Người nhiều lòng tham giống như cầm đuốc đi ngược gió, thế nào cũng bị lửa táp vào tay. Kinh Bốn mươi hai chương
Chớ khinh tội nhỏ, cho rằng không hại; giọt nước tuy nhỏ, dần đầy hồ to! (Do not belittle any small evil and say that no ill comes about therefrom. Small is a drop of water, yet it fills a big vessel.)Kinh Đại Bát Niết-bàn
Nhẫn nhục có nhiều sức mạnh vì chẳng mang lòng hung dữ, lại thêm được an lành, khỏe mạnh.Kinh Bốn mươi hai chương
Sống chạy theo vẻ đẹp, không hộ trì các căn, ăn uống thiếu tiết độ, biếng nhác, chẳng tinh cần; ma uy hiếp kẻ ấy, như cây yếu trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 7)
Người ta vì ái dục sinh ra lo nghĩ; vì lo nghĩ sinh ra sợ sệt. Nếu lìa khỏi ái dục thì còn chi phải lo, còn chi phải sợ?Kinh Bốn mươi hai chương
Không trên trời, giữa biển, không lánh vào động núi, không chỗ nào trên đời, trốn được quả ác nghiệp.Kinh Pháp cú (Kệ số 127)
Rời bỏ uế trược, khéo nghiêm trì giới luật, sống khắc kỷ và chân thật, người như thế mới xứng đáng mặc áo cà-sa.Kinh Pháp cú (Kệ số 10)
Lửa nào sánh lửa tham? Ác nào bằng sân hận? Khổ nào sánh khổ uẩn? Lạc nào bằng tịnh lạc?Kinh Pháp Cú (Kệ số 202)
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp Cú (Kệ số 8)
Như ngôi nhà khéo lợp, mưa không xâm nhập vào. Cũng vậy tâm khéo tu, tham dục không xâm nhập.Kinh Pháp cú (Kệ số 14)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Chư Kinh Yếu Tập [諸經要集] »» Bản Việt dịch quyển số 10 »»

Chư Kinh Yếu Tập [諸經要集] »» Bản Việt dịch quyển số 10

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 1.39 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 1.66 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Thiện Ác Nghiệp Báo

Kinh này có 20 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 |
Việt dịch: Như Chơn

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Chủ biên: Thích Nguyên Chơn
XVIII. LỤC ĐỘ
XVIII.1. Bố thí
Gồm có bảy phần: Lời dẫn, Bỏn xẻn và dối trá, Bố thí tài vật, Bố thí giáo pháp, Xét về sự bố thí, Phúc điền, Tương đối.
XVIII.1.1. Lời dẫn
Bố thí là nền tảng của muôn hạnh, được nêu đầu tiên trong lục độ[33] và được đề cập trước nhất trong tứ nhiếp pháp[34]. Cho nên, Cấp Cô Độc trải vàng lót vườn mà không suy tính, vua Tu-đạt-noa bố thí voi quý mà chẳng hối tiếc. Lại vì giải cứu các nguy ách khổ nạn mà quên cả thân mình, [88b] nên bồ-tát đã gieo mình để cứu hổ đói, vua Thi-tì lóc thịt đùi để thay thức ăn cho chim ưng... Huống gì đất nước, vợ con... đâu đáng lưu tâm! Tiền bạc, của cải, nào đáng để lòng!
Sách thế gian còn ghi: “Nhường cơm, sẻ áo, quên mình vì người, ngựa xe, y phục, đồng cam cộng khổ”. Đó đều là những tấm gương trọng nghĩa, khinh tài, chuộng hiền, quý sĩ.
Vả lại, của cải vốn vô thường, đâu liên quan gì đến con người mà phải nhọc lòng cất chứa, để làm gì? Lại còn bị bốn nỗi sợ hãi[35] dày vò, năm nhà tranh đoạt[36], người trí nào mà ham thích? Gần đây thấy có kẻ ngu tham tiếc tài sản, không chịu buông bỏ mà phải mất thân mạng. Chỉ vì tham sống, sợ chết mà khiến cho vợ con bất hòa, anh em tranh đấu, quyến thuộc chia lìa, bạn bè xa lánh. Do nhân bỏn xẻn, duyên bỏn xẻn, cách thức bỏn xẻn, nghiệp bỏn xẻn, nên trái với tâm của bồ-tát, làm chướng ngại đạo từ bi, không khởi tâm cứu hộ, mà chỉ khởi ý tổn hại mà thôi. Nguyên nhân của những tội lỗi ấy chính là tham lam và bỏn xẻn.
XVIII.1.2. Bỏn xẻn và dối trá
Trong kinh Bồ-tát xử thai, Đức Phật nói kệ:
Người phần nhiều ngu si,
Keo kiệt chẳng bố thí,
Cất chứa nghìn vạn ức,
Cho là vật của ta.
Đến lúc sắp mạng chung,
Nhìn thấy quỷ thần dữ,
Gió lạnh xẻ thân này,
Mạng sống không còn nữa.
Lòng tham có thiện ác,
Thụ báo rất khổ đau,
Sắp đến nơi chịu tội,
Hối hận làm sao kịp.
Trong kinh Tát-già Ni-kiền tử có bài kệ:
Người tham cất chứa nhiều,
Chẳng bao giờ biết đủ,
Tâm điên đảo vô minh,
Luôn ôm lòng hại người.
Đời này bị oán ghét,
Chết về chốn khổ đau,
Vì vậy, người có trí,
Phải nên thường biết đủ.
Tiếc của, chẳng bố thí,
Cất giữ sợ người hay,
Chết rồi, đi tay không,
Chịu khổ trong loài quỷ.
Nào đói, khát, nóng, lạnh,
Lo buồn thường thiêu đốt,
Người trí không cất chứa,
Để dẹp lòng san tham.
[88c] Trong kinh Phân biệt nghiệp báo có bài kệ:
Hạnh tu bố thí khắp,
Nóng nảy, nhiều sân giận,
Không nương vào chính niệm,
Sau làm thân rồng dữ.
Kinh Bồ-tát bản hạnh ghi: “Nếu thấy người đến xin mà lộ vẻ bực tức, xua đuổi, nên biết người này đang mở cửa ngạ quỷ”.
Kinh Đại tập ghi: “Có bốn trường hợp làm chướng ngại Đại thừa. Đó là:
1. Không thích bố thí
2. Bố thí rồi hối hận
3. Bố thí xong, xét lỗi người
4. Lòng không nghĩ đến sự khổ mà bố thí.
Lại có bốn trường hợp:
1. Bố thí vì tham dục
2. Bố thí vì sân giận
3. Bố thí vì ngu si
4. Bố thí vì sợ hãi.
Lại có bốn trường hợp khác:
1. Không hết lòng bố thí
2. Không tự tay bố thí
3. Không trực tiếp bố thí
4. Xem thường mà bố thí”.
Kinh Ưu-bà-tắc giới ghi: “Đức Phật dạy: Bồ-tát bố thí thì xa lìa được bốn điều ác: phá giới; nghi ngờ; tà kiến; bỏn xẻn”.
Lại xa lìa năm trường hợp:
1. Khi bố thí, không phân biệt người có đức hay không có đức
2. Khi bố thí không phân biệt người tốt hay người xấu
3. Khi bố thí, không phân biệt giai cấp
4. Khi bố thí, không xem thường người xin
5. Khi bố thí, không dùng lời ác mắng chửi.
Bố thí không được quả báo tốt đẹp, có ba nguyên nhân: trước phát tâm cho nhiều, nhưng sau cho ít; chọn đồ dở cho người; bố thí rồi, sinh lòng hối hận.
Có tám nguyên nhân khiến bố thí không được quả báo cao tột:
1. Bố thí rồi, thấy lỗi của người nhận
2. Khi bố thí, tâm không bình đẳng
3. Bố thí rồi, mong người nhận đáp lại
4. Bố thí rồi, thích tự khen mình
5. Trước nói không cho, sau lại đem cho
6. Bố thí rồi, dùng lời ác mắng chửi
7. Bố thí rồi, mong trả lại gấp đôi
8. Bố thí rồi, sinh tâm nghi ngờ.
Người có tâm bố thí như vậy thì không được gặp Phật và các bậc hiền thánh. Nếu bố thí đầy đủ sắc, hương, vị, xúc... đối với mọi người một cách bình đẳng, mới được gọi là bố thí thanh tịnh.
Nếu người nào bố thí chỉ vì phúc báo, không thích bố thí thường xuyên, thì đời sau được quả báo tốt đẹp, nhưng không thích làm việc bố thí.
Nếu người nào bố thí rồi hối hận, hoặc cướp đoạt tài vật của người để đem bố thí thì đời sau tuy có của cải, nhưng thường bị mất, không cất giữ được.
Nếu người nào bức bách nhiễu loạn làm buồn lòng họ hàng để có được tài vật đem bố thí, thì đời sau tuy được quả báo tốt đẹp, nhưng thân thường mang bệnh tật, đau khổ.
[89a] Nếu người nào trước đây không lo phụng dưỡng cha mẹ, não loạn vợ con, tôi tớ, gắng gượng mà bố thí, thì đó là người ác, là giả danh bố thí, không đúng nghĩa bố thí. Người bố thí như thế là không có lòng thương yêu, không biết báo đáp công ơn, thì đời sau tuy có nhiều tiền của, nhưng thường bị mất, không cất giữ được, cũng không thể sử dụng được, thân mang nhiều bệnh tật, đau khổ.
Kinh Ưu-bà-tắc giới ghi: “Người không có của cải, tự nói không có của cải, như vậy là không đúng. Vì sao? Vì ai ai cũng có cỏ cây, sông nước. Dù là bậc đế vương nhưng chưa hẳn có thể bố thí, tuy là người nghèo cùng nhưng vẫn bố thí được. Vì sao? Người nghèo cùng cũng có phần cơm, ăn rồi rửa bát, nếu biết đem nước rửa bát đó thí cho loài cần dùng, thì cũng được phúc đức; hoặc lấy bột cám thí cho loài kiến, cũng được phúc báo vô lượng. Người nghèo khó nhất thiên hạ, cũng có chút bột cám này! Người nghèo cùng cực, ai mà không có quần áo để mặc! Nếu có quần áo, há lại không có một sợi chỉ, một cây kim để cho người băng bó vết thương, hoặc một mảnh vải nhỏ bằng đầu ngón tay để làm tim đèn ư?”.
Này thiện nam tử! Người trong thiên hạ hiện tại dẫu nghèo cùng thì vẫn có thân này. Nếu đã có thân, khi thấy người làm việc tốt, mình cũng nên đến giúp họ quét dọn, tưới tẩm, làm những việc nặng nhọc..., thì cũng được quả báo tốt đẹp. Cho nên, luận Thành thật ghi: “Phúc báo quét đất già-lam khắp cõi Diêm-phù, không bằng quét quanh tháp Phật một khoảng chỉ nhỏ bằng một bàn tay”.
Luật Tứ phần[37] và luận Di-sa-tắc ghi: “Thuở xưa, lúc Đức Phật còn tại thế, trong thành Bạt-đề có một cư sĩ nổi danh tên là Mân-trà. Ông có nhiều vàng bạc, của cải, lại có quyền lực lớn, nên mọi người cần gì ông đều cung cấp đầy đủ.
Trong nhà ông có một lỗ hổng to bằng trục bánh xe, lúa gạo tự nhiên tuôn ra không ngớt. Vợ ông lấy tám thăng gạo nấu cơm cho bốn bộ binh và những người từ khắp nơi đến ăn, ăn hoài mà vẫn không hết. Con trai ông lấy nghìn lượng vàng cho bốn bộ binh và người từ bốn phương đến xin, ban phát theo nhu cầu của họ mà vẫn không hết. Người con dâu lấy một thỏi hương thoa, đem cho bốn bộ binh và người từ khắp nơi đến xin, cung cấp đầy đủ theo sự mong cầu của họ mà hương vẫn không hết.
Người tớ trai lấy cày ra cày bảy luống mà lúa càng lúc càng nhiều. Người tớ gái lấy tám thăng lúa nấu cho người và ngựa của bốn bộ binh ăn, ăn hoài mà vẫn không hết. Người sang kẻ hèn trong nhà tranh nhau, ai cũng cho đó là phúc lực của mình. Mân-trà đến thưa hỏi Phật:
- Đó là nhờ phúc lực của ai?
Đức Phật bảo:
- Là phúc lực của tất cả những người trong nhà.
Đức Phật lại bảo:
- Thuở xưa, trong thành Vương Xá, có một người thợ dệt. Ông ta có một người vợ, một con trai, một con dâu, một tôi trai và một tớ gái. Một hôm, cả nhà đang dùng cơm, có một vị bích-chi phật đến khất thực. Lúc ấy, ai cũng muốn dâng cúng phần cơm của mình. [89b] Vị bích-chi phật nói: ‘Chỉ cần mỗi vị bớt đi một chút, thì tôi được no mà các vị cũng không thiếu’. Cả nhà cùng nghe theo. Thụ trai xong, vị bích-chi phật biến hiện ra các loại thần biến[38] ở trên hư không rồi ra đi. Nhờ phúc cúng dường này, thời gian sau, cả nhà người thợ dệt mạng chung, đều sinh lên cõi trời Tứ Thiên Vương[39] cho đến cõi Tha Hóa Tự Tại[40], lên xuống bảy lần, phúc đức còn lại sinh ở cõi này, quả báo như nhau”.
Kinh Tịnh nghiệp chướng ghi: “Nếu bồ-tát quán bỏn xẻn và bố thí chẳng phải hai tướng, trì giới và phá giới, sân nhuế và nhẫn nhục, giải đãi và tinh tiến, tán loạn và thiền định, ngu si và trí tuệ... chẳng phải hai tướng, đây gọi là dứt trừ các nghiệp chướng”.
XVIII.1.3. Bố thí tài vật
Kinh Đại bảo tích ghi: “Bố thí tài vật có năm cách:
1. Bố thí với lòng thành
2. Bố thí với lòng tin
3. Bố thí đúng lúc
3. Tự tay bố thí
4. Bố thí đúng pháp”.
Luận Bồ-tát địa trì [41] ghi: “Tất cả tài vật để bố thí, nói sơ lược có hai loại là nội vật và ngoại vật. Bồ-tát xả thân bố thí gọi là nội thí. Nếu bồ-tát vì những chúng sinh ăn đồ mửa, ăn rồi mửa ra để bố thí, gọi là nội ngoại thí. Ngoài hai trường hợp trên gọi là ngoại thí”.
Bồ-tát nội thí có hai cách:
1. Tùy theo sở thích của chúng sinh muốn nương vào năng lực của các ngài để được an ổn, thì bồ-tát xả thân để bố thí. Thí như có người vì miếng cơm, manh áo mà phải lệ thuộc vào người, làm tôi tớ cho họ. Cũng vậy, bồ-tát không vì lợi dưỡng mà chỉ vì Vô thượng bồ-đề, vì an lạc cho chúng sinh, vì viên mãn bố thí ba-la-mật mà tùy theo sở thích của chúng sinh muốn nương vào năng lực của các ngài để được an ổn, thì bồ-tát xả thân để bố thí.
2. Tùy theo nhu cầu của chúng sinh, cần những bộ phận trên thân của các ngài, bồ-tát đều bố thí tất cả.
Bồ-tát ngoại thí cũng có hai cách:
1. Tùy theo những đồ vật mà chúng sinh mong cầu, thọ dụng, ưa thích, bồ-tát đều vui vẻ bố thí.
2. Vì phụng sự chúng sinh, bồ-tát sẵn lòng bố thí tất cả.
Nội vật và ngoại vật mà bồ-tát đem bố thí tuy có khác nhau, nhưng cách bố thí thì bình đẳng đối với tất cả chúng sinh. Bồ-tát có lúc bố thí, có lúc không bố thí. Nếu làm cho chúng sinh vui mừng mà không an lạc, hoặc không vui mừng và không an lạc, thì bồ-tát không bố thí. Nếu làm cho chúng sinh không vui mừng mà an lạc, hoặc vừa an lạc vừa vui mừng, thì bồ-tát bố thí tất cả.
Kinh Đại tập ghi: “Bồ-tát có bốn cách bố thí để đầy đủ trí tuệ. Đó là:
1. Dâng cúng pháp sư giấy, bút, mực... để chép kinh, viết sách.
2. Dâng cúng pháp sư tòa ngồi cao đẹp được trang trí bằng các thứ quý báu.
3. Dâng cúng pháp sư các vật cúng dường cần thiết.
4. Khen ngợi pháp sư với tâm thành kính”.
Kinh Ưu-bà-tắc giới ghi: “Nếu bố thí y phục, thì được thân hình xinh đẹp. [89c] Nếu bố thí món ăn, thì được sức mạnh vô biên. Nếu bố thí đèn sáng, thì được pháp nhãn[42] thanh tịnh. Nếu bố thí xe cộ, thì thân thường an lạc. Nếu bố thí phòng nhà, thì được đầy đủ mọi thứ cần dùng.
Nếu bố thí vật thanh tịnh vi diệu, sau sẽ được thân hình xinh đẹp, ai cũng thích nhìn, tiếng tốt vang xa, những điều mong cầu đều toại nguyện, sinh vào giai cấp cao quý. Đây không gọi là người ác.
Nếu người nào sắm sửa các đồ dùng tốt đẹp để trang nghiêm tự thân, như y phục... sắm xong rất thích mà chưa dùng, lại đem bố thí cho người, thì đời sau sẽ được cây như ý[43].
Nếu người nào hàng ngày lập nguyện: trước bố thí thức ăn cho người, sau đó mới ăn. Như trái lời nguyện này tức là trộm vật của Phật[44], thì cảm thấy hổ thẹn. Như không trái phạm thì đó là nhân duyên để thành tựu trí tuệ cao siêu. Đây là cách bố thí cao quý nhất trong các cách bố thí. Người này cũng được gọi là thí chủ lớn nhất.
Nếu người nào bố thí y phục, thức ăn... cho vợ con, tôi trai, tớ gái với lòng thương yêu, vui vẻ, thì đời sau được phúc đức vô lượng. Nếu thấy nhiều chim, chuột cắn phá lúa gạo trong kho hay trên đồng ruộng, thường khởi tâm thương xót, nghĩ rằng: “Nhờ lúa gạo của ta mà chúng được sống”. Do suy nghĩ như vậy, vị ấy vui vẻ, không có ý giết hại chúng. Nên biết, người này được phúc báo vô lượng”.
Kinh Đại bồ-tát tạng ghi: “Vì chứng đắc Vô thượng bồ-đề, bồ-tát thực hành bố thí ba-la-mật, nên được mười điều lợi ích đáng khen ngợi. Đó là:
1. Nhờ bố thí năm món dục tịnh diệu[45], Đại bồ-tát được đầy đủ tất cả giới, định, tuệ, giải thoát và giải thoát tri kiến thanh tịnh.
2. Nhờ bố thí đồ chơi tốt đẹp, bồ-tát được đầy đủ tất cả pháp lạc du hý thanh tịnh.
3. Nhờ bố thí đầy đủ mọi nhu yếu phẩm, bồ-tát được đầy đủ tất cả pháp nghĩa viên mãn, hướng đến tòa bồ-đề.
4. Nhờ bố thí tay, bồ-tát được đầy đủ tất cả pháp thủ thanh tịnh viên mãn, cứu độ chúng sinh.
5. Nhờ bố thí tai, mũi, bồ-tát được đầy đủ tất cả các căn thành tựu viên mãn.
6. Nhờ bố thí các bộ phận trên thân, bồ-tát được đầy đủ tất cả thân tướng của Phật, uy nghiêm thanh tịnh vô nhiễm.
7. Nhờ bố thí mắt, bồ-tát được đầy đủ tất cả pháp nhãn thanh tịnh vô ngại, thấy suốt tất cả chúng sinh.
8. Nhờ bố thí máu thịt, bồ-tát được đầy đủ tất cả thân mạng bền vững, bảo hộ, nuôi dưỡng thiện căn chân thật cho tất cả chúng sinh.
[90a] 9. Nhờ bố thí tủy não, bồ-tát được đầy đủ tất cả thân kim cương viên mãn, không thể phá hoại.
10. Nhờ bố thí đầu, bồ-tát chứng đắc đầy đủ tất cả Nhất thiết trí vô thượng tối thượng viên mãn, vượt ngoài ba cõi[46].
Này Xá-lợi Tử! Vì chứng đắc Vô thượng bồ-đề, đại bồ-tát thực hành bố thí như vậy, nên thành tựu thân tướng tương ứng như vậy. Các ngài làm cho Phật pháp viên mãn, lợi ích đáng khen ngợi và công đức tối thượng đều thành tựu trọn vẹn là nhờ bố thí ba-la-mật.
Khi ấy, Phật nói kệ:
Bố thí chẳng cầu tài, sắc đẹp,
Cũng không mong cảm báo trời, người,
Chỉ vì chứng Bồ-đề tối thượng,
Thí tuy ít, phúc lại vô cùng.
XVIII.1.4. Bố thí giáo pháp
Phần này trình bày sự hơn kém tương đối giữa tài thí và pháp thí.
Luận Đại trí độ ghi: “Phật dạy:
- Pháp thí là cách bố thí cao nhất trong các cách bố thí. Vì sao? Vì tài thí có thể tính lường, pháp thí không thể tính lường. Tài thí được phúc báo cõi Dục, pháp thí được phúc báo vượt ngoài ba cõi. Tài thí không thể đoạn trừ lậu hoặc, pháp thí dứt sạch lậu hoặc, lên bờ giải thoát. Tài thí chỉ được phúc báo cõi trời, cõi người; pháp thí được phúc báo chung cả ba thừa. Tài thí, kẻ ngu, người trí đều làm được; pháp thí chỉ hạn cuộc nơi người trí. Tài thí, chỉ có người thí được phúc, pháp thí lợi ích cho cả người thí và người nhận. Tài thí, người ngu và súc sinh đều có thể tiếp nhận, pháp thí chỉ hạn cuộc nơi người trí. Tài thí chỉ lợi ích cho xác thân, pháp thí lợi ích cho tinh thần. Tài thí làm cho lòng tham tăng trưởng, pháp thí dứt trừ hết ba độc[47]”.
Cho nên, kinh Đại tập ghi: “Dù bố thí thật nhiều của báu cũng không bằng chí tâm đọc tụng, thọ trì một bài kệ. Pháp thí thù thắng nhất, hơn cả món ăn, thức uống”.
Kinh Vị tằng hữu ghi: “Trời Đế Thích hỏi dã can[48]:
- Bố thí thức ăn và bố thí giáo pháp có công đức thế nào? Xin nói cho tôi biết.
Dã can đáp:
- Bố thí món ăn, thức uống chỉ nuôi sống thân mạng trong một ngày. Bố thí tài vật quý báu thì giúp thoát cảnh nghèo khổ trong một đời, nhưng vẫn tăng thêm trói buộc. Thuyết pháp giáo hóa gọi là pháp thí, có thể khiến chúng sinh vượt khỏi ba cõi”.
Luận Đại trượng phu ghi: “Tài thí, tất cả mọi người đều có thể thực hiện; pháp thí, chỉ người có lòng đại bi mới làm được. Tài thí trừ được nỗi khổ về thân cho chúng sinh, pháp thí trừ được bệnh khổ về tâm cho chúng sinh. Đối với người nhiều tham ái, thì ban cho tài vật; người nhiều ngu si thì ban cho giáo pháp. [90b] Người bố thí tài vật được tiền tài vô tận, người bố thí giáo pháp được trí tuệ vô biên. Người bố thí tài vật, thân được an vui, người bố thí giáo pháp, tâm được an lạc. Người bố thí tài vật được chúng sinh yêu mến, người bố thí giáo pháp được chúng sinh kính trọng. Người bố thí tài vật được người ngu ưa thích, người bố thí giáo pháp được người trí mến mộ. Người bố thí tài vật đem lại niềm vui cho chúng sinh trong đời hiện tại, người bố thí giáo pháp đem lại niềm vui ở cõi trời và niết-bàn. Như bài kệ nói:
Trí Phật giữa hư không,
Mây đại bi giăng kín,
Pháp thí như mưa lành,
Tràn đầy ao ấm[49], giới[50].
Bốn nhiếp làm phương tiện,
Nhân an lạc giải thoát,
Hành trì bát chính đạo,
Sẽ được quả Niết-bàn.
Kinh Nguyệt đăng tam-muội ghi: “Đức Phật dạy:
- Nếu thực hành pháp thí, bồ-tát sẽ được mười điều lợi ích. Đó là:
1. Dứt trừ các việc ác.
2. Thường làm các điều thiện.
3. An trụ pháp bậc thánh.
4. Thanh tịnh cõi nước Phật.
5. Thành tựu tâm bồ-đề.
6. Xả bỏ điều ham muốn.
7. Chế ngự được phiền não.
8. Ban phúc đức cho các chúng sinh.
9. Thường khởi tâm từ đối với chúng sinh.
10. Thấy đạo, được an vui”.
Luận Bồ-tát địa trì ghi: “Nếu bồ-tát biết người kia tà kiến, muốn tìm khuyết điểm của giáo pháp, thì không nên trao cho pháp ấy, không ban cho kinh sách. Nếu người có tính tham của cải, hay bán kinh sách, cũng không nên trao cho. Nếu người được kinh sách lại đem cất giấu, không xem, cũng không nên trao cho. Nếu không phải nghĩa lý để người kia cần hiểu, cũng không nên trao cho. Nếu là nghĩa lý để người kia cần hiểu, mà bồ-tát đã tự hiểu, thì tùy theo sở thích của họ mà giảng giải. Nếu họ vẫn chưa hiểu nghĩa lý, thì nên khuyên họ tự tu học. Lại nữa, nếu biết người khác có những kinh sách như thế, bồ-tát nên chỉ cho biết nơi ấy, hoặc biên chép rồi trao cho họ. Bồ-tát nên quán xét tâm mình, nếu phát giác thấy có chút tâm xẻn pháp, bồ-tát nên lấy kinh trao cho, gọi là bố thí pháp. Bố thí pháp cho người ngu si, câm ngọng... trong hiện đời để trừ phiền não cho họ, ta còn phải nên làm, huống gì làm phương tiện trí tuệ cho đời sau”.
Kinh Ưu-bà-tắc giới ghi: “Như tì-kheo, tì-kheo ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di nào đầy đủ trì giới, bố thí, đa văn, trí tuệ, có khả năng giáo hóa người khác; hoặc đưa giấy mực bảo người biên chép; hoặc tự mình biên chép kinh sách của Phật, rồi bố thí cho người để họ đọc tụng, đây gọi là bố thí pháp. [90c] Người bố thí như vậy, đời sau sinh lên cõi trời, được thân hình xinh đẹp. Vì sao?
Vì chúng sinh nghe pháp, dứt trừ tâm sân; nhờ nhân duyên ấy, nên đời sau được thân hình xinh đẹp. Chúng sinh nghe pháp, tâm từ mở rộng, không giết hại chúng sinh; nhờ nhân duyên ấy, đời sau được thọ mạng lâu dài. Chúng sinh nghe pháp, không trộm tài vật của người; nhờ nhân duyên ấy, đời sau có nhiều vàng bạc, của cải. Chúng sinh nghe pháp, phát tâm hoan hỷ bố thí; nhờ nhân duyên ấy, đời sau, thân được khỏe mạnh. Chúng sinh nghe pháp, không còn buông lung; nhờ nhân duyên ấy, đời sau, thân được an lạc. Chúng sinh nghe pháp, trừ bỏ tâm sân si; nhờ nhân duyên ấy, đời sau được biện tài vô ngại. Chúng sinh nghe pháp, lòng tin kiên cố; nhờ nhân duyên ấy, đời sau được tín tâm vững chắc.
Tương tự, đối với trì giới, bố thí, đa văn, trí tuệ... cũng lại như vậy. Vì thế nên biết, bố thí giáo pháp thù thắng hơn bố thí tài vật”.
Hỏi: Đã biết bố thí giáo pháp thù thắng hơn bố thí tài vật, vậy chúng sinh chỉ học theo bố thí giáo pháp, không chịu thực hành bố thí tài vật, như thế có được không?
Đáp: Vì không hiểu rõ ý nghĩa của việc bố thí tài vật, nên chúng sinh bố thí với tâm si mê, vọng cầu phúc báo tốt đẹp về vật chất của cõi trời người, e rằng sẽ rơi vào ba nơi khổ, không thành tựu đạo giải thoát. Cho nên, Đức Phật ân cần thuyết pháp để chúng sinh hiểu rõ, thật thể của người bố thí, người nhận thí và vật bố thí đều không mà thực hành bố thí tài vật, ngõ hầu chóng thành tựu quả vị Bồ-đề niết-bàn thù thắng. Các pháp còn lại trong sáu độ muôn hạnh, như trì giới, nhẫn nhục... đều phải nhờ trí tuệ dẫn dắt mà thành tựu viên mãn.
Luận Đại trí độ ghi: “Trong sáu độ, năm độ trước giống như người mù, độ trí tuệ thứ sáu ví như người có mắt. Nếu không có trí tuệ dẫn dắt mà hành trì năm độ trước, sẽ bị rơi vào những nơi thống khổ, không giải thoát được. Nếu nghe nói bố thí giáo pháp thù thắng hơn bố thí tài vật, người ngu không hiểu liền bo bo giữ của, chỉ thích đọc tụng kinh điển. Nếu thực hành như vậy thì không bằng người hiểu biết chỉ bố thí một đồng, vẫn thù thắng hơn người mê muội đọc tụng kinh điển cả trăm nghìn vạn quyển.
Vì thế, Đức Như Lai thuyết pháp cốt cho chúng sinh hiểu và hành. Nếu chỉ hiểu mà không hành thì đó là hiểu suông, vô ích. Nếu chỉ hành mà không hiểu thì đó là việc làm thấp kém, vô vị. Cho nên, cần phải đầy đủ hiểu và hành thì mới đạt đến bờ giải thoát. Nếu chỉ hiểu mà không hành, giống như người có mắt mà không chân thì không thể đi xa. Nếu chỉ hành mà không hiểu, khác nào người có chân mà không mắt thì không thể thấy đường. Lại nữa, nếu chỉ hiểu mà không hành, thí như hoa đốm trong hư không chẳng thể kết trái. Nếu chỉ hành mà không hiểu, tợ như quả không sinh ra từ hoa. Thế nên, hiểu và hành cần phải đi đôi thì mới thành tựu quả Phật”.
XVIII.1.5. Lượng định để bố thí
Nói về người thực hành bố thí, thì có người trí, kẻ ngu. [91a] Khi người trí thực hành bố thí, nên quán xét người nhận thí, nếu có ích thì bố thí, không có ích thì không bố thí.
Cho nên, kinh Ưu-bà-tắc giới ghi: “Nếu gặp người nghèo khổ, trước nên hỏi: ‘Ông có thể quy y tam bảo[51], thụ trì trai giới[52] không?’. Nếu họ nói ‘được’, thì trước nên truyền pháp tam quy và trai giới, sau mới bố thí tài vật cho họ. Nếu họ nói ‘không được’, thì lại hỏi: ‘Ông có thể nói tất cả pháp là vô thường, vô ngã, niết-bàn tịch diệt theo tôi, được không?’; nếu họ nói ‘được’, thì chỉ dạy cho họ, rồi sau mới bố thí tài vật. Nếu mình không có của cải, thì khuyến khích người có của cải nên bố thí cho họ.
Như người ngu tham tiếc của cải, không biết vô thường, người và vật vốn thuộc về người khác mà lại tham tiếc, bỏn xẻn. Bồ-tát thấy tài vật này không có ích lợi, lại có thể đưa đến việc phế bỏ đạo nghiệp nên bảo họ hãy mau xả thí”.
Luận Trang nghiêm ghi: “Nếu những thứ làm cho mình phiền não thì không nên cất chứa cần phải xa lìa, dù làm cho mình giàu sang. Như ong hút mật thì người khác được lợi mà bản thân nó chẳng được gì cả. Tài vật cũng như vậy.
Lại nữa, của cải để bố thí có vật đúng pháp, có vật phi pháp. Của cải phi pháp, dù bố thí chỉ được phúc rất ít, còn bố thí của cải đúng pháp được phúc rất nhiều”.
Kinh Đại bảo tích ghi: “Có năm thứ tài vật không nên bố thí:
1. Không nên bố thí tài vật có được một cách bất chính, vì đó là vật không thanh tịnh
2. Không nên bố thí rượu và thuốc độc, vì đó là vật làm loạn tâm chúng sinh
3. Không nên bố thí nơm bẫy, lưới chài, vì đó là vật làm chúng sinh đau khổ
4. Không nên bố thí dao gậy, cung tên, vì đó là vật làm tổn hại chúng sinh
5. Không nên bố thí âm nhạc, nữ sắc, vì đó là thứ làm phá hoại tâm thanh tịnh của chúng sinh”.
Kinh Địa trì ghi: “Bồ-tát không nên bố thí đồ ăn, thức uống phi pháp. Chẳng hạn như đồ ăn, thức uống cách đêm của người xuất gia, thức ăn bị dính phân tiểu, đờm dãi, máu mủ, cơm và gạo không rõ xuất xứ. Các món ăn không đúng pháp, nên bỏ đi là những thức ăn có lẫn hành hẹ tanh hôi, thức ăn có thịt, thức uống có lẫn rượu cay nồng... Những thứ không đúng pháp này không nên bố thí cho người và súc vật”.
Luận Đại trí độ ghi: “Nếu người dùng đủ mọi cách đánh đập, tra khảo, bắt trói để có được tài vật đem bố thí, thì đời sau sinh vào loài voi, ngựa, trâu. Tuy thụ thân súc sinh, thường mang vác nặng, hay bị đánh đập, cột trói, chở cưỡi, nhưng chúng có chỗ ở tốt, được ăn thức ngon, được người thương yêu, chăm sóc.
Người ác, lòng đầy sân hận, gian dối, bất chính mà thực hành bố thí, đời sau sẽ bị đọa vào loài rồng ở trong cung điện bằng bảy báu, được ăn thức ngon, thân hình đẹp đẽ.
Người kiêu căng, ngã mạn, bố thí với tâm sân hận, đời sau sẽ bị đọa làm kim sí điểu[53], thường được tùy ý, có chuỗi bằng bảo châu như ý, mọi thứ cần dùng đều đầy đủ, [91b] biến hóa khôn lường, việc gì cũng thành tựu.
Như quan tể tướng bóc lột của người dân không đúng phép nước, rồi lấy của cải đó đem bố thí, đời sau sẽ bị đọa làm quỷ Cưu-bàn-đồ[54], có thể biến năm trần thành đủ mọi thứ để tự vui.
Người nhiều sân hận, bạo ngược, thích ăn thịt, uống rượu mà thực hành bố thí, đời sau sẽ bị đọa làm quỷ Địa hành dạ-xoa[55], thường được hưởng mọi sự vui sướng, âm nhạc và các thức ăn uống.
Người ngang tàng, hống hách mà bố thí ngựa, xe cho người đi bộ, đời sau sẽ bị đọa làm Hư không dạ-xoa[56], có sức mạnh và đi nhanh như gió.
Lại như người có tâm đố kỵ, hay gây gổ mà biết bố thí phòng nhà, giường chiếu, y phục tốt đẹp, thức ăn uống ngon, thì đời sau sẽ sinh làm Phi hành dạ-xoa[57] ở trong cung điện lầu gác, nơi ăn ở đầy đủ tiện nghi và được hưởng mọi sự vui sướng.
Nếu người làm kẻ khác buồn khổ, ép bức họ để lấy đồ vật, rồi đem tạo phúc, thì phải chuốc lấy tội lỗi; chi bằng giữ tâm thanh tịnh, tu sửa tâm tính, thì càng được lợi ích hơn”.
Luận Địa trì ghi: “Nếu bồ-tát bố thí mà làm người khác đau khổ, hoặc bị họ bức ép, hoặc bị họ khinh thường, hoặc cầu xin một cách phi pháp, thì cả người cho và người nhận đều không được lợi ích. Bồ-tát vì chúng sinh, thà xả bỏ thân mạng, chứ không bố thí theo lòng ham muốn của chúng sinh, dẫn đến bị bức bách, vẫn không bố thí, vì đó chẳng phải là lúc bồ-tát thực hành bố thí thanh tịnh.
Ngoại vật mà bồ-tát không nên bố thí là nếu có người đến xin những thứ phi pháp, như thuốc độc, lửa, dao, rượu, hoặc nhờ làm mai mối, trò vui v.v..., bồ-tát không nên bố thí. Nếu bồ-tát bố thí những thứ ấy thì khiến họ gây nhiều tội lỗi, sẽ bị đọa vào nơi thống khổ, không thể giải thoát. Nếu có người đến xin các bộ phận trên cơ thể của bồ-tát thì nên cho ngay, không cần suy xét để họ không nản lòng”.
Kinh Ưu-bà-tắc ghi: “Nếu người nào não loạn họ hàng để có được tài vật đem bố thí, thì đời sau tuy được quả báo tốt đẹp, nhưng thân thường mang bệnh tật, đau khổ. Nếu người nào trước đây không lo phụng dưỡng cha mẹ, não loạn vợ con, tôi tớ, đau khổ mà bố thí, thì đó là người ác, là giả danh bố thí, không đúng nghĩa bố thí. Người bố thí như thế là không có lòng thương yêu, không biết báo đáp công ơn, đời sau tuy có nhiều tiền của, nhưng thường bị mất, không cất giữ được, cũng không thể sử dụng, thân mang nhiều bệnh tật, đau khổ”.
Đoạn này minh chứng cho việc cưỡng đoạt tài vật của người để tạo phúc, phải chuốc lấy quả báo khổ đau, đâu có ích gì.
Thời nay mạt pháp, đạo tục suy đồi, tranh nhau giảng giải trai giới, cưỡng bức người để có tiền của đem dựng chùa, xây tháp. Như thế chẳng đúng với kinh điển, trái lại phải chuốc lấy tội báo; chi bằng tĩnh tọa, tu sửa tâm tính, thực hành pháp trung thắng[58] xa lìa tham ái để không phạm lỗi này.
[91c] Nếu người thuyết pháp với tâm thanh tịnh, người nghe lại hết lòng cầu pháp, xả vật cúng dường, thì nên thuyết pháp cho họ để họ thành tựu phúc đức và trí tuệ. Không được thấy sự phán định ở trên mà hồ đồ bác bỏ tất cả, sinh lòng chê bai, ngăn cản việc tạo phúc.
Nhiếp luận thích của ngài Vô Tính[59] ghi: “Nếu thấy người kia coi trọng tiền tài, địa vị, bồ-tát không nên bố thí, đừng để cho sự bố thí trở nên vô ích, không có phúc báo. Giả sử có bố thí, người kia cũng không nhận. Vậy bố thí làm gì? Như bài tụng nói:
Như mẹ cho con bú,
Suốt tháng không mỏi mệt,
Nếu con không bú được,
Mẹ biết làm sao đây?
Thà nghèo tiền của và địa vị,
Xa lìa đường ác, việc chẳng lành,
Chớ để giàu sang nhiễu loạn tâm,
Đời sau cảm báo nhiều thống khổ”.
Kinh Tăng nhất a-hàm ghi: “Bấy giờ, Đức Phật bảo các tì-kheo:
- Có năm trường hợp gọi là bố thí đúng lúc và có lợi ích. Đó là:
1. Bố thí cho người từ xa đến.
2. Bố thí cho người đi xa.
3. Bố thí cho người bệnh.
4. Bố thí lúc ngặt nghèo.
5. Khi vừa thu hoạch hoa trái như lúa mì, lúa tẻ v.v..., trước nên bố thí cho người tinh tiến trì giới, sau đó mới ăn.
Cho nên, đối với năm trường hợp này, nên nhớ tùy thời mà bố thí. Nếu người bố thí thanh tịnh và đúng thời sẽ được quả báo đúng thời, nghĩa là lúc nào nên bố thí thì thanh tịnh mà bố thí. Nếu trời lạnh thì bố thí nhà ấm, chăn lông, củi lửa, cơm nóng v.v... Nếu trời nóng thì bố thí các thứ: nhà mát, áo mỏng, nước, quạt v.v... Khi khát thì giúp nước uống, khi đói thì dâng cơm ăn, khi mưa gió thì đưa đón, lúc đẹp trời thì thỉnh chúng tăng... Như vậy, tùy thời mà đáp ứng theo nhu cầu để họ được an vui thì đời sau được phúc và cảm quả báo tốt đẹp”.
XVIII.1.6. Phúc điền
Kinh Ưu-bà-tắc giới ghi: “Nếu bố thí cho súc vật, được phúc báo trăm lần. Bố thí cho người phá giới, được phúc báo nghìn lần. Bố thí cho người trì giới, được phúc báo trăm nghìn lần. Bố thí cho ngoại đạo ly dục, được phúc báo trăm vạn lần. Bố thí cho người hướng tâm về Phật đạo, được phúc báo nghìn ức lần. Cúng dường cho vị tu-đà-hoàn, được phúc báo vô lượng. Cúng dường cho vị tư-đà-hàm cũng được phúc báo vô lượng, cho đến cúng dường vị đã thành Phật, cũng được phúc báo vô lượng.
Nay Ta phân biệt các loại phúc điền[60]cho các ông rõ.
Nếu người hết lòng thương xót bố thí cho súc vật, thì phúc báo này ngang bằng với phúc báo của người chí thành cung kính cúng dường chư Phật.
Nói ‘được phúc báo trăm lần’ nghĩa là người bố thí cho súc vật, đời sau được sống lâu, sắc đẹp, mạnh khỏe, an lạc, biện tài gấp trăm lần. Tùy theo từng đối tượng bố thí mà được phúc báo tăng tiến lên đến vô lượng.
[92a] Như Ta đã nói trong khế kinh: ‘Ta bố thí cho Xá-lợi-phất, Xá-lợi-phất cũng cúng dường cho Ta, nhưng Ta được phúc báo nhiều, chứ không phải Xá-lợi-phất được phúc báo nhiều’.
Có người nói: ‘Người nhận vật bố thí mà làm ác, thì tội cũng ảnh hưởng đến thí chủ’. Nghĩa này không đúng. Vì sao? Khi thí chủ bố thí là vì dứt trừ cái khổ cho người kia, chứ chẳng phải làm cho họ tạo tội. Do đó, thí chủ sẽ được quả báo tốt đẹp, còn người nhận tạo ác thì tự chuốc lấy tội báo, không liên quan gì đến thí chủ.
Hỏi: Nếu cúng dường cho bậc thánh, được phúc rất nhiều. Vì sao kinh nói: ‘Người trí thực hành bố thí không chọn lựa phúc điền’?
Đáp: Nay giải thích ý nghĩa này có nhiều cách, để nói người bố thí có phân biệt người trí và kẻ ngu; đối tượng được bố thí có phân biệt bi điền[61] và kính điền[62].
Bi là bố thí cho người nghèo khổ. Kính là cúng dường tam bảo. Bi thì ruộng phúc kém mà tâm lớn. Kính là ruộng phúc lớn mà tâm nhỏ. Nếu dùng tâm lớn mà cúng dường Phật, thì phúc báo không bằng bố thí cho người nghèo khổ”.
Cho nên, kinh Tượng pháp quyết nghi ghi: “Có các chúng sinh thấy người khác gom góp tiền của để tạo phúc, chỉ vì cầu danh, nên họ cũng dốc hết của cải trong nhà để đem bố thí, nhưng khi thấy người nghèo cùng, cô độc đến xin, thì lại mắng chửi, xua đuổi, không cho một đồng. Người như vậy gọi là làm thiện một cách điên đảo. Tạo phúc ngu si, điên đảo như thế gọi là tạo phúc không chân chính. Những hạng người này thật đáng thương xót! Họ bố thí của cải rất nhiều, nhưng được phúc rất ít.
Này thiện nam tử! Có lần, Ta bảo đại chúng:
- Nếu người cúng dường mười phương chư Phật, các vị bồ-tát và chúng thanh văn trong a-tăng-kì[63] kiếp cũng không bằng người thí cho súc vật một vốc cơm, ngụm nước. Phúc báo này hơn phúc báo cúng dường kia gấp trăm trăm nghìn vạn ức, vô lượng vô biên. Ngay cả thí cho các loài chó đói, trùng kiến v.v... cũng được phúc báo như vậy. Cho nên, bi điền là tối thắng”.
Luận Đại trí độ ghi: “Như Xá-lợi-phất dâng cúng Phật một bát cơm, Phật liền quay sang cho chó ăn, rồi hỏi Xá-lợi-phất:
- Ai được phúc nhiều hơn?
Xá-lợi-phất thưa:
- Theo như con hiểu về ý nghĩa Phật pháp, thì Phật cho chó ăn được phúc nhiều hơn”.
Nếu căn cứ vào ý nghĩa kính pháp trọng người và giai vị tu hành, thì kính điền là thù thắng. Cho nên, kinh Ưu-bà-tắc giới ghi: “Nếu bố thí cho súc vật được phúc báo trăm lần, cho đến cúng dường vị tu-đà-hoàn được phúc báo vô lượng. Cúng dường vị a-la-hán, bích-chi vẫn không bằng cúng dường Phật, huống gì là các loài khác”.
Nếu căn cứ vào tâm bình đẳng mà thực hành bố thí, thì không luận là bi hay kính, hễ bố thí với tâm bình đẳng thì được phúc rất lớn. Cho nên, kinh Duy-ma ghi: “Phân làm hai phần, một phần dâng cúng Đức Phật Nan Thắng Như Lai, một phần đem cho người ăn xin thấp hèn nhất trong thành. Hai phúc điền này bằng nhau”.
[92b] Kinh Hiền ngu ghi: “Sau khi Đức Thế Tôn xuất gia, di mẫu của Ngài là Ma-ha Ba-xà-ba-đề đã tự tay dệt lụa, may thành một tấm y màu vàng. Lòng bà luôn trông ngóng, chỉ chờ Phật về để dâng cúng. Thế nên, vừa gặp Phật, di mẫu vô cùng vui mừng, liền đem tấm y dâng cúng.
Bấy giờ, Đức Phật bảo Kiều-đàm-di:
- Di mẫu nên đem tấm y này đến cúng dường chúng tăng!
Ba-đề lại bạch Phật:
- Từ khi Đức Thế Tôn xuất gia, di mẫu thương nhớ ngày đêm, nên tự tay dệt lụa mà lòng mong mỏi đợi chờ. Cúi mong Đức Thế Tôn thương xót mà nhận tấm y này!
Phật bảo di mẫu:
- Biết di mẫu một lòng muốn dâng cúng Như Lai, nhưng cúng dường với tâm thương yêu thì phúc báo không lớn, nếu đem cúng dường chúng tăng thì được phúc nhiều hơn. Như Lai biết rõ điều này, nên khuyên di mẫu như thế”.
Kinh Cư sĩ thỉnh tăng phúc điền ghi: “Thỉnh riêng năm trăm vị a-la-hán không bằng theo thứ tự thỉnh cúng một phàm phu tăng. Trong giáo pháp của Ta, không có phép nhận thỉnh riêng. Nếu người nào thỉnh tăng riêng thì chẳng phải đệ tử của Ta, vì đó là pháp của lục sư ngoại đạo, là điều bảy Đức Phật quá khứ[64] đều không chấp nhận.
Nên biết, bố thí có ba cách, không thể nói đều giống nhau”.
XVIII.1.7. Đối đãi
Có năm trường hợp đối đãi:
1. Ruộng phúc với tài vật, có bốn trường hợp:
a. Ruộng phúc lớn, tài vật ít: như đồng tử dâng cúng cát cho Phật v.v...
b. Tài vật nhiều, ruộng phúc kém: như đem vật báu bố thí cho người nghèo v.v...
c. Ruộng phúc và tài vật đều lớn: như đem vật báu cúng dường Phật v.v...
d. Ruộng phúc và tài vật đều kém: như đem cỏ thí cho súc vật v.v...
2. Nặng với nhẹ, có bốn trường hợp:
a. Tâm lượng lớn, tài vật ít: như cô gái nghèo cúng dường một mảnh vải cho đại chúng mà được phúc rất lớn.
b. Tài vật nhiều, tâm lượng hẹp: như phu nhân nhà vua cúng dường chúng tăng vật báu với lòng đầy kiêu mạn, nên được phúc rất ít.
Hai trường hợp sau có thể biết được.
3. Không với hữu.
a. Tâm không, cảnh chẳng không: như người tuy học pháp quán ‘không’, nhưng lại tham tiếc tài vật, không chịu bố thí, thì trái lại phải chịu quả báo nghèo thiếu.
b. Cảnh không, tâm chẳng không: như người biết bố thí tài vật sẽ được giàu có nên rất thích bố thí, vì thế phúc báo càng nhiều.
Hai trường hợp sau có thể biết được.
4. Nhiều với ít
Kinh Pháp cú ghi: “Bố thí có bốn trường hợp. Đó là:
a. Bố thí nhiều, được phúc ít: như người ngu si bày việc cúng tế, uống
rượu, ca múa v.v... làm hao tổn tiền của mà không có phúc đức, trí tuệ. Đây là bố thí nhiều, nhưng được phúc ít.
b. Bố thí ít, được phúc nhiều: như người cúng dường chúng tăng với tâm
từ, chúng tăng ăn rồi, tinh tiến tu học. Đây là bố thí tuy ít, nhưng phúc báo rất nhiều.
[92c]c. Bố thí ít, được phúc ít: như bố thí cho hai hạng người ngu si là kẻ
tham san, ác ý và ngoại đạo tà kiến. Đây là bố thí ít, được phúc cũng ít.
d. Bố thí nhiều, được phúc cũng nhiều: như có bậc hiền thấu rõ cuộc đời là vô thường, nên thích xuất tiền của để xây tháp, cất chùa, tinh xá, vườn cây; cúng dường Tam bảo những thứ cần thiết như: y phục, chăn nệm, giày dép, giường chiếu, thức ăn uống... Phúc báo cúng dường này như năm dòng sông lớn chảy vào biển cả. Phúc chảy mãi như thế, đời đời không dứt. Đây là bố thí nhiều, phúc báo cũng nhiều”.
5. Nhiễm ô với thanh tịnh
Luận Đại trí độ ghi: “Trong giáo pháp của Phật, có bốn trường hợp bố thí:
a. Người bố thí thanh tịnh, người nhận không thanh tịnh.
b. Người bố thí không thanh tịnh, người nhận thanh tịnh.
c. Người bố thí và người nhận đều thanh tịnh.
d. Người bố thí và người nhận đều không thanh tịnh.
Ở đây chỉ giải thích một trường hợp, các trường hợp còn lại có thể hiểu được.
Thế nào là cả hai đều thanh tịnh? Như Phật cúng dường Phật, đây là cả hai đều thanh tịnh. Lại như đem hoa có được do năng lực công đức của Phật Bảo Tích ở phương đông gửi cho thập trụ pháp thân Phổ Minh bồ-tát[65] để rải cúng dường Đức Phật Thích-ca Mâu-ni. Nên biết, chư Phật trong mười phương là phúc điền lớn nhất. Đây là cả hai đều thanh tịnh”.
Kinh Ưu-bà-tắc giới ghi: “Đức Phật dạy:
- Nếu người có của cải thấy kẻ đến xin, liền từ chối, nói là ‘không có’, nên biết người này đã gieo nhân nghèo cùng, đức mỏng cho đời sau. Người như thế gọi là buông lung, tự nói không có của cải là không đúng. Vì sao? Vì ai ai cũng có cỏ cây, sông nước. Dù là bậc đế vương, nhưng chưa hẳn có thể bố thí, tuy là người nghèo cùng nhưng vẫn bố thí được. Vì sao? Người nghèo cùng cũng có phần cơm, ăn rồi rửa bát, nếu biết đem nước rửa bát đó thí cho loài cần dùng, thì cũng được phúc đức; hoặc lấy bột cám thí cho loài kiến, cũng được phúc báo vô lượng. Người nghèo khó nhất thiên hạ, ai mà không có chút bột cám này! Ai mà một ngày không ăn ba vắt cơm để duy trì mạng sống! Do vậy, mọi người nên đem nửa phần cơm của mình bố thí cho người xin.
Này thiện nam tử! Dù là người nghèo cùng cực, ai có thân này mà không có quần áo để mặc? Nếu có quần áo, há lại không có một sợi chỉ để cho người băng bó vết thương, hay một mảnh vải nhỏ bằng đầu ngón tay để làm tim đèn ư?
Người trong thiên hạ hiện tại dẫu nghèo cùng thì vẫn có thân này. Nếu đã có thân, khi thấy người làm việc tốt, mình cũng nên đến giúp đỡ, vui vẻ, không mỏi mệt. Đây cũng gọi là bố thí sinh mạng, cũng được phúc đức, có khi được phúc một phần, có khi bằng họ, có lúc nhiều hơn. [93a] Vì vậy, khi nhận thức ăn của vua Ba-tư-nặc, Ta cũng chú nguyện. Như thế, vua và người nghèo đều được phúc đức bằng nhau không khác.
Như có bốn loại hương: hương thoa, hương bột, hương rải, hương đốt, nếu có người chạm đến, hoặc người mua, hoặc người bán v.v… đều được ngửi mùi hương như nhau mà các mùi hương ấy không hề hao tổn mảy may. Pháp tu bố thí cũng như vậy, hoặc nhiều, hoặc ít, hoặc thô, hoặc tế, hoặc đến giúp đỡ với tâm tùy hỉ, hoặc thấy nghe từ xa mà tâm sinh vui vẻ. Do những tâm ấy như nhau nên được quả báo không có sai khác.
Nếu người không có tài vật thấy người khác bố thí mà không tin, không tùy hỉ, lại nghi ngờ về ruộng phúc, đây gọi là nghèo cùng. Nếu người có nhiều của cải, tự do sử dụng, lại có phúc điền tốt lành, nhưng tự thân không có lòng tin, không biết bố thí cúng dường, thì cũng gọi là nghèo cùng. Do đó, người trí tự quán xét, giả như ăn thêm một vắt cơm thì sống, bớt cho người thì chết, vẫn nên đem bố thí, huống gì là có nhiều!
Người trí lại quán xét, thế gian này hoặc có người trì giới, đa văn, cho đến đắc quả A-la-hán, nhưng vẫn không thoát khỏi nỗi khổ đói, khát v.v…; hoặc có người không dễ gì có được phòng nhà, y phục, đồ ăn, thức uống, giường chiếu, thuốc thang... đều là do đời trước không gieo nhân bố thí.
Người phá giới nếu thích bố thí, thì tuy đọa vào loài ngạ quỷ, súc sinh, nhưng thường được no đủ, không hề thiếu thốn.
Người tuy giàu sang, hưởng sự vui sướng tột bậc của cõi trời người, nhưng vẫn không biết đủ. Cho nên, Ta vì sự an lạc vô thượng mà thực hành bố thí, chứ không vì sự vui sướng của cõi trời người. Vì sao? Vì sự vui sướng ấy là vô thường và có giới hạn.
Nếu người bố thí vui vẻ, không hối tiếc, gần gũi người tốt, thì sau sẽ được sinh vào gia đình quý tộc, giàu sang tự tại, hưởng sự vui sướng của cõi trời người, cho đến đắc quả Vô thượng bồ-đề, xa lìa tất cả phiền não trói buộc.
Nếu thí chủ tự tay bố thí, thì sau sẽ sinh vào gia đình thượng lưu, gặp thiện tri thức, có nhiều của cải, quyến thuộc đầy đủ, có thể thụ dụng, có thể bố thí. Tất cả chúng sinh ưa thích nhìn họ, khi gặp thì cung kính, tôn trọng, ngợi khen”.
Luận Đại trượng phu ghi: “Nếu người bỏn xẻn, thì dù là bùn đất nhưng xem trọng hơn vàng ngọc. Nếu người có tâm bi lớn, tuy bố thí vàng ngọc, nhưng xem nhẹ hơn cỏ cây. Nếu người lòng nhiều bỏn xẻn, khi bị mất tiền của thì vô cùng buồn khổ.
Người bố thí khiến người nhận vui vẻ, nên họ cũng vui theo. Giả sử có thức ăn ngon, nếu không bố thí mà ăn một mình, thì không cảm thấy ngon. [93b] Còn như có thức ăn dở, trước đem bố thí, sau đó mới ăn, trong lòng vui vẻ, nên cảm thấy ngon vô cùng. Sau khi bố thí, vị ấy dùng những thức còn lại, tâm luôn vui vẻ như đắc Niết-bàn. Người không có lòng tin đâu thể tin được lời này.
Hoặc người có thức ăn dở, thấy kẻ đói đứng trước mặt, còn không thí cho, huống gì những thứ ngon. Hoặc có người đang ở bên sông lớn, còn không lấy chút nước thí cho chúng sinh, huống gì những vật tốt khác. Trên thế gian này, đất bẩn dễ được hơn nước, vậy mà người tham lam, bỏn xẻn nghe người đến xin đất bẩn vẫn cảm thấy tiếc, huống gì là tiền của.
Như có hai người: một thì rất giàu, một lại rất nghèo. Có người xin đến, cả hai đều cảm thấy buồn khổ. Người có tiền của thì sợ người kia đến xin. Người không có của cải, thì nghĩ: ‘Mình phải làm sao có chút vật gì để bố thí cho họ’. Hai người này tuy đều buồn khổ như nhau, nhưng quả báo sai khác. Người nghèo nhờ tâm thương xót, nên sinh vào cõi trời người, hưởng sự vui sướng vô lượng. Người giàu vì tham lam, bỏn xẻn, nên sinh vào loài ngạ quỷ, chịu khổ vô cùng.
Bồ-tát chỉ có lòng thương xót đã là đầy đủ, huống gì là bố thí chút ít tài vật. Với tâm bi, bồ-tát muốn bố thí nhưng không có tài vật. Khi thấy người xin, bồ-tát không nỡ nói ‘không có’, đành buồn khổ rơi lệ. Giả như nghe họ than khổ, bồ-tát còn không chịu nổi, huống gì tận mắt nhìn thấy họ khổ đau mà không cứu giúp, là điều không thể có được.
Người có tâm bi thấy chúng sinh nghèo khổ mà không có của cải để bố thí thì buồn khổ, đau xót vô cùng. Bồ-tát cứu giúp chúng sinh, thấy chúng sinh chịu khổ, phải ngậm ngùi rơi lệ. Vì rơi lệ, nên biết tâm bồ-tát rất đau buồn.
Có ba trường hợp làm bồ-tát rơi lệ :
1. Thấy người tạo công đức, bồ-tát kính mến mà rơi lệ.
2. Thấy chúng sinh đau khổ, không có công đức, bồ-tát thương xót họ mà rơi lệ.
3. Khi thực hành bố thí rộng lớn, vì quá xúc động nên bồ-tát rơi lệ.
Nếu tính nước mắt mà bồ-tát đã rơi từ trước đến nay còn nhiều hơn nước bốn biển lớn. Nước mắt mà chúng sinh khắp thế gian này buồn khóc vì xa lìa người thân vẫn không bằng nước mắt của bồ-tát.
Khi thấy chúng sinh nghèo khổ mà bồ-tát không có của cải để bố thí thì ngậm ngùi rơi lệ. Nghe tiếng của người xin, bồ-tát cũng rơi lệ. Người xin thấy bồ-tát lệ rơi, tuy bồ-tát không nói là ‘cho’, nhưng nên biết chắc chắn sẽ ‘được’.
Khi thấy người xin đến, bồ-tát vô cùng buồn khổ. Khi người xin có được tài vật, tâm sinh vui mừng, thì bồ-tát mới hết buồn khổ. Khi nghe tiếng than của người xin, bồ-tát ngậm ngùi rơi lệ, không kềm chế được. Đến khi người xin nói ‘đủ rồi’, bồ-tát mới cầm được nước mắt.
Sau khi thực hành bố thí, chúng sinh đã đầy đủ, bồ-tát bèn vào núi rừng tu tập thiền định, diệt trừ ba độc. [93c] Lúc này, tài vật nhiều gấp bội, nhưng không có người xin để bố thí. Bấy giờ, bồ-tát nghĩ: ‘Ta nay xuất gia, đoạn trừ các kết sử’”.
XVIII.2. Trì giới
XVIII.2.1. Lời dẫn
Trộm nghe, giới là thầy của loài người, đạo tục đều nên vâng giữ. Tâm là chủ của hành động, phàm thánh đều phải điều phục. Thật do tam bảo gia hộ mà bốn loài[66] đều được thấm nhuần. Cho nên, kinh chép: “Chính pháp trụ hay chính pháp diệt” ý tại chỗ này.
Vì thế, lấy việc trì giới làm công đức đã được hiển bày rõ ràng trong Đại kinh[67], tính thiện đáng tôn sùng đã được trình bày đầy đủ trong Đại luận[68]. Giới được ví như mặt trời, mặt trăng sáng chói, tợ như bảo châu, về nghĩa thì đồng với hương thoa, về sự thì đồng với nước quý. Giới có công năng vượt qua biển lớn, nên được gọi là “chiếc thuyền kiên cố”; lại có năng lực nuôi lớn mầm thiện, nên được gọi là “mảnh đất bằng phẳng”. Vì vậy, hàng bồ-tát vâng giữ, không thiếu sót mảy may như vi trần, bậc a-la-hán giữ gìn không phạm lỗi nhỏ như hạt cải. Các ngài thà chịu khát mà chết chứ không uống nước có trùng, thà bị trói mà mất mạng chứ không làm hại lá cỏ.
Kinh Thư chép: “Lập thân tu đạo, rạng danh ở đời sau, phải nên canh cánh bên lòng ngôn hạnh trung tín”, đâu thể để tâm buông lung như ngựa không cương roi, mặc ý dong ruỗi như vượn chuyền cành, không kiềm chế. Một khi phao nổi đã thủng thì đường trước mịt mờ, bình công đức đã vỡ thì duyên lành bặt dứt. Hoặc giao du với người xấu, kết bạn với kẻ hung tàn, cùng nhau làm loạn, tạo đủ điều tội lỗi mà không chút xấu hổ, không chút nhục nhã, ngày càng sa đọa, cứ mãi nổi trôi.
Người phạm giới tợ như rau đay, ngải cứu, cành lá đều đắng; lại như cây ha-lê[69], toàn thân không có vị ngọt. Người này từ sáng vào tối, không có ngày ra, nhiều kiếp trôi lăn, đau đớn vô cùng, thật khó nhẫn chịu.
Thế là, họ phải chịu cảnh vạc sắt nước sôi sùng sục, khí độc xông lên ngút trời; lò than lửa dữ hừng hực, thiêu nổ xé đất; nước đồng sôi rót vào miệng, ruột nát gan tan; cột đồng cháy đỏ đốt thân, xương thịt rã vụn, lăn lộn kêu gào, lời nào tả được!
Những nỗi khổ như thế đều là do hủy phạm giới cấm”.
XVIII.2.2. Khuyên giữ giới
Luận Đại trang nghiêm ghi: “Nếu người chí thành trì giới cho dù mất mạng vẫn được quả báo trong đời hiện tại. Xưa Ta từng nghe, trong thành Nan-đề-bạt-đề có hai anh em ưu-bà-tắc đều thụ trì năm giới. Bấy giờ, người em đột nhiên bị đau lưng sắp chết. Khi ấy, thầy thuốc bảo anh ta:
- Cậu phải ăn thịt chó mới giết và uống rượu thì bệnh sẽ khỏi.
Người bệnh trả lời:
- Thịt chó thì có thể ra chợ mua về ăn, nhưng việc uống rượu thì tôi thà chết chứ không phạm giới.
[94a] Thấy bệnh tình của em vô cùng nguy cấp, người anh bèn lấy rượu đưa cho em và nói:
- Em nên xả giới uống rượu để trị cho lành bệnh!
Người em trả lời:
- Em tuy bệnh nặng, nhưng nguyện xả bỏ thân này, quyết không phạm giới mà uống rượu.
Rồi người em lại nói kệ:
Lạ thay! Sắp mạng chung,
Phá giới báu của em,
Lấy giới trang nghiêm thân,
Không cần đồ mai táng.
Thân người đã khó được,
Gặp giới càng khó hơn,
Nguyện bỏ trăm nghìn mạng,
Không hủy phạm giới cấm.
Vô lượng trăm nghìn kiếp,
Nay mới gặp được giới,
Trong cõi Diêm-phù này,
Thân người rất khó được.
Tuy đã được thân người,
Gặp chính pháp càng khó,
Nay được gặp pháp bảo,
Kẻ ngu không giữ gìn,
Người khéo biết nhận thức,
Việc này càng khó hơn.
Giới báu đã thụ trì,
Sao có kẻ muốn đoạt,
Đó là kẻ oán thù,
Chẳng phải là người thân.
Nghe bài kệ xong, người anh nói với em rằng:
- Anh vì thương em, chứ không phải muốn em phá giới.
Người em trả lời:
- Đó chẳng phải thương em mà là làm hại em.
Người em lại nói kệ:
Em muốn về cõi lành,
Phá giới sẽ đọa lạc,
Xả giới cũng như thế,
Sao gọi là thương yêu?
Em giữ giới căn bản,
Anh lại bảo hủy phạm,
Trong năm giới đã thụ,
Giới rượu rất quan trọng,
Nay ép em phá giới,
Chẳng thể gọi là thương.
Người anh hỏi em:
- Vì sao nói rượu là giới căn bản?
Người em đáp lại bằng bài kệ:
Nếu đối với giới cấm,
Chẳng dốc lòng hộ trì,
Sẽ trái tâm đại bi,
Rượu bằng đầu ngọn cỏ,
Còn không dám nếm vào,
Vì thế nên em biết,
Rượu là nhân đường ác.
Kinh của hàng tại gia,
Nói ác báo của rượu,
Chỉ Phật mới biết rõ,
Ai có thể suy lường!
Phật nói về ác hạnh,
[94b] Ba nghiệp thân khẩu ý,
Nhưng rượu là căn bản,
Khiến rơi vào đường ác.
Ngày xưa ưu-bà-tắc[70],
Do nhân duyên uống rượu,
Bèn phá luôn bốn giới,
Đây là nhân ác hạnh.
Rượu chịu quả phóng dật,
Không uống, bít đường ác,
Có được tâm tin thích,
Dứt tham, hành bố thí.
Thủ-la nghe Phật dạy,
Được rất nhiều lợi ích,
Ý em cũng như vậy.
Còn muốn hủy phạm giới,
Nói sơ lược như vầy:
Thà bỏ nghìn mạng sống,
Không trái lời Phật dạy,
Thà để thân khô gầy,
Quyết không uống rượu này.
Giả sử hủy phạm giới,
Được sống trăm nghìn năm,
Chẳng bằng giữ giới cấm,
Mà thân liền hư hoại.
Biết chắc bệnh sẽ lành,
Em vẫn cố không uống,
Huống nay chưa biết rõ,
Là lành hay không lành.
Lòng quyết định như thế,
Tâm sinh đại hoan hỷ,
Liền được thấy chân đế,
Bệnh liền được tiêu trừ.
Luận Đại trang nghiêm ghi: “Xưa ta từng nghe, có các tì-kheo cùng với những người thương buôn vào biển tìm châu báu. Vừa ra giữa biển thì thuyền bị hỏng. Bấy giờ, có một tì-kheo tuổi trẻ vớ được một tấm ván, vị tì-kheo thượng tọa vì không nắm được tấm ván nên sắp chìm xuống nước. Lúc ấy, vị tì-kheo thượng tọa vô cùng hoảng hốt, sợ bị nước cuốn trôi bèn nói với vị tì-kheo tuổi trẻ:
- Con há không nhớ lời Phật dạy nên kính bậc thượng tọa sao? Tấm ván mà con vớ được nên đem đến cho thầy!
Bấy giờ, tì-kheo tuổi trẻ suy nghĩ: ‘Đức Phật thật có dạy lời này: những gì có lợi lạc, trước nên dâng cho vị thượng tọa’. Lại nghĩ như vầy: ‘Nếu mình nhường tấm ván này cho vị thượng tọa thì chắc chắn mình sẽ bị chìm, bị cuốn theo dòng nước xoáy. Biển lớn thật rộng sâu, nguy hiểm, mạng sống của mình rất khó bảo toàn. Hơn nữa, mình tuổi còn trẻ, vừa mới xuất gia, chưa đắc đạo quả. Đó là điều làm mình lo buồn. Nay mình liều bỏ thân này để cứu thượng tọa thì thật là đúng lúc’. Sau khi suy nghĩ như vậy, vị tì-kheo tuổi trẻ nói kệ:
Ta nên tự cứu mình,
Hay vâng lời Phật dạy,
[94c] Được vô lượng công đức,
Danh vang khắp mười phương.
