Chúng ta thay đổi cuộc đời này từ việc thay đổi trái tim mình. (You change your life by changing your heart.)Max Lucado
Xưa, vị lai, và nay, đâu có sự kiện này: Người hoàn toàn bị chê,người trọn vẹn được khen.Kinh Pháp cú (Kệ số 228)
Nếu không yêu thương chính mình, bạn không thể yêu thương người khác. Nếu bạn không có từ bi đối với mình, bạn không thể phát triển lòng từ bi đối với người khác.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Rời bỏ uế trược, khéo nghiêm trì giới luật, sống khắc kỷ và chân thật, người như thế mới xứng đáng mặc áo cà-sa.Kinh Pháp cú (Kệ số 10)
Hãy đặt hết tâm ý vào ngay cả những việc làm nhỏ nhặt nhất của bạn. Đó là bí quyết để thành công. (Put your heart, mind, and soul into even your smallest acts. This is the secret of success.)Swami Sivananda
Từ bi và độ lượng không phải là dấu hiệu của yếu đuối, mà thực sự là biểu hiện của sức mạnh.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Khi ý thức được rằng giá trị của cuộc sống nằm ở chỗ là chúng ta đang sống, ta sẽ thấy tất cả những điều khác đều trở nên nhỏ nhặt, vụn vặt không đáng kể.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Để có đôi mắt đẹp, hãy chọn nhìn những điều tốt đẹp ở người khác; để có đôi môi đẹp, hãy nói ra toàn những lời tử tế, và để vững vàng trong cuộc sống, hãy bước đi với ý thức rằng bạn không bao giờ cô độc. (For beautiful eyes, look for the good in others; for beautiful lips, speak only words of kindness; and for poise, walk with the knowledge that you are never alone.)Audrey Hepburn
Kẻ hung dữ hại người cũng như ngửa mặt lên trời mà phun nước bọt. Nước bọt ấy chẳng lên đến trời, lại rơi xuống chính mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Tôn giáo không có nghĩa là giới điều, đền miếu, tu viện hay các dấu hiệu bên ngoài, vì đó chỉ là các yếu tố hỗ trợ trong việc điều phục tâm. Khi tâm được điều phục, mỗi người mới thực sự là một hành giả tôn giáo.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tiếp kiến đức Đạt-lai Lạt-ma »» Xem đối chiếu Anh Việt: Chương IV. Những ngày tại Schneverdingen miền Bắc nước Đức »»

Tiếp kiến đức Đạt-lai Lạt-ma
»» Xem đối chiếu Anh Việt: Chương IV. Những ngày tại Schneverdingen miền Bắc nước Đức

Donate

(Lượt xem: 6.669)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  Vietnamese || English || Tải về bảng song ngữ


       

Font chữ:
Font chữ:



Chương IV. Những ngày tại Schneverdingen miền Bắc nước Đức

Nước Đức sau Đệ nhị thế chiến bị chia đôi vào năm 1949 cũng giống như Việt Nam bị chia đôi vào năm 1954. Đông Đức theo chủ nghĩa cộng sản cho đến năm 1989. Phần đất ở phía Đông do Nga Sô cai quản và chỉ đạo cũng giống như miền Bắc Việt Nam. Tây Đức theo chủ nghĩa tự do dân chủ và phần đất của Tây Đức do quân đội của các nước Anh, Pháp, Mỹ đóng quân cho đến năm 1989. Ở Việt Nam cũng vậy, từ 1954 đến 1975 miền Nam Việt Nam do Mỹ và đồng minh đóng quân, nhưng sau ngày 30.4.1975 miền Nam Việt Nam đã rơi vào tay Cộng Sản. Nghĩa là chủ nghĩa tự do đã mất. Còn nước Đức thì ngược lại, sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ vào mùa thu năm 1989 thì cả Đông lẫn Tây Đức được thống nhất trong chủ nghĩa tự do dân chủ thật sự và đặc biệt cuộc cách mạng này không tốn hao một giọt máu của nhân dân. Đây là một cuộc cách mạng vô tiền khoáng hậu trong lịch sử của nhân loại.

Thế giới ngày nay không còn đối đầu mạnh giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản như những thập niên 60, 70, 80 nữa, mà ngày nay nhân loại đã bước vào một khúc quanh khác. Đó là cạnh tranh với nhau về vấn đề thương mại để sống còn và phát triển quê hương đất nước của mỗi quốc gia. Quả địa cầu này vào đầu thế kỷ 20 mới có 2 tỷ người, bước sang đầu thế kỷ 21 đã lên đến 6 tỷ người. Với con số này, nếu không hạn chế sự sinh sản, đến một lúc nào đó nhân loại sẽ buộc phải ăn thua đủ với nhau để giành đất sống. Đây là một vấn đề thực tế của biết bao nhiêu nhà nhân chủng học và xã hội học hiện nay.

Nước Đức thuở bấy giờ, trước khi thống nhất vào năm 1989, miền Bắc Đức có quân đội Anh đóng. Miền Trung Đức có quân đội Pháp và Miền Nam Đức có quân đội Mỹ đóng quân tại đó. Địa phương Schneverdingen là một nơi mà trước đây quân đội Anh đã làm căn cứ quân sự. Do vậy trước và sau khi Đức Đạt-lai Lạt-ma tới đây báo chí đã loan báo rằng: biến trại lính thành đạo tràng để giảng giáo lý hòa bình của Đức Phật. Đây là một hình ảnh đẹp mà có lẽ trong lịch sử của nước Đức cũng chưa từng có.

Nơi đây Ban Tổ Chức có cho dựng một thành phố lều. Nghĩa là tất cả đều dùng lều để che mưa đỡ nắng. Nghe thuyết pháp, hội họp, ăn uống, vệ sinh, phát hành kinh sách v.v... tất cả đều tổ chức tại thành phố lều này. Ban Tổ Chức là Trung Tâm Phật Giáo Tây Tạng tại Hamburg dưới sự lãnh đạo tinh thần của Thượng Tọa Geshe Thuben Ngawang. Người Tây Tạng trong hội này rất ít, hầu hết là những người Đức. Hội hoạt động từ năm 1977 đến nay. Sau 20 năm hoạt động, hội đã có nhiều hội viên và tạo dựng được 2 cơ sở vững vàng tại Hamburg cũng như tại Schneverdingen. Đây có thể nói là một Trung Tâm tầm vóc của Phật Giáo Tây Tạng ở xứ Đức này. Tại Đức ngày nay có ít nhất là 200 Hội Phật Giáo truyền thống của Phật Giáo Tây Tạng. Theo ông Baumann, tác giả cuốn sách Deutsche Buddhisten, một công trình nghiên cứu có tầm cỡ Đại Học đã cho biết rằng hiện tại ở Đức có khoảng 400 ngôi chùa và Trung Tâm tu học của người Đức. Con số này không nhỏ so với sự phát triển trong một thời gian ngắn tại xứ này.

Tại đây máy bay trực thăng có thể hạ cánh được. Bãi đậu xe có thể dung chứa cả hàng 10.000 chiếc. Chính giữa là một căn lều lớn. Chiều dài độ 250 mét, chiều ngang 75 mét thì phải. Trong lều này có thể dung chứa chừng 10.000 người. Chung quanh lều chính này còn có rất nhiều lều nhỏ. Nơi ấy dùng để làm nơi ăn uống cho chư Tăng Ni và những người Phật Tử tham dự lễ. Có lều phát hành kinh sách, băng giảng. Có lều hướng dẫn về du lịch và Trung Tâm Phật Giáo Tây Tạng tại Hamburg.

Phía cổng trước, Ban Tổ Chức cho trưng bày hình ảnh Chuyển pháp luân lần đầu tiên của Đức Phật. Bên trong các lều đều có bàn ghế. Ngoại trừ nơi lều chính dùng để giảng pháp thì không có ghế.

Tại lều chính, bên trên sân khấu người ta thiết trí một cái pháp tòa thật cao, nơi Đức Đạt-lai Lạt-ma ngồi thuyết pháp. Bên cạnh đó là một bàn thờ Phật và một cái kiệu trên đó quý vị Sư Tây Tạng trong những ngày lễ đã tạo thành một Mandala của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát.

Phía dưới pháp tòa của Đức Đạt-lai Lạt-ma là nơi của chư Tăng Ni ngồi thính pháp.

Phía dưới sân khấu là một khoảng trống danh dự, nơi đây có để ghế ngồi, dành cho các vị đại diện chính quyền cũng như các tôn giáo khác.

Từ khu này đến cuối lều, tất cả đều ngồi dưới đất. Để cho trông thấy rõ ràng, Ban Tổ Chức có cho gắn một máy phóng đại hình ảnh thật lớn ở giữa lều. Nếu không, không thể thấy hình ảnh của Ngài nơi sân khấu.

Chỉ tiếc một điều là mấy ngày cuối tháng 10 năm 1998 ấy giông bão lại quá nhiều làm cho những người tham dự những buổi thuyết pháp cũng phập phồng lo sợ. Có nhiều ngày Ban Tổ Chức đã phải thông báo là sẵn sàng để giày dép nơi tiện nhất, nếu có bão sập lều là có thể chạy nhanh được. Ai nấy cũng phập phồng, nhưng cuối cùng rồi cũng chẳng sao cả. Chỉ thấy sân cỏ và bãi đậu xe bị nhầy nhụa bùn và nước mà thôi.

Điều đặc biệt mà người Việt Nam phải học về phần tổ chức là sự sạch sẽ, ngăn nắp và tinh thần trách nhiệm của người Đức. Nếu là người Việt Nam, suốt một tuần lễ mỗi ngày có hơn 10.000 người như thế, không cách chi mà giữ được sạch sẽ như người Đức đã làm. Đa số hơn 800 người Đức làm thiện nguyện trong những buổi giảng này đều có tinh thần làm việc rất cao. Họ làm không lấy lương và sau khi tính sổ của việc tổ chức này, con số bình quân phải chi và thu trong mọi lễ lạt là 3 triệu Đức Mã. Con số ấy quả thật không nhỏ chút nào. Đó là về phương diện vật chất.

Còn phương diện tinh thần thì không thể lấy thước mà đo được. Hơn 10.000 người dự lễ suốt 6 ngày đêm như thế mà không có một tiếng ồn trong lúc Ngài giảng pháp. Mỗi buổi sáng Ngài giảng 2 tiếng đến 2 tiếng rưỡi đồng hồ. Mỗi buổi chiều 3 tiếng đồng hồ. Tổng cộng một ngày như vậy nghe Ngài giảng từ 5 đến 5 tiếng rưỡi. Ai ai cũng chăm chú lắng nghe. Dường như ai thở mạnh cũng có thể cảm nhận được. Quả là một điều nhiệm mầu khó tả xiết.

Đề tài chung cho các buổi giảng của Ngài mang tên là: Buddhas Weg zum Glück. Có nghĩa là “Con Đường Giác Ngộ Mang Đến An Lạc”, nhưng thực tế Ngài đã giảng về Lamrin, có nghĩa là Tiệm Tu trong suốt thời gian 6 ngày ấy. Ngài giảng từ thấp đến cao. Từ Tiểu Thừa lên Đại Thừa và từ Đại Thừa bước qua Kim Cang Thừa để cuối cùng thâm nhập vào Hoa Tạng thế giới, vào lòng từ bi của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát.

Mỗi ngày từ lúc 7 giờ 30 sáng, Ngài và chư Tăng Tây Tạng đã có mặt tại lễ đài để hành lễ gia trì theo Mật Tông Tây Tạng và sau đó Ngài nghỉ ngơi đến 9 giờ thì bắt đầu phần thứ nhất trong ngày. Mỗi khi Ngài đến, Ngài đều đảo mắt nhìn chung quanh chư Tăng Ni và Phật Tử, sau đó lạy pháp tòa 3 lạy theo lối Tây Tạng, có nghĩa là 5 vóc gieo xuống đất cùng một lúc. Đoạn Ngài thăng tòa và tụng kinh cầu nguyện, tiếp theo là giảng pháp. Thỉnh thoảng Ngài nói tiếng Anh và đa phần Ngài đều nói tiếng Tây Tạng.

Phần dịch ra tiếng Đức do anh Christoph, một người Phật Tử Đức thông dịch. Anh ta trước đây chừng 14 năm đã xuất gia tại chùa Viên Giác Hannover nhân một lễ quán đảnh của một vị Rinpoche nổi danh đến từ Ấn Độ. Nghe đâu vị này là một trong 4 vị Thầy của Đức Đạt-lai Lạt-ma, nay thì vị này đã viên tịch rồi.

Cách đây chừng 4 năm tôi có nghe nói là Christop không còn tu ở Trung Tâm Tây Tạng tại Hamburg nữa, nghe đâu anh ta đã ra đời, sống chung với một cô thư ký người Đức làm báo “Tibetische Buddhismus” cho Trung Tâm Tây Tạng tại đây. Tôi không ngạc nhiên. Vì tất cả những gì hiện hữu trên thế gian này đều do nhân duyên mà hòa hợp, rồi cũng do nhân duyên mà thay đổi. Chỉ đơn giản thế thôi. Cứ hiểu như thế thì tâm ta rất tự tại, giải thoát, không có gì phải phiền muộn cả. Christop dịch rất lưu loát từ tiếng Tây Tạng sang tiếng Đức và từ tiếng Đức có nhiều thông dịch viên phía dưới chuyển sang tiếng Anh, Pháp, Tây Ban nha, Ý, Ba Lan, Nga, Việt Nam v.v... tổng cộng hình như 8 thứ tiếng. Vì có hơn 54 quốc gia tham dự, nên phải cần phiên dịch ra nhiều thứ tiếng như thế. Ai muốn nghe tiếng nào thì chỉ cần đeo ống nghe lên đầu và chuyển tầng số thì ngôn ngữ ấy lại hiện ra. Phần tiếng Việt do Hạnh Tấn dịch. Đôi khi trực tiếp từ tiếng Tây Tạng, mà đôi lúc cũng trực tiếp từ tiếng Anh hay tiếng Đức.

Tôi đã cùng với 20 Thầy, Cô, Chú trong Chi Bộ Phật Giáo Việt Nam tại Đức đã có mặt tại Schneverdingen từ chiều ngày 25 tháng 10 năm 1998. Chúng tôi là khách danh dự của Trung Tâm Tây Tạng nên đã được ngồi trên hàng đầu của sân khấu, nơi gần Đức Đạt-lai Lạt-ma nhất. Ban Tổ Chức sắp đặt cho tôi ngồi bên cạnh Ngài Geshe Thuben Ngawang, Trung Tâm Trưởng Trung Tâm Phật Giáo Tây Tạng tại Hamburg, nhưng sau đó vì Ngài bận nhiều việc khác phải làm, nên Ngài đã thay đổi vị trí. Đứng ở hàng đầu nên tôi đã được chiêm ngưỡng Ngài, chụp hình Ngài cũng như bắt tay Ngài. Đây là một hân hạnh, một diễm phúc mà trong đời rất khó được.

Chương trình trong 7 ngày đại để giống nhau, nhưng ngày đầu và 2 ngày cuối hơi khác một tí. Lý do là ngày khai mạc có chương trình riêng và những ngày cuối cùng cũng có chương trình đặc biệt khác, nhưng nhìn chung chương trình được sắp xếp cho mỗi ngày như sau:

- Sáng từ 7 giờ 30 mỗi ngày, Đức Đạt-lai Lạt-ma và các vị Đại Sư Tây Tạng cầu nguyện.

- Từ 9 đến 11 giờ 30 là giờ thuyết giảng hoặc trả lời những thắc mắc của Phật Tử.

- Từ 11 giờ 30 đến 13 giờ 30 là giờ giải lao, ăn trưa, thăm các hàng quán, mua sắm sách vở, hình ảnh tượng Phật v.v...

- Chiều, Ngài bắt đầu giảng từ lúc 13 giờ 30 đến 16 giờ 30, ở khoảng giữa có ngưng một vài phút để uống trà, rồi Ngài giảng tiếp.

Sau đó một số tham dự viên đi về khách sạn của mình.

Đến tối vào lúc 18 giờ 30 trở đi có những đêm văn hóa theo Phật Giáo Tây Tạng. Những chương trình này không có tính cách bắt buộc. Ai muốn tham dự thì tham dự. Nếu không muốn, có thể ở lại nơi khách sạn của mình.

Phái đoàn Phật Giáo Việt Nam được ở tại một ngôi nhà nghỉ mát của người Đức cách nơi tổ chức độ 20 phút xe hơi. Buổi sáng và tối chúng tôi ăn uống tại nhà nghỉ mát này. Buổi trưa phái đoàn được Ban Tổ Chức đãi chay tại một căn lều gần nơi Đức Đạt-lai Lạt-ma thuyết pháp. Đây là lần đầu tiên tôi nghe Ngài giảng suốt 7 ngày như thế và sau đây xin ghi tóm lược lại những gì tôi đã thâu thập được từ Ngài giảng suốt trong 7 ngày này.

 Ngày thứ nhất

Hôm ấy ngày 26 tháng 10 năm 1998, trời tương đối hừng sáng. Vì đêm hôm qua có mưa, mọi người nô nức kéo nhau đến thành phố lều sau khi dùng điểm tâm tại khách sạn của mình hay nơi nghỉ tạm qua đêm. Đây là lần đầu và cũng là ngày đầu nên ai cũng chưa quen đường đi nước bước, nhưng cứ thấy nhiều bảng xe lạ và hướng chỉ đến địa điểm tổ chức là ai cũng yên tâm. Lúc gần vào bãi đậu xe có cảnh sát giao thông đứng trải ra 2 bên đường để hướng dẫn cho xe vào lối rẽ. Hầu như ngày nào cũng vậy, nơi đây đều có cảnh sát hướng dẫn người tham dự và nhiều khi cũng đứng ra giải quyết những tắt nghẽn của giao thông nữa.

Đúng 10 giờ sáng ngày 26 tháng 10 năm 1998 tại căn lều chính có không biết bao nhiêu máy quay hình, máy ảnh, nhà báo và các chính khách v.v... đã đến tham dự ngày lịch sử này. Nếu tôi nhớ không lầm trong giờ khai mạc này có đọc một thơ chúc mừng của ông Weizsäcker, một nhà vật lý học, bạn của Đức Đạt-lai Lạt-ma, và cũng là anh ruột của Tổng Thống Đức tiền nhiệm. Sau đó đọc thơ chúc mừng của một vị Tổng Giám Mục Tin Lành vùng Bắc Đức và Bà Hội Trưởng Hội Phật Giáo Tây Tạng đã lên đọc lời chúc tụng Ngài cũng như cảm ơn những người làm việc thiện nguyện cho việc tổ chức và những người tham dự khóa tu dài hạn 7 ngày này.

Sáng nay Đức Đạt-lai Lạt-ma chưa thăng tòa thuyết pháp, Ngài chỉ nói vài lời để chào mừng chư Tăng Ni và Phật Tử cũng như không Phật Tử tham dự khóa tu. Những tràng pháo tay như bất tận, những ánh mắt đợi chờ nơi bậc tôn sư, những tâm hồn nắng cháy đang chờ mưa pháp gội nhuần để làm hành trang đi vào con đường giác ngộ ấy. Nhiều báo chí đã đưa tin và hình ảnh rất thuận tiện trong việc tu học này và kể cả ảnh hưởng tốt cho sự hiện diện của Phật Giáo tại xứ này. Nhiều báo nói rằng: Đức Đạt-lai Lạt-ma giảng đạo. 10.000 người thiền định tại Schneverdingen và sự trong sáng của nội tâm v.v... Đó là những tít lớn, những tựa đề sôi nổi làm cho người đọc phải chú ý và đây cũng là cách đưa tin nóng hổi của các nhà báo. Có như thế, người đọc mới chọn báo của mình để mua.

Có ông Thị Trưởng thành phố Schneverdingen hôm đó lên phát biểu rằng: Ông rất vui mừng. Vì đây là lần đầu tiên, sau khi quân đội Anh không ở đây nữa, thành phố Schneverdingen có dân số bằng 1/3 số khách ở xa đến để tham dự khóa tu 7 ngày dưới sự hướng dẫn của Đức Đạt-lai Lạt-ma. Những tràng pháo tay lại vang dội như muốn vỡ căn lều, mặc dầu nơi đây không có tường vách, để cảm tạ tấm thạnh tình của người chủ tại địa phương này.

Sách mà Đức Đạt-lai Lạt-ma dùng cho việc giảng dạy trong suốt 7 ngày này mang tựa đề là: Gesang der inneren Erfahrung - Die kurze Darlegung des Stufenpfades zur Erleuchtung của Ngài Geshe Tsongkhapa. Nếu dịch ra tiếng Việt chúng ta có thể hiểu về đề tài này như sau: Tiếng nhạc của kinh nghiệm nội tâm - Sự giải thích ngắn gọn các bậc thang về sự giác ngộ. Đức Đạt-lai Lạt-ma đã dùng nguyên bản bằng tiếng Tây Tạng và sách này đã được dịch ra tiếng Đức để phát cho mọi người. Đây chỉ là sách căn bản. Còn trong khi dạy, Ngài đã tùy theo nội dung của đoạn văn kinh mà giảng nghĩa rộng ra.

Sau khi nghỉ trưa và chiều hôm đó đúng vào lúc 13 giờ 30 Ngài đã đến với mọi người trong chiếc y màu vàng che phủ bên ngoài. Bên trong Ngài vận tăng phục màu Bordeaux thẳng nếp. Quý vị Sư Tây Tạng cũng đắp y năm điều, bảy điều, chín điều cho đến 25 điều như các nước Phật Giáo Đại Thừa khác, nhưng y của Tây Tạng ngắn hơn y của Trung Hoa và Việt Nam. Tuy nhiên dài hơn y của Nhật và Đại Hàn. Đức Đạt-lai Lạt-ma cũng như những vị Sư Tây Tạng đắp theo kiểu Nam Tông, nghĩa là bên vai phía mặt để hở và y thượng chồng lên y trung sắp liền mí với nhau. Bên dưới mặc y hạ giống như các vị Sư Nam Tông mặc, tuy chỉ khác màu sắc mà thôi. Trong khi các vị Sư Nam Tông mặc cả hạ y, trung y và thượng y đều một màu vàng và lúc làm lễ cũng như khi đi ra đường không thay đổi y này, nhưng các vị Sư Tây Tạng thì thượng y có thay đổi. Có lẽ Tây Tạng ở gần Ấn Độ do vậy mà cách ăn mặc gần giống như người Ấn Độ. Trong khi đó Việt Nam, Trung Hoa, Nhật Bản và Triều Tiên ở xa Ấn Độ do vậy cách phục sức ảnh hưởng bởi cách ăn mặc cổ truyền của dân tộc ấy nhiều hơn.

Trước khi lên pháp tòa, Đức Đạt-lai Lạt-ma đảnh lễ pháp tòa 3 lần và sau đó Ngài mới thăng tòa thuyết pháp. Khi Ngài lạy, các vị đệ tử theo hầu cận trải tọa cụ cho Ngài lạy, sau đó xếp tọa cụ vào. Tọa cụ là một miếng vải vuông vức mỗi chiều độ 70 phân, may 2 màu khác nhau dùng để lễ Phật hoặc trải ra lúc ngồi thiền. Ngài bảo rằng sở dĩ đảnh lễ pháp tòa vì lẽ tôn trọng giáo pháp của Đức Phật là những lời dạy cao quý, khiến người nghe phát tâm quy y Tam Bảo. Do vậy mà Ngài đảnh lễ. Pháp tòa của Tây Tạng được xây giống như một cái Ngai, phía trước cao dùng để kinh giảng, phía giữa thấp dùng để ngồi và phía sau cao gấp 3 lần phía trước dùng để án ngữ phía sau lưng. Có lẽ địa vị của vị pháp sư được người đời tôn quý bao nhiêu thì pháp tòa xây cao bấy nhiêu cũng nên. Bên tay mặt của Ngài có một cái bệ để nước làm lễ quán đảnh hay điểm đạo, phía trái từ bên trong nhìn ra luôn luôn là những nấc thang để lúc thăng tòa thuyết pháp bước lên đó.

Pháp tòa ngày nay các nước Phật Giáo đều còn gìn giữ trân quý. Vì đó là những nơi chốn tạo cho con người phát tín tâm với Tam Bảo. Ở Nhật pháp tòa là một cái bàn cao hơn mọi bàn và vị pháp sư vẫn ngồi dưới đất trên một cái bồ đoàn lớn. Pháp tòa của Đại Hàn được treo lên trên cao. Mỗi khi vị pháp sư thuyết pháp, pháp tòa được hạ xuống và thỉnh vị pháp sư thăng pháp tòa, sau đó pháp tòa sẽ được treo lơ lửng giữa hư không, vị pháp sư cứ giảng pháp và thính chúng nhìn lên hư không để nghe thuyết pháp. Pháp tòa của Việt Nam là những cái bàn cao và tốt nhất so với những bàn khác, nơi đó đặt một chiếc ghế hướng ra thính chúng, dưới chân Đức Phật và không nhất thiết phải làm ngay giữa chánh điện. Vị pháp sư sẽ đăng đàn thuyết pháp, trong khi Tăng chúng ngồi dưới đất để lắng nghe. Trung Hoa có lẽ cũng giống như vậy.

Trong luật Sa Di có kể rằng: Vua Đường Thái Tông vì trọng pháp nên đã làm một tòa trầm hương thật đặc biệt để mời Ngộ Đạt quốc sư thăng tòa thuyết pháp. Lúc đó Ngài Ngộ Đạt chỉ mang một tâm khinh mạn nhỏ mà nghiệp xưa lại nổi lên. Đó là một mụt ghẻ lở mọc lên nơi đầu gối biết nói tiếng người. Ngài Ngộ Đạt đau đớn và được biết rằng mụt ghẻ đó chính là một người chết oan hơn 500 năm trước tên là Triệu Thố, chỉ vì tiền thân của Ngài Ngộ Đạt là một quan xử kiện, nhưng xử không công minh, nên Triệu Thố đã bị chết oan và suốt 500 năm Triệu Thố luôn luôn rình rập để báo thù. Vì Ngài Ngộ Đạt suốt 500 năm đó tu hành nghiêm mật, chỉ có trong đời này vì sơ hở với một chút cống cao ngã mạn thường tình của con người mà phải trả quả. Sau đó Ngài phải đi đến một dòng suối, lấy nước đó để rửa thì mụt ghẻ mới lành. Do vậy có một quyển kinh ra đời mang tên là Thủy Sám. Thủy Sám có nghĩa là sám hối ăn năn qua oai lực của dòng suối nước để rửa sạch tội xưa. Tên gọi đầy đủ là Từ Bi Thủy Sám Pháp.

Chuyện tích trong Phật Giáo thì rất nhiều. Vì đạo Phật đã có mặt trên thế giới này hơn 2.500 năm lịch sử, cho nên nước nào cũng có và dựa theo những kinh điển xưa nay mà những câu chuyện thiện ác nhân quả, thiện ác báo ứng v.v... được tạo thành để giáo huấn nhân sanh.

Khi Ngài thăng tòa, thường thường Ngài cùng đại chúng tụng một ít kinh và thần chú. Tôi nghe tiếng Tây Tạng không hiểu, nhưng có lẽ là Bát Nhã Tâm Kinh. Vì câu thần chú “yết đế” sau cùng mà tôi đoán ra như vậy. Trong khi hành lễ Ngài và chư Tăng Tây Tạng rất tự nhiên khi niệm kinh, chú, lắc lư qua lại nhiều lần, nhưng đối với Phật Giáo Việt Nam và Trung Hoa đây là điều cấm kỵ. Vì liên hệ đến oai nghi, không được phép làm như thế. Có lẽ vì những nghi thức của Phật Giáo Tây Tạng kéo dài trong nhiều tiếng đồng hồ cho nên phải thay đổi cách ngồi như vậy để đỡ mỏi lưng chăng?

Đoạn đầu tiên của bài giảng Ngài Đạt-lai Lạt-ma đọc lại lời phát nguyện của Ngài Tsongkhapa đến với chư Phật và Bồ Tát, như Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, như Đức Di Lặc và Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát. Sau đó đến đảnh lễ Ngài Long Thọ (Nagarjuna) và Ngài Asanga là những đại luận sư về Bát Nhã và Tánh Không và cuối cùng Ngài đảnh lễ Ngài Dipamkara Atisa là bậc đạo sư đã hiểu và thực hành trọn vẹn sự giác ngộ qua sự gạn lọc tâm thức của chính mình.

Đây là một trong sáu pháp tu ngày xưa của chư vị Tổ Sư. Tiếng Trung Hoa gọi là Lục Môn. Tiếng Việt gọi là Sáu Pháp Môn tu hành để đi đến giác ngộ. Sáu Pháp Môn ấy là: Tán Thán, Lễ Bái, Sám Hối, Trì Tụng, Phát Nguyện và Hồi Hướng. Phàm tu theo các phương pháp của Đại Thừa mà thiếu một trong Sáu Pháp Môn này là một điều không thể chấp nhận được. Hành giả nên tán thán công đức của chư Phật, chư vị Bồ Tát và chư Thánh Tăng. Vì lẽ chúng ta sinh ra trong đời ác năm trược này không gặp được Phật, nhưng còn có cơ duyên học hỏi giáo pháp của Ngài qua sự truyền dạy của chư Tăng, quả là điều hy hữu. Do vậy chúng ta phải hết lòng tán thán công đức bất khả tư nghì ấy của chư Phật và chư vị Bồ Tát. Chư Phật và chư vị Bồ Tát xem chúng ta như con ruột của mình, các Ngài đã vì chúng ta mà mang chúng ta vào địa vị tối thắng. Các Ngài đã vì chúng ta mà quên đi những nhọc nhằn, chỉ nhằm một mục đích duy nhất là hướng chúng ta lên con đường giải thoát khỏi khổ đau sanh tử mà thôi.

Đức Đạt-lai Lạt-ma cũng đã giảng rộng về ý nghĩa Phật Pháp Tăng là gì. Vì lẽ trong hơn 10.000 người ngồi nơi hội trường ngày hôm đó không phải tất cả đều là những Phật Tử thuần thành, cho nên Ngài đã giảng những ý nghĩa căn bản này trước. Trong hàng thính chúng có đủ hạng người. Có người bác sĩ, có kẻ kỹ sư. Có người luật sư, có kẻ bác học. Cũng không thiếu những người thường dân, kẻ tò mò và những người thuộc các tôn giáo khác đến tham dự. Do vậy mà những buổi thuyết pháp công cộng như thế bắt buộc người giảng kinh phải đi từ thấp lên cao, nên gọi là Lamrim, Tiệm Tu cũng phải. Sau khi quy y Phật, chư vị Bồ Tát và các vị Thánh Tăng, người học đạo phải đảnh lễ vị Thầy của mình. Đặc biệt ở Phật Giáo Tây Tạng, Thầy dạy học mang một ý nghĩa rất cao thượng. Nhiều khi người học trò xem trọng Thầy dạy học của mình còn hơn cả Phật. Vì lẽ Phật đã nhập diệt, chỉ qua vị Thầy mà người học trò mới có thể thâm nhập vào biển trí tuệ Phật Pháp. Do vậy mà hình ảnh của vị Thầy rất quan trọng. Phật Giáo Trung Hoa và Việt Nam cũng thế, khi một Chú Tiểu mới vào chùa tu học, bắt buộc phải học về những oai nghi: đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, nói, tụng kinh, ngồi thiền, học đạo v.v... Chương thứ 2 của 24 oai nghi có ghi rõ rằng người học trò phải xem vị Hòa Thượng hay vị A Xà Lê giống như là thấy Phật. Do vậy tâm cung kính là tâm đầu tiên để đi vào cửa đạo. Nếu đi vào cửa đạo mà thiếu tâm cung kính này, tất đạo nghiệp khó thành. Tuy trong luật của Bắc Tông có dạy vậy, nhất là Phật Giáo Trung Hoa và Phật Giáo Việt Nam có hành trì, nhưng rất sơ sài, không như Phật Giáo Tây Tạng. Tôi đã đọc sách Milarepa, con người siêu việt, và nhiều sách vở khác đã thấy rằng cách đối xử của người học trò với Thầy quả thật là thế gian này khó ai có được. Milarepa một hành giả du già đã xây không biết bao nhiêu lần một căn nhà và cũng đã bị đập không biết bao nhiêu lần căn nhà ấy. Mỗi lần bị đập như thế, vị Thầy không nói một lời. Cuối cùng rồi ngôi nhà cũng xây xong, nhưng phải trải qua không biết bao nhiêu là sóng gió của cuộc đời. Lúc ấy tâm hành giả mới trở lại phẳng lặng và mới hiểu được thâm ý của Thầy mình muốn dạy điều gì.

Đặc biệt là Ngài Long Thọ (Nagarjuna) và Ngài Vô Trước (Asanga) là 2 vị Đại Luận Sư nổi tiếng về Tánh Không và Bát Nhã. Ngài Long Thọ sinh ra dưới gốc cây Juna nên đặt tên là Juna. Ngài cũng nhờ loài rồng mà thành đạo nên gọi chung tên là Nagarjuna. Ngài ra đời ờ vùng Nam Thiên Trúc, sau khi Đức Phật diệt độ chừng 700 năm. Tương truyền rằng Ngài đã xuống Long Cung và mang kinh Hoa Nghiêm về rồi mở tháp sắt truyền bá Mật Tạng. Ngài là vị Tổ Sư thứ tám Tông Hiển và Mật Giáo tại Ấn Độ.

Tại Bồ Đề Đạo Tràng, nơi Đức Phật thành đạo, Phật Giáo Tây Tạng cũng có thờ một bộ kinh Hoa Nghiêm trong một ngôi bảo tháp rất trang nghiêm. Vì đây là bảo pháp căn bản của Mật Tông. Sau khi Đức Phật thành đạo, Ngài đã nói kinh này trong 21 ngày nhưng không có ai hiểu nghĩa lý trong bộ kinh này, nên Ngài có ý nhập vào vô dư Niết Bàn, nhưng có một vị Đế Thích hiện ra nhắc lại lời nguyện cứu độ chúng sanh sau khi thành Phật của Ngài, nên Đức Bổn Sư của chúng ta đã đi đến vườn Lộc Uyển bên cạnh sông Hằng để chuyển pháp luân và nói pháp Tứ Diệu Đế tại đây.

Ngài Vô Trước (Asanga) là anh ruột của Ngài Thế Thân, có nơi gọi Thiên Thân. Ngài là Tổ của tông Pháp Tướng. Ngài đã chứng được Đại Thừa Không Quán nên nhân đó mà gọi Ngài là Asanga. Ngài Thiên Thân (Vasubandhu) cũng còn có tên là Tỳ Nữu Thiên. Vì cha mẹ của Ngài cầu Thế Thiên là một người nhân ái, nên đặt tên như vậy. Có người cũng nói rằng vì Ngài là em của Thiên Đế nên đặt tên như vậy. Trong truyện Thiên Thân có kể lại rằng:

«Ngài là người Bắc Thiên Trúc ra đời sau khi Phật diệt độ 900 năm. Cả 3 anh em trai đều lấy tên là Vasubandhu. Người anh cả còn có tên là Vô Trước (Asanga). Người em út có tên khác là Tì Lân Trì. Riêng Ngài vẫn gọi tên là Vasubandhu. Ngài lúc đầu xuất gia nghiên cứu theo Tiểu Thừa giáo. Sau khi thông hiểu Đại Tỳ Ba Sa luận rồi thì giảng cho đại chúng, mỗi ngày làm một vài bài kệ, tổng cộng làm 600 bài kệ, nên gọi là Câu Xá Luận. Sau Ngài nhờ Ngài Vô Trước chỉ bảo, sám hối tội tiểu chấp trước đây, định cắt lưỡi để tạ tội. Ngài Vô Trước bảo: Ngươi đã dùng lưỡi để phỉ báng Đại Thừa thì cũng phải cần dùng lưỡi mà tán thán Đại Thừa, như thế cũng được. Thế là Ngài Thế Thân bằng viết những bộ luận Đại Thừa như Duy Thức luận v.v... để tuyên dương rộng rãi giáo pháp Đại Thừa. Ngài thọ 80 tuổi và viên tịch ở nước A-Du-Xà».

Con đường đi đến giáo lý Đại Thừa là con đường trọng pháp, nhiều khi phải hy sinh cả thân mệnh mới cầu pháp Đại Thừa được. Nếu người nào dùng tâm thiển cận để cầu pháp Đại Thừa, chắc chắn Đại Thừa giáo sẽ khó phát triển nơi nội tâm của người đó. Đức Đạt-lai Lạt-ma đã dặn rất kỹ càng khi phát tâm hướng về giáo lý Đại Thừa.

Từ đoạn 1 đến đoạn 8 của bài kinh, suốt 3 tiếng đồng hồ của ngày 26 tháng 10 ấy, Ngài thuyết giảng những ý nghĩa về quy y Tam Bảo và đảnh lễ chư vị Tổ Sư cũng như các bậc Đại Luận Sư. Giữa buổi giảng Ngài ngừng một ít lâu để những người ngồi nghe có thì giờ dùng trà và sau đó Ngài trả lời những câu hỏi được viết bằng giấy và trao lên tận tay Ngài.

Vào lúc 18 giờ 30 đến 20 giờ 30 cùng ngày ông Bruno Baumann đã chiếu những hình ảnh về Phật Giáo Tây Tạng. Đêm này chúng tôi không tham dự. Vì lẽ đã dự lễ suốt cả ngày và nghe giảng cả 3 tiếng đồng hồ, nên quý Thầy quý Cô quyết định ở lại nhà nghỉ mát để nói chuyện về những Phật sự của Chi Bộ. Ai nấy cũng đều hoan hỷ sau một ngày dự lễ và nghe giảng và ai ai trong chúng tôi cũng đều phải công nhận là Đức Đạt-lai Lạt-ma có một sức gia trì rất mãnh liệt. Ai nhìn Ngài cũng sanh tâm hoan hỷ và phát tâm dũng mãnh trong sự tu hành.

 Ngày thứ hai

(27 Tháng 10 năm 1998 nhằm ngày Thứ Ba)

Đúng 9 giờ buổi thuyết pháp của Ngài bắt đầu, nhưng chúng tôi đã dậy sớm từ 6 giờ. Quý Cô và quý Chú lo phần điểm tâm còn dậy sớm hơn thế nữa. Món ăn là mì gói được đem theo từ chùa. Chỉ có buổi chiều, có nhiều thì giờ quý Cô mới nấu cơm và ăn nhiều món. Còn buổi sáng thì dùng đơn sơ thôi.

Ngồi trong ngôi nhà nghỉ mát, nhìn ra bên ngoài trời giông bão, được dùng những gói mì nóng hổi, nhớ đến những người bất hạnh hơn mình. Cũng trong giờ phút đó, có không biết bao nhiêu người không no cơm mà cũng đói tinh thần. Quả là tội nghiệp cho họ. Còn chúng tôi nơi đây có đầy đủ tất cả. Mặc dầu chỗ ở cũng không đầy đủ tiện nghi lắm, nhưng so với nhiều người ngủ ngoài xe hoặc trong lều vải quả thật chúng tôi hơn hẳn họ nhiều lần. Có một số người Việt Nam cũng đi tham dự, nhưng rất ít. Có nhiều lý do. Điều quan trọng là thì giờ và sau đó là vấn đề tiền bạc. Chúng tôi là những tu sĩ nên không phải đóng tiền ăn và tiền ở, nhưng những cư sĩ đi tham dự nào tiền xe, tiền ăn ở, tiền vào cửa v.v... mỗi người tiêu không dưới 1.000 Đức Mã cho 7 ngày ấy. Chúng tôi thấy cũng áy náy, sợ Ban Tổ Chức phải cưu mang cho mình nhiều quá, nên sau đó chúng tôi cúng dường một số tiền tương đương với tiền thuê phòng cho 20 người ở suốt trong một tuần lễ. Một số người Việt Nam đến từ Leipzig, họ cũng có duyên với Mật Tông Tây Tạng. Nhiều người Việt Nam trong hiện tại cũng chọn pháp môn này. Vì thích hợp với họ hơn. Còn chúng tôi là những Tăng sĩ Việt Nam, dĩ nhiên chúng tôi có chỗ đứng của chúng tôi. Chúng tôi chỉ học cái hay nơi giáo lý của Đức Phật, qua sự thuyết giảng của Đức Đạt-lai Lạt-ma, chứ không phải chúng tôi đi học ngôn ngữ hoặc văn hóa của Tây Tạng. Mỗi một nước có một ngôn ngữ riêng và một văn hóa riêng. Chúng tôi chỉ học hỏi tinh thần Đại Thừa qua kinh tạng Mật Giáo mà thôi.

Cứ như Ngài là một vị Bồ Tát hóa thân mà mỗi ngày Ngài đều ngồi thiền, trì kinh niệm chú cả 3 đến 4 tiếng đồng hồ. Do vậy chúng ta cần phải tinh cần hơn nữa, mới mong gặt hái được một chút gì nơi nội tâm, nhằm làm hành trang đi vào con đường thiên lý ấy. Điều ấy không đơn thuần, phải đòi hỏi một ý chí thật Đại Hùng Lực mới có thể vượt qua được chướng ngại và thử thách của cuộc đời trong khi thực hành tâm lợi tha như thế.

Khi Ngài bước vào hội trường, mọi người im phăng phắc đứng dậy để nghinh đón Ngài. Sau khi Ngài đảnh lễ pháp tòa và thăng tòa, Ngài ngồi xuống. Điều đầu tiên Ngài mỉm miệng cười chào tất cả mọi người. Mọi người hoan hỷ cười theo Ngài. Sau đó Ngài cùng với các vị Lạt Ma người Tây Tạng tụng kinh gia trì bằng tiếng Tây Tạng chừng 15 phút đồng hồ. Sau đó Ngài chào hỏi mọi người thông thường bằng tiếng Anh. Tuy Ngài nói tiếng Anh rất lưu loát, nhưng nhiều hôm Ngài nói rằng: Vì quý vị muốn thử khả năng tiếng Anh của Ngài, nên Ngài phải nói bằng tiếng Anh. Thế là những tràng pháo tay liên tục được nổ ran rồi dần dần lịm vào khoảng không vô tận ấy. Mọi người như tỉnh lặng lại để lắng nghe những lời vàng ngọc của Ngài.

Hôm nay suốt cả 5 tiếng rưỡi đồng hồ Ngài chỉ giảng có 2 phần từ phần 9 đến phần 10. Ngoài ra Ngài dành thì giờ để trả lời câu hỏi của thính chúng. Có nhiều câu hỏi cũng rất hay, học hỏi được. Vì những người này có nghiên cứu Phật Giáo, nhưng cũng có nhiều câu hỏi ít liên quan về đề tài thuyết giảng, nhưng cũng có lắm câu hỏi Ngài không trả lời. Ngài lấy lý do là điều ấy không nằm trong khả năng của mình. Tất cả đều khiêm cung, từ tốn. Cộng vào với ánh sáng trí tuệ của Ngài, đã làm cho nhiều người hiểu rõ vấn đề hơn. Từng tràng pháo tay lại liên tục được vang lên để đón mừng những câu trả lời được vừa ý nhất. Đó là sự thành công của diễn giả và của khán thính giả. Những điều đắc nhân tâm quan trọng hơn là những nội dung cao hoặc thấp của mỗi vấn đề. Trong tâm Ngài chỉ thuần có từ bi và trí tuệ, không bị phiền não, khổ đau giày vò cho nên lúc nào Ngài cũng tươi tỉnh và từ tốn với mọi người. Làm một vị Quốc Vương, vừa là một Tăng Vương không phải chuyện đơn giản. Vì có biết bao nhiêu điều phải giải quyết cho mọi người kể cả việc nhỏ cũng như việc lớn.

Những suy tư, những hành động của chính mình đã là những nguyên nhân để đưa mình đi vào con đường siêu việt hơn hay bị trầm luân trong biển khổ tử sinh. Chỉ có giáo lý của Đạo Phật mới giúp con người thoát ra những sự khổ đau dằn vặt này. Các vị Đạo Sư sẽ cho ta nhiều đề tài để thực tập về thiền quán, nhiều khi phải chịu đựng gian khổ suốt cả một đời người mới tìm ra lẽ đạo. Điều ấy tương ứng với việc các bậc Đạo Sư suốt cả một đời người thực hành Yoga để tìm ra trí tuệ siêu việt nhằm phá đi tự ngã của mình để tiến về một cái vô ngã trên thực tế.

Căn bản về tự do của tâm thức hướng đến sự giác ngộ là giá trị quý giá hơn cả vàng bạc. Vì chúng ta có sự tự do chọn lựa cho chính mình có một hướng đi chính đáng, mà hướng đi đó hướng tất cả nhân sinh vào con đường giác ngộ giải thoát kiếp nhân sinh đầy khổ đau và tục lụy này. Đây là một điều khó nắm bắt được. Nó cũng giống như tia điện chớp trên đời. Xẹt một cái thật sáng, rồi thoạt một cái đã mất đi. Tâm thức con người ta cũng giống như thế ấy. Tất cả những điều này người học Phật phải lãnh hội và tự biết lấy. Cả ngày lẫn đêm phải suy nghĩ và hành trì về sự hiện hữu của con người ngày hôm nay trong vũ trụ này. Ngài Tsongkhapa là một hành giả Du Già ngày đêm đã thực hiện trọn vẹn ý nghĩa này và cũng mong rằng mọi người được cởi bỏ sự phiền não để chứng vào địa vị bất thối.

Chiều hôm đó, sau khi nghe pháp về tại nhà nghỉ mát để dùng cơm, tất cả quý Thầy, quý Cô và quý Chú đều đồng ý với nhau là nên trở lại Hội Trường để tham gia đêm văn hóa của Phật Giáo Tây Tạng. Đêm văn hóa này có tên là: Những điệu múa linh thiêng và những bài ca Tây Tạng. Tăng Ni tham dự đêm văn hóa này đều không phải đóng lệ phí vào cửa 20 Đức Mã. Nếu là người thường thì phải đóng góp vào sự tốn kém này để chi viện cho đoàn vũ công đến từ Ấn Độ và trình diễn cho mọi người xem hôm đó.

Cả đoàn vũ đều là những Tăng sĩ bên trong được vận những Tăng bào Tây Tạng, bên ngoài đeo những mặt nạ hóa trang, những điệu vũ này có nội dung rất cao. Có tính cách triết học của Phật Giáo. Nếu chỉ nhìn vào y trang bề ngoài thì không đủ để diễn tả về sự biến chuyển của tâm thức. Phải đi sâu vào mỗi biến chuyển của mỗi nhân vật, chúng ta mới nhận ra được đâu là sắc, đâu là thọ, đâu là tưởng, hành, thức v.v... Đôi khi điệu vũ cũng diễn tả sự ham muốn của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý v.v... Tôi không biết rằng người Âu Mỹ xem có hiểu gì không? Vì lẽ đây là những điệu vũ trừu tượng rất xa lạ với họ.

Nếu tôi đoán không lầm thì họ hiểu những điệu múa này cũng giống như người Việt Nam khi xem phim, truyện Tây Du Ký thuật lại việc đi thỉnh kinh của Ngài Huyền Trang ở đời nhà Đường thế thôi. Người ta thấy Trư Bát Giới thì ai nấy đều cười cho cái ngố nghếch của anh này. Chỉ ham ăn, ham ngủ và ham gái đẹp, nhưng không ngờ rằng trong tất cả chúng ta qua sự biến đổi của ngũ căn này, ai ai cũng là Trư Bát Giới cả.

Rồi khi xem đến Tôn Ngộ Không có tài cân đẩu vân, với 72 phép thần thông biến hóa, nhưng không ai biết rằng đây là sự biến đổi tâm thức của mình. Vì tâm của chúng ta giống như khỉ chuyền cây và sự biến đổi của tâm giống như con ngựa không có cương vậy.

Rồi đến Sa Tăng ai cũng thấy anh chàng này sao mà cố chấp quá, nhưng đâu có ai ngờ rằng thức thứ 7 của mỗi chúng ta là Mạt Na Thức cũng còn gọi là thức chấp ngã ấy đã làm cho chúng ta phải mãi mãi đi đầu thai trong vòng sanh tử, tử sanh không bao giờ ngừng nghỉ cả.

Cuối cùng là Ngài Tam Tạng, chúng ta xem, thấy Ngài dường như tội nghiệp, cứ bị ma chướng rình rập, nhưng cuối cùng rồi Ngài cũng đến Tây Thiên để thỉnh kinh Vô Tự về lại quê hương của Ngài.

Đây chính là Tâm Vương hay còn gọi là A Lại Da Thức. Thức này là chủ trong mọi thức. Đây là ông Vua trong các ông Vua. Nếu ông Vua này ra lệnh dừng quân thì không có tướng tá nào dám xung phong cả. Việc chuyển thức thành trí rất khó. Đây là một luận án triết học về Duy Thức. Do vậy khi xem phim truyện cần phải tập trung tư tưởng rất nhiều mới lãnh hội được.

Xem các vị sư Tây Tạng múa hôm tối 27 tháng 10 năm 1998 cũng vậy. Tất cả có 5 vị. Mỗi vị tượng trưng cho sự biến đổi của một uẩn, để cuối cùng tâm thức biến ra con thỏ trắng. Có nghĩa là nghiệp đã sạch và tâm này đi đầu thai vào một thế giới cao siêu hơn. Có thể tôi chưa hiểu hết ý nghĩa của điệu múa, nhưng nếu nhìn điệu múa này dưới nhãn quan của Phật Giáo hẳn phải được hiểu như vậy.

Thỉnh thoảng những vị Sư mũ vàng ra tụng kinh, trì thần chú và họ hát qua các điệu lễ nhạc cổ truyền của Tây Tạng. Có những con ốc rất lớn, các vị Sư này thổi lên những âm thanh cao vút, phải đòi hỏi có nhiều hơi như người ta thổi sáo vậy. Có những cái tù-và hay những cái kèn dài đến 4 thước, phải hai ba người khiêng mới có thể di chuyển được. Ít có xứ Phật Giáo nào trên thế giới có những nhạc cụ to lớn như thế.

Phật Giáo Việt Nam cũng có những nhạc khí, nhạc cụ dùng cho các nghi lễ cổ truyền trong khi Chẩn Tế Cô Hồn hay đại đàn tràng, nhưng gọn gàng hơn. Nhạc cụ Việt Nam gồm có: 1 cây đàn cò, trống, khánh, bảo chúng, phèng la, mõ, phách, song lan, linh, tang, bảng gỗ, thủ xích, bảo cái, mâm hương v.v... Các nghi lễ cổ truyền của Việt Nam cũng kéo dài nhiều tiếng đồng hồ như thế. Thông thường một lễ Đại Trai Đàn Chẩn Tế như thế kéo dài ít nhất là từ 2 đến 4 tiếng đồng hồ. Những vị gia trì, những vị kinh sư đều là những vị đã được điêu luyện, có giọng ấm, hay và đầy thiền vị. Đặc biệt nơi nhạc lễ của Phật Giáo Việt Nam không có những nốt nhạc. Do vậy mà những người không quen, không thể ráp chung vào một giàn hòa tấu này được. Điều bắt buộc của Thiền gia Việt Nam là người gia trì hoặc kinh sư ấy phải ở chùa nhiều năm. Khi thấm tương chao thì giọng điệu mới cảm hóa được mọi người. Từ đó mới có thể tham gia vào các ban kinh sư này được.

Tại Đài Loan, nơi Phật Quang Sơn, Ngài Shin Yun Đại Sư, tức Hòa Thượng Tinh Vân khi giảng pháp cũng có một đoàn Tăng Ni thật hùng hậu hỗ trợ Ngài. Đứng chung quanh Ngài là những đoàn hợp tấu, hát những bài ca Phật Giáo. Ngồi thấp phía trước Ngài là những vị đệ tử xuất gia. Bên cạnh đó là một giàn nhạc và trước mắt Ngài và khán giả là những thiếu nữ múa hoa cúng dường. Đặc biệt nơi nhạc lễ của người Trung Hoa, họ ghi thành nốt nhạc được. Ngay cả Nhật Bản cũng thế. Riêng Phật Giáo Việt Nam thì chưa có. Trước đây 10 năm tôi đã cho xuất bản một quyển về «Lễ Nhạc Phật Giáo» cố gắng ghi lại những nốt nhạc khi tụng Bát Nhã cũng như khi tán rơi và tán xóc, nhưng người khác thực hành thì khó khăn vô cùng. Chắc rồi một ngày nào đó có những người chuyên môn về lễ nhạc họ sẽ tuyển chọn ra nhiều bài và nhiều nốt nhạc cho thật dễ để mọi người cùng có thể hòa âm theo.

Trong giới luật của Phật Giáo cấm không cho người xuất gia nghe âm nhạc thế gian và tự diễn xuất âm nhạc, nhưng ở đây vì lý do cúng dường chư Phật cũng như diễn tả lễ nhạc Phật Giáo để mọi người xem và hiểu về nội dung phong phú của triết lý này nên điều ấy không phạm giới. Vả lại ngày nay đời mạt pháp, giáo lý của Đạo Phật đã thay đổi rất nhiều, phải mang đạo vào đời, do vậy cần phải phương tiện nhiều hơn nữa.

Ngôn ngữ Tây Tạng tuy chúng tôi không hiểu, nhưng nhìn cách diễn xuất của các vị Sư, thấy rằng họ đã đạt được thành công cao. Vì lẽ tất cả mọi người đều diễn xuất hết lòng cho vai trò của mình vậy.

Xem múa hát Tây Tạng về, mỗi người bàn theo sự hiểu biết của mình. Người thì nói thế này, kẻ thì nói thế nọ, nhưng tựu chung tất cả cũng đều do sự biến hiện của Tâm Thức mà thôi. Đêm hôm đó chúng tôi ngủ một giấc rất ngon, mặc dầu trời bên ngoài đang mưa gió bão bùng.

 Ngày thứ ba

(28 tháng 10 năm 1998, nhằm ngày Thứ Tư)

Trời bên ngoài vẫn vần vũ mưa. Có lúc gió rất lớn, Ban Tổ Chức cũng có dự định cách thoát thân nếu cơn bão ập tới. Thế mà trong khi giảng, Đức Đạt-lai Lạt-ma vẫn an nhiên tự tại, khiến cho nhiều người phải lo âu. Vì lẽ, nếu căn lều chính và các căn lều phụ bị bay đi, cả 10.000 người ấy không biết sẽ về đâu.

Có điện thoại từ chùa Viên Giác lên cho biết là tầng hầm của chùa đã ngập lụt, điện, gas, nước, sưởi đều không có. Lúc nghe tin ấy tôi vẫn an nhiên. Vì nghĩ rằng bây giờ có lo cũng trễ rồi. Nguyên do là nước mưa xuống nhiều quá, cộng thêm gió bão, nên nước đã tràn vào từng hầm khiến cho đồ ăn dự trữ cho chùa và các đồ vật liên hệ bị hư hại rất nặng. Giá thành lên đến gần 100.000 Đức Mã tiền thiệt hại. Mãi cho đến hôm nay, khi tôi viết sách này là ngày 24 tháng 6 năm 1999 mà hãng bảo hiểm vẫn chưa trả lời có trả cho chùa số tiền ấy hay không? Lý do là tháng 10 năm 1998 rất nhiều nhà cửa bị lâm vào tình trạng như vậy chứ không phải chỉ là chùa Viên Giác. Nghe đâu hãng bảo hiểm đang kiện với thành phố. Thành phố thì không có tiền, nên cứ mãi giằng co. Người Hoa có câu tục ngữ là yau sui yau xien. Có nghĩa là: có nước thì có tiền. Hoặc người Việt Nam cũng có câu tục ngữ tương tự như thế: tiền vô như nước. Chùa Viên Giác này đúng vậy, nhưng tiền ra thì như gió, để bù lại với tiền vào của Phật Tử cúng dường.

Hồi nào đến bây giờ chùa Viên Giác chưa bị nạn này, nhưng năm 1998 là năm mà tai trời ách nước xảy ra khắp nơi trên thế giới và cả năm 1999 này cũng thế. Thời tiết đổi thay liên tục. Ở Việt Nam và Á Châu thì thiếu nước và hạn hán liên miên, trong khi đó ở Âu Châu thì lạnh quanh năm, dư thừa nước, hầu như không thấy mặt trời và ở đây thì dùng đến nhiên liệu cũng rất nhiều. Quả thật thế giới bất công, hay nói đúng hơn vì nghiệp lực của chúng sanh không đồng, nên thế giới mới tự cấu thành như thế.

Báo chí loan tin rằng: «Gió bão cấp 6, cấp 7, nóc nhà có thể trốc, nhưng Đức Đạt-lai Lạt-ma vẫn với nụ cười an lạc... Nhưng cũng may là gió không mang chúng tôi đi, nếu bị gió mang đi, chắc chắn sẽ là một đề tài để cho mọi người nơi đây đàm tiếu. Đây là xứ Thiên Chúa và Tin Lành, có hơn 1.000 năm văn hóa gắn liền với những sự thịnh suy của tôn giáo này, chắc chắn rằng không một sớm một chiều gì mà họ chấp nhận tôn giáo khác một cách dễ dàng. Mặc dầu Đức Đạt-lai Lạt-ma cũng khuyên họ là không nhất thiết phải rời bỏ Đạo Chúa, mới gọi là một Phật Tử, mà mọi người nên giữ Đạo của mình cũng có thể học và thực hành đạo Phật được. Nhưng đây có thể chỉ là nói thời gian đầu, sau khi đã phát tín tâm sâu với giáo lý Đại Thừa rồi, nhất là Kim Cang Thừa, thì không thể nào người ta không dứt khoát chọn cho mình một lối đi khác.

Sáng hôm đó Ngài đã làm lễ cầu nguyện sau khi thăng pháp tòa và sau đó là trả lời những câu thắc mắc của thính chúng, để rồi Ngài tiếp tục giảng đoạn thứ 11 trong kinh văn và suốt cả một ngày này 5 tiếng rưỡi đồng hồ, Ngài chỉ xoay quanh những vấn đề của đoạn thứ 11 này để giảng. Nội dung của đoạn này như sau:

«Không có cái gì để bảo đảm rằng: sau khi chết con người không bị sanh vào 3 đường dữ, nhưng để bảo đảm cho việc này là ba ngôi Tam Bảo, ba ngôi Tam Bảo sẽ giúp con người tự tin trước nguy cơ sa vào đường dữ. Vì lý do đó nên con người cần phải quy y với Tam Bảo. Con người cũng phải nghĩ đến sự biến đổi của nghiệp thiện và ác của chính mình. Phải chọn những hành động tốt để làm, xa lìa các ác pháp. Ngài Tông Khách Ba (Tsongkhapa) là một hành giả Du Già đã thực hành những phép tu này, con người muốn thoát khổ, nên Ngài cũng đã chỉ ra pháp môn như thế để mà tu hành.»

Đó là đoạn kinh văn chính của ngày hôm ấy. Đức Đạt-lai Lạt-ma lại một lần nữa đi sâu về vấn đề quy y Tam Bảo, về 3 cảnh khổ của địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh. Đồng thời Ngài cũng đã giảng rất rõ về nghiệp của chúng sanh và những sự cảm thọ khi đi đầu thai. Đến ngày hôm nay thì tôi bắt đầu cảm thấy thấm thía về những ví dụ của Ngài đã cho thính chúng nghe. Ví dụ rất đơn giản, nhưng ý nghĩa rất sâu sắc. Khi ví dụ về lạc - cái vui của thế gian - Ngài nói về niềm vui tạm bợ, nhưng mọi người đều cho là thật. Ví dụ như khi mới mua chiếc xe hơi, chúng ta rất trân quý, sửa soạn, lau chùi nhiều lần trong tuần, nhưng thời gian qua đi, người ta quên mất đi niềm vui và bổn phận này. Đó là cái lạc, cái hạnh phúc của thế gian. Tuy có đó nhưng mất đó. Nó không phải là một sự an lạc hoàn toàn trong suốt một cuộc đời hay nhiều cuộc đời tiếp theo đó. Duy chỉ có niềm vui nơi đạo pháp, sự an tĩnh nơi tâm hồn mới chính là niềm vui miên viễn, không sợ bị mất, mà cũng không sợ bị lãng quên.

Còn nói về nghiệp, Ngài đã ví dụ mỗi chúng sanh đều có một ly nước nghiệp. Ly nước ấy được cấu tạo bởi nhiều đời nhiều kiếp, nên nghiệp đã tích tụ lại toàn một màu đen. Có người thì đen đậm, có người ít đen hơn. Cũng có người nhờ tu nhiều kiếp nên ly nước nghiệp ấy đã biến đổi từ màu đen sang màu nâu và màu nhạt hơn. Để rồi một mai đây ly nước nghiệp ấy sẽ trắng dần, không còn một bợn nhơ nữa. Lúc ấy tâm thức đã «minh tâm kiến tánh», tức thành Phật. Mỗi ngày nếu mỗi hành giả tạo những công đức như: tán thán chư Phật trong mười phương vô biên pháp giới, lễ bái và sám hối tội lỗi của mình trong nhiều đời nhiều kiếp. Sau đó là trì tụng những bộ kinh Đại Thừa để cho tâm mình được liễu triệt giáo lý vi diệu của Đấng Thế Tôn. Tiếp theo là phát tâm Bồ Đề thật dõng mãnh để gieo trồng nhân duyên với chư vị Bồ Tát và chư vị Phật. Nếu người tu hành mà không phát lời thệ nguyện thì sẽ không thành được Thánh đạo. Cuối cùng là hồi hướng đến pháp giới chúng sanh. Cầu nguyện cho mọi người và mọi loài đều trọn thành Phật đạo. Những công đức tu học này là những giọt nước trong, mát, nhằm rưới vào tâm thức của chính mình, để rồi tự mình sẽ xa rời khỏi những trần lao phiền não ấy.

Câu hỏi được đặt ra là khi nào chúng sanh được hết nghiệp? Câu trả lời cũng đơn giản thôi. Chỉ khi nào chúng sanh tự tu học và tự tạo cho mình có đầy đủ công đức thì ly nước nghiệp kia sẽ sạch. Lúc ấy sẽ thành chánh quả. Điều này lệ thuộc hoàn toàn ở mỗi hành giả khi gia công tu học, chứ không lệ thuộc vào bậc đạo sư của mình hay lệ thuộc vào một đấng thần linh, chúa tể nào.

Đứng về phương diện hữu hình mà nói thì có địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh. Nghĩa là có 3 con đường khổ ấy. Có Niết Bàn, có chư Thiên có các vị Thần ở những cõi cao hơn, thì đương nhiên ở những nơi thấp hơn cũng phải có những chúng sanh như thế. Vì nghiệp nhân của mỗi một loài không giống nhau. Có người nặng, có người nhẹ và có người mới mất ở đây sẽ sinh nơi kia. Có kẻ mới mất ở kia lại sinh nơi đây. Trong nhiều kinh Đại Thừa như Hoa Nghiêm, Niết Bàn, Bát Nhã, kinh Đại Bảo Tích v.v... Phật đã nói cho mọi người và mọi loài biết rằng có nhiều thế giới, có nhiều vũ trụ, có nhiều hành tinh và có nhiều chủng loại chúng sanh sinh sống tại đó, nhưng nếu bằng con mắt bình thường giới hạn của chúng sanh thì không thể thấy hết được. Phải dùng con mắt trí tuệ của chư vị Bồ Tát và chư Phật mới có thể thấu suốt tam thiên đại thiên thế giới.

Lúc đó Đức Phật nói như thế, có lẽ chỉ có các hàng Bồ Tát tin. Còn mọi người đâm ra ngớ ngẩn. Ngày nay cũng vậy. Có nhiều người đến với giáo lý của Đạo Phật, nhưng không chấp nhận Đạo Phật một cách toàn diện. Họ vẫn còn nghi ngờ. Điều ấy không sao. Do vậy khoa học cứ mãi đi tìm cái tận cùng của vũ trụ. Bây giờ khoa học đã tìm đến Cung Trăng, đã lên tới Hỏa Tinh và đã đi xa đến vô tận, nhưng vẫn chưa có cái cuối cùng và chưa có cái bắt đầu. Như vậy người ta vẫn chưa thỏa mãn, vẫn còn đi tìm kiếm mãi, để rồi chắc chắn các khoa học gia cũng sẽ kết luận rằng: Con người cũng như vũ trụ này có từ vô thỉ và kết cuộc bằng chỗ vô chung. Điều này cũng sẽ đúng như lời nhà Bác học Abert Einstein: “Trong tương lai nếu có một tôn giáo nào phù hợp với khoa học thì đó phải là Phật Giáo. Phật Giáo không cần phải chạy theo sự phát triển của khoa học, mà trong giáo lý của Đạo Phật đã bao gồm tất cả những gì khoa học muốn tìm kiếm rồi.”

Điều ấy hẳn đúng. Vì trong khi cái này sanh thì cái kia diệt. Cũng như bóng tối đến thì ánh sáng phải đi. Chỉ đơn giản thế thôi. Đâu có ai hoài công để đi tìm cái bắt đầu của ánh sáng hoặc bóng tối. Cũng như thế đó, vô minh hết thì trí tuệ sẽ phát sinh. Khi nào nghiệp còn dính chặt, thì phiền não khổ đau vẫn còn. Khi nào nghiệp đã sạch thì tánh chơn thường lại hiển lộ. Thế giới này cũng tương tự như thế. Tất cả đều do tâm và thức biến hiện mà thành. Khi tâm thanh tịnh thì cảnh sẽ thanh tịnh. Khi tâm bất tịnh thì cảnh sẽ không thanh tịnh. Đức Phật thường ít trả lời về Niết Bàn cũng có ý nghĩa như vậy. Ngài thường nói rằng: Cũng giống như một người bị ngấm tên độc. Điều quan trọng là hãy tìm cách lấy mũi tên ra nhanh khỏi thân thể để chất độc khỏi thấm sâu vào. Đâu cần phải đặt câu hỏi rằng: Mũi tên này từ đâu bay tới? Làm bằng chất gì? Do ai bắn? v.v... Tất cả đều vô ích. Do vậy chúng sanh phải tự hiểu rằng nghiệp thức, nghiệp danh của mình đã bị nhiễm vào tâm thức, điều quan trọng là giải nghiệp trước thì thế giới an lành sẽ hiển hiện. Nếu nghiệp không giải thì không thể nào thấy được cảnh giới giác ngộ giải thoát.

Một lần khác Đức Phật cũng đã trả lời cho một số đệ tử của Ngài rằng: Cũng như người khát nước, khi uống một ly nước, biết sự đã khát như thế nào. Còn người không uống nước mà hỏi người kia rằng: Ông uống nước đã khát ra sao, thì chắc chắn người đã uống và đã cảm nhận được sự đã khát không thể giải thích. Đó là Niết Bàn, không nên giải thích mà cũng chẳng cố gắng để giải thích làm gì, khi người ta chỉ cố hiểu cho được mà không cố hành cho được.

Những người Âu Mỹ ngày nay họ cũng theo Đạo Phật, họ cũng cố gắng lắm, nhưng hãy thong thả. Vì dẫu sao đi nữa Đạo Phật đã có mặt trên quả địa cầu này hơn 2.500 năm rồi. Trong khi đó giáo lý của Phật Giáo mới truyền vào những đất nước này chừng 200 năm. Do vậy cần phải có nhiều thời gian để thành tựu cây giác ngộ này. Người ta không thể tu một đời hay một ngày mà thành Phật được. Ngay cả Đức Phật cũng phải trải qua vô lượng kiếp, cần phải có nhiều thời gian để thành Phật. Do vậy người Âu Mỹ cũng không nên nôn nóng làm gì. Đã làm được thân người là quý. Có thể tu trong kiếp này và những kiếp liên tiếp khác. Có nhiều người Âu Mỹ mới đi học Thiền chừng một vài năm đã trở thành Thiền sư và đi dạy đạo khắp nơi. Có nhiều người còn tiến bộ hơn, tu học theo Đại Thừa không cần Tăng Ni hướng dẫn, họ chỉ cần một số người cư sĩ trung kiên với sự giải thoát mà thôi. Điều ấy hẳn sai. Vì lẽ không có bất cứ ai trong chúng ta có thể trở thành người giỏi mà không cần thầy dạy. Thỉnh thoảng cũng có một số người tự làm được, nhưng số này rất hiếm. Cũng không có ai trong chúng ta không cần đi đến trường mà biết chữ. Do vậy, phải năng lui tới chùa chiền hay các trung tâm tu học để trau giồi thân tâm. Có như thế mới mong rằng tâm của ta mỗi ngày được nhuần nhuyễn một chút. Phật ở tại tâm là đúng, nhưng phải biết đúng cách khơi dậy tâm Phật ấy, chứ đừng hiểu lầm là muốn làm Phật không cần sự hướng dẫn của chư Tăng. Đó là một điều sai lầm.

Có một số các vị Thiền Sư xuất thân từ Á Châu khi sang giáo huấn tại Âu Mỹ, muốn hội nhập giáo lý Phật Giáo cho người Âu Mỹ một cách nhanh chóng cho nên đã lạm dụng danh từ cũng khá nhiều. Ví dụ trong Tăng Già (Sangha) không thể có cư sĩ hiện diện. Vì Tăng Già là một đoàn thể xuất gia, sống không gia đình và có cuộc đời ly dục. Còn người tại gia thuộc giới Ưu Bà Tắc cũng như Ưu Bà Di chứ không phải là Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Sa Di, Sa Di Ni hoặc Thức Xoa Ma Na được. Nếu tất cả chỉ là một thì Đức Phật không cần phải chia ra bảy chúng hoặc bốn chúng hoặc hai chúng làm gì? Phật đã dạy rõ ràng như vậy. Tại sao những người đi giảng đạo ngày nay lại làm sai lệch vấn đề như thế?

Tối hôm 28 tháng 10 năm 1998 tôi có cho một số quý Cô quý Chú về thăm chùa để xem tình hình nước lụt ra sao. Còn tôi vẫn ở lại Schneverdingen để nghe giảng. Tôi quan niệm rằng việc đã đến, cứ cho nó đến, khi qua rồi cũng không nuối tiếc làm gì. Bây giờ có về chùa cũng không thể làm cho tình thế tốt hơn được. Tôi có bảo quý Chú là về nói cho chùa an tâm là sau khi xong khóa tu học, tôi sẽ về và lúc ấy lo dọn dẹp cũng không muộn.

Tối này Hòa Thượng Geshe Thubten Ngawang có hướng dẫn về thiền Lamrim, nhưng chúng tôi không tham dự. Ngài là vị Đạo sư Tây Tạng có tiếng tại xứ Đức này. Ngài đến Đức cũng năm 1977 như tôi, nhưng tuổi Ngài lớn hơn tôi rất nhiều. Có thể nói rằng Ngài là linh hồn của Trung Tâm Phật Giáo Tây Tạng. Nếu không có Ngài thì Phật Giáo Tây Tạng tại Đức không phát triển được như ngày hôm nay. Ngài được Đức Đạt-lai Lạt-ma đề cử nhận nhiệm vụ lãnh đạo tinh thần cho Phật Tử Đức. Ngài có bằng Lharampa Geshe, có nghĩa là một Tiến sĩ Phật học. Học vị này rất hiếm và rất khó. Đức Đạt-lai Lạt-ma cũng đã hoàn thành học vị này. Chỉ tiếc một điều là Ngài Ngawang không nói tiếng Đức và cả tiếng Anh được nhiều, nên mỗi lần chúng tôi gặp nhau chỉ chào xã giao vài câu qua nụ cười của Ngài mà thôi. Những người Tây Tạng ở Đức rất ít. Do vậy mà Trung Tâm Tây Tạng tại Hamburg cũng chỉ toàn là người Đức, những ai vào tu ở đây đều phải học tiếng Tây Tạng. Đây là một ngôn ngữ khó, nhưng Christoph, Oliva và cô Carola cũng đã nghe và hiểu được một cách rất nhuần nhuyễn, nhờ đó họ đã dịch những kinh điển căn bản từ tiếng Tây Tạng sang tiếng Đức cho người Đức hành trì.

Mới đầu chỉ một vài người tu, nhưng nay thì 2 Trung Tâm tại Hamburg và Schneverdingen cũng đã có trên dưới 10 người Đức tu học tại đây. Sau Ngài cũng có nhiều vị Geshe đến Đức để dạy, nhưng có lẽ không hợp nên các vị này cũng đã không còn ở lại Trung Tâm Tây Tạng nữa mà đã đi nơi khác. Khi nói về lịch sử của Phật Giáo Tây Tạng tại nước Đức vào cuối thế kỷ 20 này, chắc chắn không thể thiếu sót công việc hoằng hóa của Ngài Geshe Thubten Ngawang trong suốt hơn 20 năm qua. Tất cả đều do nhân duyên vậy.

Tại chùa Viên Giác Hannover, tôi có đồng ý cho một số người Đức sử dụng 1 cho đến 3 căn phòng dùng làm chánh điện, văn phòng và một phòng cho vị Tăng cư ngụ. Nơi này Đức Đạt-lai Lạt-ma cũng đã làm lễ chú nguyện cho họ vào ngày 18.6.1995 nhân lúc Ngài đến chùa Viên Giác để thuyết giảng mấy tiếng đồng hồ tại đây. Hội này gọi tiếng Tây Tạng là Chöling. Hội do một ông Bác sĩ thuần thành tên là Dienemann làm Hội Trưởng và có độ chừng 70 hội viên. Hội sinh hoạt rất đều. Sau đó có mời một vị Sư bên Ấn Độ qua để hướng dẫn tinh thần cho Hội. Vị này cũng đã có bằng Lharampa Geshe. Vị này đến ở tại chùa Viên Giác, ăn cơm chung với chúng tôi, chỉ có hành trì pháp môn khác thôi. Sau một thời gian, giữa Hội và Thầy có chuyện không vui nên Thầy ấy đã ra lập Hội khác và nghe đâu Hội khác cũng không thành công. Thầy ấy lại có ý định lập một Hội khác nữa. Trong khi đó Hội Chöling tại chùa vẫn còn sinh hoạt đều đặn. Lâu lâu họ mời những vị cư sĩ Phật tử Đức đến diễn giảng.

Cuộc đời vốn có nhiều mặt, khó lường. Ai đúng, ai sai. Thời gian sẽ trả lời cho chúng ta biết. Chúng ta chỉ nên biết rằng: Tất cả đều do nhân duyên mà thành tựu, rồi tất cả cũng do nhân duyên mà tan rã thôi. Cuộc đời là thế đấy!

 Ngày thứ 4

(29 Tháng 10 năm 1998 nhằm ngày Thứ Năm)

Sáng nay trời thật tốt. Đúng như câu tục ngữ Pháp đã nói: “Sau cơn mưa trời lại sáng.” Mọi người lại ùn ùn kéo nhau về thành phố lều để nghe Đức Đạt-lai Lạt-ma giảng đạo.

Sau khi đảnh lễ pháp tòa 3 lần, Ngài thăng tòa và mỉm cười chào đại chúng. Ngài đối với ai cũng dường như quen biết, nên ai ai cũng cảm thấy gần gũi với Ngài. Nơi Ngài không có tâm phân biệt chủng tộc, ngôn ngữ, y phục, lễ nghi. Ngay cả những người Trung Quốc đến xâm chiếm quê hương Ngài, Ngài lúc nào cũng từ tốn, không bao giờ dùng những hành động thô bạo, mà Ngài luôn luôn chủ trương từ bi, không bạo lực, dẫu cho người đó có tìm cách sát hại mình và dân tộc mình đi chăng nữa. Đúng là lòng từ của một vị Bồ Tát như trong Bồ Tát giới kinh đã dạy: “Phàm người đã thọ Bồ Tát giới rồi thì không được giết hại người khác, dầu cho kẻ đó có giết cả cha lẫn mẹ mình đi nữa, cũng không được báo thù.” Tất cả chúng ta đều là huynh đệ với nhau từ vô lượng kiếp, nhưng vì vô minh nên mới quên nguồn cội thế thôi. Nếu có trí tuệ rọi soi, chắc chắn một điều chúng ta không thể giết hại lẫn nhau để giành phần sống cho mình vậy.

Ngài nói rất hay và rất nhiều trong mấy ngày qua, nhưng vì là những phần giáo lý căn bản, do vậy tôi không ghi chép. Nhưng bắt đầu từ hôm nay, tôi ghi chép vào tập vở của mình. Đôi lúc tôi chép lại từ phần dịch tiếng Anh, hoặc tiếng Đức, đôi khi tiếng Việt hoặc tiếng Pháp. Có nhiều lúc tôi mở sang những ngôn ngữ khác nghe và đối chiếu. Làm như thế một phần cũng cho đỡ buồn ngủ, nhất là những giờ giảng vào buổi trưa. Tất cả thông dịch viên đều là những người chuyên môn, mà chuyên môn nhất là những danh từ Phật Học.

Khi học một ngôn ngữ mới, không phải dễ dàng. Những người có ý chí thì mới có thể thành công được. Nếu ai hay lãng trí thì rất khó học nhiều ngôn ngữ. Dĩ nhiên ngôn ngữ chỉ học để biết qua thì không khó, nhưng đòi hỏi phải điêu luyện và nói đúng ngữ pháp thì mới gọi là người giỏi ngôn ngữ. Bất cứ ngôn ngữ nào cũng có sự đa diện của nó, nhất là ngôn ngữ bác học và ngôn ngữ bình dân, rồi bước sang ngôn ngữ chuyên môn cho đến các phạm trù đặc thù khác. Dĩ nhiên một người không thể học và biết hết mọi vấn đề, nên lúc nào chúng ta cũng cần phải tiếp tục học. Do vậy chúng ta có thể nói rằng: Ai cũng là Thầy của mình và mình cũng là Thầy của mọi người. Điều gì mình biết mà người khác không biết, mình chỉ vẽ cho họ, thì mình là Thầy họ. Còn điều gì họ biết mà mình không biết và họ chỉ vẽ cho mình thì họ là Thầy mình. Đơn giản như vậy thôi. Khi học phải có tâm cầu tiến, dầu cho kẻ hướng dẫn mình là ai đi chăng nữa cũng không thành vấn đề. Miễn sao mình học hỏi được cái hay cái đẹp là được rồi.

Sáng ngày 29 tháng 10, Ngài nói một ít tiếng Anh về sự chuyển động của thời gian và từ đó tâm thức chúng ta cũng thay đổi. Thời gian đối với Phật Pháp là vô cùng và không gian vô tận. Không có điểm bắt đầu và không có điểm kết thúc. Tất cả đều có và tất cả sẽ trở về không để rồi lại có. Đó là một định luật và một nguyên lý mà lâu nay các nhà khoa học vẫn cố gắng đi tìm, để ngày càng đến gần hơn với giáo lý Đạo Phật.

Đức Đạt-lai Lạt-ma thường nói: “Khi ta thương yêu thì trong tâm không có sự ghét bỏ. Ngược lại, khi trong tâm mình ghét ai đó thì tâm ấy không có chỗ cho sự thương yêu.” Bởi vậy, nếu một người luôn luôn thực hành hạnh từ bi, lợi tha thì chắc chắn trong tâm của họ sẽ không có chỗ cho hận thù và ích kỷ. Tất cả đều do tâm tạo. Nên tâm dẫn đầu tất cả các pháp là vậy.

Ngài cũng đã dạy cho thính chúng biết rằng, mọi người nên nương tựa vào Tam Bảo. Vì đây là nơi chốn an lành nhất, nơi mà người ta khó đi vào con đường ác. Ngoài ra nên cung kính, tôn trọng giáo pháp của chư Phật mà ta quy y. Vì bản thể của pháp là giúp con người sớm thoát ly sanh tử luân hồi.

Tiếp đó Ngài giảng về Thập Thiện và Thập Ác. Gồm có thân 3, khẩu 4 và ý 3. Thân có 3 gồm gồm: không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm. Khẩu có 4 là: không nói dối, không nói lưỡi đôi chiều, không nói lời thêu dệt, không nói lời hung ác. Ý có 3 là: không tham, không sân và không si. Ngược lại 10 diều Thiện này là 10 điều Ác. Những hành động của Nghiệp do vô minh mà tồn tại. Nếu vô minh diệt thì mọi cảnh giới đều tan theo, để chỉ còn lại tự tánh của Niết Bàn. Có những nghiệp không phải do đời này tạo ra, mà do từ trong vô lượng kiếp chúng sanh huân tập thành. Đây thuộc về tánh tội. Ví dụ như sát sanh, trộm cướp, tà dâm. Những lỗi của các giới này không phải chính đời này tạo, mà còn liên hệ với nhiều đời trước, nên khi sinh ra, con người đã có khuynh hướng phạm những giới này. Còn những giới khác thuộc về khẩu thì do sự huân tập trong đời này mà có, nên giới này có thể xếp vào tướng tội. Tướng tội thì có thể thấy và sửa đổi ngay, nhưng những gì thuộc về tánh tội thì không phải dễ. Vì lẽ căn bản, cội rễ đã mọc sâu từ trong đời quá khứ rồi, do đó rất khó diệt trừ, nhưng nếu chúng ta quyết tâm thì mọi việc sẽ thành tựu.

Tham, Sân và Si cũng thế, đây gọi là tam độc. Muốn trừ 3 tội lỗi này phải lấy giới, định, huệ làm đầu. Giới, Định, Huệ là chiếc thuyền chở hành giả qua bên kia bờ giác ngộ. Nếu ai thực hành được 10 giới căn bản này sẽ được sanh thiên. Ở nơi các cõi trời ấy sẽ đời đời hưởng nhiều lạc thú với sắc đẹp của chư Thiên và khi phước báo đã hết, những người tại cõi sắc ấy có thể trở lại làm người mà cũng có thể đi cảnh giới khác trong 6 nẻo luân hồi.

Sáng ngày 29 tháng 10 năm 1998 Ngài nói đoạn thứ 12. Đây là đoạn chót trong phần tu căn bản. Từ đoạn 1 đến đoạn thứ 12 dạy rằng các chúng sanh nào tu theo các phép này hãy bỏ tất cả các việc ác, nên làm tất cả các việc lành. Nội dung của đoạn thứ 12 như sau: Muốn thành tựu được con đường cao hơn, người học Phật phải hoàn thành những điều căn bản này. Khi nào người ta chưa tỏ ngộ được, chắc chắn sẽ không thể tiếp tục đi xa hơn nữa. Vì lẽ đó nên Ngài Tsongkhapa khuyên chúng ta nên tìm lại những nguyên nhân sinh tử của chính mình. Vì nó rất quan trọng mà chúng ta đã bị vô minh che khuất, do vậy nghiệp thức của chúng ta vẫn mãi trầm luân. Hãy dùng tự lực của chính mình trừ bỏ chúng để đi đến con đường giác ngộ cao hơn. Ngài Tsongkhapa là một hành giả Du Già đã luyện tập phương pháp này. Nếu quý vị muốn giải thoát, mọi người nên tu tập như thế.

12 đoạn trên tuy đơn giản, gọn gàng, nhưng rất quan trọng. Vì hành giả, những người tu học hạnh giải thoát mà không thông suốt những căn bản này, cũng như không dựa trên những phép tu căn bản này mà thực hành thì chắc chắn những đoạn đường đi sau khó có thể thành tựu được. Đây cũng giống như 12 nấc thang của con đường tiệm tu lên quả vị Phật.

Đến đoạn thứ 13, Đức Đạt-lai Lạt-ma đã nói về phương pháp tu tập để diệt trừ bản ngã.

Cũng đừng khổ công để quán chiếu về một phần sự thật của khổ đau và cũng chẳng cần nỗ lực khi hành giả chưa hiểu được nguyên nhân từng bước một mình bị trói buộc trong thực thể hiện tại. Vì nếu như vậy hành giả chẳng thể hiểu được cách nào để rời khỏi cái cội rễ của sanh tử ở thế giới Ta-bà này. Cho nên hành giả phải xa rời các nguyên nhân cội rễ và tìm cách phát triển nhận thức một cách đầy đủ về sự hiện hữu này. Hãy chấp nhận thực tại hiện hữu này đang ở trong vòng sanh tử. Ngài Tsongkhapa là một hành giả của Du Già, người đã thực hành theo con đường đó. Nếu mọi người muốn thoát khổ, cũng nên thực hiện như Ngài.

Đức Đạt-lai Lạt-ma đã nói sơ qua về nội dung 400 bài kệ của Ngài Thánh Thiên (Thế Thân). Hãy loại bỏ Vô Minh để diệt trừ bản ngã và những điều kiện này, hành giả phải ở vào bậc trung mới có thể thực hiện được.

Điều căn bản của Đạo Phật là sự giác ngộ và giải thoát. Muốn vậy phải diệt trừ tà kiến và bản ngã.

Thế nào là tà kiến? Tà kiến là những điều thấy sai, mà mình chấp cho là đúng. Thấy tà mà cho là chánh. Vì do sự chấp trước của mình và vì sự chấp ngã của mình nên mới sinh ra như vậy. Ví dụ người đi đường vào lúc giữa trưa thấy trên mặt đường có nước, nhưng điều ấy không có thật.

Không có một vật gì trên đời này là có tự ngã cả. Ngay cả con người và cái thân tứ đại này. Lúc nào chúng ta cũng cho rằng cái này là của ta, cái này thuộc về ta, nhưng tất cả chẳng phải của ai cả mà chỉ là do nhân duyên hội tụ. Thuận duyên thì ở, hết duyên thì đi, chúng thay đổi tùy theo nhân duyên bên ngoài. Do vậy không nên chấp chặt vào bất cứ một sự hiện hữu nào hết. Vì tất cả mọi sự hiện hữu trên thế gian này cũng chỉ là một sự giả danh mà thôi. Nếu quán chiếu mọi vật trên thế gian này đều vô thường, khổ, không và vô ngã, cũng như mọi vật đều phải thay đổi qua bốn giai đoạn: Thành, Trụ, Hoại, Diệt (không) thì không có gì để chúng ta luyến tiếc cả. Ngay đến thân mệnh của mình cũng vậy.

Không phải loại bỏ môi trường chung quanh chúng ta đang sống, mà chúng ta nên loại bỏ những nỗi khổ trong tâm của chúng ta, để chúng ta có được sự an lạc. Nhiều người hiểu lầm rằng sự an lạc có từ bên ngoài, nên cứ mãi tìm ở hoàn cảnh chung quanh, nhưng điều ấy vô ích. Vì sự an lạc, hạnh phúc người ta không thể mua ngoài chợ được. Đức Đạt-lai Lạt-ma cũng đã có lần nói như thế tại chùa Viên Giác vào ngày 18 tháng 6 năm 1995. Sự an lạc này không ai mang đến cho ta, mà chính chúng ta phải tự loại bỏ những khổ đau trong tâm của mình, tức chúng ta sẽ có an lạc. Bởi lẽ tâm của chúng ta hay chấp trước và nhận hết tất cả cái hay lẫn cái dở, cả cái xấu lẫn cái tốt. Bây giờ tu học có nghĩa là chúng ta tự loại bỏ những gì không cần thiết đó ra ngoài tâm thì sự an lạc tự nhiên sẽ đến với chính mình. Điều này rất quan trọng. Do vậy nhiều người đã nói rằng: Trở về với Đạo Phật là trở về với chính mình, trở về với nội tâm của mình, chứ không phải hướng ra bên ngoài để tìm cầu Phật, mà phải hướng vào phía bên trong để truy tìm.

Để giải thoát khỏi sự vô minh trong thập nhị nhân duyên, Ngài đã giảng rõ từ Vô Minh đến Hành, Thức, Danh sắc, Lục nhập, Xúc, Thọ, Ái, Thủ, Hữu, Sanh, Lão Tử. Vô Minh là những sự phiền não của thời quá khứ có cội gốc từ vô thỉ dẫn đến việc gây thiện ác dựa vào đời quá khứ, nên gọi là Hành. Sau đó tâm thức của chính mình nương tựa và nghiệp của đời quá khứ mà thụ thai để vào trong đời hiện tại. Sau đó bào thai có cả Thức gọi là Danh, có cả tướng gọi là Sắc. Tiếp theo là 6 căn: Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân, Ý tiếp xúc với 6 trần chạm với sự vui buồn, não hờn v.v... nên gọi là Xúc. Sau khi Xúc thì sinh ra sự cảm thụ sự vật, cảm thụ đối tượng để từ đó sinh ra Ái nhiễm và sau khi biết yêu thích rồi thì chỉ muốn giữ riêng cho riêng mình mà thôi, nên gọi là Thủ. Giai đoạn kế tiếp là tìm cách chiếm hữu vì cho đó là của mình và đây là cái nhân để gây ra nghiệp trong tương lai và sinh ra tiếp tục để rồi già và chết. Lại trôi vào vòng luân hồi sanh tử để sanh sanh diệt diệt.

Nếu vô minh mất đi thì mọi thứ đều mất. Nhưng diệt vô minh rất khó, mà người ta phải tìm cách diệt ái dục trước. Trong 12 mắt xích của Thập Nhị Nhân Duyên, Vô Minh và Ái Dục dẫn đầu để ta phải bị chìm sâu vào trong vòng luân hồi sanh tử là vậy. Các vị Bích Chi Phật quán lý nhân duyên để một là chán sanh tử, hai là biết vô thường, không thực, rồi đoạn hoặc nghiệp mà chứng Niết Bàn.

Đức Đạt-lai Lạt-ma giảng một đoạn rất hay, tôi đã chép lại như sau: “Muốn được sự an vui, người ta không thể bọc cả quả địa cầu này bằng nhung để khi đi chúng ta khỏi đau chân, mà ngược lại mỗi người trong chúng ta phải tự bọc nhung bàn chân của mình, bằng cách tu thập thiện pháp, để khi đi trên quả địa cầu này, chân của chúng ta không bị đau. Tất cả mọi người đang tu học, nên lấy điều này làm căn bản”. Đây là một đoạn văn giảng mà tôi rất ưng ý. Vì lẽ, dầu cảnh giới đẹp bao nhiêu đi chăng nữa, mà đem tâm uế trược của chúng ta thả vào thì cảnh sẽ uế ngay. Hãy đem tâm thanh tịnh thả vào cảnh uế trược, cảnh ấy sẽ biến thành Tịnh Độ. Do đó không cần phải bọc nhung cả quả địa cầu, mà mỗi người trong chúng ta hãy tự bọc nhung bàn chân của mình thì khi đi chúng ta sẽ không bị đau. Sự tu học là như thế đó. Người nào hiểu được nguyên tắc này là hiểu được Phật Giáo. Nếu cứ mãi tìm cầu bên ngoài để tìm một ơn cứu rỗi, chắc chắn sẽ không bao giờ có.

Muốn hiểu được những điều này phải biết về Tánh Không, mới có thể nắm rõ vấn đề. Vậy Tánh Không là gì? Đó là Chân Như, là Niết Bàn vậy. Chân Như người ta không thể nắm bắt được, nhưng Chân Như hiện hữu. Niết Bàn không phải là một nơi chốn, mà là một trạng thái thoát ly khỏi cái khổ của sanh tử luân hồi, không còn sanh diệt và bị vô thường biến đổi nữa nên gọi là Niết Bàn.

Sau phần giảng buổi sáng, Ngài và chư Tăng đã tụng một bài kinh ngắn cũng như Thiền định trong 10 phút để mọi người nghỉ ngơi, dùng trưa và tiếp tục giảng vào buổi chiều. Thời gian buổi trưa cũng là thời gian để mọi người làm quen với nhau và tìm hiểu nhau về các Tông phái đang tu tập khắp nơi trên thế giới này.

Chiều ngày 29 tháng 10 năm 1998 Ngài nói sâu về ái dục. Nếu muốn phát tâm ly dục để giải thoát, cần phải tư duy sâu sắc về ái dục để cầu ra khỏi nơi này. Ngài Thánh Thiên nói rằng kẻ thù của chúng ta là ái dục. Phải từ bỏ ái dục mới đến Niết Bàn được. Ái dục là một bóng ma, một sự giả danh không thật tướng, nhưng tất cả chúng ta đều lầm tưởng đó là thật. Khi bị ái dục lôi cuốn vào con đường sanh tử rồi thì suốt muôn năm vạn kiếp khó có thể ra khỏi chốn trần lao tội lỗi này. Nó như một giọt mật thoa lên bên ngoài một cái bánh có vị cay và đắng. Mọi người vì khát nước, lúc thấy giọt mật, đã lấy làm ngon. Cho nên mới châu đầu vào nơi quyến rũ này, đến lúc hay ra chất đắng của cuộc đời thì đã trễ rồi. Khi thấm thía sự đắng cay của ái dục thì nhiều người chán nản, nhưng liền sau đó cái vui tạm bợ lại đến, con người lại tiếp tục vùi đầu vào cái khổ của trần lao sanh tử luân hồi. Do vậy, người tu theo Phật Pháp muốn chứng đắc quả vị Niết Bàn không thể đeo đuổi tâm tham đắm của ái dục được. Phải tự lực chính mình phát tâm xa lìa và cầu vào tha lực của chư Phật, chư Bồ Tát để được hộ trì. Khi nào ái dục không còn ngự trị trong tâm ta nữa, lúc bấy giờ tâm ta sẽ khởi lên một sự an lạc. Chúng ta phải quán sát những hành khổ, hoại khổ và hoại hoại khổ. Vì đây là những chơn lý nhiệm mầu nhất để chúng ta hiểu rõ về bản chất của sự vô thường.

Ví dụ về hoại khổ - Ngài cũng đã cho một thí dụ cụ thể như khi chúng ta mua một căn nhà hay một chiếc xe, ban đầu thì rất vui vẻ về cái mới cái đẹp ấy, nhưng sau một thời gian cái nhà và chiếc xe cũ đi thì cũng tự tâm mình không còn thích thú với những vật ấy nữa. Cũng chính tâm ấy, chúng ta yêu thương những thứ ta thích. Rồi cũng chính tâm ấy chúng ta lại ruồng bỏ nó. Điều này chứng tỏ rằng tâm của chúng ta luôn luôn thay đổi và vật thể cũng không trường cửu với thời gian nên gọi là hoại khổ.

Ngài cũng nói qua về Trung Quán Luận của Ngài Long Thọ và Duy Thức học của Ngài Thế Thân. Nơi đây cũng xin mở ngoặc nói sơ qua những điều căn bản về Trung Quán Luận và Duy Thức học. Trung Quán Luận cũng còn gọi là Trung Luận (Madhyàmaka-Sàstra) gồm 4 quyển do Bồ Tát Long Thọ (Nagarjunna) soạn, Bồ Tát Thanh Mục chú giải, Ngài Cưu Ma La Thập đời Diêu Tần dịch sang tiếng Trung Hoa, là một trong 3 bộ kinh luận căn bản của tông Tam Luận. Luận này chủ trương Trung Đạo triệt để nhất. Có tất cả 496 câu kệ, 27 phẩm, trong đó 25 phẩm đầu nói về phá sự mê chấp của Đại Thừa, 2 phẩm sau nói về sự mê chấp của Tiểu Thừa. Đây là thuyết Trung Đạo Bát Bất, tức Trung Đạo vô sở đắc và là tư tưởng của Bát Nhã. Gồm 27 phẩm như: Phá nhân duyên, Phá khứ lai, Phá lục tình, Phá ngũ ấm v.v... Trong hiện tạng, luận Thuận Trung, 2 quyển do A Tăng Khư chú thích, Cù Đàm Bát Nhã dịch, Bát Nhã đăng luận thích, 15 quyển Phân Biệt Chiếu Minh Bồ Tát giải thích, Ba La Phả Cu La dịch, và Đại Thừa Trung Quán Thích Luận 9 quyển, An Tuệ giải thích và Duy Tịnh v.v... dịch, đều là những tác phẩm khác có xuất xứ từ Trung Luận của Long Thọ. Tây Tạng cũng có 2 học phái của Trung Quán.

Phật Giáo Tây Tạng đi sâu vào Trung Quán và triết lý Tánh Không và đã xiển dương tinh thần Đại Thừa giáo một cách tích cực nhất. Do vậy Trung Quán Luận ngày nay mọi người Âu Mỹ cũng đang nghiên cứu đến. Tại Âu Châu, nền triết học dựa trên nhất thần luận, hoặc nhị nguyên luận hay tam đoạn luận. Trong khi đó thì Phật Giáo lại chủ trương: «Phi nhất phi nhị, thị vi trung đạo». Có nghĩa là không một mà chẳng hai. Đó là con đường đi vào Đạo Phật. Trong một có tất cả và trong tất cả hàm chứa cái một trong đó. Cái này mất đi thì cái kia sinh. Cái kia sinh thì cái này diệt và cứ thế do nhân duyên mà hòa hợp rồi lại do nhân duyên mà biến đổi.

Bước sang lãnh vực Duy Thức học (Vijñāptimātratā) của Ngài Thế Thân (Vasubhandu) chúng ta nên tìm hiểu cho cặn kẽ thêm. Mātratā dịch là duy, vijñāpti dịch nghĩa là thức. Duy có nghĩa là giản biệt, riêng biệt, duy nhất, vì ngoài thức ra không có pháp nào khác nên gọi là Duy. Thức có nghĩa là liễu biệt (hiểu biết, phân biệt). Các tâm liễu biệt nói đại lược thì có ba loại, kể rộng thì có tám loại, đều được gọi là Thức. Nhưng Duy Thức là một danh số phức tạp của ba Thức hoặc tám Thức, không có nghĩa là chỉ một Thức. Kinh Hoa Nghiêm theo nghĩa Tập Khởi thì gọi là Duy Tâm, Duy Thức luận lấy cái nghĩa liễu biệt thì gọi là Duy Thức, nhưng thể của nó thì vẫn là một. Ngoài ra, Duy Tâm thì bao gồm cả nhân và quả, còn Duy Thức thì chỉ nói về nguyên nhân (nhân vị) mà thôi.

Ba loại Thức gồm:

1. Sơ năng biến (Thức thứ tám)

2. Nhị năng biến (Thức thứ bảy)

3. Tam năng biến (Sáu thức trước)

Tám loại thức gồm từ nhãn thức cho tới A Lại Da thức. Nghĩa Lâm chương quyển 1 định nghĩa rằng: «Thức là Tâm. Tâm là cái căn bản của việc nhóm khởi tạo tác, nên kinh gọi là Duy Tâm. Tâm là căn bản của sự phân biệt, hiểu biết, nên luận gọi là Duy Thức. Nghĩa của kinh thì bao gồm cả nhân và quả, nên gọi chung là Duy Tâm. Nghĩa của luận chỉ giới hạn ở nguyên nhân, nên gọi là Duy Thức. Thức có nghĩa là hiểu biết, phân biệt. Ở nguyên nhân, Thức dùng mạnh hơn. Nói Thức là Duy (chỉ có cái thức) ý nghĩa của nó là ở chỗ chỉ có một không có hai.»

Duy Thức Nhị Thập Luận nói: «Tâm ý thức hiểu biết được về sự sai biệt của cái danh».

Duy Thức thuật ký quyển 1 nói: «Duy có 2 nghĩa. Một là giản biệt, riêng biệt, che đậy cái chấp hư vọng, chỉ có một cái Thức mà thôi. Ngoài tâm ra không có cảnh. Hai là có tính quyết định, xa lìa cái số tăng giảm. Đại thể là Duy quyết định có 3 loại Thức. Quảng quyết định có tám loại Thức». Còn chỉ: pháp phân biệt thành 5 pháp: 1. Tâm - 2. Tâm sở - 3. Sắc - 4. Bất tương ưng - 5. Vô vi. Trong đó, bốn cái trước là Sự, một cái sau là Lý, gọi là Ngũ pháp Sự Lý (Từ Điển Phật Học Hán Việt trang 324-325).

Ngài Long Thọ nói: Một hành động được chấm dứt thì một hiện tượng khác sẽ được phát sanh. Sự chấm dứt tương tục của Ngã, không nhất thiết phải là chấm dứt hết tất cả. Vì nó tùy thuộc vào nhân của nó. Do vậy sự chấm dứt của một hiện tượng là kết quả của nhân đời trước và trở lại làm nhân của đời sau. Cứ cái này sanh đây thì cái kia sẽ bị hủy hoại, cứ thế mà tiếp tục tương duyên với nhau để tạo thành một chuỗi dài của luân hồi sanh tử. Ví dụ về trường hợp tương duyên liên tục này theo phép tu Lamrim của Ngài Tông-khách-ba (Tsongkhapa) nói về Thân Trung Ấm được định nghĩa về nguyện và sự ái nhiễm hiện tượng của sự chết. Nếu chấp nhận có sự hiện hữu của giai đoạn giữa, tức là có một Thân Trung Ấm. Điều ấy có nghĩa là một thân thể khác khi tâm thức mới lìa khỏi xác và là cái nhân của cái thân đi đầu thai tiếp tục sau này, nên gọi là Thân Trung Ấm. Thân Trung Ấm có giá trị ngắn dài tùy theo nhân duyên và nghiệp lực để đi đầu thai. Thông thường là 49 ngày và sau đó Thân Trung Ấm chấm dứt.

Nói về Tánh Không, Đức Đạt-lai Lạt-ma cũng có giải thích rằng: Tất cả chỉ là những hiện tượng và hiện tượng giới, chứ không có cái gì có thật cả. Do vậy phải phá chấp về cái Ngã để diệt trừ tất cả những khổ đau. Vì tất cả những hiện tượng này đều do nhân duyên tạo thành, nhưng vì tâm chấp trước cho nên mới có những sự đầu thai liên tục từ kiếp luân hồi này đến kiếp luân hồi khác không bao giờ dừng nghỉ. Chỉ khi nào buông xả được tâm chấp trước thì niệm vị lai sẽ gần kề. Niệm vị lai ấy có thể là gần kề. Niệm ấy có thể là Phật, là Bồ Tát, nhưng cũng có thể là phải tái sinh vào những thế giới thấp kém hơn, nếu cái chấp ngã ấy vẫn còn hiện hữu ở một hình thức nào đó. Nếu muốn thực hành điều này phải đi sâu vào Chỉ. Có nghĩa là phải dừng tâm mình lại. Lúc đó tâm sẽ thay đổi. Chắc chắn một điều là tâm sẽ định và điều kiện căn bản của việc này là phải giữ giới. Khi giữ giới sẽ sinh ra Định và Định sẽ làm cho chúng ta hiểu rõ về Tánh Không.

Trước tiên chúng ta nên hiểu rõ Lục Diệu Pháp Môn là gì nơi Thiền Tông khi quán các pháp và sau đó chúng ta sẽ đi vào từng chi tiết một.

Đó là 6 cửa ngõ vi diệu để tu chứng giải thoát. Gồm: Sổ tức môn - Tùy tức môn - Chỉ môn - Quán môn - Hoàn môn và Tịnh môn.

Sổ tức có nghĩa là đếm hơi thở. Tâm của ta luôn luôn dao động, không ở nguyên một chỗ, ví dụ như ly nước, nếu chúng ta lắc mạnh hoài thì cặn bã sẽ nổi lên. Bây giờ nếu chúng ta để ly nước yên thì cặn bã sẽ lắng đọng xuống. Chúng ta phải theo dõi hơi thở của mình, khi hít vào thở ra đếm một, sau đó là hai, ba cho đến mười. Rồi từ mười trở lại chín, tám, bảy, sáu, năm, bốn, ba, hai, một. Cứ như thế liên tục đếm, đếm không suy nghĩ gì cả. Tuy nhiên thỉnh thoảng chúng ta vẫn bị quên. Sự quên đó có nghĩa là tâm ta vẫn còn hôn trầm, tâm ta vẫn còn những phiền não dấy lên trên ly nước nghiệp đó. Sau một thời gian theo dõi hơi thở thuần thục rồi chúng ta phải luôn luôn tỉnh thức, biết mình đang làm gì lúc ngồi thiền, biết đếm tới đâu và biết tâm mình thay đổi như thế nào, cho nên gọi là Tùy.

Giai đoạn kế tiếp Chỉ và Quán (Samatha, Vipasyanà). Dịch ra chữ Hán có nghĩa là Chỉ Quán, Định Tuệ, Tịch Chiếu, Minh Định. Chỉ có nghĩa là đình chỉ (dừng lại), đình chỉ ở Đế lý bất động. Đó là căn cứ vào cái năng Chỉ mà gọi tên. Chỉ còn có nghĩa là Chỉ Tức (chấm dứt), tức là tức vọng niệm. Đó là căn cứ vào cái sở chỉ mà gọi tên. Quán có nghĩa là quán đạt, tức là quán trí thông đạt sát hợp với chân như. Đó là căn cứ vào cái Năng Quán mà đặt tên. Quán còn có nghĩa là quán xuyến, lợi dụng trí tuệ mà đục phá, nghĩa là tiêu diệt phiền não. Nếu căn cứ vào phương diện sở tu mà nói thì Chỉ là Không môn, là Chân như môn, duyên vào chân như vô vi mà xa lìa các tướng. Còn Quán thì thuộc về Hữu môn, Sinh diệt môn, duyên vào sự tướng hữu vi mà phát đạt trí giải. Nếu căn cứ vào trình tự sở tu mà nói, thì Chỉ ở trước, trước tiên điều phục phiền não, còn Quán ở sau, đoạn trừ phiền não, chính chứng chân như. Vì Chỉ chế phục vọng niệm ví như mài gương (chỉ gương bằng đồng), mài xong thì thể của gương lìa mọi cấu bẩn, đó là đoạn hoặc. Năng hiện vạn tượng chỉ chân quán thì ắt chẳng phải là 2, vì pháp tính tịnh nhân là Chỉ, pháp tính thường chiếu là Quán. Thế thì Chân Quán ắt tịch nhân, nên Quán tức Chỉ, chân chỉ ắt minh tịnh, nên Chỉ tức Quán. (Từ Điển Phật Học Hán-Việt trang 231).

Giai đoạn thứ 5 gọi là Hoàn Môn, có nghĩa là hướng tâm trở lại chiếu rọi vào trong gọi là Hoàn. Hành giả tuy tu quán chiếu, nhưng lại thấy mình là người quán chiếu (năng quán chiếu) để phá trừ điên đảo thì sẽ bị cái chấp ngã mê hoặc mà trở thành giống như ngoại đạo, cho nên phải hướng tâm trở vào trong mà soi rọi cái tâm năng quán. Nếu biết cái tâm năng quán là hư dối không thật, thì sự điên đảo chấp ngã nơi quán tâm sẽ tự tiêu tan và trí phương tiện vô lậu sẽ tự nhiên sáng tỏ, cho nên gọi là Hoàn Môn.

Giai đoạn thứ 6 cũng là giai đoạn cuối cùng của pháp Quán được gọi là Tịnh Môn. Tâm không dính vào đâu, vọng động không sanh khởi, gọi là Tịnh. Hành giả khi tu «Hoàn Môn», tuy có thể phá trừ tâm năng quán, nhưng trí tuệ vô lậu chân thực sáng suốt chưa phát, vì còn trụ vào ý niệm không «năng» (chủ thể) «sở» (đối tượng) tức là một ý niệm cảm giác, vì thế khiến tâm trí vẩn đục. Nếu biết rõ mình chẳng trụ, chẳng đắm, bỗng nhiên thanh tịnh, thì nhờ đó, sự sáng suốt chân thực khai phát mà cắt đứt mọi phiền não trong ba cõi, chứng đạo Tam thừa, cho nên gọi là «Tịnh Môn».

Sáu pháp tu trên đây được gọi chung là «Lục Diệu Môn», bởi vì, thứ lớp của chúng đều thông nhau mà đưa đến Niết Bàn chân thực mầu nhiệm (Sách đã dẫn trang 311). Đây là chủ trương của Ngài Thiên Thai Trí Giả Đại Sư người Trung Quốc, nhưng những điểm căn bản đều dựa trên giáo lý Đại Thừa Phật Giáo do Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni chỉ dạy.

Tiếp đến đoạn thứ 14, suốt cả buổi chiều ngày 29.10.98, Ngài giảng về Phát Tâm Bồ Đề như sau: Sự tăng trưởng của Bồ Đề Tâm là cột trụ của con đường Phật Thừa. Bồ Đề Tâm là nền tảng căn bản vững chải nhất cho những công việc của một người hành Bồ Tát đạo, giống như một loại thuốc hay là ánh quang minh bao quanh mình. Vì mỗi một việc làm như thế đều bao gồm cả công đức và trí tuệ. Như là một ngôi nhà chứa tất cả những của cải quý giá, không thể kể đếm hết được những sự tích chứa, sự nhiệm mầu. Đây là kết quả của những người thực hành Bồ Tát hạnh khi phát tâm Bồ Đề. Ngài Tsongkhapa là một hành giả Du Già, người đã thực hiện trọn vẹn con đường đó. Nếu mọi người muốn giải thoát, Ngài khuyên chúng ta nên cố công tu tập.

Đây là một đoạn văn ngắn có nội dung chỉ như thế, nhưng Đức Đạt-lai Lạt-ma đã giảng suốt cả một ngày 29.10.98, ai nghe cũng không chán mà đều phát tâm vô thượng để cầu đạo Bồ Đề. Tu học theo tinh thần của Đại Thừa giáo phải biết phát tâm dõng mãnh thì công đức mới tích tụ lại và từ công đức đó trí tuệ mới phát sanh. Nếu người tu theo Đại Thừa mà không hành Bồ Tát hạnh thì ngôi nhà ấy dầu to lớn cách mấy đi chăng nữa, cũng giống như là một ngôi nhà trống.

Trung Hoa có Ngài Thật Hiền sinh vào khoảng cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18, có soạn bài văn Phát Bồ Đề Tâm đã được Hòa Thượng Thích Trí Quang soạn dịch ra Việt ngữ, khi đọc lên ai cũng thấy đầy cảm xúc. Hòa thượng có viết lời tiểu dẫn cho bản dịch này như sau:

«... Tuy học rộng và chắc, Ngài Thật Hiền là con người nồng hậu tình cảm, nặng về hành trì - một loại hành trì cũng theo bản chất tình cảm ấy. Mới xuất gia, Ngài liền hỏi các vị Trưởng Lão về ngày Phật nhập Niết Bàn, ngày kỵ của Phật. Rồi mùa Xuân năm Kỷ Hợi (1719) vượt đại giang, đến triều bái Xá Lợi của Phật tôn thờ trong tháp đựng ở núi và chùa A Dục, tại đất và núi Tứ Minh. Tháp này là một nơi còn lại trong 19 nơi thờ Xá Lợi của Phật tại Trung Hoa, được dựng vào năm 280 bởi Lợi Tân Bồ Tát. Triều bái rồi, Ngài an cư tại đó. An cư xong, đốt một ngón tay cúng Phật. Mùa Xuân năm sau, ngày Phật Niết Bàn (tục lệ là Rằm tháng Hai) Ngài lại đến Tứ Minh, mở Niết Bàn hội với chủ ý cúng kỵ Phật (từ ngữ của chính Ngài viết, Tục tạng tập 109, trang 305b). Hôm sau bái sám với 2 nghi thức Xá Lợi sám và Niết Bàn sám mà Ngài tự soạn thuật. Ngày thứ 7 hoàn tất, niệm Phật hồi hướng. Nguyện ước mỗi năm đều làm như vậy cho đến hết đời. Nhưng thực ra chỉ được 10 năm (Kỷ Hợi 1719 - Kỷ Dậu 1729). Sau đó, để mọi người khỏi quá mệt vì đi xa, quá tốn vì đường dài, Ngài tổ chức kỷ niệm ngày Phật Niết Bàn bằng 10 ngày bái sám tại giới đàn Bồ Tát của chùa Tiên Lâm, cũng bằng 2 sám văn trên. Việc đốt 5 ngón tay cúng Phật chắc tuần tự thực hiện trong 10 năm triều bái Xá Lợi tại tháp của núi và chùa A Dục.

“Tuy không biết đích năm nào, nhưng bài văn Khuyến phát Bồ Đề Tâm chắc chắn được viết theo nhu cầu của Niết Bàn hội tại núi A Dục. Đại chúng đối tượng của bài Văn này chính thị là những người cùng bái sám với Ngài tại đây. Trong văn nói phát 48 lời nguyện, 48 lời nguyện ấy nguyên văn còn đầy đủ, mang tên Niết Bàn hội phát nguyện văn, một trong bảy tài liệu nói trên...

“Triều bái Xá Lợi của Phật với sự tưởng nhớ ơn Phật và nghĩ cách làm cho Phật Pháp tồn tại, với sự phát Bồ Đề Tâm, lập 48 đại nguyện, bái sám bằng 2 nghi thức, đốt 5 ngón tay cúng dường, niệm Phật mà hồi hướng về Tịnh Độ, làm như vậy suốt trong 10 mùa an cư dưới chân tháp tôn trí Xá Lợi của Phật, đó là ý thức cùng nhau cúng kỵ Phật của Ngài Thật Hiền. Ngoài việc này, sau 10 năm nói trên, Ngài cùng mọi người chuyên tu Tịnh Độ với 2 qui ước: 1 cho mỗi kỳ hạn 3 tuần và 1 cho mỗi kỳ hạn 3 năm. Với qui ước này, Ngài bảo ta đi là trở lại liền, và thành người khách đưa đường giữa Ta Bà và Tịnh Độ.

Về bài văn khuyến phát Bồ Đề Tâm, và tác giả của nó là Ngài Thật Hiền, Bành Tế Thanh đã viết, đọc bài văn ấy không lúc nào tôi không khỏi đổ mồ hôi, khỏi rơi nước mắt... Đại sư nhân chiêm bái Xá Lợi mà phát tâm rộng lớn, ngôn từ phát ra như phơi trải gan ruột... Thật là ngọn cờ tinh tấn cho thời đại mạt pháp (Tục tạng tập 109 trang 295a). Lời này cũng đủ để giới thiệu.” (Phát Bồ Đề Tâm trang 14-18. Hòa Thượng Thích Trí Quang - Lời Tiểu Dẫn).

Trên đây là một trong muôn ngàn cách phát Bồ Đề Tâm để đi đến chỗ thật tu chứng. Việt Nam cũng có rất nhiều vị Đại Sư phát Bồ Đề Tâm như thế. Ví dụ vào ngày 20 tháng 4 âm lịch năm Quý Mão (1963) Hòa Thượng Thích Quảng Đức đã phát nguyện tự thiêu thân mình để cúng dường chư Phật và đòi hỏi nhà cầm quyền Ngô Đình Diệm lúc bấy giờ phải có sự bình đẳng giữa các Tôn Giáo với nhau trong một xã hội tự do. Sau khi thiêu xong nhưng quả tim vẫn không cháy. Sau đó đem vào lò thiêu, đốt đến 1.000 độ, đốt 2 lần cũng không cháy và quả tim ấy người Phật Tử Việt Nam tôn xưng là quả tim bất diệt. Cho đến nay (1999) quả tim ấy vẫn còn bảo quản tại Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam tại Sàigòn.

Tại Nhật Bản, Đại Hàn, Tây Tạng hay bất cứ nơi đâu trên thế giới này, những người tu theo Bồ Tát hạnh thường hay phát lên những lời đại nguyện như thế để hành trì. Khi chúng ta phát Bồ Đề Tâm, sự phát nguyện ấy sẽ tạo cho ta sự giác ngộ ở trình độ cao nhất. Bồ Đề Tâm sẽ hướng ta khỏi cuộc sống ô trược này để trở về một cuộc sống giác ngộ vĩnh viễn. Muốn bỏ tà kiến phải chứng ngộ về tánh Không. Hành giả phải tu tập phước qua một thời gian dài của con đường Bồ Tát Đạo. Phước báu và công đức cũng giống như trí tuệ và từ bi. Người phát tâm Bồ Đề không thể thiếu việc huân tu phước báu được. Phước báu ấy tự do chính mình tu học qua các công đức của Bố Thí - trong 6 pháp Ba La Mật, đặc biệt là Bố Thí, hành giả phải năng thể hiện hành động phát tâm làm việc phước đức này thì phước báu mới tăng trưởng. Người hành giả cũng cần phải phát tâm từ bi đối với tất cả chúng sanh và trí tuệ, nhất là trí tuệ về tánh Không để được giác ngộ.

Từ bi là hành trang của chư Phật và chư vị Bồ Tát. Những người hành Bồ Tát Đạo cũng phải lấy từ bi làm căn bản. Vì trong 4 Vô Lượng Tâm: Từ, Bi, Hỷ, Xả, thì chỉ có lòng từ mới sinh ra phước đức, còn các Vô Lượng Tâm khác khó sinh phước đức. Đức Phật ngày xưa, bất cứ đi đến đâu, ở chốn nào, Ngài cũng đều quán sát và thể hiện lòng từ. Do vậy mà các chúng sanh thuở bấy giờ ở gần Ngài được lợi lạc vô cùng và cũng chính lòng từ đó đã làm cho nhân loại trên thế giới ngày nay gần một tỷ người thực hành theo giáo lý của Đức Phật. Tại Âu Mỹ ngày nay có rất nhiều người đang hướng về lòng từ của Phật Giáo. Đặc biệt trong suốt một tuần lễ từ 26 tháng 10 đến ngày 1 tháng 11 năm 1998 này, nơi một làng quê nhỏ bé nằm tại miền Bắc Đức như thế này mà đã có hơn 10.000 người đến học đạo Từ Bi. Thử hỏi chất xúc tác ấy nó mạnh là dường nào? Và cũng chính lòng từ đó sẽ dẫn dắt nhân sinh đi vào con đường trí tuệ, lợi tha, lợi ích cho mọi người và mọi loài trong mai hậu.

Bồ Đề Tâm chính là tinh túy của sự giác ngộ, biến kim loại thành vàng ròng. Bồ Đề Tâm cũng biến tâm bình thường thành tâm giác ngộ. Người ta không thể tìm vàng ấy bên ngoài được mà phải tự đào xới phía bên trong của mình, lúc ấy sẽ thấy được sự chơn thật của tự tánh.

Khi một người phát Bồ Đề Tâm phải dựa vào 2 điều căn bản sau đây. Điều thứ nhất là phát tâm thành Phật và điều thứ hai là phát tâm làm lợi lạc để cứu độ chúng sanh. Ngài Phổ Hiền cũng có 10 đại nguyện, nhưng trong đó có 4 đại nguyện khi phát tâm để cầu đạo giải thoát đã được Phật Giáo Trung Quốc, Nhật Bản, Đại Hàn và Việt Nam hành trì trong hơn 20 thế kỷ qua như sau:

Chúng sanh không số lượng
Thề nguyện đều độ khắp.
Phiền não không cùng tận
Thề nguyện đều dứt sạch.

Pháp môn không kể xiết
Thề nguyện đều tu học.
Phật đạo không gì hơn
Thề nguyện được viên thành.

Thứ nhất là cứu độ chúng sanh, thứ nhì là phải dứt trừ phiền não, thứ ba là tu học các pháp môn và cuối cùng là thành Phật đạo. Tuy chủ trương của Phật Giáo Tây Tạng về sự phát Bồ Đề Tâm chỉ có hai loại, nhưng nội dung bao gồm 4 điểm của các xứ Phật Giáo Bắc Tông rồi.

Ngài Santideva cũng đã phát Bồ Đề Tâm bằng cách khuyên chúng ta nên luôn nhớ về mẹ cha và cầu cho họ được an lạc. Vì chính họ là căn nhà đẹp đẽ nhất để chúng ta nương náu khi chưa tìm ra sự giác ngộ. Còn bây giờ sau khi học hỏi thông suốt giáo pháp của Đức Phật rồi, chúng ta phải có bổn phận nhớ nghĩ về cha mẹ cũng như luôn luôn cầu nguyện cho cha mẹ sống an ổn trong giáo lý giải thoát vi diệu đó.

Hãy quán xét về người chung quanh của chúng ta và đặc biệt là chỉ quán về những tâm tốt của họ đã đối với mình, không nên có tâm thương ghét. Đa phần chúng ta lầm lẫn giữa tình yêu và từ bi nên có tâm thù hận và thân cận. Không nên phân biệt giữa người thân và người thù. Vì trong đời này thân thù thì đời sau sẽ ngược lại là sự thù hận và thương yêu riêng lẽ sẽ còn tiếp diễn mãi. Trong Bồ Tát giới kinh Đức Phật cũng đã dạy rất rõ ràng: Không nên có tâm thù hận. Dù cho người ta có giết cha, giết mẹ mình đi nữa, mình cũng không được quyền báo thù và người thực hành Bồ Tát hạnh thì không được giận ai qua đêm. Nếu có thấy ai, nên luôn luôn thấy điều tốt của họ để tâm mình luôn được an lạc. Đừng nhìn vào điều xấu của người khác. Vì những sự xấu xa ấy như rác rưởi mà người ta đã loại bỏ, chúng ta còn cưu mang nó vào thân tâm ta để làm gì? Hãy quán xét họ như là những bạn đồng hành, những người luôn luôn đối xử tốt với chúng ta, những người đó có thể là Thầy ta mà cũng có thể là bạn của chúng ta. Vì chính họ là những người giúp ta đi vào con đường giác ngộ giải thoát sanh tử.

Chúng ta cũng đừng lầm tưởng giữa sự bình đẳng với tâm thờ ơ. Bình đẳng có nghĩa là: Giáo pháp của Đức Phật không phân biệt giàu nghèo, sang hèn. Mọi người đều có quyền tu học và thực hành theo đó để được giải thoát, nhưng vì căn cơ và trình độ cũng như điều kiện của mọi người khác nhau, nên thời gian giải thoát sai biệt. Cũng như thế đó, đối với một trận mưa thì không phân biệt núi rừng, ao hồ, sông biển. Tuy nhiên trên núi kia có nhiều cây. Cây lớn thì hút nước nhiều, cây nhỏ thì hút nước ít, chứ nước mưa thì chỉ rơi xuống không phân biệt. Đó là sự bình đẳng của Đạo Phật. Còn thờ ơ có nghĩa là không màng gì đến công việc mình đang làm, ngay cả việc tu học hằng ngày thì đó không thể gọi là bình đẳng để được đầy đủ như người có thực hành được.

Nên thực hành pháp nhận và cho. Chúng ta biết nhận sự bố thí, cúng dường của kẻ khác, đồng thời chúng ta cũng biết cho những người cần đến mình. Nhận vật cho để tập sự trân quý và thể hiện lòng cho để tâm từ của ta được trải rộng khắp muôn nơi. Không bao giờ có sự an lạc qua sự khổ đau của người khác. Vì vậy cho nên mới có sự khó khăn trên thế giới ngày hôm nay. Khoa học, kỹ thuật ngày nay phát triển với tốc độ chóng mặt. Cái gì xảy ra bất cứ nơi đâu, ở tận cùng của quả địa cầu này là một giây sau, một phút sau tràn ngập tin tức trên thế giới. Người ta có thể nói chuyện bằng điện thoại hay qua điện thư (Telefax) hằng giờ, hằng trang giấy để kể lể tâm sự lê thê của mình, nhưng những người gần gũi chúng ta nhất như cha mẹ, vợ chồng, con cái thì chúng ta lại chẳng biết đến. Ngay cả bản thân chúng ta cũng vậy. Chúng ta hiểu người khác rất dễ dàng, nhưng chúng ta hiểu chúng ta lại khó khăn gấp bội. Vì vậy con đường đi đến với Đạo Phật là con đường đi vào bên trong chứ không phải con đường hướng ra ngoài. Càng vọng ngoại bao nhiêu thì càng khổ đau bấy nhiêu, chứ có an lạc gì đâu!

Đức Đạt-lai Lạt-ma nói rằng: «Người Tây Tạng rất ngưỡng mộ thánh Mahatma Gandhi. Vì lẽ người đã có tâm vị tha mà không có tâm vị kỷ. Điều này rất đáng quý và Mahatma Gandhi là một trong những người tiêu biểu trên thế giới.» Nước Ấn Độ bị thực dân Anh đô hộ làm cho bao nhiêu người phải khổ đau, mất mát. Thánh Gandhi đã một thân một mình lo giải phóng dân tộc Ấn ra khỏi sự đô hộ của người Anh bằng con đường đấu tranh bất bạo động. Chính con đường này là con đường của Ấn Độ Giáo và Phật Giáo đã thể hiện mấy ngàn năm nay và ngày nay Gandhi và ngay cả Đức Đạt-lai Lạt-ma cũng đang thể hiện và chọn lựa con đường này để đi đến điểm kết thúc giải phóng dân tộc Tây Tạng khỏi người Trung Hoa.

Cả một dân tộc Ấn Độ gần 1 tỷ người mà đã có hơn 500 triệu người ăn chay rồi. Sở dĩ người Ấn ăn chay là vì lòng từ bi đối với muôn vật, họ không muốn sát hại sinh vật, theo như giáo lý của Ấn Giáo đã dạy cho họ như thế. Đi đến Ấn Độ thấy con bò nó cũng hiền lành, chim chóc cũng muốn gần gũi người. Vì người Ấn Độ ít có tâm hại mạng chúng. Nói như vậy không có nghĩa là người Tây Tạng và Ấn Độ hoàn toàn không sát sanh. Với những người theo đạo khác, họ vẫn làm những nghề nghiệp mà người Ấn Độ ít làm đó.

