Cuộc đời là một tiến trình học hỏi từ lúc ta sinh ra cho đến chết đi. (The whole of life, from the moment you are born to the moment you die, is a process of learning. )Jiddu Krishnamurti
Chỉ có hai thời điểm mà ta không bị ràng buộc bởi bất cứ điều gì. Đó là lúc ta sinh ra đời và lúc ta nhắm mắt xuôi tay.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Cỏ làm hại ruộng vườn, si làm hại người đời. Bố thí người ly si, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 358)
Không trên trời, giữa biển, không lánh vào động núi, không chỗ nào trên đời, trốn được quả ác nghiệp.Kinh Pháp cú (Kệ số 127)
Những người hay khuyên dạy, ngăn người khác làm ác, được người hiền kính yêu, bị kẻ ác không thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 77)
Chúng ta có thể sống không có tôn giáo hoặc thiền định, nhưng không thể tồn tại nếu không có tình người.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Khi gặp chướng ngại ta có thể thay đổi phương cách để đạt mục tiêu nhưng đừng thay đổi quyết tâm đạt đến mục tiêu ấy. (When obstacles arise, you change your direction to reach your goal, you do not change your decision to get there. )Zig Ziglar
Không thể dùng vũ lực để duy trì hòa bình, chỉ có thể đạt đến hòa bình bằng vào sự hiểu biết. (Peace cannot be kept by force; it can only be achieved by understanding.)Albert Einstein
Sự vắng mặt của yêu thương chính là điều kiện cần thiết cho sự hình thành của những tính xấu như giận hờn, ganh tỵ, tham lam, ích kỷ...Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Thương yêu là phương thuốc diệu kỳ có thể giúp mỗi người chúng ta xoa dịu những nỗi đau của chính mình và mọi người quanh ta.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn

Trang chủ »» Danh mục »» THUYẾT GIẢNG GIÁO PHÁP »» Năng lực chữa lành của tâm »» 4. PHÁT TRIỂN SỰ TỰ TIN »»

Năng lực chữa lành của tâm
»» 4. PHÁT TRIỂN SỰ TỰ TIN

Donate

(Lượt xem: 6.947)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Năng lực chữa lành của tâm - 4. PHÁT TRIỂN SỰ TỰ TIN

Font chữ:

Sự tự tin là đồng minh tốt nhất của chúng ta, giúp ta biết cách tu tâm và khai mở những sức mạnh của ta. Chúng ta cần tin vào chính mình và con đường mình theo đuổi. Nếu ta không có lòng tự tin thì thậm chí tâm nửa vời của ta chẳng làm nổi một cái bánh nướng dở dang.

Một số chúng ta thiếu tự tin. Chúng ta cảm thấy không hy vọng và không đầy đủ – quá yếu đuối để phấn đấu cho mục đích cao hơn. Thiếu tự tin có thể là kết quả của đặc tính tinh thần hay sự giáo dục. Nếu là do đặc tính tinh thần, điều này khó thay đổi, nhưng nếu do sự dạy dỗ làm chậm việc phát triển của chúng ta thì sự thay đổi và tăng trưởng không khó lắm.

Chướng ngại chung cho những lợi lạc từ giáo pháp là thái độ mặc cảm tội lỗi. Nền văn minh hiện đại đã đem lại cho chúng ta những thuận lợi nổi bật, nhưng hình như nhiều người, đặc biệt trong xã hội cạnh tranh, có cảm giác phạm tội và không nhận biết giá trị tự thân. Một số trong chúng ta có thể nói: “Tôi không xứng đáng được hạnh phúc, hạnh phúc chỉ dành cho người khác, những người may mắn hơn” hoặc “Phương pháp này hiệu quả với người khác, nhưng không hiệu quả với tôi” hay “Thật không công bằng khi tôi trải nghiệm an bình trong khi nhiều người khác còn phải đấu tranh.”...

Nếu chúng ta thành thật lo sợ mình trở nên ích kỷ, chúng ta đáng được khen ngợi vì thái độ tuyệt vời này. Nếu chúng ta tôn trọng và chăm sóc người khác hơn bản thân mình, đó là cốt lõi của việc thực hành đạo Phật, và một thái độ như vậy tự nhiên giúp chúng ta nhiều sức mạnh và rộng mở hơn. Nhưng phần lớn những cảm giác tội lỗi ấy chỉ che đậy cho sự không an toàn của mình, một dạng khác của sự chấp ngã, một sự bào chữa cho việc không cố gắng cải thiện cuộc sống của chúng ta. Cảm thấy tự thân mình không có giá trị rồi chống lại hạnh phúc và an bình thì cũng phi lý như nói “Vì tôi đói, tôi không muốn ăn.”

Một lý do khiến chúng ta thiếu tự tin là không khí cạnh tranh quanh mình. Bắt đầu ở mẫu giáo, nhiều đứa bé đã tập thành thói quen luôn cảm thấy mình chưa tốt, vì trong lớp có những bạn tốt hơn, và có những bạn được phần thưởng. Trở nên tốt nhất là điều quá khó khăn trong thế giới hiện đại.

Những đứa trẻ chịu đựng quá nhiều sự la mắng và khiển trách của người lớn sẽ cảm thấy bị áp lực tâm lý rất lớn và có mặc cảm tội lỗi. Một số cha mẹ khiển trách con cái vì không làm được việc, và thậm chí khi họ khuyến khích chúng, điều đó vẫn chỉ là một dạng áp lực nếu không được đưa ra với một tình thương vô điều kiện.