Thân này rất hèn mọn,
Sao lại trái Thánh giáo,
Ta nay thụ Phật giới,
Dẫu chết vẫn vững trì.
Vì vâng lời Phật dạy,
Dâng ván, bỏ thân mạng,
Nếu chẳng làm việc khó,
Không thể được quả Phật.
Nếu trái lời Phật dạy,
Mất lợi ích trời, người,
Cho đến quả Niết-bàn,
Sự an lạc vô thượng.
Nói bài kệ xong, vị tì-kheo trẻ mang tấm ván dâng cho vị tì-kheo thượng tọa. Khi vị tì-kheo tuổi trẻ vừa rời tấm ván, cảm động trước lòng thành ấy, thần biển liền đưa vị ấy lên bờ. Sau đó, thần biển chắp tay thưa với vị tì-kheo:
- Con nay xin quy y người nghiêm trì tịnh giới. Thầy nay gặp việc nguy hiểm như vậy mà vẫn giữ được giới của Phật. Thần biển lại nói kệ:
Thầy đúng là tì-kheo,
Thật là người khổ hạnh,
Gọi thầy là sa-môn[71],
Thật xứng với tên này.
Lẽ gì ngay bây giờ,
Ta không ủng hộ thêm,
Bậc kiến đế trì giới,
Không có gì là khó.
Phàm phu chẳng hủy giới,
Mới là việc khó làm.
Tì-kheo sống an ổn,
Thanh tịnh tự giữ gìn,
Xả bỏ điều yêu thích,
Để hộ trì cấm giới,
Làm được việc khó làm,
Thật là điều hiếm có”.
Luận Đại trang nghiêm ghi: “Ta từng nghe, xưa kia có một vị tì-kheo theo thứ tự khất thực, đến nhà làm nghề xỏ châu thì đứng ngoài cửa. Bấy giờ, người thợ đang xỏ châu ma-ni cho quốc vương, sắc đỏ từ ca-sa của vị tì-kheo chiếu vào hạt châu, làm hạt châu cũng có màu đỏ. Người thợ xỏ châu liền vào nhà lấy cơm ra cúng dường vị tì-kheo. Lúc ấy, có một con ngỗng nhìn thấy hạt châu màu đỏ giống như cục thịt, liền đến nuốt mất. Người thợ xỏ châu mang cơm ra dâng cúng vị tì-kheo, rồi tìm hạt châu mà chẳng thấy đâu cả. Vì hạt châu này rất quý, nên người thợ xỏ châu nổi giận, và hỏi:
- Thầy lấy hạt châu của tôi ư?
Vị tì-kheo sợ người thợ sẽ giết con ngỗng để lấy hạt châu, nên tìm cách để nó được thoát khỏi họa này, liền nói kệ:
Ta nay hộ mạng ngỗng,
Thân mình chịu khổ đau,
Không còn cách nào khác,
Chỉ biết lấy mạng thay!
[95a] Nếu nói nó nuốt châu,
Điều này không thể được,
Nếu nói nó vô tội,
Thì thành kẻ vọng ngữ.
Ta nay xả thân mạng,
Để cứu con ngỗng này,
Nhờ duyên ta giữ giới,
Nên thành tựu giải thoát.
Tuy đã nghe bài kệ này, người thợ xỏ châu vẫn nói với vị tì-kheo:
- Nếu không chịu trả lại, thì ông đành phải chịu khổ, tôi không tha cho ông đâu!
Vị tì-kheo nhìn quanh, không biết trông cậy vào ai. Như con nai bị bao vây, chẳng còn lối thoát, vị tì-kheo không người cứu giúp cũng giống như vậy. Bấy giờ, vị tì-kheo bèn chỉnh thân ngay thẳng, sửa lại y phục, người thợ xỏ châu nói với tì-kheo:
- Bây giờ, ông và tôi đánh nhau nhé!
Vị tì-kheo trả lời:
-Tôi không đánh với ông đâu! Tôi tự đánh với các kết sử thôi!
Vị tì-kheo lại nói kệ:
Khi ta bỏ thân mạng,
Xuống đất như củi khô,
Đáng để người khen ngợi,
Vì ngỗng mà xả thân.
Khi ấy, người thợ xỏ châu trói chặt hai tay và đầu của vị tì-kheo, rồi lấy gậy đánh. Vị tì-kheo nhìn quanh bốn phía nhưng không biết nói gì, bèn suy nghĩ: ‘Những nỗi khổ trong đường sinh tử đều là như thế’!
Tì-kheo lại nói kệ:
Xả thân tạm bợ này,
Đổi lấy thân giải thoát,
Ta mặc y phấn tảo,
Khất thực làm sự nghiệp,
Dừng nghỉ nơi gốc cây,
Do vì nhân duyên gì,
Mà phải làm kẻ trộm,
Ông nên suy nghĩ kỹ.
Bấy giờ, người thợ xỏ châu nói với vị tì-kheo:
- Đâu cần phải nhiều lời!
Thế rồi, người ấy trói chặt và đánh đập nhiều hơn. Dây quấn chặt đến nỗi tai, mắt, mũi, miệng của vị tì-kheo đều chảy máu. Khi ấy, con ngỗng chạy đến liếm máu, người thợ tức giận đánh chết con ngỗng. Thấy thế, vị tì-kheo hỏi:
- Con ngỗng còn sống hay đã chết rồi?
Người thợ trả lời:
- Nó chết hay sống, mắc mớ gì đến ông mà hỏi!
Bấy giờ, nhìn sang con ngỗng, thấy nó đã chết, vị tì-kheo buồn bã, rơi lệ, rồi nói kệ:
Ta chịu mọi khổ đau,
Vì mong ngỗng được sống,
Nay mạng ta chưa hết,
Ngỗng đã chết trước ta.
Ta muốn cứu mạng ngươi,
Gánh chịu cực khổ này,
Vì sao ngươi chết trước,
Tâm nguyện ta không thành.
[95b] Người thợ xỏ châu hỏi vị tì-kheo:
- Rốt cuộc, con ngỗng đó có thân thích gì với ông mà ông buồn khổ đến thế?
Vị tì-kheo đáp:
- Vì không tròn tâm nguyện, nên tôi không vui.
Người thợ xỏ châu lại hỏi:
- Ông có ước nguyện gì?
Vị tì-kheo đáp lại bằng bài kệ:
Xưa bồ-tát đã từng,
Xả thân cứu bồ câu.
Ý tôi cũng như vậy,
Xả mạng thay ngỗng kia.
Muốn cho ngỗng được sống,
Lâu dài, thường an vui,
Do ông giết nó rồi,
Nên nguyện tôi chẳng toại.
Sau khi nghe vị tì-kheo trình bày đầy đủ, người thợ xỏ châu mổ bụng con ngỗng để lấy lại hạt châu. Vừa nhìn thấy hạt châu, ông ta òa khóc, nói với tì-kheo:
- Thầy bảo hộ mạng ngỗng mà không tiếc thân mình, đã khiến tôi làm điều sai trái này!
Người thợ xỏ châu lại nói kệ:
Thầy thầm tạo công đức,
Tợ như lửa vùi tro,
Bởi vì tôi ngu muội,
Chịu khổ trăm nghìn kiếp,
Thầy rất là tương xứng,
Với đức tính của Phật.
Do vì tôi ngu si,
Không thể quan sát kỹ,
Bị lửa si thiêu đốt,
Xin thầy lưu lại đây,
Cho tôi được sám hối,
Giống như người vấp ngã,
Nương đất để đứng lên,
Đỉnh lễ hạnh thanh tịnh,
Đỉnh lễ người trì giới,
Gặp phải nguy nan này,
Vẫn kiên trì giữ giới,
Vì ngỗng, thân chịu khổ,
Chẳng hề phạm giới cấm,
Việc này thật khó làm”.
Luận Đại trang nghiêm ghi: “Có các vị tì-kheo đang đi giữa đồng trống thì bị bọn cướp lột hết quần áo. Lúc ấy, bọn cướp sợ các tì-kheo chạy đến báo cho làng xóm biết, nên định giết tất cả. Trong số bọn họ, có một người trước đây đã từng xuất gia, nói với đồng bọn:
- Nay chúng ta đâu cần giết hại họ! Giới luật của tì-kheo là không được làm tổn thương cỏ cây. Bây giờ chỉ cần chúng ta lấy cỏ trói các tì-kheo, vì sợ làm tổn hại cây cỏ, nên họ sẽ không bứt ra để đi báo cho mọi người hay đâu!
Nghe nói vậy, bọn giặc liền lấy cỏ trói các tì-kheo lại, rồi bỏ đi. Các vị tì-kheo đã bị trói bằng cỏ, lại sợ phạm giới nên không dám bứt đi. Thân không có y phục, nên các tì-kheo bị ánh nắng mặt trời thiêu đốt, muỗi mòng, ruồi kiến cắn chích… Họ bị trói từ sáng đến chiều, mãi đến lúc trời tối. Đêm đến, cầm thú rượt đuổi, thật là đáng sợ! Một vị tì-kheo lớn tuổi răn nhắc các tì-kheo trẻ bằng bài kệ:
[95c] Nếu người có trí tuệ,
Kiên trì giữ giới cấm,
Sẽ cảm báo như nguyện,
Trời, người và niết-bàn.
Long vương Y-la-bát,
Vì phá giới cấm này,
Làm tổn thương cây cỏ,
Mạng Các vị tì-kheo chịu nhiều đau khổ, lại sợ làm tổn thương cây cỏ, nên không dám co duỗi, cử động, một lòng giữ giới đến chết chẳng phạm. Vị tì-kheo lớn tuổi lại nói kệ:
Ta từ thuở xa xưa,
Từng tạo các nghiệp ác,
Hoặc được sinh làm người,
Trộm cắp và tà dâm.
Sống phải chịu quốc pháp,
Số nhiều không kể xiết,
Chết bị đọa địa ngục,
Cũng thật khó tính được.
Giả sử nắng mặt trời,
Thiêu thân ta khô cháy,
Ta vẫn giữ giới Phật,
Quyết không phạm giữa chừng.
Giả như gặp thú dữ,
Vồ xé thân thể ta,
Quyết không dám hủy phạm,
Giới của đấng Thích Tôn,
Thà giữ giới mà chết,
Không phạm giới mà sống.
Chết đọa làm loài rồng
Sau khi nghe vị tì-kheo lớn tuổi nói kệ, các tì-kheo đều đứng ngay thẳng, không dám cử động, như cây đại thụ lúc không có gió, cành lá đều không lay động. Gặp lúc vua nước ấy đi săn, lần hồi đi đến chỗ các vị tì-kheo bị trói. Từ xa nhìn thấy họ, vua khởi tâm nghi, cho đó là các vị thuộc phái Ni-kiền-tử lõa hình. Vua bèn sai người đến xem, mới biết đó là các tì-kheo. Nghe lời tâu lại, vua lấy làm quái lạ, liền đến chỗ các tì-kheo và nói kệ:
Dùng cỏ xanh trói tay,
Tợ cánh chim anh vũ,
Lại như dê tế trời,
Không động, không lay chuyển,
Tuy biết chốn nguy nan,
Đứng yên, không hại cỏ,
Như rừng bị lửa đốt,
Li ngưu [72]chết vì đuôi.
Nói kệ xong, vua đến hỏi các tì-kheo:
Thân thể không bệnh hoạn,
Khỏe mạnh như lực sĩ,
[96a] Do vì nhân duyên gì,
Cỏ buộc, không cử động,
Các vị há không biết,
Thân mình đang khỏe ư!
Bị chú làm mê hoặc,
Hay là tu khổ hạnh,
Hoặc nhàm chán thân này?
Hãy mau nói trẫm nghe.
Các tì-kheo liền trả lời vua bằng bài kệ:
Do giữ gìn giới cấm,
Không dám bứt cỏ cây.
Phật nói loài cây cỏ,
Là nơi quỷ thần nương,
Chúng tôi không dám trái,
Cho nên chẳng bứt phá.
Cũng như nơi tụng chú,
Vẽ ranh giới cho rắn,
Vì nhờ sức thần chú,
Rắn độc chẳng dám qua.
Mâu-ni phân phạm vi,
Chúng tôi không dám vượt,
Có phương tiện của Phật,
Được lợi ích bậc nhất,
Là người có trí tuệ,
Há phá bình giới đức?
Nghe kệ xong, vua vô cùng hoan hỷ, liền cởi trói cho các tỳ-kheo và nói kệ:
Lành thay vững lòng trì,
Giới pháp của Thích Tôn,
Thà xả bỏ thân mình,
Giữ giới, chẳng hủy phạm.
Tôi nay xin kính lễ,
Người xiển dương pháp mầu,
Quy y đấng Mâu-ni,
Giải thoát, lìa phiền não,
Tôi nay xin kính lễ,
Người giữ giới kiên trì”.

XVIII.3. Nhẫn nhục
XVIII.3.1. Lời dẫn
Từng nghe, nhẫn là đức tính vô cùng cao quý, trì giới và khổ hạnh không thể sánh bằng. Cho nên, tì-kheo Sằn-đề[73] dù bị hình phạt tàn khốc vẫn không hối hận. Tiên nhân nhẫn nhục[74] dù bị chặt đứt tay chân vẫn không giận dữ.
Vả lại, đạo từ bi lấy việc cứu độ làm trên hết; bản hoài của bồ-tát là lấy sự thương xót làm sự nghiệp. Thế nên, các ngài thường hiện thân khắp địa ngục để chịu khổ thay cho chúng sinh, độ tất cả hữu tình, ban cho họ sự an lạc. Lẽ nào chúng sinh vì một xúc chạm nhỏ mà sân hận, thậm chí, vừa trừng mắt nhìn nhau, giận hờn to tiếng thì liền đánh nhau, để rồi kết thành thù hận. Có khi cha con, anh em làm tổn hại nhau, bạn bè, thân thuộc lại gây thương tích, bạo ngược còn hơn chim cú, diều hâu, hiểm độc hơn cả loài ong, bò cạp. Cho nên, kiếp kiếp oán thù, đời đời không dứt.
XVIII.3.2. Khuyên nhẫn nhục
[96b] Luận Thành thật [75] ghi: “Kẻ tiểu nhân không thể chịu nổi sự mắng chửi, sỉ nhục, như chim gặp mưa đá. Bậc đại nhân có thể nhẫn chịu sự chửi bới, mạ nhục, như voi gặp mưa hoa. Thế nên, hành giả phải thường quán sát nguồn gốc nhân duyên của người đối diện, hoặc quá khứ là cha mẹ của ta, vì nuôi dưỡng ta nên không kể là tội hay phúc, mà ta chưa từng báo ân, lẽ nào lại giận họ ư? Hoặc họ là anh em, vợ con, quyến thuộc, hoặc là thánh nhân, hoặc là bạn tốt, nhưng vì tâm phàm phu nên ta không nhận ra, vì sao lại hủy báng họ?”.
Nhiếp luận ghi: “Nhờ quán sát năm trường hợp mà diệt trừ được sân hận.
1. Quán tất cả chúng sinh đều là ân nhân của ta
2. Quán tất cả chúng sinh bị hoại diệt trong từng sát-na, người nào gây tổn hại, người nào bị tổn hại?
3. Quán chỉ có pháp, không có chúng sinh, thì ai gây tổn hại, ai bị tổn hại?
4. Quán tất cả chúng sinh đều phải chịu khổ, sao lại muốn làm họ khổ thêm?
5. Quán tất cả chúng sinh đều là con của ta, sao lại sinh lòng tổn hại?”.
Kinh Báo ân chép: “Giả sử bị đội vòng sắt nóng trên đầu, không bao giờ vì nỗi khổ này mà sinh lòng ác”.
Luận Thành thật ghi: “Người thực hành tâm từ, dù ngủ hay thức đều được an ổn, không thấy ác mộng, được chư thiên ủng hộ, mọi người yêu mến, không bị hãm hại, không bị binh đao, không bị chết vì nước trôi, lửa cháy”.
Trong luật Tứ phần có bài kệ:
Nhẫn nhục hạnh đứng đầu,
Phật nói vô vi cao,
Xuất gia quấy rối người,
Không gọi là sa-môn.
Kinh Di giáo[76] ghi: “Người thực hành nhẫn nhục được gọi là người có sức mạnh”. Kinh này cũng chép: “Thấy lỗi của người, miệng không được nói. Chính mình phạm lỗi, cần phải tỏ bày”.
Sách Nho ghi: “Nghe lỗi của người như nghe tên cha mẹ. Tai có thể nghe, nhưng miệng không được nói”.
Kinh chép: “Khen ngợi điều hay của người, chớ khoe việc tốt của mình”.
[96c] Sách Nho ghi: “Bậc quân tử khen điều tốt của người, không phá điều tốt của người”.
Kinh chép: “Bố thí không mong cầu báo đáp. Nếu được người báo đáp dù ít hay nhiều đều nên chú nguyện, thụ nhận với lòng biết hổ thẹn”.
Sách Nho ghi: “Công tử ban ơn cho người, xin công tử hãy quên việc ấy! Người ban ơn cho công tử, xin công tử chớ quên!”.
Lại ghi: “Bố thí cho người, chớ nên ghi nhớ! Nhận sự bố thí, nhớ mãi không quên”.
Kinh ghi: “Như khoan thứ cho mình, đối với người chớ giết, chớ đánh!”.
Sách Nho chép: “Điều mình không muốn, chớ đem đến cho người”.
Nên biết Phật giáo và các tôn giáo khác căn bản đều giống nhau. Tuy hình tướng khác nhau, nhưng lập hạnh không sai khác. Nếu trái với ý chỉ này thì đồng với hạng người ngu muội, chứ đâu căn cứ vào nội ngoại giáo. Kinh chép: “Phật thuyết pháp cho chúng sinh là vì khiến họ đoạn trừ vô minh[77] mê hoặc, cũng như thầy thuốc giỏi tùy bệnh cho thuốc. Đó gọi là nội giáo”.
Sách Nho chép: “Lẽ trời xa xôi, chỉ lòng nhân là gần gũi”. Đây gọi là ngoại giáo.
Lại nữa, nếu người xuất gia khéo quán sát khổ, không, vô thường, vô ngã[78], xa lìa sinh tử, chí cầu thoát tục. Đó gọi là nương vào nội giáo. Nếu trái hạnh này thì đồng với ngoại đạo. Nếu người tại gia biết nhàm chán thế gian, mến chuộng ý chí cao vời, một lòng tôn kính tam bảo, giữ gìn bốn đức, thực hành hiếu để, nhân, nghĩa, lễ, trí, trinh, hòa, ái, kính, thì cũng đồng với nội giáo; nếu trái với điều này, ắt đồng với ngoại đạo.
Nếu người đời biết nương vào nội giáo, thì sẽ thấu rõ chân lý, tâm thể hội được lý đạo, dần dần bước lên con đường giải thoát, thẳng đến quả Bồ-đề.
Nếu người đã biết như thế, lại muốn thực hành hạnh nhẫn nhục này, chỉ cần tự hạ thấp mình, khen ngợi đức hạnh của người, cũng như chiếc khăn lau bụi, gom bụi bẩn về mình, đưa sạch sẽ cho người. Cho nên, kinh chép: “Lùi một bước mà được, đó là Phật đạo”.
Vì thế, sách Nho ghi: “Bậc quân tử kính nhường mà được, đó là nghĩa”. Cho nên, thường phải đề cao người khác, luôn biết khiển trách chính mình.
XVIII.3.3. Lợi ích của nhẫn nhục
Kinh Đại bảo tích[79] ghi: “Nhẫn nhục[80] có mười lợi ích:
1. Không chấp vào ta và vật của ta.
2. Không phân biệt giai cấp.
3. Phá trừ tâm kiêu mạn.
4. Bị kẻ xấu hại, nhưng không trả thù.
5. Quán tưởng vô thường.
6. Tu tập từ bi.
7. Tâm không phóng dật.
8. Không màng đến những việc đói khát, khổ vui.v.v…
9. Đoạn trừ sân hận.
10. Tu tập trí tuệ.
Nếu người nào thành tựu được mười điều này, thì có thể tu hạnh nhẫn nhục”.
[97a] Kinh Nguyệt đăng tam-muội [81]ghi: “Phật dạy:
- Nếu vị bồ-tát nào an trụ trong hạnh nhẫn nhục nhân từ, sẽ được mười điều lợi ích:
1. Lửa không thể thiêu cháy
2. Đao không thể đâm chém
3. Chất độc không thể hại
4. Nước không thể cuốn trôi
5. Được phi nhân ủng hộ
5. Được thân tướng trang nghiêm
7. Bít lấp các đường ác
8. Sinh lên cõi Phạm thiên tùy theo sở thích
9. Đêm ngày thường an ổn
10. Thân được an vui”.
Kinh Tư-ha tam-muội ghi: “Đức Phật dạy:
- Nhẫn có sáu lợi ích để thành tựu được Nhất thiết trí[82]. Đó là:
1. Thân thể có sức mạnh phi thường
2. Lời nói có sức thuyết phục
3. Ý chí hướng đến quả vị Phật
4. Năng lực thần túc tự tại vô ngại
5. Năng lực thành tựu quả Phật
6. Trí tuệ có công năng phá trừ phiền não”.
Lục độ tập kinh[83] ghi: “Có bốn trường hợp cần phải nhẫn nhục để được đầy đủ trí tuệ. Đó là:
1. Khi cầu pháp, nhẫn chịu lời mắng chửi của người.
2. Khi cầu pháp, nhẫn chịu sự đói, khát, lạnh, nóng, gió, mưa.
3. Khi cầu pháp, vâng làm theo lời dạy của hòa thượng[84], a-xà-lê[85].
4. Khi cầu pháp, lãnh hội ba môn giải thoát: không, vô tướng, vô nguyện”.
Trong kinh Tì-kheo tỵ nữ nhân ác danh, có bài kệ:
Tuy nghe nhiều tiếng xấu,
Người khổ hạnh nhẫn chịu,
Không nên tự than khổ,
Cũng không được buồn phiền.
Loài nghe tiếng sợ hãi,
Ấy là thú trong rừng,
Làm chúng sinh loạn động,
Không phải pháp xuất gia.
Nhân giả nên nhẫn chịu,
Tất cả mọi tiếng xấu,
Người giữ tâm vững chãi,
Đó là pháp xuất gia.
Không phải do người nói,
Làm ông thành giặc cướp,
Cũng không vì lời họ,
Ông thành A-la-hán.
Nếu ông tự biết rồi,
Chư thiên cũng sẽ biết.
Luật Ngũ phần [86] ghi: “Đức Phật bảo các tì-kheo:
- Vào thời quá khứ, bên cạnh hồ nước trong a-luyện-nhã[87], có hai chim nhạn cùng kết bạn với một con rùa. Một thời gian sau, nước trong hồ khô cạn, hai chim nhạn bàn với nhau: ‘Nay nước trong hồ này đã khô cạn, chắc bạn rùa khổ sở lắm đây!’. Bàn luận xong, chúng nói với rùa:
- Nước trong hồ đã khô cạn, bạn không thể sống được! Bây giờ, bạn ngậm một cành cây, còn chúng tôi mỗi người ngậm một đầu. Chúng tôi sẽ đưa bạn đến chỗ có nhiều nước, nhưng khi ngậm cây, bạn không được nói!
Thế rồi, chúng ngậm cành cây như đã định. Khi đi qua một làng nọ, bọn trẻ thấy thế, la lên:
- Ôi! Nhạn gắp rùa bay kìa! Nhạn gắp rùa bay kìa!
Nghe vậy, rùa nổi giận nói:
- Can gì đến bọn bay!
[97b] Vừa mở miệng, rùa liền tuột khỏi cành cây, rơi xuống đất mà chết. Nhân việc này, Đức Phật nói kệ:
Người sống ở đời,
Búa ở trong miệng,
Sở dĩ chém mình,
Là do lời ác.
Đáng chê lại khen,
Đáng khen lại chê,
Tự chuốc tai họa,
Trọn không an vui.
Đức Phật bảo:
- Con rùa đó chính là Điều-đạt, xưa kia vì tức giận mà mở miệng nói đến nỗi phải chịu cái khổ mất mạng; ngày nay, lại sân giận mắng nhiếc Như lai, nên bị rơi vào địa ngục lớn.
Kinh Pháp cú thí dụ ghi: “Ngày xưa, khi La-vân[88] chưa đắc đạo, tính nghịch ngợm, lời nói ít chân thật. Thấy vậy, Phật bảo La-vân:
- Con hãy đến tinh xá Hiền Đề mà ở, cố gắng giữ gìn lời nói và nhiếp phục tâm ý, siêng năng tụng kinh, trì giới.
La-vân vâng lời, đỉnh lễ Phật rồi ra đi.
Đến đó ở được chín mươi ngày, La-vân thấy hổ thẹn, tự thân sám hối, ngày đêm chẳng nghỉ. Một hôm, Đức Phật đến tinh xá, La-vân nhìn thấy, vui mừng chạy đến đỉnh lễ. Phật dạy La-vân:
- Con hãy mang chậu nước đến rửa chân cho Như Lai!
Vâng lời Phật, La-vân mang nước đến rửa chân cho Ngài. Sau đó, Phật hỏi La-vân:
- Nước này dùng để nấu ăn và uống có được không?
La-vân bạch Phật:
- Nước này không dùng lại được! Bởi vì, nước này vốn sạch, nhưng nay đã đem rửa chân, trở thành dơ bẩn, nên không thể dùng.
Phật bảo La-vân:
- Con cũng như thế, tuy là con của Như Lai, cháu của quốc vương, lìa bỏ vinh hoa ở đời, xuất gia làm sa-môn, nếu con không siêng năng kiểm soát việc làm, giữ gìn lời nói, lòng dạ chứa đầy cấu uế của ba độc, thì cũng như chậu nước bẩn này, không thể dùng lại được. Mặc dù nước trong chậu đã đổ đi, nhưng cái chậu vẫn không thể đựng thức ăn, vì nó đã từng đựng đồ dơ bẩn rồi. Con nay cũng như vậy, miệng không nói thành thật, tính tình ngang bướng, không chịu tinh tiến, từng mang tiếng xấu, khác nào chậu đựng nước rửa chân không thể đựng thức ăn!
Bấy giờ, Phật dùng ngón chân hất đổ chậu nước, rồi hỏi:
- Con có tiếc cái chậu này không?
La-vân bạch Phật:
- Con cũng thấy tiếc, nhưng không buồn gì cả!
Phật bảo La-vân:
- Cũng như vậy, con tuy làm sa-môn, nhưng không biết nhiếp phục thân miệng, làm mích lòng nhiều người, sau khi mạng chung thần thức luân chuyển trong ba đường ác, bậc hiền thánh chẳng thương tiếc, cũng như lời con nói.
La-vân nghe lời này, lòng hổ thẹn tự nhủ sẽ cố gắng, khắc cốt chẳng quên, tinh tiến nhu hòa, luôn nhẫn nhục như đất, ngay đó đắc quả A-la-hán”.
Kinh La-vân nhẫn nhục ghi: “Lúc bấy giờ, La-vân đi đến nhà một bà-la-môn không có tín tâm để khất thực. Vị bà-la-môn này keo kiệt không cho còn đánh La-vân đến vỡ đầu chảy máu, rồi hốt cát bỏ vào bình bát của La-vân. [97c] La-vân nhẫn chịu không chống trả, lặng lẽ mang bát đến bên sông gội đầu, rửa bát và thầm nhủ. ‘Ta đi khất thực một mình không ngờ họ vô cớ ngang ngược đánh ta, ta chỉ đau trong chốc lát, nhưng e rằng ông ấy phải chịu khổ lâu dài. Cũng như kiếm bén chém thây thối rửa, thây không biết đau, chẳng phải kiếm không bén. Lại như vị cam lộ của cõi trời đem cho loài heo ngu si kia ăn, heo không ăn mà bỏ chạy, đó chẳng phải do vị cam lộ không ngon. Ta đem lời chân thật của Phật để dạy cho người ngu si, hung ác ở thế gian, người ngu không biết suy xét, há chẳng giống như vậy sao!’.
La-vân trở về bạch Phật, Phật dạy:
- Người ấy đã tự hại mình! Sau khi mạng chung, họ sẽ đọa vào địa ngục Vô Trạch, bị quỷ ngục hành hình đau đớn, muôn khổ ập đến. Trải qua tám mươi bốn nghìn năm, thọ mạng người kia mới hết, lại thụ thân trăn, nọc độc trở lại hại mình. Sau đó lại thụ thân rắn hổ mang, thường ăn đất cát, trải qua mười nghìn năm mới hết. Người này vì lòng sân giận, đối với bậc trì giới nên phải mang thân rắn độc, vì lấy đất cát bỏ vào bình bát nên đời đời ăn đất cát mà chết. Tội hết, được sinh làm người. Khi mang thai, người mẹ mắc phải bệnh nặng, của cải trong nhà ngày một sút giảm. Đứa bé sinh ra ngu đần, không có tay chân. Cha mẹ hoảng sợ, đều nói: ‘Yêu tinh gì đến đây, là việc chẳng lành’, liền đem đứa bé ấy bỏ ở ngã tư đường. Người qua kẻ lại đều kinh ngạc, tranh nhau lấy ngói, đá, dao, gậy, đánh chọi vào đầu làm dập não, đau đớn cùng cực suốt mười ngày mới chết. Sau khi chết, thần thức tái sinh làm người ngu đần như trước, trải qua năm trăm đời, tội nặng kia mới hết. Sau đó lại sinh làm người nhưng thường bị đau đầu, sinh vào nơi không gặp Phật pháp, nên mãi luân chuyển trong ba đường ác”.
Luận Tân bà-sa ghi: “Ta từng nghe trong hiền kiếp vào thuở quá khứ, có vị vua tên là Yết-lợi. Bấy giờ, có vị tiên nhân tên là Nhẫn Nhục, sống trong rừng, chuyên tu khổ hạnh.
Một hôm, vua cùng với quyến thuộc trong cung vào rừng dạo chơi nhưng không cho người nam theo. Đi một hồi lâu, nhà vua mệt mỏi, ngủ thiếp đi. Khi ấy, vì thích hoa quả, các thể nữ trong cung dạo khắp khu rừng. Từ xa, trông thấy vị tiên nhân ngồi ngay thẳng, một mình lặng lẽ tư duy, các thể nữ cùng đi đến chỗ vị tiên. Sau khi đến, họ đỉnh lễ, rồi ngồi xung quanh. Vị tiên liền giảng giải về tội lỗi của tham dục cho họ nghe. Các thể nữ nghe rồi, sinh lòng nhàm chán. Bấy giờ, vua tỉnh giấc không thấy các thể nữ, liền suy nghĩ: ‘Chẳng lẽ có ai dụ dỗ các thể nữ của ta đi mất rồi ư!’. Nghĩ rồi, vua bèn rút kiếm đi tìm khắp nơi, chợt thấy các thể nữ đang ngồi vây quanh vị tiên. Lòng rất tức giận, vua nghĩ ‘Con quỷ nào đây đã dụ dỗ các thể nữ của ta’, rồi đến hỏi vị tiên:
- Ông là ai?
Vị tiên đáp:
- Tôi là tiên nhân.
Vua lại hỏi:
- Ông ngồi ở đây làm gì?
Tiên nhân đáp:
- Tu đạo nhẫn nhục.
Vua suy nghĩ: ‘Người này vì thấy ta nổi giận nên nói tu đạo nhẫn nhục. Bây giờ, ta hãy thử, xem ông ấy như thế nào!’.
[98a] Vua lại hỏi:
- Ông đã đắc định Phi tưởng phi phi tưởng xứ chưa?
Vị tiên đáp:
- Chưa!
Cứ thế, nhà vua lần lượt gạn hỏi cho đến:
- Ông đã đắc thiền thứ nhất chưa?
Tiên nhân đáp:
- Chưa!
Vua càng thêm tức giận, nói:
- Ông là người chưa ly dục, sao lại tùy tiện ngắm nhìn các thể nữ của ta?
Vị tiên đáp:
- Tôi là người tu đạo nhẫn nhục.
Vua nói:
- Ông thử duỗi một cánh tay ra, xem có thể nhẫn được không?
Bấy giờ, vị tiên duỗi ra một cánh tay, vua dùng kiếm bén chặt cánh tay rơi xuống đất tợ như cắt ngó sen. Vua lại hỏi vặn:
- Ông là ai?
Vị tiên đáp:
- Tôi là người tu đạo nhẫn nhục!
Vua lại bảo duỗi cánh tay còn lại, rồi chém đứt nó. Vua gạn hỏi như trước, vị tiên cũng đáp như trước. Như thế, vua lần lượt chém đứt hai chân, rồi cắt hai tai, xẻo lỗ mũi, mỗi lần hỏi đáp cũng giống như trước, khiến cho bảy bộ phận trên cơ thể của vị tiên đều rơi xuống đất, để lại bảy vết thương, vua mới hả giận. Tiên nhân bèn nói:
- Đức vua hôm nay vì sao lại tự mệt mỏi chán chường? Giả sử ngài có vằm nát thân thể của tôi ra nhỏ như hạt cải, cho đến vi trần, tôi cũng không khởi một niệm tức giận, cũng không hề động tâm.
Vị tiên lại phát nguyện:
- Hôm nay, ta thật không có tội mà ông lại chặt đứt bảy bộ phận trên thân ta để lại bảy vết thương. Đời sau, khi ta đắc quả A-nậu-bồ-đề[89], với tâm đại bi, không đợi ông thỉnh, trước nhất ta sẽ khiến ông tu thất chủng đạo[90] để đoạn trừ thất tùy miên[91]”.
Nên biết, vị tiên tu hạnh nhẫn nhục lúc bấy giờ nay chính là Đức Phật Thích-ca Mâu-ni, vua Yết-lợi tức là Cụ Thọ[92] Kiều-trần-na[93]. Sau khi Kiều-trần-na thấy thánh đế[94], Đức Phật dùng thần lực phá trừ ám chướng cho ông ta, khiến cho ông ta nhớ lại sự việc trong đời quá khứ. Kiều-trần-na nghe xong, vô cùng hổ thẹn, chắp tay cung kính đỉnh lễ Đức Phật.
XVIII. 4. Tinh Tiến
Có ba : Lời dẫn, Biếng nhác, Chuyên tu.
XVIII.4.1. Lời dẫn
Chỉ tu hạnh nhẫn nhục thôi thì chưa đủ, vì ý chỉ rốt ráo chưa được hiển bày, thế nên phải tinh tiến để tâm không biếng nhác.
Kinh ghi: “Tì-kheo các ông phải dõng mãnh tinh tiến, mặt trời trí tuệ của đấng Thập Lực[95] đã lặn, các ông sẽ bị vô minh che phủ”.
Lại nói: “Người xiển-đề[96] suốt ngày nằm dài như thây chết, mà nói họ thành tựu đạo nghiệp, thật không có lý này”.
Thích luận[97] ghi: “Người tại gia biếng nhác thì mất quyền lợi ở đời. Người xuất gia biếng nhác thì mất pháp bảo. Thế nên, Tư-na dõng mãnh được chư Phật ngợi khen, Ca-diếp[98]tinh tiến được Như Lai ấn chứng”.
[98b] Sách Nho ghi: “Thức khuya dậy sớm, dốc sức quên thân mới được gọi là bề tôi trung, mới xứng đáng người con hiếu”. Nên biết, người buông lung biếng nhác thì không được mọi người tôn trọng, người siêng năng chịu khó thì lúc nào cũng được thành tựu. Sao cứ mãi buông lung, ngu mê phóng túng kiêu mạn, để đến nỗi hạt giống thiện căn không thể nảy mầm, cành nhánh bồ-đề ngày càng khô héo. Huống hồ thân này rồi cũng ra đi, Diêm vương gọi tên, lôi vào âm phủ, mãi mãi đánh mất tư lương, quan ngục tra hỏi, lấy gì đối đáp, đến lúc này hối hận sao kịp!”.
Vì thế, ngày nay khuyên các hành giả nhân lúc còn mạnh khỏe, hãy chuẩn bị tư lương, trong sáu thời thường kiểm soát ba nghiệp, chớ để trái phạm. Sớm tối mỗi ngày, từ sáng đến trưa, từ trưa đến chiều, từ chiều đến tối, từ tối đến sáng, cho đến một giờ một khắc, một niệm một sát-na, hành giả phải kiểm soát ba nghiệp, biết rõ: có bao nhiêu tâm làm thiện, bao nhiêu tâm làm ác, bao nhiêu tâm hiếu thuận, bao nhiêu tâm ngỗ nghịch, bao nhiêu tâm xa lìa tài sắc, bao nhiêu tâm tham đắm tài sắc, bao nhiêu tâm gieo nghiệp thiện của cõi trời, người; bao nhiêu tâm tạo nghiệp bất thiện của ba đường ác[99], bao nhiêu tâm xa lìa danh lợi chấp ngã, bao nhiêu tâm tham cầu danh tiếng chấp ngã, bao nhiêu tâm thích tu pháp xuất thế của ba thừa[100], bao nhiêu tâm khinh chê ba thừa, tham đắm thế gian.
Các tâm thiện ác ngày đêm trái nhau như thế, nên hành giả thường phải kiểm soát chớ để buông lung, rơi vào lưới tà, hằng tỉnh thức ba nghiệp, luôn răn nhắc, cảnh tỉnh cho nhau. Tâm và miệng luôn nhắc nhở nhau. Tâm nhắc nhở miệng : “Anh nên nói điều thiện, đừng nói điều phi pháp”. Miệng lại dặn dò tâm: “Anh nên nghĩ đến chính pháp, đừng nghĩ điều phi pháp”. Tâm lại nói với thân: “Anh nên tinh tiến chớ biếng nhác”.
Như thế, tâm ta tự điều phục, miệng ta tự thận trọng, thân ta tự cấm ngăn. Tự cảnh tỉnh như vậy, mới xứng đáng là người hoàn thiện, đâu phiền đến người khác nhắc nhở, gây thêm sự oán ghét nhau.
Cho nên, kinh ghi: “ Thân làm việc thiện, miệng nói lời hay, ý nghĩ điều tốt, nhất định sẽ sinh vào đường lành. Ngược lại, thân làm việc ác, miệng nói lời hung dữ, ý nghĩ điều tà vạy chắc chắn, sẽ sinh vào nẻo ác. Ví như ngựa hay vừa thấy bóng roi liền chạy, không như ngựa hèn phải đợi roi vọt mới đi. Con người cũng như vậy, nếu không tự răn nhắc, để người khác quở trách, thì trái lại chỉ tăng thêm phiền não, tội càng nặng hơn.
XVIII.4. 2. Biếng nhác
Kinh Bồ-tát bản hạnh ghi: “Đức Phật bảo A Nan:
- Biếng nhác sẽ làm chướng ngại mọi điều. Như người tại gia biếng nhác thì cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, tài sản thiếu hụt. [98c] Người xuất gia biếng nhác thì không thể thoát khỏi cái khổ sinh tử. Nên biết, tất cả mọi việc đều nhờ siêng năng mà được hưng thịnh.
Bấy giờ, Đế Thích liền nói kệ:
Muốn cầu đạo giải thoát,
Đừng tiếc thân mạng mình,
Xả thân như đất bẩn,
Thấu rõ không thật ngã.
Dùng của báu bố thí,
Không có gì là khó,
Người tinh tiến dõng mãnh,
Mới chóng được thành Phật”.
Kinh Tăng nhất a-hàm[101] ghi: “Nếu người biếng nhác, gieo nghiệp bất thiện sẽ làm tổn hại đến sự nghiệp. Nếu siêng năng mới là điều tốt đẹp hơn cả. Cho nên, bồ-tát Di-lặc trải qua ba mươi kiếp mới thành Phật. Ta nhờ sức tinh tiến và tâm dõng mãnh, nên thành Phật trước ngài Di Lặc. Vì vậy, các ông phải luôn tinh tiến, chớ có biếng nhác”.
Kinh Thí dụ ghi: “Vào thời đức Phật Ca-diếp, có hai anh em nọ đều làm sa-môn. Người anh luôn giữ giới, tu tập thiền định, một lòng cầu đạo, nhưng không bố thí. Người em bố thí tu phúc, nhưng hay phá giới. Người anh xuất gia theo Phật Thích-ca đắc quả A-la-hán, nhưng áo không đủ mặc, cơm không đủ no. Còn người em tái sinh vào loài voi, làm voi có sức mạnh, có khả năng đánh thắng kẻ địch nên được vua yêu quý, phong cho mấy trăm ấp và cung cấp cho vàng bạc, châu báu, anh lạc.., voi muốn gì đều được đầy đủ. Bấy giờ, gặp lúc mất mùa, người anh là tì-kheo đi khắp nơi khất thực suốt bảy ngày vẫn không được thức ăn, cuối cùng mới được chút ít đồ ăn dở, tạm giữ được mạng sống. Vị tì-kheo quán biết voi kia đời trước là em mình nên đi đến bên cạnh, kề tai voi nói: ‘Trước kia ta và ngươi đều mắc tội’. Voi suy gẫm lời của vị tì-kheo, nhớ lại nhân duyên kiếp trước của mình nên buồn bã, không chịu ăn uống. Người giữ voi lo sợ, đi đến tâu việc ấy với vua. Vua hỏi ông ta:
- Trước đây có người nào xúc phạm voi không?
Người giữ voi thưa:
- Không có người nào khác chỉ có một vị sa-môn đi đến bên voi chốc lát rồi đi.
Vua liền sai người đi tìm vị sa-môn, hỏi xem đến bên voi nói điều gì. Vị sa-môn đáp:
- Tôi nói với voi ‘Ta và ngươi đều mắc tội’.
Vị Sa-môn kể lại cho nhà vua nghe đầy đủ sự việc đời trước. Vua hiểu ra, liền cho thả vị sa-môn”.
Kinh Phật thuyết mã hữu bát thái thí nhân ghi[102]:
- Phật bảo các tì-kheo: “Loài ngựa có tám thói xấu. Đó là:
1. Khi tháo dây cương liền muốn kéo xe chạy
2. Khi đóng xe vào thì nó nhảy cỡn lên, muốn đá người
3. Cất hai chân trước lúc kéo xe chạy
4. Đạp vào bánh xe
5. Khi người mang ách vào thân nó, thì nó giật xe lùi lại
6. Đi càn chạy bừa
7. Kéo xe ruổi chạy, nhưng khi gặp bùn lầy thì đứng lì, không chịu đi
8. Treo máng cho ăn, thì nhìn hoài không chịu ăn, nhưng khi chủ dắt đi sắp đóng vào xe, bắt ngậm hàm thiết, thì muốn ăn cũng không được”.
Đức Phật dạy:
- Con người cũng có tám tật xấu. Đó là:
1. Nghe giảng kinh Phật, liền bỏ đi không thích nghe, như khi ngựa được mở dây cương, thì kéo xe chạy.
2. Nghe giảng nghĩa kinh, không hiểu, không biết yếu chỉ của kinh điển thì nổi giận, nhảy dựng lên, không muốn lắng nghe, như ngựa khi đóng xe vào thì nó nhảy cỡn lên, muốn đá người.
3. Nghe giảng kinh, liền chống đối, không chấp nhận, như khi ngựa cất hai chân trước, kéo xe chạy.
[99a] 4. Khi nghe giảng kinh, lại mắng chửi, như ngựa đạp bánh xe.
5. Nghe giảng kinh, liền đứng dậy, bỏ đi, như ngựa khi người mang ách vào thân nó, thì nó giật xe lùi lại.
6. Khi giảng kinh, không chịu lắng nghe, ngoái đầu nhìn quanh, rồi nói chuyện riêng, như khi ngựa đi càn, chạy bừa.
7. Nghe giảng kinh, liền muốn bắt bẻ đến cùng, hỏi vặn để đối phương không thể đáp được, lại cắt ngang, nói càn, như ngựa gặp bùn lầy thì đứng lì, không chịu đi.
8. Nghe giảng kinh, không chịu lắng nghe, lại nghĩ đến sự dâm dục, mong cầu đủ thứ, không muốn tiếp nhận, sau khi chết bị rơi vào đường ác, dù muốn học hỏi, hành đạo cũng không thể được. Người này giống như ngựa khi treo máng cho ăn, thì nhìn hoài không chịu ăn, nhưng khi chủ dắt đi sắp đóng vào xe, bắt ngậm hàm thiết, thì muốn ăn cũng không được.
Đức Phật dạy:
- Ta nói ngựa có tám thói hư, con người cũng có tám tật xấu như vậy. Sau khi nghe Phật dạy, các tì-kheo vui vẻ lễ Phật, rồi lui ra.
XVIII.4.3. Sách tấn tu tập
Kinh Thí dụ ghi: “Có vị sa-môn nước La-duyệt-kỳ tọa thiền, tự lập thệ rằng: ‘Nếu ta không đắc đạo thì không bao
giờ đứng lên’. Vì thế, vị ấy đẽo cây dùi dài tám tấc, khi sắp buồn ngủ thì chích vào hai bắp vế làm cho đau để khỏi ngủ, nên một năm sau thì đắc đạo”.
Kinh Bạc-câu-la ghi: “Bạc-câu-la[103] nói:
- Từ khi xuất gia đến nay đã tám mươi năm, ta chưa từng nằm nghỉ, hông không dính chiếu, lưng không tựa giường”.
Kinh Di giáo ghi: “Các thầy tì-kheo! Nếu tinh tiến dõng mãnh thì không việc gì là khó, thế nên các thầy phải luôn tinh tiến. [99b] Thí như dòng nước nhỏ mà chảy mãi thì đá cũng mòn. Nếu hành giả tâm luôn biếng trễ thì cũng giống như dùi lửa, lửa chưa có mà đã dừng, dẫu muốn có lửa cũng không thể được”.
Luận Trí độ ghi: “Thân tinh tiến là việc nhỏ, tâm tinh tiến mới là việc lớn. Tinh tiến làm những việc bên ngoài là việc nhỏ, tinh tiến quán sát tự thân mới là việc lớn”.
Lại nữa, Phật dạy, sức của ý nghiệp rất mạnh, như khi tiên nhân sân giận đã khiến cho nước lớn bị diệt vong. Lại nữa, thân miệng tạo năm tội nghịch, chịu quả báo một kiếp ở địa ngục A-tì[104], nhưng nhờ sức của ý nghiệp mà sinh vào cõi Phi hữu tưởng phi vô tưởng, thọ tám mươi nghìn đại kiếp, lại sinh về cõi nước Phật trong mười phương, thọ mạng vô lượng. Vì thế, thân miệng tinh tiến là việc nhỏ, ý tinh tiến mới là việc lớn. Tất cả các kinh đều tán thán hạnh tinh tiến, nếu nhất tâm chính niệm thì sớm đắc đạo quả, không nhất định phải học rộng nghe nhiều.
Luận Tỳ-bà-sa ghi: “con ngựa chạy chậm. Tuy cưỡi con ngựa chạy chậm, nhưng nhờ xuất phát trước nên người ấy đến đích trước. Cũng vậy, người có đức tin giải thoát, tinh tiến tu hành sẽ đến Niết-bàn trước. Như vậy, cả hai đều đạt kết quả viên mãn như nhau”.
Kinh Lục độ ghi: “Có bốn trường hợp tinh tiến để có đầy đủ trí tuệ. Đó là:
1. Siêng năng đa văn[105]
2. Siêng năng tổng trì[106]
3. Siêng năng nhạo thuyết[107]
4. Siêng năng chính hạnh[108]”.
Trong Lục độ tập kinh ghi: “Phật bảo các đệ tử phải tinh tiến dõng mãnh lắng nghe, đọc tụng, không được biếng nhác mà bị năm ấm[109], năm cái[110] ngăn che. Ta nhớ cách đây vô số kiếp về quá khứ, có vị Phật hiệu là Nhất Thiết Độ Vương. Bấy giờ, trong chúng có hai vị tì-kheo, một vị tên là Tinh Tiến Biện, một vị tên Đức Lạc Chỉ cùng nghe pháp. Tinh Tiến Biện nghe kinh, sinh tâm hoan hỷ, ngay khi ấy đắc quả A-duy-việt-trí[111], đầy đủ thần thông. Còn Đức Lạc Chỉ vì mê ngủ không tỉnh giác nên không đạt được gì cả. Bấy giờ, Tinh Tiến Biện nói với Đức Lạc Chỉ: ‘Huynh phải siêng năng lên chứ, sao cứ ngủ hoài vậy?’. Đức Lạc Chỉ nghe lời nhắc nhở này liền kinh hành, nhưng lại đứng ngủ, không thể định tâm, sau đến bên bờ suối ngồi thiền, cũng lại buồn ngủ. Bấy giờ, vì muốn dùng phương tiện khéo léo đến độ anh ta, Tinh Tiến Biện hóa thành con ong chúa bay đến đậu trên mắt như muốn chích. Vì sợ ong chúa này chích, Chỉ ngồi tỉnh táo, nhưng được chốc lát lại ngủ. Khi ấy, con ong bay vào nách, chích vô ngực và bụng, Lạc Chỉ hoảng sợ không dám ngủ nữa. [99c] Lúc này, quanh suối có nhiều loài hoa tươi đẹp, ong chúa bay đến đậu trên hoa hút mật, Lạc Chỉ ngồi ngay thẳng nhìn ong chúa, sợ nó bay đến chích nên không dám ngủ. Ong chúa ham hút mật hoa không chịu bay. Một lát sau, ong chúa ngủ gục, rơi xuống bùn. Tắm gội thân thể xong, nó lại bay về đậu trên hoa. Bấy giờ, Lạc Chỉ nói kệ cho ong chúa nghe:
Thân mày được no đủ,
Là nhờ hút mật hoa,
Chẳng phải nên mang về,
Cho cả vợ con ư?
Cớ sao rơi xuống bùn,
Tự làm nhơ thân thể,
Vì thế nếu sáng suốt,
Bỏ đi mật hoa này,
Cũng không nên ở lâu,
Bên trong đóa hoa ấy,
Mặt trời lặn, hoa khép,
Muốn ra cũng không được,
Phải đợi sáng hôm sau,
Mày mới bay ra khỏi,
Suốt đêm dài tăm tối,
Như thế thật khổ nhọc.
Bấy giờ, ong chúa nói kệ đáp lại Lạc Chỉ:
Phật pháp như cam lộ,
Nghe hoài không biết chán,
Chớ nên sinh biếng lười,
Không ích lợi cho ai.
Biển sinh tử năm đường,
Như rơi vào bùn nhơ,
Người ngu si mê lầm,
Bị ái dục trói buộc.
Mặt trời mọc, hoa nở,
Ví cho sắc thân Phật,
Mặt trời lặn, hoa khép,
Như Thế Tôn niết-bàn.
Gặp thời Phật ra đời,
Nên tinh tiến tu hành,
Bỏ ngủ nghỉ ngăn che,
Đừng nghĩ Phật còn mãi.
Yếu chỉ của pháp mầu,
Không phải nơi hình tướng,
Tôi hiện ra tham đắm,
Nên biết là phương tiện,
Khéo léo để độ ông,
Được lợi ích thật sự,
Nay biến hóa như vậy,
Cũng là vì tất cả.
Bấy giờ, Đức Lạc Chỉ nghe bài kệ này liền đắc Bất khởi pháp nhẫn[112], và nhân đó đắc Đà-la-ni”.
Đức Phật bảo tôn giả A-nan:
- Tinh Tiến Biện thuở ấy là Ta, Đức Lạc Chỉ chính là bồ-tát Di-lặc. [100a] Thuở ấy Ta và Di-lặc cùng nghe pháp, nhưng vì Di-lặc mê ngủ nên không chứng đạo. Nếu Ta không dùng phương tiện khéo léo để giúp đỡ thì bồ-tát Di-lặc đến nay vẫn còn ở trong sinh tử, chưa được giải thoát.
Kinh Pháp cú thí dụ ghi: “Thuở xưa, ở nước ngoài, có một thanh tín sĩ[113] hết lòng cúng dường tam bảo. Bấy giờ, có vị sa-môn cùng với các bạn đồng đạo đều đã đắc thần thông, sinh tử đã dứt. Khi ấy, vị thanh tín sĩ này lâm bệnh nặng, trị đủ thuốc men vẫn không khỏi. Bấy giờ, người vợ đứng bên cạnh khóc lóc sầu khổ, nói: ‘Cùng là vợ chồng, sao một mình anh phải chịu khổ như thế. Nếu anh chết đi, em biết nương tựa vào đâu, phận gái cô đơn biết cậy nhờ ai!’. Nghe vậy, người chồng xót xa, ngay đó mạng chung. Thần thức tái sinh làm con dòi ở trong lỗ mũi người vợ, người vợ khóc mãi không ngớt.
Bấy giờ, vị sa-môn ấy đến thăm bà ta, biết người chồng mới chết hóa làm con dòi ở trong lỗ mũi, nên muốn khuyên bảo để bà vơi bớt nỗi buồn. Thấy vị sa-môn đến, bà ta càng thêm sầu khổ, thưa:
- Bạch hòa thượng, làm sao đây! Chồng con chết mất rồi!
Bấy giờ, người vợ nước mắt nước mũi chảy dài, con sâu trong mũi bèn rơi xuống đất, người vợ xấu hổ định lấy chân chà chết nó, vị sa-môn liền can:
- Đừng, đừng! Chớ giết nó! Người chồng của con hóa sinh làm con dòi này.
Người vợ thưa với Sa-môn:
- Chồng con siêng năng tụng kinh, giữ giới không ai bì kịp, vì sao mạng chung lại đọa làm con dòi này?
Vị sa-môn đáp:
- Bởi vì con thương yêu, khóc lóc, than thở, nên chồng con lưu luyến. Vì vậy sau khi chết, chồng con đọa làm dòi.
Vị sa-môn thuyết pháp cho dòi nghe: ‘Lẽ ra ông được sinh lên trời hay sinh ở trước chư Phật, nhưng vì ân ái nên ông bị đọa làm dòi, thật đáng hổ thẹn!’. Dòi nghe lời này, tâm ý bừng tỉnh, bèn tự trách mình, ngay khi ấy mạng chung, sinh lên cõi trời”.
Cho nên, chúng ta phải tự cảnh tỉnh! Làm người thì không được biếng trễ mà tổn hại đến đời sau.
XVIII.5. Thiền định
XVIII.5.1. Lời dẫn
Thần thông thù thắng, nếu không có thiền định thì không thể sinh. Trí tuệ vô lậu nếu không an tĩnh thì không thể khai phát. Cho nên, kinh chép: “Chuyên tu thiền định sẽ đắc năm thần thông, tâm duyên vào một cảnh là tướng của tam-muội”. Sách Nho cũng chép: “Hãy để thân như cây khô, tâm như tro lạnh, không khuất phục trước giàu sang, không nhụt chí trong nghèo khổ, gửi tinh thần trong tĩnh lặng, để thân thể ngoài trần ai”.
Cho nên, nhiếp tâm vào một chỗ là rừng công đức, tán tâm trong khoảnh khắc là la-sát[114]phiền não. Vì thế, Thích tử Đàm Quang hàng phục hổ dữ quỳ trước gối, tiên nhân Loa Kế[115] để chim làm tổ trên đầu. [100b] Nên biết, bậc đại sĩ[116] thường tu thiền định, chẳng đoạn phiền não mà vào niết-bàn, không bỏ đạo pháp mà thị hiện việc phàm phu. Lại nữa, hành giả phải khéo quán sát thân này, từ đầu đến chân có ba mươi sáu vật là chỗ chứa đựng tám vạn ổ vi trùng. Cho nên, thân này vốn là bất tịnh, vô thường, khổ, không, phi ngã[117]. Nhưng tâm tính của chúng sinh ví như khỉ vượn, chạy nhảy leo trèo, vui đùa phóng dật, nếu không biết nhắm mắt, kềm thân, giữ tâm, nhiếp ý, thì ngang ngược khó dạy, cứng đầu khó khuyên, quen chạy theo năm trần, trôi lăn trong ba cõi, rơi vào cạm bẫy của ngoại đạo, vướng vào tầm gậy của thiên ma. Lúc ấy, mãi chìm trong biển khổ, vĩnh viễn đọa vào địa ngục sâu thẳm. Tất cả đều là do buông lung tinh thần, tán loạn tâm ý, tợ như ngọn đèn trước gió, ánh trăng trên mặt sóng, cứ chao đảo lay động, nhấp nhô bồng bềnh. Bóng đã không rõ thì làm sao chiếu sáng được. Cho nên các điều ác từ đó mà dấy khởi, muôn điều thiện do đây mà tiêu diệt.
Bởi không tu đoạn trừ lậu hoặc, luôn khởi tham sân, chưa chế ngự được vô tri, chỉ tham đắm lạc thụ, để cho lậu hoặc tranh nhau kéo đến làm chướng ngại thiền định, các duyên đua nhau tụ tập làm hại định tĩnh, năm triền cái che tâm, cửa thiền định bị đóng kín, sáu trần buộc niệm, vọng tưởng đeo đuổi, khác nào voi cuồng không móc, vượn hoang gặp được cành. Cho nên phải luôn cảnh tỉnh tâm mình trong từng niệm khi vừa dấy khởi. Đâu thể thấy niệm trước ác bèn ra sức lắng tâm, nhưng khi niệm sau thiện, lại mặc tình theo ý làm ác.
Vì thế, luận ca ngợi bậc an định cả bốn mùa, kinh tán dương người chính định trong từng niệm, rồi sau mới có thể chính niệm vượt khỏi phàm tình. Nếu trái lẽ này bậc thánh cũng bó tay. Ngày nay, vạn vật không thể tự nhiên sinh xúc, mà phải nương vào các căn, trong tâm nghĩ tưởng mới có cảm. Vì sao biết được như vậy? Bên trong có tâm cảm nhận, sự vật bên ngoài mới phát sinh, hoặc do duyên theo ngoại cảnh làm cho tâm ô nhiễm. Nên biết, tâm và cảnh nương nhau khởi, trong và ngoài tác dụng nhau mà sinh. Tâm và thức như vua và bề tôi, không thể bỏ cả hai. Cho nên, kinh ghi: “Tâm vua chính trực thì sáu bề tôi chẳng tà vạy. Ý thức hôn trầm thì tâm vương không sáng suốt”. Nay răn sáu thức bề tôi, mọi người phải biết hổ thẹn, chế ngự sáu căn, đừng để rong ruổi tán loạn.
XVIII.5.2. Tướng của thiền định
Phẩm Tâm ý trong kinh Pháp cú ghi: “Xưa, lúc Phật còn tại thế, có một vị đạo nhân tu tập nơi gốc cây bên bờ sông. Trải qua mười hai năm, nhưng lòng tham vẫn chưa dứt, tâm ý rong ruổi, chỉ nhớ tưởng đến sáu dục: mắt đắm sắc, tai thích tiếng, mũi nhiễm mùi, miệng tham vị, thân ưa cảm thụ, ý duyên theo pháp trần. Thân tuy ngồi yên mà tâm chưa từng dừng nghỉ, nên mười hai năm vẫn không đắc đạo.
[100c] Phật biết đã đến lúc độ cho ông ấy, nên hóa làm một sa-môn, đến ngồi cạnh ông ta. Lát sau, trăng lên, một con rùa dưới sông bò đến bên gốc cây, lại có con chó đang đói cũng đi tìm thức ăn. Thấy rùa, chó định ăn thịt, rùa thụt đầu, rút đuôi và dấu bốn chân vào trong mai nên chó không ăn thịt được. Chó bỏ đi không xa, rùa lại ló đầu và chân, tiếp tục lên đường như cũ, chó không làm gì được, nên rùa thoát nạn.
Bấy giờ, đạo nhân hỏi sa-môn:
- Con rùa này nhờ có cái mai che thân, nên chó không ăn thịt được, phải không?
Vị sa-môn đáp:
- Ta nghĩ, con người ở đời không bằng con rùa này, không biết vô thường, buông lung theo sáu tình[118], nên bị ngoại ma nhiễu loạn. Đến khi hồn lìa khỏi xác thì sinh tử không cùng, luân chuyển trong năm đường, khổ não triền miên, đều là do ý gây ra. Vì thế, mỗi người phải cố gắng mong cầu sự an lạc của niết-bàn”.
Thế rồi, vị sa-môn nói kệ:
Dấu sáu căn như rùa,
Giữ ý tợ giữ thành,
Dùng trí tuệ đánh ma,
Quyết thắng không lo sợ.
Kinh Đại bảo tích ghi: “Bồ-tát tu tập thiền định có mười pháp khác với hàng Nhị thừa. Đó là:
1. Bồ-tát tu thiền định không còn chấp ngã, vì đầy đủ các loại thiền định của Như Lai
2. Bồ-tát tu thiền định không còn đắm trước, dứt trừ tâm nhiễm ô, không cầu niềm vui cho riêng mình
3. Bồ-tát tu thiền định đầy đủ các thần thông, biết rõ các tâm hành của chúng sinh
4. Bồ-tát tu thiền định biết rõ các loại tâm, hóa độ tất cả chúng sinh
5. Bồ-tát tu thiền định thực hành đại bi, để đoạn trừ phiền não kết sử cho các chúng sinh
6. Bồ-tát tu thiền định thành tựu các pháp tam-muội, khéo biết cách ra vào trong ba cõi
7. Bồ-tát tu thiền định thường được tự tại, đầy đủ tất cả thiện pháp
8. Bồ-tát tu thiền định tâm được tịch tĩnh, hơn hẳn các thiền tam-muội của hàng Nhị thừa
9. Bồ-tát tu thiền định thường được trí tuệ, vượt ngoài thế gian, đến bờ giác ngộ
10. Bồ-tát tu thiền định có khả năng làm chính pháp hưng thịnh, tiếp nối Tam bảo không để đoạn dứt”.
Bồ-tát tu tập thiền định như thế, nên khác với hàng thanh văn[119] và bích-chi phật[120].
Đức Phật dạy:
- Nếu bồ-tát thích tu hạnh đầu-đà[121] khất thực sẽ được mười lợi ích. Đó là:
1. Bẻ gãy cờ ngã mạn.
2. Không mong cầu thương yêu.
3. Chẳng màng đến danh tiếng.
4. An trụ vào dòng thánh.
5. Không dối trá, nịnh hót, không hiện tướng khác lạ, không kiêu căng ngạo mạn.
6. Không tự đề cao mình.
7. Không chê bai người khác
8. Dứt trừ tâm thương ghét
9. Nếu vào nhà người là vì bố thí pháp chứ không vì ăn uống
10. Các pháp nói ra đều được mọi người tin nhận.
[101a] Luận Đại trí độ ghi: “Tam-muội có hai loại là tam-muội của Phật và tam-muội của bồ-tát. Các vị bồ-tát chỉ được tự tại trong tam-muội của bồ-tát, không được tự tại trong tam-muội của Phật”.
Chư Phật yếu tập kinh ghi: “Bấy giờ, Văn-thù-thi-lợi[122] muốn đến diện kiến chư Phật nhưng không được. Sau khi các Đức Phật trở về chỗ của mình, Văn-thù-thi-lợi bèn đi đến chỗ chư Phật vân tập, thì thấy có một người nữ ngồi nhập định bên cạnh Phật. Văn-thù-thi-lợi đến đỉnh lễ Phật và bạch rằng:
- Vì sao người nữ này được ngồi gần Phật, còn con thì không?
Phật bảo Văn-thù-thi-lợi:
- Ông hãy làm cho người nữ này xuất định, rồi tự hỏi cô ấy.
Văn-thù-thi-lợi liền khảy móng tay để đánh thức, nhưng cô ấy vẫn không xuất định, gọi lớn cũng không xuất định, cầm tay kéo cũng không xuất định, lại dùng thần túc làm chấn động đại thiên thế giới, cô ấy cũng không xuất định. Văn-thù-thi-lợi bạch Phật:
- Bạch Đức Thế Tôn! Con không thể làm cho cô ấy xuất định.
Bấy giờ, Phật phóng một luồng ánh sáng lớn, từ cõi nước phương dưới có một vị bồ-tát tên là Khí Chư Cái hiện ra, đi đến chỗ Phật, đỉnh lễ Ngài, rồi đứng qua một bên. Phật bảo bồ-tát Khí Chư Cái:
- Ông hãy đánh thức người nữ này!
Vâng lời Phật, bồ-tát Khí Chư Cái khảy móng tay, người nữ này liền xuất định.
Văn-thù-thi-lợi bạch Phật:
- Vì nhân duyên gì mà con làm chấn động cả ba nghìn đại thiên thế giới cũng không thể làm cho người nữ này xuất định, còn bồ-tát Khí Chư Cái chỉ gảy móng tay một cái cô ấy liền xuất định?
Đức Phật bảo Văn-thù-thi-lợi:
- Ông nhờ người nữ này mà phát tâm bồ-đề, người nữ này nương bồ-tát Khí Chư Cái mà phát tâm bồ-đề. Vì thế, ông không thể làm cô ấy xuất định. Ông chưa đầy đủ công đức tam-muội của chư Phật, còn bồ-tát Khí Chư Cái đã được tự tại trong tam-muội. Ông mới vào được chút ít tam-muội của Phật nên chưa được tự tại”.
Ở đây chỉ trích dẫn một vài đoạn kinh nhằm khen ngợi pháp tu thiền định. Nếu muốn biết rõ cách tọa thiền, nghi thức pháp quán của Đại thừa và Tiểu thừa thì trong bộ Quán môn gồm mười quyển có ghi đầy đủ. Người học tự tìm xem, ở đây không trình bày hết được.
XVIII.6. Trí tuệ
XVIII.6.1. Lời dẫn
Trong hai loại trang nghiêm[123], trí tuệ là tối thắng. Trong ba phẩm thứ đệ[124], trí tuệ là Vô ngu. [101b] Cho nên, kinh ghi: “Năm độ trước nếu không có trí tuệ thì tợ như người ngu, kẻ mù. Sở dĩ Ba-nhã[125] hơn hẳn các pháp thế gian là vì có công năng phá trừ các hữu[126]”.
Thích luận lại chép: “Phật là mẹ của chúng sinh, ba-nhã là mẹ của chư Phật”. Thế thì, trí tuệ là bà của tất cả chúng sinh. Cho nên, ngoại thư[127] có ghi: “Thông minh, trí tuệ, khiêm cung, sáng suốt mới đúng là đức của Phóng Huân[128]. Nhân, nghĩa, lễ, trí chính là đạo của Tuyên Ni[129]”.
Thế nên, pháp trí tuệ này không thể không tu học, nhân giải thoát ấy không thể không huân tập. Bởi vì trí tuệ có năng lực phá trừ sự ngu tối như mặt trăng tròn đầy có khả năng chiếu sáng khắp ba đường ác, lại có công năng diệt trừ ba thứ độc tợ như thuốc ma-kì[130] có khả năng chế ngự các loài độc hại. Như vậy, lẽ nào hành giả mặc tình đắm chìm trong đường mê sinh tử để cho tâm chấp tướng buộc ràng, lòng chấp ngã mãi trói chặt, ái dục dẫy đầy, vô minh dày đặc; đã không rõ lý nhân duyên, lại không đoạn trừ phiền não, khiến cho núi ngã mạn cao ngất như núi Tung[131], núi Hoa[132], sông ái cuồn cuộn rộng sâu như biển cả hay sao!
Có người vọng chấp vào đoạn kiến[133] hoặc thường kiến[134]; hoặc chỉ bàn đến lý tức ly[135]; hoặc chấp thần vàng, thần trắng[136]; hoặc khởi tưởng “ta thấy, ta biết”.
Có kẻ thường thực hành các phép khổ hạnh của ngoại đạo như đứng một chân, phó hỏa[137], ăn cỏ như loài trâu, nuốt phân như loài chó.
Có người chuyên bàn luận về tục đế[138], thì làm sao biết đến lý trung đạo[139]?
Có kẻ chấp chặt vào bốn bộ Vi-đà[140] thì há có thể lĩnh hội được ý chỉ Đại thừa?
Có người cho rằng, minh sơ sinh ra giác…[141]; ngoài hai mươi lăm đế này, không cần biết thêm gì nữa, vì đây là lý tối cao của thế gian.
