Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê. Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hènKinh Pháp cú (Kệ số 29)
Dầu mưa bằng tiền vàng, Các dục khó thỏa mãn. Dục đắng nhiều ngọt ít, Biết vậy là bậc trí.Kinh Pháp cú (Kệ số 186)
Bậc trí bảo vệ thân, bảo vệ luôn lời nói, bảo vệ cả tâm tư, ba nghiệp khéo bảo vệ.Kinh Pháp Cú (Kệ số 234)
Rời bỏ uế trược, khéo nghiêm trì giới luật, sống khắc kỷ và chân thật, người như thế mới xứng đáng mặc áo cà-sa.Kinh Pháp cú (Kệ số 10)
Ta như thầy thuốc, biết bệnh cho thuốc. Người bệnh chịu uống thuốc ấy hay không, chẳng phải lỗi thầy thuốc. Lại cũng như người khéo chỉ đường, chỉ cho mọi người con đường tốt. Nghe rồi mà chẳng đi theo, thật chẳng phải lỗi người chỉ đường.Kinh Lời dạy cuối cùng
Nếu chuyên cần tinh tấn thì không có việc chi là khó. Ví như dòng nước nhỏ mà chảy mãi thì cũng làm mòn được hòn đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Cái hại của sự nóng giận là phá hoại các pháp lành, làm mất danh tiếng tốt, khiến cho đời này và đời sau chẳng ai muốn gặp gỡ mình.Kinh Lời dạy cuối cùng
Ai bác bỏ đời sau, không ác nào không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 176)
Dầu nói ra ngàn câu nhưng không lợi ích gì, tốt hơn nói một câu có nghĩa, nghe xong tâm ý được an tịnh vui thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 101)
Dầu giữa bãi chiến trường, thắng ngàn ngàn quân địch, không bằng tự thắng mình, thật chiến thắng tối thượng.Kinh Pháp cú (Kệ số 103)
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
24. PHẨM CAO TRÀNG
KINH SỐ 1[98]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các tỳ-kheo:
“Xưa, Thiên đế Thích bảo với Trời Tam thập tam rằng: ‘Các khanh khi vào trận chiến lớn, nếu ai có tâm kinh hãi lo sợ, thì các khanh hãy quay lại nhìn lá cờ rộng lớn của ta. Nếu ai thấy lá cờ của ta, liền hết sợ hãi. Nếu khanh nào không nhớ cờ của ta, hãy nhớ cờ của Y-sa Thiên vương,[99] vì ai nhớ cờ kia thì những sự sợ hãi đang có liền tự tiêu diệt. Nếu các khanh không nhớ cờ của ta và cờ của Y-sa Thiên vương, lúc đó nên nhớ cờ của Bà-lưu-na[100] Thiên vương, vì nhớ cờ đó thì những sự sợ hãi đang có sẽ tự tiêu diệt.
“Nay Ta cũng lại bảo các ngươi: Nếu có tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di nào mà sợ hãi, toàn thân lông dựng đứng, bấy giờ nên niệm thân Ta, rằng ‘Đây là Như Lai Chí chân, Đẳng chánh giác, Minh hành túc*, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên Nhân sư, hiệu Phật Thế tôn xuất hiện ở đời.’ Giả sử có sự sợ hãi toàn thân lông dựng đứng, sợ hãi ấy liền tự tiêu diệt. Nếu ai không niệm Ta, lúc đó nên niệm Pháp, rằng ‘Pháp của Như Lai rất là vi diệu, được người trí học tấp.’ Do niệm pháp mà mọi sợ hãi tự tiêu diệt. Nếu không niệm Ta, cũng không niệm Pháp, khi đó nên niệm Thánh Chúng, rằng ‘Thánh Chúng của Như Lai rất là hòa thuận, pháp tùy pháp thành tựu,[101] giới thành tựu, tam-muội thành tựu, trí huệ thành tựu, giải thoát thành tựu, giải thoát kiến huệ thành tựu, gồm có bốn đôi tám bậc. Đó là Thánh chúng Như Lai, đáng kính, đáng thờ, là ruộng phước của thế gian.’ Đó gọi là Thánh chúng Như Lai. Bấy giờ, nếu niệm Tăng rồi, mọi sợ hãi tự tiêu diệt.
“Tỳ-kheo nên biết, Thích Đề-hoàn Nhân còn có dâm, nộ, si. Song trời Tam thập tam niệm tưởng chủ mình mà hết sợ hãi, huống chi Như Lai không còn có tâm dục, nộ, si, nên niệm tưởng đến mà có sợ hãi sao? Nếu tỳ-kheo nào có sợ hãi, sợ hãi tự tiêu diệt. Cho nên, này các tỳ-kheo, hãy niệm tam tôn: Phật, Pháp và Thánh chúng.
“Này các tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”
Các tỳ-kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 2
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, trong nước Bạt-kỳ có con quỷ tên là Tỳ-sa,[102] ở nước đó rất là hung bạo, giết dân vô số, thường mỗi ngày giết một người, hoặc ngày hai người, ba người, bốn người, năm người, mười người, hai mươi người, ba mươi người, bốn mươi người, năm mươi người. Nước đó bấy giờ đầy dẫy các quỷ thần, La-sát. Lúc bấy giờ nhân dân nước Bạt-kỳ tụ hội lại, cùng bàn luận:
“Chúng ta có thể tránh nước này, sang nước khác, không cần ở đây.”
Bấy giờ, ác quỷ Tỳ-sa biết được ý nghĩ trong lòng những người dân kia, liền bảo nhân dân kia:
“Các ngươi chớ rời nơi này đến nước khác. Vì sao vậy? Cuối cùng không thoát tay ta. Mỗi ngày các ngươi mang một người tế ta, ta sẽ không quấy nhiễu các ngươi.”
Khi ấy, dân Bạt-kỳ hằng ngày bắt một người tế ác quỷ kia. Khi ác quỷ kia ăn thịt người rồi, lấy hài cốt ném vào nơi khác trong núi, nên hang suối trong núi kia đầy những xương.