Dù là bất cứ nguyên nhân nào gây ra cảm giác phủ nhận giá trị tự thân, cách đối trị mạnh mẽ vẫn là sự nhận biết rằng chúng ta toàn thiện trong thật tánh của mình. Nếu hiểu được điều này, sự tự tin và sung mãn sẽ phát khởi tự nhiên trong ta. Điều cốt yếu là cần nhận ra sự quan trọng của hiểu biết này, ít nhất cũng là trên mức độ khái niệm. Sau đó, nếu chúng ta có bất cứ phẩm tính tốt đẹp nào trong cuộc sống, cho dù nhỏ nhặt, chúng ta phải tự tu tập để nhận ra và cảm thấy tốt đẹp về nó. Đây là cách thiết lập thói quen của một tâm tích cực. Khi chúng ta kinh nghiệm và tiếp nhận năng lượng tích cực, dù nó nảy sinh từ một kinh nghiệm đơn giản thôi, nó sẽ mang lại cảm giác thỏa mãn cho phép chúng ta khai triển hạnh phúc và sung mãn lớn lao hơn.

Nhiều thế kỷ trước, nạn đói nghiêm trọng quét qua một thung lũng ở Tây Tạng. Một người cha thấy rằng mình và đứa con không thể sống lâu hơn được vì thực phẩm đã cạn, ông ta liền nhét đầy tro vào các túi, buộc lại và treo lên trần rồi bảo với những đứa con còn bé: “Chúng ta có nhiều tsampa trong những túi này, nhưng phải để dành cho những ngày sau” (tsampa là bột mì nướng, một thực phẩm chủ yếu của Tây Tạng). Sau cùng người cha chết vì đói, nhưng những đứa bé vẫn sống sót cho đến khi có người đến cứu. Mặc dù chúng yếu hơn người cha nhưng vẫn còn sống được vì chúng tin rằng còn thức ăn, còn cha chúng chết vì mất hy vọng.

Dĩ nhiên, luân lý của câu chuyện là sự tự tin giúp sức mạnh cho thân và tâm. Tuy nhiên, chân lý như nó liên hệ với cuộc sống chúng ta thì khơi gợi nhiều hơn sự cá biệt của câu chuyện. Không giống như những túi tsampa, bản tính thanh tịnh của chúng ta không chỉ là sự tưởng tượng nhằm vào việc xây dựng tự tín mà nó đặt nền trên chân lý rốt ráo nhất.

Thật không dễ dàng phát triển niềm tin vào chính ta và những bài tập chữa bệnh, vì ta bị chất đầy những nỗi nghi ngờ, sợ hãi vô tận. Nhưng nếu phá vỡ được những thói quen hằng ngày và đi vào tu tập, thậm chí chỉ trong thời gian ngắn, chúng ta có thể kinh nghiệm một số lợi ích thật sự.

Không ngủ quên trong cảm giác tội lỗi, chúng ta phải tự hiến mình để cải thiện những kỹ năng của ta, phát triển tâm bi và rộng mở. Sau khi thực hành được một thời gian, chúng ta sẽ tìm thấy sự bình thản và thái độ tích cực sẽ tăng trưởng.


NHÌN VÀO SỰ TIẾN TRIỂN CỦA MÌNH

Nhận ra sự tiến triển của mình, chúng ta tự nhiên cảm thấy tự tin trong khả năng mình. Vì thế, việc tự hiến mình cho một cơ hội mà không sợ hãi và nghi ngờ là cách tốt nhất có được sự tự tin.

Sau khi thực hành được một thời gian, nếu chán nản hay mỏi mệt vì cảm thấy còn quá xa với mục đích của cuộc hành trình tâm linh, ta phải nhìn lại cuộc sống trước ngày bắt đầu tu tập và tán thưởng bất cứ tiến triển nào đã đạt được. Thậm chí khi có cảm giác thụt lùi so với sự tiến bộ của mình, điều này vẫn cần được tán thưởng. Bước tụt hậu hay đi đường vòng, thử nghiệm hay lầm lỗi, là tất cả những yếu tố góp phần vào quá trình phát triển. Đau khổ tăng trưởng có thể có vẻ như tiêu cực, nhưng chúng ta có thể thấy chúng tích cực bằng cách tự nhủ: “Tôi đã lùi một bước, và đây là một phần của hành trình về phía trước.”

Suy nghĩ tích cực là thực hành tâm linh lành mạnh, và nó cũng tạo ra lương tri. Khi chúng ta xây một căn nhà, nếu ta chỉ nghĩ về công việc to lớn chưa được hoàn tất thì ta thấy nản lòng, mệt mỏi, thất vọng. Nhưng nếu ta nghĩ nhiều hơn về những gì ta đã hoàn tất hơn là những gì còn phải làm thì ta cảm thấy hạnh phúc và điều đó cũng cho ta năng lực, cảm hứng để làm nhiều việc hơn.

Trên một hành trình dài, nếu chúng ta cứ nhìn hướng đến mục đích xa xôi của mình, chúng ta có thể cảm thấy chán nản vì con đường có vẻ như vô tận. Nhưng nếu ta ngồi xuống, nhìn vào con đường chúng ta đã đi được, cái nhìn đó có thể đầy thỏa mãn và khuyến khích.


PHÓNG LỚN NGAY CẢ TIẾN BỘ ĐƠN GIẢN

Trong bất kỳ việc tu tập nào, sự khuyến khích rộng lượng có thể phóng lớn kết quả và đưa chúng ta đi xa hơn. Khả năng của ta được phóng lớn vượt khỏi cố gắng lúc đầu, giống như tiền vốn phát triển và tăng lên nhiều lần trong một cuộc đầu tư tốt, ngược lại với đồng tiền không được đầu tư gì cả.

Cho dù tiến bộ của ta bé nhỏ, nếu chúng ta tán thưởng nó như là cái gì có ý nghĩa và giá trị, nó trở nên một thành tựu đầy năng lực. Vì thế, hãy nhận ra những phẩm chất tốt đẹp của mình và những bước nhỏ mình đã đi. Hãy tự nhủ: “Tuyệt thay! Tôi đã tạo ra tiến bộ này!” Sau đó, một cách tự phát, sự tiến triển sẽ được phóng lớn và những chướng ngại sẽ bị giảm thiểu.