Có kẻ lại nói, đạt đến Phi hữu tưởng là chứng Niết-bàn[142]; hoặc cho rằng Tự Tại thiên[143] có khả năng sáng tạo ra thế giới v.v…
Những hạng người như thế đều là ngu si, mê muội, ngông cuồng, khó bảo, chỉ biết ôm cây đợi thỏ, chấp ngón tay là mặt trăng, chưa phân biệt được cỏ thơm và cỏ hôi, thì làm sao phân định được đậu và lúa? Dẫu rằng họ biết vui cười, nhưng khác nào dã nhân, chỉ biết suông trên ngôn từ thì đâu khác gì đười ươi. Đó đều là do họ chẳng hiểu rõ lý không, thường sống trong vô minh, đó là tâm điên đảo, đều gọi là kiến chấp sai lầm. Năm trụ phiền não[144] chưa từng giảm bớt, dù bằng mảy lông. Cho nên một trăm lẻ tám kết sử[145] dấy khởi mãi không ngừng.
Do đó, bậc Đại sĩ vì mong được nghe tám chữ[146] mà chẳng tiếc thân mạng, vậy mà còn sợ bị lui sụt khi gặp nghịch cảnh, chướng duyên. Thế nên, mỗi người phải tự nhiếp phục tâm mình để ý chí càng thêm kiên định.
XVIII.6.2. Cầu pháp
Kinh Hoa nghiêm ghi: “Bồ-tát vì cầu pháp, nên khi nghe người bố thí pháp hỏi:
- Nếu ông có thể gieo mình vào hầm lửa sâu bảy nhận[147], thì tôi sẽ nói pháp cho. Bồ-tát vô cùng vui mừng, tự nghĩ: ‘Ta vì cầu pháp mà không tiếc thân mạng, đã từng chịu vô lượng khổ ở trong các đường ác như địa ngục A-tỳ, sá gì vào hầm lửa bé nhỏ ở thế gian này mà được nghe pháp?’”
[101c] Kinh Tập nhất thiết công đức tam-muội[148] ghi: “Vào thời quá khứ lâu xa, Đức Phật Thích-ca là một vị tiên nhân đã đắc ngũ thông, tên là Tối Thắng”.
Luận Đại trí độ lại ghi: “Phật Thích-ca-văn khi còn làm vị bồ-tát tên là Nhạo Pháp. Bấy giờ, gặp thời không có Phật, không được nghe pháp lành, bồ-tát đi khắp nơi cầu pháp, tinh tiến không biếng nhác, nhưng hoàn toàn không gặp được.
Khi ấy, ma vương hóa thành một vị bà-la-môn nói với bồ-tát: ‘Ta có một bài kệ do Phật nói, nếu ông có thể lấy da làm giấy, lấy xương làm bút, lấy máu làm mực để viết bài kệ này thì ta sẽ nói cho ông nghe’. Ngay đó, Nhạo Pháp suy nghĩ: ‘Đời đời ta đã từng bỏ vô số thân mạng vẫn không được lợi ích như vậy’. Nghĩ xong, bồ-tát liền lột da đem phơi nắng cho khô, khi định viết bài kệ thì ma vương biến mất. Lúc này, biết được lòng thành của bồ-tát, từ phương dưới Phật hiện lên, diễn nói pháp mầu cho bồ-tát. Ngay đó, bồ-tát chứng được Vô sinh pháp nhẫn”.
Kinh Niết-bàn ghi: “Bồ-tát vì cầu pháp mà khoét thân làm đèn, lấy vải quấn làm tim, đổ dầu mỡ vào, rồi đốt lên. Đang lúc chịu khổ cùng cực như vậy, bồ-tát vẫn tự nhủ mình: ‘Nỗi khổ này so với cảnh khổ ở địa ngục chưa bằng một phần trong trăm nghìn vạn lần. Trong vô lượng trăm nghìn kiếp, thân này đã chịu đau đớn cùng cực mà vẫn không được lợi ích gì, nếu không chịu được chút khổ này thì làm sao cứu vớt chúng sinh đang đau khổ trong địa ngục?’ Khi bồ-tát ma-ha-tát khởi quán như vậy, thì thân không biết đau, tâm không lui sụt, không dao động cũng không lay chuyển. Bấy giờ, bồ-tát tự biết rõ: ‘Ta nhất định sẽ đắc quả A-nậu Bồ-đề’.
Lúc này, tuy chưa dứt sạch phiền não, nhưng vì cầu pháp nên bồ-tát bố thí cho chúng sinh đầu, mắt, tủy, não, tay, chân, máu, thịt; lấy đinh đóng vào thân, gieo mình nơi vách núi, xả thân vào hầm lửa. Tuy bồ-tát chịu vô số thống khổ như thế, nhưng tâm Ngài vẫn không lui sụt, không dao động, cũng không lay chuyển. Bồ-tát nhận biết: ‘Nay ta đã có tâm không lui sụt thì nhất định sẽ đắc quả A-nậu Bồ-đề’”.
Kinh Đại tập ghi: “Bồ-tát vì nghĩa của một chữ một câu mà đem châu báu trong mười phương thế giới dâng cúng pháp vương, vì một bài kệ mà bỏ cả thân mạng. Tuy trải qua vô lượng hằng-hà-sa kiếp, thực hành bố thí, nhưng không bằng vừa nghe pháp giác ngộ, tâm sinh vui vẻ. Do thích nghe, thích giảng chính pháp, nên được chư Phật, chư thiên gia hộ; nhờ thần lực gia trì của các ngài mà hành giả thông đạt hết thảy kinh điển, sách, luận trong thế gian”.
[102a] Kinh Đại phương tiện báo ân ghi: “Bồ-tát luôn mong cầu thiện tri thức để được nghe Phật pháp, chỉ cần nghe một câu, một bài kệ, một nghĩa, thì phiền não trong ba cõi thảy đều tiêu diệt. Khi mong cầu pháp Phật, bồ-tát tha thiết không tiếc thân mạng, cho dù phải vào những sắt nóng, lửa dữ, cũng không lo sợ. Bồ-tát vì một bài kệ còn không tiếc thân mạng, huống là mười hai thể loại kinh, vì một bài kệ còn không tiếc thân mạng, huống là của cải. Nhờ nghe giáo pháp, thân được an vui, lòng tin vững chắc, tâm ý ngay thẳng, hiểu biết đúng đắn. Khi gặp pháp sư, bồ-tát vui mừng như gặp cha mẹ, tâm không kiêu căng. Vì chúng sinh mà bồ-tát chí tâm nghe pháp chứ không phải vì lợi dưỡng, cũng không vì lợi ích riêng mình; vì chính pháp mà bồ-tát không sợ mọi điều như nạn vua, đói, khát, lạnh, nóng, hổ, beo, thú dữ, giặc cướp v.v… Trước hết, bồ-tát tự nhiếp phục phiền não, điều phục các căn sau đó mới nghe pháp”.
Kinh Hoa nghiêm ghi: “Bồ-tát cầu pháp bằng cách như thế, bao nhiêu châu báu có được đều không xem trọng, luyến tiếc, không có ý tưởng khó xả bỏ. Nếu được nghe một câu pháp chưa từng nghe thì còn hơn được châu báu khắp trong ba nghìn thế giới; được nghe một bài kệ còn hơn được ngôi vị Chuyển luân thánh vương, Thích-đề-hoàn-nhân, Phạm thiên vương. Bồ-tát suy nghĩ: ‘Nếu ta được nghe một câu pháp thì dẫu phải gieo mình vào hầm lửa lớn bằng ba nghìn đại thiên thế giới, lửa cháy lên tới cõi Phạm thiên, ta còn làm được, huống là ngọn lửa bé nhỏ. Ta còn chịu hết tất cả nỗi khổ trong chốn địa ngục để cầu pháp, sá gì một chút khổ não ở nhân gian’. Vì cầu pháp, bồ-tát phát tâm như thế; sau khi nghe pháp, tâm luôn vui vẻ, chắc chắn đạt được chính quán”.
Kinh Tăng nhất a-hàm ghi: “Nếu không xa lìa sáu điều này thì không thể dứt trừ trần cấu, được pháp nhãn thanh tịnh, đó là:
Không thích nghe pháp
2. Tuy nghe pháp nhưng không chú tâm lắng nghe.
3. Không vì sự hiểu biết mà nghe pháp
4. Không chịu khó tìm cầu pháp chưa được nghe.
5. Không khéo giữ gìn pháp đã được nghe
6. Không thành tựu Thuận nhẫn[149].
Ngược lại, xa lìa sáu điều này thì dứt trừ được trần cấu, đắc pháp nhãn thanh tịnh”.
Kinh Vị tằng hữu ghi: “Xưa kia, trong núi Tỉ-đà ở nước Tỳ-ma, có một con dã can bị sư tử đuổi bắt, rớt xuống một cái giếng ở gò hoang. Trải qua ba ngày, vui vẻ chấp nhận cái chết, dã can bèn nói kệ:
Tất cả đều vô thường,
Tiếc không cho sư tử,
Sao lúc thân gặp nguy,
Tham sống, chết lãng phí.
[102b] Vô ích đáng giận rồi,
Còn làm bẩn giếng người,
Sám hối mười phương Phật,
Xin soi xét lòng con.
Các nghiệp ác đời trước,
Kiếp này xin trả hết,
Từ nay gặp minh sư,
Tu mãi đến thành Phật.
Đế Thích nghe bài kệ, liền cùng với tám mươi nghìn chư thiên đến bên giếng nói:
- Đã từ lâu, chúng tôi không được nghe thánh giáo, ở mãi trong chốn tối tăm. Những lời kệ vừa rồi thật cao siêu, xin ngài giảng lại cho chúng tôi nghe.
Dã can đáp:
- Đế Thích thật vô lễ, không biết phép tắc. Pháp sư ở dưới, còn mình thì ở trên, hoàn toàn không biết cung kính mà đòi học hỏi yếu chỉ của giáo pháp.
Đế Thích nghe vậy, liền thả áo trời xuống kéo dã can lên khỏi giếng, và cúi đầu sám hối. Đế Thích nhớ lại xưa kia từng thấy người ở trần gian trải tòa cao trước, sau đó mới thỉnh pháp sư.
Bấy giờ, chư thiên liền cởi y báu xếp làm tòa cao. Dã can bước lên tòa nói:
- Có hai nhân duyên lớn, một là thuyết pháp giáo hóa trời người được phúc báo vô lượng; hai là báo đáp ân bố thí thức ăn, được phúc báo vô lượng.
Đế Thích hỏi:
- Cứu ngài thoát khỏi nguy hiểm dưới giếng, công đức ấy rất lớn, vì sao ân ấy không bằng?
Dã can đáp:
- Sống chết tùy theo quan niệm mỗi người, có người tham sống, có người thích chết, có người ngu si không biết sau khi chết sẽ sinh lại kiếp khác, nên sống không đúng theo Phật pháp, không gặp minh sư. Người này tham sống sợ chết, sau khi chết bị rơi vào địa ngục. Người có trí tuệ quy kính tam bảo, gặp bậc minh sư, bỏ ác làm lành. Người như thế ghét sống thích chết, sau khi chết được sinh lên trời.
Đế Thích nói:
- Như lời ngài dạy thì việc tôi cứu sống ngài không có công đức gì. Vậy chúng tôi xin được nghe về việc bố thí thức ăn và bố thí pháp.
Dã can đáp:
- Bố thí các thức ăn uống cứu được mạng sống trong một ngày, bố thí châu báu giúp thoát khỏi sự thiếu thốn trong một đời, chỉ kéo dài sinh tử. Người thuyết pháp giáo hóa có thể đưa chúng sinh ra khỏi đường sinh tử, đắc quả Tam thừa, ra khỏi ba đường ác, được sự an lạc ở cõi trời, người. Cho nên, Phật dạy bố thí pháp được công đức vô lượng.
Đế Thích hỏi:
- Hiện tại ngài mang thân hình dã can là thân nghiệp báo hay thân ứng hóa?
Dã can đáp:
- Là thân tội báo, chẳng phải là ứng thân.
Đế Thích nói:
- Tôi nghĩ ngài là bậc thánh. Tôi vừa được nghe thân này là nghiệp báo, nhưng chưa biết nguyên nhân, xin ngài kể cho.
Dã can đáp:
- Xưa kia, tôi làm con của một gia đình nghèo dòng Sát-đế-lợi sống trong thành Ba-đầu-ma nước Ba-la-nại. Thuở nhỏ, tôi vốn là người thông minh, hiếu học. Năm mười hai tuổi, tôi vào núi tìm thầy học đạo, siêng năng tu tập không bỏ phí thời gian. Trải qua năm mươi năm, tôi thông đạt tất cả chín mươi sáu loại kinh thư, đó là nhờ ân của hòa thượng. Công ơn ấy thật khó đáp đền. Nhờ trước đây đã tu huệ, nên tôi biết được kiếp trước của mình, do làm một vị vua tham đắm dục lạc nên khi phúc báo hết, mạng chung bị đọa vào địa ngục, súc sinh…
[102c] Bấy giờ, Đế Thích cùng tám mươi nghìn chư thiên xin thụ mười điều thiện, rồi cùng nói:
- Nay, chúng tôi trở về thiên cung, bao giờ hòa thượng mới bỏ thân tội báo này được sinh lên trời?
Dã can đáp:
- Có thể bảy ngày sau tôi sẽ bỏ thân này, sinh lên cõi trời Đâu-suất, các ông cũng có thể sinh lên đấy. Chư thiên ở cõi trời đó phần lớn được bồ-tát thuyết pháp giáo hóa.
Bảy ngày sau, dã can mạng chung, sinh lên cung trời Đâu-suất, còn biết được đời trước của mình đã từng tu tập mười điều thiện”.
Lại nữa, kinh Hiền ngu ghi: “Trong khu rừng ở nước Ba-la-nại, Đức Phật giảng nói diệu pháp cho chư thiên và bốn chúng nghe. Bấy giờ, trên không trung có bầy chim nhạn năm trăm con nghe được tiếng giảng pháp của Phật, ưa thích liệng quanh, muốn sà xuống để nghe. Lúc đó, có người thợ săn giăng lưới, cả bầy nhạn sa vào lưới và bị thợ săn giết chết, nhạn sinh lên cõi trời Đao-lợi, từ đầu gối của cha mẹ và lớn bằng đứa bé tám tuổi, thân tướng xinh đẹp không ai sánh bằng, sáng ngời như núi vàng. Nhạn suy nghĩ: ‘Vì nhân duyên gì mà ta được sinh lên đây?’. Biết được kiếp trước nhờ mến mộ Phật pháp mà được phúc báo này, bầy nhạn cùng mang hoa bay xuống cõi Diêm-phù-đề, đến chỗ Thế Tôn, đỉnh lễ và bạch Phật:
- Chúng con nhờ nghe pháp âm của Ngài mà được sinh lên cõi trời thù thắng, xin Ngài giảng lại cho chúng con nghe.
Đức Phật giảng giáo lý tứ đế. Nghe xong, chúng đắc quả Tu-đà-hoàn, rồi về lại cõi trời.
Có bài tụng rằng:
Thuyền bè, cầu bến,
Phương tiện qua sông,
Muốn thoát tử sinh,
Trước nhờ phúc huệ,
Huệ thấu tam luân[150],
Trí lắng lục tế[151],
Ngựa thuần nhờ cương,
Vàng ròng nhờ luyện,
Vật sạch nhờ nước,
Thảo hệ tì-kheo[152],
Ngũ nhẫn[153] là thềm,
Tứ cần[154] chuyên nhất.
Sóng tâm lắng trong,
Bụi lòng giũ sạch,
Nghiệp duyên đã hết,
Đạo tràng là đây”.


Chú thích:
[33] Lục độ 六度 (S: ṣaḍ-pāramitā, ṣaṭ-pāramitā): sáu hạnh rốt ráo mà bồ-tát Đại thừa phải thực hiện để đạt đến quả vị Phật. Đó là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định và trí tuệ.
[34] Tứ nhiếp pháp 四攝法 (S: catvāri saṃgraha-vastūni): bốn phương pháp mà bồ-tát dùng để nhiếp thụ chúng sinh, khiến họ sinh khởi tâm thân ái mà dẫn dắt vào Phật đạo để đạt đến khai ngộ. Đó là bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự.
[35] Bốn nỗi sợ hãi (nguyên bản tứ bố giao tiễn 四怖交煎): Bốn kiếp thành, trụ, hoại, không.
[36] Năm nhà tranh đoạt (ngũ gia tranh đoạt 五家爭奪): năm sức phá hoại. Đó là nước trôi, lửa cháy, giặc cướp, con hư, vua quan tịch thu.
[37] Luật Tứ phần (Tứ phần luật 四分律): luật tạng, sáu mươi quyển do ngài Phật-đà-da-xá và Trúc Phật Niệm cùng dịch ở Trường An vào thời Dao Tần, Trung quốc, khoảng 410-412. Đây là giới luật do Pháp Tạng bộ, thuộc hệ thống Thượng Tọa bộ ở Ấn Độ truyền, được xếp vào Đại chính tạng, tập 22.
[38] Thần biến 神變 (S:vikurvaṇa): thần thông biến hiện. Vì hóa độ chúng sinh nên Phật, bồ-tát dùng năng lực không thể nghĩ bàn, siêu việt nhân gian biến hiện ra các hình tướng và động tác bên ngoài.
[39] Cõi trời Tứ Thiên Vương (Tứ Thiên Vương thiên 四天王天): tầng trời thứ nhất trong sáu tầng trời cõi Dục.
[40] Cõi Tha Hóa Tự Tại (Tha Hoá Tự Tại thiên 他化自在天; S: Para-nirmita-vaśa-vartin): tầng trời thứ sáu trong sáu tầng trời cõi Dục.
[41] Luận Bồ-tát địa trì (Bồ-tát địa trì luận 菩薩地持論): theo Đại chính tân tu đại tạng kinh, đây là kinh Bồ-tát địa trì, không phải luận.
[42] Pháp nhãn 法眼 (S: dharma-cakṣu): con mắt trí tuệ có thể thấy được thật tướng của tất cả các pháp, có thể thấu suốt rõ ràng lý duyên sinh của các pháp sai biệt.
[43] Cây như ý (như ý thụ 如意樹): theo truyền thuyết, cây như ý sinh ra các vật dụng thường dùng như y phục, chăn nệm...
[44] Vật của Phật 佛物: những vật giành riêng để cúng dường Phật, như điện đường, hoa thơm, phướn lọng...
[45] Năm món dục tịnh diệu (thượng diệu ngũ dục上妙五欲): sắc, thanh, hương, vị, xúc. Đây là năm cảnh hữu lậu, tự tính của nó là khổ, nhưng tâm ham muốn của phàm phu cảm nhận là vui, nên gọi là năm món dục tịnh diệu.
[46] Ba cõi (tam giới 三界; S:trayo dhātavaḥ): cõi Dục, cõi Sắc và cõi Vô sắc.
[47] Ba độc (tam độc 三毒): ba thứ phiền não tham, sân, si.
[48] Dã can 野干 (S: śṛgāla): loài thú giống chồn, nhưng nhỏ hơn; lông màu vàng pha xanh giống chó, sống thành đàn, ban đêm cất tiếng kêu như sói.
[49] Ấm 陰 (S: skandha): sự nhóm họp của nhiều sự vật. Tức chỉ pháp hữu vi. Chẳng hạn như các sắc pháp như ngũ căn, ngũ cảnh nhóm họp lại gọi là sắc ấm.
[50] Giới 界 (S: dhātu): từ ngữ để gọi các phạm trù đã phân loại, nghĩa là có sự sai khác giữa các vật mà không lẫn lộn. Theo tông Duy Thức, chủng tử của tất cả các pháp là giới, có nghĩa là yếu tố, nguyên nhân.
[51] Quy y tam bảo 歸依三寶: quay về nương tựa ba ngôi báu Phật, Pháp, Tăng.
[52] Trai giới 齋戒 (Cg: bát quan trai giới; S: Aṣṭāṅga-samanvāgatōpavasa): tám pháp trai giới, học xứ cho hàng đệ tử tại gia tập sự để xuất gia do Đức Phật chế định. Người thụ phải tạm rời gia đình một ngày một đêm đến ở trong tăng đoàn để học tập cách sinh hoạt của người xuất gia. Giới đó là không sát sinh, không trộm cắp, không dâm dục, không vọng ngữ, không uống rượu, không dùng hương hoa trang sức nơi thân hay xem nghe ca múa, không ngồi nằm giường rộng cao đẹp, không ăn phi thời. Trong tám giới thì bảy phần trước là giới, một phần sau không ăn phi thời là trai, hợp lại gọi là bát quan trai giới.
[53] Kim sí điểu 金翅鳥 (S: garuḍa): một loại chim giống như chim diều hâu trong thần thoại Ấn Độ. Đây là loại chim được thần thoại hóa, thân to lớn và hung dữ, là loài chim trời.
[54] Cưu-bàn-đồ 鳩槃荼 (S: Kumbhāṇḍa): loại quỷ ăn tinh khí của người, đi nhanh như gió, biến hóa khôn cùng, ở trong chốn rừng hoang đồng vắng, cai quản các loại quỷ.
[55] Địa hành dạ-xoa 地行夜叉: loài dạ-xoa sống trên mặt đất.
[56] Hư không dạ-xoa 虛空夜叉: loài dạ-xoa sống trong hư không.
[57] Cung quán phi hành dạ-xoa 宮觀飛行夜叉 (Cg: cung điện phi hành dạ-xoa): loài dạ-xoa biết bay sống trong cung điện.
[58] Trung thắng 中勝: thắng xứ bậc trung, một trong ba pháp thiền xuất thế gian giúp xa lìa tất cả nhân trực tiếp hoặc duyên gián tiếp đưa đến tham ái trong ba cõi.
[59] Vô Tính 無性: tên khác của ngài Vô Trước.
[60] Phúc điền 福田(S: puṇya-Kṣetra): mảnh ruộng có khả năng sinh trưởng phúc đức, vì kính thờ Phật, chư tăng, cha mẹ hoặc thương xót người nghèo khổ thì được phúc đức, giống như người nông phu gieo cấy trên ruộng thì có thu hoạch.
[61] Bi điền 悲田: ruộng phúc do bố thí cho người nghèo khổ, tật bệnh với tâm từ bi.
[62] Kính điền 敬田: ruộng phúc nhờ cúng dường tam bảo với tâm cung kính.
[63] A-tăng-kì 阿僧祇 (S: Asaṃkhya): một đơn vị số lượng của Ấn Độ, là số cực lớn không thể tính đếm được.
[64] Bảy Đức Phật quá khứ (quá khứ thất Phật 過去七佛): bảy Đức Phật thời quá khứ. Tức Đức Phật Thích-ca và sáu Đức Phật xuất hiện trước Ngài. Đó là Đức Phật Tì-bà-thi, Đức Phật Thi-khí, Đức Phật Tì-xá-phù, Đức Phật Câu-lưu-tôn, Đức Phật Ca-diếp.
[65] Thập trụ pháp thân Phổ Minh bồ-tát 十住 法身普明 菩薩: bồ-tát Phổ Minh thành tựu pháp thân ở giai vị Thập trụ.
