Như ngôi nhà khéo lợp, mưa không xâm nhập vào. Cũng vậy tâm khéo tu, tham dục không xâm nhập.Kinh Pháp cú (Kệ số 14)
Xưa, vị lai, và nay, đâu có sự kiện này: Người hoàn toàn bị chê,người trọn vẹn được khen.Kinh Pháp cú (Kệ số 228)
Nhà lợp không kín ắt bị mưa dột. Tâm không thường tu tập ắt bị tham dục xâm chiếm.Kinh Pháp cú (Kệ số 13)
Người biết xấu hổ thì mới làm được điều lành. Kẻ không biết xấu hổ chẳng khác chi loài cầm thú.Kinh Lời dạy cuối cùng
Sống chạy theo vẻ đẹp, không hộ trì các căn, ăn uống thiếu tiết độ, biếng nhác, chẳng tinh cần; ma uy hiếp kẻ ấy, như cây yếu trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 7)
Nếu người có lỗi mà tự biết sai lầm, bỏ dữ làm lành thì tội tự tiêu diệt, như bệnh toát ra mồ hôi, dần dần được thuyên giảm.Kinh Bốn mươi hai chương
Nay vui, đời sau vui, làm phước, hai đời vui.Kinh Pháp Cú (Kệ số 16)
Kẻ hung dữ hại người cũng như ngửa mặt lên trời mà phun nước bọt. Nước bọt ấy chẳng lên đến trời, lại rơi xuống chính mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Của cải và sắc dục đến mà người chẳng chịu buông bỏ, cũng tỷ như lưỡi dao có dính chút mật, chẳng đủ thành bữa ăn ngon, trẻ con liếm vào phải chịu cái họa đứt lưỡi.Kinh Bốn mươi hai chương
Vui thay, chúng ta sống, Không hận, giữa hận thù! Giữa những người thù hận, Ta sống, không hận thù!Kinh Pháp Cú (Kệ số 197)
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Chủ biên: Thích Nguyên Chơn XXII. THỤ BÁO
Gồm chín phần: Lời dẫn, Loại báo, Hiện báo, Sinh báo, Hậu báo, Định báo, Bất định báo, Thiện báo, Ác báo.
XXII.1. Lời dẫn
[119b] Nghiệp dụng của thiện ác chính là biểu hiện của ba báo. Cả hai giống như bóng theo hình, rõ ràng như sáu đường đã minh chứng. Ba báo:
1- Hiện báo: vì làm vui lòng cho thiên hậu[1], mà loan truyền ân sâu của Cửu sắc[2], chim đậu vào lòng vua mà được toàn mạng, thân chịu năm hình phạt[3] tàn khốc.
2- Sinh báo: chúng sinh chìm đắm trong chốn tối tăm, thần thức trôi lăn không dừng nghỉ, thân hình nhiều kiếp bị chết chóc khổ đau, không hiểu nỗi khổ mù mắt của vương tử[4].
3- Hậu báo: ngoại đạo gieo họa nơi cõi trời Phi tưởng, mê pháp mà vĩnh viễn lầm lẫn một đời[5], cuối cùng phải làm loài chồn dữ thêm cánh, chịu nỗi khổ không cùng, phải bay lên không bắt chim, lặn xuống nước bắt cá.
Xét rõ chúng sinh ba đời bị chìm đắm, thấu nỗi khổ thay hình đổi dạng của loài rắn, mà ngộ được ngôi nhà tứ đế, tam minh, ngõ hầu vượt ra khỏi màn tối ba báo, năm khổ.
XXII.2. Loại báo
Kinh Ưu-bà-tắc giới ghi: “Phật dạy: Này thiện nam! Chúng sinh gây tạo nghiệp có bốn loại:
1. Hiện báo: thân đời nay gây tạo nghiệp cực thiện hay cực ác, thì ngay hiện đời sẽ thụ nhận quả báo.
2. Sinh báo: thân đời nay gây tạo nghiệp thiện ác, thì thân tiếp theo sau sẽ thụ nhận quả báo.
3. Hậu báo: thân đời nay gây tạo nghiệp thiện ác, nhưng thân tiếp theo chưa thụ nhận quả báo mà cách hai, ba hay nhiều đời sau mới thụ nhận quả báo.
4. Vô báo: không có ba báo trên.
Lại có bốn loại:
1. Thời gian nhất định, nhưng quả báo không nhất định. Loại này đối với ba thời thì nhất định không thay đổi, nhưng do nghiệp có thể chuyển, nên quả báo không nhất định.
2. Quả báo nhất định, thời gian không nhất định. Bởi do nghiệp lực nhất định, không thể thay đổi, nhưng thời có thể thay đổi, nên thời gian không nhất định.
3. Thời gian và quả báo đều nhất định. Do nghiệp nhất định, nên thời gian và quả báo cũng nhất định.
4. Thời gian và quả báo đều không nhất định. Do nghiệp không nhất định, nên thời gian và quả báo cũng không nhất định.
Chúng sinh tạo nghiệp, có người tạo đủ các nghiệp, có người tạo không đủ. Nếu trước suy nghĩ rồi sau mới tạo gọi là tạo tác đầy đủ các nghiệp. Nếu không suy nghĩ, mà chỉ tạo tác thì gọi là tạo tác không đầy đủ. Lại có người đã gây tạo nhưng không đầy đủ, như nghiệp gây tạo đã nhất định rồi, nhưng quả báo chưa nhất định. Lại có người tạo nghiệp cũng đã đầy đủ, nghĩa là nghiệp gây tạo đã nhất định rồi, sẽ nhận quả báo. Lại có người đã gây tạo nhưng không đầy đủ, như quả báo tuy đã nhất định, nhưng thời gian không nhất định. Lại có người đã gây tạo nghiệp cũng đã đầy đủ, thời gian và quả báo đều nhất định. Lại có người gây tạo nghiệp rồi nhưng không đầy đủ, như trì giới và có chính kiến. Lại có người tạo nghiệp đã đầy đủ, như phá giới, tà kiến. Lại có người đã tạo nghiệp mà không đầy đủ, tức là trong ba thời sinh tâm hối hận. Lại có người tạo nghiệp đã đầy đủ, tức là trong ba thời không hối hận. Nghiệp ác đã như vậy thì nghiệp thiện cũng không khác”.
[119c] XXII.3. Hiện báo
Kinh Phật thuyết hành thất hành hiện báo ghi: “Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các thầy tì-kheo:
- Này các thầy tì-kheo! Có bảy hạng người đáng tôn kính, là ruộng phúc bậc nhất trong thế gian: người tu tập hạnh từ, người tu tập hạnh bi, người tu tập hạnh hỷ, người tu tập hạnh xả, người tu tập hạnh không; người tu tập hạnh vô tướng, người tu tập hạnh vô nguyện. Nếu có chúng sinh nào tu tập bảy pháp này thì có được phúc báo ở trong pháp hiện tại!
Tôn giả A-nan bạch Phật:
- Bạch Đức Thế Tôn! Sao Ngài không đề cập đến tu-đà-hoàn, tư-đà-hàm, a-na-hàm, a-la-hán, bích-chi phật mà chỉ nói bảy hạng người này?
Đức Phật dạy:
- Bảy hạng người này, về hạnh thì giống tu-đà-hoàn cho đến Phật, nhưng về sự thì không giống nhau. Cho nên tuy cúng dường tu-đà-hoàn v.v… nhưng không đạt được phúc báo hiện tại, song nếu cúng dường bảy hạng người này thì sẽ được phúc báo ở đời hiện tại. Vì thế, này A-nan! Hãy nỗ lực dõng mãnh để thành tựu bảy pháp ấy!”.
Lại nữa, kinh Tạp bảo tạng ghi: “Thuở xưa, tại nước Càn-đà-vệ, có một đồ tể sắp đem năm trăm con nghé đi thiến, lúc ấy có một vị quan thái giám dùng vàng bạc mua hết số bò nghé đó phóng thích. Nhờ nhân duyên ấy, ngay đời hiện tại ông được đầy đủ lại thân tướng người nam. Lát sau, ông trở về cung vua, nhưng không dám vào mà cho người thông báo cho vua biết: ‘Có người tên đó họ đó đang đứng bên ngoài’.
Vua nói:
- Đã là gia nhân của ta, hãy tự nhiên vào! Trước đã từng nói rồi, nay vì sao lại như thế?
Sau đó, vua gọi ông ta đến hỏi nguyên do. Ông liền thưa:
- Hôm trước vì thấy người đồ tể định thiến năm trăm con nghé, thần liền mua hết số nghé đó phóng thích, nhờ nhân duyên đó mà thân thể được trọn vẹn, nên thần sợ, không dám vào!
Sau khi nghe rõ nguyên do, vua vô cùng kinh ngạc, cho Phật pháp nhiệm mầu, nên hết lòng kính tín”.
Hoa báo mà còn có cảm ứng như thế, huống gì quả báo, đâu thể lường được?
Lại nữa, luận Tân Bà-sa[6] ghi: “Xưa có người đồ tể buôn trâu, khi lùa trâu đi trên đường, người đi trong đoàn nhiều mà lương thực lại cạn, tất cả đều đói khát mỏi mệt, liền bàn với nhau: ‘Bầy trâu này chẳng phải là tài sản của mình, ta nên cắt lưỡi nó để cứu đói cho mọi người’. Nghĩ vậy, mọi người lập tức dùng muối bôi lên miệng trâu, vì thèm vị mặn, trâu thè lưỡi ra liếm, họ liền dùng dao bén cắt lấy lưỡi trâu, đốt lửa nướng rồi cùng nhau ăn. Sau khi ăn xong, cùng nhau xuống sông tắm gội, súc miệng, xỉa răng. Xỉa răng xong, họ dùng ngón tay cái nạo lưỡi. Do sức nghiệp ác chiêu cảm, nên lưỡi của mọi người bị chín nhừ, cùng lúc đều rơi rụng hết”. (Đây đều là hiện báo do tạo nghiệp nặng).
XXII.4. Sinh báo
Kinh Niết-bàn ghi: “Này Thiện nam! Như người khi sắp bỏ thân mạng, chịu nhiều nỗi thống khổ,[120a] quyến thuộc vây quanh đau xót kêu gào khóc than, người này kinh hoàng sợ hãi, không biết nương tựa, cầu cứu vào ai? Tuy có năm giác quan, nhưng không còn hay biết, tay chân tê cứng, không cử động được, thân thể lạnh ngắt, hơi ấm sắp tàn, những tướng nghiệp báo thiện ác đã tạo từ trước kia hiện ra trước mắt. Như mặt trời sắp lặn, bóng núi gò đều ngã về hướng đông, không bao giờ chuyển sang tây. Nghiệp quả của chúng sinh cũng như thế, khi thân ngũ ấm này diệt, thì thân ngũ ấm sau tiếp tục sinh. Như ngọn đèn được thắp sáng thì bóng tối diệt; bóng tối biến mất, do ngọn đèn chiếu sáng.
Này Thiện nam! Như ấn sáp xuống bùn, ấn và bùn tiếp xúc nhau, ấn hư hoại mà đường nét đã hiện. Nhưng cái ấn sáp này chẳng biến mất trong bùn, nét vẽ cũng không phải ở trong bùn hiện ra, cũng không từ chỗ khác đến, nhưng nhờ ấn, mới thành nét vẽ. Cũng vậy, thân ngũ ấm hiện tại diệt, thì thân trung ấm sinh; thân ngũ ấm hiện tại rốt cuộc chẳng biến thành thân trung ấm; thân trung ấm chẳng phải tự sinh, cũng không từ nơi khác đến, nhưng nhờ ấm thân hiện tại mà sinh thân trung ấm. Như đóng ấn vào bùn, tuy ấn hoại mà đường nét đã thành. Danh từ tuy không sai biệt, nhưng thời tiết mỗi mỗi có khác. Cho nên ta nói thân trung ấm, mắt thường của người, trời không thể nhìn thấy. Thân trung ấm này có ba thức ăn: tư thực; xúc thực[7] và ý thực.
Thân trung ấm có hai loại: Quả của nghiệp thiện và quả của nghiệp ác. Từ nghiệp nhân thiện, nên đạt được giác quán[8] thiện; từ nghiệp nhân ác, nên đạt được giác quán ác. Khi cha mẹ giao hợp, tùy theo sức của nghiệp nhân mà dẫn đến chỗ thụ sinh. Đối với mẹ thì sinh lòng luyến ái, đối với cha thì khởi tâm sân hận. Khi tinh cha chảy ra, thì cho là mình hiện hữu, bèn sinh tâm vui mừng, ưa thích. Vì nhân duyên ba thứ phiền não này, nên thân trung ấm hoại diệt, thân ngũ ấm sinh trưởng. Giống như cái ấn in vào bùn, lấy ấn đi thì đường nét thành.
Khi sinh ra, có người đầy đủ các căn, có người không đầy đủ. Người đầy đủ các căn, thấy sắc liền sinh lòng tham đắm; do tham đắm nên gọi là ái; do hư dối mà sinh tham, nên gọi là vô minh. Từ hai nhân duyên tham ái và vô minh, nên cảnh giới được nhìn thấy đều điên đảo[9]”.
Kinh Tu hành đạo địa ghi: “Hành vi của người không thuần nhất, hoặc thiện, hoặc ác, nếu được đầu thai vào loài người, khi cha mẹ giao hợp, tinh cha không bị hư hoại, thân trung ấm liền gá vào. Thai mẹ thông suốt không có gì trở ngại, lòng luôn vui mừng, không có tà niệm thì dịu dàng đón nhận thai nhi. Tinh cha không trong không đục, điều hòa, không mạnh cũng không hư hại, cũng không đỏ, không đen, không bị gió lạnh và các thứ độc xen lẫn, khác với tiểu tiện, ngay lúc đó thích hợp cho việc thụ sinh, trung ấm liền đến. Từ tâm nghĩ rằng giả sử là nam mà không giao hợp với người nữ, thì ta muốn giao hợp, trung ấm nam nhớ nghĩ muốn hướng đến người nữ. [120b] Khi cha xuất tinh, trung ấm rất hoan hỷ, cho là của ta. Bấy giờ trung ấm liền mất, thân ngũ ấm liền gá vào bào thai. Khi tinh cha mẹ hòa hợp là ngũ ấm đã có mặt trong bào thai, càng vui mừng, đó là sắc ấm; khi vui mừng, đó là khổ thụ, lạc thụ ấm; lúc nhớ nghĩ đến tinh, đó là tưởng ấm; do duyên tội phúc xưa kia mà vào thai, đó là hành ấm; thần thức ở trong thai, đó là thức ấm. Sự hòa hợp như thế gọi là ngũ ấm.
Khi mới nhập thai thì liền có ý căn và thân căn. Tuần đầu tiên ở trong thai không tăng không giảm. Đến tuần thứ hai, chất tinh dần dần chuyển biến, giống như váng sữa mỏng. Tuần thứ ba, giống như sữa đông sống. Tuần thứ tư, chất tinh ngưng đặc như sữa đông chín. Tuần thứ năm tinh thai biến đổi giống như sinh tô[10]. Tuần thứ sáu biến thành như bướu thịt. Tuần thứ bảy chuyển dần thành một cục thịt. Tuần thứ tám chất tinh cứng dần như cục đất. Tuần thứ chín, biến thành năm chi phần: hai khuỷu tay, hai bắp đùi và từ trong đó xuất hiện đầu cổ. Tuần thứ mười, lại có năm chi phần nữa: hai cổ tay, hai cổ chân và đầu. Tuần thứ mười một, từ đây tiếp tục sinh thêm mười bốn chi phần: năm ngón tay, năm ngón chân, mắt, tai, mũi và miệng. Tuần thứ mười hai, hình dạng các chi phần này phát triển dần dần hoàn chỉnh. Tuần thứ mười ba, thì phát triển vùng bụng. Tuần thứ mười bốn, gan, phổi, tim, lá lách và thận được hình thành. Tuần thứ mười lăm, hình thành đại tràng (ruột già). Tuần thứ mười sáu, hình thành tiểu tràng (ruột non). Tuần thứ mười bảy, hình thành vùng dạ dày. Tuần thứ mười tám, hình thành sinh tạng, thục tạng. Tuần thứ mười chín, hình thành xương đầu gối, xương sườn, xương ngực, bàn tay, bàn chân, cánh tay, đốt xương, dây gân. Tuần thứ hai mươi phát triển các hình tướng cơ quan sinh dục, rốn, vú, cổ. Tuần thứ hai mươi mốt, bắt đầu hoàn thành bộ phận xương ở các vùng: hai xương vùng đầu, ba mươi hai xương vùng miệng, bảy xương cổ, hai xương đùi, hai xương khuỷu tay, bốn xương cánh tay, mười hai xương vùng ngực, mười tám xương sống, hai xương chậu, bốn xương đầu gối, bốn mươi xương chân, và nhiều xương nhỏ khác, tất cả một trăm lẻ tám xương. Toàn thân thể liên kết với phần thịt gồm mười tám xương ở hai bên hông, hai xương vai, như vậy toàn bộ xương trong thân thể người gồm ba trăm xương kết nối nhau. Trong thời gian này xương còn mềm như quả bầu non. Tuần thứ hai mươi hai, xương hơi cứng dần như quả bầu sắp chín. Tuần thứ hai mươi ba xương cứng như quả hồ đào, ba trăm xương này liên kết chặt nhau. [120c] Xương chân nâng giữ chân, xương cẳng chân nâng giữ cẳng chân. Như thế, xương chậu, xương đùi, xương sống, xương ngực, xương sườn, xương vai, xương cổ, xương má, xương cánh tay, xương cổ tay, cẳng chân v.v… mỗi mỗi đều liên kết chặt chẽ với nhau. Nhóm xương như thế giống như huyễn hóa, tùy theo sức gió nơi thân mà cử động điều khiển. Tuần thứ hai mươi bốn, phát triển một trăm sợi gân để kết nối toàn thân. Tuần thứ hai mươi lăm phát triển bảy nghìn mạch máu, nhưng vẫn chưa hoàn thành. Tuần thứ hai mươi sáu, các mạch máu đều đã hoàn chỉnh, thông rỗng như rễ sen. Tuần thứ hai mươi bảy, có ba trăm sáu mươi ba mạch máu được hoàn chỉnh. Tuần thứ hai mươi tám, bắt đầu hình thành các cơ bắp. Tuần thứ hai mươi chín, các cơ bắp hơi dày chắc. Tuần thứ ba mươi, hình thành da bao bọc quanh thân. Tuần thứ ba mươi mốt, da dần dần dày và cứng. Tuần thứ ba mươi hai, lớp da hoàn chỉnh. Tuần thứ ba mươi ba, tai, mũi, môi, các ngón tay, đốt chân hình thành. Tuần thứ ba mươi tư, hình thành chín mươi chín vạn tóc và lỗ chân lông, nhưng vẫn chưa hoàn chỉnh. Tuần thứ ba mươi lăm, lỗ chân lông hoàn chỉnh. Tuần thứ ba mươi sáu, các móng bắt đầu phát sinh. Tuần thứ ba mươi bảy, thai nhi trong bụng mẹ, do sức gió dấy khởi, nên mắt, tai, mũi, miệng bắt đầu máy động; khi có gió thì tác động đến lông tóc, hoặc xinh đẹp, hoặc thô xấu. Lại có gió khởi thì tạo thành nhan sắc của thân thể, hoặc trắng, hoặc đen đỏ, hoặc đẹp xấu, tất cả đều do nghiệp xưa tạo thành. Trong tuần này, phát sinh hơi lạnh, nóng, các đường đại tiện, tiểu tiện. Đến tuần thứ ba mươi tám, thai nhi trong bụng mẹ, tùy theo nghiệp xưa, tự nhiên có sức gió. Nếu nghiệp xưa là thiện, thì có mùi thơm làm cho thân và ý dễ chịu, mềm mại không tì vết, gân cốt ngay thẳng, khiến cho xinh đẹp ai cũng kính mến. Nếu nghiệp xưa xấu ác, thì có mùi hôi, khiến cho thân thể bất an, tâm ý khó chịu, tác động đến gân cốt, khiến xương cong lưng gù, thân tướng không được đoan nghiêm. Lại có trường hợp bất năng nam, mọi người không ưa thích. Lúc này đã ba mươi tám tuần lễ, thiếu bốn ngày đủ chín tháng, thai nhi đã hoàn chỉnh xương cốt thân thể của một người. Thai nhi nhận đủ hai phần: một phần từ cha, một phần từ mẹ. Các thứ mềm mại như lông tóc trên thân, hai gò má, mắt, lưỡi, cổ họng, tim, gan, lá lách, thận, ruột, huyết đều từ mẹ sinh trưởng; còn những thứ khác hơi cứng hơn như móng, răng, xương, gân, tủy, não, mạch v.v… đều từ cha sinh ra. Thai nhi nằm trong bụng mẹ, ở dưới sinh tạng, trên thục tạng. Nếu là bé trai, nằm ở bên hông trái, lưng hướng ra ngoài, mặt hướng vào trong; nếu là bé gái, thì nằm ở hông bên phải, mặt hướng ra ngoài, lưng hướng vào trong. [121a] Thai nhi nằm chỗ hôi dơ, khó chịu, toàn là bất tịnh. Tất cả xương gân co rút lại, không được duỗi thẳng, bọc trong túi da, trói trong bụng mẹ, nơi chứa đầy máu mủ, ô nhiễm, chỗ ở bức ép, lẫn vào chỗ phân tiểu, ngập chìm trong chỗ dơ uế. thai nhi ở trong ấy chín tháng. Nhưng bốn ngày sau cùng, trong đó, ngày thứ nhất, ngày thứ hai, nếu đời trước tạo nghiệp lành, thì phát khởi nghĩ: “Ta ở trong vườn hoặc ở cảnh trời”. Nếu đời trước tạo nghiệp ác, thì khởi nghĩ: “Ta ở trong địa ngục, hoặc ở thế gian”; ngày thứ ba sầu lo, không vui; đến ngày thứ tư sức gió trong bụng mẹ phát động, hoặc trên hoặc dưới, xoay chuyển thân thể thai nhi đảo ngược, đầu hướng xuống sản môn. Nếu là người có phúc thì tâm nghĩ: “Ta trầm mình vào trong ao nước để bơi lội vui chơi, giống như rơi từ trên giường cao xuống vườn hoa đầy hương”. Nếu là người thiếu phúc, tự nghĩ: “Ta rơi từ trên núi cao xuống bờ ao, rừng cây, trong chuồng xí, hoặc như rơi trên lưới gai địa ngục, hoặc trong rừng kiếm, giữa núi đá hoang vu”, nên tâm buồn rầu, không vui. Như thế, quả báo thiện ác hoàn toàn không giống nhau. Khi đứa bé vừa sinh ra được đặt trên đất, bị gió bên ngoài thổi đến, tay người xúc chạm, dùng nước ấm tắm rửa, khiến thân thể bị bức bách đau đớn giống bị ung nhọt. Do những nỗi khổ não này, mà lòng sợ chết và sinh nghi hoặc, cho nên mê muội không biết gì. Đứa bé sinh ra với đầy dẫy máu mủ và chất bất tịnh, nên các quỉ mị đến nhiễu loạn, nào là quỷ khiến động kinh, quỷ phi thi xúc chạm, trùng độc, quỷ gây bệnh điên tà, mỗi mỗi đều rình chờ để xâm phạm đứa trẻ. Như cục thịt rơi ở ngã tư đường, chim, diều hâu, chó sói đua nhau đến giành giựt. Bọn yêu quỷ đều muốn thừa dịp làm hại đứa trẻ kia, nên vây quanh giành giựt cũng giống như vậy. Nhưng nếu đời trước tạo nhiều phúc đức, thì yêu tà không thể làm hại được.
Đứa trẻ được nuôi dưỡng khôn lớn, từ các thứ thức ăn và không khí, khiến cho thân thể nó sinh ra tám mươi loại trùng:
- Hai loại ở chân tóc là Thiệt để, Trọng để.
- Ba loại ở đầu là Kiên cố, Thương tổn, Hủy hại.
- Một loại ở trong não và hai loại ở ngoài não là Đế chu, Mao nhiễu, Hội loạn.
- Hai loại ở trán là Giáp hạ, Hủ hủ.
- Hai loại ở mắt là Thiệt thỉ, Trọng thỉ.
- Hai loại ở trong tai là Thức vị, Hiện vị kỳ.
- Hai loại ở vành tai là Xích, Phục xích.
- Hai loại ở mũi là Phì, Phục phì.
- Hai loại ở miệng là Diêu, Động diêu.
- Hai loại ở trong răng là Ác tệ, Hung bạo.
- Ba loại ở chân răng là Suyễn tức, Hưu chỉ, Tốt diệt.
- Một loại ở lưỡi là Cam mỹ.
- [121b] Một loại ở cuống lưỡi là Nhu nhuyến.
- Một loại ở đầu lưỡi là Vãng lai.
- Một loại ở yết hầu là Thấu hầu.
- Hai loại ở con ngươi gọi là Sinh, Bất thục.
- Hai loại ở vai gọi là Thùy, Phục thùy.
- Một loại ở cánh tay gọi là Trụ lập.
- Một loại ở tay là Chu toàn.
- Hai loại ở ngực là Ngạch khanh, Quảng phổ.
- Một loại ở tim là Ban bác.
- Một loại ở vú là Chúng hiện.
- Một loại ở rốn là Vi nhiễu.
- Hai loại ở hông gọi là Nguyệt, Nguyệt diện.
- Hai loại ở xương sống là Nguyệt hành, Nguyệt mạo.
- Một loại giữa các đốt xương sống là An phong.
- Một loại ở trong da gọi là Hổ trảo.
- Hai loại ở thịt là Sảo phu, Thiêu thụ.
- Bốn loại ở xương là Thậm độc, Tập độc, Tế cốt, Tạp độc.
- Năm loại ở tủy là Sát hại, Vô sát, Phá hoại, Tạp hài, Bạch cốt.
- Hai loại ở ruột già là Đường lang, Đường lang chủy.
- Hai loại ở ruột non là Nhi tử, Thương tử.
- Một loại ở gan là Ngân chủy.
- Một loại ở sinh tạng gọi là Kỹ mục.
- Một loại ở thục tạng gọi là Đại tức.
- Một loại ở hậu môn gọi là Trùng thân.
- Ba loại ở trong phân là Cân, Kết, Tự biên phát.
- Hai loại ở xương cùng (xương cụt) là Lưu hạ, Trùng lưu.
- Năm loại ở trong bào thai là Nhục tính, Ác tộc, Ngọa ngụ, Nhi ngụ, Hộ kế.
- Một loại ở bắp vế gọi là Qua chi.
- Một loại ở đầu gối gọi là Hiện thương.
- Một loại ở cẳng chân gọi là Thiết chủy.
- Một loại ở ngón chân là Thiêu nhiên.
- Một loại ở giữa lòng bàn chân gọi là Thực bì.
Đó là tám mươi loại trùng ở trong thân người, ngày đêm cắn rứt cơ thể.
Trong thân người, do phong khí chuyển động, nên phát sinh ra một trăm lẻ một thứ bệnh, nóng lạnh kết hợp mỗi mỗi cũng có một trăm lẻ một thứ bệnh. Cộng chung trong thân người có bốn trăm lẻ bốn thứ bệnh. Như gỗ sinh ra lửa, lửa trở lại đốt cháy gỗ. Cũng như thế, bệnh vốn phát sinh từ thân, trở lại làm tổn hại thân người. Như trùng ở trong thân, luôn quấy nhiễu làm cho thân thể bất an.
Ba mươi sáu vật, giả kết hợp lại, tạm gọi là người, vọng che đậy, dối gạt phàm phu, cho nên mới khởi tâm yêu thương, gần gũi. Bậc trí thấy rõ là hư vọng, nào dám gần gũi! Giống như đồ gốm, cuối cùng cũng bị hư hoại. Cũng vậy, [121c] thân này giả tạm, mạng sống ngắn ngủi. Kẻ giàu người nghèo đều mê lầm, đến chết vẫn không hay biết. Giống như bốn cửa thành lớn bị lửa lần lượt thiêu cháy, thì tất cả đều bị thiêu thành tro bụi. Sinh, lão, bệnh, tử cũng như vậy!
Luận Du-già ghi: “Ở trong thai ba mươi tám tuần, thai nhi đầy đủ tất cả các chi phần, bốn ngày sau đó mới được sinh ra”.
Kinh này cho là thai nhi hoàn toàn đầy đủ, phải trải qua chín tháng, hoặc hơn chín tháng. Nếu chỉ tám tháng cũng tạm gọi là đầy đủ; nếu chỉ có bảy tháng, hoặc sáu tháng thì gọi là thiếu tháng. Cho nên kinh Pháp hoa có bài kệ:
Thụ thai hình bé nhỏ,
Tháng ngày lớn dần lên,
Nếu đức mỏng, thiếu phúc,
Bị các khổ bức bách.
Kinh Tam-muội ghi: “Trong thân người, do phần lửa dần dần tăng trưởng, phần nước dần dần suy giảm, nên già-la-la[11] đông đặc và cứng dần, biến thành cục thịt. Vì thế, nếu chúng sinh phúc mỏng, từ nhỏ đến lớn đều chịu các khổ”.
Kinh Thiền bí yếu ghi: “Thân người có ba phần, rốn là phần trung tâm, đầu là điện đường, trán là thiên môn”.
Kinh Xử thai[12] ghi: “Khi con người thụ thai, tuần thứ nhất hình thành bốn đại; tuần thứ hai do gió phát động, thai dần dần xoay chuyển hướng về phía hông của người mẹ; đến tuần thứ ba mươi tám có loại gió tên là Hoa trong bụng mẹ thổi, khiến cho thai nhi xoay đầu về sản môn”.
Kinh Thí dụ ghi: “Gió tác động đến nước, nước tác động đến đất, đất tác động đến lửa. Nếu tác động mạnh là nam, yếu là nữ. Gió với nước tác động nhau là nam, đất với nước tác động nhau là nữ”.
Luận Giải thoát đạo ghi: “Phần đất trong thân con người, nếu tán thành bụi thì có thể lường được một hộc hai thăng”.
Kinh Tăng nhứt a-hàm ghi: “Trong cơ thể của một người gồm có ba trăm hai mươi cái xương; chín mươi chín nghìn lỗ chân lông; năm trăm gân và mạch máu; tám mươi loại trùng”.
Kinh Ngũ đạo thụ sinh ghi: “Đứa trẻ lên ba, uống tất cả một trăm tám mươi hộc sữa. Ngoài ra, khi còn ở trong thai việc ăn uống của mẹ, cũng có phần của nó. Người ở Đông Phất-vu-đãi uống một nghìn tám trăm hộc sữa. Người ở Tây Cù-da-ni[13] uống một nghìn tám trăm hộc sữa. Người ở Bắc Uất-đan-việt, bảy ngày là thành thân người, ngày mới sinh ra, đứa bé được đặt ở ven đường, [122a] người đi đường dùng ngón tay cho nó bú, vì thế nên không uống sữa”.
XXII.5. Hậu báo
Luận Tỳ-bà-sa ghi: “Có một người, bảy đời nay thường làm nghề mổ thịt, nhưng lại không đọa vào ba đường ác, mà được sinh lên cõi trời, cõi người. Đây là nhờ phúc lực của người này đã cúng dường cho vị bích-chi phật một bữa ăn cách nay bảy đời, khiến cho anh ta bảy đời không đọa vào đường ác. Nhưng do người này tạo nghiệp sát sinh suốt bảy đời nay, nên anh ta sẽ lần lượt nhận chịu quả báo không thể tránh khỏi. Như thế, việc thiện, việc ác đều có phúc báo rõ ràng”.
Luận Trí độ ghi: “Tôn giả Xá-lợi-phất tuy thông minh, nhưng chưa đạt được bậc Nhất thiết trí, nên so với trí tuệ của Phật, trí của tôn giả giống như một đứa trẻ”.
Kinh A-bà-đàn-na[14] ghi: “Đức Phật ở Kỳ Viên, sau khi thọ trai, Ngài cùng với tôn giả Xá-lợi-phất kinh hành. Lúc ấy, có một con chim ưng đuổi bắt chim bồ câu. Bồ câu bay đến đậu bên cạnh Đức Phật. Khi Đức Phật kinh hành ngang qua, bóng của Ngài che lên chim bồ câu, nó cảm thấy được an ổn, không còn sự sợ hãi, không hốt hoảng kêu la nữa. Khi bóng tôn giả Xá-lợi-phất che đến, thì bồ câu liền hoảng hốt kêu vang, run sợ như lúc bị chim ưng rượt đuổi. Thấy vậy, tôn giả Xá- lợi-phất bạch Phật:
- Đức Phật và con, thân đều không còn ba độc, vì sao khi bóng của Thế Tôn che, thì bồ câu không kêu la sợ hãi; nhưng khi bóng của con che, thì nó liền kêu vang, run sợ như vậy?
Đức Phật dạy:
- Vì tập khí ba độc của ông vẫn còn, nên khi bóng của ông che, thì bồ câu sợ hãi!
Đức Phật lại bảo tôn giả Xá-lợi-phất:
- Ông hãy quán sát nhân duyên đời trước của chim này xem thử nó đã làm bồ câu trong bao nhiêu kiếp?
Tôn giả Xá-lợi-phất liền nhập Túc mạng trí[15] tam-muội. Ngài quán thấy chim bồ câu này, từ tám vạn đại kiếp đến nay, nó thường làm thân bồ câu. Những kiếp trong quá khứ xa hơn nữa, tôn giả không thể thấy được. Tôn giả Xá-lợi-phất bèn xuất định, khởi thân bạch Phật:
- Bạch Đức Thế Tôn! Con quán sát thấy chim này thường làm thân bồ câu trong tám vạn đại kiếp, còn những kiếp về trước xa hơn nữa, con không thể biết được!
Đức Phật dạy:
- Nếu ông không thể biết hết được đời quá khứ của nó, vậy ông thử quán xem đời vị lai, đến khi nào chim này mới thoát kiếp bồ câu?
Tôn giả Xá-lợi-phất liền nhập tam muội, quán thấy trải qua tám vạn đại kiếp, chim này vẫn chưa thoát khỏi kiếp bồ câu. Về sau xa hơn nữa, thì tôn giả không thể quán biết được đến khi nào chim này mới thoát khỏi thân bồ câu.
Đức Phật dạy tiếp:
- Nay trừ số kiếp mà các thanh văn và bích-chi phật biết, con chim này đã và sẽ trải qua hằng hà sa đại kiếp làm thân bồ câu, khi tội hết rồi, mới thoát khỏi thân bồ câu, nhưng lưu chuyển trong năm đường. Sau đó, được làm người, trải qua năm trăm đời mới được thông minh lanh lợi. Lúc ấy, có Phật ra đời, [122b] độ vô lượng a-tăng-kỳ chúng sinh, sau khi nhập Vô dư niết-bàn, giáo pháp của Ngài được lưu truyền ở đời. Bấy giờ chim bồ câu là vị ưu-bà-tắc giữ gìn năm giới, nghe các vị tì-kheo ca tụng công đức của Phật, bèn phát nguyện được gặp Đức Phật. Sau đó, trải qua ba a-tăng-kỳ kiếp, tu tập sáu ba-la-mật, đầy đủ giai vị Thập địa. Sau khi thành Phật, độ vô lượng chúng sinh, rồi mới nhập niết-bàn.
Khi đó, tôn giả Xá-lợi-phất hướng về Đức Phật cầu xin sám hối và bạch:
- Đối với một con chim, mà con chưa biết rõ quá khứ và vị lai của nó, huống chi các pháp khác! Nếu con có được trí tuệ như Ngài, dẫu có vào địa ngục A-tỳ chịu khổ vô lượng kiếp, cũng không lấy làm khó!”
XXII.6. Định báo
Kinh Phật thuyết nghĩa túc ghi: “Đức Phật bảo vị Phạm chí:
- Người đời có năm việc không thể tránh khỏi, đó là hao tổn, mất mát, bệnh tật, già yếu và chết. Muốn tránh năm pháp này cũng không thể được”.
Kinh Phật thuyết tứ bất khả đắc ghi: “Sáng sớm, Đức Phật cùng với các vị tì-kheo và bồ-tát ôm bát vào thành Xá-vệ khất thực, cả bốn chúng đều cùng đi theo. Từ hư không, các trời rồng quỉ thần rải hoa hương, trỗi kĩ nhạc cúng dường.
Bấy giờ, Đức Phật dùng đạo nhãn[16] quán sát thấy có bốn anh em đồng sản[17], lìa bỏ gia đình, sự nghiệp, vào núi tu tập và chứng được năm thần thông, đều là tiên nhân. Vô thường đến, tự biết mạng sống sắp hết, nên họ đều muốn lẫn tránh, bèn bàn với nhau:
- Chúng ta đều có thần thông, bay trên hư không, đến đi tự do, không gì ngăn ngại. Nhưng nay lại sắp bị vô thường cướp mất mạng sống, chúng ta nên tìm cách tránh khỏi tai họa này, không thể chết được!
Thế rồi, một người cho rằng bay lên hư không để ẩn mình, vô thường làm sao có thể tìm được?
Một người cho rằng đi vào trong chợ để lánh thân, ở chỗ rộng lớn người đông đúc ồn ào, vô thường làm sao tìm được?
Một người cho rằng đi vào biển lớn, cách bờ ba trăm ba mươi sáu vạn dặm, lặn sâu xuống biển, ở khoảng giữa đáy và mặt nước, ở đó, vô thường làm sao tìm được?
Một người mưu tính, vào trong núi lớn không người, tách quả núi làm đôi, rồi chui vào trong đó, khép quả núi lại, vô thường làm sao tìm được?
Bấy giờ, mỗi người theo cách của mình đi lánh nạn, nhưng cuối cùng cũng không thể thoát chết được.
Người trốn trong hư không, thì tự rơi xuống đất, giống như quả chín mùi rơi rụng. [122c] Người ở trong núi, tự chôn mình, lại bị cầm thú ăn thịt. Người ở trong biển rồi cũng chết, bị cá ăn thịt. Người vào trong chợ, cũng bị chết giữa đám đông người.
Đức Thế Tôn thấy việc này, cho họ là kẻ ngu si, không thông hiểu. Muốn bỏ oán của đời trước mà không trừ ba độc, chưa được tam đạt[18] và huệ vô cực, thì xưa nay chưa có ai thoát khỏi. Đức Phật liền tụng kệ:
Dù trốn trong hư không,
Hay lặn sâu giữa biển,
Hoặc chui vào lòng núi,
Để tự dấu thân mình.
Muốn cầu tránh cái chết,
Nếu chưa từng đạt định,
Việc ấy thật không thể,
Phải tinh tấn tu học,
Không thân mới được an!
Đức Phật bảo các tì-kheo:
- Người đời có bốn việc không thể đạt được:
1. Trẻ mãi không già: tuổi trẻ nhan sắc hồng hào, tóc đen, răng trắng, hình dáng xinh đẹp, sức sống dồi dào, đi đứng, ra vào thong dong tự tại, lên xe xuống ngựa, nhiều người hầu hạ, ai cũng ngưỡng mộ. Nhưng thoáng một chốc bỗng trở thành già nua, đầu bạc răng long, da nhăn mặt sạm, thân thể nặng nề, đi đứng phải chống gậy, thở dài. Do đó, người muốn trẻ mãi không già, không bao giờ được.
2. Khoẻ hoài không bệnh: thân thể cường tráng, xương cốt cứng cáp, đi đứng nhanh nhẹn, ăn uống tùy theo sở thích, trang điểm lộng lẫy, cho rằng không ai bằng mình, giương cung lắp tên, vung đao múa gậy. Như có ai hại, chẳng hề suy xét phải trái, chửi mắng nguyền a, cho là quyền thế. Tự cho mình không bao giờ bị suy tổn. Đến khi lâm bệnh, nằm liệt trên giường, tay chân không cử động được, thân thể đau đớn như vừa bị đánh; tai, mắt, mũi, miệng không nghe, không thấy, chẳng biết mùi vị ngon dở, đứng ngồi phải nhờ người khác, tiêu tiểu tùy tiện rồi nằm lăn trên đó, bao nhiêu khổ nạn khó mà kể hết. Giả sử có người muốn mãi mãi an vui khỏe mạnh, cũng không bao giờ được.
3. Sống hoài không chết: muốn cầu sống lâu ở cõi đời này đến vô cùng, nhưng lại bị khổ bệnh chết. Mạng sống đã ngắn ngủi, mà còn ôm nỗi lo muôn đời. Tuổi thọ ít mà lo nhiều, chẳng hiểu vô thường, chạy theo năm dục, buông lung tâm ý, tạo ra các nghiệp giết hại, trộm cướp, dâm dật, nói đôi chiều ác khẩu, nói dối, ỷ ngữ, tham lam tà kiến, bất hiếu cha mẹ, không vâng lời thầy bạn, khinh khi người lớn, phản nghịch vô đạo, mong cầu giàu có, cho rằng có thể trường tồn, xem thường thánh đạo; cho ta là hơn tất cả, ngã mạn tự cao, chạy theo danh vọng thế gian, chẳng biết nguyên do trong ngoài của trời đất; [123a] chẳng hiểu rõ tứ đại do nhân duyên hợp thành, giống như nhà ảo thuật; không biết được thế gian hưng khởi xưa nay, không nghe theo lời chỉ dẫn, chẳng biết từ đâu sinh đến, chết đi về đâu? Tâm chứa trời đất cho là ta, khi vô thường đến, giống như gió thổi mây tan. Mong được sống lâu, nhưng mạng sống bỗng chốc tiêu tan, không được tự tại. Muốn việc ấy không đến với ta thì chẳng bao giờ được.
4. Mọi người không khổ: cha mẹ anh em, thân bằng quyến thuộc, bạn bè thân thích, ân ái thỏa thích, tiền của giàu sang, quan tước bổng lộc, xe ngựa dạo chơi, thê thiếp con cái, hưởng thụ dục lạc, ăn uống thỏa mãn, chồng con tôi tớ, không cần biết đến ai, luôn tự ngắm mình, bước đi ngạo nghễ, coi thường mọi người, cho mình là hơn tất cả; xem kẻ ở tầm thường như trâu ngựa, đồng hạng với súc vật, rồi ra vào tùy tiện, không quy định thời gian, chẳng suy xét trước sau, cho mọi người là kẻ tôi tớ để sai khiến, nên phải phục tùng theo ý của mình. Đến khi nghiệp xưa chín mùi thì như băng tuyết bị dội nước sôi, lòng mới hoảng hốt hoang mang, lúc này mới cầu xin cứu vớt hoạn nạn, thì làm sao mà như ý nguyện được? Than ôi! Mạng sống đã đoạn, quỷ thần dẫn đi. Lúc đó, dẫu cha mẹ anh em, vợ con thân tộc, bạn bè thân thích, quyến thuộc ân ái đều tự lo liệu phần mình; quan tước của tiền, kẻ hầu người hạ cũng tự tan theo mỗi ngã. Mong được thoát chết cũng không bao giờ được.
Đức Phật bảo các tì-kheo:
- Từ khi có trời đất đến nay, không ai thoát khỏi bốn khổ nạn này. Chính vì bốn khổ nạn này nên Ta mới thị hiện ở đời!”
XXII.7. Bất định báo
Luận Thập trụ tì-bà-sa ghi: “Biết rõ pháp bất định là khi các pháp chưa sinh, chưa thể phân biệt được”.
Kinh Phật phân biệt nghiệp ghi: “Đức Phật bảo A-nan:
- Có người, thân làm việc thiện, miệng nói lời thiện, ý nghĩ điều thiện mà sau khi chết bị rơi vào địa ngục. Có người, thân làm việc ác, miệng nói lời ác, ý nghĩ điều ác mà sau khi chết lại được sinh về cõi trời!
A-nan bạch Đức Phật:
- Bạch Đức Thế Tôn! Vì sao như thế?
Đức Phật dạy:
- Do nghiệp nhân tội phúc đời trước của người này đã chín muồi, nghiệp nhân tội phúc ở đời nay chưa chín muồi; hoặc lúc sắp chết sinh chính kiến, hoặc tà kiến mà khởi lên các tâm thiện, ác mà dẫn đến như thế. Tâm thức của người lúc sắp chết có năng lực rất lớn”.
Kinh Tăng nhất A-hàm ghi: “Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các thầy tì-kheo:
- Có bốn hạng người xuất hiện ở đời: có người trước khổ, sau vui; có người trước vui, sau khổ; có người trước khổ, sau càng khổ; có người trước vui, sau cũng vui.
[123b] Thế nào là người trước khổ, sau vui?
Có người sinh vào nhà thấp hèn, nghèo khó không đủ cơm ăn, áo mặc. Nhưng nhờ không có tà kiến, nên người ấy biết được quả báo của công đức bố thí đời trước, sẽ cảm sinh vào nhà giàu sang; nếu trước không bố thí thì sẽ sinh vào nhà nghèo khó, không có đủ cơm ăn, áo mặc. Biết vậy, người này liền hướng tâm cầu sám hối, ăn năn, sửa đổi lỗi lầm xưa kia. Tất cả của cải có được đem chia cho mọi người. Người này đời sau, nếu được sinh vào loài người, thì có nhiều tiền tài của báu, không bị thiếu thốn.
Thế nào là người trước vui, sau khổ?
Có người được sinh vào nhà dòng dõi quí tộc, cơm áo đầy đủ, nhưng người này thường chấp giữ tà kiến và biên kiến, nên đời sau ắt sinh vào địa ngục. Nếu được sinh làm người, thì sinh vào nhà nghèo cùng, không đủ cơm ăn áo mặc.
Thế nào là người trước khổ, sau khổ?
Có người sinh vào nhà nghèo cùng không đủ cơm ăn áo mặc, lại còn chấp giữ tà kiến và biên kiến, đời sau bị rơi vào địa ngục. Nếu sinh vào loài người, thì rất nghèo khổ, không có cơm ăn áo mặc.
Thế nào là người trước vui, sau càng vui?
Có người sinh vào nhà thuộc dòng dõi quí tộc, giàu sang, lại còn biết kính trọng tam bảo, thường tu bố thí, thì đời sau được sinh về cõi trời, cõi người luôn được giàu sang.
Bấy giờ, Đức Phật bảo các thầy tì-kheo:
- Có chúng sinh trước khổ, sau vui; có chúng sinh trước vui, sau khổ; có chúng sinh trước khổ, sau khổ; có chúng sinh trước vui, sau vui! Như người tuy sống trăm tuổi, nhưng thật chỉ có mười năm. Trong khoảng trăm năm đó, hoặc tạo các công đức, hoặc tạo các nghiệp ác. Vào khoảng thời gian nào đó, người kia hoặc mùa đông được sung sướng, nhưng mùa hạ chịu khổ sở. Hoặc có người lúc trẻ tạo phúc, khi lớn gây tội, thì đời sau, lúc trẻ hưởng phúc, khi lớn chịu tội khổ. Hoặc có người lúc trẻ tạo tội, khi lớn làm phúc, thì đời sau, lúc trẻ chịu tội, nhưng khi lớn được hưởng phúc. Hoặc có người lúc nhỏ gây tội, khi lớn cũng gây tội, thì người này ở đời sau, trước chịu khổ, sau cũng chịu khổ. Hoặc có người lúc nhỏ làm phúc, lớn lên cũng làm phúc, thì người này ở đời sau, trước vui, sau cũng vui!
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các thầy tì-kheo:
- Có bốn hạng người xuất hiện ở đời: người thân vui mà tâm không vui; người tâm vui mà thân không vui; người thân tâm đều vui; người thân tâm đều không vui.
Thế nào là người thân vui mà tâm không vui?
Phàm phu tạo phúc, cúng dường đầy đủ bốn món như: y phục, thức ăn món uống, giường mùng chăn chiếu và thuốc men, [123c] nhưng không thoát khỏi nỗi khổ trong ba đường ác.
Thế nào là người tâm vui mà thân không vui?
Đó là bậc a-la-hán, mặc dầu không tạo công đức, không thể tự lo liệu cúng dường bốn món, nhưng có thể thoát được nỗi khổ trong ba đường ác.
Thế nào là người thân tâm đều không vui?
Đó là hạng phàm phu không tạo công đức, không cúng dường bốn món, thì không thể thoát khỏi nỗi khổ trong ba đường ác.
Thế nào là người thân tâm đều vui?
Đó là bậc a-la-hán tạo nhiều công đức, cúng dường bốn món đầy đủ, nên thoát khỏi nỗi khổ trong ba đường ác”.
XXII.8. Thiện báo
Luận Di-lặc bồ-tát sở vấn kinh ghi:
Hỏi: Thế nào là quả bố thí?
Đáp: Nói chung, bố thí có một loại quả gọi là quả thụ dụng. Quả thụ dụng lại chia ra hai: quả thụ dụng hiện tại và quả thụ dụng vị lai. Lại có ba loại quả, đó là hai loại quả trên, cộng với bát-nhã. Lại có bốn loại quả: hữu quả vô dụng; hữu dụng vô quả; hữu quả hữu dụng và vô quả vô dụng.
1. Hữu quả vô dụng: không thành tâm bố thí, không tự tay mình bố thí, bố thí với tâm khinh thường. Bố thí như thế tuy được nhiều quả báo, nhưng không thể thụ dụng. Như Thiên chủ ở Xá-vệ tuy có vô lượng của báu, nhưng không thể thụ dụng.
2. Hữu dụng vô quả: tự mình không bố thí, nhưng thấy người khác thực hành bố thí thì khởi tâm tùy hỷ, do đó tuy được thụ dụng, nhưng mình không được quả. Như tất cả sa-môn, bà-la-môn v.v… tuy thụ dụng y phục, thức ăn và vật dụng của vua, nhưng mình không được quả. Như tứ binh[19] tuy nhận được y phục, thức ăn của Chuyển luân thánh vương, mà không được quả.
3. Hữu quả hữu dụng: bố thí với tâm chí thành, bố thí không có tâm khinh thường; như các vị trưởng giả Thụ-đề-già v.v…
4. Vô quả vô dụng: bố thí rồi, nhân bố thí liền diệt; hoặc bị thánh đạo xuất thế ngăn chặn. Cũng giống như thánh nhân xa lìa phiền não.
Lại có năm loại phúc quả, đó là được năm thứ: mạng sống, sắc tướng, sức lực, thuốc men, biện tài. Như nhờ ăn mà được mạng sống, cho nên thí thực tức là thí mạng. Do nhân duyên này về sau được quả báo thọ mạng dài lâu. Bố thí sắc tướng, bố thí sức lực, bố thí thuốc men, bố thí biện tài cũng giống như thế.
[124a] Lại có năm loại quả thù thắng đạt được do cung dưỡng cho cha, mẹ, người bệnh, pháp sư, bồ-tát. Vì cha mẹ có ân đức sinh thành nuôi dưỡng thân mạng ta, cho nên cung dưỡng cho cha mẹ được quả báo thù thắng. Người bệnh nằm một mình rất đáng thương, do đó nên khởi lòng từ bi, cung dưỡng cho người bệnh thì được phúc báo thù thắng. Người thuyết pháp có khả năng sinh ra pháp thân, tăng trưởng pháp thân cho ta, giúp ta phân biệt được thiện ác, đúng sai, chân chính hay điên đảo, cho nên cung dưỡng cho người thuyết pháp thì được phúc báo thù thắng. Bồ-tát có năng lực thâu nhiếp giữ gìn, làm lợi ích cho chúng sinh, thường khởi tâm từ bi giữ gìn tam bảo, không đoạn tuyệt nhân. Do đó, nên cung dưỡng cho bồ-tát thì được phúc báo thù thắng. Bồ-tát vì phát tâm dõng mãnh, sức bi nguyện độ sinh rất lớn, nên không giống với những phúc báo khác có tâm nhỏ hẹp.
Kinh Tăng nhất A-hàm ghi: “Đức Thế Tôn bảo các tì-kheo:
- Nay Như Lai sẽ nói về bốn phúc mà thiện nam, thiện nữ tạo ra sẽ được sinh về cõi Phạm thiên:
1. Có lòng kính tin, xây dựng thâu-bà[20] ở những nơi chưa có.
2. Có lòng kính tin, sửa chữa chùa cũ.
3. Có lòng kính tin, ủng hộ hòa hợp thánh chúng.
4. Các trời, người khuyến thỉnh Đa-tát-a-kiệt[21] Sơ chuyển pháp luân.
Đó là bốn loại phúc được sinh về cõi Phạm thiên.
Các tì-kheo bạch Đức Thế Tôn:
- Phúc sinh về Phạm thiên nhiều hay ít?
Đức Thế Tôn đáp:
- Công đức của tất cả chúng sinh trong châu Diêm-phù-đề bằng công đức của một Chuyển luân thánh vương. Công đức của người trong châu Diêm-phù-đề cộng với công đức của một Chuyển luân thánh vương mới bằng công đức của một người ở châu Cù-da-ni. Công đức của hai châu Diêm-phù và Cù-da-ni không bằng công đức của một người ở châu Phất-vu-đãi. Phúc của người ở trong ba châu nói trên, không bằng phúc của một người ở châu Uất-đơn-việt. Phúc của người trong bốn châu thiên hạ đó, không bằng phúc của Tứ Thiên Vương. Cho đến phúc của người trong bốn châu thiên hạ và phúc của trời Lục Dục, không bằng phúc của một Phạm Thiên vương. Đây chính là lượng phúc của người thiện nam, thiện nữ cầu sinh về Phạm thiên mà các thầy muốn biết!”
Kinh Trung A-hàm ghi: “Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các thầy tì-kheo:
- Nếu người nào hay thụ trì bảy việc, thì được sinh về chỗ của Đế Thích.
Ngài liền nói kệ:
Cúng dường cha và mẹ,
Bậc tôn trưởng trong nhà,
Nhu hòa và khiêm tốn,
Bỏ nói ác, đôi chiều,
Điều phục tâm keo kiệt,
Thường nói lời chân thật.
[124b] Vua trời Ba Mươi Ba,
Thấy người hành pháp này,
Mỗi mỗi đều bảo rằng,
Sẽ sinh về Đế Thích!”
Kinh Tạp bảo tạng có bài kệ:
Phúc nghiệp như quả chín,
Cầu thần đâu thể được,
Người cưỡi xe trì giới,
Sau được sinh cõi trời.
Tâm định như đèn tắt,
Đạt đến cõi Niết-bàn,
Tất cả do tu hành,
Cầu trời làm sao được!
XXII.9. Ác báo
Nếu có hình thì ảnh hiện, có tiếng tức có vang! Chưa thấy việc hình còn mà ảnh đã mất, tiếng dội mà vang đã dừng. Lẽ thiện ác có báo ứng rõ ràng không sai lệch. Xin nguyện tin sâu, chẳng sợ mai sau mất mát. Quả báo khổ đau nặng hay nhẹ sẽ được trình bày đầy đủ ở phần sau.
XXII.9.1. Sát sinh là nỗi khổ lớn thứ nhất
Như thân tạo nghiệp sát, hoặc lóc thịt thẻo da, nướng rang loài dưới nước, săn bắn chim thú. Nếu giết hại chúng sinh thì nhất định sẽ bị đọa vào trong các địa ngục mổ xẻ, cưa chém v.v… Nếu chưng nấu, rang nướng chúng sinh thì nhất định đọa vào các địa ngục vạc dầu sôi, lò than đỏ, v.v… Do nghiệp sát sinh này, nên đọa vào địa ngục, quanh năm mãn kiếp chịu đủ các thứ khổ đau kịch liệt. Sau khi chịu khổ xong, lại đọa vào loài súc sinh, làm các loài trâu, ngựa, heo, dê, la lừa, lạc đà, gà, chó, cá, chim, sò, ốc v.v… bị người giết hại. Các loài ốc hến mạng sống không dài lâu, lại đem thân mình làm món ăn ngon; làm cầm thú trong núi trải qua vô lượng kiếp sinh tử. Nếu không có mảy may thiện thì vĩnh viễn không thoát ra được. Ví như nhờ có chút phúc, thì được làm thân người. Nhưng vừa gá thai đã bị hư sẩy, hoặc sinh ra liền chết, hoặc đến mười tuổi, hai mươi tuổi mà chưa hề biết gì, như từ chỗ tối tăm lại vào chỗ tối tăm. Thật đáng xót thương! Nên biết mạng sống ngắn ngủi đều do sát sinh.
Luận Địa trì ghi: “Tội sát sinh có thể khiến chúng sinh bị đọa vào ba đường ác. Nếu được sinh vào loài người, thì phải chịu hai loại quả báo: Mạng sống ngắn ngủi, thân mang nhiều bệnh tật”.
Mười điều ác, mỗi mỗi đều có đủ năm quả báo:
Sát sinh có năm nỗi thống khổ lớn:
a. Sát sinh phải chịu khổ trong địa ngục: bởi vì sát sinh là làm cho chúng sinh phải chịu khổ, nên sau khi thân hoại mạng chung, tất cả các thứ khổ trong địa ngục đều dồn về bức bách mình.
b. Sát sinh phải bị sinh vào loài súc sinh: vì sát sinh là không có lòng từ bi, trái với đạo lí làm người, nên sau khi chịu khổ ở địa ngục xong, phải chịu làm thân súc sinh.
c. Sát sinh phải bị đọa vào loài ngạ quỷ: vì sát sinh ắt do tâm keo kiệt dẫn đến, lại còn tham đắm vị ngon bổ, nên sau bị đọa làm ngạ quỷ.
[124c] d. Sát sinh khi được làm người thì tuổi thọ ngắn ngủi: vì sát sinh là tàn hại mạng sống của muôn vật, nên tuổi thọ ngắn.
e. Sát sinh thân bị mang nhiều bệnh tật: vì sát sinh làm trái đạo lí, chuốc lấy các tai họa vào thân, nên thân sinh nhiều tật bệnh.
Kinh Tạp tạng ghi: “Bấy giờ có một con quỷ bạch tôn giả Mục-kiền-liên:
- Tôi thường có mắt ở hai vai, có miệng và mũi ở trước ngực, mà không có đầu. Đó là do nhân duyên gì?
Mục-kiền-liên đáp:
- Trong đời trước, ngươi thường là đệ tử của bọn đao phủ đồ tể, mỗi khi giết người, ngươi rất vui thích, dùng dây thừng cột tóc người kéo đi, do nhân duyên đó, nên ngươi phải chịu tội như vậy. Đây chỉ là hoa báo của việc ác, còn quả báo bị đọa vào địa ngục ở đời sau!
Sau đó, lại có một con quỷ khác đến hỏi tôn giả Mục-liên:
- Thân tôi thường như khối thịt, chẳng có tay chân, mắt, tai, mũi v.v… thường làm các loài sâu, dòi và bị chim đến mổ ăn, tội khổ thật không chịu nổi. Do nhân duyên gì mà bị như thế?
Mục-liên đáp:
- Ở kiếp trước, ngươi thường cho người ta uống thuốc phá thai, nên nay phải chịu tội như vậy. Đây mới chỉ là hoa báo, còn quả báo là bị đọa vào địa ngục ngay thân đời sau!”
Lại do nhân sát sinh, nên lòng tham càng nhiều; lòng tham càng nhiều, thì không có tâm nhường nhịn, mà còn trộm cướp. Nay thân trộm cướp, sau khi chết bị đọa vào địa ngục Hang sắt, chịu nhiều khổ não trong vô lượng kiếp. Sau khi hết các khổ địa ngục, lại phải sinh vào loài súc sinh, thân thường mang chở nặng, lại bị roi gậy đánh đập, không có chút dừng nghỉ, chỉ ăn toàn cỏ nước. Ở trong loài súc sinh này trải qua vô lượng kiếp sinh tử. Nhờ nhân duyên xưa, nếu gặp được một chút căn lành, thì được làm người thấp hèn, thường làm tôi tớ, bị người sai khiến không được tự do, trả nợ không bao giờ xong, chẳng được nghe pháp, phải chịu nỗi khổ luân hồi không cùng tận.
XXII.9.2. Trộm cắp là nỗi thống khổ lớn thứ hai
Nay dùng thân hình che lấp ánh sáng, không dâng ánh sáng cúng dường tam bảo, mà ngược lại, lấy ánh sáng của tam bảo để dùng riêng cho mình, sau khi chết nhất định bị rơi vào các địa ngục Hắc Nhĩ, Hắc Thằng, Hắc Ám chịu khổ vô lượng kiếp. Sau khi chịu khổ trong các địa ngục ấy rồi, lại bị đọa làm thân chí rận… không chịu nổi ánh sáng. Ở trong loài này vô lượng sinh tử. Nhờ nhân duyên xưa, gặp được chút căn lành, thì được làm thân người thấp hèn, dung mạo xấu xí, thân đầy nốt đen, thường ở những nơi nhơ uế, hôi thối, người thấy đều nhàm gớm xa lìa, hai mắt mù lòa không thấy được muôn vật. Nên biết tội che lấp ánh sáng cũng do trộm cắp mà ra!
Luận Địa trì ghi: “Tội trộm cắp cũng khiến cho chúng sinh bị đọa vào ba đường ác. [125a] Nếu được sinh làm người thì bị hai loại quả báo là nghèo cùng và tài sản không được tự do tiêu dùng”.
Nên biết trộm cắp có năm quả báo khổ:
1. Trộm cắp bị đọa vào địa ngục: vì cướp đoạt, bóc lột, trộm cắp tài sản của người, làm khổ não chúng sinh, sau khi chết liền đọa vào địa ngục Hàn Băng chịu nhiều nỗi thống khổ.
2. Trộm cắp bị sinh vào loài súc sinh: do không thực hành đạo làm người, nên chịu quả báo súc sinh, thân thường mang nặng, đem thịt mình cung cấp cho người để đền nợ đời trước.
3. Trộm cắp bị đọa vào ngạ quỷ: do keo kiệt, bỏn xẻn, tham lam dẫn đến trộm cắp. Vì thế, sau khi chịu khổ báo trong loài súc sinh xong, liền phải bị đọa vào ngạ quỷ.
4. Trộm cắp thường sinh làm người nghèo cùng: vì tội cướp đoạt khiến cho người ta mất hết tài sản, do đó mà chiêu cảm quả báo nghèo cùng.
5. Tài sản chung, không được tự do thụ hưởng: vì tội trộm cắp thường bị sung vào cửa quan, nếu có tiền của thì bị năm nhà[22] cùng cướp đoạt, nên không được tự do.
Kinh Tạp bảo tạng ghi: “Lúc đó có một con quỷ bạch với Mục-kiền-liên:
- Bạch đại đức! Bụng của con quá to giống như cái lu, cổ họng và tay chân lại nhỏ như cây kim, không thể ăn uống được. Do nhân duyên gì mà con phải chịu nỗi thống khổ này?
Tôn giả Mục-liên đáp:
- Trong đời trước, ngươi làm chủ một thôn xóm, tự ỷ mình giàu sang, ăn nhậu say sưa, khinh khi mọi người, cướp đoạt miếng ăn của người khác, khiến cho nhiều người đói khổ. Do nhân duyên đó, mà ngươi phải chịu tội này. Đây chỉ là hoa báo, còn quả báo là thân sau ngươi phải chịu khổ báo trong địa ngục.
Lại có một con quỷ khác đến bạch tôn giả Mục-liên:
- Hai bên nách của con thường có hai bánh xe sắt nóng, khiến cho thân thể con bị nung nấu nhuyễn nhừ. Do nhân duyên gì mà con bị như thế?
Tôn giả Mục-liên đáp:
- Trong đời trước, khi làm bánh cho chúng tăng, ngươi đã lén lấy hai cái bánh kẹp dấu vào trong hai nách, do đó, ngươi phải chịu tội như thế. Đây chỉ là hoa báo, còn quả báo là thân sau phải chịu khổ trong địa ngục.
Do trộm cắp mà tâm không ngay thẳng, trong sạch, tư tình dâm dật. Nay thân dâm dật, hiện đời bị gặp phải những điều hung ác, nguy hiểm, thường bị sợ hãi. Có khi bị chồng biết được, đến lúc bị ách nạn dao gậy đánh đập, đầu chân bị chặt lìa, thậm chí mất mạng. Sau khi chết bị đọa vào địa ngục, nằm trên giường sắt, hoặc ôm trụ đồng, bị quỷ trong ngục đốt lửa thiêu thân. Chịu tội trong địa ngục vừa xong, lại phải thụ thân súc sinh: gà, vịt, chim, sẻ, chó, heo, bươm bướm v.v… trải qua vô lượng sinh tử như thế, chịu khổ đau trong vô lượng kiếp. Sau khi chịu khổ trong loài súc sinh xong, nhờ nhân duyên xưa, nếu gặp được chút căn lành, thì được làm thân người thấp hèn, lại dâm loạn chốn khuê phòng, thê thiếp không trinh tiết. Nếu được sủng ái, thì bị người khác cướp đoạt, thường ôm lòng sợ hãi, [125b] nhiều mối nguy hiểm, tinh thần bất an.
XXII.9.3. Tà dâm là nỗi thống khổ lớn thứ ba
Luận Địa trì ghi: “Tội tà dâm cũng khiến cho chúng sinh bị đọa vào trong ba đường ác. Nếu được sinh vào loài người thì gặp hai loại quả báo là vợ không trinh tiết và quyến thuộc không được như ý”.
Tà dâm có năm nỗi quả báo khổ lớn:
1. Tà dâm bị quả báo đọa vào địa ngục: vì tà dâm xâm phạm người khác trái với lẽ thường, làm cho người khác bị khổ. Do đó, sau khi chết chịu khổ trong địa ngục.
2. Tà dâm bị quả báo đọa vào súc sinh: vì tà dâm không hợp đạo lí làm người, do đó khi chịu khổ báo ở địa ngục xong, liền phải thụ thân súc sinh.
3. Tà dâm bị quả báo đọa vào ngạ quỷ: vì tà dâm đều do xan tham, luyến ái dẫn đến, nên bị đọa làm ngạ quỷ.
4. Tà dâm bị quả báo gặp vợ không trinh tiết: vì xâm phạm vợ người ta, do đó mà thường gặp phải vợ không đoan chính, trinh tiết.
5. Tà dâm bị quả báo quyến thuộc không như ý: vì tà dâm là cướp đoạt sự sủng ái của người, cho nên quyến thuộc không được như ý. Do đó thường bị kẻ khác đoạt mất người mình yêu quý.
Kinh Tạp bảo tạng ghi: “Xưa có một con quỷ hỏi tôn giả Mục-liên:
- Con thường dùng vật tự trùm kín lên đầu, lại luôn sợ người đến giết hại, tâm thường hoảng hốt, không thể chịu nổi. Do nhân duyên gì mà bị như thế?
Tôn giả đáp:
- Trong đời trước, ngươi thường tà dâm, xâm phạm người ngoài, thường sợ người ta phát hiện, hoặc sợ chồng người bắt trói đánh giết, hoặc sợ pháp luật trừng trị, bêu thây nơi phố chợ, luôn ôm lòng lo sợ, hoảng hốt, bất an, nên nay ngươi phải chịu tội như thế. Đây chỉ là hoa báo của hạnh dơ xấu, còn quả báo là đời sau phải chịu quả khổ trong địa ngục”.
Lại do tà dâm, mà dẫn đến lời nói đều không thật, dối gạt người khác. Đời nay dối gạt làm mọi người phải khổ não, thì sau khi chết nhất định phải đọa địa ngục Đề Khấp, chịu khổ vô lượng kiếp. Sau khi chịu khổ trong địa ngục đó xong, liền bị đọa vào loài ngạ quỷ chịu khổ sinh tử vô lượng kiếp. Nhờ vào nhân duyên xưa, nếu gặp được điều thiện nhỏ, thì được làm người thấp hèn, chịu nhiều nỗi đau khổ bệnh tật, gầy ốm yếu đuối, khốn đốn khổ sở, tự mang nhiều chứng bệnh nguy kịch khó trị, không ai thương tưởng.
XXII.9.4. Vọng ngữ là nỗi thống khổ lớn thứ tư
Luận Địa trì ghi: “Tội vọng ngữ cũng khiến cho chúng sinh đọa vào ba đường ác. Nếu được sinh vào loài người thì mắc hai quả báo là bị nhiều người phỉ báng và bị người dối gạt”.
Do đó, vọng ngữ có năm nỗi thống khổ lớn:
a. Vọng ngữ bị đọa vào địa ngục: do vọng ngữ là nói lời không chân thật, khiến cho người tin theo lời hư dối ấy mà phải chịu khổ não, do đó, sau khi chết phải chịu nỗi khổ trong địa ngục.
b. Vọng ngữ bị đọa vào súc sinh: vì vọng ngữ là khinh khi, trái ngược với lòng tin chân thật của người, do đó, [125c] vừa ra khỏi địa ngục liền chịu quả báo khổ súc sinh.
c. Vọng ngữ bị đọa vào ngạ quỷ: vì vọng ngữ đều do bỏn xẻn, khinh khi dẫn đến. Do đó sau khi chết bị đọa vào ngạ quỷ.
d. Vọng ngữ bị người phỉ báng: vì vọng ngữ là không thành thật.
e. Vọng ngữ bị người dối gạt: vì vọng ngữ dối gạt, cám dỗ người.
Lại nữa, vọng ngữ còn dẫn đến tội nói đôi chiều. Nếu đời nay nói lời không từ ái, phỉ báng, hủy nhục, nói lời hung ác, tạp loạn, thì sau khi chết sẽ bị đọa vào các địa ngục rót nước đồng sôi vào miệng, kéo lưỡi cho trâu cày. Chịu khổ ở trong các địa ngục ấy trong vô lượng kiếp. Sau khi chịu khổ trong địa ngục đó vừa xong, liền đọa vào loài súc sinh, ăn các thứ phân dơ, như chim đề hồ (bồ nông) không có lưỡi. Ở trong loài này chịu vô lượng kiếp sinh tử. Nhờ nhân duyên xưa, nếu may gặp được chút thiện nhỏ, thì được làm người thấp hèn, lưỡi không được toàn vẹn, hơi miệng hôi thúi, câm ngọng, nói năng khó khăn, răng không trắng đều, mà lại thưa thiếu, nếu có nói ra lời lành mọi người cũng không tin. Nên biết sàm tấu, nhiễu loạn đều do nói đôi chiều sinh.
XXII.9.5. Nói đôi chiều là nỗi thống khổ lớn thứ năm
Luận Địa trì ghi: “Tội nói đôi chiều cũng khiến chúng sinh đọa vào ba đường ác. Nếu được sinh làm người thì gặp phải hai loại quả báo là quyến thuộc xấu ác và quyến thuộc bất hòa”.
Nên biết nói đôi chiều bị mắc phải năm nỗi thống khổ lớn:
a. Nói đôi chiều bị đọa vào địa ngục: vì nói đôi chiều làm cho những người thương yêu nhau phải chia lìa; thương yêu mà bị chia lìa là khổ não, cho nên phải chịu khổ não trong địa ngục.
b. Nói đôi chiều bị đọa vào loài súc sinh: vì nói đôi chiều gây ra việc đấu tranh hiềm khích, giống như loài dã can, cho nên phải chịu thân súc sinh.
c. Nói đôi chiều bị đọa vào loài ngạ quỷ: vì nói đôi chiều cũng do bỏn xẻn, ganh ghét dẫn đến. Vì tội keo kiệt ganh ghét, nên bị đọa vào ngạ quỷ.
d. Nói đôi chiều khi được làm người lại gặp phải quyến thuộc xấu ác: vì nói đôi chiều khiến bạn bè thân thiết bỗng trở sinh lòng hiềm ghét nhau.
e. Nói đôi chiều khi được làm người lại gặp phải quyến thuộc bất hòa: vì nói đôi chiều làm li gián mối quan hệ tốt, khiến trở thành bất hòa.
Lại nữa, do lời nói đôi chiều dẫn đến nói lời thô ác. Nếu đời nay nói lời thô ác, đấu tranh, tàn hại, xâm phạm lẫn nhau, giết hại các loài chúng sinh, thì sau khi chết sẽ bị đọa vào địa ngục đao binh, chịu vô lượng khổ não. Sau khi chịu khổ ở địa ngục ấy xong, lại đọa vào loài súc sinh, bị bẻ chân chặt cánh, móc ruột moi gan, chịu khổ vô lượng kiếp. Ở trong loài súc sinh chịu khổ sinh tử vô lượng kiếp. Nhờ nhân duyên xưa, nếu may gặp được chút thiện nhỏ, thì được làm người thấp hèn, tay chân không được đầy đủ, bị nạn hoạn quan, cắt gân cắt mũi, thân hình tàn tật, quỷ thần không hộ vệ, bị người khinh bỏ. Nên biết tội tàn sát chúng sinh đều do ác khẩu phát sinh.
XXII.9.6. Ác khẩu là nỗi thống khổ lớn thứ sáu
[126a] Luận Địa trì ghi: “Tội ác khẩu cũng khiến chúng sinh đọa vào ba đường ác. Nếu được sinh làm người thì bị hai quả báo là thường phải nghe những tiếng xấu ác và nói ra điều gì cũng thường có tranh cãi”.
Nên biết ác khẩu bị năm quả báo khổ lớn:
a. Ác khẩu bị đọa vào địa ngục: vì ác khẩu đều muốn hại người, khiến cho người nghe phải buồn khổ. Do đó, sau khi mạng chung bị đọa vào địa ngục chịu nhiều thống khổ.
b. Ác khẩu bị đọa làm súc sinh: vì ác khẩu thường mắng nhiếc, nhục mạ người, chửi người khác là súc sinh. Do đó, sau khi chịu khổ địa ngục xong, lại phải chịu quả báo làm súc sinh.
c. Ác khẩu bị đọa làm ngạ quỉ: do tham lam bỏn xẻn dẫn đến mạ nhục, nguyền a người khác, nên sau khi chịu khổ trong loài súc sinh rồi, lại bị đọa làm ngạ quỉ.
d. Ác khẩu thì khi được làm người thường bị quả báo nghe những tiếng ác: vì ác khẩu thường phát ra lời thô lỗ, xấu xa, nên khi được làm người thường bị quả báo nghe những tiếng ác, lời nói cộc cằn.
e. Ác khẩu thì khi được làm người, nói ra điều gì cũng luôn gây tranh cãi: vì ác khẩu trái tai người nghe, nên khi nói ra điều gì thường dẫn đến sự tranh cãi nhau.
XXII.9.7. Nói lời vô nghĩa là nỗi thống khổ lớn thứ bảy
Từ lời nói ác dẫn đến nói lời hoa mỹ, phù phiếm, hoàn toàn vô nghĩa, không đem lại lợi ích. Người kiêu ngạo, đến khi chết liền rơi vào địa ngục Trói buộc, chịu nhiều nỗi thống khổ trong nhiều kiếp. Khi chịu khổ ở địa ngục xong, lại đọa làm thân súc sinh, chỉ biết nghĩ đến cỏ và nước, không biết ơn dưỡng dục của cha mẹ. Ở trong loài này qua vô lượng kiếp sinh tử. Nhờ nhân duyên xưa, nếu may gặp được chút thiện nhỏ, thì được làm người nhưng thấp hèn, sinh vào những vùng biên địa, không biết trung, hiếu, nhân, nghĩa, không gặp tam bảo. Nếu sinh vào chốn thành thị thì chịu thân lùn xấu, lệch què, lưng gù, bị người lăng nhục. Nên biết bỏn xẻn, kiêu ngạo, tự cao đều do vô nghĩa, điều hí, không biết cách sống.
Luận Địa trì ghi: “Tội nói lời vô nghĩa, cũng khiến chúng sinh đọa trong ba đường ác, nếu sinh trong cõi người, phải chịu hai loại quả báo là nói ra mọi người không tin nhận, và có nói điều gì cũng không được rõ ràng”.
Do đó, nói lời vô nghĩa phải chịu năm nỗi khổ lớn:
a. Nói lời vô nghĩa bị đọa vào địa ngục: vì nói lời vô nghĩa để thành tựu việc của mình, làm tổn hại người khác. Do đó, sau khi chết liền rơi vào địa ngục chịu vô lượng khổ.
b. Nói lời vô nghĩa bị làm súc sinh: vì nói lời vô nghĩa, trái với đạo lý làm người, nên khi ra khỏi địa ngục, lại phải làm thân súc sinh.
c. Nói lời vô nghĩa bị làm ngạ quỉ: vì nói lời vô nghĩa nên bị tâm bỏn xẻn ngăn che, vì tâm bỏn xẻn nên phải bị đọa làm thân ngạ quỉ.
d. Nói lời vô nghĩa, sau khi được làm người, có nói ra lời gì, đều không ai tin nhận: vì lời nói vô nghĩa, nên không được mọi người chấp nhận.
e. Nói lời vô nghĩa thì bị quả báo lời nói không rõ ràng: lời nói đã vô nghĩa, đều là do ngu si; vì ngu si nên lời nói diễn đạt không được rõ ràng.
[126b] Người nói lời vô nghĩa thì không biết khiêm nhường, tham lam, không nhàm chán. Đời này bỏn xẻn, tham lam, không bố thí, nên sau khi chết phải trải qua nhiều kiếp chịu nỗi thống khổ trong địa ngục Phí thỉ. Sau khi chịu khổ trong địa ngục này xong, họ lại đọa vào súc sinh, ngạ quỉ không có áo mặc, phải nương tựa vào người, ăn các phân dơ, người không cho thì không có ăn. Ở trong các loài này trải qua vô lượng kiếp sinh tử. Nhờ nhân duyên xưa, nếu may gặp được chút duyên lành, được làm người nhưng thấp hèn, đói rách trần truồng, khốn khổ nghèo cùng, không ai cho, dù cầu xin cũng chẳng được; dẫu được chút ít của cải, cũng bị cướp đoạt mất. Ôm giữ nỗi thống khổ vô cùng tận, cho đến lúc chết. Nên biết, không tu bố thí, đều do tham dục sinh ra.
XXII.9.8. Tham dục là nỗi thống khổ lớn thứ tám
Luận Địa trì ghi: “Tội tham dục, cũng khiến chúng sinh rơi vào ba đường ác. Nếu được sinh trong loài người, thì phải chịu hai quả báo: Nhiều ham muốn, không biết đủ”.
Nên biết tham dục có năm nỗi thống khổ lớn:
1. Tham dục bị đọa vào địa ngục: vì người tham dục tác động đến thân, miệng làm khổ não chúng sinh, nên sau khi thân hoại mạng chung, phải chịu khổ trong địa ngục.
2. Tham dục bị làm thân súc sinh: do tham dục khiến hành động trái với luân thường đạo lý của người; cho nên sau khi ra khỏi địa ngục liền bị làm súc sinh.
3. Tham dục lại bị làm ngạ quỉ: do tham dục nên tham tiếc keo kiệt, tội tham tiếc keo kiệt, nên bị đọa làm ngạ quỉ.
4. Tham dục lại càng nhiều ham muốn: do tham dục dẫn đến ham muốn mọi thứ càng nhiều hơn.
5. Tham dục không nhàm chán, không biết đủ: do tham dục mà lòng mong cầu không bao giờ nhàm chán, không biết đủ.
Nên biết tham dục không thỏa mãn tâm ý, từ đó, có phẫn nộ và sân hận nổi lên. Thân này nếu nhiều sân hận, thì sau khi chết liền đọa vào địa ngục Nê-lê, chịu đủ các khổ trong nhiều kiếp. Sau khi chịu khổ ở đó xong, lại bị đọa vào loài súc sinh, làm rắn độc, hổ báo, chó sói chịu khổ trong vô lượng kiếp. Nhờ nhân duyên xưa, nếu may gặp được chút duyên lành, được làm người thấp hèn, tâm đầy sân hận, diện mạo xấu xí, bị mọi người ghét bỏ, không những không kết bạn, mà thật ra, mắt cũng không muốn nhìn. Nên biết phẫn hận đều là sân khuể, não hại sinh ra.
XXII.9.9. Sân hận là nỗi khổ thứ chín
Luận Địa trì ghi: “Tội sân hận cũng khiến chúng sinh đọa trong ba đường ác. Nếu được sinh làm người, thì bị hai quả báo: thường bị mọi người thấy rõ chỗ hay dở của mình; thường bị mọi người não hại”.
Nên biết sân hận, não hại có năm nỗi thống khổ lớn:
[126c] 1. Sân hận, não hại bị đọa địa ngục: vì sân hận gây não hại đến các chúng sinh, nên phải chịu khổ ở địa ngục.
2. Sân hận, não hại bị đọa làm súc sinh: vì sân não không thể có lòng nhân từ khoan dung, nên sau khi ra khỏi địa ngục lại phải làm thân súc sinh.
3. Sân hận, não hại bị đọa làm ngạ quỉ: sân não từ lòng tham lam, keo kiệt sinh ra. Tội tham lam keo kiệt khiến bị làm ngạ quỉ.
4. Sân hận, não hại thường bị mọi người thấy rõ chỗ hay dở của mình: vì sân não không thể khoan dung tha thứ, nên thường bị mọi người thấy rõ chỗ hay dở của mình.
5. Sân hận, não hại thường bị mọi người não hại: vì sân hận làm não hại đến người, nên cũng bị người hại lại.
Lại nữa, người sân hận thường ôm giữ lòng tà vạy, không tin chính đạo; nay bản thân đã tà kiến lại còn ngăn cản người khác tụng kinh, nghe pháp, thì khi sống không đủ ăn, khi chết liền đọa vào những địa ngục ngu si và câm điếc, trải qua nhiều kiếp chịu các khổ não. Sau khi chịu khổ não trong địa ngục rồi, liền bị đọa vào loài súc sinh. Nghe nói đến tam bảo, tứ đế, nào có hay biết đó là điều lành; bị đánh đập giết hại, cũng chẳng phân biệt được đây là việc ác. Ở trong loài súc sinh trong vô lượng kiếp. Nếu may gặp được chút duyên lành, được làm người thấp hèn, lại bị mù lòa, câm điếc không hề nghe thấy chẳng khác tường vách. Lời hay, tiếng tốt đều chẳng được nghe. Nên biết ngăn cản người nghe pháp đều do tà kiến sinh ra.
XXII.9.10. Tà kiến là nỗi khổ thứ mười
Luận Địa trì ghi: “Tội tà kiến cũng khiến chúng sinh rơi vào ba đường ác. Nếu được sinh vào loài người, thì bị hai quả báo: sinh vào nhà tà kiến và có tâm siểm nịnh”.
Nên biết tà kiến bị năm quả báo khổ lớn:
1. Tà kiến bị đọa vào địa ngục: vì từ tà kiến dẫn dắt đến tà đạo và quỷ thần, rồi chê bai Phật, pháp, tăng, không phụng thờ tam bảo; đã không kính tin phụng thờ, lại còn ngăn cản người khác đến với chính đạo, khiến họ phải gặp nhiều đau khổ, nên sau khi chết, bị rơi vào địa ngục A-tỳ.
2. Tà kiến bị đọa làm súc sinh: vì tà kiến không biết chính đạo, vì thế sau khi ra khỏi địa ngục, lại phải chịu những thống khổ trong loài súc sinh.
3. Tà kiến bị đọa làm ngạ quỉ: vì tà kiến này do tâm tham lam, keo kiệt dẫn đến, cất chứa trái đạo, không chịu buông xả; vì keo kiệt, không buông xả, nên phải bị đọa làm ngạ quỉ.
4. Tà kiến, khi được làm người lại bị sinh vào nhà tà kiến: vì tà kiến này do tâm chấp giữ tập khí, tà kiến, nên khi được làm người, bị sinh vào nhà tà kiến.
5. Tà kiến, khi được làm người, thường có tâm siểm nịnh, tà vạy: vì tà kiến có tâm không ngay thẳng, nên khi được làm người, thì thường có tâm siểm nịnh, tà vạy.
Như thế, mỗi mỗi nghiệp ác nhỏ nhiệm đều có tội lỗi vô lượng vô biên, đều bị đọa vào địa ngục, [127a] chịu nhiều nỗi thống khổ, không thể tính đếm biết được. Ở đây chỉ nói sơ lược. Nếu bỏ ác làm lành, tức là thầy ta!
Kinh Bát sư ghi: “Đức Phật nói về tám pháp làm thầy Phạm chí:
1. Hung bạo: giết hại mạng người và vật, hoặc bị oan gia hành hình phanh thây, hoặc bị pháp luật vua trị tội, giết cả dòng họ. Sau khi chết bị đọa địa ngục thiêu đốt, khảo tra, khổ đau chất chồng gấp vạn lần, cầu chết cũng không được. Sau khi tội khổ trong địa ngục hết, được thoát ra thì làm ngạ quỉ, hoặc làm súc sinh, bị bọn đồ tể giết mổ, lột da, bị chết trong rừng đao kiếm, thần hồn còn lảng vảng, lại tàn hại lẫn nhau. Thấy khổ báo của tội giết hại như vậy, nên ta không dám giết hại! Đó là vị thầy thứ nhất của Ta!
Đức Phật nói bài kệ:
Hung bạo, chẳng nhân từ,
Mạnh yếu tàn hại nhau,
Quá khứ gây nghiệp sát,
Kết nhiều kiếp oán thù,
Chịu tội, mạng chết yểu,
Thường lo âu gặp họa,
Vì ta sợ khổ báo,
Đem lòng từ hàng ma.
2. Trộm cướp: cưỡng đoạt tài sản của người, bị người chủ tài sản, dùng dao, gậy, ngói đá đánh ném, hoặc bị pháp luật vua bắt trói giam vào ngục. Khảo tra roi vọt năm thứ khổ độc vây quanh. Giết rồi đem bêu đầu ra nơi chợ, giết hết dòng họ. Sau khi chết bị đọa vào địa ngục, tay bưng lò lửa, miệng phun ra nước đồng sôi, cầu chết cũng không được. Sau khi chịu tội trong địa ngục xong, phải làm ngạ quỉ, khi muốn uống nước, thì nước liền hóa thành máu mủ; muốn ăn thì thức ăn liền hóa thành than lửa. Thân thường mang vác nặng, các khổ não đeo theo. Hoặc làm súc sinh, chết trong rừng đao kiếm, đem thịt mình cung cấp cho người để trả nợ đời trước. Thấy tội báo của người trộm cướp khổ như vậy, ta không dám trộm cướp. Đó là vị thầy thứ hai của Ta!
Đức Phật nói bài kệ:
Trộm không cho mà lấy,
Đoạt tài sản nhà người,
Mất của chẳng bao nhiêu,
Lòng buồn khổ sân hận.
Chết mang hình lục súc,[23]
Để trả nợ đời trước,
Vì ta sợ khổ báo,
Bố thí cả quốc gia.
3. Tà dâm: xâm phạm vợ con nhà người khác, nếu bị chồng của người đàn bà kia biết được, thì phải chịu tai họa không lường, hoặc bị dao gậy đánh đập, đầu một nơi, chân một nẻo, họa lây đến cả dòng họ. Hoặc bị pháp luật vua bắt giam vào ngục tù, tra khảo trừng trị thảm khốc. Thân gây tạo tội ác, sau khi chết bị đọa địa ngục, nằm trên giường sắt nóng, hoặc ôm cột đồng, quỉ ngục châm lửa đốt cháy thân. [127b] Chịu tội địa ngục hết, lại phải làm súc sinh. Nếu đời sau được làm người, thì thường dâm loạn chốn khuê phòng, xa lìa Phật pháp, không gần gũi các bậc hiền đức, thường ôm lòng lo sợ; bất an, chịu nhiều mối nguy hiểm. Thấy như vậy, nên ta không dám tà dâm. Đó là vị thầy thứ ba của Ta!
Đức Phật nói bài kệ:
Dâm là hạnh bất tịnh,
Mê lầm mất chính đạo,
Tiêu hình, tan hồn phách,
Tổn mạng, bị chết yểu,
Phải chịu tội ngu si,
Chết đọa vào đường ác,
Ta bố thí vợ con,
Lập chí vui sơn thủy.
4. Nói đôi chiều, ác khẩu, vọng ngữ và thêu dệt: vu khống người vô tội, hủy báng tam bảo, lưỡi như búa gậy, khiến cho cửa nhà tan nát. Người này sau khi chết đọa vào địa ngục, bị quỉ thần trong ngục kéo lưỡi ra cho trâu cày bừa trên đó, hoặc rót nước đồng sôi vào miệng, lúc ấy cầu chết cũng không được. Sau khi chịu tội hết, phải làm súc sinh, thường ăn cỏ gai. Về sau nếu được làm người, thì nói không ai tin, trong miệng thường hôi hám, bị nhiều tiếng chê bai, mắng nhiếc, khi ngủ thấy ác mộng, có miệng mà không ăn được. Trong kinh Phật đã từng nêu rõ các khổ trên. Thấy như vậy, nên ta không dám ác khẩu. Đó là vị thầy thứ tư của Ta!
Đức Phật nói bài kệ:
Khinh người có bốn lỗi,
Sàm nịnh thương tổn người,
Chịu thân ngu, đui, điếc,
Câm ngọng, miệng tanh hôi,
Điên cuồng chẳng ai tin,
Chết đọa ngục Bạt Thiệt[24],
Ta tu bốn tịnh khẩu,
Tự đạt tám âm thanh[25].
5. Uống rượu: rượu là chất độc, là nguyên nhân chủ yếu sinh ra các tội ác. Nó hủy hoại đức nhân từ của minh quân; phá tan lòng cung kính của trung thần; tiêu diệt hết đức nghiêm từ của cha mẹ; đốt thiêu tâm hiếu đạo, khiến cháu con trở thành bạo ngược vô đạo, vợ chồng mất lòng tin với nhau, hoang dâm trụy lạc, giòng họ tranh quyền đoạt lợi, tổn hao tài sản; mất nước, hại thân, tất cả đều do rượu gây ra. Rượu gây ra hơn ba mươi lăm tội lỗi. Thấy như vậy, nên ta tuyệt đối không uống rượu. Đó là vị thầy thứ năm của Ta.
Đức Phật liền nói bài kệ:
Người say là bất hiếu,
Họa từ trong sinh khởi,
Mê hoặc bậc thanh cao,
Loạn đức, bại trinh tiết,
Ta quyết không uống rượu,
Lòng từ độ quần mê,
Trí tuệ vượt tám nạn,
Tự chứng Chính Đẳng Giác.
6. Tuổi già: phải chịu nhiều nỗi khổ, đầu bạc răng long, mắt mờ,[127c] tai điếc. Sức khỏe dần dần suy yếu, mặt táp, da nhăn, trăm đốt xương đau nhức, bước đi khó nhọc, đứng ngồi rên rĩ, tâm lo buồn áo não, tinh thần chuyển dần đến hoại diệt, xoay qua trở lại liền quên hết, ngày tháng qua mau, mạng sống sắp hết. Nói đến điều này, nước mắt tuôn trào. Thấy biết vô thường, tai biến như vậy, nên ta vội tìm cầu chính đạo, không còn ham muốn điều gì cả. Đó là vị thầy thứ sáu của Ta!
Đức Phật liền nói bài kệ:
Ta nghĩ đời vô thường,
Người sinh ắt phải già,
Thịnh qua suy lại đến,
Hình khô gầy, đầu bạc,
Mệt mỏi trăm bệnh sinh,
Đứng ngồi đau thống khổ,
Ta lo sợ điều ấy,
Nên bỏ nước, cầu đạo!
7. Bệnh gầy yếu: thân hình khi bệnh thì thịt hao mòn dần, chỉ còn trơ xương, trăm đốt xương đều đau nhức, giống như bị gậy đánh. Tứ đại[26] tăng giảm không đồng đều, tay chân rã rời, khí lực cạn kiệt, ngồi đứng phải nhờ người dìu đỡ, môi miệng khô khan, gân cốt nhức buốt, mũi dãi chảy ra. Mắt không còn nhìn thấy cảnh, tai không còn nghe rõ tiếng, thân thể tiết ra đồ bất tịnh, nằm liệt trên giường, lòng ôm bao nỗi thống khổ, than thở bi ai. Nay quán sát đời người, khi còn trẻ tuổi thì sức lực cường tráng, nhan sắc hồng hào, đến lúc phúc hết tội dồn về, vô thường biến đổi trăm bề. Thấy nỗi thống khổ của bệnh hoạn như vậy, nên ta đi cầu đạo, không tham đắm dục thế gian này nữa. Đó là vị thầy thứ bảy của Ta!
Phật liền nói bài kệ:
Nghĩ người lúc già yếu,
Trăm bệnh đồng thời sinh,
Nước cạn, lửa lẫy lừng,
Gió đao vây khắp mình,
Xương gân mạch rã rời,
Mạng lớn cũng suy sụp,
Ta lo sợ bệnh yếu,
Nguyện cầu đạo Vô sinh!
8. Người chết: lúc sắp chết có bốn trăm lẻ bốn thứ bệnh đồng thời phát tác, thân tứ đại sắp tan rã, thân hồn bất an. Phong đại hết chuyển động thì hơi thở dứt; Hỏa đại diệt thì thân lạnh dần. Phong đại hết trước, kế đến là hỏa đại. Lúc ấy thần hồn lìa khỏi xác, thân thể cứng đờ, không còn biết gì nữa. Trong khoảng một tuần, thịt vữa nát, máu chảy ra, sình trướng nhuyễn nhừ hôi thối, không còn nguyên vẹn. Trong thân có sâu dòi đục khoét, ăn hết thịt, chỉ còn lại bộ xương trắng, gân mạch cũng nát nhừ, các lóng xương bắt đầu tan rã từng đốt, đầu lâu xương đùi, mỗi thứ nằm rải rác một nơi. Các loài chim muông đến tranh nhau ăn thây chết. Tất cả trời, rồng, quỉ, thần, vua chúa, thứ dân, nghèo giàu, sang hèn không một ai tránh khỏi hoạn nạn này. Thấy sự vô thường biến đổi của thân như vậy, nên ta đi cầu đạo, không tham đắm dục lạc nữa. Đó là vị thầy thứ tám của Ta!
Đức Phật liền nói bài kệ:
Nghĩ đến già, bệnh, chết,
Nạn lớn trong ba cõi,
[128a] Phúc hết, thân mạng chung,
Vứt vào bãi tha ma,
Thân mục trả về đất,
Hồn phách theo nhân duyên,
Ta lo sợ như vậy,
Nên cầu đạo Niết-bàn!
Nghe Đức Phật giảng như thế, tâm Phạm chí liền rộng mở, chứng quả Tu-đà-hàm, đỉnh lễ Phật cầu thụ giới, làm cư sĩ, không sát sinh, không trộm cướp, không tà dâm, không khinh khi, lo phụng thờ cha mẹ, không say rượu. Bấy giờ, lòng Phạm chí vô cùng hoan hỷ đỉnh lễ Đức Phật rồi lui ra!
Sách ghi: “Năm sắc khiến người ta mù mắt; năm âm thanh khiến người ta điếc tai; năm mùi vị khiến người ta tê lưỡi; giận dữ tổn âm; quá vui thì hại dương; sắc đẹp bên ngoài là búa chém đứt bản tính; mùi vị ngon là chất độc làm mục nát thân. Người ngộ được ý chỉ này, đó là bậc đại sư!”
Kệ tụng:
Tâm cảnh gá nương nhau,
Nghiệp dẫn kết trói buộc,
Thức thứ bảy phát khởi,
Thức thứ tám gây nhân,
Thụ khổ trong ba cõi,
Trôi lăn khắp sáu đường,
Nơi nơi đã tạo nghiệp,
Chốn chốn kết liền nhau,
Khiến năm ấm mỏi mệt,
Chín ách nạn[27] dày vò.
Nếu chẳng phải Đại Từ,
Tuệ nào chiếu sáng tâm,
Hữu tình đều thấm nhuận,
Tỏ ngộ đến bến huyền[28],
Phóng ra thì lợi vật,
Cuộn lại tức tích ân. Chú thích:
[1] Thiên hậu 天后: Trung Hoa phiên âm là Đề-bà-đa, dịch nghĩa là phu nhân.
[2] Cửu sắc 九色 (Cg: cửu sắc lộc): con nai chín màu.
[3] Năm hình phạt (ngũ hình 五刑): năm cách trừng phạt kẻ có tội. Đó là tội chết, tội bị đày suốt đời, tội bị đày một thời gian, tội giam và tội phạt tiền.
[4] Nỗi khổ mù mắt của vương tử (vương tử chi táng mục 王子之喪目): sự tích cặp mắt thái tử Câu-na-la.
[5] Mê pháp vĩnh viễn lầm lẫn một đời (mê pháp vĩnh hoặc ư thỉ chung 迷法永惑於始終): chỉ cho Uất-đầu-lam-phất tu chứng đến định Phi Phi Tưởng xứ, tức Tứ thiền không của ngoại đạo, nhưng vì mê pháp, một niệm sân giận bị đọa làm chồn có cánh (phi ly).
[6] Luận Tân bà-sa 新婆沙論 (Gđ: A-tì-đạt-ma Đại tì-bà-sa luận; S: Abhidharmamahāvibhāṣā-śāstra): luận, hai trăm quyển, do ngài Huyền Trang dịch vào đời Đường, Trung Quốc, được xếp vào Đại chính tạng tập 27. Luận này chú thích luận A-tì-đạt-ma Phát trí của luận sư Ca-đa-diễn-ni tử ở Ấn Độ, giải thích rõ về ý nghĩa các pháp và liệt kê đầy đủ các thuyết khác nhau.
[7] Xúc thực 觸食 (S: sparśākārāhāra): lấy tâm sở xúc làm thể, đối với cảnh xúc chạm sinh khởi sự yêu thích vui mừng mà nuôi lớn thân. Đó là do căn, cảnh, thức hữu lậu hòa hợp sinh ra.
[8] Giác quán 覺觀: giác là tầm cầu suy tính, suy nghĩ về sự lý; quán tức tư duy tường tận danh nghĩa của các pháp. Giác quán làm trở ngại sự định tâm từ nhị thiền trở lên, nếu giữ liên tục trạng thái này thì thân tâm mỏi mệt, định sai lạc. Cho nên giác quán là một trong các tùy phiền não.
[9] Điên đảo 顛倒 (s: viparīta): tư tưởng bị xáo trộn, vô thường thấy là thường, vô ngã thấy là ngã, vô lạc thấy là lạc, bất tịnh thấy là tịnh. Do bốn thứ điên đảo này nên gây tạo những hạnh nghiệp thiện ác.
[10] Sinh tô 生蘇: thức ăn được nấu bằng váng sữa bò, một trong các vị thuốc dùng để trị bệnh nóng.
[11] Già-la-la 迦羅邏: phôi, thai. Trạng thái tinh cha huyết mẹ mới hòa hợp, ngưng kết. Một trong năm giai đoạn trong thai; tức trạng thái của thai nhi trong thời gian bảy ngày đầu, sau khi gá thai.
[12] Kinh Xử thai (Xử thai kinh 處胎經): kinh nói về chuyện bồ-tát Hộ Minh từ cung trời Đâu-xuất giáng thần vào thai mẹ.
[13] Tây Cù-da-ni 西瞿耶尼 (Cg: Tây Ngưu Hóa châu): do dùng trâu bò để trao đổi mua bán nên gọi là Tây Ngưu Hoá châu. Địa hình châu này giống như mặt trăng tròn, khuôn mặt người cũng giống thế.
[14] Kinh A-bà-đàn-na (A-bà-đàn-na kinh 阿婆檀那經; S: Avadāna; Hd: Thí dụ kinh, Xuất diệu kinh): một thể loại kinh dùng phương thức thí dụ, ngụ ngôn để nói về giáo nghĩa cực kì sâu xa, mầu nhiệm của Đức Phật.
[15] Túc mệnh trí (宿命智): sức trí tuệ tự tại vô ngại, biết rõ sự việc của nhiều kiếp trong quá khứ; một trong sáu thần thông.
[16] Đạo nhãn 道眼 (Cg: thiên nhãn thông): mắt có khả năng nhìn thấu suốt mọi nơi.
[17] Đồng sản 同產: anh em cùng một mẹ sinh ra, cũng có thể anh em cùng sinh một lần, như sinh đôi, sinh ba.
[18] Tam đạt 三達: thiên nhãn, túc mệnh và lậu tận. Thiên nhãn là biết rõ sinh tử, nhân quả ở đời vị lai; túc mệnh là biết rõ sinh tử, nhân quả ở đời quá khứ; lậu tận là biết rõ phiền não ở đời hiện tại để đoạn sạch lậu hoặc.
[19] Tứ binh 四兵 (S: Catur-aṅga-balāḥkāyāḥ): bốn loại quân binh trên chiến trường thời cổ Ấn Độ. Một, tượng binh là cứ bốn người hợp thành một đội, cùng bảo vệ voi; hai, mã binh là cứ tám người hợp thành một đội, cùng bảo vệ ngựa; ba, xa binh là cứ mười sáu người hợp thành một đội, cùng bảo vệ xe; bốn, bộ binh là cứ ba mươi hai người hợp thành một đội, cầm binh trượng.
[20] Thâu-bà 偷婆 (S: Stūpa; Cg: phù-đồ): tháp miếu. Vốn chỉ cho những kiến trúc được xây bằng gạch, gỗ, đất, đá… để an trí xá-lợi Phật. Về sau chỉ chung cho các kiến trúc an trí tượng chư Phật, bồ-tát, dấu chân Phật, di cốt các vị tổ sư, cao tăng được xây bằng đất, đá, gạch, gỗ để mọi người cúng dường lễ bái.
[21] Đa-tát-a-kiệt 多薩阿竭 (S: Tathāgata; Cg: Đa-a-kiệt): Như Lai. Một trong mười hiệu tôn xưng của Đức Phật.
[22] Của chung năm nhà (ngũ gia sở cộng 五家所共): tiền của vật chất là của chung năm nhà. Đó là vua chúa, giặc cướp, thủy tai, hỏa tai và con bất hiếu.
[23] Lục súc 六畜: sáu loài vật nuôi trong nhà gồm bò, ngựa, dê, chó, lợn và gà.
[24] Bạt thiệt 拔舌: địa ngục kéo lưỡi cho trâu cày.
[25] Tám âm thanh (bát âm thanh 八音聲): tiếng nói của Như Lai, là lời nói thanh tịnh hòa nhã, có tám thứ công đức thù thắng, khiến các chúng sinh nghe rồi liền hiểu ngộ. Đó là cực hảo âm; nhu nhuyến âm; hòa thích âm; tôn huệ âm; bất nữ âm; bất ngọ âm; thâm viễn âm; bất kiệt âm.
[26] Tứ đại 四大: đất, nước, gió, lửa tạo thành thân người. Thịt thuộc về đất, máu thuộc về nước, hơi thở thuộc về gió, hơi ấm thuộc về lửa.
[27] Chín ách nạn (cửu não 九惱): chín tai nạn mà Đức Phật Thích-ca-sau khi thành đạo phải chịu, do nhân ác đời quá khứ còn sót lại.
[28] Bến huyền (huyền tân 玄津): quả vị Phật.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.117.232.215 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.