Việc phóng lớn những tiến bộ và vui thích làm mạnh mẽ sự an bình, thỏa mãn và trang bị cho chúng ta sự bình lặng với những khó khăn. Chẳng hạn khi có một tiếng ồn từ cửa sổ nhà bên, và chúng ta nhiều giờ không ngủ được, nhưng sau một lúc, âm thanh ồn giảm dần. Nếu chúng ta nhận ra và vui thích với sự giảm âm thanh này thay vì lo nghĩ về tiếng ồn vẫn tiếp tục, điều đó sẽ làm cho ta thoải mái và chúng ta ngủ dễ dàng, vì đó là năng lực của sự hân thưởng.

Sự hân thưởng và bằng lòng, khả năng sung sướng trong mọi việc dù lớn hay nhỏ, là sự tu tập chính yếu của đạo Phật. Kinh Pháp Cú (Dharmapada) dạy:

Sức khỏe tốt là thành tựu tuyệt hảo nhất.
Bằng lòng là sự giàu có tuyệt hảo nhất.
Bạn hòa hợp là bạn tuyệt hảo nhất.
Niết-bàn là hạnh phúc tuyệt vời nhất.


TRI GIÁC THANH TỊNH

Thói quen nhìn sự vật là xấu hay tốt được tạo ra trong tâm ta. Chuỗi cảm xúc trong tâm ta – thích và không thích, thèm muốn và sân hận – tạo ra thêm đau khổ hay thèm khát. Cách chuyển hóa những phản ứng thói quen là áp dụng một thái độ tích cực vào mỗi tình huống và cảm nhận sâu xa năng lượng tích cực.

Tri giác thanh tịnh có nghĩa là thấy tất cả mọi sự đều thanh tịnh, toàn thiện, hỷ lạc và giác ngộ. Trong đời sống hằng ngày, có vẻ như chúng ta bị phiền não đè nặng. Tuy nhiên, quan điểm đạo Phật cho rằng những phiền não, trong bản tánh tối hậu của chúng, cũng giống như những ngọn sóng trên bề mặt đại dương. Một cơn bão có thể thổi những ngọn sóng trên bề mặt, nhưng đại dương bên dưới vẫn tĩnh lặng.

Chúng ta có thể tìm thấy sự an bình trong một kinh nghiệm khó khăn và thấy được điều gì đó tích cực ngay cả khi nó biểu lộ trên bề mặt là rất dữ dội. Nếu chúng ta thấy điều gì đó là an bình, cho dù nó có vẻ như rất tiêu cực, chúng ta phải nhận biết cảm giác an bình trong tâm một cách có ý thức và an trú trong kinh nghiệm đó.

Tiêu cực hay tích cực, tri giác này tùy thuộc vào tâm ta. Nếu ta thấy vật gì đó tích cực, thậm chí nếu chỉ là một tách trà cũng có thể trở thành đối tượng của niềm vui nhờ tri giác của ta. Nếu ta nhìn cũng cùng tách trà đó một cách tiêu cực, thì nó là khó chịu.

Thay vì luôn áp đặt quan điểm theo thói quen của ta lên sự vật, sự vật có thể giúp ta tự nhắc nhở làm thế nào để mở ra một thế giới thay vì giải thích nó. Chẳng hạn, nhìn một cái cây, một thầy thuốc có thể thấy đó là vị thuốc hay chất độc. Một nhà buôn tính toán giá trị tiền bạc của nó, và người thợ mộc đo lường khả năng xây dựng của nó. Một nhà khoa học phân tích xung lực hóa học và điện năng của nó. Người say rượu thấy cái cây như một bánh xe quay trên đầu anh ta. Nhà thơ có thể đắm mình trong vẻ đẹp của nó. Một người Công giáo có thể thốt ra lời cầu nguyện ca ngợi sự sáng tạo của Thượng Đế. Một Phật tử thấy cây như là một biểu hiện của duyên sinh hay biểu hiện của sự an bình tối hậu.

Mở rộng cái nhìn của chúng ta có thể nới lỏng sự chấp ngã và cho phép ta nhận những tạo tác của riêng tâm thức ta và những thói quen che tối bản tánh an bình của ta như thế nào. Ngài Tsultrim Lodroš viết:

Do đạt đến giải thoát khỏi những thói quen của ba che chướng –

Của thân, tâm, và những đối tượng –

Chúng xuất hiện như những thân Phật, trí huệ, và những cõi Phật.

Ở đây chúng ta phải nhớ rằng mục đích tu tập của đạo Phật không phải là rời bỏ thế gian này để đến một thế giới tốt hơn hay ở cõi trời. Chúng ta có thể tìm thấy an bình trong chính thế giới này, nhưng bởi vì bản tính an bình bên trong chúng ta thường bị che lấp, chúng ta choáng váng giống như người bị thương phải đối phó với những trận chiến của cuộc đời. Tri giác thanh tịnh có thể chữa lành chúng ta. Nếu chúng ta tu tập tâm mình chấp nhận những khó khăn là tích cực, thì ngay cả những vấn đề rất khó khăn cũng có thể trở thành nguồn hạnh phúc thay vì đau khổ.

Đau khổ có thể là vị thầy lớn. Sự thất vọng, chán nản có thể đánh thức chúng ta. Nếu đời sống quá dễ dàng, chúng ta có thể không bao giờ nhận ra sự an bình đích thực. Nhưng nếu chúng ta bị mất tiền chẳng hạn, điều đó có thể giúp ta tìm thấy sự thật (chân lý). Có thể nhờ đó chúng ta biết cách không quan tâm quá nhiều về tiền bạc, và sẽ biết an bình, sức mạnh là gì. Một số người rất nghèo nhưng rất vui vẻ. Điều này cho thấy sự đau khổ là tương đối biết bao và tâm có thể tìm thấy hạnh phúc ở bất kỳ hoàn cảnh bên ngoài như thế nào.

Chúng ta phải nhớ rằng bên dưới những cơn bão lo nghĩ trên bề mặt là sự an bình. Chúng ta có thể chữa lành đau khổ của mình bằng cách ứng xử khéo léo với những khó khăn của đời sống. Mọi việc đều vô thường và thay đổi. Thay vì xem thay đổi là tiêu cực, hãy thấy nó là tích cực và rút ra sự lợi lạc từ nó. Việc nó là vô thường, vì tính chất thay đổi của nó, cho phép chúng ta cải thiện cuộc sống mình, nếu chúng ta chọn lựa như thế.

