Giặc phiền não thường luôn rình rập giết hại người, độc hại hơn kẻ oán thù. Sao còn ham ngủ mà chẳng chịu tỉnh thức?Kinh Lời dạy cuối cùng
Thường tự xét lỗi mình, đừng nói lỗi người khác.
Kinh Đại Bát Niết-bàn
Chiến thắng hàng ngàn quân địch cũng không bằng tự thắng được mình.
Kinh Pháp cú
Nên biết rằng tâm nóng giận còn hơn cả lửa dữ, phải thường phòng hộ không để cho nhập vào. Giặc cướp công đức không gì hơn tâm nóng giận.Kinh Lời dạy cuối cùng
Không trên trời, giữa biển, không lánh vào động núi, không chỗ nào trên đời, trốn được quả ác nghiệp.Kinh Pháp cú (Kệ số 127)
Cỏ làm hại ruộng vườn, sân làm hại người đời. Bố thí người ly sân, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 357)
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc nhưng không hương. Cũng vậy, lời khéo nói, không làm, không kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 51)
Nếu chuyên cần tinh tấn thì không có việc chi là khó. Ví như dòng nước nhỏ mà chảy mãi thì cũng làm mòn được hòn đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Kẻ ngu dầu trọn đời được thân cận bậc hiền trí cũng không hiểu lý pháp, như muỗng với vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 64
Dầu mưa bằng tiền vàng, Các dục khó thỏa mãn. Dục đắng nhiều ngọt ít, Biết vậy là bậc trí.Kinh Pháp cú (Kệ số 186)
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
III. PHẨM QUẢNG DIỄN
1. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Hãy tu hành một pháp, hãy truyền bá rộng rãi một pháp. Tu hành và truyền bá rộng rãi một pháp rồi sẽ có danh dự, thành tựu quả báo lớn, các điều lành đầy đủ, được hưởng vị cam lồ, đến được chỗ vô vi, sẽ thành tựu thần thông, trừ các loạn tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn. Thế nào là một pháp? Nghĩa là niệm Phật.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
- Thế nào là tu hành niệm Phật sẽ có danh dự, thành tựu quả báo lớn, các điều lành đầy đủ, được hưởng vị cam lồ, đến được chỗ vô vi, sẽ thành tựu thần thông, trừ các loạn tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn?
Bấy giờ các Tỳ-kheo bạch đức Thế Tôn:
- Căn bản các pháp đều do Như Lai nói. Cúi mong Thế Tôn vì các Tỳ-kheo dạy diệu nghĩa này. Các Tỳ-kheo nghe Như Lai rồi, sẽ thọ trì.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Hãy lắng nghe, lắng nghe và khéo suy nghĩ! Ta sẽ vì các Thầy phân biệt rộng điều này.
Các Tỳ-kheo đáp:
- Xin vâng, Thế Tôn.
Các Tỳ-kheo vâng lời rồi. Ðức Thế Tôn bảo rằng:
- Nếu có Tỳ-kheo chính thân, chính ý, ngồi kiết-già buộc niệm ở trước, không có một ý tưởng nào khác, một lòng niệm Phật, quán hình tướng Như Lai chưa từng rời mắt, đã chẳng rời mắt, liền niệm công đức của Như Lai.
Thể của Như Lai bằng kim cương, đầy đủ mười lực, bốn vô sở úy, giữa chúng dũng kiện. Dung mạo Như Lai đoan chính vô song, nhìn không chán mắt. Giới đức thành tựu giống như kim cương không thể phá hủy, thanh tịnh không tỳ vết cũng lưu ly. Tam muội của Như Lai chưa hề sút giảm, dừng lặng vĩnh viễn không có niệm khác; các tình cảm kiêu mạn, quật cường, các tâm ý dục, tưởng sân, ngu hoặc, do dự, buộc kết đều trừ sạch cả.
Huệ của thân Như Lai, trí không bờ mé, không bị chướng ngại. Thân của Như Lai do giải thoát thành tựu, không còn sanh lại để phải nói rằng: "Ta sẽ đọa vào sanh tử nữa". Thân Như Lai là độ tri kiến thành tựu, biết căn tánh người khác nên độ hay không nên độ, biết họ chết đây sanh kia, qua lại xoay vần bên bờ sanh tử, người có giải thoát, người không giải thoát đều biết hết cả.
