Tôi chưa bao giờ học hỏi được gì từ một người luôn đồng ý với tôi. (I never learned from a man who agreed with me. )Dudley Field Malone
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 8)
Hãy nhớ rằng hạnh phúc nhất không phải là những người có được nhiều hơn, mà chính là những người cho đi nhiều hơn. (Remember that the happiest people are not those getting more, but those giving more.)H. Jackson Brown, Jr.
"Nó mắng tôi, đánh tôi, Nó thắng tôi, cướp tôi." Ai ôm hiềm hận ấy, hận thù không thể nguôi.Kinh Pháp cú (Kệ số 3)
Kẻ thù hại kẻ thù, oan gia hại oan gia, không bằng tâm hướng tà, gây ác cho tự thân.Kinh Pháp Cú (Kệ số 42)
Chúng ta phải thừa nhận rằng khổ đau của một người hoặc một quốc gia cũng là khổ đau chung của nhân loại; hạnh phúc của một người hay một quốc gia cũng là hạnh phúc của nhân loại.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Thước đo giá trị con người chúng ta là những gì ta làm được bằng vào chính những gì ta sẵn có. (The measure of who we are is what we do with what we have.)Vince Lombardi
Sống chạy theo vẻ đẹp, không hộ trì các căn, ăn uống thiếu tiết độ, biếng nhác, chẳng tinh cần; ma uy hiếp kẻ ấy, như cây yếu trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 7)
Người ta vì ái dục sinh ra lo nghĩ; vì lo nghĩ sinh ra sợ sệt. Nếu lìa khỏi ái dục thì còn chi phải lo, còn chi phải sợ?Kinh Bốn mươi hai chương
Khi bạn dấn thân hoàn thiện các nhu cầu của tha nhân, các nhu cầu của bạn cũng được hoàn thiện như một hệ quả.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV

Trang chủ »» Danh mục »» THUYẾT GIẢNG GIÁO PHÁP »» Năng lực chữa lành của tâm »» 11.CUỘC SỐNG HẰNG NGÀY NHƯ SỰ CHỮA BỆNH - - »»

Năng lực chữa lành của tâm
»» 11.CUỘC SỐNG HẰNG NGÀY NHƯ SỰ CHỮA BỆNH - -

Donate

(Lượt xem: 4.580)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Năng lực chữa lành của tâm - 11.CUỘC SỐNG HẰNG NGÀY NHƯ SỰ CHỮA BỆNH -  -

Font chữ:

Một trong những phương tiện chữa bệnh quan trọng và hiệu quả nhất là chuyển từng bước cuộc sống hằng ngày của bạn thành những bài tập chữa bệnh. Thay vì phân chia thiền định và đời sống thành những phần tách biệt, hãy đem chúng lại với nhau. Bằng cách mang sự tỉnh giác trống trải vào bất cứ điều gì bạn làm, sự thản nhiên, trong sáng và hoan hỷ đều có cơ hội được phát triển rực rỡ. Nếu chúng ta phát triển những thói quen tốt, tất cả mọi việc đều trở thành một sự chữa lành. Vì thế chúng ta phải kiên định cố gắng thiết lập một cách nhìn, suy nghĩ và hành động đúng đắn.

Tỉnh thức là chìa khóa để chuyển hóa cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Hãy buông đi những lo nghĩ và những ghét bỏ theo thói quen, và hãy đơn giản là dòng chảy của những hoạt động của bạn. Hãy nuôi dưỡng trạng thái rộng mở và thư giãn, cho dù bạn đang suy nghĩ với trí thông minh hay hoạt động với thân thể. Khi bạn đi, đứng, nằm, ngồi hãy hiến mình cho điều đó. Khi bạn nhìn ngắm một cái bàn, một bức tranh, hay đang lắng nghe nhạc hoặc người khác, bạn hãy nhìn ngắm hay lắng nghe với trạng thái đó. Hãy sống trọn vẹn với bất cứ điều gì bạn làm. Điều này đem lại sự rộng mở, tỉnh giác và nới lỏng sự trói buộc của bản ngã.

Hãy tiếp cận với cuộc sống trong tinh thần vui thích ấm áp. Chỉ một số ít ngày trên tờ lịch được đánh dấu như là ngày lễ, nhưng chúng ta không cần chờ đợi chúng để được vui vẻ và hạnh phúc. Dù khi những khó khăn hay thách thức xảy đến, một thái độ rộng mở sẽ hướng dẫn chúng ta đi theo con đường tâm linh.

