Sống chạy theo vẻ đẹp, không hộ trì các căn, ăn uống thiếu tiết độ, biếng nhác, chẳng tinh cần; ma uy hiếp kẻ ấy, như cây yếu trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 7)
Vết thương thân thể sẽ lành nhưng thương tổn trong tâm hồn sẽ còn mãi suốt đời. (Stab the body and it heals, but injure the heart and the wound lasts a lifetime.)Mineko Iwasaki
Kẻ không biết đủ, tuy giàu mà nghèo. Người biết đủ, tuy nghèo mà giàu. Kinh Lời dạy cuối cùng
Như ngôi nhà khéo lợp, mưa không xâm nhập vào. Cũng vậy tâm khéo tu, tham dục không xâm nhập.Kinh Pháp cú (Kệ số 14)
Cỏ làm hại ruộng vườn, sân làm hại người đời. Bố thí người ly sân, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 357)
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 8)
"Nó mắng tôi, đánh tôi, Nó thắng tôi, cướp tôi." Ai ôm hiềm hận ấy, hận thù không thể nguôi.Kinh Pháp cú (Kệ số 3)
Hạnh phúc là khi những gì bạn suy nghĩ, nói ra và thực hiện đều hòa hợp với nhau. (Happiness is when what you think, what you say, and what you do are in harmony.)Mahatma Gandhi
Ðêm dài cho kẻ thức, đường dài cho kẻ mệt, luân hồi dài, kẻ ngu, không biết chơn diệu pháp.Kinh Pháp cú (Kệ số 60)
Nếu muốn đi nhanh, hãy đi một mình. Nếu muốn đi xa, hãy đi cùng người khác. (If you want to go fast, go alone. If you want to go far, go together.)Ngạn ngữ Châu Phi
Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tiếp kiến đức Đạt-lai Lạt-ma »» Xem đối chiếu Anh Việt: Chương III. Tiếp kiến đức Đạt-lai Lạt-ma »»
Ngài đã đến và đã đi như bao nhiêu sự đến và đi khác trong nẻo tử sinh của luân hồi, nhưng khi Ngài đến đã mang đến cho mọi người một nụ cười hoan hỷ và khi Ngài đi, Ngài đã để lại trong tâm khảm của tất cả những người tham dự một cảm tưởng thanh thoát nhẹ nhàng.
Ngày xưa khi Đức Phật còn tại thế, đi đến đâu Ngài cũng lấy tâm từ bi, lợi tha và trí huệ để cảm hóa nhân sinh. Vì vậy, khi gặp được Ngài, ai ai cũng cảm thấy được gội nhuần ơn pháp vũ. Từ vua chúa cho đến bần dân, nơi đâu có hình ảnh của Đức Phật là nơi đó có hòa bình, chiến tranh lại hết, nỗi khổ của nhân sinh lại vơi đi. Những người nghi kỵ, ngờ vực nhau lại có cơ hội để gần nhau và thông cảm nhau trong tình huynh đệ đại đồng.
Sau 25 thế kỷ, lời Đức Phật dạy vẫn còn đó, các vị Tổ Sư truyền thừa cũng đều thể hiện hạnh nguyện độ sanh này bằng con đường Từ Bi và Trí Tuệ ấy, nên ngày nay Phật Giáo đã lớn mạnh khắp năm châu bốn bể. Đặc biệt là Đức Đạt-lai Lạt-ma, hiện thân của từ bi, bất bạo động đã chinh phục thế giới. Do vậy mà năm 1989 Ngài đã được nhận giải thưởng Nobel Hòa Bình và cho đến bây giờ, đi đâu và thuyết giảng điều gì, Ngài cũng luôn luôn hướng các chính trị gia, các văn sĩ, các nhà tôn giáo soi rọi lại tâm của mình, gạn lọc tâm thức của mình bằng con đường giới, định, huệ và để từ đó lòng tin cũng như lòng từ bi được tăng trưởng.
Vào ngày 18 tháng 6 năm 1995 chùa Viên Giác tại Hannover - Đức Quốc, có nhân duyên đã cung đón được Ngài và số báo Viên Giác 88 xuất bản vào tháng 8 năm 1995 tôi cũng đã có viết một bài tường thuật rất chi tiết về việc này. Thiết tưởng đăng tải lại vào chương này cũng không phải là việc dư thừa. Do vậy, tôi cho đăng lại nguyên văn bài viết đến hết Chương này. Mong rằng quý độc giả sẽ còn nhận ra được rằng sự hiện hữu của Ngài và chính mình lúc đó là một.
Ngài đã đến,
mang lại nụ cười
đó là Đức Đạt-lai Lạt-ma
Viết về Ngài đã có nhiều sách vở đã viết, bằng đủ mọi thứ tiếng, kể cả ngôn ngữ tiếngViệt. Trong đó nhà văn Nguyên Phong ở Hoa Kỳ chuyển ngữ hai quyển bằng tiếng Anh là «My land and my People» (Nước Tôi và Dân Tôi) và “Freedom in Exil” (Tự Do trong Lưu Đày). Nguyên Phong đã dịch xuất thần và mọi người đọc những quyển sách này, ai cũng muốn tìm hiểu sâu hơn nữa về bậc Thánh Tăng ấy.
Cách đây khoảng 7 năm, Ngài đã đến Hamburg, một thành phố lớn thuộc miền Bắc xứ Đức, có hơn 2 triệu dân cư ngụ. Nơi đó người Việt Nam sinh sống cũng đông và có một Trung Tâm Phật Giáo Tây Tạng, do vị Đại Sư Geshe Thubten Ngawang hướng dẫn tinh thần. Đa số là những người Đức theo học Phật và cũng đã có nhiều người xuất gia mặc áo hoại sắc theo Tây Tạng.
Cũng vì nơi đây có Trung Tâm Phật Giáo Tây Tạng nên họ đã tổ chức một buổi giảng công cộng cho Ngài, và Tăng Ni Việt Nam tại Đức đã được mời đến dự. Lúc ấy Ngài giảng ở một Hội Trường lớn của Đại Học Hamburg. Hội Trường có sức chứa chừng 4 đến 5 ngàn người. Đầu tiên Ngài làm lễ theo truyền thống Tây Tạng, sau đó thuyết pháp. Sau 2 giờ, nghỉ giải lao để dùng trưa. Buổi chiều tiếp tục thuyết giảng. Trong suốt 5 giờ đồng hồ nghe giảng, cả Hội Trường 4 - 5 ngàn người đã chú tâm thành kính, không có một tiếng động, làm cho tôi có một suy nghĩ, một ấn tượng sâu đậm về bậc giác ngộ này.
Hôm ấy, vào lúc nghỉ trưa chúng tôi chỉ được phép chào Ngài và Ngài đưa tay cho bắt thế thôi. Khi xong buổi thuyết pháp, về lại chùa, tôi đã kể lại chuyện này cho bao nhiêu Phật Tử nghe và có người bảo tại sao Thầy không mời Ngài về chùa mình giảng.
Lúc ấy nghe để mà nghe vậy thôi, chứ làm sao trả lời được câu hỏi ấy. Vì lẽ chùa Viên Giác còn bé nhỏ quá, và vị trí của tôi lúc bấy giờ chưa xứng đáng để cung thỉnh Ngài về Hannover, nên tôi đã nói rằng: “Chắc chắn một ngày nào đó Ngài sẽ đến Hannover, nhất là lúc mà chùa mới của mình đã được xây xong.” Mà quả thật như thế, Chùa Viên Giác thật sự hoàn thành vào cuối năm 1994, thì năm 1995 Phật Tử Việt Nam tại Đức lại có duyên may để cung đón Ngài. Đây là câu chuyện:
Vào giữa tháng 3 năm 1995, ông Helmut Hanefeld, một Phật Tử Đức ở chùa Viên Giác hơn 2 năm, có thưa với tôi rằng:
- Bà Iris Heiß, đại diện tổ chức thân hữu Đức - Tây Tạng muốn gặp thầy để bàn về việc Đức Đạt-lai Lạt-ma nhân chuyến công du tại Köln vào ngày 8 tháng 5 năm 1995 sắp tới, có ý tới thăm chùa Việt Nam tại Hannover và Thầy nên cố gắng dàn xếp một cuộc họp nhỏ với ông Gyaltag, đại diện ngoại giao của Tây Tạng tại Thụy Sĩ, cũng sẽ đến Hannover để bàn về việc ấy.
Đó là khởi đầu của công việc này.
Sau khi đi Indonésia về vào ngày 31 tháng 3 năm 1995 (xin đọc thêm bài “Một Chuyến Đi Vội” đăng trong Viên Giác số 87, xuất bản tháng 6 năm 1995 để hiểu thêm). Ngay trưa hôm đó tôi đã tiếp ông Gyaltag, bà Iris Heiß và có cả ông Helmut Hanefeld tại phòng họp của Chùa Viên Giác. Trên nguyên tắc, chúng tôi đã đồng ý việc cung đón Ngài đến Chùa Viên Giác tại Hannover, sau những nguyên tắc nghi lễ và ngoại giao đã được thông qua.
Trong dãy nhà Tây của chùa Viên Giác, tôi có dành cho một Hội Phật Giáo Đức theo Tây Tạng có tên là Chöling một phòng lớn để làm chỗ lễ bái và tọa thiền. Hội Chöling cũng nhân cơ hội đó có ngỏ ý rằng sẽ hợp tác chung trong việc tổ chức đón rước ấy. Thế là chúng tôi đã đi đến một điểm chung là phải họp nhau lại để bàn bạc các chi tiết.
Một ngày giữa tháng 4 năm 1995, ba tổ chức đã họp lại để bàn bạc việc đón tiếp Ngài. Đó là Chùa Viên Giác, Hội Phật Giáo Tây Tạng Chöling và Hội thân hữu Đức - Tây Tạng.
Chúng tôi ban đầu bàn và đã thống nhất với nhau là Đức Đạt-lai Lạt-ma sẽ tiếp các chính trị gia và đại diện 2 Tôn Giáo lớn Tin Lành và Thiên Chúa tại Chùa Viên Giác. Sau đó Ngài sẽ giảng pháp cho các Phật Tử nghe và về lại Köln.
Hội Phật Giáo thân hữu Đức - Tây Tạng sẽ lo liên lạc với các chính trị gia của Đức. Phần mời đại diện các Tôn Giáo do Chi Bộ Phật Giáo Việt Nam tại Đức và Hội Chöling đảm nhận. Về vấn đề hình thức tiếp đón như thế nào, sẽ họp thêm một phiên họp chi tiết nữa.
Sau khi đi họp tại Chùa Viên Giác về, bà Iris Heiß vui mừng quá nên loan báo liền với báo chí tại Hannover về tin tức trên. Do đó vào sáng ngày hôm sau 17.4.1995 đã thấy báo Hannoversche Allgemeine Zeitung loan tin ở trang đầu là: “Đức Đạt-lai Lạt-ma sẽ đến Chùa Viên Giác vào ngày 7 tháng 5 năm 1995”. Sau đó có không biết bao nhiêu cú điện thoại hỏi về việc đến thăm của Ngài. Chúng tôi lo lắng và phải tiên liệu cho những vấn đề khác nữa, nên cũng chưa giải thích được gì.
Đùng một cái, tôi nhận được điện thoại từ Thụy Sĩ của ông Gyaltag gọi sang nói là máy bay của Ngài đã đổi lộ trình, nên không còn đến Hannover được nữa. Tôi nghe như sét đánh vào đầu mình và có một cảm tưởng chán chường trong một trạng thái chẳng vui vẻ tí nào cả. Tất cả đều buông xả...
Xem như việc đã định, vào ngày 7 tháng 5 năm 1995 Ngài không đến được nữa thì phải nhờ báo chí loan tin là Ngài không đến! Chuyện ấy cũng không sao, nhưng thấy như có cái gì không ổn. Chúng tôi yên chí làm việc ấy. Cách đó một ngày sau, chúng tôi lại nhận được điện thoại của ông Gyaltag báo tin rằng Ngài có thể đến như dự định vào ngày 7 tháng 5 năm 1995. Tôi lại càng uể oải hơn nữa để phải trả lời cho ông rằng: “Tại sao nói đến rồi không đến, không đến rồi đến? Chúng tôi chẳng biết phải làm sao cả.”
Sau đó tôi có hỏi ý kiến của 2 tổ chức kia, họ đều đồng ý rằng: “Thôi để lúc khác tiếp đón cũng không sao”.
Sau khi Ngài ở Köln về Ấn Độ, chúng tôi được biết là Quốc Hội Đức đã đồng ý tiếp kiến Ngài tại Bonn vào ngày 19.6.1995 để Ngài điều trần về vấn đề vi phạm nhân quyền của Trung Cộng tại Tây Tạng và lần này chắc chắn Ngài sẽ đến Hannover.
Khi nghe tin ấy tôi vẫn vui, nhưng cũng phải họp hết lại 3 tổ chức một lần nữa vào ngày 20.5.1995 để quyết định có nên tổ chức hay không? Tất cả đều lệ thuộc vào tôi. Riêng ông Helmut Hanefeld thì từ chối không thể tiếp tục làm việc này trong trạng thái căng thẳng nữa. Nghĩa là giờ giấc quy định quá cận, ông ta không thể làm được. Và sau này việc ấy giao lại cho bà Iris Heiß và Frank Sanzenbacker lo liệu.
Sau đó tôi liên lạc với ông Gyaltag xác nhận là chúng tôi sẽ tổ chức cho Ngài thăm viếng Hannover và nói chuyện tại đây vào ngày 18 tháng 6 năm 1995.
Mọi hình thức giống như trước, không có gì thay đổi. Nhưng bây giờ, lần này Ngài có nhiều thì giờ hơn, Ngài có thể ghé Tòa Thị Sảnh Hannover để ký vào sổ vàng lưu niệm cũng như gặp các chính trị gia tại đó, nên khỏi phải mời họ về Chùa.
Tôi đã phải hỏi đi hỏi lại ông Gyaltag nhiều lần là việc ấy đã chính xác chưa? Nếu lần này mà thất hứa với bà con Phật Tử Việt Nam cũng như Đức nữa, quả là điều khó ăn khó nói vô cùng. Người lớn, dầu bất cứ hoàn cảnh nào, họ cũng có quyền thay đổi, nhưng đám bàng dân thiên hạ ở dưới thì cực khổ trăm điều. Chúng tôi cũng mong rằng việc này sẽ thông suốt và lần này chắc chắn phải tổ chức. Nếu không, cơ hội thứ hai sẽ khó đến một lần nữa. Mặc dầu thời gian đã quá cận kề.
Theo ý của bà Iris Heiß thì nên tổ chức tại một rạp lớn để đón nhận nhiều người Đức đến nghe thuyết giảng hơn. Tôi có 2 lý do để bác bỏ việc ấy.
- Một là -với tôi, một Tăng sĩ, đi đến bất cứ một nơi nào đó trên thế giới này. Nếu chỗ nào chưa có chùa, tôi đồng ý sẽ ra rạp tụng kinh, làm lễ và giảng pháp. Ngược lại, nơi đó đã có chùa chiền và nhất là khang trang như chùa mình thì tôi thích giảng ở chùa hơn.
- Hai là - lần trước chúng ta cũng có ý định tổ chức ở chùa chứ không tổ chức ở rạp hát.
Qua hai lý do đã nêu ra, mọi người đồng thuận và những vấn đề như an ninh, nghi lễ tiếp rước v.v... được đặt ra.
Nhân ngày lễ Phật Đản từ 18 đến 20 tháng 5 năm 1995 do Chùa Viên Giác tổ chức mừng Đản Sinh lần thứ 2539 của Đức Phật, tôi đã thông báo bằng miệng cho mọi người tham dự lễ hôm đó về tin trên rằng:
- Chắc chắn lần này Đức Đạt-lai Lạt-ma sẽ đến thăm Chùa Viên Giác chúng ta vào ngày 18.6.1995.
Sau đó tôi phải dời chuyến bay đi Canada thay vì 12.6 như đã định, mà đến ngày 19.6.95 tôi mới đến được Montréal.
Nhân bữa dùng sáng, tôi có đưa ra ý kiến này với quý Thầy quý Cô trong Chi Bộ về việc thăm viếng của Ngài và nhờ mỗi Chùa nấu 2 món để cúng dường Ngài cũng như phái đoàn và đại diện các Tôn Giáo.
«Cái gì đến, nó sẽ đến». Đó là câu nói tự ngàn xưa và bây giờ vẫn còn có giá trị thực tiễn lắm.
Và đây là chương trình của Ngài khi đến Hannover:
- 7 giờ 10 phút, Ngài đến phi trường Frankfurt. Ngài nghỉ ở phòng VIP (Very Important Person) tại phi trường.
- Đến 9 giờ 10 phút, Ngài và phái đoàn lấy phi cơ Lufthansa đi Hannover.
- Đến Hannover vào lúc 10 giờ 15 phút ngày 18 tháng 6 năm 1995. Ngài sẽ được bà Bộ Trưởng Tư Pháp của Tiểu Bang Niedersachsen đón về Tòa Thị Chính để ký vào sổ vàng lưu niệm và gặp gỡ các chính trị gia của Đức tại đó.
- Đến 11 giờ 45, Ngài rời Tòa Thị Chính về Chùa Viên Giác.
- Đúng 12 giờ trưa, tôi và chư Tăng Ni cùng Phật Tử thân hành đón tiếp Ngài tại cổng chùa, đưa Ngài vào chánh điện, sau đó đến phòng Tổ và về phòng VIP của chùa để Ngài nghỉ ngơi. Sau đó dùng cơm trưa với đại diện của các Tôn Giáo tại phòng hội họp.
- 13 giờ 30, Ngài về phòng nghỉ ngơi.
- 13 giờ 45, Ngài làm lễ quán đảnh cho Hội Phật Giáo Tây Tạng Chöling trên lầu 3 của Tây Đường.
- Đúng 14 giờ, Ngài sẽ xuống chánh điện chùa Viên Giác. Nơi đó Ngài sẽ giảng về Tứ Diệu Đế, Quy Y Tam Bảo và Phát Bồ Đề Tâm.
- Đến 16 giờ, Ngài sẽ rời Chùa Viên Giác đi Bonn bằng xe hơi.
Đó là chương trình tổng quát. Sau đó, chúng tôi in ra 604 vé vào cửa nơi Chánh Điện để có thể vào nghe Ngài thuyết giảng. Vì Chánh Điện chỉ có thể dung chứa với số người tối đa như thế mà thôi. Trong 604 vé ấy phải chia cho 2 Hội Phật Giáo Đức 120 vé. Số còn lại, Bác Thị Tâm Ngô Văn Phát, Hội Trưởng Hội Phật Tử Việt Nam tại Đức gởi về các Chi Hội và các Chùa tại các địa phương, mỗi nơi từ 10 đến 30 vé, tùy theo nhu cầu từng nơi.
Có nơi về 50 người nhưng chỉ có 20 vé. Vì ai cũng muốn vào Chánh Điện để diện kiến Ngài. Nhưng rồi chuyện đâu cũng vào đấy. Người nào không có vé vẫn được xem trực tiếp truyền hình dưới Hội Trường của Chùa cũng như tại nhà Tổ.
Tôi lo liên lạc với bãi đậu xe của Messegelände.
Frank lo liên lạc với Cảnh sát địa phương về vấn đề an ninh và trật tự.
Bà Iris Heiß lo liên lạc với chính quyền.
Peter Holik lo nội bộ của tổ chức v.v... và v.v...
Từ chiều thứ sáu ngày 16 tháng 6 năm 1995 và ngay cả trước đó một tuần đã có nhiều Phật Tử về chùa làm công quả. Kẻ nấu bánh, người lau chùi, kẻ dọn dẹp, người trang hoàng. Một khung cảnh của ngày hội đã tưng bừng khai mở. Hiền, một Phật Tử, đã tận tay lau những bộ ghế cẩn xa cừ và những bộ ghế cẩm lai một cách kỹ lưỡng, láng bóng để cung đón Ngài. Các anh em công quả khác trong chùa cũng đã làm hết phận sự của mình.
Theo chương trình đã định sẵn, thầy Hạnh Tấn, Peter, bà Iris Heiß, ông Phuntsok, Hội Trưởng Hội Phật Giáo Chöling đã đi tới phi trường Hannover để cung đón Đức Đạt-lai Lạt-ma vào lúc 10 giờ 15 phút.
Ở chùa, vào lúc 10 giờ sáng, mọi người phải ra hết bên ngoài, để cho cảnh sát an ninh đem chó vào tất cả mọi phòng ốc để kiểm tra có an toàn không. Cổng chùa cũng được đóng lại tất cả và mọi người đi vào chùa đều được kiểm soát bằng “máy rà” tự động để kiểm soát chặt chẽ vấn đề an ninh.
Trước đó 2 tuần, tôi có gặp Thượng Tọa Thích Minh Tâm tại Na Uy nhân lễ an vị Phật chùa Khuông Việt, có ý mượn mấy cái “máy rà” để làm việc kiểm tra ấy. Vì trước đây chừng 5 tháng, Thượng Tọa cũng đã tổ chức một buổi nói chuyện cho Đức Đạt-lai Lạt-ma với Hội Phật Giáo Tây Tạng tại rạp Maubert ở Paris. Vé vào cửa 70 FRF một người. Lúc ấy có nhiều người Phật Tử Việt Nam bảo rằng: “Đi nghe thuyết pháp tại sao phải mua vé?” Cho đến khi vé phòng A bán đã hết, qua đến phòng B bán gần hết khoảng 4.000 chỗ ngồi, thì người Việt Nam mình mới hỏi mua. Lúc ấy chỗ tốt không còn nữa, họ cũng than phiền. Đến khi vào cửa. Vì vấn đề an ninh, bị soát vé và qua hệ thống “máy rà”, mấy người Việt Nam mình lại than phiền lần nữa. Tại sao đi nghe thuyết pháp phải bị rà?
Ai cũng phải tự biết rằng Ngài là cái gai nhức nhối trong vết thương của Trung Cộng khi chiếm Tây Tạng, nên Trung Cộng tìm đủ mọi cách để hạ uy tín của Ngài, nên bằng mọi thủ đoạn, Trung Cộng có thể làm được. Còn chúng ta, bằng mọi giá chúng ta phải bảo vệ Ngài. Ngài không những chỉ là một Thánh Tăng, mà Ngài còn là một bậc Quốc Vương của quốc gia Tây Tạng nữa. Tuy dân số chỉ có 6 triệu người, nhưng diện tích của Tây Tạng bị Trung Cộng chiếm đóng lớn gấp mấy chục lần nước Việt Nam của chúng ta. Nên việc bảo vệ Ngài là điều hiển nhiên.
Vào lúc 10 giờ sáng ngày 18.6.95, tôi cũng phải ra khỏi cổng chùa để cho nhân viên an ninh kiểm soát. Sau đó tôi có gặp Ngài Geshe Thubten Ngawang đến từ Hamburg với một Ngài Geshe nữa người Tây Tạng và 4 Tu sĩ Đức tu theo Tây Tạng đang ở chung với Ngài. Chúng tôi chào hỏi và chờ đợi. Có người ra báo cho tôi biết là an ninh bảo phải dọn cái ghế trong phòng hội họp của Ngài vào giữa bức tường, không để ghế ngay giữa cửa sổ. Tuy có sáng sủa đó, nhưng thiếu an toàn. Đúng là chuyên môn. Nếu không làm an ninh, làm sao hiểu được điều đó. Những vị lãnh tụ lớn của quốc gia, đều có những an ninh nghiên cứu về vấn đề đó cả.
Khoảng 11 giờ 30 mọi hàng ngũ đã được chuẩn bị chỉnh tề như sau:
Từ ngoài ngỏ đi vào hai bên có Tăng Ni đứng nghinh đón, sau đó là các thiếu nữ trong Gia Đình Phật Tử mặc đồng phục áo dài màu lam, trên tay mang đĩa đựng hoa để rải cúng dường Ngài, đứng dọc lên tới tượng Đức A Di Đà, nơi đó Hòa Thượng Thích Thiền Định, Viện Chủ chùa Pháp Hoa tại Marseille và Cố Vấn Tối Cao của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu chờ đón Ngài. Bên cạnh đó một thiếu nữ mang bó hoa đứng chờ. Trong khi tôi đứng sát cổng trước để cung đón Ngài.
Gia Đình Phật Tử lo vấn đề bê và tích trượng, chuông trống bát nhã cũng như làm hàng rào danh dự thẳng tắp từ ngỏ vào Chánh Điện, từ Chánh Điện vào hậu Tổ và từ hậu Tổ vào Tăng phòng VIP của chùa. Kế đó một cửa ra vào của chùa đều có hai em trong Gia Đình Phật Tử đứng lo vấn đề an ninh. Ngoài ra an ninh chìm nổi của Đức và Tây Tạng đều có mặt mọi nơi tại chùa. Phải thành thật mà nói rằng, lần này các anh chị em trong Gia Đình Phật Tử Việt Nam tại Đức đã làm việc hết mình, có tinh thần trách nhiệm rất cao độ, tuyệt đối, rất đáng tán dương và khích lệ.
Đúng 12 giờ trưa, các xe Cảnh Sát mở đường với đèn chớp đi trước, sau đó chiếc Audi màu xám đã trờ tới trước đường Kalsruher. Tôi trong trạng thái cung kính chắp hai tay lại và chuẩn bị trao hoa cho Ngài. Một vài người Đức đứng bên cạnh chuẩn bị cung đón Ngài với hai hàng nước mắt rưng rưng vì cảm động. Có người đã trao cho tôi một dải lụa trắng, mà theo truyền thống Tây Tạng, nếu được Ngài choàng lên cổ cho là một dấu hiệu an lành. Tôi quay nhìn lại thấy Hòa Thượng Thích Minh Lễ đến từ Paris trong tay cũng có dải lụa trắng ấy và quý Thầy, quý Cô, quý Chú, ngay cả quý vị sư Tây Tạng và Đức đến từ Hamburg cũng đã chuẩn bị những dải lụa trắng sẵn sàng rồi. Tôi đỡ lấy một khăn trắng từ tay một người Đức và để chồng lên trên bó hoa, khi một thiếu nữ Gia Đình Phật Tử đã quỳ xuống và tôi đã dâng bó hoa lên Ngài cùng dải lụa trắng, sau khi ông Gyaltag đại diện Bộ Ngoại Giao của Tây Tạng ở Thụy Sĩ giới thiệu tôi với Đức Đạt-lai Lạt-ma. Tôi cứ ngỡ rằng dải khăn trắng tôi vừa trao lên tay Ngài, Ngài sẽ choàng lên cổ tôi như tục lệ Tây Tạng, nhưng ở đây thì không. Ngài đã tự lấy dải lụa trắng ấy choàng lên cổ Ngài. Sau này tôi mới phát hiện ra trên một hình màu của tờ báo Neue Presse đã đưa tin vào ngày 19.6.95 như vậy. Ngay lúc đó tôi lại không để ý đến điều đó. Tôi cúi đầu thật sát và Ngài đã đem đầu Ngài cụng vào đầu tôi, đưa tay cho tôi bắt và một điều ngạc nhiên vô cùng, khi tôi muốn thi lễ càng sâu chừng nào để tỏ ra sự kính trọng của mình, thì Ngài càng cúi sâu chừng đó. Quả thật thế gian này hiếm có những con người thật khiêm nhường như thế.
Ngài vẫy tay chào mọi người, Ngài cười, Ngài dang tay rộng ra và áp sát vào đầu vào cổ, vào tay mọi người thân hình của Ngài để cho mọi người được hưởng phước lây. Trong khi mặt mày của mấy ông giữ an ninh thì xám ngắt. Vì quần chúng bao vây đông nghẹt. Nhưng Ngài vẫn cười, vẫn bắt tay và vẫn tiến tới. Khi đến cầu thang, chuông trống bát nhã đã vang lên để cung đón Ngài, trong khi đó các nhiếp ảnh gia, phóng viên truyền thanh, truyền hình làm việc không ngớt tay.
Thầy Từ Trí đi sau mang lọng che Ngài. Đi phía trước có 3 chú Hạnh An, Hạnh Từ, Hạnh Vân, đánh khánh, mang mâm hương đèn cũng như mâm trầm hương cùng với 6 em bảnh trai trong các Gia Đình Phật Tử tay mang găng màu trắng với các bê, tích trượng nặng trĩu cả tấm lòng để cung đón Ngài.
Lên tới sân thượng, thay vì đi thẳng để gặp Hòa Thượng Thích Thiền Định, Ngài lại đi qua phía bên trái “balkon” để vẫy tay chào các Phật Tử ở phía dưới, mọi người quá cảm động, có người đã khóc nức nở vì quá sung sướng đã gặp được một vị Phật sống.
Khi Ngài đến tam cấp lên Chánh Điện, Hòa Thượng Thích Thiền Định đã trao cho Ngài một bó hoa, đoạn Ngài tiến sát đến Hòa Thượng và cụng đầu vào nhau. Một cử chỉ rất thân mật, như đã gặp nhau từ mấy độ luân hồi.
Đoạn Ngài ngẩng mặt lên nhìn tôn dung của Đức Phật A Di Đà và Ngài cụng đầu mình xuống tòa sen nơi Đức Phật A Di Đà đang đứng đó. Tâm tôi xao xuyến lạ lùng. Hành động của một vị Thánh Tăng làm cho mình phải cảm động. Ngài từ tốn quá, Ngài cao siêu quá, nhưng Ngài cũng rất bình thường quá. Bàn chân của Ngài khi chạm vào thảm. Ngài đã lo cởi bỏ giày lại liền. Có một người hộ vệ lo cho Ngài việc này.
Chuông trống vẫn vang rền nơi Chánh Điện, các đèn pha quay phim của anh Phạm Cường, anh Bính, anh Chinh đã rọi thẳng vào mọi người, nóng bỏng. Ngài và Hòa Thượng Thiền Định tiến vào Đại điện, trong khi quan khách hai Tôn Giáo đã đứng chờ sẵn hai bên hông của Chánh Điện. Ngài nhìn lên cao thấy chiếc Ngai vàng và chư Phật, đoạn Ngài đảnh lễ 3 lạy. Hòa Thượng Thiền Định cũng thi lễ với Ngài.
Chiếc Ngai này do anh Dũng, thợ mộc, ở Hildesheim đóng một bệ lớn và một tam cấp. Trên bệ đó Sư cô Thích Nữ Diệu Ân đã bỏ rất nhiều công sức để kết các hạt cườm màu trắng, may thành nhiều nếp trên vải nỉ màu nâu, rất trang trọng và đẹp đẽ. Phía trước Sư cô cho cắm những bông hoa cúc hoa hồng, hòa lẫn với các cây thông và bạch dương, trông như một vườn hoa nho nhỏ xinh xinh, nhiều màu, nhiều sắc. Trên bệ ấy đặt một chiếc Ngai chạm trổ tinh vi gồm “Ngũ Long Tranh Châu”. Ghế này phải 4 người khiêng mới nổi. Trên Ngai ấy có để hai gối nệm và một tấm cửu phẩm liên hoa trải dài suốt từ thành ghế bên trên, xuống dưới chân ghế, dài độ chừng 2 thước. Hoa sen màu hồng, lá màu xanh, thêu nổi trên nền vàng và 4 phía được kết chung với màu vải nâu, rất hợp mắt. Trông như Ngai vàng của các Chúa Thượng ngày xưa cũng chưa sánh bằng và ngày nay, hôm nay đây đã ngự trị nơi Chùa Viên Giác để một bậc Quốc Vương vừa là một bậc Thánh Tăng an tọa trong chốc lát nữa đây.
Ngài và chư Tăng Ni đứng xoay mặt về hướng trước, sau đó Đại diện các Tôn Giáo bạn đến bắt tay chào Ngài và chụp hình lưu niệm chung. Đây cũng là cơ hội cho các phóng viên làm việc. Vì họ không được phép đi sâu vào bên trong Đại điện nhiều hơn nữa.
Sau đó bê tích, khánh được hướng dẫn Ngài tiếp tục đến Tổ Sư Đường. Ngài hỏi tôi phòng này là phòng gì và long vị ở giữa thờ ai vậy?
Tôi trả lời rằng:
- Đó là long vị của Tổ Lâm Tế và Ngài không nhất thiết phải thi lễ nơi đây.
Tôi nói lời ấy trong khi Ngài chuẩn bị thi lễ. Bởi lẽ một bậc Thánh Tăng không nhất thiết phải làm điều đó. Vì Ngài là hóa thân của Bồ Tát Quán Thế Âm, và bên trên bàn thờ Tổ đó vẫn còn hình ảnh những vị phàm Tăng.
Tôi tiếp tục hướng dẫn Ngài về Tăng phòng VIP của chùa. Lúc này chỉ còn Ngài, một Thị giả của Ngài, Hòa Thượng Thiền Định, Hòa Thượng Thích Minh Lễ, tôi và một vài cận sự của Ngài vào đây.
Tôi đưa tay mời Ngài ngồi vào ghế bành thật lớn cho xứng đáng với vị trí của Ngài, nhưng Ngài chỉ về một trong bốn ghế nhỏ hơn kê đối diện và Ngài đòi ngồi vào đó. Tôi và Hòa Thượng có y khẩn khoản mời Ngài ngồi ghế lớn bên này.
Đoạn Ngài cười và tôi hỏi:
- Xin lỗi Ngài có muốn dùng nước gì không?
Ngài trả lời:
- “No”
Nhưng Hòa Thượng Thiền Định một mặt sai người đi lấy nước, mặt khác Hòa Thượng tự tay lấy chai nước suối gần đó để rót một ly và mời Ngài.
Ngài đã ngụm hai ngụm, rồi cười. Tiếp theo đó Ngài hỏi rằng:
- Trong Tu viện này có bao nhiêu Tu sĩ?
Tôi trả lời:
- Có 10 người Tăng và Ni.
Ngài cười.
Tôi hỏi Ngài có phải đi rửa mặt không?
Ngài bảo không cần thiết. Chỉ có vị thị giả của Ngài vào phòng rửa mặt mà thôi.
Trong khi chúng tôi hầu chuyện Ngài, nhân viên an ninh vẫn đứng đó và ngoài cửa các anh em Gia Đình Phật Tử canh gác thật chu đáo, không cho một ai vào hết, chỉ có máy quay phim anh Phạm Cường quay cho Chùa Viên Giác và máy của Chùa Thiện Hòa là được phép vào đây mà thôi.
Tôi và Hòa Thượng Thiền Định, Hòa Thượng Minh Lễ hướng dẫn Ngài vào ghế ngồi, trong khi đó mọi vị khách quý đã đứng dậy để cung đón Ngài. Bàn tiệc hôm nay có 33 vị. Mỗi vị Đại diện một Tổ Chức quan trọng của mình trong 3 Tôn Giáo có mặt tại Hannover. Thêm sự có mặt của ông Dr. Meihorst, người Cố vấn cho Chùa Viên Giác và là Chủ Tịch của các Kỹ sư tại Tiểu Bang Niedersachsen. Đồng thời phu nhân ông Thị Trưởng thành phố Hannover, Schmalstieg cũng có mặt tại đây, trong buổi tiệc này. Trong một bài báo ngày hôm sau, 19.6.95, bà đã tuyên bố với phóng viên báo Neue Presse rằng:
“Bà đã gặp một con người trọn vẹn như chưa bao giờ bà gặp được một con người như thế. Ngài là người tượng trưng cho sự cởi mở, vị tha và từ bi vô lượng.”
Bên Chi Bộ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại Đức có tôi, Thượng Tọa Thích Minh Phú, Ni sư Thích Nữ Diệu Tâm và Sư cô Thích Nữ Diệu Ân, Thầy Từ Trí, Thầy Hạnh Tấn, Sư cô Thích Nữ Như Viên và Sư cô Thích Nữ Diệu Hạnh lo điều khiển cho 12 em thiếu nữ Chùa Phật Bảo mặc áo dài màu vàng dâng vật thực để cúng dường. Chị Mỹ Anh, một thông dịch viên cũng đã nói tiếng Anh giới thiệu các món ăn cho quan khách.
Sau khi giới thiệu với Ngài về Đại diện các Tôn Giáo và các Tổ Chức, thì các thiếu nữ Phật Tử mang món khai vị vào. Theo thực đơn hôm đó có 4 món khai vị (thông thường chỉ 1 hay 2 món là đủ), nhưng hôm đó quý Chùa và quý Sư cô đã trổ tài nên màu mè hoa lá đã được phô trương một cách hoan hỷ lạ thường.
Theo dự định chỉ có 8 món thôi, nhưng qua thực đơn cho thấy hơn 15 món. Chùa Phật Bảo 5 món, Chùa Quan Âm 3 món, Chùa Bảo Quang 3 món, Chùa Viên Giác 3 món, Chùa Thiện Hòa 1 món và cuối cùng là món trái cây của nhà hàng Jasmin Garten của Thị Chơn cúng dường.
Món khai vị thứ hai có 4 con rồng làm bằng củ cải trắng. Rồng phun lửa thật sống động, sau khi lửa cháy hết, các cô thiếu nữ lại mang vào bàn tiệc. Ai cũng hoan hô về mặt tổ chức lịch duyệt này.
Đến món “Én liệng quả địa cầu” của Sư cô Diệu Ân cũng được mọi người trầm trồ và nói với nhau rằng: Họ chưa bao giờ dùng được những món chay ý vị như thế. Trong khi đó một ông cận vệ sơ ý như thế nào đó đã đụng phải một bình bông, vỡ tan, nghe giòn tai như tiếng pháo. Một người Đức bên cạnh thốt lên “sehr gut” (rất tốt) là ý nghĩa của người Tây phương khi đám cưới tiệc tùng, chén dĩa không bể, họ phải tự đập cho bể để thấy điềm hên. Trong khi đó, người Á Châu mình thì kiêng cữ điều này nhiều lắm.
Cứ thế tiếp tục món này lên, món khác xuống, thoăn thoắt như thoi đưa. Một số vị trong Bộ Ngoại Giao Tây Tạng ở Thụy Sĩ và vị Thị giả ngồi một bàn bên cạnh để dùng trưa, chứ không ngồi chung bàn với Đức Đạt-lai Lạt-ma và quan khách.
Tôi có nói với Thầy Từ Trí là tối đa đến 1 giờ 25 phút mọi món phải được mang lên để cho Ngài và khách dùng. Vì Ngài còn phải về phòng ngơi nghỉ nữa.
Trước khi dùng đến phần tráng miệng, tôi đứng lên thưa rằng:
- Hôm nay quả là một nhân duyên tốt đẹp chúng con mới cung đón được Ngài và xin Ngài cũng như những vị khách quý ghi vài lời vào Sổ Vàng Lưu Niệm này để kỷ niệm.
Ngài hoan hỷ viết ngay vào sổ bằng tiếng Tây Tạng. Tôi chẳng biết Ngài đã viết những gì. Vì sau khi tiễn đưa Ngài đi, tôi không có thì giờ để hỏi những người Tây Tạng khác về nội dung của những chữ ấy. Vì ngày hôm sau 19.6.95 tôi phải đi Canada rồi. Hy vọng khi về lại Đức tôi sẽ hỏi anh Phuntsok, Hội Trưởng Hội Phật Giáo Chöling về ý nghĩa của những dòng này.
Tiếp đó là Hòa Thượng Thích Thiền Định, Hòa Thượng Thích Minh Lễ và những vị khách quý đã ký tên vào Sổ Lưu Niệm này. Đây là một bảo vật của Chùa Viên Giác lưu niệm về sau, để cho biết rằng dấu chân của vị Thánh Tăng đã có mặt tại chùa này vào ngày tháng ấy.
Đoạn, Ngài đứng dậy để chuẩn bị rời khỏi phòng, Sư cô Diệu Hạnh hướng dẫn các em quỳ xuống thi lễ Ngài, trên tay mỗi người có một khăn choàng trắng. Ngài đã ân cần cúi sát người xuống lấy tay xoa đầu, hoặc nắm tay của các Phật Tử để ban cho một hồng ân từ ái.
Tôi đưa Ngài ra ngoài cửa phòng, bên hành lang có một số anh em Phật Tử đứng canh gác. Một số khác đang cúi đầu xuống để chờ Ngài đi qua. Đến chỗ bàn vong, Ngài hỏi hình ai mà nhiều quá vậy? và vị nào đứng đó?
Tôi trả lời Ngài:
- Bạch Thánh Tăng (His Holiness). Đó là những người đã quá vãng và hình Bồ Tát Địa Tạng ở dưới địa ngục để cứu khổ độ sanh.
Trở lại căn phòng VIP, tôi mời Ngài ngồi và thưa hỏi Ngài một vài việc cần thiết. Sau đó tôi nhờ Ngài ký cho một số sách bằng tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Đức đã viết về Ngài mà trước đó mấy ngày họ đã nhờ tôi làm việc ấy. Trong ấy có một quyển của một người Đức viết về nước Tây Tạng năm 1959 với nhan đề là: “Tôi đã ở Tây Tạng 7 năm”. Tôi lật một số trang và hỏi: Những hình ảnh này xưa lắm, Ngài có nhớ chăng?
Ngài nói:
- Đây là anh của tôi. Đây là mẹ của tôi và đây là em gái của tôi.
Sau đó tôi nhờ Ngài chú nguyện vào 2 khăn lau mặt để gởi về Việt Nam cho các Phật Tử họ thờ. Có lúc tôi điện thoại về Việt Nam để thăm, tiện thể báo tin việc Ngài sẽ viếng Chùa Viên Giác. Có người nhờ các Phật Tử khác mang các khăn này tới để Đức Đạt-lai Lạt-ma chú nguyện để họ thờ. Quả thật tiếng tăm của Ngài và lòng từ bi của Ngài đã bay quá xa, hơn mấy từng mây và mấy từng không gian cách trở, nhưng nó không dừng lại ở đó. Đúng là phép Phật nhiệm mầu. Mặc dầu quê hương Ngài đã bị mất, nhưng trong hiện tại Ngài đã có tất cả. Ngược lại, Trung Cộng đã có được đất đai, nhưng đã làm mất hết lòng dân. Vì thế, sớm muộn gì rồi Ngài cũng sẽ trở về quê hương xứ sở của Ngài, như người Việt, một ngày không xa, họ sẽ đoàn tụ trong tình tự quê hương của họ.
Tôi quỳ xuống trước mặt Ngài để thưa về chương trình chiều nay:
“13 giờ 45 phút Ngài sẽ đi làm lễ trên phòng Phật Giáo Tây Tạng.
Đúng 14 giờ con sẽ đón Ngài ra Đại điện để thăng tòa thuyết pháp.
Cuối giờ kính mong Ngài làm lễ chú nguyện vào 2 đĩa gạo để phía trước. Vì bao nhiêu người Phật Tử muốn có được ơn pháp nhũ ấy. Nếu còn thì giờ xin Ngài cho chúng con đặt một số câu hỏi và cuối cùng con sẽ dâng quà kỷ niệm và cúng dường Ngài.”
Tôi thưa Ngài, Ngài sẽ nói bằng tiếng gì?
Ngài bảo: Tiếng Tây Tạng.
Tôi tiếp, vậy sẽ được dịch sang Đức ngữ và Việt ngữ.
Ngài trầm ngâm một chút rồi nói: Vậy là 3 ngôn ngữ, rồi cười.
Trong khi tôi lay hoay xếp đặt mấy quyển sách mà Ngài đã ký, thì những vệ sĩ mang thêm một số sách và sổ lưu niệm khác vào để cho Ngài ký nữa. Ngài giở sổ lưu niệm trong ấy có viết chữ Tây Tạng, Ngài đọc và nói gì đó với mấy người Tây Tạng, nhưng rồi cũng nắn nót viết từng chữ vào.
Tôi mời Ngài lên long sàng nghỉ 10 phút, nhưng Ngài bảo: Thôi, được rồi. Đoạn, Ngài vào phòng tắm để rửa mặt và chuẩn bị đi làm lễ trên phòng Tây Tạng. Khi Ngài bước ra, các người cận vệ đưa Ngài lên lầu ngả sau để đi đến Tây Đường. Vì ngả trước đã chật. Có hơn 45 người Đức đã ngồi chờ sẵn trên đó rất thành kính. Tôi không biết 15 phút trên ấy Ngài đã làm gì, Nhưng chắc chắn là có chú nguyện và thiền định. Vì lúc ấy tôi phải ở dưới để chuẩn bị đón Ngài lên Đại điện.
Chiều hôm trước tôi đã lên phòng này để thăm, thấy mấy Phật tử người Đức này đã tụ họp lại để chưng dọn bàn thờ và dọn dẹp sạch sẽ. Họ cũng đã làm cho Ngài một cái Ngai theo lối Tây Tạng truyền thống.
15 phút trôi qua, Ngài đã trở xuống, tôi đón Ngài lên Đại điện. Trên đường đến bàn thờ vong, có Ni sư Thích Nữ Diệu Tâm và Sư cô Thích Nữ Diệu Ân đang đứng đó, gặp Ngài, nhị vị này quì xuống chắp tay thi lễ. Ngài đã lấy tay xoa lên đỉnh đầu hai vị, ôm sát họ vào lòng như tình mẹ thương con. Đúng là Quán Âm tái thế. Ngài hỏi: “Bikkhuni?” Tôi đáp: “Yes! His Holiness.” Các vị này chắc cảm động lắm vì biết đâu nhờ định lực của Ngài mà họ sẽ đắc quả trong tương lai.
Tôi hướng dẫn Ngài lên Phật điện, tất cả chư Tăng Ni đồng loạt đứng lên, toàn thể đồng bào Phật Tử Việt cũng như Đức đã đông nghẹt cả Chánh điện, trang nghiêm thành kính đứng lên. Tôi đưa Ngài đi đến Ngai vàng, hướng dẫn Ngài lên tam cấp, nhưng Ngài đã đi chệch qua phía trước, đỡ một Phật Tử đang thi lễ nằm sát đất tại đó. Đoạn Ngài bước ra ngay trước giữa Ngai vàng và Chánh điện lạy 3 lạy, sau đó Ngài mới thăng tòa, ngồi bán già và bắt đầu cười với mọi người. Một không khí trang nghiêm kính cẩn hướng về Ngài. Còn nơi Ngài tỏa ra một tình thương vô biên rộng lớn cũng như một trí tuệ sâu thẳm của một bậc Đại Giác Ngộ, đã chinh phục hầu hết tất cả mọi người Việt cũng như Đức tham dự buổi thuyết giảng hôm đó.
Tôi đứng ngay ngắn trước mặt Ngài và cúi mình xuống thật sâu, quì xuống thật vững và nằm mọp người xuống để đảnh lễ Ngài 3 lần và trở về vị trí bên cạnh.
Trong khi đó Hòa Thượng Thích Thiền Định đứng lên đọc lời tán dương Ngài bằng tiếng Việt và tiếng Pháp, còn bản tiếng Anh thì Hòa Thượng bảo tôi đọc. Nội dung của bài tán dương nói lên việc thế giới ngày nay đang băng hoại về mọi lãnh vực của tinh thần. Còn Ngài là hiện thân của từ bi và chân lý. Mong rằng Ngài sẽ luôn luôn tiếp tục tranh đấu cho đường hướng bất bạo động ấy. Mọi người đã vỗ tay tán thưởng.
Tôi trở về lại chỗ ngồi của mình, ngồi gần với Thượng Tọa Thích Minh Phú. Nơi đó đã để sẵn một bức tranh sơn mài Chùa Một Cột để kính tặng Ngài và trước mặt tôi có để một khay cẩn xà cừ, trên ấy có để một cái đĩa. Trên đĩa ấy có để một bì thư trắng, trong đó có 10.000 Đức Mã để cúng dường Ngài.
Ngồi từ đây tôi có thể quan sát được hết mọi người, từ trên hàng ghế cạnh tường có các vị Giám Mục, Tu sĩ, cho đến ông Dr. Meihorst. Phía bên kia tường có ghế ngồi của phu nhân ông Thị Trưởng thành phố Hannover và những khách quý.
Câu nói đầu tiên Ngài bảo rằng:
“Hôm nay tôi đến đây không phải với tư cách của một Đạt-lai Lạt-ma, mà là với tư cách một người tỵ nạn như những người Việt Nam hiện ở nơi đây.”
Thế là một tràng pháo tay vang dội cả Đại điện chứa 604 người có giấy mời, 30 quan khách, hơn 100 đoàn sinh Gia Đình Phật Tử và hơn 30 Tăng Ni.
Ngài nói rằng:
Những người Phật Tử truyền thống, có nghĩa là khi sinh ra đã là Phật Tử, xin cố gắng gìn giữ nề nếp tôn giáo của mình. Vì đây chính là sợi dây vô hình gắn chặt mình với quê hương và nguồn cội.
Rồi Ngài chuyển qua đề tài “Tứ Diệu Đế” một cách linh hoạt. Ngài nói về Khổ Đế, về Tập Đế, Diệt Đế và Đạo Đế.
Về Khổ Đế, Ngài nói nếu cứ đóng cửa hoài như vậy thì cũng khổ lắm. Sao hôm nay nóng thế?
Thế là một tràng pháo tay lại vang lên, hai cánh cửa giữa nơi Đại điện được mở ra, ngồi bên trên này nhìn ra thấy Đức Phật A Di Đà đang ngự trị trên một tòa sen tại đó.
Không biết có phải đèn quay phim chiếu rọi nhiều quá, hay tại vì người đông mà hôm đó nóng thật, trong khi bên ngoài nhiệt độ chỉ có 10 độ C mà thôi. Theo tôi, có lẽ nhờ thần lực gia trì của Ngài mà Đại điện nơi đây đã nóng hẳn lên. Vì trước đó đèn pha cũng chiếu như thế nhưng Đại điện vẫn lạnh như thường. Phải chăng một vị Thánh có đủ quyền uy như thế?
Ngài nói về thánh thiện và tội lỗi và Ngài nói: Muốn chứng được quả vị giác ngộ giải thoát chỉ cần giữ giới cho thanh tịnh và thực tập thiền định, hướng về nội tâm thì sự an lạc mới vĩnh cửu.
Ngài đã nhấn mạnh rất nhiều lần điều này. Và đây cũng chính là đường về nội tâm của Đạo Phật vậy.
Ngài đã kêu gọi Đại diện các Tôn Giáo khác hãy có trách nhiệm trong vấn đề hòa bình của nhân loại và cũng đừng nên nhân danh Tôn Giáo này hay Tôn Giáo nọ để chinh phục kẻ khác, mà hãy tự mình nêu cao giá trị nội tâm của mình. Đó mới là con đường hòa bình vĩnh cửu của nhân loại.
Đoạn này được vỗ tay lâu nhất, cả phần tiếng Đức và tiếng Việt. Hôm đó ông Christof dịch tiếng Tây Tạng ra tiếng Đức rất hay và Hạnh Tấn dịch từ tiếng Đức sang tiếng Việt cũng rất trôi chảy, nhuần nhuyễn.
Phần phát Bồ-đề tâm, Ngài không đề cập đến nhiều có lẽ vì ít thì giờ và Ngài dừng bài thuyết pháp lại vào lúc 15 giờ 40 phút.
Tôi có đến thưa Ngài cho phép Phật Tử hỏi chừng 10 phút. Ngài đồng ý và các câu hỏi được bắt đầu.
Có một người Đức xin được đặt câu hỏi. Nhưng Ngài bảo hôm nay đặc biệt cho người Việt Nam, nên người Đức ấy lại thôi. Đây là lần thứ ba Ngài lưu tâm đến vấn đề ấy. Lần thứ nhất khi ở phi trường, phóng viên đài truyền hình NDR hỏi Ngài tại sao Ngài đến Hannover?