[66] Bốn loài (tứ sinh 四生; S: catasro-yonayaḥ): bốn cách sinh sản khác nhau của loài hữu tình trong sáu đường thuộc ba cõi. Đó là noãn sinh; thai sinh; thấp sinh và hoá sinh.
[67] Đại kinh 大經: kinh trọng yếu chỉ về nghĩa cứu cánh. Nhưng mỗi tông phái nhìn nhận Đại kinh khác nhau, như tông Thiên Thai cho kinh Niết-bàn là Đại kinh, tông Tịnh Độ thì cho kinh Vô lượng thọ là Đại kinh.
[68] Đại luận 大論 (Cg: Đại trí độ luận): luận, một trăm quyển, do bồ-tát Long Thụ soạn, ngài Cưu-ma-la-thập dịch vào đời Hậu Tần, Trung Quốc, được xếp vào Đại chính tạng, tập 25.
[69] Cây ha-lê (ha-lê-lặc thụ 呵棃勒樹; S: haritakī): loại trái cây này là vị thuốc, có rất nhiều công dụng, bệnh gì cũng dùng được.
[70] Ưu-bà-tắc 優婆塞 (S: upāsaka): cư sĩ nam tại gia gần gũi phụng thờ tam bảo, thụ trì năm giới, là một trong hai chúng tại gia, một trong bốn chúng hoặc bảy chúng đệ tử Phật.
[71] Sa-môn 沙門 (S: śramaṇa): người xuất gia cạo bỏ râu tóc, dứt bỏ các điều ác, khéo điều hòa thân tâm, siêng năng làm các việc thiện để mong đạt đến Niết-bàn.
[72] Li ngưu 犛牛: loài trâu đuôi dài.
[73] Tì-kheo Sằn-đề (Sằn-đề tì-kheo; Cg: Sằn-đề tỉ-khâu 羼提比丘): tên gọi Đức Thế Tôn ở kiếp quá khứ, lúc Ngài đang tu hạnh Bồ-tát và thành tựu được hạnh nhẫn nhục.
[74] Tiên nhân nhẫn nhục (nhẫn nhục tiên 忍辱仙; S: Kṣānti-vādi-ṛṣi): vị tiên tu hạnh nhẫn nhục ở nước Ba-la-nại, Ấn Độ vào thời quá khứ, là tiền thân của Đức Phật Thích-ca, khi Ngài còn ở giai vị tu nhân.
[75] Luận Thành thật (Thành thật luận 成實論; S: Satyasiddhi-śāstra): luận, mười sáu quyển, hoặc hai mươi quyển, do ngài Ha-lê-bạt-ma soạn, ngài Cưu-ma-la-thập dịch vào khoảng năm 411-412 đời Dao Tần, được xếp vào Đại chính tạng tập 32. Đây là kinh điển căn bản của tông Thành Thật.
[76] Kinh Di giáo (Di giáo Kinh 遺教經): kinh, một quyển, do ngài Cưu-ma-la-thập dịch vào thời Hậu Tấn, được xếp vào Đại chính tạng tập 12. Nội dung tả lại sự việc trước khi nhập diệt của Đức Thích Tôn tại Ta-la song thọ, nơi rừng Câu-thi-la, ngài dạy các đệ tử phải lấy giới bản làm thầy để chế ngự năm căn, lìa giận dữ, kiêu mạn, buông lung, để đạo nghiệp được tinh tiến.
[77] Vô minh 無明 (S: avidyā): tên khác của phiền não. Thấy biết không đúng sự thật, trạng thái tinh thần mê muội đối với sự vật, không thông đạt chân lý và không thể lý giải rõ ràng sự tướng và đạo lý.
[78] Khổ, không, vô thường, vô ngã 苦空無常無我: bốn hành tướng của quả báo hữu lậu, tức bốn hành tướng của Khổ đế trong mười sáu hành tướng của tứ đế, là bốn thứ do quán cảnh Khổ đế mà phát khởi.
[79] Kinh Đại bảo tích (Đại bảo tích kinh 大寶積經; S: Mahā-ratnakūṭa-sūtra): kinh, một trăm hai mươi quyển, do ngài Bồ-đề-lưu-chi dịch vào đời Đường, Trung quốc, được xếp vào Đại chính tạng, tập 11. Nội dung bàn về các pháp môn chủ yếu của Đại thừa Phật giáo.
[80] Nhẫn nhục 忍辱: nhịn nhục hay là chịu nhục, nghĩa là chịu lấy sự đau khổ, khuất nhục, không có lòng nghĩ trả hận.
[81] Kinh Nguyệt đăng tam-muội (Nguyệt đăng tam-muội kinh 月燈三昧經; S: Samādhi-rāja): kinh, mười quyển, Đức Phật dạy đồng tử Nguyệt Quang về việc nhờ tu tâm bình đẳng, tâm cứu hộ, tâm vô ngại, tâm vô độc và vô lượng tam muội ở nhân địa hoặc nhờ biết đúng như thật thể tính của tất cả các pháp, chứng được Bồ- đề, thành tựu các pháp bố thí, trì giới, nhẫn nhục thì đạt được tam muội “Thể tính các pháp bình đẳng không hý luận”.
[82] Nhất thiết trí 一切智 (S: sarvajña): trí biết rõ tất cả pháp tướng trong ngoài.
[83] Lục độ tập kinh 六度集經: kinh, tám quyển, do ngài Khương Tăng Hội dịch vào đời Ngô, Tam Quốc, Trung Quốc, được xếp vào Đại chính tạng, tập 3. Nội dung kinh này gồm chín mươi mốt câu chuyện bản sinh của Đức Phật.
[84] Hòa thượng 和尚 (S: upādhyāya): bậc thầy có trí tuệ và đức độ cao vời. Hòa thượng là vị thầy gương mẫu cho người thụ giới nên các tông Hoa Nghiêm, Thiên Thai, Tịnh Độ thường gọi là “Giới Hòa Thượng”.
[85] A-xà-lê 阿闍棃 (Hd: Qũi Phạm sư; S: ācārya): người dạy dỗ đệ tử, khiến cho mọi việc làm của đệ tử đều trang nghiêm, đúng pháp, chính bản thân cũng xứng đáng làm bậc thầy gương mẫu cho đệ tử noi theo nên còn gọi là đạo sư.
[86] Luật ngũ phần (Ngũ phần luật 五分律): luật, ba mươi quyển, do Hóa Địa Bộ (Di-sa-tắc) lưu truyền và được ngài Pháp Hiền thỉnh bản Phạn về từ nước Sư tử (Tích Lan). Vì bộ luật này có năm phần nên gọi là Ngũ phần luật. Trong đó quy định giới tì-kheo hai trăm năm mươi mốt điều, tì-kheo ni ba trăm bảy mươi điều.
[87] A-luyện-nhã 阿練若 (S: araṇya): nơi tịch mịch thích hợp với người tu hành, tức nơi vắng vẻ cách làng xóm khoảng 2,5 km.
[88] La-vân 羅雲 (Cg: La-hầu-la; S:Rāhula): một trong mười vị đệ tử lớn của Đức Phật.
[89] A-nậu-bồ-đề 阿耨菩提 (S: Anuttara-samyak-sambodhi): sự giác ngộ cao nhất trùm khắp tất cả. Trong đó, A-nậu-đa-la là Vô thượng. Tam-miệu tam-bồ-đề: dịch ý là chính biến tri, tức trí tuệ giác ngộ của Phật hàm ý bình đẳng viên mãn.
[90] Thất chủng đạo 七種道 (Cg: thất giác chi): bảy pháp có công năng giúp cho trí tuệ bồ-đề phát triển.
[91] Thất tùy miên 七隨眠: bảy tùy miên. Trong sáu tùy miên tham, sân, si, mạn, nghi, kiến, tham tùy miên được chia làm hai thứ là dục tham và hữu tham, cộng chung là bảy tùy miên.
[92] Cụ Thọ 具壽 (S: Āyuṣmat): bậc đầy đủ đức hạnh và trí tuệ được mọi người tôn kính.
[93] Kiều-trần-na 憍陳那 (Cg: A-nhã Kiều-trần-như; S:kauṇḍimya): một trong năm vị đệ tử tì-kheo được Phật độ trong lần chuyển pháp luân đầu tiên.
[94] Thánh đế 聖諦: cảnh giới vắng lặng hoàn toàn mà bậc thánh chứng biết, là đại nghĩa căn bản của Phật giáo; đây là thâm nghĩa cứu cánh trong các pháp bất ly thế gian.
[95] Thập Lực 十力 (S:daśa balāni): ở đây chỉ Đức Phật.
[96] Xiển-đề 闡提: người mất hết căn lành, không có điều kiện thành Phật.
[97] Thích luận 釋論: luận giải thích kinh điển, ở đây chỉ cho luận Đại trí độ của ngài Long Thụ giải thích kinh Đại phẩm bát-nhã.
[98] Ca-diếp 迦葉 (Hd: Ẩm Quang; S: Mahā-kāśyapa): một vị đệ tử xuất sắc, nổi tiếng có hạnh đầu đà nghiêm túc nhất trong hàng đệ tử Phật.
[99] Tam đồ 三塗: đồng nghĩa với ba đường ác địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Đó là hỏa đồ, đao đồ và huyết đồ, là nơi do ác nghiệp của thân, khẩu, ý dẫn sinh.
[100] Tam thừa 三乘 (S: trīṇi yānāni): ba xe, dụ cho ba pháp môn chuyên chở chúng sinh vượt qua sinh tử đến bờ Niết-bàn. Đó là Thanh văn thừa, Duyên giác thừa, Bồ tát thừa.
[101] Kinh Tăng nhất a-hàm (Tăng nhất a-hàm kinh 增壹阿含經; S: Ekottarikāgama): kinh, năm mươi mốt quyển, do ngài Cù-đàm Tăng-già-đề-bà dịch vào đời Đông Tấn, Trung quốc, được xếp vào Đại chính tạng, tập 2, là một trong bốn bộ A-hàm thuộc Bắc truyền.
[102] Kinh Phật thuyết mã hữu bát thái thí nhân (Phật thuyết mã hữu bát thái thí nhân kinh 馬有八態譬人經): kinh, một quyển, do ngài Chi Diệu dịch vào đời Hậu Hán. Nội dung nói về ngựa chứng có tám tính xấu để chỉ cho hàng tì-kheo có thói xấu.
[103] Bạc-câu-la 薄拘羅 (S: Vakkula, Bakkula, Bakula, Vakula): một vị đệ tử của Đức Phật. Thuở nhỏ, Bạc-câu-la bị kế mẫu sát hại năm lần mà không chết. Từ khi xuất gia cho đến khi viên tịch, ngài luôn khỏe mạnh không hề đau ốm, hưởng thọ một trăm sáu mươi tuổi, được người đời tôn xưng là trường thọ bậc nhất.
[104] Địa ngục A-tì (A-tì địa ngục 阿鼻地獄; S: Avīci): địa ngục vô gián, một trong tám địa ngục nóng.
[105] Đa văn 多聞 (S: bahu-sruta): học rộng nghe nhiều những kinh giáo của Đức Phật.
[106] Tổng trì 總持 (S: dharani): pháp môn tổng trì, là sức niệm tuệ có công năng tổng nhiếp ghi nhớ vô lượng Phật pháp, không cho quên mất.
[107] Nhạo thuyết 樂說: ưa thích thuyết pháp và thuyết pháp thuận theo sự ưa muốn của chúng sinh.
[108] Chính hạnh 正行 (S: Samyak-pratipatti): hành vi chân chính, mực thước do Phật dạy hoặc chính nhân vãng sinh Tịnh Độ.
[109] Năm ấm (ngũ ấm 五陰; S: pañca-skandha; Cg: ngũ uẩn): năm sự tích tụ theo từng loại tất cả pháp hữu vi. Đó là sắc, thụ, tưởng, hành, thức.
[110] Năm cái (ngũ cái 五蓋; S: pañca āvaraṇāni): năm thứ phiền não che lấp tâm tính, làm cho pháp lành không phát sinh được. Đó là tham dục, sân khuể, hôn miên, trạo cử ố tác, nghi.
[111] A-duy-việt-trí 阿維越致 (Cg: A-bệ-bạt-trí): quả vị bất thoái chuyển.
[112] Bất khởi pháp nhẫn 不起法忍 (Cg: Vô sinh pháp nhẫn; S: anutpattika-dharma-ksanti): pháp nhẫn vô sinh, một trong ba nhẫn, tức quán lý không sinh không diệt của các pháp, nhận kĩ lý ấy, an trụ tâm bất động.
[113] Thanh tín sĩ 清信士 (Cg: thanh tín nam; S: Upāsaka): người nam thụ tam qui, ngũ giới, có lòng tin trong sạch đối với Phật pháp.
[114] La-sát 羅刹 (S:rākṣasa): loại ác quỉ trong thần thoại Ấn Độ, được thấy ghi đầu tiên trong bộ Lê-câu-phệ-đà, bộ kinh điển xưa nhất của Bà-la-môn giáo Ấn Độ. Tương truyền la-sát nguyên là tên gọi dân tộc Thổ Trứ ở Ấn Độ, sau khi người Arya chinh phục Ấn Độ, la-sát trở thành một đại danh từ chỉ kẻ ác, dần dần dùng làm tên gọi chung loài ác quỉ.
[115] Tiên nhân Loa Kế (Loa Kế tiên nhân 螺髻仙人): tiền thân Đức Phật Thích-ca Mâu-ni. Theo luận Đại Trí Độ 17, Đức Thích-ca là vị tiên nhân tên Thượng-Xà-lê, vì có búi tóc hình xoắn ốc trên đỉnh đầu nên được gọi là Loa Kế tiên nhân.
[116] Đại sĩ 大士 (S: mahāpuruṣa): ở đây chỉ cho hàng bồ-tát.
[117] Phi ngã 非我: những người biên dịch sau này dịch là vô ngã.
[118] Sáu tình (lục tình 六情): sáu căn. Các kinh điển cựu dịch phần nhiều dịch là sáu tình. Vì sáu căn mắt tai, mũi, lưỡi, thân và ý đều có tình thức nên gọi là sáu tình.
[119] Thanh văn 聲聞 (S: śrāvaka): các đệ tử xuất gia nghe âm thanh thuyết giáo của Phật mà chứng ngộ.
[120] Bích-chi phật 辟支佛 (S: pratyeka-buddha): bậc thánh không có thầy mà tự giác ngộ.
[121] Đầu-đà 頭陀 (S: dhūta): khổ hạnh tu tập để dứt bỏ sự tham trước y phục, uống ăn, chỗ ở v.v… ngõ hầu điều phục thân tâm.
[122] Văn-thù-thi-lợi 文殊尸利: tức ngài Văn-thù-sư-lợi.
[123] Hai loại trang nghiêm (nhị chủng trang nghiêm 二種莊嚴): trí tuệ trang nghiêm và phúc đức trang nghiêm.
[124] Ba phẩm thứ đệ (tam phẩm thứ đệ 三品次第): ba môn vô lậu học giới, định và tuệ.
[125] Ba-nhã 波若 (Cg: bát-nhã; S: prajñā): trí tuệ chân thật được hiển hiện do tu tập tám chính đạo và sáu hạnh ba-la-mật. Trí tuệ này cao sâu, thấy rõ tất cả sự vật và đạo lý, nên gọi là bát-nhã.
[126] Chư hữu 諸有: vạn tượng sai biệt của cõi mê. Tất cả những nghiệp do chúng sinh gây tạo, từ nhân sinh quả, những nhân duyên và quả báo này thật có, không hư dối; cho nên gọi là hữu.
[127] Ngoại thư 外書: Phật giáo gọi những loại sách ngoài kinh điển của Phật là ngoại thư, ở đây chỉ cho sách Nho.
[128] Phóng Huân 放勛: tên của vua Nghiêu.
[129] Tuyên Ni 宣尼: tên của đức Khổng Tử.
[130] Ma-kì 摩柢: loại thuốc có công năng chế ngự được các loài rắn độc.
[131] Núi Tung (Tung sơn 嵩山): ngọn núi nổi tiếng nằm cách huyện Đăng Phong, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc khoảng hơn 5km về phía bắc.
[132] Núi Hoa (Cửu Hoa sơn 九華山): núi nằm cách huyện Thanh Dương, tỉnh An Huy về phía tây nam 20km, là một trong bốn núi lớn nổi tiếng của Phật giáo Trung Quốc.
[133] Đoạn kiến 斷見: kiến chấp chủ trương các pháp thế gian và ngã đều phải đoạn diệt.
[134] Thường kiến 常見: kiến chấp chủ trương thế giới là thường trụ bất biến, tự ngã của con người là bất diệt; tự ngã này sau khi chết cũng không tiêu diệt, có khả năng tái sinh và tái diễn lại hiện trạng tương tục, tức nói Ngã là thường trụ.
[135] Tức ly 即 離: pháp môn bất nhị. Sự, lý không hai là “tức”; sự, lý sai biệt là “ly”. Tông Thiên Thai dùng “tức và ly” này để phân biệt sự cạn sâu của Biệt giáo và Viên giáo.
[136] Thần vàng thần trắng (thần hoàng, thần bạch 神黃神白): thần sát-lợi màu vàng, thần bà-la-môn màu đỏ, thần tì-xá màu trắng, thần thủ-đà màu đen (Theo Đại thừa tứ luận huyền nghĩa Kí 9).
[137] Phó hỏa 赴火 (nguyên bản: ngũ biên trường chích 五邊長炙): pháp tu khổ hạnh của ngoại đạo, Ấn Độ thời xưa, nướng thân trên lửa, hoặc hơ lỗ mũi, cam chịu sự nóng bức để làm nhân chứng đạo.
[138] Tục đế 俗諦 (S: saṃvṛti-satya): lý sinh diệt được thuyết minh tùy thuận theo sự hiểu biết của thế gian.
[139] Trung đạo 中道 (S:madhyamā-pratipad): con đường trung chính, lìa bỏ cực đoan, không thiên về bất cứ một bên nào hoặc một quan điểm, một phương thức nào. Trung đạo là lập trường căn bản của Phật giáo, được Đại thừa lẫn Tiểu thừa xem trọng.
[140] Vi-đà 違陀 (Cg: Phệ-đà; S: Veda): thánh điển căn bản của Bà-la-môn giáo Ấn Độ.
[141] Minh sơ sinh ra giác (nguyên văn là minh sơ sinh giác 明初生覺): đế thứ nhất trong hai mươi lăm đế của học phái Số Luận ở Ấn Độ thời cổ đại.
[142] Phi hữu tưởng là chứng Niết-bàn (Phi hữu tưởng thị chứng Niết-bàn 非有想是證涅槃): một trong sáu mươi hai kiến chấp của ngoại đạo ở Ấn Độ thời cổ đại. Đây là một loại thường kiến sinh khởi do chấp trước đời vị lai.
[143] Tự Tại thiên 自在天 (Gđ: Đại Tự Tại thiên; S: Maheśvara): thần thủ hộ của Phật giáo, trụ ở tầng trời Đệ tứ thiền, cũng là chủ thần Thấp-bà, một trong ba chủ thần của Bà-la-môn giáo.
[144] Ngũ trụ phiền não 五住煩惱: năm phiền não như kiến nhất thiết xứ trụ địa, dục ái trụ địa, sắc ái trụ địa, hữu ái trụ địa và vô minh trụ địa. Vì năm hoặc này là sở y, sở trụ của tất cả phiền não và có khả năng sinh ra phiền não, nên gọi là trụ địa.
[145] Kết sử 結使: tên khác của phiền não. Kết là các phiền não trói buộc chúng sinh làm cho không thể ra khỏi sinh tử; “sử” là các phiền não sai khiến làm não loạn chúng sinh.
[146] Tám chữ (bát tự 八字): sinh diệt diệt dĩ, tịch diệt vi lạc. Câu này nghĩa là sinh diệt diệt rồi, tịch diệt là vui.
[147] Nhận 刃: đơn vị đo chiều dài thời cổ Trung Hoa, bằng tám thước của nhà Chu, khoảng sáu thước bốn tấc tám phân ngày nay.
[148] Tập nhất thiết công đức tam-muội kinh 集一切功德三昧經: theo Đại chính tạng là Tập nhất thiết phúc đức tam-muội kinh.
[149] Thuận nhẫn 順忍: chỉ cho bồ-tát từ địa thứ tư đến địa thứ sáu. Hàng bồ-tát ở giai vị này thuận theo quả Bồ đề mà hướng đến quả Vô sinh.
[150] Tam luân 三輪: người bố thí, người nhận thí và vật thí. Khi thực hành pháp bố thí, hành giả phải trụ vào Không quán, tức tâm không chấp vào ba thứ này.
[151] Lục tế 六蔽: sáu thứ ác tâm che lấp tâm thanh tịnh của chúng sinh. Tâm san tham, tâm phá giới, tâm sân hận, tâm biếng trễ, tâm tán loạn, tâm ngu si.
[152] Thảo hệ tì-kheo 草繫比丘: tì-kheo bị trói bằng cỏ, dụ cho tì-kheo nghiêm trì cấm giới.
[153] Ngũ nhẫn 五忍: năm nhẫn như phục, tín, thuận, vô sinh và tịch diệt:
1. Phục nhẫn: chỉ cho hàng tam hiền trước thập địa, ở giai vị này chưa đoạn trừ được vô lậu, phiền não nhưng có thể ngăn chặn phiền não khiến không cho sinh khởi.
2. Tín nhẫn: chỉ cho giai vị Bồ tát từ Sơ địa đến địa thứ ba. Bồ-tát ở giai vị này đã được niềm tin vô lậu, tùy thuận pháp tính không có tâm nghi ngờ.
3. Thuận nhẫn: chỉ cho bồ-tát từ địa thứ tư đến địa thứ sáu. Hàng bồ-tát ở giai vị này thuận theo quả Bồ đề mà hướng đến quả vô sinh.
4. Vô sinh nhẫn: chỉ cho bồ-tát từ địa thứ bảy đến địa thứ chín. Hàng bồ-tát ở giai vị này đã dứt trừ tất cả những vọng hoặc, rõ biết các pháp thảy đều không sinh.
5. Tịch diệt nhẫn: chỉ cho bồ-tát địa thứ mười và Phật quả, bậc đã đạt được ở giai vị này dứt trừ được các hoặc, thanh tịnh vô vi, trong lặng thường tịch.
[154] Tứ cần 四勤 (Gđ: tứ chính cần; S: catvāri prahāṇāni): vì đoạn trừ việc ác đã sinh mà siêng năng tinh tiến; vì khiến cho việc ác chưa sinh đừng sinh mà siêng năng tinh tiến; vì khiến cho việc thiện chưa sinh phát sinh mà siêng năng tinh tiến; vì khiến cho việc thiện đã sinh càng thêm tăng trưởng mà siêng năng tinh tiến.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 20 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Đức Phật và chúng đệ tử


Thắp ngọn đuốc hồng


Mục lục Đại Tạng Kinh Tiếng Việt


Đừng bận tâm chuyện vặt

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.146.152.147 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập