Cỏ làm hại ruộng vườn, si làm hại người đời. Bố thí người ly si, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 358)
Nay vui, đời sau vui, làm phước, hai đời vui.Kinh Pháp Cú (Kệ số 16)
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 8)
Chiến thắng hàng ngàn quân địch cũng không bằng tự thắng được mình.
Kinh Pháp cú
Sống chạy theo vẻ đẹp, không hộ trì các căn, ăn uống thiếu tiết độ, biếng nhác, chẳng tinh cần; ma uy hiếp kẻ ấy, như cây yếu trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 7)
Người hiền lìa bỏ không bàn đến những điều tham dục.Kẻ trí không còn niệm mừng lo, nên chẳng bị lay động vì sự khổ hay vui.Kinh Pháp cú (Kệ số 83)
Sự nguy hại của nóng giận còn hơn cả lửa dữ. Kinh Lời dạy cuối cùng
Ai dùng các hạnh lành, làm xóa mờ nghiệp ác, chói sáng rực đời này, như trăng thoát mây che.Kinh Pháp cú (Kệ số 173)
Lời nói được thận trọng, tâm tư khéo hộ phòng, thân chớ làm điều ác, hãy giữ ba nghiệp tịnh, chứng đạo thánh nhân dạyKinh Pháp Cú (Kệ số 281)
Tìm lỗi của người khác rất dễ, tự thấy lỗi của mình rất khó.
Kinh Pháp cú
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
KINH SỐ 7[93]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ở tại núi Kỳ-xà-quật, thành La-duyệt cùng chúng đại Tỳ kheo năm trăm vị.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Các ngươi có thấy núi Linh thứu[94] này không?”
Các Tỳ-kheo đáp:
“Dạ, có thấy.”
“Các ngươi nên biết, quá khứ lâu xa, núi này còn có tên khác. Các ngươi có thấy núi Quảng phổ[95] không?”
Các Tỳ-kheo đáp:
“Dạ, có thấy.”
“Các ngươi nên biết, quá khứ lâu xa, núi này còn có tên khác, không giống với ngày nay. Các ngươi có thấy núi Bạch thiện[96] không?’
Các Tỳ-kheo đáp:
“Dạ, có thấy.”
“Quá khứ lâu xa, núi này còn có tên khác, không giống với ngày nay. Các ngươi có thấy núi Phụ trọng[97] không?’
Các Tỳ-kheo đáp:
“Dạ, có thấy.”
“Các ngươi có thấy núi Tiên nhân quật[98] không?”
Các Tỳ-kheo đáp:
“Dạ, có thấy.”
“Quá khứ lâu xa, núi này cũng có tên như vậy. Vì sao vậy? Núi Tiên nhân là nơi thường có các vị Bồ tát thần túc, đắc đạo A-la-hán và các vị tiên nhân cư trú. Các vị Bích-chi-phật cũng du hành trong núi ấy. Nay Ta nói danh hiệu của các vị Bích-chi-phật, các vị hãy lắng nghe và ghi nhớ kỹ. Có Bích-chi-phật tên A-lợi-tra, Bà-lợi-tra, có Bích-chi-phật tên Thẩm Đế Trọng, có Bích-chi-phật hiệu Thiện Quán, có Bích-chi-phật hiệu Cứu Cánh, có Bích-chi-phật hiệu Thông Minh, có Bích-chi-phật hiệu Vô Cấu, có Bích-chi-phật hiệu Đế-xa, Niệm Quán, Vô Diệt, Vô Hình, Thắng, Tối Thắng, Cực Đại, Cực Lôi Điển, Quang Minh.[99] Này các Tỳ-kheo! Khi Như Lai không xuất thế, bấy giờ trong núi này có năm trăm vị Bích-chi-phật này ở trong núi Tiên nhơn này. Khi Như Lai ở trên trời Đâu-suất muốn lai sinh, Thiên tử Tịnh cư tự đến đây thông báo và ra lệnh cho tất cả thế gian: ‘Hãy làm thanh tịnh cõi Phật để hai năm sau Như Lai sẽ xuất hiện ở đời.’
“Các vị Bích-chi-phật sau khi nghe vị thiên nhơn nói rồi, đều bay lên hư không mà nói kệ này:
Khi Phật chưa xuất thế,
Hiền Thánh trú nơi đây.
Bích-chi-phật tự ngộ,
Thường sống trong núi này.
Núi này tên Tiên nhơn
Nơi ở Bích-chi-phật
Tiên nhơn và La-hán
Không lúc nào vắng mặt.
“Lúc ấy, các vị Bích-chi-phật liền ở trên không trung thiêu thân nhập Bát-niết-bàn. Vì sao vậy? Vì đời không hai hiệu Phật, nên phải diệt độ vậy. Trong đòan khách buôn không cần hai người lãnh đạo. Trong một nước không có hai vua. Một cõi Phật không hai tôn hiệu. Vì sao vậy? Vì trong quá khứ lâu xa, thành La-duyệt có vua tên Hỷ Ích thường nghĩ đến thống khổ địa ngục, cũng nghĩ đến nỗi khổ ngạ quỷ, súc sanh. Bấy giờ, vua ấy liền tự nghĩ: ‘Ta thường nhớ nghĩ đến thống khổ nơi địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh; nay ta không nên đi vào ba đường dữ này. Nên xả bỏ hết ngôi vua, vợ con, tôi tớ, với lòng tin kiên cố xuất gia học đạo.’
“Bấy giờ, đại vương Hỷ Ích chán ghét nổi khổ này liền xả bỏ ngôi vua, cạo bỏ râu tóc, đắp ba pháp y, xuất gia học đạo, ở tại nơi vắng vẻ tự khắc chế mình, quán năm thủ uẩn, quán rõ vô thường: đây là sắc, đây là sự tập khởi của sắc, đây là sự diệt tận của sắc; thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy, thảy đều vô thường. Khi đang quán năm thủ uẩn này, tháy rằng các pháp có thể tập khởi là pháp diệt tận. Sau khi quán sát pháp này, liền thành Bích-chi-phật.
“Lúc ấy, Bích-chi-phật Hỷ Ích đã thành đạo quả, liền nói kệ này:
Ta nghĩ khổ địa ngục,
Súc sanh, trong năm đường;
Bỏ nó mà học đạo;
Một mình không sầu ưu.
“Lúc ấy, Bích-chi-phật này ở trong núi Tiên nhơn kia. Tỳ-kheo, nên biết, do phương tiện này mà biết trong núi này thường có Bồ-tát thần túc, những bậc Chân nhơn đắc đạo, người học đạo tiên đang cư trú trong đó. Cho nên gọi là núi Tiên nhơn, không có tên nào khác. Khi Như Lai không xuất hiện ở đời, chư thiên thường đến núi này đảnh lễ. Vì sao vậy? Trong núi này toàn là các bậc Chân nhân, không có lẫn lộn. Nếu khi Phật Di-lặc giáng thần xuống thế gian, tên [723b] các núi đều đổi khác, chỉ có núi Tiên nhân vẫn không tên khác. Trong Hiền kiếp này, tên núi này cũng không khác. Tỳ-kheo, các ngươi nên thân cận núi này, cung kính, thừa sự sẽ tăng ích các công đức.
