Lo lắng không xua tan bất ổn của ngày mai nhưng hủy hoại bình an trong hiện tại. (Worrying doesn’t take away tomorrow’s trouble, it takes away today’s peace.)Unknown
Như cái muỗng không thể nếm được vị của thức ăn mà nó tiếp xúc, người ngu cũng không thể hiểu được trí tuệ của người khôn ngoan, dù có được thân cận với bậc thánh.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Dễ thay thấy lỗi người, lỗi mình thấy mới khó.Kinh Pháp cú (Kệ số 252)
Ta sẽ có được sức mạnh của sự cám dỗ mà ta cưỡng lại được. (We gain the strength of the temptation we resist.)Ralph Waldo Emerson
Khi bạn dấn thân hoàn thiện các nhu cầu của tha nhân, các nhu cầu của bạn cũng được hoàn thiện như một hệ quả.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Hào phóng đúng nghĩa với tương lai chính là cống hiến tất cả cho hiện tại. (Real generosity toward the future lies in giving all to the present.)Albert Camus
Những chướng ngại không thể làm cho bạn dừng lại. Nếu gặp phải một bức tường, đừng quay lại và bỏ cuộc, hãy tìm cách trèo lên, vượt qua hoặc đi vòng qua nó. (Obstacles don’t have to stop you. If you run into a wall, don’t turn around and give up. Figure out how to climb it, go through it, or work around it. )Michael Jordon
Chúng ta không có quyền tận hưởng hạnh phúc mà không tạo ra nó, cũng giống như không thể tiêu pha mà không làm ra tiền bạc. (We have no more right to consume happiness without producing it than to consume wealth without producing it. )George Bernard Shaw
Với kẻ kiên trì thì không có gì là khó, như dòng nước chảy mãi cũng làm mòn tảng đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Ngay cả khi ta không tin có thế giới nào khác, không có sự tưởng thưởng hay trừng phạt trong tương lai đối với những hành động tốt hoặc xấu, ta vẫn có thể sống hạnh phúc bằng cách không để mình rơi vào sự thù hận, ác ý và lo lắng. (Even if (one believes) there is no other world, no future reward for good actions or punishment for evil ones, still in this very life one can live happily, by keeping oneself free from hatred, ill will, and anxiety.)Lời Phật dạy (Kinh Kesamutti)

Trang chủ »» Danh mục »» Rộng Mở Tâm Hồn »» Tây Vực Ký »» Quyển 8 »»

Tây Vực Ký
»» Quyển 8

Donate

(Lượt xem: 3.017)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  English || Đối chiếu song ngữ


       

Tây Vực Ký - Quyển 8

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

QUYỂN 8 - Nước Ma-yết-đà - Phần một

Nước Ma-yết-đà chu vi khoảng 1.630 km. Bên trong thành cư dân thưa thớt nhưng ngoài thôn ấp [vùng quê] rất đông dân. Đất đai màu mỡ, việc trồng lúa phát triển, có nhiều giống lúa lạ, hạt rất to, hương vị cực kỳ thơm ngon, màu sáng rất đặc biệt, dân địa phương gọi là gạo “dành cho bậc đại nhân”.

Đất đai thấp trũng nên những khu dân cư thôn ấp phải chọn vùng đất cao. Từ sau đầu hạ đến trước trung thu, những vùng đất bằng nước chảy ngập tràn, có thể bơi thuyền.

Phong tục nơi đây thuần phác chân chất. Khí hậu ấm nóng. Người dân rất tôn trọng việc học và cung kính vâng theo Phật pháp. Có hơn 50 ngôi chùa, tăng sĩ hơn 10.000 vị, đa số tu tập theo giáo pháp Đại thừa. Đền thờ Phạm thiên có mấy chục nơi, người theo ngoại đạo rất đông.

Phía nam sông Căng-già có một thành cổ, chu vi khoảng 23 km, tuy hoang phế đã lâu nhưng dấu tích nền móng vẫn còn.

Thuở xưa, khi con người có tuổi thọ vô lượng, thành này tên là Câu-tô-ma-bổ-la, vì vương cung nhiều hoa nên gọi tên như vậy. Cho đến khi tuổi thọ [trung bình của] con người là mấy ngàn tuổi thì đổi tên là Ba-trá-ly tử.

Ban sơ có người bà-la-môn học rộng tài cao, học trò đến mấy ngàn người được ông truyền dạy tài nghệ. [Một hôm] có nhóm học trò cùng nhau dạo chơi, trong đó có một người lộ vẻ bâng khuâng buồn bã. Bạn học theo hỏi: “Sao anh buồn bã thế?”

Người ấy đáp rằng: “Tuổi đời đang độ hoa niên mà vẫn đơn độc một mình nơi xứ lạ, thời gian năm tháng chất chồng, việc học chưa thành tựu, nghĩ đến việc ấy nên lòng càng thêm buồn bã.”

Bọn học trò liền nói đùa: “Vậy thì hôm nay bọn tôi sẽ đưa anh đi cưới vợ.”

Rồi bọn họ chọn hai người đóng vai cha mẹ bên nhà trai và hai người đóng vai cha mẹ bên nhà gái, cùng đến ngồi dưới gốc cây ba-trá-ly (patali) và gọi đây là cây “nhà gái”. Cả bọn hái trái cây đang mùa, rót nước trong [thay rượu], [rồi đôi bên gia đình trai gái] cùng bàn bạc chuyện hôn nhân và xin định ngày giờ tốt để kết duyên. Lúc ấy, người đóng giả cha cô dâu đưa tay bẻ một cành hoa trên cây trao cho chàng rể và nói rằng: “Đây là người phối ngẫu cùng con, mong đừng từ chối.”

Người học trò [giả làm chàng rể lúc đó] thấy lòng hân hoan vui mừng vô hạn.

[Chơi đùa như vậy đến khi] mặt trời lặn, bảo nhau ra về, “chàng rể” thấy lòng lưu luyến muốn ở lại. Bạn đồng học đều cười nói: “Chỉ là chuyện vui đùa thôi mà. Xin anh hãy cùng bọn tôi đi về. [Nếu ở lại] trong rừng đầy thú dữ, e rằng sẽ hại mạng anh.”

Cuối cùng, chàng học trò ấy vẫn nhất định ở lại, đi tới đi lui mãi bên gốc cây. Màn đêm buông xuống rồi, chợt thấy ánh sáng lạ thường chiếu sáng trong vùng, có tiếng đàn sáo thanh nhã nổi lên, màn che trướng phủ hiện ra, bỗng chốc thấy một lão ông chống gậy bước đến chào hỏi, lại có một người phụ nữ dẫn theo một thiếu nữ, cùng rất nhiều người đi theo, chen chân đầy đường, thảy đều mặc y phục sang trọng, vừa đi vừa tấu nhạc. Khi ấy, ông già chỉ vào thiếu nữ và nói: “Đây là vợ của con.”

Liền đó âm nhạc nổi lên, yến tiệc bày ra, cùng ca hát vui chơi trong bảy ngày.

[Hôm sau,] những người bạn học ngờ rằng bạn mình đã bị thú dữ làm hại, nên quay lại chỗ ấy tìm kiếm, liền thấy người học trò ấy ngồi một mình dưới bóng cây, dáng vẻ như đang ngồi với khách quý, bạn bè gọi bảo đi về nhưng nhất định không nghe theo.

Về sau, người học trò đó tự quay về trong thành, gặp gỡ thân hữu mới kể lại đầu đuôi câu chuyện. Mọi người nghe xong đều lấy làm kinh quái. Rồi người học trò ấy liền đưa các thân hữu cùng quay lại trong rừng. Đến nơi, thấy chỗ cây hoa ba-trá-ly giờ đã là một tòa nhà lớn, kẻ hầu người hạ qua lại tấp nập. Lão ông đích thân bước ra đón tiếp, bày tiệc tấu nhạc, đầy đủ lễ nghi tiếp khách.

Những người thân hữu quay trở về thành liền kể lại cho mọi người xa gần đều biết chuyện.

Cuối năm đó, sau khi sinh được một đứa con trai, người học trò liền nói với vợ: “Ta muốn về quê nhưng không chịu được sự xa cách nàng, nhưng nếu ở lại đây thì cảm thấy cứ như sống nhờ ở đậu.”

Người vợ nghe vậy rồi liền thưa lại với cha mình, ông liền bảo người học trò: “Người ta sống ở đời, hạnh phúc đâu nhất thiết phải ở nơi quê cũ? Nay ta sẽ làm nhà riêng cho con, đừng nghĩ ngợi gì khác.”

Nói rồi liền cho người làm ngay, chưa đến một ngày đã hoàn tất. Thành Hương Hoa cũ sau đó dời sang nơi này. Vì có đứa con trai của người học trò kia, nên thần linh giúp xây dựng thành mới. Từ đó về sau, do nhân duyên đó mà thành này có tên là Ba-trá-ly Tử.

Phía bắc thành này có một trụ đá cao khoảng 7-10 mét, là nơi [trước đây] vua Vô Ưu cho xây dựng địa ngục.

Sau khi đức Thích-ca Nhập Niết-bàn, trong khoảng 100 năm đầu tiên, có vua A-du-ca là hậu duệ của vua Tần-tỳ-bà-la, đã dời đô từ thành Vương Xá về thành Ba-trá-ly, xây dựng thêm vòng thành bên ngoài, bao bọc thành cổ. Thời gian đã quá lâu, nay chỉ còn lại phần nền cũ mà thôi. Chùa chiền, đền thờ Phạm thiên cùng các ngọn tháp, dấu tích có đến mấy trăm nơi, nhưng chỉ thực sự tồn tại được vài ba chỗ.

Phía bắc thành này giáp với sông Căng-già, bên trong thành nhỏ có hơn ngàn nóc nhà.

Thuở xưa, sau khi vua Vô Ưu lên ngôi, chính sách cai trị khắc nghiệt tàn bạo, cho xây dựng một địa ngục, tàn hại sinh linh. [Địa ngục này có] tường cao sừng sững bao quanh, mỗi góc tường đều có lầu canh xây cao lên, [bên trong] có lò lửa dữ, có đao kiếm sắc nhọn, đủ các công cụ hành hình, thiết kế tưởng tượng theo giống như [địa ngục] chốn âm phủ, rồi chọn kẻ hung ác làm chủ ngục. Ban đầu, hết thảy những người phạm tội trong nước, bất kể tội nặng hay nhẹ đều tống hết vào trong ngục mà hành tội. Về sau, bất cứ ai đi ngang qua địa ngục đều bị bắt giam, hành hạ đến chết, cho nên bịt miệng tất cả, [không ai bên ngoài có thể biết được tình trạng trong địa ngục].

Lúc bấy giờ có một vị sa-môn vừa mới xuất gia, đi khất thực ngang qua cửa ngục, lập tức bị ngục tốt bắt giam, định sẽ sát hại. Vị sa-môn hoảng kinh, liền thỉnh cầu [ngục tốt cho mình] được sám hối [trước khi chết]. Ngay khi ấy bỗng nhìn thấy một người khác vừa bị trói dẫn vào ngục, chặt hết chân tay, cắt xẻo hình hài, rồi chỉ trong chớp mắt toàn bộ thân thể đã bị nát nhừ. Vị sa-môn nhìn thấy vậy càng thêm thương xót, [ngay lúc đó] thành tựu phép quán vô thường, chứng quả Vô học. Khi ấy, ngục tốt nói: “Đến lúc ông phải chết rồi!”

Vị sa-môn đã chứng thánh quả, tâm dứt lìa sanh tử, tuy [bị ném] vào chảo nước sôi vẫn như nơi hồ nước trong mát, có hoa sen lớn hiện ra làm tòa ngồi. Chủ ngục kinh hãi vội vã báo lên nhà vua. Vua thân hành đến xem, hết sức tán thán sự thần dị đó. Khi ấy, chủ ngục nói: “Đại vương phải chết.”

Vua hỏi: “Vì sao vậy?”

Chủ ngục đáp rằng: “Trước đây đại vương có ban lệnh cho người cai quản ngục, bất kỳ ai chỉ cần đi đến chỗ tường bao quanh ngục đều phải giết chết, nhưng không hề nói rằng khi đại vương vào đây thì khỏi phải chết.”

Vua nói: “Luật pháp đã định như vậy rồi, theo đúng lý thì không thể sửa đổi. Nhưng trước đây ta ban lệnh như vậy, lẽ nào lại riêng trừ ngươi ra? Ngươi sống được quá lâu rồi, đó là lỗi của ta.”

Lập tức ra lệnh cho ngục tốt ném [tên chủ ngục] vào lò lửa. Chủ ngục đã chết, nhà vua ra khỏi ngục rồi liền [ra lệnh] phá tường cao, lấp hào sâu, hủy bỏ tù ngục, giảm nhẹ hình phạt.

Cách nơi xây địa ngục không xa về phía nam, có một ngọn tháp nền móng ngiêng lún, chỉ còn lại hình bình bát úp trên cùng, trang sức bằng trân bảo, lan can làm bằng đá. Đây là một trong 84.000 ngọn tháp do vua Vô Ưu xây dựng. Nhà vua đã cho nhân công xây dựng tháp này ngay trong khuôn viên cung điện của mình. Trong tháp có một đấu xá-lợi Như Lai, thỉnh thoảng lại có sự hiển linh, đôi khi có hào quang tỏa sáng.

Sau khi vua Vô Ưu phá bỏ địa ngục thì gặp được Đại A-la-hán Cận Hộ (Upagupta). Ngài dùng phương tiện khéo léo dẫn dắt, tùy cơ nghi mà giáo hóa nhà vua.

[Một hôm, vua] thưa với ngài Cận Hộ rằng: “Trẫm nhờ phước báo đời trước mà được làm vua chốn nhân gian, nhưng buồn vì chướng duyên không [trực tiếp] được Phật giáo hóa. Nay [đối với] di thân xá-lợi của Đức Như Lai, trẫm muốn xây dựng lại những bảo tháp [để thờ phụng cúng dường].

Ngài Cận Hộ nói: “Đại vương dùng oai lực phước đức của mình có thể tác động đến thần linh, dùng tâm thệ nguyện rộng lớn để hộ trì Tam Bảo. Tâm nguyện như vậy nay chính là lúc thích hợp.”

Nhân đó ngài Cận Hộ liền vì nhà vua nói rộng ra về nhân duyên [thuở xưa vua đã từng] cúng dường nắm đất [lên đức Phật] cũng như việc đức Như Lai đã có huyền ký về công việc xây dựng [tháp thờ này].

Vua Vô Ưu nghe xong trong lòng hết sức vui mừng, [liền cho lập đàn tràng] triệu tập quỷ thần ban hiệu lệnh rằng: “Đấng Pháp vương dẫn dắt làm lợi lạc chúng sinh, muôn loài đều được mừng vui an ổn. Trẫm nay nhờ phước lành đời trước, được làm bậc tôn quý trong loài người, đối với xá-lợi di thân của đức Như Lai muốn xây dựng tháp báu để thờ phụng cúng dường. Nay hết thảy quỷ thần hãy đồng tâm hợp lực, trong khắp châu Thiệm-bộ này, bất cứ nơi nào có đủ 100.000 hộ dân đều phải được xây dựng tháp thờ xá-lợi Phật. Tuy rằng trẫm đã phát khởi tâm nguyện này, nhưng muốn thành tựu phải nhờ vào các ngươi. Lợi ích công đức thù thắng này cũng không chỉ riêng mình trẫm hưởng. Các ngươi mỗi người về chỗ của mình khởi sự công việc, khi hoàn thành báo cho trẫm biết để nhận lệnh.”

Chư quỷ thần nhận lãnh thánh chỉ rồi về tại địa phương của mình bắt đầu xây dựng, sau khi hoàn tất đều đến thỉnh mệnh vua. Vua Vô Ưu đã cho mở các tháp có xá-lợi Phật ở 8 nước [để lấy xá-lợi ra], rồi phân chia lại và giao cho các vị quỷ thần [để mang về đặt trong các tháp mới xây]. Khi ấy, vua nói với ngài Cận Hộ: “Trong lòng trẫm có ý muốn cho tất cả các nơi cùng một lúc an trí xá-lợi Phật vào tháp. Tuy muốn như vậy nhưng thật không thể làm như ý muốn.”

A-la-hán Cận Hộ nói: “Bệ hạ hãy ra lệnh cho tất cả quỷ thần vào đúng ngày đã định, ngay khi thấy mặt trời bị che khuất bởi vật có hình dạng như bàn tay thì đồng loạt đưa xá-lợi Phật vào tháp.”

Vua y theo lời, ra lệnh cho chư quỷ thần. Chờ đúng ngày đã định, vua Vô Ưu trong lòng mong ngóng quan sát cảnh vật. Đúng vào giữa trưa, A-la-hán Cận Hộ vận sức thần thông đưa tay che mặt trời, tất cả những nơi đã xây dựng tháp đều nhìn thấy, liền ngay lúc ấy hoàn tất [việc an trí xá-lợi Phật].

Bên cạnh tháp này, cách đó không xa có một tinh xá, bên trong khuôn viên có một tảng đá lớn còn in lại hai dấu chân của đức Như Lai, chiều dài khoảng 60 cm, chiều ngang khoảng 20 cm, cả hai đều có luân tướng và cả mười ngón chân đều có hoa văn, lấp lánh sáng mường tượng như hình [vảy] cá, đôi khi phát ra ánh sáng.

Thuở xưa, khi đức Như Lai sắp tịch diệt, trên đường đi về thành Câu-thi-na ở phương bắc, ngài dừng lại đứng trên tảng đá này, ngoái nhìn về nước Ma-yết-đà ở phương nam, nói với ngài A-nan: “Hôm nay ta lưu lại dấu chân nơi đây lần cuối cùng trước khi nhập Niết-bàn. Trăm năm sau sẽ có vua Vô Ưu lên ngôi trị vì thiên hạ, đóng đô ở vùng này, hộ trì Tam bảo, sai khiến được trăm vị quỷ thần.”

Đến khi vua Vô Ưu lên ngôi, quả nhiên dời đô về vùng này, liền cho bao bọc quanh tảng đá có dấu chân Phật này để bảo vệ. Vì ở gần hoàng cung nên vua thường đích thân đến đây cúng dường.

Về sau, vua các nước đều tranh nhau muốn đem tảng đá này về nước mình. Tuy tảng đá không lớn lắm, nhưng bao nhiêu người đều không thể di chuyển. Gần đây, vua Thiết-thưởng-ca hủy hoại Phật pháp, muốn phá bỏ chỗ tảng đá này, phá bỏ thánh tích, nhưng đục bỏ xong rồi, đường nét lại hiện ra như cũ, liền mang vất xuống sông Căng-già, rốt sau lại thấy tự nhiên trở về chỗ cũ.

Cũng bên cạnh tháp này, có di tích nơi bốn vị Phật trong quá khứ đi kinh hành và ngồi thiền.

Kế bên tinh xá có dấu chân Phật, cách đó không xa, có một trụ đá lớn, cao hơn 10 mét, chữ khắc đã nhiều chỗ hư hao, nội dung đại luợc như sau: “Vua Vô Ưu có lòng tin vững chắc, đã ba lần đem châu Thiệm-bộ này cúng dường lên Phật Pháp Tăng, lại ba lần dùng các món trân bảo để tự chuộc lại.” Những lời [khắc trên đá] đại lược như vậy hiện vẫn còn.

Phía bắc cố cung có một phòng bằng đá lớn, bên ngoài có hình dạng như ngọn núi cao, bên trong rộng khoảng 9-10 mét. Đây là nơi vua Vô Ưu vì người em xuất gia của mình mà sai quỷ thần làm ra.

Thuở ấy, vua Vô Ưu có người em cùng mẹ tên là Ma-hê-nhân-đà-la, sinh trong dòng tộc cao quý, lạm dùng y phục dành riêng cho vua, ăn chơi hoang phí, buông thả hung bạo, dân chúng đều ôm lòng oán thán.

Vị lão thần quốc phụ có lời khuyên can vua, thưa rằng: “Hoàng đệ kiêu ngạo, tác oai tác quái ngày càng quá lắm. Theo như lời dạy của người xưa, phép nước có công bằng thì đất nước mới bình trị, người dân có an lòng thì nhà vua mới được yên ổn. Xin đại vương duy trì khuôn phép quốc gia, buộc phải thi hành pháp luật.”

Vua Vô Ưu khóc nói với em rằng: “Ta kế thừa cơ nghiệp tiên đế, che chở hết thảy mọi sinh linh, huống chi với anh em ruột thịt, sao có thể không thương yêu chiếu cố! Bởi trước đây ta không uốn nắn dẫn dắt em, nên ngày nay mới sa vào phạm pháp. Nay đối với tiên linh ở trên, ta thật xấu hổ khiếp sợ, đối với bên dưới thì phải chịu sự thúc ép của thần dân chê trách.”

Ma-hê-nhân-đà-la cúi đầu tạ tội, thưa rằng: “Là do em không tự mình cẩn trọng trong việc làm, dám phạm vào phép nước. Chỉ xin ban ơn tái sinh cho được sống thêm bảy ngày [rồi xin chịu tội].”

[Vua liền hạ lệnh] đưa vào phòng tối, canh giữ nghiêm ngặt, rồi hằng ngày cho mang đến đủ các món ngon vật lạ, sơn hào hải vị không thiếu món gì. [Vừa hết một ngày,] người giữ phòng liền xướng lên thật to: “Đã qua một ngày, còn sáu ngày nữa.”

[Cứ như vậy, mỗi ngày đều xướng to nhắc nhở,] đến hết ngày thứ sáu [thì Ma-hê-nhân-đà-la đã] quá sức lo lắng sợ hãi [về sự chết], nên thân tâm đều nỗ lực gắng sức [tu tập] liền chứng được thánh quả, bay lên hư không, hiện các phép thần thông, bỗng dưng ra khỏi trần tục, tránh đi xa lên ở nơi núi cao khe sâu.

Vua Vô Ưu liền đích thân tìm đến, bảo rằng: “Trước đây trẫm buộc phải làm theo phép nước, áp dụng hình phạt nghiêm khắc, thật không hề nghĩ đến việc do vậy mà ngài chứng được thánh quả. Nay đã không còn vướng mắc trói buộc gì, ngài có thể trở về sống trong nước.”

Ma-hê-nhân-đà-la nói: “Trước đây bị ràng buộc trong luới ái dục, tâm chạy theo âm thanh, hình sắc, nay đã ra khỏi được nơi nguy hiểm, lòng chỉ muốn vui nơi núi khe. Nguyện từ bỏ nhân gian sống lâu dài trong hang núi mà thôi.”

Vua nói: “Muốn tâm thanh tịnh cũng đâu cần phải lên núi cao vắng vẻ! Trẫm theo đúng ý ngài, sẽ làm ra chốn núi cao cây lớn.”

Sau đó liền triệu tập quỷ thần đến nói rằng: “Ngày mốt đây trẫm sẽ chuẩn bị rất nhiều món ăn ngon quý, các ngươi hãy đến dự hội cùng ta. Mỗi vị mang theo một tảng đá lớn để tự làm chỗ ngồi cho mình.”

Các vị quỷ thần đều vâng lệnh, đúng ngày đến dự hội. Dự hội xong, vua bảo: “Các tảng đá ngồi nằm ngang dọc ngổn ngang, mỗi vị hãy tự mang đến xếp thành đống. Đừng để phải dùng đến sức người, hãy xếp sao cho thành một căn phòng trống.”

Các vị quỷ thần vâng lệnh, ngay trong ngày đã làm xong. Vua Vô Ưu thân hành đến thỉnh Ma-hê-nhân-đà-la về ở nơi căn phòng đá ấy.

Phía bắc cung thành xưa, nằm về phía nam chỗ xây địa ngục, có một tảng đá to khuyết xuống như cái bồn. Đây là do vua Vô Ưu ra lệnh các vị quỷ thần làm ra, để những lúc tổ chức trai tăng dùng đựng thức ăn.

Phía tây nam cung thành có một núi đá nhỏ, trong các khe núi rải rác có mấy chục động đá. Đây là do vua Vô Ưu đã vì ngài Cận Hộ và các vị A-la-hán khác mà sai khiến quỷ thần tạo ra. Bên cạnh có một đài cổ, chỉ còn lại phần nền với một ít đá chất chồng. Gần đó có hồ nước, sóng gợn lăn tăn, trong suốt như gương, người phương xa hoặc từ các nước láng giềng cho rằng đây là nước thánh, uống vào sẽ tiêu trừ được hết tội lỗi nhơ nhớp.

Phía tây nam của núi đá nhỏ này có năm ngọn tháp, phần thân tháp bên trên đã nghiêng đổ, chỉ còn phần nền móng nhưng cũng rất cao, từ xa nhìn lại thấy chất chồng như gò núi, mỗi bề đều rộng đến 400-500 mét. Người đời sau đã xây lên những tháp nhỏ trên những nền tháp đổ nát này.

Sách Ấn Độ Ký chép rằng: “Ngày xưa khi vua Vô Ưu xây dựng xong 84.000 ngọn tháp rồi, vẫn còn dư năm đấu xá-lợi Phật, nên đặc biệt xây riêng năm ngọn tháp này, cách thức quy mô khác hẳn những nơi khác, thỉnh thoảng thường có những điều linh hiển, có ý nghĩa biểu thị năm phần pháp thân của Như Lai. Những kẻ thiếu niềm tin thì đồn đại rằng ngày xưa vua Nan-đà xây dựng [những tháp này] để chứa giữ bảy món báu. Về sau có vị vua không đủ tín tâm, nghe những lời đồn đại đó liền khởi tâm tham muốn, huy động quân binh đông đảo kéo đến đây, đích thân vua cho mở tháp đào đất. [Ngay khi đó] mặt đất chấn động, núi non nghiêng lở, mây che khuất mặt trời, bên trong tháp có tiếng sấm nổ lớn chấn động, quân lính té ngã, voi ngựa đều kinh hoảng bỏ chạy. Từ đó về sau [vua ấy] không dám dòm ngó đến nơi này nữa.”

Hoặc có đoạn viết: “Những lời đồn đại tuy nhiều, nhưng chưa có gì xác đáng, cứ theo những ghi chép từ cổ xưa thì có thể tin là việc thật.”

Phía đông nam cung thành cổ có chùa Quật-trá-a-hạm-ma, do vua Vô Ưu xây dựng.

Khi vua Vô Ưu mới vừa tin theo Phật pháp, đã theo đúng quy cách nghi thức xây dựng chùa này để trồng căn lành, cung thỉnh một ngàn vị tăng, có đủ thánh phàm, cúng dường đầy đủ bốn nhu cầu thiết yếu, chu cấp mọi vật dụng cần dùng cho tất cả. Chùa đổ nát hư hoại đã lâu nhưng nền móng, dấu tích vẫn còn.

Bên cạnh chùa có một ngọn tháp lớn, tên là tháp A-ma-lạc-ca, cũng là tên một loại trái cây dùng làm thuốc ở Ấn Độ.

Khi vua Vô Ưu bị bệnh [nặng] kéo dài, biết rằng mạng sống không cứu được, muốn xả bỏ trân bảo vào việc gieo trồng ruộng phước. Vị đại thần nắm quyền chấp chính ngăn cản không cho làm theo ý vua.

Một hôm, nhân lúc bữa ăn, vua giữ lại một trái a-ma-lạc rồi mân mê trong tay cho đến khi trái này bị dập nát hết một nửa. Vua cầm nửa trái a-ma-lạc trong tay, hỏi các quan rằng: “Hiện nay ai là chủ nhân châu Thiệm-bộ này?”

Các quan đáp rằng: “Chỉ có đại vương thôi.”

Vua nói: “Không đúng. Trẫm nay không còn là chủ nhân nữa. Ta chỉ tự do làm chủ được nửa trái a-ma-lạc này mà thôi. Than ôi! Giàu sang phú quý ở thế gian này quá nguy hiểm, không khác gì cầm đuốc ngược gió. Cương vị [của ta đã từng] bao trùm thiên hạ, danh xưng [của ta] cao tột hơn tất cả, nay đến lúc lâm chung phải chịu thiếu thốn, bị cường thần bức bách. Thiên hạ chẳng phải của ta nữa, chỉ còn nửa trái a-ma-lạc này thôi.”

Nói rồi bảo viên quan hầu cận rằng: “Hãy mang nửa trái a-ma-lạc này đến chùa Kê Viên cúng dường chúng tăng, y lời ta nói như thế này: “Vị chúa tể trước đây của châu Thiệm-bộ, nay là chủ nhân nửa trái a-ma-lạc này, xin cúi đầu trước chư tăng đại đức, xin các ngài thọ nhận sự cúng dường sau cùng này. Hết thảy những gì con sở hữu nay đều đã mất, chỉ còn lại nửa trái a-ma-lạc này là được chút tự do sử dụng. Xin chư tăng thương xót đến kẻ nghèo khó này, để con được tăng trưởng hạt giống lành.”