Bấy giờ, có trưởng giả tên là Thiện Giác sống tại nơi đó, nhiều tiền lắm của, tiền chứa ngàn ức; la, lừa, lạc đà không thể tính hết; kim ngân, trân bảo, xa cừ, mã não, chơn châu, hổ phách cũng không thể kể. Trưởng giả kia có con trai nhỏ tên là Na-ưu-la. Vì chỉ có một con trai, nên rất được yêu quý, thương nhớ chưa từng rời mắt. Theo kỳ hạn này, bấy giờ đến lượt đứa trẻ Na-ưu-la phải tế quỷ. Bấy giờ, cha mẹ Na-ưu-la tắm rửa đứa trẻ này và mặc y phục đẹp, dẫn đến nơi gò mả chỗ quỷ kia. Đến đó, rồi khóc lóc, kêu la không thể kể xiết, và nói như vầy:
“Các thần và địa thần, thảy đều chứng minh cho. Chúng tôi chỉ có một đứa con này. Xin các thần sáng suốt hãy chứng minh cho. Hai mươi tám vị đại quỷ thần vương xin hãy gia hộ cho, khiến đừng bị tai ách. [615c1] Xin đảnh lễ hết thảy Tứ thiên vương, xin thủ hộ đứa trẻ này khiến được cứu thoát. Cũng xin đảnh lễ Thích Đề-hoàn Nhân, xin cứu mạng đứa trẻ này. Cũng lại đảnh lễ Phạm Thiên vương, xin cứu thoát mạng này. Cũng xin đảnh lễ chư quỷ thần hộ thế, để thoát ách này. Nay con cũng xin đảnh lễ các vị A-la-hán lậu tận, đệ tử Như Lai để thoát ách này. Cũng lại đảnh lễ các vị Bích-chi-phật vô sư, tự giác, để thoát ách này. Nay cũng tự đảnh lễ Như Lai kia, hàng phục người chưa hàng phục, độ người chưa được độ, bảo hộ người chưa được bảo hộ, cứu thoát người chưa được cứu thoát, khiến bát-niết-bàn người chưa được bát-niết-bàn, cứu hộ cho người chưa được cứu hộ, làm mắt sáng cho người mù, làm đại y vương cho người bịnh. Đối với trời, rồng, quỷ thần, tất cả nhân dân, Ma và Ma thiên, Ngài là bực tối tôn thượng, không ai có thể sánh bằng, đáng kính đáng quý, làm ruộng phước lành cho mọi người, không ai hơn Như Lai. Vậy, xin Như Lai hãy giám sát cho. Xin Như Lai hãy rọi đến lòng chí thành này.”
Cha mẹ Na-ưu-la sau khi đưa đứa trẻ cho quỷ rồi, lui trở về.”
Bấy giờ, đức Thế Tôn bằng thiên nhãn thanh tịnh, lại bằng thiên nhĩ nghe thấu những lời này, cha mẹ của Na-ưu-la khóc lóc van xin không thể kể xiết. Khi đó, đức Thế Tôn dùng thần túc lực đến chỗ ở của con quỷ dữ trong núi kia. Lúc ác quỷ kia đang tụ tập tại chỗ quỷ thần phía bắc Tuyết sơn, Thế Tôn vào tại trú xứ của quỷ mà ngồi, ngồi kiết già chánh thân, chánh ý.
Lúc đó, đứa trẻ Na-ưu-la lần hồi đi đến chỗ trú xứ của quỷ kia. Từ xa, đứa trẻ Na-ưu-la nhìn thấy Như Lai trú xứ của ác quỷ, ánh sáng rực rỡ, chánh thân chánh ý, buộc niệm ở trước, nhan sắc đoan chánh ít có trên đời, các căn tịch tịnh, có nhiều công đức hàng phục các ma. Những công đức như vậy không thể kể xiết. Có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp trang nghiêm thân Ngài, như núi Tu-di vượt trên các đỉnh núi. Gương mặt Ngài như mặt trời, mặt trăng, cũng như ánh sáng của núi vàng chiếu xa. Thấy vậy rồi, nó sanh tâm hoan hỷ, hướng về Như Lai mà nghĩ như vầy: “Đây ắt không phải ác quỷ Tỳ-sa. Vì sao vậy? Vì nay ta thấy người này mà tâm rất hoan hỷ. Nếu người chính là ác quỷ thì cứ tùy ý mà ăn.”[103]
Lúc đó, đức Thế Tôn bảo:
“Na-ưu-la, đúng như những lời ngươi nói. Ta nay là Như Lai Chí chân, Đẳng chánh giác, đến cứu ngươi và, hàng phục ác quỷ này.”
Na-ưu-la nghe những lời này [616a1], vui mừng hớn hở không thể tự chế, liền đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên. Khi đó, Thế Tôn nói cho đứa bé nhiều đề tài vi diệu; luận về bố thí, luận về trì giới, luận về sanh thiên, dục là nhơ ác, là hữu lậu, là hạnh bất tịnh, xuất gia là con đườn xuất yếu, trừ khử các loạn tưởng.
Khi đức Thế Tôn đã thấy tâm ý đứa trẻ Na-ưu-la hoan hỷ, tánh ý nhu nhuyến. Như Pháp mà chư Phật Thế Tôn thường thuyết, là khổ, tập, tận, đạo, bấy giờ Thế Tôn cũng vì bé mà thuyết đủ. Bé liền ở trên chỗ ngồi sạch hết các trần cấu, được mắt pháp trong sạch. Bé đã thấy pháp, đắc pháp, thành tựu các pháp, tiếp nhận các pháp không có nghi ngờ, hiểu được lời dạy Như Lai, quy y Phật, Pháp, Thánh chúng và, thọ năm giới.
Khi ấy, ác quỷ Tỳ-sa trở về đến trú xứ mình.[104] Từ xa, ác quỷ trông thấy Thế Tôn đang ngồi đoan chánh tư duy, thân không lay động. Thấy vậy, nó nổi sân hận phẫn nộ, nổi mưa, sấm sét, hoặc mưa đao kiếm nhắm đến Như Lai; nhưng khi chưa rơi xuống đất liền biến thành hoa sen ưu-bát. Khi đó quỷ kia càng thêm thịnh nộ, làm mưa xuống các núi, sông, vách đá; nhưng khi mưa chưa rơi xuống đất liền biến thành vô số đồ ăn thức uống. Quỷ kia lại hoá làm con voi lớn, gầm thét nhắm đến chỗ Như Lai. Thế Tôn lại hóa làm sư tử chúa. Quỷ kia lại biến làm hình sư tử nhắm đến chỗ Như Lai. Thế Tôn biến làm một đám lửa lớn. Quỷ kia lại càng thịnh nộ, biến thành rồng lớn có bảy đầu. Thế Tôn biến làm kim xí điểu lớn. Khi đó quỷ kia liền nghĩ thầm như vầy: “Nay những thần mà ta có, hiện đã trổ hết rồi. Song không động đến lông áo của Sa-môn này. Nay ta nên đến hỏi ông ta nghĩa sâu này.”
Khi đó quỷ kia hỏi Thế Tôn:
“Nay ta muốn hỏi nghĩa sâu xa. Nếu không thể trả lời được, ta sẽ nắm hai chân ông quăng xuống biển nam.”
Đức Thế Tôn bảo:
“Ác quỷ nên biết, Ta tự quán sát thấy không có trời và người, Sa-môn, Bà-la-môn, hoặc người, hoặc phi nhân nào có thể nắm hai chân Ta ném xuống biển nam. Nhưng nay ngươi muốn hỏi nghĩa thì có thể hỏi.”
Khi đó, ác quỷ hỏi:
“Sa-môn, những gì là hành cũ, những gì là hành mới, những gì là hành diệt?”
Thế Tôn bảo:
“Ác quỷ nên biết, mắt là hành cũ, do duyên là những gì được làm từ trước mà sinh thọ[105] thành hành. Tai, mũi, lưỡi[106], thân, ý; đó là các hành cũ, do duyên là những gì được làm từ trước mà sinh thọ* [616b1] thành hành. Ác quỷ, đó gọi đây là các hành cũ.”
Quỷ Tỳ-sa hỏi:
“Sa-môn, những gì là hành mới?”
Thế Tôn bảo:
“Những gì được làm trong hiện tại, ba bởi thân, bốn bởi miệng, ba bởi ý. Ác quỷ, đó gọi là hành mới.”
Ác quỷ hỏi:
“Những gì là hành diệt?”
Thế Tôn bảo:
“Ác quỷ nên biết, hành cũ đã diệt tận không còn tái sinh; hành mới không được tạo tác; cái chấp thủ này vĩnh viễn không sanh, vĩnh viễn diệt tận không còn tàn dư. Đó gọi là hành diệt.”
Khi đó quỷ kia bạch Thế Tôn:
“Nay ta rất đói, tại sao cướp thức ăn của ta? Đứa trẻ này là thức ăn của ta. Sa-môn, trả đứa trẻ này lại cho ta!”
Thế Tôn bảo:
“Xưa kia, khi Ta chưa thành đạo, từng làm Bồ-tát, có chim bồ câu bay núp nơi Ta, Ta còn không tiếc thân mạng cứu nguy bồ câu kia, huống chi nay Ta đã thành Như Lai, há lại có thể bỏ đứa trẻ này cho ngươi ăn thịt! Ác quỷ, nay ngươi có dùng hết thần lực của ngươi, Ta quyết không trao đứa trẻ này cho ngươi. Thế nào, ác quỷ, thời Phật Ca-diếp ngươi đã từng làm sa-môn tu trì phạm hạnh, sau lại phạm giới sanh làm ác quỷ này.”
Bấy giờ, ác quỷ nương vào oai thần của Phật, liền nhớ lại những viêc đã làm đời trước. Ác quỷ bèn đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, và nói như vầy:
“Nay con là người ngu si không phân biệt chân nguỵ, mới sanh tâm này đối với Như Lai. Cúi xin Thế Tôn nhận sự sám hối của con.”
Như vậy ba, bốn lần.[107]
Thế Tôn bảo:
“Cho phép ngươi hối lỗi, đừng tái phạm nữa.”
Bấy giờ, Thế Tôn vì quỷ Tỳ-sa thuyết pháp vi diệu khiến sinh hoan hỷ. Sau đó, ác quỷ kia tự tay dâng lên Thế Tôn hàng ngàn lạng vàng, bạch Thế Tôn: “Nay con đem hang núi này cúng dường chiêu-đề Tăng, cúi xin đức Thế Tôn vì con mà thọ nhận nó và hàng ngàn lạng vàng này.”
Nó nói ba lần như vậy.
Bấy giờ, Thế Tôn liền tiếp nhận hang núi này, rồi nói kệ này:
Thí vườn trái mát mẻ;
Làm cầu bắc ngang sông.
Hoặc giả làm thuyền lớn;
Cùng các đồ nuôi sống;
Ngày đêm không lười mỏi,
Được phước không thể lường.
Pháp nghĩa, giới thành tựu
Chết rồi được sanh Thiên.
Khi đó, quỷ kia bạch Thế Tôn:
“Không biết Thế Tôn còn có gì chỉ dạy?”
Thế Tôn bảo:
“Nay ngươi bỏ hình cũ của ngươi, mặc ba y làm sa-môn, [616c1] vào thành Bạt-kỳ, đến bất kỳ nơi chốn nào, nói lời dạy này: ‘Các hiền nên biết, Như Lai xuất hiện ở đời, hàng phục người chưa được hàng phục, độ người chưa được độ, giải thoát người chưa được giải thoát, cứu hộ người chưa được cứu hộ, người mù làm mắt sáng, ở giữa chư thiên, người đời, thiên long, quỷ thần, Ma hoặc Ma thiên, hoặc người, phi nhân, Ngài là bực tối tôn thượng, không ai sánh bằng, đáng kính, đáng quý, làm ruộng phước lành cho loài người. Hôm nay, Ngài đã độ cậu bé Na-ưu-la và hàng phục ác quỷ Tỳ-sa, các hiền có thể đến đó để được thọ giáo.”
Đáp:
“Kính vâng, Thế Tôn!”
Bấy giờ, quỷ Tỳ-sa làm Sa-môn, mặc ba pháp y, vào các đường hẻm trong làng, làm theo sự chỉ dạy này: “... Hôm nay, Ngài đã độ cậu bé Na-ưu-la và hàng phục ác quỷ Tỳ-sa, các bạn có thể đến đó để được thọ giáo.’
Vào bấy giờ, nhân dân trong nước Bạc-kỳ sôi động. Lúc đó, trưởng giả Thiện Giác nghe những lời này rồi, vui mừng hớn hở, không thể tự chế, dẫn tám vạn bốn ngàn người dân đến chỗ đức Thế Tôn. Đến nơi, đảnh lễ sát chân Phật, rồi ngồi qua một bên. Khi ấy nhân dân trong thành Bạt-kỳ có người làm lễ sát chân Phật, hoặc có người đưa cao tay lên chào.
Khi tám vạn bốn ngàn người đã đến ngồi qua một bên, đức Thế Tôn lần lượt nói pháp vi diệu cho họ; luận về bố thí, luận về trì giới, luận về sanh thiên, dục là tưởng bất tịnh, là hữu lậu, là tai hoạn lớn.
Rồi đức Thế Tôn quán sát tâm tám vạn bốn ngàn người dân kia, ý đã hoan hỷ. Như Pháp mà chư Phật Thế Tôn thường thuyết, khổ, tập, tận, đạo, Ngài cũng thuyết pháp này cho tám vạn bốn ngàn người dân kia. Mọi người ngay trên chỗ ngồi sạch hết bụi trần, được mắt pháp trong sạch, như áo trắng tinh dễ nhuộm ra màu. Tám vạn bốn ngàn người dân này cũng vậy, rũ sạch bụi trần, được mắt pháp trong sạch, được pháp, thấy pháp, phân biệt các pháp, không có nghi ngờ, đạt không chỗ sợ, tự quy y tam tôn: Phật, Pháp, Thánh chúng và thọ năm giới.
Bấy giờ, trưởng giả cha của Na-ưu-la bạch Thế Tôn:
“Cúi xin đức Thế Tôn nhận lời thỉnh của con.”
Đức Thế Tôn im lặng nhận lời.
Sau khi trưởng giả đó thấy Thế Tôn đã im lặng nhận lời, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân, lui trở về nhà. Sắp đặt các thứ đồ ăn thức uống, ngần ấy hương vị. Sáng sớm tự báo đến giờ.
Khi ấy đến giờ, Thế Tôn khoác y, cầm bát, vào thành Bạt-kỳ, đi đến nhà trưởng giả, chỗ trên ngồi dọn sẵn.
[617a1] Khi trưởng giả thấy Thế Tôn đã ngồi an vị, bèn tự tay rót nước, châm sớt vô số đồ ăn thức uống. Sau khi thấy Thế Tôn ăn xong, dùng nước rửa, ông lấy một chiếc ghế ngồi trước Như Lai, bạch Thế Tôn:
“Lành thay, Thế Tôn, nếu chúng bốn bộ cần y phục, đồ ăn thức uống, giường nằm, ngọa cụ, thuốc men trị bệnh, đều đến nhà con lấy.”
