Kẻ làm điều ác là tự chuốc lấy việc dữ cho mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê. Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hènKinh Pháp cú (Kệ số 29)
Cỏ làm hại ruộng vườn, tham làm hại người đời. Bố thí người ly tham, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 356)
Dễ thay thấy lỗi người, lỗi mình thấy mới khó.Kinh Pháp cú (Kệ số 252)
Hương hoa thơm chỉ bay theo chiều gió, tiếng thơm người hiền lan tỏa khắp nơi nơi. Kinh Pháp cú (Kệ số 54)
"Nó mắng tôi, đánh tôi, Nó thắng tôi, cướp tôi." Ai ôm hiềm hận ấy, hận thù không thể nguôi.Kinh Pháp cú (Kệ số 3)
Rời bỏ uế trược, khéo nghiêm trì giới luật, sống khắc kỷ và chân thật, người như thế mới xứng đáng mặc áo cà-sa.Kinh Pháp cú (Kệ số 10)
Nếu người có lỗi mà tự biết sai lầm, bỏ dữ làm lành thì tội tự tiêu diệt, như bệnh toát ra mồ hôi, dần dần được thuyên giảm.Kinh Bốn mươi hai chương
Người hiền lìa bỏ không bàn đến những điều tham dục.Kẻ trí không còn niệm mừng lo, nên chẳng bị lay động vì sự khổ hay vui.Kinh Pháp cú (Kệ số 83)
Ai sống một trăm năm, lười nhác không tinh tấn, tốt hơn sống một ngày, tinh tấn tận sức mình.Kinh Pháp cú (Kệ số 112)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Tăng Nhất A Hàm Kinh [增壹阿含經] »» Bản Việt dịch quyển số 34 »»

Tăng Nhất A Hàm Kinh [增壹阿含經] »» Bản Việt dịch quyển số 34

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Việt dịch (1) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.59 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.72 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Tăng Nhất A Hàm

Kinh này có 51 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
Quyển đầu... ... 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 | 31 | 32 | 33 | 34 | 35 | 36 | 37 | 38 | 39 | 40 | 41 | 42 | 43 | 44 | 45 |
Việt dịch: Thích Đức Thắng

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

40 . PHẨM BẢY NGÀY
KINH SỐ 1[69]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, sau giờ ăn, các Tỳ-kheo tập trung ở giảng đường Phổ hội bàn luận như vầy: “Núi Tu-di này rất là rộng lớn, các núi khác không thể sánh, hết sức kỳ lạ, cao rộng hùng vĩ. Như vậy mà không bao lâu nữa sẽ bị tan rã, không còn sót thứ gì. Các núi lớn khác y tựa vào núi Tu-di, cũng sẽ tan rã.”
Bấy giờ, Thế Tôn bằng thiên nhĩ nghe các Tỳ-kheo bàn luận như vậy, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến chỗ giảng đường kia và ngồi xuống. Thế Tôn hỏi các Tỳ-kheo:
“Các ngươi ở đây đang bàn luận những gì? Đang định làm gì?”
Các Tỳ-kheo đáp:
“Chúng con tụ tập ở đây luận về pháp sự kia. Những điều vừa được thảo luận đều đúng như pháp.”
Thế Tôn bảo:
“Lành thay, [735c] Tỳ-kheo! Các ngươi xuất gia cần phải phải thảo luận chánh pháp. Nhưng cũng không bỏ sự im lặng của Hiền Thánh. Vì sao vậy? Khi các Tỳ-kheo tụ tập một chỗ thì nên làm hai việc. Nhừng gì là hai? Một là luận bàn như pháp; hai là im lặng như Thánh Hiền. Các ngươi làm hai việc này, luôn luôn được an ổn, không mất thời nghi. Vừa rồi, các ngươi đã luận nghĩa như pháp những gì vậy?”
Các Tỳ-kheo đáp:
“Hôm nay, các Tỳ-kheo tụ tập tại giảng đường này để luận nghĩa như vầy: ‘Thật là kỳ lạ, núi Tu-di này hết sức cao rộng, nhưng núi Tu-di này như vậy không bao lâu sẽ bị tan rã. Các núi Thiết vi ở bốn phía cũng sẽ bị tan rã như vậy.’ Vừa rồi chúng con tụ tập ở đây bàn luận như pháp vậy.”
Thế Tôn bảo:
“Các ngươi có muốn nghe sự biến chuyển đưa đến bại hoại của cảnh giới thế gian này không?”
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Nay là lúc thích hợp, cúi xin Thế Tôn hợp thời giảng nói, để cho chúng sanh được tâm giải thoát.”
Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Các ngươi hãy khéo suy nghĩ và ghi nhớ luôn trong lòng.”
Các Tỳ-kheo đáp:
“Thưa vâng, Thế Tôn.”
Bấy giờ, các Tỳ-kheo vâng theo lời Phật dạy.
Thế Tôn bảo:
“Núi Tu-di thật rộng lớn, không núi nào có thể sánh bằng. Tỳ-kheo, nên biết, núi Tu-di nhô khỏi mặt nước cao tám vạn bốn ngàn do tuần và chìm dưới nước sâu cũng tám vạn bốn ngàn do tuần. Núi Tu-di được tạo nên do bốn loại báu là vàng, bạc, thuỷ tinh, lưu ly. Lại có bốn góc cũng được tạo thành do bốn loại báu là vàng, bạc, thuỷ tinh, lưu ly. Thành vàng, quách bạc; thành bạc, quách vàng; thành thuỷ tinh, quách lưu ly; thành lưu ly, quách thuỷ tinh. Trên núi Tu-di có năm loại trời cư trú ở đó, đều do túc duyên mà sống nơi này. Những gì là năm? Trong thành bạc kia có trời Tế cước[70] cư trú; trong thành vàng kia có trời Thi-lợi-sa[71] cư trú; trong thành thuỷ tinh kia có trời Hoan duyệt[72] cư trú; trong thành lưu ly kia có trời Lực thạnh[73] cư trú. Giữa thành vàng và bạc có Tì-sa-môn Thiên vương cư trú cùng với số lượng Dạ-xoa không thể đếm xuể. Giữa thành vàng và thuỷ tinh có Tì-lưu-bác-xoa Thiên vương cư trú cùng với các Long thần. Giữa thành thuỷ tinh và lưu ly có Tì-lưu-lặc-xoa Thiên vương cư trú. Giữa thành lưu ly và vàng có Đề-đầu-lại-tra Thiên vương cư trú .
“Tỳ-kheo, nên biết, [736a] dưới núi Tu-di có A-tu-la cư trú. Khi A-tu-la muốn đánh nhau với trời Tâm thập tam thì trước cùng đánh nhau với trời Tế cước. Nếu thắng, tiến đến thành vàng cùng đánh nhau với trời Thi-lợi-sa. Khi đã thắng trời Thi-lợi-sa, lại đến thành thuỷ tinh cùng đánh nhau với trời Hoan duyệt. Thắng rồi, chúng tiến đến thành lưu ly. Thắng đây rồi, chúng đánh nhau với trời Tam thập tam.[74]
“Tỳ-kheo, nên biết, trời Tam thập tam cư trú trên đỉnh núi Tu-di, ngày đêm phát ra ánh sáng; tự chiếu sáng cho nên như vậy. Nương vào núi Tu-di mà mặt trời, mặt trăng trôi đi. Nhật thiên tử có thành quách dài rộng năm mươi mốt do tuần. Nguyệt thiên tử có thành quách dài rộng ba mươi chín do tuần. Ngôi sao lớn nhất dài rộng một do tuần, sao nhỏ nhất dài rộng hai trăm bộ. Đỉnh núi Tu-di từ đông sang tây,từ nam đến bắc, dài rộng tám vạn bốn nghìn do tuần. Gần núi Tu-di, phía nam có núi Đại thiết vi[75] dài rộng dài tám vạn bốn nghìn dặm, cao tám vạn dặm. Thêm nữa, ngoài núi này có núi Ni-di-đà[76] bọc quanh núi ấy, cách núi Ni-di-đà lại có núi tên là Khư-la,[77] cách núi này lại còn có núi tên Ti-sa,[78] cách núi này lại còn có núi tên Mã đầu,[79] lại có núi tên Tì-na-da, kế núi Tì-na-da[80] lại có núi tên Thiết vi, Đại thiết vi.
“Chính giữa núi Thiết vi có tám địa ngục lớn, mỗi[81] địa ngục có mười sáu ngục phụ.[82] Núi Thiết vi này giúp ích rất nhiều cho Diêm-phù-đề-lý-địa. Nếu không có núi Thiết vi này, Diêm-phù-đề-lý-địa thường là nơi hôi thối. Bên ngòai núi Thiết vi có núi Hương tích;[83] cạnh đó có tám vạn bốn ngàn voi chúa trắng sinh sống nơi này. Mỗi con có sáu ngà được trang sức bằng vàng, bạc. Trong núi ấy có tám vạn bốn ngàn hang, các voi ấy cư trú ở đó. Con voi tối thượng được tạo bởi vàng, bạc, thuỷ tinh, lưu ly. Thích Đề-hoàn Nhân thường tự thân cởi nó. Chuyển luân Thánh vương cởi voi nhỏ nhất. Cạnh núi Hương tích có ao nước Ma-đà, sinh tòan hoa sen ưu-bát, hoa câu-mâu-đầu; những con voi kia nhổ rễ ăn. Cạnh ao nước Ma-đà có núi tên Ưu-xà-già-la. Núi này sanh ra đủ loại cây cỏ, chim, thú, sâu bọ, hổ báo đều nương vào núi này mà ở, có nhiều người đắc thần thông cũng đều sống ở đây. Kế đó lại có núi tên Bàn-trà-bà, tiếp lại có núi tên Kỳ-xà-quật. [736a] Đây là chỗ y cứ của mà Diêm-phù-lý-địa.
“Các Tỳ-kheo nên biết, cho đến một lúc, khi thế gian này sắp băng hoại, trời không mưa, những lúa mạ đã gieo không tăng trưởng, các con sông suối nhỏ đều bị khô cạn, tất cả các hành đều qui về vô thường, không tồn tại lâu.
“Tỳ-kheo nên biết, hoặc có lúc bốn sông lớn như Hằng hà, Tư-đầu, Tử-đà, Bà-xoa cũng lại khô cạn không còn gì sót lại. Cũng vậy Tỳ-kheo, vô thường trăm lần biến đổi chính là vậy.
“Tỳ-kheo, cho đến một lúc, khi thế gian này có hai mặt trời xuất hiện, lúc ấy các loại cây cối thảo mộc đều điêu tàn. Cũng vậy Tỳ-kheo, vô thường biến dịch, không được tồn tại lâu dài. Lúc ấy, nước các nguồn suối nhỏ đều khô cạn. Tỳ-kheo, nên biết, khi hai mặt trời xuất hiện, nước trong bốn biển lớn tất cả đều khô cạn đến cả trăm do tuần, dần dần đến bảy trăm do tuần, nước tự nhiên khô.
“Tỳ-kheo, nên biết, khi ba mặt trời xuất hiện ở thế gian, nước bốn biển lớn trong vòng ngàn do tuần, tự nhiên khô cạn, dần dần cho đến bảy ngàn do tuần, nước tự nhiên khô cạn.
“Tỳ-kheo, nên biết, khi bốn mặt trời xuất hiện, nước bốn biển lớn chỉ còn sâu khoảng một ngàn do tuần. Như vậy, Tỳ-kheo, tất cả các hành đều vô thường không tồn tại lâu dài được.
“Tỳ-kheo, cho đến một lúc, khi thế gian có năm mặt trời xuất hiện, lúc ấy nước trong bốn biển lớn chỉ còn bảy trăm do tuần nước, dần dần còn lại một trăm do tuần. Tỳ-kheo, nên biết, khi năm mặt trời xuất hiện, nước biển chỉ còn một do tuần; dần dần nước khô không còn gì hết. Khi năm mặt trời xuất hiện, nước chỉ còn bảy thước. Khi năm mặt trời xuất hiện, nước biển khô hết không còn gì. Tỳ-kheo, nên biết, tất cả các hành đều vô thường, không tồn tại lâu dài được.
“Tỳ-kheo, cho đến một lúc, khi sáu mặt trời xuất hiện, mặt đất dày sáu vạn tám ngàn do tuần này đều bốc khói hết. Núi Tu-di cũng dần dần bị sụp lở. Khi sáu mặt trời xuất hiện, ba ngàn đại thiên quốc độ này đều băng họai. Giống như người thợ gốm nung đồ gốm. Lúc ấy, ba ngàn đại thiên quốc độ cũng lại như vậy, lửa cháy bừng bừng, lan khắp nơi.
“Tỳ-kheo, nên biết, khi sáu mặt trời xuất hiện, tám địa ngục lớn cũng bị tiêu diệt, nhân dân qua đời. Năm loại trời nương vào núi Tu-di cũng mạng chung. Trời Tam thập tam, trời Diêm thiên, cho đến trời Tha hoá [736c] tự tại cũng mạng chung; cung điện đều trống. Khi sáu mặt trời xuất hiện, núi Tu-di và ba ngàn đại thiên quốc độ đều trống không, không còn gì. Như vậy, Tỳ-kheo, các hành đều vô thường, không tồn tại lâu dài được.
“Tỳ-kheo, nên biết, cho đến một lúc, khi bảy mặt trời xuất hiện, bấy giờ đất tuy dày sáu vạn tám ngàn do tuần và ba ngàn đại thiên quốc độ đều bốc lửa. Khi bảy mặt trời xuất hiện, núi Tu-di này dần dần tan họai, trăm ngàn do tuần tự nhiên sụp lở hòan tòan không còn gì, cũng không còn thấy mảy may khói bụi, huống gì là thấy tro!
“Khi ấy, cung điện trời Tam thập tam cho đến trời Tha hoá tự tại đều bốc lửa. Lửa bốc cháy nơi này cho đến trên Phạm thiên. Các thiên tử mới sinh ở thiên cung kia, vì xưa nay không thấy kiếp thiêu, nên khi thấy ánh lửa bốc cháy này trong lòng kinh hãi, lo bị lửa đốt. Song những vị thiên tử sống lâu, đã từng thấy kiếp thiêu liền đến an ủi những thiên tử mới sanh: ‘Các ông chớ có lo sợ. Lửa này hòan tòan không thể lan đến nơi này.’
“Tỳ-kheo, nên biết, khi bảy mặt trời xuất hiện, từ nơi này đến sáu trời Dục giới, cho đến ba ngàn đại thiên quốc độ, đều thành tro bụi, cũng không còn dấu vết hình chất. Như vậy, Tỳ-kheo, tất cả các hành đều vô thường, không thể bảo tồn lâu, đều đưa đến hoại diệt. Bấy giờ, nhân dân qua đời, sinh về quốc độ khác, hoặc sinh lên trời. Chúng sanh nào trong địa ngục, nếu tội trước đã hết thì sinh lên trời, hoặc quốc độ khác. Nếu chúng sanh địa ngục kia chưa hết tội thì lại dời đến quốc độ khác.
“Tỳ-kheo, nên biết, khi bảy mặt trời xuất hiện, không còn dấu vết ánh sáng mặt trời, mặt trăng và tinh tú. Khi ấy mặt trời mặt trăng đã diệt, không còn ngày và đêm. Này Tỳ-kheo, đó gọi là vì quả báo nên đưa đến tan rã này.
“Tỳ-kheo, nên biết, khi thành tựu kiếp trở lại, cho đến một lúc lửa tự nó tắt mất, trong hư không nổi lên mây lớn, dần dần mưa xuống. Khi ấy, ba ngàn đại thiên quốc độ này đều ngập nước. Nước dâng lên cõi Phạm thiên.
“Tỳ-kheo, nên biết, bấy giờ nước này dần dần ngưng lại và tự tiêu hết. Lại có cơn gió khởi lên tên là Tuỳ lam, thổi nước này tụ lại một chỗ. Lúc bấy giờ, gió này lại thổi dậy một ngàn núi Tu-di, một ngàn núi Kì-di-đà,[84] một ngàn núi Ni-di-đà, một ngàn núi Khư-la, một ngàn núi Y-sa, một ngàn núi Tỳ-na, một ngàn núi Thiết vi, một ngàn núi Đại thiết vi. Lại sinh tám ngàn địa ngục, [737a] lại sanh một ngàn núi Mã đầu, một ngàn núi Hương tích, một ngàn núi Bàn-trà-bà, một ngàn núi Ưu-xà-già, một ngàn cõi Diêm-phù-đề, một ngàn cõi Cù-da-ni, một ngàn cõi Phất-vu-đãi, một ngàn cõi Uất-đơn-việt. Lại sinh nước một ngàn biển, lại sinh một ngàn cung Tứ thiên vương, một ngàn trời Tam thập tam, một ngàn Diệm thiên, một ngàn trời Đâu-suất, một ngàn trời Hoá tự tại, một ngàn trời Tha hoá tự tại.
“Tỳ-kheo, nên biết, cho đến một lúc, nước rút, đất bày trở lại. Khi ấy trên đất tự nhiên có lớp chất béo đất,[85] rất thơm ngon hơn cả cam lồ. Nên biết chất béo đất kia có mùi vị giống như rượu ngọt bồ đào.
“Tỳ-kheo, nên biết, cho đến một lúc, các vị trời Quang âm nói với nhau: ‘Chúng ta xuống Diêm-phù-đề để xem mặt đất kia khi phục hồi trở lại.’ Thiên tử Quang âm xuống đến thế gian, thấy trên mặt đất có béo đất này liền dùng ngón tay quết đưa vào miệng mà ăn thử. Khi ấy, thiên tử ăn nhiều béo đất nên không còn oai thần và ánh sáng nữa, thân thể trở nên nặng mà sanh ra xương thịt, mất thần túc không còn bay được. Thiên tử nào ăn ít béo đất thì thân thể không nặng, cũng không mất thần túc, có thể bay lại trên hư không.
“Lúc ấy, những thiên tử mất thần túc đều cùng nhau than khóc, nói với nhau: ‘Nay chúng ta thật là cùng khốn, lại mất thần túc, phải ở lại thế gian, không thể trở lên trời lại được.’ Rồi họ ăn chất béo đất này, và để ý nhan sắc nhau. Khi ấy, thiên tử nào có nhiều dục ý thì trở thành thành người nữ, rồi làm tình dục cùng nhau vui thích.
“Này Tỳ-kheo, đó gọi là lúc thế gian mới hình thành có pháp dâm này lưu truyền thế gian, là thường pháp tối sơ, khi người nữ xuất hiện ở đời; cũng lại là pháp xưa chẳng phải mới ngày nay.
“Lúc ấy, các vị trời Quang âm khác thấy các thiên tử đoạ lạc liền đến quở trách rằng: ‘Vì sao các ông lại làm hạnh bất tịnh này.’ Lúc này, các chúng sanh lại tự nghĩ: ‘Chúng ta phải tìm cách nào để có thể nghỉ đêm với nhau mà mọi người không thấy.’ Dần dần chúng làm nhà cửa để tự che thân thể. Này Tỳ-kheo, đó gọi là do nhân duyên này mà ngày nay có nhà cửa.
“Tỳ-kheo, nên biết, cho đến một lúc chất béo đất tự nhiên lẩn xuống đất, sau đó sanh ra lúa gạo rất tươi sạch, cũng không có vỏ ngòai, hết sức thơm ngon khiến người ăn được mập trắng. Sáng thu hoạch, chiều lại sinh; chiều thu họach, sáng lại sinh. Này Tỳ-kheo, bấy giờ mới có tên lúa gạo này xuất hiện.
[737b]“Tỳ-kheo, cho đến một lúc nhơn dân biếng nhác, không chuyên cần sinh họat. Có một người suy nghĩ: ‘Vì sao ngày nào ta cũng phải gặt hái lúa thóc này. Nên thu một lần cho cả hai ngày.’ Người đó liền đi thu hoạch lúa một lần cho hai ngày.
“Bấy giờ, nhân dân lần lượt mang thai, và do đó có sự sanh đẻ.
“Một lúc nọ, có một chúng sanh bảo chúng sanh kia: ‘Chúng ta cùng đi gặt lúa.’ Người kia đáp: ‘Tôi đã lấy lương thực đủ cho hai ngày.’ Người này nghe xong bèn nghĩ nghĩ: ‘Ta phải chứa lương thực bốn ngày.’ Người ấy liền lo lương thực đủ bốn ngày. Lại có chúng sanh nói với chúng sanh ấy rằng: ‘Chúng ta cùng ra ngòai thâu lúa.’ Người này đáp: ‘Tôi đã lấy lương thực bốn ngày.’ Người kia nghe rồi liền nghĩ như vầy: ‘Ta phải lo lương thực tám ngày.’ Nó liền lo chứa thức ăn tám ngày. Do vậy, lúa kia không sinh trở lại. Bấy giờ, mọi người suy nghĩ như vầy: ‘Thế gian có tai hoạ lớn. Giờ lúa thóc này không như xưa nữa. Nay phải phân chia lúa thóc này.’ Tức thì chúng phân chia lúa thóc. Lúc ấy, có chúng sanh suy nghĩ như vầy: ‘Giờ ta hãy giấu lúa thóc mình. Nên ăn trộm lúa thóc người khác.’ Rồi chúng sanh ấy giấu lúa thóc mình, ăn trộm lúa thóc người khác. Chủ kia bắt gặp nó ăn trộm lúa thóc, liền nói với nó: ‘Sao ông lấy lúa thóc của tôi? Giờ tha tội ông, sau này chớ tái phạm.’ Bấy giờ, thế gian bắt đầu có tâm trộm cắp này. Lúc này, lại có chúng sanh nghe lời này rồi liền nghĩ như vầy: ‘Giờ ta hãy giấu lúa thóc mình. Nên trộm lúa thóc người khác.’ Rồi, chúng sanh ấy liền cất vật của mình mà lấy vật người khác. Người chủ kia thấy vậy, nói với nó: ‘Sao ông lại lấy lúa thóc tôi?’ Nhưng người kia im lặng không đáp. Lúc ấy, chủ vật liền giơ nắm tay đánh: ‘Từ nay về sau chớ có xâm lấn nữa!’ Bấy giờ, mọi người dân nghe chúng sanh trộm lẫn nhau, bền tụ tập và cùng bàn bạc: ‘Thế gian có phi pháp này, chúng trộm lẫn nhau. Nay phải lập người giữ ruộng để giữ gìn ruộng. Có chúng sanh kia thông minh tài giỏi nên lập làm chủ ruộng.’ Rồi họ bầu chọn chủ ruộng mà nói rằng: ‘Các vị nên biết, thế gian có sự trộm cắp phi pháp này. Nay ông hãy giữ ruộng, chúng tôi sẽ trả công cho. Những người dân nào đến lấy trộm lúa thóc người khác, hãy trị tội họ.’ Bấy giờ chủ ruộng được lập.
“Tỳ-kheo, nên biết, người giữ ruộng kia bấy giờ [737c] được gọi là dòng sát-lợi, đều là pháp xưa chẳng phải pháp bây giờ.”
Rồi Thế Tôn liền nói kệ này:
Dòng sát-lợi bắt đầu,
Đứng đầu trong các họ.
Người thông minh tài giỏi,
Được trời người kính đãi.
“Bấy giờ, có người kia xâm phạm vật người khác, nó liền bị sát-lợi bắt trị phạt. Nhưng người ấy lại không sửa đổi lỗi mà vẫn tái phạm. Chúa sát-lợi ra lệnh làm đao trượng, bắt người kia mà bêu đầu. Bấy giờ thế gian bắt đầu có sự sát sanh này. Khi ấy, mọi người dân nghe giáo lệnh này: ‘Nếu có ai trộm cướp lúa thóc người khác, Chua sát-lợi sẽ bắt giết.’ Tất cả sợ hãi, lông tóc đều dựng đứng.
“Có người dựng am cỏ, ở trong ấy toạ thiền, tu phạm hạnh, nhất quyết xả bỏ gia nghiệp, vợ con thê thiếp. Độc cư nhàn tịnh quyết chí tu phạm hạnh. Nhân từ đó về sau có dòng họ bà-la-môn. Bấy giờ liền có hai dòng họ xuất hiện ở đời.
“Tỳ-kheo, nên biết, thời bấy giờ do trộm cắp nên có sát sanh; do sát nên có đao trượng.
“Bấy giờ, chúa sát-lợi bố cáo nhân dân: ‘Người nào dẹp đẽ, tài cao, sẽ được giáo thống lĩnh nhân dân này.’ Lại bố cáo: ‘Nếu người dân nào trộm cắp sẽ bị trừng trị.’ Sau đó liền có dòng họ tỳ-xá này xuất hiện ở đời.
“Bấy giờ, có nhiều chúng sanh nghĩ như vầy: ‘Nay mọi người sát hại nhau, đều là do nghề nghiêp mà ra. Nay ta phải lui tới khắp nơi để mưu tự nuôi sống.’ Khi ấy liền có dòng họ Thủ-đà-la xuất hiện ở đời.”
Rồi Thế Tôn liền nói kệ này:
Đầu tiên dòng sát-lợi;
Kế đến bà-la-môn;
Thứ ba là tỳ-xá;
Tiếp nữa dòng thủ-đà.
Có bốn dòng dõi này,
Dần dần sanh lẫn nhau,
Đều từ thân trời đến,
Và cùng một sắc da.
“Tỳ-kheo, nên biết, khi có tâm sát sanh, trộm cắp này, nên không còn có lúa thóc tự nhiên này nữa. Bấy giờ, có năm loại hạt giống, một là hạt từ rễ, hai là hạt từ thân, ba [738a] là hạt từ cành, bốn là hạt từ hoa, năm là hạt từ quả và sinh những loại hạt giống khác. Đó gọi là năm loại giống, đều do gió thổi từ các quốc độ nơi khác đến, được dùng để trồng, lấy đó để tự nuôi sống.
“Như vậy, Tỳ-kheo, thế gian có điềm báo này liền có sanh, già, bệnh, chết, cho đến khiến cho ngày nay có thân năm thủ uẩn này, không dứt được biên tế khổ.
“Đó gọi là sự biến đổi lúc kiếp thành bại của thế giới mà Ta nói cho các ngươi. Những điều mà chư Phật Thế Tôn cần làm, nay Ta đã nói hết cho các ngươi. Hãy vui sống nơi chỗ nhàn tĩnh, nên nhớ nghĩ ngồi thiền, chớ sinh giải đãi. Nay không tinh thành, sau hối hận vô ích. Đây là những lời dạy dỗ của Ta.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 2[86]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ở tại Ca-lan-đà trong vườn Trúc, tại thành La-duyệt, cùng chúng đại Tỳ kheo năm trăm vị.
Bấy giờ, vua nước Ma-kiệt-đà là A-xà-thế ở giữa quần thần nói rằng:
“Nước Bạt-kỳ rất thịnh vượng, dân chúng đông đúc. Ta sẽ chinh phạt để thu phục nước ấy.”
Rồi vua A-xà-thế bảo bà-la-môn Bà-lợi-ca[87] rằng:
“Ông hãy đến chỗ Thế Tôn, xưng tên họ ta mà hỏi thăm Thế Tôn, đảnh lễ, thừa sự rồi thưa: ‘Vua A-xà-thế bạch Thế Tôn, vua có ý muốn chinh phạt nước Bạt-kỳ, không biết có được không?’ Nếu Như Lai có dạy gì, ông hãy nhớ kỹ rồi về nói lại cho ta. Vì sao vậy? Như Lai không có nói hai lời.”
Bà-la-môn vâng lệnh vua, đến chỗ Thế Tôn, thăm hỏi rồi ngồi qua một bên. Bà-la-môn bạch Phật rằng:
“Vua A-xà-thế kính lạy Thế Tôn, thừa sự, hỏi thăm.”
Rồi lại bạch:
“Ý muốn vua muốn công phạt nước Bạt-kỳ, trước hết đến hỏi Phật, không biết có được không?”
Bấy giờ, Bà-la-môn kia lấy y che kín đầu, chân mang giày ngà voi, hông đeo kiếm bén, không nên vì ông nói pháp.
Khi ấy, Thế Tôn bảo A-nan:
“Nếu nhân dân nước Bạt-kỳ tu bảy pháp, quyết không bị giặc cướp bên ngoài tiêu diệt. Những gì là bảy? Nếu nhân dân nước Bạt-kỳ tập họp lại một chỗ không phân tán, sẽ không bị nước khác phá hoại. Đó gọi là pháp thứ nhất không bị giặc cướp bên ngoài phá hoại.
“Lại nữa, A-nan, nếu người nước Bạt-kỳ trên dưới hoà [738b] thuận, nhân dân nước Bạt-kỳ sẽ không bị người ngoài cầm giữ. Này A-nan, đó gọi là pháp thứ hai không bị giặc cướp bên ngoài phá hoại.
“Lại nữa, A-nan, nếu người nước Bạt-kỳ không tà dâm, đắm sắc người nữ khác, đó gọi là pháp thứ ba không bị giặc ngoại xâm phá hoại.
“Lại nữa, A-nan, nếu người nước Bạt-kỳ không đem việc nơi này truyền đến nơi kia, cũng lại không đem việc nơi kia truyền đến nơi này, đó gọi là pháp thứ tư không bị giặc cướp bên ngoài phá hoại.
“Lại nữa, A-nan, nếu người nước Bạt-kỳ cúng dường sa-môn, Bà-la-môn, thừa sự, kính lễ đồng phạm hạnh, đó gọi là pháp thứ năm không bị giặc cướp bên ngoài phá hoại.
“Lại nữa, A-nan, nếu người nước Bạt-kỳ không tham đắm của báu người khác, đó gọi là pháp thứ sáu không bị giặc cướp bên ngoài phá hoại.
“Lại nữa, A-nan, nếu người nước Bạt-kỳ đều cùng một lòng, hướng[88] đến miếu thần, mà chuyên tinh ý mình, sẽ không bị giặc cướp bên ngoài phá hoại. Đó gọi là pháp thứ bảy không bị giặc ngoại xâm phá hoại.
“A-nan, đó gọi là người Bạt-kỳ tu bảy pháp này, quyết không bị giặc cướp bên ngoài phá hoại.”
Khi ấy, bà-la-môn bạch Phật:
“Giả sử người nước Bat-kỳ thành tựu chỉ một pháp thôi, còn không thể hoại, huống chi đến bảy pháp thì làm sao hoại nổi? Đày đủ thay, Bạch Thế Tôn. Nhưng việc nước đa đoan, con muốn trở về.”
Bà-la-môn liền từ chỗ ngồi đứng dậy mà đi.
Sau khi bà-la-môn đi được một lát, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nay Ta sẽ nói bảy pháp không thối chuyển, các ngươi hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ!”
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Thưa vâng, Thế Tôn!”
Bấy giờ, các Tỳ-kheo vâng lời Phật dạy. Thế Tôn bảo:
“Sao gọi là bảy pháp không thối chuyển? Tỳ-kheo, nên biết, nếu Tỳ-kheo cùng tập hợp lại một chỗ, đều cùng hoà thuận, trên dưới chăm sóc nhau, tiến dần lên trên, tu các pháp lành không thối chuyển, không để cho Ma được tùy tiện. Đó gọi là pháp không thối chuyển thứ nhất.
“Lại nữa, chúng Tăng hoà hợp, thuận theo giáo pháp, tiến dần lên trên không thối chuyển, không để Ma được tùy tiện. Đó gọi là pháp không thối chuyển thứ hai.
“Lại nữa, Tỳ-kheo không bận rộn công việc, không huân tập nghiệp đời, tiến dần lên trên, không để cho Ma được tùy tiện. Đó gọi là pháp không thối chuyển thứ ba.
“Lại nữa, Tỳ-kheo không tụng đọc sách tạp, trọn [738c] ngày sách tấn tình ý tiến dần lên trên, không để cho Ma được tùy tiện. Đó gọi là pháp không thối chuyển thứ tư.
“Lại nữa, Tỳ-kheo siêng tu pháp, trừ khử ngủ nghỉ, thường tự cảnh tỉnh, tiến dần lên trên, không để cho Ma được tùy tiện. Đó gọi là pháp không thối chuyển thứ năm.
“Lại nữa, Tỳ-kheo không học toán thuật, cũng không khuyến khích người khác học, thích chỗ yên tĩnh, tu tập pháp, tiến dần lên trên, không để cho Ma được tùy tiện. Đó gọi là pháp không thối chuyển thứ sáu.
“Lại nữa, Tỳ-kheo khởi tưởng tất cả thế gian không đáng ưa thích, tập hạnh thiền, kham nhẫn pháp giáo, tiến dần lên trên, không để cho Ma được tùy tiện. Đó gọi là pháp không thối chuyển thứ bảy.
“Tỳ-kheo thành tựu bảy pháp này, hoà thuận với nhau, Ma không thể tùy tiện.
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ này:
Trừ bỏ mọi nghiệp đời,
Không tư duy loạn tưởng.
Nếu không hành như vậy,
Không thể được tam-muội.
Người hay ưa thích phap;
Phân biệt nghĩa pháp ấy;
Tỳ-kheo ưa hạnh này,
Sẽ dẫn đến tam-muội.
“Cho nên, Tỳ-kheo, hãy tìm cầu phương tiện thành tựu bảy pháp này.
“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 3
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo :
“Nay, Ta sẽ nói về bảy sử,[89] các ngươi hãy ghi nhớ kỹ.”
Các Tỳ-kheo đáp:
“Thưa vâng, Thế Tôn!”
Các Tỳ-kheo vâng lời Phật dạy.
Thế Tôn nói:
“Những gì là bảy? Một là sử tham dục, hai là sử sân hận, ba là sử kiêu mạn, bốn là sử ngu si, năm là sử nghi, sáu là sử tà kiến, bảy là sử tham đắm thế gian.[90] Tỳ-kheo, đó gọi là có bảy sử này khiến chúng sanh, mãi mãi ở nơi tối tăm, thân bị trói buộc, trôi lăn mãi ở thế gian không có lúc dừng, cũng không thể biết cội nguồn của sanh tử. Giống như hai con trâu một đen, một trắng cùng chung một cái ách, cùng lôi kéo nhau không thể xa rời nhau. Chúng sanh này cũng như vậy, [739a] bị tham dục sử, vô minh sử này trói buộc không thể lìa nhau, năm sử còn lại cũng đuổi theo. Năm sử đuổi theo thì bảy sử cũng vậy. Nếu kẻ phàm phu bị bảy sử này trói buộctrôi lăn mãi trong sanh tử không được giải thoát, không thể biết nguồn gốc khổ.
“Tỳ-kheo, nên biết, do bảy sử này mà có ba đường dữ địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Do bảy sử này nên không thể vượt qua được cảnh giới tệ ma. Nhưng pháp bảy sử này lại có bảy phương thuốc. Những là bảy? Sử tham dục, dùng niệm giác chi để trị. Sử sân hận, dùng trạch pháp giác chi để trị. Sử tà kiến, dùng tinh tấn giác chi để trị. Sử tham đắm thế gian, dùng hỷ giác chi để trị. Sử kiêu mạn dùng khinh an* giác chi để trị. Sử nghi, dùng định giác chi để trị. Sử vô minh, dùng xả* giác chi để trị. Tỳ-kheo, đó gọi là dùng bảy giác chi để trị bảy sử ấy.
“Tỳ-kheo, nên biết, xưa khi Ta chưa thành Phật, còn đang thực hành Bồ-tát hạnh, ngổi dưới bóng cây, suy nghĩ như vầy: ‘Chúng sanh Dục giới bị những gì trói buộc?’ Lại nghĩ: ‘Chúng sanh này bị bảy sử cuốn trôi trong sanh tử, mãi không được giải thoát. Nay Ta cũng bị bảy sử này trói, không giải thóat được.’ Rồi Ta lại nghĩ: ‘Lấy gì để trị bảy sử này?’ Ta lại suy nghĩ: ‘Bảy sử này nên dùng bảy giác chi để trị. Ta hãy tư duy về bảy giác chi.’ Khi tư duy bảy giác chi, tâm dứt sạch hữu lậu, liền được giải thoát. Sau jhi thành Đạo Vô thượng chánh chơn, trong bảy ngày ngồi kiết già, Ta tư duy thêm nữa bảy giác chi này. Cho nên, các Tỳ-kheo, muốn dứt trừ bảy sử thì phải tu tập pháp bảy giác chi.
“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 4
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.
Bấy, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo :
“Có bảy hạng người đáng thờ, đáng kính, là phước điền vô thượng thế gian. Những ai là bảy hạng người? Một là hành từ, hai là hành bi, ba là hành hỷ, bốn là hành xả*, năm là hành không, sáu là hành vô tướng, bảy là hành vô nguyện. Đó gọi là bảy hạng người đáng thờ, đáng kính, là [739b] phước điền vô thượng thế gian. Vì sao vậy? Vì có chúng sanh nào hành bảy pháp này thì ở trong hiện pháp được quả báo.”
Khi ấy, A-nan bạch Thế Tôn :
“Vì sao không nói Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, Bích-chi-phật, Phật mà lại nói bảy pháp này?”
Thế Tôn nói:
“Bảy hạng người, hành từ, v.v, hành của họ cùng với Tu-đà-hoàn cho đến Phật không giống nhau. Tuy cúng dường Tu-đà-hoàn cho đến Phật cũng không được báo hiện tiền; nhưng cúng dường bảy hạng người này, ở hiện đời được báo. Cho nên, A-nan, cần phải nổ lực dũng mãnh để thành tựu bảy pháp này. A-nan, hãy học điều này như vậy.”
A-nan sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành .
KINH SỐ 5
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ở tại ao Di hầu, Tỳ-xá-ly, cùng chúng đại Tỳ-kheo gồm năm trăm vị .
Bấy giờ, đến giờ khất thực, Thế Tôn đắp y mang bát cùng A-nan vào Tỳ-xá-ly khất thực. Lúc ấy, trong thành Tỳ-xá-ly có trưởng giả tên Tỳ-la-tiên nhiều của lắm báu không thể đếm xuể, nhưng lại tham lam keo kiệt, không có tâm huệ thí, chỉ hưởng phước cũ, không tạo thêm phước mới. Lúc ấy, trưởng giả kia dẫn các thể nữ ở hậu cung ca múa vui đùa với nhau.
Bấy giờ, Thế Tôn đi đến con đường ấy, biết mà vẫn hỏi A-nan:
“Tiếng đờn ca đang nghe phát ra từ nhà nào vậy?”
A-nan bạch Phật:
“Đó là từ nhà của trưởng giả Tỳ-la-tiên.”
Phật bảo A-nan:
“Sau bảy ngày nữa, trưởng giả này sẽ qua đời, sanh vào địa ngục Thế khốc.[91] Vì sao vậy? Đó là pháp thường. Nếu người nào đọan hết căn lành, khi mạng chung đều sanh vào địa ngục Thế khốc. Nay trưởng giả này đã hết phước cũ lại không tạo phước mới.”
A-nan bạch Phật:
“Có nhân duyên gì khiến trưởng giả này sau bảy ngày không qua đời không?”
Phật bảo A-nan:
“Không có nhân duyên nào để không qua đời. Những hành vi đã tạo kiếp trước hôm nay đã hết. Điều này không thể tránh khỏi.”
A-nan bạch Phật:
“Có phương cách nào giúp trưởng giả này không sanh vào địa ngục Thế khốc không?”
Phật bảo A-nan:
“Có cách này có thể giúp trưởng giả không vào địa ngục.”
A-nan bạch Phật:
“Nhân duyên nào để trưởng giả không vào địa ngục?”
Phật bảo A-nan:
“Nếu trưởng giả này, cạo bỏ râu tóc, mặt ba pháp y, xuất gia học đạo, thì tránh khỏi [739c] tội này được.”
A-nan bạch Phật:
“Nay con có thể khiến cho trưởng giả này xuất gia học đạo!”
Rồi thì, A-nan từ giã Thế Tôn, đi đến nhà trưởng giả này, đứng ở ngoài cửa. Khi ấy, trưởng giả từ xa trông thấy A-nan đến, liền ra nghênh đón và mời ngồi. A-nan bảo trưởng giả:
“Hiện tôi ở gần bậc Nhất thiết trí, nghe Như Lai báo trước về thân ông, sau bảy ngày nữa thân hoại mạng chung sẽ sinh vào địa ngục Thế khốc.”
