虺之誥) có câu “toản vũ cựu phục” (纘禹舊服) và thiên Bàn Canh thượng (盘庚上) có câu “dĩ thường cựu phục” (以常舊服), thảy đều dùng chữ sự (事) để giải thích nghĩa của chữ phục (服).
Trong sách Mạnh tử (孟死), thiên Cáo tử hạ (告子下), cụm từ “phục Nghiêu chi phục” (服堯之服) chính là muốn nói “sự Nghiêu chi sự” (事堯之事), nghĩa là “làm theo việc của vua Nghiêu”. Đoạn văn tiếp theo có 2 câu “tụng Nghiêu chi ngôn, hành Nghiêu chi hạnh” (誦堯之言,行堯之行), nghĩa là “đọc tụng những lời của vua Nghiêu, làm theo công hạnh của vua Nghiêu”, chính là để giải thích cho cụm từ “phục Nghiêu chi phục”. Có thể tham khảo thêm chữ “động” (動) trong sách Trung dung, ở câu “quân tử động nhi thế vi thiên hạ đạo” (君子動而世為天下道), để thấy chữ động (hành động) ở đây chính là bao hàm cả ngôn (nói) và hành (làm) của câu giải thích trong sách Mạnh tử.
Hiện nay trong sách Mạnh tử tập chú (孟子集注), ở đoạn Mạnh tử trả lời các câu hỏi của Tào Giao, phần chú giải lại nói rằng “y phục, lời nói, hành động đều không theo lễ nghĩa, nên mới lấy những việc ấy mà bảo”. Cứ theo đây mà hiểu thì rõ ràng chữ phục (服) được hiểu là y phục. Thế nhưng, nếu nói về y phục thì thời vua Nghiêu vốn được chế tác phân thành 12 kiểu loại, dành cho các tầng lớp có địa vị khác nhau trong xã hội, Tào Giao bất quá cũng chỉ là em của Tào Quân, lấy tư cách gì để mặc y phục giống như vua Nghiêu? Bằng như nói rằng không phải mặc y phục giống vua Nghiêu, nhưng là mặc theo y phục được chế tác vào thời vua Nghiêu, thì y phục qua từng thời đại vốn đều có sự thay đổi khác nhau, lại như Khổng tử từng nói: “Sinh vào thời nay mà quay lại theo nếp thời xưa ắt phải chuốc họa vào thân.” Tào Giao sinh vào cuối đời Chu, lại bảo ông ta phải mặc theo y phục của 1.800 năm trước, chẳng phải quái đản lắm sao? Lại xét như vua Kiệt tuy là bạo ngược vô đạo, nhưng y phục của ông ta dùng chắc chắn vẫn là y phục của bậc thiên tử, quyết không thể nào lại nói rằng: “Ta là ông vua vô đạo, phải chế tác riêng loại y phục vô đạo cho ta dùng, lưu lại cho hậu thế.” Tào Giao sao có thể phỏng chế theo y phục lưu lại của thời xưa để mặc?
Cho nên, chỉ có thể giải thích chữ phục (服) là được dùng thay chữ sự (事) thì ý nghĩa mới phù hợp.
Lời bàn
Kinh thư là sách vở văn chương của thánh hiền, lý lẽ đúng thật là lý lẽ được thiên hạ từ xưa đến nay đều công nhận là đúng. Đã là lý lẽ cần được thiên hạ công nhận, thì người trong thiên hạ đều có quyền phân tích bàn luận. Sở dĩ người xưa trước tác thư tịch thảy đều có câu “đợi người quân tử đời sau”, đó là vì trong lòng hết sức mong muốn người đời sau có thể vượt hơn người đi trước, hoàn toàn không muốn rằng càng về sau mỗi đời lại mỗi kém cỏi hơn. Nếu như nói rằng, vì đã có những cách giải thích cố định của người đi trước, nên người sau dù có phát minh điều gì cũng không được nói ra, thế tức là chỉ một nhà Nho đi trước cũng đã đủ để bịt miệng khắp cả thiên hạ đời sau rồi, lẽ nào lại như thế được sao?