Ngay cả những vấn đề khó khăn nhất, như bệnh tật nghiêm trọng, thân xác lão hóa, vẫn có thể được nhìn một cách tích cực. Chúng ta có khuynh hướng xem bản ngã là thường còn, nhưng thật ra bản ngã, với mọi tham dục và bám níu, là không bền vững. Khi đau đớn xảy đến, tất cả ảo tưởng của ta sụp đổ và bị cuốn đi như lâu đài bằng cát bị cơn sóng lớn đầu tiên cuốn xuống biển. Gia đình, nhà cửa, đồng nghiệp... mọi cái yêu thích của đời sống sẽ biến mất.

Nhưng chúng ta có thể thấy ngay cả những khoảnh khắc cùng cực, khi cơ thể chịu đựng bệnh tật tàn phá hoặc cái chết tiến gần, là những cơ hội vui vẻ và tích cực. Chính lúc bấy giờ ta có thể thấy chân lý về sự buông bỏ bản ngã.

Jigme Gyalwe Nyugu thuật lại một cuộc hành hương lúc còn thanh niên với người thầy và là sư huynh của mình, Rinpoche Dodrupchen Thứ Nhất, đi qua một vùng đất không người là vùng Yadrog miền trung Tây Tạng. Vị thầy của ngài trở bệnh nặng nhưng vẫn rất vui vẻ, Ngài Jigme Gyalwe Nyugu viết:

“Khi thầy trò chúng tôi đi xuống phía thung lũng Yadrog, Đức Lama Dodrupchen trở bệnh trầm trọng vì không khí ẩm thấp và bệnh thấp khớp. Ngài bị đau đớn, nhức nhối liên tục và trở nên yếu đến mức như gần chết. Chúng tôi không còn gì nhiều để ăn ngoại trừ một mẩu thịt mỡ đã nát và một bình dầu. Chúng tôi không có đến một muỗng tsampa. Chúng tôi uống trà đen.

“Sau khi Ngài ngồi xuống nghỉ, để giúp Ngài đứng dậy tôi dùng hai tay đem hết sức mạnh đỡ Ngài. Mặc dầu thân xác đang trong một tình trạng nguy kịch, thay vì buồn chán, Ngài lại nói: ‘À, hôm nay tôi có dịp mang theo một ít khổ hạnh trong thực hành pháp bằng cách áp chế thân xác hoang dã phải chết và tâm tham lam, gây thương tổn của tôi. Tôi đang đạt đến cái tinh túy của đời sống con người quý giá. Không còn nghi ngờ rằng những kinh nghiệm khó khăn này tôi đang trải qua là kết quả may mắn được tạo ra bởi sự tích lũy công đức và là sự tịnh hóa những che chướng ở nhiều kiếp trong quá khứ.’ Đó là đại hỷ lạc trong tâm Ngài.

“Tôi cũng vui vẻ theo, nghĩ rằng: ‘Tuyệt vời thay ngài Lama đang đưa vào thực hành lời Phật dạy:

‘Hãy giữ gìn mãi mãi Pháp,
Cho dù phải trả giá bằng việc
Vượt qua tường lửa hay đi trên cánh đồng đầy lưỡi dao’.”

“Dù vậy, những khi vị Lama không nhìn về phía tôi, tôi khóc và thầm nghĩ: ‘Vị thánh nhân này đang hấp hối ở một nơi mà nhân loại không có ai được thấy hay nghe biết về Ngài.’”

Chúng ta có thể học buông xả bám chấp qua thiền định và qua tu tập. Sau đó, một khi những khó khăn thân xác quấy rối, chúng ta sẽ cảm thấy ít nghiêm trọng, hay thậm chí biến mất hoàn toàn. Tất cả chúng ta biết rằng có một số người lại dễ dàng chịu đau đớn hành hạ hơn những người khác. Một số người không cần thuốc gây tê (novocaine) khi nha sĩ nhổ răng, trong lúc những người khác bắt đầu cảm thấy đau trước cả khi đến nha sĩ.

Ở đây chúng ta không nói đến chạy theo chủ nghĩa đau khổ, những người tìm kiếm đau đớn chỉ vì thích đau đớn. Trái lại, mục tiêu của chúng ta là phát triển một thái độ có thể chuyển đổi tác động và tri giác về đau khổ và đau đớn. Nếu chúng ta bị đau răng nhức nhối và chưa thể gặp nha sĩ ngay được, chúng ta cố gắng buông xả tri giác về sự nhức nhối như là một việc tiêu cực. Bằng cách không chú tâm nhiều quá hay lo nghĩ về nó, chúng ta tiếp nhận cơn đau một cách ít nghiêm trọng hơn.

Tri giác thanh tịnh về đau khổ và đau đớn có nghĩa rằng chúng ta thực sự chào đón đau đớn như một cơ hội tích cực và cảm hứng để thực hành buông xả bản ngã. Ở một mức độ thiện xảo rất cao, ta có thể không những hiểu được đau khổ như một việc tích cực mà còn trực tiếp cảm nhận tất cả mọi sự việc đều là hỷ lạc – bao gồm phạm vi những kinh nghiệm từ những vui thích hằng ngày cho đến cái mà đa số người ta xếp loại là tiêu cực như cơn đau của thể xác.

Một người đã thành tựu sự hoàn thiện của mỗi một kinh nghiệm như là phúc lạc, ngay cả khi họ có vẻ yếu đuối về thể xác, bị thương tổn hay suy sụp, vẫn có tâm thức an bình. Ngài Tsele Natshog Rangtrol nói về vị Đại Lama Zhang Rinpoche, một Đại Đạo Sư của phái Kagyu:

“Vì Ngài Zhang Rinpoche đã hoàn thiện sự chứng ngộ và kinh nghiệm về ‘con đường của phương tiện thiện xảo’, tất cả mọi kinh nghiệm, như chân đau do gai đâm và đầu bị thương vì đụng phải đá, đều phát sinh trong Ngài sự hợp nhất tự nhiên sanh khởi của hỷ lạc và sự rộng mở.”

Với phần lớn chúng ta, việc thực hành tri giác thanh tịnh phải có thời gian và nhẫn nại. Nhưng ngay cả nếu chúng ta không thành tựu được sự thực hành ở mức độ cao nhất, một thái độ tích cực sẽ cải thiện cuộc sống và cho phép chúng ta đối phó nhẹ nhàng và hiệu quả hơn với mọi khó khăn.

Tuy nhiên, cần phải mở rộng tâm ta với những lợi ích của việc thực hành này trước khi ta thật sự làm chín muồi chúng. Nhiều người trong chúng ta không thừa nhận tính thực tế của nó để nhìn mọi việc trong cuộc sống là tích cực. Chúng ta nói: “Điều đó không đáng tin, đời sống không phải như vậy” hay “Tôi không đủ mạnh mẽ hay không đủ tốt đẹp để cảm nhận theo cách này” hoặc “Một số hoàn cảnh thật quá khủng khiếp.”

Có vài điều cần ghi nhớ trong tâm trí. Thứ nhất, nên nhớ rằng vấn đề lớn là sự khăng khăng áp đặt những ý niệm của mình trên những kinh nghiệm mà trong bản tánh thật sự là rỗng rang. Ngày và đêm không xấu cũng không tốt, nhưng nếu chúng ta nhất định chỉ thích ban ngày và ghét ban đêm, bấy giờ ban đêm trở thành đáng ghét.

Thứ hai, chúng ta không nên tự đồng hóa mình với những phiền não và kinh nghiệm xấu của chúng ta một cách bám chấp. Chúng ta vốn thực sự an bình và toàn thiện từ bên trong, cho dù có những đám mây che lấp thật tánh. Chúng ta phải cảm thấy tốt đẹp về mình và người khác, và hãy hạnh phúc với chính mình đúng như mình đang hiện hữu.

Cuối cùng, chúng ta phải biết rằng, thực sự có thể cải thiện cuộc sống và quan điểm của ta để tìm ra hạnh phúc và an bình, đi từ tiêu cực đến tích cực. Chúng ta có nhiều cách để làm điều này – mặt trí huệ, mặt tình cảm và mặt tâm linh. Mỗi một việc chúng ta kinh nghiệm đều có thể giúp ta trên con đường chữa lành.

Trong Phật giáo, Bồ Tát là một người giác ngộ, sống và giúp đỡ những người khác trong thế giới này với tất cả nỗi vui buồn của nó. Ngài Đại Bồ Tát Văn Thù (Manjushri) có lần chỉ dạy một đệ tử khác, trước sự hiện diện của đức Phật, rằng bất kỳ hoàn cảnh nào cũng có thể khơi nguồn năng lực chữa lành trong tâm mình. Đây là lời của Ngài Văn Thù nói trong Kinh Avatamsaka (Kinh Hoa Nghiêm):

“Khi một Bồ Tát thấy chúng sanh có nhiều tình thương, Ngài nên nghĩ: ‘Mong cho tất cả chúng sanh có nhiều tình thương và sùng mộ pháp.’ Khi một Bồ Tát thấy chúng sanh có nhiều sự không thích, Ngài phải nghĩ: ‘Mong sao tất cả chúng sanh có cảm giác không thích đối với mọi hiện tượng quy định bởi nhân duyên để họ sẽ nỗ lực cho giải thoát.’ Khi một Bồ Tát thấy chúng sanh hạnh phúc, Ngài phải nghĩ: ‘Cầu cho tất cả chúng sanh được hạnh phúc tột cùng bằng việc đạt được sự giàu có của đại hoan hỷ của Phật tánh.’ Khi một Bồ Tát thấy chúng sanh đau khổ, Ngài phải nghĩ: ‘Mong rằng sự đau khổ của tất cả chúng sanh được bình lặng bằng sự gieo trồng gốc trí huệ trong họ.’”

KIÊN ĐỊNH VÀ TINH TẤN

Trong lúc đối mặt với khó khăn, chúng ta vội vã chạy tìm giải pháp. Nhưng lúc những khó khăn đó lắng dịu đi, chúng ta lơ là kỷ luật cần thiết để làm mạnh mẽ và bảo tồn những năng lượng chữa lành của ta. Khi những khó khăn lại nổi lên, chúng ta trách móc sự thực hành: "Tôi đã tu tập nhiều năm, nhưng vẫn còn những khó khăn như vậy." Lỗi lầm không nằm ở sự thực hành, mà là ở con người đã rời xa những phương pháp chữa bệnh và những ích lợi của chúng.

Khi bạn huấn luyện một chú chó con không được nhảy lên bàn, bạn phải kiên định không cho nó lên bàn. Nếu không nó sẽ xao lãng và thói quen kỷ luật bị quên đi. Vì thế chúng ta phải duy trì mọi thói quen tốt nào mà mình đã đạt được trong bất cứ sự tu tập nào, giống như hằng tháng chúng ta trả bảo hiểm hạng nhất để được bảo đảm an toàn cho bệnh tật và tuổi già.

Việc chữa bệnh sẽ đến chỉ do chính chúng ta nỗ lực và kiên định hướng năng lực đời mình vào thực hành. Dù ta thực hành ở nơi cô tịch nhiều năm, nhưng nếu ta phá vỡ sự liên tục tu tập trong vài tháng, chúng ta có thể thụt lùi và thấy mình như lúc mới bắt đầu.

Một khi chúng ta thực sự đạt được một sự đột phá, nếu chúng ta tiếp tục kiên trì thực hành thậm chí vài phút trong một ngày – sự kiên cố của tâm sẽ không mất đi sẽ tiếp tục phát triển mạnh hơn.

Ngay cả khi ta không phải là người học trò sáng ý hay thiền giả thông tuệ, nhưng nếu kiên trì thực hành, ta có thể tiến bộ nhanh hơn cả những người tự xưng là học giả và những người thuyết pháp. Trích dẫn lời Ngài Jigme Lingpa, người sáng lập truyền thống Longchen Nyingthig của Phật giáo Tây Tạng, Ngài Paltrušl Rinpoche viết:

Với một người không chuyên cần,
Thì thông minh, năng lực, tài sản và cả sức mạnh không giúp gì được.
Cũng giống như thuyền trưởng một con thuyền không có buồm.

Tục ngữ Tây Tạng nói:

Những học giả kết thúc với hai bàn tay trắng trong nách mình.
Trong lúc người tận tụy đập tan cả những thách thức lớn như núi Tu Di thành bụi.

Nếu chúng ta chuyên cần, thậm chí là một người có tâm đơn giản, chúng ta có thể đạt được mục đích của mình. Cũng giống như câu chuyện về Ngài Lamchungpa trở thành một trong những nhà hiền triết danh tiếng của đạo Phật được biết như trong mười sáu vị A La Hán. Đơn giản chỉ rửa sạch những đôi giày của những vị sư khác, Ngài đã có thể hiểu được lời dạy đức Phật. Đức Dalai Lama Thứ Nhất kể lại câu chuyện này:

"Tâm trí Ngài Lamchungpa rất chậm lụt, nhiều đệ tử của đức Phật cố gắng dạy Ngài nhưng rồi phải bỏ cuộc. Sau đó đức Phật hướng dẫn Ngài rửa những đôi giày của tăng chúng và lặp lại hai câu: "Bụi bặm đã được rửa sạch, nhơ bẩn đã được rửa sạch", Ngài cố nhớ hai câu ấy với sự khó khăn vô cùng. Sau khi làm công việc ấy một thời gian lâu dài, rồi một ngày nọ, một tư tưởng xuất hiện trong tâm trí Ngài: "Ồ, đức Phật nói 'lau sạch bụi' và 'rửa sạch dơ bẩn' là cái gì? Có phải bụi và dơ bẩn bên trong (tâm) hay của đồ vật bên ngoài (giày)?" Ngay lúc đó những câu thơ kệ đến trong tâm Ngài:

Đây không phải là bụi của đất, mà là tham dục.
Bụi là tên của tham dục, không phải của bụi đất.
Ai học được cách lau sạch bụi,
Đạt được tỉnh giác trong giáo lý Như Lai.

Đây không phải là bụi của đất, mà là sân hận.
Bụi là tên của sân hận, không phải của bụi đất.
Ai học được cách lau sạch bụi,
Đạt được tỉnh giác trong giáo lý Như Lai.

Đây không phải là bụi của đất, mà là vô minh (si)
Bụi là tên của vô minh, và không phải của bụi đất.
Ai học được cách lau sạch bụi,
Đạt được tỉnh giác trong giáo lý Như Lai.

"Bấy giờ, Ngài chuyên cần thiền định về ý nghĩa của những vần kệ trên và chẳng bao lâu đạt được quả vị A La Hán, một trạng thái loại trừ toàn triệt những đau khổ tình cảm và tâm trí."



SỰ CÂN BẰNG

Sự cân bằng cần thiết cho cả thiền định và đời sống hằng ngày. Quá ép buộc và thúc bách chỉ tạo ra căng thẳng, cứng rắn, hoang tưởng và đau khổ. Quá buông lung hay lười biếng thành ra thiếu tập trung, thiếu sức mạnh, ảo giác, mơ tưởng hão huyền. Để biết cách thiền định như thế nào, Ngài Patrušl Rinpoche khuyên chúng ta hãy lưu ý đến câu chuyện trong kinh như sau:

"A Nan, một đệ tử chính của đức Phật, dạy Shravana làm sao để thiền định. Tuy nhiên, Shravana không thể thiền định được tốt vì đôi khi tâm trí quá kềm chặt và lúc khác lại buông lỏng. Khi trường hợp này được trình lên đức Phật, Ngài hỏi Shravana: 'Này ông, khi còn ở nhà, ông đánh đàn rất hay phải không?'

"Shravana trả lời: 'Vâng, con đánh đàn hay."

"Đức Phật hỏi: 'Âm thanh hay của đàn do lên dây căng hay chùng?'

"Shravana trả lời: 'Bạch Thế Tôn, không phải cả hai cách đó, âm thanh hay là do sự cân bằng vừa phải của dây đàn.'

"Bấy giờ, đức Phật dạy: 'Vậy tâm của ông cũng cần phải như vậy.'

"Sau này, bằng sự thiền định một cách cân bằng vừa phải, Shravana đã đạt được thành quả của việc tu tập."


Trong thiền định, chúng ta hoàn toàn chú tâm và đem hết năng lực để thiền định, và trong cách này là gắng sức. Nhưng chúng ta không cảm thấy căng thẳng và trong cách này thiền định là sự không cố gắng. Giống như dây đàn, chúng ta phải vừa căng vừa chùng. Nói khác đi, tỉnh táo mà không căng thẳng. Nếu lười biếng, tâm ta không vững chắc và tĩnh lặng. Nếu cưỡng ép, chúng ta đốt hết năng lực và kết thúc trong sự bám chấp. Trích dẫn Ngài Machig Labdron, một nữ đạo sư nổi tiếng của Tây Tạng, Ngài Patrušl Rinpoche viết:

Điểm thiết yếu của quan điểm thiền định
Nằm trong sự thắt chặt và buông lỏng.
(Đầu tiên làm chặt được ở mức chặt
Sau đó nới lỏng ra ở mức lỏng
Như vậy tinh hoa của sự thấy ở đó.)

Sự linh hoạt là chìa khóa duy trì sự thăng bằng của tâm chúng ta trong những tình huống hằng ngày. Ngài Atisha, một trong những Đại sư Phật giáo Ấn Độ ở thế kỷ thứ mười viết:

Bất cứ khi nào tâm bạn quá cao,
Cần thiết đánh tan kiêu mạn đó
Bằng cách nhớ lại những lời dạy của Thầy.
Bất cứ lúc nào tâm bạn quá thấp,
Cần phải có nguồn cảm hứng.
Bất cứ lúc nào đối mặt với đối tượng thèm muốn hay sân hận,
Hãy thấy chúng như những ảo giác hay những xuất hiện huyễn hóa.
Bất cứ lúc nào nghe điều không hấp dẫn,
Hãy xem chúng như những tiếng vang.
Bất cứ khi nào thân thể bị tổn thương,
Hãy nhận lấy như kết quả của nghiệp.

Giống như người trượt băng giỏi vẫn giữ được thăng bằng trong lúc quay tròn và thực hiện những kỳ công đáng ngạc nhiên trên băng, chúng ta cần nhận biết trung tâm của mình. Nếu chúng ta đi vào những cực đoan, ta sẽ mất trung tâm bình an và trở nên mất thăng bằng. Chẳng hạn, trong mối liên hệ giữa ta và người khác, chúng ta cần tình bạn và sự trợ giúp, và chúng ta cũng cần độc lập.

Người ta thường rơi vào cực đoan trong mối liên hệ với người khác. Một số cha mẹ làm ngộp con cái trong những liên hệ quá phụ thuộc lẫn nhau. Những bậc cha mẹ khác lại sợ tình cảm thân mật và không cho con cái họ sự trợ giúp đầy đủ. Đúng là mỗi một người đều có thể tự đứng trên hai chân mình, nhưng nhìn chung sự thân mật sẽ nuôi dưỡng và cho phép con cái – và cha mẹ – lớn mạnh về mặt tình cảm. Cha mẹ phải nói chuyện và tham gia vào những trò chơi trong cuộc sống của con cái và bày tỏ tình thương nồng ấm với chúng. Họ cũng phải để cho con cái thành một người độc lập không phụ thuộc. Đây là sự thăng bằng mà chúng ta cần.

Nhiều đứa trẻ trưởng thành trách móc cha mẹ về những vấn đề thuộc tình cảm, hay nổi loạn chống lại bất cứ ai áp đặt quyền lực lên chúng. Chúng ta cần phải hiểu quá khứ của mình, những trách móc không mang lại tự do. Nếu chúng ta vướng mắc vào sự bực tức và giận dữ, ta có thể tạo ra những chất độc bên trong ta và bám vào chúng để bị tổn hại. Sự chữa lành là câu trả lời. Hãy nhìn quá khứ xem đó là cái gì, rồi tha thứ và quên đi. Đây là cách để tìm thấy an bình.

Sự tự tin thái quá, sợ phải dựa vào người khác làm cằn cỗi sự tăng trưởng tình cảm và tâm linh của chúng ta. Một số người bác bỏ ý tưởng dựa vào bất cứ ai khác ngoại trừ chính họ. Nhưng bằng sự quá kiêu mạn hay quá sợ hãi, họ chối bỏ lợi ích của chính mình về sự đào luyện tâm linh. Họ nghi ngờ vị thầy hay giáo lý có thể giúp họ, và những nghi ngờ này khiến họ cách xa sự chữa lành. Hoàn toàn tự do không phụ thuộc vào người khác là điều có thể được, nhưng với phần đông chúng ta thì sự cố gắng hoàn toàn độc lập khi học cách đối xử với những khó khăn là một sai lầm.

Chúng ta cần người khác giúp đỡ để đời sống bớt phần vật vã. Sự trợ giúp của gia đình, bạn bè và cộng đồng là rất tốt. Đồng thời, trong sự cố gắng phát triển tâm linh và tình cảm, chúng ta phải tiến lên theo mức độ và năng lực của chính mình, không phải theo lịch trình vạch sẵn của người khác. Trong mọi hoàn cảnh, nếu chúng ta có thể tĩnh lặng và buông lỏng thì cuối cùng ta sẽ tìm thấy sự cân bằng.


CẢM NHẬN

Khi chúng ta nghe kể một câu chuyện gây hứng thú, không phải việc nghe nó, mà chính là việc cảm nhận nó mang lại cảm hứng. Cách hiệu quả của việc nối kết với bất cứ nguồn chữa bệnh nào không phải chỉ là nhìn hay tri giác một đối tượng để chữa bệnh, mà là cảm nhận nó với toàn bộ con người của chúng ta.

Cách thực hành những bài tập chữa bệnh là tập trung vào lòng bạn – vào những cảm nhận tích cực của bạn. Không chỉ là nghĩ, mà còn là cảm nhận nó. Quả thực là giai đoạn cao nhất của chứng đắc tâm linh thì vượt khỏi những tri giác, cảm nhận hạn chế và nhị nguyên – vượt khỏi chủ thể và đối tượng, vượt khỏi tích cực (tốt) và tiêu cực (xấu), vượt khỏi một cái "tôi" quán tưởng một hình ảnh. Tuy nhiên, với những người như chúng ta, đang vật lộn với đau khổ và kích động, thì mục tiêu tức thời, thích hợp là cố gắng chuyển những quan điểm tiêu cực thành tích cực, để chữa lành những cảm nhận đau khổ và (cảm nhận niềm vui) dịu dàng từ những chiều sâu của trái tim chúng ta.


THẤY HAY CẢM NHẬN VỚI TOÀN THỂ THÂN TÂM

Khi chúng ta tu tập, đặc biệt trong lúc đầu, tự nhiên ta sẽ tập trung năng lực bằng cách nhìn hình tượng quán tưởng với đôi mắt, hay nghĩ về một đối tượng với đầu óc hay cảm nhận điều gì đó bằng tấm lòng.

Đối với một số thực hành, phương pháp này là có ích. Tuy nhiên, đôi khi nó gây ra khó khăn nếu thực hành với sự gắng sức quá nhiều hay căng thẳng theo cách khu trú năng lực chỉ ở trong một phần của cơ thể.

