Bằng bạo lực, bạn có thể giải quyết được một vấn đề, nhưng đồng thời bạn đang gieo các hạt giống bạo lực khác.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Nên biết rằng tâm nóng giận còn hơn cả lửa dữ, phải thường phòng hộ không để cho nhập vào. Giặc cướp công đức không gì hơn tâm nóng giận.Kinh Lời dạy cuối cùng
Hãy sống tốt bất cứ khi nào có thể, và điều đó ai cũng làm được cả.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Thiên tài là khả năng hiện thực hóa những điều bạn nghĩ. (Genius is the ability to put into effect what is on your mind. )F. Scott Fitzgerald
Lo lắng không xua tan bất ổn của ngày mai nhưng hủy hoại bình an trong hiện tại. (Worrying doesn’t take away tomorrow’s trouble, it takes away today’s peace.)Unknown
Cuộc sống xem như chấm dứt vào ngày mà chúng ta bắt đầu im lặng trước những điều đáng nói. (Our lives begin to end the day we become silent about things that matter. )Martin Luther King Jr.
Kỳ tích sẽ xuất hiện khi chúng ta cố gắng trong mọi hoàn cảnh.Sưu tầm
Tôi không thể thay đổi hướng gió, nhưng tôi có thể điều chỉnh cánh buồm để luôn đi đến đích. (I can't change the direction of the wind, but I can adjust my sails to always reach my destination.)Jimmy Dean
Lời nói được thận trọng, tâm tư khéo hộ phòng, thân chớ làm điều ác, hãy giữ ba nghiệp tịnh, chứng đạo thánh nhân dạyKinh Pháp Cú (Kệ số 281)
Con người chỉ mất ba năm để biết nói nhưng phải mất sáu mươi năm hoặc nhiều hơn để biết im lặng.Rộng Mở Tâm Hồn

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Chớ quên mình là nước »» Khối tình Nước Nước Non Non »»

Chớ quên mình là nước
»» Khối tình Nước Nước Non Non

Donate

(Lượt xem: 3.625)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Chớ quên mình là nước - Khối tình Nước Nước Non Non

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc

SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Năm mươi năm giữ mãi một nụ cười
Anh chẳng bao giờ một phút nguôi
(Bùi Giáng)

Nước non nặng một lời thề,
Nước đi đi mãi không về cùng non.

Một lời trách móc? Một lời tự thán? Hay cả hai?

Nói gì thì nói, cảnh ấy là cảnh tôi từng chứng kiến hàng trăm lần trong quãng đời niên thiếu. Buồn có mà vui cũng có.

Tôi có bà cô, em út của ba tôi, thứ mười lăm. Con út nên là người con cưng nhất của ông nội. Cô út lấy chồng trong thời chiến tranh, nên lấy chồng chẳng bao lâu thì dượng út phải đi quân dịch. Chữ quân dịch này chỉ có trong thời Đệ nhất Cộng hòa. Nghĩ mà thêm buồn, cả việc mình có quá nhiều từ cho chuyện này cũng đủ rõ là đất nước này sao mà chiến tranh triền miên. Quân dịch, như vừa nói. Rồi đến nhập ngũ, tổng động viên… Ôi thôi, còn nhiều từ nữa. Sau này còn có chữ nghĩa vụ quân sự. Nói chung, dượng Út phải đi lính. Hết thời gian quân trường, dượng Út có một lần về thăm nhà rồi thuyên chuyển đi Tây nguyên. Sau đó chẳng tăm chẳng hơi gì cả. Ước chi hồi đó có email, có điện thoại cầm tay… Cô Út tôi trông chồng chỉ biết ngắm mây trời. Nhiều nhất là gởi tin theo gió: “Gió ơi gió đưa chim về cùng ta kẻo ta mong, gió im gió chẳng trả lời.” (nhạc Tu My).

Sau một thời gian, viện cớ về chăm sóc cha bị bệnh, cô Út dọn về ở với ông nội. Rồi cô Út hạ sinh giọt máu của dượng, một cậu con trai khôi ngô. Vậy là cậu ấm của cô dượng Út nhỏ nhất nhà là cục cưng của ông nội tôi. Nhiều khi đám cháu chúng tôi còn ganh tức với cậu em bà con cô cậu này, khi nghe hàng xóm cứ nói với nhau sao ông cưng cháu ngoại nhiều hơn cháu nội. Nhưng nghĩ cũng phải, cậu em họ này cũng đáng thương. Tôi tuy mồ côi cha mẹ lúc về ở với ông nội, nhưng hoàn cảnh đã an bài cho mình như thế. Chấp nhận sống tới. Cậu em tuy ngồi êm ả trên chiếc xe kéo (quê tôi gọi là xe bò), nhưng chỉ có một bánh trên mặt đất còn bánh kia bay lơ lửng trên không. Cuộc đời cậu ta lúc lắc nhiều hơn tôi chứ. Ông nội kéo chiếc xe đi, ngoài nhìn vào thì có vẻ như bình yên êm ả nhưng đường làng đất sét nhiều ổ gà nên cũng ì ạch lắm.

Chuyện còn dài lắm nên tôi xin không kể hết ở đây. Sau chừng mười năm thì dượng Út cũng quay về. Cô Út cũng không thắc mắc thời gian mười năm ấy mây bay đi đâu, mây đậu chỗ nào. Họ lại đoàn tụ, lại sống với nhau. Nhưng éo le thay, chuyện đoàn tụ cũng nhiều đau thương chẳng kém gì cái đoạn chờ mong nhìn mây trắng bay thuở trước. Mây thơ mộng và tan biến nhanh, chứ con người cứ sờ sờ ra đó.

Sau này bắt đầu đi học, cứ mỗi lần đọc bài thơ Thề Non Nước của Tản Đà, tôi lại nghĩ đến cô Út của tôi. Nghĩ và thương cô nhiều lắm. Sống trong chờ đợi, trong nghèo khổ, rồi chết đi cùng bệnh hoạn và nỗi lo lắng cho cậu con trai còn nhỏ dại không biết rồi sẽ ra sao.

Nghĩ cho cùng, trong một đất nước chiến tranh dai dẳng, con người ta chỉ biết chịu đựng, chỉ có thể chờ đợi. Rồi ra sao đó thì ra. Biết bao điều xảy ra nằm ngoài tầm tay mình. Không thể như thời nay, tính kế hoạch A, plan B, chương trình C. Con người thời đó chỉ nói đơn giản: Thì vậy đó, nước đã hẹn với non nhưng chưa đến được thì non chờ - nước đi chưa lại non còn đứng không. Vậy thôi!

Cụ Tản Đà quá tài tình khi diễn tả lời thơ như vậy, không một lời trách móc. Tài tình hơn, cụ đã dùng hình ảnh Nước và Non. Thiếu gì hình ảnh nói đến cuộc phân ly: đôi chim, cặp thiên nga, bến tàu, sân ga, hàng cây rũ lá…

Không, Núi và Nước. Cái cao kiến là chỗ đó. Núi và Nước là hai trong bốn phần tứ đại: đất nước gió lửa. Chỉ hai thôi sao? Có cả tứ đại ở đây. Trong non có đất, có lửa là sự sống, trong nước có gió mây. Hay nói đúng hơn, có đủ 4 yếu tố này trong cả hai.

Con người của núi Tản sông Đà

Cứ đọc tiểu sử cụ Tản Đà tôi lại nghĩ đến thi sĩ Bùi Giáng. Tuy mỗi người mỗi hoàn cảnh có khác nhau – thì bao giờ chẳng vậy. Có điều chắc chắn, hai thi sĩ này là hai thi sĩ hạng thượng thừa. Họ là nhân vật xứng đáng với lời định nghĩa mà có lần thời còn trẻ tôi đã đọc được (hình như của Hölderlin) rằng: Thi sĩ là kẻ tiên tri của thời đại.

Tản Đà là hai chữ ghép của núi Tản, sông Đà, quê hương của thi sĩ.

Tản Đà tên thật là Nguyễn Khắc Hiếu, sinh ngày 19 tháng 5 năm 1889, ở làng Khê Thượng, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây cũ, nay thuộc Thành phố Hà Nội. Tản Đà sinh trưởng trong một gia đình danh giá. Cụ thân sinh là cụ Nguyễn Danh Kế làm quan đến chức Án Sát, mẹ trước là một đào hát hay và làm thơ giỏi. Cụ thân sinh mất đi khi nhà thơ mới 3 tuổi, cuộc sống gia đình trở nên cùng túng. Từ nhỏ Tản Đà theo Hán học. Đi thi Hương 2 lần nhưng cả hai đều trượt. Lớn lên Tản Đà viết văn làm báo. Cộng tác với Nam Phong Tạp Chí, Đông Dương Tạp Chí. Có thời ông làm chủ tờ An Nam Tạp Chí, nhưng do cách điều hành quá… thơ nên sau phải đình bản.

Hai nhà phê bình văn học nổi tiếng của Việt Nam là Hoài Thanh và Hoài Chân trong tác phẩm “Thi nhân Việt Nam” đã cung kính tôn xưng Tản Đà lên ngồi ghế “Chủ Súy” của Hội Tao Đàn, ca tụng ông là người mở lối cho thi ca Việt Nam bước vào một giai đoạn tươi đẹp mới.

Vâng, ông chính là một thi sĩ tài danh của cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 và là cái gạch nối tuyệt vời giữa hai thế kỷ, hai nền văn học.

Bùi Giáng viết về Tản Đà:

“Tản Đà thi sĩ có tiếng là ngông ấy không sánh nổi với thiên tài của thế kỷ trước và thiên tài của thế kỷ mình đương tấp tểnh, là những đàn em tập tò gieo vần nhịp. Từ lâu ta như đã nhận thấy những giới hạn của Nguyễn Khắc Hiếu, ta nghĩ rằng ông không thể nào là một thiên tài có cái tầm vóc của Nguyễn Du ngự trị trên thời gian với một quan niệm về đời người mênh mông thăm thẳm. Không, không thể đã đành mà Tản Đà cũng không thể nào sánh kịp bọn trẻ trong tâm tình lãng mạn. Cái bầy em đông đảo sinh ra đã thở ngay bầu không khí xao xuyến của thời đại. Cái bầy em mà bản ngã không được un đúc từ trong khuôn phép Nho phong để có thể trước thời cuộc giữ vững một cốt cách vững vàng, một phong thái ung dung.”

Tôi đọc mà thấy ngay nỗi niềm mến phục của Bùi Giáng với Tản Đà, rất hiếm khi thấy ở Bùi Giáng - cũng là một chúa ngông. Tôi biết, những người từng gần gũi Bùi Giáng sẽ hiểu rõ lối lập ngôn này của anh. Sẽ hiểu rằng, cái ngông của Bùi Giáng trước cái ngông của Tản Đà có phần hơi lép vế. Và chính Trung niên thi sĩ cũng tự nhận ở đây như thế. Viết như trên, chính thi sĩ Bùi Giáng đã tự nhận mình cũng thuộc vào “bầy em” của thi sĩ Tản Đà. Sinh sau Tản Đà 37 năm, bắt đầu làm thơ khi Tản Đà đã viết và dịch nhiều tác phẩm tuyệt tác, đã có một chỗ đứng vững vàng trên văn đàn, Trung niên thi sĩ đã thực sự ngưỡng mộ một bậc đàn anh đi trước. Bùi Giáng cho rằng Tản Đà dịch thơ cổ của các thi nhân Trung Hoa còn hay hơn cả chính bản! Việc này cũng dễ hiểu. Hai tâm hồn tài ba gặp nhau nên hiểu nhau, cùng ngông với nhau.

Trong tất cả những người viết về Tản Đà, tôi nhận thấy Bùi Giáng qua tác phẩm Giảng luận về Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu là tuyệt hơn tất cả. Bằng tâm hồn thi sĩ Bùi Giáng đã thấu rõ nỗi lòng của thi sĩ, phân tích rõ hoàn cảnh, rõ những con người cùng thời của Tản Đà. Bùi Giáng muốn nhìn Tản Đà bằng con mắt: Bỏ con mắt của nhà bình phẩm, lấy tình cảm của người bạn. Nhà thơ nói về nhà thơ.

Bùi Giáng cũng thương cảm cho Tản Đà và nhắc đến cái gọng kềm đã đeo đuổi Tản Đà nhiều năm dài đằng đẵng. Đó là ông chủ bút Nam Phong Tạp Chí Phạm Quỳnh nhiều lần muốn nhận chìm tài năng của Tản Đà, phê bình sát nút cái ngông của Tản Đà. Thử hỏi một thi sĩ nghèo làm sao đối đầu với ông Chủ bút tờ báo lớn, người thân thích chính quyền thuộc Pháp, rồi lại là một Thượng Thư (tức Bộ Trưởng ngày nay) của triều đình. Thi sĩ thì nghèo, không đủ tiền sống và nuôi đám con dại tám đứa. Anh Nguyễn Hiền-Đức kể tôi nghe rằng, cứ mỗi lần ngồi ở phòng 412 Nội Xá Vạn Hạnh mà nhắc đến Tản Đà là anh Bùi Giáng đều nổi giận khi nói về cung cách đối xử của ông chủ bút Nam Phong Tạp Chí với Nguyễn Khắc Hiếu. Mỗi lần như thế là Trung Niên Thi Sĩ lại điên tiết lên. Chúng tôi biết tính khí của Trung Niên Thi Sĩ họ Bùi là vậy. Chuyện thường tình thì rất dễ dãi, ai làm gì cũng được, chẳng bao giờ phiền giận. Mà chuyện chữ nghĩa văn chương thì ngô phải ra ngô mà khoai phải ra khoai, cùi bắp phải ra cùi bắp. Không thể cò kè bớt một thêm hai được. Một dấu chấm, một dấu phẩy cũng không tương nhượng. May cho tôi, tuy cũng ở trong phòng đó mà mấy lần ấy tôi lại vắng nhà. Bùi Giáng gọi đó là tấm thảm kịch cuộc đời Nguyễn Khắc Hiếu.

Ông còn ví cuộc đời Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu với Thúy Kiều của cụ Nguyễn Du. Kiều ơi em còn may mắn chán, em bạc mệnh cho trọn kiếp cũng đành. Tấm tình em chàng Kim có thấu. Chữ hiếu của em bà con cô bác có hiểu rồi. Mười lăm năm gió bụi càng làm sáng tỏ nỗi đau đớn của lòng em… Thuở sinh thời thở than cho phận mình em có hiểu, nghìn năm sau trên đất Việt còn những người tài hoa bạc mệnh gấp nghìn em.

Thương cho người đi trước, Trung Niên Thi Sĩ viết: Tấm lòng người thơ vốn là món hàng ế. Bán thì người ta không biết giá, mà cho họ nhận cũng chẳng ra tuồng… Đem giấc mộng con mà nói với Phạm Quỳnh. Đem giấc mộng lớn mà nói với Nguyễn Văn Vĩnh…

Tản Đà cũng từng làm chủ báo, nhưng do cung cách sống và làm việc kiểu thi sĩ, chỉ lấy chữ tín làm đầu nên báo cứ bị đình bản. Có lúc nghèo khổ quá ông phải đăng quảng cáo kiếm việc trên báo: “Nhận làm thuê các thứ văn vui, buồn, thường dùng trong xã hội”. Cũng không khá hơn, ông mở các lớp dạy Quốc văn hàm thụ, Hán văn diễn giảng nhưng không có học trò. Rồi túng quẫn phải mở gian hàng đoán số tử vi Hà Lạc cũng chẳng có khách lai vãng.

Tản Đà qua đời ngày 07.06.1939 (ở tuổi 50) vì bệnh gan, để lại vợ và tám đứa con.

Tôi không có ý định đi sâu vào cuộc đời của thi sĩ. Nhưng khi nhắc đến cái ngông của Tản Đà thì cũng xin nhắc lại câu chuyện ngắn, được cụ Nguyễn Hiến Lê kể lại trong tác phẩm “Mười câu chuyện Văn chương”.

“Khoảng bốn chục năm trước, cụ Tản Đà phàn nàn rằng ‘văn chương hạ giới rẻ như bèo’. Lời đó tác giả Vũ Trọng Phụng thốt ra thì phải hơn. Vì cụ Tản Đà còn có lần nhờ cây bút mà sống khá phong lưu. Lần đó Diệp Văn Kỳ ra một tờ nhật báo, đón cụ vô Sài Gòn giữ mục thi đàn, cung phụng cụ rất chu tất: một căn phòng riêng, bữa nào cũng có rượu và đồ nhắm, đi đâu thì có xe, và chỉ xin cụ mỗi tuần cho một bài thơ thôi, mà có kì bị thúc giục, cụ còn gắt lên: “Làm thơ chứ đâu phải bổ củi!” Thời kỳ đó tuy không bền, được đâu sáu bảy tháng hay nhiều lắm non một năm, nhưng dù sao cụ vẫn còn sướng hơn Vũ Trọng Phụng.”

Quay lại bài thơ tài tình trong hàng khối các bài thơ tuyệt diệu của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu.

Nước non nặng một lời thề
Nước đi đi mãi không về cùng non
Nhớ lời “nguyện nước thề non”,
Nước đi chưa lại non còn đứng không.
Non cao những ngóng cùng trông,
Suối khô giòng lệ chờ mong tháng ngày.
Xương mai một nắm hao gầy,
Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương.
Trời tây ngả bóng tà dương,
Càng phơi vẻ ngọc nét vàng phôi pha.

Nước mãi đi, non vẫn còn đứng đó. Và vẫn chờ. Chờ là chuyện non coi như là chuyện dĩ nhiên, không than van. Lệ đã khô cạn, tóc cũng bắt đầu điểm đôi ba sợi trắng. Tấm thân thiếu nữ xinh đẹp ngày nào bây giờ cũng đã héo mòn vì chờ đợi. Xương mai một nắm hao gầy, Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương. Rồi những buổi chiều hoàng hôn đổ xuống, khi ru con ngủ chinh phụ làm sao không da diết nhớ đến kẻ ra đi. Trời tây ngả bóng tà dương, Càng phơi vẻ ngọc nét vàng phôi pha. Đó là hình ảnh của cô Út tôi mà bây giờ nghĩ lại tôi còn hình dung đôi chút. Nhưng đó cũng là hình ảnh NON nhớ NƯỚC. Trời tây ngả bóng, bóng dáng non trong buổi chiều vàng hoàng hôn càng phơi thêm vẻ đẹp.

Non cao tuổi vẫn chưa già,
Non thời nhớ nước, nước mà quên non.
Dù cho sông cạn đá mòn,
Còn non, còn nước, vẫn còn thề xưa.

Lẽ tất nhiên tấm lòng của người ở lại có chút trách móc. Có khi tự hỏi, không biết lúc nước đi biền biệt nước đã quên non chăng? Nhưng chỉ là lời trách rất nhẹ. Và một lời tin tưởng: Còn non, còn nước, vẫn còn thề xưa. Người chinh phu dù có biền biệt rồi cũng quay về, vẫn nhớ lời thề xưa.

Non xanh đã biết hay chưa?
Nước đi ra bể lại mưa về nguồn.
Nước non hội ngộ còn luôn,
Bảo cho non chớ có buồn làm chi.

Nước đi tưởng như biền biệt nhưng có lúc phải quay về nguồn. Trong một ý nghĩa khác, cuộc hội ngộ này vẫn luôn luôn xảy ra trong từng giờ từng phút: Nước non hội ngộ còn luôn. “Còn luôn”, chữ dùng sao mà khéo và tài tình vậy!

Nước kia dù hãy còn đi,
Ngàn dâu xanh tốt non thì cứ vui.
Nghìn năm giao ước kết đôi,
Non non nước nước khôn nguôi lời thề.

Đọc đến mấy câu này của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu có lúc tôi lại nghĩ theo hoàn cảnh mình: cái ngàn dâu mà thi sĩ nói chính là hiện thân chú bé em họ tôi. Trong bao năm chiến tranh dai dẳng còn có bao nhiêu người chinh phụ khác nữa chứ. Cô Út lo và cưng cậu con trai hết mực. Cộng thêm sự bảo bọc của ông nội tôi, cậu bé ấy muốn gì cũng được chiều, kể cả lúc cậu hứng chí đòi nhai thuốc tể (thuốc bổ) của ông, ông cũng cho. Sau này đi nhiều nơi, tôi có thấy khác hơn chút. Tôi đã thấy nhiều cánh rừng trải dài theo triền núi, thấy nhiều đồng lúa chạy dưới chân núi. Đó chính là những sứ giả của nước gởi về non. Đó là những hiện hữu của nước bên non.

Và phải chăng, non đứng đó nhưng non cũng mãi đi? Non đã đi nhưng non vẫn luôn đứng đó. Non là chỗ dựa của 50 đứa con theo mẹ Âu Cơ lên núi. Nước là dòng chảy của 50 đứa con theo cha Lạc Long Quân đi về biển cả. Non vĩ đại nước bao la. Non và Nước là Rồng là Tiên.

Một trăm trứng sinh ra một trăm con trong cùng một chiếc bọc. Bởi thế con thứ “không một” hay “chín chín” cũng đều là con. Bởi thế trong nước có non, trong non có nước. Trong cả hai bình diện tư tưởng lẫn thực tế. Thi sĩ đã chẳng may sinh và sống trong buổi giao thời, bị quá nhiều sức ép của các bậc đồng môn, đồng sàng. Tản Đà với chất ngông có tự trong huyết quản không thể luồn cúi nên càng bị bủa vây. Càng bị bủa vây thì lại càng ngông.

Tóm lại, bài thơ chở tư tưởng của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, là bức tranh tuyệt đẹp vẽ lên bao nhiêu mối tình của kẻ chinh phu người chinh phụ trong xã hội Việt Nam của mình. Ở đây, tôi cảm nhận trí tuệ của thi sĩ, bằng lời thơ đã giải thích được bước luân chuyển của NƯỚC. Khi đầu nguồn, khi góc bể, khi cao xanh!

Trung Niên Thi Sĩ Bùi Giáng nhận xét thật tinh tế khi so sánh thi tài của Tản Đà với Nguyễn Du, anh xem là một bước tiếp của thiên tài Nguyễn Du:

“Nước kia dù hãy còn đi; Ngàn dâu xanh tốt non thì cứ vui. Tản Đà đã bước thêm một bước để cho hồn thơ Tố Như được nối tiếp trong dư hưởng âm thầm. Kiều Kim, Kiều Thúc, Kiều Từ, ba mối tình dở dang cùng ngân lên trong một vần thơ của Tản Đà, cùng sáng lên để cùng giao thoa cho một thành tựu.” (Bùi Giáng, sđd.)

●●●

Tính đến năm nay (2019) thi sĩ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu đã giã từ cõi đời này đúng 80 năm, sau 50 năm ở dương thế. Không biết trong 80 năm qua thi sĩ đã lưu lạc về đâu, đã ở nơi đâu? Đã đi “Hầu trời” hay ở “Cung Quế”? Trên Cung Quế của Hằng Nga chắc thi sĩ vẫn nhìn xuống đây, xem thiên lạ điên cuồng múa may và… cười.

Đêm thu buồn lắm! Chị Hằng ơi!
Trần thế em nay chán nữa rồi.

(...)
Rồi cứ mỗi năm rằm tháng tám.
Tựa nhau trông xuống thế gian, cười.

Riêng thi sĩ Bùi Giáng thì quả quyết rằng ông đã biết thi sĩ Tản Đà đang ở đâu. Ông viết trong sách đã dẫn:

“Mai sau, ta về địa ngục, ta sẽ tìm ông Hiếu để thăm, thì sổ hộ tịch cõi âm sẽ không có ghi tên ông Hiếu. Ta ngạc nhiên hỏi vậy thì ông Hiếu đi đâu? Người ta sẽ trả lời rằng còn đi đâu nữa! Không ở Hoàng Tuyền thì tất nhiên là ở Bích Lạc. Rồi chầy ngày chầy tháng, sẽ có những trích tiên ở trên trời bị đày xuống cho ta hay rằng trên Thiên Đường quả có một vị Thiên Thần cao tốt với tên là Nguyễn Khắc Hiếu, trong những yến tiệc ở Thiên Cung vẫn luôn luôn ngồi cùng bàn với Thượng Đế. Ông Hiếu ngồi bên hữu, cùng với Nguyễn Du và Chu Mạnh Trinh. Bên tả có Chiêu Quân, Thúy Kiều, Olivia Curtiss (...)”

Vô tình tôi kết thúc bài này hôm nay cũng vào ngày 06.06.2019, ngày giỗ thứ 80 của thi sĩ. Tôi cung kính ghi lại vài dòng để tạ ơn người kỹ-sư-thi-sĩ tài ba Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, người đã bắc thành công một chiếc cầu. Chiếc cầu nối hai giai đoạn của văn học Việt Nam, của cái khúc chuyển mình đau đớn văn học. Không có cái cầu đó là cả nền văn học thi ca của chúng ta hôm nay đã phải… rớt sông!

Xin thành kính đốt một nén hương lòng, kính viếng anh linh một bậc tài hoa của văn học nước nhà. Xin cúi đầu trước một bài thơ tuyệt tác Non Non Nước Nước.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 19 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Yếu lược các giai đoạn trên đường tu giác ngộ


Tổng quan kinh Đại Bát Niết-bàn


Tư tưởng xã hội trong Kinh điển Phật giáo Nguyên thủy


Có và Không

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.129.70.138 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (29 lượt xem) - ... ...