Thường tự xét lỗi mình, đừng nói lỗi người khác.
Kinh Đại Bát Niết-bàn
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê.Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hèn.Kính Pháp Cú (Kệ số 29)
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc lại thêm hương; cũng vậy, lời khéo nói, có làm, có kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 52)
Giặc phiền não thường luôn rình rập giết hại người, độc hại hơn kẻ oán thù. Sao còn ham ngủ mà chẳng chịu tỉnh thức?Kinh Lời dạy cuối cùng
Người hiền lìa bỏ không bàn đến những điều tham dục.Kẻ trí không còn niệm mừng lo, nên chẳng bị lay động vì sự khổ hay vui.Kinh Pháp cú (Kệ số 83)
Kẻ thù hại kẻ thù, oan gia hại oan gia, không bằng tâm hướng tà, gây ác cho tự thân.Kinh Pháp Cú (Kệ số 42)
Kẻ làm điều ác là tự chuốc lấy việc dữ cho mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Khi ăn uống nên xem như dùng thuốc để trị bệnh, dù ngon dù dở cũng chỉ dùng đúng mức, đưa vào thân thể chỉ để khỏi đói khát mà thôi.Kinh Lời dạy cuối cùng
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc nhưng không hương. Cũng vậy, lời khéo nói, không làm, không kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 51)
Ai bác bỏ đời sau, không ác nào không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 176)
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Phẩm Hai Mươi Mốt
GIÁC PHẦN (Phần 2)
Giải thích:
Đã nói sự tu tập tám chánh đạo phần của Bồ tát, kế nói sự tu tập chỉ quán của Bồ tát.
[0644c23] Kệ tụng:
An tâm nơi chánh định
Đây gọi là tu chỉ
Chánh trú phân biệt pháp
Đây gọi là tu quán.
Giải thích:
An tâm nơi chánh định, đây gọi là tu chỉ: Tâm dựa vào chánh định mà không thấy tâm tướng, tâm chẳng phải không trú nơi chánh định mà thiết lập chỉ, đó gọi là sắc thái của chỉ.
Chánh trú phân biệt pháp, đây gọi là tu quán: Dựa vào sự an trú chính xác [và khéo léo nơi chánh định] để phân biệt thể tướng của các pháp, đó gọi là sắc thái của quán.
Hỏi: Tu tập như thế nào về chỉ và quán?
[Đáp bằng kệ rằng:]
[0644c29] Kệ tụng:
Muốn khắp các công đức
Thì phải tu chỉ quán
Một phần, chẳng một phần
Tu tập có đơn, song.
Giải thích:
Muốn khắp các công đức, thì phải tu chỉ quán: Nếu ai mong cầu khắp cả các công đức thì người ấy phải tu tập hai hạnh chỉ quán. Như trong kinh có nói: “Phật bảo các tỳ-kheo, nếu ai mong cầu [an lạc] thì làm sao đạt được? Các tỳ-kheo, ly dục, ly ác bất thiện pháp.” Cho đến nói rộng: “Các tỳ-kheo, có hai pháp cần phải tu tập, đó là chỉ và quán.”
Một phần, chẳng một phần: Một phần là hoặc tu chỉ, hoặc tu quán. Chẳng một phần là hợp tu cả chỉ và quán.
Hỏi: Vì sao?
Đáp: Tu tập có đơn, song: Đơn tu là tu một phần, hoặc tu chỉ, hoặc tu quán. Song tu là tu chẳng phải một phần, là hợp tu cả chỉ và quán.
Hỏi: Thế nào là chủng loại sai biệt và nghiệp dụng của hai hạnh này?
[Đáp bằng kệ rằng:]
[0645a11] Kệ tụng:
Năng thông và năng xuất
Vô tướng và vô vi
Tịnh độ và tịnh quả
Hai sau là nghiệp dụng.
Giải thích:
Nửa đầu kệ tụng nói rõ chủng loại sai biệt. Nửa sau kệ tụng nói rõ nghiệp dụng.
Chỉ quán ở tín hành địa được gọi là tu tập y chỉ. Bồ tát khi nhập vào đại địa thì có bốn chủng loại sai biệt:
1. Tu tập khả năng thông suốt, là nhập vào địa đầu tiên;
2. Tu tập khả năng dẫn ra, là nhập vào địa đầu tiên cho đến địa thứ sáu, Bồ tát trong sáu địa này có khả năng dẫn ra những phương tiện hữu tướng;
3. Tu tập vô tướng, là nhập vào địa thứ bảy;
4. Tu tập vô vi, là nhập vào ba địa sau cùng.
Những địa trước có tác ý tu tập dụng công nên gọi là hữu vi, còn ba địa sau cùng không có tác ý tu tập dụng công nên gọi là vô vi. Năm chủng loại này [thêm tu tập hữu vi] gọi là chủng loại sai biệt của chỉ quán.
Tịnh độ, là dựa vào ba địa sau cùng mà công hạnh tu tập làm sạch quốc độ. Tịnh quả, là công hạnh thực hiện chuyển y. Hai hạnh làm sạnh này là nghiệp dụng của chỉ quán.
Đã nói chỉ quán của Bồ tát, kế nói sự tu tập năm thứ phương tiện thiện xảo của Bồ tát.
[0645a14] Kệ tụng:
Tự thành thục, thành sanh
Mau đắc quả, tác nghiệp
Đường sanh tử không bỏ
Đây là năm thiện xảo.
Giải thích:
Năm thứ phương tiện thiện xảo là:
1. Tự thành thục Phật pháp, là lấy trí vô phân biệt làm phương tiện thiện xảo;
2. Thành thục chúng sanh, là lấy bốn pháp nhiếp làm phương tiện thiện xảo;
3. Mau đắc quả bồ-đề, là lấy sám hối [nghiệp chướng], tùy hỷ [công đức], thỉnh [Phật] chuyển pháp luân và sanh khởi thắng nguyện làm phương tiện thiện xảo;
4. Tác nghiệp thành tựu, là lấy hai môn làm phương tiện thiện xảo. Hai môn là đà-la-ni môn và tam-muội môn. Sử dụng hai môn này thì có khả năng thành tựu sự nghiệp lợi ích chúng sanh;
5. Đường sanh tử không xả bỏ, là lấy niết-bàn vô trú xứ làm phương tiện thiện xảo.
Hỏi: Thế nào là sai biệt của phương tiện thiện xảo?
[0645b03] Kệ tụng:
Thiện xảo không ai bằng
Sai biệt y các địa
Năng thành lợi mình người
Gọi đó là nghiệp dụng.
Giải thích:
Nửa đầu kệ tụng nói rõ sự sai biệt của phương tiện thiện xảo. Nửa sau kệ tụng nói rõ nghiệp dụng của phương tiện thiện xảo.
Năm phương tiện này nơi các Bồ tát là tối thượng, không ai sánh bằng. Vì sao? Vì phương tiện của Bồ tát tu tập trong các địa thì khác với phương tiện của Thanh văn, Duyên giác, nên gọi là sai biệt. Nghiệp dụng là khả năng thành tựu lợi ích cho mình, cho người và cho tất cả chúng sanh.