Ví dụ, có thể ta tập trung quá nhiều năng lực ở cặp mắt khi quán tưởng, hay tập trung cảm nhận quá mạnh ở vùng tim. Ở Tây Tạng, điều này được diễn giải trong một thuật ngữ "khí" hay năng lực, chảy đến bất cứ đâu trong thân thể khi tâm tập trung vào. Quá nhiều năng lực trong một vùng có thể gây ra căng thẳng và ngay cả bệnh tật.

Giải pháp đơn giản là thả lỏng và hoàn toàn chú tâm vào sự tập trung bằng cả con người của chúng ta, mà không gắng sức. Theo cách này, chúng ta thấy và cảm nhận bằng cả con người, và năng lực được phóng lớn hơn là khu trú cục bộ. Trong đời sống hằng ngày, nếu bạn nhìn chăm chú vào màn hình vi tính, bạn có thể nhức đầu, trừ khi bạn nhìn bằng một cách buông lỏng hơn. Tương tự, ca sĩ có thể làm căng thẳng dây thanh âm của mình trừ khi họ biết cách đem âm thanh lên từ hơi thở vùng dưới bụng. Nếu thiền định là một sự gắng sức, đó là dấu hiệu cần được nới lỏng, để tâm và thân thiền định theo cách buông lỏng trong một lúc.


NĂNG LỰC CỦA SỰ BÍ MẬT

Thường thì sự rèn luyện tâm linh trở nên hiệu quả hơn khi được trao cho như một giáo huấn bí mật, được giữ gìn như một kho tàng bí mật, và thực hành trong bí mật không thố lộ cho bất cứ ai ngoài vị thầy của mình. Mục tiêu tối hậu của giáo lý là mở rộng cho chúng ta, không giới hạn hay tự tách biệt mình trong sự ẩn dật. Nhưng đặc biệt, trong lúc bắt đầu, chúng ta cần phải tập gom tụ năng lực và sự tập trung của mình. Sự bí mật giúp ta làm điều đó.

Nếu chúng ta sử dụng những gì chúng ta đã học được để nói huyên thuyên ở bàn ăn hay như một nhà buôn hàng hóa, một công cụ cho những mục đích tầm thường, chúng ta có nguy cơ phân tán năng lực và nguồn cảm hứng. Khi ta giữ việc thực hành được bí mật, năng lực được tập trung phát triển hiệu quả hơn, giống như một bộ máy khai thác năng lực để phóng một hỏa tiễn ra khỏi sức hút của trái đất bởi vì nhiên liệu được đốt cháy này được giữ dưới áp suất lớn lao hơn là để thoát ra một cách ngẫu nhiên.


BIẾT ĐƯỢC NHỮNG SỰ MẠNH MẼ VÀ YẾU ĐUỐI CỦA CHÍNH MÌNH

Tất cả chúng ta đều khác nhau, với những khí chất cá nhân và phẩm tính tâm thức riêng biệt, nhưng tất cả chúng ta đều có thể tìm thấy an bình. Ngài Shantideva nói:

Khi nhìn thấy máu của chính mình, một số người trở nên can đảm và mạnh mẽ hơn.
Một số người ngay cả khi thấy máu người khác,
Lại lả đi hay ngất xỉu.
Những phản ứng này là do sức mạnh
Hay sự yếu đuối của tâm.

Vậy bằng cách không để ý đến những khó khăn
Hãy để tâm mình trở nên bất bại với những khổ đau.


Tất cả chúng ta đều toàn thiện trong bản tánh chân thật của mình, và đó là sức mạnh vĩ đại của chúng ta. Sau khi hiểu được điều này, chúng ta phải xây dựng sức mạnh và chữa lành mọi yếu đuối của mình.

Đôi khi, việc nhận ra những yếu đuối của mình rất khó khăn. Một số người trong chúng ta vô cảm và kiêu ngạo. Một số khác hay nổi giận và tiêu cực về tất cả mọi thứ. Một số khác nữa say sưa với tiền bạc, quyền lực và nuông chiều bản thân thường xuyên trong sự tự mãn và những ý niệm rồ dại. Nếu có bất cứ phiền não nào trong số này đến với mình, chúng ta cần phải làm dịu đi bản ngã thô lỗ, ngoan cố và tự tìm thấy sự thăng bằng. Những thiền quán trên những nỗi buồn, mất mát và những khó khăn của thế giới này có thể mở rộng tâm chúng ta.

Không may, nếu chúng ta kiêu mạn và ngoan cố thì ta tự biến thành kẻ thù tệ hại nhất của chính mình, vì sẽ khó khăn để nhận ra những vấn đề của mình. Vì thế, nhận ra những lỗi lầm của chính mình là bước khởi đầu quan trọng.

Và rồi có một số người trong chúng ta bị buồn chán, yếu đuối, hoang mang và ngay cả tự tử. Nếu chúng ta không tin tưởng vào bất cứ cái gì, tốt hơn hết là tham thiền về những tu tập gây cảm hứng như sùng mộ, thái độ tích cực, tri giác thanh tịnh, tâm bi và tâm từ. Chúng ta phải xua đi những lo nghĩ và nghi ngờ, phải tự tin vào chính mình và sức mạnh của những giáo lý.

Để biết mình, việc nhận lời dạy bảo của một vị thầy hay người cố vấn khéo léo là rất ích lợi. Chúng ta không cần đi một mình, chúng ta có thể chấp nhận sự giúp đỡ khuyến khích của bạn bè và người khác. Đồng thời, sự chữa lành tối hậu nằm trong chúng ta. Trong cái thật sự là chúng ta, ta có thể tìm thấy những câu trả lời ta cần. Những lời dạy của nhiều thời đại cung cấp cho ta những bảng chỉ đường. Chúng ta cần phải đưa nhiệt tình và sự sáng tạo vào cách thức mà chúng ta tiến theo những dấu hiệu chỉ đường đó.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 20 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Lược sử Phật giáo


Lục tổ Đại sư - Con người và huyền thoại


Tiếp kiến đức Đạt-lai Lạt-ma


Bhutan có gì lạ

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.149.214.28 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (161 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...