Những người sống tự kỷ, chỉ biết lo cho chính mình thường thường gặp khó khăn trong chính đời sống của họ. Vì lẽ họ không có tâm vị tha. Họ nghĩ rằng cho là mất, giữ là còn, nhưng không ngờ rằng định lý này sẽ ngược lại. Cho là còn mà giữ luôn luôn là mất. Chúng ta phải tự nghĩ rằng chúng ta đã được gì, khi chúng ta vẫn sống một cuộc sống vị kỷ và chư Phật, chư Bồ Tát đã được gì, khi những vị này sống vị tha? Đời sống vị tha là đời sống được nhiều người khác biết đến. Đời sống đáng được tôn thờ và không sợ tổn hoại. Còn đời sống vị kỷ là đời sống ngược lại như thế. Do chúng sanh bị trói buộc trong tà kiến nên bị vô minh về ngã và về pháp. Hay nghĩ rằng ngã và ngã sở, nghĩa là ta và những gì thuộc về ta là thường còn. Với tà kiến, chấp chặt, chấp sai về pháp, mà luôn luôn nghĩ mình là đúng nên hay bị trói buộc vào luân hồi sanh tử. Do vậy mà con người hay chấp trước vào sự thương yêu hay ghen ghét. Sự chấp ngã là một nhà tù nhốt chúng ta vào đó. Chính sự chấp ngã này đã làm cho chúng ta luân hồi sanh tử qua các giai đoạn của sanh, già, bệnh, chết khổ. Cho nên chúng ta nên phát tâm từ bi thật rộng lớn, chứ không phải chỉ phát nguyện riêng cho mình mà thôi. Tâm từ bi đó cũng chính là trách nhiệm để đưa mọi loài ra khỏi sự khổ đau. Muốn như vậy phải thấy mọi người đều bình đẳng với mình và mình cũng bình đẳng với mọi người. Có 7 phương pháp khác có thể phát tâm như thế nữa. Ví dụ như mẹ đối với con và Phật đối với chúng sanh v.v...

Hôm may đề tài này khá lôi cuốn nên mọi người đã yên lặng lắng nghe dường như không có một tiếng động với số lượng hơn cả 10.000 người. Suốt cả 2 tiếng rưỡi buổi sáng và gần 3 tiếng đồng hồ buổi chiều, mỗi ngày thính chúng đều im lặng lắng nghe những lời dạy từ hòa của Đức Đạt-lai Lạt-ma, xem ra ai đi dự khóa này cũng được lợi lạc cả.

Tối hôm đó, từ 18 giờ 30 đến 20 giờ, tại lều số 8 có tổ chức buổi chiếu phim về tình trạng giam cầm, theo dõi, câu lưu của Phật Giáo Miến Điện và Tây Tạng. Có những vị điều hành chương trình này như Dr. Kajo Schukalla, Ama Adhe (Tây Tạng), Ulrich Delius (Ủy Ban Chống Khủng Bố - Gesellshcaft für bedrohte Völker), Helmut Steckel (Tibet Initiative Deutschland). Tây Tạng và Miến Điện là 2 dân tộc đang bị đàn áp mãnh liệt. Hơn 40 năm nay khi người Trung Quốc có mặt tại Tây Tạng, đã có hơn 1 triệu 200 ngàn người chết. Nhiều Tu sĩ bị bắt bớ, giam cầm và nhiều chùa chiền, tu viện bị đập phá. Đặc biệt là nền văn hóa của Tây Tạng bị đồng hóa nặng nề. Gần đây chính quyền Trung Quốc còn tăng cường số người di dân từ Trung Quốc sang đây nhiều hơn là số dân mà Tây Tạng hiện có. Đây là chính sách đồng hóa có chủ trương rõ rệt, như Cộng Sản Việt Nam đã cho người Việt Nam qua Cao Miên sinh sống, nhưng cuối cùng rồi người Việt Nam cũng bị đẩy lùi ra khỏi quê hương ấy. Tây Tạng hoặc Cam Bốt cũng giống như một thân thể đã quen với một chất kháng tố nhất định. Nếu bây giờ có một chất gì đó xâm nhập vào cơ thể của họ, tất nhiên sẽ bị phản ứng. Dầu cho nhóm nguyên thủy có còn lại ít hơn nhóm đi đồng hóa chăng nữa, nhóm nguyên thủy vẫn tự tồn. Cho đến khi nào mà nhóm đồng hóa không hội nhập được, tự nhiên phải rút lui. Đó là nguyên lý về nhân duyên của nhà Phật. Dĩ nhiên là không phải ngồi đó để chờ cơ hội, mà tất cả những thành phần trong xã hội đó phải có bổn phận kiên trì thể hiện tính độc lập và tự chủ của mình thì mới mong có ngày ra khỏi ách thống trị được.

Lịch sử là những gì có tính cách giai đoạn. Mỗi giai đoạn có tốt xấu khác nhau và kết hợp nhiều giai đoạn như thế gọi là chiều dài của lịch sử. Chúng ta cũng nên nhớ một điều rằng con người không phải là tội nhân của lịch sử. Vì lịch sử lúc nào cũng phải sang trang. Đó là định luật nhân quả và định luật vô thường của nhà Phật. Không có một duyên gì mà tồn tại mãi với thời gian cả. Tất cả đều phải biến đổi qua 4 giai đoạn là thành, trụ, hoại và diệt. Miến Điện cũng như thế. Là một nước theo Nam Tông Phật Giáo, có tính cách khép kín - nhưng gần đây các Tăng sĩ Phật Giáo cũng như những nhà dân chủ đối lập bị chính quyền quân nhân của Miến Điện đàn áp một cách dã man. Từ trước đến nay nước Miến Điện ít tiếp xúc với thế giới bên ngoài nên ít ai để ý đến tình trạng vi phạm nhân quyền và tự do Tôn Giáo ở đây, nhưng gần đây nhờ những tiếng nói dân chủ gióng lên từ Miến Điện nên thế giới mới có cơ hội để lắng tai nghe và bày tỏ lập trường của mình về tự do để hỗ trợ cho những người tranh đấu tại Miến Điện.

Việt Nam cũng là một trong những nước vi phạm nhân quyền và tự do Tôn Giáo trầm trọng nhất. Tôn giáo tồn tại dưới chế độ Cộng Sản, ngay cả Trung Hoa, Cu Ba và Bắc Triều Tiên cũng đều chỉ là công cụ tuyên truyền cho chế độ Cộng Sản và Mặt Trận Tổ Quốc mà thôi. Đây là cánh tay nối dài của chính quyền Cộng Sản đối với các tổ chức quần chúng. Nhưng dầu dưới hình thức nào rồi người có tôn giáo cũng có thể phát hiện ra những hành vi đen tối đó của chính quyền. Thật ra tại sao các chính quyền độc tài và các chính quyền Cộng Sản sợ Tôn Giáo đến thế? - Vì lẽ Tôn Giáo là một lực lượng quần chúng rất quan trọng. Họ theo Tôn Giáo vì lòng tin vào đạo. Tuy trong tay họ không có súng ống, gươm giáo, sức mạnh của quân đội, nhưng lòng tin của họ vững hơn là những bức tường thép. Do vậy các chính quyền này sợ họ. Lẽ kế tiếp là Tôn Giáo bao giờ cũng dạy cho tín đồ của họ nên hành động, nói năng như sự thật, không dối mình và dối người. Trong khi đó các chính quyền độc tài và chính quyền cộng sản trên thế giới luôn luôn không nói đến sự thật và không thực hành sự thật. Nói tóm lại họ sợ sự thật. Do vậy mới tìm cách đàn áp những tổ chức quần chúng có tín ngưỡng này.

Các tổ chức của người Đức cũng đang hỗ trợ người Tây Tạng một cách nhiệt thành để tranh đấu cho một nước Tây Tạng độc lập và tự trị. Gần đây Đức Đạt-lai Lạt-ma đã tuyên bố rằng: Hãy cho Tây Tạng tự trị vùng đất của mình, còn quân sự cũng như ngoại giao Trung Quốc cứ giữ, nhưng Trung Quốc vẫn chưa thỏa thuận. Họ chỉ muốn nuốt Tây Tạng không cần phải có điều kiện nào cả. Đúng là lòng tham của con người không bao giờ có giới hạn cả. Nhiều lúc Đức Đạt-lai Lạt-ma cũng tuyên bố với báo chí rằng nếu sau này dân Tây Tạng có tuyển cử tự do và không muốn vị trí của những vị Đạt-lai Lạt-ma chăm sóc cho quê hương Tây Tạng nữa, thì Ngài vẫn có thể trở thành một vị Lạt Ma bình thường và giao quyền điều khiển đất nước lại cho người dân thì Ngài vẫn hoan hỷ. Vì lẽ thế giới ngày nay đã tiến bộ quá xa về nền dân chủ. Do vậy tất cả những gì do dân đề nghị và quyết định. Đó là một đường lối dân chủ mà người lãnh đạo có bổn phận phải lo lắng cho dân và thực hiện theo ý của dân yêu cầu.

Sau buổi thảo luận về việc tù đày, bắt bớ, tra tấn, giam cầm của chính quyền Trung Quốc đối với Tây Tạng và của chính quyền quân phiệt tại Miến Điện, mọi người đã ngồi thiền và thảo luận về Lamrim do Lama Lodrö hướng dẫn. Có một số lớn người Đức và người ngoại quốc quan tâm về vấn đề Tây Tạng đã tham gia vào buổi hội thảo này.

 Ngày thứ 5

(30 Tháng 10 năm 1998 nhằm ngày Thứ Sáu)

Hôm nay Ngài đến lúc 9 giờ. Sau khi đảnh lễ pháp tòa 3 lần, Ngài thăng tòa, mỉm cười nhiều lần chào mọi người, sau đó Ngài và chư Tăng cùng tụng kinh độ chừng 10 phút. Hôm nay có một số lớn người Đức muốn quy y Tam Bảo và muốn trở thành đệ tử của Ngài. Ngài rất hoan hỷ, nhưng cũng có bảo cho mọi người nghe rằng việc quy y nếu phát tâm đối trước vị Thầy nào cũng tốt hết, không nhất thiết phải là Ngài, nhưng vì lẽ mọi người hướng về Ngài, nên Ngài sẽ trở thành vị Thầy tâm linh của họ.

Đầu tiên Ngài hướng dẫn cho những người muốn quy y Tam Bảo lạy 3 lạy. Sau đó họ lạy 3 lạy đảnh lễ Đức Đạt-lai Lạt-ma, là vị Thầy của mình. Tiếp đó những người quy y phải ngồi xổm hoặc quỳ một gối để nghe Ngài giảng. Ngồi xổm có nghĩa là không ngồi sát đất mà cũng không phải ngồi chồm hổm kiểu Việt Nam. Ngồi xổm là ngồi chân thấp chân cao, hai tay chắp lại hướng về Ngài để lắng nghe. Đây là một trong những cách cung kính nhất đối với một bậc Đạo Sư. Mỗi nước có một phong tục riêng và một tập quán riêng. Mỗi nơi có một cử chỉ khác nhau để biểu lộ sự cung kính đó. Ví dụ như người Nhật khi chào nhau phải cúi đầu nhiều lần mới gọi là cung kính. Người Hoa, người Việt phải cung hai tay lại và thi lễ với nhau. Người Âu Châu khi chào vua chúa thì bắt tay nhưng nhún gối một cái. Người Phật Tử thì lạy dưới chân Phật. Đó là những hành động cung kính nhất. Ở lễ nghi người Tây Tạng, đây là lần đầu tiên tôi gặp phải, cũng hơi ngỡ ngàng một chút, nhưng sau đó cũng quen.

Ngài giảng về ý nghĩa Quy Y Tam Bảo và điều quan trọng Ngài báo cho những người Đức biết rằng họ không nhất thiết phải bỏ đạo Thiên Chúa hoặc Tin Lành hoặc Chính Thống Giáo của mình đang theo. Chỉ cần hiểu lời Phật dạy và thực hành theo giáo pháp của Đức Phật. Đây có lẽ bước đầu. Vì Ngài sợ đụng chạm đến các Tôn Giáo khác tại đây, nên Ngài dạy như thế chăng? Ở Đức này mỗi ngày có cả hàng ngàn, hàng vạn người ra khỏi đạo Chúa vì lý do này hay lý do khác. Họ muốn tự do, họ không muốn theo đạo truyền thống mấy ngàn năm nữa. Nhưng nếu đi sâu vào giáo lý Đại Thừa và đặc biệt là Kim Cang Thừa thì không có cách nào khác hơn là chỉ có thể chấp nhận duy nhất một con đường để trở thành Phật đạo vậy. Ngày nay có gần 200.000 người Đức đã quy y Tam Bảo và họ có gần 400 Trung Tâm Phật Giáo tại xứ Đức này. Đó là thời điểm năm 1999. Từ năm 1977 trở về trước Phật Giáo tại Đức phát triển tương đối chậm và bước sang đầu thế kỷ 21 sắp đến, chắc chắn Phật Giáo sẽ đóng một vai trò rất quan trọng tại Âu Châu này. Vì tại những nơi này niềm tin đang bị khủng hoảng một cách trầm trọng. Dĩ nhiên Phật Giáo không cần có số tín đồ đông. Dầu đông, dầu ít không thành vấn đề, vì Phật Giáo chưa bao giờ đi truyền đạo cả. Ai thích Phật Giáo thì cứ theo. Ai không thích cũng không sao cả. Không bắt buộc, không dụ dỗ, do vậy Đạo Phật được gọi là Đạo của sự phóng khoáng.

Đức Đạt-lai Lạt-ma bắt đầu thuyết giảng sau khi đã làm lễ quy y cho hàng ngàn người, Ngài nói tiếp về Bồ Đề Tâm như sau:

Chúng ta phải nghĩ rằng tất cả mọi chúng sanh khác đều cao quý hơn bản thân mình và phát nguyện cho chính mình và cho tất cả chúng sanh được giác ngộ giải thoát thì tâm của mình mới hoan hỷ. Đây là hành động của bậc đại nhân. Thông thường ai trong chúng ta cũng nói về tự ngã, về bản ngã, về ái ngã, về những gì thuộc về của ta v.v... nhưng nơi đây người phát tâm cầu vô thượng Bồ Đề phải xem chúng sanh khác, có nghĩa là không riêng loài người, mà là mọi loài trong lục đạo chúng ta đều phải đề cao. Vì tất cả chúng sanh đều có tánh Phật. Chính tánh Phật này sẽ giúp cho mọi loài cũng trở thành Phật. Có như vậy chúng ta mới dẹp tự ngã của mình được và lúc bấy giờ Bồ Đề Tâm mới tăng trưởng. Lúc nào chúng ta cũng phải tâm niệm và quán tưởng rằng Đức Phật đang ở phía trước chúng ta để hướng dẫn chúng ta đi vào con đường giác ngộ ấy. Ngài Vô Trước, Thế Thân cũng vậy. Chính các Ngài là những vị Tổ Sư nổi bật của Trung Quán và Duy Thức, nhưng lúc nào các Ngài cũng lấy hình ảnh của chư Phật để làm đề tài mà phát Bồ Đề Tâm. Chúng ta phải luôn tâm niệm rằng chư Phật, chư Bồ Tát, chư Tổ Sư luôn luôn có mặt ở trước chúng ta, trên đầu ta và tất cả mọi nơi khác. Các Ngài xem ta như con đẻ, đang để tâm tới ta và khiến ta phải hướng đến. Ngoài ra chúng ta cũng nên quán sát rằng tất cả chúng sanh ở chung quanh chúng ta cũng đều được an lạc như chính mình an lạc để lợi lạc cả mình và người. Người phát tâm càng lớn thì kết quả càng nhiều. Cũng giống như một người gieo nhiều hạt lúa thì chắc chắn sẽ có nhiều cây mạ và từ những cây mạ này sẽ trổ nên những bông lúa. Những bông lúa giác ngộ này sẽ giúp cho tâm Bồ Đề của mình ngày càng triển khai nhiều hơn nữa. Hãy nỗ lực nhiều hơn và hãy nghĩ về người khác nhiều hơn là nghĩ về mình thì sự lợi lạc càng lúc càng cao. Hãy quên mình thì tự tánh sẽ sáng bày. Nếu cứ nhớ về mình và bảo thủ cho cái tự ngã của mình, rồi cuối cùng mình cũng chẳng được gì cả.

Ngài có nói một ít về Phật Giáo Việt Nam và Phật Giáo Trung Quốc. Ngài cũng nói rằng Phật Giáo Việt Nam cũng là nạn nhân của chủ nghĩa Cộng Sản. Ngài đã có rất nhiều cơ hội để đến thăm các Cộng đồng Phật Tử Việt Nam và những ngôi Tự viện Việt Nam khắp nơi trên thế giới. Ngài cũng nhắc nhở rằng dầu sống ở đâu và bất cứ hoàn cảnh nào nên luôn luôn hướng về Tam Bảo. Vì đó là nơi nương tựa vững chắc nhất, để từ đó chúng ta mới có nhiều cơ hội phát triển về nội lực hơn. Đối với Phật Giáo Trung Quốc, Ngài cũng rất thông cảm hoàn cảnh đặc biệt này. Vì qua cuộc Cách mạng Văn hóa biết bao nhiêu chùa chiền nổi tiếng và có tính cách lịch sử đã bị đập phá và cũng có không biết bao nhiêu Tăng Sĩ và Phật Tử thuần thành với Đạo đã bị câu lưu, giam giữ, giết hại v.v... Ngài không oán hận người Trung Quốc. Ngược lại Ngài rất cảm thông cho những người bị sinh sống trong một chủ nghĩa kèm kẹp như thế.

Đã là Bồ Tát, phát tâm Bồ Đề rộng lớn để cứu độ chúng sanh thì Ngài không còn phân biệt thân, sơ, xa, gần v.v... mà tất cả đều là đối tượng đáng được độ trên con đường hành Bồ Tát đạo của Ngài. Giờ đây Ngài sống lưu vong đã 40 năm ở ngoại quốc, Ngài cũng đã hiểu và thông cảm cho nỗi khổ của những người đã mất mát quê hương và chính nỗi khổ của chúng sanh đó, cũng là nỗi lo lắng của Ngài cho thế giới và cho một tương lai của Tây Tạng sáng lạn hơn.

Kế tiếp Ngài giảng về 7 lời phát nguyện trên đường tu tập.

Điều thứ nhất, Ngài đã đề cập đến Phước Điền. Phước Điền to lớn nhất là chư Phật và chư Bồ Tát đang hiện hữu. Người phát tâm Bồ Đề cần phải luôn luôn cầu nguyện cho chư Phật và chư Bồ Tát luôn trụ thế ở đời để hóa độ chúng sanh, làm ruộng phước để chúng sinh gieo trồng phước đức. Nơi chư Phật và chư vị Bồ Tát lúc nào cũng đầy đủ phước báu, do vậy chúng ta cần phải nương tựa vào các Ngài để phát lên những lời đại nguyện, khi phát Bồ Đề Tâm.

Điều thứ hai là phải phát nguyện trọn đời trọn kiếp quy y Tam Bảo. Nương vào thần lực của chư Phật, nương vào giáo lý giác ngộ giải thoát và nương vào đoàn thể hòa hợp Tăng Già để từ đó tâm Bồ Đề của chúng ta được vững chãi. Không phải chỉ để giải thoát riêng cho mình mà là cho mọi loài chúng sanh và người phát tâm Bồ Đề phải thể hiện lòng từ bi đến với tất cả chúng sanh. Vì chính tâm từ bi này sẽ tạo thành một công đức cho chính ta về sau này.

Sau khi Ngài giảng kỹ về ý nghĩa quy y Tam Bảo, tất cả chư Tăng và Phật Tử đều lặp lại theo Ngài. Có lẽ cũng giống như các nghi thức truyền giới Việt Nam vậy thôi. Có nghĩa là: Con xin quy y Phật và trọn đời không quy y theo thiên thần quỷ vật. Con quy y Pháp và trọn đời không quy y theo ngoại đạo tà giáo và khi đã nương vào Tăng Bảo rồi thì không nương theo Thầy tà bạn dữ nữa.

Điều thứ ba, phải phát nguyện rằng bản tánh của tất cả chúng sanh đều bình đẳng và ai trong chúng ta cũng muốn có an lạc, không ai muốn có khổ đau. Do vậy chúng ta không nên mang khổ đau đến cho người khác. Bởi vì tất cả mọi người đều có Phật tánh cả. Mỗi người trong chúng ta đều có một thửa ruộng gồm cỏ và lúa xen lẫn nhau. Hãy khéo nhổ cỏ để lúa phát triển và hãy đừng nhổ cỏ ruộng mình ném vào ruộng người khác. Hãy luôn nhớ điều này.

Điều thứ tư, hãy dùng tâm của chúng ta để quan sát với tâm của mọi loài đều trong sáng, vì bản thể chơn như vốn đồng nhau, không có gì sai biệt. Chỉ vì vô minh che lấp nên tâm giác ngộ bị ngăn che. Hãy tin rằng mình là người có khả năng thành Phật. Vì chính Phật tánh ấy khi sáng tỏ, tức chúng ta ngộ được lý Vô Sanh.

Điều thứ năm, phải tự nghĩ rằng mình có khả năng chịu thiệt thòi vì sự lợi lạc của chúng sanh, chứ không nên nghĩ về mình. Nhiều người lúc nào cũng chỉ nghĩ về mình và cho mình nên chính mình đã gặp nhiều khó khăn.

Điều thứ sáu, phải tha thiết cầu nguyện chư Phật và chư Bồ Tát gia hộ cho chúng ta (mỗi người tự nói tên của mình ra) phát nguyện tu sáu pháp Ba La Mật để độ chúng sanh. Tiếp theo đó mọi người đều quỳ xổm lên để phát nguyện trước Đức Đạt-lai Lạt-ma và chư Phật mười phương trong pháp giới. Khi chúng ta phát được Bồ Đề Tâm có nghĩa là chúng ta là người đồng hành của chư Phật và không có tâm làm hại sự giải thoát của chính mình và của muôn loài.

Điều thứ bảy cũng là điều cuối cùng trong 7 phước điền quan trọng là sau khi phát tâm Bồ Đề phải hết sức cố gắng tu tập để gần gũi với chư Phật và chư vị Bồ Tát. Phần chính của việc này là 6 pháp Ba La Mật và Tứ Như Ý Túc.

Đọc qua 7 đoạn văn trên chúng ta thấy rằng người tu hạnh giải thoát, trước cần phải phát tâm Bồ Đề. Nếu tâm Bồ Đề không phát thì muôn công đức lành không từ đâu sanh khởi. Chính đây là những điều căn bản nhất để hành giả khi bước vào cảnh giới của chư Phật và chư vị Bồ Tát. Tâm Bồ Đề ấy phải sâu hơn biển cả, rộng hơn núi Tu Di, cao hơn 3.000 thế giới lớn nhỏ. Tâm ấy có thể dung chứa cả hư không, mà tâm ấy cũng có thể thu gọn vào trong một vi trần nhỏ li ti không thể dùng mắt mà quán sát được.

Tiếp đó Đức Đạt Lai Đạt Ma giảng đến phần 15 và các phần kế tiếp về Bố Thí, Trì Giới, Nhẫn Nhục, Tinh Tấn, Thiền Định và Trí Tuệ.

Khi tu tập về Bố Thí nên cố gắng kiểm soát tâm của chúng ta, không vì cầu lợi cho mình mà cầu làm sao cho có tâm từ bi khi mình phát tâm bố thí. Bố thí gồm có tiền bạc, giáo pháp và sự bố thí cao nhất là việc phải phát ra mối từ tâm và chính từ mối từ tâm này sẽ sinh ra vô úy thí.

Chính người cho phải cảm ơn người nhận. Nếu không có người nhận thì chúng ta không có cơ hội để phát triển lòng từ. Cũng như thế ấy, chư Phật và chư vị Bồ Tát không than vãn về sự có mặt của chúng sanh trong cõi dục này, mà chính các Ngài cũng cảm ơn chúng sanh vì nếu không có sự hiện hữu của chúng sanh thì việc thể hiện lòng từ bi khó thực hiện được.

Tiếp đến Ngài giảng về Trì Giới. Giới như ánh sáng của núi Tu Di, như nước rửa sạch các phiền não, như mắt của con người cần phải bảo vệ. Các giới của người tại gia gồm Ngũ Giới, Bát Quan Trai Giới, Bồ Tát Giới. Các giới của người xuất gia gồm Sa Di, Sa Di Ni, Thức Xoa, Tỳ Kheo và Tỳ Kheo Ni. Ngoài ra còn có Bồ Tát Giới. Giới này được gọi là Đạo Tục Thông Hành Giới. Có nghĩa là giới dung thông giữa người tại gia và người xuất gia. Khi giữ giới chúng ta phải quán tưởng về Nhiếp Luật Nghi Giới, nghĩa là bất cứ điều ác nào cũng đừng cho sanh, Nhiếp Thiện Pháp Giới, nghĩa là bất cứ điều lành nào cũng nên làm và nhiêu ích hữu tình giới, có nghĩa là phải đem tánh biệt giải thoát đó đi nhiếp hóa chúng sanh và muôn loài để được lợi lạc cho chúng sanh.

Tiếp đến Ngài nói về sự Nhẫn Nhục. Nhẫn nhục là một cái áo giáp để bảo vệ cho mình. Đây là sự yên tĩnh từ bên trong. Phải nhẫn với một tâm hoàn toàn không sân hận. Khi thực hành đức tính nhẫn nhục, nhưng khi gặp khó khăn phải cố gắng vượt qua. Chúng ta phải nhớ nghĩ đến ơn đức của chư Phật, chư vị Bồ Tát và chư vị Tổ Sư. Các Ngài đã vì sự giải thoát của chúng sanh mà đã kham nhẫn những gì khó nhẫn, cốt sao cho chúng sanh được an toàn trong khi tu tập thì quý Ngài mới hoan hỷ.

Tinh Tấn có nghĩa là siêng năng trau giồi giáo pháp của Đức Phật chứ không có nghĩa là tu cho mau. Có nhiều người lầm tưởng tu trong một ngày hay một giờ là ngộ đạo. Điều ấy hẳn nhiên hiếm có và trong hầu hết trường hợp là sai lầm. Khi tu học, có những sự trở ngại sẽ xảy ra. Hành giả thực hành sự giác ngộ không nên lùi bước và cũng không nên nghĩ rằng sẽ đạt được sự giải thoát một cách mau chóng. Do vậy phải thường xuyên tinh tấn.

Ngài cũng có nói về kinh nghiệm của bản thân Ngài. Trong mấy mươi năm tu tập Ngài thấy có sự thay đổi của thân và tâm. Không nên kỳ vọng quá lớn vào tha lực, mà tự lực chính ở nơi mình phải siêng năng hành trì và phải dai sức thì sự tu tập mới có kết quả. Một vị Bồ Tát muốn tu thành Phật quả phải trải qua 3 A Tăng Kỳ Kiếp (Asamkhya). Một A Tăng Kỳ được định nghĩa là vô số hoặc là vô lượng số. Là một tên số mục của Ấn Độ, A Tăng Kỳ là cùng cực của số đếm. Lấy vạn vạn là một ức, vạn ức là triệu. Mỗi một A Tăng Kỳ là vạn vạn vạn vạn vạn vạn vạn vạn triệu, hay nói rõ hơn thì một A Tăng Kỳ khi viết ra con số 1 đứng đầu và sau đó có 47 con số không. (Sách đã dẫn trang 36). Xem ra như vậy một Bồ Tát cần phải thành tựu 3 lần A Tăng Kỳ Kiếp như thế phải lấy 3 lần con số có 47 số không như thế mới thành tựu được quả Phật. Người ta không thể thành đạo trong một thời gian ngắn được, phải luôn luôn thực hành lục Ba La Mật, mà phần tinh tấn tu học là quan trọng hơn cả.

Kế tiếp Ngài nói về Thiền Định. Thiền Định như là ông vua của tâm. Tâm của mình khi dụng công tu tập phải vững như quả núi. Khi vận dụng tâm như thế phải cần một sức mạnh xuyên qua các việc khác để điều động tâm của chúng ta đừng cho vọng tưởng xen vào. Tâm của chúng ta giống như một ly nước đầy cáu bẩn. Nếu để ly nước ấy nằm yên trên nền nhà, nước sẽ lóng trong, nhưng bên dưới vẫn còn cặn bã. Thiền Định là làm sao cho cặn bã ấy phải tiêu đi, lúc bấy giờ mới thấy tánh được. Căn bản của phiền não vẫn còn đó thì chắc rằng một mai đây khi tâm không yên, tất cả những tham ái ấy sẽ trổi dậy để làm cho tâm ta càng khó điều phục hơn. Lúc ấy phải dùng đến Chỉ Quán. Về ý nghĩa Chỉ Quán, trong một phần trước khi nói về Lục Diệu pháp môn tôi đã có trích dẫn Từ điển Phật học để giới thiệu qua rồi.

Chúng ta cũng phải theo dõi tâm dao động của mình để đưa tâm về trạng thái yên tịnh. Khi quán tưởng về Đức Phật thì cứ giữ hình tượng ấy nơi tâm. Khi dao động có 2 sự việc xảy ra, đó là tâm dao động và tâm hôn trầm. Nếu ở nơi ồn ào quá cũng giống như cây gai đâm vào thân của mình, nên tìm sự yên tĩnh để hành thiền. Không nên cầu lợi dưỡng cho bản thân và phải giữ giới luật cho tinh nghiêm trong khi tu tập là điều rất cần thiết. Khi tâm mình được hỷ lạc rồi, đó chính là sự tu tập đúng đắn. Đây là phương pháp đầu tiên dùng để dừng tâm lại. Khi tâm đã dừng theo sự sai khiến của chính mình, sau đó chúng ta tập đi vào Thiền Định ở những giai đoạn cao hơn.

Buổi sáng ngày 30.10.1998, Ngài giảng đến đây thì dừng lại để trả lời một số câu hỏi như sau:

- Cơ chế của dân tộc Tây Tạng sau này sẽ như thế nào?

Ngài trả lời rằng: Việc ấy sẽ do dân tộc Tây Tạng quyết định. Nếu họ thấy còn cần thiết với cơ chế của Đạt-lai Lạt-ma thì nên bầu lại như cơ chế của Thiên Chúa Giáo của La Mã. (Xin mở ngoặc ra nơi đây để một số vị chưa hiểu về cơ chế này có thể thấy rộng hơn. Cơ chế của Thiên Chúa Giáo ở La Mã là ngôi vị Giáo Hoàng độc tôn, sẽ trị vì cho đến khi mất và ngôi vị này do các vị Hồng Y dưới 80 tuổi bỏ phiếu kín với đa số tuyệt đối. Đây là một cơ chế tôn giáo có tính cách dân chủ).

Tiếp đến có một câu hỏi rằng: Ngài có thể tái sinh để trở thành một người đàn bà không?

Ngài không ngần ngại gì mà đáp cho người Tây Phương nghe rằng: Tại sao không? Và nếu có trở thành một người đàn bà thì phải là một người đàn bà đẹp.

Tất cả mọi người đều cười và Ngài cũng cười với mọi người một cách rất tự nhiên. Vì sao vậy? Theo Ngài giải thích thì một người đàn bà đẹp như thế có thể làm lợi lạc cho tất cả chúng sanh. Thính chúng rất hoan hỷ cho câu trả lời như thế và những tràng pháo tay lại vang lên liên hồi như bất tận. Đây là một thành công lớn của diễn giả. Không có câu hỏi nào mà Ngài không trả lời được, nhưng cũng có những câu hỏi mà không thuộc phạm vi của Ngài thì Ngài bảo rằng tôi không biết. Thế là thính chúng cũng cười rất hoan hỷ. Vì lẽ một vị hóa thân của Bồ Tát thì phải nói bằng sự thật, chứ không bằng sự mê hoặc con người được như nhiều người không hiểu, không biết mà cũng tự cho mình là hiểu biết, nên đã trả lời gượng gạo cho xong chuyện, nhưng thực ra là những lời ngụy biện không hơn không kém.

Đến chiều ngày 30 tháng 10 năm 1998, Ngài thăng tòa thuyết pháp và bắt đầu giảng về Trí Tuệ Ba La Mật. Sau khi lễ pháp tòa rồi thăng tòa thuyết pháp, Ngài cũng khuyên mọi người rằng: Nếu tu về pháp môn phát Bồ Đề Tâm mà không có trí tuệ thì không thể cắt trừ các phiền não được. Trí tuệ là một lưỡi gươm quan trọng dùng để dứt sạch tất cả những phiền não và khổ đau để trí tuệ được phát sanh.

Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý là sáu giác quan của chúng ta. Khi chúng ta đi vào sâu trong thiền định thì 6 giác quan này sẽ chuyển thành thức qua đối tượng nhận biết và sau khi đã gạn lọc kỹ càng 6 thức này sẽ biến thành trí. Khi chúng ta phân biệt nhận thức một sự kiện nào thông thường chúng ta căn cứ vào các hiện tượng để lý luận. Vì lẽ chúng ta cho rằng những hiện tượng kia là thực có, nhưng trên thực tế chúng không có một cái ngã nào cả. Chỉ vì vô minh nên vọng tưởng nó mới phát sanh và cũng chính vô minh này ngăn che trí tuệ của chúng ta. Do đó những nhận xét đều lệch lạc, không định hướng, thường thì theo những chấp ngã sẵn có của mỗi cá nhân mà thành. Do con người tiếp cận với xã hội qua thành kiến hay cố chấp của mỗi người mà không qua trí tuệ, cho nên mới có nhiều vấn đề khác nhau và mọi người không giải quyết được những vấn đề đó, xã hội mới rối loạn và gia đình cũng như cá nhân sống không hòa hợp, yên ổn. Từ sự chấp ngã này mà chúng ta có thương yêu hoặc giận hờn, thích thú hoặc ghen ghét. Chúng ta cũng không cần phải xô đuổi những hiện tượng này đi đâu cả, mà chúng ta chỉ cần nhận chân được những hiện tượng này là không thật, tức thì chúng sẽ tan biến. Từ đó việc yêu, thương, giận, hờn, ghen, ghét, ganh tị, đố kỵ, buồn rầu, bực tức, ngã mạn, tự cao, kiêu kỳ, hãnh diện v.v... tất cả cũng đều chỉ là những hiện tượng nhất thời. Người tu học về Bát Nhã hay nói đúng hơn, khi phát tâm Bồ Đề phải nhận chân bộ mặt thật của những hiện tượng này thì mới đạt được trí tuệ vô ngại.

Con người của chúng ta vì vô minh nên mới sanh ra chấp ngã và từ chấp ngã sẽ sanh tâm ái trước. Yêu thương riêng ai đó để rồi cũng chịu khổ với cái yêu đó, mãi vấn vương trong vòng luân hồi sanh tử. Có 2 sự bám chấp, đó là chấp về tôi và chấp về những gì thuộc về tôi, hay nói theo danh từ Duy Thức Học là Ngã và Ngã sở. Chính đây là nguyên nhân để sinh ra thương hoặc ghét. Nếu dùng trí tuệ để phá chấp thì chúng ta thấy rằng tất cả các pháp đều do nhân duyên sanh và tất cả các pháp đều do nhân duyên diệt, không có gì là thật có cả. Sở dĩ con người thấy mọi hiện tượng đều có sự hiện hữu vì lẽ cho nó là thật, nhưng tất cả mọi vật trên thế gian này không gì có thật tướng cả, tất cả luôn biến đổi qua 4 giai đoạn thành, trụ, hoại và diệt.

Phật Giáo có 4 trường phái lớn và 4 trường phái này đều chấp nhận rằng cái ngã là không thật có. Sở dĩ có ngã là do tâm của chúng ta chấp trước vào sự vật mà thôi. Trong các trường phái của Duy Thức cũng có phái cho rằng có ngã và có phái cho rằng không có ngã, trong khi đó Trung Quán Luận thì hoàn toàn phủ nhận về Ngã. Ngài Nguyệt Xứng và Ngài Bồ-đề-lưu-chi (Bodhiruci) có nhiều ý kiến khác nhau về Ngã. Ngài Bồ-đề-lưu-chi là người Bắc Thiên Trúc tới Lạc Dương vào thời Tuyên Vũ Đế (năm 508) nhà Ngụy, phiên dịch rất nhiều kinh sách ra Hán văn.

Cũng vì ngã chấp mà mỗi dân tộc, mỗi con người đều có một sự chấp trước khác nhau. Ví dụ người Mễ Tây Cơ thì họ bảo nước họ là trung tâm của quả địa cầu. Người Trung Quốc cũng vậy và người Đức thì nói rằng Hamburg là trung tâm của quả đất, trong khi đó người Pháp thì bảo rằng Paris là trung tâm của vũ trụ. Bởi vậy cho nên cái ngã cần phải đề cập mổ xẻ và cần phải thẩm thấu, để từ đó chúng ta mới có thể nhận chân được bộ mặt thật của nó. Cũng không có một cái ngã độc lập ở bên ngoài cái thân của chúng ta. Vì lẽ cái này tồn tại thì cái kia lại thay đổi. Không có một vật gì có thể tự động trở thành mà không cần đến những yếu tố phụ thuộc khác.

Từ nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân, ý, Mạt na thức và A Lại Da Thức đến sự nhận thức và biến đổi khác nhau. Mỗi thức đều có chấp ngã và đối tượng của chấp ngã. Quan trọng nhất là thức Mạt Na. Thức này dựa vào Thức Thứ Tám để tồn tại và cố chấp. Thức Thứ Tám tức A Lại Da Thức hoặc Tỳ thức hay Tâm vương thức cũng rất quan trọng. Vì đây là chủ tể của muôn loài. Đây là thức chứa đựng nghiệp lực của chúng sanh. Nghiệp từ vô lượng kiếp cũng tồn tại ở đây và đây chính là một cuốn phim quay lại tất cả dĩ vãng có thể năm bảy ngàn năm để chúng ta đi tái sinh trong 6 nẻo luân hồi và cũng chính Thức này chuyển chúng ta thành trí. Đó là trí tuệ Đại Viên Cảnh. Thức này cũng sẽ chuyển chúng ta thành Phật hay thành Bồ Tát và cũng chính Thức này sẽ dẫn dắt chúng ta đi vào con đường tội lỗi. Có nhiều trường phái khác cho rằng chỉ có 6 Thức, nhưng trong Trung Luận, Ngài Nguyệt Xứng cho rằng: Nếu có sự hiện hữu độc lập thì trái với quan niệm của Đức Phật. Vì trong cái này tồn tại cái kia và trong cái kia lại tồn tại cái này.

Nói về sự vọng tưởng chúng ta có thể cho một thí dụ như sau: Trong đêm tối chúng ta nhìn một sợi dây, tưởng rằng con rắn, liền nhận sợi dây ấy làm con rắn. Cũng như thế, chúng ta nhận 5 uẩn là cá thể, độc lập với nhau, nhưng điều này không thể được và không thật có. Ngã chỉ là một danh xưng chịu ảnh hưởng của duyên khởi và nhân duyên mà có. Tất cả đều là giả danh, không có thật. Chúng ta không chối bỏ sự hiện hữu của hiện tượng, mà chỉ chối bỏ sự chấp ngã của nó. Ví dụ Như Lai không tìm thấy nơi ngũ uẩn, mà Như Lai chỉ hiện hữu qua khái niệm và ngôn từ. Khi biết rằng tất cả các hiện tượng đều không có thực thể của nó. Vì biết rằng tất cả đều do nhân duyên hội tụ mà thành, thì chúng ta phải hiểu rằng tất cả cái ngã độc lập không bao giờ có thể tìm thấy được.

Chúng ta cũng có thể phân tích việc này tỉ mỉ hơn. Có 2 cách nhìn về việc này. Đó là các hiện tượng hiện hữu độc lập và các hiện tượng hiện hữu qua khái niệm và nhân duyên. Nếu chúng ta chấp có ngã thì tất cả đều có thật tướng hiện hành, nhưng thỏ không bao giờ có sừng, đó cũng là một thực tướng. Bản chất của danh xưng và khái niệm cũng bị ảnh hưởng bởi nhân duyên và tất cả mọi hiện tượng đều là không. Từ đây các Tông phái trong Phật Giáo đều chấp nhận về Duyên Khởi và Nhân Duyên. Các Tông phái cũng đều quan niệm rằng Thập Nhị Nhân Duyên là Duyên Khởi của mọi hiện tượng. Riêng Duy Thức Học thì không hoàn toàn nghĩ như thế, các sự chấp trước chịu ảnh hưởng từng phần trong hiện tượng đó. Các hiện tượng này bao gồm vật lý và hiện tượng. Những hiện tượng này được cấu tạo thành bởi những nhân tố đi trước. Không có một hiện tượng nào hiện hữu độc lập và vì vậy Ngài Thánh Thiên nói rằng tất cả hiện tượng đều không và hoàn toàn không có ngã.

Điều thứ hai là mọi vật thể đều hiện hữu tương đối và bị chi phối bởi nhân quả nên gọi là không. Nơi đây có hai điều cực đoan cần loại bỏ. Đó là việc cho rằng Ngã hiện hữu hoàn toàn độc lập và các hiện tượng hoàn toàn không có thật. Nếu chấp vào một trong các lối giải thích trên đều sai, mà phải dùng trí tuệ để quán chiếu tự thể của sự vật để biết rõ thực tướng của nó. Phải xem sự biến đổi của một vật qua các giai đoạn thành, trụ, hoại, diệt là những quá trình của hiện tượng chứ không phải là hiện tượng này hiện hữu, tồn tại một cách độc lập. Sở dĩ có việc như thế vì tất cả các hiện tượng đều hiện hữu do ảnh hưởng của nhau mà thành tựu. Các hiện tượng cũng không thể hiện hữu tự nhiên. Vì chúng có liên hệ nhân quả và nhân duyên qua giả danh và qua khái niệm. Do đó Ngài Long Thọ nói rằng: Tất cả mọi hiện tượng không đến và không đi. Chúng sanh ra do nhân và duyên của chúng, rồi chúng cũng tự biến đổi qua nhân và duyên của chúng để thay đổi, tan rã hay mất đi. Những trạng thái biến diệt của hiện tượng là những quá trình chịu ảnh hưởng của nhân và quả. Đó là một quá trình nối tiếp đã tạo ra sự hiện hữu của các hiện tượng. Người nào nắm bắt rõ ràng về nhân duyên và hiện tượng thì sẽ rõ về tánh Không. Từ đó chúng ta sẽ thấu rõ về sự thật của việc chấp không và chấp có.

Người nào biết quan sát sự vật như thế thì mới có thể gần gũi với trí huệ của chư Phật. Do vậy Thiền Định sẽ giúp chúng ta hiểu rõ về nhân quả và hiện tượng. Một người khi hiểu rõ về nhân duyên của các pháp thì người đó sẽ phá về sự chấp đoạn. Nếu quán sát triệt để về tánh Không thì sẽ phá về lối chấp thường. Đoạn có nghĩa là mất hẳn đi và thường tức còn vĩnh viễn. Trên thực tế thì hai khuynh hướng chấp thường và chấp đoạn đều sai lầm, vì mọi sự việc không hiện hữu độc lập, đều tùy thuộc vào nhân duyên mà thành tựu, rồi do nhân duyên mà hoại diệt. Đó là bản chất của sự vật.

Ngoài ra các trường phái của Phật Giáo đều từ bỏ sự chấp không. Chấp thường đã sai, chấp đoạn cũng không đúng, mà chấp có càng lệch lạc, chấp không cũng sai nốt. Chỉ có một điều duy nhất nên làm là đừng chấp gì cả, hãy quán sát những hiện tượng không thật có ấy và hãy gạn lọc những hiện tượng không có thật này ra khỏi tâm ta thì lúc bấy giờ ta mới không bị sự bám chấp trói buộc. Ngài Tongskhapa cũng dạy rõ ràng cho chúng ta hãy thực hành những con đường đạo căn bản đó để đạt được Bát Nhã Ba La Mật.

Hôm đó tất cả chư Tăng Ni tham dự buổi thuyết giảng của Ngài đều dùng trà sữa của Tây Tạng và mọi người nghỉ giải lao 10 phút. Sau khi vào lại hội trường, Đức Đạt-lai Lạt-ma đã trả lời những câu hỏi của những người tham dự đã đặt ra. Ngài khoan dung và từ tốn trả lời hết tất cả những gì mà Ngài đã có thể. Đúng ra phải nói Ngài là một nhà tâm lý học Phật Giáo vậy. Vì tất cả mọi câu trả lời đều xoáy sâu vào tâm thức của học viên và từ đó họ nhận chân được thế nào là sự thực. Cứ thế và cứ thế những tràng pháo tay lại được vang lên để diễn tả sự ái mộ của thính chúng đối với sự hiện hữu của Ngài.

Nếu người nào tu tập thiền định chỉ huân tập về Chỉ không thôi, thì không cắt đứt được sự luân hồi, mà còn phải dùng phương tiện của Trung Luận để cắt đứt nó. Khi nhận chân được bộ mặt thật của hiện tượng thì chúng ta có thể thoát ly khỏi sanh tử luân hồi. Người nào thực hành con đường Trung Đạo của Đạo Phật, nhận chân được chân tướng của các pháp, thì kẻ ấy có khả năng cắt đứt sự ràng buộc của luân hồi. Nên kết hợp giữa Chỉ và Quán và từ đó phải quán sát triệt để về khái niệm của Tánh Không và nghiên cứu cũng như phân tích những hiện tượng. Đây là hình thức của Định. Khi tu tập về Thiền Định nên quán tưởng về tánh Không. Khi Thiền Định nên tập trung vào một đối tượng, hãy quán tưởng về một khoảng hư không chẳng hạn. Như vậy Thiền Định sẽ giúp cho chúng ta có một khái niệm bình thường về Tánh Không. Qua 4 giai đoạn tu tập về Thiền Định đến cuối cùng chúng ta sẽ lìa Tánh Không và sẽ đi vào giai đoạn kiến đạo. Hãy quán niệm tất cả mọi hiện tượng đều không. Vì tất cả đều do nhân duyên tạo thành và tất cả đều là ảo ảnh, không thật có.

Ngoài ra cũng nên tu tập về những pháp môn khác như phương tiện để bổ sung cho phương pháp tu tập về Tánh Không. Khi đó phước đức sẽ tăng và trí tuệ sẽ được phát triển, từ đó mới có thể chuyển hóa tâm linh chính mình một cách dễ dàng hơn. Muốn có được phước đức, không ngoài việc kinh hành, lễ bái, sám hối v.v... Những pháp môn này phải thực hành hằng ngày đừng cho gián đoạn. Thực hiện lòng từ bi cũng sanh ra phước đức, nhưng thể hiện việc tu tập qua việc tán thán chư Phật, lễ bái thường xuyên, sám hối những tội lỗi nhiều đời nhiều kiếp, trì tụng những bộ kinh Đại Thừa sau đó phải phát nguyện chọn pháp môn để tu và cuối cùng là hồi hướng tất cả những phước báu đó đến khắp pháp giới chúng sanh, thì phước và đức sẽ phát sanh một cách tự nhiên, do công năng hành trì hằng ngày của chúng ta.

Đến hôm nay thì Ngài đã giảng đến đoạn 21 trong quyển kinh nói về Trung Đạo và con đường thực tập Thiền Định. Rồi đoạn 23, 24 và 25. Tất cả những đoạn kinh văn này chỉ rõ cho hành giả con đường phải đi và phải đến. Đầu tiên phải chọn các pháp tu căn bản của Tiểu Thừa để tiến thân. Ví như Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo, Thập Nhị Nhân Duyên v.v... Sau đó nên tu theo các pháp Đại Thừa như Bát Nhã, Hoa Nghiêm. Niết Bàn rồi sau đó nên tìm một vị Thầy Mật Tông để đưa chúng ta vào 4 giai đoạn cuối cùng của Phật Thừa. Phải cầu nguyện cho mọi người và mọi loài đều được nhiều điều lợi lạc cho đến ngày được giải thoát.

Tối hôm Thứ sáu ngày 30 tháng 10 năm 1998, tại lều chính có tổ chức chiếu phim Tây Tạng nhan đề là Những Người Làm Muối Tây Tạng. Chúng tôi không ai đi coi phim này. Tất cả đều về nhà nghỉ mát để dùng tối nghỉ ngơi để chuẩn bị cho ngày mai nghe giảng tiếp. Khi nghe đến đề tài của phim có lẽ nhiều người cũng tò mò. Vì lẽ Tây Tạng là một xứ ở nơi cao nhất của quả địa cầu. Do vậy sự liên hệ với biển cả thật khó khăn. Phải ngoại giao như thế nào? Phải tổ chức như thế nào muối mới có thể thâm nhập vào thị trường của Tây Tạng. Vì nấu ăn, khi gia vị cần phải có muối. Muối là một chất rất cần thiết cho quá trình điện giải tự nhiên trong cơ thể. Nếu thiếu muối, cơ thể phát triển không bình thường.

Tôi cũng đã có dịp đi xem những phim Tây Tạng được chuyển sang Đức ngữ trình chiếu tại các rạp ở Hannover như phim: Little Buddha, Kündun và số phim khác mà tôi đã quên tựa đề. Đây là những phim ảnh được nhiều giải thưởng Oscar. Tất cả đều nói về Phật Giáo, liên quan về sự tái sanh. Về nghiệp, về tình hình Phật Giáo Tây Tạng ngày nay. Đây không phải là hình thức tuyên truyền, cũng chẳng phải làm phim với mục đích thương mại, nhưng dầu gì đi nữa thì phim là một lối truyền thông nhanh nhất vào lòng người. Có nhiều điều là giả tưởng, nhưng đôi phần cũng là lịch sử. Chúng ta cần phải xem để biết rõ những điều mà chúng ta cần biết. Ví dụ như phim Little Buddha giúp ta biết rõ về hình thức tái sanh theo truyền thống của Phật Giáo Tây Tạng như thế nào. Xem phim Kündun chúng ta sẽ thấy được cuộc sống của dân Tây Tạng dưới sự đô hộ của người Trung Hoa, sẽ thấy được cách kế thừa ngôi vị của Đức Đạt-lai Lạt-ma như thế nào? Ở phim này chúng ta có thể hiểu rõ cuộc đời của Đức Đạt-lai Lạt-ma đã chiến đấu cho sự tồn tại của Phật Giáo như thế nào? Và cũng chính ở phim này chúng ta thấy được bộ mặt thật của người Cộng Sản. Ai đó đã xem qua các tác phẩm: My Land and my People và quyển Freedom in Exile thì đủ rõ hết mọi ngọn ngành về Phật Giáo Tây Tạng. Đây là một trong những phương pháp dễ truyền đạt tinh hoa của Phật Giáo cho người Tây Phương nhất.

Ngày nay người Âu Mỹ theo Phật Giáo rất đông. Đặc biệt là Phật Giáo Tây Tạng. Mới đây (1999) ông Martin Baumann là Giáo sư về Tôn Giáo học của Đại Học Hannover và Leipzig đã cho xuất bản một quyển sách nhan đề là: Weltreligion - Buddhismus. Trước đây ông ta viết quyển Deutsche Buddhisten đã gặt hái được nhiều thành quả tốt đẹp và quyển này hiện là tài liệu giáo khoa tại các Đại Học cho các phân khoa Phật Học và Tôn Giáo học.

Theo thống kê của ông Baumann trong quyển sách mới này, Phật Giáo tại Đức đã được phân chia như sau:

- Không có Tông phái rõ rệt 7%

- Nam Tông Phật Giáo 15,3%

- Đại Thừa Phật Giáo 35,6%

- Phật Giáo Tây Tạng 42,2%

Như kết quả này cho thấy, Phật Giáo Tây Tạng phát triển một cách tột bực vào cuối thế kỷ 20 này. Vào giữa thế kỷ 20, Phật Giáo Tây Tạng hầu như chưa có chân đứng tại Đức, thua xa Phật Giáo Nam Tông, nhưng trong hiện tại, sau gần 50 năm hành đạo tại đây, hạt giống giác ngộ của Đạo Phật, hay nói đúng hơn là Phật Giáo Tây Tạng đã đâm chồi nảy lộc một cách đáng kể.

 Ngày thứ sáu

(31 tháng 10 năm 1998, nhằm ngày Thứ Bảy)

Sau khi lễ pháp tòa, Đức Đạt-lai Lạt-ma thăng tòa thuyết pháp. Như thường lệ Ngài chắp hai tay lại niệm kinh và mỉm cười nhìn mọi người. Ai nấy trong hội trường đều như cảm nhận được sức gia trì của Ngài nên rất hoan hỷ.

Hôm nay Ngài nói những người Phật Tử muốn đi vào con đường Bồ Tát phải phát tâm thực hành Bồ Tát hạnh và phải nguyện thành Phật đạo để làm lợi lạc cho chúng sanh. Do vậy phải giữ Bồ Tát giới và phát tâm Bồ Đề, nguyện thành đạo vô thượng chánh chân, chứng ngôi bất thối.

Thọ Bồ Tát giới thì dễ, mà hành Bồ Tát hạnh mới khó. Nghĩa là khi thực hành trang nghiêm quốc độ Phật, các Bồ Tát phải xả thân, cho đến đầu mắt tai mũi, khi cần bố thí để lợi lạc chúng sanh, người thọ giới Bồ Tát cũng có thể thực hiện. Vì lẽ chúng sanh là đối tượng của Bồ Tát. Khi chúng sanh còn khổ đau thì Bồ Tát phải nguyện thay thế chúng sanh chịu vô lượng khổ là vậy. Thệ nguyện sẽ không thành Phật, nếu có một chúng sanh chưa thành Phật. Bồ Tát có 10 giới nặng, 48 giới nhẹ hoặc 6 giới nặng, 28 giới nhẹ. Giới này được gọi là Đạo Tục Thông Hành giới. Nghĩa là giới dùng cho cả người tại gia lẫn xuất gia đều có thể hành trì để thực hành Bồ Tát hạnh vậy.

Theo Phật Giáo Tây Tạng và lời dạy của Đức Đạt-lai Lạt-ma hôm 31.10.1998 thì những người tu theo cả 4 tầng bậc của Mật Tông đều phải nhận giới Bồ Tát. Giới này tìm thấy nơi Trung Luận của Ngài Vô Trước, Ngài Nguyệt Xứng cũng đã diễn giải Bồ Tát giới trong quyển Bồ Tát đạo hạnh. Nơi Trung Luận, Ngài Santideva có dạy rằng Đức Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát có chỉ theo cách thọ giới này qua tinh thần Duy Thức và Trung Luận. Hôm ấy Đức Đạt-lai Lạt-ma đã chỉ cho mọi người thọ giới Bồ Tát theo nghi thức của Ngài Tsongkhapa dạy. Ngài Ling Rinpoche là Thầy của Đức Đạt-lai Lạt-ma, đã truyền Bồ Tát giới này cho Đức Đạt-lai Lạt-ma tại Bồ Đề Đạo Tràng và hôm nay Đức Đạt-lai Lạt-ma sẽ truyền lại giới này cho mọi người. Theo tinh thần Bồ Tát giới của Tây Tạng thì có 18 giới nặng và 46 giới nhẹ. Sau đó Đức Đạt-lai Lạt-ma làm phép hỏi già nạn.

Già Nạn: Có nơi còn gọi là Gia, gồm có 16 loại Già và 13 Nạn. Theo phép của luật Tiểu Thừa, khi lựa chọn những người thọ Cụ Túc giới có căn tính hay không có căn tính, đều phải xét theo 16 Già và 13 Nạn này. Già là chỉ chung cái ác không phải xuất phát từ tự tính, nhưng đối với giới luật vẫn là có tội, nên phải ngăn chặn đi, không cho thọ giới Cụ Túc nữa, nên gọi là Già. Nạn là cái ác tự tính, không phải là cái căn tính thọ Cụ Túc giới, nên gọi là Nạn. Người nào có mắc một trong số Già Nạn đó thì không được thọ giới Cụ Túc. Do vậy, trước khi thọ giới, thì vị Giáo Thọ sư phải hỏi xem người thọ có những lỗi về Già Nạn đó không. Số lượng về Già Nạn ở đời sau dần dần tăng lên. Sách luật thư truyền bá ở phương Nam là ít nhất. Số lượng từ Tứ Phần luật tới Hữu Bộ luật có tăng lên nhiều. Thứ đến là Hành Sự Sao, cũng là Tứ Phần luật. (Sách đã dẫn trang 437). Riêng về giới của tại gia Bồ Tát có 7 Già Nạn, nên phạm một trong 7 tội này không được thọ giới.

Vị Giới Sư sẽ hỏi các giới tử thọ Bồ Tát giới như sau:

Hỏi: Các vị có làm thân Phật ra huyết không?
Đáp: Mô Phật, không.
Hỏi: Các vị có giết cha không?
Đáp: Mô Phật, không.
Hỏi: Các vị có giết mẹ không?
Đáp: Mô Phật, không.
Hỏi: Các vị có giết Hòa Thượng không?
Đáp: Mô Phật, không.
Hỏi: Các vị có giết A-Xà Lê không?
Đáp: Mô Phật, không.
Hỏi: Các vị có phá Yết-Ma Tăng không?
Đáp: Mô Phật, không.
Hỏi: Các vị có giết Thánh nhơn không?
Đáp: Mô Phật, không.

Sau khi thọ giới Bồ Tát, chư Tăng trải tấm khăn vàng phía trước ngai và Ngài bước lên đó lạy về 10 phương pháp giới để cầu chư Phật và chư Bồ Tát gia hộ, mỗi phương 3 lạy. Sau đó Ngài thăng pháp tòa và đứng lên để cầu xin giới nơi chư Phật, thay cho giới tử và cầu mong chư Phật cũng như chư vị Bồ Tát chứng minh gia hộ cho những người xin thọ giới Bồ Tát.

Hôm nay Ngài bắt đầu thực hiện những nghi lễ của Mật Tông. Bên cạnh tay phải nơi Ngài ngồi có để một cái kiệu (cáng), nơi đó có 4 vị Sư đang bắt đầu lấy cát để thổi thành hình Mạn Đà La của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát sau khi Đức Đạt-lai Lạt-ma đã kẻ những đường chính cho đồ hình Mạn Đà La này.

Ngài giảng rằng, để đi vào phần chính yếu của Mật Tông mọi người phải quán chiếu qua các vị Bổn Tôn. Vị Bổn Tôn đó chính là Tánh Không. Tánh Không chính là vị Bổn Tôn vậy. Đặc biệt của Mật Tông là lấy chỗ dụng tâm và chánh kiến để hành trì. Rồi từ Tánh Không mà vị Bổn Tôn xuất hiện. Qua sự tu tập liên tục, chúng ta sẽ từ từ làm quen với Tánh Không. Khi tu tập như vậy phải luôn luôn phát Bồ Đề Tâm để lòng từ bi được tăng trưởng.

Ở đây xin chú thích thêm về Bồ Đề Tâm để quý vị lãm tường. “Bồ Đề Tâm có nghĩa là Đạo. Cái tâm tìm chân đạo gọi là Bồ Đề Tâm. Cách dịch mới gọi là Giác. Cái tìm cầu chính giác ngộ gọi là Bồ Đề Tâm. Hai ý là một. Đại Nhật kinh số quyển 1 nói: “Bồ Đề Tâm gọi là trí nhất hướng chí cầu nhất thiết trí.”

A. Nhị chủng Bồ Đề Tâm:

1. Duyên sự Bồ Đề Tâm, đó là lấy tứ hoằng thệ nguyện làm thể: Một là chúng sanh vô biên thệ nguyện độ, hai là phiền não vô tận thệ nguyện đoạn, ba là pháp môn vô lượng thệ nguyện học và bốn là Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.

2. Duyên lý Bồ Đề Tâm, tất cả các pháp vốn là tịch diệt, an trụ ở thực tướng trung đạo này mà thành được nguyện. Trên cầu Phật đạo, dưới hóa độ chúng sanh. Đó là Bồ Đề Tâm tối thượng, gọi là Bồ Đề Tâm duyên lý.

B. Tam chủng Bồ Đề Tâm. Bồ Đề Tâm của chân ngôn hành giả Mật Giáo. Mật Giáo lập ra năm Phật có chủ đích khác nhau. Đem Đại viên cảnh trí của A-súc Như Lai ở Đông phương lập thành các đức Bồ Đề Tâm, cho nên cái tâm Bồ Đề sơ phát của hành giả, rốt cùng là tâm chán và cầu. Tuy thuộc về Thức thứ 6, nhưng tính Bồ Đề Tâm của nó là Đại Viên cảnh trí, cho nên đem Thức thứ 8 của tự thân làm thể của sự phát tâm.

Người thụ Tam Muội da giới, cũng quay về hướng Đông lấy A-súc Như Lai làm bổn tâm, vì lẽ Tam Muội da giới, lấy ba loại Bồ Đề Tâm làm tự thể:

1- Hạnh Nguyện Bồ Đề Tâm : Tu hành phát nguyện cho nên gọi là hạnh nguyện, nguyện là nghĩ tất cả chúng sanh, đều hàm chứa Như Lai tạng tính, có thể an trụ ở Vô Thượng Bồ Đề, nguyện đem pháp vi diệu của Đại Thừa mà độ hết.

2- Thắng Nghĩa Bồ Đề Tâm: Dập tắt phép yếu kém, quán hiển thắng nghĩa. Có 2 môn giáo và quán, quán chín loại trụ tâm của Phàm Phu, Ngoại Đạo, Nhị Thừa, Pháp Tướng, Tam Luận, Thiên Thai, Hoa Nghiêm, lần lượt bỏ cái yếu kém lấy cái ưu thắng, cuối cùng an trụ ở tâm rốt ráo bí mật trang nghiêm, đó là thắng nghĩa của giáo môn. Còn quán các pháp giác ngộ vô tự tánh của nó, thì ngăn trừ vọng hoặc của tất cả, từ cái chân mà khởi dụng, muôn đức đầy đủ, đó là thắng nghĩa của Quán Môn. Như vậy, một là đi tới cái mà giáo an trụ thì thắng nghĩa, một là đi tới cái lý mà nó hiển hiện là thắng nghĩa.

3. Tam Ma Địa Bồ Đề Tâm. Tam Ma Địa còn gọi là Tam Muội da. Tam Muội dịch là đẳng chí, cách dịch mới là đẳng niệm. Tam Ma Địa ở Kim Cương đỉnh nghĩa quyết dịch là đẳng trì. Đó là vì hành giả đi vào ngôi tín và hiểu mà tu ngũ bộ mật quán của tam mật tương ưng. Trì vạn đức của chư Phật, tự làm việc giáo hóa người khác, cho nên gọi là đẳng trì, tan khắp vào giới hữu tình, bình đẳng nhiếp thụ mà hộ niệm cho họ, nên gọi là đẳng niệm, không đâu là không đến, cho nên gọi là đẳng chí. Hai cái trước chung cho Hiển, một cái sau thì riêng cho Mật. Ba cái đó tức là ba đức Đại Định (Tam Ma địa), Đại Trí (Thắng Nghĩa), Đại Bi (Hạnh Nguyện). Còn chỉ ba bộ: Phật (Đại Định), Liên (Hạnh Nguyện), Kim (Thắng Nghĩa) của Thai Tạng giới. Còn chỉ Tam Ma Địa của Tam Môn là: Quán Âm (Hạnh nguyện), Văn Thù (Thắng nghĩa), Phổ Hiền (Tam Ma địa). Còn chỉ Biểu Đức (Hạnh nguyện), Già Tình (Thắng nghĩa) và Bất Nhị (Tam Ma địa). (Sách đã dẫn trang 168-169).

Đức Đạt-lai Lạt-ma vẫn luôn luôn nhấn mạnh rằng Bồ Đề Tâm chính là căn bản của các pháp môn tu. Mật Giáo chú trọng vào 3 điểm chính như sau: Thứ nhất là phát Bồ Đề Tâm -Thứ hai là cầu thành Phật Đạo - Thứ ba là làm lợi lạc cho tất cả chúng sanh. Nói tóm lại trong ý chính của việc này là đầu tiên chúng ta phải dốc lòng tu học và thứ đến khi tu học chỉ có một nguyện duy nhất là cầu thành Phật đạo, nhưng sau khi thành rồi không phải ở mãi nơi cõi Cực Lạc mà phải hồi nhập lại Ta Bà để hóa độ tất cả chúng sanh. Đó là hạnh nguyện của Bồ Tát vậy.

Khi phát Bồ Đề Tâm phải quán tưởng về Bổn Tôn là như thế nào? Qua 60 bài kệ biện chứng khi hành giả tu tập hành trì, chính hành giả sẽ cảm nhận được phước báu về pháp thân và báo thân của chư Phật.

a) Cảm nhận trí tuệ của chư Phật.

b) Cảm nhận pháp thân của chư Phật qua Tánh Không.

Về pháp thân thì vô cùng cao siêu, cần phải tu tập tinh chuyên. Từ pháp thân sẽ hóa hiện ra sắc thân để giảng dạy giáo pháp cho chúng sanh và mọi loài. Phải tạo một môi trường thích hợp để tu tập. Dẹp bỏ vọng tưởng và vô minh. Phải hiểu rằng Tánh Không là bản chất thực sự của hiện tượng. Sắc thân có thể cảm nhận được khi chúng ta thực hành lục độ, vạn hạnh.

Sự phối hợp của 2 thân này sẽ trở thành pháp thân của chư Phật. Từ đó vọng tưởng và vô minh được dẹp bỏ thì Tánh Không sẽ hiện hữu. Chính tâm của mỗi chúng ta phải nhận ra được hình tướng của vị Bổn Tôn. Việc ấy chỉ có được khi nào chúng ta lìa tâm phân biệt và đạt được một tâm trong sáng và khi ấy cũng sẽ nhận thấy thân mình là một Bổn Tôn, do trí tuệ cũng như phương tiện cộng lại mà thành tựu.

Mỗi chủng tử sẽ trở thành một hiện tượng của thế gian. Chúng sẽ biến mất và hiện tượng của thế giới cũng trở thành không, lúc ấy trí tuệ và phước đức sẽ tăng trưởng. Trí Tuệ và Từ Bi là 2 phép quán căn bản cũng như rất quan trọng để chứng được A Nậu Đa La của phép Du Già trong Mật Tông của Tây Tạng. Vấn đề sâu sắc của Mật Tông không phải nằm trong vấn đề cảm nhận của sắc thân của chư Phật, mà chính là phối hợp giữa Trí Tuệ và Từ Bi. Khi thành tựu được pháp tu này, thân này được gọi là thân Kim Cương. Vì lẽ bất hoại theo thời gian và năm tháng.

Người Phật Tử muốn nhận một lễ điểm đạo (Initiation) phải chuẩn bị thiết lập một Mandala gồm nhiều màu. Đức Đạt-lai Lạt-ma đã gia trì vào đây và quán tưởng đây chính là cung điện của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát và chính thân Ngài cũng là thân của Đức Quán Thế Âm. Hãy quán tưởng rằng bản thân của Đức Đạt-lai Lạt-ma và Đức Quán Thế Âm không có gì khác biệt.

Sau đó có lễ cúng dường Phật, Pháp, Tăng bảo. Lễ vật cúng dường là gạo, bơ, nước, bông hoa, hương trầm v.v... Đức Đạt-lai Lạt-ma xướng lên những lời tụng và đại chúng hòa theo. Ngài rải những gạo và hương hoa ấy xuống thính chúng như một hình thức chúc phước cho mọi người.

Hãy dụng tâm cầu cho mình ở kiếp này hoặc kiếp sau, dẫu cho có danh tiếng lẫy lừng cũng chưa đủ, mà phải dụng tâm làm sao cho lợi lạc tất cả chúng sanh thì tâm thực hành Bồ Tát hạnh của người thể hiện lòng từ mới đầy đủ.

Hãy nhận thấy nơi mỗi chúng sanh đều có ý tưởng và hiện tượng, nhưng đó không phải là bản ngã. Vì lẽ mọi hiện tượng đều không thật. Phải quán tưởng những hiện tượng luôn luôn thay đổi như thế để tâm ta được an lạc. Khi đó tâm của chúng ta sẽ nhận được Tánh Không và Tánh Không đó là thể chất của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Sau đó Ngài hướng dẫn mọi người đi vào thực hành phép điểm đạo theo truyền thống Phật Giáo Tây Tạng.

Đức Đạt-lai Lạt-ma đã nhắc nhở cho mọi người tham dự lễ điểm đạo biết rằng đây là những phép tu đứng đắn và có công năng đưa hành giả đi sâu vào lãnh vực của tâm linh khi phát nguyện hành trì. Sau đó Ngài hướng dẫn mọi người về một lòng tin mạnh mẽ của phép tu này và hướng mọi người về một vị Thầy khả kính. Kế tiếp mọi người phát Bồ Đề Tâm, đọc lên những lời phát nguyện và nguyện tu học theo giới Bồ Tát đã thọ. Theo tinh thần giới Bồ Tát mà người Trung Hoa và Việt Nam đã thọ lãnh thì có 10 giới nặng và 48 giới nhẹ cho cả giới tại gia lẫn xuất gia, nhưng sau khi Ngài Thái Hư Đại Sư xuất hiện tại Trung Hoa từ đầu thế kỷ 20 này, Ngài đã ứng dụng kinh Ưu Bà Tắc giới để cho người tại gia dễ hành trì, nên chỉ giữ 6 giới nặng và 28 giới nhẹ. Còn người xuất gia vẫn giữ nguyên như cũ. Trong khi đó giới Bồ Tát theo tinh thần Phật Giáo Tây Tạng thì có 18 giới nặng và 46 giới nhẹ. Như vậy chắc chắn có những điều sai khác, nhưng tựu chung có nơi nhấn mạnh ở giới này và có nơi nhấn mạnh ở giới kia, chứ thực ra bản thể của giới không thay đổi.

Kế tiếp vị Đạo Sư gia trì cho thân, khẩu, ý của những người thọ lãnh giới pháp được thanh tịnh. Mọi người sẽ trở thành những bình chứa xứng đáng để đựng nước giải thoát. Phải quán sát rằng trong tâm của mỗi người có một hồ Kim Cang, nằm trên một bánh xe tròn. Nơi cổ của mỗi người có nhựt luân màu đỏ, có chữ A. Nơi trán của ta có một bánh xe 8 căm và có một nguyệt luân và một chữ Oum màu trắng. Khi Đức Đạt-lai Lạt-ma làm dấu gia trì quán tưởng, chúng ta tưởng tượng rằng tay Ngài sẽ chạm vào 3 nơi trong thân của chúng ta, phải hình dung rằng những sự gia trì này giống như những giọt nước cam lồ làm thanh tịnh thân, khẩu, ý của chúng ta.

Kế tiếp đó vị Đạo Sư đưa hoa lên quán tưởng. Khi quán tưởng hoa và đồ cúng dường lên chư Phật, các vọng tưởng sẽ biến mất qua phước báu cúng dường này và tâm của chính mỗi người sẽ biến đổi từ tâm ô trược trở thành tâm thanh tịnh. Chúng ta phải quán tưởng rằng mọi việc đều biến đổi và không hiện hữu thường còn. Tất cả mọi hiện tượng đều phải đổi thay. Vì bản chất của chúng là không thật. Từ đó cái ngã chủ thể cũng không tồn tại nơi tâm ta nữa. Vì lẽ không có gì thuộc về ta và cũng không có cái gì là của ta cả, chẳng qua chỉ là một sự giả hợp mà thôi.

Mỗi lần dâng lễ như thế, Đức Đạt-lai Lạt-ma đều tụng kinh và niệm chú gia trì trên hoa, hương, đèn và dầu. Đây là pháp cúng dường tối thượng lên chư Phật và chư vị Bồ Tát. Tất cả những lễ vật ấy chỉ có tính cách tượng trưng, điều đặc biệt là phải tác ý thanh tịnh vào việc dâng cúng lễ thì phước điền mới phát sanh được.

Đại chúng đại diện một người lên thả một khúc gỗ và Hòa Thượng Geshe Ngawang cũng thả một miếng gỗ tượng trưng. Mọi người đều hướng về vị truyền giới sư để thể hiện việc cầu xin ấy. Nếu tâm của giới tử chân thành thì mấy miếng gỗ sẽ thuận chiều. Nếu người nào không thanh tịnh miếng gỗ sẽ thay đổi vị trí. Sau đó Đức Đạt-lai Lạt-ma nhỏ lên mỗi người một ít nước để uống. Nước này đã được chính Ngài gia trì. Nước này thể hiện cho nước có chứa 8 công đức, làm cho thân, khẩu, ý được thanh tịnh các nghiệp.

Nước này theo tinh thần A-Di-Đà có nói là nước trong ao ở cõi Tây Phương Cực Lạc, ở trong biển của núi Tu Di và núi Thất Kim Sơn. Tất cả những nơi này đều có chứa nước 8 công đức như thế. Kinh Xưng Tán Tịnh Độ có ghi rằng: “Những gì được mệnh danh là nước 8 công đức? Một là trong trẻo sạch sẽ, hai là thanh tịnh mát mẻ, ba là có vị ngon ngọt, bốn là nhẹ nhàng mềm mại, năm là nhuần nhịn mượt mà, sáu là yên ổn điều hòa, bảy là uống vào thì trừ được vô lượng quá hoạn như đói khát v.v..., tám là khi uống xong thì chắc chắn có thể trưởng dưỡng được các căn. Tứ đại được tăng thêm”. (Sách đã dẫn trang 107).

Như vậy những chúng sanh ở cõi Tây Phương Cực Lạc, ở trong lòng núi Tu Di (Sumeru) và ở Thất Kim Sơn đều có nhân duyên để tắm gội nước 8 công đức này. Riêng chúng ta ở đây, hôm nay dự lễ quán đảnh này, được dùng nước gia trì này với ý nghĩa tượng trưng và cố quán tưởng cho thân, khẩu, ý được thanh tịnh.

“Tu Di (Sumeru) còn gọi là Tu Mê Lâu, Tô Di Lâu, Di Lâu, cách dịch âm mới là Tô Mê Lư. Đây là tên núi. Trong tâm của một Tiểu Thế Giới. Dịch là Diệu Cao, Diệu Quang, An Minh, Thiện Tích, Thiện Cao v.v... Phần dưới cũng như khí thế giới là Phong Luân, trên là Thủy Luân, trên nữa là Kim Luân, tức Địa Luân, trên đó có 9 núi, 8 bể. Trì Song, Trì Trục, Đảm Mộc, Thiện Kiến, Mã Nhĩ, Tượng Tỵ, Trì Biên và Tu Di cùng với núi Thiết Vi. Núi trung tâm của khu vực này là núi Tu Di. Sâu vào nước 8 vạn do tuần, trên đỉnh núi là nơi của Đế Thích, lưng chừng là nơi ở của Tứ Thiên Vương, chung quanh có 7 Hương Sơn và 7 Kim Sơn. Ngoài Kim Sơn thứ 7 có bể mặn, phía ngoài là núi Thiết Vi, cho nên gọi là 9 núi, 8 bể. Bốn đại châu của Thiệm Bộ Châu tức là bốn phía của bể mặn này.” (Sách đã dẫn trang 1399-1400).

Mọi người nhận nước gia trì từ Đức Đạt-lai Lạt-ma ai nấy đều hoan hỷ. Hoan hỷ vì nhiều lẽ. Vì chính mỗi người được gội nhuần trong ánh sáng từ quang của một vị Đại Đạo Sư đã được thế giới kính ngưỡng vọng về và mọi người như thêm năng lực, vì lẽ không có sự yên tĩnh cao cả nào hơn sự an lạc của tâm thức. Suốt 6 ngày nay, mọi người đều chú tâm lắng nghe, học hỏi, chiêm nghiệm và thể hiện sự tu học của mình qua sự hiện diện của Đức Đạt-lai Lạt-ma đã làm cho mọi người an ổn hơn so với một cuộc sống hằng ngày tại gia đình. Đến đây họ sống trong một đại gia đình của Phật Giáo và đến đây để mọi người thể hiện lòng từ của mình qua sự tu học cũng như những công tác từ thiện xã hội v.v... tất cả đều hướng đến và tất cả đều hướng về, nên đạo tràng trở nên thanh tịnh.

Kế tiếp mọi người trong đại chúng đều nhận được 2 nhánh cỏ kiết tường. Cỏ này giống như cỏ đót ở Việt Nam, hay mọc trong núi, người ta cắt phơi khô và bện thành chổi để quét bàn Phật, hay quét nhà, nhưng ở đây nó mang một ý nghĩa khác. Đức Đạt-lai Lạt-ma giải thích rằng đem cỏ này về, đoạn dài đặt dưới lưng, đoạn ngắn đặt trên gối để nằm. Nếu tối nay thấy được những điềm lành, ấy là sự tu học đã có một phần nào có kết quả. Mọi người đưa mắt nhìn nhau, không biết rằng tối nay mình sẽ thấy gì đây?

Tiếp đến là Ngài đọc các thần chú để gia trì vào những sợi chỉ đỏ và đem phân phát cho mọi người, tự cột vào tay của mình. Sợi chỉ này khi buộc vào tay, có ý nghĩa là phải từ bỏ các niệm sân hận và phải phát tâm thực hành hạnh từ bi. Đây là một cách hướng tâm người học Phật vào một điểm nhất định. Đó là lòng tin nơi Tam Bảo để có được phước đức cũng như nghiệp sẽ nhẹ đi và tâm Bồ Đề sẽ được tăng trưởng.

Bên Nam Tông Phật Giáo cũng thế, khi làm lễ các bậc Đạo Sư hay nắm một hay nhiều sợi chỉ nơi tay của mình và sợi chỉ từ tay của vị Đạo Sư sẽ được chuyền qua khắp những người tham dự lễ ngồi phía trước. Sau khi mọi người đã nắm tay vào sợi chỉ, vị Đạo Sư bắt đầu trì kinh và mọi người chắp tay thành kính hướng về phía vị Đạo Sư để được sức gia trì. Khi tụng kinh xong, mọi người mang sợi chỉ ấy về nhà để cột đâu đó hay cột trên tay của mình và gia đình của mình.

Ngày xưa khi Đức Phật mới thành đạo cũng vậy. Sau khi rời khỏi gốc cây Bồ Đề có hai người thương nhân Miến Điện muốn xin quy y với Ngài và muốn xin Ngài một vật gì đó để kỷ niệm. Ngài liền với tay của mình lên đầu và bức tóc xuống để trao cho 2 người thương nhân kia. Hai sợi tóc ấy cũng được gọi là Xá Lợi. Ngày nay dân chúng Miến Điện đang thờ mấy sợi tóc ấy tại một chùa có nóc làm bằng vàng tại thủ đô xứ Miến Điện.

Riêng Phật Giáo Việt Nam thì không có lễ điểm đạo như Tây Tạng hay lễ chúc phúc như các nước Phật Giáo Nam Tông, nhưng mỗi năm từ ngày mồng một đến rằm tháng giêng, mọi người Phật Tử tại gia, ở chùa cũng như ở nhà đều cùng chư Tăng, Ni tụng kinh Dược Sư, đốt đèn bảy từng, tất cả là 49 ngọn. Cạnh đó người ta để nhiều chai nước và chư Tăng làm lễ chú nguyện cũng như đọc chú Dược Sư vào đó, sau khi hoàn kinh, Phật Tử mang về nhà để uống và cầu nguyện cho bệnh tật được tiêu trừ.

Phần cuối của lễ điểm đạo Đức Đạt-lai Lạt-ma đã khuyến khích mọi người nên phát tâm dũng mãnh tu hành để tạo phước đức cho mình ở đời này cũng như đời sau. Ngài khuyên mọi người hãy dùng tâm của mình luôn luôn hướng về một vị Thầy và phải lấy Tánh Không làm đề mục để quán mọi việc trong cuộc đời này. Dùng tâm này luôn luôn hướng về thiện pháp và phát tâm tu học dũng mãnh, cầu nguyện cho sớm thành tựu được đạo nghiệp khi phát tâm tu hành. Mỗi người cũng nên học thuộc lòng một câu thần chú để trì tụng hằng ngày.

Sau đó mọi người đã nghỉ để dùng cơm trưa. Riêng Tăng Ni Việt Nam và chư Tăng Ni của Đức và ngoại quốc dùng cơm chay trong một lều riêng biệt dành cho những khách quý của Trung Tâm Tây Tạng tại Hamburg. Nhiều khi thấy các bậc Thầy lớn cũng dừng chân tại đây để dùng cơm. Vì người Đức nấu cơm chay theo kiểu Đức, nên không mặn mà như cơm chay của người Á Châu nấu. Người Đức quan niệm rằng ăn chay là ăn không có thịt, do đó chỉ dùng rau cải, nhưng hầu như họ không dùng đến đậu hủ. Ở Á Châu người ta đã dùng đậu nành làm đậu hủ cả ngàn năm nay rồi và đậu nành có đầy đủ sinh tố và tốt hơn các loại thịt. Ăn thịt sẽ gây nhiều bệnh khó chữa, nhưng ăn chay rất tốt cho sức khỏe. Các vị Tăng sĩ Việt Nam, Đại Hàn, Trung Hoa, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore đều ăn chay, trong khi đó có một số nước Phật Giáo Bắc Tông như Tây Tạng, Nhật Bản, Nepal, Buthan vẫn còn dùng mặn. Có lẽ bị thời tiết và do phong tục tập quán tạo nên. Trong khi đó các vị Sư Nam Tông vẫn dùng mặn tự nhiên, vì theo Phật dạy về 3 hay 5 loại thịt được dùng mà không gây nên tội lỗi. Nhưng ngày nay cả các xứ Phật Giáo Nam Tông cũng có nhiều chùa không dùng đến thịt, cá.

Trên máy bay hay bất cứ nơi đâu có tính cách công cộng, nếu ta yêu cầu, họ có thể làm những thức ăn chay cho chúng ta rất dễ dàng. Thông thường ngày nay trên khắp thế giới đi đâu cũng có thể dùng chay được, nếu ta đặt trước đó 24 tiếng đồng hồ. Có tất cả chừng 16 loại chay khác nhau theo người Tây Phương nấu, nhưng nếu về Á Châu có cả hằng trăm loại chay, nhất là ở Hồng Kông hoặc Đài Loan. Riêng Trung Hoa lục địa thì còn hơi mới mẻ. Vì sau mấy mươi năm Cộng Sản thống trị có nhiều người Trung Hoa không biết đồ chay là gì! Có nơi (nhà hàng) vẫn mang, sò, ốc, hành hẹ lên đãi phái đoàn Phật Giáo. Trong chùa viện thì đã đành, mọi người đều ăn chay, nhưng ở quần chúng thì ít phổ cập.

Ngay cả Phật Giáo Việt Nam cũng thế. Tuy nói là theo Đại Thừa Giáo, nhưng miền Bắc Việt Nam nhiều chùa vẫn không dùng chay. Có lẽ vì sống dưới xã hội cộng sản chăng? Nhưng trước năm 1945 thì sao? Tôi chưa có gì kiểm chứng được. Riêng người Phật Tử tại gia Việt Nam thì mỗi tháng ít nhất là ăn 2 ngày chay vào rằm và mùng một âm lịch. Có gia đình ăn 4 ngày, 6 ngày, 10 ngày trong tháng hay nhiều hơn thế nữa. Có người ăn chay kỳ mỗi năm 3 tháng. Đó là các tháng Giêng, tháng Bảy và tháng Mười. Cũng có nhiều Phật Tử tại gia ăn chay trường. Đó là thể hiện lòng từ bi đối với muôn loài vậy. Đức Phật cũng có dạy trong kinh Đại Bát Niết Bàn rất rõ. Để tiến lên quả vị Phật, Bồ Tát, không thể thiếu lòng từ được, cho nên việc không dùng các sinh vật có máu mủ đi đầu thai trong 6 nẻo luân hồi là điều hiển nhiên phải thực hiện vậy.

Đến chiều ngày 31 tháng 10 năm 1998 sau khi đảnh lể pháp tòa 3 lần và thăng tòa thuyết pháp, Ngài nói về phép Thiền Định của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Phép này do Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ 7 biên soạn và chính Ngài, Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ 14 này có giảo chính lại.

Có nơi định nghĩa A Nậu Đa La - Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác là Yoga hay Du Già, nếu thực hành Thiền Định đến một mức độ tuyệt đối của nó. Về Mật Tông có 4 thứ bậc tất cả. 3 bậc dưới phổ cập về sự chứng ngộ của chư Phật và cũng là nền tảng cho sự tu học để đi đến sự hoàn toàn giải thoát.

Người mới thực tập Thiền Định sẽ bắt đầu bằng quán hơi thở ra vào, sau đó tập đến sự quán tưởng hình tượng và những sự sinh diệt. Thật ra giữa quán sổ tức và quán tưởng khác nhau chứ không giống nhau. Đôi khi cũng có thể quán tưởng về hơi thở và đường kinh mạch trong thân thể của chính mình. Hãy tập được năng lượng vào bên trong người của mình và hãy tự mình chia ra trong từng trường hợp khác nhau để tu tập. Trong trường hợp bình thường hãy quán tưởng về vị Bổn Tôn ở trước mặt mình. Cũng có thể quán tưởng rằng chính bản thân của mình là vị Bổn Tôn. Quán tưởng vị này như một thiện hữu tri thức của mình. Từ đó thấy mình tự tin nơi mình hơn.

Cửa ngõ quan trọng để đi vào Mật Tông là sự giả định (ví dụ như quán bản thân của chính ta là vị Bổn Tôn). Tùy theo sự thọ lãnh của việc điểm đạo mà có sự khác biệt trong đó. Khi một người xuất gia hay tại gia thọ lãnh lễ điểm đạo, có nghĩa là việc này có công năng làm cho Phật tánh của họ được trổi dậy. Theo phép tu về Đức Quán Thế Âm có 2 phương cách. Đó là quán sát mình giống như một bình chứa và quán sát nơi đỉnh đầu của mình. Phải quán sát là chính thân mình sẽ đạt được hóa thân để hóa độ chúng sanh và sẽ chứng thành pháp thân cho chính mình để trở thành một vị Phật hay Bồ Tát không bao giờ tan hoại đi theo thời gian và năm tháng.

Khi tu học theo Mật Tông có những điều bắt buộc như người đó phải giữ hạnh biệt giải thoát và phải thọ trì mật giới hay nói đúng hơn là Bồ Tát Giới. Khi nói đến Vô Thượng Bồ Đề cũng có nghĩa là nói về Yoga. Vì Yoga thuộc về những hành động. Còn Trì Giới và Quán Tưởng mới là những việc chính yếu. Hành giả phải phát nguyệt và thọ trì giới pháp. Sau đó sám hối cho thân tâm được thanh tịnh và việc Sám Hối này nên theo pháp Sám Hối của Ngài Kim Cang Tát Đỏa mà thực hành.

Kim Cương Tát Đỏa (Vajrasattva) còn gọi là Kim Cương Thủ, Bí Mật Chủ, Phổ Hiền. Là vị Tổ thứ 2 trong 8 vị Tổ của tông Chân Ngôn. Đức Đại Nhật Như Lai là Tổ thứ nhất. Tên Ngài còn dịch là Chấp Kim Cương, Kim Cương Thủ, Kim Cương Thủ Bí Mật Vương, Kim Cương Tát Đỏa, Kim Cương Thủ Bồ Tát Ma Ha Tát, Kim Cương Thủ Tát Đỏa Ma Ha Tát Đỏa v.v... Tát Đỏa có nghĩa là Hữu Tình, Dõng Mãnh. Ý nói Ngài là một vị Đại Sĩ Dũng Mãnh. Tát Đỏa là đồng thể khác tên với Phổ Hiền Bồ Tát. Phổ Hiền thọ lễ Quán Đảnh nơi Đức Đại Nhật Như Lai, hai bàn tay được trao chày Kim Cương Ngũ Trí, cho nên gọi là Kim Cương Thủ. Nhưng Kim Cương Tát Đỏa còn có 2 tên chung và riêng. Tên chung dùng để gọi tất cả các vị Chấp Kim Cương Thần. Các vị đó đều nêu ra một đức của các Kim Cương Tát Đỏa ở Đông Phương. Lại nữa, vô luận người nào năm tướng thành tựu, khi được Nhất Thiết Như Lai trao chức và thọ lễ Quán Đảnh cho, thì đều gọi là Kim Cương Tát Đỏa. Như Ngài Nhất Thiết Nghĩa Thành Tựu Bồ Tát (tức Thái Tử Tất Đạt Đa) trong Kim Cương Đảnh kinh. Khi được nhận chức và thọ lễ Quán Đảnh rồi thì gọi là Phổ Hiền Đại Bồ Tát (tức Kim Cương Tát Đỏa). Còn ở Hiển Giáo, Phổ Hiền Bồ Tát là tên gọi chung tất cả các con trưởng của chư Phật. Như kinh Hoa Nghiêm đã nói, vô luận người nào thành tựu được mười điều thệ nguyện lớn, là con trưởng của chư Phật, thì gọi là Phổ Hiền. Tứ Thập Hoa Nghiêm kinh Tứ Thập tụng có ghi rằng: “Tất cả các vị Như Lai có con trưởng thì có danh hiệu là Phổ Hiền Tôn.” Về tên riêng thì chỉ Ngài Kim Cương Tát Đỏa mà nay vẫn gọi là Ngài Kim Cương Nguyệt Luân thuộc Kim Cương giới. Kinh Đại Nhật gọi là Kim Cương Thiên Thủ Bí Mật Chủ. Tức là Tát Đỏa trong nội quyến của Đức Đại Nhật, là vị Tổ thứ 2 của Bổn Tôn. Đó là tên chung mà lại là tên riêng, là vị đã đắc được Thực trí Kim Cương nên gọi là Kim Cương Tát Đỏa, nhưng vẫn theo tên gốc gọi là Phổ Hiền Bồ Tát. Tìm danh hiệu đó ở 2 giới: Kim Cương giới và Thai Tạng giới, thì Kim Cương Tát Đỏa có 16 vị Bồ Tát trong Kim Cương giới cùng với Ngài Phổ Hiền trong tầng thứ nhất và vị Trung Tôn Kim Cương Tát Đỏa thuộc Kim Cương Thủ Viện, đài Bát Diệp Viện của Thai Tạng giới là cùng thể khác tên, đều là nội quyến thuộc. Ngoài ra trong số đại quyến thuộc của Đức Đại Nhật, cũng có Ngài Phổ Hiền Bồ Tát là vị Bổn Tôn thứ 16 trong 16 vị Bổn Tôn của Hiền Kiếp thuộc Kim Cương giới. Ngài Phổ Hiền trong Viên Văn Thù tầng thứ 2 của Thai Tạng giới, được nói tới trong Hiển Giáo, là cùng thể cùng tên. Còn các vị thuộc Kim Cương Tát Đỏa được gọi tên là Kim Cương, thì là khác thể khác tên. Lại nói về mặt cùng thể khác tên, thì tên Kim Cương Tát Đỏa ở Thai Tạng giới, nêu lên cái Bồ Đề Tâm vốn có, còn cái tên Phổ Hiền Bồ Tát ở Kim Cương giới thì nêu lên cái Đại Viên Cảnh Trí mới thành hình, và còn nêu lên vạn hạnh do Bồ Đề Tâm sinh ra ... (Sách đã dẫn trang 624-625)

Khi Thiền Quán về thực tướng của vị Bổn Tôn phải quán về Tánh Không, tức là Tánh Không có ngã của vị Bổn Tôn đó. Nơi Mật Tông có hai cách tu tập. Cách thứ nhất là khi thiền quán cũng có thể trì tụng các thần chú và khi thiền quán không trì tụng thần chú. Khi thiền quán phải định thân và tâm. Đây là cách quán về âm thanh và về Tánh Không để định tâm và hầu như tất cả mọi cách thiền quán đều có mục tiêu phải liên hệ với Tánh Không. Cũng có loại quán tưởng không cần trì chú, nhưng thiền quán mà Đức Đạt-lai Lạt-ma dạy hôm nay phải cần có sự trì chú. Thông thường khi ngồi Thiền chúng ta có thể quán sát theo dõi 4 loại sau đây:

Thứ nhất là âm thanh. Chúng ta theo dõi âm thanh từ bên trong ra lẫn bên ngoài vào và quán tưởng những âm thanh đó.

Thứ hai là chúng ta quán sát tự thân của chúng ta là một Bổn Tôn. Ví dụ như chúng ta có thể tự quán sát mình là hiện thân của một vị Bồ Tát nào đó.

Cách quán tưởng thứ ba là quán sát một vị Bồ Tát khác là Bổn Tôn của mình. Mỗi người có thể lấy một đối tượng để quán sát. Vị ấy có thể là Bồ Tát Địa Tạng, Bồ Tát Văn Thù, Bồ Tát Phổ Hiền hoặc Bồ Tát Quán Thế Âm v.v...

Cách thứ tư là trong khi Thiền Quán có trì niệm thần chú. Cách này dùng để giữ tâm của hành giả được thanh tịnh trong khi thực tập Thiền Định và vẫn hướng tâm mình về Tánh Không.

Ví dụ như khi quán tưởng trong tâm của mình có nguyệt luân và trên nguyệt luân ấy có chủng tử. Cũng có thể quán rằng chủng tử nằm ngay nơi vị Bổn Tôn của mình. Sự quán tưởng về một vị Bổn Tôn phải gồm 6 giai đoạn như sau:

Thứ nhất là Tánh Không
Thứ hai là âm thanh
Thứ ba là sắc tướng
Thứ tư là ngũ ấm
Thứ năm là biểu luân
Thứ sáu là trì chú.

Nhưng trước khi bắt đầu những công việc thiền quán này, hành giả phải quy y Tam Bảo để tạo nên phước điền và phải sám hối cho thân, khẩu, ý được thanh tịnh.

Trước tiên người quán tưởng nên hướng về những vị truyền thừa trong môn phái để cầu sự gia trì. Vì chính các vị Tổ Sư này là huệ mạng của mỗi hành giả hướng đến giác ngộ. Phải tự tin rằng chính mình là hóa thân của Bổn Tôn. Hãy quán sát rằng chư Phật, chư Bồ Tát và chư Tổ Sư đang ở trên đầu của mình. Vị Bổn Sư của mình là hợp thể của chư vị Tổ Sư qua hiện thân của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát.

Hãy giữ cho thân và tâm được thanh tịnh, bằng cách tắm rửa, thay quần áo, chọn chỗ thờ tự và ngồi thiền nơi trang nghiêm thanh tịnh. Điều này rất quan trọng. Vì đây là những ngoại duyên giúp cho mình đạt đến chỗ rốt ráo.

Khi Thiền Định cũng không nên ăn thịt, ăn trứng và những thứ gia vị cay nồng. Vì những loại này làm cho thân tâm của chúng ta không được trong sạch. Khi thiền quán, nên tu vào buổi sáng sớm thì thân tâm dễ thanh tịnh hơn.

Nơi tu tập cũng rất quan trọng. Vì đây cũng là những yếu tố cần thiết để chúng ta thực hành Thiền Định mà không bị những trở lực bên ngoài. Ví dụ như phải chọn một nơi sạch sẽ và áo quần sạch sẽ. Hãy ngồi một cách ngay thẳng trên bồ đoàn (gối). Phía trước nên treo một bức tượng của vị Bổn Tôn mà ta phát nguyện tu tập. Kích thước của tượng phải cân đối theo truyền thống của mình theo. Có thể dùng tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn để quán chiếu, nhờ thế có một ấn tượng mạnh nơi nội tâm của mình. Do vậy phải huấn luyện tâm của mình cho vững chãi chứ không phải là trang trí bề ngoài cho nhiều mà bỏ quên đi phần bên trong. Không phải chỉ làm bàn thờ cho đẹp, mà cốt là ở nội tâm của mình. Nên cúng dường những vật thanh tịnh, chứ không phải lấy những vật ấy của kẻ khác để cúng dường. Về sau tranh tượng chỉ là biểu tượng, không còn cần thiết nhiều nơi hành giả nữa. Điều quan trọng là quán lực của mình nằm bên trong nội tâm rồi. Cũng nên quán tưởng chi tiết trên tay vị Bổn Tôn để tập thêm về sức định.

Nếu dụng tâm tốt thì tâm ta cũng tốt và con đường chúng ta đi càng ngày càng tốt, nên phát tâm quy y Tam Bảo, cầu giải thoát để lợi lạc cho tất cả chúng sanh. Không phải chỉ quy y bằng lời nói mà nên phát tâm quy y một cách dũng mãnh với chư Phật trong quá khứ, chư Phật trong hiện tại và chư Phật trong vị lai. Phải hướng về giáo pháp giải thoát của chư Phật đã tuyên dương giáo hóa cho chúng sanh trong nhiều đời, nhiều kiếp và phải đọc tụng những lời phát Bồ Đề tâm thật chân thành để niềm tin và đạo lực càng ngày càng tăng trưởng. Hãy quán về Bổn Tôn Liên Hoa Thủ Tỳ Kheo Ni Lasni là một tên khác và liên hệ trực tiếp đối với Đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Hãy quán chiếu rằng những vị Tổ Sư Ấn Độ, Tây Tạng là những vị Thầy ban cho ta pháp điểm đạo. Khi quán tưởng về các vị Tổ thì tự nghĩ rằng mình và chư vị Tổ Sư tan biến vào nhau, rồi tan vào nơi vị Thầy ban cho ta pháp điểm đạo. Cuối cùng chỉ còn vị Thầy ở trên đầu của chúng ta và vị ấy hướng dẫn cho ta con đường tu tập. Khi đó thấy Cam Lồ từ vị Thầy rỉ lên trên đỉnh đầu của chúng ta để tiêu trừ nghiệp chướng. Hãy trì tụng và luôn luôn ghi nhớ rằng: Vị Thầy tan biến vào tâm của chúng ta.

Sau đó ta đọc những lời cầu nguyện lên các vị Tổ Sư trong dòng phái truyền thừa và tiếp theo ta cầu nguyện đến các vị Thầy của mình. Luôn luôn khấn nguyện rằng: Xin Ngài hãy gia trì cho con và để cho con đạt được pháp tu của vị Bổn Tôn. Đó là những vị Bổn Tôn về Tánh Không, vị Bổn Tôn về âm thanh, vị Bổn Tôn về hình tướng, vị Bổn Tôn về các loại ấn và vị Bổn Tôn về các đặc điểm khác.

Đây là sáu vị Bổn Tôn qua sáu bậc của quá trình quán tưởng. Tiếp theo nên quán tưởng toàn phần và trở lại quán tưởng từng phần. Quán tưởng khi trở thành thuần thục chúng ta sẽ lìa bỏ ngã chấp, sự bám chấp vào thân tâm của mình.

Lại cũng có 4 loại Thiền Định khác, về âm thanh, bản thân, đối tượng và tánh không. Cứ thế tiếp tục quán tưởng để rồi quay về một mối là Tánh Không. Cũng có loại quán tưởng không trì tụng thần chú như định tâm vào thân của vị Bổn Tôn một cách chắc chắn. Sau đó phân tích tất cả các hiện tượng hoàn toàn không có cái nào là thực tướng cả, mà tất cả những hiện tượng đều là một sự giả danh, do hòa hợp mà thành.

Hãy tu các hạnh lành để sanh phước và đức, cùng lúc trí tuệ sẽ phát sanh, từ đó ta sẽ dẹp bỏ những chướng ngại giúp ta chứng được trí tuệ vô thượng của chư Phật. Mỗi người trong chúng ta cũng có thể quán tưởng rằng chúng ta đạt được thân của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Ngài là một hòn ngọc như ý và là trí tuệ siêu việt. Cũng có thể tụng nguyên một bài kệ về các vị Tổ trong dòng phái, hoặc là chỉ một vị Bổn Tôn trên đỉnh đầu của mình, hãy quán tưởng rằng thân và tâm của ta hòa lẫn với vị Thầy của mình. Thân của chúng ta được quán tưởng như là thân của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Ngài có lòng Đại Bi vô lượng muốn cứu khổ tất cả chúng sanh thoát ly ra khỏi cảnh sanh tử luân hồi. Cũng có thể quán tưởng về phước điền ở trước mình. Phước điền đó là công đức vô tận tạng của chư Phật và chư vị Bồ Tát mà chúng ta cần nương vào để học hỏi cũng như tu niệm.

Quán tưởng về phước điền cũng hiện có nơi tâm của chúng ta. Trong tâm này có nguyệt luân và có một chữ bi và tâm của mình cũng chính là tâm của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Thân và tâm của chúng ta tan biến vào Tánh Không. Tại sao chúng ta phải tu tập như thế? Vì lẽ chư Phật luôn hiện hữu ở mọi nơi, trong khi đó tâm của chúng ta rơi vào chấp trước, nên khó chấp nhận điều đó.

Hãy tạo phước và sám hối tội lỗi của chính mình. Tốt nhất là thực hành 10 hạnh nguyện của Ngài Phổ Hiền Bồ Tát. Ngoài ra Tây Tạng còn có 7 điều khác có thể hành trì để sanh phước và đức. Đó là: Đảnh lễ, cúng dường, sám hối, tùy hỷ, thỉnh cầu, hồi hướng và tùy thuận.

Tiếp theo hãy trì tụng một câu thần chú nhiều lần để thanh tịnh hóa thân tâm và tự mình hãy phát tâm Từ, Bi, Hỷ, Xả để hướng tâm mình đến vô thượng Bồ Đề. Đây là một trong những hạnh của Tứ Vô Lượng Tâm mà hành giả khi thiền quán không thể thiếu được.

Khi quán tưởng về phước điền, chúng ta hãy quán tưởng rằng phước điền ấy sẽ tan biến về với tánh không, đặc biệt là phước điền của chư Phật sẽ hòa lẫn vào cõi Tịnh Độ, vốn là nơi yên nghỉ cũng như nơi hóa độ của chư Phật, như Phật A-Di-Đà, Phật Thế Tự Tại Vương Như Lai chẳng hạn.

Cách tu căn bản của người PhậtTử xuất gia cũng giống như tại gia là hãy quán sát một vị Bổn Tôn và về Tánh Không. Hãy trì tụng thần chú và quay về Tánh Không của bản thân chúng ta. Hãy quán tưởng về thân, khẩu, ý cũng là không. Các hiện tượng cũng đều không từ ngay nơi bản chất của nó. Tất cả ngã chấp, pháp chấp cũng đều không. Chúng ta phải có lòng tin mạnh về Tánh Không. Sẽ đạt được sự giác ngộ trực tiếp và không qua một đối tượng nào cả.

Tiếp đến là khía cạnh về chân lý và ứng thân. Vì phương tiện để hóa độ chúng sanh nên chư Bồ Tát có nhiều phương tiện khác nhau để hóa độ tìm cách làm lợi lạc cho tất cả chúng sanh. Dưới nhiều hình thức khác nhau để quán chiếu về vị Bổn Tôn của mình và phải hiểu rằng tất cả chững sự hiện hữu trên thế gian này đều là những hiện tượng không thật, chúng luôn luôn thay đổi và phải quán sát về Tánh Không cho thật chu đáo. Vì lẽ mọi hiện tượng biến hóa trong thế giới này đều do nhân duyên hòa hợp và lại do nhân duyên mà tồn tại và tan biến, do đó Tánh Không đóng một vai trò quan trọng trong sự quán chiếu của tâm thức mình.

Ở đây xin thêm một phần chú thích tường tận về Tánh Không để hành giả theo đó mà quán niệm. Tánh Không hay Không có nghĩa là trống không, không có thật, không có cảnh, không có thể. Tất cả các sự vật trong Ba cõi đều không phải là thật. Nhận ra điều đó tức là KHÔNG. Kinh Vô Lượng Thọ nói: «Chư Bồ Tát ở cõi Cực Lạc của Đức Phật A-Di-Đà thấy tam giới đều như nhau: Trống không chẳng có gì hết.» Kinh Duy Ma Cật phẩm Đệ Tử: «Cuối cùng các pháp không có sở hữu, đó là nghĩa của không.» Đại Thừa Nghĩa chương, quyển 2 nói: «Không là tựu ý nêu trên, lý vắng thì tên cũng không». Đại Trí Độ Luận, phần 5 và 20 có nói đại ý như sau: Ngũ uẩn không có ta, không phải là của ta, như vậy là không. Các pháp do nhân duyên sinh ra, không có tự tính, mà đã không có tự tính, thì đó là không.

1. Lục Không : Kinh Nhân Vương, quyển thượng nói: «Sắc, thụ, tưởng, hành, thức đều là không. 12 nhập, 18 giới đều là không. 6 đại pháp là không, 4 đế, 12 nhân duyên đều là không, 12 nhập đều là không. Năm là cảnh không, đó là không của Tứ Đế. Sáu nghĩa là không, là không của 12 nhân duyên.

2. Tam Không : Một là Ngã không, hai là Pháp không và ba là Câu không (Ngã và Pháp đều là không).

3. Nhị Không : Một là Sinh không, nói về sự Không tự tánh của chúng sanh. Hai là Pháp không, nói về sự không tự tánh của sự vật. Luận Đại Trí Độ, quyển 18 và quyển 20 có nói rõ về Nhị Không này. Luận Duy Thức nói rằng Ngã không và Pháp không. Cũng còn có tên là Nhân không và Pháp không. Cũng có nơi gọi là Nội không, nói về cái không thật của nội thân. Hai là Ngoại không, nói về cái không thật có của ngoại vật.

4. Thập Bát Không : Gồm có: 1 Nội không. 2 Ngoại không. 3 Nội Ngoại không, 4 Không không, 5 Đại không, 6 Đệ nhất nghĩa không, 7 Hữu vi không, 8 Vô vi không, 9 Tất cánh không, 10 Vô thủy không, 11 Tán không, 12 Tánh không, 13 Tự tánh không, 14 Chư pháp không, 15 Bất khả đắc không, 16 Vô pháp không, 17 Hữu pháp không.

5. Thập Lục Không : Gồm có: 1 Nội không. 2 Ngoại không. Nội ngoại không. 4 Không không, 5 Đại không. 6 Thắng nghĩa không. 7 Hữu vi không. 8 Vô vi không. 9 Tất cánh không. 10 Vô tế không. 11 Tán không. 12 Bản tính không. 13 Tự tánh không. 14 Nhất thiết pháp không. 15 Vô tính không. 16 Vô tính tự tính không.

6. Thập Nhất Không : Gồm có: 1 Nội không. 2 Ngoại không. 3 Nội ngoại không. 4 Hữu vi không. 5 Vô vi không. 6 Vô thủy không. 7 Tính nghĩa không. 8 Vô sở hữu không. 9 Đệ nhất nghĩa không. 10 Không không. 11 Đại không.

7. Thập Tam Không : Như thập nhất không, cộng thêm Ba La Mật không. Nhân không và Phật quả không, bỏ bớt Vô sở hữu không.

8. Thất Không : Kinh Lăng Già quyển 1 nói có 7 Không: 1 Tướng không. 2 Tánh tự tánh không. 3 Hành không. 4 Vô hành không. 5 Nhất thiết pháp ly ngôn thuyết không. 6 Đệ nhất nghĩa thánh trí đại không. 7 Bỉ bỉ không. Luận Đại Trí Độ quyển 36 cũng có nói đến 7 Không, nếu nói lược thì 7 Không như sau: 1 Tánh không. 2 Tự tướng không. 3 Chư pháp không. 4 Bát khả đắc không. 5 Vô pháp không. 6 Hữu pháp không. 7 Vô pháp hữu không.

9. Tứ Không : Một là Pháp tướng không, nói về sự không thật của hữu pháp. Hai là Vô pháp không, nói về sự không của vô Pháp. Ba là Tự pháp không, nói về sự không của tự tánh. Bốn là Tha pháp không, nói về sự không của tha pháp... (Sách đã dẫn trang 581-582).

Trên đây chỉ nói đại lược những pháp nói về Không. Nếu muốn rõ hơn, phải học Đại Trí Độ Luận cũng như Đại Bát Nhã thì mới tường tận hơn, nhưng tựu chung tất cả mọi hiện tượng trên thế gian này đều không có thực tướng của nó. Nếu hiểu và quán sát được triệt để như vậy, tức là hiểu được Tánh Không của Đạo Phật và sau đó thực hành pháp quán chiếu này thường ngày, lâu dần sẽ trở thành thói quen và tâm ta mỗi khi thiền định, quán chiếu sẽ đi sâu vào những từng bậc khác nhau của sự chứng ngộ.

Sau khi nghỉ giải lao, dùng cơm trưa ngày 31 tháng 10 năm 1998, vào lúc 15 giờ 30 mọi người trở lại hội trường. Đức Đạt-lai Lạt-ma sau khi đảnh lễ pháp tòa, thăng tòa tụng một thời kinh ngắn và sau đó trả lời một số câu hỏi của thính chúng. Ngài khiêm nhường trả lời và nhấn mạnh rằng: Đừng xem tôi là một Đức Phật. Tôi chỉ là một Tăng Sĩ Phật Giáo căn cứ theo giới luật để hành trì và trả lời cho quý vị. Nhiều khi quý vị còn có kinh nghiệm về cuộc đời nhiều hơn tôi nữa. Về phương diện đời sống lứa đôi, chồng vợ. Đức Phật chỉ cấm làm việc tà bậy, chứ không phải cấm sự dâm dục đối với người Phật Tử tại gia. Hãy lưu ý về điều này.

Cũng có người hỏi Ngài về cuộc sống gia đình bình thường làm sao tránh khỏi sự dâm dục?

Ngài trả lời rằng: Ngài Long Thọ có dạy: Nếu bị ngứa thì phải gãi, khi gãi sẽ đã ngứa, nhưng không bao giờ hết ngứa. Ái dục cũng như thế ấy, nó không có cái thỏa mãn ở điểm cuối cùng. Trong kinh có nói nhiều người hành dâm không còn tinh trùng nữa, khiến máu phải chảy ra, nhưng họ vẫn không thỏa mãn về ái dục.

Ở đây xin lưu ý thêm về việc này. Thật ra tất cả đều do tâm mình móng ra và một niệm ái sẽ tiếp theo một niệm ái, sự yêu thương ấy cứ tiếp diễn hoài hoài, không có ngày chấm dứt. Điều quan trọng là phải thấy ái dục là hạnh không lành mạnh và khiến cho chúng sanh cứ mãi quanh quẩn trong 6 nẻo luân hồi. Do vậy muốn thoát ly sanh tử thì phải lìa ái dục. Muốn dừng thì tâm mình phải tự làm chủ, không ai có thể chế ngự mình được, ngoại trừ mình phải làm chủ lấy mình. Khi quán sát mọi vật đều không thật và liên tưởng đến thật tướng của nó thì chắc chắn rằng những tham muốn kia có ngày sẽ được kìm hãm một cách tự nhiên vậy.

Sau đó thính chúng tiếp tục học về Bổn Tôn của âm thanh. Câu thần chú Án Ma Ni Bát Di Hồng hãy trì tụng thường xuyên và hãy quán sát âm thanh phát ra từ câu thần chú này. Nguyên văn tiếng Phạn đọc là Om Mani Padme Hùm. Có nghĩa là cầu châu báu trên hoa sen. Đây là câu chú mà tín đồ Lạt Ma giáo thường hay trì tụng. Đây là đề mục 6 chữ của Liên Hoa Thủ Bồ Tát để đọc lên khi cầu nguyện đến thời vị lai sẽ được vãng sanh về cõi nước Cực Lạc. Tín đồ Lạt Ma giáo sùng tín vị Bồ Tát này, cũng như người ta sùng tín Đức Phật A-Di-Đà Như Lai ở đài sen tại cõi Cực Lạc, cứu giúp cho người cầu nguyện đời đời kiếp kiếp thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi. Cho nên bất kể tăng hay tục đều niệm tụng chú này một cách sùng kính nhất. Cũng như người Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản tin vào công đức hiệu lực của 6 chữ Nam Mô A Di Đà Phật vậy. Người Tây Tạng thường hay viết đề mục 6 chữ này lên vải dài để vào ống đựng kinh, gọi đó là pháp luân, mọi người tự tay quay, hoặc nhờ sức của phong xa, thủy xa làm cho quay ống đó, gọi đó là chuyển pháp luân. Người Tây Tạng tin rằng nhờ công đức chuyển pháp luân như vậy sẽ thoát được nỗi khổ của vòng luân hồi sanh tử. Pháp luân lớn nhất viết một tỷ đồ mục. Thêm nữa cờ vải ở cửa nhà người Tây Tạng hoặc bia đá hai bên đường ở Tây Tạng cũng đều viết 6 chữ này. (Sách đã dẫn trang 52).

Tại Việt Nam sau những thời kinh Tịnh Độ, chư Tăng và Phật Tử vẫn thường trì tụng thần chú này và không những thế, trong mỗi thời kinh của Phật Giáo Việt Nam đều có đủ cả ba tông phái lớn của Phật Giáo. Đó là Thiền, Tịnh và Mật. Về phía Phật Giáo Việt Nam đây là những pháp môn căn bản tự ngàn xưa chư Tăng Ni cũng như Phật Tử đã hành trì. Ngày nay trên thế giới tuy có vài nơi chia ra Thiền và Tịnh rõ ràng, nhưng trong Thiền hay lẫn Tịnh và trong Tịnh cũng chứa rất nhiều tinh hoa của Thiền. Đạo Phật ví như một cây đại thụ đã phát triển mấy ngàn năm nay. Do đó cành, lá, thân, rễ đều tỏa ra nhiều nhánh, cho nên một thân thể không thể chứa đựng hết mọi sự của cây được, mà cần phải phân tán ra những nơi nhỏ khác, nhưng phải hiểu rằng những nhánh nhỏ ấy cũng là một phần của thân cây lớn kia thôi, không có vấn đề gì để mà chấp trước cả.

Chúng ta hãy ngồi quán tưởng về bản chất của thân thể mình hoàn toàn không khác gì tâm của chúng ta. Hãy để những tư tưởng này di chuyển theo chiều kim đồng hồ. Từ trong hư không một hoa sen ngàn cánh xuất hiện, trên đó có Đức Phật A Di Đà đang thuyết pháp, tướng hảo quang minh. Hào quang tỏa ra vô lượng, sau đó thì Đức Quán Thế Âm Bồ Tát thị hiện. Nếu quán sát những hiện tượng này lâu bền được nơi tâm, tức những công đức ấy do sự tu tập mà có được. Sau đó quán rằng thân mình nằm trên nguyệt luân ấy và chính mình hóa hiện thành thân của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát.

Những phương pháp thiền định như định tâm cảnh và quán tưởng về tánh không của Bổn Tôn sẽ giúp chúng ta có một sự tập trung về nội lực nhiều hơn. Hãy quán tưởng các vị Bổn Tôn ấy với bản thân của chúng ta hoàn toàn không có sự khác biệt. Ta là hóa thân của các vị Bổn Tôn và các vị Bổn Tôn ấy chính là thân của ta vậy. Khi quán tưởng về tánh không thì vị Bổn Tôn ấy xuất hiện và năm uẩn thanh tịnh. Cái ngã sẽ tiêu diệt hòa vào với vị Bổn Tôn vậy. Khi quán vị Bổn Tôn chúng ta chắp hai tay lại và mở ra như đóa hoa sen nở. Sau đó tụng thần chú: Om Mani Padme Hùm hoặc Om Padma Duddhavage Savaha, sẽ có 5 vị Phật hiện thân ra điểm đạo và ta sẽ trở thành Đức Quán Thế Âm Bồ Tát, tiếp theo ta dâng lời cầu nguyện để cúng dường. Những thần chú như Đại Bi 108 lần và chú Án Mani Bát Di Hồng nhiều lần như thế để được hợp nhất với Đức Bổn Tôn.

Đó là trường hợp quán tưởng trong thời gian ngắn. Trong trường hợp có những vị nhập thất trong thời gian dài lâu, có thể tụng chú Đại Bi 10.000 lần hay 100.000 lần chẳng hạn. Đây là một công đức bất khả tư nghì, hành giả nên chuyên hành trì.

Cũng có nhiều người phân định ra cách trì chú như sau: Nếu dưới 15 âm thì trì tụng 100.000 lần. Dưới 6 âm trì tụng 600.000 lần và nếu trên 15 âm thì tụng 10.000 lần. Khi trì tụng có nhiều cách khác nhau như: Không phát ra âm thanh. Có thể định tâm nơi chữ «ri» và không thở, để giữ cho tâm được tỉnh thức và làm giảm vọng tưởng của tâm. Cũng có thể tập nín thở trong một khoảng thời gian ngắn, sau đó tiếp tục thở trở lại. Cách này cũng sẽ làm cho tâm vọng tưởng của chúng ta giảm đi.

Vào tối ngày 31 tháng 10 năm 1998, tại căn lều chính có chiếu phim về sự trị liệu y học cho bệnh nhân của Tây Tạng. Đa phần họ dùng cỏ, rễ cây và nước thiên nhiên để làm thuốc. Khi chữa trị bằng những loại dược phẩm thiên nhiên này thường không xảy ra những dị ứng như các thuốc có hóa chất hiện Âu Mỹ đang sử dụng. Bởi vậy ngày nay đã có rất nhiều nhà y học của Âu Mỹ muốn học hỏi thêm y học của Tây Tạng để bổ sung cho kiến thức trị liệu cho bệnh nhân. Hôm đó chúng tôi không đi xem phim. Vì lẽ trời tối quá và cũng để dưỡng sức cho ngày mai, cũng là ngày cuối cùng trong 7 ngày tu học với Ngài, nên chúng tôi đã đi ngủ sớm.

Tại Việt Nam ngày xưa cũng như nay thường hay dùng 3 loại thuốc. Đó là thuốc Bắc, thuốc Nam và thuốc Tây. Thuốc Bắc tức ám chỉ thuốc do người Trung Quốc chế tạo. Người Trung Quốc gọi đây là Trung y dược liệu, nghĩa là thuốc của Trung Quốc. Thuốc này đa phần cũng làm bằng cây cỏ và rễ các loại thực vật bào chế mà thành. Cũng đôi khi bào chế thành viên cho dễ uống, gọi là thuốc tể v.v...

Thuốc Nam tức thuốc của người Việt Nam bào chế. Đây cũng là những loại thuốc gia truyền và làm toàn những cây cỏ thảo mộc của phương Nam và chắc chắn phương Bắc không có, nên gọi là thuốc Nam. Thuốc này cũng không có phản ứng phụ. Sau năm 1975 tại Việt Nam loại thuốc này được các vị Sư Tăng lấy cơ sở chùa chiền của mình sử dụng như một bệnh viện khám bệnh cho thuốc miễn phí cho những người dân nghèo khó sống không có phương tiện để chữa trị bệnh. Đa phần những loại thuốc này đều được chặt cây từ trong rừng về để thành đống và nhiều loại khác nhau. Sau đó các vị Sư cho đem trộn hòa hợp lại trở thành nhiều loại thuốc để chữa bệnh.

Thuốc Tây là những loại thuốc du nhập từ phương Tây, người Việt Nam hiện nay hay dùng để chữa bệnh. Thuốc này hiện diện tại Việt Nam kể từ đầu thế kỷ 18 đến nay, nhưng trước đó thì người Việt Nam chỉ dùng thuốc Nam và thuốc Bắc, như người Tây Tạng thì cho đến ngày nay họ vẫn còn dùng thuốc gia truyền của họ.

 Ngày thứ Bảy

(Ngày 1 tháng 11 năm 1998 - nhằm ngày Chủ Nhật)

Hôm nay là ngày cuối cùng trong 7 ngày tu. Chương trình bắt đầu từ 9 giờ sáng và kết thúc lúc 12 giờ trưa. Sau đó mọi người ra về trong sự luyến tiếc những gì đã trải qua trong thời gian ngắn ngủi 7 ngày ấy.

Sau khi đảnh lễ pháp tòa, hôm nay Ngài thăng tòa chào mọi người với nụ cười quen thuộc thường lệ, ai nấy cũng đều chiêm ngưỡng Ngài với nhiều mức độ tôn kính khác nhau. Ngài đã nhắc lại về phép tu Quán Âm do Ngài hướng dẫn mấy ngày nay. Ngài đã nhắc lại về việc phát Bồ Đề Tâm. Ngài nói tóm lược về Trung Luận. Ngài nhắc về sự liên hệ với vị Thầy cũ của mình là Ling Rinpoche, sau đó Ngài đã làm lễ quán đảnh, điểm đạo cho mọi người. Ngài bảo mọi người tham dự lễ hãy quán tưởng Ngài chính là hiện thân của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Sau đó Ngài dẫn mọi người vào Mạn Đà La.

Nơi đây cũng xin mở ngoặc để giới thiệu thêm về đồ hình Mạn Đà La này. Có nơi gọi là Mạn Đồ La. Nguyên chữ Phạn là Mandala. Xưa nay có nhiều cách dịch khác nhau. Trước kia phần nhiều dịch là Đàn. Còn gọi là Đạo Tràng. Nay phần nhiều dịch là: Luân Viên Cụ Túc (tròn trịa, viên mãn, đầy đủ). Còn gọi là Tụ tập, tựu trung lại. Về mặt thể mà nói thì lấy nghĩa Đàn hay Đạo Tràng làm nghĩa chính. Về mặt nghĩa mà nói thì lấy nghĩa Luân Viên Cụ Túc hay Tụ tập làm nghĩa gốc. Tức là làm một cái Đàn hình vòng tròn, đặt chư tôn ở đó để cúng tế, đó là nghĩa gốc của từ Mạn Đà La. Ở trên Đàn đó tập trung đầy đủ chư tôn, chư đức, tạo thành một đại pháp môn giống như có đủ trục, vành, nan hoa, tạo thành một bánh xe tròn trịa. Nhưng thường gọi là Mạn Đồ La. Đó là một bức đồ họa bằng mực hay bằng cát màu, là loại Đại Mạn Đồ La trong 4 loại Mạn Đồ La. Diễn Mật sao quyển 2 nói: “Mạn Đồ La có nghĩa là nơi tụ hội của Thánh hiền, muôn đức đều quy về.” Nơi tụ hội của tất cả hiền thánh, tất thảy công đức thì gọi là Mạn Đồ La. Do vậy mà mọi thứ từ thân hình, ngôn ngữ, hoặc vật cầm, hoặc thệ nguyện v.v... của các vị Thánh hiền cũng đều được gọi là Mạn Đồ La. Đó là lấy cái nghĩa tròn trặn đầy đủ (của bánh xe) vậy. Đại Nhật kinh sớ quyển 1 có viết rằng: “Chân ngôn, tiếng Phạn Mạn Đà La, có nghĩa là những lời nói chân thật, như thật, không lầm, không khác. Sách Thích Luận gọi đó là những lời bí mật, trước kia dịch là chú, là không đúng.” Những lời nói bí mật của các bậc hiền thánh phụ vào từ Mạn Đà La, đó là một lệ. Tựu trung lại, Mật Giáo lập ra bốn loại Mạn Đà La là để thu nhiếp tất cả các pháp vậy.

1. Chi Phần sinh Mạn Đà La : Đại Nhật kinh sớ (quyển 3) có chép rằng: “Kinh nói rằng tất cả các chi phần của Thế Tôn đều xuất hiện ở trên thân thể của Như Lai”. Lúc trước khi hiện ra trong nghiêm tạng, thân thể của tất thảy phổ môn tràn đầy khắp mười phương, tùy theo nhân duyên mà ứng vật. Nay muốn nói địa vị của Mạn Đồ La thì phải thông hiểu sự phân loại thân thể Phật chia ra ba phần là Thượng, Trung và Hạ. Từ rốn trở xuống thì sinh ra loại hình Thích Ca thân sống, người và pháp, cùng hàng Nhị Thừa và vô số chúng sanh trong 6 đường (lục thú), sắc, tướng, uy nghi, tiếng nói, tọa đàn có khác nhau, chu chuyển khắp tám phương tới các tầng thứ, bản vị của các loại Mạn Đồ La mà trụ (là viện thứ ba, tức tầng thứ tư). Từ rốn trở lên cho tới cổ họng thì sinh ra vô lượng thập trụ chư Bồ Tát. Ai nấy đều giữ lấy tấm thân tam mật, cùng với vô lượng quyến thuộc khắp tám phương, tới các tầng thứ, thuộc bản vị của các loại Mạn Đà La mà trụ ở. Nhưng trong đó có hai loại. Loại từ tim trở xuống thì sinh ra các vị Thập Phật giữ đại bi vạn hạnh cùng vô số đại quyến thuộc (đó là tầng thứ ba, tức viện thứ hai). Từ tim trở lên là các vị Thập Phật giữ kim cương mật tuệ cùng vô số nội quyến thuộc (đó là tầng thứ hai, tức viện thứ nhất). Hai loại trên đây gọi chung là Đại Bi Chúng. Hai loại từ cổ họng trở lên cho tới đỉnh đầu Như Lai thì sinh ra các bậc quả Đức Phật thân có tứ trí, tứ tam muội. Tám thân của bốn vị Phật, bốn vị Bồ Tát này, ở trong tất thảy thế giới. Các mặt đồ đệ, đất nước, danh nghiệp, thân nghiệp của các vị có khác nhau, trụ ở các tầng thứ, bản vị của các Mạn Đà La trong tám phương (đó là tầng thứ nhất, tức Trang thai).

2. Cửu Diệu Mạn Đà La : Tức là mặt trời, mặt trăng và các sao Thủy, Hỏa, Mộc, Kim, Thổ thêm hai sao La Hầu và Kế Đô “Cửu diệu”.

3. Kim Cương Giới Mạn Đà La : Theo thuyết của các bộ Mật Giáo bản kinh, Kim Cương đảnh kinh của Kim Cương Giới thì có 6 loại, mười loại Mạn Đà La, trong loại Hiện Đồ Mạn Đà La bao gồn cả 9 loại kia nên gọi là Cửu Hội Mạn Đà La.

4. Lưỡng Bộ Mạn Đà La : Tức Mạn Đà La của Kim Cương giới và Mạn Đà La của Thai Tạng giới ... Vì tất cả pháp môn của Mật Giáo đều chia thành hai bộ Kim Cương bộ và Thai Tạng bộ. Mạn Đà La cũng xây dựng theo hai bộ đó. Tuy hai bộ đó, mỗi bộ đều độc lập có pháp môn, thành tựu Phật quả riêng của mình, nhưng Mật Giáo đứng trên toàn thể mà dung hợp cả hai, nên phối hợp cả lý trí nhân quả, phối hợp cả hai bộ thành một pháp môn. Thai Tạng giới là pháp môn thuộc chúng sanh vốn có đầy đủ lý tính, phối hợp với Lý, phối hợp với Nhân. Kim Cương giới là pháp môn thuộc chư Phật mới thành quả tướng, phối hợp với Trí, phối hợp với Quả. Nếu sắp đặt thì Thai Tạng giới Mạn Đà La thuộc phương Đông, Kim Cang giới Mạn Đà La thuộc phương Tây. Lấy nghĩa phương Đông là nơi bắt đầu phát sinh vạn vật, phương Tây là nơi cuối cùng trở về của vạn vật. Vì, theo cái lý nhân quả tương ứng và để thuyết minh cái lý nhất ứng vậy.

5. Nhị Chủng Mạn Đà La : Là hai loại Mạn Đà La của Thai Tạng giới và Kim Cương giới. Mỗi loại đều có hai loại sâu cạn bí mật khác nhau. Loại Mạn Đà La thuộc Thai Tạng giới, Phẩm Đại Duyên. kinh Đại Nhật nói: “Cảnh giới Giả Trí của Đức Đại Nhật ở và Đức A Di Đà hiện Tam Ma Địa là loại Mạn Đà La thuộc Liên Hoa bộ trong ba bộ. Đó là loại Thiên lược Mạn Đà La”. Còn loại nói ở Phẩm Bí Mật thì đó là cảnh giới bản địa của Đức Tỳ Lô Giá Na, là loại Mạn Đà La thuộc Phật bộ trong ba bộ, tức loại Bí Mật Mạn Đà La vậy. Loại Mạn Đà La thuộc Kim Cương giới, Giáo Vương kinh và Lược Xuất kinh nói rằng: Đức Đại Nhật trụ ở A Súc Tam Ma Địa, tụng chữ Hồng trở thành vị A Súc Phật là vị Phật ở hộ thành thân, là loại Mạn Đà La thuộc Kim Cương bộ trong ba bộ, tức là loại Kim Cương Mạn Đà La vậy. Còn loại Mạn Đà La nói trong phẩm tựa, kinh Du Kỳ, đó là loại Mạn Đà La thuộc Phật bộ trong ba bộ, tức loại Bí Mật Mạn Đà La. Bởi vì kinh Du Kỳ không phải là thâu tóm 18 hội, là kinh nói về Kim Cương giới vốn có. Đức Đại Nhật Như Lai trụ ở cõi Tam Ma Địa vốn có của chúng sanh, tự tính hiện ở nơi cảnh giới vô tác vốn có đã tạo thành 37 vị chư tôn, vì chủng tử ba hình của các vị khác hẳn với thuyết tướng ở thường đồ. Nghĩa là loại Thiểu Lược Mạn Đà La là loại Mạn Đà La gia trì tu sinh, loại Bí Mật Mạn Đà La, là loại Mạn Đà La bản hữu bản địa. Đức Lý Phật thuộc Thai Tạng bản địa lại trụ ở Mạn Đà La gia trì thuộc Liên Hoa bộ ở Tây Phương, còn Đức Trí Phật thuộc bản hữu Kim Cương lại trụ ở Mạn Đà La thị tu sinh thuộc Kim Cương bộ ở Đông Phương. Bởi vì hai bộ thâm mật là được xây dựng trong Phật bộ, còn hai bộ Thiển Lược là cái thế của hai bộ Liên Hoa và Kim Cương vậy.

6. Niết Bàn Mạn Đà La : Tức bức vẽ về hội khi Phật nhập diệt, tức tượng Niết Bàn ...

Tứ Chủng Mạn Đà La : Đó là 4 loại Mạn Đà La. Gồm có:

1.- Đại Mạn Đà La là Đàn Tràng tụ hội chư tôn và hình thể, đồ họa của chư tôn đó, tức là toàn thể đàn tràng và tất thảy chư tôn. Đó là tiếng thể của Mạn Đà La, nên gọi là Đại. Ba loại khác tuy cũng có quan hệ với Ngũ đại mà tạo thành, nhưng đều lấy loại này làm tiếng thể. Hơn nữa loại này là rộng lớn nhất, nên chỉ có một tên là Đại.

2.- Tam Muội Da Mạn Đà La: Tức là vẽ những vũ khí và ấn khế mà chư tôn cầm trong tay. Tam Muội Da có nghĩa là Bản Thệ. Những thứ đó biểu thị thệ nguyện của chư tôn. Thiên Ma Ba Tuần thì khỏi bàn, ngay cả chư tôn cũng không thể làm trái phạm vào các điều thệ ước đó.

3.- Pháp Mạn Đồ La: Vẽ các chủng tử chân ngôn của chư tôn và văn tự nghĩa lý của tất cả kinh.

4.-Yết Ma Mạn Đà La: Yết Ma có nghĩa là tác nghiệp, là đúc tạo hình tượng. Loại này tức là công việc tô vẽ tạo đúc các tượng cùng hết thảy uy nghi, sự nghiệp trên thân thể của các vị chư tôn. Pháp môn mà chư tôn diễn thuyết thì gọi là pháp Mạn Đà La. Vũ khí mà các vị chư tôn cầm thì gọi là Tam Muội Da Mạn Đà La. Những việc làm của chư tôn thì gọi là Yết Ma Mạn Đà La...

Mật Giáo phân biệt vạn hữu thường dùng câu: «Lục Đại Tứ Man - Tam Mật» rồi y theo sự thâm mật đó mà giải thích và luận bàn. Tứ Mạn tức là phân loại tất thảy hiện tượng. Đại Mạn Đà La tổng nhiếp hết thảy các loài hữu tình trong mười pháp giới. Sáu đại hình thành rõ ràng được là nhờ phụ vào cái danh của «Đại». Tam Ma Mạn Đà La là pháp tổng nhiếp hết thảy các loài vô tình trong mười pháp giới. Tam Ma Da có nghĩa là bình đẳng. Pháp Mạn Đà La thu nhiếp âm thanh ngôn ngữ, tức là tiếng sóng gió và văn tự sắc trần. Tất thảy đều được trình bày và giải thích trên sáu trần. Pháp là cái để giữ gìn cái bản thể và nảy sinh trí giác. Yết Ma Mạn Đà La là tất thảy động tác vốn có của ba loại Mạn Đà La trình bày ở trên. (Sách đã dẫn trang 725-726).

Trên đây là số đoạn trích dẫn giải thích về Mạn Đồ La hay Mạn Đà La theo Hán Việt Phật Học từ điển để chúng ta có một cái nhìn khái quát về Mạn Đà La. Tuy nhiên những Mạn Đà La mà các vị Sư Tây Tạng đang làm mấy ngày nay bên cạnh Đức Đạt-lai Lạt-ma là một loại Mạn Đà La bằng cát nhuộm thành nhiều màu khác nhau, các vị thổi những cát này vào một đồ hình đã vẽ sẵn, tượng trưng cho cung điện của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát, đẹp tuyệt vời, nhưng sau khi xong thì Đức Đạt-lai Lạt-ma sẽ làm lễ để xóa đi. Điều ấy chứng tỏ sự vô thường của vạn hữu. Tốn công cũng nhiều, rồi cuối cùng cũng trở lại thể ban đầu của nó là trở về với đất. Điều ấy chứng tỏ rằng cuộc đời này không có cái gì là vĩnh viễn cả.

Hãy quán chiếu vị truyền phép điểm đạo và Đức Quán Thế Âm Bồ Tát là một và mỗi người hãy tự cúng dường một Mạn Đà La tuyệt vời nhất. Hãy phát tâm thật dõng mãnh vì sự lợi lạc của chúng sanh và chúng ta phải cầu thành Phật cũng như sự thỉnh cầu chân thành để được điểm đạo.

Mật Giáo chỉ được giảng dạy cho những người có lòng tin chân thật, vững chắc. Do vậy, sự tin tưởng càng sâu sau khi đã hiểu biết và chiêm nghiệm, thì việc làm này mới có ý nghĩa. Phải che mắt của mình lại và dâng hoa lên cúng dường vị Bồ Tát. Sau đó mỗi người tự quán tưởng rằng: Đức Quán Thế Âm Bồ Tát đang ở trên đầu của mỗi người màu trắng và yết hầu màu đỏ, tâm màu xanh, bắt ấn hoa sen. Tiếp theo người phát nguyện nhận giới Bồ Tát và quán tưởng rằng trước mắt mỗi người có chư Phật, chư Bồ Tát và mỗi vị này đều ngồi trên những hoa sen báu, có lòng từ bi lớn. Các vị đã vì chúng ta mà phát nguyện thành Phật và ta cũng vì những loài chúng sanh khác mà phát nguyện thành Phật hay thành Bồ Tát để độ sanh bằng cách thực hành lục độ vạn hạnh.

Ngài đã truyền giới Bồ Tát cho mọi người ngay sau đó. Theo Phật Giáo Tây Tạng thì Bồ Tát giới cho cả xuất gia và tại gia có 18 giới nặng và 46 giới nhẹ. Những giới nhẹ này nếu phạm thì sám hối. Mọi người đều quỳ lên và phát nguyện theo 4 lời nguyện lớn của Bồ Tát. Đó là:

Chúng sanh vô biên thề nguyện độ
Phiền não vô tận thề nguyện đoạn
Pháp môn vô lượng thề nguyện học
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành

Phát tâm từ nay cho đến khi thành Phật. Phát nguyện không làm tổn hại chúng sanh. Phát nguyện luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ chúng sanh. Phát Bồ Đề Tâm thật dõng mãnh để thành Phật và độ khắp tất cả chúng sanh.

Về cách quán tưởng thì có nhiều cách, nhưng cũng có thể quán rằng vòng tròn mặt trăng có hào quang chung quanh và nhất là phải đặt nặng về tánh không. Vì tánh không chính là mấu chốt cũng như đề tài chính để quán tưởng và nhờ tánh không mà mọi người sẽ hiểu được bản thể của vũ trụ. Cũng có thể quán tưởng nơi tâm của mình về vị Thầy truyền giới có nguyệt luân màu trắng và trên đó cũng có một chày Kim Cang. Quán tưởng tâm của Đức Đạt-lai Lạt-ma cũng có một tâm từ bi và phát nguyện thành Phật và từ nơi từ tâm của Ngài làm cho tâm của ta càng vững mạnh hơn để dễ thành Phật. Mọi người đều trì tụng một câu thần chú.

Đức Đạt-lai Lạt-ma cũng đã nhấn mạnh rằng sự tu tập đối với người Phật Tử phần quan trọng nhất là phải phát Bồ Đề Tâm để làm cho đạo lực tăng trưởng và phải chiêm nghiệm quán sát thật kỹ càng về Tánh Không. Sau đó Đức Đạt-lai Lạt-ma đã hướng dẫn mọi người quán tưởng rằng mình đang ở về phía Đông của Mạn Đà La. Mọi người chắp tay cao phía trên đầu, cổ và ngực, tiếp theo là đọc thần chú để được gia trì. Mọi người phải quán tưởng rằng đang có chư Phật và chư vị Bồ Tát đứng chung quanh chúng ta nơi cửa Đông của Mạn Đà La. Mọi người phải quán tưởng rằng nơi mỗi người đều có Phật tánh và chính Phật tánh này sẽ tạo mọi điều kiện để cho mỗi chúng sanh chứng thành Phật quả. Chúng ta và chư Phật sẽ có một sự cảm thông mạnh mẽ, nếu tâm của chúng ta thanh tịnh. Nếu trong khi quán tưởng mà thấy được những màu sắc, thì đó là kết quả của sự quán tưởng đúng và hãy hình dung là mình đang đi kinh hành chung quanh Mạn Đà La. Nơi ấy có nhiều đóa hoa từ hư không rơi xuống. Lại nữa, sau khi đi kinh hành, chúng ta phải quán rằng thân và tâm của ta đang nằm bên trong Mạn Đà La và thân, khẩu, ý của chúng ta được hoàn toàn thanh tịnh.

Tiếp theo một vị đại diện cho chư Tăng dâng hoa lên cúng dường Mạn Đà La. Ngài Rinpoche khi thả đóa hoa xuống đã rớt ngay vào giữa trung tâm. Kế đến là đại diện của Phật Tử lên dâng hoa, đầu tiên hoa bị rơi ra ngoài và lần thứ hai thì hoa rơi vào giữa trung tâm. Đức Đạt-lai Lạt-ma vẫn tiếp tục hướng dẫn mọi người và bảo rằng mọi người đều có một cái tên, tên ấy gọi là Kim Cang Pháp. Mọi người lấy một hoa khô đã được phân phát ra trước đó để lên trán của mình, chứng tỏ rằng đã nhận được sự gia trì từ vị Đại Sư.

Hãy tiếp tục quán tưởng rằng tâm ta, trên đỉnh đầu và hai mắt phát ra ánh sáng. Sau đó sẽ thấy từng chi tiết của Mạn Đà La. (Mọi người được phát cho một cái khăn màu đỏ, lúc này mọi người đều phải bịt mắt lại và sau khi mở khăn ra thì thấy như vậy). Bên ngoài Mạn Đà La là thành lửa, có cửa vào. Có các vị Phật ở đó, trong những vị Phật này có Đức Tỳ Lô Giá Na Phật. Ở chính giữa có Đức Quán Thế Âm Bồ Tát 11 mặt và ngàn tay ngàn mắt. Quán tưởng rằng thân của chúng ta cũng đang đứng ở cửa Đông có màu trắng và đang đứng trên hoa sen có nguyệt luân. Quán tưởng rằng chúng ta đang nhận được một dòng nước Cam Lồ từ Đức Quán Thế Âm Bồ Tát để rửa sạch thân khẩu ý và ngũ uẩn của chính mình để trở nên thanh tịnh. Ngài làm phép rưới nước Cam Lồ. Mọi người quán tưởng rằng nước Cam Lồ này trào lên trên đầu của mình, biến thành chiếc mão ngũ phương và mỗi phương có một vị Phật ngự trị nơi đó.

Tiếp theo là lễ điểm đạo về chiếc mão này. Quán tưởng rằng chính mình là người có đầy đủ phước báu, có khả năng biến thành hóa thân của chư Phật. Quán tưởng về sự cảm nhận cũng như hiểu biết về Tánh Không. Mọi người hãy tự quán tưởng rằng cũng từ chiếc mão này mà Cam Lồ trào ra và biến thành Đức Quán Thế Âm Bồ Tát hòa nhập vào thân cũng như tâm của chúng ta và mỗi người hãy tự phát nguyện tu học về khẩu của mình. Hãy quán tưởng rằng đang tụng thần chú thì từ trong tâm của Đức Đạt-lai Lạt-ma luân chuyển thần chú từ miệng của Ngài vào tâm của ta. Ngài đã trì tụng thần chú Đại Bi bằng tiếng Tây Tạng. Sau đó Ngài dâng Kinh, Luật, Luận lên để cúng dường chư Phật. Ngài cũng đã dâng hai bài vị có hình Đức Quán Thế Âm Bồ Tát lên cúng dường. Lễ này sau đó đã chấm dứt bằng phép tu Quán Thế Âm Bồ Tát.

Ngài dặn bảo mọi người là hãy phát tâm từ bi và phải có tình thương đối với mọi loài chúng sanh. Mọi người phải tự cầu nguyện cho mình được giác ngộ giải thoát và sau đó trở lại độ cho tất cả chúng sanh.

Ngài nói lời cảm ơn mọi người đến tham dự và nhiều người đã nhiệt tình tranh đấu cho sự tự do của Tây Tạng và Ngài cũng đã không quên cảm ơn những vị đại diện của nhiều Tông phái khác nhau tham gia suốt cả một tuần lễ này. Những tràng pháo tay liên tục phát lên như không có cơ dừng nghỉ. Điều ấy chứng tỏ rằng Ngài đã chinh phục không biết bao nhiêu người Âu Mỹ đã trở về với Đạo Phật.

Các vị Lạt Ma Tây Tạng tiếp theo đó đã làm lễ cầu nguyện chúc thọ cho Ngài. Năm 1998 Ngài đã trên 60 tuổi và việc cầu nguyện để một vị Phật, một vị Bồ Tát trụ thế ở đời lâu dài hơn để làm lợi lạc cho chúng sanh, quả là điều rất cần thiết. Vì chúng sanh còn đau khổ, nên sự hiện diện của Ngài rất quan trọng. Chư Tăng Ni, mỗi người được một số quà gia trì từ Ngài như bánh ngọt, kẹo v.v... làm theo lối Tây Tạng. Cũng có một ít chỉ đỏ tượng trưng cho phước điền, an lạc. Mọi người đều được nhận. Đây là một món quà vô giá và mọi người đã tin như thế.

Sau khi làm lễ chúc thọ cho Ngài, Ngài cảm ơn một lần nữa và Ngài rời pháp tòa đi xuống hàng ngồi đầu tiên để bắt tay và nói cảm ơn. Khi đến gần tôi, Ngài chìa tay ra bắt và nói: “Thank you, Thank you.” Tôi cũng có nói vài câu xã giao gợi lại cho Ngài nhớ là năm 1995 Ngài đã đến thăm chùa Viên Giác tại Hannover, Ngài mỉm cười đáp lễ một lần nữa bằng hai chữ “Thank you”.

Ngài là một vị Phật, một vị Bồ Tát nhưng rất tự tại, không phiền ai, chẳng trách ai, không than vãn về số phận của đất nước Tây Tạng mà lúc nào cũng khoan dung với người Trung Quốc. Không có hận thù nơi tâm của Ngài. Nơi Ngài chỉ có từ bi và trí tuệ, nơi Ngài chỉ có lợi tha chứ không vị kỷ. Lòng từ bi của Ngài đã bủa khắp muôn nơi. Đúng là hiện thân của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát.

Ngày 18 tháng 6 năm 1995, ở trước cổng chùa Viên Giác tại Hannover, nơi tôi trụ trì. Khi cung nghinh Ngài tôi đã đảnh lễ sát chân Ngài, nhưng Ngài đã khom lưng xuống đỡ lên và dùng trán của Ngài để cụng vào trán của tôi, để tỏ rõ tấm lòng từ bi của một vị Bồ Tát. Ngài không phân biệt chủng tộc, ngôn ngữ và địa vị gì cả. Ở nơi Ngài chỉ có tâm giác ngộ và tánh không là hai điều căn bản để thực hiện giáo lý này đi đến chỗ giải thoát an lạc. Rồi hôm nay Ngài nắm tay tôi nói 2 chữ “Thank you”, tâm tôi tự nhiên chùng xuống. Vì biết rằng mình đã có cơ duyên để gặp Ngài và đã đến gần một bên vị Phật. Vậy tôi phải nỗ lực hơn nữa, không thể chần chờ bởi thời gian và năm tháng, mà mọi lúc, mọi nơi, tôi càng phải nỗ lực nhiều hơn nữa để tánh Phật càng ngày càng hiển lộ nơi mình nhiều hơn.

Tôi cũng đã được Ban Tổ Chức sắp cho chỗ ngồi hàng đầu gần sát bên Ngài Geshe Thubten Ngawang, đối diện với Đức Đạt-lai Lạt-ma. Đây là một vinh dự hạng nhất rồi. Vì cả hơn 10.000 người tham dự lễ, mà mình đã được cơ hội gần gũi Ngài như thế trong vòng 7 ngày quả là điều ngoài sức tưởng tượng. Có lẽ Ban Tổ Chức nghĩ rằng tôi là khách ngoại quốc đặc biệt của Trung Tâm Phật Giáo Tây Tạng tại Hamburg, cũng như tôi có số năm xuất gia lâu gần bằng Ngài Geshe, nghĩa là cũng đã hơn 35 năm tu học Phật Pháp rồi. Vì đa phần những vị sư người Đức hay người ngoại quốc ở tại Đức chỉ mới tu sau này mà thôi. Có vị nhiều lắm là 20 năm. Bởi lẽ Phật Giáo tại Đức mới phát triển mạnh nhất là vào thập niên 80 đến nay. Trong 20 năm đó, Phật Giáo tại xứ này đã tiến theo cấp số nhân và không biết rồi mai đây sự phát triển của Phật Giáo sẽ tương tục đến độ nào thì chưa ai tiên đoán được, nhưng cánh cửa tâm linh của người dân Đức đã mở, thì luồng gió từ bi và trí tuệ của Phật Giáo cứ phả mạnh vào, chắc chắn rằng dân tộc này sẽ được lợi lạc muôn phần, mà không sợ dị ứng gì cả. Bởi lẽ, chất dinh dưỡng tinh thần mà Phật Giáo đã mang đến cho người Đức nói riêng cũng như cho nhiều người Âu Mỹ nói chung, là một loại thuốc đã chữa lành được nhiều căn bệnh tâm linh suốt 25 thế kỷ đã qua.

Chư Tăng Ni đều đi quanh ngôi tháp nhỏ mà trong ấy 4 vị Sư Tây Tạng đã khổ công tạo thành một cái Mạn Đà La thật đặc sắc cả ba ngày nay để đảnh lễ cũng như chụp hình. Vì lẽ chúng tôi ngồi hàng đầu nên mới được đảnh lễ nhanh như thế. Trong khi đó những người Phật Tử phải đứng sắp hàng thành rồng rắn mà có người sau 2 tiếng đồng hồ vẫn chưa lên được đến khán đài.

Quả thật lòng tin của con người không có gì có thể lay chuyển nổi, khi mà qua sự hiểu biết bằng lý trí không thay thế đủ cho những nhận thức thông thường của cuộc sống, họ cần phải đi tìm con đường cao hơn, siêu việt hơn để cập bến tâm linh. Nay chính là thời điểm tuyệt vời ấy đã gõ đúng cánh cửa tâm linh đang khát vọng đó. Nên Phật Giáo tại Âu Mỹ ngày nay đã rộ lên như những bông hoa đầy hương sắc lạ lùng. Không ai ngờ rằng ở thế kỷ 16, 17 người Âu Châu đã tốn không biết bao nhiêu công sức để đến được Á Châu và Phi Châu chiếm làm thuộc địa. Trong khi đó người Châu Á hôm nay, hay nói đúng hơn là tinh thần của Phật Giáo khi hội nhập vào đây, ở những xã hội này không cần một đoàn quân viễn chinh hùng hậu như ba bốn trăm năm về trước, mà chỉ cần một tấm lòng, một tinh thần có bản chất từ bi lợi tha và trí tuệ thực sự, thì đã có hàng trăm vạn người theo rồi.

Ở Phật Giáo không có việc đi truyền đạo giống như những Tôn Giáo khác. Nếu ai muốn theo Phật Giáo hãy tự tìm hiểu rồi theo. Không ai bắt mình phải theo, khi tâm mình không một mảy may tin tưởng vào giáo lý mà mình theo đó.

Các nhà báo, các đài truyền hình thi nhau chụp hình và phỏng vấn Ngài, Ngài vẫn tươi cười như tựa thuở nguyên sơ. Có được nụ cười như vậy không phải là một chuyện dễ. Rồi những cái vẫy tay khuất dần vào trong những xe hộ tống có kính màu, nhưng mọi người như không muốn rời chỗ đứng của mình, hai mắt cứ ngóng trông một cái gì đó vô hình nhưng đầm ấm, nhẹ nhàng nhưng đã khắc ghi đậm nét nơi tâm khảm của tất cả mọi người. Ai nấy đều chẳng muốn ra về, mặc dầu ngày mai mọi người còn phải chuẩn bị cho việc đi làm ăn, buôn bán.

Chiều hôm đó có phần lễ xóa đi Mạn Đà La mà quý vị Lạt Ma Tây Tạng đã tạo thành trong mấy ngày nay dưới sự chủ trì của Đức Đạt-lai Lạt-ma, nhưng phái đoàn chúng tôi lo thu xếp hành lý và sau khi dùng trưa tại lều, đã lên xe về lại Hannover. Nhiều người đã ở lại tham dự lễ này, để chứng kiến về vô thường của sự vật. Vì lẽ các vị Sư này đã dụng công thật là tinh nghiêm trong mấy ngày nay để tạo thành một Mạn Đà La rất đẹp, nhưng bây giờ lại phải xóa đi, để chứng tỏ rằng mọi vật trong thế gian này, không có gì là thực thể cả, ngay cả sắc đẹp, thân thể này hay cả vũ trụ cũng thế thôi. Đúng là vô thường vậy.

Sau một tuần lễ tham dự học phép tiệm tu (Lamrim) tại đây, phái đoàn chúng tôi đã trở về lại Hannover để tiếp tục lo những công việc còn lại khi cơn bão đã đi qua. Ở tại Schneverdingen rất an lạc và mọi người đều thấy như mình sống ở một thế giới khác cách biệt nhau với thế giới của đời thường. Mặc dầu tại đó cũng bị mưa gió bão bùng suốt trong thời gian 7 ngày ở dưới một lều rộng 7.000 thước vuông, rộng hơn 2 sân đá banh thường lệ, có 8 ngôn ngữ được phiên dịch cho 55 quốc gia tham dự khóa tu Lamrim này, cho nên tâm ai cũng an lạc. Tuy mọi người chưa giải thoát thực sự, chưa chứng tánh không, chưa ra khỏi lưới phiền não trần lao của cuộc sống trần thế này, nhưng ít ra mọi người đã thấm lịm từ từ giáo lý cao thượng giải thoát của đấng Thế Tôn, do vậy lòng ai cũng hoan hỷ trong 7 ngày tu học tại đó. Sau đó mọi người phải trở về lại với thực tế trong cuộc sống của mình, một cuộc sống với bao nhiêu cạm bẫy và thử thách.

Khi về đến chùa Viên Giác tại Hannover mọi người đều thấy sân chùa như một bãi chiến trường chất đầy những tàn tích của cuộc chiến. Đó là gạo thối, đồ ăn hư và lỉnh nghỉnh lỉnh ngảng đủ loại đồ dùng thường nhật mà dưới hầm Đông Đường bị ngập nước nên một số quý anh em công quả đã dọn lên. Mấy ngày nay thì đã có điện và sưởi trở lại, nên ai nấy cũng ấm lòng, nếu không cũng không biết phải làm sao.

Tôi không buồn, không vui. Vì biết rằng tất cả đều từ do nhân duyên đưa đẩy cả. Nhân duyên là cái gì không nói trước được. Dầu cho có sắp đặt trước đi chăng nữa mà nhân duyên không thành tựu, hóa ra việc ấy cũng trở thành không mà thôi.

Cuộc đời là gì, mấy ai hiểu được? Sinh ra để làm gì? Rồi cuộc sống đi về đâu? Đó là những câu hỏi mà tự nó không dễ trả lời được, mà phải cần đòi hỏi ở chính mỗi cá nhân phải tự ý thức và có trách nhiệm với chính mình, mới mong có câu giải đáp thật xác đáng. Đất, Nước, Gió, Lửa là tứ đại, do nhân duyên tứ đại này hòa hợp và cũng do nhân duyên mà tứ đại sẽ tan rã đi, không hẹn trước, không định trước. Vì cái này sinh thì cái kia phải diệt, cái này tồn tại, cái khác phải thay đổi. Không có gì vĩnh cửu cả. Khi hiểu như vậy rồi, tâm tôi cảm thấy bình thường như bao nhiêu sự bình thường khác. Bây giờ dẫu cho có tiền nhiều, hay được nhiều người ca tụng, hoặc giả có là gì gì đi chăng nữa mà vẫn còn ở cõi đối đãi này thì cũng không có ý nghĩa gì cả. Hoặc giả có ai chê mình, khinh khi mình cho đến thậm tệ, vạch tất cả những lỗi lầm của mình từ lớn đến nhỏ, thì đó hãy xem là một thử thách của tâm linh và bản ngã của mình. Hãy xem tất cả những loại này cũng chỉ là sự giả hợp mà thôi. Dòng nước ấy chảy qua sẽ mang đi rác rưới, lượt nước khác chảy đến sẽ mang lại phù sa, không có gì là một định luật vĩnh cửu cả. Tôi tập quán sát mọi vật và cuộc đời như thế, nên khi hành Bồ Tát hạnh, tôi tự phát nguyện cho mình rằng: «Hãy là dòng sông chuyên chở bao nhiêu trong đục của cuộc đời và mình phải là mặt đất để hứng chịu bao nhiêu thứ sạch nhơ của nhân thế». Mọi thứ đều từ đất phát sanh, rồi mọi thứ cũng sẽ trở lại đất để hòa mình vào khoảng không gian vô tận ấy.

Vũ trụ này, thế giới này trước đây được cấu tạo bằng lửa trước, tiếp theo là không khí và kế tiếp là nước, sau cùng là đất. Tất cả đều hòa quyện vào nhau và cũng sẽ tan rã vào nhau, nương tựa vào nhau để tồn tại và nương tựa vào nhau để tan rã. Tôi ý niệm rất rõ ràng về việc này nên chẳng có gì phải lo lắng và cứ từ từ giải quyết công việc. Gia Đình Phật Tử Tâm Minh, quý Bác trong Chi Hội Phật Tử Hannover và những người quen biết khi nghe chùa bị ngập lụt đã kéo nhau đến dọn dẹp phụ, cả 5 ngày trời mới xong. Có thể đây cũng là một dịp để tổng vệ sinh tầng hầm. Vì đây là từng chứa nhiều đồ nhất và kể từ khi xây chùa đến nay đã 9 năm rồi chưa tổng vệ sinh lần nào.

Thiệt hại điện, gas, nước, sưởi, điện thoại lên đến 100.000 Đức Mã, nhưng cho đến nay là giữa tháng 8 năm 1999, nghĩa là gần một năm sau rồi mà hãng bảo hiểm vẫn còn im hơi lặng tiếng, chẳng trả lời như thế nào cả. Không biết việc ấy sẽ tiếp tục ra sao đây? Các hãng bảo hiểm, hầu như hãng nào cũng thế! Khi nhận tiền từ khách hàng thì rất nhanh, nhưng khi đền bù lại thì rất chậm. Tại sao vậy? Xin nhờ đại diện các hãng bảo hiểm trả lời giùm. Nếu muốn được nhiều khách hàng và muốn được sự tin cậy của khách hàng thì hãng bảo hiểm phải giải quyết nhanh hơn cũng như thực tế hơn, chứ không phải chần chừ như vậy mãi. Nếu chỉ biết tính phần lợi về cho hãng mình mà phần hại của khách hàng không lo giải quyết thì thử hỏi hãng bảo hiểm lập ra để làm gì? - Cốt chỉ để thâu lợi cho riêng mình? Hay đều có lợi cả hai bên? Tôi không phải là nhà buôn bán, cũng chẳng phải là nhà kinh tế chuyên nghiệp, nhưng đứng ở lẽ công bằng mà nói, tất cả phải như vậy mới đúng nghĩa của sự cộng tồn sinh hoạt trong xã hội này chăng?

Bây giờ thì mọi việc đã qua đi, sinh hoạt đã bình thường trở lại, có nhiều việc mới phải làm và có nhiều việc cũ phải quên đi, để dành cho nhiều suy nghĩ và toan tính khác. Với tôi thường hay nghĩ - cái gì đến cứ cho nó đến, cái gì đi cứ cho nó đi. Đi và đến chỉ là những trạng thái bình dị của cuộc đời, không có gì thắc mắc, không có gì hối hận và cũng không có gì để bận tâm.

Một ngày làm việc của tôi từ 8 đến 12 tiếng đồng hồ, gồm 4 tiếng tụng kinh, ngồi thiền, lễ bái trên chánh điện. Bốn tiếng này hoàn toàn thanh tịnh cho bản thân của mình, không bị ai quấy rầy, không có tiếng điện thoại reo, không ai đến bên cạnh để thưa hỏi một việc gì cả. Chỉ một mình mình hướng về nội tâm, chỉ một mình mình suy niệm lời dạy của chư Phật. Ngoài 4 tiếng đồng hồ ấy ra tôi có 2 tiếng đồng hồ đọc kinh, đọc sách và 2 tiếng đồng hồ viết lách, tra cứu tu học riêng cho mình. Như vậy là đúng 8 tiếng đồng hồ cho mỗi ngày rồi. Ngoài 8 tiếng ấy là giờ trả lời điện thoại, tiếp khách, đọc báo, xem thư, trả lời thư, giải quyết những giấy tờ hành chánh, coi sóc chùa chiền, dạy chúng tăng tại chùa học v.v... xem ra như thế những loại hình này cũng chiếm của tôi mỗi ngày từ 2 đến 4 tiếng đồng hồ nữa. Như vậy tổng cộng một ngày làm việc và tu học của tôi tối thiểu là 10 đến 12 tiếng đồng hồ, cứ liên tục như vậy, ngày này qua ngày khác, năm này qua năm nọ, cứ như thế mà kéo dài mãi từ năm 1977 đến nay.

Trong mùa An Cư Kiết Hạ phần hành trì nhiều hơn với 9 tháng còn lại trong năm, nhưng không vì thế mà tôi có được nhiều thì giờ rảnh rang để nhàn du trong thiên hạ. Đi đâu và đến đâu, thông thường tôi chỉ thấy 4 bức tường với Phật Tử, sau đó lại lên xe về lại trụ xứ của mình, chứ ít được có những thời giờ riêng, họa hoằn lắm mới có, nếu nơi đó tôi chưa đi qua lần nào, sẽ có dịp để đi thăm một vài phong cảnh ở địa phương mà thôi. Tôi an phận như thế và có lẽ đến năm 2002 là kỷ niệm 25 năm tôi có mặt tại xứ Đức, tôi sẽ từ từ giao nhiệm vụ cho các Thầy đệ tử trông nom và năm 2003 sẽ làm lễ kỷ niệm 25 năm Chùa Viên Giác được thành lập tại Hannover tôi sẽ chính thức cử trù trì lo cho tương lai của Phật Giáo tại xứ Đức này và từ năm 2004 trở đi, tôi chỉ là Cố Vấn sáng lập chùa mà thôi. Tôi sẽ dành nhiều thời giờ cho nội tâm của mình nhiều hơn nữa và cố gắng đi vào Hán Tạng cũng như Nhật Tạng để ngụp lặn trong gần 500.000 trang kinh sách, do vậy phải dùng nhiều thời giờ còn lại cho việc này hơn.


Kapitel IV: Die Tage in Schneverdingen (Norddeutschland)

Die Ost-West-Teilung, welche die ordnungspolitische Differenz der Siegermächte nach dem Zweiten Weltkrieg zum Ausdruck brachte, brachte auch für Deutschland eine Teilung des Landes in Übereinstimmung mit den Einflußsphären der Siegermächte, die auch in Vietnam zu einer ähnlich begründeten Teilung des Landes seit 1954 führte.

Ostdeutschland wurde kommunistisch und seit 1949 zum Staat der DDR, der bis 1989 ein Satellit der heute schon nicht mehr existenten Sowjetunion geblieben ist, so wie auch Nordvietnam bis 1990 zur Einflußsphäre der Sowjetunion zählte. Westdeutschland, ab 1949 der Staat der BRD, entwickelte sich in Übereinstimmung mit dem ideologischen System der sog. Westmächte wie auch Süd-Vietnam ab 1954, also nach der französischen Niederlage, bis 1975 in die Einflußsphäre der USA geriet. Die amerikanische Niederlage in Vietnam brachte auch den Süden Vietnams am 30. April 1975 in die Hände der Kommunisten. Seit 1975 ist Vietnam zwar wieder vereint, es wird aber nicht mehr demokratisch regiert. In Deutschland ist das Gegenteil passiert, die demokratische Verfassung der BRD ist nämlich nach der Wiedervereinigung auf den Gesamtstaat übertragen worden. Im Herbst 1989, nach dem Fall der Berliner Mauer, wurde Deutschland also wieder vereinigt. Im Unterschied zu Vietnam kam hier die Wiedervereinigung auf friedlichem Wege zustande und nicht als Ergebnis eines jahrzehnte währenden Krieges. Dass Deutschland demokratisch geworden ist, hing als historisches Ereignis nicht zuletzt mit dem Zusammenbruch des sog. Ostblocks zusammen, und wurde damit auch ein Ereignis von weltgeschichtlicher Bedeutung.

Die Zeit des Eisernen Vorhangs ist vorbei. Ost und West stehen heute nicht mehr in unmittelbarer Konfrontation wie damals in den 60er, 70er und 80er Jahren. Die Menschheit hat heute einen anderen Weg eingeschlagen. Es ist der Weg der wirtschaftlichen Konkurrenz. Jedes Land versucht, wirtschaftlich stark zu werden, um die Entwicklung im Lande voranzutreiben. Auf dieser Erde wohnten zu Beginn des 20. Jahrhunderts 2 Milliarden Menschen. Nun sind es zu Beginn des 21. Jahrhunderts bereits mehr als 6 Milliarden. Wenn die Zahl der Geburten nicht abnimmt, dann werden die Menschen eines Tag ihr Überleben nur durch Kriege sicherstellen können, da die Resourcen immer knapper werden. Dies sind Fakten, die den Humanwissenschaftlern und Sozialforschern Kopfzerbrechen bereiten.

Der Norden Westdeutschlands stand bis 1949 unter britischer Militärverwaltung, das mittlere Westdeutschland stand unter französischer und der Süden unter amerikanischer Verwaltung. Schneverdingen liegt im Norden Deutschlands und gehörte damals zur britischen Besatzungszone. Die Medien haben anläßlich des Besuchs Seiner Heiligkeit in Schneverdingen und der damit verbundenen Veranstaltungen folgendes berichtet: Eine Militärkaserne wurde in eine riesige Gebets- und Versammlungshalle verwandelt, damit in ihr Buddhalehre über den Frieden gepredigt werden konnte. Dies war eine der schönsten Veranstaltung in der deutschen Geschichte.

Das Team, das diese Veranstaltung organisierte, hatte eine riesige Zeltstadt entstehen lassen. Alle Veranstaltungen fanden in den Zelten statt, so auch die Lehrunterweisungen, Konferenzen, Mahlzeiten. Auch die Schlafplätze, Sanitäreinrichtungen und Bücherläden waren in Zelten untergebracht. Veranstalter war das Tibetische Zentrum in Hamburg unter der geistigen Leitung vom Hochehrwürdigen Geshe Thubten Ngawang. Nach Schneverdingen kamen verständlicherweise wenige Tibeter, die meisten Besucher und Teilnehmer waren Deutsche. Das Tibetische Zentrum existiert seit mehr als 20 Jahren. Es wurde 1977 gegründet. Nach 20 Jahren hat diese Vereinigung zwei wichtige Zentren in Hamburg und in Schneverdingen errichtet. Die Zahl seiner Mitglieder nimmt stetig zu, was es in der Tat zu einem der bedeutenden tibetisch-buddhistischen Zentren in Deutschland macht. In Deutschland gibt es heute mehr als 200 buddhistische Zentren. Baumann gibt in seiner Dissertation „Deutsche Buddhisten“ eine Zahl von mehr als 400 deutschen buddhistischen Tempeln und Zentren an. Diese Zahl ist nicht gerade klein, wenn man die kurze Entwicklungszeit des deutschen Buddhismus in Deutschland berücksichtigt.

Auf dem Gelände, auf dem die Veranstalter die Zeltge aufgebaut hatten, konnten sogar Hubschrauber landen. Es gab auch Parkplätze für bis zu 10.000 Autos. In der Mitte des Geländes stand das große Zelt, dessen Länge ca. 250m und deren Breite ca. 75 Meter war. Bis zu 10.000 Menschen konnten in ihm finden. Um das große Zelt reihten sich noch weitere kleinere Zelte. Diese Zelte standen u. a. den Mönchen, Nonnen und Buddhisten als Speisesäle zur Verfügung. In anderen Zelte wurden Bücher und Reisen angeboten und natürlich auch Informationen über das tibetisch-buddhistische Zentrum in Hamburg. Den Zelteingang krönten Bilder über die historisch „Erste Drehung des Dharmarades“. In den kleineren Zelten, gab es Tische und Bänke, in dem großen Zelt nur einen Sitz auf einem Podest, von dem aus Seine Heiligkeit die Lehrunterweisungen erteilte. Daneben gab es einen großen Buddha-Altar und eine große Holztrage. Auf dieser Trage haben die tibetischen Mönche während der Veranstaltung ein Avalokiteshvara Mandala aufgestellt. Vor dem Podest saßen die Ordensleute. Zu den Plätzen des Publikums hin blieb der Raum frei. Dort standen Stühle für die Ehrenplätze der eingeladenen Politiker und Vertreter anderer Religionsgemeinschaften. Die übrigen Zuhörer saßen auf den Boden. In der Mitte des Zeltes war eine große Leinwand angebracht zur Live-Übertragung des Ereignisses. Ohne dieses Hilfsmittel hätten viele Besucher von dem Geschehen nicht mit bekommen.

Das Wetter war in dieser Veranstaltungswoche leider schlecht. Man war sogar besorgt, dass ein Sturm aufkommen könnte, der die Zelte wegfegen würde. Die Zuhörer wurden auf den Eventualfall vorbereitet. Glücklicherweise ist es bei dem Regen geblieben, der allerdings den Boden so aufgeweicht hatte, dass man in ihm zu versinken drohte. Die Vietnamesen können von den Deutschen Organisation, Technik und Gewährleistung sanitärer Standards noch lernen. Es war alles perfekt und der Einsatz jedes einzelnen Organisationsmitglieds kann nur gelobt werden. Wenn die Vietnamesen so eine vergleichbar große Veranstaltung, mit mehr als 10.000 Besuchern veranstalten müßten, die ebenfalls 10 Tage dauern sollte, dann würden sie es nicht so leicht haben, alles sauber zu halten. Mehr als 800 freiwillige Mitarbeiter hatten bei dieser Großveranstaltung mitgewirkt und ihr Verantwortungsbewußtsein war bemerkenswert. Sie arbeiteten ohne Lohn. Nach Abschluß der Veranstaltung wurde die Kosten auf 3 Millionen DM beziffert. Diese Summe ist wirklich gewaltig. Das ist allein die materielle Seite des Ganzen.

Die geistige Dimension muß mit anderen Maßstäben gemessen werden. Trotz der großen Besucherzahlen herrschte im großen Zelt immer Stille. Während der 6-tägigen Veranstaltung gab es keine einzige Lärmbelästigung. Jeden Tag gab Seine Heiligkeit vormittags zwei bis zweieinhalb Stunden Unterricht in der Buddhalehre. Nachmittags dann nochmals drei Stunden. Das waren also fünf bis fünfeinhalb Stunden pro Tag. Alle hörten aufmerksam zu. Man konnte sogar den Atem des Nachbarn hören. So erstaunlich still war es im Zelt.

Das zentrale Thema der Unterweisung war: Buddhas Weg zum Glück. Tatsächlich hat Seine Heiligkeit sechs Tage lang das Lamrim erläutert. Seine Heiligkeit fing einfach an und steigerte die Komplexität des Vortrags zum Ende hin, so dass der Nachvollzug immer schwerer wurde. Er begann mit der Lehre des Hinayana, fuhr fort mit der des Mahayana und des Vajrayana und schloß ab mit der Lehre der Barmherzigkeit des Avalokiteshvara Bodhisattva.

Jeden Tag begann Seine Heiligkeit um 7:30 Uhr zusammen mit den anwesenden tibetischen Mönchen mit der Morgenrezitation. Nach einer kurzen Pause ging es weiter mit dem ersten Programm des Tages. Wenn immer Seine Heiligkeit den Gebetsraum betrat, schaute Er alle Mönche, Nonnen und Buddhisten an. Danach machte Seine Heiligkeit 3 Niederwerfungen nach tibetischer Tradition. Anschließend bestieg Er den Thron und begann mit dem Morgengebet und der Dharmaunterweisung. Seine Heiligkeit unterwies in englischer meistens aber in tibetischer Sprache.

Für die deutsche Übersetzung war Herr Christoph, ein deutscher Buddhist, zuständig. Herr Christoph wurde vor 14 Jahren in der Kloster-Pagode Vien Giac, anläßlich der Begegnung mit einem berühmten Rimpoche aus Indien, ordiniert. Dieser Rimpoche soll auch einer der vier Lehrmeister von Seiner Heiligkeit gewesen sein. Er ist mittlerweile schon verstorben.

Vor vier Jahren habe ich erfahren, dass Herr Christoph die Mönchsrobe wieder abgelegt hat. Er lebt jetzt mit einer deutschen Sekretärin, die für die Herausgabe der Zeitschrift „Tibetischer Buddhismus“ zuständig ist. Darüber war ich nicht überrascht, denn alle Dinge auf dieser Welt sind vergänglich. Sie unterstehen dem Gesetz von Ursache und Wirkung. Wenn wir dieses Gesetz verstehen, ist unser Geist immer rein und ruhig. Herr Christoph hat sehr flüssig aus dem Tibetischen ins Deutsche übersetzt. Vom Deutschen wurde dann in viele anderen Sprachen weiter übersetzt, z.B. ins Englische, Französische, Spanische, Italienische, Polnische, Russische, Vietnamesische etc.. Insgesamt wurden die Belehrungen in 8 Sprachen übersetzt. Man trug einen Kopfhörer und konnte die entsprechende Sprache, in der man dem Vortrag folgen wollte, wählen. Zu der Veranstaltung kamen Buddhisten aus 54 Nationen. Hanh Tan war für die vietnamesische Übersetzung zuständig. Er übersetzte manchmal direkt aus dem Tibetischen aber auch aus dem Englischen oder Deutschen.

Am Nachmittag des 25.10.1998 bin ich mit 20 Ordensleuten aus der Congregation der Vereinigten Vietnamesischen Buddhistischen Kirche, Abteilung in Deutschland, in Schneverdingen angekommen. Wir waren als Ehrengäste vom Tibetischen Zentrum Hamburg eingeladen worden und durften deshalb vorne in der ersten Reihe, direkt vor Seiner Heiligkeit, sitzen. Mein Sitzplatz wurde von der Organisationsleitung neben dem vom Geshe Thubten Ngawang, dem Vorsitzenden des Tibetischen Zentrums, zugewiesen. Doch der Geshe war zu beschäftigt und mußte den Platz wechseln. Von der ersten Reihe aus konnte ich Seine Heiligkeit gut betrachten, ihm die Hand geben und Photos von ihm machen. Für mich war das eine große Ehre.

Das Tagesprogramm war für alle 7 Tage gleich strukturiert. Lediglich am ersten und am letzten Tag gab es zusätzlich noch weitere Programmpunkte. Diese bestanden aus der Eröffnungs- und der Abschlußzeremonie. Das Tagesprogramm gestaltete sich folgendermaßen:

07:30 Uhr Morgenrezitation für Seine Heiligkeit und die tibetischen Ordensleute.

09:00-11:30 Unterweisung in die Buddhalehre bzw. Beantwortung der Fragen von den Zuhörern.

11:30-13:00 Pause, Mittagessen. Zeit für Einkaufsrundgang und Besichtigung der Buddha-Statuen etc.

13:30-16:30 Dharmaunterweisung mit kurzer Pause. Danach kehrten einige in ihre Hotels zurück.

18:30 Kulturabend nach tibetischer Tradition. Die Teilnahme an dieser Veranstaltung war frei. Die Zuhörer konnten daran teilnehmen oder in ihren Hotels bleiben. Der vietnamesischen Delegation wurde ein Ferienhaus zugeteilt das ca. 20 Autominuten vom Veranstaltungsort entfernt war. Wir hatten dort unser Frühstück und Abendessen. Mittags wurde uns das Essen in einem Zelt am Veranstaltungsort serviert. Es war das erste Mal, dass ich an einer siebentägigen Dharmaveranstaltung dieser Art teilnahm. In den folgenden Zeilen möchte ich kurze über diese sieben Tage berichten.

Der erste Tag :

Der Himmel klarte am 26.10.1998 auf. Am Vortag hatte es schon geregnet. Die Besucher trafen langsam in der Zeltstadt ein, nachdem sie in ihren Hotels oder sonstwo gefrühstückt und übernachtet hatten. Viele kamen sich wie verloren vor; denn es war schließlich der erste Tag. Sie folgten einfach den Hinweisschildern und fanden so den Weg zum Veranstaltungsort. Den starken Verkehr regelte die Polizei, um Staus zu vermeiden.

Punkt 10 Uhr des 26. Oktobers 1998 stellten sich sehr viele Reporter und Kameraleute mit ihren Gerätschaften im Hauptzelt ein. Wenn ich mich richtig erinnere, wurde während der Eröffnungszeremonie zu Ehren Seiner Heiligkeit ein Gedicht von Herrn Weizsäcker vorgetragen, einem bekannten Physiker und Freund Seiner Heiligkeit, dem Bruder des ehemaligen deutschen Bundespräsidenten. Danach folgten die Gedichte des evangelischen Landesbischofs und des Vorsitzenden der tibetisch-buddhistischen Vereinigung. Sie priesen Seine Heiligkeit und bedankten sich bei den freiwilligen Mitarbeiten und den Zuhörern.

An diesem Morgen hatte Seine Heiligkeit noch nicht mit der Dharmaunterweisung begonnen. Er begrüßte die Mönche, Nonnen und Buddhisten und hieß sie herzlich willkommen. Es folgte großer Beifall. Alle Blicke richteten sich nach vorne, voller Sehnsucht auf das Dharma. Sie alle erhofften etwas Gehaltvolles mit nach Hause nehmen zu können, als Wegzehrung für ihren Erleuchtungsweg. Die Medien hatten sehr positiv über den Buddhismus und die Dharma-Veranstaltung berichtet. Dies hatte auch einen sehr guten Einfluß auf den Buddhismus in Deutschland. Die Zeitungen brachten positive Schlagzeilen über die Dharmaveranstaltung in Schneverdingen und weckten so das Interesse ihrer Leser.

Der Bürgermeister von Schneverdingen hielt eine Rede und gab sich sehr erfreut darüber, dass die Dharmaveranstaltung in seinem Dorf stattfand. Schneverdingen hat eine Bevölkerungsdichte von nur 1/3 der Besucher der Dharmaveranstaltung. Er war sehr erfreut darüber, dass seit dem Auszug der britischen Armee zum ersten Mal wieder so eine große Veranstaltung in Schneverdingen stattfand. Die Teilnehmer applaudierten.

Anläßlich der Dharmaveranstaltung von Seiner Heiligkeit wurde ein Buch mit dem Titel „Gesang der inneren Erfahrung, die kurze Darstellung des Stufenpfades zur Erleuchtung“, vom Geshe Tsongkhapa herausgegeben. Das Buch wurde aus dem Tibetischen ins Deutsche übersetzt und an die Zuhörer verteilt. Das Buch gibt eine kurze Darstellung der Lehre. Seine Heiligkeit war aber bei seinen Unterweisungen viel ausführlicher.

Um 13:30 Uhr, nach der Mittagspause, kam Seine Heiligkeit ins Zelt mit einem gelben Ober-Gewand. Das unterliegende Gewand war in Bordeaux, dass glatt gebügelt war. Die tibetischen Mönche trugen auch Gewänder, die aus 5, 7, 9 bis zu 25 Stoffteilen zusammengenäht waren, ganz so wie es im Mahayana üblich ist. Tibetische Mönchsgewänder sind kürzer als die aus China oder Vietnam. Sie sind jedoch länger als die aus Japan und Korea. Seine Heiligkeit trug auch Gewänder nach der Tradition des Theravada, d.h. die rechte Schulter blieb frei und das Obergewand überlappte das Mittelgewand. Auch das Untergewand trug Seine Heiligkeit wie die Mönche der Theravada Tradition. Nur hatte es eine andere Farbe. Die Mönche der Theravada Schulen tragen alle drei Gewänder mit derselben Farbe. Die tibetischen Mönche tragen ihr Obergewand mit einer anderen Farbe als die der Mittel und Untergewänder, wenn sie nach draußen gehen. Tibet wurde stark von Indien beeinflußt und deshalb tragen die tibetischen Mönche Gewänder, die denen der indischen Mönche ähneln. Vietnam, China, Japan und Korea liegen weit weg von Indien und haben deshalb ihre eigenen landesspezifischen Trachten.

Bevor Seine Heiligkeit mit der Dharmaunterweisung begann, bereiteten seine Schüler vor ihm eine Matte aus, damit Er drei Niederwerfungen ausführen konnte. Die Matte wurde danach wieder weggeräumt. Diese Matte war zweifarbig und viereckig und hatte die Maße von 70 x 70 cm. Seine Heiligkeit hält es für wichtig den Dharmathron mit Niederwerfungen zu ehren, denn von dort aus wird die Lehre des Buddha verbreitet. Das Podest von Seiner Heiligkeit ähnelt einem Thron. Vorne ist eine Ablage, in der Mitte ist die Sitzfläche und hinten ist eine hohe Rückenlehne. Zur rechten Armlehne befindet sich ein kleiner Behälter mit Weihwasser. Auf der linken Seite befindet sich eine kleine Treppe mit einigen Stufen, die zum Thron führen.

Dieser Brauch, einen Dharmathron zu errichten, wird heute in vielen buddhistischen Ländern gepflegt. In Japan ist das Dharmapodest ein Tisch, der höher als die anderen Tische ist. Der Dharmalehrer sitzt auch auf den Boden auf ein großes Kissen. Das Dharmapodest in Korea hängt in der Luft und wird bei Gebrauch heruntergelassen. Der Dharmalehrer besteigt dann das Podest, und unterweist die Menschen in der Buddhalehre. Die Zuhörer blicken nach oben. In Vietnam ist es ein hoher und ausgesuchter Tisch. Dahinter steht ein Stuhl. Dieser Tisch steht meistens vor einer Buddhastatue. Er muß nicht in der Mitte der Gebetshalle stehen. Während der Dharmaunterweisung sitzen die Zuhörer auf dem Boden. In China ist es wahrscheinlich nicht anders.

In den Samanera-Silas wird die folgende Geschichte erzählt:

Kaiser Duong Thai Tong war ein treuer Buddhismusanhänger. Er verehrte den Dharma sehr und ließ deshalb einen hohen Dharmapodest für den großen Meister Ngo Dat errichten. Während der Dharmaunterweisung überkam den großen Meister ein Anflug von Hochmut, auf den sein Karma reagierte. Auf seinem Knie begann ein großes Geschwür zu wachsen, das eine menschliche Stimme besaß. Das große Geschwür bereitete dem Meister große Schmerzen. Er erfuhr, dass er vor 500 Jahren ein Richter war, der einen Mann namens Ngo Dat zu Unrecht zum Tode verurteilt hatte. Vor seinem Tod hatte Ngo Dat Rache geschworen und wartete seitdem auf die Gelegenheit, bis der Große Meister einen unreinen Gedanken hatte. Ngo Dat hatte 500 Jahre lang ein gutes Leben geführt bis auf das eine Leben, indem Er für sein Handeln büßen mußte. Danach ging Ngo Dat zu einem Fluß und wusch das Geschwür mit Wasser. Die reinigende Kraft des Wassers hat ihn schließlich von seinem Geschwür befreit. Deshalb entstand ein Sutra mit dem Namen „Reuezeremonie mit dem Wasser“. Dieses Sutra lehrt, dass man Reue auch durch den Gebrauch des Wasser zeigen kann. Die Kraft des Wassers kann schlechte karmische Taten reinigen. Es gibt sehr viele buddhistische Geschichten, denn der Buddhismus existiert schon länger als 2500 Jahre. Jedes Land hat seine eigene buddhistische Tradition. Dadurch hat auch jedes Land seine eigene buddhistischen Geschichten, um den Menschen das Gute zu lehren und über das Schlechte aufzuklären.

Seine Heiligkeit pflegt die Gewohnheit, vor der Unterweisung zusammen mit den Zuhörern ein kurzes Gebet zu sprechen. Obwohl ich kein Tibetisch verstehe, glaube ich, dass es das Herz-Sutra war, das ich in Schneverdingen gehört habe. Der letzte Satz, der in Sanskrit gehalten ist, veranlasst mich zu meiner Vermutung. Während des Gebets ist es bei den Tibetern üblich, dass die Mönche ihre Körper im Rhythmus hin und herwiegen. Das ist den chinesischen und vietnamesischen Schulen dagegen strikt verboten. Wahrscheinlich hat sich das im tibetischen Buddhismus so eingebürgert, weil die Gebete meistens sehr lange dauern. Müssen die Mönche hin und herschaukeln, damit die Gelenke nicht steif werden ?

Vor dem Beginn der Dharmaunterweisung sprach Seine Heiligkeit die Lobpreisungen des Geshe Tsongkhapa an die Buddhas und Bodhisattvas, wie z.B. Buddha Shakyamuni, Maitreya und Manjushri-Buddha. Danach verehrte Er die großen Meister Nagarjuna und Asanga. Sie waren große Dharmalehrer, die über das Prajna-Paramita und die Leerheit gepredigt hatten. Anschließend verehrte Seine Heiligkeit den Meister Dipamkara, ein wahrer Meister, der die Erleuchtung durch die Schulung des eigenen Geistes erfahren und erlangt hatte.

Der Mahayana kennt sechs Praxiswege, die zur Erleuchtung führen. Das sind: Lobpreisen, Niederwerfen, Reue zeigen, Rezitieren, Gelübde ablegen und Widmungen aussprechen. Wenn man die Lehre des Mahayana praktiziert, darf keine dieser Methoden der Praxis fehlen. Wir sollen die Verdienste der Buddhas, der Bodhisattvas und der erleuchteten Lehrmeister lobpreisen, denn wir haben kein Glück ihre Lehrworte unmittelbar zu erfahren. Die Buddhas und Bodhisattvas betrachten sie uns wie ihre eigene leiblichen Kinder. Sie sind gekommen, um uns den Weg zur Erleuchtung zu zeigen. Wir vergessen dabei häufig alle ihre schwere Mühe, die sie auf sich nahmen, nur um uns aus der Samsarawelt heraus zu führen. Seine Heiligkeit hat auch über die Bedeutung der „Drei Juwelen“ gesprochen. Da nicht alle der 10.000 Anwesenden Buddhisten waren, hat Seine Heiligkeit auch über diese gesprochen. Die Zuhörer kamen aus allen Berufsgruppen: Doktoren, Ingenieure, Richter, Professoren etc. Es gab aber auch viele Neugierige, einfache Menschen und Menschen anderer Glaubensrichtungen. Da die Zuhörer so unterschiedlich waren, hat Seine Heiligkeit stets ganz einfach anfangen und den Vortrag einem Erkenntnishöhepunkt zugeführt. Dieses Verfahren sukzessiver Bereicherung nennt man dann Lamrim, Stufenweg zur Erleuchtung.

Wenn ein Buddhist Zuflucht zu den „Drei Juwelen“ genommen hat, sollte er seinen Dharmalehrer mit Niederwerfungen verehren. In der tibetischen Buddhismustradition hat der Lehrmeister eine große Bedeutung. Die Schüler verehren ihre Meister manchmal mehr als die Buddhas. Der Grund ist, dass Buddha schon ins Nirwana eingegangen ist. Die Lehrmeister verkörpern die Buddhas und vermitteln den Dharma. In China und Vietnam ist es auch so. Ein Novize soll seinen Lehrmeister ehren. Er soll Verhaltensregeln lernen, die das Gehen, Stehen, Liegen, Sitzen, Sprechen, Essen, Trinken, Rezitieren, Meditieren, Lernen etc... umfassen. Das zweite von insgesamt 24 Samanera-Regeln besagt, dass der Samanera seinen Meister wie einen Buddha verehren soll. Die Verehrung des Meisters ist die erste Geistesschulung eines Neulings. Wenn jemand ins Kloster eintritt, muß er diese Tugend zuerst lernen und zeigen. Obwohl diese Regel in den nördlichen Buddhismus-Schulen, vor allem in China und Vietnam, gelehrt wird, wird sie nicht so konsequent angewandt wie in Tibet. Ich habe Bücher vom großen tibetischen Meister Milarepa gelesen. Ich bewundere seine Lehrmethoden sehr. Die Beziehung zwischen Lehrer und Schüler ist einmalig auf dieser Welt.

Die großen Meister Nagarjuna und Asanga gelten als die bekanntesten Dharmalehrer über das Sunyata und Prajna. Der Meister Nagarjuna wurde unter dem Juna-Baum geboren und trug diesen Namen. Er hatte durch die Hilfe der Drachen die Erleuchtung erlangt und heißt deshalb Nagarjuna. Er wurde im Süden von Thien Truc, 700 Jahre nach Buddhas Tod, geboren. Es wird erzählt, dass er zum Drachenpalast hinuntergestiegen ist und das Avatamsaka-Sutra mitgenommen und die Geheimlehre verbreitet hatte. Er ist der achte Patriarch der Tantra-Schulen in Indien.

In Bodh-Gaya, dem Erleuchtungsort des Buddha, hat der tibetische Buddhismus ebenfalls ein Exemplar vom Avatamsaka-Sutra in einem Turm verehrt. Dieses Sutra ist das Hauptwerk der Tantra-Schulen. Buddha hat nach seiner Erleuchtung dieses Sutra in 21 Tagen gepredigt. Doch niemand vermochte es verstehen. Deshalb wollte Buddha ins Nirwana eingehen. Doch da erschien Indra und erinnerte Buddha an sein Gelübde, alle Lebewesen zu seiner Erleuchtung zu verhelfen. Buddha ist daraufhin zum Gazellenhain gegangen und hat in der Nähe eines Flusses die Lehre vom „Vier Edlen Wahrheiten“ gepredigt.

Der Meister Asanga war der leibliche Bruder vom Meister Vasubandhu. Er ist Patriarch der Dharmalaksana-Schule und hatte die Lehre des Maha-Sunyata erlangt. Seine Eltern gaben ihm diesen Namen. Man sagt auch, dass er der jüngere Bruder vom Himmelskaiser sei. In der Thien Than Geschichte wird folgendes erzählt: „Er kam aus dem Norden Thien Truc und wurde ca. 900 Jahre nach Buddhas Tod geboren. Alle drei Brüder trugen den Namen Vasubandhu. Der älteste Bruder trug auch den Namen Asanga. Der jüngste trug ebenfalls einen anderen Namen. Nur der mittlere Bruder trug allein den Namen Vasubandhu. Er wurde ordiniert und studierte die Lehre der Theravada-Schule. Nachdem er diese Lehre verstanden hatte, hatte er sie auch der Bevölkerung weiter gegeben. Jeden Tag schrieb er ein Rezitationsgedicht und hatte insgesamt 600 verfaßt, die das Abhidharma-Kosasattva bilden. Er hatte über die Lehre des Mahayana-Buddhismus gelästert; wurde aber durch die Unterweisung des Meisters Asanga einsichtig. Als Beweis für seine Reue wollte er seine Zunge opfern. Asanga aber sprach zu ihm: «Du hast mit Hilfe Deiner Zunge über die Lehre des Mahayana-Buddhismus schlecht geredet. Nun ist es am besten, wenn Du sie wieder benützt, um den Mahayana-Buddhismus zu loben. Danach hat Vasubandhu viele Sastra-Sammlungen wie z.B. das Siddhi-Sastra verfaßt, um die Lehre des Mahayana-Buddhismus zu verbreiten. Er starb in Ayodhya im Alter von 80 Jahren.

Der Weg, der zur Mahayana-Lehre führt, ist ein Weg der Verehrung. Manchmal muß man sich sogar opfern, um diese Lehre zu empfangen. Wenn jemand mit schwachem Willen diese Lehre empfängt, so wird sie in seinem Geist nicht sehr viel bewirken. Seine Heiligkeit hat sehr genau gelehrt, dass man starken Willen und Kraft entwickeln muß, um die Lehre des Mahayana-Buddhismus empfangen zu können.

Der zweite Tag (Dienstag, 27. Oktober 1998)

Punkt 9 Uhr begann die Dharmaunterweisung. Wir aber standen bereits um 6 Uhr morgens auf. Diejenigen, die das Frühstück vorbereiten mußten, standen noch früher auf. Wir hatten fertige Nudelgerichte, die man nur mit heißem Wasser aufgießt, mitgenommen. Nur abends hatten die Nonnen Zeit, Abendessen mit vielen Gängen zu kochen. Zum Frühstück gab es nur einfaches Essen. Wir saßen in der gemütlichen warmen Ferienwohnung, während es draußen stark gewitterte. Wir nahmen das warme Nudelgericht ein und dachten an die weniger glücklichen Menschen. In dem selben Augenblick konnte man gar nicht wissen, wie viele Menschen auf dieser Welt verhungern und auch geistig leiden müssen. Es ist wirklich ein großes Leiden. Wir dagegen hatten alles. Obwohl die Unterbringung nicht sehr komfortabel ausgestattet war, waren wir sehr glücklich, besonders wenn man an die Besucher dachte, die im Auto oder im Zelt schlafen mußten. Es gab unter den 10.000 Besuchern nur sehr wenige Vietnamesen. Auch dafür gab es Gründe, vor allem waren es die Zeit und das Geld. Da wir Ordensleute waren, mußten wir keine Kosten für die Mahlzeiten und die Unterbringung zahlen. Laienbuddhisten und Zuhörer dagegen mußten Geld für den Eintritt, die Mahlzeiten, und den Transport bezahlen. Die Kosten für jede Person während der 7 Tage beliefen sich auf nicht weniger als 1.000.- DM. Wir waren ein bißchen beunruhigt, da die Veranstalter alle unsere Kosten übernommen hatten. Deshalb hatten auch wir zum Schluß der Veranstaltung Geld für die Übernachtung von 20 Personen gespendet. Unter den anwesenden Vietnamesen waren auch einige aus Leipzig, die sich für den tibetischen Buddhismus interessierten. Auch viele Vietnamesen in der Gegenwart sind Anhänger des tibetischen Buddhismus. Jeder kann für sich eine Richtung aussuchen. Wir sind Vietnamesen und haben unsere eigene buddhistische Tradition. Wir wollen gerne über andere und von anderen Traditionen lernen. Wir wollen uns auch über die Lehre des Buddha vermittelt durch Seine Heiligkeit erkundigen. Während dieser Dharmaveranstaltung lernten wir nicht die tibetische Sprache oder Kultur, sondern religiöse Inhalte kennen. Seine Heiligkeit, ein Bodhisattva, meditiert und rezitiert Mantren drei bis vier Stunden am Tag. Wir sollten uns deshalb noch mehr anstrengen und noch eifriger praktizieren, um viel geistige Belehrung mit auf dem Weg der Erleuchtung zu nehmen. Dies ist nicht leicht und es verlangt von uns einen starken Willen. Nur dadurch können wir alle Hindernisse im Leben überwinden, während wir die Buddhalehre täglich praktizieren.

An diesem Tag erteilte Seine Heiligkeit fünfeinhalb Stunden Unterweisung über den 9. bis 10. Teil. Er hat viel Zeit für die Fragen aus dem Publikum eingeräumt. Es gab sehr viele gute und interessante Fragen. Sie kamen vor allem von den Zuhörern, die den Buddhismus studieren. Es gab aber auch Fragen, die weniger zum Thema paßten. Seine Heiligkeit hat auf einige Fragen nicht geantwortet. Als Grund gab Seine Heilig an, sie liegen nicht in seinem Wissensbereich. Alle waren sehr respektvoll. Mit seiner Weisheit hat Seine Heiligkeit den Menschen klare Antworten auf ihre Fragen gegeben. Es folgte sehr viel Applaus nach jeder Antwort. Das ist eine Kunst, das Publikum zu begeistern. In seinem Geist existieren nur Barmherzigkeit und Weisheit. Seine Heiligkeit ist nicht von Unreinheiten und Leiden befleckt und ist deshalb immer fröhlich und freundlich zu Jedermann. Es ist nicht leicht, die Aufgabe eines Staatsoberhaupts das gleichzeitig geistiges Oberhaupt ist, zu meistern. Es gibt für Seine Heiligkeit sehr viele Verpflichtungen und viele große und kleine Aufgaben zu erledigen.

Unsere Gedanken und unser Handeln sind die Ursachen, die uns auf den Weg der Erleuchtung bzw. in den Weg der Wiedergeburten bringen. Die Dharmalehrer zeigen uns viele Wege auf zur Erlangung der geistigen Erlösung. Sie selbst haben hart praktiziert. Sie üben Yoga, um Weisheit zu erlangen und ihre eigene Ich-Verhaftung zu zerstören, damit sie zur Ich-Losigkeit gelangen können. Wenn unser Geist stets an der Erleuchtung ausgerichtet ist, ist er wertvoller als Gold und Silber. Als Mensch haben wir die freie Wahl, für uns einen Weg zu suchen. Dieser Weg kann uns ins Nirwana, zur Erleuchtung führen. Wir werden dann vom Leiden auf dieser Welt befreit. Dieser Weg ist aber schwer zu erhaschen, denn er kommt wie ein Blitz. Ein großer Schein und er verschwindet wieder. So genau verhält sich unser Geist. Als praktizierender Buddhist sollte man dies immer wissen. Täglich sollte man sich Gedanken über die Existenz auf dieser Welt machen. Tsongkhapa war ein großer Meister, der diesen Weg gegangen ist und hoffte, dass ihm alle Menschen auch diesen Weg folgen, um von allen Sorgen, Kümmernissen und Unreinheiten befreit zu werden.

An diesem Tag entschieden wir, nach dem Abendessen zurück zum Veranstaltungsort zu gehen, um auch an dem tibetischen Kulturabend teilzunehmen. Der Kulturabend stand unter dem Motto: „Die heiligen Tänze und tibetischen Gesänge“. Der Eintritt kostete 20.-DM. Für die Ordensleute war der Eintritt jedoch frei. Die Einnahmen wurde ausschließlich für die eingeladenen Tänzer und Sänger aus Indien verwendet. Die Tanzgruppe bestand aus einer Gruppe von Mönchen, die tibetische Trachten und Masken trugen. Die Tänze hatten einen tiefen Inhalt und waren sehr buddhistisch-philosopisch. Wenn man sie äußerlich betrachtet, so kann man nicht die Veränderungen des Geistes beschreiben. Man sollte schon jeden Tänzer genau beobachten, um den Inhalt, den Sinn und die Bedeutung einzelner Tanzbewegungen erkennen zu können. Die Tanzbewegungen verdeutlichen auch die Gier der sechs Sinnesorgane: Augen, Ohren, Nase, Zunge, Körper und Gedanken. Ich war mir nicht sicher, ob die Zuhörer diese Tänze verstanden hatten, denn sie waren für die Europäer sehr fremd.

Wenn ich mich nicht irre, dann konnten die Leute von diesen Tänze nur so viel verstehen wie ein Vietnamese den Film „Die Reise in den Westen“, der die Geschichte des chinesischen Meisters Huyen Trang aus der Tang-Dynastie, der das Tripitaka von Indien nach China holte erzählt. Die Zuschauer sehen eine der wichtigen Figuren in der Geschichte, die mit dem Schweingesicht, als einer Witzfigur. Diese ist eßbegierig, schlafsüchtig und mag schöne Frauen. Doch wir sind uns nicht bewußt, dass jeder von uns diese Figur sein kann, wenn wir unsere Sinne nicht kontrollieren.

Eine andere wichtige Figur ist der Affenmensch. Dieser besitzt 72 magische Kräfte. Auch er verkörpert unser Geist. Unser Geist ist vergleichbar einem Affen, der von Ast zu Ast springt oder einem zügellosen Pferd, das orientierungslos durch die Gegend rennt.

Die dritte Figur in dieser Geschichte ist Sa Tang. Er ist recht hartnäckig und stur. Doch nur wenige von uns wissen, dass auch diese in jedem von uns steckt. Sie verkörpert unseren siebten Sinn, genannt Manovijnana. Sie ist das Bewußtsein, das uns immer wieder zurück bringt in den Wiedergeburtenkreislauf. Die letzte und zugleich die Hauptfigur in der Geschichte ist der chinesische Meister Huyen Trang. Er ist die leidtragende Figur, denn er wird vom Bösen aufgesucht und mußte viele Prüfungen bestehen. Zum Schluß hat er es geschafft, nach Westen zu kommen um dort das Maha-Tripitaka zu erhalten und wieder zurück mit nach China zu bringen. Dieser Meister verkörpert unser Bewußtsein, genannt Alaya-Vijnana. Dieses Bewußtsein steht über alle andere Bewußtseinsformen. Es ist der König der Könige. Wenn dieser König die Armee zur Waffenruhe befiehlt, dann traut sich kein Kommandant mehr anzugreifen. Dies ist wirklich eine hohe Philosophie. Aus diesem Grund sollte man sich auf einen derartigen Film bzw. eine derartige Geschichte sehr konzentrieren und den Geist bündeln, um neue Ideen aufzunehmen.

Jeder der indischen Tänzer am Kulturabend verkörperte einen unserer Sinne, der zum Schluß in ein schneeweißes Kaninchen verwandelt wurde. Das weiße Kaninchen bedeutet, dass der Geist rein ist und bereit ist für eine Wiedergeburt in eine bessere, höhere Welt. Es könnte sein, dass ich nicht alle Bedeutungen des Tanzes verstanden habe. Doch man sollte sie aus buddhistischer Sicht zumindest etwas verstehen. Manchmal kamen auch die Mönche in gelben Mützen in die Vorstellung. Sie rezitieren Sutren, Mantren und sangen nach tibetischer Tradition. Sie benutzten lange Blashörner. Die Musiker haben sehr viel Kraft, um dieses Instrument spielen zu können. Die Töne sind zauberhaft. Sie benutzten auch andere Instrumente wie die Tuba und die Trompete. Manche Blashörner sind bis zu vier Meter lang, die von zwei bis drei Leuten getragen werden müssen. Nur wenige buddhistische Länder gebrauchen derartige Instrumente.

In den vietnamesischen Buddhismustraditionen gibt es ebenfalls Ritualinstrumente, die für bestimmte Zeremonien gebraucht werden. Die Instrumente sind jedoch handlicher, so z.B. das einsaitige Streichinstrument, die Handtrommel, die kleine Schlagglocke, das kleine Becken, der hölzene Gong, das Holzschlagzeug, die Handglocke, der kleine Gong, das Holzbrett etc. Einige Zeremonien dauern oft stundenlang. Die Zeremonie zur Rettung der toten Geister dauert meistens zwischen 2 bis 4 Stunden. Die Zeremonienführer sind gut ausgebildete Mönche, die lange und hervorragende Stimmen besitzen. Die vietnamesische Ritualmusik kennt keine Noten. Somit kann ein Nichtkenner bei ihr nicht mitwirken. Die Zeremonienführer müssen viele Jahre Ritualmusik studiert und praktiziert haben. Sie erwerben dabei eine sehr gute Stimme, um die Menschen zu begeistern. Nur so qualifizierte Mönche können zu einer derartigen Musikgruppe gehören. Der Hochehrwürdige Hsing Yun, Abt des Quang Son Klosters in Taiwan, hat auch einen starken Musikchor, der ihn bei seinen Dharma-Reisen unterstützt. Er ist umgeben von einer großen Musikgruppe, die buddhistische Ritualmusik spielt und singt. In seinen Konzerten sieht man oft seine Ordensschüler vor ihm sitzen. Auf einer Seite sitzt das Orchester mit ihren Musikinstrumenten. Vor ihm sitzen die Zuschauer. Vor seinen und den Augen der Zuschauer tanzen die Tänzerinnen, die Buddha mit Blumen als Opfergaben ehren. Das Besondere an der chinesischen Ritualmusik ist, dass man die Melodie in Noten schreiben kann. So auch im japanischen Buddhismus. In der vietnamesischen Tradition ist dies leider noch nicht möglich. 1984 habe ich ein Buch mit dem Titel „Rituale und Musik des Buddhismus“ verfaßt. Darin habe ich versucht, die Melodie in Noten wiederzugeben. Doch die Leute hatten Schwierigkeiten, sie umzusetzen. Ich denke, dass es eines Tages jemanden geben wird, der die Melodie in Noten umsetzen kann, damit alle mitsingen und zusammen harmonieren können.

Nach der buddhistischen Ordensregel ist es verboten, dass Mönche und Nonne weltliche Musik hören und spielen. In diesem Fall wird die Ritualmusik aber als Opfergabe an die Buddhas angesehen und als Beispiel für die Vielfalt des Buddhismus. So verstößt man nicht gegen diese Regel. Hinzu kommt, dass der Buddhismus heute in dieser schlechten Zeit viele Veränderungen unterworfen ist, um der Situation und den geistigen Bedürfnissen der Menschen heute gerecht zu werden. Die Ritualmusik ist eine Form, den Buddhismus ins tägliche Leben der Menschen zu bringen. Dazu sind Ausnahmen und Erneuerungen notwendig.

Wir haben zwar kein Tibetisch verstanden. Doch wegen des sicheren Auftreten der Musiker und Tänzer bin ich überzeugt, dass sie erfolgreich waren. Alle haben ihr Bestes gegeben. Nach dem Kulturabend hat jeder auf seine Weise darüber diskutiert. Es gab unterschiedliche Äußerungen. Diese sind aber letztendlich nur Veränderungen des Geistes. An diesem Abend haben wir sehr gut geschlafen, obwohl es draußen stark gewittert hat.

Der dritte Tag (Mittwoch, 28.Oktober 1998)

Es regnete noch. Der Wind war stark. Die Veranstalter rechneten mit dem Schlimmsten, wenn ein Sturm aufkommen sollte. Während der Dharmaunterweisung war Seine Heiligkeit sehr gelassen. Viele Zuhörer schienen dagegen sehr besorgt. Sie wussten nicht, was passieren würde, wenn der Wind die Zelte wegwehen sollte. Wo sollten dann die 10.000 Leute hin?

Ich bekam einen Anruf vom Kloster Vien Giac aus Hannover. Ich erfuhr, dass der Keller überflutet worden war und es weder Strom, Gas, Heizung noch warmes Wasser gab. Ich blieb trotz der Nachricht sehr gelassen. Ich dachte mir, es wäre jetzt so wie so schon zu spät. Der Grund für diese Überflutung war starker Regen. Das Wasser konnte nicht schnell genug abfließen. So kam es zu Stauungen und der Überflutung. Nahrungsmittel und Gegenstände die in den Kellerräumen aufbewahrt wurden, waren schwer beschädigt. Der Schaden lag bei knapp 100.000.- DM. Bis heute habe ich noch keinen Bescheid von der Versicherung bekommen, ob dieser Schaden ersetzt wird oder nicht. Der Grund ist, dass im Oktober 1998 sehr viele Häuser und Wohnungen von der Überflutung betroffen waren. Ich habe mit bekommen, dass die Versicherungsgesellschaft die Stadt Hannover angeklagt hat. Die Stadt Hannover hat dagegen kein Geld. Und so geht es immer hin und her. Die Chinesen haben einen Weisheitsspruch. „Wo Wasser ist, ist auch Geld“. Die Vietnamesen haben auch einen ähnlichen Spruch „Das Geld fließt rein wie Wasser“. Der Klosterpagode Vien Giac war es geschehen. Doch das Geld floß stattdessen weg und es waren alles Spenden von Buddhisten. Der Klosterpagode war dergleichen bislang noch nie passiert. Doch das Jahr 1998, so auch das Jahr 1999 war eine schlechte Zeit. Es gab überall Naturkatastrophen. Das Klima veränderte sich. In Vietnam und vielen anderen asiatischen Ländern ist das Wasser knapp. Dort drohen Trockenheit. In Europa ist es dagegen das ganze Jahr über kalt. Es gibt reichlich Wasser. Die Sonne sieht man dafür selten und die Energie wird in großen Mengen verbraucht. Die Welt ist wirklich ungerecht. Oder sollte man besser sagen: das Karma jedes einzelnen Lebewesens ist ungleich, so auch das Geschehen auf dieser Erde.

Die Medien berichteten, dass der Sturm die Stärke 6 erreichte. Währenddessen hat Seine Heiligkeit stets gelächelt. Zum Glück hat der starke Wind uns nicht weggepustet. Wenn das passiert wäre, dann hätte man es zum Thema des Tages gemacht und Witze darüber erzählt.

Deutschland hat eine lange christliche Tradition. Der christliche Einfluß hat etwas mehr als 1000 Jahre in Deutschland gewirkt. Die Menschen akzeptieren deshalb nicht so schnell eine andere neue Religion. Seine Heiligkeit hat die Christen aufgerufen, nicht unbedingt ihre traditionelle Religion aufzugeben um Buddhist zu werden. Sie könnten ihre alte Religion beibehalten und gleichzeitig Buddhist sein. Dies ist für die meisten Interessenten ein Anfang. Doch viele, nachdem sie die Lehre des Buddha, insbesondere der Vajra-Buddhismus, gründlich studiert und praktiziert hatten, ließen sich zu Buddhisten konvertieren. Sie hatten sich einen einzigen geistigen Weg ausgesucht. Heute hat Seine Heiligkeit seine Unterweisungen mit dem 11. Teil fortgesetzt. Dieser Teil beschäftigt sich mit folgendem: „Nichts kann garantieren, dass der Mensch nach seinem Tod nicht in die drei schlechten Bereiche wiedergeboren wird, es sei denn die Drei Juwelen. Sie helfen den Menschen, ihre eigene Selbstsicherheit vor der geistigen Krise zu entwickeln. Aus diesem Grund soll ein Buddhist die Zuflucht zu den Drei Juwelen nehmen. Man soll auch wissen, dass man seine gutes wie auch sein schlechtes Karma beeinflussen und verändern kann. Man soll also stets gute Taten vollbringen und schlechte Taten vermeiden. Der Meister Tsongkhapa ist diesen Weg auch gegangen. Da jeder Mensch vom Leid befreit werden möchte, hat Seine Heiligkeit über die Methode dieser Praxis gesprochen“.

Das waren die Grundgedanken dieses Tages. Seine Heiligkeit hatte sich in den Drei Juwelen, und die drei Leidensbereiche (Hölle, Hungrige Geister und Tiere) vertieft. Seine Heiligkeit hatte auch sehr ausführlich über das Karma des Menschen und dessen letzte Wahrnehmungen vor der Wiedergeburt gesprochen. Heute verstehe ich langsam die Beispiele, die Seine Heiligkeit zur Verdeutlichung der Sache gegeben hatte. Die Beispiele waren einfach aber sehr tiefgründig. zum Thema „GLÜCK“ hat Seine Heiligkeit über das weltliche, das zeitweilige Glück, das wir für wahr und ewig halten, gesprochen. Als Beispiel diente der Erwerb eines neuen Autos. Wir lieben das neue Auto sehr, putzen es viele Male in der Woche. Doch im Laufe der Zeit hat man seine Freude daran verloren und seine Pflicht vergessen. Das nennt man das weltliche Glück. Es ist zwar da, doch nur vorübergehend. Es ist nicht ewig in diesem oder mehreren Leben. Nur das geistige Glück, die Freude am Dharma, der innere Frieden ist ewig. Man braucht keine Angst zu haben, dass es verloren geht oder in Vergessenheit gerät.

Zum Thema „Karma“ hat Seine Heiligkeit das Beispiel mit dem Glas Wasser gegeben. Jedes Lebewesen ist ein Glas Wasser, das aus mehreren Leben entstanden ist. Das schwarze trübe Wasser im Glas sind die Karmas, die man gesammelt hat. Der Schmutz ist auch entsprechend unterschiedlich. Die Färbung variiert von hell bis dunkel. Es gibt Menschen, die fleißig die Buddhalehre praktizieren. Das wirkt sich, um bei dem Gleichnis mit der Wassertrübung zu bleiben, in der Farbe des Wasser aus. Die Farbe verändert sich von dunkel nach braun und zu einer anderen noch helleren Farbe. Eines Tages wird das Wasser ganz klar ohne eine einzige trübe Stelle sein. Erst dann ist der Geist ganz rein und man ist erleuchtet. Man ist Buddha geworden. Ein Buddhist sollte jeden Tag die Buddhas der zehn Himmelsrichtungen lobpreisen, Niederwerfungen machen, Reue zeigen, anschließend die Mahayana-Sutrentexte lesen, ganz starkes Bodhicitta entwickeln. Nur so kam er die Erleuchtung erlangen. Zum Schluß jeder Praxis sollte man seine Verdienste allen Lebewesen widmen. Man betet, dass alle Lebewesen Buddhas werden mögen. Alle diese verdienstvollen Taten sind wie reine, kühle Wassertropfen, die unseren Geist befeuchten. Dadurch werden wir von den Unreinheiten und den Leiden im Leben gelöst. Eine weitere Frage wurde gestellt, wann man sein Karma ganz abbauen kann. Die Frage war einfach. Wenn jeder Buddhist viel praktiziert und fest davon überzeugt ist, gute Taten vollbracht zu haben, dann hat er auch das trübe Wasser im Glas gereinigt. Er wird dann die Erleuchtung erlangen. Dies hängt aber von jedem Praktikanten, jedem Buddhisten und jeder Buddhistin selbst ab, wie und wann sie dieses Ziel erreichen, und nicht etwa vom Dharmameister oder irgendeinem Gott oder Allmächtigen.

Wenn man von dem buddhistischen Weltmodell ausgeht, gibt es die Höllenwelt, die Welt der hungrigen Geister und die Tierwelt. Diese gehören zu den drei unteren Bereichen. Warum sollte es diese Welten nicht geben, wenn es das Nirwana, die Welt der Himmelsgötter und Heroen gibt? Das Karma dieser Lebewesen ist unterschiedlich. Jedes Lebewesen wird aufgrund des jeweiligen Karmas in die entsprechende Welt wiedergeboren. In den großen Mahayana-Sutren wie z.B. das Avatamsaka-Sutra, das Nibbana-Sutra, das Prajna-Paramita-Sutra oder das Ratnakuta-Sutra, hat Buddha den Menschen und allen Lebewesen erzählt, dass es viele Welten, viele Universen, viele Planeten und Lebewesen gibt. Wir können sie jedoch nicht mit unseren leiblichen, menschlichen Augen sehen, sondern nur durch die Weisheitsaugen der Buddhas und Bodhisattvas. Als Buddha dies sagte, haben wahrscheinlich nur die Bodhisattvas daran geglaubt. Die Menschen waren verdutzt. Selbst heute glauben viele Buddhisten nicht alles, was Buddha erzählt hat. Sie zweifeln immer noch. Das macht aber nicht. Die Wissenschaft ist deswegen ständig auf der Suche nach Beweisen. Die Wissenschaft hat jetzt bereits den Mond und die Sonne erforscht. Sie ist sogar ins All gestoßen. Doch sie findet immer noch keinen Anfang und kein Ende. Die Wissenschaft ist unzufrieden und forscht weiter bis sie zu dem Entschluß kommt, dass die Menschheit und das Universum vor unendlicher Zeit entstanden sind und in unendlicher Zeit erlöschen werden. Der berühmte Physiker Albert Einstein hat gesagt, falls es in der Zukunft eine Religion geben sollte, die der Wissenschaft entspricht, dann wäre es der Buddhismus. Der Buddhismus muß den Fortschritt der Wissenschaft nicht nachweisen, denn die Lehre des Buddha enthält alles was die Wissenschaft erforschen will.

Das ist völlig richtig, denn wenn etwas neues entsteht, geht auch etwas anderes verloren. Wer will schon nach der Quelle des Lichtes und der Dunkelheit forschen. Wenn die Unwissenheit erlischt entsteht die Weisheit. Solange das Karma noch wahrhaftig ist, solange wird es noch Leiden und Unreinheiten geben. Wenn das Karma ausgelöscht ist, dann erscheint die wahre Buddhanatur. Alle Dinge auf dieser Welt verhalten sich ebenso. Sie entstehen durch unsere Geistesvorstellungen. Wenn unser Geist rein ist, sind die Dinge auch rein. Buddha sprach selten über das Nirwana. Als Grund gab er das Beispiel mit dem Giftpfeil. Wenn jemand von einem Giftpfeil getroffen wird, ist es am wichtigsten, den Pfeil zu entfernen und dem Verletzten zu retten, damit das Gift sich nicht ausbreitet. Es ist nicht wichtig danach zu fragen, woher der Pfeil kam, aus was er gemacht ist oder wer ihn geschossen hat? Alle diese Fragen sind sinnlos. Wir sollen stets wissen, dass unser Geist durch unser Karma befleckt ist. Am wichtigsten ist es, dass man sein Karma zuerst reinigt. Die Erleuchtung kommt von selbst, wenn unser Geist rein ist.

Bei einer anderen Gelegenheit erzählte Buddha seinen Schülern ein anderes Beispiel. Wenn jemand Durst hat und Wasser trinkt, so wird nur er es wissen, wie gut es war, den Durst zu stillen. Wenn man jemanden fragt, der gerade Wasser getrunken hat, wie er sich fühlt, kann dieser bestimmt keine Antwort geben. Genauso ist es mit dem Nirwana, das man nicht erklären soll und es auch nicht zu erklären versucht. Was nützt es einem denn zu erfahren, wenn man doch sowieso nicht danach strebt und dementsprechend praktiziert.

Viele Menschen im Westen praktizieren auch heute die Buddhalehre. Sie geben sich sehr viele Mühe. Doch sie sollten sich Zeit lassen. Schließlich existiert der Buddhismus schon länger als 2.500 Jahre auf dieser Erde. Der Buddhismus kam dagegen erst vor 200 Jahren nach Deutschland. Es braucht Zeit, bis der Buddhismus richtig etabliert ist. Man kann nicht in einem einzigen Leben oder an einem einzigen Tag Buddha werden. Selbst die Buddhas haben unendliche Äonen von Leben gebraucht, bis sie Buddhas wurden. Es kann auch sein, dass man in verschiedenen Daseinswelten gelebt hat, bevor man Buddha wird. Die Menschen im Westen sollten sich daher nicht zu sehr danach sehnen, sofort Buddha zu werden. Sie sollten lieber froh sein, dass man als Mensch wiedergeboren wurde. Man muß schon mit vielen Leben rechnen. Es gibt einige westliche Zen-Meister, die nur nach kurzer Ausbildung Zen-Unterricht geben. Es gibt auch einige, die noch weitergehen, indem sie die Mahayana-Lehre selbst studieren und keinen Lehrmeister brauchen. Sie brauchen lediglich nur einige Laien, die auch nach der Erleuchtung streben. Das ist völlig falsch. Denn niemand von uns kann zu etwas werden, wenn er keinen Lehrer hat. Natürlich gibt es Ausnahmen; doch solche Menschen gibt es nur selten. Niemand von uns hat Lesen und Schreiben gelernt ohne die Schule besucht zu haben. Die Klöster und buddhistischen Zentren sollten deshalb die Schwerpunkte auf die Geistesschulung legen. Nur durch die tägliche Praxis kann unser Geist geschult werden. Man sagt zwar, dass Buddha in unserem Geist ist. Doch wir sollten wissen, wie man unseren Geist von Tag zu Tag verbessert. Man sollte nicht denken, dass man Buddha ohne die Unterweisung eines Dharmalehrers werden kann.

Es gibt einige Zenmeister aus Asien, die im Westen den Zen schnellstmöglich an die Einheimischen vermitteln wollen. Sie machen viele Veränderungen und gebrauchen die Dharmabegriffe falsch. Traditionell gesehen gibt es in der Sanghagemeinschaft keine Laienanhänger. Der Sangha ist eine Gemeinschaft der Ordensleute, die keine Familie haben und ein reines Leben führen. Die Laien, das sind die Upasaka, und Upasaki (sankr.), gehören nicht zu den Bhikkhus, Bhikkhunis, Samanera, Samaneri oder der Vorstufe zur Bhikkhuni. Wenn alles wirklich eins sein sollte, warum hat Buddha dann die Gemeinschaft in 7 oder 4 oder 2 Gemeinschaften aufgeteilt? Buddha hat es so gelehrt. Warum haben einige Dharmalehrer heutzutage seine Lehre falsch interpretiert und modifiziert gelehrt?

Am Abend des 28. Oktober habe ich einige Novizen und Novizinnen zurück in die Klosterpagode Vien Giac nach Hannover geschickt. Sie sollten mir über den Schadenstand, den die Überflutung angerichtet hatte, berichten. Ich blieb zurück in Schneverdingen, um weiter an der Dharmaveranstaltung teil zu nehmen. Ich bin der Meinung was geschehen ist, ist geschehen. Man kann es doch nicht mehr rückgängig machen. Wenn ich zurück zum Kloster ginge, könnte ich die Dinge auch nicht ungeschehen machen. Ich sagte den Novizen, sie sollten den Leuten in der Klosterpagode ausrichten, dass sie sich beruhigen sollten. Ich werde nach der Dharmaveranstaltung zurückkehren. Dann haben wir immer noch Zeit, aufzuräumen.

An diesem Abend hat der Hochehrwürdige Geshe Thubten Ngawang eine Einleitung in das Lamrim gehalten. Ich konnte daran nicht teilnehmen. Geshe ist ein bekannter tibetischer Meister in Deutschland. Er kam so wie ich 1977 nach Deutschland. Er ist jedoch viel älter als ich. Man könnte sagen, er ist die Seele des tibetisch-buddhistischen Zentrums. Wenn es ihn nicht gegeben hätte, dann würde der tibetische Buddhismus in Deutschland nicht den heutigen Entwicklungsstand erreicht haben. Er wurde von Seiner Heiligkeit beauftragt, das geistige Leben der deutschen Buddhisten zu betreuen. Er trägt den Titel Lharampa Geshe. Geshe ist vergleichbar mit einem Doktor der Buddhologie. Vertreter mit diesem Titel gibt es nur sehr wenige und es ist zudem sehr schwer, die Prüfung zu bestehen. Seine Heiligkeit hat diesen Titel auch erworben. Schade ist, dass Geshe Ngawang nicht viel Deutsch und nur wenig Englisch spricht. Deshalb lächeln wir uns nur gegenseitig an oder unterhalten uns dementsprechend wenig. In Deutschland leben sehr wenige Tibeter. Das tibetisch-buddhistische Zentrum in Hamburg beherbergt deshalb ausschließlich deutsche Ordensleute. Alle Mönche und Nonnen müssen die tibetische Sprache lernen. Das ist eine schwere Sprache. Christoph und Carola verstehen und sprechen jedoch sehr gut Tibetisch. Sie haben viele Sutrentexte aus dem tibetischen ins Deutsche übertragen. Somit haben sie den deutschen Interessenten einen Zugang zur Buddhalehre aufgeschlossen.

Am Anfang der Gründung gab es im tibetisch-buddhistischen Zentrum nur einige Ordensleute. Heute gibt es in beiden Zentren, in Hamburg und Schneverdingen, ca. 10 Ordensleute, die dort leben. Nach Geshe Tubten sind auch viele andere Geshes nach Deutschland gekommen, um den Dharma zu verbreiten. Doch wahrscheinlich hatten sie Schwierigkeit mit der Anpassung und gingen wieder. Wenn man über die Geschichte des tibetischen Buddhismus in Deutschland in den letzten 20 Jahren spricht, so muß man die Arbeit vom Geshe Ngawang hervorheben. Alles geschieht durch das Gesetz der Ursache und Wirkung.

Auch ich erklärte mich einverstanden, dass einige Deutsche, die den tibetischen Buddhismus praktizieren wollen, in der Klosterpagode Vien Giac drei Zimmer benutzen dürfen. Sie errichteten einen kleinen Gebetsraum, ein Büro und ein Zimmer für einen Gastmönch, der sie betreuen sollte. Der Gebetsraum wurde ebenfalls von Seiner Heiligkeit am 18.06.1995, anläßlich seines Besuches in der Klosterpagode Vien Giac, eingeweiht. Die deutsch- tibetische buddhistische Gemeinschaft hat den Namen Chöling. Der Vorsitzender dieses Vereins ist Dr. Dienemann. Der Verein hat ca. 70 Mitglieder, die sich regelmäßig treffen und Aktivitäten gemeinsam durchführen. Der Verein hat am Anfang einen Mönch aus Indien eingeladen, der den Verein geistig betreuen sollte. Dieser Mönch hat auch den Lharampa Geshe Titel. Dieser Geshe wohnte für einige Zeit bei uns im Kloster, aß mit uns zusammen, praktizierte jedoch eine andere Buddhismusrichtung. Nach einiger Zeit gab es Probleme zwischen ihm und dem Verein. Der Geshe trat daraufhin einem anderen Verein bei. Jedoch hat er, soviel ich mitbekommen habe, auch dort keinen Erfolg. Der Geshe beabsichtigt, einen neuen Verein zu gründen. Währenddessen ist der Chöling-Verein im Kloster noch intakt. Die Mitglieder treffen sich weiterhin regelmäßig. Sie laden oft Dharmalehrer ein, um Seminare und Vorträge zu leiten. Das Leben hat wirklich viele Seiten. Man kann nicht hundertprozentig sagen, wer Recht oder Unrecht hat. Nur die Zeit kann uns diese Fragen beantworten. Doch sollten wir stets wissen, dass alle Dinge durch das Gesetz der Ursache und Wirkung entsteht und vergeht. So ist eben das Leben.

Der vierte Tag (Donnerstag, 29. Oktober 1998)

Das Wetter war sehr schön heute. Genauso wie ein vietnamesisches Sprichwort sagt: „Nach dem Regen wird es wieder hell“. Die Menschen strömten wieder zurück zur Zeltstadt, um weiter an der Dharmaveranstaltung teilzunehmen.

Nachdem Seine Heiligkeit drei Niederwerfungen gemacht hatte, bestieg Er den Thron und begrüßte die Zuhörer mit seinem Lächeln. Er schien jeden zu kennen. Die Zuhörer fühlten sich geborgen. Seine Heiligkeit behandelte alle Menschen gleich und machte keine Unterschiede in der Rasse, Sprache, Bekleidung oder Benehmen. Selbst zu den Chinesen, die sein Land eroberten, ist Er immer freundlich und zuvorkommend. Er möchte alles friedlich lösen und keine Gewalt verherrlichen. Er ist barmherzig, obwohl die Chinesen seine eigentliche Feinde sind, die sein Volk unterdrücken. Seine Heiligkeit verhält sich wie ein Bodhisattva, denn im Bodhisattva-Sutra steht geschrieben: „Wenn jemand die Bodhisattva-Gelübde abgelegt hat, darf er niemanden töten; auch wenn jemand seine Eltern getötet haben sollte. Man darf keine Rache üben“. Alle Menschen sind Brüder und Schwester aus Äonen von Jahren. Durch die Unwissenheit vergessen wir diese Tatsache. Wenn wir von der Weisheit durchdringt wären, würden wir gegenseitig nicht um unser Überleben kämpfen.

Seine Heiligkeit sprach in den letzten Tagen über sehr viele wichtige Themen, vor allem über das Elementarwissen des Buddhismus. Ich habe seine Worte bislang nicht aufgeschrieben. Doch von diesem Tag an schrieb ich sie nieder. Ich schrieb manchmal auf Englisch, auf Deutsch, auf Vietnamesisch oder auf Französisch. Man konnte bei dieser Veranstaltung die Unterweisung Seiner Heiligkeit in 8 verschiedenen Sprachen verfolgen. Und so schalte ich den Kanal manchmal um, um zu erfahren, ob es viel anders klingt in einer anderen Sprache. Ich tat es so, um nicht einzuschlafen, besonders gegen die Mittagszeit. Die Dolmetscher für die verschiedenen Sprachen waren Spezialisten, denn es ging vor allem um buddhistische Fachwörter.

Eine Sprache zu erlernen, ist nicht einfach. Nur Leuten, die einen festen Willen haben, wird es gelingen. Wenn jemand vergeßlich ist, sollte er lieber keine Sprachen lernen. Natürlich ist die Sprache nicht so schwer. Doch man muß sie schon regelmäßig üben und die Grammatik beachten. Erst dann kann man sagen, dass jemand die Sprache gut beherrscht. Jede Sprache hat ihre eigenen Strukturen, vor allem die Sprache der Wissenschaft und des Alltags. Hinzu kommen noch die Fachsprachen verschiedener Bereiche. Selbstverständlich ist niemand in der Lage, alle Bereiche zu kennen. Doch man sollte sich schon bemühen, viele Fachbereiche abzudecken. Daher kann man sagen, dass alle unser Lehrer und gleichzeitig wir Lehrer von allen sind. Wenn wir etwas wissen und den Leuten dieses Wissen weiter vermitteln, dann sind wir ihre Lehrer; umgekehrt sind wir Schüler, wenn jemand uns sein Wissen beibringt. Ein Schüler muß stets daran denken, Fortschritte zu erzielen. Es ist nicht wichtig, wer uns das Wissen vermittelt. Hauptsache ist, dass wir das Gute und Positive von ihm erwerben.

An diesem Tag sprach Seine Heiligkeit auf Englisch ein bißchen über die Veränderung der Zeit und somit auch über unseren Geist. Die Zeit ist im Buddhismus unendlich und grenzenlos. Sie hat weder einen Anfang noch ein Ende. Alles entsteht und vergeht. So ist es mit dem Gesetz der Natur, das die Wissenschaft bislang zu erforschen versucht. Je fortgeschrittener die Wissenschaft ist, desto klarer kommt die Buddhalehre ans Tageslicht.

Seine Heiligkeit sagte auch immer: „Wenn man jemanden oder etwas liebt, hat man keinen Haß in seinem Herz. Umgekehrt, wenn man jemanden oder etwas haßt, hat man für diesen Jemand oder dieses Etwas keinen Platz in seinem Herz. Leute, die ständig die Tugend der Barmherzigkeit üben, haben sicherlich keinen Haß und Gier in ihrem Herz. Alles wird vom Geist erschaffen. Der Geist führt eben alle Dinge.

Seine Heiligkeit hat die Zuhörer gelehrt an die Drei Juwelen zu glauben. Sie sind eine große geistige Stütze. Durch sie gerät man nicht leicht auf den schlechten und bösen Weg. Man soll außerdem den Dharma, die Lehre Buddhas, verehren. Die Natur des Dharma hilft den Menschen aus dem Kreislauf der Wiedergeburten zu entkommen.

Alsdann sprach Seine Heiligkeit über die 10 guten Taten und die 10 schlechten Taten. Taten, die durch den Körper entstehen gibt es drei; durch Rede sind es vier und durch Gedankentätigkeit auch drei. Karma entsteht durch Verlangen; Verlangen entsteht durch Unwissenheit. Wenn Unwissenheit vernichtet wird, verschwindet auch das äußere Bild; zurück bleibt nur die Buddhanatur. Karma entsteht nicht nur in diesem, sondern auch in anderen Vorleben. Bereits nach der Geburt verursacht man Karma. Alle Karmas, die durch die Rede verursacht werden, entstehen in diesem Leben. Diese Karmas kann man erkennen und verbessern. Karmas, die durch den Körper verursacht werden, kann man dagegen nicht so leicht vernichten. Sie haben bereits tiefe Wurzeln geschlagen. Doch wenn wir uns anstrengen wird sich alles wieder richten.

Gier, Haß und Verblendung (Drei Geistesgifte) verhalten sich ebenso. Nur durch Sila, Konzentration und Meditation kann man sie vernichten und an das andere rettende Ufer gelangen. Wenn jemand die 10 guten Taten vollbringt, kommt er in die Welt der Himmelsgötter. Dort kann man den Wohlstand und die Schönheit genießen. Doch wenn die Leute ihre Verdienste aufgebraucht haben, kommen sie wieder in die Menschenwelt oder auch in einem der drei niederen Welten.

An diesem Vormittag sprach Seine Heiligkeit über den 12. Teil. Das war der letzte Teil des Grundwissens. Teil 1 bis Teil 12 handelten über die Methoden der Praxis, bei denen man alle böse Taten vermeiden und gute Taten tun sollte. Der Inhalt des 12. Teil lautet wie folgt: Um die Erleuchtung zu erlangen sollte ein Buddhist alle oben genannten Bedingungen erfüllen. Solange man sich selbst nicht erkennt, kann man sicherlich nichts wesentliches weitergeben. Geshe Tsongkhapa hat uns deshalb gelehrt, wir sollen unsere eigene Geburt und den Tod erforschen, denn sie sind sehr wichtig und wurden von der Unwissenheit verdeckt. Unser Karma ist folglich dauerhaft. Wir sollten es durch unsere eigene Kraft verabschieden, um einen besseren Erleuchtungsweg zu erreichen. Geshe Tsongkhapa hat diese Methode praktiziert. Wenn auch sie die Erleuchtung wollen, sollten sie alle diesen Weg gehen.

Obwohl diese 12 Teilabschnitte kurz und bündig sind, sind sie sehr wichtig für einen Buddhisten. Sie dienen als Wegweiser, sozusagen als die 12 Stufen zur Buddhaschaft.

Im 13. Teil sprach Seine Heiligkeit über die Methoden zur Vernichtung des eigenen „Ichs“. Man sollte sich nicht zu sehr anstrengen, um das wirkliche Leiden zu visualisieren und sich auch nicht von seiner eigenen Anstrengung befreien, wenn man noch nicht die Ursache der momentanen Wahrhaftigkeit versteht. Ebenfalls nicht, wenn der Praktikant es nicht versteht, wie man sich von der Wurzel der Wiedergeburten auf diese Samsarawelt lösen kann. Ein Buddhist sollte deshalb all diesen Absichten sein lassen und versuchen, sich auf die jetzige Existenz zu konzentrieren. Man sollte die Dinge, wie sie sind, im Kreislauf der Wiedergeburten belassen. Geshe Tsongkhapa ist ebenfalls dieser Methode gefolgt. Wenn wir uns vom Leiden befreien wollen, sollten wir auch seinen Weg beschreiten.

Alsdann sprach Seine Heiligkeit grob über die 400 Lobverse vom Hochehrwürdigen Thanh Thien. Man sollte die Unwissenheit beseitigen, um das Ich zu vernichten. Diese Bedingungen können nur Buddhisten mittlerer Stufen erreichen.

Die Grundgedanken im Buddhismus sind die Erleuchtung und Befreiung vom Leid. Man kann das Ziel durch die Vernichtung des falschen Glaubens und des Ich erreichen. Was bedeutet falscher Glauben? Er bedeutet das Fürwahrhalten des Falschen. Man hält das Böse für das Gute. Diese falsche Ansicht kommt durch die Neigung zu bestimmten Einstellungen und das eigene Ich. Das folgende Beispiel soll dies verdeutlichen. Ein Fußgänger glaubt zur warmen Mittagszeit Wasser auf der Straße sehen zu können. Doch dieses Wasser gibt es nicht, denn sie entsteht nur durch die Spiegelung der Sonne. Selbst wenn es wirklich Wasser geben sollte ist es auch nur ein falscher Name. Kein Ding auf dieser Welt hat ein Ich, auch wir selbst nicht geschweige denn unser Körper. Wir glauben ständig, dies und das gehört uns, dieser Körper gehöre uns etc... Doch sie gehören niemanden, sondern ausschließlich dem Himmel der Erde und den Dingen. Sie entstehen und bleiben, wenn die Bedingungsfaktoren vorhanden sind und vergehen, wenn sie nicht mehr existieren. Auch wir verändern uns aufgrund der äußeren Bedingungen. Wir sollten deshalb nicht stur an irgendeiner Existenz haften bleiben, denn alles auf dieser Welt hat nur unwahre Namen. Wenn man alle Dinge auf dieser Welt als vergänglich, leidvoll, richtig und ich-los betrachtet, müssen sie diese vier Phasen durchlaufen: Entstehen, Bestehen, Vergehen und Vernichten. Wenn wir dies verstehen, werden wir nichts bedauern, selbst unseren Körper nicht.

Wir sollten uns nicht von allen äußeren Bedingungen, von den wir leben trennen, sondern von allen Sorgen in unserem Geist. Nur so erreichen wir einen geistigen Frieden. Viele glauben, man kann das Glück von außen bekommen. Sie suchen es deshalb ständig; was aber sinnlos ist. Das wirkliche Glück kann man nicht auf dem Markt kaufen. Seine Heiligkeit sagte dies auch am 18.06.1995, anläßlich Seines Besuches im der Klosterpagode Vien Giac. Dieses Glück wird uns von niemandem gebracht, sondern wir sollen es selbst für uns erzeugen, durch Vernichtung aller geistigen Leiden. Unser Geist hält oft an bestimmten Neigungen und Vorlieben und beurteilt die Dinge als gut, und böse. Wenn wir die Buddhalehre praktizieren, heißt es, dass wir alle überflüssigen Dingen außer Acht lassen sollen. Erst dann wird dieses ewige geistige Glück zu uns kommen. Das ist nämlich entscheidend. Man sagt deshalb auch: Zurück zum Buddhismus bedeutet zurück zu dem eigenen Ich, dem eigenen Geist. Die Buddhanatur sollte man in sich und nicht von außen suchen.

Um die Unwissenheit vernichten zu können, erklärte Seine Heiligkeit ausführlich die 12 Glieder des abhängigen Entstehen: Unwissenheit, gestaltende Tat, Bewußtsein, Name und Körper, 6 Sinnesquellen, Berührung, Empfindung, Verlangen, Ergreifen, Werden, Geburt, Altern und Tod.

Unwissenheit folgt auf Unreinheiten der Vergangenheiten, deren Wurzel anfangslos ist, die zu guten und bösen Taten führen. Gute bzw. böse Taten sind gestaltende Taten. Das Bewußtsein haftet an dem Karma der Vergangenheit als Grundlage für die neue gegenwärtige Existenz. Die neue Existenz hat einen neuen Körper und einen neuen Namen. Sie besitzt auch die sechs Sinnesquellen (Augen, Ohren, Nase, Zunge, Körper und Geist). In Abhängigkeit von diesen Organen kommt es zur Berührung, welche die verschiedenen Objekte als fröhlich, traurig, ärgerlich etc. im Bewußtsein aufnehmen. Durch das Zusammentreffen von Sinneskraft, Bewußtsein und Objekt entsteht Empfindung von Leid, Glück oder Indifferenz. Als Folge einer solchen Empfindung entsteht Verlangen. Durch das Verlangen entsteht das Ergreifen. Dieses Ergreifen ist die Ursache aller Karmas. Das Karma entwickelt seine volle Wirkungskraft, so dass es die nächste Existenz hervorbringen kann. Wenn das erste Glied der Kette, Unwissenheit, vernichtet wird, entstehen auch die anderen 11 Glieder nicht mehr. Doch es ist sehr schwer, die Unwissenheit zu überwinden, denn man muß zuerst versuchen, das Ergreifen nach Begierde zu vernichten. In den zwölf Gliedern des abhängigen Entstehens stehen Unwissenheit und Begierde an führender Stelle, denn sie ziehen einem in den Kreislauf der Wiedergeburten.

Die Pratyeka-Buddhas visualisieren das Gesetz von Ursache und Wirkung, erstens um sich von Geburt und Tod zu entfernen, zweitens um die Vergänglichkeit zu erfahren, um schließlich alle Karmas zu beendigen und ins Nirwana zu gelangen.

Seine Heiligkeit gab dafür sehr schöne Beispiele: Um Glück zu erreichen, kann man nicht die ganze Erde mit Samt auslegen, damit man keinen Schmerzen spürt, wenn man barfuß läuft. Stattdessen soll jeder für sich die beiden Füße mit Samt einwickeln, damit man keinen Schmerzen hat, wenn man auf diese Welt kommt. Jeder muß für sich die Buddhalehre praktizieren. Das ist der Grundsatz, um Glück zu erreichen. Mir hat diese kurze Stelle sehr gefallen. Es mag sein, wie schön diese Welt auch ist, wenn wir unsere Unreinheiten auf diese Welt bringen, wird sie auch unrein. Man soll den reinen Geist auf diese Welt bringen, somit wird dann auch diese unreine Welt rein, ein Reines Land. Zurück zum obigen Beispiel: Jeder muß daher für sich seine Füße mit Samt einwickeln. Dann wird man keinen Schmerz fühlen. So ist es auch mit der Praxis der Buddhalehre. Wer diesen Grundsatz versteht, der versteht den Buddhismus. Wenn man umgekehrt ständig nach einer allmächtigen Gestalt sucht, die einen rettet, wird man sein Glück bestimmt nicht finden.

Um dies zu verstehen muß man die Natur der Leerheit kennen. Was ist denn eigentlich die Natur der Leerheit? Das ist die Soheit der Existenzen, das Nirwana. Die Soheit der Existenz kann man nicht anfassen, doch sie existiert. Nirwana ist kein Ort, sondern ein befreiender Zustand aus dem Kreislauf der Wiedergeburten, wo es kein Entstehen, Vernichten und Vergehen mehr gibt. Das nennt man Nirwana.

Nach der Vormittagsunterweisung rezitierten die Ordensleute und Seine Heiligkeit ein kurzes Sutra und meditierte für 10 Minuten. Danach gab es eine Pause und das Mittagessen. Die Pause diente den Zuhörern, um sich gegenseitig kennen zu lernen und sich über die verschiedenen Buddhismusschulen auf dieser Welt zu erkundigen. An diesem Nachmittag sprach Seine Heiligkeit ausführlich über die Begierde. Um von dieser Begierde los zu kommen, muß man genau wissen, was sie ist. Der Hochehrwürdige Thanh Thien sagte: „Unser größter Feind ist die Begierde“. Man muß sie vernichten, um Nirwana erreichen zu können. Die Begierde ist ein Schatten, etwas nicht Wahrhaftes, das keinen Namen und Körper hat. Wenn man von der Begierde in den Kreislauf der Wiedergeburten mit hinein gezogen wird, könnte man sehr lange dort verbringen müssen. Die Begierde ist vergleichbar mit einem Honigtropfen, der auf der Oberfläche eines Stücks Kuchen verteilt ist. Da die Menschen Durst haben, sehen sie in dem Honig das Stillen des großen Hungers. Sie stürzen sich auf diesen Kuchen. Erst dann stellen sie fest, dass das Leben wirklich bitter ist. Und es ist dann meist zu spät. Wenn man von der Begierde genug hat und gelitten hat, wird man gelangweilt. Doch nicht lange danach kommt vielleicht wieder ein kurzer Glücksmoment. Und schon verfängt man sich wieder in das Leiden und den Kreislauf der Wiedergeburten. Ein Buddhist, der das Nirwana erreichen will, soll nicht mehr dem gierigen Geist hinterherlaufen. Jeder soll sich bemühen, von der Begierde fern zu halten. Man soll auf das Segen der Buddhas und Bodhisattvas hoffen. Wenn Begierde nicht mehr in uns verweilt, wird unser Geist rein sein. Wir sollten stets die verschiedenen Arten von Leiden visualisieren, denn das sind die kostbarsten Schätze, um die Realität der Vergänglichkeit zu verstehen. Seine Heiligkeit sprach dann über das Madhyamikasastra vom Hochehrwürdigen Nagarjuna und das Vijnaptimatra vom Hochehrwürdigen Vasubhandu.. An dieser Stelle möchte ich einige Grundgedanken dieser beiden Lehre erläutern. Das Madhyamikasastra besteht aus 4 Bänden, das vom Bodhisattva Nagarjunna bearbeitet wurde. Die dazu gehörigen Bemerkungen sind vom Bodhisattva Thanh Muc. Dieses Sastra wurde vom Hochehrwürdigen Kumarajiva aus der Zeit der Dieu Tan Dynastie ins chinesische übersetzt. Es ist eine der drei wichtigsten Sammlung der Madhyamayana-Schule. Dieses Sastra vertritt den mittleren Weg. Es umfaßt insgesamt 496 Lobverse, aufgeteilt in 27 Kapitel. Die ersten 25 Kapitel behandeln die Vernichtung der eigenen Neigungen nach dem Mahayana-Buddhismus. Die letzten zwei Kapitel behandeln die Vernichtung der eigenen Neigungen nach dem Hinayana-Buddhismus. Dieses Sastra enthält Lehre des Mittleren Pfades, welche die Gedanken des Prajna vertritt.

Der tibetische Buddhismus vertieft sich in die Lehre des Madhyamayana und die Philosophie der Natur von Leerheit. Er vertritt die Lehre des Mahayana-Buddhismus auf wirksamste Weise. Diese Lehre wird heute von vielen Westlern studiert. In Europa basiert die westliche Philosophie auf einer, zwei oder drei Thesen. Der Buddhismus dagegen legt keinen Wert auf Thesen, weder auf eine noch zwei. Das ist nämlich der Weg zum Buddhismus. Das Eine enthält alles. In Allem ist das Eine. Wenn etwas vergeht, entsteht etwas anderes. Umgekehrt wenn etwas entsteht, vergeht das andere. Das ist das Gesetz von Ursache und Wirkung.

Bevor wir nun in die Vijnaptimatra-Lehre vom Hochehrwürdigen Vasubhandu vertiefen, sollten einige Merkmale erläutert werden. Vijnapti bedeutet Bewußtsein. Matra bedeutet gesondert, spezifisch. Bewußtsein bedeutet Wissen, Unterscheidung. Davon gibt es 3 bzw. 8 Klassifikationen. Im Avatamsaka-Sutra wird dieses Bewußtsein als Cittamatra genannt. Im Vijnaptimatratasiddhi-Sastra wird es Vijnaptimatra genannt. Cittamatra umfaßt sowohl die Ursache als auch die Wirkung aller Dinge; während Vijnaptimatra nur von der Ursache spricht.

Der Hochehrwürdige Nagarjuna hat gelehrt: Wenn eine Tathandlung vollendet wird, entsteht eine neue Erscheinung. Die Vollendung von einer Tathandlung bedeutet nicht das absolute Ende, denn sie ist zugleich der Anfang einer neuen Tathandlung. Die Vollendung einer Tathandlung ist die Wirkung von einer vergangenen Ursache. Sie ist aber gleichzeitig der Anfang, die Ursache für eine zukünftige Wirkung. Und so entsteht eine neue Tathandlung während eine andere vollendet wird. Sie wechseln sich gegenseitig und bilden den Kreislauf der Wiedergeburten. Die Lamrim-Lehre von Hochehrwürdigen Tsongkhapa spricht über das Bardo. Das Bardo ist die Zeit zwischen dem Tod und der Wiedergeburt. Dieses Bardo ist aufgrund des jeweiliges Karmas des Sterbenden unterschiedlich lang. Normalerweise dauert es 49 Tage, denn danach erlischt das Bardo. Wenn das Bewußtsein innerhalb dieser Zeit keine Wiedergeburt findet, wird es in die umherirrenden Geister verwandelt, denn wes findet keine Bleibe.

Über die Natur der Leerheit erklärte Seine Heiligkeit: Alle Dinge auf dieser Welt sind nur Erscheinungen. Nichts ist wahr. Daher soll man das Ich vernichten, um alle Leiden zu löschen. Alle Erscheinungen entstehen durch bestimmte Bedingungen. Nur durch das Festhalten an den Dinge und bevorzugten Neigungen werden die Menschen in den Kreislauf der Geburten hinein gezogen. Man soll deshalb alles loslassen und lieber auf die Geburt in eine bessere, höhere Welt, in die Welt der Buddhas und Bodhisattvas, streben. Ansonsten wird man in eine der niedrigeren Welten wiedergeboren. Um dies zu erreichen, muß man besser auf seinen Geist Acht geben. Man soll ihn kontrollieren und anhalten. Unser Geist wird bestimmt still sein und sich verändern. Dies können wir durch die Einhaltung der Gebote und Verpflichtungen erreichen. Wir können dann Konzentration erreichen, die uns hilft, die Natur der Leerheit zu erkennen.

Es ist auch gut zu wissen, was die sechs Saddharma in den Zen-Schulen sind, wenn man sie visualisiert, bevor wir in Details gehen. Das sind die sechs wunderbare Meditationsschritte, die uns den Weg zur Erleuchtung führen.

Der erste Schritt heißt die Atemzüge zählen. Unser Geist ist ständig in Bewegung und bleibt nicht still. Er ist vergleichbar mit dem Glas Wasser. Wenn man das Glas schüttelt, kommt der Schmutz vom Glasboden nach oben und macht das Wasser trübe. Wenn man das Glas Wasser wieder abstellt, sinkt der Schmutz im Wasser wieder auf dem Glasboden. Wir sollten bei dieser Methode unsere Atemzüge beobachten. Beim Ein- und Ausatmen zählen wir eins, danach zwei, drei und schließlich bis zehn. Bei zehn angelangt, zählen wir rückwärts, neun, acht, sieben usw. Wir sollten es ständig machen und dabei an nichts denken. Manchmal vergessen wir es natürlich. Die Vergessenheit zeigt, dass unser Geist noch nicht ruhig ist. Er ist immer noch unrein, so wie das trübe Wasser im Glas. Nachdem wir unsere Atemzüge für eine Zeit lang kontrollieren können, sollten wir einen Schritt weiter gehen, zum zweiten Schritt. Wir sollten immer wachsam sein und wissen, was wir während der Meditationssitzung machen. Wir sollen wissen bei welcher Zahl wir angelangt sind und wie sich unser Geist ändert. Der dritte und vierte Schritt heißen Samatha und Vipasyana. Samatha bedeutet anhalten, ruhiger Zustand, beenden von Unwahrem. Vipasyana bedeutet visualisieren. Man soll die wahre Buddhanatur, die Natur aller Dinge erkennen. Der fünfte Schritt führt den Meditierenden zurück zu seinem Geist. Dabei ist es besonders zu beachten, dass der Meditierende sich selbst nicht als jemanden betrachtet, der versucht, das Böse, die Unreinheiten zu vernichten. Wenn er dies tut, hat er die Methoden der anderen Ungläubigen angewendet. Dies sollte er auf keinen Fall tun. Er soll nur sein Selbst erkennen.

Der sechste und letzte Schritt dieser Meditationsmethode ermöglicht den Meditierende ihren Geist in einen ruhigen Zustand zu bringen. Wenn der Meditierende dabei denkt, dass sein Geisteszustand rein ist, hat er das Ziel noch nicht erreicht, und zwar, weil er noch Empfindung hat, dass etwas ruhig oder unruhig ist. Wenn er erkennt, dass es weder Ruhe noch Unruhe gibt, dann hat er diese Technik vollendet. Er wird Weisheit erlangen und von allen Unreinheiten befreit.

Den ganzen Nachmittag des 29.10.1998 sprach Seine Heiligkeit über den 14. Teil, über „die Entwicklung des Bodhigeistes“. Die Entwicklung des Bodhigeistes ist eine wichtige Säule im Buddhayana. Der Bodhigeist ist die Basis aller Taten eines praktizierenden Bodhisattvas. Er ist vergleichbar wie eine gute Medizin oder die Aura, die einem umgibt. Jede Tat enthält Verdienste und Weisheit. Es ist als ob er ein Haus ist, das alles Kostbare beherbergt. Es ist das Ergebnis jedes einzelnen praktizierenden Bodhisattva, wenn sie ihren Bodhigeist entwickeln. Der Hochehrwürdige Tsongkhapa war ein Yogi, der diesen Weg ging. Wenn auch wir die Erleuchtung wollen, rät er uns, diesen Weg zu praktizieren. Obwohl dieser Textabschnitt nur so kurz war, hatte Seine Heiligkeit sehr ausführlich den ganzen Tag darüber gesprochen. Die Zuhörer folgten mit Achtsamkeit, denn sie wollten die Erleuchtung erlangen. Wenn man den Bodhisattva-Weg praktiziert, muß man seinen Bodhigeist sehr stark entwickeln, denn dadurch können heilsame Verdienste gesammelt und Weisheit entstehen. Wenn man diesen Bodhisattva-Weg geht, aber seinen Bodhigeist nicht stark entwickelt, dann ist es so, als ob man ein großes Haus hat, das aber ganz leer ist.

Der Hochehrwürdige That Hien aus China, der gegen Ende des 17. oder Anfang des 18. Jahrhundert geboren wurde, hat einen kurzen Text zum Thema „Entwicklung des Bodhigeistes“ verfaßt. Dieser Text wurde vom Hochehrwürdigen Thich Tri Quang ins Vietnamesische übersetzt. Den Lesern stehen die Haare zu Berge, wenn sie diesen Text lesen.

„Obwohl der Meister That Hien sehr hoch gebildet war, war er sehr herzlich und legte großen Wert auf die Praxis der Buddhalehre. Nach seinem Eintritt ins Kloster fragte er die hohen Würdenträger nach dem Todestag des Shakyamuni-Buddha. Im Frühling des Jahres 1719 (Jahr des Schweines) machte er eine Reise zum Asoka-Kloster, in dem Reliquien von Buddha in einem Pagoden-Turm aufbewahrt werden. Das Asoka-Kloster liegt auf dem Tu Minh Berg. Diese Pagode ist eine von 19 Pagoden in China, in der noch Reliquien von Buddha aufbewahrt werden. Sie wurde 280 vom Bodhisattva Loi Tan errichtet. Nach der Verehrung der Reliquien, blieb er dort während der Klausurzeit. Danach brannte er sich selbst einen Finger als Opfergabe an den Buddha. Im Frühling des darauffolgendes Jahres kehrte er zum Tu Minh Berg zurück, um eine große Zeremonie anläßlich des alljährlich begangenen Todestag des Buddha zu veranstalten (Kapitel 109, S. 305 b). Am darauffolgenden Tag führte er Niederwerfungs- und Reuezeremonien durch, bei den er seine bearbeiteten Sutrentexte zur Verehrung von Sariputra und das Nibbana-Sutra benutzte. Nach dem 7. Tag war er fertig. Danach rezitierte er Buddhanamen und widmete seine Verdienste allen Lebewesen. Er trug den Wunsch, jedes Jahr bis zu seinem Tod diese Zeremonien zu wiederholen. Doch diesen Wunsch konnte er nur 10 Jahre lang (1719-1729) realisieren. Danach erkannte er, dass der lange Reiseweg für ihn und seine Leute zu mühsam war. So blieb er in seinem Wohnort im Tien Lam Kloster und zelebrierte jedes Jahr den Todestag des Buddha auf die gleiche Weise, wie er es auf dem Tu Minh Berg getan hat. In den 10 Jahren, in denen er die Zeremonien auf dem Tu Minh Berg ausgeführt hatte, brannte er sich selbst der Reihe nach fünf Finger im Kloster Asoka.

Man weiß nicht genau, wann dieser kurze Text entstand; doch eins ist sicher, er muß entstanden sein während der Zeit, in der der Meister im Asoka-Kloster weilte. Die Laienschaft, die diesen Text gehört hatte, waren die Laien, die mit ihm praktiziert hatten. In dem Text werden die 48 Gelübde erläutert. Sie sind bis heute erhalten geblieben und tragen den Titel „Gelübdetext der Nibbana-Gruppe“. Der Meister That Hien legte ein großes Gelübde ab, indem er 10 Jahre lang unter dem Pagodenturm des Asoka-Kloster Niederwerfungs- und Reuezeremonien ausgeführt hatte. Hinzu brannte er sich selbst 5 Finger um sie dem Buddha zu opfern. Das war eine gute Tat von ihm, den Buddha zu verehren und den Buddhismus zu bewahren. Nach diesen 10 Jahren praktizierte er zusammen mit den Laien die Lehre vom Reinen Land.

Banh Te Thanh hat zu dem Text vom Hochehrwürdigen That Hien kommentiert. Er schreibt, dass er jedes Mal beim Lesen sehr gerührt ist und schwitzt. Der Hochehrwürdige war ein großer Meister, der ein großes Gelübde hatte. Er ist ein Vorbild für alle, besonders in diesem schweren Dharmazeitalter (Tuc Tang, Kapitel 109, Seite 295 a)“. (Hochehrwürdige Thich Tri Quang, Phat Bo De Tam, Seite 14-18, Vorwort)

Das hier ist nur eine Möglichkeit von vielen anderen Möglichkeiten, den Bodhigeist zu entwickeln. In Vietnam gibt es auch viele große Meister, die ähnliche große Gelübde ablegten. Ein Beispiel war z.B. der Hochehrwürdige Thich Quang Duc, der am 20. April 1963, sich selbst als Opfergabe an die Buddhas verbrannte. Seine Verbrennung galt auch als Protest gegen die damalige vietnamesische Regierung unter Ngo Dinh Diem. Dieser unterdrückte den Buddhismus und gewährte keine Religionsfreiheit in einem demokratischen Staat. Nach seiner Selbstverbrennung blieb sein Herz unzerstört zurück. Auch nachdem sein Leichnam bei 1.000 Grad zweimal verbrannt wurde, blieb es erhalten. Die vietnamesischen Buddhisten halten dieses Herz für unzerstörbar. Bis heute wird dieses Herz in der Nationalbank von Saigon aufbewahrt.

In Japan, Korea oder Tibet und überall auf der Welt, wo die Buddhisten den Bodhisattva-Weg gehen, gibt es große Gelübde. Wenn wir unseren Bodhigeist entwickeln, ist unser Gelübde so groß, dass es auch unsere Erleuchtung auf eine hohe Stufe bringt. Unser Bodhigeist wird dieses weltliche Leben in ein reines, erleuchtetes Leben umwandeln. Wenn wir den Bodhisattva-Weg praktizieren, sollen wir ihn kontinuierlich und lange gehen. Das Verdienst dieser Praxis sind Weisheit und Barmherzigkeit. Der Praktikant muß verdienstvolle Taten sammeln. Diese kann er durch die Praxis der sechs Paramitas erwerben. Spendefreudigkeit ist eine der sechs Paramitas. Der Praktikant soll auch Barmherzigkeit allen Lebewesen erweisen und nach Weisheit streben, vor allem über die Natur der Leerheit, um die Erleuchtung zu erlangen.

Barmherzigkeit ist das Gepäck der Buddhas und Bodhisattvas. Auch die Buddhisten, die dem Bodhisattva-Weg folgen sollen die Barmherzigkeit als Grundlage nehmen. Von den vier Unermeßlichkeiten (Liebende Güte, Mitgefühl, Mitfreude, Gleichmut) können heilsame Verdienste nur durch liebendes Mitgefühle erzielt werden. Buddha hat zu seiner Zeit überall, wo er hinging, liebendes Mitgefühl allen gegenüber gezeigt. Deshalb haben die Menschen damals viel Segen und Verdienste gehabt. Auch dasselbe liebende Mitgefühl des Buddha hat heute nahezu eine Milliarde Buddhisten auf der Welt überzeugt, seiner Lehre zu folgen. In Amerika und Europa praktizieren sehr viele Menschen die barmherzige Lehre des Buddha. Als Beispiel steht dafür die Veranstaltung in der Zeit vom 26. Oktober bis zum 1. November 1999 in einem kleinem Ort in Norddeutschland, an der über 10.000 Menschen teilnahmen. Das liebende Mitgefühl des Buddha hat heute viele Menschen erreicht und es hilft ihnen auf ihrem Weg der Weisheit und Wohlfahrt für alle Lebewesen von heute und morgen.

Der Bodhigeist ist ein kostbarer Schatz, der zu Erleuchtung führt. Er verwandelt Metall in Gold. Er verwandelt auch schlechte Herzen in gute Herzen. Diesen Schatz kann man nicht von außen sondern nur im eigenen Inneren selbst finden. Wir müssen unsere wahre Buddhanatur in uns selbst entdecken.

Wenn ein Buddhist seinen Bodhigeist entwickeln will, sollte er zwei Grundsätze beachten. Ersten, er gelobe Buddha zu werden und zweitens mit seinen Verdiensten allen Lebewesen zu dienen. Der Samantabhadra-Bodhisattva legt 10 große Gelübde ab. Von diesen 10 wurden 4 Gelübde ausgewählt und in einigen buddhistischen Traditionen wie z.B. in China, Japan, Korea und Vietnam praktiziert. Die 4 Gelübden sind:

Es gibt unzählige Lebewesen.

Ich gelobe allen zu helfen.

Es gibt unzählige Unreinheiten.

Ich gelobe sie alle zu beenden.

Es gibt unzählige Dharmawege.

Ich gelobe sie alle zu praktizieren.

Es gibt keinen anderen besseren Weg als den Buddhaweg.

Ich gelobe, ihm bis an sein Ziel zu folgen.

Das erste Gelübde lautet allen Lebewesen zu dienen, das zweite alle Unreinheiten zu beenden, das dritte alle Dharmawege zu praktizieren und das vierte zur Buddhaschaft zu erlangen. Obwohl es im tibetischen Buddhismus nur zwei Gelübde gibt, enthalten sie dennoch die Bedeutung aller vier, so wie die Gelübde der anderen nördlichen Buddhismusschulen.

Der Meister Santideva hat ebenfalls seinen Bodhigeist entwickelt und uns gelehrt, dass wir stets an unsere Eltern denken und sie verehren sollen. Wir sollen für unsere Eltern beten, denn sie sind unsere geistige Stütze, solange wir noch nicht erleuchtet sind. Gerade jetzt, wo wir die Buddhalehre praktizieren, sollen wir unsere Pflicht den Eltern gegenüber gewissenhaft ausführen. Wir beten, dass unsere Eltern in Frieden, im Dharmasegen leben mögen. Wir sollen auch an die Menschen um uns denken, vor allem müssen wir ihre gute positive Seite, und nicht etwa die negativen, schlechte Seite, hervorheben. Wir sollen eher Mitgefühl und Liebe als Haß zeigen. Auch sollen wir keine Unterschiede zwischen Freund und Feind machen. Haß und begrenzte Mitgefühle führen zur Wiedergeburt im nächsten Leben. Im Bodhisattva-Sutra lehrte Buddha, dass man keine Haßgefühle entwickeln soll. Auch wenn jemand unser Vater oder unsere Mutter tötet, sollen wir ihm keine Rache schwören. Ein Bodhisattva darf niemanden über Nacht hassen oder auf ihn böse sein. Wir sollen immer an die positiven Werte der Mitmenschen denken, damit wir Frieden in uns selbst finden können. Die negativen Seite der Mitmenschen sollen wir gar nicht beachten, denn das sind Überreste, die die Leute wegwerfen und wir unwissentlich auf uns nähmen. Warum sollten wir den Müll anderer Leute in uns aufnehmen? Wie wäre es, wenn wir sie als Gleichgesinnte betrachteten, die immer gutmütig zu uns wären. Sie könnten unsere Lehrer oder Freunde sein. Sie sind letztendlich Mitmenschen, die uns umgeben, die uns auch auf unseren Erleuchtungspfad begleiten.

Wir sollten auch nicht Gleichberechtigung mit Gleichgültigkeit verwechseln. Gleichberechtigt bedeutet, dass die Lehre des Buddha keinen Unterschied zwischen arm und reich macht. Alle Menschen können seine Lehre praktizieren und die Erleuchtung erreichen. Wie schnell man aber die Erleuchtung erreicht, hängt lediglich von der Zeit und Intensität ab, in der man die Buddhalehre praktiziert. Die Menschen haben unterschiedliche Karmas, Fähigkeiten und Möglichkeiten. Nehmen wir das Beispiel mit dem Regen. Der Regen macht keinen Unterschied wohin er fällt, ob Wälder, Seen, Felder. Doch in einem Wald gibt es unterschiedliche Bäume, die verschiedens groß sind. Große Bäume saugen mehr Wasser ab als kleine Bäume. Der Regen fällt überall gleich auf die Erde. So ist nämlich die Gleichberechtigung im Buddhismus. Gleichgültigkeit dagegen bedeutet, dass wir uns nicht bewußt sind über unser Handeln und unsere Taten; auch die tägliche Praxis vernachlässigen wir. Das kann man ganz und gar nicht Gleichberechtigung nennen.

Wir sollten auch üben, zu nehmen und zu geben. Wir nehmen Spenden und schätzen die Gebefreudigkeit anderer Menschen. Gleichzeitig müssen wir auch unsere Hilfe anderen Menschen, die sie benötigen, anbieten. Das Nehmen und Geben sollen das liebende Mitgefühl unter uns verbreiten. Niemand kann den inneren Frieden in dem Leiden anderer Menschen finden. Der Fortschritt, der die Wissenschaft und Technologie heute erreicht, ist schwindelerregend. Wenn irgendwo in der Welt, mag es irgendwo am Ende der Welt sein, etwas passiert, dann wird die Nachricht binnen einer Sekunde durch die ganze Welt geschickt. Man kann sich durch das Telefon oder Telefax stundenlang unterhalten oder schreiben. Doch wir denken unbewußt nicht an unsere nahen Verwandten, Eltern, Ehepartner, Kinder; ja nicht einmal an uns selbst. Wir können andere Mitmenschen leicht verstehen; doch was ist mit uns selbst. Es ist doppelt so schwer. Der Dharmaweg führt nach innen und nicht nach außen. Je falscher unsere Ansichten sind, desto leidvoller ist unser Leben. Wo ist denn dann das ewige Glück!

Seine Heiligkeit sagte: „Die Tibeter verehren Gandhi, denn er hat liebendes Mitgefühl. Das ist sehr gut und Mahatma Gandhi ist einer der besonderen Menschen auf der Welt“. Indien stand unter der Kolonieherrschaft der Briten. Die Menschen mußten viele Jahre leiden und sie verloren alles. Der heilige Mahatma Gandhi hat Indien durch seinen gewaltlosen Einsatz von der Kolonieherrschaft der Briten befreit. Das ist der Weg des Hinduismus und Buddhismus, den viele Menschen, selbst Gandhi damals und Seine Heiligkeit heute, gegangen sind. Seine Heiligkeit setzt sich auch für ein freies Tibet ein und sucht sich den gewaltlosen Weg aus, um Tibet von der chinesischen Oberherrschaft zu befreien.

In Indien leben fast eine Milliarde Menschen. Mehr als die Hälfte von ihnen ernähren sich vegetarisch. Die Inder haben Mitgefühl mit anderen Lebewesen. Sie möchten den anderen Lebewesen kein Leid zufügen, so wie es in ihrer hinduistischen Lehre steht. Wenn man Indien besucht, wird man feststellen, dass selbst die Kühe und Vögel sehr sanftmütig sind. Die Tiere leben in unmittelbarer Nähe bei den Menschen. Doch dies soll nicht bedeuten, dass es in Tibet und Indien keine Schlachter gibt. Gläubige anderer Religionen führen diesen Beruf aus, den nur wenige Inder tun wollen.

Menschen, die nur für sich selbst leben, haben oft Schwierigkeiten in ihrem Leben. Wahrscheinlich, weil sie kein Mitgefühl haben. Sie glauben wenn sie etwas geben, geht es verloren; wenn sie es aber für sich behalten, bleibt es. Doch sie wissen nicht, dass dieser Grundsatz umgekehrt wirkt, nämlich, was sie weggeben bleibt und was sie festhalten, geht verloren. Wir sollten uns Gedanken darüber machen, was wir denn erreichen wollen, wenn wir so habgierig und geizig leben. Warum waren die Buddhas und Bodhisattva dagegen gebefreudig? Ein gebefreudiges und mitfühlendes Leben wird von vielen Menschen hochgeachtet. Es ist ein ehrenwürdiges Leben. Ein geiziges Leben dagegen stellt die Gegenposition dar. Der Grund dafür ist die Unwissenheit, die wir Menschen haben. Wir achten zu sehr auf unser Ich und die äußeren Dinge um uns. Wir fesseln uns selbst mit diesen falschen Ansichten. Wir unterscheiden zwischen Gut und Böse, Liebe und Haß. Das Festhalten an unserem Ich ist unser Gefängnis. Es zieht uns mit in den Kreislauf der Wiedergeburten, wo wir immer wieder Geburt, Altern, Krankheit und Tod erleiden müssen. Das alles ist ein Gefängnis, das uns einsperrt. Daher sollten wir unseren Bodhigeist ganz stark entwickeln. Dies tun wir nicht nur für uns, sondern für alle Lebewesen. Dieses Gelübde des großen Mitgefühls ist gleichzeitig unsere Aufgabe, alle Lebewesen aus dieser leidvollen Samsara-Welt zu führen. Um das zu erreichen, müssen wir alle Menschen als gleichberechtigt ansehen und behandeln. Dazu gibt es sehr viele Möglichkeiten und Wege.

Das heutige Thema war ziemlich interessant, weshalb die 10.000 Zuhörer fünfeinhalb Stunden lang (zweieinhalb Stunden am Vormittag und 3 Stunden am Nachmittag) dem Vortrag mit Achtsamkeit verfolgten. Alle hatten mehr oder weniger von dieser Unterweisung etwas für sich gewinnen können.

Am Abend wurde zwischen 18:00 bis 20:00 Uhr ein Film über die Verfolgung und Unterdrückung des Buddhismus in Burma und Tibet gezeigt. Die Veranstalter dieses Filmvortrags waren Dr. Kajo Schukalla, Ama Adhe (Tibet), Ulrich Delius (Gesellschaft für bedrohte Völker), Helmut Steckel (Tibet Initiative Deutschland). Das tibetische und burmesische Volk sind die zwei Völker, die zur Zeit stark unterdrückt werden. Seit mehr als 40 Jahren, seitdem die Chinesen in Tibet einmarschierten; gibt es mehr als 1,2 Millionen Tote. Viele Mönche und Nonnen wurden verhaftet, in Gefangenschaft gehalten. Viele buddhistische Klöster und Institute wurden zerstört. Die tibetische Kultur wird zerstört und assimiliert. Die chinesische Regierung verstärkt in letzter Zeit ihr Vorhaben Chinesen nach Tibet umzusiedeln. Die Zahl der lebenden Chinesen ist viel höher als die tibetische Bevölkerung. Das ist eine deutliche Assimilationspolitik von Seiten der chinesischen Regierung. Genauso wie die vietnamesische Regierung, die in den 80er Jahren diese Politik in Kambodscha übte. Sie trieben Vietnamesen nach Kambodscha. Doch am Ende wurden die Vietnamesen aus Kambodscha zurückgedrängt. Tibet und Kambodscha gelten als heiliges Land. Wenn eine andere Macht dort eindringt, wird sie sich eines Tages von selbst wieder zurückziehen müssen. Auch wenn die Eroberer noch viel stärker als die Einheimischen sind, werden die Einheimischen immer ihre Kultur und Tradition hüten. Das ist auch die buddhistische Lehre von dem Gesetz der Ursache und Wirkung. Natürlich dürfen die Unterdrückten nicht einfach still sitzen und alles geschehen lassen, sondern sie müssen für ihre Freiheit kämpfen. Menschen aus allen Schichten müssen ihre Aufgabe und ihren Beitrag leisten, denn nur so können sie ihre Demokratie und Freiheit zurückgewinnen und sich von der fremden Oberherrschaft befreien.

Geschichte besteht aus vielen Epochen. Jede Epoche, jede Periode ist unterschiedlich. Sie reihen aneinander und bilden somit die Geschichte. Wir sollen wissen, dass die Menschen keine Opfer der Geschichte sind, denn Geschichte hat immer neue Seiten. Das ist das Ursache- und Wirkungsgesetz im Buddhismus. Nichts kann ewig existieren. Alle Dinge unterstehen dem Gesetz des Entstehens und Vergehens. Burma, z.B., ist ein Land mit buddhistischer Tradition. Der Buddhismus blieb bislang für die Außenwelt verschlossen. Doch in letzter Zeit werden buddhistischen Ordensleute und Intellektuelle von der Regierung grausam unterdrückt. Bislang hat Burma kaum Kontakte mit der Außenwelt. Deshalb wissen sehr wenig Menschen im Westen über die Menschenrechtsverletzung und Religionsunterdrückung in Burma. Doch auch seit einigen Jahren wurde die Weltöffentlichkeit über die Situation in Burma informiert. Die unterdrückte Bevölkerung in Burma fordert die Welt auf, ihren Kampf für die Freiheit zu unterstützen.

Auch in Vietnam werden Menschenrechte und Religionsfreiheit aufs heftigste verletzt. Die Religion unter den kommunistischen Regimen wie z.B. in China, Kuba und Nordkorea dienen nur als Werkzeug der politischen Macht. Sie benutzen die Religion nur zu Propagandazwecken. Doch früher oder später wird die unmenschliche Taktik von den Gläubigen erkannt. Warum haben denn die kommunistischen und diktatorischen Regierungen so viel Angst vor der Religion? Die Antwort ist, weil die Religion eine starke Macht der Bevölkerung darstellt. Obwohl die Religionsanhänger keine Waffen besitzen wie das Militär, ist ihre Kraft, die sie durch ihren starken Glauben schöpfen, sehr groß. Ihr Glauben ist noch stärker als alle Metallmauern. Aus diesem Grund haben die unterdrückenden Regierungen Angst. Alle Religionen lehren ihre Anhänger mit der Wahrheit zu leben. Stattdessen verbreiten die kommunistischen Regierungen Unwahrheiten und unterdrücken ihr Volk.

Viele deutsche Organisationen unterstützen den gewaltlosen Kampf für ein freies Tibet. Neulich hat Seine Heiligkeit den Chinesen angeboten, sie könnten militärisch und außenpolitisch über Tibet herrschen; doch innenpolitisch und religiös sollten sie dem tibetischen Volk freie Entscheidungen lassen. Die chinesische Regierung ist damit nicht einverstanden, denn sie will Tibet ganz besitzen. Die Habgier der Menschen ist wirklich grenzenlos. Seine Heiligkeit hat den Medien auch gesagt, falls es zu einer demokratischen Wahl in Tibet käme, dass er bereit wäre, sein Amt abzugeben, wenn das tibetische Volk es so will.

Er würde die Entscheidung des tibetischen Volk mit Freude akzeptieren und nur als ein gewöhnlicher Lama fungieren. Fast überall in der Welt herrscht die Demokratie. Und so will er auch die Entscheidung seines Volkes respektieren. Der Staatsoberhaupt muß seine Pflicht dem Volk gegenüber erfüllen und dem Wohle des Volkes dienen.

Nach dem Film und der Diskussion über die Unterdrückung in Tibet und Burma meditierten die Teilnehmer. Anschließend diskutierten sie zusammen mit Lama Lodrö über Lamrim. Ein großer Teil der Deutschen, die sich aktiv für ein freies Tibet einsetzen, nahmen an dieser Diskussionssitzung teil.

Der fünfte Tag (Freitag, 30. Oktober 1998)

Seine Heiligkeit betrat das große Zelt heute um 9:00 Uhr. Zunächst machte er drei Niederwerfungen und stieg dann zum Podest. Von dort Oben aus schaute er alle Leute lächelnd an. Danach rezitierte er zusammen mit den anderen Ordensleute etwa 10 Minuten lang. Heute wollten viele Deutsche Zuflucht zu den Drei Juwelen nehmen und seine Schüler werden. Seine Heiligkeit war sehr erfreut. Trotzdem sagte Er zu ihnen, sie könnten jeden beliebigen Lehrer und nicht unbedingt ihn aussuchen. Doch die Menschen verehren Seine Heiligkeit und möchten ihn als ihren geistigen Lehrer haben.

Zu Beginn zeigte Seine Heiligkeit den Menschen, die die Zuflucht nehmen wollten, wie man drei Niederwerfungen macht. Sie verehrten Seine Heiligkeit, ihren neuer Dharma-Lehrer dann mit drei Niederwerfungen. Danach knieten sie sich hin, falteten ihre Hände zusammen und hörten Seiner Heiligkeit aufmerksam zu. Das ist die höflichste Geste, sich den Meistern gegenüber zu benehmen. Natürlich hat jedes Land seine Gebräuche und Sitten. In Japan bedeutet es Höflichkeit, wenn man mehrere Male den Kopf nach vorne beugt. In China und Vietnam falten die Leute ihre Hände zusammen. In Europa begrüßt man die königlichen Gäste, indem man ihre Hand hält und dabei leicht in die Knie geht. Die Buddhisten machen Niederwerfungen vor den Füßen Buddhas. Das sind die höflichsten Gesten. In Tibet sitzt man in kniender Position vor einem Dharmalehrer und faltet die Hände zusammen. Als ich es das erstemal sah, fand ich es ein bißchen befremdlich. Doch dann gewöhnte ich mich daran.

Seine Heiligkeit sprach über die Zuflucht zu den Drei Juwelen und erzählte den Zufluchtnehmern, dass sie nicht unbedingt ihre ursprüngliche Religion aufgeben sollten, um Buddhist zu werden. Buddhist ist man, wenn man die Buddhalehre versteht und sie praktiziert. Das soll als erster Schritt dienen, denn Seine Heiligkeit möchte keine Konfrontationen mit den einheimischen Religionen. War das etwa der Grund? In Deutschland treten täglich viele Menschen aus vielen unterschiedlichen Gründen aus ihrer Kirche aus. Sie wollen frei sein und nicht mehr einer traditionellen Religion angehören. Letztendlich, wenn man sich intensiver mit der Buddhalehre beschäftigt und sie praktiziert, vor allem die Lehre der Mahayana und Vajrayana-Richtungen, dann wird man feststellen, dass es nur einen Buddhaweg gibt. Heute gibt es ca. 200.000 Deutsche, die Zuflucht zu den Drei Juwelen genommen haben und mehr als 400 buddhistische Zentren und Vereine in Deutschland. Das war die Statistik vom Jahre 1999. Vor 1977 entwickelte sich der Buddhismus nur langsam in Deutschland. Im kommenden 21. Jahrhundert wird er sich sicher noch stärker entwickeln und einen wichtigen Beitrag in Europa leisten. In Europa gibt es zur Zeit eine schwere geistige Krise. Natürlich braucht der Buddhismus keine hohe Anhängerzahl. Ob viel oder wenig spielt keine Rolle, denn der Buddhismus hat noch niemanden konvertiert. Wer den Buddhismus mag, der kann kommen. Wer ihn nicht mag, schadet ihm auch nicht. Niemand wird dazu gezwungen, oder mit anderen Mittel zur Konversion gelockt, denn der Buddhismus ist eine freie, offene Religion.

Nach der Leitung der Zufluchtnahme für viele Menschen begann Seine Heiligkeit mit der Dharmaunterweisung. Er setzte sie fort mit dem Thema „Die Entwicklung des Bodhigeistes“.

Wir sollten stets denken, dass alle anderen Lebewesen besser als wir selbst sind. Deshalb sollten wir uns selbst und für andere Gelübden ablegen, die Erleuchtung zu erlangen. Nur so wird unser Geist erfreut sein. Das ist eine große Tat. Normalerweise verstricken wir uns zu sehr in unser Ich, in alles, was uns gehört etc. Doch ein Buddhist, der seinen Bodhigeist entwickelt sollte stets alle Lebewesen in dieser Samsarawelt ehren, denn alle besitzen die Buddhanatur. Diese Buddhanatur ermöglicht allen Menschen, Buddha zu werden. Nur so können wir unser Ich beseitigen und unseren Bodhigeist entwickeln. Wir sollten immer daran denken und uns vergegenwärtigen, dass Buddha vor uns steht und uns den Weg zur Erleuchtung führt. Selbst die hohen Meister und Patriarchen wie Vo Truoc und The Than, hatten Buddha als Leitfaden zu ihrem Ziel gehabt. Wir sollten immer daran denken, dass die Buddhas, Bodhisattvas und Patriarchen überall um uns sind. Sie betrachten uns wie ihre eigenen leiblichen Kinder. Sie achten auf uns und führen uns den Weg. Außerdem sollten wir auch daran denken, dass die anderen Lebewesen um uns ebenfalls dieses Glück besitzen. Somit werden alle Menschen glücklich. Je stärker jemand seinen Bodhigeist entwickelt, desto größer ist das Resultat. Es ist genauso wie jemand, der viele Reiskörner aussät. Wer viel sät wird auch viel Reis ernten können. Wir sollten uns deshalb mehr anstrengen und mehr an andere als an uns selbst denken. Dadurch werden wir mehr Verdienste für uns erzielen. Unsere Buddhanatur wird dann sicherlich zum Vorschein kommen.

Als nächstes sprach Seine Heiligkeit kurz über den Buddhismus in Vietnam und China. Er erwähnte auch, dass Vietnam ein Opfer des Kommunismus ist. Seine Heiligkeit hat sehr viele Gelegenheiten gehabt, vietnamesische Gemeinde und Tempel in vielen Ländern auf der Welt zu besuchen. Er betonte, dass man überall, unter allen Umständen, stets an die „Drei Juwelen“ denken muß. Sie sind eine wichtige Stütze für unsere geistige Entwicklung. Bezüglich des chinesischen Buddhismus zeigte Seine Heiligkeit großes Verständnis für die besondere Situation. In China wurden viele berühmte und historische Kloster nach der Revolution zerstört; viele Mönche und Nonnen sowie Buddhisten wurden inhaftiert, getötet. Seine Heiligkeit hat keinen Haß auf die Chinesen. Umgekehrt: er hat Mitleid und Verständnis für die, die unter einem solchen politischen System leben müssen.

Als Bodhisattva mit dem Wunsch, allen Lebewesen zu helfen, macht Seine Heiligkeit keinen Unterschied zwischen nah, fern, verwandt oder nicht verwandt. Er betrachtet und behandelt alle Menschen gleich. Da Seine Heiligkeit seit 40 Jahren im Exil lebt, versteht Er sehr gut die Situation der Exilanten über den Verlust ihrer Heimat. Dieses Leiden der Menschen ist auch die Sorge Seiner Heiligkeit für die Welt und für die Zukunft Tibets.

Als nächstes sprach Seine Heiligkeit über die 7 Gelöbnisse eines Buddhisten, der die Buddhalehre praktiziert.

Das erste Gelöbnis betrifft die karmischen Verdienste. Diese heilsamen Verdienste sind kostbares Gut, das die Buddhas und Bodhisattvas erwerben. Ein praktizierender Bodhisattva soll ständig beten, dass die Buddhas und Bodhisattvas immer auf dieser Welt verweilen mögen, um den Lebewesen zu helfen. Da die Buddhas und Bodhisattvas voller Verdienste sind, können wir uns an sie richten, um unseren Bodhigeist zu entwickeln.

Das zweite Gelöbnis betrifft die Zufluchtnahme zu den Drei Juwelen Zuflucht. Man soll an die Kraft der Buddhas und Bodhisattvas, an die Lehre des Buddha und an den Sangha glauben und dadurch den Bodhigeist stärken. Wir geloben allen Lebewesen zu helfen und gemeinsam die Erleuchtung zu erlangen. Wir geloben zu allen Lebewesen barmherzig zu sein, denn auch das ist ein großes Verdienst.

Das dritte Gelöbnis sagt, dass die Buddhanatur aller Lebewesen gleich ist. Jeder von uns möchte Frieden und Glück und kein Leid haben. Daher sollten wir den anderen kein Leid zufügen, denn alle besitzen die Buddhanatur. Es ist so, als ob jeder von uns ein Ackerfeld besitzt. In diesen Feldern wächst aber auch Unkraut. Wir sollten das Unkraut jäten und nicht auf das Feld anderer werfen.

Das vierte Gelöbnis besagt wir sollten unser Geist benutzen, um zu erkennen dass auch der Geist anderer Lebewesen rein ist, denn die Buddhanatur aller Lebewesen ist gleich. Der Geist jedes einzelnen mag durch die Geistesgifte befleckt sein; seine Natur bleibt aber trotzdem rein. Jeder besitzt die Fähigkeit, Buddha zu werden.

Das fünfte Gelöbnis sagt, dass ein Buddhist um das Wohl anderer Nachteile für sich akzeptieren sollte. Man sollte nicht nur an sich denken. Da viele Leute alles nur für sich denken und handeln, begegnen sie oft Schwierigkeiten.

Das sechste Gelöbnis erinnert uns daran, dass wir immer zu den Buddhas und Bodhisattvas beten sollten, damit wir die Kraft erhielten, die 6 Paramitas auszuführen, um den Lebewesen zu helfen. Bei diesem Gelöbnis knieten die Buddhisten auf und nahmen es von Seiner Heiligkeit und den Buddhas der zehn Richtungen entgegen. Wenn wir die Bodhisattva-Gelübde auf uns nehmen, gehen wir den gleichen Weg wie die Buddhas und Bodhisattvas. Wir konzentrieren unseren Geist auf unsere und die Erleuchtung anderer.

Das siebte und letzte Gelöbnis, das jeder Bodhisattva einhalten soll, ist, stets daran zu denken, die Buddhalehre zu praktizieren, um den Buddhas und Bodhisattvas nahe zu sein. Grundsätzlich sollten wir die sechs Paramitas und die vier Erfolgswege üben.

Anhand dieser sieben Gelöbnisse erkennen wir, dass ein Praktikant der Buddhalehre zuerst seinen Bodhigeist entwickeln muß, denn sonst kann man keine Verdienste erwerben. Das sind die Grundvoraussetzungen eines praktizierenden Bodhisattvas, um in das Reich der Buddhas und Bodhisattvas einzutreten. Der Bodhigeist muß größer als alle Meere, aller Berge, höher als alle 3.000 große und kleine Welten sein. Dieser Geist kann groß sein und soll in der Lage sein, das ganze All zu erfassen, aber gleichzeitig kann er auch klein wie ein Staubkorn sein und sich verwandeln, so dass man ihn mit den bloßen Augen nicht mehr erkennen kann.

Alsdann sprach Seine Heiligkeit über den 15. und letzten Abschnitt über die 6 Paramitas. Das erste Paramita ist die Gebefreudigkeit. Man soll als Buddhist seine Barmherzigkeit durch die Gebefreudigkeit ausdrücken. Man kann Geld und Sachen, oder Dharma geben. Die Gebefreudigkeit soll von Herzen kommen.

Der Spender soll sogar dem Empfänger danken. Denn wenn es ihn nicht gäbe, dann würde der Spender nicht die Möglichkeit haben, die Gebefreudigkeit auszuüben. Die Buddhas und Bodhisattvas bedauern nicht das Dasein der Lebewesen auf dieser Welt, sondern sie danken ihnen für ihr Dasein. Nur somit können Buddhas und Bodhisattvas ihre Barmherzigkeit erweisen.

Das nächste Paramita ist das Einhalten der Gebote. Die Silas sind wie die Strahlen vom Meru-Berg, wie das Wasser, das alle Unreinheiten reinigt. Die Gebote sind so wertvoll wie die Augen, die man behüten muß. Die Gebote eines Laien sind z.B. die fünf Grundgebote, die acht Athanga-Gebote, die Bodhisattva-Gebote. Die Ordensleute dagegen haben mehrere Gebote, so z.B. die Samanera-Sila, Samaneri-Sila, die Bhikkhu und Bhikkhuni-Sila. Es gibt zusätzlich Gebote für den Umgang zwischen Ordensleuten und Laien. Wenn wir die Gebote einhalten, sollten wir stets daran denken, alle unheilsamen Taten nicht entstehen zu lassen; alle verdienstvolle Taten auszuführen und nicht zuletzt sollten wir andere helfen und ihnen den Erleuchtungsweg zeigen, damit alle Lebewesen glücklich leben können.

Das nächste Paramita ist das Erdulden von allen Beleidigungen. Dieses Paramita ist eine Schutzveste. Man behält den inneren Frieden. Man soll alle Beleidigungen ohne Wut erdulden. Man soll sich anstrengen, dieses Paramita zu praktizieren und über alle Hindernisse zu steigen. Wir sollten stets an die Verdienste der Buddhas, Bodhisattvas und Patriarchen denken. Sie alle haben für die Erleuchtung der Lebewesen viel erdulden müssen, um uns auf unserem Erleuchtungspfad zu begleiten.

Rechte Anstrengung bedeutet, dass wir uns Mühe geben sollen, die Buddhalehre mit Fleiß und Gewissen und nicht nur oberflächig und schnell zu praktizieren. Viele glauben, dass man in einem Tag die Erleuchtung erlangen kann. Das ist aber falsch und eher sehr selten, denn wenn man die Buddhalehre zu praktizieren beginnt, entstehen einem etliche Hindernisse. Doch ein Praktikant der Buddhalehre soll keinen Rückzug einleiten und auch nicht denken, dass man die Erleuchtung schnell erreichen kann. Man soll sich stets kontinuierlich und fleißig anstrengen.

Seine Heiligkeit sprach auch über seine eigenen Erfahrungen. In seiner jahrelangen Praxis erfuhr er Veränderungen an Körper und Geist. Man sollte sich nicht zu sehr auf die Kraft der Buddhas und Bodhisattvas verlassen, sondern sich selber auf die eigene Kraft und Fähigkeit konzentrieren. Man sollte Ausdauer in der Praxis der Buddhalehre haben, denn nur dadurch hat man Erfolge. Um Bodhisattva zu werden, muß man 3 Asamkhya durchleben. Ein Asamkhya wird als unermeßliche Zahl definiert. Es ist eine indische Zeitfaktor. Wenn man ein Asamkhya in Zahlen ausdrücken will, muß man es eine eins gefolgt von 47 Nullen schreiben. So viele Jahre muß man gelebt und die Buddhalehre praktiziert haben, um ein Bodhisattva zu werden. Deshalb soll ein Buddhist immer die sechs Paramitas praktizieren.

Alsdann sprach Seine Heiligkeit über die Konzentration. Konzentration ist der König des Geistes. Unser Geist soll bei der Praxis der Buddhalehre fest sein wie ein Berg. Wir müssen innerlich sehr stark sein, um unseren Geist zu bändigen, damit keine unreine Gedanken entstehen können. Wie ich schon bereits in dem vergangenen Kapitel erwähnt habe, ist unser Geist wie ein Glas Wasser. Im Glas befindet sich Schmutz. Wir sollen uns so konzentrieren, dass unser Geist rein ist, so wie das Beispiel mit dem Schmutzwasser, wo der Schmutz nach unten sinkt. Wir sollen uns so konzentrieren bis der Schmutz verschwindet, sodann wird unsere wahre Buddhanatur erscheinen. Die angesammelten Unreinheiten sind immer noch in unserem Geiste und warten nur auf die richtigen Momente, unsere Konzentration zu stören. In dem Falle soll man die Technik des Vipasyana anwenden, um unreine Gedanken anzuhalten.

Wir sollten dabei aber auch unseren unruhigen Geist beobachten, um ihn zur Ruhe zu bringen. Bei der Visualisation des Shakyamuni-Buddha sollten wir stets an seine Gestalt denken. Unruhig werden wir, wenn erstens unser Geist unrein ist und zweitens, wenn er nicht wachsam ist. Wenn der Meditationsort sehr laut ist, ist es vergleichbar mit einem Dorn, der unseren Körper sticht. Während der Praxis soll man nicht an die eigenen Vorteile denken, sondern sich an die Gebote halten. Bei richtiger Praxis wird unser Geist von selbst rein und ruhig. Das ist die erste Technik, unseren Geist zu beruhigen. Wenn wir unseren Geist beeinflussen können, können wir weiter den nächst höheren Schritt gehen.

So weit unterwies Seine Heiligkeit am Vormittag des 30.10.1998 und gab dann Gelegenheit, Fragen zu stellen.

Jemand wollte wissen, was aus der tibetischen Lama-Struktur in der Zukunft werden würde. Seine Heiligkeit antwortete, dass das tibetische Volk darüber entscheiden sollte. Wenn das Volk diese Struktur weiterhin haben wolle, so würde ein neuer Dalai Lama gewählt, so wie in der katholischen Kirche, wenn ein neuer Papst gewählt wird.

Die nächste Frage war, ob es möglich wäre, dass Seine Heiligkeit als Frau wieder geboren werden könnte. Ohne zu Zögern antwortete Seine Heiligkeit: „Ja, warum nicht“. Er fügte hinzu daß, falls er als Frau wiedergeboren werden sollte, eine schöne Frau sein werde.

Alle lachten; so auch Seine Heiligkeit, der mit den Zuhörern lachte. Auf die Frage „Warum?“ antwortete Seine Heiligkeit, dass eine schöne Frau viel Gutes für die Lebewesen tun könne. Die Zuhörer waren von dem Antwort sehr angetan und es folgte großer Beifall. Das ist eine Kunst des Redners. Es gibt keine Fragen, auf die Seine Heiligkeit keine Antwort geben könnte. Es gibt jedoch Fragen, die nicht zu seinem Wissensgebiet gehören, worauf Er dann sagte: „Ich weiß es nicht“. Auch darüber lachten die Zuhörer. Ein Bodhisattva ist ehrlich und sagt nur die Wahrheit. Es gibt Leute, die nur angeben. Sie wissen es nicht, sagen aber, dass sie es auch wissen. Dabei erzählen sie dann nur Unwahrheiten.

Am Nachmittag des 30.10.1998 begann Seine Heiligkeit über das Prajnaparamita zu sprechen. Nach dem Besteigen des Sitzes belehrte er die Zuhörer: „Wenn man seinen Bodhigeist entwickelt und keine Weisheit besitzt, so kann man die Unreinheiten nicht beenden. Weisheit ist ein wichtiges Schwert, das man gebraucht, alle geistigen Unreinheiten und Leiden zu vernichten, um dadurch Weisheit zu gewinnen.

Augen, Ohren, Nasen, Zunge, Körper und Gedanken sind unsere sechs Sinne. Diese sechs Sinne werden sich verändern, wenn wir uns in Meditation vertiefen. Sie verwandeln sich zum Wissen, das wiederum zur Weisheit wird. Wir beurteilen die Dinge aufgrund der äußeren Erscheinungen. Diese Erscheinungen und Formen halten wir für wahr und existent, wobei sie in ihrer Wirklich kein Selbst haben. Durch Unwissenheit entstehen Illusionen und Träume; auch diese Unwissenheit befleckt unsere Weisheit. Deshalb kommen wir oft zu falschen Beurteilungen. Die Entscheidungen fallen wir oft zu unseren Gunsten, die auf unser Ich ausgerichtet sind. Es kommt zu Vorurteilen in jedem von uns, in jeder Gesellschaft. Es herrscht deshalb kein Frieden in den Gesellschaften und die Menschen leben nicht in Harmonie. Es gibt Liebe auf der einen Seite und Haß auf der anderen. Wir sollten die Erscheinungen aller Dinge nicht verleugnen oder sie wegjagen, sondern sie in ihrer wahren Natur erkennen. Wenn wir so weit sind, werden wir erkennen, dass alle Gefühle wie z.B. Liebe, Zuneigung, Ärger, Haß, Neid, Trauer, Freude, Wut, Hochmut, Stolz nur vorübergehende Erscheinungen des Geistes sind. Ein praktizierender Bodhisattva soll diese Wahrheiten erkennen und dadurch Weisheit erlangen. Die Menschen entwickeln durch Unwissenheit Zuneigungen zu jemandem. Durch diese Zuneigungen und Liebe wird man in den Kreislauf der Wiedergeburten hineingezogen. Es gibt zwei verschiedene Vorlieben, erstens das eigene Ich und zweitens alles, was einem gehört. Diese Vorlieben und Vorzüge entwickeln Liebe oder Haß. Wenn wir die Dinge mit Weisheit betrachten würden, würden wir erkennen, dass sie durch das Gesetz von Ursache und Wirkung entstanden sind. Die äußeren Erscheinungen sind nicht wahrhaft, denn sie unterliegen dem Gesetz des Entstehens, Existierens, Zerstörens und Vergehens.

Der Buddhismus hat vier große Schulen, die alle die Lehrmeinung vertreten, dass das Ich nicht wahrhaft ist. Es ist nur wahrhaft, weil wir es für wahrhaft halten. Bei den Schulen der Prajnaptimatra-Tradition gibt es Schulen die das Ego (Ich) für wahr aber auch Schulen, die es für nicht existent halten. Die Schulen der Madhyamikasastra-Tradition dagegen lehnen es stickt ab. Der Meister Nguyet Xung hat im Gegensatz zum Meister Buddhiruci andere Ansichten über das Ego. Er stammte aus Nord Thien Truc, kam nach Lac Duong in der Zeit von Tuyen Vu De (Nguyen-Dynastie) und hatte sehr viele buddhistische Sutren ins Chinesische übersetzt.

Aufgrund des Ego hat jede einzelne Person oder einzelne Nation ihre eigene Vorlieben und Zuneigungen. Die Mexikaner, z.B., halten ihr Land für den Mittelpunkt der Erde. Auch die Chinesen behaupten das gleiche. Die Deutschen sagen Hamburg sei der Mittelpunkt der Erde und die Franzosen behaupten Paris sei der Mittelpunkt des Universums. Das Ego soll daher noch genauer untersucht werden, um sein wahres Gesicht zu erkennen. Es gibt kein Ego außerhalb dieses Körpers. Wenn etwas wird, geht etwas anderes verloren. Nichts kann von selbst entstehen, sondern nur durch vielen Bedingungen.

Alle Sinne und Bewußtseinsebenen verändern sich unterschiedlich. Jedes Bewußtsein hat sein Ego und seine Objekte. Am wichtigsten ist das Manovijnana. Dieses Bewußtsein lehnt sich an das achte Bewußtsein, um zu existieren. Das achte Bewußtsein ist das Alaya-Vijnana, das auch eine sehr wichtige Rolle spielt. Es ist der Herr aller Lebewesen, denn es beherbergt alle Karmas. Die Karmas aus vielen unendlichen Leben werden ebenfalls hierin gelagert. Es ist wie eine Filmrolle, die alle Karmas eingespeichert hat. Sie hat die Kontrolle über die Wiedergeburt, darüber, wohin das einzelne Lebewesen noch dem Tod gelangen wird. Sie bringt uns auf der anderen Seite aber auch Weisheit. Diese Weisheit nennt man Dai Vien Canh. Dieses Bewußtsein verändert uns zu Buddha und Bodhisattvas; und auch sie führt uns auf dem Weg des Bösen. Viele meinen, dass es insgesamt nur sechs Bewußtseinsebenen gibt. Doch im mittleren Madhyamika-Sastra schreibt der Meister Nguyet Sang folgendes: Wenn es wirklich das Ego gibt, widerspricht das der Lehre des Buddhismus, denn in einer Sache existiert bereits das andere und umgekehrt.

Bezüglich der Illusionen und Träume gibt es das folgende Beispiel: In der Nacht sehen wir ein Seil und glauben, das es eine Schlange sei. Wir halten es für eine echte Schlange. Genauso halten wir die 5 Skandas für wahr und von einander unabhängig. Doch das ist falsch. Das Ego ist nur eine Bezeichnung, etwas, das von verschiedenen Bedingungen beeinflußt wird. Alles ist selbstlos und nicht wahr. Wir lehnen nicht die Existenz der Dinge ab, sondern nur das eigene Ego. Ein anderes Beispiel ist, dass man Buddha nicht in den fünf Skandas finden kann, sondern nur durch Auffassungen und Worte. Wir sollten stets wissen, dass die Erscheinung aller Dinge nicht wahrhaft ist, denn sie entsteht durch verschiedene Faktoren und Einflüsse. Deshalb haben sie auch kein Ego und sind nicht unabhängig.

Wir können diese Sache in Details untersuchen. Es gibt zwei verschiedene Betrachtungsweisen. Erstens, die Dinge sind wirklich selbst und unabhängig und ihre Erscheinung existiert nur durch bestimmte Auffassungen und Faktoren. Wenn wir alle Dinge für wahr und unabhängig halten sind sie dann wirklich existent. Doch über eines sollte man sich im Klaren sein, dass Hasen keine Hörner haben. Das aber könnte eine echte Erscheinung sein. Die Eigenschaft von Begriffen und Namen werden durch die Einflüsse und Faktoren beeinflußt. Alle Erscheinungen sind selbstlos. Aus dieser Sicht akzeptieren alle buddhistische Schulen die konditionellen Faktoren und Bedingungen. Sie sind auch der Ansicht, dass die 12 Glieder des abhängigen Entstehens konditionelle Faktoren aller Erscheinungen sind.

Zweitens, alle Dinge existieren, werden aber vom Gesetz der Ursache und Wirkung beeinflußt, so dass sie letztendlich selbstlos sind. Es gibt hier zwei extreme Ansichten, die man ablehnen muß. Erstens, das Ego existiert unabhängig und alle Erscheinungen sind nicht wahrhaft. Wenn wir uns auf eine dieser zwei Ansichten Wert festlegen, wird beides falsch. Wir sollen mit Weisheit die Dinge betrachten, um die wahre Natur zu erkennen. Die Veränderungsprozesse der Dinge durchlaufen 4 Phasen und sie sind nicht unabhängig von einander. Sie entstehen nicht einfach so, sondern werden durch die konditionellen Bedingungen beeinflußt. Der Meister Nagarjuna hat gesagt: Alle Erscheinungen kommen und gehen nicht. Sie entstehen durch die konditionellen Faktoren und Karmas. Sie verändern sich und vergehen auch eines Tages. Die Veränderungszustände der Dinge unterliegen dem Gesetz der Ursache und Wirkung. Das ist ein Prozeß, den alle Dinge und Erscheinungen durchlaufen müssen. Wer die konditionellen Faktoren und Erscheinungen versteht, der wird auch die Erscheinung aller Dinge verstehen. Wir werden dann die Wahrheit über Wahr und Nicht-Wahr erfahren. Wer dies versteht, der kann die Weisheit der Buddhas erlangen. Die Meditation hilft uns, das Gesetz von Ursache und Wirkung und die Erscheinung aller Dinge zu verstehen. Wenn jemand dieses Gesetze versteht, der wird seine sture Haltung zu Wahr oder Nicht-Wahr beenden. Wenn man die Natur des Nichts visualisiert, wird man die Eigenschaften der Dinge verstehen.

Es ist falsch, wenn wir sagen, die Dinge sind nicht wahr oder die Dinge sind wahr. Am besten ist es, wenn wir die Erscheinung der Dinge so hinnehmen wie sie sind. Wir sollen die unwahren Erscheinungen der Dinge visualisieren und diese aus unserem Geist heraus filtern. Erst dann sind wir nicht von ihnen abhängig. Der Meister Tsongkhapa hat gelehrt, dass wir diesen grundlegenden Dharmaweg praktizieren sollen, um Prajnaparamita zu erreichen.

An diesem Tag tranken alle Ordensleute, die an der Veranstaltung teilnahmen, tibetischen Tee mit Milch und alle Zuhörer machten eine 10minütige Pause. Nach der Pause begaben sie sich wieder in das große Zelt und Seine Heiligkeit antwortete auf einige Fragen, die gestellt wurden. Er beantwortete sachlich alle gestellten Fragen. Man könnte Ihn als einen Psychologen des Buddhismus begreifen, denn die Antworten, die Seine Heiligkeit an die Zuhörer weitergab, helfen ihnen die Wahrheit zu erfahren. Nach jeder Antwort folgte großer Beifall und dies bewies, dass die Zuhörer begeistert waren.

Bis heute sprach Seine Heiligkeit über 21 Abschnitte des Sutra, welches über den mittleren Weg und die Meditationspraxis handelte. Dann folgten die Abschnitte 23, 24 und 25. Alle diese Abschnitte zeigen den Praktikanten der Buddhalehre den rechten Weg. Zuerst sollte man mit der Praxis der Hinayana-Schulen beginnen, z.B. die 4 edlen Wahrheiten, den achtfachen Pfad, die 12 Glieder des abhängigen Entstehens etc. Danach kann man mit der Lehre des Mahayana fortsetzen, z.B. Prajna, Avatamsaka, Nibbana. Schließlich sollte der Praktikant einen Tantra-Meister suchen, der ihn in die vier letzten Stufen der Buddhayana einweist. Wichtig ist, dass man seine Verdienste allen Lebewesen widmet.

Am Freitagabend wurde im Hauptzelt der Film mit dem Titel „Die Salzmacher von Tibet“ gezeigt. Aus unserer Delegation nahm niemand an dieser Veranstaltung teil. Alle gingen zurück in die Wohnung, um sich auszuruhen und sich zu stärken für den nächsten Tag. Viele Besucher wurden durch den Titel neugierig gemacht, denn Tibet befindet sich auf dem Dach der Erde. Daher ist die Verbindung zum Meer sehr schwierig. Wie soll denn die Außenpolitik aussehen? Wie soll man Salz auf dem Markt bekommen? Für die Speisen braucht man aber doch Salz, denn Salz ist sehr wichtig für den Knochenaufbau. Salzmangel führt zu Körperschwäche. Ich hatte auch Gelegenheiten gehabt, tibetische Filme in deutscher Sprache in den Kinos Hannovers anzuschauen. Filme wie z.B. Little Buddha, Kundun und einige andere, deren Titel ich vergessen habe. Das sind Filme, die mit vielen Oskars ausgezeichnet wurden. Sie handeln über den Buddhismus, die Wiedergeburt, Karma und die Situation in Tibet. Die Filme dienen nicht als Propaganda. Sie wurden auch nicht aus wirtschaftlichen Gründen produziert. Die Filme dienen allgemein als sehr effektive Aufklärung. Viele Zuschauer halten die Filme für unecht, doch sie haben auch historische Bedeutung. Der Film „Little Buddha“ z.B. informiert uns über die Formalitäten der tibetischen Reinkarnation. Im Film „Kundun“ erfahren wir über das Leben der Tibeter unter der chinesischen Oberherrschaft. Wir erfahren auch über die Suche nach dem Nachfolger des verstorbenen Dalai Lamas. Wir lernen über das Leben und den gewaltlosen Kampf Seiner Heiligkeit für die Bewahrung des tibetischen Buddhismus. Durch diesen Film sehen wir auch das wahre Gesicht der Kommunisten. Wenn Sie die Bücher „My land and my people“ und „Freedom in Exile“ lesen, werden Sie alles über den tibetischen Buddhismus erfahren. Das ist eine der Möglichkeiten, die schöne Seite des Buddhismus den Menschen im Westen näher zu bringen.

Heute gibt es sehr viele Menschen im Westen, die Anhänger des Buddhismus sind, insbesondere der tibetischen Buddhismustradition. 1999 hat Herr Baumann, Dozent im religionswissenschaftlichen Fachbereich der Universität Hannover, ein kleines Buch mit dem Titel „Weltreligion-Buddhismus“ herausgegeben. Vor einigen Jahren hat er das Buch mit dem Titel „Deutsche Buddhisten“ herausgegeben, das sehr erfolgreich war. Das Buch dient als wichtige Literatur in den Universitäten, vor allem in den Fachbereichen Buddhologie und Religionswissenschaft.

Nach der Statistik des neuen Buchs von Herrn Baumann setzt sich die Zahl aller buddhistischen Zentren in Deutschland wie folgt zusammen:

- traditionsübergreifend 7%

- Theravada-Buddhismus 15,3%

- Mahayana-Buddhismus 35,6%

- Tibetischer Buddhismus 42,2%

Diese Statistik weist aus, dass der tibetische Buddhismus gegen Ende des 20. Jahrhunderts in Deutschland stark an Boden gewonnen hat. Noch in der Mitte des 20. Jahrhunderts hat der tibetische Buddhismus keinen Fuß in Deutschland gehabt und lag hinter dem Theravada-Buddhismus. Doch heute, 50 Jahre später, hat der Erleuchtungskern des tibetischen Buddhismus Blüte geschlagen.

Der sechste Tag (Samstag, 31.Oktober 1998)

Nach den Niederwerfungen vor dem Thron faltete Seine Heiligkeit die Hände zu einer Lotusblüte zusammen und lächelte jeden an. Die Menschen konnten seinen Segen spüren und waren sehr erfreut.

Heute sprach Seine Heiligkeit zu den Buddhisten, die den Bodhisattvaweg folgen wollten. Sie sollten ihren Bodhigeist entwickeln und geloben, die Buddhaschaft zu erreichen, um den Lebewesen wohltuend zu dienen. Man sollte die Bodhisattva-Gelübde einhalten und ganz stark seinen Bodhigeist entwickeln.

Es ist nicht schwer, die Bodhisattva-Gelübde zu bekommen; doch sie einzuhalten ist sehr schwer. Wenn man die Tugend eines Bodhisattvas praktiziert, sollte man auch bereit sein, alles zu opfern, selbst den eigenen Kopf, die Augen, die Ohren, die Nase etc. Die Lebewesen brauchen Hilfe von den Bodhisattvas. Sie helfen den Lebewesen solange bis es keine Leiden mehr in dieser Samsara-Welt gibt. Sie geloben, nicht Buddha zu werden, so lange bis alle Lebewesen Buddhas geworden sind. Ein Bodhisattva befolgt 10 große und 48 kleine Gebote oder 6 große und 28 kleine Gebote. Die Gebote gelten sowohl für die Ordensleute als auch für die Laien, die den Bodhisattva-Weg beschreiten.

Nach der tibetischen Tradition und der Lehrreden Seiner Heiligkeit am 31.10.1998 müssen die Buddhisten, welche die vier Arten des Tantra-Buddhismus praktizieren, die Bodhisattva-Gelübde ablegen. Diese Gebote sind im Madhyamika-Sastra vom Meister Vo Truoc enthalten. Meister Nguyet Xung hat auch die Bodhisattva-Gebote im seinem Buch „die Tugend eines Bodhisattvas“ erläutert. Im Madhyamika-Sastra lehrte Meister Santideva, dass der Bodhisattva Manjusri diese Gebote nach der Prajnaptimatra- und Madhyamikalehre aufgenommen hat. An diesem Tag lehrte Seine Heiligkeit alle Bodhisattva-Praktikanten die Methoden der Praxis von Geshe Tsongkhapa. Der Großmeister Ling Rimpoche ist der Dharmalehrer von Seiner Heiligkeit, der ihm die Bodhisattva-Gebote in Bodh-Gaya auferlegt hat. Und heute gab Seine Heiligkeit diese weiter an alle Menschen, die im Zelt anwesend waren. Nach der tibetischen Tradition hat ein Bodhisattva 18 große und 46 kleine Gebote zu befolgen. Danach begann Seine Heiligkeit mit der Zeremonie zur Stellungnahme der Hindernisse.

Die Stellungnahme zu den Hindernissen ist ein Frage und Antwort-Ritual; sie besteht aus 29 Punkten, die im Verlaufe des Rituals angesprochen werden. In der Theravada-Tradition müssen alle Ordination-Kandidaten in diesen Fragen geprüft werden. Sie unterscheidet 2 Arten von Hindernissen:

1. die Fehler, die von Natur aus entstehen und als angeboren betrachtet werden;

2. die Fehler, die von Natur aus als negativ angesehen werden. Beide Arten von Fehlern stellen Hindernisse für die Ordination dar. Derjenige Ordinationskandidat, der die Frage des Lehrmeisters mit „Ja“ beantwortet, darf zur Ordination nicht zugelassen werden. Die Punkte in der Frage-Antwort-Stellungnahme nahmen mit der Zeit stetig zu. Die Vinaya der südlichen Traditionen führt am wenigsten Punkte auf. Die Tradition der Dharmagypta und der Sautrantika führen die meisten Punkte auf. Als nächstes folgen die Kommentare des Vinaya, einem Unterverzeichnis des Dharmagypta Vinaya (siehe Seite 437). Das Gebotsbuch für die Bodhisattva-Praktikanten stellt 7 folgende Punkte als Hindernisse dar.

Der Sila-Meister fragt den Gebotsempfänger folgendes:
Frage: Habt ihr den Körper vom Buddha zum Bluten gebracht?
Antwort: Namo Buddha, nein.
Frage: Habt ihr euren Vater getötet?
Antwort: Namo Buddha, nein.
Frage: Habt ihr eure Mutter getötet?
Antwort: Namo Buddha, nein.
Frage: Habt ihr die Mönche getötet?
Antwort: Namo Buddha, nein.
Frage: Habt ihr euren Dharmalehrer getötet?
Antwort: Namo Buddha, nein.
Frage: Habt ihr den Karma-Lehrern Schaden zugefügt?
Antwort: Namo Buddha, nein.
Frage: Habt ihr die Arya-Pudgala getötet?
Antwort: Namo Buddha, nein.

Nach dem Vollzug der Bodhisattva-Gelübde breiteten die Mönche eine gelbe Decke vor dem Thron aus. Seine Heiligkeit machte auf der Decke Niederwerfungen vor den Buddhas und Boddhisattvas in allen 10 Himmelsrichtungen; jeweils drei Niederwerfungen. Danach ging Er wieder zurück zum Thron und betete zu den Buddhas und Bodhisattvas, dass sie die neuen Bodhisattva-Praktikanten segnen mögen.



Heute führte Seine Heiligkeit Zeremonien des Vajrayana aus. Rechts von ihm stand ein Tragepodest, der von vier Mönchen umgeben war. Sie waren dabei ein Avalokiteshvara-Sandmandala zu errichten, nachdem Seine Heiligkeit die Hauptlinien eingezeichnet hatte. Seine Heiligkeit lehrte, dass man die Meditationsobjekte visualisieren muß, wenn man sich tiefer mit dem Kern des Tantra-Buddhismus beschäftigen will. Die Meditationsobjekte verkörpern die Leerheit. Das besondere im Tantra-Buddhismus ist, dass man seinen Geist voll einsetzt und mit rechter Ansicht die Buddhalehre praktiziert. Von der Leerheit aus werden die Meditationsobjekte sichtbar. Durch die regelmäßige Praxis lernen wir die Natur der Leerheit kennen. Während der Praxis sollen wir stets unseren Bodhigeist entwickeln, denn dadurch kann unsere Barmherzigkeit gesteigert werden.

Seine Heiligkeit betonte, dass der Erleuchtungsgeist die Grundlage aller Dharmapraxis ist. Die Tantra-Schulen konzentrieren sich auf die drei folgenden Punkte:

1. den Erleuchtungsgeist zu entwickeln,

2. die Buddhaschaft zu erreichen und

3. dem Wohl aller Lebewesen zu dienen. Kurz zusammengefaßt heißt es, dass wir uns Mühe geben sollen, den Dharma zu studieren und zu praktizieren; als nächstes den einzigen Wunsch pflegen, Buddha zu werden und danach nicht ewig im Reinen Land zu verweilen, sondern wieder auf die Samsarawelt zu kommen, um den Lebewesen zu helfen. Das ist nämlich der Bodhisattva-Weg.

Wenn man seinen Erleuchtungsgeist entwickelt, wie soll man die Körper des Buddha visualisieren? Durch die 60 Gatha (Lobverse), die der Praktikant während seiner Praxis kennenlernt, empfindet er den Verdienst des Dharmakaya und Sambhogakaya der Buddhas.

a) Man empfindet die Weisheit der Buddhas

b) Man empfindet den Dharmakaya der Buddhas durch das Nicht-Selbst.

Die Lehre vom Dharmakaya ist sehr hoch und man braucht regelmäßige Praxis. Der Dharmakaya verwandelt sich in dem Rupakaya, um allen Lebewesen die Buddhalehre zu vermitteln. Man verschafft sich die besten Voraussetzungen für die Praxis und beseitigt alle falschen Gedanken und Unwissenheiten. Man soll verstehen, dass die Natur des Nicht-Selbst die wahre Eigenschaft aller Erscheinungen ist. Den Rupakaya kann man empfinden wenn man die Praxis der Sechs Sinne anstrebt.

Die Kombination dieser zwei Körperformen ergibt den Dharmakaya der Buddhas. Von da aus werden falsche Gedanken und Unwissenheit beendet und die Natur des Nicht-Selbst wird dann sichtbar. Unser Geist muß die Erscheinung vom Körper der Buddhas erkennen. Es funktioniert nur, wenn wir uns vom Geist der Unterscheidung trennen können und einen reinen Geist erreichen. Wenn es so weit ist, wird man auch erkennen, dass man selbst einen Buddhakörper besitzt, der durch die Weisheit sowie die Upaya (Methoden) entstanden ist.

Jedes Bija (Bodhikeim) wird zu einer Erscheinung in dieser Welt. Sie werden verschwinden und die Erscheinungen der Welt werden auch zu nichts; dann wird die Weisheit und es werden die Verdienste zunehmen. Weisheit und liebende Güte sind die zwei grundlegenden und wichtigen Visualisationsmethoden, um Sambodhi nach den Methoden der tibetischen Yogacara-Schule zu erreichen. Der grundlegende Kern des Tantrismus liegt nicht auf der Empfindung der Rupakaya der Buddhas sondern auf der Kooperation zwischen Weisheit und liebender Güte. Wenn man diese Praxismethode erfolgreich abschließt, wird dieser Körper Vajva-Körper genannt, denn er ist zeitlos unvergänglich.

Wenn der Buddhist eine Initiation erhalten will, muß er ein Mandala errichten, das aus vielen unterschiedlichen Farben besteht. Seine Heiligkeit hat es bestimmt und visualisiert, dass das Mandala der Palast des Bodhisattva Avalokiteshvara und dass er selbst auch die Verkörperung von Avalokiteshvara ist. Wir sollen visualisieren, dass der Körper vom Dalai Lama und Avalokiteshvara keine Unterschiede aufweisen.

Danach gab es eine Opfergabe-Zeremonie an Buddha, Dharma und Sangha. Die Gegenstände der Opfergaben waren Reis, Butter, Wasser, Blumen, Räucherstäbchen etc. Seine Heiligkeit begann zu chanten und alle chanteten mit. Er streute die Reiskörner und Blumen auf die Zuhörer, was eine Art Segnung sein soll. Wir sollen aus tiefsten Herzen beten, dass wir in diesem oder im nächsten Leben immer dem Wohle aller Lebewesen dienen mögen, denn nur so praktiziert man die Tugend des Bodhisattva richtig.

Man soll erkennen, dass jedes Lebewesen Gedanken und Äußerungen hat; doch das ist nicht das „Ich“, denn alle Äußerungen und Erscheinungen sind nicht wahrhaft. Man soll immer die Veränderungen der Erscheinungen visualisieren, um geistiges Glück zu empfangen. Dann wird unser Geist die Natur des Nicht-Selbst empfangen, welche der Charakter des Avalokiteshvara-Bodhisattva ist. Danach führte Seine Heiligkeit alle Leute in die Initiations-Praxis der tibetischen Buddhismustradition ein. Seine Heiligkeit erinnerte alle Buddhisten, die an der Initiationszeremonie teilnahmen, dass dies eine richtige Praxismethode ist, welche den Praktikanten sehr tief in den geistigen Bereich führt, wenn er diese zu praktizieren gelobt. Dann führte Seine Heiligkeit alle Leute in den starken Glauben dieser Praxismethode ein und auch dass sie sich einen ehrwürdigen Dharmalehrer aussuchen mögen. Als nächstes gelobten alle Leute ihren Erleuchtungsgeist zu entwickeln. Sie lasen die Gelöbnisse vor und gelobten die Bodhisattva-Gelübde einzuhalten und sie zu praktizieren. In den chinesischen und vietnamesischen Buddhismustraditionen gibt es sowohl für die Ordensleute als auch für die Laienbuddhisten, die die Bodhisattva-Gelübde empfangen, 10 große und 48 kleine Gebote. Doch zu Beginn des 20. Jahrhunderts hat der chinesische Großmeister Thai Hu das Sutra der Upasaka-Sila eingeführt, damit es die Bodhisattva-Praktikanten leichter praktizieren könnten; seitdem gibt es daneben auch noch 6 große und 28 kleine Gebote. Die Ordensleute dagegen behalten weiterhin ihre 18 großen und 46 kleinen Gebote. Es ergibt dadurch bestimmt einige Unterschiede. Ein Gebot könnte mehr Gewicht haben als das andere; doch im Grunde ist die Natur der Silas (Gelübde) unveränderbar.

Als nächstes segnete der Dharmalehrer die Gelübde-Empfänger, dass ihr Körper, ihre Sprache und ihre Gedanken gereinigt werden. Jeder von ihnen wurde somit ein neuer Behälter, der das Heilwasser zur Erleuchtung aufnimmt. Man kann visualisieren, dass sich in jedem von uns ein Vajra-See befindet, der auf einem runden Rad liegt. An unserem Hals gibt es ein rechteckiges Rad mit roter Farbe und mit einem Buchstaben A. An unserer Stirn gibt es ein achtspeichiges Rad, ein Candra-Rad und die Silbe Oum in weißer Farbe. Während Seine Heiligkeit mit Mudras die Visualisation segnete, sollten wir uns dabei denken, dass seine Hand drei Stellen unseres Körpers berührt. Wir sollten visualisieren, dass diese Segnung wie die Tropfen vom Heilwasser, unseren Geist, unsere Sprache und unsere Gedanken reinigt.

Als nächstes hob Seine Heiligkeit die Blumen hoch, um sie zu visualisieren. Während der Visualisation der Blumen und der Opfergaben an die Buddhas, wurden unsere falschen Gedanken durch die Verdienste für die Darbringung der Opfergaben aufgelöst und unser Geist veränderte sich vom unreinen zum reinen Zustand. Wir sollten visualisieren, dass alle Dinge sich verändern und nicht ewig sind. Alle Erscheinungen müssen sich verändern, weil unser Wesen nicht wahrhaft ist. Es gibt dann folglich auch kein Selbst, das in unserem Geist existiert, denn nichts gehört uns; alles sind nur Scheinexistenzen.

Bei jeder Opfergabendarbringung rezitierte Seine Heiligkeit Sutren und Mantren und segnete die Blumen, die Kerzen, die Lampen und das Öl. Das ist die höchste Opfergabe an die Buddhas und die Bodhisattvas. Alle Opfergabengegenstände haben nur eine symbolische Bedeutung; wichtiger ist die reine Tatabsicht bei der Darbringung der Opfergaben, denn nur dadurch können Verdienste entstehen.

Ein Zuhörer kam nach vorne und ließ ein Stück Holz fallen. Auch Geshe Thubten Ngawang ließ ein Stück Holz symbolisch fallen. Alle Menschen richteten ihre Gedanken an Seine Heiligkeit, um die Aufrichtigkeit für das Gebet zu erweisen. Wenn der Geist des Gelübdeempfängers rein ist, wird das Stück Holz in der richtigen Richtung liegen. Wenn sein Geist unrein ist, wird das Stück Holz seine Position ändern. Danach tropfte Seine Heiligkeit auf die Hände der Gelübdeempfänger einige Wassertropfen, die sie tranken. Das Wasser wurde zuvor von Seiner Heiligkeit gesegnet und es verkörpert die acht Verdienste, die den Körper, die Sprache und die Gedanken reinigt.

Nach der Amitabha-Tradition kommt das Heilwasser aus dem großen See im Reinen Land, im Meer des Meru-Berges und des Sieben-Goldene-Hügel-Berges. All diese Orte beherbergen das Wasser der 8 Verdienste.

Im Sutra zur Lobpreisung des Reinen Landes steht geschrieben: „Alles, was Namen hat, ist das Wasser der 8 Verdienste. Erstens, klar und rein; zweitens, frisch und angenehm; drittens, süßlich schmeckend; viertens, weich und leicht; fünftens, kühl und weich; sechstens, ruhig und ausgeglichen; siebtens, durst- und hungerstillend; achtens, nährreich für die Sinne; somit ist es die Steigerung der vier Elemente (Erde, Wasser, Wind, Feuer). (Seite 107)

Das bedeutet, dass alle Wesen im Reinen Land, im Inneren des Meru- und Sieben-Goldene-Hügel-Berges, das Verdienst haben, im dem Wasser der 8 Verdienste zu baden. Wir nahmen heute an dieser Zeremonie teil und durften auch in diesem Wasser der 8 Verdienste baden. Der Gebrauch des Wassers symbolisiert die Reinigung des Körpers, der Sprache und der Gedanken.

Alle Menschen, die das Heilwasser von Seiner Heiligkeit erhielten, waren erfreut. Sie hatten viele Gründe Freude zu haben, denn jeder von ihnen durfte im Segen eines großen Dharmalehrers baden, der von der Welt geehrt wird. Die Menschen scheinen von neuer Kraft aufgetankt worden zu sein, denn nichts ist wertvoller als der geistige Frieden. Während der sechs Tage haben die Teilnehmer der Unterweisung Seiner Heiligkeit achtsam gefolgt, viel gelernt und die Lehre des Buddha praktiziert, um den Alltag bei sich zu Hause besser gestalten zu können. Sie lebten für eine kurze Zeit in einer großen buddhistischen Familie und zeigten ihre Barmherzigkeit durch die Praxis der Buddhalehre sowie soziale Tätigkeiten. Alle richteten sich nach dem gleichen Ziel, weshalb die Atmosphäre im Zelt sehr friedlich war.

Alsdann bekam jeder 2 Grashalme mit nach Hause. Die Grashalme sahen ähnlich wie die in Vietnam aus, die in den Bergen wachsen. Man schneidet sie ab, trocknet sie, bindet sie zusammen und benutzt sie als Handbesen für Altäre oder Besen für den Boden. Die Grashalme, die jeder von Seiner Heiligkeit bekam, haben eine andere Bedeutung. Seine Heiligkeit erklärte, dass man den langen Grashalm unter den Rücken und den kurzen unter das Kopfkissen legen soll. Sollte man in der Nacht gute Träume haben, so hat man ein bißchen Erfolg in der Praxis der Buddhalehre erlangt. Die Teilnehmer schauten sich gegenseitig an und fragten sich, ob sie wohl gut träumen werden?

Als nächstes segnete Seine Heiligkeit die roten Fäden und ließ sie unter den Teilnehmer verteilen. Sie sollten diesen Faden um ihr Handgelenk binden. Sie bedeuten, dass man allen Haß und Zorn vernichten muß und sich anstrengt, die Tugend der Barmherzigkeit zu üben. Dies ist eine Möglichkeit, den Geist auf einem Ort zu richten. Es ist der feste Glaube an die Drei Juwelen, um heilvolle Verdienste zu sammeln, die Karmas abzubauen damit der Erleuchtungsgeist entwickelt werden kann.

In den südlichen Buddhismusschulen gibt es auch diesen Brauch. Die Hochehrwürden halten in ihren Händen ein Bündel Faden. Die Faden wurden aus ihren Händen weiter an die Buddhisten und Teilnehmer weitergereicht. Nachdem allen die Faden gereicht wurden und alle Leute sie angefaßt hatten, falteten die Buddhisten ihre Hände und richteten ihre Blicke nach vorne; dann begannen die Ehrwürden das Gebet. Nach dem Gebet durfte jeder ein Stück Faden mit nach Hause nehmen. Dieser Faden wird an einem Holzbalken oder um das Handgelenk der Familienangehörigen gebunden.

Zur Buddhas Lebzeit war es auch so. Nach dem Verlassen des Bodhibaumes begegneten Buddha zwei Händler aus Burma, die Zuflucht zu Buddha nehmen wollten. Sie baten Buddha um ein Erinnerungsgeschenk. Daraufhin hob Buddha seine Hand und zupfte von seinem Haar zwei Haare heraus und gab sie ihnen. Die zwei Haare bezeichnet man auch als Reliquien. Heute verehren die Burmesen diese Haare in einem Kloster mit goldenem Dach in der Hauptstadt Burmas.

Der vietnamesische Buddhismus pflegt nicht derartige Bräuche wie die tibetische Initiationszeremonie oder die Segnungszeremonie der südlichen Buddhismusschulen. Jedes Jahr, vom ersten Neujahrstag an bis zum ersten Vollmondtag des neuen Jahres, rezitieren die Ordensleute in den Klöstern und Tempeln und die Laienbuddhisten bei sich zu Hause das Medizin Buddha-Sutra. Sie zünden dabei 49 Kerzen an. Nebenbei bereiten sie viele Wasserflaschen vor, die durch die Mönche und Nonnen gesegnet werden sollen. Nach der Zeremonie können die Buddhisten das gesegnete Wasser mit nach Hause nehmen und es trinken. Das Wasser hat die Kraft, Krankheiten zu heilen.

Gegen Ende der Initiationszeremonie munterte Seine Heiligkeit die Teilnehmer auf, ihren Erleuchtungsgeist ganz stark zu entwickeln, um dadurch Verdienste für dieses und das nächste Leben zu sammeln. Seine Heiligkeit riet den Leute, ihren Geist immer an einem Dharmalehrer zu orientieren und die Natur des Nicht Selbst zum Objekt der Visualisation zu machen. Man sollte seinen Geist immer an das Gute richten, um dadurch schneller an das Erleuchtungsziel zu gelangen.

Danach gab es Mittagessen und die Teilnehmer ruhten sich kurz aus. Die vietnamesischen Ordensleute speisten zusammen mit den deutschen Mönchen und Nonnen in einem extra eingerichteten Zelt. Die Vietnamesen galten als besondere Gäste des tibetischen Zentrums in Hamburg. Ich sah auch einige Hochehrwürdige in diesem Raum mit uns zusammenspeisen. Das vegetarische Essen wurde von den Deutschen zubereitet und schmeckte daher nicht so gut gewürzt wie bei den Asiaten. Die Deutschen sind der Auffassung, dass vegetarische Kost ohne Fleisch zu essen bedeutet; man ernährt sich ausschließlich durch Gemüse; doch die Deutschen essen nicht das Tofu. In Asien wurden seit Hunderten von Jahren und heute noch Tofu aus Sojabohnen hergestellt. Sie sollen noch gesunder und nährstoffreicher als das Fleisch sein. Durch den Verzehr von Fleisch entstehen viele unheilbare Krankheiten. Vegetarische Kost ist dagegen sehr gesund. Die Ordensleute aus Vietnam, Korea, China, Taiwan, Hongkong und Singapur ernähren sich rein vegetarisch, während es dagegen in einigen südlichen Buddhismusschulen wie z.B. Tibet, Japan, Nepal, Bhutan noch Fleisch verzehrt wird. Dies hängt wahrscheinlich mit dem Klima und den Sitten und Bräuchen zusammen. Die Mönche der südlichen Buddhismusschulen essen ganz normal Fleisch, denn es gibt 3 bis 5 Fleischarten, die Ordensleute essen können, ohne unheilvolle Taten zu verursachen. Doch selbst in vielen Tempeln der südlichen Buddhismusschulen essen die Ordensleute heute auch kein Fleisch und keinen Fisch mehr.

Bei internationalen Flügen oder in öffentlichen Veranstaltungen, können wir problemlos vegetarische Kost anfordern. Überall in der Welt, wohin man auch reisen will, kann man 24 Stunden vorher vegetarische Kost bestellen. Nach europäischer Küche gibt es 16 verschiedene vegetarische Menüs; nach asiatischer Küche hingegen gibt es Hunderte von Gerichten, vor allem in Hongkong oder Taiwan. In China gibt es dagegen nicht so viele vegetarische Gerichte. Es ist für sie noch neu, denn nach jahrzehntelangem Kommunismus wissen die Chinesen nicht, was vegetarisch bedeutet! In einigen Restaurants wurden den Ordensleuten sogar Krabbeltiere und einige für die Ordensleute verbotene Kräuter, angeboten. Abgesehen in den Klöstern und Tempel essen sehr wenige Chinesen vegetarisch.

Selbst im vietnamesischen Buddhismus gibt es einige Tempel im Norden, die fleischhaltige Nahrungsmittel verzehren. Kommt das etwa daher, weil die Vietnamesen unter den Kommunisten leben. Wie es vor 1945 war, weiß ich leider nicht. Die vietnamesische Buddhisten essen mindestens zwei Tage im Monat vegetarisch (am 1. und 15. des Monats). In vielen Familien essen die Buddhisten 4, 6 bis 10 Tage vegetarisch. Es gibt Leute, die 3 Monate lang sich vegetarisch ernähren (Januar, Juli und September). Es gibt unter den Buddhisten auch viele, die ihr ganzes Leben ausschließlich vegetarisch leben. Das ist der Ausdruck der Barmherzigkeit gegenüber allen Lebewesen. Buddha hat im Nibbana-Sutra sehr genau gelehrt. Um die Buddha- und Bodhisattvaschaft zu gelangen, darf es nicht an der Tugend der Barmherzigkeit fehlen; deshalb ist der Verzehr von lebenden Lebewesen, die sich im Kreis der Wiedergeburten befinden, nicht erlaubt.

Am Nachmittag des 31. Oktober 1998, nachdem Seine Heiligkeit den Thron zuvor mit drei Niederwerfungen geehrt hatte, bestieg er den Thron und sprach über die Methode der Konzentration vom Avalokiteshvara-Bodhisattva. Diese Methode wurde vom 7. Dalai Lama verfaßt und vom jetzigen 14. Dalai Lama neu bearbeitet.

In einigen Orten wird Sambodhi oder Anuttara-Samyak-Sambodhi als Yoga definiert, wenn man die Meditation bis zum äußersten praktiziert. Im Tantrabuddhismus gibt es vier verschiedene Methoden. Die unteren drei vertreten die Erleuchtung des Buddha sowie die Basis für die Praxis der Buddhalehre bis zur vollkommenen Befreiung.

Der Meditationsanfänger beginnt mit der Beobachtung der ein- und ausströmenden Atemluft. Danach visualisiert er die Erscheinungen, ihre Entstehung und ihr Vergehen. Die Methoden der Atemzügebeobachtung und der Erscheinungsbeobachtung sind nicht identisch. Manchmal kann man auch die Atemzüge und den Blutkreislauf im Körper visualisieren. Wir sollten diese Kraft in uns aufnehmen und uns bemühen, die einzelnen Methoden bei zu praktizieren. In normalen Situationen sollte man die Buddhas vor sich visualisieren. Man kann auch visualisieren, dass man selbst ein Buddha ist. Man visualisiert diesen Buddha als sei er ein guter Dharmafreund. So wird mehr Selbstvertrauen entwickelt.

Das entscheidende Tor zum Tantrabuddhismus ist die scheinbare Existenz aller Dinge (z.B. Visualisation des eigenen Körpers als der Körper des Buddhas). Die Unterschiede hängen jedoch von den verschiedenen Initiationsformen ab. Wenn Ordensleute oder Laien initiiert werden, erreichen sie die Fähigkeit ihre Buddhanatur zu entwickeln. Der Praxismethode Avalokiteshvara-Bodhisattva nach gibt es 2 Wege. Erstens, man visualisiert, dass man wie ein Behälter ist, und zweitens, man visualisiert den höchsten Punkt auf den Kopf. Man soll visualisieren, dass man selbst der Nirmanakaya Körper wird, um den Lebewesen zu helfen und der Dharmakaya-Körper, um ein Buddha oder ein Bodhisattva zu werden und zeitlos und raumlos zu existieren.

Die Praxis des Tantrabuddhismus erfordert von den Praktikanten einige Vepflichtungen wie z.B. Patimokkha, also die Einhaltung der Ordensregeln und Bodhisattva-Gebote. Wenn man von Anuttara-Bodhi spricht, handelt es sich um Yoga, denn Yoga gehört zu den Taten. Wichtiger sind jedoch die Einhaltung der Ordensregeln und die Visualisation. Danach folgt dann Reuezeigen, um einen reinen Geist zu erzielen. Man soll die Reue-Praxis vom Großmeister Vajrasattva anwenden. Wenn man die wahre Existenz der Buddhas visualisiert, muß man die Natur der Leerheit visualisieren, d.h. die Natur der Leerheit des entsprechenden Buddha hat Selbst. In der Tantratradition gibt es zwei Praxismethoden. Erstens, bei der Visualisation könnte man auch die Mantren rezitieren oder auch nicht. Bei der Visualisationsmeditation müssen Körper und Geist rein sein. Das ist eine Visualisationsmethode durch die Töne, den Klang des Nicht-Selbst, den Geist zur Ruhe zu bringen. Alle Meditationsmethoden haben mit dem Nicht-Selbst zu tun. Es gibt auch Methoden, bei denen man die Mantren nicht zu rezitieren braucht. Doch die Visualisationsmethode, die Seine Heiligkeit heute lehrte, erfordert die Rezitation von Mantren. Bei der Meditation können wir 4 folgende Objekte visualisieren:

Erstens, die Töne. Wir beobachten die Töne von innen nach außen und visualisieren sie.

Zweitens, wir visualisieren unseren eigenen Körper als den eines Buddha oder Bodhisattva.

Drittens, wir visualisieren einen anderen Buddha oder Bodhisattva als wäre er unser Buddha. Jeder kann sich einen Buddha oder Bodhisattva aussuchen, z.B. Ksitigarbha-Bodhisattva, Manjusri, Samantabhadra oder Avalokiteshvara etc.

Viertens, bei der Meditation rezitieren wir Mantren. Diese Methode hilft dem Meditierenden seinen Geist während der Meditation rein zu halten und ihn auf die Natur der Leerheit zu konzentrieren.

Wir visualisieren, dass unsere Buddhanatur in unserem Buddha sich befindet. Diese Methode durchläuft 6 verschiedene Phasen:

1- Natur der Leerheit

2- die Töne

3- Körper und Form

4- Fünf Skandas

5- bieu luan (vietn.)

6- Mantren

Bevor man mit diese Methode anfängt, sollte man schon die Zuflucht zu den Drei Juwelen genommen haben, um Verdienste gesammelt zu haben. Man muß außerdem auch Reuezeremonien durchführen, um Körper, Sprache und Gedanken zu reinigen.

Als erstes sollten die Praktikanten sich an die Lehrmeister wenden, um deren Segen zu bekommen, denn diese Patriarchen sind die Beschützer jedes einzelnen Praktikanten auf dem Weg zur Erleuchtung. Man sollte daran glauben, dass wir selbst die Verkörperung unserer Buddhas sind. Wir sollten visualisieren, dass die Buddhas, Bodhisattvas und die Patriarchen über unseren Köpfe schweben.

Wir sollten unseren Körper und Geist rein halten. Das können wir durch das Baden, das Anziehen neuer Kleidung, das Aussuchen einen schönen Platzes für den Altar und die Meditation erreichen. Das ist sehr wichtig, denn das sind einige gute äußere Bedingungen für eine erfolgreiche Praxis. Während der Meditation soll man kein Fleisch, keine Eier und scharfe Gewürze essen, denn sie erregen unseren Geist. Es ist leichter frühmorgens die Meditation zu praktizieren, da unser Geist dann noch rein ist.

Der Meditationsort ist auch sehr wichtig, denn er ist eine gute Voraussetzung für unsere Praxis. Wir werden dabei nicht durch äußere Faktoren gestört. Der Meditationsort muß sauber und aufgeräumt sein. Man sitzt mit dem geraden Rücken auf den Sitzkissen. Vor den Augen hängt ein Bild des Buddha, den wir ausgesucht haben. Die Maße des Bildes müssen der Tradition, der wir angehören, entsprechen. Man könnte das Bild von Avalokiteshvara-Bodhisattva mit den zehntausend Augen und Händen als Visualisationsobjekt nehmen. Das Bild ist ein Visualisationsobjekt unseres Geistes. Wir sollten unseren Geist trainieren und nicht auf das Äußere konzentrieren und dabei das Innere vernachlässigen. Man braucht auch keinen schönen Altar, sondern wichtig ist nur unser Geist. Man soll den Buddhas und Bodhisattvas reine, neuen Gegenstände opfern und sie von anderen nehmen. Die Bilder haben nur eine symbolische Bedeutung. Wichtig und entscheidend ist die Visualisationskraft in unserem Geist. Man soll z.B. auch in Details, die Gegenstände in den Händen des Avalokiteshvara-Bodhisattva visualisieren, um mehr Visualisationskraft zu bekommen.

Wenn der Praktikant seinem Geist rein hält, wird auch sein Erleuchtungspfad klarer sein. Man soll Zuflucht zu den Drei Juwelen nehmen, und nach der Erleuchtung streben, um zurück zu kehren und den Lebewesen helfen zu können. Man soll wirklich aufrichtig Zuflucht zu den Drei Juwelen der Vergangenheit, der Gegenwart und der Zukunft nehmen. Wir richten uns nach dem Dharma, den der Buddha gesprochen hat und der vielen Lebewesen aus den verschiedenen Zeiten geholfen hat. Wir sollen die Gelöbnisse, unseren Erleuchtungsgeist zu entwickeln, ständig wiederholen, um jeden Tag stärkeren Glauben und mehr Kraft zu erlangen. Wir sollen die indischen und tibetischen Patriarchen visualisieren, denn sie sind unsere Initiationslehrer. Bei dieser Visualisation stellen wir uns vor, dass wir und die Patriarchen in eins zusammenschmelzen und sich wieder im Initiationslehrer auflösen. Schließlich soll nur der Initiationslehrer über unserem Kopf schweben, der uns den rechten Weg weist. Alsdann werden wir langsamen die Heil-Wassertropfen auf unserem Kopf fallen sehen, die alle Geistesgifte reinigen. Wir sollten rezitieren und uns merken, dass der Dharmalehrer sich in unserem Geiste auflöst.

Danach richten wir unsere Gebete an die Patriarchen und anschließend an unsere Meister. Wir sollten immer beten, dass unser Lehrer uns segnen mögen, so dass wir die Visualisationsmethode über unseren Buddha erfolgreich praktizieren können.

Man soll die guten Tugenden als Beispiel nehmen, um verdienstvolle Taten zu sammeln und Weisheit zu entwickeln. In der tibetischen Buddhismustradition gibt es sieben Taten, die zu Verdiensten führen. Diese sind: Niederwerfung, Opfergaben, Reuezeigen, Freude, Bitten, Widmung und Wunscherfüllung.

Als nächstes sollte man dasselbe Mantra mehrere Male wiederholen, um einen reinen Geist zu bekommen und wir sollten unsere Brahma-Vihara entwickeln und unseren Geist an den vollkommenen Bodhicitta richten. Dies ist eine der Tugend aus der Brahma-Vihara, die bei dieser Meditationsmethode nicht fehlen darf.

Wenn wir das Feld der Verdienste als Meditationsobjekt nehmen, visualisieren wir, dass es sich auflöst und mit der Natur der Leerheit eins wird. Das Feld der Verdienste der Buddhas wird sich insbesondere im Reinen Land vermischen. Reine Länder sind Reiche der Buddhas wie z.B. Amitabha oder Shakyamuni-Buddha. Die grundlegende Praxis für Ordensleute wie für Laienbuddhisten ist die Visualisation eines bestimmten Buddhas und der Natur der Leerheit. Man soll Mantren rezitieren und sich zurück zu seinem Nicht-Selbst finden. Man soll visualisieren, dass Körper, Sprache und Gedanken leer sind; alle Erscheinungen ebenso. Wir sollten einen starken Glauben an die Natur der Leerheit entwickeln und somit die Erleuchtung direkt zu erlangen.

Als nächstes sprach Seine Heiligkeit über die Wahrheit und den Nirmanakaya. Um den geistigen Bedürfnissen der Lebewesen gerecht zu werden, haben die Buddhas und Bodhisattvas viele Mittel, ihnen zu helfen. Unter verschiedenen Formen können sie die Buddhas und Bodhisattvas visualisieren und uns dabei immer bewußt sein, dass alle Erscheinungen nicht wahrhaft sind, denn sie verändern sich. Wir sollen ganz genau die Natur der Leerheit visualisieren, denn alle Erscheinungen in dieser Welt entstehen und vergehen durch konditionelle Bedingungen und Faktoren. Aus diesem Grund spielt die Leerheit eine wichtige Rolle in der Visualisation unseres Geistes. An dieser Stelle möchte ich einige Erläuterungen zu der Natur der Leerheit geben, damit Sie diese Praxis besser üben können. Die Natur der Leerheit oder Leerheit bedeutet leer, nicht wahrhaft, formlos. Alle Dinge in dieser Tribhava (dreifache Welt) sind nicht wahrhaft. Wenn man das erkennt, ist es die Leerheit. Im Sukhavati-Vyuha-Sutra steht: „Die Bodhisattva vom Reinen Land des Amitabha sehen die dreifache Welt gleich: nämlich leer.“ Im Kapitel „Schüler“ des Vimalakirtinirdesa-Sutra steht: „Letztendlich sind alle Dinge leer.“ Im zweiten Kapitel von „die Bedeutung des Mahayana“ steht: „Leer ist das Ergebnis der Gedanken; wenn die Ursache leer ist, ist auch Name und Form leer.“ Im Mahaprajnaparamitopadesa-Sastra, Teil 5 und 20, steht: Die Fünf Skandas haben kein Ich, sie gehören nicht dem Ich, das bedeutet leer. Alle Dinge entstehen durch die konditionelle Bedingungen und haben kein Selbst; wenn es kein Selbst gibt, gibt es auch die Leerheit nicht. Es gibt 9 verschiedene Arten von Leerheit. Wenn man ausführlicher über die „Leerheit“ unterrichtet werden will, muß man das Mahaprajnaparamitopadesa-Sastra oder das Maha-Nibbana lesen. Kurz gesagt, alle Dinge und Erscheinungen auf dieser Welt sind leer in ihrer wahren Existenz. Wenn wir dies visualisieren können, haben wir die Natur der Leerheit im Buddhismus verstanden. Wenn wir dann die Visualisationsmethoden praktizieren, werden wir dann zu einer Gewohnheit kommen und die verschiedenen Stufen der Erleuchtung erreichen.

Nach der Pause und dem Mittagessen kamen die Zuhörer um 15:30 Uhr zurück zum Zelt. Seine Heiligkeit beantwortete zunächst einige Fragen der Teilnehmer. Er beantwortete die Fragen sehr bescheidend und betonte, dass man Ihn nicht wie einen Buddha betrachten sollte. Er sei nur ein einfacher buddhistischer Mönch, der nach den Regeln die Buddhalehre praktiziert und auf die Fragen der Zuhörer antwortet. Viele Teilnehmer hätten doch mehr Erfahrungen über das Leben als Er selbst. Bezüglich des Ehelebens zwischen Mann und Frau, hat Buddha unsittliche Taten verboten; Buddha hat nicht das Sexualleben der Laienbuddhisten verboten. Die Buddhisten mögen dies beachten.

Jemand fragte, wie man im Eheleben die sexuelle Begierde vermeiden kann.

Seine Heiligkeit antwortete: „Der Großmeister Nagarjuna lehrte, dass man dort kratzen soll, wo es sehr juckt. Doch man soll wissen, dass der Juckreiz nie aufhört. So genau ist die sexuelle Begierde (Tanha). Es gibt keine endgültige Zufriedenheit. In den Sutren steht, dass viele Menschen durch die sexuelle Begierde keine Samen mehr haben, so dass nur Blut fließt; doch auch sie sind noch nicht zufrieden mit ihrem Sexualleben. An dieser Stelle soll erwähnt werden, dass alles durch unseren Geist entsteht. Wenn wir einen Gedanken der Begierde haben, wird dieser Gedanke immer fest entwickelt und er hat kein Ende. Wichtig ist, dass man es erkennt, dass die Begierde keine gute Tugend ist, die uns immer wieder in den Kreis der Wiedergeburten zieht. Um aus diesen Kreis zu entkommen, muß man die sexuelle Begierde vernichten. Wir müssen unseren Geist kontrollieren und Herr über ihn werden. Niemand kann unsere Begierde kontrollieren als wir es selber. Wenn man die Dinge visualisiert und ihre unwahre Existenz erkennt, so wird man die Begierde eines Tages auf natürliche Weise eindämmen können.

Danach lernten die Zuhörer weiter über die Visualisation der Töne. Das kurze Mantra „Om Mani Padme Hum“ sollen wir täglich rezitieren und die Töne aus diesem Mantra visualisieren. Dieses Mantra wird täglich von den Anhängern des Lamaismus rezitiert. Diese 6 Silben des Padmapani-Bodhisattva ermöglicht die Wiedergeburt im Reinen Land. Die Anhänger des Lamaismus verehren diesen Bodhisattva sowie viele den Amitabha-Buddha im Sukhavatti verehren, der die Menschen für ewig aus dem Kreis der Wiedergeburten befreit. Daher sowohl Ordensleute als auch Laienbuddhisten dieses Mantra eifrig rezitieren. Es ist genauso wie bei den vietnamesischen, chinesischen und japanischen Buddhisten, die an die 6 Silben des „Nam Mo A Di Da Phat“ (Namo Amitabha Buddha) glauben. Die Tibeter schreiben oft diese Silben auf einem Stofftuch. Dieses Tuch wird zusammengerollt und in einen runden Behälter getan. Diesen Behälter wird gedreht und man nennt dies eine Drehung des Dharmarades. Die Tibeter glauben, dass man durch diese Drehung aus dem Kreislauf der Wiedergeburten befreit werden kann. Das größte Dharmarad enthält über eine Milliarde Sprüche. Außerdem sind auch die Stoffahnen vor den Häusern oder am Straßenrand mit diesen 6 Silben ausgeschmückt.

In Vietnam rezitieren die Ordensleute und die Laien dieses Mantra im Anschluß an die Gebete. Außerdem enthält jede Andacht Elemente aus drei Buddhismustraditionen: Zen, Reines Land und Tantra. Für die Vietnamesen sind die Praxismethoden die Grundlagen, die schon seit Jahrtausenden praktiziert werden. In einigen Orten in der Welt werden die Schulen des Reinen Landes und des Zen deutlich getrennt. Doch im Zen verbirgt sich die Praxis der Schule des Reinen Landes und umgekehrt. Der Buddhismus ist wie eine alte Eiche, die seit vielen Tausenden von Jahren gewachsen ist. Deshalb haben sich seine Äste, Blätter, Wurzel sehr breit ausgeschlagen. Daher kann ein einziger Ast nicht alles tragen, sondern wird sich auf andere Zweige verteilen; doch man sollte verstehen, dass kleinere Äste oder Zweige auch ein Teil vom großen Baum sind. Es gibt nichts zu fragen.

Wir sollen die Eigenschaft unseres Körpers visualisieren, die nichts anders ist als unser Geist. Wir sollten diese Gedanken im Uhrzeigersinn laufen lassen. Aus dem All erscheint eine Lotusblume mit Tausend Blumenblättern. Auf der Lotusblume verkündete Amitabha-Buddha die Buddhalehre. Seine Körper waren voller Austrahlung. Danach erscheint Avalokiteshvara-Bodhisattva. Wenn wir diese Bilder lange in unserem Geist visualisieren können, ist es ein gutes Zeichen für unseren Praxiserfolg. Anschließend visualisieren wir, dass wir selbst auf dieser Lotusblume stehen und uns in Avalokiteshvara-Bodhisattva verwandeln.

Alle diese Praxismethoden ermöglichen uns eine starke Konzentrationskraft zu erzielen. Wir sollten die Buddhas visualisieren und sie in uns selbst vorstellen. Wir sind die Verkörperung der Buddhas und Bodhisattvas und sie sind unser Körper. Bei der Visualisation der Buddhas und Bodhisattvas werden, sie erscheinen und die fünf Skandas werden rein. Das Ego (Selbst) wird vernichtet. Bei dieser Visualisationsmethode falten wir unsere Hände zusammen und öffnen sie wie eine aufblühende Lotusblume. Danach rezitieren wir das Mantra: „Om Mani Padme Hum“ oder „Om Padma Duddhavage Svaha“. Fünf Buddhas werden erscheinen, um uns zu initiieren und wir werden zu Avalokiteshvara-Bodhisattva. Wir werden dann unsere Lobpreisung als Opfergaben an die Buddhas und Bodhisattvas darbringen. Dabei sollen wir 108 mal das Mahakaruna- Dharani und das Mantra „Om Mani Padme Hum“ lesen, um eins zu werden mit unserem Buddha.

Diese Praxis ist für kurze Dauer gedacht. Wenn man diese Methode für längere Zeit praktizieren will, so sollte man anstatt 108 Mal 10.000 oder 100.000 Mal das Mahakaruna-Dharani lesen. Das ist ein großes Verdienst, das jeder Praktikant sich aneignen sollte. Manche Leute kommen zu der folgenden Praxis. Wenn ein Mantra weniger als 15 Silben hat, so rezitiert man es 100.000 mal. Wenn es unter 6 Silben hat, rezitiert man es 600.000 Male. Bei über 15 Silben rezitiert man folglich 10.000 mal. Es gibt viele Rezitationsmethoden: ohne Töne zu erzeugen, die Luft bei der „me“-Silbe anhalten, um den Geist zu konzentrieren und den Gedankensprung zu stoppen oder den Atem für eine kurze Dauer anzuhalten, und danach wieder fortzusetzen. Diese Methode helfen uns unsere falsche Gedanke zu vermindern.

Am Abend des 31. Oktober 1998 fand im großen Zelt einen Filmabend über tibetische Heilverfahren statt. Man benutzt dort vorwiegend Gras, Baumwurzel und Wasser, um Heilmittel herzustellen. Bei der Heilung mit diesen Naturprodukten gibt es keine Nebenwirkungen wie bei den modernen Arzneimitteln. Deshalb haben sich seit langem schon die Mediziner aus dem Westen für die tibetische Medizin interessiert. Wir wollen daraus neue Erkenntnisse für die Heilung schwerer Krankheiten erzielen. An diesem Abend nahm ich nicht daran teil, weil es draußen sehr dunkel war und ich mich für den letzten Tag ausruhen wollte. Wir gingen deshalb früh zu Bett.

In Vietnam nimmt man drei verschiedene Medizinen: Medizin aus dem Norden, Medizin aus dem Süden, und Medizin aus dem Westen. Nord-Medizin bezeichnet alle Medikamente, die von Chinesen hergestellt sind. Die Medikamente sind aus Naturprodukten, wie Gräser und Baumwurzeln hergestellt. Sie werden auch zu Tabletten verarbeitet, um besser schlucken zu können.

Süd-Medizin wird von Vietnamesen hergestellt. Auch diese Medikamente sind reine Naturprodukte aus dem Süden, die es im Norden nicht gibt. Diese Medikamente verursachen auch keine Nebenwirkungen. Nach 1975 haben die buddhistischen Mönche ihre Klöster zu Krankenhäusern umfunktioniert und die armen Patienten mit diesen Medikamenten geheilt. Der größte Teil dieser Medikamente wurden aus Bäumen des Waldes verschiedener Art hergestellt. Sie werden miteinander vermischt und verarbeitet. Und so entstehen verschiedene Natur-Medikamente.

West-Medizin bezeichnen die Vietnamesen die Medikamente, die in den westlichen Ländern hergestellt und nach Vietnam importiert werden. Diese Medikamente gibt es seit Beginn des 18. Jahrhunderts in Vietnam. Vor dieser Zeit haben die Vietnamesen hauptsächlich nur Nord- und Südmedizin genommen, sowie die Tibeter, die bis heute nur ihre Naturmedikamente bevorzugen.

Der siebte Tag (Sonntag, 1. November 1998)

Heute ist der letzte Tag des 7-tägigen Dharmakurses. Das Tagesprogramm begann um 9 Uhr und endete um 12 Uhr nachmittag. Danach kehrten die Teilnehmer zu sich nach Hause zurück und fanden es schade, dass der Dharmakurs schon zu Ende war.

Nach den Niederwerfungen vor dem Dharmathron bestieg Seine Heiligkeit den Podest und begrüßte alle Leute mit einem Lächeln. Die Teilnehmer waren sehr angetan und ehrten seine Barmherzigkeit und Güte. Seine Heiligkeit wiederholte die Methode der Verehrung Avalokiteshvara Bodhisattvas, die er seit einigen Tag gelehrt hatte. Er erinnerte auch daran, dass man seinen Erleuchtungsgeist entwickeln muß. Er faßte kurz das Madhyamika-Sastra zusammen. Er erinnerte sich an die Beziehung zu seinem Lehrmeister Ling Rimpoche. Danach begann Seine Heiligkeit mit der kurzen Zeremonie und segnete die Teilnehmer. Er sagte zu ihnen, sie sollten ihn als die Inkarnation des Avalokiteshvara-Bodhisattva visualisieren. Dann führte Er sie in die Mandalas ein.

An dieser Stelle möchte ich einige Erläuterungen zu den Mandalas geben. Mandala kommt aus den Sanskrit und wird unterschiedlich übersetzt. Er wird als „Kreis, Bogen, Abschnitt“ übersetzt. Es ist die symbolische Darstellung der kosmischen Kräfte in zwei- oder dreidimensionaler Form. Die Bedeutung des Mandala im tibetischen Buddhismus kommt von dem tibetischen Wort dkyl-khor, was soviel wie „Zentrum und Peripherie“ heißt. Das Mandala wird also verstanden als eine durch Meditation bewirkte Zusammenführung zahlreicher unterschiedlicher Elemente zu einer Einheit. Im zweiten Buch der Erläuterung der Geheimlehre steht: „Mandala bedeutet ein Ort von Heiligen, die sich versammeln“. Alle Erscheinungen der Buddhas, Körper, Sprache, Gegenstände oder auch Gelübde werden als Mandala bezeichnet. Das Mandala wird mit Tinte auf das Papier gemalt oder aus buntem Sand gemacht. Es gibt vier verschiedene Arten von Mandalas im tantrischen Buddhismus. Die tibetischen Mandalas, die von den tibetischen Mönchen während der Dharmaveranstaltung hergestellt wurden, bestanden aus buntem Sand, der mühevoll gestreut wurde. Der bunte Sand wurde auf die Zeichnung auf einem Holzbrett gestreut. Das Mandala symbolisiert den wunderschönen Palast des Avalokiteshvara-Bodhisattva. Doch am Ende der Veranstaltung wird das Mandala durch eine Zeremonie wieder zerstört. Das soll die Vergänglichkeit aller Dinge verdeutlichen. Die Arbeit und der Aufwand waren groß. Doch alles kehrt zu seinem Ursprung zurück. Dies besagt uns, dass nichts auf dieser Welt ewig ist.

Wir sollen Seine Heiligkeit und Avalokiteshvara Bodhisattva als eine Person visualisieren und jeder von uns soll sein schönstes Mandala opfern. Wir sollen unseren Erleuchtungsgeist ganz stark entwickeln für das Wohl aller Lebewesen, die alle die Buddhaschaft erreichen mögen.

Die tantrische Lehre wird nur an diejenigen mit festem Glauben weitergegeben. Deshalb, je stärker der Glaube und die Erfahrung ist, desto größer ist die Bedeutung für die Praxis. Wir sollen unsere Augen bedecken und Blumen als Opfergabe an die Bodhisattvas darbringen. Danach soll jeder visualisieren, dass Avalokiteshvara über unseren Köpfen in weiß und roter Kehle, blauem Geist und Amata-Mudra schwebt. Als nächstes nimmt der Praktikant die Bodhisattva-Gelübde entgegen und visualisiert, dass sich vor seinen Augen die Buddhas und Bodhisattvas mit großer Barmherzigkeit auf den Lotusblumen verweilend befinden. Sie haben zugunsten der Lebewesen die Gelübde abgelegt, um Buddha zu werden und auch wir geloben die Buddhaschaft zu erreichen oder Bodhisattva zu werden, um den Lebewesen nach der Lehre der sechs Paramitas zu helfen.

Seine Heiligkeit hat den Leuten ihre Bodhisattva-Gelübde gleich danach übertragen. Nach der tibetischen Tradition gibt es für die Ordensleute und Laien 18 große und 46 kleine Bodhisattva-Gelübde. Wenn man gegen die kleinen Gebote verstößt, kann man durch Reue-Zeremonien sein Karma wieder reinigen. Danach knieten alle diejenigen, die die Gelübde erhalten haben, nieder und lasen laut die vier folgenden Gelöbnisse.

1. Ich gelobe der unendlichen Zahl von Lebewesen zu helfen.

2. Ich gelobe die unendlichen Unreinheiten zu beenden.

3. Ich gelobe die unendlichen Praxiswege zu studieren.

4. Ich gelobe die Buddhaschaft zu erlangen.

Wir geloben unseren Erleuchtungsgeist von heute bis zur Erlangung der Buddhaschaft zu entwickeln. Wir geloben den Lebewesen keinen Schade zuzufügen. Wir geloben allen Lebewesen zu helfen.

Es gibt bezüglich der Visualisierung viele Wege. Einer dieser Wege ist, den runden Mond mit seinen hellen Schein zu visualisieren und vor allem muß man großen Wert auf die Ich-Losigkeit legen, denn sie ist der Schlüsselpunkt für die Visualisierung und durch sie versteht man die Natur des Alls. Man kann auch seinen Silalehrer visualisieren. Man kann auch visualisieren, dass Seine Heiligkeit große Barmherzigkeit besitzt und auch die Buddhaschaft zu erreichen gelobt. Durch seinen Geist wird auch unser Geist gestärkt und wir können auch die Buddhaschaft erlangen. Alle rezitierten anschließend ein Mantra.

Seine Heiligkeit zeigte allen, dass wir uns gerade im Osten des Mandalas befinden. Daraufhin falteten alle die Hände und hoben sie über den Kopf und bewegten sie langsam zum Hals und schließlich zur Brust. Sie lasen alle gemeinsam ein Sutra, um Segen zu erhalten. Wir müssen visualisieren, dass um uns viele Buddhas im Osten des Mandalas versammelt sind. Jeder muß visualisieren, dass jeder von uns die Buddhanatur besitzt und diese uns die Buddhaschaft ermöglicht. Wir werden von Buddha ein starkes Gefühl entwickeln, wenn unser Geist rein ist. Wenn wir während der Visualisation Farben erkennen, bedeutet dies, dass wir uns auf dem richtigen Weg befinden. Wir sollen dabei visualisieren, dass wir um das Mandala gehend meditieren. Dort regnete es von oben viele Blumen hernieder. Und während wir gehend meditierten, visualisierten wir, dass unser Körper und Geist sich im Inneren des Mandalas befänden und dass unser Körper, Mund und Gedanken völlig rein wären.

Als nächstes brachte ein Stellvertreter für alle anwesende Ordensleute Blumen als Opfergaben dar. Der Hochehrwürdige Rimpoche ließ die Blumen genau auf das Zentrum das Mandalas fallen. Alsdann ging ein Vertreter für alle Laienbuddhisten zum Mandala hin und ließ auch Blumen herunterfallen. Beim ersten Mal fielen die Blumen außerhalb des Mandala und beim zweiten Male klappte es dann. Seine Heiligkeit wies die Buddhisten weiter ein und sagte zu ihnen, dass alle einen Namen haben, der Vajra-Dharma heißt. Die Leute nahmen die ausgetrockneten Blumen und legten sie über die Stirn. Es ist das Symbol, dass man großen Segen von einem Lehrmeister bekommen hat.

Wir sollten dann weiter visualisieren, dass unser Geist, unser Scheitel und zwei Augen hell strahlten. Danach könnten wir die einzelnen Details des Mandala erkennen. (Die Leute erhielten ein rotes Tuch und man band es um die Augen). Das Zentrum des Mandalas wird von einer Feuermauer, mit Türen umgeben. Dort sind weitere Buddhas anwesend, auch Mahavairocanna Bodhisattva. In der Mitte befindet sich der Avalokiteshvara Bodhisattva mit elf Gesichtern und tausend Augen und Händen auf einer Lotusblüte. Wir können visualisieren, dass unser Geist sich auch im Osten befindet. Wir visualisieren, dass wir vom Avalokiteshvara Bodhisattva das Amata-Heilwasser bekommen, um unseren Körper, Mund, Gedanken und die 5 Skandas zu reinigen. Seine Heiligkeit segnete das Heilwasser. Die Buddhisten visualisierten, dass das Heilwasser bis zu ihrem Kopf hochstiege und sich zu einem Hut von fünf Himmelsrichtungen verwandelte. In jeder der Himmelsrichtungen verweilte ein Buddha.

Sodann fixierten wir diesen Hut. Wir visualisierten, dass wir genügend Verdienste hätten und die Fähigkeit besäßen, uns in Buddhas zu verwandeln. Wir visualisierten die Empfindung und den Verstand über die Ich-Losigkeit (Nicht-Selbst). Wir visualisierten, dass von diesem Hut aus das Heilwasser herabströmte und sich in die Gestalt des Avalokiteshvara verwandelte. Diese Gestalt harmonisierte sich mit unserem Geist und jeder von uns sollte für sich selbst geloben die Worte aus unserem Munde zu kontrollieren. Wir visualisierten, dass während der Rezitation der Mantren aus dem Geist Seiner Heiligkeit die Mantren durch seinen Mund in unseren Geist eindrangen. Seine Heiligkeit rezitierte das Herz-Sutra auf Tibetisch. Danach brachte Er die Sutren, Vinaya und Sastren als Opfergabe an die Buddhas, auch die zwei Ahnentafeln mit der Abbildung des Avalokiteshvara-Bodhisattva.

Seine Heiligkeit erinnerte die Buddhisten daran, ihre Barmherzigkeit zu entwickeln und allen Lebewesen Liebe zu erweisen. Alle sollten für sich selbst beten, die Erleuchtung zu erreichen und danach auf diese Welt zurückzukehren und den Lebewesen zu helfen.

Seine Heiligkeit richtete ihren Dank an alle Teilnehmer und diejenigen die sich für ein freies Tibet einsetzten. Seine Heiligkeit vergaß auch nicht, den Vertretern der verschiedenen Religionen für ihre Teilnahme an dieser 7-tägigen Dharmaveranstaltung zu danken. Es kam ununterbrochen großer Beifall. Das bewies, dass Seine Heiligkeit das Herz vieler Menschen für sich gewonnen hatte und viele Europäer zum Buddhismus gekommen waren.

Die tibetischen Lamas haben anschließend eine Zeremonie durchgeführt, die Seiner Heiligkeit Langlebigkeit wünschte. Seine Heiligkeit wurde in diesem Jahr älter als 60 Jahre. Daher ist eine solche Zeremonie sehr wichtig, um einen Buddha oder einen Bodhisattva zu bitten, länger auf dieser Welt verweilen, damit er den Menschen den rechten Weg weise. Da die Menschen immer noch leiden, ist die Gegenwart Seiner Heiligkeit in dieser Welt sehr wichtig. Die Ordensleute bekamen jeder ein kleines Geschenk aus der Hand Seiner Heiligkeit. Das waren Süßigkeiten, die auf tibetische Art gemacht waren. Das Geschenk war mit rotem Faden gebunden und symbolisiert Glückseligkeit und Verdienste. Alle haben das kleine Geschenk erhalten. Das war ein unverkäufliches Geschenk und alle waren dieser Meinung.

Nach der Langlebigkeit-Zeremonie, bedankte sich Seine Heiligkeit noch einmal und stieg dann vom Thron herab. Er ging zu den Gästen in der ersten Reihe und gab ihnen die Hand. Als Er mich näherte, streckte Er seine Hand aus und sagte: „Thank you, Thank you!“. Ich sagte auch einige Sätze, um seine Worte zu erwidern. Ich erinnerte Seine Heiligkeit an den Besuch im Kloster Vien Giac in 1995. Erneut lächelte er mich an mit den Worten „Thank you, Thank you“.

Seine Heiligkeit ist ein lebender Buddha, ein Bodhisattva. Doch er ist sehr natürlich und ärgert sich über niemanden. Er haßt auch niemanden und klagt auch nicht über das Schicksal des tibetischen Volkes; Er ist umgekehrt immer tolerant zu den Chinesen. Er verkörpert die Barmherzigkeit und Wohlfahrt für alle Lebewesen. Seine Barmherzigkeit ist allgegenwärtig; Er ist wirklich die Inkarnation des Avalokiteshvara-Bodhisattva.

Am 18. Juni 1995 empfing ich Seine Heiligkeit vor dem Drei-Flügel-Tor des Klosters Vien Giac. Er bückte sich tief und berührte seinen Kopf mit meinem. Er unterscheidet nicht zwischen den Rassen, Sprachen, Gesellschaftsschichten. Und heute schüttelte Er meine Hände mit den Worten „Thank You“ und bückte sich. Ich war mir sehr bewußt, dass ich die große Ehre hatte, dem lebenden Buddha zu begegnen. Ich muß mich noch mehr anstrengen, um meine Buddhanatur in mir sichtbar zu machen.

Bei dieser Dharmaveranstaltung wurde mir vom Organisationskomitee ein Platz in der ersten Reihe neben dem Geshe Thubten Ngawang zugewiesen, und zwar direkt gegenüber Seiner Heiligkeit. Das war eine große Ehre. Denn es waren 10.000 Teilnehmer und ich dürfte sieben Tage lang Seiner Heiligkeit so nahe sein. Wahrscheinlich hat das Organisationskomitee gedacht, ich sei ein besonderer ausländischer Gast des buddhistischen Zentrums in Hamburg, weil ich genauso viele Ordinationsjahre wie der Geshe hinter mir habe, d.h. mehr als 35 Jahre. Die meisten der deutschen und ausländischen Ordensleute sind noch nicht so lange im Kloster; falls doch dann höchsten 20 Jahre, denn der Buddhismus in Deutschland hat sich erst in den 80er Jahren entwickelt. In den vergangenen 20 Jahren hat sich der Buddhismus in diesem Land sehr positiv und schnell entwickelt. Wie es in der Zukunft aussieht, kann niemand sagen. Doch die geistigen Türen für Deutsche sind geöffnet; der Wind von Weisheit und Barmherzigkeit des Buddhismus wird stark einströmen. Sicherlich wird das deutsche Volk davon profitieren und nicht allergisch sein. Der Grund ist einfach, denn der geistige Nährstoff, den der Buddhismus dem deutschen Volk sowie andere westlichen Völkern zu geben hat, hat sich als ein gutes Medikament zur Heilung vieler geistigen Krankheiten in den letzten 25 Jahrhunderten erwiesen.

Die Ordensleute umrundeten die kleine Pagode, in der das Mandala von vier tibetischen Mönchen in drei mühevoller Arbeitstagen fertig gestellt worden war. Viele Leute hatten das Mandala mit Niederwerfungen gerehrt und Photos gemacht. Da ich in der ersten Reihe saß, mußte ich nicht lange warten, um mir das Mandala anzuschauen und es verehren zu können. Viele Buddhisten dagegen mußten sich in lange Schlangen aufstellen. Einige mußten länger als zwei Stunden warten und kamen immer noch nicht an die Reihe.

Der Glaube des Menschen ist wirklich groß und nichts kann ihn erschüttern. Wenn sie erkennen, dass bloßes Wissen im Leben nicht alles ist, machen viele sich auf die Suche nach einer höheren geistigen Zufriedenheit. Es ist jetzt genau der richtige Zeitpunkt, an der geistigen Tür zu klopfen, um die Sehnsucht nach innerer Zufriedenheit zu stillen. Der Buddhismus in Europa und Nordamerika hat sich nun zur vollen Blüte entwickelt. Niemand kann sich vorstellen wie mühsam es für die Europäer im 16. und 17. Jahrhundert war nach Asien und Afrika zu kommen, um viele Länder zu ihrer Kolonie zu machen. Stattdessen haben die Asiaten, oder richtiger gesagt, der Geist des Buddhismus in den westlichen Gesellschaften integriert ohne Expeditionstruppen zu gebrauchen, wie vor 300-400 Jahren. Man braucht lediglich nur ein warmes Herz, einen Geist voller Barmherzigkeit und Weisheit, dann folgen auch schon die Menschen.

Der Buddhismus ist keine missionierende Religion wie einige andere. Wenn jemand zum Buddhismus kommen will, muß er es von sich aus tun und schauen, ob er für ihn das richtige ist. Niemand zwingt ihn dazu, denn was nützt ihm das, wenn er nicht von seiner Religion überzeugt ist.

Die Medien machten ununterbrochen Fernseh- und Tonaufnahmen sowie Interviews mit Seiner Heiligkeit. Seine Heiligkeit behielt stets sein Lachen. Es ist nicht leicht so ein gelassenes Lächeln zu haben. Dann verschwand das Lächeln Seiner Heiligkeit langsam hinter den farbigen Autoscheiben. Lange danach wollten die Leute ihren Platz immer noch nicht verlassen, sondern schauten in die Ferne, als ob sie nach etwas suchen wollten, das ihr Herz erwärmte. Viele wollten gar nicht nach Hause, obwohl sie am nächsten Tag schon wieder arbeiten mußten.

Am Nachmittag des 1. Novembers 1998 gab es eine Zeremonie zur Löschung des Mandalas. Doch unsere Delegation hatte bereits nach dem Mittagessen die Koffer gepackt und war mit dem Bus zurück nach Hannover gefahren. Viele Teilnehmer blieben zurück, um als Zeuge der Löschung des Mandalas beizuwohnen. Das wunderschöne Mandala entstand nach vieler mühevoller Arbeit. Doch nur innerhalb weniger Sekunden war es zerstört und sollte die Vergänglichkeit aller Dinge auf dieser Welt vergegenwärtigen. Nichts ist ewig, weder Schönheit, noch der Körper noch das ganze Universum. So ist das Gesetz der Vergänglichkeit.

Nach einer Woche Lamrim, kehrte unsere Delegation zurück nach Hannover, um die Arbeit dort wieder aufzunehmen. In Schneverdingen hatten wir unseren Frieden gefunden und man fühlte sich, als ob man in einer ganz anderen Welt gelebt hätte. Obwohl während der 7 Tage große Stürme aufkamen, waren alle Teilnehmer sehr glücklich. Obwohl man nach einer Woche noch nicht endgültig erleuchtet wurde und sein Nicht-Selbst noch nicht gefunden hatte und sich noch nicht vom Netz der drei Geistesgifte befreit hatte, waren sich die Teilnehmer dessen bewußt und zufrieden ein bißchen von der wundervollen Buddhalehre mit nach Hause nehmen zu können. Sie mußten nun ihr Alltagsleben wieder fortsetzen, ein Leben voller Fallen und Versuchungen.

Als wir das Kloster erreichten, sah das Pagodengrundstück aus wie ein Schlachtfeld. Es lagen überall kaputte und unbrauchbare Sachen herum, verdorbene Lebensmittel, alles was sich im Keller des Osthauses befand. Das Wasser hat alle Kellerräume überflutet. Einige Buddhisten hatten geholfen, die Sachen nach draußen zu bringen. Der Strom und die Heizung funktionierten seit einigen Tagen wieder. Wenigstens wurde es wieder warm. Was wäre passiert, wenn das nicht der Fall gewesen wäre? Ich war nicht traurig, aber auch nicht erfreut, denn ich weiß, dass alles den konditionellen Bedingungen unterliegt. Es ist etwas, was man nicht beschreiben kann. Auch wenn man alles vorher planen würde, würde es auch nicht zum Erfolg kommen, wenn die konditionellen Bedingungen nicht vorhanden sind.

Was ist das Leben? Wer kann es wirklich verstehen? Was macht man, um auf diese Welt geboren zu werden? Wohin führt das Leben? Das sind Fragen, die sich selbst keine Antwort geben. Jeder einzelne, jedes Individuum hat sein eigenes Bewußtsein und seine eigene Verpflichtung mit sich selbst, um eine Antwort zu finden. Erde, Wasser, Wind und Feuer sind die vier Primärelemente. Sie entstehen und vergehen durch die konditionellen Bedingungen. Die Dinge entstehen, existieren, verändern und vergehen. Nichts ist ewig. Wenn man dieses Gesetz versteht, hat man einen friedvollen Geist. Geld, Ruhm und Macht haben keine Bedeutung auf dieser unwahren Samsarawelt. Wenn wir von anderen verspottet, mißachtet, schlecht behandelt werden, sollten wir alles als eine Prüfung unseres Geistes, unseres Ich, betrachten. Wir sollten das alles als unwahr erkennen. Ich strebe danach dies zu visualisieren. Wenn man den Bodhisattvaweg geht, muß man sich selbst geloben: „Sei ein Fluß und trage alle Reinheiten und Unreinheiten des Lebens fort und sei die Erde und fang alle Reinheiten und Unreinheiten des Lebens auf.“ Alles entsteht durch das Element Erde, und alles geht zurück zur Erde, um sich mit dem unendlichen All zu vereinen.

Diese Erde, diese Welt entstand zuerst durch das Element Feuer, gefolgt vom Element Luft (Wind), Wasser und schließlich Erde. Alles vermischt sich und geht eines Tages auch auseinander; alles ist von einander abhängig, um zu bestehen und zu vergehen. Ich bin mir dieses Gesetzes ganz bewußt und erledige gelassen eine Arbeit nach der anderen. Als die Buddhisten vom Ortsverein Hannover und die Mitglieder der buddhistischen Jugendorganisation von der Überflutung der Keller erfuhren, kamen sie in die Pagode, um beim Aufräumen zu helfen. Es dauerte 5 Tage, bis der Keller ausgeräumt war. Man könnte dies als eine große Reinigungsaktion bezeichnen, denn in den Kellerräumen wurde seit 1991 nicht aufgeräumt und es lagerten sehr viele unbrauchbare Sachen herum. Der gesamte Schaden (Strom, Gas, Wasser, Heizung, Telefonverbindungen) bezifferte sich auf 100.000 DM. Doch bis heute (August 1999), d.h. mehr als ein Jahr später, hat die Versicherung immer noch nichts von sich hören lassen. Versicherungen sind sehr schnell, Geld vom Kunden zu kassieren. Doch wenn es um Schadenersatzzahlung geht, sind sie auf einmal sehr langsam und lassen sich viel Zeit. Warum ist das so? Mögen bitte die Herren Vertreter der Versicherungen mir eine Antwort geben. Wenn die Versicherungen das Vertrauen der Kunden haben wollen, müssen sie solche Probleme schneller und effektiver lösen können. Wenn die Versicherungen nur Gewinne für sich und Verluste für die Kunden haben wollen, wozu werden sie dann gegründet? Etwa nur um Gewinne zu machen? Oder Vorteile auf beiden Seiten zu erzielen? Ich bin kein Kaufmann und auch kein Wirtschaftsexperte; doch aus subjektiver Sicht, sollte denn nicht alles so sein, um von der Koexistenz in dieser Gesellschaft zu sprechen?

Nun ist alles vorbei. Der Keller ist längst aufgeräumt. Alles kehrt zu der alten Gewohnheit. Es gibt sehr viele neue Arbeiten; alte Probleme sollte man vergessen, um mehr Zeit für neue Ideen zu haben. Ich bin der Ansicht, was kommen muß, wird kommen; das alte sollte man gehen lassen. Kommen und Gehen sind die normalen Zustände im Leben. Es gibt dazu nichts zu begreifen, nichts was man sich später bereuen könnte, und nichts worüber man besorgt sein müßte.

Mein Arbeitstag dauert in der Regel 8 bis 12 Stunden. Davon verbringe ich 4 Stunden mit der Praxis der Buddhalehre. Diese 4 Stunden sind völlig rein und beruhigend für meinen Geist. In dieser Zeit werde ich von niemandem gestört, keine Telefonklingel, niemand, der mich aufsucht und um etwas bittet. Ich kann mich auf die Praxis der Buddhalehre und auf mein Inneres konzentrieren. Außer diesen 4 Stunden habe ich 2 Stunden für das Bücherlesen, 2 Stunden für das Schreiben und das Selbststudium. Das sind genau 8 Arbeitsstunden am Tag. Außer diesen 8 Stunden muß ich viel Zeit verbringen mit dem Beantworten der Telefonate, dem Empfang der Gäste, der Zeitungslektüre, dem Briefe lesen und beantworten, mit den Behördenangelegenheiten, mit der Koordination der Arbeiten im Kloster, mit dem Unterricht der Ordensschüler. Für alle diese Arbeiten brauche ich je nach Lage der Dinge nochmals 2 bis 4 Stunden. Insgesamt sind es also 10 bis 12 Stunden am Tag, die ich für die Praxis der Buddhalehre und die anderen Arbeiten aufbringe. Und so vergehen die Tage, Monate und Jahre, und das schon seit 1977.

Während der Klausurzeit habe ich mehr Zeit für die Praxis der Buddhalehre als in den anderen 9 Monaten. Dies heißt aber noch lange nicht, dass ich weniger Kontakte zu Buddhisten habe. Überall, wo ich hingehe und hinkomme, sehe ich nichts als 4 Wände und Laienbuddhisten. Ich bin oft im Auto und in Zügen unterwegs und habe so gut wie keine Freizeit für mich. Wohin ich auch komme, meistens kann ich nur einige Sehenswürdigkeiten besuchen. Ich glaube, dass ich das so weiter machen muß, bis zum Jahre 2002, dem Jahr des 25jährigen Jubiläums meines Aufenthaltes in Deutschland. Ich werde dann die Arbeiten auf meine Ordensschüler übertragen und verteilen. Im Jahre 2003 werde ich eine 25jährige Jubiläumsfeier für die Kloster-Pagode organisieren. Bis dahin werde ich den neuen Abt bestimmen, der für die Zukunft des vietnamesischen Buddhismus in Deutschland verantwortlich sein wird. Von 2004 an werde ich nur noch eine beratende Funktion übernehmen. Dann werde ich viel Zeit für die Schulung meines Geistes haben und mich auf das Studium des chinesischen und japanischen Tripitaka, die jeweils mehr als 500.000 Buchseiten umfassen, konzentrieren.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 9 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Đức Phật và chúng đệ tử


Giải thích Kinh Địa Tạng


Ai vào địa ngục


Phật pháp ứng dụng

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.216.167.229 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (161 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...