“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”
Bấy giờ cácTỳ-kheo nghe những điều Phật dạy, hoan hỳ phụng hành.
KINH SỐ 8[100]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Các ngươi chuyên niệm mà tự tu tập. Thế nào là chuyên niệm? Ở đây, Tỳ-kheo, khi đi biết đi, cử động, tới dừng, co, duỗi, cúi, ngước, mặc pháp y, ngủ nghỉ, thức dậy, hoặc nói, hoặc im lặng, thảy đều biết thời. Nếu Tỳ-kheo tâm ý chuyên chánh, với Tỳ kheo ấy dục lậu chưa sinh liền không sinh, đã sinh liền diệt, hữu lậu chưa sinh khiến không sanh, đã sanh liền diệt, vô minh lậu chưa sanh khiến không sanh, đã sanh liền diệt. Nếu chuyên niệm phân biệt sáu xứ, trọn không rơi vào đường dữ.
“Sao gọi sáu xứ là đường dữ? Mắt nhìn sắc này, hoặc đẹp hoặc xấu. Thấy đẹp thì thích, thấy xấu thì không thích. Tai nghe tiếng hoặc hay, hoặc dở. Nghe tiếng hay thì thích, nghe tiếng không hay thì không thích. Mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như vậy. Giống như có sáu loại thú có tánh nết khác nhau, hành động cũng khác. Nếu có người bắt chó, cáo, vượn, cá chiên,[101] rắn, chim, tất cả đều cột lại, nhốt chung vào một nơi rồi thả đi. Bấy giờ, trong sáu loại vật, mỗi con sẽ thể hiện mỗi tính cách.
“Bấy giờ, trong ý con chó muốn chạy vào thôn; trong ý con cáo muốn chạy đến gò mả; trong ý con cá chiên muốn vào trong nước; trong ý con vượn muốn vào rừng núi; trong ý rắn độc muốn vào trong hang; trong ý chim muốn bay lên hư không. Sáu loài, mỗi loài có tánh cách khác nhau.
“Nếu có người lại bắt sáu loại vật này nhốt vào một chỗ, không cho chúng tự do đi theo bốn hướng. Lúc này, sáu con vật ấy tuy đi lại nhưng không rời khỏi chỗ cũ trong đó. Sáu tình cũng lại như vậy, mỗi loại đều có chủ đích riêng, phận sự bất đồng, lối nhìn cũng khác biệt, hoặc tốt hoặc xấu.
“Bấy giờ, Tỳ-kheo buộc sáu tình này mà đặt một chỗ. Cho nên, [724a] các Tỳ-kheo, hãy nhớ nghĩ chuyên tinh, ý không tán loạn. Lúc ấy, tệ ma Ba-tuần hòan tòan không có cơ hội, các công đức lành thảy đều được thành tựu.
“Như vậy, các Tỳ-kheo, nên niệm đầy đủ nhãn căn, sẽ được hai quả: ở trong hiện pháp đắc quả A-na-hàm, hoặc đắc quả A-la-hán.
“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”
Bấy giờ cácTỳ-kheo nghe những điều Phật dạy, hoan hỳ phụng hành.
KINH SỐ 9
Tôi nghe như vầy:
Một thời đức Phậtở trong vườn Lộc dã, nước Ba-la-nại, cùng với chúng đại Tỳ kheo năm trăm vị. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Hãy tư duy về tưởng vô thường, phát triển tưởng vô thường. Đã tư duy tưởng vô thường, phát triển tưởng vô thường, liền đoạn trừ được dục ái, sắc ái, vô sắc ái, đọan sạch kiêu mạn, vô minh. Vì sao vậy? Ngày xưa, trong đời quá khứ lâu xa, có Bích-chi-phật hiệu Thiện Mục,[102] tướng mạo đoan chánh, mặt như màu hoa đào, nhìn xem xét kỹ thì, miệng phát ra hương hoa sen, thân toả ra hương chiên đàn.
“Bấy giờ, Thiện Mục Bích-chi-phật, đến giờ đắp y mang bát vào thành Ba-la-nại khất thực, dần dần đến nhà đại trưởng giả, đứng im lặng ở ngoài cửa. Lúc ấy, con gái của trưởng giả từ xa thấy có đạo sĩ đứng ở ngoài cửa, vô cùng đoan chánh, tướng mạo đặc thù hiếm có trên đời, miệng phát ra hương hoa sen, thân toả ra hương chiên đàn, liền khởi dục tâm, đến chỗ Tỳ-kheo kia nói rằng: ‘Ông xinh đẹp, mặt như màu hoa đào, hiếm có trên đời. Nay tôi tuy là xử nữ, nhưng lại cũng xinh đẹp. Chúng ta hãy hòa hợp. Trong nhà tôi rất nhiều châu báu, vô số của cải; còn làm Sa-môn thật là không phải dễ.’
“Lúc ấy, Bích-chi-phật hỏi: ‘Này cô em, cô mê chỗ nào?’ Con gái trưởng giả đáp: ‘Tôi thật sự mê sắc của cặp mắt. Lại nữa trong miệng tỏa mùi hương hoa sen ưu-bát, thân lại tiết ra mùi hương chiên đàn.’
“Khi ấy Bích-chi-phật liền duỗi tay trái, dùng tay phải móc mắt đặt vào lòng bàn tay mà bảo: ‘Cái mà cô gọi con mắt đáng yêu đây! Cô em, bây giờ cô còn mê chỗ nào nữa? Giống như ung nhọt, chẳng có gì đáng ham cả, mà trong mắt này cũng rỉ bất tịnh. Cô em nên biết, con mắt như bọt nước nổi, cũng không bền chắc, huyễn ngụy không thật, mê hoặc người đời. Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý đều [724b] không bền chắc, giả dối không thật. Miệng là nơi khạc nhổ đờm dãi, ra những vật bất tịnh, chứa toàn xương trắng. Thân là đồ chứa sự khổ, là pháp hoại diệt, là nơi thường chứa chất hôi thối, là nơi các loại vi trùng quấy rối. Cũng như chiếc bình vẽ, bên trong đựng bất tịnh. Này Cô em, nay cô mê chỗ nào? Cho nên, này cô em, hãy chuyên tâm tư duy, pháp này huyễn ngụy không thật. Nếu Cô em tư duy về nhãn sắc vô thường, những ý tưởng nào đắm đuối dục liền tự tiêu diệt. Tai, mũi, miệng, thân, ý thảy đều vô thường. Sau khi tư duy điều này, những gì là dục ý tự sẽ tiêu trừ. Tư duy về sáu xứ sẽ không có tưởng dục.’
“Lúc ấy, con gái trưởng giả liền hoảng sợ, đến trước lạy ngay sát chân vị Bích-chi-phật, bạch Bích-chi-phật: ‘Từ nay trở đi con xin sửa lỗi tu thiện, không còn khởi tưởng dục nữa. Cúi xin ngài nhận sự hối lỗi.’ Nói ba lần như vậy.
“Bích-chi-phật bảo: ‘Thôi, thôi, Cô em! Đó chẳng phải lỗi của cô, mà là tội từ đời trước của ta, nên mang hình này khiến người thấy đều khởi ý dục tình. Hãy quán sát kỹ mắt. Mắt này chẳng phải ta, ta chẳng phải của mắt, cũng chẳng phải ta tạo, cũng chẳng phải nó làm, từ trong không có mà sanh, đã có rồi tự hư hoại; cũng chẳng phải đời trước, đời này, đời sau; mà đều do nhân duyên hội hợp. Nhân duyên hội hợp là duyên cái này có cái này, đây khởi thì kia khởi, đây không thì kia không, đây diệt thì kia diệt. Mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý cũng lại như vậy, thảy đều trống không. Cho nên, Cô em chớ đắm nhãn sắc. Do không đắm sắc mà đến nơi an ổn, không còn dục của tình. Này Cô em, hãy học điều này như vậy.’
“Bấy giờ, Bích-chi-phật vì người nữ kia nói bốn pháp phi thường, rồi bay lên hư không, hiện mười tám phép biến hoá, sau đó trở về chỗ cũ.
“Lúc ấy, người nữ kia quán sát mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý đều không có sở hữu, liền ở nơi vắng vẻ, tư duy pháp này. Người nữ kia lại tư duy về sáu tình không chủ, đạt được bốn vô lượng tâm, thân hoại mạng chung sanh lên cõi Phạm thiên.
“Các Tỳ-kheo, nên biết, nếu tư duy về tưởng vô thường, phát triển tưởng vô thường, sẽ dứt sạch dục ái, sắc ái, vô sắc ái; kiêu mạn, vô minh, thảy đều trừ sạch.
“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 10[103]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.[104]
Lúc ấy, vua Ba-tư-nặc bảo người đánh xe:
“Ngươi chuẩn bị xe [724c] lông chim*. Ta muốn đi ra ngoài xem xét.”
Người kia vâng lời vua dạy, chuẩn bị xe lông chim, rồi đến trước tâu vua:
“Đã chuẩn bị xong xe vũ bảo. Vua nên biết đúng thời.”
Vua Ba-tư-nặc dẫn theo người này[105] ra khỏi thành Xá-vệ, đến khu vườn kia,[106] thấy cây cối không một tiếng động, cũng không bóng người, tịch nhiên trống vắng. Thấy vậy, vua liền nhớ lại Như Lai đã từng thuyết về gốc các pháp. Lúc ấy, người đánh xe đứng phía sau cầm quạt, quạt hầu vua. Vua nói:
“Cây cối, hoa quả vườn này không một tiếng động, cũng không một bóng người dân, tịch nhiên trống vắng. Nay ta muốn thỉnh Như Lai, Chí chơn, Đẳng chánh giác du hoá ở đây, nhưng không biết hiện nay Như Lai đang ở đâu. Ta muốn đến hầu thăm.”
Người hầu nói:
“Dòng họ Thích có thôn tên Lộc đường;[107] Như Lai đang giáo hoá ở đó.”
vua Ba-tư-nặc bảo:
“Lộc đường ấy cách đây gần hay xa?”
Người hầu tâu:
“Chỗ ở Như Lai cách đây không xa, nếu tính dặm đường, chỉ khoảng ba do tuần.”
Lúc ấy, vua Ba-tư-nặc bảo:
“Hãy chuẩn bị xe lông chim. Ta muốn đi gặp Như Lai.”
Vâng lệnh vua, người ấy liền chuẩn bị xe, rồi đến trước tâu vua:
“Đã chuẩn bị xe xong. Xin vua biết đúng thời.”
Vua liền lên xe đi đến thôn ấy.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo đang kinh hành nơi đất trống. Khi ấy, vua xuống xe, đến chỗ các Tỳ-kheo; đảnh lễ sát chân, rồi đứng qua một bên, vua bạch Tỳ-kheo:
“Như Lai hiện đang ở đâu? Con muốn gặp Ngài.”
Các Tỳ-kheo đáp:
“Thế Tôn đang ở trong giảng đường này. Vua có thể vào gặp Ngài, chớ có ngại.”
Vua liền nhẹ nhàng bước vào, không gây ra một tiếng động. Lúc ấy, vua Ba-tư-nặc quay lại nhìn người hầu. Người ấy liền tự nghĩ: “Nay hãy để vua vào gặp Thế Tôn một mình. Ta nên đứng đây.”
Bấy giờ, vua đi một mình đến chỗ Thế Tôn. Thế Tôn bằng thiên nhãn thấy vua đang đứng ngoài cửa, liền từ chỗ ngồi đứng dậy mở cửa cho vua. Thấy Thế Tôn, vua liền đảnh lễ sát chân, tự xưng tên họ” “Con là Vua Ba-tư-nặc.” Ba lần tự xưng danh hiệu.
Thế Tôn nói:
“Ông là Vua. Còn Ta là dòng họ Thích xuất gia học đạo.”
Vua bạch Phật:
“Cúi mong Thế Tôn kéo dài tuổi thọ đến vô cùng, để trời người được an lạc.”
Thế Tôn bảo:
“Chúc đại vương cũng sống lâu vô cùng, theo pháp [725a] cai trị, chớ đừng phi pháp. Những ai cai trị đúng pháp đều sanh lên trời, xứ lành; sau khi chết danh tiếng còn mãi, người đời truyền rằng: ‘Xưa có vua đúng pháp cai trị dân, chưa từng tà vạy.’ Nếu có người dân nào sống trong cảnh giới của vua này, khen ngợi công đức của vua, nhớ nghĩ không quên. Thân vua ở trên trời, tăng sáu việc công đức. Những gì là sáu? Một được thọ tuổi trời, hai được sắc đẹp trời, ba được thú vui trời, bốn được thần túc trời, năm được oai đức trời, sáu được ánh sáng trời. Vì vậy, Đại vương, hãy theo pháp cai trị dân, chớ đừng phi pháp. Ngày nay, tự thân Ta có công đức này nên xứng đáng nhận người cung kính lễ bái.”
Vua bạch Phật:
“Công đức của Như Lai xứng đáng nhận người lễ bái.”
Thế Tôn bảo:
“Vì sao hôm nay Ông nói Như Lai xứng đáng nhận người lễ bái?”
Vua bạch Phật rằng:
“Như Lai có sáu công đức[108] xứng đáng được nhận người lễ bái. Những gì là sáu? Chánh pháp Như Lai rất là hoà nhã, được người trí tu hành. Đó gọi là công đức đầu tiên của Như Lai đáng thờ, đáng kính.
“Lại nữa, Thánh chúng của Như Lai rất hoà thuận, thành tựu pháp tùy pháp, thành tựu giới, thành tựu trí huệ, thành tựu giải thoát, thành tựu giải thoát tri kiến. Thánh chúng gồm có bốn đôi, tám bực. Đây là Thánh chúng của Như Lai đáng kính, đáng quý, là ruộng phước lớn của thế gian. Đó gọi là công đức thứ hai của Như Lai.
“Lại nữa, Như Lai có chúng bốn bộ đều học tập, thực hành pháp cần được thực hành, không quấy nhiễu Như Lai thêm nữa. Đó gọi là công đức thứ ba của Như Lai.
“Lại nữa, Thế Tôn, con thấy dòng sát-lợi, bà-la-môn, cư sĩ, sa-môn, tài cao, hơn đời đều tập họp lại bàn luận: ‘Chúng ta phải đem luận đề này đến hỏi Như Lai. Nếu Sa-môn Cù-đàm kia không đáp luận đề này thì ông ấy còn yếu kém. Nếu có thể đáp thì chúng ta sẽ khen hay.’ Lúc ấy, bốn dòng họ đến chỗ Thế Tôn mà hỏi luận này, hoặc lại có người im lặng. Bấy giờ, Thế Tôn vì họ mà thuyết pháp. Sau khi nghe pháp xong họ không hỏi thêm gì nữa, huống chi lại muốn tranh luận và đều thờ Như Lai làm Thầy. Đó gọi là công đức thứ tư của Như Lai.
“Lại nữa, có sáu mươi hai kiến giải ngoại đạo lừa dối người đời, không hiểu chánh pháp do đó đưa đến ngu si. Nhưng Như Lai có thể trừ các nghiệp tà kiến này, sửa cho họ Chánh kiến. Đó gọi là công đức thứ năm của Như Lai.
“Lại nữa, chúng sanh tạo ác bởi thân, miệng, ý. Nếu mạng chung mà nhớ nghĩ [725b] công đức Như Lai thì được lìa ba đường dữ, được sinh lên trời. Cho dù là người cực ác, cũng được sinh lên trời. Đó gọi là công đức thứ sáu của Như Lai. Vì vậy nên chúng sanh nào thấy Như Lai cũng đều sanh tâm cung kính mà cúng dường Ngài.”
Thế Tôn bảo:
“Lành thay, lành thay Đại vương, đã có thể ở trước Như Lai rống tiếng rống sư tử, diễn bày công đức của Như Lai! Cho nên, Đại vương, hãy thường khởi tâm hướng về Như Lai. Đại vương, hãy học điều này như vậy.”
Bấy giờ, Thế Tôn vì vua Ba-tư-nặc nói pháp vi diệu khiến sinh hoan hỷ. Đại vương sau khi nghe Phật thuyết pháp rồi, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân thế tôn rồi lui đi. Sau đó không lâu, Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Các ngươi nên cúng dường pháp này, khéo tụng niệm. Vì sao vậy? Vì đây là những điều vua Ba-tư-nặc đã nói. Các ngươi cũng nên vì chúng bốn bộ giảng rộng nghĩa ấy.”
“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”
Bấy giờ cácTỳ-kheo nghe những điều Phật dạy, hoan hỳ phụng hành.
KINH SỐ 11
Tôi nghe như vầy:
Một thời đức Phật ở trong Ca-lan-đà Trúc viên, cùng chúng đại Tỳ-kheo năm trăm vị.
Lúc ấy, vua A-xà-thế bảo quần thần:
“Các khanh hãy nhanh chuẩn bị xe lông chim. Ta muốn đến gặp Thế Tôn.”
Quần thần vâng lệnh vua, chuẩn bị xe lông chim, rồi đến trước tâu vua:
“Đã chuẩn bị xe xong. Xin vua biết đúng thời.”
Vua lên xe lông chim, đi đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, ngồi qua một bên. Bấy giờ, vua A-xà-thế bạch Thế Tôn:
“Cúi xin Thế Tôn nhận lời thỉnh của con kiết hạ chín mươi ngày ở thành La-duyệt.”
Thế Tôn im lặng nhận lời thỉnh của vua. Khi vua thấy Thế Tôn đã im lặng nhận lời thỉnh, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân rồi lui đi.
Bấy giờ, vua A-xà-thế tuỳ thời cúng dường y phục, đồ ăn thức uống, giường nằm, ngoạ cụ, thuốc men trị bệnh.
Lúc ấy, quỷ thần trong thành Tỳ-xá-ly rất lộng hành, làm cho người dân tử vong vô số kể, trong một ngày mà người chết có đến số trăm. Quỷ thần la-sát đầy dẫy trong ấy. Bệnh nhân mặt mũi vàng vọt, sau ba, bốn ngày thì chết. Nhân dân thành Tỳ-xá-ly hoảng sợ, tập hợp lại một chỗ cùng bàn bạc:
“Đại thành này rất thịnh vượng, đất tốt được mùa, người giàu vui vô hạn, giống như thiên cung, [725c] chỗ ở Đế Thích. Nhưng nay bị quỷ thần này làm hại, sẽ tử vong hết, hoang vắng như núi rừng. Ai có thần đức để trừ tai hoạ này?”
Rồi mọi người dân tự bảo với nhau:
“Chúng ta nghe nói Sa-môn Cù-đàm đến chỗ nào thì nơi đó tà ma, ác quỷ không đến gần quấy nhiễu được. Nếu Như Lai đến đây, các quỷ thần này tự tẩu tán. Nhưng hiện nay Thế Tôn đang ở trong thành La-duyệt kia, đang được vua A-xà-thế cúng dường; e rằng Ngài sẽ không đến giáo hoá chốn này.”
Hoặc lại có người nói:
“Như Lai có từ bi lớn, thương tưởng chúng sanh, nhìn thấy tất cả khắp nơi; người chưa khiến cho được độ, như mẹ thương yêu con, không bỏ rơi bất cứ một chúng sanh nào. Nếu có người thỉnh, Như Lai đến liền. Vua A-xà-thế chắc không giữ lại được. Ai có thể chịu đi đến nước vua A-xà-thế mà bạch Thế Tôn rằng ‘Nay trong thành chúng con đang gặp nguy khốn này. Cúi xin Thế Tôn thương xót chiếu cố.’?”
Lúc ấy, có đại trưởng giả tên Tối Đại đang họp trong chúng này. Mọi người nói với trưởng giả:
“Chúng ta nghe nói, Sa-môn Cù-đàm đến nơi nào thì nơi đó tà ma ác quỷ không thể làm hại. Nếu Như Lai đến chốn này, có thể trừ được tai hoạ này liền. Ngài hãy đến chỗ Thế Tôn bạch đầy đủ ý này, để cho thành quách này được tồn tại lâu dài.”
Trưởng giả im lặng nhận lời mọi người, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đi về nhà. Về đến nơi, ông sắp xếp hành trang đi đường, dẫn theo những người hầu, đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, và ngồi qua một bên. Lúc ấy, trưởng giả bạch Thế Tôn:
“Nhân dân trong thành Tỳ-xá-ly gặp tai hoạn này, nhân dân tử vong rất nhiều. Trong thành ấy, mỗi ngày có hàng trăm chiếc xe nối tiếp nhau chở xác chết có đến số trăm. Cúi xin Thế Tôn giũ lòng thương tình cứu vớt, khiến cho những người còn lại mau chọn chỗ an ổn để được vô sự. Chúng con lại nghe Thế Tôn đến chỗ nào, nơi đó Thiên long quỷ thần đến gần quấy nhiễu. Cúi xin Ngài chiếu cố đến trong thành kia độ, cho dân chúng kia sống an ổn vô sự.”
Thế Tôn bảo:
“Nay Ta đã nhận lời thỉnh của vua A-xà-thế thành La-duyệt rồi. Chư Phật Thế Tôn không có hai lời. Nếu vua A-xà-thế chấp nhận, Như Lai sẽ đến.”
Trưởng giả Tối Đại bạch Phật:
“Việc này rất khó. Vua A-xà-thế chắc không bao giờ để cho Như Lai đi đến nước kia. [276a] Vì sao vậy? Vì vua A-xà-thế đối với đất nước chúng con không có mảy may thiện cảm, lúc nào cũng tìm cách muốn hại nhân dân nước con. Nếu vua A-xà-thế thấy con, liền bắt giết con ngay huống chi là cho trình bày việc này. Nếu nghe nói nhân dân nước con bị quỷ thần làm hại thì ông ta sẽ vui mừng vô cùng.”
Thế Tôn bảo:
“Chớ có lo sợ. Ông hãy đi đến chỗ vua, mà tâu việc này rằng: ‘Như Lai đã báo trước về bản thân Vua rồi, điều đó hòan tòan không hư dối, không hai lời. Phụ vương ngài không lỗi mà bị bắt giết. Đáng ra ngài sinh vào trong địa ngục A-tỳ trải qua một kiếp. Nhưng nay ngài đã lìa tội này rồi, đã sửa đổi tội lỗi kia; đã thành tựu tín căn trong pháp Như Lai. Nhờ gốc đức này mà diệt được tội đó, vĩnh viễn không còn sót. Đối thân này sau khi chết, sẽ sanh vào địa ngục Phách cầu.[109] Ở đó, mạng chung sẽ sanh lên Tứ thiên vương; ở đó mạng chung sẽ sanh lên Diễm thiên; ở trên Diễm thiên mạng chung sẽ sanh trời Đâu-suất, trời Hoá tự tại, trời Tha hoá tự tại, rồi trở lại kế đến trời Tứ thiên vương. Đại vương nên biết, trong hai mươi kiếp không đoạ đường dữ, thường sanh trong loài người. Thân cuối cùng với lòng tin kiên cố cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, xuất gia học đạo thành Bích-chi-phật Trừ Ác.’
“Vua ấy nghe những lời này xong, sẽ vui mừng hớn hở không tự dừng được, rồi cũng sẽ bảo ông những lời này, ‘Nay ông có ước nguyện gì, ta cũng sẽ không từ chối.’”
Trưởng giả bạch Thế Tôn:
“Nay con sẽ nương vào oai thần Thế Tôn, đến chỗ vua kia.”
Rồi từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân, đến chỗ vua kia.
Bấy giờ, vua A-xà-thế cùng quần thần ở trên điện cao, đang có việc bàn luận. Lúc ấy, đại trưởng giả đến trước vua. Từ xa, vua nhìn thấy ông đến, bảo các quần thần:
“Nếu người kia đến chỗ này, các khanh muốn bắt làm gì?”
Có người nói:
“Chúng ta sẽ bắt chặt năm khúc.”
Lại có người nói:
“Chúng ta sẽ bêu đầu.”
Vua A-xà-thế nói:
“Các khanh hãy bắt giết ngay đi. Không cần gặp ta.”
Trưởng giả khi nghe những lời này, rất lo sợ, lớn tiếng nói:
“Tôi là sứ giả của Phật.”
Vua nghe đến tiếng Phật, liền bước xuống ghế, gối hữu quỳ sát đất, hướng về chỗ Như Lai, hỏi trưởng giả:
“Như Lai dạy điều gì?”
Trưởng giả đáp:
“Như Lai đã thọ ký Thánh vương rồi, điều đó không có hư [726b] dối, những gì đã nói ra hòan tòan không hai lời. Vua bắt vua cha giết, duyên gốc tội này sẽ vào trong địa ngục A-tỳ trải qua một kiếp; nhưng sau đó vua đã kịp thời sửa lỗi đối với Như Lai. Nay sẽ sanh vào địa ngục Phách cầu; ở đó mạng chung sẽ sanh lên Tứ thiên vương, rồi lần lượt sanh đến Tha hoá tự tại thiên, rồi kế đến trở lại sinh về trong Tứ thiên vương. Trong hai mươi kiếp, không đoạ vào ba đường dữ, lưu chuyển trong trời người. Thân cuối cùng với lòng tin kiên cố, xuất gia học đạo tên là Bích-chi-phật Trừ Ác.”
Vua nghe xong, vui mừng hớn hở không xiết kể, liền bảo với trưởng giả:
“Giờ ông có ước nguyện gì, ta sẽ ban cho.”
Trưởng giả tâu:
“Sở nguyện của thần, xin vua chớ từ chối.”
vua A-xà-thế nói:
“Ông cứ nói ước nguyện gì, ta sẽ không từ chối.”
Trưởng giả tâu:
“Nhân dân thành Tỳ-xá-ly gặp tai nạn, bị quỷ thần làm hại, không thể kể hết. Nay, la-sát quỷ thần rất là bạo ngược. Cúi xin đại vương bằng lòng để Thế Tôn đến đất nước ấy, khiến cho quỷ thần ấy đều tẩu tán. Vì sao vậy? Chúng tôi từng nghe, nơi nào Như Lai đến thì trời, rồng, quỷ thần, không được tùy tiện. Xin đại vương bằng lòng để Thế Tôn đến nước ấy.”
Vua nghe những lời này xong, liền thở dài, bảo với trưởng giả rằng:
“Nguyện này quá lớn, chẳng phải người thường đáp ứng được. Nếu ông xin ta thành quách, xóm làng, của báu, vợ con thì ta sẽ tùy không tiếc. Ta không ngờ ông lại xin thỉnh Thế Tôn. Nhưng ta trước đã lỡ hứa sẽ chấp nhận lời nguyện đó. Nay tuỳ ý ông.”
Khi ấy, trưởng giả hết sức vui mừng, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, từ giả lui đi. Đến chỗ Thế Tôn, bạch eằng:
“Vua A-xà-thế đã đồng ý để Thế Tôn đến nước kia.”
Thế Tôn bảo:
“Ông hãy về trước. Như Lai tự sẽ biết thời!”
Trưởng giả đảnh lễ sát chân, nhiễu Phật ba vòng, rồi lui đi.
Bấy giờ, vào buổi sáng sớm, Thế Tôn dẫn các Tỳ-kheo trước sau vây quanh rời khỏi Ca-lan-đà Trúc viên đến thành Tỳ-xá-ly. Lúc ấy, vua A-xà-thế ở trên lầu cao, với một người hầu cầm lọng che. Từ xa, trông thấy Thế Tôn bấy giờ hướng về nước kia, liền tự than thở với người hầu:
“Chúng ta đã bị trưởng giả này lừa dối. Giờ ta sống mà làm gì, khi Như Lai đã đi khỏi nước này?”
Bấy giờ, vua A-xà-thế mang năm trăm cây lọng theo tiễn Thế Tôn, vì sợ bụi bám thân Thế Tôn. Lại có năm trăm cây lọng báu ở thành La-duyệt theo sau Thế Tôn. Thích Đề-hoàn Nhân biết những ý nghĩ trong tâm Thế Tôn, lại dùng năm trăm cây lọng báu che trên không trung, vì sợ bụi bám vào thân Như Lai. Các thần sông cũng mang năm trăm cây lọng báu che trên hư không. Lúc này nhân dân thành Tỳ-xá-ly nghe Thế Tôn đang vào thành, cũng mang năm trăm cây lọng báu đến trước đón Thế Tôn. Bấy giờ, có hai ngàn năm trăm cây lọng báu treo trên hư không.
Khi Thế Tôn thấy những cây lọng này, liền mỉm cười. Đây là pháp thường của chư Phật Thế Tôn, lúc Như Lai mỉm cười, trong miệng liền phát ra ánh sáng năm màu là xanh, vàng, trắng, đen, đỏ.[110] Thị giả A-nan thấy ánh sáng này, liền suy nghĩ: ‘Đây là nhân duyên gì? Nếu Thế Tôn cười, ắt có nhân duyên, không phải việc suông.’
A-nan bèn quỳ xuống, chấp tay bạch Thế Tôn:
“Như Lai hòan tòan không cười vô cớ; mà cười ắt có duyên do.”
Thế Tôn bảo:
“Nay ngươi có thấy hai ngàn năm trăm cây lọng báu này cúng dường Như Lai không?”
A-nan bạch:
“Thưa vâng, có thấy.”
Thế Tôn bảo:
“Nếu Như Lai không xuất gia học đạo thì sẽ làm Chuyển luân Thánh vương, cai trị nhân dân trong hai ngàn năm trăm đời. Vì Như Lai xuất gia học đạo, nên không nhận những cây lọng báu này.
“A-nan, nên biết, trong quá khứ lâu xa, có vị vua tên Thiện Hoá Trị[111] ở nước Mật-hi-la cai trị đúng pháp, giáo hóa tiếp nạp có phương pháp; thống trị cả Diêm-phù-lý-địa[112] này, không ai là không quy thuận.
Bấy giờ, vua này có tám vạn bốn ngàn phu nhân thể nữ, đều thuộc dòng sát-lợi. Đệ nhất phu nhân tên Nhật Quang, không có con cái nối dõi. Lúc bấy giờ, vua này tự nghĩ: ‘Hiện ta thống trị Diêm-phù-lý-địa này, mà nay không có con cái.’ Vua liền hướng về các thần núi, thần cây, thần minh, trời đất, cầu có con cái. Trải qua trong vòng chưa được vài ngày, phu nhân mang thai. Lúc ấy, phu nhân Nhật Quang tâu vua:
“Đại vương, nên biết, nay thiếp biết đã có thai, nên cần tự giữ gìn.’
“Lại trải qua tám, chín tháng, sinh được một nam nhi, tướng mạo xinh đẹp, mặt như màu hoa đào. Phu nhân thấy vậy rất vui mừng, bồng đến vua xem. [727a] Vua thấy vui mừng hớn hở không tự dừng được. Tám vạn bốn ngàn phu nhân thấy sinh thái tử, mọi người cũng đều vui mừng.
“Lúc ấy, vua triệu các quần thần, quốc sư, đạo sĩ, để xem tướng, lại đặt tên để đời truyền gọi. Ngươi tướng đến trước, tâu vua: ‘Nay sinh Thái tử rất xinh đẹp, khác hẵn người đời, ai thấy mà không yêu mến. Nay đặt tên là Ái Niệm.’ Sau khi đặt tên thái tử xong, họ đều trở về nơi ở.
“Lúc ấy, quốc vương yêu mến thái tử chưa từng rời mắt. Vua xây cho thái tử giảng đường theo ba mùa, lại cho các thể nữ ở đầy trong đó để vui đùa cùng thái tử.
“Bấy giờ, thái tử tự nghĩ: ‘Các thể nữ trong đây, có ai tồn tại mà không lìa thế gian, cũng không biến đổi chăng? Nhìn xem trong bọn họ tất cả đều vô thường, không có ai là thường còn ở thế gian; tất cả đều huyễn ngụy, không có chân thật. Nhưng lại làm cho mọi người đắm đuối, đam mê, không biết xa lìa. Nay ta cần gì những thứ ấy. Hãy bỏ mà học đạo.’
“Ngay trong ngày đó, thái tử Ái Niệm liền cạo bỏ râu tóc, đắp ba pháp y, xuất gia học đạo. Và cũng trong đêm đó, thái tử đã dứt sạch các kết sử trói buộc, tư duy thấy các pháp tập khởi thảy đều bị tiêu diệt, thành Bích-chi-phật. Sau đó liền nói kệ này:
Dục là pháp vô thường
Biến đổi, không định chắt.
Biết chúng là hoạ lớn
Đi riêng, không theo chúng.
“Sau khi nói kệ này xong, liền bay lên hư không, nhiễu quanh thành Mật-hi-la kia ba vòng. Lúc ấy, quốc vương ở trên điện cao, đang vui đùa cùng các cung nữ, thấy Bích-chi-phật bay quanh thành ba vòng, hết sức vui mừng không thể tự kiềm chế được, tự nghĩ: ‘Thái tử con ta đang bay trên hư không giống như chim vậy.” Nhà vua còn không biết thái tử đã thành Bích-chi-phật nên bảo rằng: ‘Nay con hãy hạ xuống trên điện này cùng ta vui đùa với nhau.’
Bấy giờ, này A-nan, Bích-chi-phật kia, vì muốn độ cha mẹ, nên hạ xuống trên điện. Lúc ấy, vua nói: ‘Hôm nay sao Thái tử mặc y phục thể nữ này, lại cạo râu tóc, khác hẳn người thường?’ Bích-chi-phật nói: ‘Nhừng gì con đang mặc là cao quý khác thường, chẳng phải là đồ mà người thường quen dùng.’ Vua lại hỏi: ;’Vì sao con không vào trong cung?’ Bích-chi-phật nói: ‘Từ đây về sau con không đuổi theo dục vọng nữa, cũng không ham muốn [727b] sống trong năm dục này.’ Vua nói: ‘Nếu không thích trong năm dục này thì, hãy ở trong vườn sau của ta.’
“Bấy giờ, vua thân hành đến trong vườn, tạo dựng phòng xá. Khi ấy, vì muốn độ cha mẹ nên Bích-chi-phật vào ở trong khu vườn đó, nhận sự cúng dường của vua. Một thời gian sau, vào Bát-niết-bàn trong Niết-bàn giới vô dư. Vua đưa xá-lợi đi hỏa thiêu, rồi xây tháp thờ. Vua cho xây tháp lớn tại một mơi kia. Một hôm rãnh rỗi, vua đến trong vườn ngắm cảnh, thấy ngôi tháp đã bị hư nát, liền suy nghĩ: ‘Đó là tháp thờ con ta. Nay nó đã bị hư nát, sụp đổ.’ Khi ấy, quốc vương vì lòng thương yêu chưa dứt, liền đem cây lọng của mình che lên trên tháp kia.’
“Này A-nan, chớ có nghĩ ai khác. Vua Thiện Hoá lúc bấy giờ chính là thân Ta. Lúc ấy vì con, nên đã đem một cây lọng che lên trên tháp. Nhờ nhân duyên phước đức này, mà lưu chuyển trong cõi trời người, hàng trăm ngàn lần làm Chuyển luân Thánh vương, hoặc làm Đế Thích, Phạm thiên. Lúc ấy, Ta không biết vị ấy là Bích-chi-phật. Nếu ta biết đó là Bích-chi-phật thì phước đức không thể tính hết được. Nếu Như Lai không thành Đạo Vô thượng Chánh chơn thì sẽ được làm Chuyển luân Thánh vương hai ngàn năm trăm lần nữa để sửa dạy đời. Do đã thành đạo nên nay có hai ngàn năm trăm cây lọng tự nhiên ứng hiện.
“Này A-nan, vì lý do đó mà Như Lai mỉm cười. Thừa sự chư Phật có công đức không thể kể hết như vậy. Cho nên, A-nan, ngươi hãy tìm cầu phương tiện cúng dường chư Phật Thế Tôn.
“A-nan, hãy học điều này như vậy.”
Rồi Thế Tôn dẫn các Tỳ-kheo đến thành Tỳ-xá-ly, đứng ở trong cổng thành nói kệ này:
Nay đã thành Như Lai
Chí tôn trên thế gian:
Bằng lời chân thật này,
Tỳ-xá-ly bình yên.
Đây là Pháp chân thật
Dẫn đến Niết-bàn giới;
Bằng lời chân thật này,
Tỳ-xá-ly yên bình.
Đây là Tăng chân thật,
Chúng Hiền Thánh bậc nhất;
Bằng lời chân thật này,
Tỳ-xá-ly yên bình.
Loài hai chân an ổn;
Loài bốn chân cũng vậy;
Khách đi đường an lành;
Khách đến cũng như vậy.
[727c] Ngày đêm được an ổn,
Không có ai quấy nhiễu.
Bằng lời chân thật này,
Tỳ-xá-ly yên bình.[113]
Khi Như Lai nói bài kệ ấy xong, la-sát quỷ thần, mỗi lòai tự tẩu tán, không còn ở yên chỗ đó nữa, không còn trở vào thành Tỳ-xá-ly được nữa. Những người mắc bệnh đều được khỏi bệnh.
“Bấy giờ, Thế Tôn đi trú bên bờ ao Di hầu. Nhân dân trong nước thừa sự, cúng dường y phục, đồ ăn thức uống, giường nằm, ngoạ cụ, thuốc men trị bệnh. Tùy theo khả năng gìau nghèo của họ, mỗi người mang cơm nước cúng dường Phật cùng Tăng Tỳ-kheo. Họ cũng thọ bát quan trai, không mất thời tiết.
Lúc ấy, nội thành Tỳ-xá-ly có sáu Tông sư đang du hóa ở đây. Sáu Tông sư đó là Bất-lan-ca-diếp, A-di-sủy[114], Cù-da-lâu, Ba-hưu-ca-chiên, Tiên-tỉ-lô-trì, Ni-kiền Tử. Sáu Tông sư tập họp một chỗ, bàn luận:
“Sa-môn Cù-đàm này trú tại thành Tỳ-xá-ly, được nhơn dân cúng dường. Còn chúng ta không được nhơn dân cúng dường. Chúng ta hãy đến tranh luận cùng ông ấy, xem ai đắc thắng, ai bị bại.”
Bất-lan-ca-diếp nói:
“Các sa-môn, bà-la-môn chưa bị người chỉ trích, mà tìm cách đến cật vấn; đó chẳng phải pháp sa-môn, bà-la-môn. Nhưng Sa-môn Cù-đàm này chưa bị người chỉ trích, mà tìm cách đến nạn vấn, chúng ta làm sao có thể tranh luận với ông ta được?”
A-di-sủy nói:
“Không có thí, không có (người) nhận, cũng không có người cho, cũng không có đời này, đời sau, không có loài hóa sanh, cũng không có báo thiện, ác.”
Cừu-da-lâu nói:
“Ở bên bờ này Hằng thủy giết vô số người, chất thịt thành núi, ở bên bờ kia Hằng thủy tạo các công đức. Duyên đây, đều chẳng có báo thiện ác.”[115]
Ba-hưu-ca-chiên nói:
“Giả sử ở bên trái Hằng thủy, dù có bố thí, giữ giới, tuỳ thời cung cấp không để ai thiếu, cũng lại không phước báo này.”
Tiên-tỉ-lô-trì nói:
“Không có lời nói, cũng không có báo lời nói. Chỉ im lặng là khoái lạc.”
Ni-kiền Tử nói:
“Có ngôn ngữ, cũng có báo ngôn ngữ. Sa-môn Cù-đàm là người, ta cũng là người. Cù-đàm có sở tri, ta cũng có sở tri. Sa-môn Cù-đàm có thần túc, ta cũng có thần túc. Nếu Sa-môn kia hiện một thần túc, ta sẽ hiện hai thần túc. Sa-môn hiện hai thần túc, ta sẽ hiện bốn thần túc. Ông ấy hiện bốn, ta sẽ hiện tám. Ông ấy hiện [728a] tám, ta sẽ hiện mười sáu. Ông ấy hiện mười sáu, ta sẽ hiện ba mươi hai. Luôn luôn tăng gấp bội, chứ khong bao giờ chịu khuất phục; đủ sức để thi đấu. Nếu ông ấy không chịu tranh luận với chúng ta, tức là lỗi của ông ấy. nhân dân nghe rồi sẽ không cúng dường ông ta nữa. Chúng ta sẽ được cúng dường.”
Vào lúc đó, có Tỳ-kheo-ni nghe đồn sáu Tông sư ngoại đạo tập họp lại một chỗ bàn với nhau: ‘Sa-môn Cù-đàm không chịu tranh luận với người. Chúng ta đủ để đắc thắng.’ Khi ấy, Tỳ-kheo ni Thâu-lô-ni[116] liền bay lên hư không hướng về sáu Tông sư kia mà nói bài kệ này:
Thầy ta không ai bằng,
Tối tôn, không ai hơn;
Ta đệ tử vị ấy,
Tên là Thâu-lô-ni.
Nếu ngươi có khả năng
Hãy tranh luận với ta.
Ta sẽ đáp từng việc;
Như sư tử bắt nai.
Ngoài Tôn sư tôi ra,
Không ai là Như Lai.
Nay Tỳ-kheo-ni ta
Đủ hàng phục ngoại đạo.
Sau khi Tỳ-kheo-ni nói bài kệ này xong, sáu Tông sư còn không thể ngước lên nhìn nhan sắc, huống chi cùng tranh luận.
Lúc ấy, nhân dân thành Tỳ-xá-ly từ xa trong thấy Tỳ-kheo-ni ở trên hư không tranh luận với sáu Tông sư, nhưng sáu Tông sư không thể đáp; mọi người đều reo vui mừng rỡ vô cùng:
“Hôm nay, sáu Tông sư đã chịu khuất phục cô ấy.”
Nhóm sáu Tông sư rất sầu ưu, rời khỏi thành Tỳ-xá-ly mà đi, không vào thành nữa.
Lúc ấy, nhiều Tỳ-kheo nghe chuyện Tỳ-kheo-ni Thâu-lô tranh luận thắng sáu Tông sư. Các vị ấy đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên Thế Tôn.
Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Tỳ-kheo-ni Thâu-lô có thần túc lớn, có oai thần lớn, trí huệ, đa văn, Ta thường lúc nào cũng nghĩ như vầy: Không có ai lại có thể tranh luận với sáu Tông sư. Chỉ có Như Lai và Tỳ-kheo-ni này.”
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Các ngươi có thấy Tỳ-kheo-ni nào có thể hàng phục ngoại đạo như Tỳ-kheo-ni này không?”
các Tỳ-kheo đáp:
“Thưa không, Thế Tôn!”
Thế Tôn bảo:
“Này các Tỳ-kheo! Tỳ-kheo-ni đứng đầu trong các Thanh văn của Ta, có thể hàng phục ngoại đạo, chính là Tỳ-kheo-ni Thâu-lô.”[117]
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe những điều Phật dạy, hoan hỳ phụng hành.
KINH SỐ 12
[728b] Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có sáu xúc xứ.[118] Những hì là sáu? Là các xứ như mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Đó là sáu xứ. Phàm phu khi mắt thấy sắc liền khởi tâm đắm nhiễm không thể lìa bỏ. Do thấy sắc, rồi khởi nhiễm đắm, nên lưu chuyển sanh tử không có lúc nào thoát. Sáu tình cũng lại như vậy, khởi tưởng nhiễm đắm, ý không thể lìa bỏ, do đó lưu chuyển không có lúc nào thoát.
“Nếu đệ tử Hiền Thánh của Thế Tôn, mắt thấy sắc rồi không khởi đắm trước, không có tâm ô nhiễm, tức có thể phân biệt mắt này là pháp vô thường, khổ, không, pháp chẳng phải thân.[119] Sáu tình cũng lại như vậy, không khởi tâm ô nhiễm, phân biệt sáu tình này là vô thường, khổ, không, pháp chẳng phải thân, phải tư duy điều này thời liền được hai quả: hoặc ở trong hiện pháp đắc A-na-hàm, hoặc A-la-hán. Giống như có người rất đói, muốn xay giã lúa, sàng xảy cho sạch sẽ để nấu ăn, trừ cơn đói khát. Đệ tử của Hiền Thánh cũng lại như vậy, đối với sáu tình này tư duy về sự nhiễm ô, bất tịnh liền thành tựu đạo tích, nhập vô dư Niết-bàn giớ. Cho nên, Tỳ-kheo, hãy tìm cầu phương tiện diệt sáu tình này.
“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe những điều Phật dạy, hoan hỳ phụng hành.[120] Chú thích:
[93] Pāli, M.116 Isigili (R.iii.68).
[94] Linh thức sơn 靈鷲山, tức Kỳ-xà-quật 耆闍崛山. Pāli: Gijjhikūṭa.
[95] Quảng phổ sơn 廣普山. Pāli: Vepulla (Vipulla), núi cao nhất trong năm núi bao quanh thành Vương xá.
[96] Bạch thiện sơn 白善山. Pāli: Paṇḍava.
[97] Phụ trọng sơn 負重山. Pāli: Vebhāra.
[98] Tiên nhân quật 仙人[13]掘 山. (chữ 掘 nên sửa lại là 窟) Pāli: Isigili, một trong năm núi quanh Vương xá, được nói là đẹp nhất.
[99] Danh sách các Bích-chi-phật theo Pāli: Ariṭṭho (A-lị-trá 阿利吒); Upariṭṭho (Bà-lị-trá 婆利吒); Tagarasikhī (Hán đọc là Takkasikhī, Thẩm Đế Trọng 審諦[17]重?); Yasassī; Sudassano (Thiện Quán 善觀); Piyadassī; Gandhāro; Piṇḍolo; Upāsabho; Nīto (Hán đọc là Niṭṭha, Cứu Cánh 究竟? ); Tatho (Hán?), Sutavā (Hán?); Bhāvitatto (Niệm Quán 念觀). Các vị khác được kể thêm trong phần kệ của Pāli: Hán: Đế-xa 帝奢, Pāli: Tissa. Thông Minh 聰明 (Pāli?). Vô Cấu 無垢 (Pāli?). Vô Diệt 無[19]滅 (Pāli?). Vô Hình 無形 (Pāli?). Thắng 勝 (Jeta). Tối Thắng 最勝 (Jayanta). Cực Đại 極大(Pāli?). Cực Lôi Điển 極雷電. (Pāli?). Quang Minh 光明 (Pāli?).
[100] Pāli, S. 35. 206 Chapāna (R. iv. 198)
[101] Hán: chiên ngư 鱣魚. Pāli: susumāra, cá sấu.
[102] Thiện Mục 善目; Pāli: Sunetta, cf. DhA. ii 71 f.
[103] Tham chiếu, Pāli, M. 89 Dhammacetiya (R. ii. 117). Hán: Trung 59, kinh 213.
[104] Đoạn tự thuyết này không phù hợp với báo cáo được nói trong đoạn sau của Kinh. Xem cht. 41.
[105] Pāli: Dīgho Kārāyano (Trung kinh 213: Trường Tác 長 作), tổng chỉ huy quân đội của Vua. Sớ giải Pháp cú (DhA.iii. 355) cho biết, chính thời điẻm này, ông này âm mưu với Thai tử Viḍūḍadabha am mưu cướp ngôi.
[106] Pāli: thị trấn Nagaraka. Sớ giải Pāli nói, đây là một thôn của người Thích-ca. Trung ibid.: thị trấn tên là Ấp 邑名城.
[107] Lộc đường 鹿堂. Pāli: bấy giờ Thế tôn đang ở giữa những người họ Thích, tại thị trấn Medalumpa. Trung ibid.: Di-lũ-li 彌婁離.
[108] Trung ibid.: pháp tĩnh法 靖, sự loại suy về pháp. Pāli: dhammanvaya, tổng tướng của pháp, loại cú của pháp, mục đích thứ tự của pháp. Đây chỉ sự suy diễn dựa trên những chứng nghiệm thực tế.
[109] Phách cầu 拍毬. TNM: Phách cúc.
[110] Có thể dịch giả theo tập quán kể năm màu của Trung quốc. Các kinh chỉ kể bốn màu, trừ màu đen.
[111] Đoạn dưới, nói là Thiện Hóa.
[112] Diêm-phù-lý-địa 閻浮里地, (Skt. Jambudvipa); các chỗ khác âm Diên-phù-địa. Phiên âm không thống nhất trong bản Hán.
[113] Cf. Pāli, Ratanasutta (kinh Tam Bảo), được xem như hộ chú (paritta), đọc khi cầu an: Yaṃ kiñci vittaṃ idha vā huraṃ vā, saggesu vā yaṃ ratanaṃ paṇītaṃ; na no samaṃ atthi tathāgatena, idampi buddhe ratanaṃ paṇītaṃ; etena saccena suvatthi hotu… “Dù trong đời này hay đời khác, hay trên thiên giới, không có tài bảo vi diệu nào sánh với Đức Như lai. Ở đây, Phật là tài bảo tối thắng vi diệu. Bằng sự thực này, ước nguyện tất cả đều được an lành…”
[114] 耑, đọc là sủy cho phù hợp với nguyên âm Phạn (Pāli: Ajitakesakambala)
[115] Cf. Pāli, D. 2 Sāmaññaphala (R. i. 52), thuyết vô nghiệp (akiriya) của Pūraṇo Kassapo.
[116] Thâu-lô-ni 輸盧尼, nghi dư chữ ni. Tức Tỳ kheo ni Thâu-na được nói trong kinh 2 phẩm 5 trên. Có thể đồng nhất Pāli: Soṇā.
[117] Xem kinh 2, phẩm 5: Tỳ kheo ni Thâu-na. Lưu ý phiên âm tên người không thống nhất của bản Hán này.
[118] Nguyên Hán: tế hoạt cánh lạc nhập 細滑更樂入. Pāli: phassāyatana.
[119] Phi thân 非身, tức vô ngã,
[120] Bản Hán, hết quyển 32.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.189.186.247 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.