Vị Thượng Tọa trong chúng tăng liền nói: “Đại Vương Vô Ưu trước đây rộng làm phước thiện, bây giờ thân đang có bệnh, kẻ gian thần chuyên quyền, trân bảo tích chứa lâu nay đều không còn là của vua nữa, chỉ có nửa trái a-ma-lạc này để cúng dường. Nay theo đúng ý vua, sẽ cúng dường đến khắp chúng tăng.”

Sau đó ngài liền gọi vị tăng tri sự đến, bảo đem trái a-ma-la cho vào nồi canh nấu chung [để đại chúng đều được ăn]. Rồi lấy hạt của trái cây này, xây lên một ngọn tháp, [đặt vào để ghi nhận và lưu lại] sự cúng dường vô cùng trọng hậu trước đây cũng như tâm nguyện cúng dường cuối cùng của nhà vua.

Phía tây bắc tháp A-ma-lạc-ca có một ngôi chùa cổ, trong khuôn viên có một ngọn tháp gọi là tháp Đánh chuông.

Ban sơ, trong thành này có đến hàng trăm ngôi chùa, tăng chúng tu tập nghiêm túc, việc học pháp thanh tịnh cao khiết. Những kẻ học theo ngoại đạo đều phải im hơi lặng tiếng [không dám tranh biện].

Về sau, chư tăng dần dần nối nhau viên tịch, những người hậu học không ai kế tục được sự nghiệp của thế hệ trước. Những người ngoại đạo truyền nối cho nhau, đào tạo nên rất nhiều kẻ có tài nghệ. Khi đó, họ liền triệu tập nhau lại, số đông lên đến hàng ngàn, hàng vạn, kéo nhau đến chỗ chư tăng, lớn tiếng bảo rằng: “Hãy đánh chuông lên triệu tập hết học giả của các người lại.”

Đám đông tăng sĩ học tập kém cỏi ngu xuẩn nên cùng tụ tập lại đánh chuông loạn xạ lên. Bọn ngoại đạo liền tâu lên vua xin [tranh biện để] phân tài cao thấp. Khi ấy, các bậc thầy ngoại đạo đều là kẻ cao tài thật học, còn tăng chúng tuy đông nhưng lời lẽ rất thô thiển, cạn cợt.

Bọn ngoại đạo nói: “Chúng tôi tranh luận đã thắng. Từ nay về sau, tăng chúng ở các chùa không được đánh chuông để triệu tập đại chúng nữa.”

Nhà vua chấp thuận điều đó, theo như quy chế tranh luận đã có từ trước. Tăng chúng chịu sự sỉ nhục rồi rút lui, trong 12 năm sau đó không đánh tiếng chuông nào.

Lúc bấy giờ, ở miền Nam Ấn có Bồ Tát Na-già-át-lạt-thụ-na, từ thuở thiếu thời đã nổi tiếng khắp nơi, lớn lên danh tiếng càng vang dội. Ngài dứt trừ ái dục, xuất gia tu học, nghiên cứu sâu xa giáo lý nhiệm mầu, đã lên đến quả vị Sơ địa [của hàng Bồ Tát]. Ngài có vị đệ tử lớn tên là Đề-bà (Deva), trí tuệ minh mẫn, căn cơ bén nhạy, một hôm thưa với thầy rằng: “Chư tăng học giả [Phật giáo] ở thành Ba-trá-ly chịu thua kém ngoại đạo, không được phép đánh chuông đã 12 năm rồi. Nay con muốn [đến đó] phá vỡ núi tà kiến, thắp lên ngọn đuốc Chánh pháp.”

Bồ Tát Long Mãnh nói: “Ngoại đạo ở thành Ba-trá-ly là những kẻ học rộng, con không thắng được họ, nay ta sẽ đích thân đi.”

Đề-bà thưa: “Chỉ là phá đám cỏ mục, đâu cần phải dùng đến [sức mạnh] nghiêng đổ núi cao. Con xin nhận sự chỉ dạy của thầy để đến đó phá trừ ngoại đạo. Xin thầy [thử] đưa ra giáo nghĩa của ngoại đạo, con sẽ tùy theo đó phân tích biện bác, làm rõ chỗ hơn kém, sau đó [nếu thấy được] con mới tính chuyện đi.”

Bồ Tát Long Mãnh liền thử làm người bảo vệ giáo nghĩa ngoại đạo, còn Đề-bà tùy [theo ý nghĩa nêu ra mà] biện bác, phá bỏ. Sau bảy ngày [tranh biện] thì Bồ Tát Long Mãnh thất lý chịu thua, liền ngợi khen rằng: “Những lời sai lầm thật dễ thất lý, ý nghĩa tà vạy thật khó đứng vững. Nay con có thể đi, chắc chắn sẽ khuất phục được ngoại đạo.”

Bồ Tát Đề-bà vang danh khắp chốn nên ngoại đạo ở thành Ba-trá-ly nghe tin ngài sắp đến lập tức tụ tập lại, cùng tâu lên vua rằng: “Đại vương trước đây đã dự cuộc tranh biện, [kết quả] ra lệnh cho các sa-môn [vì đã thua] không được đánh chuông. Nay xin ra lệnh cho những người giữ cửa thành, nếu các vị tăng ở nơi khác đến đừng cho vào thành, vì sợ rằng họ sẽ cấu kết với nhau mà xem thường, sửa đổi quy chế từ trước.”

Nhà vua chấp thuận thỉnh cầu của ngoại đạo, ra lệnh canh phòng các cửa thành nghiêm ngặt hơn. Bồ Tát Đề-bà đến nơi, không vào thành được. Khi nghe lệnh [ngăn cấm] rồi, ngài liền thay y phục khác, xếp y tăng-già-chi giấu trong bó cỏ, rồi vén cao quần đi thật nhanh, đầu đội bó cỏ, vào được bên trong thành.

Khi đã vào thành rồi, ngài vất bó cỏ, đắp y vào, đến chùa xin nghỉ lại. Vì chẳng mấy ai biết đến ngài nên cuối cùng ngài không có chỗ nghỉ lại, liền lên lầu chuông ngủ qua đêm. Vừa lúc sáng sớm, ngài liền đánh chuông thật lớn, chúng tăng đến xem mới biết là khách tăng [từ xa đến]. Chư tăng các chùa khác [nghe tiếng chuông] truyền nhau hưởng ứng, [cùng đánh chuông lên]. Vua nghe [tiếng chuông] sai người tra cứu, không tìm được ai là người đánh chuông trước. Khi tìm đến ngôi chùa ấy, mọi người đều chỉ ngài Đề-bà. Ngài Đề-bà nói: “Đánh chuông là để triệu tập chúng tăng, nếu có chuông mà không dùng thì treo lên làm gì?”

Người của vua đáp rằng: “Trước đây tăng chúng tranh luận bị thua, cho nên cấm không được đánh chuông, cũng đã 12 năm rồi.”

Bồ Tát Đề-bà nói: “Có việc ấy sao? Vậy hôm nay ta sẽ làm vang lại tiếng trống Pháp.”

Sứ giả về báo lên vua rằng: “Có vị sa-môn lạ muốn rửa sạch mối nhục trước đây.”

Nhà vua liền triệu tập các học giả [của ngoại đạo và Phật giáo], định ra quy chế rằng: “Nếu tranh luận thất lý, không bảo vệ được tông chỉ đưa ra thì phải lấy cái chết để tạ lỗi.”

Liền đó, [các luận sư] ngoại đạo tranh nhau giương cờ gióng trống, xôn xao đưa ra các nghĩa lý khác nhau, mỗi người đều cố phô bày sự uyên bác của mình. Bồ Tát Đề-bà sau khi lên tòa ngồi để tranh luận, liền lắng nghe những gì họ nói trước, rồi mới tùy theo ý nghĩa để phân tích, bác bỏ. Chưa được 12 ngày thì phá trừ hết mọi luận thuyết của ngoại đạo.

Đức vua và các vị đại thần ai ai cũng mừng vui hoan hỷ, liền cho xây dựng ngọn tháp này để biểu dương tài đức cao tột [của ngài Đề-bà].

Phía bắc tháp Đánh chuông có một nền nhà cũ, trước đây là chỗ ở của ông bà-la-môn hùng biện dựa vào quỷ mỵ.

Thuở xưa, trong thành này có một ông bà-la-môn, dựng nhà tranh ở chỗ đầm hoang, chẳng giao tiếp gì với người đời, tế quỷ cầu phúc, cùng nương dựa với loài yêu quái. Ông có tài tranh luận cao thâm, biện biệt chặt chẽ, lời lẽ hay lạ thanh cao. Nếu có người đặt vấn đề tranh biện, liền buông rèm che rồi mới tranh biện. Học giả kỳ cựu cho đến những bậc tài cao đều không ai hơn được ông. Mọi người đều đồng lòng xem ông như bậc thánh.

Lúc bấy giờ có Bồ Tát A-thấp-phược-cũ-sa, trí tuệ trùm khắp, giáo lý thông suốt Ba thừa, có lần nói với mọi người rằng: “Ông bà-la-môn ấy, học vấn không có thầy truyền thụ, tài nghệ chẳng có căn cứ nào, sống nơi vắng vẻ mà danh tiếng một mình cao tột. Nếu không phải quỷ thần nương dựa, yêu mỵ bám theo, thì làm sao có thể được như vậy? Thường những kẻ biện luận mà do quỷ mớm lời thì khi nói chuyện không thể nhìn người khác, mà lời nói ra [người khác] đã nghe rồi thì không thể nhắc lại. Nay ta phải đến đó quan sát hành vi cử chỉ ông ấy xem thế nào.”

Sau đó, ngài Mã Minh liền đi đến lều tranh [của ông bà-la-môn] mà nói rằng: “Tôi kính nguỡng tài đức của ngài đã lâu, xin ngài vén rèm lên để tôi được đối diện tỏ bày chí hướng.”

Nhưng ông bà-la-môn vẫn cao ngạo ngồi yên phía sau bức rèm mà nói chuyện, nhất định không chịu đối mặt. Ngài Mã Minh trong lòng đã biết được [đây là] loài quỷ mỵ, vốn rất cao ngạo, liền cáo từ ra về, nói với mọi người rằng: “Ta đã biết được rồi! Nhất định sẽ đánh bại ông ta.”

Ngài liền đến tâu lên nhà vua: “Xin đại vương cho phép một cuộc tranh luận so tài giữa tôi với vị bà-la-môn kia.”

Nhà vua nghe qua kinh hãi nói rằng: “Thầy chưa biết người ấy sao! Nếu thầy chưa chứng tam minh và có đủ lục thông, làm sao có thể tranh luận với người ấy?”

Nhà vua liền xa giá đích thân đến xem và giám sát cuộc tranh luận. Lúc bấy giờ, ngài Mã Minh liền luận giải những lời vi diệu trong Tam tạng, thuật rõ những ý nghĩa quan trọng của ngũ minh, lời lẽ dọc ngang cùng khắp, phân biện rõ ràng, luận giải cao xa mạch lạc.

Đến phiên ông bà-la-môn giảng thuật xong, Bồ Tát Mã Minh nói: “Ông nói sai lệch không đúng vấn đề tôi nêu ra, xin ông nhắc lại.”

Lúc đó bà-la-môn ngậm miệng không nói được gì. Bồ Tát Mã Minh quát lên: “Sao ông không trả lời tôi? Những điều ông nói như vậy đều là do quỷ mỵ mớm lời.”

Ngài liền nhanh tay vén bức rèm che, nhìn vào để xem yêu quái. Bà-la-môn kinh sợ la lên: “Dừng lại, dừng lại!”

Ngài Mã Minh lùi lại nói rằng: “Sáng hôm nay người này đã mất hết danh tiếng rồi. Đây đích thật là: hư danh không thể tồn tại được lâu.”

Nhà vua nói: “Nếu không phải bậc đại đức như ngài, thật không ai có thể thấy biết được kẻ tà đạo này. Trí tuệ sáng suốt phân biệt của ngài, quả thật soi sáng thêm người trước, người sau khó theo kịp. Nước ta đã có quy định từ xưa nay, phải biểu dương những bậc tài năng chân thật.”

Từ góc thành đi về phía tây nam, cách hơn 65 km có di tích của một ngôi chùa cổ, bên cạnh có ngọn tháp là di tích nơi bốn vị Phật quá khứ tọa thiền và kinh hành, thỉnh thoảng có hào quang tỏa sáng, đôi khi còn hiển thị điềm lành, dân chúng khắp gần xa đều đến đây cầu nguyện.

Từ [di tích] ngôi chùa cổ đi về hướng tây nam hơn 32 km thì đến chùa Đê-la-thích-ca. Kiến trúc chùa có ba tầng, chia ra làm bốn khu vực. Đài cao khoảng 7-8 mét, có hai lớp cửa luôn mở rộng. Chùa này do người cháu nhiều đời của vua Tần-tỳ-sa-la xây dựng. Nơi đây đã chiêu tập được nhiều bậc cao tăng thạc đức, những học giả từ xứ khác, những bậc tài cao học rộng, danh tiếng lẫy lừng từ phương xa. Từng đoàn từng đoàn, họ tiếp nối đi đến đây rồi ở lại cùng nhau tu học. Tăng sĩ lên đến hàng ngàn vị, tất cả đều tu tập theo Đại thừa.

Từ cổng giữa đi thẳng vào có ba ngôi tinh xá, bên trên trang trí hình luân tướng bằng đồng, có treo những quả chuông lắc, bên dưới là kiến trúc nhiều tầng tiếp nối, có lan can bao quanh bốn phía, các song cửa sổ và bậc thềm đều được mạ bằng đồng vàng sáng loáng, xinh đẹp nghiêm trang. Ngay giữa tinh xá là tượng Phật đứng, cao đến 10 mét, bên trái có tượng Bồ Tát Đa-la, bên phải có tượng Bồ Tát Quán Tự Tại. Cả ba tượng đều đúc bằng thâu thạch (hợp kim đồng), thần thái uy nghi, nghiêm trang huyền diệu, sự linh ứng hết sức sâu xa.

Trong ba tinh xá này, mỗi nơi đều có một thăng xá-lợi Phật, thường có khi tỏa ánh sáng linh diệu, thỉnh thoảng lại có điềm lành hiện.

Từ chùa Đê-la-thích-ca đi về hướng tây nam khoảng 30 km thì đến một ngọn núi lớn, mây mù giăng phủ quanh đá núi vút cao, u tịch ẩn khuất, dường như chốn thần tiên cư ngụ. Nơi đây có nhiều rắn độc, rồng dữ làm hang ẩn trú nơi đầm sâu, cùng các loài chim dữ, thú bạo luôn lẩn khuất trong rừng rậm. Trên đỉnh núi có một tảng đá lớn bằng phẳng, bên trên xây lên một ngọn tháp cao khoảng 4 mét, là nơi ngày xưa đức Phật nhập định.

Thuở xưa, đức Như Lai từng giáng hạ nơi đây, ngồi trên tảng đá này nhập định Diệt tận trải qua một đêm. Chư thiên, thần linh đến cúng dường đức Như Lai, cử nhạc trời, mưa xuống hoa trời. Lúc Như Lai xuất định [rời đi], chư thiên xúc cảm luyến mộ, dùng vàng bạc trân bảo xây nên ngọn tháp này. Sau khi Đại Thánh Như Lai tịch diệt một thời gian lâu thì trân bảo đều hóa thành đá. Từ xưa đến nay, con người chưa ai lên được đến đây, chỉ ở từ xa nguớc nhìn lên núi cao, thấy nhiều loài thú, rắn và mãnh thú tụ tập thành bầy đi nhiễu quanh tháp, chư thiên, chư thần linh cùng nhau xưng tán lễ bái.

Sườn núi phía đông có một ngọn tháp, là nơi ngày xưa đức Như Lai đã dừng lại khá lâu để nhìn về trong nước Ma-yết-đà.

Về hướng tây bắc của núi lớn, đi khoảng 10 km có một ngôi chùa nằm ven sườn núi, dựa lưng vào núi, nền móng cao rộng, lầu gác vươn cao lên bên ven núi. Chùa có hơn 50 vị tăng sĩ, đều tu tập theo giáo pháp Đại thừa. Chùa này là nơi ngày xưa Bồ Tát Cù-na-mạt-để hàng phục ngoại đạo.

Thuở ấy, trong núi này có ngoại đạo tên là Ma-đạp-bà (Madhava), noi theo giáo thuyết Tăng-khư (Samkhya) mà tu tập hành đạo. Vị này có học thức thông suốt cả nội điển và ngoại điển, lập luận đạt đến chỗ tột cùng của hai lẽ có, không, danh tiếng ít người theo kịp, là bậc tài đức được kính trọng đương thời. Đức vua quý trọng tôn kính, xem ông như báu vật của quốc gia, dân chúng đều kính nguỡng, luôn xem là bậc thầy của mình. Học nhân ở các nước láng giềng tin theo và kính ngưỡng đức độ, tụ họp thành đoàn kéo nhau đến học. Ông quả thật là người uyên bác thông đạt. Đức vua phong cho ông hai thành để làm thực ấp.

Lúc bấy giờ, ở miền Nam Ấn có Bồ Tát Đức Tuệ, từ nhỏ đã thông minh mẫn tiệp, sớm thông đạt lý lẽ tinh vi, học thông Tam tạng, thấu triệt giáo lý Tứ đế. Khi nghe Ma-đạp-bà biện luận đến chỗ cực kỳ thâm sâu tinh tế [giáo thuyết ngoại đạo] nên muốn biện bác, liền sai học trò mang thư đến nói rằng: “Kính vấn an ngài Ma-đạp-bà luôn được an vui. [Nay xin báo trước với ngài là] tôi sẽ không nề lao nhọc khó khăn, tinh tấn học tập học thuật người xưa, sau ba năm sẽ phá tan danh tiếng của ngài.”

Sang năm thứ hai rồi thứ ba, mỗi năm đều sai người mang thư báo trước như vậy. Đến lúc sắp sửa lên đường [tìm đến] lại viết thêm một lá thư nói rằng: “Năm nay kỳ hạn đã đến, việc học của ngài thế nào rồi? Nay tôi sẽ tìm đến, ngài nên biết trước như vậy.”

Ma-đạp-bà hết sức hoảng sợ lo lắng, liền bảo các môn nhân và người trong thành rằng: “Từ nay về sau không được cho sa-môn của đạo Phật ở trọ. Mọi người phải truyền bảo cho nhau đều biết [quy ước này], không được vi phạm.”

Lúc bấy giờ, Bồ Tát Đức Tuệ chống tích trượng đi đến, vào thành của Ma-đạp-bà. Người trong thành vâng theo quy ước, không cho ở trọ. Những người bà-la-môn còn nặng lời mắng chửi nói rằng: “Bọn cạo tóc, ăn mặc khác biệt, tại sao các người phải khác với mọi người? Nên đuổi đi cho nhanh, đừng cho ở đây.”

Bồ Tát Đức Tuệ vì muốn phá trừ ngoại đạo, đang cần ở trọ lại trong thành, nên khởi tâm từ, hạ mình nói rằng: “Các vị tu hành thanh tịnh theo chân lý thế gian, còn ta tu hành thanh tịnh theo chân lý thắng nghĩa. Hai bên đều tu hành thanh tịnh như nhau, sao lại chống đối nhau?”

Bọn bà-la-môn không nói được nữa, xua đuổi ngài ra khỏi thành, phải đi vào rừng rậm. Trong rừng này có nhiều thú dữ, đi từng bầy rất hung bạo. Có một cư sĩ, vì sợ thú dữ hại ngài liền lấy một bó cỏ khô [đốt lên] và cầm gậy đi đến nói rằng: “Miền Nam Ấn có Bồ Tát Đức Tuệ từ xa đã đưa tin báo trước sẽ đến đây tranh luận, vì vậy nên chủ nhân thành này sợ mất thanh danh, liền đặt thêm quy chế nghiêm ngặt, cấm không cho chứa chấp sa-môn trong thành. Tôi sợ ngài bị thú dữ làm hại nên đến đây cùng đưa ngài đi. Mong ngài đi đường được an ổn, đừng lo nghĩ chuyện gì khác.”

Bồ Tát Đức Tuệ liền đáp: “Nói thật cho ông biết, chính ta là Đức Tuệ.”

Người cư sĩ nghe như vậy rồi càng thêm cung kính hơn nữa, thưa rằng: “Nếu quả đúng vậy, ngài nên gấp rút đi khỏi nơi đây.”

Hai người ra khỏi khu rừng rậm và dừng nghỉ nơi đồng trống. Người cư sĩ đốt lửa, mang cung tên canh phòng chung quanh cho đến qua đêm, rồi thưa với ngài Đức Tuệ: “Bây giờ ngài có thể đi ngay được rồi, ở lại đây e rằng có người biết được sẽ đến mưu hại.”

Bồ Tát Đức Tuệ liền từ biệt, nói rằng: “Thật không dám quên công đức của ông.”

Sau đó lập tức lên đường, tìm đến cung vua, nói với người giữ cửa rằng: “Có sa-môn từ xa tìm đến, xin nhà vua cho phép tranh luận cùng Ma-đạp-bà.”

Vua nghe qua kinh ngạc, nói: “Người này thật ngông cuồng.”

Liền sai sứ đến chỗ Ma-đạp-bà truyền đạt ý chỉ của vua: “Có vị sa-môn lạ đến đây muốn tranh luận [cùng ngài], nay trẫm đã cho dọn dẹp sạch sẽ luận trường và thông báo khắp xa gần đều biết, mọi người đang chờ đợi, xin ngài đến ngay.”

Ma-đạp-bà hỏi sứ giả: “Có phải là luận sư Đức Tuệ ở Nam Ấn không?”

Sứ giả đáp: “Đúng vậy.”

Ma-đạp-bà nghe vậy hết sức không vui, nhưng không thể từ chối nên phải đi đến luận trường. Nhà vua cùng các quan đại thần, dân chúng, các danh gia vọng tộc đều đã tụ họp, mong muốn được nghe cuộc đàm luận tranh biện giữa hai bậc cao nhân.

Trước tiên, Bồ Tát Đức Tuệ nêu lên tông chỉ ý nghĩa [luận thuyết] của mình. [Ngài trình bày cho đến] khi trời sắp tối thì Ma-đạp-bà viện lý do tuổi già, trí óc đã chậm lụt không thể ứng đáp nhanh, xin được về nhà yên tĩnh suy nghĩ rồi sẽ quay lại trả lời.

Như thế, cứ mỗi lần vấn đề tranh luận được [ngài Đức Tuệ] nêu ra, Ma-đạp-bà đều nói để về [suy nghĩ rồi sẽ trả lời], nhưng đến sáng hôm sau lên tòa ngồi tranh luận thì không đưa ra được lý lẽ nào khác, cho đến ngày thứ sáu [thì khi về nhà] thổ huyết mà chết. Trước khi chết nói với vợ rằng: “Bà có tài luận thuyết cao, đừng quên mối nhục này.”

[Do vậy,] Ma-đạp-bà đã chết nhưng [người vợ giấu kín] không phát tang, lại mặc y phục nghiêm trang đẹp đẽ đi đến chỗ tranh luận. Mọi người thấy vậy đều bàn tán xôn xao, nói rằng: “Ma-đạp-bà nghĩ mình là người tài cao, thấy xấu hổ khi tranh luận với ông Đức Tuệ này nên cho vợ đến thay thế. Như vậy thì ai hơn ai kém đã rõ ràng rồi.”

[Khi ấy,] Bồ Tát Đức Tuệ liền nói với người vợ Ma-đạp-bà: “Người có thể chế ngự được bà đã bị ta chế ngự rồi.”

Người vợ của Ma-đạp-bà [nghe như vậy] biết là khó thắng [ngài Đức Tuệ] nên [lặng lẽ] thối lui.

Nhà vua [chứng kiến sự việc, liền] hỏi: “Câu nói của ngài có ý nghĩa ẩn mật gì mà khiến cho bà ấy phải lặng lẽ rút lui như thế?”

Bồ Tát Đức Tuệ nói: “Đáng thương thay! Ma-đạp-bà đã chết rồi. Bà vợ ông ấy muốn đến đây tranh luận với tôi.”

Vua hỏi: “Làm sao ngài biết? Xin giải thích cho ta được rõ.”

Ngài Đức Tuệ đáp: “Khi vợ ông ấy đến đây, sắc diện đầy vẻ tang tóc, lời nói thì nghe thanh âm ai oán, do vậy mà biết là Ma-đạp-bà đã chết. Tôi nói ‘người có thể chế ngự được bà’ là ý muốn nói đến chồng bà ấy.”

Vua sai người đi xem thì thấy quả đúng như vậy. Đức vua tự thấy hối tiếc nói rằng: “Phật pháp thật huyền diệu, luôn có các bậc tài đức kế thừa không dứt, gìn giữ đạo vô vi, sinh linh đều được nhờ ơn giáo hóa. Nay y theo điển chế quốc gia từ trước, trẫm xin mãi mãi tán dương thánh đức.”

Bồ Tát Đức Tuệ nói: “Tôi vốn ngu muội, chỉ biết nương theo Chánh đạo, sống trong sạch [theo giới luật], luôn giữ tâm chân chánh biết đủ, biện luận chỉ là để làm lợi ích muôn loài. Cho nên muốn dẫn dắt [kẻ sai đường], trước tiên phải bẻ gãy sự kiêu ngạo khinh mạn của họ, sau đó mới dùng phương tiện nhiếp hóa, mà nay chính là thời điểm thích hợp đó. Xin đại vương hãy đem những thành ấp và dân cư đã phong Ma-đạp-bà chuyển sang đời đời con cháu truyền nối đều sung vào làm người phụ việc công quả cho chùa chiền, đó chính là lưu lại cho đời sau một bài học răn dạy, tốt đẹp vô cùng. Riêng với người cư sĩ đã theo giúp đỡ bảo vệ tôi, xin cho được hưởng phúc ở đời, chuyện ăn mặc, vật dụng [đều được chu cấp] giống như chư tăng, nhằm khuyến khích những kẻ có lòng tin trong sạch cũng như xưng tán tuyên dương công đức đó.”

[Nhà vua chuẩn thuận đề nghị của ngài Đức Tuệ,] sau đó còn cho xây dựng ngôi chùa này để ghi nhớ và biểu dương công tích của ngài.

Thuở ấy, sau khi Ma-đạp-bà tranh luận thất bại, có khoảng mười mấy người tín đồ [ngoại đạo] bỏ đi sang nước láng giềng, báo cho các ngoại đạo [ở đó] biết về sự sỉ nhục này, rồi chiêu mộ những người tài giỏi, tìm đến [ngài Đức Tuệ] để rửa mối nhục trước.

Khi ấy, đức vua đã hết sức trân quý kính trọng ngài Đức Tuệ nên đích thân đến thưa rằng: “Nay những người ngoại đạo không tự luợng sức, liên kết cùng nhau, dám khua trống đòi tranh luận [với ngài]. Xin đại sư [lên tiếng] phá trừ ngoại đạo.”

Ngài Đức Tuệ nói: “Xin nhà vua cứ triệu tập những người muốn tranh luận.”

Liền đó, những người ngoại đạo [nghe tin ngài Đức Tuệ chịu đến tranh luận] đều vui mừng khích lệ nhau: “Chúng ta hôm nay nhất định sẽ thắng.”

Lúc bấy giờ, [sau khi] những người ngoại đạo trình bày nêu cao nghĩa lý, lập luận của họ, Bồ Tát Đức Tuệ nói: “Những người ngoại đạo này đã từng trốn đi phương xa, theo như quy chế nhà vua đã đặt ra trước đây thì đều bị xem là hèn hạ, ti tiện. Sao ta có thể cùng những người [hèn hạ] như vậy tranh luận được?”

Bồ Tát Đức Tuệ có một đứa trẻ thường đi theo giúp mang tọa cụ, vốn từng [theo Bồ Tát] được nghe nhiều luận thuyết ngoại đạo, hết sức quen thuộc với những yếu chỉ tinh vi, nên thường đứng hầu bên cạnh để nghe những luận thuyết cao minh. [Khi ấy], Bồ Tát Đức Tuệ vỗ tòa ngồi, quay sang nói với đứa trẻ mang tọa cụ: “Con có thể tranh luận [với họ].”

Bọn ngoại đạo đều kinh hãi, hết sức lạ lùng với mệnh lệnh này. Khi ấy, đứa trẻ mang tọa cụ liền bắt đầu nêu vấn đề, ý nghĩa thâm sâu tuôn tràn như suối chảy, lý lẽ biện bác chính xác đi vào từng điểm tương ứng như tiếng vang dội lại. Chỉ sau ba vòng tranh biện thì ngoại đạo đuối lý, mất tông chỉ. Một lần nữa luận thuyết của họ lại bị bẻ gãy, vây cánh lại bị chặt bỏ. Từ lần tranh luận thất bại này về sau, [các ngoại đạo này] phải trở thành dân [phục vụ] trong thành ấp của nhà chùa.

Từ chùa Đức Tuệ đi về hướng tây nam khoảng 6.5 km thì đến một ngọn núi nằm lẻ loi, nơi đây có một ngôi chùa, là nơi Luận sư Thi-la-bạt-đà-la đã thắng trong một cuộc tranh luận, được phong thành làm thực ấp và đã hiến xả [tất cả lợi tức] trong việc xây dựng chùa này. Ngọn núi nhỏ vút cao có hình dạng như một ngọn tháp, có an trí xá-lợi Phật [trên đó].

Luận sư là người thuộc hoàng tộc nước Tam-ma-đát-trá (Samatata), thuộc chủng tộc Bà-la-môn. Thuở nhỏ, luận sư là người hiếu học, có chí khí mạnh mẽ, đã đi khắp các nước vùng Ấn Độ để tìm cầu lẽ thật sáng suốt. Khi đến chùa Na-lạn-đà ở nước này, gặp Bồ Tát Hộ Pháp, nghe pháp khởi lòng tin và nhận hiểu được, liền xin xuất gia, suy ngẫm về trí tuệ rốt ráo, thưa hỏi về con đường giải thoát.

[Bồ Tát Hộ Pháp] đã thấu triệt chân lý, lại nghiên cứu thấu suốt những lời nhiệm mầu vi diệu [trong kinh điển], nên lúc bấy giờ nổi tiếng khắp nơi, vang xa đến cả những nước khác.

Bấy giờ, miền Nam Ấn có một ngoại đạo từng nghiên cứu đến những nghĩa lý cùng cực sâu xa, thấu triệt đến chỗ ẩn mật tinh tế, nghe danh tiếng của ngài Hộ Pháp liền khởi tâm kiêu mạn, hết sức ganh tỵ nên chẳng ngại núi sông cách trở, tìm đến đánh trống xin tranh luận, nói rằng: “Tôi là người Nam Ấn, được nghe trong nước của đại vương có một vị đại luận sư, tôi tuy không được sáng suốt lắm nhưng cũng xin được cùng vị ấy tranh biện cho rõ ràng.”

Nhà vua nói: “Đúng vậy, quả có [đại luận sư ở đây] như lời ông nói.”

Vua liền sai sứ đến thỉnh ngài Hộ Pháp, nói rằng: “Có một ngoại đạo từ Nam Ấn, không nề xa xôi ngàn dặm, đến đây muốn cùng ngài tranh luận. Xin đại sư hạ mình quá bước, đến luận trường để cùng tranh luận.

Ngài Hộ Pháp nghe xong liền xếp y chuẩn bị. Đệ tử là ngài Giới Hiền, nổi bật trong hàng hậu học, liền bước lên thưa hỏi: “Thầy định đi đâu gấp vậy?”

Ngài Hộ Pháp đáp: “Từ [Phật nhập diệt], mặt trời trí tuệ ẩn bóng đến nay, đèn Chánh pháp nối truyền vẫn lặng lẽ soi chiếu, nhưng nay ngoại đạo tụ họp nhiều như kiến, tà thuyết quấy nhiễu vo ve như ong, cho nên ta sẽ phá trừ luận thuyết của họ.”

Ngài Giới Hiền thưa: “Con từng cung kính nghe qua phần nào [các luận thuyết], dám xin [thầy cho con] phá trừ luận thuyết ngoại đạo.”

Ngài Hộ Pháp biết rõ tài trí của [Giới Hiền] nên liền chấp thuận. Lúc bấy giờ, ngài Giới Hiền chỉ mới 30 tuổi, tăng chúng đều xem nhẹ cho là còn ít tuổi, sợ khó một mình đảm nhận việc này. Ngài Hộ Pháp biết ý tăng chúng đều không thuận, liền giải thích rằng: “Điều thiết yếu là ở trí tuệ cao minh, không cần nói đến tuổi tác. Xét như hiện nay thì chắc chắn [Giới Hiền] có thể phá trừ được ngoại đạo.”

Đến ngày tập trung để tranh luận, mọi người xa gần đều rủ nhau kéo về, già trẻ cùng tụ họp, ngoại đạo [trình bày] mở rộng luận thuyết đến tận chỗ ẩn mật bí hiểm nhất. Ngài Giới Hiền theo đúng lý lẽ [ngoại đạo đưa ra], phân tích chỉ rõ những điểm sai trái, lời lẽ sâu xa cùng cực diệu huyền. Ngoại đạo đuối lý cạn lời, xấu hổ rút lui.”

Nhà vua muốn ban thưởng xứng đáng với công đức của ngài nên phong cho thành này làm thực ấp. Luận sư từ chối, nói rằng: “[Người xuất gia] đắp y hoại sắc, mọi sự tiêu dùng đều luôn biết đủ, tự giữ nếp sống thanh tịnh, đâu cần nhận phong ấp làm gì?”

Nhà vua nói: “Đấng Pháp vương ẩn khuất, con thuyền trí tuệ [đang lúc] trầm luân, nếu không biểu dương [bậc trí đức] thì không lấy gì để khích lệ hàng hậu học sau này. Vì sự rộng truyền Chánh Pháp, xin ngài thương tưởng mà nhận cho.”

Luận sư từ chối không được nên phải thọ nhận phong ấp này, liền xây dựng một ngôi chùa, rồi vận dụng theo đúng quy cũ để đưa tất cả lợi tức từ thực ấp được phong vào cúng dường cho sự chi dụng của chư tăng.

Từ ngôi chùa của ngài Giới Hiền đi về hướng tây nam khoảng 14-16 km, qua sông Ni-liên-thiền thì đến thành Già-da (Gaya), hết sức kiên cố hiểm trở. Dân cư rất ít, chỉ có khoảng hơn 1.000 gia đình bà-la-môn, là dòng dõi con cháu của đại tiên nhân nên không phải thần phục nhà vua, hết thảy mọi người đều tôn kính họ.

Cách thành này khoảng 10 km về hướng bắc, có một suối nước trong, người Ấn Độ tương truyền là nước thánh, uống vào sẽ tiêu trừ được tội lỗi nhơ nhớp.

Phía tây nam thành, đi khoảng 1.5-2 km thì đến núi Già-da (Gaya), suối khe hang động âm u, núi cao nguy hiểm. Người Ấn Độ quen gọi là Linh sơn, từ xưa nay mỗi khi nhà vua nối ngôi đăng quang, hoặc viễn chinh thành công, hoặc đạt được thành tựu vượt hơn đời trước, đều lên đỉnh núi này để cáo bạch sự thành công của mình.

Trên đỉnh núi có một ngọn tháp xây bằng đá, cao hơn 33 mét, do vua Vô Ưu xây dựng, tiềm ẩn sự linh thiêng soi xét, thỉnh thoảng có hào quang tỏa chiếu. Thuở xưa đức Như Lai đã thuyết giảng những kinh như kinh Bảo Vân ở nơi này.

Phía đông nam núi Già-da có một ngọn tháp, nơi đây là sinh quán của ngài Ca-diệp-ba. Từ đây nhìn về hướng nam lại có hai ngọn tháp, là nơi các ngài Già-da Ca-diệp-ba và Nại-địa Ca-diệp-ba thờ lửa [trước khi quy y Phật].

Từ hai tháp này đi về hướng đông, qua con sông lớn thì đến núi Bát-la-cấp-bồ-đề.

Đức Như Lai sau sáu năm khổ nhọc tìm cầu vẫn chưa thành Chánh Giác, sau đó từ bỏ lối tu khổ hạnh, thị hiện thọ nhận bát cháo sữa, rồi đi từ hướng đông bắc, đưa mắt nhìn sang núi này, [thấy cảnh trí] vắng vẻ tĩnh mịch, muốn chứng thành Chánh Giác [ở nơi này], liền từ sườn núi phía đông bắc đi lên đỉnh núi. [Ngay khi ấy] mặt đất chấn động, núi cũng lay động nghiêng ngả. Sơn thần kinh hoảng vội thưa với Bồ Tát: “Núi này không phải nơi đất lành để thành Chánh Giác. Nếu [ngài] dừng lại nơi đây mà nhập định Kim cương, đất đai sẽ chấn động, núi non nghiêng ngả.”

Bồ Tát liền đi xuống bên hướng tây nam, đến lưng chừng núi gặp một hang đá lớn dựa lưng vào vách núi, quay mặt ra suối nước, ngài liền dừng ở đó mà ngồi kiết già. Đất đai lại chấn động, núi lại nghiêng ngả. Bấy giờ, chư thiên cõi trời Tịnh Cư từ trên không trung nói rằng: “Đây không phải nơi đức Như Lai thành Chánh Giác. Từ đây đi về hướng tây nam khoảng 4.5-5 km, cách nơi [ngài đã tu] khổ hạnh không xa, có một cây tất-bát-la, dưới [gốc cây] có tòa kim cương. Chư Phật từ trước đến nay đều thành Chánh Giác nơi tòa kim cương này. Xin [Bồ Tát] hãy đến đó.”

Bồ Tát vừa đứng dậy thì con rồng trong hang đá liền lên tiếng: “Hang đá này thanh tịnh thù thắng, có thể chứng thành Chánh quả. Mong Bồ Tát từ bi đừng bỏ đi.”

Bồ Tát biết rằng đây không phải nơi để chứng quả, nhưng muốn làm vừa ý con rồng nên để lại hình ảnh của mình rồi đi. (Hình ảnh này thuở trước kẻ hiền người ngu đều nhìn thấy được, nhưng cho đến nay thì có kẻ thấy người không.)

[Bấy giờ,] chư Thiên dẫn đường đi trước, đến chỗ cây bồ-đề. Về sau, khi vua Vô Ưu lên ngôi, những nơi còn dấu tích Bồ Tát lên núi, xuống núi đều xây tháp lên để ghi dấu, tuy kích thước [các tháp] có khác nhau nhưng sự linh ứng đều không khác, hoặc có hoa trời từ không trung rơi xuống, hoặc có hào quang chiếu sáng đến tận khe núi âm u. Mỗi năm, vào ngày mãn hạ an cư, kẻ tăng người tục từ khắp nơi cùng tụ họp đến đây lên núi cúng dường, ngủ lại đây hai đêm rồi mới về.

Từ núi Tiền Chánh Giác đi về hướng tây nam khoảng 4.6-4.9 km thì đến cây bồ-đề [nơi Phật thành đạo], có bờ tường cao vững chắc được xây bằng gạch nung bao quanh, chiều đông tây dài, chiều nam bắc hẹp, chu vi hơn 830 mét. Trong khuôn viên này trồng các loại cây lạ hoa quý che rợp bóng mát, mặt đất trải bằng cát mịn với cỏ lạ phủ xanh khắp nơi. Cổng chính phía đông mở ra nhìn thẳng xuống sông Ni-liên-thiền, cổng phía nam nối tiếp với một hồ lớn đầy hoa. Phía tây địa thế hiểm trở khó vượt qua. Cổng phía bắc thông qua một ngôi chùa lớn.

Bên trong phạm vi bao bọc của tường thành có rất nhiều thánh tích, san sát bên nhau, hoặc có xây tháp, hoặc dựng tinh xá, đều là do các vua và đại thần, các danh gia vọng tộc ở các nước khắp châu Thiệm-bộ này, đã thọ nhận Giáo pháp của đức Phật để lại nên xây dựng những nơi này để khắc ghi.

Ngay chính giữa khu vực có tường xây quanh bao bọc cây bồ-đề là tòa kim cương.

Thuở xưa, lúc bắt đầu Hiền kiếp, tòa kim cương này xuất hiện cùng lúc với mặt đất, nằm giữa cõi đại thiên thế giới, bên dưới cùng chạm đến phần cấu trúc kim luân, phía trên lên khỏi mặt đất, hình thành từ chất kim cương, chu vi hơn 165 mét. Một ngàn vị Phật trong Hiền kiếp đều ngồi trên tòa này nhập định Kim cương, nên gọi là tòa kim cương. Vì là nơi chứng thánh quả nên cũng gọi là đạo tràng. Khi có động đất, chỉ riêng nơi [tòa này] là không hề lay chuyển.

Cho nên, khi Như Lai sắp thành Chánh Giác, đi qua khắp bốn góc quanh đây thì mặt đất đều rung chuyển chấn động, sau khi đến chỗ tòa kim cương này rồi thì mặt đất tự nhiên yên tĩnh không chấn động nữa.

Khi đã vào kiếp mạt, Chánh pháp dần dần suy vi, [tòa kim cương] này sẽ bị đất cát phủ lấp không nhìn thấy nữa. Sau khi đức Phật nhập Niết-bàn, vua các nước được nghe lại lời Phật dạy về kích thước của tòa Kim cương, liền cho xây dựng hai tượng Bồ Tát Quán Tự Tại ở hai mốc phía nam và phía bắc, ngồi quay mặt về hướng đông.

Được nghe các bậc kỳ cựu nói rằng: “Khi các tượng Bồ Tát này chìm lấp không còn thấy nữa thì Phật pháp sẽ dứt mất.” Hiện nay, tượng Bồ Tát ở góc phía nam đã chìm xuống đến quá ngực rồi.

Cây bồ-đề che trên tòa kim cương tức là cây tất-bát-la. Khi Phật còn tại thế, cây này cao hơn trăm mét, trải qua nhiều lần bị chặt phá, nay chỉ còn cao khoảng 15 -16 mét. Vì đức Phật ngồi dưới cây này thành bậc Chánh đẳng Chánh giác, cho nên gọi là cây bồ-đề. Thân, gốc màu trắng ngả vàng, cành lá xanh biếc, mùa đông cũng như mùa hạ đều không úa rụng, màu lá luôn sáng tươi không thay đổi. Mỗi năm đến ngày đức Như Lai nhập Niết-bàn, lá cây đều úa rụng, rồi không bao lâu lại mọc ra như cũ. Vào ngày đó, vua của các nước cùng kẻ tăng người tục từ nhiều nơi khác nhau, số đông đến ngàn vạn người, không ai triệu tập mà cùng kéo đến, đều dùng nước thơm, sữa thơm để tưới rửa [cho cây], lại tấu âm nhạc, bày hương hoa, đèn đuốc thắp sáng tiếp nối ánh mặt trời, tranh nhau cúng dường.

Sau khi đức Như Lai tịch diệt, đến lúc vua Vô Ưu vừa mới lên ngôi tin theo tà đạo, hủy phá thánh tích của Phật, huy động quân binh đích thân đến đây chặt phá, gốc thân cành lá đều chặt nát ra thành từng khúc ngắn, rồi mang qua phía tây cách đó khoảng 50 mét chất thành đống, lệnh cho những người bà-la-môn thờ lửa đốt lên để tế trời. Trong lúc lửa khói còn chưa hạ xuống, bỗng thấy sinh ra hai cây [bồ-đề] ngay trong lửa dữ, cành lá tươi tốt xanh biếc. Nhân đó nên gọi là cây bồ-đề tro, [vì mọc lên ngay trên đống tro]. Vua Vô Ưu nhìn thấy điều thần dị như thế liền hối lỗi, dùng sữa thơm tuới vào rễ cây còn sót lại, gần đến sáng hôm sau thì cây mọc trở lại như cũ. Vua thấy điều linh ứng lạ lùng càng thêm vui mừng, đích thân cúng dường và vui quá ở mãi quên về.

Vương phi vốn là người tin theo ngoại đạo, bí mật sai người đợi lúc quá nửa đêm lại chặt phá cây bồ-đề lần nữa. Đến sáng ra, vua Vô Ưu vừa định [đến gốc cây] kính lễ thì chỉ còn thấy gốc cây trơ trọi. Vua vô cùng sầu đau buồn giận, liền chí thành cầu nguyện, dùng sữa thơm tuới vào gốc, chưa được một ngày thì cây mọc lên như cũ. Vua càng thêm cung kính lạ thường, liền dùng đá xây tường bao quanh cao khoảng 3.5 mét, đến nay vẫn còn.

Gần đây, vua Thiết-thưởng-ca (Sasarika) tin theo ngoại đạo, ganh ghét hủy hoại Phật pháp, phá hoại chùa chiền, chặt phá cây bồ-đề này, muốn đào cả gốc rễ lên, nhưng đào sâu mãi đến dòng nước ngầm bên dưới mà vẫn chưa hết rễ cây, liền dùng lửa đốt rồi lấy nước mật đường mía đặc sệt đổ vào gốc, muốn cho cây chết rồi thối rửa đi, để dứt sạch hết mầm mống.

Mấy tháng sau đó, vua nước Ma-yết-đà là Bổ-lạt-nã-phạt-ma, cháu nhiều đời của vua Vô Ưu, nghe chuyện ấy liền than rằng: “Mặt trời trí tuệ [là đức Thế Tôn] đã ẩn khuất rồi, chỉ còn lại cây [này là dấu tích của] Phật, mà nay cũng chặt phá đi mất thì chúng sinh có còn gì để nhìn thấy nữa!” Vua nằm mọp xuống đất mà than khóc thảm thiết hết sức cảm động, liền dùng sữa của mấy ngàn con bò mà tuới vào chỗ gốc cây, trải qua một đêm thì cây mọc trở lại, cao hơn một trượng. Vua sợ sau này cây lại bị chặt phá nữa nên xây tường đá chung quanh cao đến 8 mét. Cho nên ngày nay cây bồ đề bị che khuất bởi vách đá, chỉ nhô lên cao hơn chừng 3.5 mét.

Phía đông cây bồ-đề này có một tinh xá, cao khoảng 50 -55 mét, phần nền rộng [mỗi bề] hơn 33 mét, xây bằng loại gạch sống chưa nung rồi dùng vôi quét lên. Các tầng bục thờ đều có tượng bằng vàng, bốn phía vách đều có tạo tác nhiều hình thù kỳ lạ, hoặc hình chuỗi hạt châu, hoặc hình chư thiên. Trên nóc tinh xá trang trí một quả a-ma-lạc-ca bằng đồng vàng. (Phần này cũng được gọi là bảo bình hoặc bảo đài.)

Mặt phía đông [tinh xá] giáp với một tòa lầu cao hai tầng, phần mái diềm đặc biệt có ba tầng. Cột trụ cho đến rường mái, cửa lớn, cửa sổ đều dùng vàng bạc chạm khắc để trang trí, dùng châu ngọc, đá quý đính thêm vào. Phòng ốc nằm sâu bên trong đều có ba lớp cửa. Phía ngoài cửa, hai bên đều có phòng thờ, bên trái thờ tượng đức Bồ Tát Quán Tự Tại, bên phải thờ tượng Bồ Tát Từ Thị, đều đúc bằng bạc trắng, cao hơn 3.3 mét.

Trên vùng đất cũ của tinh xá này, trước đây vua Vô Ưu đã xây dựng một tinh xá nhỏ, về sau có một vị bà-la-môn xây dựng thêm rộng lớn ra.

Ban đầu, vị bà-la-môn này không tin Phật pháp, chỉ thờ đức Đại Tự Tại Thiên. Sau đó nghe nói rằng trong vùng Tuyết sơn có thiên thần liền cùng với người em đến đó cầu nguyện. Thiên thần [ứng hiện] nói: “Hết thảy những điều cầu nguyện đều phải có phúc mới mong được quả. Chẳng phải do ngươi cầu mà được, cũng chẳng phải do ta có khả năng đáp ứng.”

Vị bà-la-môn liền hỏi: “Vậy tu phước như thế nào mới có thể thỏa lòng mong cầu?”

Thiên thần đáp: “Muốn gieo hạt giống lành phải cầu được ruộng phước thù thắng. Chỗ cây bồ-đề là nơi [đức Như Lai đã] chứng thành quả Phật. Ngươi nên nhanh chóng quay về, đến chỗ cây bồ-đề ấy, xây dựng một ngôi tinh xá lớn, đào một hồ nước lớn, lo liệu các việc cúng dường, như vậy thì những điều mong cầu đều được toại nguyện.”

Vị bà-la-môn sau khi nghe lời thiên thần, liền phát khởi niềm tin mạnh mẽ, anh em cùng nhau trở về, đến chỗ cây bồ-đề, người anh xây dựng tinh xá, người em lo đào hồ nước, sau đó cùng thành tâm chuyên cần thực hiện việc cúng dường rộng khắp. Về sau, sự mong cầu của họ quả nhiên đều được thành tựu. Họ trở thành các đại thần của nhà vua, mỗi khi được ban thưởng tài lộc đều đưa vào bố thí cúng dường.

Sau khi tinh xá hoàn thành, liền tuyển mộ những nghệ nhân [giỏi] để làm tượng đức Như Lai lúc mới thành Phật. Trải qua nhiều năm tháng nhưng chẳng thấy ai [đủ khả năng] đến nhận việc. Rất lâu sau đó mới có một vị bà-la-môn tìm đến nói với mọi người: “Tôi rất giỏi tạo hình các diệu tướng của đức Như Lai.”

Mọi người liền hỏi: “Nay muốn tạo tượng thì phải chuẩn bị những gì?”

Người ấy đáp rằng: “Chỉ cần bột trầm hương nhão thôi, nên mang vào để trong tinh xá, cùng với một ngọn đèn sáng. Sau khi tôi vào thì đóng cửa lại, sáu tháng sau mới được mở cửa.”

Lúc bấy giờ, tăng chúng làm đúng theo lời dặn ấy. Đến khi còn bốn ngày nữa mới đủ sáu tháng, tăng chúng đều thấy việc quá kỳ lạ nên mở cửa xem thử, liền thấy bên trong tinh xá một tượng Phật uy nghiêm ngồi kiết già, chân phải đặt lên trên, tay trái thu vào [lòng], tay phải buông xuống, mặt quay về hướng đông, thần thái tự nhiên sinh động như thật. Tòa ngồi [của Phật] cao khoảng 1.4 mét, chiều rộng mỗi bề khoảng 4.2 mét. Tượng cao 3.8 mét, bề ngang từ đầu gối phải sang đầu gối trái là 2.9 mét, từ vai phải sang vai trái là 2 mét, các tướng tốt đều đầy đủ, khuôn mặt hiền từ như thật, chỉ còn một điểm nhỏ phía trên ngực phải chưa tô bóng xong. Không nhìn thấy người làm tượng, mọi người mới hiểu ra đó là thần linh giáng hạ, tất cả đều ngạc nhiên xúc động, rất muốn biết rõ sự việc.

Bấy giờ có một vị sa-môn vốn tánh tình thuần hậu chân chất, nằm mộng thấy vị bà-la-môn [làm tượng] đến bảo rằng: “Ta là Bồ Tát Từ Thị, vì e rằng khả năng con người không thể hình dung ra được dung nhan đức Thế Tôn nên phải đích thân đến để làm tượng Phật này. Tay phải buông xuống, đó là khi đức Như Lai sắp chứng quả Phật, thiên ma đến quấy nhiễu, có một vị địa thần hiện ra giúp Phật hàng phục ma. Đức Như Lai bảo [địa thần]: “Ông không cần phải lo lắng, ta dùng sức nhẫn nhục chắc chắn hàng phục được thiên ma.”

Ma vương hỏi: “[Ngài nói vậy] có ai làm chứng?”

Đức Như Lai liền buông tay [phải], chỉ xuống đất nói rằng: “Mặt đất này có thể làm chứng.”

Ngay lúc ấy, vị địa thần thứ hai lập tức từ dưới đất nhảy vọt lên để làm chứng [cho lời nói của Phật]. Do vậy nên tay phải của tượng này dựa theo sự tích ấy mà buông xuống.”

Chúng tăng biết được sự linh ứng như vậy rồi, ai ai cũng đều xúc động. Liền dùng đủ các loại châu ngọc, trân bảo để trang sức che khuất đi chỗ chưa hoàn chỉnh trên ngực phải của pho tượng.

Khi Vua Thiết-thưởng-ca chặt phá cây bồ-đề rồi, muốn phá hoại pho tượng Phật này, nhưng khi nhìn thấy dung nhan từ hòa thì trong lòng bất an, [không thể ra lệnh phá tượng], liền quay xa giá trở về. Sau đó ra lệnh cho quan Tể tướng rằng: “Ngươi phải phá tượng Phật ấy đi, thay hình Đại Tự Tại Thiên vào chỗ đó.”

Quan Tể tướng nhận lệnh vua, sợ hãi than rằng: “Phá hủy tượng Phật thì chắc chắn phải gặp tai ương trong nhiều kiếp, mà trái lệnh vua thì mất mạng, cả gia tộc cũng bị tru diệt. Dù làm hay không làm đều [phải chịu khổ] như thế, ta thật không biết phải làm thế nào!”

Liền cho gọi một người có lòng tin [với Phật pháp], dặn dò sai đi thực hiện công việc. [Người này theo đúng lời dặn dò,] xây lên một bức tường gạch chắn ngang trước tượng Phật, nhưng lòng thấy xấu hổ vì làm cho chỗ tượng Phật bị tối tăm nên lại thắp đèn sáng rực trong đó. [Tiếp theo,] ở phía trước bức tường gạch này liền cho vẽ hình Tự Tại Thiên. Sau khi hoàn tất liền báo cho vua biết. Vua nghe tin tự nhiên trong lòng lo sợ, khắp thân hình đều mọc lên mụn nhọt, da thịt rách nát, không bao lâu thì chết.

Quan Tể tướng lập tức quay trở lại [tinh xá], phá bỏ bức tường che tượng Phật, mới thấy nơi chỗ pho tượng dù đã trải qua rất nhiều ngày mà đèn vẫn còn sáng không tắt.

Đến nay tượng Phật vẫn còn nguyên vẹn, công phu thần kỳ tạo tượng không hề suy tổn chút nào. Vì nơi đặt tượng là gian phòng nằm sâu bên trong không đủ ánh sáng nên đèn đuốc thay nhau thắp sáng liên tục. Tuy vậy, muốn nhìn cho thật rõ dung nhan từ hòa của tượng thì phải nhân lúc nắng lên vào buổi sáng, dùng một tấm gương lớn để phản chiếu ánh nắng soi vào bên trong, mới thấy hết được hình tướng linh dị vô cùng của tượng Phật. Bất kỳ ai nhìn qua đều cảm thấy trong lòng xúc động.

Đức Như Lai thành Chánh Đẳng Chánh Giác vào nửa đêm ngày mồng tám, thuộc nửa sau tháng Phệ-xá-khư, nhằm ngày mồng tám tháng ba theo lịch Trung Hoa. Thượng tọa bộ thì cho rằng Như Lai thành Chánh Đẳng Chánh Giác vào ngày 15, thuộc nửa sau tháng Phệ-xá-khư, tức là ngày 15 tháng ba theo lịch Trung Hoa. Lúc ấy đức Như Lai 30 tuổi, hoặc có nơi nói là 35 tuổi.

Phía bắc cây bồ-đề [có di tích] nơi đức Phật kinh hành. Sau khi đức Như Lai thành Chánh Giác, ngài không đứng dậy khỏi tòa ngồi mà ngồi yên nhập định tịch tịnh trong bảy ngày. Khi đứng lên rồi ngài đi về phía bắc cây bồ-đề, kinh hành trong bảy ngày, qua lại theo hướng đông tây trong phạm vi khoảng 20 mét, dưới bước chân Phật đi còn lưu lại 18 dấu hoa văn kỳ lạ. Người đời sau xây gạch thành nền ở ngay vị trí này, cao hơn một mét.

Đọc trong các ghi chép trước đây thấy nói rằng: Nền móng Thánh tích này có thể cho biết tuổi thọ dài ngắn của một người. Trước tiên phải thành tâm phát nguyện, sau đó mới đếm bước đi để đo chiều dài thánh tích. Tùy theo tuổi thọ dài ngắn của mỗi người mà số bước chân sẽ tăng giảm khác nhau.

Phía bắc [thánh tích nơi Phật] kinh hành, nằm ở phía bên phải đường đi, trên tảng đá lớn bằng phẳng có một tinh xá lớn, bên trong có tượng Phật [trong tư thế] đưa mắt ngước nhìn lên.

Thuở xưa, đức Như Lai ở lại chỗ này bảy ngày để nhìn cây bồ-đề không nháy mắt. Vì cảm ơn cây bồ-đề nên từ chỗ này quay lại nhìn cây.

Phía tây cây bồ-đề, cách đó không xa có một tinh xá lớn, bên trong có một tượng đúc bằng hợp kim đồng, trang sức bằng trân bảo quý hiếm. Tượng ở tư thế đứng quay mặt về hướng đông, phía trước có tảng đá xanh, có nhiều đường nét hoa văn hết sức kỳ lạ.

Thuở xưa, khi đức Như Lai mới thành Chánh Giác, Phạm vương tạo tòa nhà bằng bảy báu, [bên trong đó] Đế thích hóa ra tòa ngồi cũng bằng bảy báu, đức Phật ngồi trên tòa ấy tư duy trong bảy ngày, phóng hào quang lạ chiếu đến cây bồ-đề. Sau khi Phật nhập diệt đã lâu, các món châu báu đều hóa thành đá.

Không xa về phía nam cây bồ-đề, có một ngọn tháp cao hơn 33 mét, do vua Vô Ưu xây dựng.

Bồ Tát sau khi tắm dưới sông Ni-liên, định đi về chỗ cây bồ-đề thì tự khởi lên ý nghĩ, sẽ lấy gì để làm tòa ngồi? Rồi tự nghĩ ra phải dùng cỏ thanh tịnh. Khi ấy, Thiên Đế Thích liền hóa thân làm người cắt cỏ, gánh cỏ đi trên đường. Bồ Tát hỏi: “Cỏ ông đang gánh đó, có thể bố thí cho ta được chăng?”

Người do Đế Thích hóa hình đó nghe như vậy liền cung kính dâng cỏ lên cho Bồ Tát. Nhận xong, Bồ Tát liền cầm bó cỏ mà đi.

Từ chỗ nhận cỏ, không xa về hướng đông bắc có một ngọn tháp. Khi Bồ Tát sắp chứng quả Phật, đây là nơi có bầy chim sẻ và một đàn nai phô bày điềm lành.

Người Ấn Độ xem các điềm lành là điều rất tốt đẹp, cho nên chư thiên cõi trời Tịnh Cư tùy thuận thế gian, hóa hiện ra [bầy chim sẻ và một đàn nai] bay nhiễu, chạy nhảy [quanh Bồ Tát] để làm hiển lộ thánh đức.

Phía đông cây bồ-đề, hai bên con đường lớn có hai ngọn tháp, là nơi Ma vương [hiện ra] quấy nhiễu Bồ Tát.

Khi Bồ Tát sắp chứng quả Phật, Ma vương đến khuyên Bồ Tát nên làm [Chuyển Luân Thánh Vương], nhưng thuyết phục không được nên [Ma vương] buồn bực quay về. Những đứa con gái của Ma vương liền xin [cha cho] đến dụ dỗ, Bồ Tát dùng oai thần biến sắc đẹp của chúng [trong chốc lát] thành già suy, gầy yếu, phải chống gậy mà đi. Bọn ma nữ đành dắt díu nhau bỏ chạy về.

Phía tây bắc cây bồ-đề có một tinh xá, bên trong có tượng Phật Ca-diệp-ba, nổi tiếng linh ứng, thỉnh thoảng có phóng tỏa hào quang.

Đọc trong các ghi chép xưa thấy nói rằng, nếu ai chí thành đi nhiễu [quanh tượng này] bảy vòng, thì [về sau] khi sinh ra nơi nào đều được trí nhớ biết chuyện đời trước.

Phía tây bắc của tinh xá thờ Phật Ca-diếp có hai phòng xây bằng gạch nung, mỗi phòng đều có tượng địa thần.

Ngày xưa, khi đức Như Lai sắp thành Chánh Giác, [hai vị địa thần này,] một vị báo [cho Phật biết khi] Ma vương đến và một vị vì Phật mà làm chứng. Người đời sau cảm niệm công đức [của hai vị] nên tạo hình tượng để biểu dương.

Cách bờ tường bao quanh cây bồ-đề không xa về phía tây có một ngọn tháp tên là tháp Uất Kim Hương. Tháp cao hơn 13 mét, do vị thương chủ người nước Tào-củ-trá xây dựng.

Thuở xưa, nước Tào-củ-trá có một đại thương gia, thờ phụng thiên thần, cúng tế cầu phúc lợi, khinh miệt Phật pháp, chẳng tin nhân quả. Sau đó, cùng đi với một nhóm các thương nhân để mua hàng về bán. Thuyền đang đi trên biển Nam Hải thì gặp gió lớn lạc mất phương hướng, trôi dạt trên biển, trải qua đến ba năm, lương thực cạn kiệt, không còn gì để ăn. Mọi người trên thuyền, [trong lúc nguy kịch] không biết sống chết lúc nào, liền cùng nhau gắng sức một lòng, cầu niệm thiên thần mà từ lâu nay họ thờ phụng. Niệm cho đến khi hết sức mệt nhọc nhưng chẳng thấy linh hiển cứu giúp gì. Bỗng trong chốc lát nhìn thấy một ngọn núi lớn, đỉnh cao vách đứng sừng sững, có hai mặt trời gần nhau cùng chiếu ánh sáng. Lúc bấy giờ, các thương nhân an ủi nhau rằng: “Chúng ta vẫn còn có phước nên mới đi ngang qua núi này. Nên ghé vào nghỉ ở đó thì được an vui.”

Vị thương chủ nói: “Không phải núi, đó là con cá ma-kiệt. Đỉnh cao vách đứng đó là vây cá, hai mặt trời kia là hai mắt cá.”

Lời nói chưa dứt thì thuyền buồm đã trôi dạt đến đó. Khi ấy, vị thương chủ nói với các thương nhân: “Ta có nghe nói đức Bồ Tát Quán Tự Tại thường mang sự yên vui đến cho những chúng sanh đang gặp nguy khốn ách nạn. Chúng ta nên chí thành xưng danh hiệu ngài.”

Mọi người liền đồng thanh xưng niệm [danh hiệu Bồ Tát Quán Tự Tại], ngọn núi liền biến mất, hai mặt trời cũng không thấy nữa. Trong chốc lát liền thấy một vị sa-môn uy nghi hiền từ, tay cầm tích trượng đạp trên hư không mà đến cứu giúp, bỗng dưng chợt thấy đã về đến quê nhà.

Nhân đó mà các thương nhân này có tín tâm kiên cố, làm việc phước thiện chẳng hề thối chí. Họ cùng nhau xây dựng tháp rồi cung kính cúng dường, dùng bột nhão uất kim hương tô phết khắp trên dưới.

Sau khi phát khởi tín tâm, người thương chủ lại rủ những người cùng chí hướng cùng đích thân đi chiêm ngưỡng lễ bái các thánh tích, đến xem cây bồ-đề [nơi Phật thành đạo]. Đến nơi [tinh cần] chiêm bái, còn chưa tính chuyện quay về thì đã trôi qua một tháng. Các thương nhân trong lúc cùng đi nói với nhau: “Núi sông cách trở muôn trùng, quê nhà thăm thẳm xa xôi, trước đây đã xây tháp nơi ấy mà nay chúng ta đều ở nơi đây, biết ai là người quét dọn chăm sóc?”

Nói xong thì cũng vừa đúng lúc đi nhiễu đến chỗ này, bỗng dưng nhìn thấy một ngọn tháp, giật mình còn chưa kịp định thần, mọi người vội bước đến nhìn kỹ thì nhận ra chính là ngọn tháp họ đã xây dựng ở quê nhà. Cho nên ngày nay người Ấn Độ gọi là đây tháp Uất Kim Hương.

Ở góc phía đông nam của bức tường bao quanh cây bồ-đề, kế bên cây ni-câu-luật có một ngọn tháp, bên cạnh có một tinh xá, trong có tượng Phật ngồi. Thuở xưa khi đức Như Lai mới chứng quả Phật, Đại Phạm Thiên Vương ở tại chỗ này khuyến thỉnh Phật Chuyển Diệu Pháp Luân.

Bên trong bức tường bao quanh cây bồ-đề, bốn góc đều có bốn ngọn tháp lớn. Ngày xưa, sau khi đức Như Lai nhận cỏ cát tường rồi đi đến chỗ cây bồ-đề, trước đó lần lượt đi qua bốn góc này thì mặt đất đều chấn động, khi đến tòa kim cương [dưới gốc bồ-đề] thì [mặt đất] mới an tĩnh [không còn chấn động].

Bên trong khuôn viên bức tường bao quanh cây bồ-đề, các thánh tích nằm san sát bên nhau, thật khó kể ra hết.

Phía bên ngoài tường bao quanh cây bồ-đề, về hướng tây nam có một ngọn tháp, là nơi nhà cũ của hai cô gái chăn bò đã dâng bát cháo sữa. Ngọn tháp kế bên đó là nơi các cô gái nấu cháo, và tháp kế bên nữa là nơi đức Như Lai thọ nhận bát cháo.

Bên ngoài cửa phía nam của tường bao quanh cây bồ-đề có một hồ nước lớn, chu vi khoảng 1.200 mét, sóng nước trong trẻo, mặt hồ như gương soi, có rồng và cá sống ẩn nấp dưới hồ. Khi hai anh em bà-la-môn nghe theo lời của Đại Tự Tại Thiên mà làm [việc công đức, người em đã] đào hồ này.

Tiếp đó về phía nam có một hồ nước khác. Ngày xưa, khi đức Như Lai mới thành Chánh Giác, vừa muốn tắm gội, Thiên Đế Thích liền vì Phật mà hóa ra hồ nước. Về phía tây có một tảng đá lớn. Khi đức Phật giặt y xong, vừa muốn mang ra phơi, Thiên Đế Thích liền từ núi Tuyết mang tảng đá này đến [để Phật phơi y]. Bên cạnh đó có ngọn tháp, là nơi đức Như Lai vá sửa tấm y cũ. Tiếp đến về phía nam, trong rừng có một ngọn tháp, là nơi đức Như Lai thọ nhận y áo cũ của một bà lão nghèo.

Từ hồ nước do Đế Thích hóa ra nhìn về phía đông, trong rừng có hồ nước của Long vương Mục-chi-lân-đà. Nước hồ trong, có màu đen, vị ngon ngọt. Nơi bờ phía tây của hồ có một tinh xá nhỏ, bên trong có một tượng Phật.

Ngày xưa, khi Như Lai mới thành Chánh Giác đã ngồi yên tĩnh nơi đây nhập định suốt bảy ngày. Lúc bấy giờ, vị long vương này canh phòng bảo vệ đức Như Lai, dùng thân mình quấn quanh Phật bảy vòng, biến hóa thành nhiều đầu để làm thành lọng che bên trên Phật. Cho nên, bên bờ hồ phía đông có một cái hang, là nơi ở của long vương.

Về phía đông hồ Mục-chi-lân-đà, trong rừng có một tinh xá, bên trong có tượng Phật [lúc tu khổ hạnh] gầy ốm. Kế bên có [di tích] nơi kinh hành của Phật, chiều dài 120 mét, có hai cây tất-bát-la ở hai phía nam, bắc. Cho nên theo tục ở đây, những người bị tật bịnh thường mang dầu thơm đến tô phết lên tượng này, rất nhiều người được khỏi bệnh.

Đây là nơi Bồ Tát tu khổ hạnh. Đức Như Lai vì muốn hàng phục ngoại đạo, lại nhận lời thỉnh cầu của ma, nên thực hành tu khổ hạnh sáu năm, mỗi ngày ăn một hạt mè, một hạt lúa mạch, hình dung tiều tụy, thân thể gầy gò chỉ còn da bọc xương, mỗi lúc [muốn đi] kinh hành phải vịn cây mới đứng lên nổi.

Bên cạnh cây tất-bát-la nơi Bồ Tát tu khổ hạnh có một ngọn tháp, là nơi năm người trong nhóm ông A-nhã Kiều-trần-như trú ngụ.

Ban đầu, khi thái tử rời bỏ gia đình, vẫn còn lang thang trong núi sâu, tạm ngụ chốn rừng thẳm, [chưa dừng lại nơi đâu cố định]. Lúc bấy giờ, vua Tịnh Phạn lệnh cho năm người [nhóm ông Kiều-trần-như] đi theo tìm xem [thái tử ở đâu]. Đến khi thái tử đã tu khổ hạnh, nhóm ông Kiều-trần-như cũng phát tâm [ở lại nơi đây] tu tập rất chuyên cần.

Từ nơi trú ngụ của nhóm ông Kiều-trần-như nhìn về hướng đông nam có một ngọn tháp, là nơi Bồ Tát xuống sông Ni-liên-thiền tắm gội. Không xa bờ sông là nơi Bồ Tát thọ nhận bát cháo sữa. Cạnh đó có tháp, là nơi hai vị truởng giả cúng dường cốm mật [lên đức Phật].

[Thuở ấy,] đức Phật ngồi kiết già dưới gốc cây [bồ-đề] điềm nhiên an tịnh, thọ hưởng niềm vui giải thoát. Sau bảy ngày, chuẩn bị ra khỏi thiền định đứng dậy. Lúc ấy có hai thương chủ đang trên đường đi bên ngoài khu rừng, vị thần rừng nơi đây liền [hiện ra] bảo các thương chủ: “Thái tử dòng họ Thích đang ở trong rừng này, vừa mới chứng quả Phật, dừng tâm sâu lắng trong định tịch tịnh, qua 49 ngày rồi mà chưa ăn gì. Các ngươi tùy khả năng [có được món gì] nên đến đó cúng dường, sẽ được phước đức lợi lạc rất lớn.”

Bấy giờ, hai vị thương chủ ấy mỗi người đều mang cốm mật đến dâng lên cúng dường, đức Thế Tôn thọ nhận.

Bên cạnh chỗ các truởng giả hiến cốm mật lại có một ngọn tháp, là nơi Tứ Thiên Vương dâng cúng bình bát.

Khi các thương chủ dâng cúng cốm mật, đức Thế Tôn đang nghĩ sẽ dùng vật gì để đựng thì Tứ Thiên Vương từ bốn phương hiện lại, mỗi vị đều mang bình bát vàng đến dâng cúng. Đức Thế Tôn lặng thinh không thọ nhận, vì người xuất gia dùng bát [quý] này không thích hợp. Tứ Thiên Vương liền bỏ bình bát vàng, dâng bình bát bạc, cho đến pha lê, lưu ly, mã não, xa cừ, trân châu các loại, nhưng đức Thế Tôn đều không nhận. Tứ Thiên Vương phải quay về cung trời, mang đến bình bát bằng đá có màu sáng xanh lấp lánh, cùng nhau dâng lên. Lúc ấy đức Thế Tôn dứt trừ sự phân biệt mà nhận tất cả các bát này rồi đặt chồng lên nhau, ấn xuống thành một bát, cho nên bên ngoài [mép bát] có bốn đường gờ nổi.

Cách chỗ Tứ Thiên Vương dâng cúng bình bát không xa có một ngọn tháp, là nơi đức Như Lai vì mẹ thuyết pháp.

Sau khi đức Như Lai đã thành Chánh Giác, được tôn xưng là Thiên Nhân Sư, mẫu hậu Ma-da từ thiên cung giáng hạ nơi này. Đức Thế Tôn tùy căn cơ chỉ bày giáo pháp làm lợi lạc an vui.

Cạnh đó có một cái hồ đã khô nước, bên bờ hồ có một ngọn tháp, là nơi ngày xưa đức Như Lai hiện các phép thần biến để giáo hóa những người hữu duyên.

Kế bên nơi đức Như Lai hiện thần biến có một ngọn tháp, là nơi đức Như Lai hóa độ ba anh em Ưu-lâu-tần-loa Ca-diệp và 1.000 người đệ tử [của họ].

Đức Như Lai khéo dạy dỗ dẫn dắt, tùy lúc thích hợp mà hàng phục, nên lúc bấy giờ 500 đệ tử của Ưu-lâu-tần-loa Ca-diệp xin theo Phật học đạo. Ca-diệp-ba liền nói: “Ta cũng sẽ cùng các ngươi từ bỏ đường mê.” Nói rồi cùng với các đệ tử đi đến chỗ Phật. Đức Như Lai bảo: “Hãy vất bỏ áo bằng da nai, vất bỏ những đồ cúng tế thờ lửa.”

Lúc ấy, những người này cung kính vâng lời Phật dạy, mang những y phục [bằng da nai] cùng đồ dùng tế lễ ném hết xuống sông Ni-liên. Ông Nại-địa Ca-diếp [ở phía hạ lưu sông] thấy các đồ tế theo dòng sông trôi xuống liền cùng với [300] đệ tử chờ xem tin tức của người anh. Khi thấy anh mình đã từ bỏ đường cũ [để đi theo đức Phật], liền cũng [xin xuất gia] đắp y hoại sắc. Già-da Ca-diệp-ba có hai trăm đệ tử, nghe hai người anh mình đã bỏ [đạo thờ lửa], nên cũng đến chỗ Phật phát nguyện xuất gia thọ giới.

Từ ngọn tháp nơi đức Phật hóa độ anh em ông Ca-diệp-ba, nhìn về phía tây bắc lại có một ngọn tháp, là nơi đức Như Lai đã hàng phục con rồng lửa mà ông Ca-diệp [trước đó] thờ phụng.

Đức Như Lai muốn hóa độ ông Ca-diếp, định trước phải chế phục nguồn gốc niềm tin mê muội của ông ấy, nên đến nghỉ đêm ở căn phòng có con rồng lửa. Vừa quá nửa đêm, rồng phun ra khói lửa, đức Phật đã nhập định liền phóng hào quang như ánh lửa, khiến căn phòng ấy sáng rực lên như lửa cháy. Lúc ấy, các vị phạm chí sợ Phật bị lửa thiêu, tất cả đều vội vã chạy đến cứu, [sợ không kịp nên] lòng đau đớn thương tiếc. Ông Ưu-lâu-tần-loa Ca-diệp-ba liền nói với các đệ tử: “[Theo ta] thấy thì [ánh sáng] đó chưa hẳn là lửa cháy, có thể là vị sa-môn [kia] đang hàng phục rồng lửa.”

Đức Như Lai bắt con rồng lửa nhốt trong bình bát, lúc sáng sớm [hôm sau] liền mang cho các đệ tử ngoại đạo xem.

Ngọn tháp bên cạnh đó là nơi 500 vị [Phật] Độc giác cùng nhập Niết-bàn.

Ngọn tháp ở phía nam của hồ rồng Mục-chi-lân-đà là nơi Ca-diệp-ba vội vàng đến cứu [vì sợ] đức Như Lai bị ngập nước.

Lúc bấy giờ, anh em Ca-diệp-ba có sức thần thông, xa gần đều ngưỡng mộ, dân chúng tin theo. Đức Thế Tôn muốn dẫn dắt những kẻ mê lầm, dùng quyền biến để nhiếp hóa, liền [làm cho] mây đen bao phủ, mưa lớn dầm dề, nhưng chỉ riêng chung quanh chỗ Phật không có nước.

Lúc ấy, Ca-diệp-ba thấy mưa đổ dầm dề như thế liền nói với đệ tử: “Chỗ ở của vị sa-môn ấy làm sao khỏi ngập chìm trong nước?” Liền vội vã chèo thuyền đến cứu thì thấy đức Thế Tôn đi trên mặt nước như đi trên đất, bước đi giữa dòng nước, đi đến đâu nước tự động rẽ sang hai bên, mặt đất hiện ra. Ca-diếp thấy vậy trong lòng kính phục quay về.

Từ cửa phía đông của tường bao quanh cây bồ-đề, cách khoảng chưa được 1 km có một cái hang của con rồng mù.

Con rồng này do nghiệp ác nhiều đời trước, chịu quả báo mù mắt từ lúc sinh ra. Khi đức Như Lai từ núi Tiền Chánh Giác muốn đi đến cây bồ-đề, đi ngang qua cái hang này thì rồng tự nhiên sáng mắt, liền nhìn thấy Bồ Tát đang đi đến chỗ cây [bồ-đề], liền thưa với Bồ Tát rằng: “Không bao lâu nữa ngài sẽ thành Phật. Đôi mắt con bị mù đã rất lâu, chỉ mỗi khi có Phật ra đời mới được sáng lại. Trong Hiền kiếp này, khi ba vị Phật vừa qua ra đời thì đôi mắt con đều được sáng ra nhìn rõ. Hôm nay ngài đến đây thì mắt con bỗng được sáng ra, cho nên con biết rằng ngài sẽ thành Phật.”

Kế bên cửa đông của tường bao quanh cây bồ-đề lại có một ngọn tháp, là nơi Ma vương phải khiếp sợ Bồ Tát.

Ban đầu, khi Ma vương biết Bồ Tát sắp thành Chánh Giác liền [tìm mọi cách] dụ dỗ, quấy nhiễu đều không kết quả, hết sức lo lắng sợ hãi không còn biết dựa vào đâu, liền tập trung các chúng quỷ thần [thuộc hạ], cùng tất cả binh ma tề chỉnh, lớp lớp đông đảo quân binh định uy hiếp Bồ Tát. Liền đó lại nổi lên mưa to gió lớn, sấm sét mịt mù, lửa khói ngút trời, cát bay đá chạy, bày ra la liệt đủ các loại khí giới, cung tên.

Lúc ấy, Bồ Tát liền nhập định Đại từ, bao nhiêu binh khí đều hóa thành hoa sen, ma quân kinh hãi khiếp sợ hối hả tan rã chạy về.

Cách đó không xa lại có hai ngọn tháp, do Đế Thích và Phạm vương dựng lên.

Bên ngoài cổng phía bắc của tường bao quanh cây bồ-đề có chùa Ma-ha Bồ-đề. Trước đây do vua nước Tăng-già-la xây dựng, tổng thể chia thành sáu phần, cổng xây ba tầng, có tường bao quanh cao đến 11-12 mét, kiến trúc cực đẹp, trang sức sắc sảo mỹ lệ. Tượng Phật đúc bằng vàng, bạc và trang sức bằng các loại trân bảo. Các ngọn tháp đều cao rộng, trang sức đẹp đẽ, bên trong có xá-lợi Như Lai, xá-lợi xương lớn như lóng tay, sáng trắng, trong suốt, thấu cả trong ngoài, xá-lợi thịt như viên chân châu lớn, có màu hồng pha sắc xanh sáng.

Mỗi năm, vào ngày trăng tròn của tháng Như Lai đại thần biến (tức là ngày 30 tháng 12 theo lịch Ấn Độ, nhằm ngày 15 tháng giêng theo lịch Trung Hoa), xá-lợi Phật được mang đặt ra bên ngoài cho đại chúng [chiêm ngưỡng]. Vào ngày ấy, thường có [điềm lành như xá-lợi] phóng tỏa hào quang hoặc trời mưa hoa.

Tăng sĩ [ở đây] chưa đến 1.000 người, tu tập theo giáo pháp cả Đại thừa và Thượng tọa bộ thuộc Tiểu thừa, luật nghi thanh tịnh đầy đủ, giới hạnh trong sạch sáng ngời.

Thuở xưa, vua nước Tăng-già-la ở vùng biển phía nam [Ấn Độ] bẩm tính thuần thành tin sâu Phật pháp, trong gia tộc có người em xuất gia, nghĩ tưởng đến thánh tích của Phật nên vượt đường xa đến Ấn Độ, xin ngụ ở các chùa, nhưng đều bị khinh chê là dân vùng biên địa hèn kém. Vị ấy liền trở về nước, nhà vua thân hành đi đón từ xa. Vị sa-môn buồn tủi không nói nên lời. Vua hỏi: “Thầy có điều chi ôm ấp trong lòng mà buồn bã như vậy?”

Vị sa-môn nói: “Tôi dựa vào uy thế của nước ta mà ra đi đến phương xa học đạo, lang bạt xứ người, tháng năm dài chịu đủ điều nóng lạnh trên đường, lại còn lúc nào cũng bị khinh chê nhục mạ, mở miệng nói ra liền bị người chê cười, trong lòng đầy nỗi buồn đau nhục nhã, còn tâm trạng nào để vui được?”

Vua hỏi: “Nếu quả là như thế, vậy giờ nên làm thế nào?”

Vị sa-môn liền nói: “Kính mong đại vương vì gieo trồng ruộng phước mà cho xây dựng chùa ở các nước vùng Ấn Độ, vừa để biểu dương các thánh tích, lại cũng được danh tiếng tốt đẹp, đem phúc lành [hồi hướng cầu nguyện] cho tiên vương, mà cũng lưu lại ân đức cho con cháu.”

Vua nói: “Việc này thật quá tốt đẹp, [thật tiếc là] sao mãi đến giờ ta mới được nghe!”

Liền lập tức sai người mang các đồ quý báu trong nước sang dâng cho vua Ấn Độ. Vua Ấn Độ nhận lễ rồi, muốn kết sâu tình nghĩa với các nước ở vùng xa xôi, liền hỏi sứ thần: “Nay ta nên tặng món gì cho ngươi mang về để đáp lại thịnh tình này?”

Sứ thần liền thưa: “Vua Tăng-già-la cúi đầu trước đức vua đại cát tường của Ấn Độ. Uy đức của ngài chấn động cõi xa, ân huệ của ngài thấm nhuần khắp chốn. Có sa-môn ở đất nước nhỏ bé của chúng tôi, vì khâm phục ngưỡng mộ phong hóa của ngài nên bạo gan đến đây để kính viếng những nơi thánh tích, muốn trú ngụ ở các chùa nhưng không một chùa nào giúp cho chỗ ở, phải chịu đựng nỗi khổ khó khăn cay đắng muôn phần, đành xấu hổ mà quay về. Nay vua nước tôi muốn định chuyện dài lâu, để lại khuôn mẫu cho đời sau, [xin được] xây dựng chùa chiền trên đất Ấn Độ, để giúp cho những vị khất sĩ [hành hương] xa xôi có nơi nghỉ ngơi trú ngụ, được vậy thì người qua kẻ lại không ngừng, sự giao hảo giữa hai nước sẽ càng tốt đẹp.”

Vua [Ấn Độ] nói: “Sự giáo hóa tiềm tàng của đức Như Lai [từ thuở trước], phong thái tốt đẹp vẫn còn đây. Trong số các thánh tích, [quý quốc có thể tùy ý] chọn lấy một nơi [để xây dựng].”

Sứ giả từ biệt quay về báo lên vua Tăng-già-la, quần thần đều đến chúc mừng. Vua liền cung thỉnh các vị sa-môn cùng bàn bạc về việc [chọn nơi] xây dựng. Các sa-môn nói: “Chư Phật từ trước đến nay đều chứng thành Chánh Giác nơi cây bồ-đề. Xét qua tất cả các ý kiến khác nhau thì không có nơi đâu thích hợp bằng chỗ này.”

Sau đó, vua Tăng-già-la liền đem tài bảo trong nước đến để xây dựng ngôi chùa [ở chỗ cây bồ-đề Phật thành đạo], rồi đưa chư tăng trong nước [đến đó], theo đúng phép tắc cúng dường. Lại làm một bài văn khắc vào bảng đồng như sau:

“Chư Phật có dạy, việc cúng dường bố thí phải vô tư không phân biệt. Cứu giúp hết thảy những người hữu duyên, đó là lời khuyên sáng suốt của các bậc thánh. Nay trẫm là người kém cỏi mà phải gánh vác vương nghiệp lớn lao, nên xây dựng chùa này để biểu dương thánh tích, đem phúc lành [hồi hướng báo đáp] tổ tiên, tạo ân huệ để muôn dân cùng hưởng. Không chỉ riêng tăng sĩ nước [Tăng-già-la] được tự do sử dụng, mà tăng sĩ các nước khác cũng được hưởng cùng quy chế. Việc này truyền lại cho đời sau, mãi mãi không dứt.”

Cho nên tại chùa này [ngày nay] có rất nhiều tăng sĩ từ nước Tăng-già-la.

Từ cây bồ-đề [nơi Phật thành đạo] đi về hướng nam, trong suốt phạm vi hơn 3 km có rất nhiều thánh tích, nằm san sát bên nhau, thật khó kể ra cho đầy đủ. Mỗi năm, sau khi các vị tỳ-kheo vừa qua mùa an cư, từ khắp bốn phương kẻ tăng người tục cùng kéo về đây cả trăm ngàn vạn người, trong suốt bảy ngày bảy đêm cùng dâng hương hoa, đánh trống tấu nhạc, thăm thú khắp các nơi trong rừng, lễ bái cúng dường.

Tăng sĩ ở Ấn Độ y theo lời Phật dạy, thảy đều bắt đầu nhập an cư vào ngày mồng một thuộc nửa đầu của tháng thất-la-phạt-noa, nhằm ngày 16 tháng 5 theo lịch Trung Hoa, và chấm dứt mùa an cư vào ngày 15 thuộc nửa sau của tháng át-thấp-phược-dữu-xà, nhằm ngày 15 tháng 8 theo lịch Trung Hoa.

Tên gọi các tháng của Ấn Độ được xác định căn cứ theo các vì sao, nên xưa nay không hề thay đổi, các bộ phái cũng đều giống nhau. Chỉ vì phương ngữ các nơi không giống nhau nên khi phiên dịch có sự sai lầm, dẫn đến sai khác trong việc tính toán ngày tháng, cho nên [tại Trung Hoa mới] nhập an cư vào ngày 16 tháng 4 và chấm dứt an cư vào ngày 15 tháng 7.





Hình minh họa: Đồ họa thể hiện hành trình qua các thánh tích trong nước Ma-yết-đà - Phần 1 - Quyển 8 - Tây Vực Ký



    « Xem chương trước «      « Sách này có 15 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Các bài tiểu luận về Phật giáo của Trần Trọng Kim


Rộng mở tâm hồn


Cẩm nang phóng sinh


An Sĩ toàn thư - Khuyên người tin sâu nhân quả - Quyển Hạ

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.137.220.198 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (161 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...