Đã nói phương tiện thiện xảo của Bồ tát, kế nói đà-la-ni của Bồ tát.
[0645b10] Kệ tụng:
Nghiệp báo và văn đắc
Tập định làm nhân tố
Y chỉ ba hạnh này
Tổng trì có ba thứ.
Giải thích:
Phẩm loại của đà-la-ni có ba thứ:
1. Đà-la-ni có được do nghiệp báo, tức có được do sức mạnh của nghiệp nhân ở đời trước;
2. Đà-la-ni có được do huân tập, tức có được do sức mạnh của sự nghe và nắm giữ chánh pháp ở đời này;
3. Đà-la-ni có được do tu chứng, tức có được do dựa vào sức mạnh của thiền định.
Hỏi: Thế nào là chủng loại sai biệt của đà-la-ni?
[Đáp bằng kệ rằng:]
[0645b15] Kệ tụng:
Hai nhỏ và một lớn
Lớn lại có ba thứ
Chưa nhập địa, sau cùng
Bất tịnh, thanh tịnh địa.
Giải thích:
Hai nhỏ và một lớn: Trong ba thứ phẩm loại đà-la-ni, hai thứ đà-la-ni có được do nghiệp báo và huân tập là loại nhỏ và đà-la-ni có được do tu chứng là loại lớn.
Ở trong loại lớn lại có ba thứ bậc là bậc nhu nhuyến, bậc vừa và bậc cao. Tất cả Bồ tát chưa nhập vào mười địa gọi bậc nhu nhuyến. Tất cả Bồ tát đã nhập vào bất tịnh địa, tức từ địa đầu tiên đến địa thứ bảy, gọi là bậc vừa. Tất cả Bồ tát nhập vào thanh tịnh địa, tức ba địa sau cùng, gọi là bậc cao.
Hỏi: Thế nào là nghiệp dụng của đà-la-ni?
[Đáp bằng kệ rằng:]
[0645b23] Kệ tụng:
Nên biết các Bồ tát
Thường nương đà-la-ni
Nghe pháp và giữ pháp
Tác nghiệp đều như vậy.
Giải thích:
Ở đây nên biết, các Bồ tát y chỉ đà-la-ni để luôn khai thị diệu pháp và thường thọ trì diệu pháp, lấy sự y chỉ đà-la-ni làm sự nghiệp.
Đã nói đà-la-ni của Bồ tát, kế nói sự phát khởi các nguyện của Bồ tát.
[0645b29] Kệ tụng:
Tư, dục cùng làm thể
Riêng trí làm nhân kia
Các địa chính là địa
Hai quả cũng là quả.
Sai biệt có ba thứ
Đủ loại, lớn, thanh tịnh
Nghiệp nguyện có hai thứ
Lợi mình và lợi người.
Giải thích:
Hai kệ tụng này lấy sáu nghĩa để phân biệt các nguyện: 1. Tự tánh; 2. Nhân; 3. Địa; 4. Quả; 5. Sai biệt; 6. Nghiệp.
Tự tánh là tư tâm sở và dục tâm sở tương ứng nhau. Nhân tố là trí. Địa là các địa. Quả là hai quả: quả hiện tại và quả vị lai. Nhân tố của hai quả là các nguyện. Trong nguyện có yếu tố tâm ý được thỏa thích. Tâm ý thỏa thích là sự thành tựu của tâm sở dục. Bồ tát dùng nguyện lực để đi vào các nguyện quả, như là thân phóng ánh sáng, miệng phát âm thanh cho đến rộng thuyết diệu pháp.
Sai biệt của các nguyện có ba thứ:
1. Đủ loại, là Bồ tát ở tín hành địa phát nguyện như vầy, như kia, các mong muốn đều được;
2. Rộng lớn, là mười đại nguyện của Bồ tát nhập địa;
3. Thanh tịnh, là sự thanh tịnh của các địa ở sau triển chuyển hơn lên sự thanh tịnh của các địa ở trước, cho đến Phật địa thì sự thanh tịnh không có gì trên nữa.
Nghiệp dụng của các nguyện có hai thứ: 1. Thành tựu lợi mình; 2. Thành tựu lợi người.
Đã nói sự phát khởi các nguyện của Bồ tát, kế nói sự tu tập ba tam-muội của Bồ tát.
[0645c15] Kệ tụng:
Nên biết hai vô ngã
Sở y của hai ngã
Hai y thường vắng lặng
Sở hành cảnh ba định.
Giải thích:
Ba tam-muội có ba loại sở hành:
1. Quán nhân và pháp là hai vô ngã, đó là sở hành của không tam-muội;
2. Quán sở y của hai chấp nhân và pháp là sự chấp thủ năm uẩn, đó là sở hành của vô nguyện tam-muội;
3. Định này dựa vào sự vắng lặng hoàn toàn, đó là sở hành của vô tướng tam-muội.
Tánh sở thủ của ba loại sở hành này là ba loại cảnh giới; tánh năng thủ của ba loại sở hành này là ba loại tam-muội; gọi chung là ba tam-muội.
Hỏi: Thế nào là danh nghĩa của ba tam-muội?
[0645c24] Kệ tụng:
Không định vô phân biệt
Vô nguyện sanh chán bỏ
Vô tướng hằng an lạc
Chỗ dựa thường vắng lặng.
Giải thích:
Không định vô phân biệt: Nghĩa của vô phân biệt chính là nghĩa của không tam-muội, do không còn sự phân biệt hai ngã nhân và pháp.
Vô nguyện sanh chán bỏ: Nghĩa của chán bỏ chính là nghĩa của vô nguyện tam-muội, do chán bỏ chỗ dựa của hai ngã chấp.
Vô tướng hằng an lạc, chỗ dựa thường vắng lặng: Nghĩa của an lạc chính là nghĩa của vô tướng tam-muội, do thiền định có được an lạc mà chỗ dựa là sự vắng lặng hoàn toàn.
Hỏi: Ba tam-muội này sanh khởi bằng cách nào?
[0646a03] Kệ tụng:
Phải thấy và phải đoạn
Cho đến phải tu chứng
Thứ tự các không định
Tu tập có ba thứ.
Giải thích:
Phải thấy và phải đoạn, cho đến phải tu chứng: Phải thấy, là thấy hai vô ngã nhân và pháp. Phải đoạn, là đoạn chỗ dựa của hai ngã chấp. Phải tác chứng, là chứng đắc sự vắng lặng hoàn toàn.
Thứ tự các không định, tu tập có ba thứ: Ở đây, vì biết hai vô ngã nhân và pháp nên tu không tam-muội, vì đoạn chỗ dựa của hai ngã chấp nên tu vô nguyện tam-muội, vì chứng đắc sự vắng lặng hoàn toàn nên tu vô tướng tam-muội.
Đã nói sự tu tập ba tam-muội của Bồ tát, kế nói bốn pháp ưu-đà-na của Bồ tát.
[0646a12] Kệ tụng:
Ba tam-muội ở trên
Bốn ấn làm y chỉ
Bồ tát nói như vậy
Vì lợi ích chúng sanh.
Giải thích:
Bốn pháp ấn là:
1. Pháp ấn tất cả hành đều vô thường;
2. Pháp ấn tất cả hành đều khổ;
3. Pháp ấn tất cả pháp đều vô ngã;
4. Pháp ấn niết-bàn là tịch diệt.
Ở đây nên biết, pháp ấn vô thường và pháp ấn khổ làm y chỉ cho sự thành tựu vô nguyện tam-muội; pháp ấn vô ngã làm y chỉ cho sự thành tựu không tam-muội; pháp ấn tịch diệt làm y chỉ cho sự thành tựu vô tướng tam-muội. Bồ tát giảng nói bốn pháp ấn này, làm y chỉ cho ba tam-muội, đều vì lợi ích cho chúng sanh.
Hỏi: Thế nào là nghĩa của vô thường, cho đến nghĩa của tịch diệt?
[Đáp bằng kệ rằng:]
[0646a21] Kệ tụng:
Nghĩa vô, nghĩa phân biệt
Nghĩa phân biệt không chân
Dứt các nghĩa phân biệt
Gọi là nghĩa bốn ấn.
Giải thích:
Ở đây, các Bồ tát lấy nghĩa vô (không tồn tại) làm nghĩa vô thường, vì tướng phân biệt nên các pháp tuyệt đối không tồn tại; lấy nghĩa phân biệt làm nghĩa vô ngã, vì tướng phân biệt chỉ là cái ý thức phân biệt; hai nghĩa này là tướng phân biệt, vì đều không có tự thể.
Các Bồ tát lấy nghĩa phân biệt không chân làm nghĩa khổ, vì tâm và tâm pháp thuộc ba cõi là tự tánh của khổ; đây là tướng y tha. Dứt các nghĩa phân biệt chính là nghĩa tịch diệt; đây là tướng chân thật. Lại nữa nên biết, tướng y tha lấy tánh sát-na hoại diệt làm nghĩa vô thường.
Hỏi: Làm sao thành lập nghĩa sát-na hoại diệt?
[Đáp bằng kệ rằng:]
[0646b01] Kệ tụng:
Do khởi, từ nhân duyên
Trái ngược, không dừng trú
Vô thể, tánh xác quyết
Tùy chuyển và diệt tận
Biến dị, nhân và quả
Nắm giữ và tăng thượng
Tùy tịnh và tùy sanh
Nghĩa thành có mười lăm.
Giải thích:
Hai kệ tụng này lấy mười lăm nghĩa để thành lập nghĩa sát-na hoại diệt: 1. Do khởi; 2. Từ nhân; 3. Trái ngược; 4. Không trú; 5. Vô thể; 6. Tướng định; 7. Tùy chuyển; 8. Diệt tận; 9. Biến dị; 10. Nhân; 11. Quả; 12. Nắm giữ; 13. Tăng thượng; 14. Tùy tịnh; 15. Tùy sanh.
Do mười lăm nghĩa này mà nghĩa sát-na hoại diệt có thể thành lập.
Thứ nhất, do khởi: Các hành trôi chảy liên tục gọi là khởi. Nếu không có nghĩa sát-na hoại diệt mà có các hành trôi chảy liên tục là không đúng. Nếu ông cho rằng, vật có tạm thời dừng trú sau đó [sanh khởi], nghĩa là cái trước diệt, cái sau khởi mà gọi là liên tục, điều đó không đúng, phải gọi là không liên tục, bởi vì sự tạm dừng trú rồi sau đó sanh khởi là không có.
Thứ hai, từ nhân duyên: Mọi vật trước diệt, sau khởi đều phải nhờ nhân tố và duyên tố. Nếu một vật mà không có nhân duyên thì tức là không có tự thể. Nếu ông cho rằng, nhân đầu tiên của vật ấy có thể sanh nhiều quả ở hậu thời là không đúng. Nhân đầu tiên khởi tác dụng xong thì liền diệt mất, đâu thể làm nhân cho nhiều quả ở hậu thời. Nếu ông cho rằng, nhân đầu tiên đã khởi tác dụng thì không còn khởi tác dụng nữa thì kiến lập nhân này dùng để làm gì? Nếu ông cho rằng, nhân này đã khởi tác dụng nhưng chưa diệt, hậu thời mới diệt, vậy ở hậu thời cái gì là cái nhân bị diệt?
Thứ ba, trái ngược: Nếu ông cho rằng, nhân năng khởi [tác dụng] cũng là nhân bị diệt, điều đó cũng không đúng. Sanh khởi và hủy diệt là hai sự trái ngược nhau, vậy mà cùng chung một nhân thì thật vô lý. Thí như sáng và tối, lạnh và nóng thì không thể đứng chung với nhau, ở đây cũng vậy, nhân năng khởi thì không thể là nhân bị diệt. Nếu ông cho rằng, các hành sanh khởi rồi thì chẳng phải hủy diệt tức thời, điều này trái với giáo nghĩa A-hàm và trái với đạo lý. Trái với giáo nghĩa A-hàm là, đức Phật dạy các tỳ-kheo rằng các hành như huyễn hóa, là pháp hoại diệt, đó là pháp tạm thời, không có dừng trú trong từng sát-na. Trái với đạo lý là, những vị tu hành đối với sự sanh diệt của các hành thì tư duy về sát-na hoại diệt. Nếu các vị ấy không quán chiếu như vậy thì làm sao vào lúc lâm chung các vị ấy có thể thấy tướng của thân diệt mà không sanh tâm chán ghét [hay lưu luyến], có sự ly dục, được giải thoát? Nếu các vị ấy không quán chiếu như vậy thì các vị ấy cũng giống như các phàm phu khác.
Thứ tư, không dừng trú: Nếu ông cho rằng, các hành sanh khởi rồi thì có được sự dừng trú, như vậy hành ấy do chính nó dừng trú hay do cái khác mà được dừng trú? Nếu hành ấy do chính nó dừng trú thì sao không dừng trú mãi mãi? Nếu do cái khác mà được dừng trú thì sự dừng trú ấy là vô thể, sao có thể làm nhân được? Cả hai lý lẽ đều không đúng, cho nên nghĩa sát-na hoại diệt không thành lập.
Thứ năm, vô thể: Nếu ông cho rằng, không có nhân của dừng trú, nhưng nhân của hủy hoại thì chưa đến, cho nên các hành được dừng trú. Nhân của hủy hoại đến hậu thời mới diệt, chẳng phải như thí dụ lửa làm biến đổi cục sắt đen, điều đó không đúng, vì nhân của hủy hoại hoàn toàn không có hữu thể (tồn tại). Thí dụ lửa biến đổi cục sắt, tôi cho là vô lý. Cục sắt và lửa hợp lại thì màu đen [của cục sắt] tự diệt, màu đỏ [của cục sắt] tự khởi. Có thể làm cho màu đỏ khởi lên là công năng của lửa, thật sự không phải dùng lửa để biến đổi cục sắt đen. Lại nữa, như việc đun nước trong ấm cho đến khi cạn nước, nước không còn nữa không có nghĩa lửa hợp với nước mới làm cho nước thành vô thể.
Thứ sáu, tánh quyết định: Đức Phật nói đặc tính hữu vi của pháp hữu vi đều quyết định một đặc tính chung được gọi là vô thường. Ông cho rằng, các hành sanh khởi rồi thì không hủy diệt liền, nghĩa là pháp hữu vi có một khoảng thời gian ngắn không phải vô thường, như vậy ông rơi vào lỗi các hành không có đặc tính chung là vô thường.
Thứ bảy, tùy chuyển: Nếu ông nói sự vật trong mỗi sát-na sanh khởi làm mới, vậy thì làm thế nào nhận biết được cái cũ ở trong sự vật mới sanh? Nên nói rằng do sự tùy chuyển tương tự mà có được cái nhận biết như vậy. Thí như ngọn đèn đang cháy là do sanh khởi tương tự. Khởi lên nhận thức ngọn đèn cũ cũng tức là xác nhận có sự sai biệt với cái trước, cả hai không có tồn tại.
Thứ tám, diệt tận: Nếu ông hỏi, làm thế nào biết được vật sau chẳng phải vật trước? Nên nói, do diệt tận. Nếu các hành dừng trú, không hủy diệt, thì các hành ở sát-na sau với các hành ở sát-na trước đều dừng trú, nghĩa là các hành trước và sau không có sai biệt. Trên thật tế, các hành có sự sai biệt nên mới phân biệt được vật sau không phải là vật trước.
Thứ chín, biến dị: Nếu ông nói, vật mới sanh khởi không có biến dị tức thời là không đúng. Tự thể các pháp ở trong và ở ngoài qua biên tế thời gian trước, giữa và sau đều bất khả đắc. Vật mới sanh khởi thì biến dị tức thời, biến dị từ từ cho đến biến dị nhìn thấy rõ ràng. Thí như sữa lên men thành sữa chua, hiện tượng sánh sệt xuất hiện, nhưng sự biến thể của sữa rất tinh vi, khó mà biết được, tuy vậy qua tánh tùy chuyển tương tự mà biết sữa chua có ra từ sữa. Vậy, tánh biến dị thành tựu được nghĩa sát-na hoại diệt.
Thứ mười, nhân: Ông chấp nhận tâm là sát-na hoại diệt. Nhân sanh khởi tâm ấy là khi con mắt tiếp xúc với sắc trần, v.v… các hành như vậy. Quả ấy (tâm ấy) là sát-na hoại diệt nên nhân cũng là sát-na hoại diệt, vì không thể lấy nhân thường sanh khởi quả vô thường được.
Thứ mười một, quả: Con mắt, sắc trần v.v… các hành cũng là quả của tâm, cho nên để thành tựu nghĩa sát-na hoại diệt, không thể lấy nhân vô thường sanh khởi quả thường được.
Thứ mười hai, nắm giữ: Nếu ông nói, làm sao biết được con mắt, sắc trần v.v… các hành cũng là quả của tâm, thì phải nói rằng, do tâm nắm giữ mà [các hành] được tăng trưởng.
Thứ mười ba, tăng thượng: Lại như đức Phật nói: “Tâm dẫn thế gian đi, tâm đưa thế gian lại, do tâm tự tại mà thế gian tùy chuyển.”
Thức duyên danh sắc, luận cứ ở đây là vậy, cho nên nói các hành là quả của tâm.
Thứ mười bốn, tùy tịnh: Tịnh là tâm người tu tập thiền định. Với người tu tập thiền định, các hành tùy theo tâm tịnh mà chuyển. Như trong kinh có nói, tỳ-kheo tu tập thiền tứ, đầy đủ thần thông, tâm được tự tại; nếu muốn khiến cây [khô] thành vàng thì được tùy ý. Do đó mà biết các hành đều là quả của tâm.
Thứ mười lăm, tùy sanh: Chúng sanh tạo tội thì ngoại vật có được thảy đều xấu kém. Chúng sanh tạo phước thì ngoại vật có được thảy đều tốt đẹp. Do đó mà biết các hành đều là quả của tâm.
Nhân là sát-na [hoại diệt], quả không phải là sát-na [hoại diệt]; không có đạo lý đó, do nhân tự tại. Như vậy đã thành lập chung tất cả các hành thuộc nội pháp và ngoại pháp đều là sát-na [hoại diệt] rồi, kế thành lập riêng các hành thuộc nội pháp là sát-na [hoại diệt].
[0647a10] Kệ tụng:
Sơ khởi và tục khởi
Trưởng khởi và y khởi
Biến khởi và thục khởi
Liệt khởi và thắng khởi
Minh khởi, vô minh khởi
Cho đến dị xứ khởi
Chủng khởi, vô chủng khởi
Tượng khởi: mười bốn khởi.
Giải thích:
Hai kệ tụng này lấy mười bốn chủng loại hiện khởi để thành lập nghĩa sát-na [hoại diệt] của các hành thuộc nội pháp:
1. Hiện khởi đầu tiên, là sát-na đầu tiên tự thể sanh khởi;
2. Hiện khởi tương tục, là tự thể sanh khởi trong các sát-na khác, trừ sát-na đầu tiên;
3. Hiện khởi trưởng dưỡng, là tự thể được trưởng dưỡng từ thực phẩm, ngủ nghỉ, phạn hạnh, chánh thọ nên sanh khởi;
4. Hiện khởi y chỉ, là các thức của mắt v.v… y chỉ các căn của mắt v.v… mà sanh khởi;
5. Hiện khởi biến dị, là tâm thức nhiễm ô bởi tham, sân, v.v… làm cho sắc, thọ, v.v… biến khác;
6. Hiện khởi dị thục, là quá trình sanh khởi từ thành thai, đứa bé, đứa trẻ, thiếu niên, thanh niên, trung niên, đến người già;
7. Hiện khởi thấp kém, là sanh trong các đường dữ;
8. Hiện khởi tốt đẹp, là sanh trong các đường lành;
9. Hiện khởi sáng suốt, là sanh trong hai cõi trời sau cùng của dục giới và tất cả cõi trời của sắc giới và vô sắc giới;
10. Hiện khởi không sáng suốt, là sanh trong các xứ ngoài những minh xứ sở kể trên;
11. Hiện khởi xứ khác, là chết ở xứ này thì sanh ở xứ khác;
12. Hiện khởi chủng tử, là sanh khởi năm uẩn tối hậu, trừ bậc A-la-hán;
13. Hiện khởi không chủng tử, là cái sanh khởi ở sau không có tính chủng tử như cái sanh khởi ở trước, trừ năm uẩn tối hậu;
14. Hiện khởi ảnh tượng, là người nhập giải thoát thiền nhờ vào sức mạnh của định tự tại mà ảnh tượng của các hành sanh khởi.
Hỏi: Lại lấy nhân gì để thành lập mười bốn thứ sanh khởi này?
[Đáp bằng kệ rằng:]
[0647a29] Kệ tụng:
Tục dị và đoạn dị
Tùy trưởng và tùy y
Trú quá và khứ quá
Vô trú, không không chết
Và có tùy tâm tướng
Hành giả cần phải biết
Chín loại nhân như vậy
Thành mười bốn sanh khởi.
Giải thích:
Hai kệ tụng này lấy chín loại nhân để thành lập mười bốn thứ sanh khởi ở trên. Chín loại nhân là: 1. Tương tục khác; 2. Gián đoạn khác; 3. Tùy trưởng dưỡng; 4. Tùy y chỉ; 5. Dừng trú rồi; 6. Đi rồi; 7. Không dừng trú; 8. Có chết; 9. Tùy tâm tướng.
Thứ nhất, tương tục khác: Nhân này thành lập sự hiện khởi đầu tiên. Khi tự thể sanh khởi ở sát-na đầu tiên, tánh chất của nhân không có sai biệt, và ở hậu thời các hành tương tục sanh khởi cũng không có sai biệt, tánh chất của nhân cũng không có sai biệt. Khi nhân có sự sai biệt, thì nghĩa các sát-na sau của các hành được thành lập.
Thứ hai, gián đoạn khác: Nhân này thành lập sự hiện khởi tương tục. Trong từng sát-na không có sai biệt nhân, nên ở hậu thời sự gián đoạn không thể xảy ra. Khi sự gián đoạn có sai biệt, thì nghĩa sát-na của các hành thành lập.
Thứ ba, tùy trưởng dưỡng: Nhân này thành lập sự hiện khởi trưởng dưỡng. Tác dụng làm cho các hành tròn đầy gọi là trưởng dưỡng. Cho rằng không có sát-na [diệt] để có sự trưởng dưỡng các hành, tức nói các hành có sự dừng trú, điều đó không đúng. Nếu các hành có sự dừng trú thì các hành không thể tiến dần đến sự tròn đầy lớn lao, và không thể gọi là trưởng dưỡng.
Thứ tư, tùy y chỉ: Nhân này thành lập sự hiện khởi y chỉ. Cho rằng cái năng y không dừng trú nhưng cái sở y có dừng trú, điều đó không đúng. Như người đang cưỡi ngựa, nói người đi nhưng ngựa không đi thì thật vô lý. Như vậy, thức dựa vào căn, thức có sát-na [diệt] mà căn không có sát-na [diệt] là không đúng.
Thứ năm, dừng trú rồi: Nhân này thành lập sáu sự hiện khởi, đó là hiện khởi biến khác, hiện khởi dị thục, hiện khởi thấp kém, hiện khởi tốt đẹp, hiện khởi sáng suốt và hiện khởi không sáng suốt. Thành lập hiện khởi biến khác và hiện khởi dị thục: Cho rằng các hành sanh khởi đầu tiên rồi dừng trú không diệt là không đúng. Không có sự biến dị hiện khởi, thì tham, sân, v.v… làm cho sắc, thọ, v.v… biến khác là hoàn toàn không thể có, vì đầu tiên không có biến khác thì sau đó cũng không biến khác. Đầu tiên không có biến khác, sau đó có giai đoạn chín muồi, điều đó cũng không thể có, vì trước có biến khác thì sau mới chín muồi. Thành lập sát-na hiện khởi thấp kém và hiện khởi tốt đẹp: Cho rằng các hành có dừng trú nên có sự huân tập thiện, ác và thứ tự cho ra quả, điều đó không đúng. Các hành không dừng trú, thứ tự tương tục, mỗi nhân [thiện, ác] đều cho ra quả, nghĩa này là vậy. Thành lập sát-na hiện khởi sáng suốt và hiện khởi không sáng suốt: Cho rằng các hành có dừng trú nhưng hiện khởi sáng suốt lại không dừng trú, tức có ra (hữu) do tâm thức chuyển biến. Cũng vậy, không có hiện khởi không sáng suốt nếu ở hậu thời không có biến khác.
Thứ sáu, đi rồi: Nhân này thành lập hiện khởi xứ khác. Cho rằng các hành đến xứ khác được gọi là đi, điều đó không đúng.
Nay tôi hỏi ông, các hành đi là đã hiện khởi các hành đến xứ khác, hay là chưa hiện khởi các hành đến xứ khác?
Đã hiện khởi các hành đến xứ khác: xứ này đã hiện khởi, xứ khác chưa hiện khởi, nghĩa là các hành dừng trú, mà nói là đi, nghĩa này trái ngược.
Chưa hiện khởi các hành đến xứ khác: chưa hiện khởi tức là vốn chưa có đi, mà nói là đi, lời này vô nghĩa.
Lại nữa, cho rằng các hành ở xứ này vừa đi, vừa dừng trú, tức là năng tác và sở tác đều làm cho các hành đi, điều đó không đúng, vì dừng trú tức không đến được xứ khác.
Nếu các hành đến xứ khác mới có năng tác và sở tác, điều đó cũng không đúng, vì không thể rời sự đi mà có các hành đến xứ khác.
Nếu các hành dừng trú xứ này, các hành dừng trú xứ khác, rời ngoài các hành mà cầu năng tác thì tuyệt đối không thể được. Vậy là, các hành không khác mà vẫn tương tục có sự đi. Năng tác sự đi đã vô thể, tức nghĩa sát-na thành lập.
Ông nói nếu thật không có đi thì tại sao người đời thấy có đi? Phải nói rằng do tương tục không gián đoạn nên giả thuyết là đi, kỳ thật sự đi là vô thể.
Nếu ông hỏi có những nhân gì làm các hành tương tục đi, thì phải nói có vô lượng nhân duyên: Có tâm lực tự tại như uy nghi v.v… nên đi. Có nghiệp đời trước tự tại như trong thân trung ấm nên đi. Có sức tay tự tại như bắn tên, ném đá nên đi. Có y chỉ tự tại như ngồi xe, đi thuyền nên đi. Có sức tác động tự tại như gió thổi vật nên đi. Có tự thể tự tại như tánh gió đi ngang, tánh lửa đi lên, tánh nước đi xuống. Có sức phép thuật tự tại như thần chú, linh dược, đi trên không. Có đá từ trường tự tại có thể làm cho cục sắt dịch chuyển. Có sức thần tự tại như nương thần thông đi đến. Như vậy thảy, có vô lượng nhân duyên có thể làm cho các hành tương tục mà giả thuyết là đi. Nghĩa ấy nên biết.
Thứ bảy, không dừng trú: Nhân này thành lập hiện khởi chủng tử. Nếu các hành có dừng trú, vậy thì ở thời gian khác lại có hiện khởi chủng tử là không đúng, vì trong từng sát-na không có nhân nào khác. Nếu các hành không có dừng trú, thì ở hậu thời có sự hiện khởi chủng tử, nghĩa này đúng đắn.
Thứ tám, có chết: Nhân này thành lập hiện khởi không chủng tử. Cho rằng, không có sát-na [diệt] mà có chết, khi đó không có chủng tử hiện khởi là không đúng. Cho rằng, trước có chủng tử hiện khởi, ở hậu thời mạng chung, khi đó mới không có chủng tử hiện khởi, điều đó cũng không đúng. Do trong từng sát-na, nhân là vô thể, cho nên sát-na tử tâm không thể đắc thành.
Thứ chín, tùy tâm tướng: Nhân này thành lập hiện khởi ảnh tượng. Do tâm tự tại, trong từng sát-na những ảnh tượng kia hiện khởi. Nếu không sát-na mà có ảnh tượng hiện khởi thì thật vô lý.
Hỏi: Như vậy, đã thành lập riêng về sát-na của nội pháp hữu vi, còn có nhân gì có thể thành lập ngoại pháp là bốn đại và bốn đại chủng [sở] tạo sắc là sát-na?
[Đáp bằng kệ rằng:]
[0648a05] Kệ tụng:
Thấm ướt và khô cạn
Tánh động, tăng và giảm
Hai khởi và bốn biến
Sức củi và nhỏ dần
Cũng nói tùy tâm khởi
Cho đến nạn vấn thành
Tất cả các ngoại pháp
Đều là thể sát-na.
Giải thích:
Hai kệ tụng này lấy mười bốn nhân để thành lập ngoại pháp là sát-na.
Nước có hai nhân: 1. Thấm ướt; 2. Khô cạn.
Nếu không có sát-na, thì hiện tượng nước có lúc thấm ướt cho sự sanh trưởng hay có khi khô cạn không thể xảy ra. Có người hỏi thế này: Nếu không có sát-na thì nước do nhân gì mà thấm ướt và do nhân gì mà khô cạn? Câu hỏi đó không có câu trả lời. Hiện tại thấy nước có thấm ướt hay khô cạn, cho nên biết sát-na là nhân của nước thấm ướt hay khô cạn.
Gió có ba nhân: 1. Tánh động; 2. Tăng mạnh; 3. Giảm ngưng.
Nếu tánh của gió là dừng trú, tức là khi gió không động thì [rõ ràng] các hành là vô thể, và cũng vì dừng trú mà gió không có tăng mạnh, không có giảm ngưng.
Đất có sáu nhân, là hai hiện khởi và bốn biến khác.
Hai hiện khởi, là do có nước và có gió mà có được sự hiện khởi của đất. Ở chu kỳ sanh thành, đất là quả của nước và gió, cho nên biết đất cũng là sát-na.
Bốn biến khác, là do có bốn thứ làm cho đất biến khác:
1. Nghiệp lực tạo tác, là do nghiệp lực của chúng sanh có sai biệt;
2. Con người tạo tác, là như việc đào lấp [đất] v.v…;
3. Các đại tạo tác, là do lửa, nước và gió [hỗ trợ hình thành];
4. Thời tiết tạo tác, là do thời tiết chuyển đổi mà xuất hiện những hình thái khác nhau.
Nếu không có sát-na thì bốn biến khác không thể xảy ra, vì nhân là vô thể. Như vậy, đất có sáu nhân đều được biết là sát-na.
Sáu nhân của sắc, hương, vị và xúc cũng như vậy, đều là sát-na.
Lửa có một nhân, đó là sức củi. Lửa sanh khởi được là nhờ có củi. Sức củi làm cho lửa cháy mạnh. Đã cùng với lửa cháy nên củi cũng không thể dừng trú. Lửa đốt hết củi thì lửa cũng không dừng trú. Nếu lửa không do củi mà có thì ở hậu thời không có củi, lửa cũng phải còn mãi.
Theo nghĩa tương đồng với lửa mà âm thanh được nói ngay sau. Âm thanh có một nhân, đó là nhỏ dần. Thí như tiếng chuông, ở hậu thời tiếng chuông nhỏ dần. Nếu không có sát-na thì ở hậu thời không thể có âm thanh nhỏ yếu.
Pháp nhập sắc có một nhân, đó là tùy tâm khởi; như khi thọ giới, tùy tâm phát khởi là thượng, trung hay hạ. Nhân khởi tâm là sát-na nên quả của khởi tâm cũng là sát-na.
Như vậy là mười bốn nhân thành lập sát-na của ngoại pháp.
Tổng kết lại bằng nạn vấn. Tôi nay hỏi ông: Vì sao ông muốn cho rằng các hành là vô thường, nhưng không muốn cho rằng các hành là sát-na diệt?
Nếu ông nói rằng không thể biết được từng sát-na diệt [nơi các hành], điều đó không đúng. Thí như ngọn đèn, trong trường hợp ngọn đèn không di động, ta cũng không thể biết sát-na diệt của ngọn đèn. Vì sao ông không muốn cho rằng thể của ngọn đèn là không sát-na?
Nếu ông nói rằng thể của ngọn đèn là có sát-na [diệt] nhưng vi tế quá, không thể biết được, vậy thì các hành cũng như ngọn đèn, vì sao ông không muốn cho rằng các hành là có sát-na [diệt]?
Nếu ông nói rằng ngọn đèn và các hành thì không tương tự, điều đó không đúng.
Không tương tự có hai thứ: 1. Tự tánh không tương tự; 2. Thời phần không tương tự. Qua tự tánh không tương tự, thí dụ này được thành lập, vì lấy phi tự thể làm thí dụ; không phải như lấy cây đèn dụ cho cây đèn, lấy con bò dụ cho con bò, thì thí dụ này không thành. Qua thời phần không tương tự, thí dụ này cũng được thành lập, vì ngọn đèn và các hành đều tương tự trong nghĩa sát-na. Nếu không có nghĩa sát-na tương tự thì thí dụ này không thành.
Tôi lại hỏi ông, như có người cưỡi một cỗ xe, nếu cỗ xe dừng thì người ấy có đi không? Đáp, không. Như vậy, căn sở y thì trú, còn thức năng y thì đi là không hợp lý.
Nếu ông nói, vì sao hiện thấy ngọn đèn trong mỗi niệm diệt mà tim đèn vẫn trú như vậy? Phải nói rằng, ông thấy mà không thấy. Tim đèn tương tục trong từng sát-na có hoại, có khởi mà ông không biết đúng như thật.
Nếu ông nói các hành là sát-na như ngọn đèn, nhưng tại sao người đời không biết? Phải nói rằng, các hành là vật điên đảo mà tương tục tùy chuyển trong từng sát-na. Điều này khó có thể nhận ra nhưng thật sự là chúng riêng biệt sanh khởi.
Người đời đối với sự vật hiện tiền mà sanh cái biết điên đảo; nếu không phải vậy thì người đời đã không có sự điên đảo: các hành vô thường mà chấp là thường. Nếu tự thể của điên đảo là không nhiễm ô, cũng không tồn tại, thì từ chỗ nào mà có giải thoát? Từ nạn vấn như vậy mà thành lập các hành là sát-na.
Đã thành lập nghĩa của vô thường, kế thành lập nghĩa của vô ngã.
Hỏi: Có thể nói rằng con người là có hay không có?
[Đáp bằng kệ rằng:]
[0648b25] Kệ tụng:
Con người không thật có
Nói thật bất khả đắc
Điên đảo và nhiễm ô
Nhiễm nhân được thành lập.
Giải thích:
Con người không thật có: Có thể nói, con người là giả danh mà có, không phải thật thể mà có. Hiểu như vậy thì không rơi vào sự chấp một bên, tức rời xa có và không.
Hỏi: Con người là thật có nhưng vì sao phải hiểu là không tồn tại?
Đáp: Thật sự bất khả đắc, do con người không thể nơi sắc, thọ, v.v… mà thủ đắc là có thật, vì không phải [bậc] giác trí chứng [vô ngã].
Hỏi: Con người không phải giác trí không chứng, và đức Phật nói về ngã mà hiện tại khả đắc, vậy mà ngài nói bất khả đắc, điều đó không đúng.
Đáp: Ông nói khả đắc nhưng thật sự bất khả đắc, do vì nhận thức điên đảo. Đức Phật nói vô ngã, chúng sanh kế đạt ngã cho nên gọi là điên đảo.
Hỏi: Vì sao biết nhận thức là điên đảo?
Đáp: Do nhiễm ô. Thân kiến là nhiễm ô, nghĩa là chấp ngã và ngã sở. Không điên đảo tức không có nhiễm ô.
Hỏi: Vì sao biết ngã chấp là nhiễm ô?
Đáp: Do nhân của nhiễm ô. Do ngã chấp làm nhân nên tham, sân, v.v… được sanh khởi, vì vậy biết ngã chấp là nhiễm ô.
Hỏi: Như ngài có nhận rằng nơi năm uẩn là sắc, thọ, v.v… mà nói con người là giả có, vậy con người và năm uẩn là một hay là khác?
[0648c10] Kệ tụng:
Người giả và uẩn thật
Không thể nói một khác
Nếu nói một hay khác
Là có hai lỗi sanh.
Giải thích:
Người giả và uẩn thật thì không thể nói là một, không thể nói là khác. Nếu nói là một hay khác thì hai lỗi liền sanh. Hai lỗi là:
1. Nếu nói người và uẩn là một, thì uẩn chính là người, và người là thật;
2. Nếu nói người và uẩn là khác, thì uẩn tuy không phải là người, người cũng là thật. Cho nên nói, người là (giả) thi thiết (tên gọi) mà có, không thể nói là một hay khác. Như vậy, chỉ ký luận của Như lai thành tựu.
[0648c17] Kệ tụng:
Nếu chấp người là thật
Có thể nói một, khác
Không thể nói một, khác
Nói ra không đạo lý.
Giải thích:
Nếu ai đi ngược với lời dạy của bậc đại sư, chấp có người thật, thì có thể nói rằng người thật và uẩn vừa là một, vừa là khác. Nhưng nói như vậy là không có đạo lý. Nếu ông nói con người là bất khả thuyết, như lửa và củi không phải khác, cũng không phải không khác, điều đó không đúng.
[0648c23] Kệ tụng:
Tướng khác, cái thấy đời
Thánh thuyết cũng không đúng
Lửa củi không thể nói
Có hai có thể được.
Giải thích:
Tướng khác: Lửa là hỏa đại, củi là đại khác. Lửa và củi đều có sắc thái riêng biệt, cho nên lửa và củi khác nhau.
Cái thấy đời: Người đời lìa lửa mà thấy củi, củi ấy chỉ là một loại cây có thể đốt cháy; cũng vậy, lìa củi mà thấy lửa, lửa ấy bị gió thổi thì tắt; cho nên lửa và củi khác nhau.
Thánh thuyết cũng không đúng: Đức Phật Thế tôn không chỗ nào nói rằng không thể nói lửa và củi là một hay khác, cho nên ông chấp rằng không thể nói lửa và củi là một hay khác, nói như vậy là không có đạo lý. Nếu ông nói, không phải lìa củi mà thấy lửa, thì gió tức là củi, điều đó không đúng.
Có hai có thể được: Do lửa và gió là hai sắc thái riêng biệt. Lại nữa:
[0649a04] Kệ tụng:
Hai có nên thức khởi
Người duyên thì phi nghĩa
Tốt diệt và xấu sanh
Nói sanh càng phi lý.
Giải thích:
Nếu ai chấp con người là có thật, nghĩa là có sự thấy, nghe, cảm giác, nhận thức, ăn, tri giác, nói năng, như vậy là có các thức của mắt, tai, v.v… sanh khởi. Do lấy người làm duyên mà nói người là tác giả hay do lấy người là chủ mà nói người là tác giả?
Lấy người làm duyên: Hai có nên thức khởi, người duyên thì phi nghĩa: Trong lúc các thức sanh khởi, con người không có một chút năng lực để biết chúng.
Lấy người là chủ: Tốt diệt và xấu sanh, nói sanh càng phi lý: Nếu người là chủ, thì khi nhận thức khả ái đã sanh, muốn nhận thức ấy hoàn toàn không diệt, không muốn diệt mất, và khi nhận thức không khả ái chưa sanh, muốn nhận thức ấy hoàn toàn không sanh, không muốn sanh khởi. Vì lẽ đó, ông không nên chấp rằng con người là sự thấy cho đến sự nhận thức. Lại nữa:
[0649a15] Kệ tụng:
Ông chấp trong người thật
Nghiệp dụng gì thành lập
Không thật cưỡng cho thật
Trái ba bồ-đề Phật.
Giải thích:
Nếu con người là thật có thì ông lấy nghiệp dụng gì để thành lập? Hễ là thật có, ắt có tác dụng, như các tịnh sắc căn là mắt, tai, v.v… lấy tác dụng là thấy, nghe v.v… để có thể được thành lập. Con người không có tác dụng như các tịnh sắc căn để có thể được thành lập, vì vậy con người không phải thật có.
Lại nữa, ông đối với con người không thật mà cưỡng muốn cho là con người có thật, tức là làm trái với ba thứ bồ-đề của Như lai: 1. Bồ-đề sâu xa; 2. Bồ-đề không chung; 3. Bồ-đề xuất thế.
Nếu thấy con người là thật có, tức là không phải bồ-đề sâu xa, không phải bồ-đề không chung với ngoại đạo, không phải bồ-đề cho người thế gian không tu tập. Cho nên sự chấp này là đối tượng nắm bắt của người thế gian, là xứ sở dính mắc của ngoại đạo, là sự huân tập liên tục cho sanh tử.
Lại nữa, nếu con người là sự thấy cho đến sự nhận thức, thì các căn mắt, tai, v.v… có tác dụng, hay không có tác dụng? Nếu có tác dụng, thì các căn tự nhiên khởi hay do con người khởi? Có những nghi điểm nào?
[0649a28] Kệ tụng:
Tác dụng tự nhiên khởi
Là có ba lỗi sanh
Nếu lấy người làm duyên
Các căn đều vô dụng.
Giải thích:
Nếu nói tác dụng của các căn mắt, tai, v.v… tự nhiên khởi, thì con người đối với các căn mắt, tai v.v… không có tạo tác sự nghiệp, ở đây có ba lỗi sanh. Nếu nói lấy con người làm duyên để tác dụng được sanh khởi, thì các căn mắt, tai, v.v… hoàn toàn không có công dụng.
Hỏi: Ba lỗi của tác dụng do tự nhiên khởi là gì?
[0649b05] Kệ tụng:
Người không phải tác giả
Dụng không phải thường khởi
Khởi không phải một lúc
Tự khởi là không đúng.
Giải thích:
Nếu tác dụng của các căn mắt, tai v.v… tự nhiên khởi, không cần đợi con người tạo tác, thì con người không phải là tác giả, vì sao gọi con người thấy v.v… cho đến nhận thức? Đó là lỗi thứ nhất.
Nếu tác dụng của các căn mắt, tai v.v… tự nhiên khởi, thì các căn phải thường khởi, không phải có lúc khởi, có lúc không khởi. Đó là lỗi thứ hai.
Nếu tác dụng của các căn mắt, tai v.v… là thường khởi, thì các căn phải cùng khởi một lúc, vì sao các căn không cùng khởi được? Đó là lỗi thứ ba.
Qua những nghĩa này, nói các căn tự nhiên khởi là không đúng.
Hỏi: Lấy con người làm duyên thì có lỗi gì?
[Đáp bằng kệ rằng:]
[0649b14] Kệ tụng:
Người trú, dụng trước không
Người hoại thì người đoạn
Có tự thể thứ ba
Làm duyên, không nghĩa này.
Giải thích:
Nếu nói con người dừng trú và có tác dụng làm duyên, thì con người đã phải thường hiện hữu; vì sao tác dụng ở giai đoạn trước thì không có, ở giai đoạn sau thì có? Nghĩa này không đúng.
Nếu nói con người hủy hoại làm duyên, thì rơi vào nghĩa vô thường, vì con người đang hoại, nghĩa này cũng không đúng.
Nếu nói con người không dừng trú, cũng không hủy hoại, lấy tự thể thứ ba này làm duyên, thì không có nghĩa này.
Như vậy, không thể dựa vào đạo lý mà nói con người là thật. Lại nữa:
[0649b21] Kệ tụng:
Các pháp vô ngã ấn
Và nói chân thật không
Có ngã, có năm lỗi
Cho nên biết vô ngã.
Giải thích:
Trong kinh Pháp ấn, đức Phật dạy: “Tất cả pháp vô ngã.”
Trong kinh Chân thật không, đức Phật dạy: “Có nghiệp có báo mà không tác giả. Bỏ uẩn trước, khởi uẩn sau, khởi diệt tương tục, trừ pháp tục số.”
Trong kinh Tăng ngũ có nói: “Nếu chấp hữu ngã thì có năm lầm lỗi: 1. Rơi vào kiến xứ mà khởi ngã kiến, mạng giả kiến; 2. Giống với ngoại đạo; 3. Thực hành tà vạy; 4. Không muốn, không tin, không trú đối với nghĩa lý không; 5. Thánh pháp không được thanh tịnh.”
Như vậy, dựa vào những gì được nói trong các kinh A-hàm, sự thể có con người thật cũng bất khả đắc.
Hỏi: Nếu không có con người thật, vì sao trong kinh điển, đức Thế tôn ở nơi này, nơi kia, xác nhận có con người, như là bậc trí, kẻ mang gánh nặng, cũng như kiến lập các bậc tùy tín hành, v.v…?
[0649c03] Kệ tụng:
Do dựa pháp nhiễm tịnh
Vị, đoạn nói có khác
Hạnh khác, tương tục khác
Không thật giả nói người.
Giải thích:
Do dựa vào pháp nhiễm ô và pháp thanh tịnh mà có phần vị sai biệt và phần đoạn sai biệt, cho nên kiến lập con người giả có sai biệt. Nếu không có con người sai biệt thì không thể nói rằng có hành sai biệt và tương tục sai biệt. Như trong kinh Tri nói: “Thế nào là các pháp [sở tri]”, chỉ cho pháp nhiễm ô; “thế nào là trí ”, chỉ cho pháp thanh tịnh. Như trong kinh Gánh nặng nói: “Ai mang gánh nặng lên”, chỉ cho pháp nhiễm ô; “ai đặt gánh nặng xuống”, chỉ cho pháp thanh tịnh. Nếu không có hành sai biệt và tương tục sai biệt thì không thể nói, trong hai pháp này, ai là bậc trí, ai là kẻ mang gánh nặng. Các pháp bồ-đề phần là đa vị sai biệt, đó là phương tiện đạo, kiến đạo, tu đạo và cứu cánh đạo. Nếu không có hành sai biệt và tương tục sai biệt thì không thể nói, các pháp bồ-đề phần có các bậc tùy tín hành, v.v… sai biệt.
Do không có con người thật, theo tính ước lệ về các pháp sai biệt mà giả nói là có con người. Từ đạo lý này, nên biết, những gì nói về con người chỉ là con người giả. Nếu đức Phật không nói con người là người giả, mà nói con người là người thật, thì ý của Phật không có tác dụng, vì chúng sanh [sẽ chấp vào đó mà] sanh khởi ngã kiến.
[0649c17] Kệ tụng:
Không làm khởi ngã kiến
Vì kiến đã sanh khởi
Vô thỉ đã huân tập
Vô dụng nên giải thoát.
Giải thích:
Đức Phật không làm khởi ngã kiến của chúng sanh mà nói có con người thật, vì ngã kiến của chúng sanh đã sanh khởi từ trước. Đức Phật cũng không làm cho chúng sanh huân tập ngã kiến mà nói có con người thật, vì ngã kiến của chúng sanh đã huân tập từ trước. Các vị tu không dụng công thì tu tập bằng cách để cho diễn tiến tự nhiên [không cần tác ý] nên được giải thoát. Các vị chưa kiến đế thì vì còn có ngã kiến nên không giải thoát.
Không phải như thể của khổ, ở giai đoạn trước không thấy khổ, ở giai đoạn sau mới thấy khổ. Con người không phải vậy, không phải trước không thấy con người, sau mới thấy con người. Lại như thể của khổ, ở giai đoạn trước không thấy khổ, ở giai đoạn sau cũng không thấy khổ. Thể của người không giải thoát cũng vậy, giai đoạn trước thấy hữu ngã, giai đoạn sau cũng thấy hữu ngã, tức không được giải thoát. Nếu thật có ngã thì nhất định có ngã sở. Từ hai chấp đó mà khởi ngã ái và các phiền não khác, vậy là không được giải thoát. Do đó, không nên ước muốn có được con người thật, vì lầm lỗi từ ngã kiến v.v… thảy đều sanh khởi.
Như vậy, đã nói riêng về bồ-đề phần xong, kế tổng kết những nghĩa ở trước.
[0650a03] Kệ tụng:
Hổ thẹn các công đức
Bồ tát thường đầy đủ
Lợi mình đã không bỏ
Làm cho lợi người thành.
Giải thích:
Những nghĩa này ở trước đã trình bày, ở đây chỉ tóm lược.
Phẩm Giác Phần trọn vẹn Luận Đại Thừa Trang Nghiêm Kinh
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.222.161.187 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.