Trưởng giả nghe rồi, trong lòng sợ hãi, lông tóc dựng đứng, thưa với A-nan: “Có cách nào giúp trong bảy ngày không qua đời không?”
A-nan đáp:
“Không có cách nào giúp trong bảy ngày thóat khỏi mạng chung.”
Trưởng giả lại bạch:
“Có cách nào giúp con mạng chung không sanh vào địa ngục Thế khốc không?”
A-nan đáp:
“Thế Tôn có dạy như vầy: ‘Nếu trưởng giả cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, xuất gia học đạo, thì không vào trong địa ngục.’ Nay trưởng giả có thể xuất gia học đạo để đến bờ kia.”
Trưởng giả bạch:
“Ngài A-nan, hãy đi trước, tôi sẽ đến ngay.”
Sau đó, A-nan liền ra đi. Trưởng giả tự nghĩ: “Bảy ngày hãy còn xa. Nay ta có thể tự vui thích ngũ dục, sau đó sẽ xuất gia học đạo.”
Hôm sau, A-nan lại đến nhà trưởng giả, nói với trưởng giả:
“Một ngày đã qua, chỉ còn lại sáu ngày, đúng lúc xuất gia!”
Trưởng giả bạch:
“Ngài A-nan, hãy đi trước đi, tôi sẽ theo ngay.”
Nhưng trưởng giả kia vẫn cố không đi. Qua hai ngày, ba ngày cho đến sáu ngày, lúc này A-nan đến nhà trưởng giả bảo trưởng giả:
“Đúng lúc hãy xuất gia, kẽo sau hối hận không kịp. Nếu không xuất gia, hôm nay mạng chung sẽ sanh vào trong địa ngục Thế khốc.”
Trưởng giả bạch A-nan: “Tôn giả hãy đi trước, tôi sẽ theo sau ngay.”
A-nan bảo:
“Trưởng giả, hôm nay ông dùng thần túc gì để đến nơi ấy, mà bảo tôi đi trước? Nay cả hai phải đi cùng lúc.”
Lúc ấy, A-nan dẫn trưởng giả này đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi bạch Phật:
“Trưởng giả này, nay muốn xuất gia học đạo, cúi xin Như Lai cho phép cạo bỏ râu tóc, khiến được học đạo.”
Phật bảo A-nan:
“Nay ngươi hãy đích thân độ cho trưởng giả này.”
Lúc ấy, A-nan vâng lời Phật dạy, liền [740a] cạo bỏ râu tóc cho trưởng giả, dạy cho đắp ba pháp y, cho học chánh pháp. Bấy giờ, A-nan dạy Tỳ-kheo kia rằng:
“Ông hãy nhớ nghĩ tu hành, niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng Tỳ-kheo, niệm giới, niệm thí, niệm thiên, niệm tịch tĩnh, niệm an-ban, niệm thân, niệm sự chết. Hãy tu hành pháp như vậy. Đó gọi là Tỳ-kheo. Hành mười niệm này thì lập tức được quả báo lớn, được pháp vị cam lồ.”
Sau khi tu tập pháp như vậy rồi, ngay trong ngày hôm đó, ông ấy mạng chung sanh lên Tứ thiên vương.
Bấy giờ, A-nan liền hoả thiêu thân kia, rồi trở về chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, đứng qua một bên. Bấy giờ, A-nan bạch Thế Tôn:
“Vừa rồi Tỳ-kheo Tỳ-la-tiên đã qua đời. Ông sanh về nơi nào?”
Thế Tôn bảo:
“Tỳ-kheo này chết sanh lên Tứ thiên vương.”
A-nan bạch Phật:
“Ở đó mạng chung sẽ sanh nơi nào?”
Thế Tôn bảo:
“Ở đó mạng chung sẽ sanh lên trời Tam thập tam, rồi lần lượt sanh lên trời Diệm thiên, trời Đâu-suất, trời Hoá tự tại, trời Tha hoá tự tại. Từ đó mạng chung, sanh trở lại cho đến trời Tứ thiên vương. Này A-nan, đó gọi là Tỳ-kheo Tỳ-la-tiên bảy phen chuyển vòng trong trời người, cuối cùng được làm thân người, xuất gia học đạo, sẽ dứt sạch gốc khổ. Vì sao vậy? Vì vị ấy có lòng tin ở Như Lai.
“A-nan nên biết, cõi Diêm-phù-đề này, nam bắc hai vạn một nghìn do tuần, đông tây bảy nghìn do tuần. Nếu có người cúng dường tất cả người cõi Diêm-phù-đề, phước đó có nhiều không?”
A-nan bạch Phật:
“Thật nhiều, thật nhiều, bạch Thế Tôn.”
Phật bảo A-nan:
“Nếu chúng sanh nào chỉ trong khoảnh khắc, tín tâm không đứt đoạn, tu tập mười niệm, phước kia không thể lường, không có thể đo lượng được. Như vậy, A-nan hãy tìm cầu phương tiện tu tập mười niệm.
“A-nan, hãy học điều này như vậy.”
A-nan sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 6[92]
Tôi nghe như vầy:
Một thời,đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Ta sẽ nói pháp cực diệu, khoảng đầu, giữa, cuối đều thiện xảo, nghĩa lý sâu xa, đầy đủ tu phạm hạnh. Kinh này gọi là ‘pháp thanh tịnh các lậu,’ các ngươi hãy nhớ nghĩ kỹ.”
Các Tỳ-kheo đáp:
“Thưa vâng, Thế Tôn!”
Các Tỳ-kheo vâng theo Phật dạy.
Thế Tôn bảo:
[740b]“Sao gọi là pháp sạch các lậu? Hoặc có hữu lậu được đoạn trừ bởi thấy, hoặc có hữu lậu được đoạn trừ bởi thân cận, hoặc có hữu lậu được đoạn trừ bởi viễn ly, hoặc có hữu lậu được đoạn trừ bởi ngu lạc, hoặc có hữu lậu được đoạn trừ bởi oai nghi, hoặc có hữu lậu được đoạn trừ bởi tư duy.[93]
“Sao gọi là hữu lậu được đoạn trừ bởi thấy? Ở đây, kẻ phàm phu không gặp Thánh nhân, không thuận theo pháp Như Lai, không thể thủ hộ pháp Hiền Thánh, không thân cận thiện tri thức, không tùng sự với thiện tri thức; pháp đã được nghe cần tư duy mà không phân biệt; pháp không nên tư duy mà tư duy, khiến cho dục lậu chưa sinh liền sinh, dục lậu đã sinh liền tăng nhiều; hữu lậu chưa sinh liền sinh, hữu lậu đã sinh liền tăng nhiều; vô minh lậu chưa sanh liền sinh, vô minh lậu đã sinh liền tăng nhiều. Đó là pháp không nên tư duy mà tư duy.
“Sao gọi là pháp nên tư duy, nhưng không tư duy[94]? Pháp nên tư duy là do pháp đó mà dục lậu chưa sanh khiến không sinh, dục lậu đã sinh thì liền diệt; hữu lậu chưa sanh khiến không sinh, hữu lậu đã sinh thì liền diệt; vô minh lậu chưa sinh khiến không sanh, vô minh lậu đã sanh thì liền diệt. Đây gọi là pháp nên tư duy mà không tư duy. Điều không nên tư duy mà tư duy, điều nên tư duy lại không tư duy, khiến dục lậu chưa sinh liền sinh, dục lậu đã sinh liền tăng nhiều, hữu lậu chưa sinh liền sinh, hữu lậu đã sinh liền tăng nhiều, vô minh lậu chưa sinh liền sinh, vô minh lậu đã sinh liền tăng nhiều. Người kia khởi lên tư duy như vầy: ‘Có quá khứ lâu xa hay không? Ta có thể đã hiện hữu trong quá khứ lâu xa ấy.’ Hoặc lại tư duy: ‘Không có quá khứ lâu xa. Ta hiện hữu trong quá khứ lâu xa hay không? Ai hiện hữu trong quá khứ lâu xa? Có tương lai lâu xa hay không? Ta sẽ hiện hữu trong tương lai lâu xa.’ Hoặc lại nói: ‘Không tương lai lâu xa. Ta sẽ hiện hữu trong tương lai lâu xa hay không? Ai hiện hữu tương lai lâu xa? Vì sao có chúng sanh lâu xa này? Chúng sanh lâu xa này từ đâu mà đến? Từ đây mạng chung sẽ sinh về đâu?’ Người kia khởi lên những ý nghĩ chẳng lành này liền khởi lên sáu kiến, lần lượt sinh tưởng tà: Thấy rằng có ngã, có kiến này hay không? Thấy rằng không có ngã, có phát sanh kiến này hay không? Thấy rằng vừa có ngã, vừa không ngã, ở trong đó có phát sinh kiến này hay không? Lại do quán sát tự thân khởi lại kiến này: ở nơi chính ta mà không thấy có ta. Lại khởi lên kiến này: ở nơi không có ta mà không thấy không có ta, ở trong đó khởi kiến này. Bấy giờ, người kia lại sinh tà kiến này: Ngã đời này cũng là ngã đời sau, tồn tại mãi ở đời không bị tan rã, cũng không biến dịch, lại không dời đổi.[95] Đó gọi là tụ tà kiến. Tà kiến, tai hoạ, sầu bi, khổ não, đều từ đây sinh, không thể chữa trị, cũng lại không thể loại bỏ, làm tăng gốc khổ. Do đó không phải là hành của sa-môn, đạo Niết-bàn.
“Lại nữa, Tỳ-kheo, đệ tử Hiền Thánh tu hành pháp kia không mất thứ lớp, khéo biết thủ hộ, tùng sự theo thiện tri thức. Vị ấy có thể phân biệt, biết rõ pháp nên tư duy cũng, và cũng biết rõ pháp nào nên tư duy. Vị ấy không tư duy pháp không nên tư duy; tư duy pháp nên tư duy.
“Pháp gì không nên tư duy mà vị ấy không tư duy? Ở đây, các pháp khiến dục lậu chưa sinh bèn sinh, dục lậu đã sinh bèn tăng nhiều; hữu lậu chưa sinh bèn sinh, hữu lậu đã sinh bèn tăng nhiều; vô minh lậu chưa sinh bèn sinh, vô minh lậu đã sinh bèn tăng nhiều. Đây gọi là pháp không nên tư duy.
“Pháp gì nên tư duy mà vị ấy tư duy? Ở đây, các pháp khiến dục lậu chưa sinh khiến không sinh, dục lậu đã sinh liền diệt, hữu lậu chưa sinh khiến không sanh, hữu lậu đã sinh liền diệt, vô minh lậu chưa sinh khiến không sinh, vô minh lậu đã sinh liền diệt. Đây gọi là pháp nên nên tư duy. Vị ấy cũng không tư duy điều không nên tư duy vị, và tư duy điều nên tư duy. Vị ấy tư duy như vậy, liền diệt ba pháp. Những gì là ba? Thân tà, giới đạo, và nghi.[96] Nếu không thấy không biết thì tăng thạnh hữu lậu, nếu thấy nghe nghĩ biết thì không tăng hạnh hữu lậu; đã biết, đã thấy thì hữu lậu liền không sinh. Đây gọi là lậu do thấy đoạn được.[97]
“Sao gọi là lậu được đoạn bằng kham nhẫn[98]? Ở đây, Tỳ-kheo chịu đựng đói lạnh, cần khổ, gió mưa, ruồi muỗi, lời ác, mạ nhục, thân sinh thống khổ, rất là đau buồn, mạng sắp muốn dứt, mà có thể nhẫn chịu. Nếu không như vậy, liền sinh khổ não. Nếu có thể kham chịu, thì không sinh như vậy. Đây gọi là lậu [741a] được đoạn bởi kham nhẫn*.
“Sao gọi là lậu được đoạn bằng thân cận?[99] Ở đây, Tỳ-kheo nắm giữ tâm khi nhận y, không vì trang sức mà chỉ muốn giữ gìn thân thể, muốn trừ lạnh nóng, muốn cho gió mưa không chạm vào thân mình; lại che thân thể không để lộ ra ngòai. Lại nữa, nắm giữ tâm theo thời khất thực, không khởi tâm nhiễm đắm, chỉ cốt giữ gìn thân thể khiến cho bệnh cũ được lành, mới không sinh; gìn giữ các hành không cho xúc phạm, an ổn lâu dài mà tu tập phạm hạnh lâu bền ở đời. Lại nắm giữ tâm ý, khi thọ dụng giường ghế, cũng không ham trang trí tốt đẹp, chỉ mong trừ đói lạnh, gió mưa, ruồi muỗi, giữ gìn thân mình để thực hành đạo pháp. Lại nữa, giữ tâm khi thọ dụng thuốc trị bệnh, không sanh tâm nhiễm đắm nơi thuốc trị bệnh kia, chỉ mong cho bệnh tật được trừ khỏi, thân thể được an ổn. Nếu không thọ dụng như vậy thì tai hại của hữu lậu sẽ phát sinh. Nếu thọ dụng như vậy thì tại hại của hữu lậu không sinh. Đây gọi là hữu lậu được đoạn bởi thân cận.
“Sao gọi là lậu hoặc được đoạn bởi viễn ly?[100] Ở đây, Tỳ-kheo trừ bỏ tưởng loạn[101] do bởi voi dữ, lạc đà, bò ngựa, hổ sói, chó, rắn, hầm sâu, bờ hiểm, gai góc, sườn cao, bùn lầy; thảy đều nên tránh xa chúng. Chớ tùng sự với ác tri thức, cũng lại không gần gũi với người ác, hay tư duy thuần thục không lìa khỏi đầu mối của tâm. Nếu không giữ gìn[102] thì sinh hữu lậu, nếu được giưc gìn thì không sinh hữu lậu. Đây gọi là hữu lậu được đọan bởi viễn ly.
“Sao gọi là hữu lậu được đọan bởi ngu lạc?[103] Ở đây, Tỳ-kheo sinh tưởng dục mà không xả ly; khởi tưởng sân nhuế cũng không xả ly; lại khởi tưởng tật đố cũng không xả ly. Nếu không xả ly thì sinh hữu lậu, nếu có thể xả ly liền có thể không khởi hữu lậu. Đây gọi là hữu lậu được đọan bởi ngu lạc.
“Sao gọi là lậu được đoạn nhờ oai nghi?[104] Ở đây, Tỳ-kheo khi mắt thấy sắc không khởi tưởng sắc, cũng không khởi tâm nhiễm ô, giữ nhìn nhãn căn đầy đủ, không để khuyết lậu. Khi tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân biết mịn láng, ý biết pháp đều không khởi tâm nhiễm ô, cũng không khởi đắm mà giữ gìn ý căn. Nếu không giữ gìn oai nghi mình thì sinh hữu lậu, nếu giữ gìn oai nghi mình thì không có tai hoạn hữu lậu. Đây gọi là lậu được đoạn bởi oai nghi.
“Sao gọi là [741b] lậu được đoạn bởi tư duy? Ở đây, Tỳ-kheo tu niệm giác chi, y vô dục, y không nhiễm ô, y diệt tận mà cầu xuất yếu; tu trạch pháp giác chi, tinh tấn giác chi, hỷ giác chi, khinh an* giác chi, định giác chi, xả* giác chi, y vô dục, y không nhiễm ô, y diệt tận mà cầu xuất yếu. Nếu không tu pháp này thì sinh tai họan hữu lậu. Nếu có thể tu pháp này thì không sinh tai hoạn hữu lậu. Đây gọi là lậu được đoạn bởi tư duy.
“Lại nữa, Tỳ-kheo, ở nơi Tỳ-kheo mà những gì là hữu lậu được đọan trừ bới kiến, liền được đoạn trừ bởi kiến; được đoạn trừ bởi kham nhẫn* liền được đoạn trừ bởi kham nhẫn* , được đoạn trừ bởi thân cận liền thân cận, được đoạn trừ bởi viễn ly liền được đoạn trừ bởi viễn ly, được đoạn trừ bởi oai nghi liền được đoạn trừ bởi oai nghi, được đoạn trừ bởi tư duy liền tư duy. Đó gọi là Tỳ-kheo đầy đủ tất cả oai nghi có thể đoạn ái kết, xả ái dục, vượt qua bốn bộc lưu, dần dần thoát khổ. Này Tỳ-kheo, đó gọi là pháp trừ hữu lậu.
“Nhừng gì mà Chư Phật Thế Tôn cần làm, vì từ niệm đối với tất cả chúng sanh, nay Ta cũng đã làm xong. Các ngươi nên luôn luôn vui thích chỗ vắng, ở dưới bóng cây, chuyên cần tinh tấn, chớ có giải đãi. Hiện tại không nổ lực, sau hối hận cũng vô ích. Đây là những lời dạy dỗ của Ta.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.[105]


Chú thích:
[69] Pāli, A. VII. 62 Suriya (R. iv.99), D. 27 Aggañña.
[70] Tế cước 細脚. Có lẽ Câu-xá 11 (tr. 59c2) gọi là Kiên thủ 堅手 (Skt. Karoṭapāṇi).
[71] Thi-lợi-sa 尸利沙.
[72] Hoan duyệt 歡悅. Có lẽ Câu-xá 11 nói là Hằng kiêu 恒憍 (Skt. Sadāmatta, nhưng đây đọc là Sadāmanas).
[73] Lực thạnh 力盛. Có lẽ Câu-xá 11 là Trì man (Skt. Māladhara, nhưng đây đọc là Baladhara).
[74] Pāli, Jā. i. 204: Đế Thích đặt năm vòng đại bảo vệ cung thành Tam thập tam, từ dưới chân Tu-di đi lên: Nāga (Rồng), Garuḍa (Kim sí điểu), Kumbhaṇḍa (Cưu-bàn-trà), Yakkha (Dạ-xoa), và Tứ thiên vương.
[75] Thiết vi 大鐵圍. SDkt. (Mahā)Xakrravāḍa. Pāli: Cakkavāḷa. Các núi bao quanh Tu-di, xem Trường, kinh 29 Thế ký, phẩm Diêm-phù-đề. Câu-xá 11, phẩm iii Thế gian. Thứ tự được kể trong bản Hán dịch này không phù hợp với các tài liệu dẫn trên.
[76] Ni-di-đà 尼
彌陀山, Skt. Nimimdhara. Pāli: Nemindhara.
[77] Khư-la 佉
羅. Skt. Khadiraka. Pāli: karavīka.
[78] Ti-sa 俾沙. Skt. īṣādhara. Pāli: īsadhara.
[79] Mã đầu 馬[08]頭. Skt. Aśvakarṇa; Pāli: Assakaṇṇa.
[80] Tỳ-na-da 毘
那耶. Skt. , Pāli: Vinataka.
[81] Để bản: nhị ; có lẽ nhất nhất bị chép nhầm.
[82] Hán: cách tử 隔子.
[83] Hương tích 香積. Câu-xá 11 (tr. 58a20): Hương túy 香醉. Skt. Gandhamadāna.
[84] Kì-di-đà 祇彌
陀; có thể chép dư.
[85] Địa phì 地肥. Xem Trường 6 (kinh 5 Tiểu duyên, tr. 37b27); Trung 39 kinh 154 (tr. 674b24). Pāli, D 27 Agañña (R.iii. 85).
[86] Pāli, A.VII. 20 Vassakāra (R. iv. 16), Trường 3 kinh 2; Trung 35 kinh 142.
[87] Bà-lợi-ca 婆利[14]迦. Pāli: Vassakāra.
[88] Bản Hán: bất hướng 不向. Nghi chép dư chữ bất. Tham chiếu, Trung 35, ibid.
[89] Thất sử 七使; tức 7 tùy miên. Cf. Pāli, A. iv. 9: sattannaṃ, anusayānaṃ, có 7 tùy miên.
[90] Pāli: kāmarāga, dục tham; paṭigha, sân; diṭṭha, kiến; vicikiccha, nghi; māna, mạn; bhavarāga, hữu tham; avijja, vô minh.
[91] Thế khốc 涕哭; TNM: Đề khốc. Có lẽ tên khác của địa ngục Khiếu hoán 叫喚. Cf. Trường 19.
[92] Pāli, M.2. Sabbāsava (R. i. 6). Hán, Trung 2, kinh 10.
[93] Bảy loại trong Trung kinh 10 và Pāli. Bản Hán này chỉ có sáu: 1. Kiến đoạn 見
斷; Trung kinh 10, kiến đoạn; Pāli: dassanā pahātabbā. 2. Thân cận đoạn 親近斷; Trung kinh 10: dụng đoạn; Pāli: paṭisevanā pahātabbā. Tư duy đoạn 思惟斷. 3. Viễn ly đoạn 遠
離斷. Pāli: parivajjanā pahātabbā. 4. Ngu lạc đoạn 娛樂斷. Tư duy đoạn 思惟斷, Pāli: bhāvanā pahātabbā. Còn lại, không đồng nhất được: Pāli: saṃvarā pahātabbā (phòng hộ đoạn), adhivāsanā pahātabbā (kham nhẫn đoạn), vinodanā pahātabbā (trừ diệt đoạn).
[94] Pāli:dhammā manasikaraṇīyā ye dhamme na manasi karoti, pháp cần được tác ý mà không tác ý.
[95] Tham chiếu Pāli, sáu kiến chấp về ngã: 1. atthi me attā, có tự ngã của tôi; 2. natthi me attā, không có tự ngã của tôi; 3. attanāva attānaṃ sañjānāmī, do chính tôi, tôi nhận biết có tự ngã; 4. attanāva anattānaṃ sañjānāmī, do chính tôi, tôi nhận biết không có tự ngã; 5. anattanāva attānaṃ sañjānāmī, không do chính tôi, tôi nhận biết có tự ngã; 6. yo me ayaṃ attā vādo vedeyyo tatra tatra kalyāṇapāpakānaṃ kammānaṃ vipākaṃ paṭisaṃvedeti so kho pana me ayaṃ attā nicco dhuvo sassato avipariṇāmadhammo sassatisamaṃ tatheva ṭhassatī, tự ngã này của tôi nói, nơi này nơi kia nó cảm thọ báo dị thục cúa nghiệp thiện ác, cho nên tự ngã này thường tồn, vĩnh cửu, không biến đổi, mãi mãi tồn tại như vây.
[96] Ba kết (Pāli: tīṇi saṃyojanāni):Thân tà 身[27]耶, tức (hữu) thân kiến (Pāli: sakkāyadiṭṭhi); giới đạo 戒盜, tức giới cấm thủ (Pāli: sīlabbataparāmāso); nghi 疑 (Pāli: vicikicchā).
[97] Các lậu này, chính yếu là ba kết, được đoạn trừ ở kiến đạo, tức khi thấy bốn Thánh đế. Hán dịch này thiếu mất đoạn nói về thấy bốn Thánh đế, mà trong Trung kinh 10 và bản Pāli có nói rõ.
[98] Nguyên Hán: cung kính sở đoạn 恭敬所斷; đây nên hiểu là kham nhẫn, theo nội dung được nói (Pāli: adhivāsanā). Trong liệt kê, không đề cập mục này. Xem cht. 25 trên.
[99] Thân cân đoạn sở 親近所斷. Pāli: paṭisevanā pahātabbā (lậu) được đoạn trừ do thọ dụng. Xem cht. 25 trên.
[100] Viễn ly sở đoạn 遠離所斷.Pāli: āsavā parivajjanā pahātabbā, hữu lậu được đoạn trừ do bởi tránh xa.
[101] Nên hiểu là tránh né những ác thú khi Tỳ kheo sống trong rừng.
[102] Nên hiểu, nếu không tránh xa.
[103] Nội dung tương đương với Pāli: đoạn trừ do trừ diệt (vinodanā). Từ Hán dịch ngu lạc không phù hợp với nội dung. Có lẽ Hán dịch đọc nhầm với từ nào đó.
[104] Nội dung tương đương Pāli: đoạn từ do phòng hộ (saṃvāra), tức thủ hộ các căn. Hán hiểu là oai nghi tức các cử chỉ.
[105] Bản Hán, hết quyển 34.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 51 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.224.60.19 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập