Với kẻ kiên trì thì không có gì là khó, như dòng nước chảy mãi cũng làm mòn tảng đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Người ta thuận theo sự mong ước tầm thường, cầu lấy danh tiếng. Khi được danh tiếng thì thân không còn nữa.Kinh Bốn mươi hai chương
Người có trí luôn thận trọng trong cả ý nghĩ, lời nói cũng như việc làm. Kinh Pháp cú
Ai sống một trăm năm, lười nhác không tinh tấn, tốt hơn sống một ngày, tinh tấn tận sức mình.Kinh Pháp cú (Kệ số 112)
Người ngu nghĩ mình ngu, nhờ vậy thành có trí. Người ngu tưởng có trí, thật xứng gọi chí ngu.Kinh Pháp cú (Kệ số 63)
Người ta trói buộc với vợ con, nhà cửa còn hơn cả sự giam cầm nơi lao ngục. Lao ngục còn có hạn kỳ được thả ra, vợ con chẳng thể có lấy một chốc lát xa lìa.Kinh Bốn mươi hai chương
Xưa, vị lai, và nay, đâu có sự kiện này: Người hoàn toàn bị chê,người trọn vẹn được khen.Kinh Pháp cú (Kệ số 228)
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp Cú (Kệ số 8)
Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ, ý tạo; nếu với ý ô nhiễm, nói lên hay hành động, khổ não bước theo sau, như xe, chân vật kéo.Kinh Pháp Cú (Kệ số 1)
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê.Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hèn.Kính Pháp Cú (Kệ số 29)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Tăng Nhất A Hàm Kinh [增壹阿含經] »» Bản Việt dịch quyển số 22 »»

Tăng Nhất A Hàm Kinh [增壹阿含經] »» Bản Việt dịch quyển số 22

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Việt dịch (1) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.55 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.73 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Tăng Nhất A Hàm

Kinh này có 51 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
Quyển đầu... ... 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 | 31 | 32 | 33 |
Việt dịch: Thích Đức Thắng

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

30. PHẨM TU-ĐÀ
KINH SỐ 1
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật trú tại núi Ba-sa,[211] nước Ma-kiệt cùng chúng năm trăm đại Tỳ-kheo.
Bấy giờ, vào lúc sáng sớm, Thế Tôn ra ngoài tịnh thất kinh hành. Lúc đó, Sa-di Tu-đà[212] kinh hành theo sau Thế Tôn. Bấy giờ, Thế Tôn quay lại hỏi Sa-di:
“Nay Ta muốn hỏi nghĩa ngươi. Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ!”
Sa-di Tu-đà đáp:
“Kính vâng, Thế Tôn!”
Thế Tôn bảo:
“Có sắc thường và sắc vô thường, chúng là một nghĩa hay là nhiều nghĩa?”
Sa-di Tu-đà bạch Phật:
“Có sắc thường và sắc vô thường, nghĩa này nhiều, chẳng phải một nghĩa. Sở dĩ như vậy là vì sắc thường ở trong và sắc vô thường ở ngoài, vì vậy cho nên nghĩa chúng có nhiều, chẳng phải là một.”
Thế Tôn bảo:
“Lành thay, lành thay, Tu-đà, như những lời ngươi đã khéo nói nghĩa này. Sắc thường, sắc vô thường, nghĩa này nhiều, không phải một nghĩa. Thế nào, Tu-đà, nghĩa hữu lậu, nghĩa vô lậu, là một nghĩa hay nhiều nghĩa?”
Sa-di Tu-đà thưa:
“Nghĩa hữu lậu, nghĩa vô lậu, là nhiều, không phải một nghĩa. Sở dĩ như vậy là vì nghĩa hữu lậu là kết sử sinh tử, nghĩa vô lậu là pháp Niết-bàn. Vì vậy cho nên nghĩa có nhiều, không phải một nghĩa.”
Thế Tôn bảo:
“Lành thay, lành thay, Tu-đà, như những gì ngươi đã nói. Hữu lậu là sinh tử, vô lậu là Niết-bàn.”
Thế Tôn lại hỏi:
“Pháp tụ, pháp tán, là một nghĩa hay là nhiều nghĩa?”
Sa-di Tu-đà bạch Phật rằng:
“Sắc của pháp tụ, sắc của pháp tán, [659b01] nghĩa này là nhiều, không phải một nghĩa. Sở dĩ như vậy là vì sắc của pháp tụ là thân tứ đại; sắc của pháp tán là khổ tận đế. Vì vậy nên nói nghĩa có nhiều, không phải một nghĩa.”
Thế Tôn bảo:
“Lành thay, lành thay, Tu-đà, như những gì ngươi đã nói. Sắc của pháp tụ, sắc của pháp tán có nhiều nghĩa, không phải một nghĩa.
“Thế nào, Tu-đà, nghĩa thủ[213], nghĩa uẩn là một nghĩa hay có nhiều nghĩa?”
Sa-di Tu-đà bạch Phật rằng:
“Nghĩa của thủ cùng uẩn có nhiều, không phải một nghĩa. Sở dĩ như vậy là vì thủ thì vô hình không thể thấy; uẩn thì có sắc có thể thấy. Vì vậy cho nên có nhiều nghĩa, không phải một nghĩa.”
Thế Tôn bảo rằng:
“Lành thay, lành thay, Tu-đà, như những gì ngươi đã nói. Nghĩa của thủ, của uẩ; có nhiều nghĩa, chẳng phải một.”
Thế Tôn lại hỏi:
“Có tự, không có tự[214], có nhiều nghĩa không phải một nghĩa.
Sa-di bạch Phật:
“Hữu tự, vô tự có nhiều nghĩa, chẳng phải một nghĩa. Sở dĩ như vậy là vì có tự là kết sinh tử, không có tự là Niết-bàn. Cho nên nói có nhiều nghĩa, chẳng phải một nghĩa.”
Thế Tôn bảo rằng:
“Lành thay, lành thay, Tu-đà, như những gì ngươi đã nói. Có tự là sinh tử, không có tự là Niết-bàn.”
Thế Tôn lại hỏi:
“Thế nào, Tu-đà, vì sao nói có tự là sinh tử, không có tự là Niết-bàn?”
Sa-di bạch Phật:
“Có tự thì có sinh có tử, có tận cùng, có khởi thủy. Không có tự thì không sinh không tử, không tận cùng, không khởi thủy.”
Thế Tôn bảo rằng:
“Lành thay, lành thay, Tu-đà, như những gì ngươi đã nói. Có tự là pháp sinh tử; không có tự là pháp Niết-bàn.”
Bấy giờ, Thế Tôn bảo Sa-di tiếp:
“Ngươi khéo nói những lời này. Nay Ta cho phép ngươi làm đại Tỳ-kheo[215].”
Bấy giờ, Thế Tôn trở về giảng đường Phổ tập bảo các Tỳ-kheo:
“Đất nước Ma-kiệt rất được thiện lợi, nên khiến Sa-di Tu-đà đến đất nước này. Ai đem y phục, đồ ăn thức uống, giường nằm, thuốc men trị bệnh cúng dường cũng sẽ được thiện lợi. Cha mẹ sinh ra ông cũng được thiện lợi, vì đã sinh ra Tỳ-kheo Tu-đà này. Nếu Tỳ-kheo Tu-đà sinh vào gia đình nào, gia đình đó được đại hạnh này. Nay Ta bảo các Tỳ-kheo, hãy học như Tỳ-kheo Tu-đà. Vì sao như vậy? Vì Tỳ-kheo Tu-đà này rất là thông minh, thuyết pháp thông suốt, cũng không khiếp nhược. Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy học như Tỳ-kheo Tu-đà. Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 2
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật trú tại Ca-lan-đà, [659b29] trong Trúc viên, thành La-duyệt, cùng chúng năm trăm đại Tỳ-kheo. Bấy giờ, Thế Tôn nói pháp cho vô số chúng vây quanh trước sau. Khi ấy, có một trưởng lão Tỳ-kheo ở trong chúng này duỗi chân về phía Thế Tôn mà ngủ. Sa-di Tu-ma-na bấy giờ mới lên tám, ngồi kết già, chú niệm trước mắt, cách Thế Tôn không xa. Bấy giờ, Thế Tôn đưa mắt nhìn trưởng lão Tỳ-kheo đang duỗi chân mà ngủ; lại nhìn Sa-di ngồi thẳng tư duy. Thế Tôn sau khi thấy vậy, liền nói kệ này:
Được gọi là Trưởng lão
Chưa hẵn do râu tóc.
Tuổi tác dù đã lớn,
Không khỏi làm việc ngu.
Ai có pháp kiến đế,
Không gây hại sinh linh,
Xả các hành ô uế,
Đó gọi là Trưởng lão.
Nay Ta gọi Trưởng lão,
Không vì xuất gia trước.
Ai có nghiệp gốc thiện,
Phân biệt nơi chánh hành;
Dù tuổi trẻ ấu niên,
Các căn không thủng, sứt,
Đó mới gọi trưởng lão,
Phân biệt hành chánh pháp.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Các ngươi có thấy Trưởng lão duỗi chân mà ngủ không?”
Các Tỳ-kheo thưa:
“Thật vậy, bạch Thế Tôn, chúng con đều thấy.”
Thế Tôn bảo:
“Trưởng lão Tỳ-kheo này trong vòng năm trăm năm thường làm thân rồng. Nay mà mạng chung cũng sẽ sinh vào trong loài rồng. Sở dĩ như vậy là vì không có lòng cung kính đối với Phật, Pháp và Thánh chúng, sau khi thân hoại mạng chung sẽ sinh vào loài rồng. Các ngươi có thấy Sa-di Tu-ma-na tuổi vừa lên tám, ngồi thẳng tư duy, cách Ta không xa không?”
Các Tỳ-kheo thưa:
“Thật vậy, bạch Thế Tôn.”
Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Sa-di này, ngay sau đây bảy ngày sẽ đạt được bốn thần túc, cùng đắc pháp bốn đế, được tự tại trong bốn thiền, khéo tu bốn chánh đoạn. Sở dĩ như vậy là vì Sa-di Tu-ma-na này có lòng cung kính đối với Phật, Pháp và Thánh chúng. Vì vậy cho nên, các Tỳ-kheo hãy luôn luôn siêng năng cung kính Phật, Pháp và Thánh chúng. Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 3
[660a01] Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ, cùng với một nghìn hai trăm năm mươi đại Tỳ-kheo.
Bấy giờ, có Trưởng giả tên Cấp Cô Độc[216] lắm tiền nhiều của, vàng bạc, trân bảo, xa-cừ, mã não, trân châu, hổ phách, thủy tinh, lưu li, voi ngựa, trâu dê, nô tì, tôi tớ không thể kể hết. Lúc ấy, trong thành Mãn phú[217] có Trưởng giả tên Mãn Tài[218] cũng lắm tiền nhiều của, xa cừ, mã não, trân châu, hổ phách, thủy tinh, lưu li, voi ngựa, trâu dê, nô tì, tôi tớ không thể điếm hết. Thuở nhỏ, ông là bạn cũ tốt của Cấp Cô Độc, yêu kính nhau, chưa từng quên nhau. Trưởng giả Cấp Cô Độc thường xuyên có mấy nghìn vạn hàng hóa trân quý để mua bán trong thành Mãn phú kia, nhờ trưởng giả Mãn Tài quản lý, kinh doanh. Trưởng giả Mãn Tài cũng có mấy nghìn vạn hàng hóa trân quý để mua bán tại trong thành Xá-vệ, nhờ trưởng giả Cấp Cô Độc quản lý, kinh doanh.
Bấy giờ, Cấp Cô Độc có người con gái tên là Tu-ma-đề,[219] nhan sắc xinh đẹp như màu hoa đào, hiếm có trên đời. Trưởng giả Mãn Tài có một ít việc đến thành Xá-vệ, đến nhà trưởng giả Cấp Cô Độc. Đến nơi, ông ngồi trên chỗ ngồi dọn sẵn. Khi ấy, cô gái Tu-ma-đề từ trong phòng riêng ra. Trước tiên, cô quỳ lạy cha mẹ, sau quỳ lạy trưởng giả Mãn Tài, rồi về phòng riêng lại.
Trưởng giả Mãn Tài sau khi thấy con gái Tu-ma-đề nhan sắc xinh đẹp, như màu hoa đào hiếm có trên đời, bèn hỏi trưởng giả Cấp Cô Độc:
“Đây là con gái nhà ai?”
Cấp Cô Độc đáp:
“Cô gái vừa rồi là con đẻ của tôi.”
Trưởng giả Mãn Tài nói:
“Tôi có đứa con trai nhỏ chưa có hôn ước. Cô có thề làm dâu nhà tôi được không?”
Trưởng giả Cấp Cô Độc liền đáp:
“Việc này không nên.”
Trưởng giả Mãn Tài nói:
“Vì lẽ gì mà việc này không nên? Vì giòng họ hay vì của cải?”
Trưởng giả Cấp Cô Độc đáp:
“Giòng họ, của cải, đều tương xứng. Nhưng việc ông thờ phụng thần linh không giống với tôi. Con gái tôi thờ Phật, đệ tử Thích-ca. Còn các ông thờ dị học ngoại đạo. Vì vậy cho nên không theo ý ông được.”
Trưởng giả Mãn Tài nói:
“Việc thờ phụng của chúng tôi, chúng tôi sẽ tế tự riêng. Việc thờ ai của con gái ngài, cô ấy sẽ tự cúng dường riêng.”
Trưởng giả Cấp Cô Độc đáp:
“Con gái tôi nếu phải gả cho nhà ông, tài bảo [660b01] bỏ ra không thể kể xiết. Trưởng giả phải bỏ ra tài bảo không thể kể hết.”
Trưởng giả Mãn Tài nói:
“Nay ông đòi bao nhiêu tài bảo?”
Trưởng giả Cấp Cô Độc đáp:
“Nay tôi cần sáu vạn lượng vàng.”
Trưởng giả Mãn Tài liền trao ngay cho sáu vạn lượng vàng. Trưởng giả Cấp Cô Độc lại nghĩ thầm: “Ta đã tìm cách từ khước trước, nhưng vẫn không thể ngăn cản được.” Ông nói với Trưởng giả kia rằng:
“Nếu tôi gả con gái, tôi phải đi hỏi Phật. Nếu Thế Tôn có dạy bảo điều gì, tôi sẽ làm theo.”
Bấy giờ, trưởng giả Cấp Cô Độc lấy cớ có công việc cần đi một lát. Ông ra khỏi cửa, đi đến chỗ Thế Tôn. Đến nơi, đảnh lễ sát chân Phật, rồi đứng qua một bên. Bấy giờ, trưởng giả Cấp Cô Độc bạch Thế Tôn:[220]
“Con gái Tu-ma-đề của con được trưởng giả Mãn Tài trong thành Mãn phú cầu hôn. Con có nên gả hay không nên gả?”
Thế Tôn bảo:
“Nếu con gái Tu-ma-đề về nước kia, sẽ mang lại nhiều lợi ích, độ thoát nhân dân không thể kể hết.”
Bấy giờ, trưởng giả Cấp Cô Độc nghĩ thầm: “Thế Tôn đã dùng trí phương tiện bảo nên gả sang nước kia.” Rồi ông đảnh lễ sát chân Phật, nhiễu quanh Phật ba vòng, và cáo lui. Về đến nhà, ông sai bày biện các loại đồ ăn thức uống ngon ngọt thết đãi trưởng giả Mãn Tài.
Trưởng giả Mãn Tài nói:
“Tôi đâu cần sự ăn uống này. Nhưng ông có gả con gái cho con tôi?”
Trưởng giả Cấp Cô Độc nói:
“Đã muốn vậy, tôi thuận theo ý ông. Mười lăm ngày sau bảo con trai ông đến đây.”
Nói những lời như vậy xong, cáo lui từ giả.
Bấy giờ, Trưởng giả Mãn Tài sửa soạn đầy đủ những vật cần thiết, đi xe lông chim đến trong khoảng tám mươi do tuần[221]. Trưởng giả Cấp Cô Độc lại trang điểm cho con gái mình, tắm gội xông hương, đánh xe lông chim đưa con gái đi đón con trai trưởng giả Mãn Tài. Giữa đường họ gặp nhau. Khi trưởng giả Mãn Tài nhận được cô gái, ông liền đưa về trong thành Mãn phú.
Bấy giờ, nhân dân trong thành Mãn phú có ra hạn chế: “Trong thành này, nếu có người nữ nào đem gả cho người nước khác thì sẽ chịu hình phạt nặng. Nếu lại đến nước khác hỏi vợ đem vào nước thì cũng chịu hình phạt nặng.” Trong nước ấy có sáu nghìn bà-la-môn. Người trong nước đều tuân theo hạn chế này. Có điều lệ: “Nếu ai phạm luật thì phải đãi cơm cho sáu nghìn bà-la-môn.”
Bấy giờ, trưởng giả Mãn Tài tự biết mình đã phạm luật, nên đãi cơm cho sáu nghìn bà-la-môn. Song, món ăn của các bà-la-môn đều dùng thịt heo, canh thịt heo và [660c01] rượu được chưng lại. Y phục của các bà-la-môn thì hoặc bằng giạ trắng, hoặc bằng lông thú. Nhưng theo pháp của các bà-la-môn, khi vào nước thì phải lấy y vắt lên vai phải, để lộ nửa thân.
Bấy giờ, Trưởng giả bạch:
“Đã đến giờ, cơm nước đã đủ.”
Khi ấy, sáu nghìn bà-la-môn đều vắt xiêm y một bên, để lộ nửa thân, vào nhà Trưởng giả. Trưởng giả thấy các bà-la-môn đến, ông bò trên đầu gối đến rước đón, và làm lễ cung kính. bà-la-môn lớn nhất đưa tay khen tốt, ôm cổ trưởng giả, rồi đến chỗ ngồi. Các bà-la-môn khác tùy theo thứ lớp mà ngồi.
Sau khi sáu nghìn bà-la-môn đã định chỗ ngồi xong, trưởng giả bảo cô Tu-ma-đề rằng:
“Con hãy sửa soạn ra làm lễ thầy chúng ta.”
Cô Tu-ma-đề thưa:
“Thôi, thôi, Đại gia! Con không thể làm lễ những vị khỏa thân được.”
Trưởng giả nói:
“Đây không phải là những vị khỏa thân, không biết xấu hổ. Nhưng những y phục mặc này là pháp phục của họ.”
Cô Tu-ma-đề thưa:
“Đây là những người không biết hổ thẹn, tất cả đều để lộ thân hình ra bên ngoài. Có dùng pháp phục gì đâu. Xin Trưởng giả nghe con. Thế Tôn cũng nói có hai nhân duyên của sự mà người đời quí là có tàm, có quý. Nếu không có hai sự này, năm thân: cha, mẹ, anh, em, giòng họ, thảy đều không phân biệt người trên, kẻ dưới. Nếu như vậy cũng đồng như các loài gà, chó, heo, dê, lừa, loa, đều không có tôn ti. Do có hai pháp này ở thế gian nên biết có tôn ti trật tự. Nhưng những người này bỏ hai pháp này, giống như cùng loại với gà, chó, heo, dê, lừa, loa. Thật tình con không thể làm lễ họ được.”
Chồng Tu-ma-đề bảo vợ:
“Nay cô hãy đứng lên làm lễ thầy chúng ta. Những vị này đều là Trời mà tôi phụng sự.”
Cô Tu-ma-đề đáp:
“Hãy thôi đi công tử. Tôi không thể làm lễ những người lõa hình không biết hổ thẹn này. Nay tôi là người làm lễ lừa, chó sao!”
Người lại chồng nói:
“Thôi, thôi, quí nữ, chớ nói vậy. Hãy giữ miệng cô, chớ có xúc phạm. Họ cũng chẳng phải lừa, lại chẳng phải dối gạt, nhưng những thứ họ đang mặc chính là pháp y.”
Bấy giờ, cô Tu-ma-đề rơi lệ khóc lóc, nhan sắc biến đổi, và nói như vầy:
“Cha mẹ năm thân của tôi thà chịu hủy hoại thân hình, phân thây năm đoạn[222] mà chết, nhất định không rơi vào tà kiến này.”
Lúc đó, sáu nghìn bà-la-môn, đồng lớn tiếng nói:
“Thôi, thôi, Trưởng giả! [661a01] Có gì khiến con tiện tì này mắng chửi như vậy? Nếu có thỉnh mời, đúng giờ hãy bày biện đồ ăn thức uống ra đi!”
Trưởng giả cùng chồng Tu-ma-đề bấy giờ bày biện thịt heo, canh thịt heo, rượu chưng lại, khiến sáu nghìn bà-la-môn đều ăn đầy đủ. Các bà-la-môn ăn xong, bàn luận chút ít, rồi đứng lên ra về.
Khi ấy, trưởng giả Mãn Tài ở trên lầu cao, phiền oán sầu hận, ngồi tư duy một mình: “Nay ta đem cô gái này về liền bị phá nhà, không khác nào làm nhục nhà cửa ta.” Trong lúc đó, có bà-la-môn tên Tu-bạt, đã đạt ngũ thông và đắc tứ thiền. Trưởng giả Mãn Tài tỏ ra quí trọng. bà-la-môn Tu-bạt nghĩ thầm: “Ta cùng trưởng giả xa nhau đã lâu ngày, nay hãy ghé thăm.” Bà-la-môn vào thành Mãn Phú đến nhà Ttrưởng giả, hỏi người giữa cửa rằng:
“Trưởng giả nay đang làm gì?”
Người giữa cửa đáp:
“Trưởng giả ở trên lầu, đang rất sầu ưu. Rất không thể nói chuyện.”
Bà-la-môn bèn đi tắt lên trên lầu, gặp trưởng giả. Bà-la-môn hỏi trưởng giả:
“Cớ gì mà ông sầu ưu đến như vậy? Không phải bị huyện quan, trộm cướp, tai biến nước lửa gây ra chăng? Cũng không phải trong nhà không hòa thuận chăng?”
Trưởng giả đáp:
“Không có tai biến huyện quan, trộm cướp. Nhưng trong gia đình có chút chuyện nhỏ không như ý.”
Bà-la-môn hỏi:
“Mong được nghe câu chuyện ấy, và do bởi duyên cớ gì.”
Trưởng giả đáp:
“Hôm qua, tôi cưới vợ cho con trai, lại phạm luật nước, thân tộc bị nhục. Có mời các thầy đến nhà, bảo vợ con trai ra làm lễ mà nó không vâng lời.”
Bà-la-môn Tu-bạt nói:
“Cưới hỏi gần xa, nhà cô này ở nước nào?”
Trưởng giả đáp:
“Cô này là con gái của trưởng giả Cấp Cô Độc trong thành Xá-vệ.”
Khi bà-la-môn Tu-bạt nghe những lời này rồi, ngạc nhiên kinh dị, hai tay bịt tai nói rằng:
“Ối chao! Trưởng giả! Quá kỳ lạ! Chuyện hiếm có! Cô này vẫn còn sống, không tự sát, không gieo mình xuống lầu, thì thật là may lớn. Vì sao vậy? Vì Thầy mà cô này phụng thờ đều là người phạm hạnh. Hôm nay mà còn sống thì thật là chuyện lạ!”
Trưởng giả nói:
“Tôi nghe những lời của ngài lại muốn phì cười. Vì sao vậy? Ngài là dị học ngoại đạo, tại sao khen ngợi hạnh của Sa-môn dòng họ Thích? Thầy của cô này phụng thờ có oai đức gì? Có thần biến gì?”
bà-la-môn đáp:
“Trưởng giả! Muốn nghe thần đức của Thầy cô này chăng? Nay tôi sẽ kể sơ nguồn gốc này.”
Trưởng giả nói:
“Mong được nghe [661b01] nói về điều đó.”
bà-la-môn nói:
“Trước kia, khi sống tại bắc Tuyết sơn, tôi đi khất thực trong nhân gian. Được thức ăn rồi, tôi bay đến suối A-nậu-đạt. Lúc trời, rồng, quỷ thần ở đó từ xa thấy tôi đến, đều cầm đao kiếm đến chỗ tôi cùng bảo tôi rằng: ‘Tiên sĩ Tu-bạt, chớ đến bên suối này, chớ làm bẩn suối này. Nếu không nghe lời ta, ta lấy ngay mạng sống của ông.’
“Tôi nghe những lời này, liền đi khỏi suối này không xa mà ăn. Trưởng giả nên biết, Thầy cô này phụng thờ có người đệ tử nhỏ nhất tên là sa-di Quân-đầu.[223] Sa-di này cũng đến bắc Tuyết sơn nầy khất thực, bay đến suối A-nậu-đạt, tay cầm y người chết ở nghĩa trang dính dầy máu nhơ. Khi ấy, đại thần A-nậu-đạt, trời, rồng, quỷ thần, đều đứng dậy tiến lên cung kính nghinh đón thăm hỏi: Xin chào thầy của loài người. Ngài có thể ngồi đây. Sa-di Quân-đầu đến bên suối nước.
“Lại nữa, trưởng giả, chính giữa suối nước hiện có cái bàn vàng ròng. Sa-di Quân-đầu lấy y người chết này ngâm vào trong nước, sau đó ngồi ăn. Ăn xong, rửa bát, rồi ngồi kiết già ở trên bàn vàng, chánh thân chánh ý, buộc niệm trước mặt, nhập vào sơ thiền. Từ sơ thiền xuất, nhập vào nhị thiền. Từ nhị thiền xuất, nhập vào tam thiền. Từ tam thiền xuất, nhập vào tứ thiền. Từ tứ thiền xuất, nhập vào không xứ. Từ không xứ xuất, nhập vào thức xứ. Từ thức xứ xuất, nhập vào vô sở hữu xứ. Từ vô sở hữu xứ xuất, nhập vào phi tưởng phi phi tưởng xứ. Từ phi tưởng phi phi tưởng xứ, nhập vào diệt tận định. Từ diệt tận định xuất, nhập vào diễm quang tam-muội. Từ diễm quang tam-muội xuất, nhập vào thủy khí tam-muội. Từ thủy khí tam-muội xuất, nhập vào diễm quang tam-muội. Kế đó, lại nhập vào diệt tận định, lại nhập vào phi tưởng phi phi tưởng xứ tam-muội, lại nhập vô sở hữu xứ tam-muội, lại nhập thức xứ tam-muội, lại nhập không xứ tam-muội, lại nhập tứ thiền, lại nhập tam thiền, lại nhập nhị thiền, lại nhập sơ thiền. Từ sơ thiền xuất mà giặt y người chết. Lúc ấy, trời, rồng, quỷ thần hoặc giúp vò đạp y, hoặc lấy nước, hay lấy nước uống. Giặt y xong, đem phơi nơi chỗ trống. Sau khi thu xếp y xong, Sa-di kia liền bay lên không trung, trở về chỗ ở.
“Trưởng giả nên biết, lúc đó tôi chỉ từ xa [661c01] nhìn thấy chứ không được gần. Thầy của cô này phụng sự, mà đệ tử nhỏ nhất còn có thần lực này, huống chi là những vị đại đệ tử, làm sao ai có thể sánh bằng? Huống chi vị Thầy kia là Như Lai Chí chơn, Chánh đẳng Chánh giác, ai có thể sánh kịp? Xét nghĩa này xong, nên tôi nói: Thật là kỳ lạ, cô này có thể không tự sát, không dứt mạng căn!”
Lúc đó, trưởng giả nói với bà-la-môn rằng:
“Chúng tôi có thể gặp được Thầy của cô ta phụng thờ chăng?”
Bà-la-môn đáp:
“Có thể hỏi lại cô ấy.”
Trưởng giả bèn hỏi cô Tu-ma-đề:
“Nay ta muốn được gặp Thầy mà con phụng thờ. Con có thể thỉnh về đây được không?”
Sau khi nghe xong, cô vui mừng hớn hở, không tự chế được, liền nói:
“Xin chuẩn bị đồ ăn thức uống đầy đủ. Ngày mai, Như Lai sẽ đến đây cùng với Tăng Tỳ-kheo.”
Trưởng giả bảo:
“Nay con tự mời, ta không biết cách.”
Bấy giờ, con gái trưởng giả tắm gội thân thể, tay bưng lò hương lên trên lầu cao, chấp tay hướng về Như Lai mà bạch:
“Nguyện xin Thế Tôn, đấng Vô năng kiến đảnh,[224] mong quán sát rõ nơi này. Nhưng Thế Tôn không việc gì không biết, không việc gì không xét. Nay con đang ở chỗ nguy khốn này, cúi xin Thế Tôn quán sát rõ cho.”
Rồi cô tán thán bằng bài kệ này:
Con mắt Phật quán sát,
Thấy khắp nơi thế gian.
Hàng phục quỷ, thần vương;
Hàng phục qủy tử mẫu.
Như quỉ ăn người kia,
Lấy ngón tay làm chuổi;
Sau lại muốn hại mẹ
Nhưng bị Phật hàng phục.
Lại nơi thành La-duyệt,
Voi dữ muốn đến hại,
Thấy Phật, tự qui phục.
Chư thiên khen lành thay!
Lại đến nước Mã-đề,
Gặp long vương hung ác;
Thấy lực sĩ Mật-tích,
Long vương tự qui phục.
Biến hóa kể không hết,
Đều đưa vào đạo chánh.
Nay con lại gặp nguy
Cúi xin Phật đoái hoài.
Bấy giờ hương như mây,
Lơ lững giữa hư không,
Xâm nhập khắp Kỳ-hoàn,
Hiện ở trước Như Lai.
Chư Thích giữa hư không
Vui mừng mà làm lễ.
[662a01] Lại thấy hương trước mặt,
Tu-ma-đề thỉnh cầu.
Mưa xuống nhiều loại hoa,
Không làm sao kể hết.
Tràn khắp rừng Kỳ-hoàn,
Như Lai cười phóng quang.
Bấy giờ, A-nan thấy trong Kỳ-hoàn có mùi hương vi diệu, bèn đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên. A-nan bạch Thế Tôn:
“Cúi xin Thế Tôn, đây là loại hương gì mà lan khắp trong tinh xá Kỳ-hoàn?”
Thế Tôn bảo:
“Hương này là do sứ giả của Phật mang điều thỉnh cầu của cô Tu-ma-đề trong thành Mãn phú. Nay ngươi hãy gọi các Tỳ-kheo họp hết một chỗ mà bốc xá-la[225] và ra lệnh này: ‘Các Tỳ-kheo A-la-hán lậu tận, đắc thần túc hãy nhận thẻ. Sáng ngày mai hãy đến trong thành Mãn phú nhận lời thỉnh của Tu-ma-đề.’”
A-nan bạch Phật:
“Kính vâng Thế Tôn!”
A-nan nhận vâng lời Thế Tôn, họp các Tỳ-kheo tại giảng đường Phổ hội, nói:
“Các vị nào đắc đạo A-la-hán thì hãy lấy thẻ. Ngày mai đến nhận thỉnh cầu của Tu-ma-đề.”
Ngay lúc đó, một Thượng tọa trong chúng Tăng, tên là Quân-đầu-ba-hán[226] đắc Tu-đà-hoàn, kết sử chưa diệt tận, không được thần túc. Thượng tọa này nghĩ thầm: ‘Nay trong đại chúng, ta là hàng Thượng tọa lớn, mà kết sử lại chưa dứt, chưa được thần túc. Ngày mai, ta không được đến trong thành Mãn phú thọ thực. Song, trong chúng của Như Lai, vị Sa-di hạ tọa nhỏ nhất tên là Quân-đầu, người có thần túc, có đại oai lực, được đến đó thọ thỉnh. Nay ta cũng nên đến kia thọ thỉnh.”
Bấy giờ, Thượng tọa dùng tâm thanh tịnh, nơi địa vị hữu học mà nhận thẻ. Lúc đó, Thế Tôn, bằng thiên nhãn thanh tịnh, thấy Quân-đầu-ba-hán đang tại địa vị hữu học mà nhận thẻ tức thì đạt được được vô học, Thế Tôn liền bảo các Tỳ-kheo:
“Trong đệ tử của Ta, người nhận thẻ đệ nhất chính là Tỳ-kheo Quân-đầu-ba-hán vậy.”
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo thần túc: Đại Mục-kiền-liên, Đại Ca-diếp, A-na-luật, Ly-việt, Tu-bồ-đề, Ưu-tỳ Ca-diếp, Ma-ha Ca-thất[227]-na, Tôn giả La-hầu-la, Châu-lợi Bàn-đặc, cùng Sa-di Quân-đầu, các vị dùng thần túc đến trong thành kia trước.
Các Tỳ-kheo đáp:
“Kính vâng, Thế Tôn!”
Lúc ấy, người giúp việc của Tăng tên là Càn-trà, sáng sớm hôm sau thân vác chõ lớn bay trên không trung đến thành kia. Lúc đó, Trưởng giả này cùng dân chúng lên trên lầu cao muốn xem Thế Tôn, từ xa nhìn thấy người giúp việc của Tăng thân vác chõ đến. Trưởng giả bèn nói với cô gái bằng bài kệ này:
Người áo trắng, tóc,
Thân hiện như gió cuốn,
Mình trần, nhanh như gió.
Thầy con đó, phải chăng?
Cô đáp lại bằng bài kệ:
Chẳng phải đệ tử Phật.
Người giúp việc của Phật.
Đủ ngũ thông, ba đường.
Người này tên Càn-trà.
Bấy giờ, người giúp viêc là Càn-trà nhiễu quanh thành ba vòng, rồi đến nhà Trưởng giả.
Cũng lúc đó Sa-di Quân-đầu hóa làm năm trăm cây hoa có đủ màu sắc, thảy đều nở rộ, màu sắc rất đẹp, như hoa sen ưu-bát. Những loại hoa như vậy không thể kể hết, tất cả đều được mang đến thành kia. Khi Trưởng giả từ xa nhìn thấy Sa-di đến, lại dùng kệ này để hỏi:
Ngần ấy loại bông hoa,
Đều ở trong hư không;
Lại có người thần túc:
Có phải thầy con không?
Bấy giờ, cô lại dùng kệ đáp:
Trước, Tu-bạt có nói,
Vị Sa-di trên suối.
Đó chính là người này.
Thầy là Xá-lợi-phất.
Sa-di Quân-đầu khi ấy nhiễu quanh thành ba vòng rồi đến nhà Trưởng giả. Cũng lúc đó, Tôn giả Bàn-đặc hóa làm năm trăm con bò; lông phủ toàn xanh, ngồi kiết già trên lưng bò, đến thành kia. Khi Trưởng giả từ xa nhìn thấy Tôn giả đến, lại dùng kệ này để hỏi cô:
Các đàn bò lớn này,
Lông phủ toàn màu xanh.
Ngồi một mình trên lưng:
Đây là Thầy con chăng?
Cô lại dùng kệ đáp:
Hay hóa nghìn Tỳ-kheo
Tại trong vườn Kỳ-vực;
Tâm thần rất là sáng.
Đây gọi là Bàn-đặc.
Tôn giả Châu-lợi Bàn-đặc khi ấy nhiễu quanh thành kia ba vòng, rồi đến nhà Trưởng giả.
Cũng lúc đó, La-hầu-la lại hóa làm năm trăm khổng tước đủ các loại màu sắc, [662c01] ngồi kiết già ở trên, đến thành kia. Trưởng giả trông thấy rồi, lại dùng kệ này để hỏi cô:
Năm trăm khổng tước này
Màu sắc nó thật đẹp.
Như đại tướng quân kia,
Đây là Thầy con chăng?
Thời cô dùng kệ này đáp:
Cấm giới Như Lai lập,
Tất cả đều không phạm;
Vị ấy nghiêm trì giới,
Là La-hầu-la, con Phật.
La-hầu-la khi ấy nhiễu quanh thành ba vòng, rồi đến nhà Trưởng giả.
Cũng lúc đó, Tôn giả Ca-thất-na hóa làm năm trăm chim cánh vàng cực kỳ dũng mãnh, ngồi kiết già ở trên, đến thành kia. Sau khi Trưởng giả từ xa trông thấy rồi, lại dùng kệ này để hỏi cô:
Năm trăm chim cánh vàng,
Cực kỳ là dũng mãnh;
Ngồi trên, không sợ hãi:
Đây là Thầy con chăng?
Thời cô dùng kệ đáp:
Hay hành thở ra vào
Tâm luân chuyển hành thiện
Sức tuệ thật dũng mãnh
Đó là Ca-thất-na.
Tôn giả Ca-thất-na khi ấy nhiễu quanh thành ba vòng, rồi đến nhà Trưởng giả.
Cũng lúc đó, Ưu-tỳ Ca-diếp hóa làm năm trăm con rồng, thảy đều có bảy đầu, ngồi kiết già ở trên, đến thành kia. Trưởng giả từ xa trông thấy rồi, lại dùng kệ này hỏi cô:
Nay rồng bảy đầu này,
Tướng mạo thật đáng sợ.
Người đến nhiều vô kể.
Đây là Thầy con chăng?
Thời cô đáp:
Thường có nghìn đệ tử,
Thần túc hóa Tỳ-sa.[228]
Ngài Ưu-tỳ Ca-diếp
Chính thật là người này.
Ưu-tỳ Ca-diếp khi ấy nhiễu quanh thành ba vòng, rồi đến nhà Trưởng giả.
Cũng lúc đó, Tôn giả Tu-bồ-đề hóa làm núi lưu ly, rồi vào trong ngồi kiết già, đến thành kia. Sau khi Trưởng giả từ xa trông thấy rồi, dùng kệ này hỏi cô:
Núi này thật là đẹp,
Làm toàn màu lưu ly.
[663a01]Hiện ngồi ở trong hang,
Đây là Thầy con chăng?
Thời cô lại dùng kệ này đáp:
Vốn do báo bố thí,
Nay được công đức này.
Đã thành ruộng phước tốt
Tu-bồ-đề, tỏ Không.
Tu-bồ-đề khi ấy nhiễu quanh thành ba vòng, rồi đến nhà trưởng giả.
Cũng lúc đó, Tôn giả Đại Ca-chiên-diên lại hóa làm năm trăm con thiên nga, màu trắng tinh, đến thành kia. Sau khi trưởng giả từ xa trông thấy rồi, dùng kệ này hỏi cô:
Nay năm trăm thiên nga,
Màu sắc đều trắng tinh,
Đầy khắp trong hư không:
Đây là Thầy con chăng?
Thời cô lại dùng kệ này đáp:
Phân biệt nghĩa văn cú,
Những điều được Kinh thuyết;
Lại giảng tụ kết sử:
Đó là Ca-chiên-diên.
Tôn giả đại Ca-chiên-diên khi ấy nhiễu quanh thành ba vòng, rồi đến nhà trưởng giả.
Cũng lúc đó, Ly-việt hóa làm năm trăm con hổ, ngồi ở trên mà đến thành kia. Trưởng giả thấy rồi, dùng kệ này hỏi cô:
Nay, năm trăm hổ này
Toàn lông thật mượt đẹp
Có người ngồi ở trên:
Đây là thầy con chăng?
Thời cô lại dùng kệ này đáp:
Trước ở tại Kỳ-hoàn,
Sáu năm không di động;
Tối đệ nhất tọa thiền:
Đó gọi là Ly-việt.
Tôn giả Ly-việt khi ấy nhiễu quanh thành ba vòng, rồi đến nhà Trưởng giả.
Cũng lúc đó, Tôn giả A-na-luật hóa làm năm trăm sư tử rất là dõng mãnh, ngồi ở trên, đến thành kia. Sau khi Trưởng giả thấy rồi, dùng kệ này hỏi cô:
Năm trăm sư tử này
Dõng mãnh thật đáng sợ,
Người ngồi ở trên đó:
Đây là Thầy con chăng?
Thời cô lại dùng kệ đáp:
Lúc sinh, động trời đất;
Từ đất hiện trân bảo;
Mắt trong sạch không nhơ
A-na-luật, em Phật.
A-na-luật khi ấy nhiễu quanh thành ba vòng, rồi đến nhà Trưởng giả.
Cũng lúc đó, Tôn giả [663b01] Đại Ca-diếp hóa làm năm trăm tuấn mã, lông đuôi đều đỏ, được trang sức vàng bạc, ngồi ở trên, và làm cơn mưa hoa trời, đi đến thành kia. Trưởng giả từ xa trông thấy rồi, dùng kệ này hỏi cô:
Ngựa vàng, lông đuôi đỏ,
Số chúng có năm trăm,
Đó là vua Chuyển luân:
Đây là Thầy con chăng?
Cô lại dùng kệ đáp:
Hành đầu đà đệ nhất,
Hay thương kẻ bần cùng;
Như Lai nhường nửa tòa:
Đó là Đại Ca-diếp.
Đại Ca-diếp khi ấy nhiễu quanh thành ba vòng, rồi đến nhà Trưởng giả.
Cũng lúc đó, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên hóa làm năm trăm voi trắng, đều có sáu ngà, trang điểm vàng bạc, bảy chỗ bằng phẳng, ngồi ở trên mà đến, rồi phóng ánh sáng lớn đầy khắp thế giới, đến giữa hư không, tại thành kia, xướng kỹ nhạc vô số kể, mưa rơi các thứ tạp hoa, lại treo phướn lọng giữa hư không, thật là kỳ diệu. Sau khi Trưởng giả từ xa thấy rồi, dùng kệ hỏi cô:
Voi trắng có sáu ngà,
Ngồi trên như Thiên vương;
Nay nghe tiếng kỹ nhạc;
Chính Thích-ca Văn chăng?
Thời cô dùng kệ đáp:
Ở trên núi lớn kia,
Hàng phục rồng Nan-đà,
Vị thần túc đệ nhất,
Gọi là Đại Mục-liên.
Thầy con vẫn chưa lại.
Đây là chúng đệ tử.
Nay Thánh sư sẽ đến,
Ánh sáng chiếu mọi nơi.
Tôn giả Đại Mục-kiền-liên khi ấy nhiễu quanh thành ba vòng, đến nhà Trưởng giả.
Cũng lúc ấy, Thế Tôn biết đã đến giờ, khóac tăng-già-lê, bay trên hư không cách đất bảy nhẫn. Bên phải Như Lai là Tôn giả A-nhã-câu-lân, bên trái Như Lai là Tôn giả Xá-lợi-phất. Khi ấy, Tôn giả A-nan nương vào oai thần Phật, tay cầm phất tử ở phía sau Như Lai. Một nghìn hai trăm đệ tử vây quanh trước sau, Như Lai ở giữa các đệ tử có thần túc như: A-nhã-câu-lân hóa làm Nguyệt Thiên tử. Xá-lợi-phất hóa làm Nhật Thiên tử. [663c01] Các Tỳ-kheo có thần túc khác, hoặc hóa làm Thích Đề-hoàn Nhân, hoặc hóa làm Phạm thiên, hoặc có vị hóa làm Đề-đầu-lợi-tra, Tỳ-lưu-lặc, Tỳ-lưu-bác-xoa, hoặc hóa làm hình Tỳ-sa-môn lãnh đạo các quỷ thần, hoặc hóa làm hình Chuyển luân Thánh vương, hoặc có vị nhập hỏa quang tam-muội, hoặc có vị nhập thủy tinh tam-muội, hoặc có vị phóng quang, hoặc có vị phun khói, tạo ra các thứ thần túc. Lúc này, bên phải Như Lai Phạm Thiên vương, bên trái Như Lai Thích Đề-hoàn Nhân tay cầm phất tử, phía sau Như Lai lực sĩ Kim cang Mật Tích tay cầm chày kim cương, phía trên Như Lai ở giữa hư không Tỳ-sa-môn Thiên vương tay cầm lọng bảy báu, vì sợ có bụi bặm bám thân Như Lai. Cùng lúc này, Bà-giá-tuần tay cầm đàn lưu ly tán thán công đức Như Lai. Các thiên thần tất cả đều ở giữa hư không xướng lên nghìn vạn thứ kỹ nhạc, mưa tuôn các thứ hoa trời rải lên Như Lai.
Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc, trưởng giả Cấp Cô Độc và nhân dân trong thành Xá-vệ, đều thấy Như Lai ở giữa hư không cách mặt đất bảy nhẫn. Thấy vậy, tất cả vui mừng hớn hở, không tự chế được. Lúc ấy, trưởng giả Cấp Cô Độc liền nói kệ này:
Như Lai thật thần diệu,
Thương dân như con đỏ.
Vui thay! Tu-ma-đề,
Sẽ nhận pháp Như Lai.
Lúc bấy giờ, vua Ba-tư-nặc cùng trưởng giả Cấp Cô Độc rải các thứ danh hương và các thứ hoa.
Thế Tôn dẫn theo các chúng Tỳ-kheo vây quanh trước sau, cùng các thiên, thần không thể kể, tựa như phượng hoàng, ở giữa hư không, đi đến thành kia.
Bấy giờ, Ban-giá-tuần[229] dùng kệ tán thán Phật:
Kết sinh đã diệt tận,
Ý niệm không tán loạn,
Không bụi nhơ ngăn ngại
Mà vào đất nước kia.
Tâm tính thật trong sạch,
Đoạn ác niệm tà ma,
Công đức như biển lớn,
Nay vào đất nước kia.
Tướng mạo thật đặc thù,
Các sử không tái khởi
Vì kia không tự xứ,
Nay vào đất nước kia.
Đã vượt bốn giòng sâu,
Thoát khỏi sinh, già, chết;
Để đoạn gốc các hữu,
Nay vào đất nước kia.
[664a01] Lúc ấy, tTrưởng giả Mãn Tài nhìn thấy Thế Tôn từ xa đi lại, các căn Thế Tôn tịch tĩnh ít có, sạch như vàng ròng của trời; có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp biểu hiện ngoài thân; giống như núi Tu-di vượt trên các núi, cũng như khối vàng toả ánh sáng lớn. Khi ấy, Ttrưởng giả dùng kệ hỏi Tu-ma-đề:
Đây là ánh mặt trời?
Vẻ này chưa từng thấy.
Nghìn vạn ức tia sáng,
Chưa dám nhìn thẳng lâu.
Bấy giờ, cô Tu-ma-đề quỳ gối chấp tay hướng về Như Lai, dùng kệ này đáp Trưởng giả:
Mặt trời, phi mặt trời,
Mà phóng nghìn thứ sáng,
Vì tất cả chúng sanh:
Đó chính là Thầy con.
Thảy đều ngợi Như Lai
Như trước đã có nói.
Nay sẽ được quả lớn
Lại siêng cúng dường hơn.
Trưởng giả Mãn Tài khi ấy quỳ gối phải sát đất, lại dùng kệ khen Như Lai:
Tự qui đấng Mười Lực,
Thể sắc vàng viên quang;
Được trời người kính khen.
Nay con tự quy y.
Ngài là đấng Nhật Vương;
Như trăng sáng giữa sao,
Để độ người chưa độ.
Nay con tự quy y.
Ngài như tượng Thiên Đế,
Như tâm từ phạm hạnh,
Tự thoát, thoát chúng sanh.
Nay con tự quy y.
Tối tôn giữa trời người,
Trên vua các quỷ thần,
Hàng phục các ngoại đạo,
Nay con tự quy y.
Bấy giờ, cô Tu-ma-đề quỳ gối chấp tay, tán thán Thế Tôn:
Tự hàng, hàng phục người;
Tự chánh, lại chánh người;
Tự độ, độ người dân;
Đã giải, lại giải người.
Tự tịnh, khiến người tịnh,
Tự soi, soi quần sinh.
Không ai không được độ;
Dẹp đấu loạn, không tranh.
An trụ cực tịnh khiết;
Tâm ý không lay động.
[664b01] Mười Lực thương xót đời:
Con kính lễ lần nữa.
“Ngài có tâm từ, bi, hỉ, xả,* đầy đủ Không, Vô tướng, Vô nguyện.[230] Ở trong cõi dục là tối tôn đệ nhất. Trên tất cả trời. Bảy thánh tài đầy đủ. Các hàng trời, người, đấng Tự nhiên,[231] hàng Phạm sanh,[232] cũng không ai bằng, cũng không thể giống tướng mạo. Nay con tự quy y.”
Khi ấy, sáu nghìn bà-la-môn thấy Thế Tôn tạo ra mọi thần biến như thế, mọi người tự bảo nhau: “Chúng ta nên rời nước này dời đến nước khác. Sa-môn Cù-đàm này đã hàng phục nhân dân trong nước này.” Sáu nghìn bà-la-môn lúc đó liền đi ra khỏi nước, không trở lại nước này nữa. Giống như sư tử vua loài thú ra khỏi sơn cốc, nhìn quanh bốn hướng, rồi rống lên ba tiếng mới đi tìm mồi. Các loài thú đều tìm đường bỏ chạy mà không biết chạy đi đâu, bay tìm chỗ núp kín. Hoặc ngay đến voi có thần lực nghe tiếng sư tử, chúng cũng tìm đường bỏ chạy không thể tự yên. Vì sao vậy? Vì Sư tử, vua loài thú thật có oai thần. Ở đây cũng vậy, sáu nghìn bà-la-môn kia nghe tiếng Thế Tôn, thảy đều bỏ chạy, không tự yên được. Vì sao vậy? Vì Sa-môn Cù-đàm có oai lực lớn.
Bấy giờ, Thế Tôn xả thần túc, đi bình thường, vào trong thành Mãn Phú. Khi chân Thế Tôn vừa đạp lên ngưỡng cửa, ngay đó trời đất chấn động mạnh. Các chư thiên, tôn thần rải hoa cúng dường. Nhân dân khi thấy dung nhan Thế Tôn các căn tịch tĩnh, có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp hiển hiện, họ liền nói kệ này:
Lưỡng túc tôn vi diệu;
Bà-la-môn không dám đương.
Vô cớ thờ bà-la-môn,
Mất đấng Nhân trung tôn.
Thế Tôn khi đến nhà Trưởng giả, tới chỗ ngồi mà ngồi. Bấy giờ, nhân dân nước kia thật là đông đảo. Nhà trưởng giả lúc ấy có tám vạn bốn nghìn người dân, tất cả đều vân tập, để nhìn Thế Tôn cùng chúng Tăng, khiến nhà cửa của nhà Trưởng giả muốn sụp đổ. Bấy giờ, Thế Tôn nghĩ: “Nhân dân ở đây ắt có gây thiệt hại. Ta nên dùng thần túc khiến cho nhân dân cả nước thấy thân Ta cùng Tăng Tỳ-kheo.”
Rồi Thế Tôn liền hoá nhà cửa trưởng giả thành sắc lưu ly, trong ngoài thấy nhau, giống như xem châu trong bàn tay. Khi ấy, cô Tu-ma-đề đến trước Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, buồn vui lẫn lộn, liền nói [664c02] kệ này:
Đấng Nhất thiết trí trọn đủ,
Độ tận tất cả pháp,
Đã đoạn kết dục ái;
Nay con tự quy y.
Thà cho cha mẹ con,
Huỷ hoại đôi mắt con;
Chớ để con đến đây,
Trong ngũ nghịch, tà kiến.
Xưa tạo duyên ác nào,
Nên bị đến nơi này?
Như chim vào lưới bẩy.
Nguyện dứt kết nghi này.
Bấy giờ, Thế Tôn lại dùng kệ đáp cô rằng:
Nay con chớ lo sầu,
Định tĩnh tự mở ý.
Cũng đừng khởi tưởng chấp.
Nay Như Lai sẽ giảng.
Con vốn không do tội
Mà khiến phải đến đây.
Vì quả báo thệ nguyện
Muốn độ chúng sanh này.
Nay hãy nhổ gốc rễ,
Không đọa ba đường ác.
Hàng nghìn loài chúng sanh
Con sẽ được độ trước.
Ngày nay hãy trừ sạch,
Khiến mắt trí tỏ sáng;
Khiến cho loài trời người,
Thấy con như xem châu.
Cô Tu-ma-đề nghe những lời này xong, vui mừng hớn hở không kể xiết được.
Bấy giờ, trưởng giả đem người hầu của mình theo cung cấp đồ ăn thức uống, những món ngon ngọt. Thấy Thế Tôn ăn xong, đã dùng nước rửa, ông bèn lấy một ghế nhỏ ngồi trước Như Lai, cùng các người tuỳ tùng và tám vạn bốn nghìn chúng đều lần lượt ngồi, hoặc có người tự xưng tên họ mà ngồi. Thế Tôn lần lượt nói các đề tài vi diệu cho trưởng giả và tám vạn bốn nghìn nhân dân kia. Các đề tài luận về giới, luận về thí, luận về sinh thiên, dục là tưởng bất tịnh, là hữu lậu ô uế, xuất gia là con đường xuất yếu.
Thế Tôn khi thấy trưởng giả và cô Tu-ma-đề cùng tám vạn bốn nghìn nhân dân tâm ý khai mở, nên các pháp khổ, tập, diệt, đạo mà chư Phật Thế Tôn thường thuyết; Thế Tôn đều thuyết cả cho chúng sanh ở đây. Mọi người ngay trên chỗ ngồi mà sạch hết các trần cấu, được pháp nhãn thanh tịnh. Giống như vải cực trắng sạch dễ nhuộm màu. Ở đây cũng như vậy, trưởng giả Mãn Tài, cô Tu-ma-đề và tám vạn bốn nghìn nhân dân sạch hết các trần cấu, được pháp nhãn thanh tịnh, không còn hồ nghi, được không sợ hãi, thảy đều tự quy y Tam bảo, thọ trì ngũ giới. Bấy giờ, cô Tu-ma-đề ở trước Phật nói kệ này:
Như Lai tai trong suốt,
Nghe con gặp khổ này,
Giáng thần đến đây rồi,
Mọi người được pháp nhãn.
Thế Tôn nói pháp xong, từ chỗ ngồi đứng dậy, trở về trú xứ. Khi ấy, các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Cô Tu-ma-đề vốn đã tạo nhân duyên gì mà sinh trong nhà phú quý? Lại tạo nhân duyên gì mà rơi vào nhà tà kiến này? Lại tạo công đức lành nào, nay được pháp nhãn thanh tịnh? Lại tạo công đức nào khiến tám vạn bốn nghìn người đều được pháp nhãn thanh tịnh?”
Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Quá khứ lâu xa trong Hiền kiếp này, có Phật Ca-diếp, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật Thế tôn. Ngài ở tại nước Ba-la-nại, đi du hoá nơi này, cùng chúng hai vạn đại Tỳ-kheo.
Bấy giờ, có vua tên Ai Mẫn, có con gái tên Tu-ma-na. Cô này rất có tâm cung kính hướng về Như Lai Ca-diếp, vâng giữ giới cấm, thường thích bố thí, và cúng dường bốn việc. Thế nào là bốn? Một là bố thí, hai là ái kính, ba là lợi người, bốn là đồng lợi.[233]
Cô ở chỗ Như Lai Ca-diếp mà tụng Pháp cú. Ở trên lầu cao, lớn tiếng tụng tập, phát nguyện rộng lớn này: “Con hằng có pháp bốn nhiếp thọ[234] này; lại ở trước Như Lai mà tụng Pháp cú. Trong đó nếu có chút phước nào, cầu cho con sinh vào chỗ nào, không rơi vào ba đường dữ, cũng không rơi vào nhà nghèo; đời vị lai cũng sẽ lại gặp bậc tối tôn như vầy. Khiến cho con chẳng chuyển đổi thân nữ mà được pháp nhãn thanh tịnh.” Nhân dân trong thành sau khi nghe vương nữ thệ nguyện như vậy đều cùng tụ tập đến chỗ vương nữ, nói:
“Hôm nay, Vương nữ rất là chí tín, tạo các công đức, bốn sự[235] không thiếu: Bố thí, kiêm ái, lợi người, đồng lợi. Lại phát thệ nguyện, mong đời sau gặp bậc như vậy, thuyết pháp cho nghe để được pháp nhãn thanh tịnh. Hôm nay, Vương nữ đã phát thệ nguyện, cùng với nhân dân cả nước chúng tôi đồng thời được độ.”
Bấy giờ, Vương nữ đáp:
“Tôi đem công đức này cùng thí đến các [665b01] người. Nếu gặp Như Lai thuyết pháp, sẽ cùng lúc được độ.
“Tỳ-kheo, các ngươi há có nghi sao? Chớ quán sát vậy. Vua Ai Mẫn lúc ấy, nay chính là trưởng giả Tu-đạt. Vương nữ lúc ấy, nay chính là Tu-ma-đề. Nhân dân trong nước lúc ấy, nay chính là tám vạn bốn nghìn chúng. Do thệ nguyện kia, nay gặp thân Ta, nghe pháp đắc đạo; cùng nhân dân kia đều được pháp nhãn thanh tịnh. Hãy ghi nhớ phụng hành ý nghĩa này. Vì sao vậy? Vì bốn sự này là ruộng phước tốt nhất. Nếu có Tỳ-kheo nào thân cận bốn sự, liền được bốn đế. Nên cầu phương tiện thành tựu pháp bốn sự. Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.[236]


Chú thích:
[211] Ba-sa sơn 波沙山.
[212] Tu-đà 須陀. Skt. Sodayin; xem cht. 5 dưới.
[213] Thọ, tức thủ hay chấp thủ. Pāli upādāna.
[214] Hữu tự, vô tự 有字無字; chưa rõ. Có lẽ Skt. sa-akṣaya (sa-akkhaya): hữu tận nhưng Hán đọc là sa-akṣara: hữu tự.
[215] Cf. Câu-xá 14 (T29n1558, tr. 74c1): Tô-đà-di 蘇陀夷, đắc giới cụ túc do khéo trả lời. Câu-xá luận ký 14 (T41n1821, tr. 222b25), và Câu-xá luận sớ 14 (T41n1822, tr. 643c23) đều nói, sa-di Tô-đà-di mới 7 tuổi đắc giới cụ túc, do khéo trả lời. Phật hỏi Tô-đà-di: “Nhà ngươi ở đâu?” Tô-đà-di đáp: “Ba cõi không nhà.” Skt. Sodāyin (Kośa-bhāṣya). Không tìm thấy đồng nhất trong văn hệ Pāli.
[216] A-na-bân-để.
[217] Mãn phú 滿富, xem cht. 8 dưới.
[218] Mãn Tài 滿財. No 130: Trưởng giả Mô-thi-la 謨尸羅, thành Phước tăng 福增. No 129 nói ông này là quốc vương của Nan quốc 難國王, tên là Phân-pha-đàn 分陂檀. Cf. Dvy. 402, tên thành phố này là Puṇḍavardhana (Mãn phú), mà No 130 đọc là Puṇyavardhana (Phước tăng).
[219] Tu-ma-đề 修摩提. No 130: Thiện Vô Độc 善無毒. N0 129: Tam-ma-kiệt 三摩竭. Dvy. 402, cô này tên là Sumāgadhā. Pāli: Cūḷa-Subhaddhā.
[220] Truyền thuyết Pāli. Sớ giải Dhp. iii. 465, nói ông là phú hộ Ugga ở thị trấn Ugganagara. Sớ giải A. IV 24 Kāḷakārāmasutta, sớ giải nói, ông này là Kāḷaka ở Sāketa.
[221] Do-diên.
[222] Để bản: ngũ khắc 五刻. TNM: Ngũ ngoan. Hình phạt chặt 2 tay, 2 chân và chém đầu.
[223] Quân-đầu sa-di. Xem cht 31 kinh 9 phẩm 26.
[224] Vô năng kiến đảnh còn gọi là Vô kiến đảnh tướng, 1 trong 80 tùy hình hảo, vẻ đẹp của Phật.
[225] Phát thẻ nhận phần đi phó trai. Pāli: Salākā.
[226] Quân-đầu-ba-hán 君頭波漢, trên kia phiên âm là Quân-đầu-bà-mạc. Xem kinh 3 phẩm 4, cht 26.
[227] Để bản: thất. Bản Tống: Tthuật.
[228] Tỳ-sa, vua Bình-sa (Tần-bà-sa-la; Pāli: Bimbisāra).
[229] Ban-giá-tuần, Ngũ kế nhạc thần, một càn-thát-bà, thần âm nhạc của Đế Thích. Pāli: Pañcasikha.
[230] Để bản: Không, Vô tướng, Nguyện; có nhảy sót.
[231] Tự nhiên 自然, Skt. svayaṃbhū, từ khác chỉ Phạm thiên (Brahman), tự sinh. Skt.
[232] Phạm sanh 梵生, Skt. Brahmaja, được sinh bởi Brahman, chỉ hàng chư thiên thượng đẳng.
[233] Bốn nhiếp sự: bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự.
[234] Tứ thọ chi pháp 四受之法, được hiểu là bốn pháp nhiếp thọ, tức bốn nhiếp pháp hay nhiếp sự. Pāli: cattāri saṃgahavatthūni.
[235] Tứ sự 四事, cũng tức bốn nhiếp sự. Xem cht. trên.
[236] Bản Hán, hết quyển 22.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 51 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Chắp tay lạy người


Chuyện Vãng Sanh - Tập 3


Chuyện Phật đời xưa


Công đức phóng sinh

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 52.14.252.16 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập