Cỏ làm hại ruộng vườn, tham làm hại người đời. Bố thí người ly tham, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 356)
Khi ăn uống nên xem như dùng thuốc để trị bệnh, dù ngon dù dở cũng chỉ dùng đúng mức, đưa vào thân thể chỉ để khỏi đói khát mà thôi.Kinh Lời dạy cuối cùng
Kẻ hung dữ hại người cũng như ngửa mặt lên trời mà phun nước bọt. Nước bọt ấy chẳng lên đến trời, lại rơi xuống chính mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Chớ khinh tội nhỏ, cho rằng không hại;
giọt nước tuy nhỏ, dần đầy hồ to!
(Do not belittle any small evil and say that no ill comes about therefrom. Small is a drop of water, yet it fills a big vessel.)Kinh Đại Bát Niết-bàn
Kẻ làm điều ác là tự chuốc lấy việc dữ cho mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Kẻ thù hại kẻ thù, oan gia hại oan gia, không bằng tâm hướng tà, gây ác cho tự thân.Kinh Pháp Cú (Kệ số 42)
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 8)
Hãy tự mình làm những điều mình khuyên dạy người khác.
Kinh Pháp cú
Nên biết rằng tâm nóng giận còn hơn cả lửa dữ, phải thường phòng hộ không để cho nhập vào. Giặc cướp công đức không gì hơn tâm nóng giận.Kinh Lời dạy cuối cùng
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê. Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hènKinh Pháp cú (Kệ số 29)
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
37. PHẨM SÁU TRỌNG PHÁP
KINH SỐ 1
Tôi Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Các ngươi hãy suy niệm sáu trọng pháp,[1] kính trọng, tôn trọng, và ghi nhớ mãi ở trong tâm không cho quên mất.[2] Sao gọi là sáu? Ở đây, Tỳ-kheo thân hành niệm từ,[3] như soi gương thấy hình mình, đáng kính, đáng quý, không để quên mất.
“Lại nữa, khẩu hành niệm từ, ý hành niệm từ, đáng kính, đáng quý, không để quên mất.
“Lại nữa, được các thứ lợi lộc đúng pháp thì nên chia cho các phạm hạnh cùng hưởng, không tưởng tiếc rẻ; pháp này đáng kính, đáng quí, không để quên mất.
“Lại nữa, có các giới cấm không hủ, không bại, cực kỳ hoàn hảo, không sứt, không thủng, được bậc trí quí trọng, lại muốn đem giới này được phân bố cho người khác cũng đồng một vị; pháp này đáng kính, đáng quí không để quên mất.
“Lại nữa, chánh kiến của Hiền Thánh dẫn đến xuất yếu; có kiến giải như vậy, và muốn các vị phạm hạnh đồng tu cùng đồng pháp này, cũng đáng kính, đáng quí, không để quên mất.
“Này Tỳ-kheo, đó gọi là có sáu trọng pháp này, đáng kính, đáng quí, không để quên mất. Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy thường xuyên tu tập các hành vi của thân, miệng, ý; nếu được các thứ lợi dưỡng, cũng nên nghĩ phân đều cho nhau, chớ khởi tưởng tham.
“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 2
Tôi Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ở tại ao A-nậu-đạt[4] cùng chúng Tỳ-kheo gồm năm trăm vị. Các vị ấy đều là La-hán, tam minh[5], lục thông, thần túc tự [709a01] tại, tâm không sợ hãi, chỉ trừ một Tỳ-kheo A-nan.
Bấy giờ, Thế Tôn ngồi trên hoa sen vàng mà cọng sen được làm bằng bảy báu. Năm trăm Tỳ-kheo đều ngồi trên hoa sen báu. Khi ấy, Long vương A-nậu-đạt[6] đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi đứng qua một bên.
Sau khi quan sát hết Thánh chúng rồi, Long vương bạch Thế Tôn:
“Nay con thấy trong chúng này, trống, thiếu, không đủ, vì không có tôn giả Xá-lợi-phất. Cúi xin Thế Tôn sai một Tỳ-kheo mời tôn giả Xá-lợi-phất đến.”
Lúc ấy, Xá-lợi-phất đang ngồi vá y cũ tại tinh xá Kỳ-hoàn. Bấy giờ, Thế Tôn bảo tôn giả Mục-liên:
“Thầy đến chỗ Xá-lợi-phất bảo Xá-lợi-phất rằng: ‘Long vương A-nậu-đạt muốn tương kiến.”
Mục-liên đáp:
“Thưa vâng, bạch Thế Tôn!”
Trong khoảnh khắc co duỗi cánh tay, Tôn giả Mục-liên đã đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất tại tinh xá Kỳ-hoàn, và nói với Xá-lợi-phất, Như Lai dạy: ‘Long vương A-nậu-đạt muốn tương kiến.’
Xá-lợi-phất đáp:
“Thầy hãy đi trước. Tôi sẽ đến sau.”
Mục-liên đáp:
“Hết thảy Thánh chúng và Long vương A-nậu-đạt mong đợi tôn nhan, muốn được tương kiến, xin hãy đi ngay, đừng có chậm trễ.”
Xá-lợi-phất đáp:
“Thầy hãy đến đó trước. Tôi sẽ đến sau.”
Lúc ấy, Mục-liên lại nói lại:
“Thế nào, Xá-lợi-phất, trong thần túc, có thể hơn được tôi sao, mà nay lại bảo tôi đi trước? Nếu Thầy không đứng dậy ngay thì tôi sẽ nắm cánh tay kéo đến suối ấy.”
Lúc ấy, Xá-lợi-phất nghĩ thầm: ‘Mục-liên đang tìm cách đùa thử ta vậy!’
Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất cởi dây đai kiệt-chi[7] đặt xuống đất, nói với Mục-liên:
“Nếu thần túc của Thầy là đệ nhất, thử cất giải y này lên khỏi mặt đất, sau đó hãy nắm cánh tay tôi dẫn đến ao A-nậu-đạt.”
Mục-liên nghĩ thầm:
“Xá-lợi-phất định đùa với ta nên muốn thử chăng? Nay ông ấy đã cởi dây đai đặt trên đất bảo ta nếu cất lên được, sau đó nắm cánh tay dẫn đi.”
Mục-liên lại nghĩ: ‘Đây ắt có nguyên nhân, nếu không, chẳng việc gì phải khổ nhọc.’ Lập tức, Tôn giả duỗi tay lấy sợi đai nâng lên, nhưng không thể khiến dây đai nhúc nhích mảy may nào. Mục-liên dùng hết sức của mình, vẫn không di chuyển đai này, không thể làm lay động được. Rồi Xá-lợi-phất lấy đai ấy buộc chặt vào cành cây [709c01] diêm-phù. Tôn giả Mục-liên lại dùng hết thần lực của mình muốn nâng dây này, nhưng không thể làm nó lay động, rốt cuộc không thể làm di chuyển được. Đang lúc nâng đai này lên, đất Diêm-phù chấn động.
Xá-lợi-phất nghĩ thầm: ‘Tỳ-kheo Mục-liên có thể khiến Diêm-phù-đề này rung động, huống chi dây đai này. Nay ta nên đem đai này buộc chặt vào hai thiên hạ.’ Bấy giờ, Mục-liên cũng lại nâng nó. Buộc vào ba thiên hạ cho đến bốn thiên hạ cũng có thể nâng lên như nâng chiếc y mỏng.
Bấy giờ, Xá-lợi-phất lại nghĩ thầm: ‘Tỳ-kheo Mục-liên có thể nâng bốn thiên hạ, cũng không đáng để nói. Nay ta phải đem đai này buộc chặt vào lưng núi Tu-di.’ Mục-liên lại làm lay động núi Tu-di này và cung Tứ thiên vương, cung trời Tam thập tam. Xá-lợi-phất lại buộc chặt đai ấy vào một ngàn thế giới. Mục-liên cũng làm cho lay động.
Xá-lợi-phất lại buộc chặt đai này vào hai ngàn thế giới, ba ngàn thế giới, cũng lại lay động. Khi ấy, trời đất chấn động mạnh, chỉ có chỗ Như Lai ở ao A-nậu-đạt là không lay động, giống như người lực sĩ đùa với lá cây, không nghi nan.”
Bấy giờ, Long vương bạch Thế Tôn :
“Vì sao trời đất này nay chấn động dữ vậy?”
Thế Tôn nói hết duyên gốc này cho Long vương.
Long vương bạch Phật:
“Hai vị ấy, thần lực của ai là hơn hết?”
Thế Tôn bảo:
“Thần lực Tỳ-kheo Xá-lợi-phất là hơn hết.”
Long vương bạch Phật:
“Trước đây Thế Tôn đã từng xác nhận, thần túc của Tỳ-kheo Mục-liên là bậc nhất, không ai vượt hơn được.”
Thế Tôn đáp:
“Long vương nên biết, có bốn thần túc. Sao gọi là bốn? Là tự tại tam-muội thần lực, tinh tấn tam-muội thần lực, tâm tam-muội thần lực, giới tam-muội thần lực.[8] Này Long vương, đó gọi là có bốn thần túc lực này. Nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào có bốn thần lực này, thường xuyên tu hành không hề buông bỏ, đó là thần lực bậc nhất.”
Long vương A-nậu-đạt bạch Phật:
“Tỳ-kheo Mục-liên không được bốn thần túc ấy sao?”
Thế Tôn bảo:
“Tỳ-kheo Mục-liên cũng được bốn thần túc lực này và thường xuyên tu hành không hề buông bỏ. Tỳ-kheo Mục-liên muốn giữ thọ mạng đến một kiếp, cũng có thể làm được. Nhưng Tỳ-kheo Mục-liên không biết tên của tam-muội mà Xá-lợi-phất nhập.”
Lúc ấy, Tôn giả Xá-lợi-phất lại nghĩ thầm: “Ba ngàn đại thiên quốc độ, Mục-liên [709c01] đều có thể di chuyển, làm cho vô số côn trùng bị chết, không tính hết. Nhưng tự thân ta nghe chỗ ngồi của Như Lai không thể lay động được. Nay ta có thể dùng đai này buộc chặt vào chỗ ngồi của Như Lai.” Mục-liên lại dùng thần túc nâng dây đai ấy nhưng không thể làm lay động. Mục-liên nghĩ thầm như vầy: “Chẳng lẽ thần túc ta bị sút giảm rồi sao? Nay nâng đai này mà không thể làm nó lay động. Ta hãy đến chỗ Thế Tôn mà hỏi ý nghĩa này.”
Mục-liên sau khi buông đai này, liền dùng thần túc đi đến chỗ Thế Tôn. Từ xa, trông thấy Xá-lợi-phất đã ngồi ở trước Như Lai. Thấy vậy, Mục-liên lại nghĩ thầm: “Đệ tử của Thế Tôn, thần túc bậc nhất không ai vượt qua ta. Nhưng ta không bằng Xá-lợi-phất sao?”
Bấy giờ, Mục-liên bạch Phật:
“Không lẽ với thần túc, con đã có sự sút giảm chăng? Vì sao vậy? Vì con rời khỏi tinh xá Kỳ-hoàn trước Xá-lợi-phất, sau đó Xá-lợi-phất mới đi. Nay Tỳ-kheo Xá-lợi-phất đã ngồi trước Như Lai.”
Phật bảo:
“Thần túc của ngươi không hề giảm sút, nhưng ngươi không thể hiểu được thần túc tam-muội mà Xá-lợi-phất đã nhập. Vì sao vậy? Vì trí huệ của Tỳ-kheo Xá-lợi-phất vô lượng, tâm được tự tại. Ngươi không được tùy tâm bằng Tỳ-kheo Xá-lợi-phất. Xá-lợi-phất đã được tự tại nơi tâm thần túc. Khi Tỳ-kheo Xá-lợi-phất nghĩ đến pháp gì, tâm được tự tại đối với pháp ấy.” Đại Mục-liên ngay lúc đó im lặng.
Long vương A-nậu-đạt vui mừng hớn hở, không tự chế được, vì nay Tỳ-kheo Xá-lợi-phất có rất nhiều thần lực không thể nghĩ bàn. Những tam-muội mà ngài nhập, Tỳ-kheo Mục-liên không thể biết tên được.
Bấy giờ, Thế Tôn vì Long vương A-nậu-đạt thuyết pháp vi diệu, khích lệ, làm Long vương hoan hỷ. Ngay tại đó Thế Tôn thuyết giới. Sáng sớm hôm sau, Thế Tôn dẫn các Tỳ-kheo trở về vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nói với nhau: “Từ miệng Thế Tôn đã ký thuyết, người có thần thông bậc nhất trong các Thanh văn chính là Tỳ-kheo Mục-liên, nhưng ngày nay không bằng Xá-lợi-phất.”
Khi ấy, các Tỳ-kheo khởi tưởng khinh mạn đối Mục-liên. Bấy giờ, Thế Tôn nghĩ thầm: ‘Các Tỳ-kheo này khởi tưởng khinh mạng đối với Mục-liên, sẽ chịu tội khó kể hết.’ Phật bảo Mục-liên:
“Hãy hiện thần lực của ngươi khiến cho chúng này thấy, chớ để cho đại chúng khởi tưởng biếng nhác.”
Mục-liên đáp:
“Thưa vâng, bạch Thế Tôn.”
Mục-liên lễ sát chân Thế Tôn, rồi ngay ở trước Như Lai mà biến mất, đi qua [710a01] bảy hằng hà sa cõi Phật phương Đông. Ở đó, có Phật tên Kỳ Quang Như Lai Chí chơn Đẳng chánh giác xuất hiện ở cõi ấy. Mục-liên đến cõi ấy với y phục phàm thường, rồi ở đó đi quanh trên miệng bát. Nhân dân ở cõi ấy có hình thể rất lớn. Khi các Tỳ-kheo ở đó thấy Mục-liên, nói với nhau:
“Các thầy hãy nhìn xem, con sâu này giống y như Sa-môn.”
Các Tỳ-kheo bắt xuống cho Phật ấy xem:
“Bạch Thế Tôn, nay có một con sâu giống y như Sa-môn.”
Kỳ Quang Như Lai bảo các Tỳ-kheo:
“Cách đây bảy hằng hà sa quốc độ thế giới kia về phương Tây, có Phật hiệu là Thích-ca Văn Như Lai Chí chơn Đẳng chánh giác xuất hiện ở đời. Đây là đệ tử vị ấy, thần túc bậc nhất.”
Bấy giờ, đức Phật kia bảo Mục-liên:
“Các Tỳ-kheo này nảy ý tưởng khinh mạn. Ngươi hãy hiện thần túc cho đại chúng được thấy.”
Mục-liên đáp:
“Thưa vâng, bạch Thế Tôn.”
Mục-liên vâng lời Phật dạy, lấy bình bát đựng năm trăm Tỳ-kheo kia đem lên trời Phạm thiên. Khi ấy, Mục-liên dùng chân trái dẫm lên núi Tu-di, chân phải đặt trời Phạm thiên, rồi nói kệ này:
Thường hãy niệm tinh cần,
Tu hành trong pháp Phật.
Hàng phục Ma, oán địch,
Như dùng móc dạy voi.[9]
Nếu ai nơi pháp này
Thực hành không phóng dật,
Sẽ dứt sạch gốc khổ
Không còn các bức não.[10]
Bấy giờ, Mục-liên làm cho âm vang này tràn đầy khắp tinh xá Kỳ-hoàn. Các Tỳ-kheo khi nghe âm thanh này, đến bạch Thế Tôn:
“Mục-liên đang ở nơi nào mà nói bài kệ này?”
Thế Tôn đáp:
“Tỳ-kheo Mục-liên đang ở cách đây bảy hằng hà sa cõi Phật về phương Đông, đựng năm trăm Tỳ-kheo trong bình bát, chân trái dẫm lên núi Tu-di, chân phải đặt lên trời Phạm thiên mà nói bài kệ này.”
Bấy giờ, các Tỳ-kheo tán thán:
“Thật là việc chưa từng có, thật là kỳ diệu! Tỳ-kheo Mục-liên có thần túc lớn như vậy mà đối với Mục-liên chúng con khởi ý khinh mạn. Xin Thế Tôn bảo Tỳ-kheo Mục-liên đem năm trăm Tỳ-kheo ấy trở về chốn này.”
Thế Tôn hiện từ xa đạo lực cho Mục-liên biết ý. Mục-liên bèn đem năm trăm Tỳ-kheo trở về vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà thành Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn đang thuyết Pháp cho hàng nghìn vạn chúng. [710a28] Đại Mục-liên đem năm trăm Tỳ-kheo đến chỗ Thế Tôn. Đệ tử của Phật Thích-ca Văn ngước lên nhìn các Tỳ-kheo ấy. Lúc ấy, các Tỳ-kheo ở thế giới phương Đông đảnh lễ sát chân Thế Tôn rồi ngồi qua một bên. Bấy giờ, Thế Tôn hỏi các Tỳ-kheo ấy:
“Các vị từ đâu đến và là đệ tử của ai, đi đường mất bao lâu?”
Năm trăm Tỳ-kheo kia bạch Phật Thích-ca Văn:
“Thế giới chúng con hiện ở phương Đông. Phật hiệu là Kỳ Quang Như Lai. Chúng con là đệ tử của Phật ấy. Nhưng hôm nay chúng con lại cũng không biết là từ đâu đến và đã trải bao nhiêu ngày!”
Thế Tôn hỏi:
“Các ông có biết thế giới Phật không?”
Các Tỳ-kheo đáp:
“Thưa không, bạch Thế Tôn.”
“Hôm nay các vị có muốn về lại nơi ấy không?”
Các Tỳ-kheo đáp:
“Thưa vâng, bạch Thế Tôn. Chúng con muốn trở về lại nơi ấy.”
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo kia:
“Hôm nay, Ta sẽ vì các vị nói về pháp sáu giới, hãy suy niệm kỹ.”
Các Tỳ-kheo đáp:
“Thưa vâng, Thế Tôn”
Bấy giờ, các Tỳ-kheo vâng lời Phật dạy. Thế Tôn bảo:
“Vì sao pháp ấy được gọi là pháp sáu giới? Tỳ-kheo nên biết, con người là sáu giới,[11] thụ bẩm tinh khí của cha mẹ mà sanh ra. Sao gọi là sáu? Đó là địa giới, thủy giới, hỏa giới, phong giới, không giới, thức giới.[12] Này Tỳ-kheo, đó gọi là có sáu giới này. Thân người thụ bẩm tinh khí này mà sanh sáu xứ[13]. Sao gọi là sáu xứ? Đó là xứ của mắt, xứ của tai, xứ của mũi, xứ của lưỡi, xứ của thân và xứ của ý. Này Tỳ-kheo, đó gọi là có sáu xứ này, nhờ cha mẹ mà có được. Y nơi sáu xứ mà có sáu thức thân. Sao gọi là sáu? Y nơi thức của mắt mà có thức thân của mắt thân. Y nơi thức của tai, thức của mũi, thức của lưỡi, thức của thân, thức của ý mà có thức thân của ý.[14] Này Tỳ-kheo, đó gọi là sáu thức thân. Nếu có Tỳ-kheo nào hiểu sáu giới, sáu xứ, sáu thức này, có thể vượt qua sáu cõi trời mà thọ hình trở lại.[15] Nếu ở nơi ấy mạng chung sẽ sanh vào chốn này, thông minh tài cao, ngay trên hiện thân dứt sạch kết sử, đạt đến Niết-bàn.”
Bấy giờ, Thế Tôn bảo Mục-liên:
“Nay ngươi hãy đem các Tỳ-kheo này trở về cõi Phật ấy.”
Mục-liên đáp:
“Thưa vâng, bạch Thế Tôn.”
Mục-liên lại lấy bình bát đựng năm trăm Tỳ-kheo ấy, nhiễu Phật ba vòng rồi lui đi, trong khoảnh khắc co duỗi cánh tay đã đến cõi Phật ấy. Mục-liên đặt các Tỳ-kheo này xuống xong, đảnh lễ sát chân Phật ấy, rồi trở về thế giới Nhẫn này[16]. Các Tỳ-kheo cõi kia sau khi nghe sáu giới này đều dứt sạch cấu uế, được mắt pháp [710c01] trong sạch.
Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo,
“Trong các đệ tử của ta, Thanh văn có thần thông bậc nhất khó ai bì kịp, chính là Tỳ-kheo Đại Mục-kiền-liên.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 3
Tôi Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật trú tại vườn Sư tử,[17] nước Bạt-kỳ. Lúc ấy, các Tỳ-kheo đức cao có thần túc[18], như hiền giả Xá-lợi-phất, Đại Mục-kiền-liên, Ca-diếp, Ly-việt, A-nan, v.v..., gồm năm trăm người đều có mặt.
Bấy giờ, vào lúc sáng sớm, Đại Mục-liên, Đại Ca-diếp, A-na-luật, đi đến chỗ Xá-lợi-phất. A-nan trông thấy ba đại Thanh văn đến chỗ Xá-lợi-phất, liền bảo Ly-việt:
“Ba đại Thanh văn đến chỗ Xá-lợi-phất. Hai chúng ta cũng nên đến chỗ Xá-lợi-phất. Vì sao vậy? Để nghe Xá-lợi-phất nói pháp vi diệu.”
Ly-việt đáp:
“Việc này đáng vậy.”
Lúc ấy, Ly-việt, A-nan đến chỗ Xá-lợi-phất. Xá-lợi-phất nói:
“Kinh chào chư hiền! Mời ngồi xuống chỗ này.”
Xá-lợi-phất nói với A-nan:
“Nay tôi có điều muốn hỏi: vườn Ngưu sư tử này thật là khả ái lạc, hương trời tự nhiên bay khắp bốn phía. Ai có thể làm cho khu vườn này trở nên khả ái[19]?”
A-nan đáp:
“Nếu có Tỳ-kheo nào nghe nhiều, những điều đã nghe không quên, tổng trì nghĩa và vị[20] của các pháp, tu hành phạm hạnh đầy đủ.[21] Các pháp như vậy thảy đều đầy đủ, không quên sót, vì chúng bốn bộ mà nói pháp không mất thứ lớp, cũng không sơ sót, không có loạn tưởng. Tỳ-kheo như vậy làm cho khu vườn Ngưu sư tử này trở nên khả ai lạc.”
Bấy giờ, Xá-lợi-phất nói với Ly-việt[22]:
“Hôm nay, A-nan đã nói rồi. Nay tôi lại muốn hỏi ý nghĩa nơi Thầy. Vườn Ngưu sư tử mà trở thành khả ái lạc, Thầy hãy nói, có nghĩa như thế nào?”[23]
Ly-việt đáp:
“Tỳ-kheo vui thích sống nơi nhàn tĩnh, tọa thiền tư duy, cùng tương ưng chỉ quán. Tỳ-kheo như vậy làm cho khu vườn Ngưu sư tử trở thành khả ái.”
Tôn giả Xá-lợi-phất lại nói với A-na-luật[24]:
“Nay Thầy hãy nói về ý nghĩa làm cho khả ái.”
A-na-luật đáp:
“Nếu Tỳ-kheo nào dùng thiên nhãn quan sát trông suốt các chúng sanh kẻ chết người sống, sắc đẹp, sắc xấu, đường lành, đường ác, hoặc tốt hoặc xấu; thảy đều biết tất cả. Hoặc có chúng sanh thân, [711a01] miệng, ý hành ác, phỉ báng Hiền thánh, thân hoại mạng chung sinh trong địa ngục; hoặc lại có chúng sanh thân, miệng, ý hành thiện, không phỉ báng Hiền Thánh. Giống như một người nhìn không trung, thấy không thiếu thứ gì.[25] Tỳ-kheo có thiên nhãn cũng lại như vậy, xem thấy thế giới không chút nghi ngờ. Tỳ-kheo làm cho khu vườn Ngưu sư tử trở thành khả ái.”
Xá-lợi-phất lại nói với Ca-diếp:
“Nay tôi hỏi Thầy, các hiền giả đã nói ý nghĩa làm cho khả ái như vậy. Nay đến lượt Thầy nói việc ấy.”
Ca-diếp đáp:
“Nếu có Tỳ-kheo nào sống hành a-lan-nhã, lại khuyến khích người khác hành A-lan-nhã, tán thán đức nhàn tĩnh, tự thân đắp y vá nhiều mảnh,[26] lại khuyến khích người khác hành đầu-đà, thân tự biết đủ, sống nơi nhàn tĩnh, lại khuyến khích người khác tu hạnh ấy. Tự thân đầy đủ giới đức, thành tựu tam-muội, thành tựu trí huệ, thành tựu giải thoát, thành tựu giải thoát tri kiến,[27] lại dạy người khác khiến hành pháp này, tán thán pháp này, đã có thể khuyến hóa, lại dạy người khác khiến hành pháp này, giáo hóa không biết mệt mỏi. Tỳ-kheo như vậy làm cho vườn Ngưu sư tử trở thành khả ái không gì bằng.”
Tôn giả Xá-lợi-phất nói Đại Mục-liên:
“Các Hiền thánh đã nói ý nghĩa làm cho khả ái. Nay đến lượt Thầy nói về ý nghĩa làm cho khả ái. Khu vườn Ngưu sư tử này khoái lạc vô song, nay Thầy muốn nói thế nào điều đó?”
Mục-liên đáp:
“Ở đây, Tỳ-kheo nào có đại thần túc, được tự tại nơi thần túc, vị ấy có thể biến hóa vô số ngàn việc mà không có gì nghi ngờ. Cũng có thể phân một thân thành vô số thân, hoặc hoàn lại thành một thân. Có thể đi xuyên qua vách đá. Vọt lên, chìm xuống, một cách tự tại. Cũng như thuyền lướt trên sông, giống như chim bay trên không, chẳng lưu dấu vết. Giống như lửa dữ thiêu đốt núi hoang. Cũng như mặt trời mặt trăng chiếu khắp mọi nơi. Cũng có thể đưa tay sờ mặt trời, mặt trăng. Cũng có thể hóa thân cao đến trời Phạm thiên. Tỳ-kheo như vậy khiến vườn Ngưu sư tử khả ái[28].
Bấy giờ, Mục-liên nói với Xá-lợi-phất:
“Chúng tôi đều đã nói rõ ý kiến của mình. Nay chúng tôi hỏi ý nghĩa nơi Xá-lợi-phất, Tỳ-kheo như thế nào làm cho khu vườn Ngưu sư tử này trở thành rất là khả ái?”[29]
Xá-lợi-phất nói:
“Nếu có Tỳ-kheo nào có khả năng hàng phục tâm, chứ không phải[30] Tỳ-kheo không thể hàng phục tâm kia. Nếu Tỳ-kheo kia muốn đạt tam-muội tức thì Tỳ-kheo kia có thể được [711b01] tam-muội, tùy ý xa gần thành tựu tam-muội, tức có thể thành tựu việc ấy. Giống như nhà trưởng giả có y phục đẹp đựng đầy trong rương. Bấy giờ, trưởng giả kia tùy ý muốn lấy những áo nào thì lấy tùy ý mà không có gì nghi ngờ. Ở đây cũng vậy, có thể tùy ý nhập vào tam muội. Tỳ-kheo có thể vận dụng tâm, chứ không phải Tỳ-kheo không thể vận dụng tâm,[31] tùy ý nhập định cũng không có gì nghi ngờ. Như vậy, Tỳ-kheo có thể vận dụng tâm, chứ không phải Tỳ-kheo không thể vận dụng tâm. Tỳ-kheo như vậy sẽ khiến vườn Ngưu sư tử khả ái.”
Rồi Xá-lợi-phất nói với các hiền giả:
“Chúng ta đã tùy theo biện tài của mình mà nói, và cũng tùy theo chỗ thích hợp mà khéo nói ý nghĩa này. Chúng ta hãy cùng đến hỏi Thế Tôn: ‘Tỳ-kheo như thế nào khiến vườn Ngưu sư tử này khả ái?’ Nếu Thế Tôn có dạy điều gì thì chúng ta sẽ phụng hành.”
Các Tỳ-kheo đáp:
“Thưa vâng, Tôn giả Xá-lợi-phất!”
Lúc ấy, các đại Thanh văn cùng nhau đi đến chỗ Thế Tôn. Đến nơi, các ngài đảnh lễ sát chân Phật, rồi ngồi qua một bên. Bấy giờ các đại Thanh văn đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên Phật.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo:
“Lành thay, đúng như những gì A-nan nói. Vì sao vậy? Vì Tỳ-kheo A-nan nghe pháp có thể ghi nhớ, tổng trì các pháp mà đầy đủ sự tu hành phạm hạnh. Với pháp như vậy, được khéo nghe, không quên sót, cũng không có tà kiến, vì chúng bốn bộ mà nói lại, lời lẽ không thác loạn, cũng không sơ suất.
“Những điều Tỳ-kheo Ly-việt nói lại cũng thích thay! Vì sao vậy? Ly-việt ưa thích nơi nhàn tĩnh, không ở giữa người đời, thường niệm tọa thiền, không có tranh cải, cùng tương ưng chỉ quán, sống an tịch mịch nhàn tĩnh.
“Tỳ-kheo A-na-luật nói cũng lại thích thay! Vì sao vậy? Tỳ-kheo A-na-luật thiên nhãn bậc nhất. Vị ấy dùng thiên nhãn quan sát ba ngàn thế giới. Giống như người sáng mắt xem hạt ngọc trong lòng bàn tay, Tỳ-kheo A-na-luật cũng lại như vậy, dùng thiên nhãn quan sát khắp ba ngàn đại thiên thế giới này không chút đáng ngờ.
“Nay Tỳ-kheo Ca-diếp cũng lại thích thay! Vì sao vậy? Tỳ-kheo Ca-diếp tự thân sống hành a-lan-nhã, lại hay tán thán đời sống ở nơi nhàn tĩnh. Tự mình khất thực, lại có thể ca ngợi đức khất thực. Tự thân mặc y rách vá, lại hay tán thán về đức mặc y rách vá. Tự thân biết đủ, lại tán thán về đức biết đủ Tự thân ở nơi hang núi, lại hay tán thán về đức ở hang núi. Tự thân thành tựu giới, thành tựu tam-muội, thành tựu trí huệ, [711c01] thành tựu giải thoát, thành tựu giải thoát tri kiến*, lại hay dạy người thành tựu năm phần Pháp thân này. Tự thân có thể giáo hóa, lại hay khiến mọi người thực hành Pháp ấy.
“Lành thay! Lành thay! Như những gì Mục-liên đã nói. Vì sao vậy? Tỳ-kheo Mục-liên có oai lực lớn, thần thông bậc nhất, tâm được tự tại, ý muốn kia làm gì đều có thể thành ngay. Hoặc hóa một thân phân làm vạn ức, hoặc hợp trở lại làm một. Đi xuyên qua vách đá mà không có trở ngại. Vọt lên, chìm xuống tự tại. Cũng như thuyền lướt trên nước, không chướng ngại. Như chim giữa hư không, không để lại dấu vết. Giống như mặt trời, mặt trăng, không chỗ nào không chiếu. Có thể hóa thân cho đến trời Phạm thiên.
“Lành thay! Như những gì Xá-lợi-phất nói. Vì sao vậy? Xá-lợi-phất có thể hàng phục tâm, không phải không hàng phục tâm. Xá-lợi-phất khi muốn nhập định thì có thể thành tựu không có khó ngại. Giống như trưởng giả có y phục đẹp, tùy ý lấy mà không có khó ngại. Tỳ-kheo Xá-lợi-phất cũng lại như vậy, có thể hàng phục tâm, không phải không có thể hàng phục. Xá-lợi-phất tùy ý nhập tam-muội, tất cả đều hiện tiền.
“Lành thay! Lành thay! các Tỳ-kheo, các Thầy đã nói những gì theo chỗ thích hợp của mình. Nhưng bây giờ hãy nghe những gì Ta nói. Tỳ-kheo làm sao khiến vườn Ngưu sư tử khả ái? Tỳ-kheo sống nương theo làng xóm, đến giờ, vị ấy đắp y mang bát, vào làng khất thực. Sau khi khất thực xong, vị ấy trở về chỗ ở, rửa mặt và tay, ngồi dưới bóng một gốc cây, chánh thân, chánh ý, ngồi kiết già, buộc niệm trước mặt. Tỳ-kheo ấy nghĩ thầm: ‘Nay ta sẽ không dời bỏ chỗ ngồi này, cho đến khi diệt tận hữu lậu, thành vô lậu.’
“Bấy giờ, Tỳ-kheo kia sạch hữu lậu, tâm được giải thoát. Tỳ-kheo như vậy khiến vườn Ngưu sư tử khả ái. Vậy, này các Tỳ-kheo, hãy luôn siêng năng tinh tấn, chớ có biếng nhác.
“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 4
Tôi Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nay, Ta sẽ nói về sự chú nguyện có sáu đức, các vị hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ.”
các Tỳ-kheo đáp:
“Thưa vâng, bạch Thế Tôn!”
Bấy giờ, các Tỳ-kheo vâng theo lời Phật dạy. Thế Tôn bảo:
“Sáu đức ấy là gì? Ở đây, đàn việt thí chủ thành tựu ba [0712a01] pháp. Thế nào là đàn-việt thí chủ thành tựu ba pháp? Ở đây, đàn việt thí chủ thành tựu tín căn, thành tựu giới đức, thành tựu pháp nghe. Đó gọi là đàn việt thí chủ thành tựu ba pháp này.
“Vật được thí cũng thành tựu ba pháp. Sao gọi là ba? Vật kia thành tựu sắc, thành tựu vị, thành tựu hương. Có ba pháp thành tựu này.
“Này Tỳ-kheo, đó gọi là có sáu sự này được công đức lớn, danh đức vang xa, đạt được báo cam lồ. Cho nên, các Tỳ-kheo, nếu muốn thành tựu sáu sự này, hãy niệm bố thí.
“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 5
Tôi Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn đang thuyết pháp cho vô số người. Lúc ấy có một Tỳ-kheo ở trên chỗ ngồi, nghĩ thầm: “Mong Như Lai nói với ta điều gì đó.” Bấy giờ Như Lai biết những ý nghĩ trong tâm vị ấy, nên bảo các Tỳ-kheo:
“Nếu có Tỳ-kheo nào nghĩ như vầy: ‘Ước mong Như Lai đích thân giáo huấn ta;’ Tỳ-kheo ấy hãy đầy đủ giới thanh tịnh, không có tỳ vết, tu hành chỉ quán, thích ở nơi nhàn tĩnh.
“Nếu Tỳ-kheo nào có ý muốn cầu y phục, đồ ăn thức uống, giường nằm, ngọa cụ, thuốc men chữa bệnh, hãy thành tựu giới đức, ở nơi nhàn tĩnh mà tự tu hành, cùng chỉ quán tương ưng.
“Nếu Tỳ-kheo nào lại muốn cầu sự biết đủ, hãy niệm giới đức đầy đủ, ở nơi nhàn tĩnh mà tự tu hành, cùng tương ưng với chỉ quán.
“Nếu Tỳ-kheo nào lại mong cầu sao cho chúng bốn bộ, quốc vương, nhân dân, các loài có hình hài trong thấy nhận biết mình, vị ấy hãy niệm tưởng đầy đủ giới đức.
“Nếu Tỳ-kheo nào ý muốn cầu bốn thiền, trong đó không tâm hối tiếc, không dời đổi, hãy niệm thành tựu giới đức.
“Nếu Tỳ-kheo nào lại ý muốn cầu bốn thần túc, hãy đầy đủ giới đức.
“Nếu Tỳ-kheo nào lại ý muốn cầu tám giải thoát môn mà không trở ngại, vị ấy cũng hãy niệm đầy đủ giới đức.
“Nếu Tỳ-kheo nào lại ý muốn cầu thiên nhĩ nghe hết tiếng trời người, hãy niệm đầy đủ giới đức.
“Nếu Tỳ-kheo nào lại ý muốn cầu biết những ý nghĩ trong tâm người khác, các căn thiếu sót, vị ấy cũng hãy niệm đầy đủ giới đức.
“Nếu Tỳ-kheo nào lại ý muốn cầu biết tâm ý chúng sanh là tâm hữu dục hay tâm vô dục, tâm có sân hận hay tâm không sân hận, [712b01] tâm có ngu si hay tâm không ngu si, như thật biết chúng. Tâm có ái hay tâm không ái, tâm có thọ hay tâm không thọ, như thật biết chúng. Tâm có loạn hay tâm không loạn, tâm có ganh ghét hay tâm không ganh ghét, tâm có nhỏ mọn hay tâm không nhỏ mọn, tâm hạn lượng hay tâm không hạn lượng, tâm có cảm thọ hay tâm không cảm thọ, tâm có định hay tâm không định, tâm có giải thoát hay tâm không giải thoát, người nào muốn biết như thật như vậy cũng phải đầy đủ giới đức.
“Nếu Tỳ-kheo nào lại ý muốn được vô lượng thần túc, phân một thân thành vô số và hợp trở lại thành một, vọt lên và chìm xuống tự tại, có thể hóa thân cho đến Phạm thiên, vị ấy cũng phải niệm đầy đủ giới đức.
“Nếu Tỳ-kheo nào lại ý muốn cầu tự mình nhớ lại những việc trong vô số đời trước, hoặc một đời, hai đời cho đến ngàn đời, trăm ngàn ức đời, trong một kiếp thành, kiếp bại, kiếp thành bại không thể đếm hết. ‘Ta đã từng chết đây, sanh kia, tên ấy, họ ấy, hoặc từ nơi kia chết sanh đến chốn này.’ Tự nhớ những việc vô số kiếp như vậy, hãy niệm đầy đủ giới đức mà không có niệm khác.
“Nếu Tỳ-kheo nào lại ý muốn được thiên nhãn trông thấy hết chúng sanh, đường lành đường dữ, sắc đẹp sắc xấu, hoặc tốt, hoặc xấu, như thật mà biết. Hoặc lại có chúng sanh thân, miệng, ý hành ác, phỉ báng Hiền thánh, thân hoại mạng chung sinh trong địa ngục; hoặc lại có chúng sanh thân, miệng, ý hành thiện, không phỉ báng Hiền thánh, tâm ý chánh kiến, thân hoại mạng chung sinh lên trời nơi lành; người có ý muốn như vậy, hãy niệm đầy đủ giới đức.
“Nếu Tỳ-kheo nào lại ý muốn cầu diệt tận hữu lậu, thành vô lậu, tâm giải thoát, trí huệ giải thoát, biết như thật rằng, Sanh tử đã dứt, Phạm hạnh đã lập, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sinh đời sau; hãy niệm đầy đủ giới đức, trong tự tư duy không có loạn tưởng, sống ở nơi nhàn tĩnh.[32]
“Các Tỳ-kheo, hãy niệm đầy đủ giới đức, không có niệm khác, thành tựu đầy đủ oai nghi, sợ cả những lỗi nhỏ huống gì là lỗi lớn.
“Nếu có Tỳ-kheo nào ý muốn được Như Lai nói đến, hãy niệm đầy đủ giới đức. Giới đức đã đầy đủ, hãy niệm nghe đầy đủ. Nghe đã đầy đủ thì, hãy niệm bố thí đầy đủ. Thí đã đầy đủ thì, hãy niệm đầy đủ trí huệ, và giải thoát tri kiến, thảy đều đầy đủ.
“Nếu có Tỳ-kheo nào đầy đủ các thân giới, thân định, tuệ, thân giải thoát, thân giải thoát tri kiến, được trời rồng, quỷ thần trông thấy cúng dường, là chỗ đáng kính, đáng quí, được trời người cung phụng. Cho nên, này các Tỳ-kheo, ai niệm đầy đủ năm phần Pháp thân, người ấy là ruộng phước thế gian, không gì hơn được.
“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành. [33] Chú thích:
[1] Lục trọng pháp 六重法, thường nói là sáu pháp hòa kỉnh, hay sáu pháp khả hỷ. Xem Trung 52, kinh 196 Châu-na (T1n26, tr. 755b21): sáu pháp ủy lạo 六慰勞法. Pāli, M 104 Sāmagāmasutta (R. iii. 250): cha sārāṇīya-dhammā.
[2] Pāli, ibid., chayime dhammā sāraṇīyā piyakaraṇā garukaraṇā saṅgahāya avivādāya sāmaggiyā ekībhāvāya saṃvattanti, có sáu pháp khả niệm này, tác thành thân ái, tôn trọng, đưa đến nhiếp thủ, không tranh cãi, hòa hiệp, nhất trí.
[3] Pāli, ibid., mettaṃ kāyakammaṃ paccupaṭṭhitaṃ hoti sabrahmacārīsu āvi ceva raho ca, biểu hiện thân nghiệp từ ái đối với đồng phạm hạnh, trước công chúng cũng như nơi kín đáo.
[4] A-nậu-đạt tuyền 阿耨達泉. Xem Trường 18, kinh Thế ký (T1n1, tr. 116c6). Pāli: Anotatta.
[5] Nguyên Hán: tam đạt 三達, thường nói là tam minh. Pāli: tevijjā.
[6] A-nậu-đạt Long vương 阿耨達龍王. Xem Trường 18, kinh Thế ký (T1n1, tr. 117a1).
[7] Kiệt-chi-đái 竭支帶; tức tăng-kiệt-chi 竭支, dịch là phú kiên y; giải y phủ vai. Pāli: saṃkacchika.
[8] Chi tiêt, xem kinh số 8 phẩm 29 trên.
[9] Pāli, ibid. dhunātha maccuno senaṃ, naḷāgāraṃva kuñjaro, các ngươi hãy quét sạch quân Ma, như voi dẹp nhà lá.
[10] Bài kệ, xem Pāli, S 6. 2.4 Aruṇavatī (R. i. 156).
[11] Lục giới chi nhân 六界之法. Cf. Pāli, M. 140 Dhātuvibhaṅga (R.iii. 239): chadhāturo ayaṃ, bhikkhu, puriso chaphassāyatano aṭṭhārasa-manopavicāro caturādhiṭṭhāno, “Này các Tỳ-kheo, con người này là sáu giới này; là sáu xúc xứ, mười sáu ý cận hành, bốn trú xứ.”
[12] Pāli, ibid., chayimā dhātuyo– pathavīdhātu, āpodhātu, tejodhātu, vāyodhātu, ākāsadhātu, viññāṇadhātu.
[13] Lục nhập 六入, sáu xứ. Pāli: cha āyatanāni.
[14] Lục thức thân 六識身, Pāli, cha viññāṇkāyā.
[15] Vượt qua sáu Dục giới thiên, tái sinh Sắc giới.
[16] Nhẫn giới忍界, thế giới Kham nhẫn, tức thế giới Ta (Sa)-bà. Skt. Sahalokadhātu.
[17] Sư tử viên 師子園; đoạn dưới nói: Ngưu sư tử viên 牛師子園. Trong Pāli không có vườn nào tên Sư tử. Nội dung kinh tương đương M 32 Mahā-Gosiṅgasutta (R. i. 213), tại vườn Gosiṇgasālavanadāya: Ngưu giác sa-la lâm. Có lẽ Hán dịch đọc là Gosiṃha (Ngưu Sư tử) thay vì Gosiṅga (Ngưu giác, sừng bò). Khu rừng này ở tại Nādika, trong lãnh thổ của Vajji (Bạt-kỳ). Xem, Hán dịch tương đương, Trung 48, kinh 184: Ngưu giác sa-la lâm 牛角娑羅林
[18] Thần túc cao đức 神足高德; Pāli, ibid.: abhiññātehi abhiññātehi, rất nổi tiếng, được mọi người biết đến.
[19] Pāli, ibid., kathaṃrūpena bhikkhunā gosiṅgasālavanaṃ sobheyyā”ti? Tỳ-kheo như thế nào thì làm sáng chói khu rừng Gosiṅgasāla này? So sánh Trung 48, ibid. “Tỳ-kheo như thế nào thì làm khởi phát rừng Ngưu giác sa-la này?”
[20] Pāli: sātthā sabyañjanā: (pháp ấy) có nghĩa và có văn.
[21] Pāli: kevalaparipuṇṇaṃ parisuddhaṃ brahmacariyaṃ abhivadanti, (pháp ấy) hiển hiện phạm hạnh thanh tịnh và tuyệt đối hoàn hảo.
[22] Ly-việt 離越, xem kinh 2 phẩm 4. Pāli: Revata (Khadiravaniyo), đệ nhất lâm trú (āraññakānaṃ).
[23] Nội dung câu hỏi Xá-lợi-phất nêu cho các Tỳ-kheo như nhau: Ai làm sáng chói khu rừng này? Văn Hán dịch biến thiên, dễ gây hiểu nhầm.
[24] A-na-luật 阿那律; thiên nhãn đệ nhất. Pāli: Anuruddha.
[25] Hán dịch lược bỏ đoạn giữa về thiên nhãn.
[26] Bổ nạp chi y 補納之衣, đây hiểu là trì y phấn tảo, một trong các hạnh đầu-đà. Pāli: paṃsukūliko.
[27] Nguyên Hán: Giải thoát kiến tuệ 解脫見慧, biết rằng giải thoát.
[28] Nguyên Hán dịch: nghi Sư tử viên trung 宜牛師子園中. Câu văn dịch này bị gãy, dễ khiến hiểu lầm. So nội dung toàn Kinh mà chỉnh lại.
[29] Dịch sát nguyên Hán, phải nói: “Vườn Ngưu sư tử này cực kỳ khoái lạc, Tỳ-kheo như thế nào nên ở trong đó?” Như vậy có thể hoàn toàn sai với ý nghĩa nội dung toàn Kinh. Khu vườn này không phải là đệ nhất trong các khu vườn để được đánh giá quá cao như vậy.
[30] Trong bản Hán: nhiên bĩ tâm bất năng 然彼心不能, nghi thiếu chữ phi : nhiên phi bĩ tâm…Đối chiếu Pāli: no ca bhikkhu cittassa vasena vattati.
[31] Lưu ý văn Hán dịch đảo trang: tâm năng sử Tỳ-kheo, phi Tỳ-kheo năng sử tâm 心能使比丘非比 丘能使心.
[32] Từ đây trở lên, sáu đoạn, tham chiếu Pāli, A VI 2 Dutiya-āhuneyyasutta (R. iii. 280): 1. iddhividhaṃ, thần túc; 2. dibbāya, sotadhātuyā visuddhāya, thiên nhĩ thanh tịnh; 3. parasattānaṃ parapuggalānaṃ cetasā ceto paricca pajānāti, tha tâm thông; 3 pubbenivāsaṃ anussarati, túc mạng thông; 5. dibbena cakkhunā visuddhena, thiên nhãn thanh tịnh; 6. āsavānaṃ khayā, diệt tận hữu lậu. Tỳ-kheo thành tựu 6 pháp này, trở thành người xứng đáng được cung kính, được tôn trọng, là phước điền vô thượng của thế gian ( āhuneyyo hoti …pe… anuttaraṃ puññakkhettaṃ lokassa).
[33] Bản Hán, hết quyển 29.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.144.16.152 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.