Những kinh văn của Phật giáo Tây Tạng cung cấp nhiều pháp tu đặc biệt để chuyển đổi những hoạt động hằng ngày thành sự thực hành tâm linh. Bao giờ cũng vậy, chúng ta cần biết lời khuyên nào thích hợp nhất với những nhu cầu của ta.

Ngài Yukhog Chatralwa, một đại sư mà tôi được biết vào khoảng năm mười tuổi, có ban cho một giáo huấn khiến hợp nhất toàn bộ cuộc sống với sự thực hành quán tưởng một bổn tôn, đó sẽ là bất cứ nguồn sức mạnh nào cho chúng ta:

Trong lúc ngồi, quán tưởng đạo sư quý báu nhân từ vô song (nguồn của năng lực)
Trên đỉnh đầu của bạn và
Tiếp nhận nhiều lần sự ban phước (ánh sáng).
Điều này hợp nhất tâm bạn với tâm chứng ngộ của đạo sư.

Trong lúc bạn đang làm những hoạt động hằng ngày,
Hãy thấy những hình tướng xuất hiện như những hình tướng của đạo sư,
Tất cả những âm thanh là âm điệu của Ngài
Và tất cả những tư tưởng xấu hay tốt đều là tâm trí huệ của Ngài.

Đây là giáo huấn về những hình tướng khởi lộ như những đức hạnh của đạo sư.
Trong khi ăn, hãy quán tưởng đạo sư trong cổ họng và
Dâng cúng Ngài cam lồ của thức ăn và nước uống.

Bấy giờ thức ăn và nước uống sẽ không tạo những nhiễm ô trong bạn, và
Chúng được chuyển hóa thành một lễ cúng thiêng liêng.

Trong khi ngủ, hãy quán tưởng Ngài ở giữa ngực bạn.
Những ánh sáng của thân Ngài chiếu sáng thế gian và tất cả chúng sanh.
Chuyển hóa họ thành ánh sáng và rồi hòa tan họ vào trong bạn.

Đây là giáo huấn về chuyển đổi giấc ngủ và những giấc mơ thành sự thể nhập tánh sáng (quang minh, tịnh quang).
Khi bạn đang rời bỏ cuộc đời để đến cuộc sống kế tiếp (cái chết),
Không có xáo trộn trong quá nhiều lo nghĩ,
Hãy tham thiền về sự hợp nhất tính giác của bạn và Tâm giác ngộ của đạo sư.



THỨC DẬY

Lúc thức dậy, có thể là thời gian hết sức an bình và ấm áp. Thân và tâm sống cùng nhau một cách tự nhiên trong giấc ngủ, và rồi bình minh của sự tỉnh giác xảy đến vào buổi sáng. Thay vì lao vào sự xáo động của những bổn phận hằng ngày, hãy dành thời gian để kinh nghiệm sự hợp nhất của tâm và thân. Hãy thoải mái với cảm giác rộng mở và thư giãn.

Hãy thở sâu thư giãn, một hay hai lần, và giải phóng bất cứ những căng thẳng hay không trong sạch nào đã tích tụ suốt đêm. Hãy dành một vài phút để sống với thân và những cảm giác của bạn. Hưởng thụ sự ấm áp tự nhiên của thân bạn, từ đầu đến lòng bàn chân. Đơn giản là rộng mở một cách không giới hạn. Hãy cảm nhận cảm giác của sự ấm áp, rộng mở và hãy là một với cảm giác đó.

Sự định hướng của thân và tâm này cần là nền tảng đơn giản nhất cho phần còn lại của cả ngày. Khi bạn thức dậy để bắt đầu cho buổi sáng, bạn có thể nghĩ: "Tôi sẽ chú tâm dùng sự tỉnh thức và năng lực này như là nền tảng của những hoạt động trong ngày." Sau đó, thỉnh thoảng trong ngày hãy gợi lại sự ấm áp và bình an bạn đã cảm nhận lúc thức dậy, và hãy để nó thấm vào tâm bạn giống như năng lực và sự tĩnh lặng của đại dương bao la bên dưới những cơn sóng của nó.

Ngay cả khi bạn cảm thấy một loại đau đớn cảm xúc nào đó vào lúc thức dậy, sự khởi đầu tỉnh giác sẽ cho ta một thời điểm tốt để chữa lành. Vì sự tỉnh giác hết sức rộng mở khi chúng ta vừa thức dậy, ta có thể hòa nhập ý thức của mình với cơn đau, và rồi cảm xúc đau đớn có thể trở nên an bình hơn.

Nếu bạn cảm thấy lo âu khi bắt đầu một ngày, hãy nhẹ nhàng tự làm dịu bạn trong những sinh hoạt của mình, và tâm trạng có thể thay đổi. Hay bạn có thể sử dụng những bài tập chữa bệnh để khai thông những năng lực bị bế tắc.

Khi thức dậy, bạn cũng có thể tưởng tượng mình đang thức dậy từ vô minh của giấc ngủ và mở rộng con mắt tâm mình tới trí huệ của an bình, hoan hỷ, ánh sáng và tỉnh giác. Bạn có thể cầu nguyện như vậy cho tất cả chúng sanh.

Ngay khi chúng ta vừa thức dậy, thật khó mà không nghĩ tới những lo lắng, tham muốn và xúc cảm quen thuộc ngay trước mắt của đời sống thế tục. Tuy nhiên, nếu chúng ta quay lại với cảm giác rỗng rang thay vì bám níu vào những cảm xúc đó hoặc chạy theo tâm thức tán loạn như cơn gió lốc, dần dần chúng ta sẽ phát triển được thói quen thức dậy với thái độ này một cách tự nhiên.

Nhiều pháp môn tu tập khác nhau của đạo Phật khuyến khích thái độ này. Có một cách là quán tưởng bạn được đánh thức vào buổi sáng từ giấc ngủ của vô minh bởi giọng nói hoan hỷ của những bậc giác ngộ – người Phật tử gọi đó là "những vị thánh trí huệ" – hay những âm thanh của những nhạc cụ của họ như trống cầm tay. Một cách khác nữa là tiếp nhận những ban phước từ nguồn sức mạnh của bạn.


TIẾP NHẬN NHỮNG BAN PHƯỚC

Trước khi đi vào giấc ngủ buổi tối, hãy quán tưởng nguồn sức mạnh trong trái tim hay ở trên bạn, ánh sáng ban phước chiếu sáng suốt trong giấc ngủ của bạn. Lúc đột nhiên thức dậy, hãy cảm nhận sự hiện diện của nguồn sức mạnh sẵn sàng ở trên bạn. Hoặc quán tưởng nó đi lên xuyên qua thân và sau đó ngồi trên đỉnh đầu bạn, như người thủ hộ và dẫn đạo. Hãy hưởng thụ sự ấm áp và mạnh khỏe của sự hiện diện này. Hãy chia sẻ những cảm giác của bạn với toàn thể vũ trụ, và tiếp nhận an bình, hoan hỷ với bạn trong suốt ngày.


LÀM VỆ SINH

Khi rửa mặt, đánh răng hay tắm, hãy tưởng tượng rằng tất cả những gì không trong sạch của bệnh tật, phiền não và căng thẳng được rửa sạch bởi nước tinh khiết và toàn thân bạn được chiếu sáng với năng lực chữa lành.

Khi cảm thấy căng thẳng, bạn có thể làm việc lặt vặt như một sự chữa lành, cũng như trong chuyện Tổ Lamchungpa ở chương 4. Khi bạn lau nhà, giặt quần áo, đổ rác, hình dung rằng những cảm xúc, tinh thần (tâm thức) hay những sự không trong sạch vật chất cũng được tẩy sạch hoặc được mang đi giống như bụi và rác rưởi.


THỞ

Hơi thở là sợi dây treo cuộc sống. Nó là sinh lực cơ bản mà mọi chúng sanh luôn phụ thuộc vào. Nếu có thể chuyển việc thở thành một sự trợ giúp chữa lành tâm linh, việc tu tập của chúng ta sẽ tỏa khắp vào từng phần của đời sống.

Hít thở vài hơi sâu, chậm với ý định mở thoát những lo nghĩ hay tiêu cực. Khi cảm thấy bị trói buộc hay dưới sự căng thẳng, hãy để hơi thở của bạn hoàn toàn thư thả. Hãy vui thích với bất cứ cảm nhận tích cực nào, ngay cả sự thay đổi nhỏ nhất trong tâm thức, hay cảm giác rộng mở. Hãy mong muốn rằng tất cả mọi người có thể kinh nghiệm sự an bình và thoát khỏi đau khổ.

Tỉnh giác hơi thở trong từng lúc suốt ngày đưa chúng ta về nhà của chính mình. Trong lúc luyện tập thân thể, bạn có thể phóng lớn những lợi ích tinh thần và vật chất bằng hơi thở tự do trong sự liên kết với những vận động của thân thể, hưởng thụ cảm giác của sự mở thoát và năng lực của hơi thở.


ĂN UỐNG

Vào sáng sớm, uống một tách nước nóng là có lợi cho sức khỏe. Nó thanh lọc hệ thống tiêu hóa, mở rộng các mô, cải thiện sự tuần hoàn của máu và năng lực. Điều quan trọng là dùng những thức ăn tốt và lành mạnh và uống một lượng nước vừa phải. Thực phẩm được dùng không phải như một nỗ lực vô ích để thỏa mãn những cảm xúc thèm muốn mà phải tùy theo những nhu cầu thực tế của cơ thể. Hãy xem thức ăn là để duy trì và nuôi dưỡng, và thưởng thức với sự tỉnh thức đối với mỗi vị mà bạn ăn. Hãy cố gắng nhận biết quá trình của từng ngụm chất lỏng và từng miếng thức ăn, ý thức đi theo sự di động thức ăn trong cơ thể đến chỗ xa nhất mà bạn có thể.

Hãy cảm nhận món ăn thức uống không chỉ thỏa mãn sự đói khát của bạn mà còn phát sinh sức khỏe trong thân và tâm. Hãy cầu mong niềm vui thích như vậy cho tất cả mọi người. Trân trọng và biết ơn đối với niềm vui thỏa của từng miếng ăn, hớp nước mà bạn nhận.

Một số pháp môn tu tập của đạo Phật xem thực phẩm như những phương tiện của sự chữa bệnh. Ví dụ, hãy tưởng tượng ánh sáng ban phước từ nguồn sức mạnh chuyển hóa thực phẩm thành cam lồ chữa bệnh. Sau đó hưởng thụ nó như một chất được ban phước cung cấp cho bạn sự hoan hỷ và sức khỏe.

Hoặc khi bạn thưởng thức món ăn, hãy nghĩ: "Món ăn này cho tôi sức mạnh để nâng cao cuộc sống tôi và để phục vụ những người khác."

Hoặc nghĩ đến thực phẩm như một tặng phẩm thuần khiết, tuyệt vời và cúng dường thực phẩm ấy lên nguồn sức mạnh. Hãy quán tưởng nguồn sức mạnh tiếp nhận cúng dường với sự hài lòng và ban phước cho thực phẩm vì lợi ích của bạn để đáp trả. Sau đó thưởng thức món ăn với sự tỉnh giác rằng nó đã được ban phước. Sự tu tập này phối hợp lòng sùng kính với những thực hành về sự rộng lượng và tri giác thanh tịnh.

Hoặc khởi lòng bi mẫn với vô số chúng sanh sống trong cơ thể bạn dưới dạng vi khuẩn, hãy thưởng thức món ăn và biết rằng thức ăn này cũng sẽ nuôi sống chúng.

Hoặc với tri giác thanh tịnh, hãy tự quán tưởng bạn dưới dạng một bổn tôn, hoặc thậm chí như một chúng hội hàng trăm bổn tôn. Hãy hưởng thụ thực phẩm như phẩm vật cúng dường đã được ban phước, một phương tiện thiện xảo của trí huệ đem đến sự chứng ngộ an bình và phúc lạc.


ĐI BỘ

Đi bộ là hoạt động thông thường và đơn giản nhất của con người, nhưng có thể hoàn toàn là một niềm vui sướng. Cho dù chúng ta ra ngoài tản bộ hay sải bước có ý hướng đến một nơi nào đó, thì một thái độ thoải mái và sự cảm kích chuyển việc đi bộ thành một sự tu tập trong trí huệ của chánh niệm và chữa lành.

