Người hiền lìa bỏ không bàn đến những điều tham dục.Kẻ trí không còn niệm mừng lo, nên chẳng bị lay động vì sự khổ hay vui.Kinh Pháp cú (Kệ số 83)
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê. Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hènKinh Pháp cú (Kệ số 29)
Của cải và sắc dục đến mà người chẳng chịu buông bỏ, cũng tỷ như lưỡi dao có dính chút mật, chẳng đủ thành bữa ăn ngon, trẻ con liếm vào phải chịu cái họa đứt lưỡi.Kinh Bốn mươi hai chương
Những người hay khuyên dạy, ngăn người khác làm ác, được người hiền kính yêu, bị kẻ ác không thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 77)
Như ngôi nhà khéo lợp, mưa không xâm nhập vào. Cũng vậy tâm khéo tu, tham dục không xâm nhập.Kinh Pháp cú (Kệ số 14)
Không thể lấy hận thù để diệt trừ thù hận. Kinh Pháp cú
Kẻ hung dữ hại người cũng như ngửa mặt lên trời mà phun nước bọt. Nước bọt ấy chẳng lên đến trời, lại rơi xuống chính mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Người ta thuận theo sự mong ước tầm thường, cầu lấy danh tiếng. Khi được danh tiếng thì thân không còn nữa.Kinh Bốn mươi hai chương
Sự nguy hại của nóng giận còn hơn cả lửa dữ. Kinh Lời dạy cuối cùng
Nay vui, đời sau vui, làm phước, hai đời vui.Kinh Pháp Cú (Kệ số 16)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Tăng Nhất A Hàm Kinh [增壹阿含經] »» Bản Việt dịch quyển số 42 »»

Tăng Nhất A Hàm Kinh [增壹阿含經] »» Bản Việt dịch quyển số 42

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Việt dịch (1) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.49 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.62 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Tăng Nhất A Hàm

Kinh này có 51 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
Quyển đầu... ... 31 | 32 | 33 | 34 | 35 | 36 | 37 | 38 | 39 | 40 | 41 | 42 | 43 | 44 | 45 | 46 | 47 | 48 | 49 | 50 | 51 |
Việt dịch: Thích Đức Thắng

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

46. PHẨM KẾT CẤM
KINH SỐ 1
[775c07] Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú tại nước Xá-vệ, trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà.
Bấy giời Thế Tôn nói với các Tỳ kheo:
“Có mười sự công đức[1] mà Như Lai xuất hiện ở đời thuyết cấm giới cho các Tỳ kheo.
“Những gì là mười? Thừa sự Thánh chúng; hòa hiệp thuận thảo; an ổn Thánh chúng; hàng phục người xấu; khiến các Tỳ kheo có tàm quý không bị quấy nhiễu; người không tin khiến xác lập tín căn; người đã tin khiến càng tăng ích; ngay trong hiện pháp được dứt sạch các lậu; cũng khiến các thói xấu hữu lậu đời sau được trừ diệt; lại khiến Chánh pháp tồn tại thế gian lâu dài, thường niệm tư duy bằng phương tiện nào để Chánh pháp tồn tại lâu dài.
“Tỳ kheo, đó là mười pháp công đức, nay Như Lai xuất hiện ở đời thuyết cấm giới cho Tỳ kheo. Cho nên, Tỳ kheo, hãy tìm cầu phương tiện thành tựu cấm giới giới, chớ để thoái thất.
“Như vậy, Tỳ kheo, hãy học điều này.”
Bấy giờ, các Tỳ kheo nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 2[2]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú tại nước Xá-vệ, trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà.
Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ kheo:
“Có mười sự, là chỗ cư trú của Thánh.[3] Các Thánh trong ba đờì thường cư trú nơi đó. Những gì là mười? Năm sự đã trừ; thành tựu sáu sự; hằng hộ một sự;[4] hộ trì chúng bốn bộ;[5] quán sát các sự yếu kém;[6] bình đẳng thân cận;[7] chánh hướng vô lậu;[8] thân hành khinh an;[9] tâm khéo giải thoát; tuệ giải thoát.
“Thế nào, Tỳ kheo, năm sự đã trừ? Ở đây, Tỳ kheo đã đoạn trừ năm kết.[10] Như vậy, năm sự đã được trừ.
“Thế nào Tỳ kheo thành tựu sáu sự? Ở dây, Tỳ kheo vâng hành sáu pháp tôn trọng.[11] Như vậy, Tỳ kheo thành tựu sáu sự.
“Thế nào Tỳ kheo hằng hộ một sự? Ở đây, Tỳ kheo hằng thủ hộ tâm đối với hữu lậu, vô lậu, hữu vi, vô vi, cho đến cửa Niết-bàn.[12] Như vậy, Tỳ kheo hằng hộ [776a] một sự.
“Thế nào Tỳ kheo thủ hộ chúng bốn bộ? Ở đây, Tỳ kheo thành tựu bốn thần túc.[13] Như vậy mà thủ hộ chúng bốn bộ.
“Thế nào Tỳ kheo quán sát sự yếu kém? Ở đây, Tỳ kheo đã tận trừ các hành sinh tử.[14] Như vậy, Tỳ kheo quán sát sự yếu kém.[15]
“Thế nào Tỳ kheo bình đẳng thân cận? Ở đây, Tỳ kheo đã đoạn tận ba kết.[16] Đó là Tỳ kheo bình đẳng thân cận.
“Thế nào Tỳ kheo chánh hướng vô lậu? Ở đây, Tỳ kheo trừ khử kiêu mạn.[17] Như vây, Tỳ kheo chánh hướng vô lậu.
“Thế nào Tỳ kheo thân hành khinh an? Ở đây, Tỳ kheo đã diệt tận vô minh.[18] Như vậy, Tỳ kheo thân hành khinh an.
“Thế nào Tỳ kheo tâm hoàn toàn được giải thoát? Ở đây, Tỳ kheo đã đoạn tận ái. Như vậy, Tỳ kheo tâm hoàn toàn giải thoát.
“Thế nào Tỳ kheo tuệ giải thoát? Ở đây, Tỳ kheo quán Khổ, Tập, Tận, Đạo, như thật biểt rõ. Như vậy, Tỳ kheo tuệ giải thoát.
“Đó là, Tỳ kheo, mười sự là chốn cư trú của Hiền Thánh. Các Hiền Thánh xưa đã cư trú nơi trú xứ này, đã cư trú và đang cư trú. Cho nên, Tỳ kheo, hãy niệm trừ năm sự, thành tựu sáu pháp, thủ hộ một pháp, hộ trì chúng bốn bộ, quán sát yếu kém, bình đẳng thân cận, chánh hứong vô lậu, thân hành khinh an, tâm được giải thoát, trí tuệ giải thoát.
“Như vậy, Tỳ kheo, hãy học điều này.”
Bấy giờ, các ỳ kheo nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 3
Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật trú tại nước Xá-vệ, trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà.
Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ kheo:
“Như Lai thành tựu mười lực, tự biết là bậc Vô sở trước,[19] ở giữa đại chúng mà có thể rống tiếng sư tử, chuyển pháp luân vô thượng mà cứu độ chúng sinh, rằng đây là sắc, đây là tập khởi của sắc, đây là sự diệt tận của sắc, đây là xuất yếu của sắc; quán sát đây là thọ, tưởng, hành, hức, tập khởi, diệt tận, xuất yếu của thức; nhân bởi cái này, có cái này, đây sinh thì kia sinh; do duyên vô minh mà hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên sáu xứ, sáu xứ duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên chết, chết duyên sầu ưu khổ não, không thể kể xiết. Nhân có thân năm uẩn này mà có pháp tập khởi này; đây diệt thì kia diệt, đây không thì kia không, do vô minh diệt tận mà hành diệt tận, hành tận nên thức tận, thức tận nên danh sắc tận, danh sắc tận nên sáu xứ tận, sáu xứ tận nên xúc tận, xúc ṭận nên thọ tận, thọ tận nên [776b] ái tận, ái tận nên thủ tận, thủ tận nên hữu tận, hữu tận nên chết tận, chết tận nên sầu ưu khổ não thảy đều diệt tận.
“Tỳ kheo, nên biết, pháp của Ta sâu thẳm, rộng lớn không có bờ mé, đoạn trừ các hồ nghi, là chốn an ổn, chánh pháp. Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân chuyên cần dụng tâm không để khuyết, dù cho thân thể khô kiệt, hủy hoại, vẫn không bao giờ xả bỏ hành tinh tấn, buộc chặt tâm không quên lãng; tu hành pháp khổ thật không phải dễ, ưa chốn nhàn tĩnh, tịch tĩnh tư duy, không xả bỏ hành đầu-đà, như nay Như Lai hiện tại khéo tu phạm hạnh.
“Cho nên, Tỳ kheo, nếu khi tự quán sát, tư duy pháp vi diệu, hãy quán sát hai nghĩa, hành không buông lung, để cho thành tựu kết quả chắc thật, đạt đến chỗ diệt tận của cam lộ. Nếu khi nhận sự cúng dường của người khác, áo chăn, cơm nước, giường chõng và ngọa cụ, thuốc men trị bệnh mà không uổng công khó nhọc của người, và cũng khiến cho cha mẹ được quả báo ấy, thừa sự chư Phật, lễ kính, cúng dường.
“Như vậy, Tỳ kheo, hãy học điều này.”
Bấy giờ, các Tỳ kheo nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 4[20]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật trú tại nước Xá-vệ, trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà.
Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ kheo:
“Như Lai thành tựu mười lực,[21] được bốn vô sở úy, ở giữa đại chúng mà có thể rống tiếng sư tử.
“Những gì là mười? Ở đây, Như Lai như thật biết rõ đây là xứ, biết rõ như thật là phi xứ.[22]
“Lại nữa, Như Lai biết rõ xứ sở, biết rõ tùy thuộc nhân duyên nào mà các chúng sinh thọ lãnh quả báo ấy.[23]
“Lại nữa, Như Lai biết rõ thế giới sai biệt, giới sai biệt[24] xứ sai biệt; biết rõ như thật.[25]
“Lại nữa, Như Lai biết rõ như thật giải thoát sai biệt, vô lượng giải thoát.[26]
“Lại nữa, Như Lai biết rõ trí tuệ nhiều hay ít của chúng sinh; biết rõ như thật.[27]
“Lại nữa, Như Lai biết rõ những điều suy nghĩ trong tâm của chúng sinh; biết rõ như thật.[28] Tâm có dục, biêt rõ tâm có dục; tâm không dục, biết rõ tâm không dục; tâm có sân nhuế, biết rõ tâm có sân nhuế; tâm không sân nhuế, biết rõ tâm không sân nhuế; tâm ngu si, biết rõ tâm ngu si; tâm không ngu si, biết rõ tâm không ngu si; tâm có ái, biết rõ tâm có ái; tâm không ái, biết rõ tâm không ái; tâm có thủ, biết rõ tâm có thủ; tâm không thủ, biết rõ tâm không thủ; tâm loạn, biêt rõ có tâm loạn; tâm không loạn, biết rõ tâm không loạn; tâm tán, biết rõ có tâm tán; [776c] tâm không tán, biết rõ tâm không tán; tâm ít, biết rõ có tâm ít; tâm không ít, biết rõ tâm không ít; tâm rộng, biết rõ có tâm rộng; tâm không rộng, biết rõ tâm không rộng; tâm vô lượng, biết rõ tâm vô lượng; tâm hạn lượng, biết rõ tâm hạn lượng; như thật biết rõ. Tâm định, biết có tâm định; tâm không định, biết tâm không định; tâm giải thoát, biết tâm giải thoát; tâm không giải thoát, biết tâm không giải thoát.
“Lại nữa, Như Lai biêt rõ tận cùng tất cả con đường mà tâm hướng đến,[29] hoặc một, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, năm mươi đời, trăm đời, nghìn đời, ức trăm nghìn đời, vô lượng đời, trong thành kiếp, hoại kiếp, vô lượng thành hoại kiếp, xưa kia ta sinh ở đó với tên họ như vậy, ăn thức ăn như vậy, thọ khổ lạc như vậy, thọ mạng dài, vắn, chết đây sinh nơi kia, chết nơi kia sinh nơi này; tự nhớ lại như vậy sự việc vô lượng đời trước.[30]
“Lại nữa, Như Lai biết định hướng sống chết của chúng sinh;[31] bằng thiên nhãn mà quán sát các loài chúng sinh, hoặc có sắc đẹp, hoặc sắc xấu, thiện thú, ác thú tùy theo hành nghiệp đã gieo trồng, tất cả đều biết rõ. Hoặc có chúng sinh hành ác bởi thân, miệng, ý, phỉ báng Hiền Thánh, gây nghiệp tà kiến, thân hoại mạng chung sinh vào trong địa ngục. Hoặc có chúng sinh hành thiện bởi thân, miệng ý, không phỉ báng Hiền Thánh, hằng hành chánh kiến, thân họai mạng chung sinh vào cõi thiện, sinh lên trời. Đó gọi là bằng thiên nhãn thanh tịnh quán sát định hướng của chúng mà các hành vi đưa đến.
“Lại nữa, Như Lai biết rõ các lậu đã diệt tận,[32] thành vô lậu, tâm giải thoát, trí tuệ giải thoát, sinh tử đã dứt, phạm hạnh đã lập, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sinh đời sau nữa, biết rõ như thật.
“Đó gọi là mười lực của Như Lai, tự gọi là bậc Vô trước, được bốn vô sở úy, ở giữa đại chúng mà rống tiếng sư tử, chuyển phạm luân.
“Thế nào là bốn vô sở úy mà Như Lai có được?[33] Như Lai thành đẳng chánh giác; (nếu có chúng sinh muốn nói là biết, trường hợp này không thể có;)[34] hoặc có sa-môn, bà-la-môn muốn đến phỉ báng Phật, nói là không thành Đẳng chánh giác, trường hợp này không thể có. Vì trường hợp ấy không thể có, nên Ta được an ổn.
“Nhưng hôm nay khi Ta nói, Ta đã diệt tận các lậu. Giả sử có sa-môn, bà-la-môn, hoặc Thiên, hoặc Ma thiên, đến mà nói Ta chưa diệt tận các lậu, trường hợp ấy không thể có. Vì trường hợp ấy không thể có nên ta được an ổn.
“Lại nữa, pháp mà Ta thuyết, là xuất yếu của Hiền Thánh, như đoạn tận biên tế khổ. Giả sử [777a] có sa-môn, bà-la-môn, Thiên, hoặc Ma thiên, đến nói là chưa đoạn tận biên tế khổ, trường hợp này không thể có. Vì trường hợp này không thể có nên Ta được an ổn.
“Lại nữa, pháp chướng ngại[35] mà ta nói là đọa lạc cõi dữ; giả sử có sa-môn, bà-la-môn, đến muốn nói điều đó không đúng; trường hợp này không thể có.
“Tỳ kheo, đó là bốn vô sở úy của Như Lai.
“Giả sử có ngoại đạo dị học hỏi Sa-môn Cù-đàm kia có lực gì, vô úy gì mà tự xưng là bậc Vô trước, tối tôn, các ngươi hãy trả lời bằng mười lực này.
“Giả sử ngoại đạo dị học nói, ‘Chúng tôi cũng thành tựu mười lực,’ Tỳ kheo các ngươi nên hỏi lại, ‘Ông có mười lực gì?’ Khi ấy ngoại đạo dị học ắt không thể trả lời, và lại tăng thêm nghi hoặc. Vì sao? Ta không thấy có sa-môn, bà-la-môn nào tự xưng đắc bốn vô sở úy, trừ Như Lai. Cho nên, Tỳ kheo, hãy tìm cầu phương tiện thành tựu mười lực, bốn vô sở úy.
“Như vậy, Tỳ kheo, hãy học điều này.”
Bấy giờ các Tỳ kheo nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 5[36]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú tại nước xá-vệ, trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà.
Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ kheo:
“Có mười niệm, được phân biệt rộng rãi, tu tập, đoạn tận dục ái, sắc ái, vô sắc ái, kiêu mạn, vô minh. Những gì là mười? Đó là, niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng Tỳ kheo, niệm giới, niệm thí, niệm thiên, niệm tịch tĩnh,[37] niệm an-ban, niệm thân, niệm sự chết.
“Đó là Tỳ kheo, nếu có chúng sinh tu hành mười niệm này sẽ đoạn tận dục ái, sắc ái, vô sắc ái; hết thảy vô minh, kiêu mạn, thảy đều được đoạn tận.
“Tỳ kheo, hãy học điều này như vậy.”
Bấy giờ các Tỳ kheo nghe những điều Phật dạy hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 6[38]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú tại nước xá-vệ, trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà.
Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ kheo:
“Gần gũi cung vua,[39] có mười phi pháp. Những gì là mười? Ở đây, trong nội cung[40] có khởi tâm mưu hại muốn giết quốc vương. Do bởi âm mưu này, quốc vương bị giết. Nhân dân nước đó nghĩ rằng, ‘Sa-môn, đạo sỹ này thường xuyên lui tới. Đây chắc chắn là việc làm của sa-môn ấy.’ Đó là phi pháp thứ nhất, nạn do gần gũi cung vua.
“Lại nữa, đại thần phản nghịch, bị vua bắt và giết. Khi ấy nhân dân nghĩ rằng, ‘Sa-môn, đạo sỹ này thường xuyên lui tới. Đây là việc làm của sa-môn ấy.’ Đây là phi pháp thứ hai, nạn do vào trong cung vua.[41]
“Lại nữa, nội cung bị mất tài bảo, khi ấy người giữ kho nghĩ rằng, ‘Ở đây bảo vật này luôn luôn được ta canh giữ, lại cũng không có ai khác đi vào đây. Nhất định là do sa-môn ấy làm.’ Đó là phi pháp thứ ba, nạn do đi vào cung vua.
“Lại nữa, con gái của vua đang tuổi tráng thịnh, chưa có chồng mà mang thai. Khi ấy người trong nước nghĩ rằng, ‘Trong đây không ai khác lui tới. Nhất định là do sa-môn ấy làm.’ Đó là phi pháp thứ tư, nạn do gần gũi cung vua.
“Lại nữa, vua mắc bệnh nặng, [777b] trúng thuốc của người khác. Khi ấy nhân dân nghĩ rằng, ‘Trong đây không có ai khác. Nhất định là do sa-môn ấy làm.’ Đó là phi pháp thứ năm, nạn do gần gũi cung vua.
“Lại nữa, các đại thần của vua tranh chấp nhau, gây thương tổn nhau. Khi ấy nhân dân nghĩ rằng, ‘Các đại thần này trước kia hòa hiệp, nay lại tranh chấp nhau. Đây không phải là việc làm của ai khác, mà nhất định là do sa-môn, đạo sỹ ấy.’ Đây là phi pháp thứ sáu, nạn do gần gũi cung vua.
“Lại nữa, hai nước tranh chấp nhau, mỗi bên đều tranh thắng. Khi ấy nhân dân nghĩ rằng, ‘Sa-môn đạo sỹ này nhiều lần lui tới nội cung. Đây nhất định là việc làm của sa-môn ấy.’ Đây là phi pháp thứ bảy, nạn do gần gũi cung vua.
“Lại nữa, quốc vương trước kia vốn ưa huệ thí, phân chia tài vật cho dân; về sau keo lẫn, hối tiếc, không huệ thí nữa. Khi ấy nhân dân nghĩ rằng, ‘Quốc vương của chúng ta trước kia vốn ưa huệ thí; nay lại tham lam keo kiệt, không có tâm huệ thí. Đây nhất định là việc làm của sa-môn ấy.’ Đây là phi pháp thứ tám, nạn do gần gũi cung vua.
“Lại nữa, quốc vương hằng đúng theo pháp mà thâu tài vật của dân. Về sau, lấy tài vật của dân một cách phi pháp. Khi ấy nhân dân nghĩ rằng, ‘Quốc vương của chúng ta trước kia thâu tài vật của dân một cách hợp pháp, nay lấy tài vật của dân một cách phi pháp. Đây nhất định là việc làm của sa-môn ấy.’ Đây là phi pháp thứ chín, nạn do gần gũi cung vua.
“Lại nữa, nhân dân trong quốc thổ mắc phải bệnh dịch tràn lan, thảy đều do duyên đời trước. Khi ấy nhân dân nghĩ rằng, ‘Chúng ta xưa kia không có tật bệnh. Nay người bị bệnh chết nằm đầy đường. Đây nhất định do chú thuật của sa-môn gây nên.’ Đây là phi pháp thứ mười, nạn do gần gũi cung vua.
“Tỳ kheo, đó là mười phi pháp, tai họa do đi vào cung vua. Cho nên, Tỳ kheo, chớ móng tâm gần gũi cung vua.
“Tỳ kheo, hãy học điều này như vậy.”
Bấy giờ các Tỳ kheo nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 7
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú tại nước xá-vệ, trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà.
Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ kheo:
“Nếu quốc vương thành tựu mười pháp thì không thể tồn tại lâu dài, bị nhiều giặc cướp. Những gì là mười?
“Ở đây, quốc vương tham lam keo kiệt, vì chút sự việc nhỏ mà nổi thịnh nộ, không quán sát nghĩa lý. Nếu quốc vương thành tựu pháp thứ nhất này, sẽ không tồn tại lâu dài, nước có nhiều giặc cướp.
“Lại nữa, vua ấy tham đắm tài vật, không khứng chịu thua sút. Quốc vương [777c] thành tựu pháp thứ hai này, sẽ không tồn tại lâu dài.
“Lại nữa, vua kia không chịu nghe can gián, là người bạo ngược, không có từ tâm. Đây là pháp thứ ba mà quốc vương thành tựu sẽ không tồn tại lâu dài.
“Lại nữa, vua kia bắt oan nhân dân, giam cầm ngang ngược, nhốt trong lao ngục không có ngày ra. Đó là pháp thứ tư, khiến vua không tồn tại lâu dài.
“Lại nữa, quốc vương tuyển dụng thần tá phi pháp, không y theo chánh hành. Đó là pháp ṭhứ năm, khiến vua không tồn tại lâu dài.
“Lại nữa, quốc vương tham đắm sắc đẹp của người, xa lánh vợ của mình. Đó là quốc vương thành tựu pháp thứ sáu, không tồn tại lâu dài.
“Lại nữa, quốc vương ưa uống rượu mà không lý đoán quan sự. Đó là thành tựu pháp thứ bảy, không tồn tại lâu dài.
“Lại nữa, quốc vương ưa thích ca múa, hý, nhạc, mà không lý đoán quan sự. Đó là pháp thứ tám, không tồn tại lâu dài.
“Lại nữa, quốc vương hằng mang bệnh tật, không có ngày nào khỏe mạnh. Đó là pháp thứ chín, không tồn tại lâu dài.
“Lại nữa, quốc vương không tin bề tôi trung hiếu, lông cánh yếu ớt, không có người phò tá mạnh. Đó là quốc vương thành tựu pháp thứ mười, không tồn tại lâu dài.
“Ở đây, chúng Tỳ kheo cũng vậy, nếu thành tựu mười pháp, công đức gốc rễ thiện không tăng trưởng, thân hoại mạng chung sinh vào địa ngục. Mười pháp ấy là gì?
“Ở đây, Tỳ kheo không trì cấm giới, cũng không có tâm cung kính. Đó là Tỳ kheo thành tựu pháp thứ nhất, không cứu cánh đạt đến nơi phải đạt đến.
“Tỳ kheo không thừa sự Phật, không tin lời nói chân thật. Đó là Tỳ kheo thành tựu pháp thứ hai, không tồn tại lâu dài.
“Lại nữa, Tỳ kheo không thừa sự Pháp, các giới luật bị khuyết thủng. Đó là Tỳ kheo thành tựu pháp thứ ba, không tồn tại lâu dài.
“Lại nữa, Tỳ kheo không thừa sự Thánh chúng, tâm ý hằng tự ty, không tin lời dạy của chúng. Đó là Tỳ kheo thành tựu pháp thứ tư, không tồn tại lâu dài.
“Lại nữa, Tỳ kheo tham đắm lợi dưỡng, tâm không buông bỏ. Đó là Tỳ kheo thành tựu pháp thứ năm, không tồn tại lâu dài.
“Lại nữa, Tỳ kheo không học hỏi nhiều, không siêng năng đọc tụng, ôn tập. Đó là Tỳ kheo thành tựu pháp thứ sáu, không tồn tại lâu dài.
“Lại nữa, Tỳ kheo không tùng sự theo thiện tri thức, mà thường xuyên tùng sự theo ác tri thức. Đó là Tỳ kheo thành tựu pháp thứ bảy, không tồn tại lâu dài.
“Lại nữa, Tỳ kheo hằng ưa bận rộn công viêc, không thích tọa thiền. Đó là Tỳ kheo thành tựu pháp thứ tám, không tồn tại lâu dài,
“Lại nữa, Tỳ kheo [778a] ham thích toán số, bỏ đạo chạy theo thế tục, không học tập chánh pháp. Đó là Tỳ kheo thành tựu pháp hứ chín, không tồn tại lâu dài.
“Lại nữa, Tỳ kheo không ưa tu phạm hạnh, tham đắm bất tịnh. Đó là Tỳ kheo có pháp thứ mười, không tồn tại lâu dài.
“Đó là, Tỳ kheo thành tựu mười pháp này nhất định đọa ba ác đạo, không sinh vài chỗ lành.
“Nếu quốc vương thành tựu mười pháp thì sẽ được tồn tại lâu dài ở đời. Những gì là mười?
“Quốc vương không tham đắm tài vật, không nổi thịnh nộ, cũng không vì chuyện nhỏ mà sinh tâm thù oán. Đó là pháp thứ nhất khiiến được tồn tại lâu dài.
“Lại nữa, quốc hằng nghe lời can gián của quần thần, không nghịch lời của họ. Đó là thành tựu pháp thứ hai thì được tồn tại lâu dài.
“Lại nữa, quốc vương thường ưa huệ thí, cùng chung vui với dân. Đó pháp thứ ba khiến cho tồn tại lâu dài.[42]
“Lại nữa, quốc vương trưng thu tài vật hợp pháp chứ không phải phi pháp. Đó là pháp thứ tư khiến tồn tại lâu dài.
“Lại nữa, quốc vương kia không tham đắm sắc người khác, hằng tự thủ hộ với vợ của mình. Đó là thành tựu pháp thứ năm khiến tồn tại lâu lâu dài.
“Lại nữa, quốc vương không uống rượu, tâm không hoang loạn. Đó là thành tựu pháp thứ sáu, khiến tồn tại lâu dài.
“Lại nữa, quốc vương không cười giỡn, mà hàng phục kẻ thù bên ngoài. Đó là thành tựu pháp thứ bảy, tồn tại lâu dài.
“Lại nữa, quốc vương vương y theo pháp mà trị hóa, không bao giờ bẻ cong. Đó là thành tựu pháp thứ tám, tồn tại lâu dài.
“Lại nữa, quốc vương cùng với quần thần hòa thận, không có tranh chấp. Đó là thành tựu pháp thứ chín, tồn tại lâu dài,
“Lại nữa, quốc vương không có bệnh hoạn, khí lực cường thịnh. Đó là pháp thứ mười, khiến tồn tại lâu dài.
“Nếu quốc vương thành tựu mười pháp này sẽ được tồn tại lâu dài, không có gì lo ngại.
“Chúng Tỳ kheo cũng vậy, nếu thành tự mười pháp, chỉ trong khoảnh khắc như co duỗi liền được sinh lên trời. Những gì là mười?
“Ở đây, Tỳ kheo thọ trì giới cấm, giới đức đầy đủ, không phạm chánh pháp. Đó là Tỳ kheo thành tựu pháp hứ nhất này khi thân hoại mạng chung sinh vào chỗ lành, sinh lên trời.
Lại nữa, Tỳ kheo có tâm cung kính đối với Như Lai. Đó là Tỳ kheo thành tựu pháp thứ hai, được sinh vào chỗ lành.
“Lại nữa, Tỳ kheo thuận tùng giáo pháp, không một điều vi phạm. Đó là Tỳ kheo thành tựu pháp thứ ba, được sinh vào chỗ lành.
“Lại nữa, Tỳ kheo [778b] cung phụng Thánh chúng, không có tâm biếng nhác. Đó là thành tựu pháp thứ tư, được sinh lên trời.
“Lại nữa, Tỳ kheo thiểu dục, tri túc, không say đắm lợi dưỡng. Đó là Tỳ kheo có pháp thứ năm, được sinh lên trời.
“Lại nữa, Tỳ kheo không làm theo tự ý mà hằng tùy thuận giới pháp. Đó là thành tựu pháp thứ sáu, được sinh vào chỗ lành.
“Lại nữa, Tỳ kheo không mê đắm công viêc bận rộn, thường ưa tọa thiền. Đó là thành tựu pháp thứ bảy, được sinh lên trời.
“Lại nữa, Tỳ kheo ưa chỗ nhàn tĩnh, không ưa sống giữa nhân gian. Đó là thành tựu pháp thứ ṭám, được sinh vào chỗ lành.
“Lại nữa, Tỳ kheo không tùng sự theo ác tri thức, mà thường tùng sự theo thiện tri hức. Đó là thành tựu pháp thứ chín, được sanh vào chỗ lành.
“Lại nữa, Tỳ kheo thường tu phạm hành, xa lìa ác pháp, nghe nhiều, học nghĩa, không để mất thứ ṭự. Như vậy Tỳ kheo thành tựu mười pháp, trong khoảnh khắc như co duỗi cánh tay, sinh vào chỗ lành, sinh lên trời.
“Đó là, mười phi pháp hành khiến vào địa ngục, hãy nên bỏ tránh xa. Mười chánh pháp hành, hãy nên cùng vâng tu tập.
“Tỳ kheo, hãy học điều này như vậy.”
Bấy giờ các Tỳ kheo nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 8[43]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tai thành La-duyệt, trong Ca-lan-đà Trúc viên, cùng với chúng đại Tỳ kheo 500 vị.
Bấy giờ, số đông Tỳ kheo, khi đến giờ, khóac y, cầm bát, vào thành La-duyệt khất thực. Khi ấy, số đông Tỳ kheo nghĩ như vầy: “Chúng ta vào thành khất thực, nhưng còn quá sớm. Chúng ta hãy đến chỗ ngoại đạo dị học để cùng luận nghị.” Rồi chúng Tỳ kheo đi đến chỗ ngoại đạo dị học.
Khi các ngoại đạo tháy các sa-môn đến, bảo nhau rằng: “Các bạn hãy giữ im lặng, chớ nói lớn tiếng. Đệ tử của Sa-môn Cù-đàm đang đi đến đây. Pháp của sa-môn ca ngợi những người im lặng. Chớ để họ biết chánh pháp của chúng ta loạn hay không loạn.”
Bấy giờ, số đông các Tỳ kheo đi đến chỗ ngoại đạo dị học, sau khi chào hỏi nhau, ngồi xuống một bên. Khi ấy, các ngoại đạo hỏi các Tỳ kheo:
“Sa-môn Cù-đàm của các ông dạy các đệ tử bằng diệu pháp này, rằng ‘Này các Tỳ kheo, hãy thấu suốt hết thảy các pháp, và hãy ṭự mình an trú.[44]” Phải vậy chăng? Chúng tôi cũng dạy [778c] các đệ tử diệu pháp này để tự an trú. Những điều tôi nói có gì khác với các ông, có gì sai biệt? Thuyết pháp, giáo giới cùng như nhau, không có gì khác.”
Số đông các Tỳ kheo, sau khi nghe những điều ngoại đạo nói, không khen hay, cũng không chê dỡ, bèn rời chỗ ngồi đứng dậy mà bỏ đi.
Sau đó, các Tỳ kheo bảo nhau: “Chúng ta hãy đem nghĩa lý này đến bạch Thế Tôn. Nếu Như Lai có dạy điều gì, chúng ta sẽ ghi nhớ mà phụng hành.”
Rồi số đông các Tỳ kheo, sau khi vào thành La-duyệt khất thực, trở về trong phòng, cất y bát, đi đến Thế Tôn, cúi đầu lạy dưới chân, rồi ngồi xuống một bên. Khi ấy số đông các Tỳ kheo đem duyên sự trước đó kể hết với Như Lai.
Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ kheo:
“Sau khi các ngoại đạo dị học kia hỏi nghĩa này, các ngươi hãy trả lời bằng những lời này: luận một điều, nghĩa một điều, diễn một điều; cho đến, luận mười, nghĩa mười, diễn mười.[45] Khi nói lời này có ý nghĩa gì, các ngươi mang lời này đến hỏi, những người kia sẽ không thể trả lời. Các ngoại đạo do thế càng tăng thêm ngu hoặc. Vì sao vậy? Vì không phải là cảnh giới của họ. Cho nên, Tỳ kheo, Ta không thấy có Trời, Người, Ma hoặc Ma thiên, Đế Thích, Phạm thiên vương, mà có thể trả lời được điều đó, trừ Như Lai và đệ tử của Như Lai nghe từ Ta nói, điều này không luận đến.
“Luận một, nghĩa một, diễn một; Ta tuy đã nói ý nghĩa này, nhưng do đâu mà nói? Hết thảy chúng sinh do thức ăn mà tồn tại; không thức ăn thì chết. Tỳ kheo đối với pháp ấy mà bình đẳng nhàm tởm, bình đẳng giải thoát, bình đẳng quán sát, bình đẳng phân biệt ý nghĩa của nó, bình đằng chấm dứt biên tế khổ;[46] đồng một nghĩa, không hai’ [47]điều mà Ta nói, chính xác là như vậy.
“Nghĩa một, luận một, diễn một, cho đến luận mười, nghĩa mười, diễn mười;[48] Ta tuy đã nói ý nghĩa này, nhưng do đâu mà nói? Danh và sắc. Danh là gì? Thọ*, tưởng, niệm, xúc*, tư duy; đó là danh. Cái kia sao gọi là sắc? Bốn đại, và sắc do bốn đại tạo; đó gọi là sắc, do duyên bởi căn bản này mà nói là sắc. Luận hai, nghĩa hai, diễn hai, do bởi nhân duyên này mà Ta nói đến. Tỳ kheo bình đẳng nhàm tởm, bình đẳng giải thoát, bình đẳng quán sát, bình đẳng phân biệt ý nghĩa của nó, bình đằng chấm dứt biên tế khổ.
“Luận ba, nghĩa ba, diễn ba; do đâu mà nói [779a] nghĩa này? Do ba thọ* Những gì là ba? Khổ thọ, lạc thọ, không khổ không lạc thọ. Vì sao được nói là lạc thọ? Trong tâm có ý tưởng lạc, cũng không phân tán; đó gọi là lạc thọ. Vì sao được nói là khổ thọ? Trong tâm mê loạn không định tĩnh chuyên nhất, tư duy với nhiều ý tưởng khác nhau; đó gọi là khổ thọ.[49] Thế nào là cảm thọ không khổ không lạc? Ý tưởng không khổ không lạc trong tâm, lại không phải là chuyên nhất định tĩnh, cũng không phải loạn tưởng, cũng không tư duy pháp và phi pháp, hằng tự tịch mặc, tâm không có ghi nhận gì; đó gọi là cảm thọ không khổ không lạc. Tỳ kheo bình đẳng nhàm tởm, bình đẳng giải thoát, bình đẳng quán sát, bình đẳng phân biệt ý nghĩa của nó, bình đẳng chấm dứt biên tế khổ. Luận ba, nghĩa ba, diễn ba, điều mà Ta nói, chính xác là như vậy.
“Luận bốn, nghĩa bốn, diễn bốn; do đâu mà nói nghĩa này? Đó là bốn đế.[50] Những gì là bốn? Thánh đế Khổ, Tập, Tận, Đạo. Vì sao được gọi là Thánh đế Khổ? Sinh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ, lo, buồn, não khổ, oán ghét gặp nhau khổ, ân ái biệt ly khổ, ước muốn không được khổ.[51] Vì sao được gọi là Thánh đế Tập? Căn bản ái cùng với dục tương ưng.[52] Vì sao được gọi là Thánh đế Khổ tận? Ái kia vĩnh viễn đoạn tận không còn tàn dư cũng không tái sinh khởi; đó gọi là Khổ tận đế. Vì sao được gọi là Thánh đế Khổ xuất yếu? Đó là tám phẩm đạo của Hiền Thánh: chánh kiến, chánh tri, chánh ngữ, chánh mạng, chánh nghiệp, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh tam-muội; đó là đạo có tám phẩm. Tỳ kheo bình đẳng nhàm tởm, bình đẳng giải thoát, bình đẳng quán sát, bình đẳng phân biệt ý nghĩa của nó, bình đằng chấm dứt biên tế khổ. Đó là luận bốn, nghĩa bốn, diễn bốn, điều mà Ta nói, chính xác là như vậy.
“Luận năm, nghĩa năm, diễn năm; do đâu mà nói nghĩa này? Đó là năm căn.[53] Những gì là năm? Căn tín, căn tinh tấn, căn niệm, căn định, căn huệ. Thế nào là căn tín? Hiền Thánh đệ tử tin đạo pháp của Như Lai, rằng Như Lai là bậc Chí chân, Đẳng chánh giác, Minh hành túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sỹ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, hiệu Phật Thế Tôn, xuất hiện ở đời. Đó gọi là căn tín. Thế nào là căn tinh tấn? Thân, tâm, ý tinh cần không mệt mỏi; diệt [779b] pháp bất thiện, tăng ích pháp thiện, hằng chấp trì tâm; đó là căn tinh tấn. Thế nào là căn niệm? Tụng tập không quên, hằng giữ trong tâm, ghi nhớ không thất lạc, pháp hữu vi vô lậu không bao giờ bị mất; đó là căn niệm. Thế nào là căn định? Trong tâm không động loạn, không có các tưởng sai biệt, hằng chuyên tinh nhất ý; đó là căn tam-muội. Thế nào là căn trí tuệ? Biết Khổ, biết Tập, biết Tận, biết Đạo; đó là căn trí tuệ. Đó là năm căn. Tỳ kheo ở trong đó mà bình đẳng giải thoát, bình đẳng phân biệt ý nghĩa ấy, bình đằng chấm dứt biên tế khổ. Đó là luận năm, nghĩa năm, diễn năm, điều mà Ta nói, chính xác là như vậy.
“Luận sáu, nghĩa sáu, diễn sáu; do đâu mà nói nghĩa này? Đó là sáu trọng pháp.[54] Sáu ấy là gì? Ở đây, Tỳ kheo thường xuyên hành từ tâm bởi thân, hoặc ở chỗ vắng vẻ, hoặc ở trong phòng, tâm thường như một,[55] đáng tôn, đáng quý, đưa đến hòa hiệp. Đây là pháp tôn trọng thứ nhất của Tỳ kheo. Lại nữa, hành từ tâm nơi miệng, không khởi ganh tị oán ghét, đáng kính, đáng quý; đó là pháp tôn trọng thứ hai. Lại nữa, nếu được lợi dưỡng đúng pháp, cho đến còn dư trong bình bát, đều đem chia cho các bạn đồng phạm hạnh, tâm bình đẳng mà cho; đó là pháp tôn trọng thứ tư, đáng kính, đáng quý. Lại nữa, phụng trì cấm giới không có điều rơi rớt, giới mà bậc hiền trí qúy trọng; đó là pháp tôn trọng thứ năm, đáng kính, đáng quý. Lại nữa, chánh kiến mà Hiền Thánh được xuất yếu, đến chỗ chấm dứt khổ tế, ý không tạp loạn, cùng tu hành với các đồng phạm hạnh pháp ấy; đó là pháp tôn trọng thứ sáu, đáng kính, đáng quý. Bấy giờ Tỳ kheo bình đẳng nhàm tởm, bình đẳng giải thoát, bình đẳng phân biệt ý nghĩa ấy, bình đằng chấm dứt biên tế khổ. Đó là luận sáu, nghĩa sáu, diễn sáu, điều mà Ta nói, chính xác là như vậy.
“Luận bảy, nghĩa bảy, diễn bảy; do đâu mà nói nghĩa này? Đó là bảy y chỉ xứ của thần thức.[56] Bảy ấy là gì? Hoặc có chúng sinh có nhiều tưởng sai biệt, nhiều thân sai biệt; đó là trời[57] và người. Hoặc có chúng sinh có nhiều thân nhưng một tưởng; đó là trời Phạm-ca-di khi mới thác sinh.[58] Hoặc có chúng sinh một tưởng, một thân; đó là trời Quang âm. [779c] Hoặc có chúng sinh một thân, nhiều tưởng sai biệt; đó là trời Biến tịnh. Hoặc có chúng sinh không xứ vô lượng; đó là trời Không xứ. Hoặc có chúng sinh thức xứ vô lượng; đó là trời Thức xứ. Hoặc có chúng sinh vô sở hữu xứ vô lượng; đó là trời Vô sở hữu xứ. Hoặc có chúng sinh phi tưởng phi phi tưởng vô lượng; đó là trời Phi tưởng phi phi tưởng.[59] Đó là bảy y chỉ xứ của thần (thức). Ở đó, Tỳ kheo bình đẳng giải thoát, cho đến, bình đằng chấm dứt biên tế khổ. Đó là luận bảy, nghĩa bảy, diễn bảy, điều mà Ta nói, chính xác là như vậy.
“Luận tám, nghĩa tám, diễn tám; do đâu mà nói nghĩa này? Đó là tám pháp thế gian,[60] tùy theo đời mà xoay chuyển. Tám ấy là gì? Đắc, thất, vinh, nhục, khen, chê, khổ, lạc.[61] Đó là ṭám pháp thế gian, tùy theo đời mà xoay chuyển. Tỳ kheo trong đó bình đẳng giải thoát, cho đến, bình đằng chấm dứt biên tế khổ. Đó là luận tám, nghĩa tám, diễn tám, điều mà Ta nói, chính xác là như vậy.
“Luận chín, nghĩa chín, diễn chín; do đâu mà nói nghĩa này? Đó là chín cư xứ của chúng sinh.[62] Những gì là chín? Hoặc có chúng sinh có nhiều tưởng sai biệt, nhiều thân sai biệt; đó là trời và người. Hoặc có chúng sinh có nhiều thân nhưng một tưởng; đó là trời Phạm-ca-di khi mới thác sinh. Hoặc có chúng sinh một tưởng, một thân; đó là trời Quang âm. Hoặc có chúng sinh một thân, nhều tưởng sai biệt; đó là trời Biến tịnh. Hoặc có chúng sinh không xứ vô lượng; đó là trời Không xứ. Hoặc có chúng sinh thức xứ vô lượng; đó là trời Thức xứ. Hoặc có chúng sinh vô sở hữu xứ vô lượng; đó là trời Vô sở hữu xứ. Hoặc có chúng sinh phi tưởng phi phi tưởng vô lượng; đó là trời Phi tưởng phi phi tưởng. Vô tưởng chúng sinh và các loài thọ sanh khác, đó là chín y chỉ xứ của thần (thức). Tỳ kheo trong đó bình đẳng giải thoát, cho đến, bình đằng chấm dứt biên tế khổ. Đó là luận chín, nghĩa chín, diễn chín, điều mà Ta nói, chính xác là như vậy.
“Luận mười, nghĩa mười, diễn mừơi; do đâu mà nói nghĩa này? Đó là mười niệm.[63] Những gì là mười? Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng Tỳ kheo, niệm giới, niệm thí, niệm thiên, niệm chỉ tức, niệm an-ban, niệm thân, niệm sự chết. Tỳ kheo trong đó bình đẳng giải thoát, cho đến, bình đằng chấm dứt biên tế khổ. Đó là luận mười, nghĩa mười, diễn mười, điều mà Ta nói, chính xác là như vậy.
“Như vậy, Tỳ kheo, tỳừ một cho đến mười.
[780a] “Tỳ kheo, nên biết, nếu ngoại đạo dị học mà nghe những lời này, còn chưa dám nhìn kỹ vào sắc mặt, huống nữa là trả lời. Tỳ kheo nào hiểu rõ được nghĩa này, ở ngay trong hiện pháp, là người tối tôn đệ nhất.
“Lại nữa, Tỳ kheo, Tỳ kheo ni nào tư duy nghĩa này, cho đến mười năm, nhất định thành tựu hai quả: hoặc A-la-hán, hoặc A-na-hàm.
“Tỳ kheo, hãy bỏ qua mười năm; nếu trong một năm mà tư duy nghĩa này, ắt thành tựu hai quả, trọn không nửa chừng thoái thất.
“Tỳ kheo, hãy bỏ qua một năm. Trong chúng bốn bộ, trong mười tháng, cho đến một tháng, ai tư duy nghĩa này, ắt thành tựu hai quả, cũng không nửa chừng thoái thất.
“Vã, hãy bỏ qua một tháng. Ai trong chúng bốn bộ bảy ngày tư duy nghĩa này ắt thành tựu hai quả, quyết không nghi ngờ.
Khi ấy A-nan ở sau Thế Tôn cầm quạt quạt Phật. Bấy giờ A-nan bạch Phật:
“Thế Tôn, pháp này cực kỳ sâu thẳm. Ở địa phương nào có pháp này, nên biết ở đó gặp được Như Lai. Kính bạch Thế Tôn, pháp này tên gọi là gì? Nên phụng hành như thế nào?”
Phật bảo A-nan:
“Kinh này có tên là Nghĩa của pháp Mười. Hãy ghi nghớ phụng hành.”
Bấy giờ A-nan và các Tỳ kheo nghe những điều Phật dạy hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 9[64]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú tại nước Xá-vệ, trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà.
Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ kheo:
“Những ai tu hành mười tưởng, sẽ diệt tận các lậu, đạt được thần thông, tự thân tác chứng, dần dần đạt đến Niết-bàn. Những gì là mười? Tưởng xương trắng, tưởng bầm tím, tưởng sình chương, tưởng ăn không tiêu,[65] tưởng huyết, tưởng nhai cắn,[66] tưởng thường vô thường, tưởng tham thực, tưởng sự chết, tưởng tất cả thế gian không có gì lạc.[67] Đó là mười tưởng mà Tỳ kheo tu tập sẽ diệt tận các lậu, đạt đến Niết-bàn giới.
“Lại nữa, Tỳ kheo, trong mười tưởng này, tưởng tất cả thế gian không có gì đáng ham thích thích là tối đệ nhất. Vì sao vậy? Người tu hành về sự không có gì đáng ham thích, và người thọ trì, tín phụng pháp; hai hạng người này tất vượt bực mà thủ chứng. Cho nên, Tỳ kheo, hãy ngồi dưới gốc cây, nơi chỗ vắng vẻ, giữa trời trống, tư duy mười tưởng này.
“Tỳ kheo, hãy học điều này như vậy.”
Bấy giờ các Tỳ kheo nghe những đìeu Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 10
Một thời, Phật trú tại nước Xá-vệ, trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà.
Bấy giờ có một Tỳ kheo đi đến Thế Tôn, cúi đầu lạy dưới chân, [780b] rồi ngồi xuống một bên.
Rồi Tỳ kheo này bạch Thế Tôn:
“Như Lai hôm nay dạy các Tỳ kheo pháp mười tưởng. Những ai tu hành có ṭhể đoạn trừ các lậu, thành hạnh vô lậu. Thế Tôn, như con thì không có khả năng tu hành các tưởng này. Sở dĩ vì dục tâm của con quá nhiều, thân ý hừng hực không thể yên nghỉ.”
Bấy giờ Thế Tôn nói với Tỳ kheo ấy:
“Người hãy xả bỏ tưởng về tịnh[68] mà tư duy tưởng về bất tịnh; xả tưởng về thường mà tư duy tưởng về vô thường; xả hữu ngã tưởng mà tư duy vô ngã tưởng, xả khả lạc tưởng mà tư duy bất khả lạc tưởng,. Vì sao vậy? Nếu Tỳ kheo tư duy tịnh tưởng, dục tâm liền hừng hực; nếu tư duy bất tịnh tưởng, sẽ không có dục tâm.
“Tỳ kheo, nên biết, dục là bất tịnh, như đống phân kia; dục như con sáo bắt chước giọng nói; dục không có đáp trả, lại như rắn độc kia; dục như ảo thuật, như tuyết tan dưới nắng. Hãy niệm xả bỏ dục như vất bỏ trong bãi tha ma. Dục trở lại hại mình như rắn chứa chất độc. Dục không biết chán như khát mà uống nước mặn. Dục khó được thỏa mãn như biển nuốt sông. Dục có nhiều tai họa như xóm la-sát. Dục như kẻ thù hãy nên tránh xa. Dục như một chút mật ngọt dính trên lưỡi dao. Dục không đáng yêu như xương trắng trên đường. Dục hiện ngoại hình như hoa mọc trong nhà xí. Dục không chân thật như bình vẽ kia bên trong chứa đồ hôi thối, bên ngoài trông đẹp đẽ. Dục không bền chắc như đống bọt nước. Cho nên, Tỳ kheo, hãy niệm tưởng tránh xa tưởng tham dục. Tỳ kheo, nay ngươi hãy nhớ, xưa ngươi đã phụng hành mười tưởng nơi Phật Ca-diếp. Hôm nay hãy lặp lại tư duy mười tưởng, tâm giải thoát khỏi hữu lậu.”
Lúc bấy giờ Tỳ kheo ấy buồn rầu rơi lệ không cầm được, tức thì cúi đầu lạy dưới chân Phật, bạch Thế Tôn:
“Vâng, bạch Thế Tôn. Con chất chứa mê hoặc đã lâu. Như Lai tự thân thuyết mười tưởng, con mới có thể xa lìa dục. Nay con xin sám hối, về sau không còn tái phạm. Cúi xin Như Lai chấp nhận sự sám hối lỗi lầm nghiêm trọng này; lượng thứ cho điều mà con bất cập.”
Phật bảo tỳ kheo:
“Ta nhận sự sửa lỗi của ông. Hãy chớ tái phạm. Lại nữa, Như Lai đã dạy ông mười tưởng, mà ông không khứng phụng trì.”
Tỳ kheo kia sau khi nghe Thế Tôn giáo giới, sống nơi chỗ nhàn tĩnh, ṭự mình khắc kỷ tư duy, vì mục đích mà thiện gia nam tử cạo bỏ râu tóc, khóac ba pháp y, tu phạm hạnh vô thượng, ấy là muốn đạt thành sở nguyện, như thật biết, sinh tử đã hết, phạm hạnh đã lập, điều cần làm đã làm xong, [780c] không còn tái thọ thai nữa. Bấy giờ Tỳ kheo thành A-la-hán.
Bấy giờ các Tỳ kheo nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Kệ tóm tắt
Kết cấm, Hiền Thánh cư,
Hai lực, và Mười niệm,
Thân quốc, không quái ngại,
Mười luân tưởng, quán ưởng.[69]


Chú thích:
[1] Thập sự công đức 十事功德; đoạn dưới: thập pháp công đức 十法功德. Cf. Tứ phần 1 (570c03), thập cú nghĩa 十句義: 1. Nhiếp thủ đối với Tăng; 2. Khiến cho Tăng hoan hỷ; 3. Khiến cho Tăng an lạc; 4. Khiến cho người chưa tín thì có tín; 5. Người đã có tín khiến tăng tưởng; 6. Để điều phục người chưa được điều phục; 7. Người có tàm quý được an lạc; 8. Đoạn hữu lậu hiện tại; 9. Đoạn hữu lậu đời vị lai; 10. Chánh pháp được cửu trụ. Ngũ phần (T22n1421, tr.3c1), thập lợi 十利: 1. Tăng hoà hiêp; 2. Tăng đoàn kết; 3. Chế ngự người xấu; 4. Để cho người biết hỗ thẹn được yên vui; 5. Đoạn hữu lậu đời nay; 6. Diệt hữu lậu đờ sau; 7. Khiến người chưa tin có tín tâm; 8. Khiên người có tín tâm được tăng trưởng; 9. Để Chánh pháp lâu dài; 10. Phân biệt tì-ni phạm hạnh tồn tại lâu dài. Tăng kỳ (T22n1425,tr.228c24), thập sự lợi ích 十事利益: 1. Nhiếp Tăng; 2. Cực nhiếp Tăng; 3. Để Tăng an lạc; 4. Chiết phục người không biết hỗ thẹn; 5. Để người có tàm quý sống yên vui; 6. Người chưa tin được tin; 7. Người đã tin thì tin thêm; 8. Trong đời này được lậu tận; 9. Các lậu đời vị lai không sinh; 10. Để chánh pháp lâu dài. Căn bản (T23n1442,tr.629b22), như Pali. Pali, Vin. iii. tr.32: saṅghasuṭṭhutāya (vì sự ưu mỹ của Tăng); saṅghaphāsutāya (vì sự an lạc của Tăng); dummaṅkūnaṃ puggalānaṃ niggahāya (để chế phục hạng người không biết hỗ thẹn); pesalānaṃ bhikhūnaṃ phāsuvihārāya (để các Tỳ-kheo nhu hòa sống an lạc) ; diṭṭhadhammikānaṃ āsavānaṃ saṃvarāya (để ngăn chặn hữu lậu đời này); sampāratikānaṃ āsavānaṃ paṭighātāya (để đối trị hữu lậu đời sau); appasannānaṃ pasādāya (vì tịnh tín của người chưa có tín); pasannānaṃ bhiyyobhāvāya (vì sự tăng trương của người có tín); saddhammaṭṭhitiyā (vì sự trường tồn của chánh pháp); vinayānuggahāya (để nhiếp hộ tì-ni).
[2] Pali, A.X.19-20 Āriyavāsa (R.v. 29)
[3] Pali, ibid., dasa ariyāvāsā, mười Thánh cư. Hán, Trường 9 kinh 8 (tr. 57a): mười Hiền Thánh cư 十賢聖居.
[4] Trường ibid., xả một 捨一. Pali: ekārakkho hoti: một thủ hộ
[5] Trương ibid., y bốn 依四. Pali: caturāpasseno hoti, bốn y cứ
[6] Trường ibid., diệt dị đế 滅異諦. Pali: paṇunnapaccekasacco hoti, trừ khử sự thật cá biệt.
[7] Trường ibid., thắng diệu cầu 勝妙求.
[8] Tưiừng ibid., vô trược tưởng 無[05]濁想. Pali: anāvilasaṅkappo hoti, không tư duy vẩn đục.
[9] Nguyên Hán: y ỷ thân hành 依倚身行. Pali: pasaddhakāyasaṅkhāro. Trương, ibid., thân hành dĩ lập 身行已立.
[10] Năm kết 五結. Pali: năm triền cái.
[11] Hán: thừa lục trọng chi pháp 承六重之法. Xem phẩm 37, sáu trọng pháp. Pali, chaḷaṅga-samannāgato, thành tựu sáu chi: thấy sắc, nghe tiếng, v.v., ý thức pháp, mà không hỷ, không ưu, an trú xả (neva sumano hoti na dummano, upekkhako viharati ).
[12] Pali: một thủ hộ: với tâm được thủ hộ bởi chánh niệm (ekārakkho hoti … satārakkhena cetasā samannāgato hoti).
[13] Pali: thân cận (paṭisevati), kham nhẫn (adhivāseti), xả ly (parivajjeti), trừ khử (vinodeti).
[14] Pali: gác qua một bên các sự thật chủ quan: thế gới thường hay vô thường…
[15] Để bản chép sót một đoạn.
[16] Pali: samavayasaṭṭhesano hoti, diệt trừ ba tầm cầu: dục tầm cầu (kāmesanā), hữu tầm cầu (bhavesanā), Phạm hạnh tầm cầu (brahmacariyesanā).
[17] Ba tư duy vẩn đục: dục (kāma), sân (byāpāda), hại (vihiṃsā).
[18] Pali: chứng nhập và an trú thiền thứ tư, xả niệm thanh tịnh (upekkhāsatipārisuddhiṃ catutthaṃ jhānaṃ upasampajja viharati).
[19] Pali, định cú: āsabhaṃ ṭhānaṃ paṭijānāti, tự xác nhận địa vị Ngưu vương.
[20] Pali, A. X. 21 Sīha (R. v. 23).
[21] cf. Tạp (Việt) kinh 652; Tỳ-bà-sa 30 (156c19).
[22] Thị xứ, phi xứ 是處 非處. Pali: ṭhānañca ṭhānato aṭṭhānañca aṭṭhānato.
[23] Tỳ-bà-sa ibid.: nghiệp pháp tập trí lực業法集智力. Pāli: atītānāgata-paccuppannānaṃ kammasamādānānaṃ ṭhānaso hetuso vipākaṃ yathā-bhūtaṃ pajānāti, như thực biệt rõ dị thục tùy theo nguyên nhân và điều kiện của sjư thọ báo của các hành vi quá khứ, vị lai và hiện tại.
[24] Hán: trì持. Trì tức giới đều dịch từ tiếng Phạn dhātu.
[25] Tỳ-bà-sa, lực thứ tư: chủng chủng giới trí lực 種界智力. Pāli: anekadhātuṃ nānādhātuṃ lokaṃ (biết rõ) thế gian với giới đa thù, giới sai biệt.
[26] Tỳ-bà-sa ibid., lực thứ năm: chủng chủng thắng giải trí lực 種 種 勝 解 智 力. Pāli: sattānaṃ nānādhimuttikataṃ, chí hướng (thắng giải) sai biệt của các chúng sanh.
[27] Tỳ-bà-sa. lực thứ 6: căn thắng liệt trí lực 根勝劣智力. Pāli: parasattānaṃ parupuggalānaṃ indriyaparopariyattaṃ, biết căn cơ hơn kém của các loại chúng sanh, con người.
[28] Tỳ-bà-sa, thứ ba: tĩnh lự giải thoát đẳng chí phát khởi tạp nhiểm thanh tịnh trí lực 靜 慮 解 脫 等 持 等至發起雜染清淨智力. Pāli: jhānavimokkha-samādhisamāpattīnaṃ saṃkilesaṃ vodānaṃ vuṭṭhānaṃ, sự xuất khởi thành tịnh, tpạ nhiểm của các sự chứng nhập các thiền, giải thoát, tam-muội. Không có tương đương với bản Hán này.
[29] Tỳ-bà-sa, lực thứ bảy: biến thú hành trí lực 遍趣行智力. Pāli: sabbatthagāminiṃ paṭipadaṃ, hành tích dẫn đến tất cả các định hướng.
[30] Tỳ-bà-sa, lực thứ tám: túc trụ tùy niệm trí lực 宿住隨念智力. Trong bản hán này, lực này được keer chúng với biến thú hành trí lực. Pāli: anekavihitaṃ pubbenivāsaṃ anussarati, nhớ lại vô số đời trước.
[31] Tỳ-bà-sa, lực thứ chín: tử sanh trí lực 死生智力. Pāli: dibbena cakkhunā… satte passati cavamāne upapajjamāne, bằng thiên nhãn, …, thấy chúng sanh đang chết, đang tái sanh…
[32] Tỳ-bà-sa, lực thứ mười: lậu tận trí lực 漏盡智力. Pāli: āsavānaṃ khayā anāsavaṃ cetovimuttiṃ, lậu tận, vô lậu tâm giải thoát.
[33] So sánh, phẩm 27, kinh số 6. Văn và nghĩa không nhất quán giữa hai đoạn dịch này.
[34] Câu văn này nghi là chép nhầm, dư, nên cho vào ngoặc.
[35] Nguyên Hán: nội pháp 內法; Hán dịch sai, hiểu nhầm antarāyikadharma (pháp chướng ngại) thành antaradharma, pháp trung gian hay nội pháp.
[36] Để bản nhảy sót kinh số 5. Kinh này được được bố khuyết ở cuối quyển 42, y các bàn Tống, Ngyên, Minh.
[37] Nguyên Hán: niệm chỉ quán. Có lẽ chỉ tức nhưng chép nhầm thanh chỉ quán. Xem kinh 8 phẩm 2 (niệm hưu tức); kinh 5 phẩm 39.
[38] Pali, A. X. 45. Pavesana
[39] Hán: quóc gia 國家, nhà của nước, tức nhà của vua. Pali: rājantepura, nội cung hay hậu cung của vua; mười điều tai hại khi đi vào hậu cung của vua.
[40] Hán: quốc gia, xem cht. 39 trên.
[41] Hán: nhập quốc 入國, nên hiểu là nhập hậu cung.
[42] Để bản nhảy sót.
[43] Pali, A.X. 27. Mahāpañhā 1 (R.v. 48)
[44] Pali: sabbaṃ dhammaṃ abhijānātha, sabbaṃ dhammaṃ abhiññāya viharathā’ti, các ngươi hãy chứng tri tất cả pháp. Sau khi chứng tri tất cả pháp, các ngươi hay an trú.
[45] Pali: eko, āvuso, pañho eko uddeso ekaṃ veyyākaraṇaṃ, dve pañhā dve uddesā dve veyyākaraṇāni, … dasa pañhā dasuddesā dasa veyyākaraṇānī’ti, một câu hỏi, một tuyên bố, một trả lời, cho đến, mười…
[46] Pali: sammā nibbindamāno sammā virajjamāno sammā vimuccamāno sammā pariyantadassāvī sammadatthaṃ abhisamecca diṭṭheva dhamme dukkhassantakaro hoti, chân chánh yểm ly, chân chánh ly tham, chân chánh giải thoát, chân chánh quan sát biên tế, chân chánh hiện quán nghĩa lý, ngay trong đời này mà chấm dứt biên tế khổ.
[47] Để bản và Tống nhảy sót. Nguyên, Minh bổ khuyết: nhất luận nhất nghĩa nhất diễn, một luận, một nghĩa, một diễn (điều mà Ta đã nói…)
[48] Có thể để bản chép nhầm. Nguyên Minh: “luận hai, nghĩa hai, diễn hai.”
[49] Định nghĩa không thấy trong Pali.
[50] Pali: bốn loại thức ăn (catūsu āhāresu)
[51] Nguyen-Minh thêm: “Tóm tắt, năm thạnh ấm khổ. Đó gọi là Thánh đế Khổ.”
[52] Hán: 愛本
與欲[04]相應. Chính xác nên hiểu là “khái ái đương lai câu hữu với hỷ tham (Pali: taṇhā ponobhavikā nandirāgasahagatā, nhưng bản Hán có lẽ hiểu ponobhavika, đương lai hữu, là pubbabhavika?)
[53] Pali: năm thủ uẩn (pañcasu upādānakkhandhesu).
[54] Sáu pháp tôn trọng, xem kinh số 1 phẩm 37. Pali: sáu nội xứ (chasu ajjhattikesu āyatanesu).
[55] Đây hiểu là tâm thường hòa hiệp như một với các bạn đồng tu.
[56] Pali: sattasu viññāṇaṭṭhitīsu, bảy thức trú.
[57] Chính xác: một bộ phận của chư thiên.
[58] Chính xác: xuất hiện vào thời kiếp sơ.
[59] Hán dịch dư trú xứ thứ tám. Trú xứ của thức chỉ đến Vô sở hữu xứ thiên. Xem Tập dị 17, mục bảy pháp.
[60] Pali: aṭṭhasu lokadhammesu.
[61] Nguyên hán: lợi suy hủy dự xưng ky khổ lạc 利衰毀譽稱譏苦樂.
[62] Pali: navasu sattāvāsesu, chín hữu tình cư.
[63] Pali: dasasu akusalesu kammapathesu, mười nghiệp đạo bất thiện.
[64] Pali, A.X. 56-57. Saññā (R.v. 105).
[65] Chỉ tử thi mà chim, thú ăn chưa hết.
[66] Chie tử thi bị chim thú ăn.
[67] Chín tưởng đầu thuộc sáu đề mục trong 9 đề mục quán tử thi. Pali: asubhasaññā (bất tịnh ưởng), maraṇasaññā (tử tưởng), āhāre paṭikūlasaññā (yểm nghịch thực tưởng, ghê tởm thức ăn), sabbaloke anabhiratasaññā (thế gian bất khả lạc tưởng), aniccasaññā (vô thường tưởng), anicce dukkhasaññā (vô thường tức khổ tưởng), dukkhe anattasaññā (khổ tức vô ngã tưởng), pahānasaññā (đoạn tưởng), virāgasaññā (ly tham tưởng), nirodhasaññā (diệt tận tưởng). Cf. Tỳ-bà-sa 166 (tr. 836c23): vô thường tưởng, vô thường khổ tưởng, khổ vô ngã tưởng, tử tưởng, bất tịnh tưởng, yểm thức tưởng, nhất thiết thế gian bất khả lạc tưởng, đoạn tưởng, ly tưởng, diệt tưởng.
[68] Tịnh tưởng, xem thân, (và mọi vật), đều là sạch sẽ, đẹp đẽ, đáng ham thích.
[69] Bản hán, hết quyển 42.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 51 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Kinh Duy-ma-cật (Hán-Việt)


Đức Phật và chúng đệ tử


Chuyện Vãng Sanh - Tập 3


Tổng quan về các pháp môn trong Phật giáo Tây Tạng

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.133.136.95 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập