Giữ tâm thanh tịnh, ý chí vững bền thì có thể hiểu thấu lẽ đạo, như lau chùi tấm gương sạch hết dơ bẩn, tự nhiên được sáng trong.Kinh Bốn mươi hai chương
Không làm các việc ác, thành tựu các hạnh lành, giữ tâm ý trong sạch, chính lời chư Phật dạy.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Cỏ làm hại ruộng vườn, si làm hại người đời. Bố thí người ly si, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 358)
Vui thay, chúng ta sống, Không hận, giữa hận thù! Giữa những người thù hận, Ta sống, không hận thù!Kinh Pháp Cú (Kệ số 197)
Người hiền lìa bỏ không bàn đến những điều tham dục.Kẻ trí không còn niệm mừng lo, nên chẳng bị lay động vì sự khổ hay vui.Kinh Pháp cú (Kệ số 83)
Người ngu nghĩ mình ngu, nhờ vậy thành có trí. Người ngu tưởng có trí, thật xứng gọi chí ngu.Kinh Pháp cú (Kệ số 63)
Người ta thuận theo sự mong ước tầm thường, cầu lấy danh tiếng. Khi được danh tiếng thì thân không còn nữa.Kinh Bốn mươi hai chương
Người cầu đạo ví như kẻ mặc áo bằng cỏ khô, khi lửa đến gần phải lo tránh. Người học đạo thấy sự tham dục phải lo tránh xa.Kinh Bốn mươi hai chương
Không thể lấy hận thù để diệt trừ thù hận.
Kinh Pháp cú
Ta như thầy thuốc, biết bệnh cho thuốc. Người bệnh chịu uống thuốc ấy hay không, chẳng phải lỗi thầy thuốc. Lại cũng như người khéo chỉ đường, chỉ cho mọi người con đường tốt. Nghe rồi mà chẳng đi theo, thật chẳng phải lỗi người chỉ đường.Kinh Lời dạy cuối cùng
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
[751c7] “Nên đối xử với Tỳ-kheo Xa-na như thế nào?”[27]
Thế Tôn bảo:
“Cần phải trừng phạt bằng pháp phạm-đàn[28].”
A-nan bạch Phật:
“Trừng phạt bằng pháp phạm-đàn là thế nào?”
Thế Tôn bảo:
“Không được nói chuyện gì cùng Tỳ-kheo Xa-na, không nói điều tốt, cũng không nói xấu. Tỳ-kheo này cũng không được nói chuyện gì với ông.”
A-nan bạch Phật:
“Nếu tỳ kheo ấy vẫn không chịu phục tùng, tội ấy há không nặng thêm sao?”
Thế Tôn bảo:
“Chỉ không nói chuyện tức là trừng phạt bằng phạm-đàn. Nhưng nếu vẫn không sửa đổi, cần phải đưa ra giữa chúng để mọi người cùng quyết định trục xuất,[29] không cho thuyết giới chung, cũng không được tham dự pháp hội.”
Lúc ấy, Thế Tôn liền nói kệ này:
Muốn trả lại oán thù,
Cho kẻ oán gia kia,
Thường nhớ chớ nói chuyện;
Ác này không đi quá.[30]
Lúc ấy, nhân dân Câu-thi-na-kiệt nghe Như Lai sắp diệt độ vào nửa đêm nay. Lúc này nhơn dân cả nước liền đi đến rừng Song thọ. Đến rồi, đảnh lễ sát chân, ngồi qua một bên. Bấy giờ, nhân dân bạch Thế Tôn:
“Nay nghe Như Lai sắp diệt độ, chúng con phải làm gì để biểu lộ sự tôn kính?”
Lúc ấy, Thế Tôn quay lại nhìn A-nan. A-nan liền tự nghĩ: “Hôm nay thân thể Như Lai mệt mỏi, muốn sai ta chỉ bày cách thức cho họ.”
Rồi A-nan quỳ gối phải sát đất chấp tay bạch Thế Tôn:
“Hôm nay có hai dòng họ, một tên là Bà-a-đà, một tên là Tu-bạt-đà[31] đến quy y Như Lai Thánh chúng. Cúi xin Thế Tôn cho phép họ làm Ưu-bà-tắc, từ đây về sau không sát sanh nữa.
Lại có người tên Đế-xa, người thứ hai tên Ưu-ba-đế-xa. Lại có người tên Phật-xá, người thứ hai tên Kê-đầu.[32] Những người này đều đến quy y Như Lai. Cúi xin Thế Tôn nhận họ làm Ưu-bà-tắc, từ nay về sau không sát sanh nữa, vâng giữ năm giới.
Lúc ấy, Thế Tôn thuyết pháp rộng rãi cho họ. Sau đó bảo họ trở về. Bấy giờ, chúng năm trăm người Ma-la liền từ chỗ ngồi đứng dậy, nhiễu Phật ba vòng rồi lui đi. Bấy giờ, Thế Tôn bảo A-nan:
“Những đệ tử chứng ngộ cuối cùng của Ta chính là năm trăm Ma-la ở Câu-thi-na-kiệt.
Bấy giờ, bà-la-môn Tu-bạt từ nước kia[33] đi đến Câu-thi-na-kiệt. Từ xa trông thấy năm trăm người này, liền hỏi:
“Các vị từ đâu đến?”
Năm trăm người đáp:
“ Tu-bạt, nên biết, hôm nay Như Lai sẽ diệt độ giữa cây song thọ.”
Lúc ấy, Tu-bạt liền tự nghĩ:
“Như Lai xuất hiện ở đời, rất là khó gặp. Sự xuất thế của Như Lai lâu lâu mới có. Như hoa ưu-đàm-bát, ức kiếp mới xuất hiện. Nay ta có những pháp chưa được thông tỏ, còn ít nhiều hồ nghi. Chỉ có Sa-môn Cù-đàm kia có thể giải thích hồ nghi cho ta. Nay ta hãy đi đến chỗ Sa-môn Cù-đàm kia mà hỏi nghĩa này.”
Rồi bà-la-môn Tu-bạt đến chỗ Song thọ, đến chỗ A-nan, thưa A-nan:
“Tôi nghe hôm nay Thế Tôn sẽ diệt độ; không biết có thật vậy không?”
A-nan đáp:
“Thật có việc này”
Tu-bạt bạch:
“Song hôm nay tôi còn có hồ nghi. Cúi xin cho phép tôi bạch Thế Tôn lời này: Mọi người không rõ những điều Lục sư nói. Tôi có thể biết những điều Sa-môn Cù-đàm nói chăng?”[34]
A-nan nói:
“Thôi! Thôi! Tu-bạt, chớ có quấy nhiễu Như Lai!”
Ba lần như vậy. Ông lại thưa với A-nan:
“Như Lai xuất thế rất là khó gặp. Như hoa Ưu-đàm-bát, lâu lâu mới có. Như Lai cũng vậy, lâu lâu mới xuất hiện. Nay tôi xét thấy Như Lai có khả năng giải thích những hồ nghi cho tôi. Nay, ý nghĩa mà tôi muốn hỏi, thật không đủ lời để nói. Bây giờ A-nan lại không cho tôi đến thưa hỏi Thế Tôn. Lại nghe Như Lai có thể thấy xa đến vô cùng, có thể thấy khoảng trước đến vô cực, mà hôm nay tôi vẫn không được tiếp nhận.”
Ngay khi ấy, Thế Tôn bằng thiên nhĩ, từ xa nghe Tu-bạt bàn với A-nan như vậy. Thế Tôn bảo A-nan:
“Thôi, thôi, A-nan! Chớ ngăn bà-la-môn Tu-bạt. Vì sao vậy? Ông ấy đến hỏi nghĩa, thật có nhiều lợi ích. Nếu Ta nói pháp, ông ấy sẽ được độ thoát.”
A-nan bèn bảo Tu-bạt:
“Lành thay, lành thay! Nay Như Lai đã cho phép ông vào trong hỏi pháp.”
Sau khi nghe những lời ấy rồi, Tu-bạt vui mừng hớn hở không xiết kể. Tu-bạt đi đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, ngồi qua một bên. Bấy giờ, Tu-bạt bạch Thế Tôn:
“Nay con có điều muốn hỏi, cúi xin Thế Tôn cho phép.”
Lúc ấy, Thế Tôn bảo Tu-bạt:
“Nay chính đúng lúc, nên có thể hỏi.”
Lúc ấy, Tu-bạt bạch Phật:
“Các Sa-môn khác, thưa Cù-đàm, biết các toán thuật, hơn hẵn nhiều người. Đó là Bất-lan Ca-diếp, A-di-sủy, Cù-da-lâu, Chi-hưu Ca-chiên, Tiên-tỷ-lô-trì, Ni-kiền Tử.[35] Những hạng Tông sư như vậy có biết việc ba đời không? Hay là không rõ? Trong Lục sư kia lại có ai hơn được Như Lai không?”
Bấy giờ, Thế Tôn bảo:
“Thôi, thôi, Tu-bạt! Chớ nên hỏi điều đó. Phiền gì phải hỏi có ai hơn Như Lai không? Song hôm nay Ta ngay trên chỗ ngồi này, sẽ nói pháp cho Ông. Hãy ghi nhớ kỹ.”
Tu-bạt bạch Phật:
“Nay, con sẽ hỏi nghĩa lý sâu xa. Bấy giờ là lúc thích hợp, cúi xin Thế Tôn hãy nói.”
Thế Tôn bảo:
“Lúc Ta mới học đạo, năm hai mươi chín tuổi, vì muốn độ mọi người. Cho đến năm hai mươi lăm tuổi,[36] học ở trong ngoại đạo. Từ đó đến nay, Ta không thấy ai là Sa-môn, Bà-la-môn. Trong các đại chúng nào mà không có tám đạo Hiền thánh thì ở đó không có bốn quả Sa-môn. Này Tu-bạt, đó gọi là thế gian trống rỗng, không có ai là chân nhân đắc đạo. Rong đạo Hiền thánh nào có pháp Hiền thánh thì ở đó có bốn kết quả Sa-môn. Vì sao vậy? Sở dĩ có bốn kết quả Sa-môn là do có tám phẩm đạo Hiền thánh. Này Tu-bạt, nếu như Ta mà không đắc Đạo Vô thượng Chánh chơn, ấy là do không có tám phẩm đạo Hiền thánh. Do có tám phẩm đạo Hiền thánh nên Ta mới thành Phật đạo. Cho nên, Tu-bạt, hãy tìm cầu phương tiện thành tựu đạo Hiền Thánh.”
Tu-bạt bạch Phật:
“Con cũng rất muốn ưa nghe tám phẩm đạo Hiền Thánh, cúi xin Thế Tôn giảng nói.”
Thế Tôn bảo:
“Tám đạo Hiền Thánh là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh mạng, chánh nghiệp, chánh tinh tấn, chánh niệm, Chánh định[37]. Này Tu-bạt, đó gọi là tám phẩm đạo Hiền thánh.”
Lúc ấy, Tu-bạt ngay trên chỗ ngồi đắc pháp nhãn tịnh. Bấy giờ, Tu-bạt đi đến nói với A-nan:
“Nay tôi đã được thiện lợi. Ước Thế Tôn cho phép tôi làm Sa-môn.”
A-nan đáp:
“Ông hãy tự đến chỗ Thế Tôn mà thỉnh cầu làm Sa-môn.”
Tu-bạt bèn đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi bạch Thế Tôn:
“Cúi xin Thế Tôn cho phép con làm Sa-môn.”
Bấy giờ, Tu-bạt liền thành Sa-môn, thân mặc ba Pháp y. khi Tu-bạt ngước nhìn dung nhan Thế Tôn, liền ngay trên chỗ ngồi tâm được giải thoát khỏi hữu lậu.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo A-nan:
“Đệ tử cuối cùng của Ta chính là Tu-bạt.”
Lúc ấy, Tu-bạt bạch Phật:
“Con nghe, nửa đêm nay Thế Tôn sẽ Bát Niết-bàn. Cúi xin Thế Tôn cho phép con Niết-bàn trước. Con không kham chịu thấy Như Lai diệt độ trước.”
Bấy giờ, Thế Tôn im lặng chấp nhận. Vì sao vậy? Vì đệ tử chứng ngộ cuối cùng của hằng sa chư Phật Thế Tôn quá khứ đều Bát Niết-bàn trước, sau đó Như Lai mới diệt độ. Đó là thường pháp của chư Phật Thế Tôn, chẳng phải mới ngày nay. Lúc ấy, Tu-bạt thấy Thế Tôn đã hứa khả, liền đến trước Như Lai, chánh thân chánh ý, buộc niệm trước mặt, ở trong vô dư Niết-bàn giới mà diệt độ. Lúc ấy, cõi đất này chấn động sáu cách.
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:
Hết thảy hành vô thường.
Có sanh thì có chết.
Không sanh thì không chết.
Tịch tĩnh là an lạc.[38]
Lúc ấy, Thế Tôn bảo A-nan:
“Từ nay về sau hãy bảo các Tỳ-kheo, khi giao tiếp, không được gọi nhau là “bạn”[39], mà hãy xưng bậc lớn là “Tôn giả”, bậc nhỏ xưng là “Hiền giả”. Hãy xem nhau như anh em. Từ nay về sau không được xưng tên do cha mẹ đặt.”[40]
Lúc ấy, A-nan bạch Thế Tôn:
“Nay, như các Tỳ-kheo phải tự xưng danh hiệu thế nào?”
Thế Tôn bảo:
“Tỳ-kheo nhỏ gọi Tỳ-kheo lớn là Trưởng lão. Tỳ-kheo lớn gọi Tỳ-kheo nhỏ bằng tên họ. Lại, các Tỳ-kheo muốn đặt tên thì phải y vào Tam bảo. Đó là lời dạy bảo của Ta.”
A-nan sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 4[41]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ở trong vườn Lộc uyển,[42] nước Xá-vệ, cùng với năm trăm Tỳ-kheo .
Lúc ấy, A-tu-la Ba-ha-la[43] và thiên tử Mâu-đề-luân[44] phi thời[45] đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, ngồi qua một bên. Lúc ấy, Như Lai hỏi a-tu-la rằng:
“Các ngươi rất thích biển lớn phải không?”
A-tu-la bạch Phật:
“Rất thích, chẳng phải là không thích”
Thế Tôn bảo:
“Biển cả có pháp kỳ lạ gì, [753a01] mà các người thấy rồi, lại vui thích ở trong đó?”
A-tu-la bạch Phật:
“Biển cả có tám pháp hiếm có nên các a-tu-la thích nó. Những gì là tám? Biển cả rất sâu rộng. Đó gọi là pháp hiếm có thứ nhất.
“Lại nữa, biển cả có đức thần này: bốn sông lớn, mỗi sông có năm trăm nhánh khi đổ vào biển liền mất tên cũ. Đó gọi là pháp hiếm có thứ hai.
“Lại nữa, biển cả đều cùng một vị. Đó gọi là pháp hiếm có thứ ba.
“Lại nữa, trong biển cả thủy triều lên xuống đúng giờ. Đó gọi là pháp hiếm có thứ tư.
“Lại nữa, biển cả là nơi ở của các lòai quỷ thần; các loài có hình, không lòai nào không ở trong ấy. Đó gọi là pháp hiếm có thứ năm.
“Lại nữa, biển cả dung chứa loài có hình cực lớn; hình hàng trăm do tuần đến hình bảy ngàn do tuần cũng không trở ngại. Đó gọi là pháp hiếm có thứ sáu.
“Lại nữa, trong biển cả sản xuất nhiều loại trân báu khác nhau, xa cừ, mã não, trân châu, hổ phách, thuỷ tinh, lưu ly. Đó gọi là pháp hiếm có thứ bảy.
“Lại nữa, đáy biển có cát bằng vàng, lại có núi Tu-di do bốn loại châu báu tạo thành. Đó gọi là pháp hiếm có thứ tám. Đây gọi là tám pháp hiếm có khiến cho các A-tu-la vui thích ở trong ấy.”
Bấy giờ, A-tu-la bạch Phật:
“Trong Pháp Như Lai có gì kỳ đặc khiến các Tỳ-kheo vui thích ở trong ấy?”
Phật bảo A-tu-la:
“Có tám pháp hiếm có khiến các Tỳ-kheo vui thích ở trong đó. Sao gọi là tám? Trong pháp của Ta đầy đủ giới luật, không có hành phóng dật. Đó gọi là pháp hiếm có thứ nhất, các Tỳ-kheo thấy rồi vui thích ở trong đó, như biển cả kia rất sâu và rộng.
“Lại nữa, trong pháp của Ta có bốn chủng tánh. Ở trong pháp Ta làm Sa-môn, họ không còn giữ tên họ cũ, mà đặt lại tên khác.[46] Giống như biển lớn kia, bốn sông lớn đều đổ vào biển mà cùng một vị, không còn có tên khác. Đó gọi là pháp hiếm có thứ hai.
“Lại nữa, trong pháp của Ta, cấm giới được chế lập lần lượt tiếp nối nhau, không vượt thứ tự.[47] Đó gọi là pháp hiếm có thứ ba.
“Lại nữa, pháp của Ta đều cùng một vị, đó là vị tám phẩm đạo Hiền thánh.[48] Đó gọi là pháp hiếm có thứ tư, như biển cả kia đều cùng một vị.
“Lại nữa, trong pháp của Ta sung mãn mọi pháp khác nhau: Đó là bốn chánh đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy giác chi, tám chánh đạo.[49] Các Tỳ-kheo thấy rồi, vui thích ở trong đó. Như biển lớn kia các vị thần cư trú trong ấy. Đó gọi là pháp hiếm có thứ năm.
“Lại nữa, trong pháp của Ta có các loại châu báu như: niệm giác chi, trạch pháp giác chi, tinh tấn giác chi, hỷ giác chi, khinh an giác chi, định giác chi, xả giác chi[50]. Đó gọi là pháp hiếm có thứ sáu, các Tỳ-kheo thấy rồi, vui thích ở trong đó, như biển cả sản sinh các loại châu báu.
“Lại nữa, trong pháp của Ta, các chúng sanh cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, xuất gia học đạo, ở trong vô dư Niết-bàn giới mà diệt độ; nhưng pháp Ta không có tăng giảm. Như biển cả kia, các sông đổ vào mà vẫn không có tăng giảm. Đó gọi là pháp hiếm có thứ bảy, các Tỳ-kheo thấy rồi, vui thích ở trong đó.
“Lại nữa, trong pháp của Ta có định kim cang, có định diệt tận, định nhất thiết quang minh, định vô sanh[51], các loại định không thể tính hết,[52] các Tỳ-kheo thấy rồi, vui thích ở trong đó; như dưới đáy biển cả kia có cát vàng. Đó gọi là pháp hiếm có thứ tám, các Tỳ-kheo thấy rồi, vui thích ở trong đó.
“Ở trong pháp của Ta có tám pháp vị tằng hữu này, các Tỳ-kheo rất tự vui thích ở trong đó.”
Lúc ấy, A-tu-la bạch Thế Tôn:
“Như trong pháp của Như Lai, giả sử có một pháp hiếm có thì cũng hơn tám pháp hiếm có trong biển kia, gấp trăm, gấp ngàn lần, không thể so sánh, đó chính là bát đạo Hiền thánh. Lành thay! Thế Tôn đã nói những điều này.”
Bấy giờ, Thế Tôn lần lượt nói cho họ nghe về bố thí, trì giới, sanh thiên, dục là tưởng bất tịnh, là hữu lậu, là hoạ lớn, giải thoát là pháp vi diệu. Sau khi Thế Tôn đã thấy tâm ý họ khai mở, như những gì chư Phật Thế Tôn thường thuyết pháp, Ngài nói hết cho họ về Khổ, tập, diệt, đạo.
Lúc này, A-tu-la liền tự nghĩ: ‘Đáng ra có năm đế, nay Thế Tôn chỉ nói bốn đế cho mình. Cho chư thiên thì nói năm đế!’
Trong lúc ấy, vị thiên tử lihền ngay trên chỗ ngồi mà được pháp nhãn thanh tịnh.
A-tu-la bạch Thế Tôn:
“Lành thay! Thế Tôn đã nói những điều này. Nay con muốn trở về chỗ ở.”
Thế Tôn bảo:
“Nên biết hợp thời.”
A-tu-la rời chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật, rồi theo đường mà đi.
Lúc ấy, thiên tử bảo A-tu-la:
“Những gì ông đã nghĩ hôm nay thật là không tốt! Nghĩ rằng: ‘Sao Như Lai vì chư thiên nói năm đế, vì ta nói bốn đế?’ Vì sao vậy? Vì chư Phật Thế Tôn không bao giờ nói hai lời, chư Phật không bao giờ bỏ chúng sanh, nói pháp cũng không biết mệt mỏi, nói pháp cũng lại vô tận, cũng lại không lựa người mà nói pháp, mà nói pháp với tâm bình đẳng. Chỉ có bốn đế là Khổ, Tập, Diệt, Đạo, nay ông chớ có nghĩ vậy mà đổ lỗi Như Lai nói có năm đế.”
A-tu-la đáp:
“Nay tôi đã tạo việc không tốt, tự sẽ sám hối. Tôi phải đến chỗ Như Lai để hỏi nghĩa này.”
A-tu-la và Thiên tử sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 5[53]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ở trong vườn cây Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Trời đất chấn động mạnh là do tám nhân duyên. Những gì là tám? Tỳ-kheo, nên biết, đất Diêm-phù-lý này nam bắc dài hai vạn, một ngàn do tuần, đông tây bảy ngàn do tuần, dày sáu vạn tám ngàn do tuần, nước dày tám vạn bốn ngàn do tuần, lửa dày tám vạn bốn ngàn do tuần, dưới tầng lửa có tầng gió dày sáu vạn tám ngàn do tuần, dưới tầng gió có bánh xe kim cương, xá lợi của chư Phật trong quá khứ đều ở trong đó.
“Tỳ-kheo, nên biết, hoặc có lúc gió lớn chính động, lửa cũng động; lửa đã động thì nước liền động; nước đã động thì đất liền động. Đó gọi là nhân duyên thứ nhất khiến đất động mạnh.
“Lại nữa, Bồ-tát từ cung trời Đâu-suất giáng thần vào trong thai mẹ, lúc ấy mặt đất cũng động mạnh. Đó gọi là nhân duyên thứ hai khiến đại địa động.
“Lại nữa, khi Bồ-tát giáng thần ra khỏi thai mẹ, lúc ấy trời đất động mạnh. Đó gọi là nhân duyên thứ ba khiến đất động mạnh.
“Lại nữa, Bồ-tát xuất gia học đạo, thành Vô thượng Chánh chơn, Đẳng chánh giác, lúc đó trời đất động mạnh. Đó gọi là nhân duyên thứ tư khiến đất động mạnh.
“Lại nữa, khi Như Lai nhập vô dư Niết-bàn giới mà diệt độ, lúc đó trời đất động mạnh. Đó là nhân duyên thứ năm khiến đất động mạnh.
“Lại nữa, có Tỳ-kheo có thần túc lớn, tâm được tự tại, tuỳ ý hành vô số biến hoá, hoặc phân thân thành cả trăm ngàn, rồi trở lại thành một, phi hành trên hư không, xuyên qua vách đá, vọt lên lặn xuống tự [754a01] tại, quán đất không có tướng đất, rõ tất cả đều rỗng không, lúc này đất động mạnh. Đó gọi là nhân duyên thứ sáu khiến đất động mạnh.
“Lại nữa, chư thiên có thần túc lớn, thần đức vô lượng. Từ nơi ấy mạng chung, sinh vào cõi kia; nhờ phước hạnh đời trước nên các đức đầy đủ, bỏ hình trời cũ, được làm Đế Thích, hoặc làm Phạm thiên vương, lúc ấy đất động mạnh. Đó gọi là nguyên nhơn thứ bảy khiến đất động mạnh.
“Lại nữa, nếu chúng sanh nào khi mạng chung hết phước; lúc ấy, các quốc vương không thích nước mình, nên họ công phạt lẫn nhau, hoặc chết vì đói thiếu, hoặc chết vì đao, kích, lúc ấy trời đất động mạnh. Đó gọi là nhân duyên thứ tám khiến đất động mạnh.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 6[54]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, tôn giả A-na-luật du hành tại nơi mà bốn Phật đã từng cư trú.
Lúc ấy, A-na-luật ở nơi vắng vẻ, suy nghĩ: “Trong các đệ tử của Thích-ca Văn Phật, những vị thành tựu giới đức, trí tuệ đều nương vào giới luật, được nuôi lớn trong chánh pháp này. Trong các Thanh văn, người nào giới luật không đầy đủ, những vị ấy đều xa lìa chánh pháp, không tương ưng với giới luật. Nay như hai pháp này, giới và văn, pháp nào hơn? Nay ta đem gốc nhân duyên này đến hỏi Như Lai, việc này như thế nào?”
A-na-luật lại suy nghĩ: “Pháp này là sở hành của người biết đủ, chẳng phải là sở hành của người không biết chán đủ; là sở hành của người ít muốn, chẳng phải là sở hành của người nhiều ham muốn. Pháp này là sở hành của người thích nơi vắng vẻ, chẳng phải sở hành của người ở nơi ồn ào. Pháp này là sở hành của người trì giới, chẳng phải sở hành của người phạm giới. Là sở hành của người có định, chẳng phải sở hành của người động loạn. Là sở hành của người trí huệ, chẳng phải là sở hành của người ngu. Là sở hành của người nghe nhiều, chẳng phải sở hành của người ít nghe.”
Rồi A-na-luật suy nghĩ: “Ta hãy đến chỗ Thế Tôn để hỏi về nghĩa này, về tám điều suy niệm của bậc đại nhơn này.”
Bấy giờ, Thế Tôn đang ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá Vệ.
Trong thời gian ấy, vua Ba-tư-nặc thỉnh Phật và Tăng Tỳ-kheo hạ an cư chín mươi ngày.
Rồi thì, A-na-luật dẫn năm trăm Tỳ-kheo du hóa trong nhân gian, lần hồi đi đến nước Xá-vệ, đến chỗ Như Lai, đảnh lễ sát chân Phật và ngồi qua một bên. Lúc ấy, A-na-luật bạch Thế Tôn:
“Ở nơi vắng vẻ, con đã suy nghĩ nghĩa này: Giới và văn; trong hai pháp này, pháp nào hơn?”
Thế Tôn liền nói kệ này cho A-na-luật:
Nay ông khởi hồ nghi:
Giới hơn, hay văn hơn?
Giới luật hơn hẳn kinh,
Điều đó, có gì nghi?
“Vì sao vậy? A-na-luật, nên biết, Tỳ-kheo nào thành tựu giới, vị ấy đắc định. Đã đắc định, liền được trí huệ. Đã có trí huệ, liền được đa văn. Đã được đa văn, liền được giải thoát. Đã đã giải thoát, sẽ ở trong vô dư Niết-bàn giới mà diệt độ. Do đây mà biết giới là hơn hết.”
Khi ấy, A-na-luật nói với Thế Tôn về tám điều suy niệm của bậc đại nhân. Phật bảo A-na-luật:
“Lành thay, lành thay, A-na-luật! Những điều nay ông nghĩ chính là những điều bậc đại nhân tư duy. Ít muốn, biết đủ, ở nơi vắng vẻ, thành tựu giới, thành tựu tam-muội, thành tựu trí huệ, thành tựu giải thoát, thành tựu đa văn. Này A-na-luật, ông hãy xác lập ý, tư duy về tám điều suy niệm của bậc đại nhân. Thế nào là tám? Đây là pháp sở hành của người tinh tấn, chẳng phải là sở hành của người biếng nhác. Vì sao vậy? Vì Ta nhờ sức tinh tấn mà siêu việt, thành Phật trước, còn Bồ-tát Di-lặc phải trải qua ba mươi kiếp mới thành Vô thượng Chánh chơn Đẳng chánh giác.
“A-na-luật, nên biết, Chư Phật Thế Tôn đều giống nhau, cũng đồng giới luật, giải thoát, trí huệ không có gì khác; cũng đồng không, vô tướng, vô nguyện, có ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp trang nghiêm thân mình, nhìn không biết chán, với đỉnh đầu không thể nhìn thấy. Tất cả những việc trên đều giống nhau, chỉ có tinh tấn là không đồng. Trong chư Phật Thế Tôn ở quá khứ và vị lai, Ta là vị tinh tấn bậc nhất. Cho nên, này A-na-luật, ở đây tám điều suy niệm của bậc đại nhân này là hơn hết, là tôn là quý, không thể so sánh. Giống như do sữa mà có lạc, do lạc mà có tô, do tô mà có đề-hồ; nhưng ở trong đó, đề-hồ lại là không có gì so sánh. Ở đây cũng vậy, trong điều tám suy niệm của bậc Đại nhân, niệm tinh tấn là hơn hết, thật không gì để so sánh.
“Cho nên, này A-na-luật, phải phụng hành tám điều suy niệm của bậc đại nhân. Và cũng nên phân biệt nghĩa của nó cho chúng bốn bộ. Nếu tám điều suy niệm của bậc đại nhân được lưu truyền ở đời, đệ tử Ta đều sẽ thành đạo Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán. Vì sao vậy? Vì pháp của Ta là sở hành của người ít muốn, chẳng phải là sở hành của người muốn nhiều; pháp của Ta là sở hành của người biết đủ, chẳng phải là sở hànhcủa người không biết đủ. Pháp của Ta là sở hành của người ở nơi vắng vẻ, chẳng phải là sở hành của người ở chốn đông người. Pháp của Ta là sở hành của người trì giới, chẳng phải là sở hành của người phạm giới. Pháp của Ta là sở hành của người có định, chẳng phải là sở hành của người động loạn. Pháp của Ta là sở hành người trí, chẳng phải là sở hành của người ngu. Pháp của Ta là sở hành của người nghe nhiều, chẳng phải là sở hành của người ít nghe. Pháp của Ta là sở hành của người tinh tấn, chẳng phải là sở hành của người biếng nhác. Cho nên, này A-na-luật, chúng bốn bộ hãy tìm cầu phương tiện hành tám điều suy niệm của bậc đại nhân.
“Này A-na-luật, cần phải học điều này như vậy.”
A-na-luật sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 7[55]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có tám chúng, các ngươi nên biết. Những gì là tám? Chúng Sát-lợi, chúng Bà-la-môn, chúng Trưởng giả, chúng Tứ thiên vương, chúng trời Tam thập tam, chúng Ma, chúng Phạm thiên.
“Tỳ-kheo, nên biết, khi xưa Ta đã từng vào trong chúng Sát-lợi để cùng thăm hỏi, đàm luận, trong đó không có ai ngang bằng Ta. Ta đi một mình, không bạn lứa, không ai cùng hàng; Ta ít muốn biết đủ, ý nghĩ không tán loạn, thành tựu giới, thành tựu tam-muội, thành tựu trí huệ, thành tựu giải thoát, thành tựu đa văn, thành tựu tinh tấn.
“Ta lại nhớ, khi đến trong chúng Bà-la-môn, chúng Trưởng giả, chúng Sa-môn, chúng Tứ thiên vương, chúng trời Tam thập tam, chúng Ma, chúng Phạm thiên cùng thăm hỏi, bàn luận. Ta đi một mình, không bạn lứa, không ai cùng hàng; ở trong đó, Ta tối tôn, không ai sánh ngang; ít muốn, biết đủ, ý không tán loạn, thành tựu giới, thành tựu tam muội, thành tựu trí huệ, thành tựu giải thoát, thành tựu đa văn, thành tựu tinh tấn.
“Khi ấy, Ta ở trong tám bộ chúng, đi một mình, không bạn lứa, làm cây lọng lớn cho các chúng sanh. Bấy giờ, tám bộ chúng không ai có thể thấy [55a01] đảnh, cũng không dám nhìn dung nhan, huống là cùng luận nghĩa. Vì sao vậy? Vì Ta cũng không thấy có ai trong chúng Trời, Người, Ma, Ma thiên, Sa-môn, Bà-la-môn, có thể thành tựu tám pháp này, trừ Như Lai còn không kể. Cho nên, Tỳ-kheo, hãy tìm cầu phương tiện hành tám pháp này.
“Các Tỳ-kheo, cần phải học điều này như vậy.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 8
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, trưởng giả Cấp Cô Độc[56] đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên. Bấy giờ, Thế Tôn bảo trưởng giả:
“Trong nhà trưởng giả có bố thí rộng rãi không?”
Trưởng giả bạch Phật:
“Bần gia bố thí suốt ngày đêm trong bốn cổng thành, chợ lớn, trong nhà, đường đi, cùng Phật và Tăng Tỳ-kheo. Đó là tám nơi bố thí. Như vậy, Thế- tôn, tùy chỗ cần của họ, cần áo bố thí áo, cần thức ăn bố thí thức ăn, hay trân bảo trong nước, quyết không trái nghịch. Nói chung y phục, đồ ăn thức uống, giường nằm, thuốc men trị liệu bệnh, tất cả đều cung cấp cho họ. Cũng có chư thiên đến chỗ con, ở giữa hư không bảo con: ‘Hãy phân biệt tôn ti, người này trì giới, người này phạm giới; cho đây thì được phước, cho kia không quả báo.’ Nhưng tâm con chân chánh không có đây, kia, không khởi tâm thêm bớt, rải lòng từ bình đẳng đối với tất cả chúng sanh. Các chúng sanh nương vào mạng căn mà hình tồn tại, có thức ăn thì tồn tại, không có thức ăn thì mạng không cứu được. Bố thí cho hết thảy chúng sanh thì được vô lượng phước báo, hưởng quả báo ấy không có tăng giảm.”
Phật bảo trưởng giả:
“Lành thay, lành thay, Trưởng giả! Người bố thí bình đẳng thì phước tối tôn đệ nhất. Nhưng tâm chúng sanh thì lại có hơn, có kém. Bố thí cho người trì giới thì hơn người phạm giới.”
Lúc ấy, thiên thần trong hư không vô cùng hoan hỷ, liền nói bài kệ này:
Phật nói thí có chọn,
Kẻ ngu có tăng giảm.
Cầu ruộng phước tốt kia,
Đâu qua Chúng Như Lai.
“Nhưng những điều Thế Tôn dạy nay thật là hay thay! Bố thí người trì giới hơn người phạm giới.”
Bấy giờ, Thế Tôn bảo:
“Nay Ta sẽ nói cho ông nghe về chúng Hiền thánh. Hãy nên ghi nhớ kỹ và ghi nhận trong lòng. Hoặc có trường hợp bố thí ít mà được phước nhiều; hoặc bố thí nhiều được phước nhiều.”
Trưởng giả Cấp Cô Độc bạch Phật:
“Cúi xin Thế Tôn diễn bày nghĩa kia. Sao gọi là bố thí ít mà được phước nhiều? Sao gọi là thí nhiều được phước nhiều?”
Phật bảo trưởng giả:
“Hướng A-la-hán, đắc A-la-hán; hướng A-na-hàm, đắc A-na-hàm; hướng Tư-đà-hàm, đắc Tư-đà-hàm; hướng Tu-đà-hoàn, đắc Tu-đà-hoàn. Này Trưởng giả, đó gọi là chúng Hiền thánh. Ở đó, thí ít được mà phước nhiều, thí nhiều được phước nhiều.”
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:
Người thành tựu bốn hướng,
Người thành tựu bốn quả:
Đó là chúng Hiền thánh.
Bố thí được nhiều phước.
“Chư Phật Thế Tôn trong quá khứ lâu xa cũng có chúng Hiền thánh này như Ta hôm nay không khác. Giả sử chư Phật Thế Tôn trong vị lai xuất hiện ở đời, cũng có chúng Hiền Thánh như vậy. Cho nên, Trưởng giả hãy cúng dường chúng Hiền thánh với tâm vui vẻ.”
Lúc ấy, Thế Tôn nói pháp vi diệu cho ông trưởng giả, xác lập trong địa vị bất thối chuyển. Trưởng giả sau khi nghe pháp xong, vô cùng hoan hỷ, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân, nhiễu Phật ba vòng, rồi lui đi.
Trưởng giả Cấp Cô Độc sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 9[57]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nếu thiện nam, thiện nữ nào dùng của cải bố thí thì thu được tám công đức. Những gì là tám? Một là bố thí đúng thời, chẳng phải phi thời. Hai là bố thí trong sạch, chẳng phải là ô uế. Ba là tự tay ban phát, chẳng sai người khác. Bốn là thệ nguyện bố thí, không tâm kiêu. Năm là bố thí giải thoát,[58] không trông chờ quả báo. Sáu là bố thí cầu tịch diệt, không cầu sanh thiên. Bảy là bố thí cầu ruộng tốt, không bố thí nơi đất hoang. Tám là đem công đức này bố thí cho chúng sanh, không tự vì mình. Tỳ-kheo, thiện nam, thiện nữ nào đem của cải bố thí thì, sẽ được tám công đức như vậy.”
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:
Người trí tuỳ thời thí,
Không có tâm keo kiệt.
[755c] Những công đức đã tạo
Đều đem bố thí người.
Thí này là hơn hết,
Được chư Phật khen ngợi.
Hiện đời hưởng quả kia;
Qua đời hưởng phước trời.
“Cho nên, Tỳ-kheo ai muốn cầu quả báo kia nên hành tám việc này. Báo kia vô lượng, không thể kể hết, sẽ được châu báu cam lồ, dần dần đưa đến diệt độ.
“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 10
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nay Ta sẽ nói về con đường đưa đến địa ngục và con đường hướng đến Niết-bàn, hãy ghi nhớ kỹ chớ để quên sót.”
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Thưa vâng, Thế Tôn!”
Các Tỳ-kheo vâng lời Phật dạy. Phật bảo Tỳ-kheo:
“Thế nào là con đường đưa đến địa ngục và con đường hướng đến Niết-bàn? Tà kiến là đường đến địa ngục, chánh kiến là con đường hướng Niết-bàn. Tà tư duy[59] là đường đến địa ngục, chánh tư duy[60] là con đường hướng Niết-bàn. Tà ngữ là đường đến địa ngục, chánh ngữ là con đường hướng Niết-bàn. Tà nghiệp là đường đến địa ngục, chánh nghiệp là con đường hướng Niết-bàn. Tà mạng là đường đến địa ngục, chánh mạng là con đường hướng Niết-bàn. Tà tinh tấn là đường đến địa ngục, chánh tinh tấn là con đường hướng Niết-bàn. Tà niệm là đường đến địa ngục, chánh niệm là con đường hướng Niết-bàn. Tà định là đường đến địa ngục, chánh định là con đường hướng Niết-bàn. Này các Tỳ-kheo, đó gọi là con đường đưa đến địa ngục, con đường hướng đến Niết-bàn.
“Những gì chư Phật Thế Tôn đã cần nói, nay Ta cũng đã hòan tất. Các ngươi hãy ở nơi vắng vẻ, ngồi dưới bóng gốc cây, niệm hành thiện pháp, chớ có biếng nhác. Nay không siêng thực hành, sau hối hận không kịp.”
“Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Kệ tóm tắt:
Phi thời, địa ngục, đạo,
Trời, Tu-luân, đất động,
Tám niệm đại nhân, chúng
Thiện nam tử thí, đạo.[61] Chú thích:
[27] Tỳ kheo Xa-na 車[26]那比丘, cũng thương âm là Xa-nặc. Trường 4, tr. 26a19, phạm đàn 梵檀. Pāli: Channa. Nguyên quân hầu của Thái tử, tính tình ương bướng không chịu các Tỳ kheo khuyên bảo.
[28] Phạm pháp 梵法, hay nói đủ là Phạm-đàn, biện pháp trừng phạt Tỳ kheo bằng mặc tẩn: không ai được phép quan hệ, nói chuyện, với Tỳ kheo bị phạt phạm-đàn. Pāli: brahmadaṇḍa.
[29] Tăng tác pháp yết-ma ha trách đối với tỳ kheo ương bướng. Tỳ kheo bị phạt này sẽ không được tham dự các pháp yết-ma của Tăng. Xem Tứ phần, đã dẫn.
[30] Trường A-hàm, và Pāli tương đương, không có bài kệ này.
[31] Bà-a-đà 婆阿陀 và Su-bạt-đà 須拔陀, có lẽ Pāli: Bhadda và Subhadda. Nhưng cả hai không thấy đề cập trong Trường A-hàm và Pāli tương đương vào dịp này.
[32] Đế-xa 帝奢, Ưu-ba-đế-xa 優波帝奢, Phật-xá 佛舍, Kê-đầu 雞頭: tên những cư sỹ cuối cùng này không thấy đề cập trong Trường A-hàm và Pāli tương đương.
[33] Để bản: bỉ quốc 彼國; đây chỉ Vương quốc của người Ma-la (Pāli: malla). Ba bản Tống-Nguyên-Minh: từ nước Ba-ba 波波. Pāli: Pāva, một trong hai thị trấn của người Ma-la, Câu-thi-na (Kusinārā) và Ba-ba (Pāva).
[34] Trường 4, tr. 25a20 : Có sáu Tôn sư. Sa-môn Cù-đàm có thể biết rõ thuyết của họ chăng? Pāli, D. ii. 152: Có sáu vị Tôn sư, tự tuyên bố là đã giác ngộ. Có thật họ đã giác ngộ?
[35] Xem kinh 11 phẩm 38.
[36] Để bản: ba mươi lăm. Tống-Nguyên-Minh: hai mươi lăm. Kể từ xuất gia, cho đến sáu năm khổ hạnh.
[37] Để bản: Đẳng kiến, Đẳng trị, Đẳng ngữ, Đẳng mạng, Đẳng nghiệp, Đẳng phương tiện, Đẳng niệm, Đẳng tam muội.
[38] Hán: thử diệt thị tối lạc. So sanh Pāli: tesaṃ vūpasamo sukho, sự tịnh chỉ (tịch tĩnh) của chúng (sinh diệt) là an lạc.
[39] Hán: khanh bộc 卿僕. Pāli, khi Phật tại thế, các Tỳ kheo, không kể lớn nhỏ, đều gọi nhau là “āvuso” mà Hán thường dịch là “Hiền giả.”
[40] Pāli. D. ii. 254: Tỳ kheo Thượng tọa (Thera) gọi Tỳ kheo niên thiếu bằng tên (nāma) hay họ (gotta), hay Hiền giả (āvuso: này bạn). Tỳ kheo niên thiếu gọi Tỳ kheo Thượng tọa là Đại đức (bhante) hay Trưởng lão (āyusamā).
[41] Pāli tương đương, A. viii. 19 Asurinda. Hán, No 26(35).
[42] Lộc dã uyển 鹿野苑, không rõ ở đâu tại Xá-vệ. No 26(35): Phật ở tại Tỳ-lan-nhã 鞞蘭若, trong vườn Hoàng lô 黃蘆園. Pāli, ibid.: verañjāyaṃ, naḷerupucimandamūle.
[43] Ba-ha-la A-tu-luân 波呵羅阿須倫No 26 (35): Bà-la-la A-tu-la vương Mâu-lê-giá A-tu-la tử 婆羅[24]邏阿[*]修羅王牟梨遮阿[*]修羅子, tên một người, nhưng trong bản Hán dịch này đọc là hai. Pāli, ibid.: Pahārado asurindo.
[44] Mâu-đề-luân thiên tử 牟提輪天子, xem cht. 43 trên.
[45] No 26 (35): đến vào lúc đêm gần tàn.
[46] No 26(35): xả bỏ tên họ cũ, đồng gọi là “sa-môn.”
[47] No 26(35): Trong Chánh Pháp Luật này, sự tu học tiến dần từ cạn đến sâu.
[48] Chánh pháp luật của Phật đều đồng một vị: vị vô dục, vị giác ngộ, vị tịch tĩnh, vị đạo. Pāli, ibid.: ayaṃ dhammavinayo ekaraso, vimuttiraso, chánh pháp luật này chỉ một vị: vị giải thoát.
[49] Nguyên Hán: bát chân trực hành八真直行.
[50] Để bản: niệm giác ý, pháp giác ý, tinh tấn giác ý, hỷ giác ý, ỷ giác ý, định giác ý, hộ giác ý.
[51] Nguyên hán: bất khởi tam-muội 不起三昧.
[52] No 26(35), thay các định (tam-muội) nà bằng các Thánh quả, A-la-hán cho đến Tu-đà-hoàn.
[53] A.viii. 70 Bhūmicāla. Hán, No 26(36).
[54] Pāli, A.viii. 30 Anurudha. Hán, No 26(74). No 46.
[55] Pāli, A.viii. 69 Parisā. Trường kinh 2.
[56] A-na-bân-để.
[57] Pāli, A.viii. 37 Sappurisa.
[58] Giải thoát huệ thí 解脫惠施; Pāli: muttacāga, giải thoát thí, bố thí một cáhc rộng rãi, hào phóng.
[59] Để bản: Tà trị.
[60] Để bản: Chánh trị
[61] Bản hán, hết quyển 37
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.145.94.43 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.