Đi bộ tự nhiên, đem tỉnh giác trọn vẹn vào đó hay bất cứ hoạt động nào khác, có thể cần đến sự thực tập. Thoạt tiên, có thể khó khăn để nhận biết việc đi bộ như một dòng tương tục trong đó những động tác riêng biệt và những hình thái xảy ra một cách tách biệt. Vào lúc khởi đầu, hãy lựa chọn riêng biệt một hình thái đi, chẳng hạn động tác của mỗi một bước chân như là mục tiêu của sự tập trung. Khi chánh niệm phát triển, hãy mở rộng ra với năng lực ban sức mạnh chung quanh bạn: mặt đất, không khí, âm thanh, mùi vị và quang cảnh. Hãy sung sướng với sự tác động qua lại không gián đoạn giữa thân và tâm rồi cứ thế mà bước, bước, bước...

Trong số rất nhiều cách thực hành đi bộ, bạn có thể chọn cách quán tưởng nguồn sức mạnh ở trên vai phải và hình dung bước chân đưa bạn đi vòng quanh hình ảnh an bình này. Sự đi vòng quanh đó là một cử chỉ để tỏ lòng kính trọng với nguồn sức mạnh.

Khi đi vào một căn nhà, một tòa cao ốc hay một khu phố, bạn có thể tỏ lòng kính trọng đối với tất cả những người sống trong đó bằng cách niệm tưởng: "Tôi đang đi vào thế giới của những người khổ đau để giúp đỡ họ", hoặc "Tôi đang đi vào một cõi tịnh độ của chư Phật." Khi đi ra bạn có thể niệm tưởng: "Tôi đang dẫn dắt mọi người ra khỏi khổ đau", hoặc "Tôi cám ơn cơ hội được thấy những người này như các vị Phật."


NGỒI VÀ ĐỨNG

Ngồi là tư thế thân thể chủ yếu để thiền định, giúp cho tâm trí được buông lỏng và phát triển mà ít bị quấy rối nhất. Khi bạn không thiền định, tư thế tốt và vị trí thích hợp vẫn kích thích sự chú tâm chánh niệm hằng ngày. Bạn cũng có thể nhận biết tư thế ngồi vững chãi, làm phát sinh một trạng thái tâm thức có nền tảng và kiên cố.

Khi đứng, hãy mở rộng thân bạn trong một tư thế tốt, buông lỏng, như thể một sợi dây tưởng tượng tại đỉnh đầu kéo bạn đứng lên theo đường thẳng đứng với trục xương sống. Việc thực hành này có lợi ích làm giảm mệt mỏi. Nó cũng giúp bạn rộng mở hơn với những người khác trong quan hệ. Nếu bạn phải xếp hàng chờ ở siêu thị hay trạm xe buýt, cố gắng rộng mở tư thế. Thay vì phiền toái hay chán nản, việc mở rộng tư thế có thể giúp bạn hoan hỷ và rộng mở với khoảnh khắc quý báu của đời sống phơi bày khi bạn đang chờ đợi.


LÀM VIỆC

Thời gian làm việc chiếm trọn phần lớn cuộc sống của ta những khi thức tỉnh. Từ lúc còn bé đến khi bắt đầu trưởng thành, chúng ta là những học sinh làm việc siêng năng từ năm này sang năm khác. Sau đó, chúng ta bận rộn xây dựng sự nghiệp và kiếm sống. Cuối cùng chúng ta về hưu và làm việc siêng năng chỉ để sống còn, để giữ thân và tâm hòa hợp với nhau, và để xua đi nỗi buồn tẻ, cô đơn của tuổi già. Trong cuộc sống trần tục, thời gian ta làm việc và ngủ chiếm nhiều hơn bất cứ điều gì khác.

Nếu sử dụng công việc trong đời sống như một phương tiện chữa lành, ta có thể chuyển hóa cuộc sống thành một mỏ vàng tâm linh và tình cảm. Chúng ta có thể làm điều này bằng cách trau giồi một trung tâm an bình trong chính mình ở mỗi hoàn cảnh có sự làm việc của ta.

Bất cứ ta làm gì – công việc văn phòng, làm vườn, thợ mộc, vẽ hay viết... – ta đều có thể sử dụng công việc như một biểu hiện của bản tánh an bình nội tại. Hãy cố gắng tìm ra công việc gì bạn tự nhiên thích thú, mà cũng cố gắng thích thú với bất cứ việc gì bạn làm.

Khi việc làm tiến triển tốt, hãy hoan hỷ và tán thưởng nó một cách chánh niệm. Khi ta cảm thấy buồn tẻ hay chán nản, ta cũng có thể đem sự tĩnh lặng và chánh niệm vào việc này. Hãy thấy tất cả việc làm là thích thú, hoặc ít nhất cũng tìm thấy một điều gì đó thích thú trong công việc. Hãy vui thích với những người bạn tiếp xúc, hãy vui mừng và hài lòng với những vấn đề đã được giải quyết. Cố gắng xem việc làm cực nhọc như một thách thức tích cực, và những kinh nghiệm xấu là một bài tập nhẫn chịu và buông xả. Nếu cảm thấy vướng mắc trong một tình huống cụ thể nào đó, chúng ta có thể tự nhủ: "Không có nơi nào khác tốt hơn chỗ tôi đang ở. Tôi thích ở ngay đây." Bằng cách tự nhủ điều này một cách tin tưởng, bản tánh trống không của ta có thể được mở ra.

Những thái độ như lòng bi mẫn, và những phương tiện thiện xảo như thiền định về ánh sáng, không hề được đưa ra như những lý thuyết hão huyền. Chúng ta có thể đem chúng vào ngay trong công việc. Đặc biệt, thái độ của sự rỗng rang, như được kinh nghiệm ngay lúc tỉnh thức hay tiếp nhận những ban phước vào buổi sáng, có thể là nền tảng cho trọn ngày làm việc của ta. Với sự rỗng rang, mỗi một hoàn cảnh có thể hòa vào kinh nghiệm tâm linh, giống như những bông tuyết rơi vào đại dương.


NHÌN

Nhìn không chỉ đơn thuần là việc thụ động nhận lấy những hình tướng và màu sắc quanh ta. Đôi mắt chúng ta là cửa sổ qua đó ta phóng chiếu năng lực tinh thần. Với một cái nhìn đơn giản thoáng qua, đôi mắt chúng ta có thể truyền thông lòng nhân ái và hoan hỷ. Đôi mắt của một người tiêu cực có thể làm tràn ngập người khác với những chua cay và đau khổ.

Với đôi mắt tươi cười và nồng ấm, hãy để lòng bi mẫn tỏa chiếu ra ngoài. Bằng cách này, hành động nhìn trở thành một sự cầu nguyện, một sự thiền định và một phương thức chữa lành. Nếu chúng ta nhìn người khác với ánh mắt nhân ái và chăm sóc, chúng ta không cần những cầu nguyện hay bài tập tâm thức nào khác. Nếu chúng ta nhìn thế giới bên ngoài một cách tĩnh lặng và trong sáng, con người bên trong chúng ta sẽ phản ảnh năng lượng tích cực này như trong một tấm gương.


NÓI

Cũng giống như với cách ta nhìn người khác, lời nói và giọng điệu của ta có thể tác động sâu sắc đến trái tim của chính ta và những người quanh ta. Vì thế, lời nói nhân từ, chăm sóc trở thành lời cầu nguyện. Giọng nói hằng ngày của ta có thể êm dịu, nhẹ nhàng, mạnh mẽ và cũng dứt khoát khi cần thiết. Nếu chúng ta cảm thấy cứng lưỡi và không thể truyền đạt với người khác, ta có thể cầu khẩn sức mạnh từ nguồn năng lực và hình dung lời nói của mình đã được tịnh hóa. Hãy để âm thanh giọng nói bạn vang ra ngoài một cách tự tin, như thể nó khởi phát tự nhiên từ nguồn sức mạnh.

Nếu chúng ta có thói quen nói một cách không suy nghĩ, điều này có thể gieo rắc mọi thứ phiền não cho chính ta và người khác. Hãy suy nghĩ trước khi nói. Và hãy học cách lắng nghe. Thay vì sử dụng việc nói chuyện như một cơ hội để thúc đẩy công việc, như một chương trình được ghi âm sẵn, tốt hơn ta hãy lắng nghe một cách cởi mở những điều người khác nói. Điều này có vẻ như quá hiển nhiên, nhưng trong chúng ta có bao nhiêu người thực sự làm như vậy? Chúng ta có thể phát triển cái lợi của lắng nghe, cũng là một cách khác nữa để buông bỏ chấp ngã.


NGỦ

Trong sự tu tập cao nhất của đạo Phật, trong giấc ngủ tâm thức hòa nhập vào trạng thái sáng tỏ quang minh (tịnh quang), và sự tỉnh thức trong đó biểu hiện như là trí huệ siêu việt của tánh giác, thoát khỏi chấp ngã. Cần có nhiều kinh nghiệm tâm linh để trải rộng thiền định vào giấc ngủ, điều này có thể được với sự tu tập thành tâm và chuyên nhất.

Ngay cả khi chúng ta không thể chuyển giấc ngủ thành tỉnh giác trong sáng của thiền định, một số những thực hành đơn giản của đạo Phật cũng giúp ta thoải mái khi rơi vào giấc ngủ, và tự thân điều này là sự chữa lành. Hãy quán tưởng ánh sáng một cách rất bình an. Hoặc quán tưởng với lòng sùng mộ nhẹ nhàng nguồn sức mạnh ở trung tâm thân hay ở trên thân bạn, chiếu sáng thân bạn và ánh sáng tỏa ra bên ngoài, thế giới và vũ trụ.

Nếu bạn thích trải rộng sự tu tập của mình vượt trên ý thức của lúc tỉnh thức, hãy có ý định mạnh mẽ rằng bạn sẽ đem tỉnh giác trong sáng của thiền định vào giấc ngủ, và duy trì sự quán tưởng ngay cả lúc tâm thức bạn bắt đầu đi vào trạng thái ngủ. Cuối cùng, nếu ta tiếp tục thực hành như vậy, sự tỉnh giác sáng suốt này có thể khởi lên tự nhiên trong giấc ngủ.

Nếu bạn thức dậy giữa đêm, hãy lặp lại sự thiền định của bạn với một cảm nhận rỗng rang. Việc cảm nhận bạn là một thân thể bằng ánh sáng cũng là một thực hành tốt nếu bạn bị mất ngủ. Hoặc tập trung những tư tưởng tán loạn của bạn bằng cách hướng sự tỉnh giác nhẹ nhàng xuống bàn chân hay vùng ngay dưới rốn và cảm nhận sự hiện diện của ánh sáng ở đó. Sự tỉnh giác buông xả của hơi thở cũng làm cho rất bình lặng và chắc chắn có thể đưa bạn trở lại giấc ngủ.


NHỮNG GIẤC MƠ NHƯ MỘT PHƯƠNG TIỆN ĐỂ TỈNH THỨC

Một tu tập khác của đạo Phật là tham thiền về những giấc mộng, trong giấc ngủ và cả khi tỉnh thức. Chúng ta thường nghĩ những giấc mơ trong đêm của mình như những ảo giác, nhưng một trí huệ sáng suốt hơn chính là nhận thức ngay cả sự hiện hữu của đời sống lúc thức tỉnh cũng là một giấc mơ và hoàn toàn ảo hóa. Tham thiền về sự thật này là một cách để làm yếu đi những ái luyến và tham dục hằng ngày của chúng ta.

Việc suy nghĩ về những giấc mộng và tính ảo mộng của đời sống như thế nào có thể mở rộng cánh cửa đến với tâm trong giấc ngủ. Lúc lên giường ngủ, hãy lặp lại nhiều lần ý nghĩ: "Tôi sẽ nhận ra những giấc mộng của tôi chỉ là những giấc mộng, và không bị vướng mắc hay sợ hãi chúng như thể chúng có thật."

Một số thiền giả có thể đem sự tỉnh giác sắc bén vào giấc ngủ. Trong lúc mộng, họ nhận ra giấc mộng như một ảo giác, và như thế họ có thể bay lượn một cách an lạc bên trên nguy hiểm hay chuyển đổi một con quỷ thành một vị Phật chẳng hạn.

Như vậy, chúng ta nhận biết những giấc mộng như là những giấc mộng – và những hình tướng xuất hiện lúc thức cũng như mộng nữa! Một sự hiểu biết sâu sắc về điều này giải thoát chúng ta khỏi sự trói buộc của những thèm muốn và bám chấp.

Với người theo đạo Phật, sự bình thản mà thực hành này đem lại được xem là sự chuẩn bị tuyệt hảo cho trạng thái chuyển đổi quan trọng giữa lúc sống sang lúc chết. Điều này cũng là một tu tập làm nhẹ đi những đau khổ của đời sống chúng ta lúc thức. Dĩ nhiên, chúng ta phải duy trì những cảm nhận thông thường và sự quân bình của mình. Ở Tây Tạng, tôi nhớ có một người bị lầm lạc đi đến cực đoan là giết mổ trâu bò rồi dùng những giáo lý về giấc mộng như một sự bào chữa. Sự tiếp cận lành mạnh là phát triển một trí huệ chơi đùa về "thực tại". Chúng ta chịu trách nhiệm về những hành vi của mình; định luật nhân quả cho ta biết điều đó. Đồng thời, sự thật cũng là đời sống luôn thay đổi, thoảng qua và như huyễn. Những cường quốc và những chế độ luôn thăng trầm, người ta sống rồi chết, sự vật hiện ra ở đây rồi biến mất...

Trong sự hiện hữu lúc thức của chúng ta, ta có thể vui đùa hơn với những tri giác về các sự kiện "có thực" đè nặng lên chúng ta. Hãy tưởng tượng chúng sẽ như thế nào trong một trăm năm nữa, hay thậm chí vài tháng, vài ngày nữa. Những chiến thắng và thảm kịch vĩ đại hôm nay có vẻ như cứng chắc và rất thật, nhưng với một ít thời gian trôi qua chúng chỉ còn tính chất của những chuyện thần thoại lý thú. Thế nên ta không cần phải quá nghiêm trọng với chính mình. Chúng ta có thể thư giãn đồng thời tiến bước trên chánh đạo của cuộc đời.


MỘT THỰC HÀNH ĐƠN GIẢN

Chúng ta có thể cảm thấy trói buộc vì bổn phận với gia đình, bạn bè và công việc ngay từ lúc ta thức dậy, đến nỗi dường như thật khó mà tu tập tâm linh. Nếu đúng là như thế, tốt hơn chúng ta hãy thực hành đơn giản trên giường trước khi thức dậy và bị rối tung bởi cuộc sống hỗn độn hằng ngày.

Thực hành tỉnh thức trong sự rộng mở, như đã mô tả ở phần đầu chương này, là một sự rèn luyện đặc biệt rất hiệu quả. Tâm thức được thoải mái trong sự ấm áp và tĩnh lặng. Hãy biết rằng bạn có thể trải rộng cảm giác trống trải đến mọi hoàn cảnh.

Bắt đầu với thực hành buổi sáng làm gia tăng ảnh hưởng của năng lượng chữa lành, giống như một buổi sáng bắt đầu với bình minh tươi đẹp.


BA ĐIỂM QUAN TRỌNG ĐỂ TẬP TRUNG VÀO

Cách tốt nhất để sống là gì? Câu trả lời rất tốt là đặt sự nhấn mạnh trên khoảnh khắc hiện tiền, chỉ ngay ở đây, ngay bây giờ, điểm chính xác trong đó chúng ta đang sống và có quyền tác động một cách trực tiếp và tức thời. Vì thế, trước hết hãy nắm lấy ngay giây phút này và sống một cách khôn ngoan, tốt đẹp trong hiện tại, không lãng phí sự tập trung của bạn vào quá khứ, tương lai hay một nơi nào khác.

Thứ hai, chúng ta phải tập trung chú ý vào cuộc sống của chính mình và những người mà ta có trách nhiệm. Bằng sự ứng xử thực tế với những người sống quanh ta, ta sẽ không rơi vào sự khái quát hóa mơ hồ và những thế giới mộng tưởng. Bắt đầu từ bây giờ hãy là một nguồn hạnh phúc cho những ai hằng ngày tại đây, bao gồm gia đình, bạn bè, hàng xóm – và chính bạn.

Thứ ba, chúng ta phải tự hiến dâng mình cho lợi lạc và hạnh phúc của tất cả mọi người, đặc biệt với những người chúng ta có liên hệ. Điều này là tinh túy của tâm linh. Như người ẩn sĩ nói cho vị vua vào lúc cuối truyện "Ba câu hỏi" của Léon Tolstoy:

Hãy nhớ: chỉ có một thời gian quan trọng – bây giờ. Và nó quan trọng vì đó là thời gian duy nhất chúng ta có quyền chi phối chính mình; và người quan trọng nhất là người đang hiện hữu với bạn, vì không ai có thể biết chắc được liệu mình có còn được tiếp xúc với ai khác nữa sau đó, và việc quan trọng nhất để cố gắng là đối xử tốt đẹp với con người, vì chính đó là mục đích duy nhất mà con người hiện hữu trong cuộc sống này.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 20 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.133.149.244 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (141 lượt xem) - Hoa Kỳ (6 lượt xem) - ... ...