Ngài bảo rằng: Tôi đến đây vì những người Việt Nam.
Cả 3 lần như chúng ta thấy, quả Ngài đã rất quan tâm đến vấn đề của Việt Nam chúng ta. Chúng ta không may mắn được như nhân dân Tây Tạng, có một bậc chân tu thực chứng như Ngài, nên vấn đề hòa hợp, thống nhất vẫn còn triền miên khổ hải. Còn Ngài, là hiện thân của chân lý, nên người Âu Mỹ đã xem Ngài là một sứ giả của hòa bình, nên năm 1989 Ngài đã được nhận Giải thưởng Nobel Hòa Bình cũng nằm trong ý nghĩa đó.
Trước đây Ngài đến Đức, các chính trị gia ít lưu tâm, nhưng sau bao nhiêu tháng ngày hoạt động kiên trì, mềm dẻo của Ngài đã làm mềm lòng những người cầm quyền tại Âu Mỹ. Bằng chứng là ngày mai 19.6.95, Ngài điều trần trước Quốc Hội Đức về vấn đề Trung Cộng vi phạm nhân quyền tại Tây Tạng một cách trầm trọng.
Nghe qua bài pháp có người rất thấm thía. Ngồi bên trên nhìn xuống, tôi thấy có người đang ngủ gục và sau này nghe kể lại rằng dưới Hội Trường với hệ thống trực tiếp truyền hình, ban đầu đã đầy người, cũng rất trang nghiêm thành kính, nhưng vào cuối giờ chỉ còn lại những người Đức đang thành kính lắng nghe. Còn người Việt Nam thì hầu hết đi ra ngoài và hay thích nói chuyện riêng. Đó có lẽ là dân tộc tính của người Việt Nam mình chăng? Nhưng phải thành thật mà nói, trên Đại điện Chùa Viên Giác hôm đó gần 800 con người với 800 quả tim, 800 khối óc, ai ai cũng đều cùng một nhịp thở và thấm sâu từng lời nói, từng động tác của Ngài trong khi thuyết giảng. Nhìn xuống xa hơn, tôi thấy Chánh điện bên trái và bên phải vẫn còn trống, như thế, ít nhất Đại điện Chùa Viên Giác phải chứa đến 900 người mới chật hoàn toàn.
Ngài đã nói nội dung bài pháp như Đức Phật đã nói tự mấy ngàn năm nay, nhưng điều căn bản ở đây, nếu có thật tu mới thực chứng được. Cũng như có ăn mới có no. Nếu không tu cũng như không ăn thì sẽ không bao giờ chứng và no được. Đó là một chân lý cần phải hiểu rõ.
Trước và sau đó có nhiều người đem con của mình tới cho Ngài xoa đầu cho bớt bệnh, hoặc muốn gần Ngài để được thần lực chở che v.v... Tôi có nói rằng: Ngày xưa Phật đã bảo - ai tu cũng thành Phật cả, tự mình chẳng lo tu, khi thấy người ta thành Phật rồi, mình lại đến ké nhờ ơn đức ấy, quả thật là khó nói. Mọi người đều hiểu ý tôi, cười - nhưng rồi việc đâu cũng vào đó. Vì họ thấy tu hành sao khó khăn quá, thôi cứ chờ cho ai đó tu có kết quả thì mình cậy nhờ vậy. Đó là cái bệnh lười của chúng sanh. Chúng sanh lúc nào cũng sợ đọa vào trong 3 đường dữ, nhưng việc ác không chừa và việc thiện chẳng làm, thì làm sao tránh được lao đao trong đường sinh tử?
Khi Ngài chuẩn bị chấm dứt câu trả lời cuối cùng, tôi và Thầy Minh Phú đại diện cho Chi Bộ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại Đức mang tấm tranh và khay tịnh tài cúng dường ra phía trước, để dưới chân Ngài.
Khi Đức Thụ vừa dịch xong những câu trả lời cuối cùng ra tiếng Việt, chúng tôi lại thi lễ tạ ơn Ngài 3 lễ, đoạn trao bức tranh sơn mài và khay lễ 10.000 Đức Mã để cúng dường và làm lộ phí cho Ngài cũng như phái đoàn. Ngài đưa tay ra đỡ lấy rồi trao qua cho những nhân viên ngoại giao tháp tùng với Ngài.
Ngài đã trao tặng Chùa Viên Giác một tượng Phật bằng đồng, thếp vàng, trên ấy có bọc một dải lụa trắng và tôi đã để tượng Phật ấy lên đầu thật lâu, trong bao nhiêu tiếng vỗ tay vang dội ở phía dưới. Đây là một pháp bảo vô giá mà Chùa Viên Giác đã có được.
Ngài xuống tòa trong bao nhiêu tiếng vỗ tay vang dội cả Đại điện ngày hôm ấy. Suốt cả 2 tiếng đồng hồ tôi không nghe một tiếng động nào cả. Quả thật, thần lực của Ngài đã chinh phục tất cả mọi người.
Gia Đình Phật Tử đã ngồi chặn lối giữa mục đích để làm hàng rào danh dự, nên khi Ngài chuẩn bị đi ra, 2 bên nơi này đã dạt ra một lối trống ở giữa, Ngài đã bước ra trong nụ cười từ ái, với những cái vẫy tay và cái chào thân thiện.
Hòa Thượng Thích Thiền Định tiễn Ngài ra đến chỗ tượng Đức Phật A Di Đà, còn tôi và Hòa Thượng Thích Minh Lễ, Sư cô Diệu Hạnh và Tăng Ni cũng như Phật Tử tiễn Ngài ra đến đường Karlsruher bằng chân trần không mang giày, chỉ có vớ mà thôi.
Khi Ngài ra đến nơi tượng A Di Đà, Ngài đã mang giày vào để đi tiếp con đường mà Ngài còn cần phải đi nữa, để mang lại hòa bình, lợi tha cho nhân dân Tây Tạng cũng như thế giới.
Khi xuống đến những bậc thang cấp cuối cùng Ngài đã vẫy tay chào. Mọi người vỗ tay tiễn đưa Ngài một cách rất thành kính. Khi chuẩn bị lên xe có một người Đức thuộc đài truyền hình nào đó muốn đặt một câu hỏi. Ngài hoan hỷ trả lời bằng tiếng Anh và bên cạnh đó có ai đưa một bảng hiệu bằng tiếng Anh “Nhân Quyền cho Việt Nam và Tây Tạng”. Bảng bên kia bằng tiếng Đức cũng nội dung đó. Khi trả lời phỏng vấn xong, một số người đưa tay qua từ bên kia chiếc xe Audi cho Ngài bắt. Ngài đã trườn qua xe để vỗ mạnh vào bàn tay đối diện bên kia, đoạn Ngài làm lễ chú nguyện vào một đĩa gạo, rồi Ngài vào xe với 2 nhân viên ngoại giao.
Xe Ngài đã đi, nhưng lòng người còn ở lại đầy ắp yêu thương của một bậc Thánh nhân đã trang trải trong suốt 4 tiếng đồng hồ qua tại Chùa Viên Giác. Một số khác lên nhặt những hạt gạo rơi nơi Chánh điện, gạo mà Ngài đã chú nguyện và chắc chắn nay mai sẽ gởi về các địa phương để biếu các Chi Hội Phật Tử những hạt gạo nhiệm mầu này. Một số khác nhặt những cành hoa dưới chân Ngài và như còn luyến tiếc đâu đây những gì mà họ muốn nắm giữ.
Tối hôm đó tôi đã không ngủ được, vì quá vui mừng xúc động. Còn trước đó một đêm cũng không ngủ được, vì lo lắng cho ngày mai khi Ngài tới. Lúc Ngài đến trời mưa hoa cúng dường, lúc Ngài đi ánh sáng thái dương rọi chiếu, như mang trí tuệ đến cho tất cả mọi người.
Sáng hôm sau 19.6.95 khi lên Đại điện giờ thiền và tụng kinh Lăng Nghiêm, tôi cảm nghe như sức gia trì vẫn còn mãnh liệt đâu đây. Thế rồi tôi cũng lạy Phật, lạy Tổ để ra đi vào ngày hôm ấy.
Viết đến đây tôi lại quên một vấn đề quan trọng nữa là, hôm 18.6.95 sau khi Ngài đã giảng pháp xong. Ngài có tụng kinh gia trì về trí tuệ. Sau đó Hòa Thượng Thích Thiền Định bắt giọng Bát Nhã cho đại chúng tụng và hồi hướng. Không khí thật thành kính trang nghiêm. Tại sao cũng một bài kinh Bát Nhã đó, mà hôm nay trang nghiêm thánh thiện quá như vậy?
Nhìn người Việt Nam rồi nhìn người Đức khắp hết Đại điện, tôi thấy ai cũng rạng rỡ tấm lòng.
Sau khi mọi người nghe pháp, tôi có hỏi cảm tưởng của một số vị, họ bảo rằng hoan hỷ quá. Trong đời họ chưa bao giờ cảm nhận được một sự an lạc như vậy. Sự an lạc ấy do từ tha lực của Đức Đạt-lai Lạt-ma và cũng phần lớn do tự lực của chính mỗi người đã trân trọng với một thời pháp trang nghiêm như thế.
Trong quyển “Tự Do Trong Lưu Đày” (Freedom in Exil) Ngài có khẳng định lại một điều mà các Phật Tử Việt Nam của chúng ta cũng cần nên lưu ý. Ngài bảo: Chữ Đạt-lai Lạt-ma người Trung Quốc dịch là Hoạt Phật hay Phật Sống là sai, mà Đạt Lai có nghĩa là Trí Tuệ hay Biển Trí Tuệ hay Hoa Sen Trắng. Lạt Ma có nghĩa là một vị Thầy. Nếu dịch nghĩa chung của 2 chữ này, có nghĩa là: Một vị Thầy có đầy đủ trí tuệ. Chẳng qua đó chỉ là hóa thân của Đức Bồ Tát Quán Thế Âm. Có nhiều người chưa chứng đạo, tự khoe mình đã chứng. Ngược lại, những người đã chứng đắc như Ngài, Ngài ít khi nào nói về cái sở chứng của mình. Điều ấy cũng giống như Đức Phật còn tại thế vậy. Mặc dầu Ngài có thần thông rất đa dạng, nhưng khi Ngài Mục Kiền Liên dùng thần thông để thi triển thần lực với ngoại đạo, vẫn thường hay bị Đức Phật quở trách.
Có nhiều người hỏi Ngài bao nhiêu tuổi?
Ngài cười.
Nhưng cũng có nhiều người trả lời thế cho Ngài rằng:
- Ngài chừng 700 tuổi.
Nếu tính trung bình cho mỗi vị Đạt-lai Lạt-ma là 50 tuổi thọ, thì qua 14 đời Đạt Lai, điều ấy quả là số tuổi hiển nhiên của Ngài.
Có nhiều người Âu Châu đặt nhiều câu hỏi thẳng thắn với Ngài rằng:
- Theo họ biết, cũng như theo truyền thuyết của Phật Giáo Tây Tạng là không có đời Đạt-lai Lạt-ma thứ 15 nữa. Điều ấy có đúng không?
Ngài bảo với các phóng viên rằng:
- Bây giờ tôi chưa chết, làm sao biết được?
Đó chỉ là một cách trả lời khéo mà thôi.
Có lúc, một số nữ tín đồ Phật giáo người Âu Châu hỏi Ngài rằng:
- Tại sao cho đến bây giờ đã 14 đời Đạt-lai Lạt-ma rồi mà chưa có vị nào người nữ?
Ngài trả lời rằng:
- Tại sao không?
Những câu trả lời của Ngài rất vi điệu và đã làm hài lòng tất cả những ai tò mò muốn biết về Tây Tạng, về tái sinh, dầu cho đó là một học giả, một giáo sư Đại học, một thư ký, một tu sĩ, một chính trị gia, một thương gia v.v... và v.v...
Càng ngày, người Âu Châu và Mỹ Châu theo Phật Giáo Tây Tạng càng nhiều hơn nữa, mà ngay cả người Việt Nam mình cũng thế. Mới đầu theo, có lẽ vì tính cách huyền bí, nhưng khi đi sâu vào nội tâm, tu theo Phật Giáo Tây Tạng có sở tu và sở chứng rất nhiều. Dĩ nhiên, các trường phái Phật giáo khác, nếu chúng ta đi sâu vào thiền định hoặc nghiêm trì giới luật, chúng ta vẫn có thể chứng đắc như thường. Nhưng đa số nghiêng về phía Tây Tạng, vì Tây Tạng có được một nhà lãnh đạo cả giáo quyền lẫn thế quyền lỗi lạc như Đức Đạt-lai Lạt-ma.
Trong 2 quyển sách vừa nêu trên, Đức Đạt-lai Lạt-ma có nhận định rằng: Mặc dầu số người Tây Tạng tu hành đông, nhưng thật ra sở tu và sở chứng của họ cũng ít lắm. Điều ấy cho ta thấy rằng bất cứ trong một tổ chức quần chúng nào cũng thế, nó phức tạp và ô hợp lắm. Ngay cả cộng đồng Tăng lữ của Việt Nam cũng vậy, dĩ nhiên cũng có một số vị xuất sắc, nhưng không nổi bật về việc ấn chứng cũng như việc tu trì, nên khi ra làm việc đạo tại ngoại quốc này, chỉ có được bề nổi bên ngoài, phần nội tâm còn phải tu trì nhiều hơn nữa.
Ngài cũng đã đề cập trong sách trên rằng: Những nghi lễ tôn giáo của Tây Tạng quá rườm rà, cần phải bỏ bớt và chính Ngài cũng có ý thay đổi về địa vị của Đạt-lai Lạt-ma, cốt làm sao cho dân tộc Tây Tạng tiến bộ nhiều hơn nữa.
Trong một quyển sách khác, nhan đề là “Khi Chim Sắt Bay”, do Vũ Nguyên Khang ở Đan Mạch dịch, có đăng trong Viên Giác lâu nay và trong Viên Giác số 88 xuất bản vào tháng 8 năm 1995 cũng có đề cập chi tiết về cuộc sống của Đức Đạt-lai Lạt-ma. Ngài có nói rằng: “Tôi nói tiếng Anh được, nhưng lười học lắm, vì vậy những ngữ vựng ít ỏi lắm.” Tuy Ngài nói vậy thôi, nhưng Ngài rất vững vàng về ngôn ngữ này. Tôi đã nhiều lần nghe Ngài giảng về Phật Pháp bằng tiếng Anh tại Hamburg, cũng như nghe các câu trả lời phỏng vấn của Ngài trên đài truyền hình Đức và Pháp cũng như Mỹ.
Tháng 3 năm 1995 vừa rồi, tôi và một phái đoàn 13 người Phật Tử Việt Nam từ Đức sang Ấn Độ để chiêm bái các Phật tích. Trong 13 người ấy chỉ có 6 Phật Tử mà đến 7 Tu sĩ. Dĩ nhiên chuyến đi gặt hái được rất nhiều thành quả tốt đẹp về nội tâm, nhưng cũng đã có nhiều người muốn tìm hiểu sâu hơn về Phật Giáo Tây Tạng.
Khi đến chiêm bái Bồ Đề Đạo Tràng vào một buổi chiều, tôi tình cờ gặp một vị Lạt Ma tái sanh mà nhiều người rất ngưỡng mộ. Đó là Ngài Ling Rinpoche. Theo ấn chứng của tái sanh cho biết rằng: Ngài là vị Thầy cũ của Đức Đạt-lai Lạt-ma tái sanh. Đức Đạt-lai Lạt-ma có hai vị Thầy, nay đều đã viên tịch và nay cũng đã tái sanh. Một vị hiền từ như người mẹ, đó là vị Lin Rinpoche này và một vị khác nghiêm khắc như một người cha cũng đã tái sanh và được tìm ra.
Cả hai vị đều có ảnh thờ chung với Đức Đạt-lai Lạt-ma, hai vị này ngồi hai bên Ngài.
Tôi, một Tăng sĩ Phật Giáo Việt Nam, dĩ nhiên là tin vào luân hồi và tôi cũng đã đọc rất nhiều về sách tái sanh của Tây Tạng, nhưng tôi muốn biết chắc thực hiện tượng tái sanh ấy như thế nào, nên cũng phải tìm hiểu thêm.
Vị Ling Rinpoche hôm đó đi nhiễu tháp, tình cờ khi đến gần chỗ tôi ngồi lại bước qua và hỏi tôi bằng tiếng Anh:
- What are you doing here? (Ông làm gì ở đây?)
Tôi trả lời:
- I’m waiting for some Vietnamese. (Tôi đang chờ mấy người Việt Nam.)
Vị ấy mới 10 tuổi thôi. Nghe đâu đi Mỹ chỉ có 3 tháng, sau khi về nói tiếng Anh rất lưu loát. Tôi hỏi tiếp:
- Have you ever been to Europe? (Ngài có bao giờ đến Châu Âu chưa?)
Vị ấy trả lời rằng:
- Maybe! (Có lẽ có đấy!)
Đoạn tôi hỏi:
- May I take one picture with you? (Tôi xin chụp với ngài một tấm hình có được không?)
Vị Ling Rinpoche trả lời rằng:
- No problem. (Được chứ, có sao đâu.)
Rồi vị ấy chạy đi, trông rất hồn nhiên, dễ thương như những đứa trẻ 10 tuổi khác.
Sau khi về Đức, tôi đưa tấm hình ấy cho mọi người xem, ai cũng vui và nói rằng tôi rất có phước nên mới được gặp vị Thầy của Đức Đạt-lai Lạt-ma như thế. Tấm hình ấy Thầy Từ Trí chụp giùm rất tự nhiên. Vị Lin Rinpoche ấy ngoẹo cổ vào mình tôi và mỉm cười rất duyên dáng trong tư thế đứng. Nơi đó là nơi mà hai người Phật Tử đầu tiên đến quy y với Đức Phật lúc Ngài mới thành Phật và chưa thành lập Tăng đoàn. Chỉ có quy y Phật, quy y Pháp mà thôi. Nơi đó ngày nay còn một trụ đá được dựng và khắc ghi sự tích này để lưu niệm.
Tối hôm đó, quý Thầy quý Cô khác đi đến chỗ vị Ling Rinpoche này để vấn đạo. Tôi ở lại Chùa Phật Giáo Việt Nam tại Bồ Đề Đạo Tràng, không đi. Vả lại những Thầy Cô khác cũng giấu không cho tôi biết, sau này xem lại Video mới thấy được. Cung cách tiếp đón và chúc phước, nói năng bằng tiếng Anh lưu loát, chỉ học trong 3 tháng mà nói được như thế quả là một việc hết sức huyền diệu, mà một đứa trẻ ngoại quốc 10 tuổi khó có thể có được.
Tôi định đem tấm hình chụp chung với vị Ling Rinpoche khoe với Đức Đạt-lai Lạt-ma khi Ngài đến Chùa Viên Giác vào ngày 18.6.95 vừa qua, nhưng bận quá. Vả lại tự mình hiểu đủ rồi, cần gì phải sỗ sàng với Thánh Tăng như vậy. Dẫu biết rằng Đức Đạt-lai Lạt-ma là một vị Thánh Tăng đơn giản chưa có ai bằng, nhưng cũng có nhiều vị Lạt Ma kiểu cách và trịch thượng lắm. Bằng chứng khi đến đảnh lễ một số vị Lạt Ma, có vị thi lễ lại, nhưng cũng có vị ngồi yên trong tư thế như là chuyện đương nhiên. Trong khi đó, Đức Đạt-lai Lạt-ma, Ngai vàng và pháp tòa đã dành riêng cho Ngài, nhưng Ngài phải tự mình đảnh lễ Phật và pháp tòa, sau đó mới thăng tòa thuyết pháp. Khi người khác thi lễ Ngài, Ngài cũng cúi sát xuống để cụng đầu vào hoặc lấy tay đỡ người quì mọp dưới chân mình lên. Quả thật chưa có vị Thánh Tăng nào có được một cử chỉ khoan dung độ lượng như thế và bình dân không ai bằng. Có lẽ Ngài nhờ bình dân, đơn giản như vậy mà thu phục được nhân tâm của nhân loại chăng? Trên quả đất ngày nay có 6 tỷ người, nhưng ít nhất Ngài cũng đã chinh phục hơn phân nửa số đó. Có người đã gặp được Ngài, nhưng đa số không phải ai cũng có được nhân duyên ấy. Những người dân Tây Tạng chưa chắc đã gần được Ngài, mà chỉ sống trong tình thương yêu của Ngài. Nếu có, ngày nay đa số qua hệ thống truyền hình và báo chí, nhiều người đã biết đến Ngài.
Viết đến đây tôi cũng xin mở một dấu ngoặc để nói về việc thi lễ đối với chư Tăng Việt Nam. Dĩ nhiên Việt Nam vẫn có nhiều vị Cao Tăng, Đại Đức, đạo cao đức trọng, nhưng cũng có lắm vị phàm Tăng, tham được người ta cúng dường và lễ bái mình. Đi đâu cũng muốn có sự đón đưa thật linh đình. Đến đâu nếu chưa kịp chuông trống bát nhã cung nghinh, không đảnh lễ kịp thời thì có ý buồn rầu, trách móc. Khi người đối diện không xưng con, không khép nép với mình, tự nhiên thấy mình bị tự ái, hờn mát và không vui vẻ với những câu chuyện sau đó.
Nhiều vị Tăng nghĩ rằng Phật Tử đảnh lễ mình là chuyện đương nhiên, cứ ngồi ì ra đó cho họ lễ, nhưng đâu có biết rằng, vì phước mình chưa đầy đủ, làm như thế chỉ có bị trừ chứ không có cộng. Phước đức đã hao mòm mà tội lỗi càng gia tăng. Chỉ khi nào người lạy và kẻ được lạy, không còn phân biệt bỉ thử thì việc lạy ấy mới có ích. Tuyệt nhiên không nên ép buộc, nhất là ép buộc vì vấn đề tâm linh.
Ví dụ: Đức Đạt-lai Lạt-ma sờ vào đầu ai, ôm người đó vào lòng, lấy tay của mình ôm một số người đông, trong khi đón rước Ngài, ai ai cũng muốn được vinh dự đó. Nếu bình thường một vị Tăng nào đó, làm cử chỉ ấy, trông nó hơi hề. Vì mọi người chung quanh chưa có ý tự nguyện như vậy và chính vì đức độ của mình chưa có, nên chưa ảnh hưởng đến những người chung quanh. Nhưng Ngài thì ngược lại.
Sáng hôm ấy 19.6.95 tôi lạy Phật lạy Tổ xong, ra đi với một xách hành trang nặng trĩu sự vui mừng. Người ta đi đâu thường hay buồn, nhưng hôm đó sao tôi vui quá. Vui vì đã làm xong một bổn phận và vui rồi đây Chùa Viên Giác sẽ là nơi quy ngưỡng của nhiều người. Trong đó kể cả Tu sĩ và các Phật Tử, Việt cũng như Đức.
Xe dừng lại nơi bến “gare”, tôi vội xuống xe đi nhanh về phía quầy bán báo. Tờ Hannoversche Allgemeine Zeitung tôi đã thấy ở Chùa rồi, có đăng hình và bài về ngày hôm qua. Tôi mua hai tờ khác nữa, đó là tờ Neue Presse và tờ báo Bild. Tờ nào cũng tường thuật rất tỉ mỉ và rất thuận lợi cho chiều hướng phát triển của Phật Giáo tại Đức. Nhiều nhà nghiên cứu về lịch sử và triết học cũng như Tôn giáo đều phải thừa nhận rằng:
Tất cả mọi chuyển động của thế giới về các ngành này đều xuất phát từ Đức. Ví dụ triết gia Schopenhauer mở đầu cho kỷ nguyên Phật Giáo du nhập vào Đức từ thế kỷ 19. Nietzsche, một triết gia đại tài của Đức đã có cái nhìn không xa triết lý của Phật Giáo bao nhiêu. Hermann Hesse, người đã viết tác phẩm «Đường Về Nội Tâm» rất nổi tiếng. Nhà Bác học Einstein đã quả quyết rằng: Tất cả những phát minh của ông đều dựa trên tinh thần khoa học của Phật Giáo. Rồi Karl Marx, cha đẻ của chủ nghĩa cộng sản cũng từ đất nước này phát sanh. Nhà tôn giáo cải cách Martin Luther cũng người Đức. Vì những lý do trên, nên nhiều nhà phê bình có nhận định rằng: Thế kỷ 21 là thế kỷ của Phật Giáo và đều xuất phát từ nước Đức đa diện này. Có lẽ nhận xét ấy không sai. Vì trong hiện tại kinh sách Phật Giáo bằng tiếng Đức xuất hiện vô số kể trong lãnh vực học đường, khoa học hay cả tại các nhà thờ của hai Giáo Hội Thiên Chúa Giáo và Tin Lành.
Sau khi đi Ấn Độ vào tháng 3 năm 1995 về, tôi có đến gặp Đức Giám Mục Hohmeier địa phận Hildesheim, khi dùng cơm xong tại giáo xứ, Ngài có nói tôi chỉ sơ qua về giáo lý căn bản của Phật Giáo cho Ngài, ông Helmut Hanefeld đã chỉ cho Ngài và các vị Cha xứ, các Dì Phước thực tập thiền hôm đó. Đoạn Ngài hỏi tôi rằng:
- Có phải Phật Giáo hay hơn Thiên Chúa Giáo hay sao mà người ta bỏ Đạo Chúa theo Đạo Phật nhiều vậy?
Tôi trả lời rằng:
- Thưa Ngài, mỗi một thứ thuốc hợp cho mỗi một căn bệnh khác nhau. Có lẽ ở Âu Châu lâu nay dùng loại thuốc giống nhau, nên căn bệnh đã quen rồi. Bây giờ có loại thuốc mới, nên họ muốn thay đổi chăng!
Tôi cũng trấn an Ngài rằng:
- Xin Ngài đừng lo. Mỗi tôn giáo là một bông hoa đẹp, chúng tôi hiện diện ở đây chẳng khác nào làm cho vườn hoa tâm linh của quê hương nước Đức này càng đẹp đẽ hơn thôi.
Đức Giám Mục mỉm cười.
Ba tờ báo lớn tại Hannover đều tường thuật một cách đầy đủ và rất tỉ mỉ, tôi đã dịch ra từ tiếng Đức phía dưới bài này, xin quý vị đón xem. Về hình ảnh cả 3 tờ báo, tờ nào cũng có một số hình khác nhau.
Như tờ Hannoversche Allgemeine Zeitung, phần trang đầu đăng hình màu, Đức Đạt-lai Lạt-ma đang choàng chiếc khăn chúc phước màu trắng cho ông Thị trưởng Thành phố Hannover, vào trang ruột bên trong đăng 2 hình trắng đen. Hình thứ nhất là hình Đức Đạt-lai Lạt-ma chắp tay chào mọi người khi đến Tòa Thị Chính. Hình thứ 2 là 3 em thiếu nữ Phật Tử chùa Phật Bảo, trên tay đang nâng 3 đĩa đồ chay có 3 con rồng làm bằng củ cải trắng.
Tờ Bild Zeitung có số độc giả bình dân tương đối nhiều tại Hannover, bên trong có đăng 4 hình màu. Hình lớn nhất là hình Đức Đạt-lai Lạt-ma ngồi trên Ngai vàng do Sư cô Diệu Ân thiết kế rất hùng dũng. Hình thứ 2 nhỏ bên tay trái là hình ông Thị trưởng Thành phố Hannover dắt tay Đức Đạt-lai Lạt-ma. Hình thứ 3 ở giữa chụp toàn cảnh Chùa Viên Giác có Hồ sen và Bảo Tháp 7 tầng cùng Chánh điện. Hình thứ 4 chụp Ngài đang vẫy tay chào mọi người, trong khi Ngài ở trong chiếc xe Audi đời mới.
Riêng tờ Neue Presse có 4 hình màu cũng rất độc đáo. Hình thứ nhất chụp toàn cảnh cung nghinh Ngài khi mới vào cổng chính Chùa Viên Giác có mặt tất cả chư Tăng và lọng cung nghinh Ngài. Hình thứ 2 bên trái chụp hình Ngài đang đỡ một người đàn bà Thái Lan đảnh lễ dưới chân Ngài ở một công trường đi bộ gần Tòa Thị Chính. Hình thứ 3 Ngài thăm hỏi trẻ em tỵ nạn Việt Nam khi mới vào cổng và hình thứ 4 chụp Ngài đang ký Sổ Vàng Lưu Niệm tại Tòa Thị Chính. Đứng bên cạnh Ngài là ông Thị Trưởng và các chính trị gia của Tiểu Bang Niedersachsen.
Hôm đó tôi ddi xe ICE, là một loại xe sang trọng nhất của nước Đức hiện nay. Loại xe này Nhật đã chế từ năm 1967. Tính ra Đức đi sau Nhật chừng vài chục năm về kỹ nghệ hóa. Chỉ có điều là đồ Đức chắc và bền gấp 10 lần đồ Nhật, nên nhiều người rất ưa dùng đồ của Đức. Trên chiếc xe này, như một phòng khách di chuyển tự động, nơi đó người ta có thể ngủ, đọc sách hoặc chuyện vãn v.v... Tôi thì không, mỗi khi lên xe này tôi thường viết bài, đôi khi cũng đọc sách. Xe ICE lòng rộng, các ghế ngồi tựa như ghế trong máy bay, nhưng rộng rãi hơn. Trong xe này có thiết trí Tivi, điện thoại công cộng, cho biết xe chạy ở tốc độ bao nhiêu và trước khi xuống xe, hành khách đều có thể biết được là cửa tự động mở bên phải hoặc bên trái v.v...
Thế giới văn minh quá mà con người thì còn khổ đau nhiều quá. Biết nói sao đây? Tôi ngồi bên cạnh một người đàn bà Đức. Bà ấy đang đọc tờ Hannoversche Allgemeine Zeitung, ngay trang trong tường thuật về Đức Đạt-lai Lạt-ma. Sau đó bà ta gợi chuyện với tôi về chuyến đi này, tôi đã đưa bà thêm 2 tờ báo khác để bà đọc. Sau khi bà đọc xong, bà ta nhìn tôi và nói rằng:
Hoheit (Bệ hạ) (ý chỉ Đức Đạt-lai Lạt-ma) đến thành phố Hannover và đã mang đến cho mọi người dân tại đây một hòa bình nội tâm miên viễn.
Tôi nghe một người Đức nói được câu nói ấy, cảm nhận sâu tận đáy lòng. Tôi có nói về Ngài cho bà nghe và bà đã nghe một cách chăm chú.
Mỗi danh xưng cho mỗi người, mỗi một địa vị nó khác nhau, nhưng bà dùng chữ Hoheit ở đây không sai mấy. Vì Ngài cũng là bậc Quân Vương. Nếu dùng tiếng Đức để chỉ cho Ngài, họ nói là Seine Heiligkeit, tiếng Anh gọi là His Holiness. Có nghĩa là Thánh Đế hoặc Thánh Vương. Nếu dùng chữ Hoheit chỉ có nghĩa là Bệ Hạ hay Hoàng Thượng mà thôi. Vì thế khi nói với Ngài thường xưng 2 chữ His Holiness trước. Nếu chỉ hỏi “How are you?” là không ổn rồi. Cũng như khi xưng với một vị Hòa Thượng, tiếng Đức phải nói là Hochehrwuerdige, tiếng Anh gọi là The most Venerable, tiếng Pháp nói Le très Vénérable. Nếu muốn dùng nói đến Thượng Tọa thì xưng Venerable bằng tiếng Anh. Tiếng Đức nói Ehrwuerdige. Tiếng Pháp nói Vénérable. Tất cả những chữ này nó có nghĩa là «Bậc đáng Tôn kính». Nếu chỉ dùng chữ Ladies and Gentlements trong một buổi tiệc mà có mặt của các vị chức sắc Tôn Giáo quả là điều sai lầm rất lớn.
Khi xuống xe lửa để đổi xe đi phi trường Frankfurt bà ta xin địa chỉ của Chùa và nói rằng: Đây đúng là một nhân duyên và hy vọng sẽ có một ngày nào đó tôi sẽ đến Chùa để thăm Thầy.
Đạo Phật như thế đó. Đơn giản lắm, đi vào lòng người một cách nhẹ nhàng, không bằng đao to, búa lớn. Không bằng bạo lực, không bằng chiến tranh và thù hận, mà bằng tình thương miên viễn đối với mọi người và mọi loài.
Tôi đã miên man suy nghĩ về một con người. Con người ấy đã thật là Người và chính Người ấy hôm nay ngày 19.6.1995 đang điều trần trước Quốc Hội Đức về vấn đề vi phạm nhân quyền của Trung Cộng nơi quê hương của Ngài. Nơi đó giờ đây có 6 triệu người Tây Tạng, nhưng có đến 7 triệu người Trung Cộng. Đúng là lấy số đông để đi áp chế thiểu số. Để xem rồi đây sự thật sẽ trở lại bên nào? Chắc chắn một điều nó không đến với người có quyền thế, mà sự thật bao giờ cũng trả về cho lẽ phải. Đó là chân lý từ ngàn xưa. Bản án ở đây không nằm ở người tu, mà bản án sẽ kết tội vào Đảng Cộng Sản Trung Cộng đã vi phạm Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền.
Đến phi trường Frankfurt sau khi cân hành lý xong, tôi đi mua 7 tờ báo khác tại đây để tìm thêm có tờ nào đăng về việc Đức Đạt-lai Lạt-ma đến Hannover không? Nơi đây tôi có hơn một tiếng đồng hồ, nên tôi đã ngồi xem kỹ từng trang báo một.
Trong 7 tờ ấy có 3 tờ đăng tin và không có tờ nào đi hình. Đó là tờ Die Welt «Thế Giới Thời Báo», có số độc giả khá đông, có đi tin. Tờ Frankfurter Rundschau và tờ Frankfurter Neue Presse. Cả 3 đều nói sự hiện diện của Đức Đại Lai Lạt Ma tại xứ Đức, về Chùa Viên Giác và Trung Tâm Phật Giáo Tây Tạng tại Hannover.
Hơn 8 tiếng đồng hồ có được trên máy bay, bay từ Frankfurt tới Toronto, rồi từ Toronto đến Montréal tôi đã ngồi dịch hết phần tường thuật về Đức Đạt-lai Lạt-ma của 6 tờ báo trên. Một phần vì tính cách thời sự của nó. Phần khác, khi đến Montréal đọc cho các Thầy và các Đạo Hữu nghe về công việc Phật sự mà tôi đã làm vào ngày hôm qua.
Ngồi trên mây, bồng bềnh như nơi tiên cảnh, đầu óc tôi cứ mơ màng về Ngày Hội Lớn hôm qua và mãi cho đến ngày nay cũng như mai hậu, hình ảnh của Đức Đạt-lai Lạt-ma đã in đậm dấu nơi tâm khảm của tôi.
Hy vọng rằng với một ít tâm tư chân thành này con xin dâng lên Ngài để hiểu rõ cho đàn hậu học, luôn luôn hướng về chân lý và tình thương. Mong rằng dân tộc và quê hương của Ngài sắp thoát ra khỏi vòng lao lý và quê hương, tình người cũng như Đạo Pháp nơi xứ sở của con tình thương cũng sẽ được trải rộng, như cánh tay của Ngài đã dang đón nhân loại và người người thương yêu nhau và hiểu biết nhau hơn.
❶ Báo Hannoversche Allgemeine, thứ hai 19.6.1995
Đức Đạt-lai Lạt-ma đã cầu nguyện tại Trung tâm Tây Tạng
Hannover: Đức Đạt-lai Lạt-ma, người lãnh đạo của nhân dân Phật Quốc Tây Tạng đã làm lễ cầu nguyện cho một Trung Tâm Phật Giáo Tây Tạng vào ngày chủ nhật vừa qua. Ngài cũng đã gặp ông Thị Trưởng Herbert Schmalstieg. Đức Đạt-lai Lạt-ma cũng đã nhận lời mời của Thượng Tọa Trụ Trì Thích Như Điển cũng như Hội Thân Hữu Tây Tạng - Đức tại Hannover.
Những tín đồ đã đến từ khắp nơi trên nước Đức. Đức Đạt-lai Lạt-ma đã cầu nguyện tại Tu Viện Phật Giáo ở Mittelfeld.
Cho mỗi người một nụ cười
Cuộc đón rước đã đạt đến mức long trọng tối đa. Người đón mừng vị khách quý không thể không hãnh diện, họ đã đắp y vàng để đón và khi bước vào cổng chùa, có những thiếu nữ mặc áo dài màu lam, trên tay có những đĩa hoa và với hai hàng rào danh dự của các Phật Tử, Ngài đã được cung nghinh vào chùa bằng bê và tích trượng, chỉ có một điều là chuông trống bát nhã đánh hơi sớm quá.
Đúng 12 giờ trưa có khoảng 500 người đã chờ đợi phút quan trọng ấy. Đức Đạt-lai Lạt-ma vị lãnh đạo tinh thần và thế quyền của Tây Tạng đã đến trước cổngchùa Viên Giác. Ngài đã chắp tay quá đầu, mỉm cười chào các tín đồ. Một người nữ tín đồ đã vui mừng chào hỏi và nắm tay Ngài, đoạn nước mắt bà chảy dài rồi quỳ xuống, hầu như không muốn rời bàn tay từ ái của Ngài nữa.
Để làm lễ cầu nguyện cho Trung Tâm Phật Giáo Tây Tạng Chöling tại chùa Viên Giác, Ngài đã sống tỵ nạn tại Ấn Độ và đã đến Hannover này để làm lễ đó. Đức Đạt-lai Lạt-ma đã nhận được lời mời của Thượng Tọa Trụ Trì Thích Như Điển cũng như Hội Thân Hữu Tây Tạng-Đức. Buổi sáng có bà Bộ Trưởng Tư Pháp Heidi Alm Merk (đảng SPD) đã đến phi trường Hannover để đón Ngài, đã được Ngài choàng lên cổ một khăn chúc phúc màu trắng. Bà Bộ Trưởng Tư Pháp cũng đã đưa Ngài đến Tòa Thị Chính để Ngài ký vào sổ vàng lưu niệm.
Đồng thời, ông Thị Trưởng thành phố, Herbert Schmalstieg, đã hướng dẫn Đức Đạt Lai Đạt Ma thăm mẫu hình thành phố hồi chiến tranh đổ nát cũng như sau khi đã xây dựng lại. “Chiến tranh chỉ mang đến khổ đau và không đem lại lợi ích gì cả.” Đức Đạt-lai Lạt-ma đã nói điều đó tại Tòa Thị Chính với ông Phó Chủ Tịch Hạ Nghị Viện, ông Erwin Jordan, của Tiểu Bang Niedersachsen cũng như những Chủ Tịch đảng SPD và CDU.
Ngài cũng đã tin tưởng rằng Hannover đã đóng góp một phần cho hòa bình của thế giới, Ngài cũng vui mừng rằng thành phố này cũng đã kết nghĩa với thành phố Hiroshima. Ông Schmalstieg nói rằng: “Vấn đề của Tây Tạng cũng là đề tài nói chuyện vào năm 2000 khi có Expo. Với thể thức nào, vẫn còn để trống đó.” Ông Thị Trưởng cũng đã được choàng khăn trắng chúc phúc ấy lên cổ của mình, khăn đó đã được trao bởi Đức Đạt-lai Lạt-ma. Đáp lại, ông Thị Trưởng đã tặng Ngài một đĩa màu trắng và sau đó cùng với các chính trị gia dùng trà.
Tại chùa, Ngài đã dùng cơm chung với đại diện của Giáo Hội Thiên Chúa Giáo và Tin Lành. Một vị trưởng lão từ Marseille trong GHPGVNTN Âu Châu cũng đã đến. Điều đáng chú ý là Đức Đạt-lai Lạt-ma cũng đã dùng 8 món chay làm bằng đậu hủ và chả giò do một đầu bếp nhà hàng Trung Hoa nấu. Một số quan khách giới hạn, trong đó có nhiều người Đức và người Việt Nam, đã đến từ khắp nơi trên nước Đức. Buổi chiều là thời thuyết pháp tại chánh điện. Ngài giảng về Tứ Diệu Đế, sau đó đi Bonn. Tại đó, hôm nay Ngài đã điều trần trước Quốc Hội Đức về chương trình đã được định sẵn.
❷ Báo Bild, Hannover ngày 19.6.1995
Đức Đạt-lai Lạt-ma ở Hannover
Ngài đã làm lễ chú nguyện tại chùa
“Tôi đã gặp một người thông thái với đầy hấp lực”
Bài tường thuật của Michael Dunker
Đức Đạt-lai Lạt-ma (59 tuổi), một Thánh Vương của Tây Tạng, lãnh đạo tinh thần của thế giới khoảng 1 tỷ tín đồ. Ngày hôm qua, Ngài đã đến thăm Hannover lần đầu tiên. Ngài đã làm lễ chú nguyện tại chùa Viên Giác ở Wülfel.
Michael Dunker là phóng viên của báo Bild (22 tuổi) đã tiếp cận tại đó và nói rằng: “Đức Đạt-lai Lạt-ma có giọng nói thâm trầm và ấm cúng. Ngài đúng là một Thánh Nhân. Bây giờ tôi mới hiểu tại sao người ta cung kính Ngài như một vị Thánh.”
Tại phi trường Langenhagen: Với một túi đỏ mang trên vai, y phục màu hoại sắc cùng với đôi giày có dây cột, Ngài đã xuống máy bay và phía sau cặp kiếng màu người ta nhận ra con mắt màu nâu với nụ cười quảng đại.
Ông Thị Trưởng thành phố Herbert Schmalstieg (52 tuổi) thuộc đảng SPD đã đón tiếp Ngài tại Tòa Thị Chính. Đột nhiên có người đàn bà Đức chắp hai tay lạy và quỳ trước Ngài. Vị Thánh Tăng cười và giải thích cho ông Thị Trưởng rằng: «Đó là một phong tục cao đẹp.»
Người Phật Tử gọi vị Thánh vương này là «Người của đóa sen trắng», «của biển trí tuệ», «Bậc Đại Giác». Với bước đi ngắn, Ngài đến trước tôi, tôi đã đưa tay ra như một phản xạ tự nhiên. Ngài cười, rồi đưa tay cho tôi bắt. Một cảm tưởng nóng bỏng và cảm động. Một cảm giác rờn rợn sung sướng chạy rần sau sống lưng tôi.
Đoạn Ngài ký vào sổ vàng lưu niệm, Ngài viết từng chữ rõ ràng, không hoa hòe: «Tôi cầu nguyện cho sự hòa bình vĩnh cửu của thế giới.»
Trước cổng chùa Viên Giác, Ngài đã mỉm cười trước 500 người đến đón Ngài, sau đó vẫy tay chào mọi người. Tôi đã gào lớn lên rằng: «Ngài có biết Richard Gere? Người minh tinh điện ảnh Hollywood muốn sống một cuộc sống như tu sĩ trong tu viện chừng 6 tháng, có phải thế không?». Ngài trả lời: «Đúng vậy! Tôi biết về ông ta rất nhiều.»
Một sự sơ hở nhỏ, khi vào chánh điện Ngài đã quên cởi giày. Sau đó, Ngài được đãi 8 món chay bằng rau quả và đậu hủ, chả giò. Ngài cũng múc thức ăn cho người ngồi bên cạnh mình. Người ngồi cạnh nói rằng: «Vị Thánh ấy chính là một con người trọn vẹn».
Sau đó, Ngài giảng cho 300 người nghe về «Nước Đức là một nước tiên tiến, điều ấy tốt, nhưng cũng phải lo phát triển về vấn đề nội tâm. Vì điều ấy rất quan trọng». Ngài nói về khổ đau: «Để chấm dứt khổ đau, chúng ta phải tự tìm thấy vô ngã», và để giải thoát, Ngài dạy: «Nếu chúng ta muốn hết khổ, chúng ta phải mở cửa, vì ở đây sao mà nóng quá.» (Chú thích của người dịch: Tất cả cửa đóng kín hôm đó để giữ an ninh cho Ngài).
Sau đó, Ngài đi Bonn vào lúc 16 giờ, vì có hẹn tại Quốc Hội. Trước đó, Ngài đã trườn qua chiếc xe Audi bắt tay... và chú nguyện vào gạo.
Vài nét về Đức Đạt-lai Lạt-ma
Đức Đạt-lai Lạt-ma vừa là một Thánh Tăng vừa là một Quân Vương của 3 triệu người Tây Tạng. Quê hương của Ngài đã bị Trung Cộng chiếm từ năm 1950. Ngài đã sống lưu vong tại Ấn Độ. Đối với các Phật Tử, Ngài là hiện thân của Đức Phật (Người của hoa sen trắng).
Đức Đạt-lai Lạt-ma hiện tại, được sinh ra trong một gia đình nông dân vào năm 1935. Khi Ngài được 2 tuổi, được phát hiện và sau đó thành Tăng sĩ. Khi Ngài được 5 tuổi, các Tăng sĩ giải thích rằng Ngài là tái sinh của Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ 13 và với điều ấy, Ngài trở thành Thánh Tăng trong Phật Giáo. Tiếp theo, Ngài được dạy dỗ bởi những vị Trưởng Lão trí tuệ khác.
Năm 1989, Ngài nhận giải thưởng Nobel Hòa Bình trong việc đấu tranh ôn hòa chống lại việc chiếm đóng của Trung Cộng. Đức Đạt-lai Lạt-ma sống như nhà tu khổ hạnh, thích chơi golf và rất thương thú vật, nhất là mèo.
Một vài hướng dẫn về Phật Giáo
Khởi nguyên: Năm 563 trước Chúa giáng sinh, tại thung lũng sông Hằng, Thái Tử Siddharta Gautama đã giáng sanh. Năm 29 tuổi trở thành tu sĩ. Trên đường tìm chân lý, Ngài đã đi khắp xứ Ấn Độ. Dưới một cội Bồ Đề, Ngài đã chứng quả vị Phật.
Giáo lý: Cuộc sống là đau khổ. Bởi vì nó phát sanh từ sự vọng tưởng. Con đường Bát Chánh Đạo sẽ dẫn tới Niết Bàn (giải thoát sự đau khổ). Ví dụ: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Định. Thế nào gọi là Chánh? Trước hết, Đức Phật và tín đồ Phật Giáo tin rằng có luân hồi sinh tử và phóng khoáng hơn các tôn giáo khác.
Ở Á Châu có khoảng 800 triệu Phật Tử và ở Đức có khoảng 80 ngàn người. (Richard)
❸ Báo Die Welt ra ngày thứ hai 19.6.1995
Đức Đạt-lai Lạt-ma cầu nguyện tại Tu viện ở Hannover
DW Hannover: Đức Đạt-lai Lạt-ma đang sống lưu vong tại Ấn Độ, lãnh đạo giáo quyền cũng như thế quyền của Tây Tạng, đã làm lễ cầu nguyện cho Trung Tâm Phật Giáo Tây Tạng tại Hannover. Ngài đã được Hội Thân Hữu Đức - Tây Tạng và Thượng Tọa Trụ Trì Thích Như Điển mời đến nước Đức. Trong nước Đức hiện nay có khoảng 80.000 Phật Tử Việt Nam sanh sống.
Đức Đạt-lai Lạt-ma đã được chào mừng bởi Thượng Tọa Trụ Trì cũng như Tăng Ni trong Chi Bộ và đã có khoảng 300 người tham dự lễ. Khi chuông trống bát nhã vang lên Ngài Đạt-lai Lạt-ma (59 tuổi) đã đi vào chánh điện trong trạng thái vui tươi với sự chào đón của những bông hoa sặc sỡ trong đại điện. Viên Giác là ngôi chùa lớn của Phật Giáo Việt Nam tại xứ Đức và cũng là một tu viện lớn nhất của Phật Giáo Việt Nam ngoài Việt Nam và Á Châu. Tại nhà Tây, Đức Đạt-lai Lạt-ma đã làm lễ cầu nguyện cho phòng thờ Phật của Hội Phật Giáo Tây Tạng «Chöling».
Trước đó, Ngài được đón tiếp bởi bà Bộ Trưởng Tư Pháp Heidi Alm Merk (SPD) và sau đó Ngài đã ký vào sổ vàng của thành phố để lưu niệm.
Hôm nay (19.6), Đức Đạt-lai Lạt-ma chờ đợi một cuộc nói chuyện tại Bonn. Ngoài ra, Ngài còn tham dự điều trần về vấn đề vi phạm nhân quyền ở Tây Tạng tại Quốc Hội nữa.
❹ Báo Neue Presse, Hannover
Thứ hai ngày 19 tháng 6 năm 1995
Người lãnh giải thưởng Nobel Hòa Bình đã để lại dấu tích của con người đáng kính
Bà Uta Schmalstieg, phu nhân ông Thị Trưởng thành phố Hannover đã có ấn tượng sâu đậm về Đức Đạt-lai Lạt-ma
Bài tường thuật của Rudiger Knorr
Hannover: Với một chương trình rất hạn hẹp thời gian cho cuộc viếng thăm ngắn ngủi này. Tuy nhiên, trong 6 tiếng đồng hồ thăm viếng Hannover của Đức Đạt-lai Lạt-ma, người lãnh đạo quốc gia Tây Tạng lưu vong và cũng là người lãnh giải thưởng Nobel Hòa Bình đã để lại cho bao nhiêu người tại Hannover hình ảnh đẹp về con người ấy. Phu nhân ông Thị Trưởng thành phố Hannover cũng là người tháp tùng trọn vẹn chuyến viếng thăm của vị lãnh đạo Phật Giáo này. Bà ta đã tâm tình: “Tôi chưa bao giờ gặp được một con người trọn vẹn như thế”.
Chủ nhật tới cũng là ngày mà phu nhân ông Thị Trưởng sẽ thăm Trung Quốc và Tây Tạng, nên đây cũng là cơ hội để tìm hiểu về Phật Giáo và vị Đạt-lai Lạt-ma tái sanh này. Nhưng khi gặp gỡ trực tiếp, bà ta nhận định rằng: “Ngài là con người phóng khoáng, tự nhiên và vui vẻ, làm ảnh hưởng đến người khác.”
Người ở tuổi 59, đắp y màu vàng và đỏ ấy, trước 11 giờ sáng ngày hôm qua đã được đón từ phi trường về Tòa Thị Sảnh. Trước Tòa Thị Sảnh, một Phật Tử Thái Lan Surance Holgleiliner, đã sụp lạy dưới chân Ngài và Ngài đã đỡ bà dậy. Bà ta cũng đã nói rằng: “Cảm tưởng của tôi khi nhìn Ngài như một đóa sen vậy.”
Hoa sen là một loài hoa mọc từ bùn nhơ nhưng tỏa hương thơm ngát, như cuộc sống của con người, nếu chúng ta giác ngộ được, mà Đức Phật đã ngự trị nơi hoa sen ấy.
Đúng 12 giờ trưa, Đức Đạt-lai Lạt-ma đã đến chùa Viên Giác tại Mittelfeld, đã có khoảng 500 người lúc ấy đón chào Ngài. Hầu hết là người Việt Nam. Đây cũng là một Trung Tâm Tôn Giáo lớn ngoài quê hương của họ.
Vì lý do làm lễ chú nguyện cho chùa Viên Giác và Hội Phật Giáo Tây Tạng “Chöling” nên Ngài đã đến Hannover. Ngài đã được sự đón tiếp của Thượng Tọa Trụ Trì Thích Như Điển. Có những thiếu nữ Việt Nam đã tiếp đãi Ngài bằng 8 món chay thanh khiết. Những ai không còn tìm được chỗ nơi chánh điện đã tìm xuống phía dưới Hội Trường để ngồi chờ được xem trực tiếp truyền hình qua hệ thống vidéo. Ở đây tự do hơn, như tổ chức một lễ lớn và ai cũng có thể ăn uống miễn phí một cách ngon lành. Và ở đây mọi người cũng có thể lắng nghe hai tiếng đồng hồ thuyết pháp bằng tiếng Tây Tạng và đã được dịch ra tiếng Đức cũng như tiếng Việt. Ngài đã giảng về Thiện và Bất Thiện. Sự suy nghĩ về Tứ Diệu Đế và Quy Y Tam Bảo.
Ngài cũng đã kêu gọi những người đại diện của hai Giáo Hội Thiên Chúa Giáo và Tin Lành hãy có trách nhiệm trong vấn đề hòa bình của thế giới. Dagmar Meinholz Kronl, một người Thiên Chúa Giáo, đến thăm với tư cách tò mò đã nói: “Với tôi, Đức Đạt-lai Lạt-ma là một con người của thế giới và là một sứ giả của Hòa Bình.”
Hy vọng có triển lãm về Tây Tạng vào thời gian Expo năm 2000
Hannover: “Tôi thật tâm cầu nguyện cho sự hòa bình trong nội tâm của chúng ta được thể hiện một cách trọn vẹn.”
Đó là điều mà Đức Đạt-lai Lạt-ma đã viết vào sổ vàng lưu niệm của Thành phố Hannover và Ngài cũng là người thứ tám đã lãnh giải thưởng Nobel Hòa Bình. Trước Ngài đã có ông Henry Kissinger và Michael Gorbatschow đã ký tên vào đây.
Ông Thị Trưởng thành phố, Herbert Schmalstieg, cũng đã quan tâm về vấn đề điều trần tại Quốc Hội hôm nay của Ngài và ông đã nói: “Khi bang giao về vấn đề kinh tế, chúng ta không quên đặt vấn đề vi phạm nhân quyền của Trung Cộng đã đàn áp đối với Tây Tạng lâu nay.” Ngoài ra, ông Thị Trưởng cũng đã nói với Đức Đạt-lai Lạt-ma rằng: “Hy vọng năm 2000 Expo sẽ có triển lãm về Tây Tạng.” Đức Đạt-lai Lạt-ma cũng thấy rằng thành phố Hannover đã kết nghĩa với thành phố Hiroshima và nơi đây cũng đã lưu tâm đến vấn đề tác hại của bom nguyên tử và kêu gọi ngưng chế tạo về việc nguy hiểm này. Mọi người tại Hannover cũng có thể thấy được điều đó qua việc hòa bình vĩnh cửu của thế giới.
Con người của sự phóng khoáng
Đức Đạt-lai Lạt-ma đối với người Phật Tử tại Tây Tạng, họ luôn nghĩ rằng: “Ngài là tái sanh của Bồ Tát Quán Thế Âm. Ngài sinh năm 1935 trong một gia đình nông dân, và trở thành Tăng sĩ 6 năm sau cái chết của Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ 13 và Ngài như là người thừa kế.
Ngài được tấn phong là Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ 14 năm 1940. Kể từ khi Trung Cộng chiếm Tây Tạng năm 1950, và sau đó Ngài đã lưu vong sang Ấn Độ vào năm 1959. Ngài đã tuyên dương cho thế giới về vấn đề hòa bình và chống lại sự bất bình đẳng mà dân Tây Tạng đang phải gánh chịu. Năm 1989, Ngài đã nhận được giải thưởng Nobel Hòa Bình và là người luôn luôn tượng trưng cho sự phóng khoáng đó.
❺ Tờ Frankfurter Neue Press ra ngày thứ hai 19.6.1995
Ông Roland Koch đã gặp Đức Đạt-lai Lạt-ma
Frankfurt: Chính quyền Liên Bang cũng như Quốc Hội nên lưu tâm hơn nữa về sự tường trình của ông Roland Koch, đảng trưởng CDU Tiểu Bang Hessen về việc nhân dân Tây Tạng càng ngày càng bị đàn áp. “Chúng ta, những người Đức có khả năng để đặt vấn đề vi phạm nhân quyền của Trung Cộng tại Tây Tạng“, ông Koch đã nói như thế sau khi gặp Đức Đạt-lai Lạt-ma, người lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng. Trong cuộc mạn đàm đó cũng có sự tham dự của cựu Chủ Tịch SPD Klaus Kibler. Và Đức Đạt-lai Lạt-ma cũng đã cho thấy rằng sự đàn áp của chính quyền Trung Cộng ngày càng nhiều hơn trước.
❻ Báo Frankfurter Rundschau, ngày thứ hai 19.6.1995
Đức Đạt-lai Lạt-ma
Vị lãnh đạo tinh thần Phật Giáo Tây Tạng đã đến thăm nước Đức trong chương trình điều trần trước Quốc Hội như đã định sẵn. Ngoài ra, Ngài cũng cầu nguyện cho một Trung Tâm Phật Giáo Tây Tạng tại Hannover.
Ngài đã cùng với Chủ Tịch của CDU tại Hạ Nghị Viện, ông Roland Koch nói chuyện về việc Trung Quốc đô hộ quê hương của Ngài. Chính Trung Quốc luôn luôn chống lại vấn đề tự do tôn giáo và điều đó ông Koch đã nói tại phi trường Frankfurt am Main. Chính quyền Liên Bang và Quốc Hội nên lưu tâm về sự kiện dân Tây Tạng ngày càng bị đàn áp như ông Koch đã trình bày. Bởi vì, chính nước Đức đang có truyền thống tốt đẹp với Trung Quốc nên có thể nói được. Phải lấy việc làm ấy làm áp lực trên vấn đề trao đổi mậu dịch với các chính trị gia của chính quyền Trung Quốc.
Seine Heiligkeit ist gekommen und wieder gegangen. So verhält es mit allen Erscheinungen auf dieser Welt. Doch sein Kommen hat vielen Menschen ein glückliches Lächeln gebracht. Und sein Gehen hat ebenfalls in den Herzen vieler Menschen ein befreiendes, erlösendes Gefühl hinterlassen.
Zu Buddhas Lebzeit hat Buddha den Menschen mit seiner Barmherzigkeit und Weisheit geholfen. Deshalb haben die Menschen seiner Zeit ein gesegnetes Gefühl gehabt, wenn sie Ihm begegneten. Überall wo Buddha weilte, ob bei den Königen oder den einfachen Menschen, stets gab es Frieden und das Leid wurde gemindert. Feinde hatten die Gelegenheit, sich zu versöhnen und in brüderliche Beziehungen zu treten.
Nach zweitausendfünfhundert Jahren ist die Lehre des Erhabenen immer noch so frisch wie bei ihrer ersten Verkündung, ja sie ist ewig. Die Patriarchen haben ihr Leben nach dieser Lehre gelebt und sie haben sie ihren Schülern weiter vermittelt. Sie lehrten und lebten Barmherzigkeit und Weisheit. Der Buddhismus existiert heute auf allen fünf Kontinenten. Ähnlich wie jener Buddha damals, so hat auch heute die Person des Dalai Lama die Welt beeindruckt, ihre Bescheidenheit genauso wie ihr friedlicher Einsatz für das Volk von Tibet. 1989 wurde Seine Heiligkeit mit dem Nobelpreis ausgezeichnet. Überall, wo der Dalai Lama heute hingeht und predigt, wendet er sich an die Politiker, Künstler und Religionsführer. Er selbst ist bestrebt, seinen Geist durch die Silas, die Meditation und die Weisheit zu entwickeln und befreien, um den Glauben an den Buddhismus und an die Tugend der Barmherzigkeit zu stärken.
Am 18. Juni 1995 hat die Kloster-Pagode VIEN GIAC in Hannover (Deutschland) das Glück erlebt, Seine Heiligkeit zu empfangen. In der 88. Ausgabe der VIEN GIAC Zeitschrift habe ich auch einen ausführlichen Artikel über seinen Besuch geschrieben. Ich möchte an dieser Stelle, den genannten Artikel noch einmal erwähnen. Ich hoffe, dass alle, die das Glück hatten, den Besuch Seiner Heiligkeit zu erleben, dieses Ereignis für immer in ihrer Erinnerung bewahren werden.
Seine Heiligkeit, der Dalai Lama XIV., ist zu uns gekommen und hat uns sein Lächeln gebracht.
Es gibt mittlerweile schon sehr viele Bücher über den Dalai Lama, Bücher in verschiedenen Sprachen, auch auf vietnamesisch. Der vietnamesische Schriftsteller NGUYEN PHONG, der in den USA lebt, hat z.B. zwei Bücher aus dem Englischen ins Vietnamesische übersetzt, “My Land and My People” und “Freedom in Exile”. Seine Übersetzung war so gut, dass sie viele Leser zu begeistern vermochte. Diese wollen jetzt noch mehr über Seine Heiligkeit wissen. Vor sieben Jahren besuchte Seine Heiligkeit Hamburg, eine große Stadt im Norden Deutschlands, welche über zwei Millionen Einwohner hat. Auch dort leben viele Vietnamesen. In Hamburg gibt es auch ein tibetisch- buddhistisches Zentrum, das unter der geistigen Betreuung von Geshe Thubten Ngawang steht. Dieses Zentrum richtet sich vor allem an Deutsche und hat auch einige Deutsche als Mönche ordiniert, die der Schultradition ihres Lehrers entsprechend tibetische Mönchgewänder tragen.
Das tibetisch- buddhistische Zentrum hat damals eine öffentliche Dharmaunterweisung veranstaltet und uns, die vietnamesischen Mönche und Nonnen, dazu eingeladen. Die Veranstaltung fand in einer großen Halle der Universität Hamburg statt. Die Halle bot genügend Platz für vier bis fünf Tausend Besucher. Die Veranstaltung begann mit einer tibetischen Zeremonie; anschließend gab Seine Heiligkeit eine zweistündige Dharmaunterweisung. Danach gab es eine Mittagspause mit Mittagsessen. Am Nachmittag folgte es eine weitere Dharmaunterweisung. Während der gesamten fünfstündigen Dharmaunterweisung haben die Zuhörer aufmerksam zugehört und es war absolut still. Diese Stille hat in mir einen tiefen Eindruck über Seine Heiligkeit hinterlassen. An jenem Nachmittag durften wir Seine Heiligkeit begrüßen und Er hat uns die Hand gegeben. Nach der Veranstaltung fuhren wir zurück in die Pagode. Ich erzählte vielen Leuten über diese schöne Erfahrung und sie fragten mich daraufhin, ob wir Seine Heiligkeit nicht auch einmal in die Pagode einladen könnten. Ich nahm die Frage zur Kenntnis, wusste allerdings noch keine Antwort. Damals hielt ich die Pagode für zu klein und meine Person noch für zu jung, um Seine Heiligkeit einladen zu können. Also habe ich damals nur geantwortet: “Eines Tages wird Seine Heiligkeit auch zu uns nach Hannover kommen, vor allem, nachdem das Kloster VIEN GIAC fertiggestellt worden ist”. Und tatsächlich ist dieser Wunsch dann auch wahr geworden. Die Kloster-Pagode wurde Ende 1994 fertig und im Juni 1995 hatten wir Seine Heiligkeit zu Besuch.
Im März 1995 trat Herr Helmut Hanefeld, ein deutscher Buddhist, der länger als zwei Jahre im Kloster VIEN GIAC gelebt und gearbeitet hatte, an mich heran mit der Bitte einer Repräsentantin der Tibet Initiative Deutschlands um einen Gesprächstermin. Er sagte damals etwa folgendes: “Frau Iris Heiß, eine Vertreterin einer deutsch-tibetischen Freundschaftsorganisation möchte mit Ihnen über den Besuch des Dalai Lama in Köln am 8. Mai 1995 sprechen. Seine Heiligkeit beabsichtigt, die vietnamesische Pagode in Hannover zu besuchen. Nehmen Sie bitte Kontakt auf mit Herrn Gyaltag, dem Vertreter der tibetischen Botschaft in der Schweiz. Er möchte auch nach Hannover kommen, um die Angelegenheit mit Ihnen zu besprechen.”
Das wurde dann eigentlich der Beginn der Vorbereitungen des Besuchs Seiner Heiligkeit. Nach meiner Rückkehr aus Indonesien am 31.03.1995 habe ich Herrn Gyaltag und Frau Iris Heiß (Herr Hanefeld war auch dabei) in der Pagode VIEN GIAC empfangen. Nach diesem Gespräch waren wir uns über die Organisation und den Ablauf des Besuchs Seiner Heiligkeit in der Kloster-Pagode VIEN GIAC einig.
Im Ostgebäude des Klosters VIEN GIAC habe ich dem Verein Chöling, einem deutschen Verein, der den tibetischen Buddhismus praktiziert, einen großen Raum zur Verfügung gestellt. Seine Mitglieder haben den Raum zu einer kleinen Gebets- und Meditationshalle ausgebaut. Der Verein Chöling zeigte auch die Bereitschaft, den Besuch des Dalai Lama zusammen mit unserem Kloster zu organisieren. Wir beschlossen, uns möglichst schnell und des öfteren zu treffen, um den Ablauf des Besuchs Seiner Heiligkeit und die dafür geplanten Veranstaltungen im Einzelnen vorzubereiten.
So taten sich im April 1995 drei Organisationen zusammen, um den Besuch Seiner Heiligkeit zu planen: Die Kloster-Pagode Vien Giac, der Verein Chöling und die Tibet-Initiative Deutschlands.
Wir planten, dass Seine Heiligkeit zuerst die Politiker und Vertreter der katholischen und evangelischen Kirche empfangt. Anschließend sollte Seine Heiligkeit den Buddhisten eine Dharmaunterweisung erteilen und danach dann weiter nach Köln fahren.
Der deutsch-tibetische Freundschaftsverein übernahm die Aufgabe, Kontakte mit den deutschen Politikern aufzunehmen. Die Kloster-Pagode und der Verein Chöling sollten die Vertreter der zwei großen Religionen einladen. Die Einzelheiten des Besuchablaufs wurden in weiteren Sitzungen erörtert.
Nach dem Treffen im Kloster war Frau Iris Heiß so erfreut, dass sie die Presse in Hannover über den Besuch Seiner Heiligkeit informierte. Aus diesem Grund wurde schon am nächsten Tag, dem 17.04.1995, die folgende Schlagzeile in der Hannoverschen Allgemeinen Zeitung gedruckt: “Der Dalai Lama wird die Kloster-Pagode Vien Giac am 7. Mai 1995 besuchen”. Nach dieser Ankündigung haben sehr viele Menschen die Pagode angerufen, um mehr über den Besuch zu erfahren. Doch zu dem Zeitpunkt wussten wir auch nicht viel mehr als den bislang geplanten Termin und konnten deshalb auch keine weiteren Informationen geben.
Schon bald bekam ich einen Anruf von Herrn Gyaltag aus der Schweiz, der mich wissen ließ, dass der Flugplan geändert wurde und Seine Heiligkeit doch nicht nach Hannover kommen könne. Die Nachricht schlug ein wie ein Blitz. Ich fühlte mich so entmutigt und geriet daher in eine sehr traurige Stimmung. Also ließ ich alles fallen. Nachdem nun feststand, dass Seine Heiligkeit nicht mehr nach Hannover kommen könne, informierte ich darüber die Presse. Während dieser Zeit beschlich mich aber zugleich auch ein Gefühl, dass hier irgendetwas nicht in Ordnung sein könne. Einige Tage später bekam ich wieder einen Anruf von Herrn Gyaltag, der mir mitteilte, dass Seine Heilig nun doch an dem genannten Termin, am 7. Mai 1995, kommen kann. Während dieses Telephongesprächs gab ich ihm meine Enttäuschung und meine Ungehaltenheit über das Hin und Her, über die Zu- und Absage und wieder Zusage zu erkennen. Ich fragte ihn direkt: “Warum erst ja, dann nein, und jetzt wieder doch ja? Wir wissen ja überhaupt nicht mehr, was wir machen sollen!” Nach dem Gespräch nahm ich zu den beiden anderen Organisationen Kontakt auf und wir beschlossen, Seine Heiligkeit zu einem anderen Termin einzuladen.
Nach der Rückkehr Seiner Heiligkeit nach Indien, Ende Mai, erfuhr ich, dass der Deutsche Bundestag Seine Heiligkeit am 19.06.1995 in Bonn empfangen wird. Er solle dort über die Verletzung der Menschenrechte in Tibet durch die Volksrepublik China sprechen und würde bei dieser Gelegenheit auch sicherlich nach Hannover kommen.
Als ich dieser Nachricht erhielt, war ich sehr erfreut und lud die Vertreter der beiden anderen Organisationen am 20.05.1995 ein, um die Durchführung des Besuchs Seiner Heiligkeit im Juni zu besprechen. Die Initiative lag diesmal bei mir. Herr Hanefeld hat seine Teilnahme an der Vorbereitung zurückgezogen, da er unter einer derartigen Anspannung nicht arbeiten könne. Für ihn war der neue Termin viel zu knapp kalkuliert. Also beschlossen wir Frau Iris Heiß und Herrn Frank Sanzenbacher mit den Planungen zu betrauen.
Nachdem wir, d.h. die Kloster-Pagode und die beiden anderen Organisationen, einig waren, ein Besuchsprogramm zu veranstalten, informierte ich Herrn Gyaltag darüber, dass wir in der Lage wären, den Besuch Seiner Heiligkeit in Hannover am 18. Juni 1995 auszurichten.
Die vorher schon einmal gemachten Pläne über den Ablauf des Besuchs wurden im wesentlichen übernommen. Seine Heiligkeit sollte diesmal mehr Zeit in Hannover verbringen. Er sollte zunächst im Rathaus der Stadt Hannover empfangen werden und sich ins Gästebuch der Stadt eintragen sowie die dortigen Politiker treffen. Dank dieser Verlegung des politischen Ortstermins in das Rathaus der Stadt Hannover, brauchten die Politiker nicht mehr in die Kloster-Pagode Vien Giac zu kommen.
Ich habe deswegen des öfteren mit Herrn Gyaltag telephonisch gesprochen, um mich des Kommens Seiner Heiligkeit in regelmäßigen Abständen zu versichern. Denn falls diesmal die Zusage des Besuchs wieder zurückgezogen werden sollte, wüßte ich nicht mehr, was ich den vietnamesischen und deutschen Buddhisten sagen könnte. Besucher können ihre Termine jeder Zeit ändern; aber die Gastgeber bekommen deswegen diverse Probleme, da ja ein derart protokollarischer Besuch immer auch vorher organisiert werden muß. So konnte ich nur jeden Tag hoffen, dass der Termin, wie vereinbart eingehalten, und dass der Besuch Seiner Heilig tatsächlich auch stattfinden würde. Eine weitere Chance würde sich nicht mehr so schnell ergeben. Auch mir war damals klar, dass die Zeit für die Organisation des Besuchsprogramms sehr knapp war.
Frau Iris Heiß schlug vor, für die Veranstaltungen anläßlich des Besuchs eine große Halle zu mieten, damit genügend Platz vorhanden wäre für die vielen zu erwartenden Besucher. Ich lehnte diesen Vorschlag damals aus zwei Gründen ab. Erstens, weil ich ein buddhistischer Mönch bin. Ich ziehe es vor, überall auf der Welt, wo ich als Mönch eingeladen werde, in einer Pagode zu verweilen, Zeremonien zu leiten und Dharmaunterweisungen zu geben. Nur dann, wenn es vor Ort keine Pagode oder keinen Tempel gäbe, wäre ich auch bereit, die Veranstaltung in einer gemieteten Halle durchzuführen. Da es aber in Hannover die Kloster-Pagode Vien Giac gab, war ich also dafür, dass der Besuch Seiner Heiligkeit in der Kloster-Pagode stattfinden sollte. Der zweite Grund war die Stringenz des Handelns, denn wir haben von Anfang an beschlossen, Seine Heiligkeit im Kloster Vien Giac zu empfangen und nicht in irgendeiner großen Halle.
Nach meinen Vorhaltungen einigten sich alle Beteiligten, meiner Vorstellung von dem angemessenen Ort des Empfangs Seiner Heiligkeit zu folgen. Zu den anderen Planungsproblemen gehörten unter anderem auch die Vorbereitungen zur Gewährleistung von Sicherheit und Ordnung des Veranstaltungsablaufs..
Während des 2539. Vesakfestes (18.-20.05.1995) in der Kloster-Pagode Vien Giac habe ich den dort versammelten Buddhisten den Besuch Seiner Heiligkeit in der Pagode verkündet. Ich war mir ziemlich sicher, dass Seine Heiligkeit am 18.06.1995 unsere Kloster-Pagode Vien Giac besuchen würde und habe deshalb auch meine damals bereits geplante Reise nach Kanada um eine Woche verschoben. Der Hinflug nach Montreal wurde vom 12.06. auf den 19.06.1995 verlegt. Bei einem Frühstück habe ich den Mitgliedern der Congregation der Vereinigten Vietnamesischen Kirche, Abteilung Deutschland, den Vorschlag gemacht, dass die Kloster-Pagode für das Mittagsmahl zwei vegetarische Gerichte vorbereiten sollte, die Seiner Heiligkeit, der Delegation und den eingeladenen Gästen dargereicht werden sollten.
Ein altes Sprichwort lautet: “Was kommt, wird kommen” (Que sera, sera). Mir scheint, dass es auch heute noch seine Bedeutung hat.
Der Ablauf des Besuchsprogramms Seiner Heiligkeit wurde folgendermaßen geplant:
07:30: Ankunft Seiner Heiligkeit am Flughafen Frankfurt.
09:10: Weiterflug nach Hannover mit der Lufthansa.
10:15: Ankunft in Hannover. Seine Heiligkeit wird von der niedersächsischen Justizministerin zum Rathaus begleitet. Dort wird der Dalai Lama weitere Politiker treffen und sich ins Goldene Buch der Stadt einschreiben.
11:45: Abfahrt vom Rathaus zur Kloster-Pagode
12:00: Mittagsessen- Bei seiner Ankunft sollten hohe Ordensleute und ich sowie Hunderte von Buddhisten den Gast am Dreiflügeltor empfangen. Danach sollte Seine Heiligkeit durch den Patriarchenraum geführt werden. Dann würde Er ins Gästezimmer geleitet, wo er die Gelegenheit hätte, sich kurz auszuruhen. Anschließend gäbe es ein festliches Mittagsessen im Konferenzraum.
13:30: Kurze Mittagspause.
13:45: Einweihung des Gebetsraums des Vereins Chöling im dritten Stock.
14:00: Dharmaunterweisung über die Themen “Die vier edlen Wahrheiten”, “Die Zuflucht zu den Drei Juwelen” und “Die Entwicklung des Erleuchtungsgeistes”.
16:00: Abfahrt von der Kloster-Pagode nach Bonn mit dem PKW.
So also sah das vorläufige Programm aus. Wir haben anläßlich dieses Besuchs 604 Karten drucken lassen, denn die Gebetshalle kann nur diese Zahl von Menschen aufnehmen. Von den 604 Karten erhielten der Verein Chöling und der deutsch- tibetischen Freundschaftskreis 120. Die restlichen Karten hat Herr NGO VAN PHAT, der Vorsitzende der Vereinigung der buddhistischen Vietnam- Flüchtlinge, an die Ortsvereine und Tempel geschickt. Sie erhielten jeweils zwischen 10 bis 30 Karten.
Es gab Ortsvereine, die eine Delegation von 50 Personen nach Hannover schickten, obwohl sie nur 20 Karten bekamen. Auch die überzähligen Personen wollten in die Gebetshalle und Seiner Heiligkeit bei der Dharmaunterweisung zuhören. Aber auch diejenigen, die keine Karten erhielten, konnten die Veranstaltung trotzdem im Fernsehen verfolgen, denn sie wurde live übertragen.
Ich kümmerte mich um die Parkplätze auf dem Messegelände. Herr Frank Sanzenbacher sollte mit der Ortspolizei sprechen, die für die Sicherheit und Ordnung zuständig war. Frau Iris Heiß übernahm die Kontakte mit den Ortspolitikern. Herr Peter Holik übernahm die Einteilung des Personals und die Durchführung der internen Organisation.
Bereits einige Tage vor dem Besuchsbeginn kamen viele Buddhisten in die Pagode, um uns mitzuhelfen, Reiskuchen zu kochen, zu putzen, aufzuräumen, zu dekorieren und vieles andere mehr zu tun´. Es war so, als ob man sich für das Neujahrfest vorbereitete. Ein Buddhist namens HIEN hat sehr viel Zeit und Sorgfalt aufgebracht, die kostbaren Möbelstücke aus Vietnam zu polieren. Auch die anderen Buddhisten haben kräftig mitgeholfen.
Nach Abschluß der letzten Vorkehrungen sollten HANH TAN, Frau Iris Heiß, Herr Phuntsok (damals noch tibetisches Vorstandsmitglied des Vereins Chöling) Seine Heiligkeit um 10.15 Uhr am Flughafen Langenhagen empfangen. Um 10:00 Uhr wurden alle Besucher gebeten, die Pagodenräume zu verlassen, damit die Sicherheitsbeamten mit ihren Hunden die Räume durchsuchen konnten. Die Besucher wurden dann mit den Kontrollgeräten überprüft, bevor sie wieder die Pagode betreten durften. Diese Kontrollgeräte habe ich zwei Wochen zuvor von Ehrwürdigen THICH MINH TAM geliehen, als ich ihn bei der Buddhaeinweihungszeremonie in der KHUONG VIET Pagode in Norwegen traf. Fünf Monate zuvor hat auch der Ehrwürdige THICH MINH TAM eine Veranstaltung mit Seiner Heiligkeit im großen Theater Maubert in Paris organisiert. Der Eintritt kostete pro Person 70 Französische Francs. Viele Buddhisten wunderten sich darüber, dass man bei einer religiösen Veranstaltung Eintritt verlangte. Erst nachdem die Karten für den Block A von den Franzosen aufgekauft worden waren und Block B an der Reihe war, haben die Vietnamesen ebenfalls Karten gekauft. Natürlich waren es nicht mehr die besten Plätze. Nun hatten sie wieder einen Grund zu jammern. Beim Betreten des Theaters wurden auch dort die Besucher kontrolliert. Und wieder waren die Vietnamesen darüber verärgert, dass sie kontrolliert wurden.
Jeder von uns sollte wissen, dass Seine Heiligkeit wie ein schmerzender Dorn für China ist, nachdem die chinesische Armee in Tibet einmarschiert ist. China versucht mit allen Methoden, dem Ruhm und der Person des Dalai Lama zu schaden. Deshalb haben wir die Pflicht, ihn zu beschützen. Seine Heiligkeit ist nicht nur der religiöse sondern auch das politische Oberhaupt Tibets. Obwohl Tibet insgesamt nur sechs Millionen Einwohner zählt, ist das Land dennoch zehnfach größer als Vietnam. Daher ist jeder beste Schutz für Seine Heiligkeit für uns eine selbstverständliche Sache.
Am 18.06.1995, um 10:00 Uhr morgens, mußte ich die Pagode verlassen, während die Sicherheitsbeamten noch alle Räume kontrollierten. Ich traf Geshe Thubten Ngawang, den tibetischen Mönch und spirituellen Leiter des hier schon erwähnten Hamburger Zentrums des tibetischen Buddhismus und vier weitere deutsche Ordensleute, die dem tibetisch- buddhistischen Zentrum zu Hamburg angehörten. Wir begrüßten uns gegenseitig und warteten auf die Ankunft Seiner Heiligkeit. Unterdessen kam jemand zu mir und teilte mir mit, dass die Sicherheitsbeamten den Stuhl Seiner Heiligkeit an einer anderen Stelle aufgestellt sehen wollten. Der Stuhl sollte nach ihrer Auffassung mit dem Rücken zur Wand stehen und nicht den Rücken zum Fenster drehen. Es wäre zwar zum Fenster hin heller, doch diese Stellung böte nicht genügend Sicherheit. So etwas wissen eben nur die Fachkräfte. Wie sollen wir deren Arbeit verstehen, wenn wir nicht selbst vom Fache sind? Ich folgte also ihren Empfehlungen. Schließlich werden alle Prominenten und wichtigen Persönlichkeiten jeder Nation besonders geschützt.
Ungefähr um 11:30 Uhr standen alle Buddhisten zum Empfang bereit. Den Weg vom Dreiflügeltor zum Eingang der Gebetshalle säumten die Ordensleute in zwei Reihen. Danach kamen die Mädchen von den Vereinen Buddhistischer Jugend in ihrem langen traditionellen Kleid. Sie warteten mit Blumensträußen. Hinter ihnen standen in zwei langen Reihen, die sich bis zur Amitabha Statue ausdehnten, die Mitglieder des Vereins Buddhistischer Jugend. Dort wartete der Hochehrwürdige THICH THIEN DINH, der Abt der PHAP HOA Pagode zu Marseille und höchster Repräsentant des vietnamesischen Buddhismus in Europa, auf Seine Heiligkeit. Neben ihm stand ein Mädchen aus dem Verein Buddhistischer Jugend mit einem Blumenstrauß, während ich unten am Dreiflügeltor auf Seine Heiligkeit wartete.
Die Vereine Buddhistischer Jugend kümmerten sich um das Tragen von Ritualgegenständen, das Läuten der großen Glocke, das Schlagen der Trommel und die Bildung eines Spaliers, das vom Dreiflügeltor direkt zur Gebetshalle, von dort zum Patriarchenraum und ins Gästezimmer führte. Vor jeder Tür standen zwei Mitglieder des Vereins Buddhistischer Jugend Wache. Außerdem waren überall deutsche und tibetische Sicherheitsbeamten postiert. Ich muß ehrlich zugeben, dass die Mitglieder der Vereine Buddhistischer Jugend bei dieser Veranstaltung sehr gute Arbeit geleistet haben. Ihre Bemühungen sollen hier deshalb auch hervorgehoben werden.
Punkt 12:00 Uhr Mittags fuhr ein Polizeistreifenwagen mit Blaulicht vor, dem ein grauer Audi folgte. Sie hielten auf die Karlsruher Straße und parkten vor dem Dreiflügeltor. Ich stand in aufrechter Position und hielt in meinen Händen einen Blumenstrauß bereit. Neben mir standen einige Deutsche mit Tränen in den Augen vor Rührung. Jemand gab mir einen weißen Schal. Nach tibetischer Sitte ist es ein gutes Zeichen, wenn man von Seiner Heiligkeit den Schal um des Hals gelegt bekommt. Ich blickte zum Ehrwürdigen THICH MINH LE aus Paris und sah sowohl ihn als auch einige Ordensleute, darunter auch die tibetischen Mönche aus Hamburg, die bereits einen weißen Schal in den Händen hielten. Ich nahm jenen weißen Schal, den mir ein Deutscher überreicht hatte, und legte ihn über den Blumenstrauß. Diesen überreichte ich Seiner Heiligkeit zusammen mit dem weißen Schal, nachdem Herr Gyaltag, Vertreter des tibetischen Außenministeriums, mich Seiner Heiligkeit vorgestellt hatte. Ich wartete während dessen darauf, den Schal, den ich Seiner Heiligkeit gerade überreicht hatte, vom Ihm um meinen Hals gehängt zu bekommen, mußte aber erstaunt feststellen, dass etwas anderes geschah. Seine Heiligkeit hat nämlich den von mir übereichten Schal sich selbst um den Hals gehängt. Das habe ich erst später durch die Neue Presse, die ein Farbfoto abgebildet hatte, erfahren. Im dem Augenblick habe ich nicht mehr daran gedacht. Während der Begrüßung neigte ich meinen Kopf sehr tief, um Seiner Heiligkeit die Ehre zu erweisen, und er berührte daraufhin seinen Kopf mit meinem. Dann gab ich ihm die Hand und war sehr überrascht, denn je tiefer ich meinen Kopf neigte, um meine Verehrung zu zeigen, desto tiefer tat er es auch. Es gibt wirklich sehr wenig Menschen auf dieser Welt, die so ehrlich sind.
Seine Heiligkeit winkte den Menschen zu, Er lachte. Er streckte seine Arme aus und ließ die Menschen ihn berühren, was die Sicherheitsbeamten sehr besorgt machte. Alle Menschen wollten Seine Heiligkeit berühren und seine Nähe spüren, um auf diese Weise einige wenige gute Verdienste zu sammeln. Er lachte immer, schüttelte die Hände und ging weiter voran. Als er die Treppe erreichte, ertönte die große Glocke und die große Trommel. Diese Ritualinstrumente werden in der Pagode nur bei großen Festen und besonderen Anlässen benutzt. Die Photographen und Reporter arbeiteten ununterbrochen.
Venerable TU TRI trug den Parasol. Vor ihm gingen drei Novizen HANH AN, HANH TU und HANH VAN. Sie trugen ein Tablett mit zwei Kerzen, einen Behälter für die Räucherstäbchen, eine Blumenvase und schlugen den kleinen Gong. Ihnen folgten sechs größere Jungen aus den Vereinen Buddhistischer Jugend. Sie trugen weiße Handschuhe und schwere Ritualstäbe und waren mit ihrem ganzen Herzen dabei, um Seine Heiligkeit zu empfangen.
Als Seine Heiligkeit die Terrasse erreichte, ging er nicht direkt zum Hochehrwürdigen THICH THIEN DINH, sondern machte einen Bogen zum Balkon und winkte von dort den Menschen zu. Viele Menschen waren so gerührt, dass sie weinten, weil sie Seiner Heiligkeit, einem lebenden Buddha, begegneten.
Unterdessen ging Er weiter in Richtung der Gebetshalle. Dort kam ihm der Hochehrwürdige THICH THIEN DINH entgegen und überreichte ihm einen Blumenstrauß. Sie verneigten sich gegenseitig voreinander und berührten ihre Köpfe so als ob sie sich schon seit vielen Leben kannten. Das ist eine sehr schöne Geste.
Seine Heiligkeit hob dann seinen Kopf und betrachtete die große Amitabha Buddhastatue. Dann beugte Er seinen Kopf und berührte den Lotusfuß, auf dem der Amitabha Buddha steht, mit seiner Stirn. Ich war von der Handlung dieses heiligen Mönches sehr stark berührt. Er ist so natürlich und dennoch sehr weise. Er ist so einfach. Als seine Füße den Teppich berührten, kniete Er und zog seine Schuhe sofort aus. Ein Begleiter trug seine Schuhe.
Während Seine Heiligkeit weiter durch die Gebetshalle schritt, ertönten immer noch die Glocke und die Trommel. Die Scheinwerfer der Kameraleute, darunter auch Herr PHAM CUONG, Herr BINH und Herr CHINH strahlten direkt in die Menge. Wegen der vielen Lichter wurde es sehr warm. Während Seine Heiligkeit und der Hochehrwürdige THICH THIEN DINH sich dem Buddha-Altar näherten, standen die eingeladenen Gäste bereits links und rechts im Gang. Seine Heiligkeit blickte nach oben und sah die Buddhastatue. Er machte drei Niederwerfungen. Der Hochehrwürdige THICH THIEN DINH tat desgleichen. Vor dem Buddhaaltar stand ein hoher Podest, der von Herrn DUNG, einem Zimmermann aus Hildesheim, angefertigt wurde. Der Podest wurde von der Nonne THICH NU DIEU AN prunkvoll dekoriert. Sie hatte dafür kostbare Stoffe und Perlen benutzt. Vor dem Podest hatte sie Blumen verschiedener Farben aufgestellt. Es sah aus wie ein kleiner Garten. Auf dem Podest stand ein Sessel aus kostbarem Holz. In das Holz ist ein Bild von “Fünf Drachen beim Kampf um einen Schatz” eingraviert. Der Sessel war sehr schwer und mußte von vier Personen getragen werden. Ein zwei Meter langes Stofflaken bedeckte den Sessel von der Rückenlehne bis zu den Füßen. Auf der Sitzfläche lagen zwei Kissen. Das alles war ein richtiges Farbenspiel. Das Rosa der Lotusblumen, die grünen Blätter, genäht auf gelben Untergrund und braunen Rändern. Der Thron Seiner Heiligkeit war sehr prunkvoll gestaltet, so wie es damals auch in der Kaiserzeit noch üblich war. Die Pagode VIEN GIAC in Hannover hatte die Ehre, Seine Heiligkeit, die ein religiöses Oberhaupt und ein Staatsoberhaupt, die vor allem aber ein Weiser ist, zu empfangen.
Seine Heiligkeit und die Ordensleute standen vor dem Altar. Währenddessen defilierten die eingeladenen Gäste an ihnen vorbei und begrüßten sich. Anschließend wurden Erinnerungsphotos gemacht. Auch die Photographen waren fleißig, denn sie durften nur die Gebetshalle betreten und nicht weiter mit hineinkommen.
Von der Gebetshalle aus wurde Seine Heiligkeit in den Patriarchenraum geleitet. Seine Heiligkeit fragte mich, in welchen Raum er sei und wer in der Mitte des Altars verehrt würde. Ich antwortete: “Das sind alle Patriarchen der Rinzai-Schule. Ihr braucht vor ihnen keine Niederwerfungen zu machen”. Ich teilte das Seiner Heiligkeit mit, als Er sich gerade vor dem Patriarchenaltar verbeugen wollte. Ich war der Meinung, Seine Heiligkeit ist die Verkörperung von Avalokiteshvara Bodhisattva. Und ein Heiliger braucht das nicht zu tun, zumal neben den Patriarchen auch Bilder von anderen Mönchen aufgestellt waren.
Ich begleitete dann Seine Heiligkeit weiter zu unserem VIP-Raum. In diesem Augenblick waren nur noch Seine Heiligkeit, sein Begleiter, der Hochehrwürdige THICH THIEN DINH, der Hochehrwürdige THICH MINH LE, einige Leibwächter und ich in dem Raum. Ich lud Seine Heiligkeit ein, auf dem großen Sessel Platz zu nehmen; doch Er hat sich lieber auf einem der 4 kleineren Sessel gesetzt. Der Hochehrwürdige THICH THIEN DINH und ich haben Seine Heiligkeit erneut gebeten, auf dem großen Sessel Platz zu nehmen, aber der Dalai Lama lächelte nur. Dann fragte ich: “Wollen Seine Heiligkeit etwas trinken?”. Seine Heiligkeit antwortete: “No”.
Trotzdem hat der Hochehrwürdige THICH THIEN DINH jemanden zum Wasserholen geschickt. Gleichzeitig griff er nach der Mineralflasche, schenkte das Wasser ein in ein Glas und bot es Seiner Heiligkeit an. Seine Heiligkeit hat daraus zwei Schluck genommen, lachte und fragte weiter: “Wieviele Mönche leben in diesem Kloster?” Ich antwortete: “Zehn Mönche und Nonnen”. Seine Heiligkeit lachte.
Als nächstes fragte ich Seine Heiligkeit, ob sie sich frisch machen wollte. Seine Heiligkeit antwortete, das sei nicht nötig. Nur sein Begleiter ging ins Badezimmer, um sich frisch zu machen. Während wir uns mit Seiner Heiligkeit unterhielten, standen die Leibwächter dabei und auch vor der Tür standen die Mitglieder der Vereine Buddhistischer Jugend Wache. Niemand außer den zwei Kamerateams von Herrn PHAM CUONG für die Pagode VIEN GIAC und dem für die Pagode THIEN HOA wurde hinein gelassen.
Nach diesem kurzen Gespräch gingen wir zum Eßsaal. Wir führten Seine Heiligkeit zu Ihrem Sessel, während die anderen Mönche, Nonnen und Gäste sich bereits erhoben und Seine Heiligkeit willkommen hießen. Zu der Festmahlzeit wurden 33 Gäste eingeladen. Jeder Gast war ein wichtiger Vertreter von einer der drei großen Religionen in Hannover. Zu den Gästen zählte auch Dr. MEIHORST, ein Berater der Pagode VIEN GIAC und Präsident der Vereinigung der Ingenieure in Niedersachsen. Ebenfalls dabei war Frau SCHMALSTIEG, die Ehefrau des Oberbürgermeisters. Am nächsten Tag erschien in der Ausgabe vom 19.06.95 ein Interview mit Ihr.
Unter den Vertretern des vietnamesischen Sangha, der Abteilung in der Bundesrepublik Deutschland, waren der Ehrwürdige THICH MINH PHU, die Ehrwürdige Nonne THICH NU DIEU TAM, die Nonne THICH NU DIEU AN, der Venerable TU TRI, der Venerable HANH TAN, die Nonne THICH NU NHU VIEN, die Nonne THICH NU DIEU HANH und ich. Die Nonne THICH NU DIEU HANH hatte für die Bedienung der Gäste 12 Mädchen von der Pagode PHAT BAO in ihren gelben Nationaltrachten eingestellt. Frau MY ANH, eine Dolmetscherin, hat den Gästen die dargebrachten Speisen auf Englisch vorgestellt. Nachdem die Gäste der Reihe nach Seiner Heiligkeit vorgestellt wurden, brachten die 12 Kellnerinnen die erste Vorspeise. Nach dem Menuplan nach gab es vier verschiedene Vorspeisen (normalerweise würden eine oder zwei ausreichen). Doch an diesem Tag hatten die Vertreter der Pagoden und die Nonnen ihre Kochkunst beweisen wollen und deshalb so viele Speisen vorbereitet.
Eigentlich sollten insgesamt 8 Speisen dargereicht werden. Auf der Menukarte standen aber 15. Von diesen 15 Speisen übernahm die Pagode PHAT BAO fünf, die Pagode QUAN AM drei, Pagode BAO QUANG drei, Pagode VIEN GIAC drei, Pagode THIEN HOA eine und das Restaurant Jasmin Garten von THI CHON die Nachspeise.
Die zweite Vorspeise wurde mit 4 Drachen verziert, die aus weißen Rüben geschnitten wurden. Die Drachen spukten Feuer als man sie herein brachte. Nachdem das Feuer ausgegangen war, brachten die Mädchen die Speisen zum Tisch. Die Gäste waren von der kunstvollen Vorführung begeistert.
Als dann die Speise mit dem Namen “Schwalbe, die um die Erde fliegt” von der Nonne DIEU AN hereingebracht wurde, steigerte sich die Begeisterung der Gäste noch mehr und man hörte sie sagen, dass sie noch nie eine derartige Speise zu sich genommen hätten. Plötzlich klirrte es sehr laut. Ein Begleiter hatte aus Unachtsamkeit eine Vase vom Tisch gestoßen. Ein Deutscher schrie laut: “Sehr gut!” Für die Europäer ist es ein gutes Zeichen wenn zu Hochzeiten oder anderen Festen Geschirr zerschlagen wird. Manchmal schlagen sie auch absichtlich etwas kaputt, um dadurch Glück zu provozieren. Für die Asiaten sind Scherben dagegen ein schlechtes Zeichen und man vermeidet es daher auch welche zu machen.
Die Mahlzeit nahm ihren geplanten Verlauf. Einige Gäste der tibetischen Delegation für Äußere Angelegenheiten in der Schweiz und die Begleitperson Seiner Heiligkeit nahmen ihr Mittagsessen am Tisch nebenan zu sich.
Ich sagte zum Venerable THICH TU TRI, dass alle Speise bis spätestens 13:25 Uhr auf dem Tisch gebracht werden sollten. Seine Heiligkeit müsse sich noch ausruhen.
Bevor die Gäste die Nachspeise zu sich nahmen, stand ich auf und verkündete: “Es ist eine große Ehre für uns heute, Seine Heiligkeit zu empfangen. Ich bitte Eure Heiligkeit und die Gäste, sich in das ausgelegte goldene Gästebuch einzutragen.” Seine Heiligkeit hatte daraufhin sofort einige Zeilen auf Tibetisch in das Goldene Buch eingetragen. Ich konnte sie leider nicht lesen. Auch später habe ich noch keine Zeit gefunden, mir den Inhalt des Textes von einem Tibeter übersetzen zu lassen. Am drauffolgenden Tag, den 20.06.95 reiste ich ab nach Kanada. Ich hoffte, Herrn PHUNTSOK, den Vorsitzenden der Gemeinschaft Chöling, nach meiner Rückkehr aus Kanada um eine Übersetzung bitten zu können. Nach Seiner Heiligkeit hatten sich dann auch der Hochehrwürdige THICH THIEN DINH, der Hochehrwürdige THICH MINH LE und die geladenen Gäste in das Gästebuch eingetragen. Dieses goldene Gästebuch ist für uns ein kostbares Erinnerungsstück, das in der Pagode VIEN GIAC aufbewahrt wird. Es ist das Zeugnis dafür, dass uns Seine Heiligkeit hier einst am 19.06.99 besucht hatte.
Nach dieser Prozedur erhob sich Seine Heiligkeit. Im gleichen Augenblick schickte die Nonne DIEU HANH die 12 Mädchen, die zuvor die Gäste bedient hatten, zu Seiner Heiligkeit, um Ihn mit Niederwerfungen zu verehren. Jede von ihnen hielt einen weißen Schal in Händen. Seine Heiligkeit nahm die Grüße der Mädchen entgegen, streichelte ihre Köpfe, schüttelte die Hände und segnete sie. Danach geleitete ich Seine Heiligkeit wieder nach draußen. Auf den Fluren standen immer noch die Jungen von den Vereinen Buddhistischer Jugend Wache. Als wir den Ahnenraum passierten, fragte Seine Heiligkeit wem die Bilder gehörten, und wessen Statue dort stünde. Ich antwortete: “Eure Heiligkeit, das sind die Bilder der Verstorbenen und die Statue dort ist der Ksitigarbha-Bodhisattva. Er weilte in der Hölle, um den Lebewesen auch dort zu helfen.
Als wir wieder im VIP-Raum angelangt waren, bat ich Seine Heiligkeit auf dem Sessel Platz zu nehmen, damit ich einige Fragen stellen könnte. Ich bat Seine Heiligkeit einige Bücher, die über Ihn auf vietnamesisch, englisch und deutsch erschienen waren, zu signieren, da mich verschiedene Leute einige Tage zuvor darum gebeten hatten. Unter diesen Büchern war ein Buch, das von einem Deutschen 1959 über Tibet geschrieben wurde. Das Buch trug den Titel ’Sieben Jahre in Tibet’. Ich blätterte durch einige Seiten und sagte: “Diese Bilder sind sehr alt. Können Eure Heiligkeit sich an das, was sie zeigen, erinnern?” Seine Heiligkeit zeigte auf eines und antwortete: “Das sind meine zwei Brüder, das ist meine Mutter und das ist meine jüngere Schwester.”
Ich bat Seine Heiligkeit, zwei Handtücher zu segnen, bevor ich sie für zwei Buddhisten zur Ehrung nach Vietnam schickte. Ich pflege ab und an nach Vietnam zu telefonieren, um meine Bekannten nach ihrer Gesundheit zu fragen. Diesen teilte ich natürlich auch mit, dass Seine Heiligkeit die Pagode VIEN GIAC besuchen würde. Und in einem dieser Gespräche haben daraufhin mir zwei Buddhisten ihre entsprechenden Wünsche geäußert. Die Bekanntheit Seiner Heiligkeit ist wirklich grenzenlos. Sie reicht bis nach Vietnam. Obwohl Seine Heiligkeit seine Heimat verlassen mußte, hat sie dennoch alles. China dagegen hat zwar das Land, jedoch nicht die Unterstützung des Volkes. Deshalb wird Seine Heiligkeit früher oder später in Seine Heimat zurückkehren können; so wie die Vietnamesen, eines Tag in ihre Heimat zurückkehren werden.
Ich kniete mich vor Seiner Heiligkeit nieder und erläuterte ihr das Mittagsprogramm:
13:45 Uhr: Einweihung des Gebetsraums der Chöling-Gemeinschaft.
Um 14:00 Uhr würde ich dann Seine Heiligkeit zur Gebetshalle bitten, um dort eine Unterweisung über die Buddhalehre zu geben. Ich bat Seine Heiligkeit, am Ende der Unterweisung die zwei Schalen mit Reis zu segnen, denn die Buddhisten wollten auch etwas mit nach Hause nehmen. Und falls sich nach seiner Belehrung noch etwas Zeit fände, bat ich den Dalai Lama Fragen der Zuhörer zu beantworten. Am Schluß würde ich dann Seiner Heiligkeit, so beschloß ich die Erläuterung, ein Erinnerungsgeschenk und verschiedene Opfergaben darbringen.
Ich fragte Seine Heiligkeit auch noch, in welcher Sprache sie die Unterweisung geben werde. Seine Heiligkeit antwortete: “Auf Tibetisch!” “Die Übersetzer werden es dann ins Deutsche und Vietnamesische übertragen”, fuhr ich fort. Seine Heiligkeit stimmte nachdenklich zu und sagte dann: “Es gibt also drei verschiedene Sprachen”. Dann lachte Er.
Während ich die Bücher, die Seine Heiligkeit signiert hatte, aufstapelte, brachten die Begleitpersonen weitere Bücher und ein Gästebuch ins Zimmer. Seine Heiligkeit öffnete das Gästebuch, in dem auf Tibetisch geschrieben war, und las. Er sagte zunächst etwas zu den Tibetern, und schrieb dann einige Worte hinein.
Ich bat Seine Heiligkeit sich für 10 Minuten auszuruhen. Sie entgegnete, dass alles in Ordnung sei. Der Dalai Lama ging kurz ins Badezimmer, um sich für die Einweihung des Gebetsraums frisch zu machen. Dann verließ er den VIP-Raum und wurde von den Leibwächtern durch die Hintertreppe zum kleinen Gebetsraum der Chöling-Gemeinschaft geführt. Die Vordertreppe war von den Leuten versperrt. Im Gebetsraum warteten bereits 45 Deutsche auf den Ankunft Seiner Heiligkeit. Ich weiß nicht was Seine Heiligkeit 15 Minuten lang dort gemacht hat. Ich vermute, dass sie dort bestimmt gebetet und meditiert hat. Natürlich wurde der Raum auch eingeweiht. Ich wartete währenddessen unten, um Seine Heiligkeit in die große Gebetshalle zu begleiten. Bereits am Abend zuvor hatte ich den kleinen Gebetsraum besucht und festgestellt, dass die Mitglieder der Chöling-Gemeinschaft den Gebetsraum schön eingerichtet hatten. Sie hatten für Seine Heiligkeit auch einen Sitzpodest tibetischer Art gebaut.
Nach 15 Minuten kam Seine Heiligkeit wieder nach unten und wurde von mir in die Gebetshalle geleitet. Auf dem Weg in die Gebetshalle passierte Seine Heiligkeit den Ahnenraum. Dort standen bereits die Ehrwürdige Nonne THICH NU DIEU TAM und die Nonne THICH NU DIEU AN. Sie begrüßten Seine Heiligkeit mit drei Niederwerfungen. Seine Heiligkeit ging mit Seiner Hand über den Kopf der beiden Nonnen und umarmte sie ganz fest, so wie eine Mutter ihre Kinder umarmt. Seine Heiligkeit ist wirklich der reinkarnierte Avalokiteshvara-Bodhisattva. Seine Heiligkeit fragte dann: “Bhikkhuni?” “Yes”, antwortete ich. Die zwei Nonnen müßten sehr glücklich sein, denn mit dem Segen Seiner Heiligkeit werden sie möglichst bald die Erleuchtung in der Zukunft erlangen.
Ich begleitete Seine Heiligkeit in die Gebetshalle. Dort standen bereits Hunderte von Buddhisten, Deutsche und Vietnamesen, um Seine Heiligkeit zu empfangen. Ich führte Seine Heiligkeit zum Thron, half ihm auf die drei Stufen. Doch Seine Heiligkeit ging zunächst auf eine Buddhistin zu, die gerade vor Ihm Niederwerfungen gemacht hatte. Dann ging der Dalai Lama in die Mitte vor den Altar und machte drei Niederwerfungen. Danach bestieg Seine Heiligkeit den Thron, nahm den Lotussitz ein und schaute die Buddhisten lachend an. Die Halle war bis an den Rand ausgefüllt von spiritueller Stimmung. Seine Heiligkeit strahlte unendliche Barmherzigkeit und die große Weisheit eines Erleuchteten aus. Er hat alle anwesenden Buddhisten und Gäste mit Seiner Güte gesegnet. Ich stand aufrecht vor Seiner Heiligkeit und machte drei tiefe Niederwerfungen, bevor ich neben seinem Thron Platz nahm.
Während der Ehrwürdige THICH THIEN DINH aufstand und die Begrüßungsrede auf vietnamesisch und französisch vortrug, sagte er zur mir, ich soll sie auf englisch lesen. Der Kern der Rede handelte von der heutigen Welt, in der die geistige Seite stark leiden muß. Seine Heiligkeit dagegen verkörpere Barmherzigkeit und die Wahrheit. Möge Seine Heiligkeit für immer den Weg der Gewaltlosigkeit beschreiten. Dieses wurde mit tosendem Beifall belohnt.
Ich kehrte zu meinem Platz zurück und setzte mich neben dem Ehrwürdigen THICH MINH PHU. Dort lag bereits ein Edelholzgemälde von der Pagode der Einen Säule als Geschenk für Seine Heiligkeit. Vor mir stand ein Tablett mit Muschelverzierungen, in dem ein Teller lag. Auf dem kostbaren Teller lag ein weißer Briefumschlag als Opfergabe für Seine Heiligkeit, in dem 10.000,- DM eingeschlagen waren.
Von meinem Platz aus konnte ich jeden sehen. Auf den Stühlen entlang der Wand saßen die Bischöfe, Mönche sowie auch Herr Dr. MEIHORST. Auf der anderen Seite saßen die Ehefrau des Oberbürgermeisters von Hannover und die anderen Gäste.
Seine Heiligkeit begann seine Belehrung mit dem folgenden Satz:
“Heute bin ich nicht als Dalai Lama gekommen, sondern als Flüchtling wie die vietnamesischen Flüchtlinge, die sich heute hier versammelt haben”. Daraufhin haben die 604 Zuhörer, die Eintrittkarten besaßen, 30 eingeladene Gäste, mehr als 100 Mitglieder der Vereine Buddhistischer Jugend, sowie mehr als 30 Ordensleute geklatscht.
Dann setzte Seine Heiligkeit seine Rede fort:
“Die traditionellen Buddhisten, d.h. diejenigen, die in einer buddhistischen Familie geboren worden sind, sollten versuchen ihre Religion beizubehalten. Dies ist der unsichtbare Faden, der die Heimat mit dem Ursprung verbindet. Dann wechselte Er das Thema und kam zu der Lehre von den “Vier edlen Wahrheiten”. Seine Heiligkeit sprach über das Leiden, über das Entstehen des Leidens, über die Überwindbarkeit des Leidens und über den Pfad, der zur Überwindung des Leidens führt.
Über das Leiden sagte Er: “Wenn wir alle Türen so geschlossen halten, wie im Augenblick die der Gebetshalle, dann führt das auch zu Leiden. Warum ist es hier heute so heiß in der Gebetshalle?”
Nach dem großen Applaus wurden die beiden Türen der Gebetshalle aufgemacht. Von meinem Platz aus konnte ich die große Amitabha Statue vor der Halle auf der Lotusblüte sehen.
Ich weiß nicht, ob die Hitze von den Scheinwerfern des Kamerateams oder von der großen Menschenmenge verursacht wurde? Es war in der Halle tatsächlich sehr warm, obwohl die Außentemperatur nur 10° C war. Ich glaube, es war die Kraft von Seiner Heiligkeit, die die Gebetshalle erwärmt hat. Die Scheinwerfer waren vor dem Eintritt Seiner Heiligkeit in die Gebetshalle auch schon an und es war deswegen nicht zu warm. Hat vielleicht ein Heiliger diese Kraft?
Dann sprach Seine Heiligkeit über heilsame und unheilsame Taten. Seine Heiligkeit betonte: “Um die Erleuchtung zu erlangen, braucht man nur die Silas einzuhalten und die Meditation zu üben. Die Rückkehr zum inneren Geist bringt ewiges Glück. Seine Heiligkeit betonte mehrfach diesen Punkt. Dies ist auch der entscheidende Weg zur inneren Einkehr, wie ihn der Buddhismus generell lehrt.
Seine Heiligkeit hat die Vertreter der Religionen aufgerufen, mehr Verantwortung für den Weltfrieden zu übernehmen und nicht wegen ihrer Verschiedenheit und dank ihrer Macht die anderen zu unterwerfen. Sie sollten besser den Wert ihres inneren Geistes hervorheben. Auch das gehört zum Weg der inneren Einkehr im Buddhismus.
Dieser Abschnitt seiner Rede, die sowohl auf deutsch als auch auf vietnamesisch vorgetragen wurde, erhielt besonders viel Applaus. Die Dharmaunterweisung Seiner Heiligkeit wurde von Herrn Christoph aus dem Tibetischen sehr gut ins Deutsche übersetzt. Auch HANH TAN hat dann die Rede sehr fließend aus dem Deutschen ins Vietnamesische übertragen.
Seine Heiligkeit konnte nur kurz auf das letzte Thema: “Die Entwicklung des Erleuchtungsgeistes”, eingehen, weil seine Zeit sehr knapp bemessen war. Die Dharmaunterweisung war um 15:40 Uhr zu Ende. Ich fragte Seine Heiligkeit noch, ob sie 10 Minuten Zeit für Fragen erübrigen könnte, was sie durch ein Nicken bejahte. Also wurden noch einige Fragen gestellt.
Ein Deutscher meldete sich, doch Seine Heiligkeit sagte, dass die Vietnamesen heute den Vorrang haben. Dies war bereits das dritte Mal, dass Seine Heiligkeit dies betonte. Das erste Mal wurde Er am Flughafen von einem Reporter des NDR nach dem Grund für seinen Besuch in Hannover gefragt. Seine Heiligkeit antwortete: “Ich komme hierher um die Vietnamesen zu besuchen”. Daraus läßt sich schließen, dass Seine Heiligkeit auch den Vietnamesen sehr viel Beachtung schenkt. Wir haben zwar nicht das Glück und den Segen wie das tibetische Volk, gleichfalls ein heiliges und weises Oberhaupt zu haben, aber auch wir teilen mit dem tibetischen Volk das Leiden politischer Verfolgung und das Streben nach Kooperation und Einheit unseres Volkes. Seine Heiligkeit ist die Verkörperung der Wahrheit. Die Menschen im Westen betrachten Seine Heiligkeit als einen Botschafter für den Frieden. Seiner Heiligkeit wurde 1989 mit dem Friedensnobelpreis für ihren gewaltlosen Einsatz geehrt.
Zu Anfang haben sich nur sehr wenige westliche Politiker für den gewaltlosen Einsatz Seiner Heiligkeit für ein freies Tibet interessiert. Doch mit der Zeit hat der Dalai Lama das Herz vieler Westler geöffnet. Ein Beweis für die gestiegene Aufmerksamkeit ist z.B. die Debatte des deutschen Bundestages vom 19.06.1995 über die Menschenrechtsverletzungen in Tibet.
Viele Leute waren von der Unterweisung Seiner Heiligkeit sehr begeistert. Von oben aus konnte ich sehen, dass einige Zuhörer eingeschlafen waren. Ich hatte auch erfahren, dass sich sehr viele Menschen in dem unteren Geschoß, im Bühnensaal, versammelt hatten. Dort gab es eine Direktübertragung, sodass die Zuhörer auch von dort aus die Unterweisung Seiner Heiligkeit verfolgen konnten. Aber dann blieben bis zum Schluß nur noch die Deutschen. Die Mehrzahl der Vietnamesen hatte den Bühnensaal verlassen, und ging nach draußen oder unterhielt sich über andere Sachen. Ist das etwa die Mentalität der Vietnamesen? In der Gebetshalle war es dagegen sehr ruhig. Man könnte sagen, 800 Herzen schlugen im gleichen Takt. Alle Zuhörer folgten aufmerksam der Unterweisung Seiner Heiligkeit. Sie verstanden jedes Wort von Seiner Heiligkeit und verfolgten jede kleine Bewegung von Ihm.
Ich schaute noch weiter nach hinten und sah auf der linken Seite der Gebetshalle sogar noch freie Plätze. Im Grunde genommen könnten also bis zu 900 Menschen Platz in der Gebetshalle der VIEN GIAC Pagode finden.
Seine Heiligkeit hat die Lehre des Buddha so dargelegt wie dies auch der Buddha in illo tempore getan hat. Wichtig ist, dass man wirklich mit vollem Herzen die Lehre des Buddha praktiziert. Es ist so, als wenn man essen muß, um satt zu werden. Wenn man die Erleuchtung erlangen will, muß man fleißig die Lehre des Buddha praktizieren. Das ist eine Wahrheit, die man verstehen muß.
Nach der Unterweisung von Seiner Heiligkeit brachten viele Menschen ihre Kleinkinder zu Seiner Heiligkeit, damit sie sie segnete. Ich sagte immer: “Früher hat Buddha gelehrt, dass jeder die Erleuchtung erlangen kann, wenn er nur fleißig die Buddhalehre praktizierte. Es gibt aber trotzdem Menschen, die sich nicht darum kümmern. Wenn sie aber erfahren, dass andere Buddha geworden sind, wollen sie ein bißchen von ihren Verdiensten abhaben. Es ist wirklich schwer zu sagen. “Alle können meine Gedanken verstehen, sie lachen- doch dann kehrt alles zu seinem alten Treiben zurück. Man glaubt es sei zu schwer, die Lehre des Buddha zu praktizieren. Man wartet auf den Erfolg anderer, um selbst ein bißchen davon zu profitieren. Aber das ist Faulheit, eine typische Krankheit des Menschen. Die Menschen haben Angst in den drei unteren Bereichen wiedergeboren zu werden; doch sie hören nicht auf, unheilsame Taten zu vollziehen; sie unterlassen vielmehr heilsame Taten. Wie sollten sie es auf diese Weise schaffen, sich aus dem Kreis der Wiedergeburten zu befreien?
Bevor Seine Heiligkeit die letzte Frage beantwortete, traten der Ehrwürdige THICH MINH PHU und ich als Vertreter für die Congregation der Vereinigten Vietnamesischen Kirche von der Abteilung in Deutschland, vor Seine Heiligkeit hin und übergaben ihr ein Gemälde und ein Tablett mit einem Umschlag, die wir beide vor die Füße Seiner Heiligkeit nieder legten.
Als DUC THU die letzte Frage auf vietnamesisch übersetzt hatte, verbeugten wir uns drei Male vor Seiner Heiligkeit und übergaben Seiner Heiligkeit das Edelholzgemälde und den weißen Briefumschlag, der 10.000.- DM als Opfergabe für Seine Heiligkeit und seine Delegation enthielt. Seine Heiligkeit nahm die Sachen entgegen und übergab sie seinem Begleiter.
Seine Heiligkeit hat der Pagode VIEN GIAC ein bronzene Buddhastatue geschenkt, welche von einem weißen Seidenschal umhüllt war. Ich nahm die Statue entgegen und hielt sie sehr lange über meinem Kopf während die Buddhisten sehr laut klatschten. Die Statue ist ein kostbarer Schatz für die Pagode VIEN GIAC.
Seine Heiligkeit stieg vom Podest herunter und wurde mit lauten und langem Applaus verabschiedet. Die Mitglieder der Vereine buddhistischer Jugend haben in der Mitte der Gebetshalle zwei Reihen gebildet. Seine Heiligkeit verließ die Gebetshalle mit einem Lächeln und winkte allen Leuten zu.
Der Hochehrwürdige THICH THIEN DINH begleitete Seine Heiligkeit bis zur großen Amitabha-Statue während der Hochehrwürdige THICH MINH LE, die Nonne DIEU HANH, einige weitere Ordensmitglieder und die Buddhisten Seine Heiligkeit bis zum Drei-Flügel-Tor auf der Karlsruher Straße begleiteten. Wir hatten keine Zeit mehr gehabt, uns die Schuhe anzuziehen.
Seine Heiligkeit hat dagegen seine Schuhe, als Er die Statue des Amitabha erreichte, angezogen um den Rest des Weges bis zu seinem Wagen in Schuhen zu gehen. Seine Heiligkeit muß noch einen langen Weg noch gehen, um dem tibetischen Volk sowie der Welt Frieden und Wohlstand zu bringen.
Als Seine Heiligkeit die letzten Stufen betrat, drehte sie sich um und winkte den Buddhisten nochmals zu. Die Buddhisten verabschiedeten Seine Heiligkeit mit ehrwürdigem Applaus. Noch kurz bevor sie den Wagen bestieg wurde Seine Heiligkeit von einem Reporter interviewt. Seine Heiligkeit beantwortete gelassen die Fragen auf englisch.
Jemand stand daneben mit einem Schild, das auf Deutsch und Englisch ausdrückte: “Menschenrechte für Vietnam und Tibet”. Nach dem Interview haben einige Leute noch versucht, Seine Heiligkeit die Hand zu schütteln. Seine Heiligkeit streckte sich noch einmal, um jemandem auf der anderen Seite seines Wagens auf die Hände zu klatschen. Dann hat Seine Heiligkeit noch schnell ein Teller mit Reis gesegnet, bevor Er und zwei Begleitpersonen im Auto verschwanden.
Der Wagen von Seiner Heiligkeit fuhr an und war schon bald nicht mehr zu sehen. Doch sie hat viele Menschen mit ihrer barmherzige Liebe, mit der Liebe eines Erleuchteten während ihres vierstündigen Aufenthalts überstrahlt. Danach liefen einige Buddhisten zurück zur Gebetshalle, um die heruntergefallenen Reiskörner, die Seine Heiligkeit zuvor gesegnet hatte, aufzusammeln. Die gesegneten Reiskörner wurden anschließend an die buddhistischen Vereine weiter verteilt, damit sie sie auf dem Altar verehren können. Einige Buddhisten sammelten auch noch die Blumen, die zuvor als Opfergabe zu den Füßen Seiner Heiligkeit dargebracht wurden, so als ob sie die Gegenwart Seiner Heiligkeit festhalten möchten.
An dem Abend konnte ich nicht schlafen, weil ich sehr froh und aufgeregt war. Auch am Abend davor konnte ich ebenfalls nicht einschlafen, weil ich mir viele Sorgen um die Vorbereitung für den Besuch Seiner Heiligkeit gemacht hatte. Als Seine Heiligkeit kam, wurde sie mit einem Blumenregen begrüßt. Als sie ging strahlte die Sonne, so als ob sie den Menschen Weisheit gebracht hätte.
Dann eilte der Dalai Lama wie ein liebes, natürliches zehnjähriges Kind davon. Als ich von meiner Reise zurück nach Deutschland kam, zeigte ich das Bild den Buddhisten. Sie waren alle erfreut und meinten, dass ich großes Glück hätte, dem Lehrer Seiner Heiligkeit zu begegnen. Das Bild wurde vom Ehrwürdigen TU TRI sehr natürlich aufgenommen. Der Ling Rinpoche stand neben mir mit gesenktem Haupt und lachte fröhlich. Wir weilten an dem Ort, an dem damals zu Buddhas Lebzeiten die ersten zwei Buddhisten ihre Zuflucht zum Buddha und zum Dharma genommen hatten. In jener Zeit hatte Buddha erst die Erleuchtung erlangt und noch keinen Sangha gegründet. An dieser Stelle steht heute ein sehr großer Stein, der an jenes historische Ereignis erinnert.
Am Abend gingen die Mönche und Nonnen zu Ling Rinpoche, um ihn über den Dharma zu befragen. Ich blieb zurück in der vietnamesischen Pagode zu Bodh Gaya. Wie konnte ich aber etwas davon wissen, obwohl die Mönche und die Nonnen mir nichts davon erzählt hatten. Davon habe ich erst viel später erfahren, und zwar als ich mir die Videokassette ansah. Ich fragte mich: Wie konnte der Ling Rinpoche so geschickt mit Menschen umgehen und so fließend englisch sprechen, obwohl er diese Sprache erst seit 3 Monate erlernt hatte. Das ist wirklich sehr außergewöhnlich für ein zehnjähriges Kind.
Ich wollte Seiner Heiligkeit anläßlich Seines Besuches am 18.06.95 dieses Bild zeigen. Doch ich war zu beschäftigt. Aber nun denke ich, dass es reicht Seine Heiligkeit selbst gesehen zu haben. Man muß Seiner Heiligkeit nicht alles erzählen. Ich weiß, dass Seine Heiligkeit ein sehr natürlicher Mensch ist. Es gibt aber auch Lamas, die etwas anspruchsvoller sind, so z.B. bei der Begrüßung der Lamas. Es gibt Lamas, die den Gruß erwidern. Aber es gibt auch Lamas, die nur da sitzen und nicht zurückgrüßen, so als ob das ganz selbstverständlich wäre, dass man sie grüße. Seine Heiligkeit dagegen hat zuerst die Buddhas und dann seinen Sitz mit Niederwerfungen geehrt, bevor er den Sitz bestieg, um Unterweisungen in der Buddhalehre zu geben. Wenn jemand Seine Heiligkeit begrüßt, so beugt sich Seine Heiligkeit auch tief nach vorne, um denjenigen zu stützen und zurück zu grüßen. Er ist wahrlich ein Heiliger voller Barmherzigkeit und Weisheit. Ist es vielleicht der Grund, weil Seine Heiligkeit so natürlich und einfach ist, dass Er das Herz vieler Menschen für sich gewinnen konnte? Es leben heute mehr als 5 Milliarden Menschen auf dieser Erde. Ich glaube, dass mindestens die Hälfe davon Seine Heiligkeit kennen gelernt oder wenigstens von ihr gehört haben. Die jenigen, die sie getroffen haben, müssen ganz besonders viel Glück haben. Doch nicht alle haben dieses Glück. Selbst viele Tibeter sind Ihm noch nie begegnet, sie leben aber in Seiner Barmherzigkeit und Liebe. Die meisten kennen Seine Heiligkeit durch das Medien, durch das Fernsehn oder die Zeitungen.
An dieser Stelle möchte ich auch noch etwas zu den Begrüßungsformalitäten in Vietnam sagen. Es gibt in Vietnam selbstverständlich viele hohe Ehrwürdige, die ihrem Namen gerecht werden. Aber es gibt auch Ehrwürdige die ihres Titels nicht würdig sind. Sie wollen nur, dass andere sie verehren und ihnen Opfergaben darbringen. Überall, wo sie hingehen, wollen sie besonders empfangen werden. Wenn man sie nicht hinreichend würdigt, reagieren sie enttäuscht und traurig. Auch wenn ein Buddhist ihnen die Ehren nicht erweist, werden sie unzufrieden, und bleiben den ganzen Tag gereizt.
Viele Ordensleute haben darüber falsche Vorstellungen, denn sie halten es für selbstverständlich, dass die Laienbuddhisten sie automatisch mit Niederwerfungen ehren. Dabei scheinen sie zu vergessen, dass sie durch unverdient angenommene Verehrung ihre erworbenen Verdienste verlieren, denn sie sind noch nicht erleuchtet. So werden nicht nur ihr Minus auf ihrem Verdienstkonto haben, sondern diese Schulden auch noch zusätzlich mit schlechtem Karma anheben. Heilvoll ist es das Verhältnis zwischen Geben und Nehmen der Verehrung nur dann, wenn zwischen beiden Personen kein Unterschied gemacht wird. Man soll niemanden dazu zwingen, das zu tun, was man selbst nicht gerne und aus vollem Herzen bereit ist, zu tun.
Wenn Seine Heiligkeit einem Buddhisten den Kopf berührt oder ihn umarmt, so ist das eine schöne Geste. Wenn aber ein normaler Mönch das tut, so sieht das eher komisch aus. Viele Leute verstehen die Bedeutung dieser Begrüßungsformen nicht. Sie üben sie nicht aus ihrem Herzen heraus. Auch die Ordensleute, die verehrt werden, sind mit ihren Verdiensten noch nicht so weit und haben deshalb nicht allzu viele Verehrer.
An dem Morgen des 19.06.1995 habe ich die Patriarchen mit Niederwerfungen geehrt und bin dann mit schwerem Gepäck auf meiner Schulter zum Bahnhof gefahren. Dieses schwere Gepäck war meine große Freude, Seine Heiligkeit empfangen zu dürfen. Ich habe meine Pflicht erfüllt und wusste, dass eines Tages sehr viele Menschen das VIEN GIAC Kloster besuchen werden, sowohl Laien als auch Ordensleute, Vietnamesen als auch Deutsche.
Ich hielt am Bahnhof an, ich stieg aus und eilte schnell zum Kiosk. Die HAZ sah ich bereits in der VIEN GIAC Pagode. Darin waren Bilder und Berichte über den Besuch Seiner Heiligkeit abgedruckt. Ich kaufte zwei andere Zeitungen, die Neue Presse und die Bild-Zeitung. Über das Ereignis wurde in jedem Blatt ausführlich berichtet und diese Resonanz erwies sich auch für die Entwicklung des Buddhismus in Deutschland als positiv.
Gewichtige Veränderungen in den Disziplinen der Historie, Philosophie und Religionswissenschaften haben ihren Anfang in Deutschland genommen. Der deutsche Philosoph Schopenhauer machte im 19. Jahrhundert den Buddhismus in Europa populär. Nietzsche, der sich auch mit Schopenhauer auseinandersetzte, entwickelte eine eigene Lehre, welche den Ansichten des Buddhismus in vielen Punkten so erstaunlich nahe kam. Durch Hermann Hesse wurden wiederum viele Leser seiner Generation mit dem Buddhismus vertraut gemacht. Ich verweise nur auf sein Werk „Der Weg ins Innere“. Auch der berühmte Physiker Albert Einstein hat seine Affinität zum Buddhismus bekundet. Karl Marx, der Gründer des Sozialismus, stammte ebenfalls aus Deutschland. Sein Ringen um soziale Gerechtigkeit verträgt sich durchaus mit dem Geist des Buddhismus. Die Regime, die sich auf ihn berufen, mißbrauchen seine Lehren um ihrer politischen Vorteile wegen. Martin Luther, der religiöse Reformer, der die Christen aufrief, ihr religiöses Leben selbst in die Hand zu nehmen, war auch ein Deutscher. Einige Kritiker meinen sogar: “Das 21. Jahrhundert sei die Ära des Buddhismus, der ebenfalls in Europa sich von deutschem Boden aus ausbreitet. Diese Aussage ist vielleicht nicht falsch. Zur Zeit werden in Deutschland sehr viele buddhistische Bücher veröffentlicht, deren massenhafte Lektüre nicht ohne Resonanz bleibt im Alltagsleben, auf dem Markt, in der Bildung und Forschung, ja selbst auch bei den Mitgliedern der katholischen und protestantischen Kirchen.
Nach meiner Reise nach Indien im März 1995, besuchte ich den Erzbischof Hohmeier vom Bistum Hildesheim. Nach dem Mittagessen, bat er mich, ihm etwas Grundwissen über den Buddhismus mitzuteilen. Herr Hanefeld hat dem Erzbischof, den Pfarrern und Nonnen Meditationsübungen gezeigt. Der Erzbischof fragte mich dann, ob der Buddhismus besser sei als das Christentum, weil viele Christen ihre Religion aufgäben.
Ich antwortete: “Hochehrwürdige, jedes Medikament ist für eine bestimmte Krankheit bestimmt. Wahrscheinlich wurde in Europa bis heute immer nur das gleiche Medikament eingenommen. Jetzt kommt ein neues Medikament nach Europa. Vielleicht wollen die Menschen auch dieses einmal ausprobieren?” Ich tröstete ihn weiter: “Machen Sie sich keine Sorgen. Jede Religion ist eine schöne Blume. Wir sind hier auch nur, um den geistigen Garten in Deutschland zu verschönern.”
Der Erzbischof lächelte.
Die drei großen Blätter in Hannover haben über den Besuch Seiner Heiligkeit sehr ausführlich berichtet. Diese Berichte werden am Schluß dieses Kapitels abgedruckt. Alle drei Zeitungen haben auch sehr schöne Bilder abgedruckt.
In der HAZ wurde auf dem Titelblatt ein Farbphoto abgedruckt, auf dem Seine Heiligkeit vom Oberbürgermeister der Stadt Hannover empfangen wurde. Seine Heiligkeit hängte gerade einen weißen Schal um den Hals des Bürgermeisters. Im Mittelteil wurden zwei weitere Schwarz-Weiß-Photos abgebildet. Das erste Bild zeigte den Dalai Lama, wie er der Menge zuwinkte, als er am Rathaus angekommen war. Das zweite Bild zeigte drei Mädchen von der Pagode PHAT BAO, die in ihren Händen drei große Teller mit vegetarischen Speisen hielten. Die Speisen waren mit drei weißen Drachen aus Rettich dekoriert.
Die Bild-Zeitung hat die höchste Auflagenhöhe. Sie brachte vier Bilder. Das größte Bild zeigte Seine Heiligkeit auf dem Thron. Das zweite kleinere Bild, links, zeigte den Bürgermeister, wie er Seine Heiligkeit mit Handschlag begrüßte. Das dritte Bild zeigte die Gesamtansicht des Klosters mit dem Lotusbrunnen, dem siebenstöckigen Pagodenturm und der Gebetshalle. Das vierte Bild zeigte Seine Heiligkeit, wie sie von ihrem Wagen aus, den Menschen zuwinkte.
Die Neue Presse hat auch vier sehr schöne Bilder abgedruckt. Das erste Bild zeigte die Ordensleute und Buddhisten beim Empfang Seiner Heiligkeit am Drei-Flügel-Tor. Das zweite Bild zeigte Seine Heiligkeit, als sie einer Frau aus Thailand wieder auf die Beine half, nach dem sie ihn mit Niederwerfung geehrt hatte. Das dritte Bild zeigte Seine Heiligkeit am Tor im Gespräch mit einem kleinen Jungen und das vierte zeigte den Dalai Lama beim Eintragen in das Goldene Buch der Stadt Hannover. Neben ihm standen der Oberbürgermeister und einige Politiker des Bundeslandes Niedersachsen.
Nach meiner Lektüre bestieg ich den ICE ein. Er gilt als der luxuriöserste Zug in Deutschland. Ein Zug dieses Typs wurde in Japan bereits 1967 gebaut. Die deutsche Technik hinkt also einige Jahrzehnte hinter der japanischen her. Doch mir scheint, dass deutsche Produkte robuster als japanische Produkte sind. Viele Verbraucher bevorzugen daher deutsche Produkte. Der ICE gleicht einem fahrenden Wohnzimmer. Man kann darin schlafen, lesen, sich unterhalten und anderes machen.
Ich bin gewohnt, im Zug zu schreiben oder manchmal auch zu lesen. Der ICE ist sehr geräumig, die Sitze sind noch breiter als die Sitze im Flugzeug. Der Zug ist mit komfortabel eingerichtet. Man findet dort Fernseher, öffentliches Telefon, elektronische Anzeigen, die über die Geschwindigkeit, unterrichten. Die Anzeige zeigt auch an, auf welcher Seite die Tür aufgeht. Die Welt ist heute so modern, während die Menschen immer noch leiden. Was soll man sagen? Ich saß im Zug neben einer deutschen Frau. Sie las gerade die HAZ und blätterte die Seite mit dem Bericht über den Besuch Seiner Heiligkeit auf. Danach kam sie mit mir ins Gespräch und wir unterhielten uns über den Besuch Seiner Heiligkeit. Ich gab ihr zwei weitere Zeitungen. Nachdem sie sie gelesen hatte, schaute sie mich an und sagte: “Seine Hoheit ist nach Hannover gekommen und hat den Bürgern den geistigen Frieden gebracht”.
Ich habe diesen Satz aus dem tiefen Herzen einer Deutschen gehört. Danach erzählte ich ihr mehr über Seine Heiligkeit und sie hat aufmerksam zugehört.
Jeder hat einen Titel, der seinem Amt, seiner Position entspricht. Die deutsche Frau hat in diesem Fall nicht Unrecht, denn Seine Heiligkeit ist auch der Staatsoberhaupt von Tibet. Richtiger wäre es aber “Seine Heiligkeit” auf Deutsch oder “His Holiness” auf Englisch zu sagen. “Heiligkeit” ist eine Bezeichnung für eine religiöse, heilige Persönlichkeit. “Hoheit” ist dagegen eine Bezeichnung für einen König. Die Anrede für den Dalai Lama ist “Seine Heiligkeit” oder “His Holiness”. Es ist unhöflich nur “How are you?” zu fragen. Im Deutschen gibt es auch die Bezeichnung Hochehrwürdige; die dem Englischen “the most venerable” entspricht und dem Französischen “le très vénérable” was das gleiche auf Französisch heißt. Es gibt auch andere Titel wie z.B. „Ehrwürdiger“ auf Deutsch, „Venerable“ auf Englisch und Französisch. Alle diese Bezeichnungen sind Ehrentitel. Es wäre z.B. ein großer Fehler, wenn man die Ehrwürdigen nur mit Ladies and Gentlemen anredet, denn diese Anrede erfaßt nicht den Aspekt, auf den die Titel der Ordensleute hinweisen.
Als ich aus dem Zug stieg und zum Flughafen fahren wollte, sagte die deutsche Frau zu mir: “Dies ist wirklich ein gutes Zeichen. Ich hoffe, dass ich viel lernen werde bzw. die Zeit habe, das Kloster VIEN GIAC zu besuchen”.
Ich habe sehr intensiv über die Person, Seiner Heiligkeit, nachgedacht. Seine Heiligkeit war am 19.06.1995 zu einer Anhörung des deutschen Bundestag eingeladen worden. Dort debattierte man unter anderem auch über die Menschenrechtsverletzung in Tibet durch die chinesische Regierung. In Tibet leben zur Zeit ca. 6 Millionen Tibeter; dagegen leben dort mehr als 7.000 Chinesen. D.h. eine eingewanderte Mehrheit unterdrückt sozusagen die zu den Schwachen gewordene einheimische Minderheit. Man muß abwarten, wie sich das weiter entwickelt. Einst ist aber sicher, dass die Wahrheit immer siegt. Das ist das Ideal. Das Recht ist auf der Seite der Guten und nicht auf der Seite der Bösen, also auch nicht auf der Seite der chinesischen kommunistischen Regierung, die gegen die Menschenrechte und die Würde des Menschen verstößt. Als ich am Flughafen Frankfurt ankam, ließ ich sofort mein Gepäck einchecken. Dann kaufte ich mir sieben weitere Zeitungen, um zu lesen, ob auch sie etwas über den Besuch des Dalai Lama berichteten. Da ich am Frankfurter Flughafen eine Stunde Wartezeit hatte, studierte ich die Zeitungen sehr sorgfältig, Seite für Seite.
3 von den 7 Zeitungen hatten eine kurze Nachricht gedruckt, doch keine Photos gebracht. Die erste Zeitung war die „Welt“, die auch sehr viele Leser hat. Die anderen beiden waren die „Frankfurter Rundschau“ und die „Frankfurter Neue Presse“. Sie berichteten kurz über die Anwesenheit Seiner Heiligkeit in Deutschland, über das Kloster VIEN GIAC und das tibetisch- buddhistische Zentrum in Hannover.
Ich saß mehr als 8 Stunden im Flugzeug von Frankfurt nach Toronto, und von Toronto nach Montreal. Während dieser Zeit habe ich alle Zeitungsberichte über den Besuch Seiner Heiligkeit aus dem Deutschen ins Vietnamesische übersetzt. Ich wollte diese Berichte als Informationsquelle nutzen. Außerdem wollte ich die Ordensleute und Laien in Kanada über die buddhistischen Aktivitäten in Deutschland informieren.
Hoch über den Wolken dachte ich und denke ich noch heute über dieses große Ereignis nach und das Bild des Dalai Lama schwebt immer noch in meinem Kopf und hat tiefe Spuren hinterlassen.
Ich hoffe mit meinen wenigen Zeilen den später Geborenen meine tiefe Verehrung gegenüber Seiner Heiligkeit dokumentieren zu können. Mögen sie immer dem Weg der Barmherzigkeit und der Wahrheit folgen. Möge das Volk und die Heimat Seiner Heiligkeit bald von der Unterdrückung befreit werden. Möge die Barmherzigkeit sich auch in meiner Heimat und in meinem Volk ausbreiten, so als wären sie die ausgebreiteten Hände Seiner Heiligkeit, welche die Menschheit mit Liebe und Harmonie empfangen.
❶
Die Hannoversche Allgemeine, vom Montag, den 19.06.1995 berichtet:
Gläubige kommen aus ganz Deutschland: Dalai-Lama segnet buddhistisches Kloster in Mittelfeld
Für jeden gibt´s ein Lächeln
Der Empfang hätte prächtiger nicht sein können. Mönche trugen als Schutz für den hohen Gast einen aufwendig geschmückten gelben Baldachin, den Aufgang zur Pagode säumten junge Mädchen in grauen Gewändern mit bunten Blumenschalen, und hinter dem Eingangstor standen junge Gläubige mit roten Stöcken Spalier- nur der dumpfe Trommelwirbel setzte etwas zu früh ein. Pünktlich um zwölf Uhr war dann für die rund 500 wartenden Zuschauer der große Moment gekommen: Der Dalai-Lama, geistliches und weltliches Oberhaupt des Mönchstaates Tibet, fuhr vor dem Kloster “Vien Giac” in Mittelfeld vor, faltete die Hände über dem Kopf zusammen, begrüßte lächelnd die Gläubigen, sprach sie freundlich an und schüttelte immer wieder die entgegengestreckten Hände. Frauen mit Tränen in den Augen fielen vor dem Würdenträger auf die Knie, wollten seine Hände kaum mehr loslassen.
Zur Segnung des Tibetisch-Buddhistischen Zentrums “Chöling” in dem Kloster war der seit mehr als 30 Jahre im indischen Exil lebende 59jährige nach Hannover gekommen. Der Dalai-Lama folgte einer Einladung des Klosterabtes Thich Nhu Dien sowie der Tibet Initiative. Am Vormittag hatte Justizministerin Heidi Alm Merk (SPD) den hohen Würdenträger am Flughafen begrüßt und kam, vom Gast mit einer weißseidenen Glücksschleife beschenkt, mit ihm ins Rathaus, wo sich der Dalai-Lama ins Goldene Buch eintrug.
Zuvor hatte ihm Oberbürgermeister Herbert Schmalstieg die Modelle vom im Krieg zerstörten und später wiederaufgebauten Hannover gezeigt. Krieg bringe nur Leid und habe keinen Nutzen, sagte der Dalai-Lama in einer Ansprache vor Gästen im Rathaus, zu denen auch der Vizepräsident des niedersächsischen Landtages, Erwin Jordan, sowie die Vorsitzenden der Ratsfraktionen von SPD und CDU zählten.
Er sei überzeugt, dass Hannover einen echten Beitrag zum Weltfrieden leiste und äußerte sich erfreut darüber, dass die Stadt eine Partnerschaft mit Hiroschima pflege. Schmalstieg sagte, die Tibetfrage werde auch auf der Expo thematisiert. In welcher Form, ließ er offen. Auch dem Oberbürgermeister wurde die weiße Glücksschärpe um den Hals drapiert, eigenhändig vom Dalai-Lama, der wiederum als Gastgeschenk eine weiße Schale in Empfang nahm und danach mit den Politikern zum Tee verschwand.
Im Kloster dann ein Mittagessen- unter anderem mit Vertretern der beiden christlichen Kirchen. Eigens aus Marseille war auch der Hochehrwürdige der Vereinigten Buddhistischen Kirche in Europa angereist. Aufmerksam bediente der Dalai-Lama die neben ihm Sitzenden mit Speisen- ein achtgängiges vegetarisches Menü mit Tofu und Frühlingsrollen war unter der Regie des Chefkochs eines Chinarestaurants entstanden. Eine begrenzte Zahl an Zuhörern, darunter viele Deutsche und Vietnamesen, die aus ganz Deutschland angereist waren, verfolgte dann am Nachmittag eine Lehrunterweisung in der Gebetshalle des Klosters, wo der Dalai-Lama die vier Edlen Wahrheiten erläuterte, ehe er weiter nach Bonn fuhr. Dort nimmt er heute an der geplanten Tibet-Anhörung des Bundestages teil.
❷
Die Ausgabe der Bild-Zeitung Hannover, vom 19.06.1995 titelt:
Der Dalai-Lama segnet tibetanisches Zentrum
Hannover (p). Der Dalai-Lama, geistliches Oberhaupt des Mönchsstaates Tibet, hat am Sonntag in Hannover ein buddhistisch-tibetanisches Zentrum gesegnet. Der Religionsführer traf auch mit Oberbürgermeister Herbert Schmalstieg zusammen (Foto). Der Dalai-Lama folgte einer Einladung des in Hannover ansässigen vietnamesischen Klosterabtes Thich Nhu Dien und der Tibet-Initiative Deutschland.
Der Dalai-Lama in Hannover. Er segnete ein Kloster
Ich traf einen weisen Mann mit viel Humor
Der Dalai-Lama (59), Gottkönig der Tibeter, geistliches Oberhaupt von weltweit ca. 1 Milliarde Buddhisten.
Gestern war er zum 1. Mal zu Besuch in Hannover. Er segnete das Buddhistische Kloster Vien Giac (Wülfel).
BILD-reporter Michael Dunker (22) war ganz nahe dabei. Er sagt: “Der Dalai-Lama hat eine tiefe, warme Stimme. Er ist sehr witzig. Ich verstehe jetzt, warum man ihn als Gott verehrt.”
Airport Langenhagen: Ein rotes Tuch um den Körper geschlungen. Braune Kniestrümpfe und Schnürschuhe an den Füßen. So steigt der Dalai-Lama aus dem Flugzeug. Hinter seiner getönten Brille lächeln sanfte, braune Augen.
OB Herbert Schmalstieg (52, SPD) begrüßt den Gast vor dem Rathaus. Plötzlich fällt eine Frau vor dem Dalai-Lama auf die Knie, hebt die Hände zum Gebet. Der Gottkönig lacht, erklärt dem OB: “High tradition” (hohe Tradition).
Die Buddhisten nennen ihren Gottkönig “Herr der weißen Lotusblüte”, “Ozean der Weisheit”, “Wunscherfüllender Edelstein.” Mit kleinen Schritten kommt er auf mich zu. Ich strecke meine Hand aus. Ganz automatisch. Er lächelt, reicht mir seine Hand. Ein warmer, sanfter Druck. Hitzeschauer laufen mir über den Rücken.
Dann der Eintrag ins Goldene Buch. Er schreibt winzige Buchstaben, schnörkellos: “Ich bete für einen endgültigen Frieden auf der Welt.”
Vor dem Kloster “Vien Giac” (“Vollkommene Erleuchtung”) jubeln 500 Menschen. “Little Buddha” lacht, winkt.
Ich rufe ihm zu: “Kennen Sie Richard Gere?” Der schöne Hollywood-Star will 6 Monate/Jahr als Mönch im Kloster leben. Der Dalai-Lama: “Ja, ich kenne ihn. Sehr gut sogar.”
Kleine Panne: Er betritt die Pagode, vergißt fast, sich die Schuhe auszuziehen. Beim vegetarischen 8-Gänge-Menue mit Tofu, Reisnudeln und Frühlingsrollen bedient er seine Tischnachbarn. Ein Gott ganz menschlich.
Dann redet er vor 300 geladenen Gästen. Über:
Deutschland. “Hochentwickelt. Das ist gut. Aber auch die innere Entwicklung des Denkens ist wichtig.”
Leiden. “Die wahre Beendigung von Leiden erfahren wir durch das Erkennen von Selbstlosigkeit.”
Und wieder schelmisch: “Wenn wir nicht noch mehr leiden wollen, sollten wir die Tür öffnen. Es ist so heiß hier.”
Abfahrt nach Bonn (Parlaments-Termin), 16 Uhr. Vorher lehnt er sich quer über die Motorhaube der Limousine, drückt Hände und segnet Schals. Ein Gott zum Anfassen...
Info Dalai Lama
Der Dalai Lama ist das geistliche und weltliche Oberhaupt der Tibeter (6 Millionen Menschen). Sein Land ist seit 1950 vollständig von China besetzt, er lebt im indischen Exil.
Für die Buddhisten ist der Dalai Lama (= “Ozean der Weisheit”) die Verkörperung Buddhas.
Der jetzige Dalai Lama wurde 1935 als Bauernsohn im Tibet geboren. Als er 2 Jahre alt war, entdeckten ihn wandernde Mönche. Als er 5 war, erklärten ihn die Mönche zur Wiedergeburt des verstorbenen Dalai Lama XIII. und damit zum Gottkönig der Buddhisten. Fortan wurde der “Little Buddha” von den weisesten Priestern erzogen.
1989 erhielt der Dalai Lama den Friedensnobelpreis für seinen “sanften Widerstand” gegen die chinesische Besetzung.
Der Dalai Lama lebt asketisch in einem schlichten Haus, spielt Golf und liebt Katzen.
Info Buddhismus
Entstehung: Im Jahr 563 v. Chr. wurde im Ganges-Tal der Fürstensohn Siddharta Gautama geboren. Mit 29 wurde er Bettelmönch. Auf der Suche nach Erlösung zog er durch Indien. Unter einem Feigenbaum wurde er zu Buddha, dem Erleuchteten.
Lehre: Leben ist Leiden, weil es von Gier bestimmt ist. 8 Pfade führen ins Nirwana (Befreiung vom Leiden), z.B. rechte Einsicht, rechte Andacht, rechte Geistessammlung.
Was ist “recht”? Buddha: Alles, was anderen nützt! Buddhisten glauben an Wiedergeburt, sind tolerant gegenüber anderen Religionen.
In Asien gibt es ca. 800 Millionen Buddhisten, in Deutschland ca. 80.000 Berühmte Buddhisten.
❸
„Die Welt“ vom Montag, den 19.06.1995 berichtet:
Dalai Lama segnete Kloster in Hannover
DW Hannover- Der Dalai Lama, im indischen Exil lebendes geistliches Oberhaupt des Mönchsstaats Tibet, hat in Hannover ein buddhistisch-tibetanisches Zentrum gesegnet. Der buddhistische Religionsführer war dazu auf Einladung der Tibet Initiative Deutschland und des Klosterabtes Thich Nhu Dien in das zur Gemeinde vietnamesischer Buddhisten in Deutschland gehörende Kloster Vien Giac gekommen. In der Bundesrepublik leben rund 80.000 vietnamesische Buddhisten.
Begrüßt wurde der Dalai Lama neben Abt und Mönchen des Klosters von rund 300 begeisterten Menschen. Begleitet von Trommel- und Glockenschlägen, ging der freundlich-aufgeschlossene 59 jährige über frisch gestreute Blütenblätter in die farbenprächtige Gebetshalle. Vien Giac (vietnamesisch: Vollkommene Erleuchtung) ist das Größte buddhistische Kloster in Deutschland und größtes vietnamesisch-buddhistisches Kloster der Welt außerhalb des asiatischen Landes. Im “Westhaus” der vier Gebäude segnete der Dalai Lama den Andachtsraum der tibetanisch-buddhistischen Gemeinschaft Chöling. Zuvor war er von Niedersachsens Justizministerin Heidi Alm Merk (SPD) empfangen worden. Anschließend hatte er sich in das Goldene Buch der Stadt Hannover eingetragen.
Heute wird der Dalai Lama zu Gesprächen in Bonn erwartet. Unter anderem will er an der Bundestagsanhörung zur Menschenrechtssituation in Tibet teilnehmen.
❹
Die „Neue Presse“ Hannover vom Montag, den 19.06.1995 schreibt:
Der Friedensnobelpreisträger hinterließ in Hannover eine Spur der Menschlichkeit
Uta Schmalstieg vom Dalai Lama tief beeindruckt
Von Rüdiger Knorr
Hannover. Es war eine kurze Visite mit einem gedrängten Programm. Doch der sechsstündige Hannover Besuch des Dalai Lama, Oberhaupt des tibetischen Mönchstaates im Exil und Friedensnobelpreisträger, hat bei vielen Menschen tiefe Spuren hinterlassen. Auch bei Uta Schmalstieg, die den buddhistischen Glaubenslehrer die ganze Zeit begleitet hat: “Ich bin nie einem menschlicheren Menschen begegnet.”
Die Frau von Oberbürgermeister Herbert Schmalstieg startet am kommenden Sonnabend zu einer Reise nach China und Tibet, hat sich mit dem Buddhismus, den der Dalai Lama verkörpert, auseinandergesetzt. Aber die direkte Begegnung hat sie ergriffen: “Die Gelassenheit, die Natürlichkeit, die Fröhlichkeit des Dalai Lama wirken ansteckend.”
Als der 59 jährige Mann im dunkelrot gelben Gewand gestern kurz vor 11 Uhr auf dem Weg vom Flughafen zum Empfang im Rathaus eintrifft, sinkt die aus Thailand stammende Hannoveranerin Supranee Holzlehner vor ihm zu Boden, wird von dem Dalai Lama sanft aufgerichtet. “Mein Gefühl ist wie Lotus”, sagt sie hinterher.
Lotus ist die Blume, auf der, vom Schlamm des menschlichen Lebens befreit, der Buddha sitzt.
Pünktlich um zwölf Uhr trifft der Dalai Lama an der Pagode “Vien Giac” in Mittelfeld ein, wird von rund 500 Anhängern begeistert empfangen. Die meisten sind Vietnamesen, die hier in Hannover das größte religiöse Zentrum außerhalb ihrer Heimat haben.
Zur Segnung des vietnamesischen Klosters und des Versammlungsraums der Tibetisch- Buddhistischen Gemeinschaft “Chöling” ist der Dalai Lama gekommen, er wird vom Abt des Klosters, Thich Nhu Dien, begrüßt.
Vietnamesische Mädchen servieren dem Dalai Lama und seinen Gästen ein achtgängiges vegetarisches Menü. Wer anschließend keinen Platz mehr in der Gebetshalle hat, kann im Erdgeschoß der Pagode der mit Spannung erwarteten Unterweisung per Videoübertragung folgen.
Hier unten ist reges Leben, hier wird ein großes Fest gefeiert, gibt es ein einfaches, aber schmackhaftes Essen umsonst.
Und hier folgen alle gebannt der zweistündigen “Lehrunterweisung”, die aus der tibetischen in die deutsche und vietnamesische Sprache übersetzt wird. Er spricht über “heilsame oder unheilsame” Gedanken, über “vier Wahrheiten” und “drei Juwelen”.
Er ruft die Kirchenvertreter dazu auf, gemeinsam Verantwortung für den Frieden zu tragen. Dagmar Meinholz Krone, überzeugte Christin, die aus Neugier gekommen ist: “Für mich ist der Dalai Lama der einzige Mensch auf der Welt, der die Friedensbotschaft glaubhaft vertritt.”
Hoffnung auf tibetische Expo-Visionen
Hannover. “Ich wünsche und bete dafür, dass wir auf der Basis des geistigen Friedens einen echten endgültigen Frieden schaffen.”
Das schrieb der Dalai Lama gestern ins Goldene Buch der Stadt Hannover- als achter Friedensnobelpreisträger. Vor ihm trugen sich auch Henry Kissinger und Michael Gorbatschow ein.
Oberbürgermeister Herbert Schmalstieg mit Blick auf die heutige Tibet-Anhörung im Bundestag: “Aus wirtschaftlichen Interessen darf sich niemand um die Frage der Menschenrechtsverletzungen von China gegenüber den Tibetern herumdrücken oder herummogeln.” Schmalstieg äußerte die Erwartung, dass die “Visionen” des Dalai Lama auf der Expo 2000 mit einer tibetischen Darstellung Eingang finden.
Der Dalai Lama zeigte sich beeindruckt, dass Hannover Partnerstadt von Hiroshima ist und von hier aus zur Ächtung von Atomwaffen und neuen Atomversuchen aufgerufen wird: “Die Menschen in Hannover können damit einen echten Beitrag zum Weltfrieden leisten.
Mann der Toleranz
Der Dalai Lama ist für die Buddhisten in Tibet die sich immer wiederholende Menschwerdung des göttlichen Bodhisattva Avalokiteshvara. Der 1935 geborene Bauernsohn wurde von Mönchen sechs Jahre nach dem Tod des 13. Dalai Lama als dessen Nachfolger
Stichwort Dalai Lama:
gefunden und 1940 zum 14. Dalai Lama inthronisiert. Seit der Invasion durch Rotchina 1950 und seiner endgültigen Flucht ins indische Exil 1959 versucht der Dalai Lama, mit weltweiter Aufklärung und friedlichem Widerstand auf das Unrecht gegen das tibetische Volk aufmerksam zu machen. 1989 er hielt der immer zur Toleranz aufrufende Mann der Friedensnobelpreis.
❺
Rhein-Main Landeshauptstadt Wiesbaden
Montag, den 19.06.1995
Roland Koch traf den Dalai Lama
Frankfurt (Ihe).- Bundesregierung und Bundestagsfraktionen sollen sich nach Ansicht des hessischen CDU-Fraktionschefs Roland Koch stärker für das unterdrückte tibetische Volk einsetzen. “Wir Deutschen haben enormen Nachholbedarf im Kampf gegen Menschenrechtsverletzungen durch das chinesische Regime in Tibet”, erklärte Koch nach einem Gespräch mit dem Dalai Lama, dem Oberhaupt des Mönchsstaats Tibet. In dem Gespräch, an dem auch der frühere SPD-Bundestagsabgeordnete Klaus Kübler teilnahm, hatte der Dalai Lama berichtet, der Druck der chinesischen Machthaber nehme zu.
Frankfurter Rundschau
Montag, den 19.06.1995
Dalai Lama
Das geistliche Oberhaupt des Mönchsstaats Tibet hält sich zu einem Besuch in Deutschland auf, um an der geplanten Tibet-Anhörung des Bundestags teilzunehmen. Außerdem segnete der Dalai Lama in Hannover ein buddhistisch-tibe tisches Zentrum. Er traf auch mit dem Vorsitzenden der CDU-Landtagsfraktion im hessischen Landtag, Roland Koch, zusammen. In dem Gespräch habe der Dalai Lama vom zunehmenden Druck der chinesischen Machthaber und von ihrem immer drastischeren Kampf gegen die freie Religionsausübung berichtet, sagte Koch in Frankfurt am Main. Die Bundesregierung und die Bundestagsfraktionen sollen sich nach Kochs Ansicht stärker für das unterdrückte tibetische Volk einsetzen. Gerade weil Deutschland traditionell gute Beziehungen zu China unterhalte, müsse es auf einen Kurswechsel in der chinesischen Regierungspolitik drängen.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.147.81.128 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập