Hãy sống tốt bất cứ khi nào có thể, và điều đó ai cũng làm được cả.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Nụ cười biểu lộ niềm vui, và niềm vui là dấu hiệu tồn tại tích cực của cuộc sống.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Phán đoán chính xác có được từ kinh nghiệm, nhưng kinh nghiệm thường có được từ phán đoán sai lầm. (Good judgment comes from experience, and often experience comes from bad judgment. )Rita Mae Brown
Điều quan trọng không phải là bạn nhìn vào những gì, mà là bạn thấy được những gì. (It's not what you look at that matters, it's what you see.)Henry David Thoreau
Học vấn của một người là những gì còn lại sau khi đã quên đi những gì được học ở trường lớp. (Education is what remains after one has forgotten what one has learned in school.)Albert Einstein
Để đạt được thành công, trước hết chúng ta phải tin chắc là mình làm được. (In order to succeed, we must first believe that we can.)Nikos Kazantzakis
Chưa từng có ai trở nên nghèo khó vì cho đi những gì mình có. (No-one has ever become poor by giving.)Anne Frank
Hạnh phúc và sự thỏa mãn của con người cần phải phát xuất từ chính mình. Sẽ là một sai lầm nếu ta mong mỏi sự thỏa mãn cuối cùng đến từ tiền bạc hoặc máy điện toán.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Nếu người nói nhiều kinh, không hành trì, phóng dật; như kẻ chăn bò người, không phần Sa-môn hạnh.Kinh Pháp cú (Kệ số 19)
Chúng ta nhất thiết phải làm cho thế giới này trở nên trung thực trước khi có thể dạy dỗ con cháu ta rằng trung thực là đức tính tốt nhất. (We must make the world honest before we can honestly say to our children that honesty is the best policy. )Walter Besant

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Chớ quên mình là nước »» Bà Ny-lông, Ông Mủ nhựa »»

Chớ quên mình là nước
»» Bà Ny-lông, Ông Mủ nhựa

Donate

(Lượt xem: 3.558)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Chớ quên mình là nước - Bà Ny-lông, Ông Mủ nhựa

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc

SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Thế gian họ nói không lầm
Lụa tuy vóc trắng, vụng cầm cũng đen
(Ca dao)

[ 1 ]
Có một thời như thế

Xe dừng lại ở một quán ven đường để tài xế và người hướng dẫn ăn sáng và nghỉ ngơi chút. Từ lúc sáng sớm tinh sương hôm nay chúng tôi đã khởi hành ở Bodh Gaya đi Ragir thăm Linh Thứu Sơn.

Tôi muốn ngồi vào bàn ăn để góp mặt cho vui. Vói tay lấy chiếc bình thủy đựng trà trong ba lô ra rồi lục mấy trái táo đã rửa sạch từ hôm trước, tôi ngồi ăn chung với họ. Thật sự, tôi rất ngại nước ở những quán bên đường này. Không cẩn thận có thể cái bụng mình sẽ làm nũng vì chưa quen phong thổ và có thể làm trở ngại các chương trình dự định.

Hai người bạn Ấn Độ ngồi ăn ngon lành. Tôi đảo mắt tò mò nhìn quanh, thấy một người đàn bà ngồi trên đất trước cửa tiệm bán các vật lỉnh kỉnh. Nhìn kỹ vào thúng hàng hóa mới nhận ra đây là các chiếc tách nhỏ làm thô sơ bằng đất sét để uống mà trước đây mấy chục năm tôi đã từng thấy. Ngày ấy trên các chuyến xe lửa ở Ấn, nếu hành khách đặt nước trà, họ sẽ mang đến những chiếc tách bằng đất sét như thế này. Khách uống xong là mở cửa sổ ném những chiếc tách xuống đường rầy dọc đường. Tách bằng đất sét này sẽ vỡ ra và biến thành bụi hay mảnh sành đất nhỏ, sẽ tự hủy ngay chỉ trong một thời gian rất ngắn. Đó là chuyện của những năm 90, thuộc thế kỷ trước. Thế kỷ 21 tôi không thấy những chiếc tách đất sét ấy nữa, mãi đến hôm gặp lại ở vùng quê này. Bây giờ họ - kể cả ở Ấn Độ - đã thay thế bằng những cái ly mủ, mà những chiếc ly mủ tiện dụng này không dễ dàng cho quá trình tái chế. Bệnh văn minh!

Vấn đề đồ nhựa không phải chỉ có ở Ấn Độ. Toàn thế giới hằng năm đã có 300 triệu tấn đồ mủ nhựa, ny-lông hằng năm và chỉ 20% con số 300 triệu tấn này được đưa vào quá trình tái chế. 80% còn lại biến thành rác phế thải mà đa phần những rác này trôi dạt vào biển. (Số liệu dựa theo Tuần báo Die Zeit, số 23, 30.05.2018).

Tai họa!

Tôi may mắn từng sống trong những ngày chưa (hay rất ít) có sự hiện diện của ny-lông, plastic. Chợ làng Xuyên Mỹ (ở làng tôi gọi là Chợ Đình, vì chợ nhóm kế Đình làng) buôn bán các món hàng, từ nắm xôi, cái bánh cho đến con cá, bó rau… đều gói bằng lá chuối. Sang hơn chút thì gói bằng lá sen sẽ bền hơn. Cũng có vài loại lá gì đó nữa nhưng tôi không nhớ rõ lắm. Tuy nhiên, phổ biến nhất vẫn là lá chuối, kể cả lá khô và lá tươi. Lá chuối ở quê, nhà nào cũng có, khỏi cần đi mua. Mấy loại “bao bì” này khi mang về đến nhà, ném ngoài vườn rồi chỉ vài tuần sau là biến thành phân cho các cây cỏ khác, nuôi dưỡng thế hệ mới, xây dựng cầu tuần hoàn cho vũ trụ.

Sau này “ông mủ nhựa” xuất hiện, “bà ny-lông” ra đời, rồi hai kẻ ấy gặp nhau như một mối lương duyên tiền định. Họ cần cù làm việc nên dần dần thay thế mọi phương tiện bao bì khác, chiếm lĩnh mọi thị trường. Tôi còn nhớ rất rõ ngày bà nội tôi sai cô út đi mua mấy cái ca mủ để múc nước trong lu đựng nước, thay cho mấy cái gáo múc bằng nửa trái dừa dễ bể, lũ trẻ chúng tôi vui sướng không biết chừng nào. Ca mủ, đường kính rộng bằng cả gang tay người lớn, khi tắm múc nước xối lên người rồi cứ ném vào lu mà không sợ bể, không sợ chìm xuống. Tay cầm rất chắc chắn và vừa tay, múc cả lít nước mà con nít cũng có thể cầm tỉnh bơ. Rồi nhiều vật dụng khác bằng mủ nhựa hay ny-lông dần dần xuất hiện. Cái áo mưa, cái cặp đi học, cái gọt bút chì (trước đó phải nhờ người lớn dùng dao để gọt)... cái nào cũng tiện dụng và được hoan ngênh.

Nói vậy có nghĩa là tôi không thù đồ mủ nhựa, không ghét bịch ny-lông. Hơn ai hết, tôi biết rõ sự cần thiết không thể chối bỏ của mủ nhựa hay ny-lông trong đời sống hằng ngày. Nơi tôi đang làm việc, những dụng cụ y khoa được sát trùng rồi gói trong các túi ny-lông. Việc ấy tối cần thiết cho các ca mổ hay để khám, chữa trị bệnh nhân, tránh nhiễm trùng. Rồi bao nhiêu máy móc, từ lớn đến nhỏ đều có ít nhất 50-70 % plastic. Kể cả chiếc xe buýt mỗi ngày chở tôi đi làm, cái máy computer tôi sử dụng… cho đến bàn chải đánh răng, đôi dép, không chỗ nào vắng bóng mủ nhựa, ny-lông. Nhưng xin hiểu cho: nó không phải là tất cả. Tuy em ny-lông đa dụng và xinh đẹp má đỏ môi hồng nhưng em không phải là tất cả vũ trụ của tôi. Như một con dao bén, khi người có đạo đức sử dụng thì sẽ hữu ích, anh đầu bếp dùng nó để cắt gọt, nhưng kẻ sát nhân sẽ dùng nó làm vũ khí.

[ 2 ]
Bước chân một trái dưa leo

Bây giờ tôi xin mời anh chị cùng tôi đi vào siêu thị xem cách người ta bọc những rau củ với bọc ny-lông. Chỉ xin nêu lên một ví dụ nhỏ mà chắc chắn mọi người trong chúng ta ai cũng từng thấy: trái dưa leo. Vì các lý do như vận chuyển, giữ cho tươi… người ta đã gói trái dưa leo kín mít bằng các tấm ny-lông mỏng dính. Gói một cách vô lý. Hay đúng hơn, có lý nhưng là cái lý phiến diện cho việc sử dụng trước mắt, lâu dài thì hỏng việc. Giấy ny-lông giá rẻ mạt nên người ta đã lạm dụng nó như thế.

Trái dưa leo đang được bình chọn là Rau quả của năm 2019 và năm 2020. Dưa leo có tên khoa học là cucumis sativus, là loại rau quả có lâu đời nhất trên hành tinh của chúng ta. Nó nằm trong gia đình với loại trái bí và mướp. Người ta đã chứng minh được rằng dưa leo đã có mặt trên 3.000 năm trước đây ở Ấn Độ. Bây giờ, dưa leo được trồng khắp nơi. Những nơi do khí hậu không thích hợp thì người ta trồng nó trong nhà kiếng. Tuy vậy, ở trú xứ Đức của tôi, gần 90% số dưa leo nằm trên các kệ hàng ở siêu thị là nhập cảng từ Tây Ban Nha hay Hòa Lan. Vấn đề bắt đầu từ đó.

Trái dưa leo tuy có nhiều loại, nhiều hình dáng nhưng phổ biến nhất bây giờ là có hình dài, trung bình dài 34 cm, cân nặng 450 gram và chứa khoảng 97% lượng nước trong nó.

Trong quá trình vận chuyển, người ta gói trái dưa leo vào giấy bóng ny-lông. Đây là loại polyethylen, gọi tắt là PE. Giấy PE có đặc tính là uốn dẻo được dễ dàng theo mọi hình thể, chắc chắn, có thể giúp giữ độ ẩm rau quả và không cho những chất dầu mỡ, axit thấm vào. Quan trọng nhất, nó rất rẻ. Mỗi trái dưa leo có độ dài nêu trên cần tổng cộng 430 cm2 giấy gói PE và lượng PE này cân nặng chỉ 4 gram. Thông thường người ta có thể giữ trái dưa leo tươi trong vòng 14 ngày nếu nhiệt độ nhà kho là 12 độ C. Nhưng khi bao bọc bằng giấy PE thì có thể giữ lâu hơn. Điều này khá hữu ích cho quá trình vận chuyển. Trớ trêu là những trái dưa leo loại thiên nhiên (bio) thì đều gói bằng loại giấy này vì nó đắt tiền hơn, lúc bị hư hại thì tốn kém hơn. Và cũng vì một lý do thực tế khác, rất tức cười, nó giúp các nhân viên ở quầy tính tiền dễ nhận diện nó, tính đúng giá để chủ khỏi bị thất thoát tài chánh.

Vấn đề bây giờ là: 4 gram giấy ny-lông PE ấy sẽ về đâu sau khi sử dụng xong? Về lý thuyết, giấy PE sẽ được tái chế (recycle) để sử dụng lại 100%.

Ở Đức, đa số người dân rất ý thức trong việc chia loại rác, những loại rác mủ nhựa, túi ny lông đều được bỏ riêng vào loại túi màu vàng và cứ 2 tuần có xe rác đến gom những túi màu vàng này đi. Thế nhưng thực tế có khác đôi chút. Những mảnh giấy PE nào nhỏ hơn tờ giấy DINA4 thì các hãng recyler không nhận, hoặc nhận nhưng loại bỏ ra. PE sẽ chui vào loại rác thường.

Và như ta biết, không phải tất cả rác đều được đốt đi mà các nước Tây phương “bán” sang các nước Á Châu (vừa qua là Trung Quốc, Việt Nam. Nam Dương v.v.) hay các nước châu Phi. Chính quyền các nước này không xử lý đúng mức, do tốn kém, nên cho các tư nhân thầu lại. Tư nhân gom thành các tụ điểm rác hoặc phân phối… đi đâu đó. Cuối cùng rác nằm ở các bờ sông. Sông nước ngây thơ và vô tình giúp họ giấu nhanh rác vào lòng nước và mang ra biển. Từ đầu năm 2018, Trung Quốc đã không “mua” rác nữa. Tiếp đó, chính quyền Phi Luật Tân đã gởi trả rác lại cho Gia Nã Đại vì trong rác mủ có trộn lẫn quá nhiều giấy cũ cũng như tả dơ của trẻ em và phụ nữ. Vấn đề rác mủ nhựa đang là vấn đề nóng bỏng của những tháng ngày hôm nay. Không biết rồi sẽ giải quyết ra sao.

Đó là con đường dài của cuộc đời một trái dưa leo và y phục bất đắc dĩ của nó. Tôi biết chắc, trái dưa leo đâu có muốn bị bó chặt trong đống áo quần ngộp thở như vậy. Tôi hay anh chị khi mua trái dưa leo về ăn cũng đâu muốn phải mất công cắt bỏ lớp giấy PE phủ ngoài đó. Chúng ta chỉ muốn ăn trái dưa leo tươi thôi. Người bán muốn phục vụ chúng ta nên đã nghĩ ra những biện pháp, vô tình lại đi phá hoại thiên nhiên.

Đây chỉ là một ví dụ nhỏ trong hàng vạn ví dụ trong cuộc sống thường nhật của chúng ta. Tôi tin rằng dù ở Đức, ở Pháp, ở Mỹ hay ở Việt Nam cũng vậy thôi. Chính chúng ta là những động lực khởi nguồn cho các tai nạn đó. Tổ chức “Plastic Oceans” đã ghi nhận trong một cuốn phim tài liệu rằng, khi mổ bụng một con chim biển đã bị chết họ tìm thấy trong bụng của chim 234 vật nhỏ bằng mủ nhựa đủ loại, cân nặng 7 kg. Trọng lượng này nặng hơn nhiều lần so với trọng lượng của chính nó. Để dễ hình dung, họ so sánh với con số 12 chiếc bánh Pizza. Ai trong chúng ta từng ăn một lúc 2 chiếc bánh Pizza chưa? Chỉ cần ăn 2 chiếc bánh là đã no cành hông, huống chi đem 12 chiếc bánh Pizza nhét trong bao tử một con chim biển.

Nhiều khi nghĩ lại, biết chừng đâu trong số 234 vật thể ấy có những vật mà tôi, mà chúng ta, đã từng ném vào thùng rác?

Hiện nay mỗi năm có khoảng 8 tấn rác mủ nhựa ny-lông đổ vào biển. Để dễ hình dung, các cơ quan nghiên cứu đưa ra hình ảnh: Cứ mỗi phút, chúng ta cho đổ một xe vận tải chở rác vào lòng đại dương. Con số này do Tổ Chức Bảo Vệ Môi Trường Ocean Conservancy chiết tính. Họ cũng báo động cho chúng ta biết rằng, với đà này thì đến năm 2050 số lượng mủ nhựa ny-lông ở đại dương sẽ nhiều hơn số tôm cá sống trong đó. Cộng đồng Âu châu cũng ra đạo luật, bắt đầu từ năm 2021 sẽ cấm sử dụng ly, đĩa, muỗng, nĩa nhựa.

Bây giờ thì ta đã biết chính xác rằng: rác ny-lông ở biển xuất phất từ các dòng sông di chuyển đến. Cuối năm 2017 Trung Tâm Nghiên Cứu Helmholtz (Đức) đã theo dõi và quan sát mức độ dơ bẩn của các dòng sông rồi xếp loại như sau. Dơ bẩn đứng đầu là sông Dương Tử (Jangtsekiang) của Trung Quốc. Con sông dài nhất của châu Phi là sông Nils đứng hàng thứ năm. Trong hồ nước Victoria ở Trung Phi người ta thấy lượng rác nhựa, ny-lông trôi như những hòn đảo. Những túi nhựa bám vào các đầm lầy dọc bờ biển, trong khi các đầm lầy này trước đây chính là các nhà máy xử lý nước thiên nhiên, giờ đây đã biến thành bãi rác (!).

Bắt đầu từ tháng 8 năm 2017, chính phủ nước Cộng Hòa Kenia (Đông Phi, 50 triệu dân) công bố lệnh cấm bao ny-lông: cấm sản xuất, nhập cảng, buôn bán và sử dụng. Ai vi phạm sẽ bị phạt tù 4 năm hay bị phạt số tiền lên đến 32.000 Euro. Tác động lớn nhất để dẫn đến quyết định này là người ta đã tìm thấy trong nhiều lò thịt, ngay cả trong bao tử của các con bò cũng có nhiều túi ny-lông trong đó. Xin lặp lại, trong bụng của các con bò bị làm thịt!

[ 3 ]
Thêm chuyện chú cá voi

Tôi còn nhớ rất rõ, ở Việt Nam mình người vùng biển rất kính trọng gọi cá voi là ÔNG. Có thời – và ngay bây giờ ở một số vùng ngư dân – sự kính trọng ấy vẫn còn. Vì sao?

Tôi xin kể lại một câu chuyện hãi hùng từng trải nghiệm.

Một chiếc thuyền con 16 mét chở 56 người từ buổi chiều đã chết máy. Chết máy vì cánh quạt bị quấn nhiều chướng ngại vật bằng vải nên không quay được nữa. Mấy người tài công đã lặn xuống và cố gỡ hết ra để sửa máy nhưng vô hiệu. Sắp tối, cơn bão cấp 7 lại ùa đến. Tàu không máy cứ lăn qua trở lại trong suốt bảy, tám tiếng đồng hồ. Cảnh tượng hãi hùng ấy đúng như câu thơ của Tản Đà: “Cơn giông biển lớn mái chèo thuyền nan.”

Lúc ấy có một người phát hiện mạn hông bên trái của tàu bị vỡ một mảnh, mới đầu bằng hai chiếc đĩa lớn, sau càng lúc càng lớn hơn. Thuyền trưởng ra lệnh tất cả cánh đàn ông thay phiên nhau tát nước. Cứ tốp 5,6 người, dùng gàu múc nước bên dưới, chuyền tay nhau qua cầu thang đưa lên phía trên và đổ ra biển rồi chuyền gàu xuống dưới. Liên tục chừng 3 chiếc gàu như thế. Sức người có hạn, giữa lúc lạnh và đói, chừng vài giờ là cả nhóm đã cạn sức, chỉ tát cầm chừng. Bất lực! Bó tay thua cuộc. Giao phó sinh mạng mình cho số mệnh.

Khi con người bất lực giữa biển cả, khi những nỗi sợ hãi đã hằn sâu trên khuôn mặt, phản chiếu qua ánh mắt, cuộn tròn lẫn trên những sợi gân xanh… thì người ta chỉ còn biết cầu nguyện. Đàn ông, đàn bà, con nít, mỗi người cầu nguyện mỗi kiểu. Ai theo tôn giáo nào thì cầu nguyện theo đức tin ấy. Cái mà ai cũng cảm thấy nhưng chưa dám nghĩ đến là… cái chết. Nhưng cái chết ấy mơ hồ đã rất cận kề.

Ngay trong giây phút tuyệt vọng ấy, tự nhiên chiếc thuyền bỗng cựa mình nằm thẳng trở lại và rẽ sóng nước chạy bon bon hướng bờ. Mọi người đều ngạc nhiên không tin vào mắt mình khi nhìn kỹ về phía mạn thuyền bị vỡ trước đây thì trông thấy một con cá voi đã áp sát mình vào thuyền và ra sức bơi, đẩy chiếc thuyền đã bị hư đi.

Đó là câu chuyện của chính tôi. Tôi đã một lần sống trong tình cảnh ấy. Từng bá vai, rồi sau đó tạm biệt với thần chết quay về cõi dương thế. Sau này cũng nghe, đọc nhiều chuyện tương tự như thế nữa. Có người còn kể, chính mắt họ thấy cá voi ép mình vào mảnh thuyền vỡ với nhiều dăm bào sắc cạnh làm chảy máu thân cá, vậy mà nó vẫn cắn răng chịu đựng đẩy thuyền đi đến nơi an toàn.

Dân mình, nhất là các làng chài ven biển rất kính trọng cá voi và gọi là Ông. Cá voi chết thì gọi là “lụy” và chôn cất cẩn thận, sau đó lập đền thờ. Hiện nay vẫn còn rất nhiều nơi ở các vùng Duyên Hải có những đền thờ như vậy. Điển hình là các đền thờ ở Sóc Trăng, Cà Mau, Phú Yên, Quảng Ngãi v.v... Nói chung, hầu hết vùng duyên hải nơi nào cũng có có điện thờ Ông, dù lớn hay nhỏ. Hằng năm các nơi có Lễ Hội Nghinh Ông, có nơi sau khi cúng tế còn có phần ca hát văn nghệ hay thể thao như đá bóng, kéo co...

Như vậy cá voi, nhìn về phương diện đời sống thường nhật là con vật hay đi cứu nạn nhân trong biển cả, về mặt tín ngưỡng dân gian là hộ thần cho ngư dân trong các cuộc hải hành. Vậy mà loài cá này bây giờ đang bị báo động sẽ tuyệt chủng. Tuy đã có đạo luật quốc tế cấm hẳn việc săn bắn cá voi từ năm 1986, nhưng hiện nay vẫn còn có những cuộc săn cá lén lút của người Nhật, người Iceland và Na Uy để ăn thịt. Bên cạnh đó, trong những năm qua ở nhiều vùng duyên hải ở Á Châu và Úc Châu người ta tìm thấy xác chết nhiều cá voi tấp vào bờ. Năm rồi ở Phi Luật Tân, một nhóm bác sĩ thú y đã mổ bụng một con cá voi trôi dạt vào đấy và tìm thấy trong bụng nó có chứa 8 kg các loại túi ny-lông (tương đương số lượng 80 túi) và một số vật dụng bằng mủ nhựa khác. Con số này càng ngày càng nhiều, tìm thấy rải rác khắp nơi. Ny-lông, mủ nhựa trôi bềnh bồng ngập biển, cá voi cứ lầm tưởng thức ăn của chúng nên nuốt vào bụng. Những loại này không tiêu hóa được nên những vị ân nhân của chúng ta phải chết vì đói.

Xin phép dành vài dòng viết thêm về tính chất đặc biệt của loài cá này.

Cá voi có nhiều giống loại, người ta gọi là “họ cá voi”, gồm các loại cá voi xanh, cá voi vây, cá voi xám, cá voi trắng, cá voi lưng gù... Có thể loài cá voi xanh là loài thường giúp đỡ người bị nạn trên biển. Cá voi xanh có thể lớn dài đến 33 mét, nặng 200 tấn. Con cá voi xanh lớn nhất đến giờ con người biết được nặng tương đương 45 con voi, tức 2.500 con người chúng ta. Hai đặc tính thú vị ở cá voi xanh là:

- Cá voi xanh là một nghệ sĩ lãng tử giữa lòng đại dương vì nó biết hát. Nó có thể phát ra âm thanh siêu trầm ở tần số 14 Hz. Người ta có thể thu thanh tiếng hát của cá voi xanh qua sóng biển.

- Cá voi xanh có trái tim rất lớn. Không phải chỉ trái tim thương cứu người quảng đại mà chính là trái tim thật, trái tim vật lý. Trái tim đó có thể cân nặng đến 1 tấn (tức 1.000 ký lô!)

[ 4 ]
Vậy bây giờ phải làm sao?

Nếu ai đó nói, tôi sẽ tổ chức lại cuộc sống vắng mặt hẳn cặp “bà Ny-lông, ông Mủ nhựa” thì đó là nói chuyện hão huyền. Nói vậy cũng không khác chi nói, tôi chán ngán quá nên muốn lìa bỏ loài người ra đảo hoang sống như Robinson. Nhưng ngược lại, cứ tiếp tục xả rác bừa bãi hại người hại vật như thời gian mấy mươi năm qua là việc làm thiếu trách nhiệm đối với thế hệ tương lai, với con cháu của chúng ta.

Nhiều tổ chức thiện nguyện bảo vệ môi trường đã đưa ra nhiều đề nghị sử dụng túi ny-lông, hàng mủ nhựa… sao cho an toàn cho môi trường. Tự mỗi người trong chúng ta nên suy nghĩ cách nào giảm thiểu số rác ny-lông, mủ nhựa do mình tạo ra theo điều kiện sống trong từng quốc gia. Có những việc không tránh được thì mình nên xài những loại có thể tái chế được, dù có mắc tiền hơn đôi chút. Bằng không, thì không dùng. Ví dụ, một ly cà phê “to go” đựng trong ly nhựa có thể không cần thiết. Còn nếu cần thiết thì không xài nắp đậy nhựa, ống hút nhựa v.v... Việc ấy tế nhị và uyển chuyển, tùy hoàn cảnh và nhu cầu mỗi người.

Tóm lại, nếu ta đem lòng trách vợ chồng nhà “Ny-lông Mủ nhựa” là oan ức cho họ. Đúng ra họ có công hơn có tội. Bà Ny-lông và ông Mủ nhựa đã mang lại cho chúng ta bao nhiêu là tiện lợi. Bây giờ không có vật gì chung quanh chúng ta mà không có mặt hai ông bà đó. Thậm chí tượng Phật, tượng Chúa cũng đã làm bằng mủ nhựa nữa là. Điều tra án mạng giết người, cảnh sát đến thì quy tội cho tên sát nhân chứ ai quy tội cho con dao, cho dù cái cán dao vẫn còn thấm máu. Tay của tên sát nhân thì tuy trơn tru nhưng cũng phải chịu tội. Ta nên tự trách ta đã sử dụng bừa bãi ny-lông, mủ nhựa.

Bây giờ muốn dọn dẹp cho sạch hết đống rác ấy không phải là việc dễ. Và ngay cả khi, giả sử đã dọn sạch rác ny-lông và mủ nhựa trong lòng biển, ta vẫn còn phải gánh chịu tai họa từ một loại rác bắt nguồn từ đó trong vòng vài trăm năm nữa. Đó là loại rác mang tên microplastic – hạt vi nhựa do từ mủ nhựa (plastic) sanh ra. Chuyên viên về Môi trường học nổi tiếng, Giáo sư Mojib Latif (Helmholtz Zentrum, Đức) từng nói rằng: Ngay cả khi chúng ta bằng cặp mắt thường không nhận diện được, những miroplastic vẫn còn tồn tại hàng trăm năm sau dưới biển.

Tay đã một lần nhúng chàm khó lòng có thể rửa sạch ngay được. Nhưng không phải như thế là ta thả tay buông xuôi. Hãy tỉnh lại. Con dao lầm lỡ sát nhân vẫn có thể sử dụng hữu hiệu nếu đem cắt bụi gai vướng chân bên đường, hay có thể giúp làm việc nội trợ. Vấn đề ý thức không xả rác ny-lông, mủ nhựa bừa bãi bây giờ không chỉ là vấn đề nhận thức mà là vấn đề luân lý, đạo đức và trách nhiệm. Thật vô cùng mâu thuẫn khi chúng ta cứ rao giảng thương yêu, từ bi bác ái rồi sau đó cùng ngồi vào bàn ăn thản nhiên xài các dụng cụ mủ nhựa khi ăn uống rồi vứt bỏ chúng.

Xin cùng nhau đọc lời dạy trí tuệ này của một đạo sư, Ngài Đạt Lai Lạt Ma thứ 14. Ngài đã nói những lời này với các bạn trẻ trên toàn thế giới như sau:

Thời điểm của lòng từ bi đã đến - Tại sao? Bởi vì lòng từ bi là cốt lõi của tất cả. Người ta thường xem nó là một lý tưởng cao quý hay một cảm tính tuyệt đẹp, điều này là một sai lầm. Các bạn lớn lên trong một xã hội tôn thờ vật chất và chủ nghĩa cá nhân, do đó lòng từ bi có thể đối với các bạn cũng chỉ là dấu hiệu của sự yếu đuối. Đấy là vì không ý thức được lòng từ bi giữ một vai trò trội hơn tất cả các thứ khác, đó chính là năng lượng chuyển tải sự sống. Thật vậy trong khi tôi đưa ra các lời kêu gọi này thì sự sống cũng đang ngã gục trên Địa cầu. Hai phần ba các loài sinh vật có xương sống đã bị tuyệt chủng. Khắp nơi, từ đồng ruộng, đại dương, không trung cho đến rừng rậm, sinh vật ngày càng thưa hiếm dần. Sau sự diệt chủng của các giống khủng long cách nay 66 triệu năm thì sự tận diệt hàng loạt lần này đang cho thấy những hậu quả vô cùng trầm trọng đối với hệ thống môi sinh và cả các xã hội con người của chúng ta. Nguyên nhân trực tiếp của sự tuyệt chủng đó là sự sinh hoạt của con người, mà chính sự sinh hoạt này lại còn được gia tăng thêm bởi kỹ nghệ. Quả đã đến lúc mà lòng từ bi phải giúp chúng ta xét lại cung cách hiện hữu của mình trên Địa cầu này hầu tái lập lại sự sống.

Xin cùng nhau bắt tay ngay cứu hành tinh của chúng ta, trước khi nỗ lực đi chiếm hữu Sao Hỏa hay Cung Trăng. Với lòng tham và tâm bất thiện thì dù con người có sở hữu mười Sao Hỏa, trăm Cung Trăng cũng không thấy đủ. Rồi rác cũng sẽ tràn ngập ở bên đó.

Mà đúng vậy, không phải nói chơi, NASA đã xác nhận, ngay bây giờ cũng đã thấy plastic trên Sao Hỏa rồi đó. Thật hết ý!


    « Xem chương trước «      « Sách này có 19 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Ai vào địa ngục


Vua Là Phật, Phật Là Vua


Vì sao tôi khổ


Hương lúa chùa quê - Phần 2: Hồi ký của Hòa thượng Thích Như Điển

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.145.105.116 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (29 lượt xem) - ... ...