Thế Tôn bảo:
“Được, Trưởng giả. Như lời ông nói.”
Thế Tôn liền nói pháp vi diệu cho trưởng giả. Thuyết pháp xong, Ngài rời chỗ ngồi đứng dậy mà đi.
Bấy giờ, trong khoảng như lực sĩ co duỗi cánh tay, Thế Tôn biến khỏi Bạt-kỳ trở về lại đến tinh xá Kỳ-hoàn tại Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các tỳ-kheo:
“Nếu chúng bốn bộ cần y phục, đồ ăn thức uống, giường nằm, ngọa cụ, thuốc men trị bệnh, đến nhà trưởng giả cha Na-ưu-la[108] lấy.”
Bấy giờ, Thế Tôn lại bảo các tỳ-kheo:
“Hiện nay, như Ta, đệ tử đứng đầu trong hàng ưu-bà-tắc không gì lẫn tiếc đó chính là cha của Na-ưu-la.”
Các tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 3
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật trú tại vườn Ni-câu-loại[109], giữa những người họ Thích[110], cùng với năm trăm đại tỳ-kheo.
Bấy giờ, có hàng ngàn người thuộc hào tộc của họ Thích đến chỗ Thế Tôn. Đến nơi, họ đảnh lễ sát chân Phật, rồi ngồi qua một bên.
Bấy giờ những người họ Thích bạch Phật:
“Nay Ngài nên làm vua cai trị đất nước này, để dòng họ chúng ta không bị mục nát, không để ngôi Chuyển luân Thánh vương đến Ngài thì đoạn tuyệt. Nếu Thế Tôn không xuất gia, Ngài sẽ là Chuyển luân Thánh vương ở trong thiên hạ, thống lãnh bốn thiên hạ, có đủ ngàn người con. Dòng họ của chúng ta nổi danh khắp nơi, rằng Chuyển luân Thánh vương xuất hiện trong dòng họ Thích. Vì vậy, Thế Tôn, Ngài hãy làm vua cai trị, đừng để dòng vua dứt mất.”
Thế Tôn bảo:
“Nay Ta chính là thân vua, gọi là Pháp vương. Vì sao vậy? Nay Ta hỏi các ngươi. Thế nào, các vị họ Thích, nói rằng Chuyển luân Thánh vương là có đầy đủ thất bảo, ngàn người con trai dõng mãnh. Nay Ta, ở trong ba ngàn đại thiên sát-độ, là tối tôn thượng, không ai có thể sánh bằng, thành tựu bảo bảy giác chi, có vô số hàng ngàn người con là các Thanh văn hầu quanh.”
Bấy giờ đức Thế Tôn liền nói kệ này:
Ngôi vị kia làm gì?
Được rồi, sau lại mất.
[617b1] Ngôi này tối tôn thắng,
Không tận cùng, khởi thủy.
Chiến thắng không thể đọat:
Chiến thắng này tối thắng.
Phật có vô lượng hành,
Không dấu; ai thấy dấu?”
“Cho nên, các vị Thích chủng hãy tìm phương tiện cai trị bằng chánh pháp.
“Các vị Thích chủng phải học những điều này như vậy.”
Các vị Thích chủng sau khi nghe những gỉ Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 4[111]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.
Khi đó có một tỳ-kheo đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên. Bấy giờ tỳ-kheo kia bạch Phật:
“Có sắc nào mà thường còn, không biến dịch, còn mãi ở thế gian, cũng không di động? Có thọ*, tưởng, hành, thức mà thường còn, không biến dịch, còn mãi ở thế gian, cũng không di động?”
Thế Tôn bảo:
“Này Tỳ-kheo, không có sắc nào mà thường còn, không biến dịch, còn mãi ở thế gian, cũng không di động. Cũng không có thọ*, tưởng, hành, thức nào mà thường còn, không biến dịch, còn mãi ở thế gian, cũng không di động.
“Tỳ-kheo, nếu có sắc này, thường còn, không biến dịch, còn mãi ở thế gian; người phạm hạnh không được phân biệt.[112] Hoặc thọ, tưởng, hành, thức tồn tại mãi ở thế gian không biến dịch; người phạm hạnh không được phân biệt. Cho nên, Tỳ-kheo, vì sắc (không thể phân biệt),[113] không còn mãi ở thế gian, cho nên phạm hạnh mới được phân biệt để diệt tận gốc khổ. Cũng không có thọ*, tưởng, hành, thức nào mà còn mãi ở thế gian, cho nên phạm hạnh mới được phân biệt để diệt tận gốc khổ.”
Bấy giờ đức Thế Tôn lấy một ít đất bỏ lên móng tay, rồi nói với tỳ-kheo kia:
“Sao, Tỳ-kheo, có thấy đất trên móng tay này không?”
Tỳ-kheo đáp:
“Dạ vâng, Thế Tôn, con đã thấy.”
Phật bảo tỳ-kheo:
“Nếu có sắc chỉ nhiều ngần ấy mà thường hằng tồn tại ở thế gian; người phạm hạnh không được phân biệt được diệt tận khổ. Cho nên, Tỳ-kheo, vì không có sắc ngần ấy mà thường tại nên có hành phạm hạnh để diệt tận gốc khổ.
“Sở dĩ như vậy, Tỳ-kheo nên biết, xưa ta từng làm Đại vương, thống lãnh bốn thiên hạ, dùng pháp để trị hóa, thống lãnh nhân dân, bảy báu đầy đủ. Bảy báu là bánh xe báu, voi báu, ngựa báu, châu báu, ngọc nữ báu, cư sĩ báu, điển binh báu.
“Tỳ-kheo nên biết, vào lúc bấy giờ, khi Ta làm [617c1] Chuyển luân Thánh vương này, thống lãnh bốn thiên hạ, có tám vạn bốn ngàn voi thần, voi tên Bồ-hô.[114] Lại có tám vạn bốn ngàn xe có gắn lông chim,[115] có xe dùng da sư tử phủ, có xe dùng da chó sói phủ, thảy đều treo tràng phan, lọng cao. Lại có tám vạn bốn ngàn đài cao rộng, giống như chỗ ở của Thiên Đế. Lại có tám vạn bốn ngàn giảng đường, giống như Pháp giảng đường.[116] Lại có tám vạn bốn ngàn ngọc nữ, giống như thiên nữ. Lại có tám vạn bốn ngàn tòa rộng lớn, thảy đều được cân bằng vàng, bạc, bảy báu. Lại có tám vạn bốn ngàn y phục, trang sức, đều là màu sắc đẹp mềm mại. Lại có tám vạn bốn ngàn đồ đựng thức ăn uống, bao nhiêu là hương vị khác nhau.
“Tỳ-kheo nên biết, bấy giờ ta cỡi một con voi lớn, màu trắng tinh, miệng đẹp có sáu ngà, được trang sức bằng vàng, bạc, có thể bay đi, cũng có thể ẩn hình hoặc lớn hoặc nhỏ, voi tên Bồ-hô.[117] Ta bấy giờ cỡi một con ngựa thần, lông đuôi màu son đỏ, khi đi thân không lắc, thân trang sức vàng bạc, có thể bay đi, cũng có thể ẩm hình, hay có thể biến lớn biến nhỏ. Ngựa tên Mao vương.[118] Lúc bấy giờ, Ta sống tại một lâu đài trong số tám vạn bốn ngàn tòa lâu đài cao rộng. Lâu đài này tên là Tu-ni-ma,[119] hoàn toàn làm bằng vàng. Bấy giờ Ta nghỉ đêm trong một giảng đường. Giảng đường tên là Pháp thuyết, hoàn toàn làm bằng vàng. Ta đi trên một chiếc xe có gắn lông chim.* Xe tên là Tối thắng,[120] được làm toàn bằng vàng. Ta dẫn một ngọc nữ theo bên mình sai khiến cũng giống như chị em. Ta ngồi trên một tòa trong số tám vạn bốn ngàn tòa cao rộng, vàng bạc anh lạc không thể kể xiết. Ta mặc một bộ y phục mềm dịu giống như thiên y. Những thức Ta ăn có vị như cam lồ.
“Vào lúc Ta đang làm Chuyển luân Thánh vương, có tám vạn bốn ngàn voi thần, sáng nào cũng kéo tới ngoài cửa thành, gây hại rất nhiều, không thể kể xiết. Lúc đó Ta nghĩ thế này: ‘Tám vạn bốn ngàn voi thần này, sáng nào cũng đi tới ngoài cửa thành gây hại rất nhiều, không thể kể xiết. Nay trong ý ta muốn chia làm hai phần. Bốn vạn hai ngàn sáng nào cũng đến nghinh giá.’
“Các tỳ-kheo, bấy giờ Ta nghĩ thế này: ‘Xưa, Ta đã tạo phước gì, mà nay được oai lực này?’ Cho đến, Ta lại nghĩ: ‘Do ba nguyên nhân khiến ta được phước lành này. Những gì là ba? Đó là huệ thí, nhân từ và, tự [618a1] thủ hộ.
“Tỳ-kheo, hãy quán sát, các hành bấy giờ hoàn toàn bị diệt tận không còn tàn dư. Sống an trú trong với dục ý bấy giờ không nhàm chán. Nhưng lại nhàm chán giới luật Hiền thánh.
“Sao, tỳ-kheo, sắc này thường hay vô thường?”
Tỳ-kheo đáp:
“Vô thường, bạch Thế Tôn!”
“Nếu vô thường, là pháp biến đổi, ngươi có nên sanh tâm này: ‘Cái này là của ta; ta là của cái này’[121] không?”
Đáp:
“Không, bạch Thế Tôn!”
“Thọ, tưởng, hành, thức là thường hay vô thường?”
Tỳ-kheo đáp:
“Vô thường, bạch Thế Tôn!”
“Nếu là vô thường thì là pháp biến đổi, ngươi có nên sanh tâm này: ‘Cái này là của ta; ta là của cái này’ không?”
Đáp:
“Không, bạch Thế Tôn!”
“Cho nên, này Tỳ-kheo, những gì là sắc, hoặc quá khứ, tương lai, hiện tại, hoặc lớn hoặc nhỏ, hoặc tốt hoặc xấu, hoặc xa hoặc gần; sắc nầy chẳng phải của ta, ta không phải của sắc này. Như vậy được giác tri[122] bởi người trí.[123] Những gì là thọ hoặc quá khứ, tương lai, hiện tại, hoặc xa hoặc gần; thọ này cũng chẳng phải của ta, ta không phải của thọ này. Như vậy được giác tri bởi người trí.
“Tỳ-kheo, hãy quán như vầy: hàng Thanh văn nhàm tởm mắt, nhàm tởm sắc, nhàm tởm thức con mắt, cũng nhàm tởm khổ lạc phát sanh do duyên thức con mắt; cũng nhàm tởm tai, nhàm tởm thanh, nhàm tởm thức của tai, cũng nhàm tởm khổ lạc phát sanh do duyên thức của tai; cũng nhàm tởm mũi, lưỡi, thân, ý và pháp, cũng nhàm tởm khổ lạc phát sanh do duyên bởi ý. Đã nhàm tởm, được giải thoát. Đã giải thoát, được trí giải thoát, biết như thực rằng, sanh tử đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc cần làm đã xong, không còn tái sinh nữa.”
Bấy giờ, Tỳ-kheo kia được Thế Tôn chỉ dạy như vậy, ở nơi vắng vẻ, tự tu, tư duy, vì mục đích mà thiện gia nam tử cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, lìa bỏ gia đình, tu vô thượng phạm hạnh, cho đến, như thực biết rằng, sanh tử đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc cần làm đã xong, không còn tái sinh nữa, biết như thật. Tỳ-kheo kia đã thành A-la-hán.
Tỳ-kheo kia sau khi nghe Phật thuyết pháp, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 5
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ở dưới bóng cây đạo tràng, nước Ma-kiệt, lúc mới thành Phật.
Bấy giờ Thế Tôn nghĩ như vầy: “Nay Ta đã được pháp thật sâu xa này, khó rõ, khó tường, khó hiểu, khó biết, rất là vi diệu, [618b1] được giác tri bởi bực trí. Nay Ta nên thuyết pháp cho ai trước nhất, để người đó rõ được pháp của Ta?”
Rồi Thế Tôn lại nghĩ: “A-la-lam,[124] với các căn đã thuần thục, đáng được độ trước. Vả lại, ông ấy đang trông đợi Ta có Pháp.” Vừa nghĩ như vậy, tức thì giữa hư không có vị trời bạch Thế Tôn rằng:
“A-la-lam đã chết bảy ngày rồi.”
Bấy giờ, Thế Tôn lại nghĩ: “Khổ thay, sao người ấy chưa nghe được Pháp của Ta mà đã chết rồi! Giả sử người ấy nếu nghe được pháp của Ta, tức thì giải thoát.”
Bấy giờ Thế Tôn lại nghĩ: “Nay Ta nên thuyết pháp cho ai trước để người này được giải thoát? Uất-đầu-lam-phất[125] đáng được độ trước. Hãy thuyết pháp cho ông ấy trước hết. Nghe ta thuyết pháp xong sẽ được giải thoát trước nhất.”
Khi Thế Tôn vừa nghĩ vậy, giữa hư không có vị trời nói rằng:
“Ông ấy đã chết rồi, vào nửa đêm hôm qua.”
Khi đó Thế Tôn lại nghĩ rằng: ‘Uất-đầu-lam-phất này, khổ thay, sao chưa nghe được pháp của Ta mà đã chết mất rồi! Giả sử người ấy nếu nghe được pháp của Ta, tức thì giải thoát.”
Bấy giờ Thế Tôn lại nghĩ: “Ai nghe pháp của ta trước hết, được giải thoát?” Thế Tôn lại nghĩ: “Năm tỳ-kheo đã làm nhiều lợi ích cho Ta, vẫn theo sau Ta khi Ta mới sanh.” Rồi Thế Tôn lại nghĩ: “Năm Tỳ-kheo này hiện ở đâu?” Bèn dùng thiên nhãn quán sát, thấy năm tỳ-kheo này đang ở trong vườn Nai, trú xứ Tiên nhân, Ba-la-nại. “Nay Ta hãy đến đó thuyết pháp cho năm Tỳ-kheo trước nhất. Nghe pháp ta rồi, họ sẽ được giải thoát.”
Bấy giờ, Thế Tôn trong bảy ngày nhìn chăm chú vào cây đạo thọ, mắt không hề nháy.
Bấy giờ Thế Tôn nói kệ này:
Chỗ Ta ngồi nay đây
Trải qua khổ sanh tử.
Nắm chặt búa trí huệ
Chặt đứt rễ gai nhọn.
Thiên vương đến nơi đây.
Cùng các Ma, quyến thuộc.
Hàng phục bằng phương tiện,
Khiến đội mũ giải thoát.
Nay ở dưới cây này,
Ngồi trên tòa kim cương,
Chứng đắc huệ vô ngại,
Thành tựu nhất thiết trí.
Ta ngồi dưới cây này
Thấy rõ khổ sinh tử.
Đã dứt nguồn gốc tử
Già bệnh hẳn không còn.
Thế Tôn sau khi nói kệ này, rời chỗ ngồi đứng dậy, đi về hướng [618c1] nước Ba-la-nại.
Lúc đó phạm chí Ưu-tỳ-già[126] từ xa thấy Thế Tôn, sắc sáng rực rỡ che khuất ánh mặt trời mặt trăng. Thấy vậy, ông bạch Thế Tôn:
“Cù-đàm, Sư chủ của ông hiện đang ở đâu? Ông nương theo ai xuất gia học đạo? Thường thích thuyết pháp nào để dạy? Ông từ đâu lại? Ông muốn đi đến đâu?”
Thế Tôn nhìn phạm chí kia mà nói kệ này:
Ta thành A-la-hán,
Thế gian không ai bằng.[127]
Trời cùng người thế gian
Nay Ta là tối thượng.
Ta cũng không thầy dạy,
Cũng không ai bì kịp;
Độc tôn, không ai hơn;
Mát lạnh, không còn nóng.[128]
Ta đang chuyển pháp luân,
Đi đến nước Ca-thi.
Nay đem thuốc cam lồ
Mở mắt người mù kia.
Đất nước Ba-la-nại,
Vương thổ nước Ca-thi,[129]
Trú xứ năm tỳ-kheo;
Ta sẽ thuyết diệu pháp,
Khiến họ sớm thành đạo,
Và được lậu tận thông,
Để trừ nguồn pháp ác.
Cho nên, Ta tối thắng.
Khi đó phạm chí kia than, lắc đầu, khoanh tay, búng ngón tay, mỉm cười, rồi nhắm theo đường mà đi.
Khi Thế Tôn đến Ba-la-nại, năm tỳ-kheo từ xa thấy Thế Tôn đến. Thấy vậy, họ bảo nhau: “Đó là Sa-môn Cù-đàm, đang từ xa đến. Tánh tình đã tán loạn, tâm không chuyên tinh. Chúng ta đừng nói chuyện, cũng đừng đón tiếp, cũng đừng mời ngồi.” Rồi năm người nói kệ này:
Người này không đáng kính,
Đừng gần gũi ân cần,
Cũng đừng có chào mừng
Và cũng đừng mời ngồi.
Năm tỳ-kheo kia nói kệ rồi, cùng im lặng. Bấy giờ đức Thế Tôn đến chỗ năm tỳ-kheo, càng lúc càng gần, năm tỳ-kheo kia cũng từ từ đứng dậy nghinh tiếp. Người thì trải chỗ ngồi. Người thì lấy nước. Thế Tôn liền ngồi trước mặt họ, tư duy như vầy: “Những con người ngu si, cuối cùng không thể giữ trọn giao ước của mình.”
Bấy giờ năm tỳ-kheo gọi đức Thế Tôn bằng ‘bạn.’[130] Thế Tôn bảo năm tỳ-kheo:
“Các ngươi chớ gọi bậc Vô thượng, Chí chân, Đẳng chánh giác là bạn[619a1] Vì sao vậy? Nay Ta đã thành Vô thượng, Chí chân, Đẳng chánh giác, đã được thiện cam lồ. Các ngươi hãy chú tâm nghe pháp ngữ của Ta.”
Bấy giờ năm tỳ-kheo kia nói với Thế Tôn:
“Cù-đàm, xưa tu khổ hạnh còn không thể được pháp thượng nhân, huống chi hôm nay ý tình tán loạn mà nói đắc đạo ư?”
Thế Tôn bảo:
“Thế nào, năm người, các ngươi đã từng nghe Ta vọng ngữ chưa?”
Năm tỳ-kheo đáp:
“Chưa, Cù-đàm!”
Thế Tôn bảo:
“Như Lai, Đẳng chánh giác, đã có được cam lồ. Các ngươi hãy chú tâm nghe ta thuyết pháp.”
Khi đó đức Thế Tôn lại nghĩ thầm: “Nay Ta có thể hàng phục năm người này.” Rồi Thế Tôn bảo các tỳ-kheo:
“Này năm tỳ-kheo, các ngươi nên biết, có bốn chân lý này. Những gì là bốn? Đó là khổ đế, khổ tập đế, khổ tận đế, khổ xuất yếu đế.
“Thế nào là khổ đế? Sanh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ, ưu bi não khổ, sầu ưu khổ, không thể kể hết. Oán ghét gặp nhau khổ, ân ái chia lìa khổ, không được những điều ham muốn cũng lại là khổ. Nói tóm, năm thủ uẩn là khổ. Đó gọi là khổ đế.
“Thế nào là khổ tập đế? Ái đưa đến tái sanh, tập hành không mệt mỏi, ý thường tham đắm.[131] Đó gọi là khổ tập đế.
“Thế nào là khổ tận đế? Ái kia diệt tận không dư tàn, cũng không tái sanh khởi. Đó gọi là khổ tận đế.
“Thế nào là khổ xuất yếu đế? Đó là tám phẩm đạo của Hiền Thánh[132], gồm chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.
“Đó gọi là pháp tứ đế.
“Lại nữa, này năm Tỳ-kheo, pháp bốn thánh đế này, khổ đế làm phát sanh mắt, sanh trí, sanh minh, sanh giác, sanh quang, sanh huệ. Đó là pháp trước kia chưa từng được nghe. Lại nữa, khổ đế là chân thật, nhất định không hư dối, không vọng, không thể khác; là điều đượcThế Tôn nói. Cho nên gọi là khổ đế.
“Khổ tập đế làm phát sanh mắt, sanh trí, sanh minh, sanh giác, sanh quang, sanh huệ; là pháp trước đây chưa từng được nghe. Lại nữa, khổ tập đế là chân thật, nhất định không hư dối, không vọng, không thể khác; là điều được Thế Tôn nói. Cho nên gọi là khổ tập đế.
“Khổ tận đế làm phát sanh mắt, sanh trí, sanh minh, sanh giác, sanh quang, sanh huệ; là pháp trước đây chưa từng được nghe. Lại nữa, khổ tận đế là chân thật, nhất định không hư dối, không vọng, không thể khác; là điều đượcThế Tôn nói. Cho nên gọi là khổ tận đế.
“Khổ xuất yếu đế làm phát sanh mắt, sanh trí, sanh minh, sanh giác, [619b01] sanh quang, sanh huệ; là pháp trước đây chưa từng được nghe. Lại nữa, khổ xuất yếu đế là chân thật, nhất định không hư dối, không vọng, không thể khác; là điều đượcThế Tôn nói. Cho nên gọi là khổ xuất yếu đế.
“Năm tỳ-kheo nên biết, bốn đế này được ba lần chuyển với mười hai hành. Ai không biết như thật, không thành Vô thượng Chánh chân, Đẳng chánh giác. Ta vì đã phân biệt bốn đế này, ba lần chuyển với mười hai hành, biết nó như thật, cho nên thành Vô thượng Chí chân, Đẳng chánh giác.”
Sau khi nghe thuyết pháp này, A-nhã Câu-lân dứt sạch trần cấu, được mắt pháp trong sạch. Lúc đó đức Thế Tôn bảo A-nhã Câu-lân:
“Nay Ông đã đến với pháp, đã đắc pháp.”[133]
Câu-lân đáp:
“Thưa vâng, Thế Tôn! Con đã đến với pháp, đã đắc pháp.”
Địa thần sau khi nghe nghe những lời như vậy, liền xướng rằng:
“Nay Như Lai tại nước Ba-la-nại đã chuyển pháp luân mà chư Thiên, người đời, Ma và Ma thiên, người cùng phi nhân, đều không chuyển được. Hôm nay Như Lai chuyển pháp luân này, A-nhã Câu-lân đã được pháp cam lồ.”
Khi đó, Tứ Thiên vương nghe địa thần xướng, lại chuyển lời tiếp xướng rằng:
“A-nhã Câu-lân đã đắc pháp vị cam lồ.”
Rồi trời Tam thập tam lại nghe từ Tứ Thiên vương. Diễm Thiên nghe từ Trời Tam thập tam, cho đến Đâu-suất thiên, lần lượt nghe tiếng, và cho đến Phạm thiên cũng nghe tiếng: “Như Lai tại nước Ba-la-nại đã chuyển pháp luân mà chư Thiên, người đời, Ma và Ma thiên, người cùng phi nhân, đều không chuyển được. Nay Như Lai chuyển pháp luân này.” Bấy giờ liền có tên gọi là A-nhã Câu-lân.
Rồi Thế Tôn bảo năm tỳ-kheo:
“Các ngươi, hai người ở lại để được chỉ dạy; ba người đi khất thực. Ba người khất thực được rồi thì sáu người sẽ cùng ăn. Ba người ở lại để được chỉ dạy, hai người đi khất thực. Hai người khất thực được rồi thì sáu người cùng ăn.”
Bấy giờ, bằng sự giáo huấn này mà trở thành pháp vô sanh Niết-bàn, cũng thành không sanh, không bệnh, không già, không chết. Lúc đó cả thảy năm tỳ-kheo đều thành A-la-hán. Bấy giờ, ba ngàn đại thiên sát độ có năm vị A-la-hán, với Phật là sáu.
Rồi Thế Tôn bảo năm tỳ-kheo:
“Tất cả các ngươi cùng nhau đi khất thực trong nhân gian. Cẩn thận đừng đi một mình.[134] Còn những chúng sanh mà các căn thuần thục, những người đáng được độ. Nay Ta sẽ đến thôn Ưu-lưu-tì,[135] thuyết pháp tại đó.”
Bấy giờ, đức Thế Tôn đi đến thôn xóm Ưu-lưu-tì. Khi đó bên dòng sông Liên-nhã[136] có Ca-diếp[137] [619c1] đang sinh sống tại đó. Ông biết thiên văn, địa lý; không gì không thông suốt. Toán số cây lá tất cả đều biết rõ. Ông dẫn năm trăm đệ tử thường ngày đi giáo hóa. Cách Ca-diếp không xa có thạch thất. Ở trong thạch thất, có rồng độc đang sống tại đó.
Thế Tôn đến chỗ Ca-diếp, nói với Ca-diếp:
“Tôi muốn ngủ nhờ trong thạch thất một đêm. Nếu ông đồng ý, tôi sẽ đến ở.”
Ca-diếp đáp rằng:
“Tôi không tiếc gì. Nhưng ở đó có một con rồng độc, sợ nó sẽ làm tổn hại đến ông.”
Thế Tôn bảo:
“Ca-diếp, đừng lo, rồng không hại Ta! Chỉ cần đồng ý, Ta ở đó một đêm.”
Ca-diếp đáp:
“Nếu ông muốn ở, tùy ý đến ở.”
Bấy giờ, đức Thế Tôn liền vào thạch thất, trải chỗ nằm mà nghỉ, kiết già phu tọa, chánh thân, chánh ý, buộc niệm tại tiền. Lúc đó, rồng độc thấy Thế Tôn ngồi; nó liền phun lửa độc. Thế Tôn nhập từ tam-muội, xuất từ tam-muội, nhập diệm quang tam-muội.
Bấy giờ lửa của rồng và ánh sáng Phật cùng lúc phát sáng. Đêm đó Ca-diếp dậy quan sát tinh tú, thấy trong thạch thất có ánh sáng và lửa lớn. Thấy vậy, ông bảo các đệ tử:
“Sa-môn Cù-đàm này dung mạo xinh đẹp, nay bị con rồng này hại. Thật đáng thương tiếc. Trước đây, ta cũng đã có lời này, ở đó có rồng ác không thể nghỉ đêm!”
Lúc đó Ca-diếp bảo năm trăm đệ tử:
“Các người cầm bình nước và mang thang cao đến chữa lửa, để Sa-môn kia được thoát khỏi nạn này.”
Bấy giờ, Ca-diếp dẫn năm trăm đệ tử đến thạch thất để chữa lửa này. Người thì cầm nước rưới, người thì bắc thang. Nhưng không thể dập tắt được lửa, đều là do oai thần của Như Lai tạo nên.
Bấy giờ, Thế Tôn nhập từ tam-muội dần dần khiến cho con rồng kia không còn sân hận nữa. Lúc này tâm rồng ác kia tỏ ra sợ sệt, chạy qua chạy lại muốn thoát ra khỏi thạch thất, nhưng không ra khỏi thạch thất được. Khi đó con rồng ác kia, hướng đến Như Lai, chui vào bát Thế Tôn ở. Khi đó, Thế Tôn dùng tay phải xoa mình rồng ác, rồi nói kệ này:
Rồng[138] xuất thế khó có.
Rồng với rồng gặp nhau.
Rồng chớ nổi tâm hại.
Rồng xuất thế, hó có..
Quá khứ hằng sa số,
Chư Phật bát-niết-bàn;
Mà ngươi chưa hề gặp
Đều do lửa sân hận.
[620a1]Tâm thiện hướng Như Lai,
Mau bỏ độc sân này.
Đã trừ độc sân nhuế,
Liền được sanh lên Trời.[139] Chú thích:
[98] Pāli, S. 11. 3 Dhajaggasuttaṃ (R i. 218).
[99] Y-sa Thiên vương 伊沙天王. Skt. Īśāna (Y-xá-na thiên), một trong Hộ thế Thiên vương của Mật giáo. Pāli: Īsāna, một trong các Thượng đẳng thần của các Bà-la-môn. Cf. D.i. 244.
[100] Bà-lưu-na 婆留那. Skt.Varuṇa (Thủy thiên), một trong 12 chư thiên của Mật giáo, chủ quản các bộ quỷ thần. Pāli, ibid, đồng, được kể chúng với Īsāna, Indra, Soma, Pajāpati, Brahmā.
[101] Pháp pháp thành tựu 法法成就, tức thành thành tựu pháp tùy pháp , sự hành trì pháp theo tuần tự của pháp. Pāli: dhammānudhammapaṭipanna.
[102] Tỳ-sa 毘沙; quỷ Tỳ-xá-xà, ăn tinh khí của người. Skt. Piśāca. Thường đồng nhất với yakkha (dạ-xoa) trong văn học Pāli.
[103] Truyện kể gần giống với truyện Hatthaka Āḷavaka, Pāli, cf. AA. i. 212.
[104] Nội dung gần với truyện kể Phật đến trú xứ của quỷ A-lạp 阿[月*葛], cf. Tạp, kinh 1340.
[105] Nguyên bản: Thống.
[106] Để bản: khẩu 口; chép nhầm.
[107] Nguyên Hán: tam tứ. Lặp lại ba lần thôi, không có bốn. Hán chép dư.
[108] Na-ưu-la phụ 那優羅父; có thể tương đương Pāli: Nakulapitā, đệ nhất thâm tín (vissāsakānaṃ) trong các ưu-bà-tắc, nhưng chuyện kể hoàn toàn không giống ở đây. Cf. A. i. 26. AA. i. 216.
[109] Ni-câu-lưu 尼拘留.
[110] Thích-sí 釋翅, xem kinh 10, phẩm 17.
[111] Pāli, S. 22. 97 Nakhāsika (R. iii. 247).
[112] Tham chiếu Pāli, ibid., nayidaṃ brahmacariyavāso paññāyetha sammā dukkhakkhayāya, đời sống phạm hạnh này không được thiết lập cho mục đích chân chánh diệt khổ.
[113] Bản Hán có thể chép dư, nên cho vào ngoặc.
[114] Bồ-hô 菩呼; xem Trung, kinh 61, 138: voi chua Vu-sa-hạ于娑賀. Pāli: Uposatha-nāgarāja
[115] Xem cht. 38 kinh 11 phẩm 19.
[116] Pháp giảng đường 法講堂. Pāli: Dhammapāsāda, cung điện Pháp; cf. D. ii 187.
[117] Bồ-hô 菩呼. Pāli, ibid., Uposatha
[118] Mao vương 毛王. Xem Trung, kinh 61, 138: Mao mã vương [馬+毛] 馬王. Pāli, ibid., Valāhaka, Vân mã vương.
[119] Tu-ni-ma 須尼摩. Pāli, ibid., Mahāviyūhakūṭāgāra, lâu đài Đại trang nghiêm.
[120] Tối thắng 最勝. Pāli, ibid., Vejayantaratha.
[121] Thử thị ngã hứa, ngã thị bĩ sở此是我許。我是彼所. Pāli, định cú: netaṃ mama, nesohamasmi, nameso attā’ti, “Cái này không phải là của tôi. Tôi không phải là cái này. Cái này không phải là tự ngã của tôi.”
[122] Để bản: học 學. Theo ngữ cảnh dưới, nên sửa lại là giác 覺.
[123] Pāli, định cú: evametaṃ yathābhūtaṃ sammappaññāya passati, vị ấy bằng chánh trí mà thấy như thực như vậy.
[124] La-lặc Ca-lam 羅勒迦藍. Pāli, Āḷāra Kālāma; cf. Mahāvagga, Vin. i. 7. Hán, Tứ phần 32 (T22n1428, tr. 787b06): A-lan Ca-lan 阿蘭迦蘭.
[125] Uất-đầu Lam-phất 鬱頭藍弗. Pāli, ibid., Uddaka-Rāmaputta.
[126] Ưu-tỳ-già 優毘伽. Pāli, Upaka, đạo sư lõa hình (ājīvaka).
[127] Tham chiếu Pāli, ibid., sabbābhibhū sabbavidūhamasmi, Ta, con người toàn thắng, hiểu biết tất cả.
[128] Pāli, ibid., sītibhūtosmi nibbuto, ta đã mát mẻ (thanh lương), nguội lạnh (tịch diệt).
[129] Ca-thi 加尸. Pāli: Kāsi, một trong 16 đại quốc, mà Bārāṇasi là thủ đô.
[130] Khanh 卿, trong Hán dịch; āvuso, trong Pāli.
[131] Tham chiếu Pāli, ibid., taṅhā ponobbhavikā, nandīrāgasahagatā‚ tatratatrābhinandinī, seyyathidaṃ– kāmataṅhā, bhavataṅhā, vibhavataṇhā, ái đưa đến hữu đương lai, câu hữu với hỷ tham, thích thú sẽ ở đây, ở kia, tức là, ái, hữu ái, phi hữu ái.
[132] Nguyên Hán: Đẳng kiến, đẳng trị, đẳng ngữ, đẳng nghiệp, đẳng mạng, đẳng phương tiện, đẳng niệm, đẳng định.
[133] Hán dịch không hết ý nguyên lai có tên gọi “A-nhã.” Pāli, ibid. Phật nói: “Người đã hiểu (aññāsi vata), này Kiều-trần-như ( bho koṇḍañño)”, do đó Trưởng lão Kiều-trần-như (Koṇḍañña) được gọi là “A-nhã Kiều-trần-như” (aññāsikoṇḍañño: Aññāta-Koṇḍañña)
[134] Hán: thận mạc độc hành 慎莫獨行. Pāli, ibid., mā ekena dve agamittha, hai người chớ đi theo một hướng.
[135] Ưu-lưu-tỳ 優留毘. Pāli: Uruvelā.
[136] Liên-nhã 連若, cũng nói là Ni-liên-thuyền. Pāli: Nerañjarā.
[137] Ưu-lưu-tỳ Ca-diếp 優羅毘迦葉, hay Uất-tỳ-la (Ưu-lâu-tần-loa) Ca-diếp. Pāli: Uruvelakassapa, đạo sĩ bện tóc (jaṭila).
[138] Đây chỉ Phật.
[139] Bản Hán, hết quyển 14.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.133.109.251 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.