Ðó là tu hành niệm Phật, sẽ có danh dự, thành tựu quả báo lớn, các điều lành đầy đủ, được vị cam lồ, đến được chỗ vô vi, sẽ thành tựu thần thông, trừ các loạn tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn. Thế nên, các Tỳ-kheo, thường nên tư duy, chẳng lìa niệm Phật thì sẽ được các công đức lành này. Như vậy, các Tỳ-kheo, hãy học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo, nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
2. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Hãy tu hành một pháp, hãy truyền bá rộng rãi một pháp. Tu hành và truyền bá rộng rãi một pháp rồi sẽ có danh dự, thành tựu quả báo lớn, các điều lành đầy đủ, được hưởng vị cam lồ, đến được chỗ vô vi, sẽ có thần thông, trừ các loạn tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn. Thế nào là một pháp? Nghĩa là niệm Pháp.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
- Thế nào là tu hành niệm Pháp sẽ có danh dự, thành tựu quả báo lớn, các điều lành đầy đủ, hưởng được vị cam lồ, đến được chỗ vô vi, thành tựu thần thông, trừ các loạn tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn?
Bấy giờ các Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:
- Căn bản các pháp đều do Như Lai dạy. Cúi mong Thế Tôn, vì các Tỳ-kheo mà nói diệu nghĩa này. Các Tỳ-kheo nghe lời Như Lai xong sẽ thọ trì.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Lắng nghe, lắng nghe! Khéo suy nghĩ, Ta sẽ vì các Thầy phân biệt rộng điều này.
Các Tỳ-kheo đáp:
- Xin vâng, Thế Tôn.
Các Tỳ-kheo vâng lời dạy rồi, đức Thế Tôn bảo rằng:
- Nếu có Tỳ-kheo chính thân, chính ý, ngồi kiết-già buộc niệm trước mặt, không có niệm khác, chuyên cần niệm Pháp, trừ các dục ái, không có trần lao, tâm khát ái không còn nổi lên nữa.
Phàm Chính pháp, nghĩa là đối với dục cho đến vô dục, đều lìa bệnh của các ràng buộc, các che đậy. Pháp này ví như mùi các thứ hương, không có dấu vết của niệm loạn tưởng.
Ðó là Tỳ-kheo tu hành niệm Pháp sẽ có danh dự, thành tựu quả báo lớn, các điều lành đầy đủ, được nếm vị cam lồ, đến chỗ vô vi, sẽ thành tựu thần thông, trừ các loạn tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn. Thế nên, các Tỳ-kheo, thường nên tư duy, chẳng lìa niệm Pháp sẽ được các công đức lành này. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo, nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
3. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Hãy tu hành một pháp, hãy truyền bá rộng rãi một pháp. Tu hành, truyền bá rộng rãi một pháp rồi sẽ có danh dự, thành tựu quả báo lớn, các điều lành đầy đủ, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi, sẽ có thần thông, trừ các loạn tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn. Thế nào là một pháp? Nghĩa là niệm Tăng.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
- Thế nào là tu hành niệm Tăng sẽ có danh dự, thành tựu quả báo lớn, các điều lành đầy đủ, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi, sẽ có thần thông, trừ các loạn tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn?
Bấy giờ các Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:
- Căn bản các pháp đều do Như Lai nói. Cúi mong Thế Tôn, vì các Tỳ-kheo mà nói diệu nghĩa này. Các Tỳ-kheo nghe lời Như Lai nói rồi sẽ thọ trì.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Hãy lắng nghe, lắng nghe và khéo suy nghĩ! Ta sẽ vì các Thầy phân biệt rộng điều này.
Các Tỳ-kheo đáp:
- Xin vâng, Thế Tôn.
Các Tỳ-kheo vâng lời dạy rồi, Thế Tôn bảo rằng:
- Nếu có Tỳ-kheo chính thân, chính ý, ngồi kiết-già cột niệm trước mặt, không có tưởng khác, chuyên cần niệm Tăng (chúng): Thánh chúng của Như Lai nghiệp lành thành tựu, chất trực thuận nghĩa, không có nghiệp tà, trên dưới hòa mục, pháp pháp thành tựu, tam muội thành tựu, trí tuệ thành tựu, giải thoát thành tựu, độ tri kiến thành tựu. Thánh chúng là bốn đôi, tám bậc. Ðó là thánh chúng của Như Lai, phải nên cung kính, thừa sự, lễ thuận. Vì sao thế? Vì họ là ruộng phước của đời. Ở trong chúng này đều đồng là pháp khí. Cũng vì tự độ mà độ người khác đến đạo Tam thừa. Nghiệp như thế gọi là Thánh chúng. Thế nên, các Tỳ-kheo, nếu có người niệm Tăng, liền có danh dự, thành tựu quả báo lớn, các điều lành đầy đủ, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi, sẽ có thần thông, trừ các loạn tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn. Thế nên, các Tỳ-kheo, thường nên tư duy, chẳng lìa niệm Tăng, liền sẽ được các công đức lành này. Như thế, các Tỳ-kheo, hãy học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo, nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
4. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Hãy tu hành một pháp, hãy truyền bá rộng rãi một pháp. Tu hành, truyền bá rộng rãi một pháp rồi sẽ có danh dự, thành tựu quả báo lớn, các điều lành đầy đủ, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi, sẽ có thần thông, trừ các loạn tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn. Thế nào là một pháp? Nghĩa là niệm Giới.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
- Thế nào là tu hành niệm Giới sẽ có danh dự, thành tựu quả báo lớn, các điều lành đầy đủ, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi, sẽ có thần thông, trừ các loạn tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn?
Bấy giờ các Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:
- Căn bản các pháp đều do Như Lai nói. Cúi mong Thế Tôn, vì các Tỳ-kheo mà nói diệu nghĩa này. Các Tỳ-kheo được nghe lời Như Lai nói rồi sẽ thọ trì.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Hãy lắng nghe, lắng nghe và khéo suy nghĩ! Ta sẽ vì các Thầy phân biệt rộng điều này.
Các Tỳ-kheo đáp:
- Xin vâng, Thế Tôn.
Các Tỳ-kheo vâng lời dạy rồi, Thế Tôn bảo rằng:
- Nếu có Tỳ-kheo chính thân, chính ý, ngồi kiết-già cột niệm trước mặt, không có niệm khác, chuyên cần niệm Giới. Giới nghĩa là dừng các ác. Giới có thể thành đạo, khiến người hoan hỉ. Giới quấn quanh thân, làm hiện các vẻ đẹp.
Phàm cấm giới giống như bình cát tường tùy chỗ mong cầu mà thành tựu. Các đạo phẩm đều do giới mà thành tựu. Như thế, này các Tỳ-kheo, người hành cấm giới thành tựu quả báo lớn, các điều lành đầy đủ, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi, sẽ có thần thông, trừ các loạn tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn. Thế nên, các Tỳ-kheo, thường nên tư duy, chớ rời niệm Giới, sẽ được các công đức lành này. Như thế, các Tỳ-kheo, hãy học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo, nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
5. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Hãy tu hành một pháp, hãy truyền bá rộng rãi một pháp. Tu hành, truyền bá rộng rãi một pháp rồi sẽ có danh dự, thành tựu quả báo lớn, các điều lành đầy đủ, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi, sẽ có thần thông, trừ các loạn tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn. Thế nào là một pháp? Nghĩa là niệm Thí.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
- Thế nào là tu hành niệm Thí sẽ có danh dự, thành tựu quả báo lớn, các điều lành đầy đủ, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi, sẽ có thần thông, trừ các loạn tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn?
Bấy giờ các Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:
- Căn bản các pháp đều do Như Lai nói. Cúi mong Thế Tôn, vì các Tỳ-kheo mà nói diệu nghĩa này. Các Tỳ-kheo được nghe lời Như Lai rồi sẽ thọ trì.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Hãy lắng nghe, lắng nghe và khéo suy nghĩ! Ta sẽ vì các Thầy phân biệt rộng điều này.
Các Tỳ-kheo đáp:
- Xin vâng, Thế Tôn.
Các Tỳ-kheo vâng lời dạy rồi, Thế Tôn bảo rằng:
- Nếu có Tỳ-kheo chính thân, chính ý, ngồi kiết-già cột niệm trước mặt, không có niệm khác, chuyên cần niệm Thí: "Tôi nay bố thí, nơi vật bố thí trọn không có tâm hối tiếc, không nghĩ sẽ được đền đáp, không thích được lợi. Nếu người chửi tôi, tôi trọn không trả thù. Dù người hại tôi, dùng tay đấm, thêm dao gậy đập, ngói gạch ném vào mình, tôi sẽ khởi lòng từ, không nổi sân giận. Ý bố thí của tôi không đoạn dứt". Thế nên, Tỳ-kheo, gọi là đại Thí, sẽ thành tựu quả báo lớn, các điều lành đầy đủ, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi, sẽ có thần thông, trừ các loạn tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn. Thế nên, các Tỳ-kheo, thường nên tư duy, chẳng lìa niệm Thí, sẽ được các công đức lành này. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.
Bấy giờ các Tỳ-kheo, nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
6. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Hãy tu hành một pháp, hãy truyền bá rộng rãi một pháp. Tu hành, truyền bá rộng rãi một pháp rồi sẽ có danh dự, thành tựu quả báo lớn, các điều lành đầy đủ, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi, sẽ có thần thông, trừ các loạn tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn. Thế nào là một pháp? Nghĩa là niệm Thiên.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
- Thế nào là tu hành niệm Thiên, sẽ có danh dự, thành tựu quả báo lớn, các điều lành đầy đủ, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi, sẽ có thần thông, trừ các loạn tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn?
Bấy giờ các Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:
- Căn bản các pháp đều do Như Lai nói. Cúi mong Thế Tôn, vì các Tỳ-kheo mà nói diệu nghĩa này. Các Tỳ-kheo được nghe lời Như Lai rồi sẽ thọ trì.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Hãy lắng nghe, lắng nghe và khéo suy nghĩ! Ta sẽ vì các Thầy phân biệt rộng nghĩa này.
Các Tỳ-kheo đáp:
- Xin vâng, Thế Tôn.
Các Tỳ-kheo vâng lời dạy rồi, Thế Tôn bảo rằng:
- Nếu có Tỳ-kheo chính thân, chính ý, ngồi kiết-già cột niệm trước mặt, không có tưởng khác, chuyên cần niệm Thiên. Thân, miệng, ý trong sạch không tạo hạnh nhơ, hành giới thành tựu thân; thân phóng ánh sáng chiếu khắp mọi nơi, thành thân, trời kia, quả lành thành thân trời kia. Các hạnh đầy đủ liền thành thân trời. Như thế, này các Tỳ-kheo, gọi là niệm Thiên, sẽ được danh dự, sẽ thành tựu quả báo lớn, các điều lành đầy đủ, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi, sẽ có thần thông, trừ các loạn tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn. Thế nên, này các Tỳ-kheo, thường nên tư duy, chẳng lìa niệm Thiên, sẽ được các công đức lành này. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo, nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
7. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Hãy tu hành một pháp, hãy truyền bá rộng rãi một pháp. Tu hành, truyền bá rộng rãi một pháp rồi sẽ có danh dự, thành tựu quả báo lớn, các điều lành đầy đủ, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi, sẽ có thần thông, trừ các loạn tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn. Thế nào là một pháp? Nghĩa là niệm Dừng nghỉ.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
- Thế nào là tu hành niệm Dừng nghỉ sẽ có danh dự, thành tựu quả báo lớn, các điều lành đầy đủ, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi, sẽ có thần thông, trừ các loạn tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn?
Bấy giờ các Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:
- Căn bản các pháp đều do Như Lai nói. Cúi mong Thế Tôn, vì các Tỳ-kheo mà nói diệu nghĩa này. Các Tỳ-kheo được nghe lời Như Lai rồi, sẽ thọ trì.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Hãy lắng nghe, lắng nghe và khéo suy nghĩ! Ta sẽ vì các Thầy phân biệt rộng điều này.
Các Tỳ-kheo đáp:
- Xin vâng, Thế Tôn.
Các Tỳ-kheo vâng lời dạy rồi, Thế Tôn bảo rằng:
- Nếu có Tỳ-kheo chính thân, chính ý, ngồi kiết-già cột niệm trước mặt, không có tưởng khác, chuyên cần niệm Dừng nghỉ. Dừng nghỉ nghĩa là dứt tâm ý tưởng, chí tánh rõ ràng, cũng không tháo động, hằng chuyên một lòng, ý thích nhàn cư. Thường tìm phương tiện nhập tam-muội, thường nhớ không ham hơn thua, dành địa vị trên trước. Như thế, này các Tỳ-kheo, gọi là niệm Dừng nghỉ, sẽ được danh dự, sẽ thành tựu quả báo lớn, các điều lành đầy đủ, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi, sẽ có thần thông, trừ các loạn tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn. Thế nên, này các Tỳ-kheo, thường nên tư duy, không lìa niệm Dừng nghỉ, sẽ được các công đức lành này. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này! Bấy giờ các Tỳ-kheo, nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
8. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Hãy tu hành một pháp, hãy truyền bá rộng rãi một pháp. Tu hành, truyền bá rộng rãi một pháp rồi sẽ có danh dự, thành tựu quả báo lớn, các điều lành đầy đủ, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi, sẽ có thần thông, trừ các loạn tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn. Thế nào là một pháp? Nghĩa là niệm Hơi thở ra vào.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
- Thế nào là tu hành niệm Hơi thở ra vào sẽ có danh dự, thành tựu quả báo lớn, các điều lành đầy đủ, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi, sẽ có thần thông, trừ các loạn tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn?
Bấy giờ các Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:
- Căn bản các pháp đều do Như Lai nói. Cúi mong Thế Tôn, vì các Tỳ-kheo mà nói diệu nghĩa này. Các Tỳ-kheo được nghe lời Thế Tôn rồi, sẽ thọ trì.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Hãy lắng nghe, lắng nghe và khéo suy nghĩ! Ta sẽ vì các Thầy phân biệt rộng điều này.
Các Tỳ-kheo đáp:
- Xin vâng, Thế Tôn.
Các Tỳ-kheo vâng lời dạy rồi, Thế Tôn bảo rằng:
- Nếu có Tỳ-kheo chính thân, chính ý, ngồi kiết-già cột niệm trước mặt, không có tưởng khác, chuyên nhất niệm Hơi thở ra vào. Hơi thở ra vào nghĩa là nếu lúc hơi thở dài, cũng nên quán biết "tôi đang thở dài"; nếu lại hơi thở ngắn, cũng nên quán biết "tôi đang thở ngắn"; nếu hơi thở cực lạnh, cũng nên quán biết, "Tôi đang thở lạnh"; nếu hơi thở lại nóng, cũng nên quán biết, "Tôi đang thở nóng". Quán khắp thân thể từ đầu đến chân, đều nên quán biết. Nếu hơi thở lại có dài ngắn, cũng nên quán hơi thở có dài có ngắn. Dụng tâm giữ thân, biết hơi thở dài ngắn gì cũng đều biết cả, hơi thở ra vào phân biệt rõ ràng, nếu tâm giữ thân, biết hơi thở dài ngắn cũng lại biết hết. Ðếm hơi thở dài ngắn phân biệt hiểu rõ. Như thế, này các Tỳ-kheo, gọi là niệm Hơi thở ra vào, sẽ được danh dự, thành tựu quả báo lớn, các điều lành đầy đủ, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi, sẽ có thần thông, trừ các loạn tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn. Thế nên, này các Tỳ-kheo, thường nên tư duy, chẳng lìa niệm Hơi thở ra vào, sẽ được các công đức lành này. Như thế, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo, nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
9. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Hãy tu hành một pháp, hãy truyền bá rộng rãi một pháp. Tu hành, truyền bá rộng rãi một pháp rồi sẽ có danh dự, thành tựu quả báo lớn, các điều lành đầy đủ, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi, sẽ có thần thông, trừ các vọng tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn. Thế nào là một pháp? Nghĩa là niệm Thân.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
- Thế nào là tu hành niệm Thân sẽ có danh dự, thành tựu quả báo lớn, các điều lành đầy đủ, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi, sẽ có thần thông, trừ các loạn tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn?
Bấy giờ các Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:
- Căn bản các pháp đều do Như Lai nói. Cúi mong Thế Tôn, vì các Tỳ-kheo mà nói diệu nghĩa này. Các Tỳ-kheo được nghe Phật rồi, sẽ thọ trì.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Hãy lắng nghe, lắng nghe và khéo suy nghĩ! Ta sẽ vì các Thầy phân biệt rộng điều này.
Các Tỳ-kheo đáp:
- Xin vâng, Thế Tôn.
Các Tỳ-kheo vâng lời dạy rồi, Thế Tôn bảo rằng:
- Nếu có Tỳ-kheo chính thân, chính ý, ngồi kiết-già buộc niệm trước mặt, không có tưởng khác, chuyên nhất cần niệm Thân. Niệm Thân nghĩa là: tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, mật, gan, phổi, tim, tỳ, thận, ruột non, ruột già, bạch mô, bàng quang, phẩn tiểu, lá lách, thương đãng, dịch vị, nước mắt, đờm dãi, mỡ máu, mỡ lá, nước miếng, đầu lâu, não. Cái nào là thân? Là đất chăng? Là nước chăng? Là lửa chăng? Là gió chăng? Là do cha mẹ tạo ra chăng? Từ chỗ nào đến? Do ai làm ra? Mắt, tai, mũi, miệng, thân, tâm, nơi đây chết rồi sẽ sanh chỗ nào? Như thế, này các Tỳ-kheo, gọi là niệm Thân, sẽ được danh dự, thành tựu quả báo lớn, các điều lành đầy đủ, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi, sẽ có thần thông, trừ các loạn tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn. Thế nên, các Tỳ-kheo, thường nên tư duy chẳng lìa niệm Thân, sẽ được các công đức lành này. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo, nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
10. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Hãy tu hành một pháp, hãy truyền bá rộng rãi một pháp. Tu hành, truyền bá rộng rãi một pháp rồi sẽ có danh dự, thành tựu quả báo lớn, các điều lành đầy đủ, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi, sẽ có thần thông, trừ các loạn tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn. Thế nào là một pháp? Nghĩa là niệm Chết.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
- Thế nào là tu hành niệm Chết sẽ có danh dự, thành tựu quả báo lớn, các điều lành đầy đủ, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi, sẽ có thần thông, trừ các loạn tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn?
Bấy giờ các Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:
- Căn bản các pháp đều do Như Lai nói. Cúi mong Thế Tôn, vì các Tỳ-kheo mà nói diệu nghĩa này. Các Tỳ-kheo được nghe Như Lai nói xong, sẽ thọ trì.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Hãy lắng nghe, lắng nghe và khéo suy nghĩ! Ta sẽ vì các Thầy phân biệt rộng điều này.
Các Tỳ-kheo đáp:
- Xin vâng, Thế Tôn.
Các Tỳ-kheo vâng lời dạy rồi, Thế Tôn bảo rằng:
- Nếu có Tỳ-kheo chính thân, chính ý, ngồi kiết-già buộc niệm trước mặt, không có tưởng khác, chuyên cần niệm Chết.
Niệm Chết nghĩa là chết chỗ này, sanh chỗ khác, qua lại các đường, mạng chết chẳng dừng. Các căn tan hoại, như cây hư mục, mạng căn cắt đứt, tông tộc phân ly, không hình không tiếng cũng không tướng mạo. Như thế, này các Tỳ-kheo, gọi là niệm Chết, sẽ được danh dự, thành tựu quả báo lớn, các điều lành đầy đủ, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi, sẽ có thần thông, trừ các loạn tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn. Thế nên, các Tỳ-kheo, thường nên tư duy chẳng lìa niệm Chết, sẽ được các công đức lành này. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo, nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
Phật, Pháp và Thánh chúng,
Cho đến trọn niệm Chết,
Tuy cùng trên đồng tên,
Mà nghĩa mỗi thứ khác.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 13.59.69.58 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.