Kẻ làm điều ác là tự chuốc lấy việc dữ cho mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Bậc trí bảo vệ thân, bảo vệ luôn lời nói, bảo vệ cả tâm tư, ba nghiệp khéo bảo vệ.Kinh Pháp Cú (Kệ số 234)
Sống chạy theo vẻ đẹp, không hộ trì các căn, ăn uống thiếu tiết độ, biếng nhác, chẳng tinh cần; ma uy hiếp kẻ ấy, như cây yếu trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 7)
Người ngu nghĩ mình ngu, nhờ vậy thành có trí. Người ngu tưởng có trí, thật xứng gọi chí ngu.Kinh Pháp cú (Kệ số 63)
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê.Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hèn.Kính Pháp Cú (Kệ số 29)
Mặc áo cà sa mà không rời bỏ cấu uế, không thành thật khắc kỷ, thà chẳng mặc còn hơn.Kinh Pháp cú (Kệ số 9)
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 8)
Lửa nào sánh lửa tham? Ác nào bằng sân hận? Khổ nào sánh khổ uẩn? Lạc nào bằng tịnh lạc?Kinh Pháp Cú (Kệ số 202)
Vui thay, chúng ta sống, Không hận, giữa hận thù! Giữa những người thù hận, Ta sống, không hận thù!Kinh Pháp Cú (Kệ số 197)
Chiến thắng hàng ngàn quân địch cũng không bằng tự thắng được mình.
Kinh Pháp cú
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Tôn giả Đại Ca Diếp bạch rằng: "Thế Tôn! Rất lạ thay, những người ấy được nghe kinh pháp nầy, mà họ không có lòng yểm ly!"
- Nầy Đại Ca Diếp! Nếu là kẻ có bốn điều sau đây, thời dầu được nghe kinh pháp nầy, nhưng họ vẫn không yểm ly. Đây là bốn điều: nhiều phóng dật, không tin chắc nghiệp quả, không tin chắc đại địa ngục, không tin chắc mình sẽ chết.
Lại có kẻ vì có bốn điều dưới đây nên không yểm ly: lúc tráng niên khỏe mạnh tự cậy sức mạnh, mê say dục lạc, ham uống rượu, không suy gẫm quan sát để hiểu biết.
Nếu Tỳ Kheo có bốn điều dưới đây thời hủy báng Vô thượng Bồ đề: ác nghiệp thành thục chẳng biết phát lồ chẳng rành nghiệp quả ác, làm uế dục với Tỳ Kheo Ni, cậy có Hòa Thượng A Xà Lê được nhiều người kính mến, theo thầy học tập vì tật đố mà khinh chê thầy là ít học.
Nầy Đại Ca Diếp! Nếu có người được một pháp sau đây thời trọn nên bực Sa Môn, Bà La Môn: đối với tất cả pháp, tâm vô sở trụ.
- Nầy Đại Ca Diếp! Ví như có người rơi trên chót núi, bèn cho rằng không có mặt đất cây cối rừng rậm, chỉ tưởng trống không mà dứt hơi thở.
Những kẻ chấp pháp cũng như vậy. Nếu chấp có nhãn, nhĩ v.v... cùng chấp có tướng nhãn, nhĩ v.v... hoặc chấp sắc, thọ v.v... hoặc chấp trì giới, đa văn, tàm quý, tu hành, được Bồ đề v.v... Đây đều là không phải pháp của Sa Môn, Bà La Môn. Nếu có tưởng chấp thời bị làm hại. Những gì làm hại? Chính là tham, sân, si vậy.
Nếu chấp tướng nhãn, nhĩ v.v... thời thấy có sắc, thanh v.v... khả ái hay không khả ái, tất bị nhãn, nhĩ v.v... làm hại. Đã bị hại thời rất bị hại nơi trong vòng địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, nhơn và thiên.
Do đâu mà bị hại? Do tưởng chấp.
Sao gọi là tưởng chấp? Chính là chấp ngã và ngã sở, chấp nam, nữ, địa, thủy, hỏa, phong, chấp thây chết xanh bầm, tan rã, xương trắng, chấp thắng giải thoát, chấp kia có phần ít giải thoát, đây không phần ít giải thoát, chấp hiện chứng, ta tùy niệm khác với quá khứ, khác với hiện tại, ta là quá khứ, ta là hiện tại, nhẫn đến chấp Niết Bàn, thấy ta được Niết Bàn, với các pháp sanh tưởng chấp.
- Nầy Đại Ca Diếp! Tóm lại, kẻ chấp trước thời với chỗ nào cũng sanh niệm tưởng, nhẫn đến trong tánh không, họ vẫn có tất cả tưởng niệm. Đây đều chẳng phải pháp Sa Môn, Bà La Môn, đều chẳng phải hạnh Sa Môn, hạnh Bà La Môn.
- Nầy Đại Ca Diếp! Như Lai nói pháp Sa Môn, Bà La Môn như hư không cùng với mặt đất. Vì hư không trọn không nghĩ rằng ta là hư không. Cũng vậy, bực Sa Môn, Bà La Môn trọn không tự nói ta là Sa môn, Bà La Môn. Các pháp cũng chẳng tự nói là pháp Sa Môn, Bà La Môn. Chẳng tạo tác chẳng trừ bỏ, đây gọi là Sa Môn, là Bà La Môn.
- Nầy Đại Ca Diếp! Như có kẻ giữa đêm tối múa tay chơn, động đầu mặt, rồi nói rằng ta đùa cợt thế gian! Ta đùa cợt thế gian!
Ý ông thế nào, họ đùa cợt ai?
Bạch Thế Tôn! Kẻ đó tự đùa cợt lấy họ, vì giữa đêm tối không có ai để họ đùa cợt cả.
Nầy Đại Ca Diếp! Cũng vậy, nếu có Tỳ Kheo đến a lan nhã, hoặc đến dưới tàng cây, nhà vắng, đất trống, quán tưởng rằng nhãn, nhĩ v.v... đều là vô thường, sắc, thinh v.v... cũng đều vô thường. Ta thẳng đến Niết Bàn.
Các Tỳ Kheo ấy tự luống khổ nhọc không phải thật hạnh của Sa Môn. Vì họ có rất nhiều tà chấp.
Họ biết tướng nhãn, nhĩ v.v... rồi vì muốn diệt nhãn, nhĩ v.v... mà tu tập nhọc nhằn. Nếu ở nơi căn, trần, thức, ba chỗ đó mà biết rành thời sanh niệm phân biệt đối với ba chỗ ấy. Nếu đã ở nơi chỗ thấy biết mà sanh niệm phân biệt thời làm thế nào được tâm nhứt tánh cảnh.
- Nầy Đại Ca Diếp! Thậm thâm Bồ đề rất khó đến khó vào, khó có đủ tư lương. Thế nào gọi là tâm nhứt tánh cảnh? Suy tìm cùng khắp nhẫn đến một pháp cũng là bất khả đắc. Nghĩa là nhãn, nhĩ v.v... đều chẳng thể có thật. Tất cả pháp đều chẳng có thật. Vì bổn tánh như vậy. Tâm tánh vốn bất sanh, tất cả các pháp đều không có thật nên tâm đó bất khả đắc.
Vì nếu quá khứ, hiện, tại, vị lai là vô sở đắc thời là vô sở tác.
Thế nào gọi là vô sở tác? Hoặc cũ hoặc mới đều chẳng thể tạo tác nên gọi là vô sở tác.
Trong đây, quá khứ tâm không giải thoát, hiện tại tâm không giải thoát, vị lai tâm không giải thoát, tùy chỗ có tâm đều vô sở đắc, đây là tâm nhứt tánh cảnh, chính đây gọi là nhập vào số của tâm vậy.
- Nầy Đại Ca Diếp! Sẽ có hàng tứ chúng chấp cho rằng nhãn, nhĩ v.v... là diệt hoại. Đối với các uẩn chấp là vật có thật.
Như Lai nói các uẩn dường như cảnh chiêm bao. Nhưng họ lại bảo chiêm bao là thật có, vì thế gian nói có chiêm bao; nếu không chiêm bao, lẽ ra mọi người không có sự mộng tưởng để biểu thị. Do đây chúng ta trong lúc ngủ mơ sanh mộng tưởng. Thật vậy, vì các uẩn có sở nhơn nên gọi là như chiêm bao. Nếu uẩn đã không, thời chẳng nên nói các uẩn dường như cảnh chiêm bao!
Những kẻ ngu si kia cho chiêm bao là thật có. Họ nghe kinh pháp này bèn hủy báng. Trong hạng này lại có Tỳ Kheo Ni đối với các nhà thí chủ, vọng xưng rằng ta là bậc A La Hán. Hoặc vì y cứ nơi trí thô cạn, họ nói hiện chứng được. Hoặc có Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di nghe kệ tụng trong kinh luật rồi nói tôi hiện chứng.
- Nầy Đại Ca Diếp! Lúc đó, hoặc có Tỳ Kheo đã thường ở a lan nhã trải qua hai ba mươi năm tinh tấn tu tập, vì Phật pháp mà họ đến nơi Ưu Bà Tắc mới có lòng tin vừa được một ngày, rồi chỉ dùng lời không mà xướng thuyết lẫn nhau. Họ bảo rằng vì không không nên ta biết khắp tất cả, ta biết khắp tất cả!
Hoặc có Tỳ Kheo nghe kinh pháp này rồi luận nói với nhau. Có người nghe sanh lòng hãi sợ, lại nói những người tại gia cùng xuất gia chẳng nên gần gũi các vị ấy, phải xa lìa, vì chẳng phải giáo sư.
Hoặc có người giảng nói pháp lý thậm thâm lại bị hàng tại gia xuất gia khinh tiện bỏ rơi.
Hiện nay đây Phật nói phạm hạnh thắng diệu còn ít người biết, huống là đời vị lai đến cả người biết chút ít cũng đã qua đời. Lúc đó, một ngàn, hai ngàn vị Tỳ Kheo thuyết pháp khó có được một người hiểu biết đúng thật tin nhập diệu pháp. Trong hàng đó, hoặc có Tỳ Kheo hoặc đến đỗi không nói được suông câu huống là hiểu rõ.
Nầy Đại Ca Diếp! Lúc đó, hàng tại gia, xuất gia chung nhau khinh hủy giáo pháp nầy.
Nếu có Tỳ Kheo tinh tấn vì thêm lành dứt ác, nên bớt ngủ nghỉ, đầu hôm cuối đêm tinh tấn tu học. Các vị này tất bị kẻ khác ganh ghét chê bai hoặc giết chết. Những kinh pháp như đây sẽ diệt mất. Hàng Tỳ Kheo đúng pháp cũng đều tiêu diệt. Trong lúc đó, người có trí thanh tịnh vô nhiễm hiểu rõ diệu pháp, phải tôn trọng kinh pháp này, tin sâu cung kính, cùng nhau họp ở nơi a lan nhã."
Bấy giờ Ðức Thế Tôn nói kệ rằng:
"Pháp lành của Phật dạy
Hiệp với đệ nhất nghĩa
Rằng uẩn không chắc thật.
Nên xem nó như mộng.
Đời sau, các Tỳ Kheo
Lòng ganh đua lăng xăng
Không phân biệt tôn ti
Chỉ luống có danh tự.
Lời Tỳ Kheo nói ra
Tại gia cũng nói vậy
Giáo pháp lúc bây giờ
Đạo tục đồng cùng nói.
Tỳ Kheo bảo kẻ tục
Ông hiểu pháp hi hữu
Chính là Phật Bồ đề
Đã phát quả Sơ địa!
Lòng tự cho thấy pháp
Gần gũi người tại gia
Đây dâng cúng Tỳ Kheo
Đồ cúng dường tối thượng.
Các Tỳ Kheo này nói
Tất cả lời đều thật
Cùng tại gia thân nhau
Rằng ta đã thấy pháp.
Người ở đời vị lai
Vì lợi dưỡng xuất gia
Chẳng tuân theo chánh pháp
Hủy hoại Bồ đề đạo.
Ta đem đạo dạy cho
Gần ta chớ theo ai
Ít lâu ngươi sẽ được.
Như chỗ ta đã được.
Đây là ngôi tịch tịnh
Ta nói rõ cho ngươi
Trong đại chúng đông người
Làm hư giáo pháp Phật.
Ví như bọn giặc cướp
Lòng hung dữ hiểm độc
Đánh phá thành xóm làng
Cũng cướp tụ lạc lớn.
Tỳ Kheo nầy cũng vậy
Vô trí, nhiều ngu si
Huệ ít hay phạm lỗi
Chấp ngã chấp thọ mạng.
Rời xa giáo pháp Phật
An trụ trong kiến chấp
Tự xưng A La Hán
Đầy lòng tăng thượng mạn.
Họ ở giữa đại hội
Đối trước chúng Tỳ Kheo
Khoe mình nhiều trí huệ
Danh tiếng ít người có.
Lúc đó có Tỳ Kheo
Hoặc thật hành đúng pháp
Bị họ ghét chê bai
Bác không phải Phật tử.
Chư Phật đại Bồ đề
Lúc đó bị hủy báng
Chư Thiên lòng buồn lo
Thường hướng nhau than thở.
Chư Thiên tin chánh pháp
Thấy mất chánh pháp luân
Của Thích Ca Văn Phật
Đau lòng lăn trên đất.
Chư Thiên ca ngợi Phật
Cùng tán thán pháp môn
Khen ngợi phước điền Tăng
Con yêu của chư Phật.
Chúng ta chẳng còn nghe
Pháp nhiệm mầu của Phật
Thích Ca đã diệt độ
Không hiểu ôm lòng mê.
Tứ Thiên, Đao Lợi Thiên
Vang lên tiếng tăm lớn
Phổ cáo cùng chư Thiên
Đuốc pháp nay sắp tắt.
Các Ngài được nghe Phật
Nếu chẳng gần Như Lai
Hàng Thiên, Long sau này
Sẽ ôm lòng hối hận.
Trải qua vô số kiếp
Vì mình cũng vì người
Chịu đủ điều khốn khổ
Rồi sau mới thành Phật.
Đây là lời chư Phật
Vì giáo hóa chúng sanh
Giảng nói thiện pháp môn
Nay đây sẽ ẩn mất.
Kẻ giả dối ra đời
Gây nhiều tội đáng sợ
Là ma sứ, ác ma
Tha hồ nói lời ác.
Dua dối nhiều ngu si
Phỉnh gạt người khờ dại
Hoặc giận hoặc chẳng hờn
Chê Thầy, chê chánh pháp.
Nghe tiếng Trời truyền xướng
Các cõi trên đều buồn
Tứ Vương Thiên, loài người
Cũng đều cưu sầu khổ.
Thần Dạ Xoa nhóm họp
A Tra Phiệt Để thành
Kêu lên tiếng hãi hùng
Đôi mắt đồng rơi lệ.
Đền đài châu báu đẹp
Nghiêm lệ của chư Thiên
Thảy đều mất quang huy
Đen tối như đống đất.
Cung điện xưa xinh đẹp
Rất đáng mến đáng ưa
Nay mất cả oai quang
Nhìn xem không còn thích
Chư Thiên cùng nhau đến
Xưa kia chỗ Phật sanh
Lăn trên đất kêu gào
Càng thêm sầu thêm khổ.
Ta từ trời xuống đất
Đi qua các quốc thành
Phật pháp đều trầm luân
Nhìn khắp chẳng còn thấy.
Khắp cả Diêm Phù Đề
Chánh pháp đã suy tàn
Bức não người xuất gia
Nên chư Thiên than khóc.
Cung trời bảy ngày trọn
Nơi nơi mất oai quang
Chư Thiên cũng bảy ngày
Thường buồn rầu than khóc:
Than ôi đấng Đại Hùng!
Xưa tôi từng gặp Ngài
Nào ngờ nay chẳng thấy
Lời Ngài cũng thành không.
Phật thường ở Xá Vệ
Chúng tôi đến kính lễ
Nay thấy chỗ nhớ Người
Càng thêm buồn than khóc.
Và đây là rừng Lộc
Phật xưa ở nơi đây
Chuyển Tứ đế pháp luân
Chúng tôi thân nghe thấy!
Nay thế gian tăm tối
Chẳng kính mến lẫn nhau
Đã gây tạo tội nhơn
Tất sanh ba ác đạo.
Trên trời nhiều cung điện
Nay đều trống vắng người
Chúng sanh Diêm Phù Đề
Không chủ, không ai cứu.
Chỗ kinh hành của Phật
Nay hủy hoại hoang vu
Pháp Vương đã Niết Bàn
Thế gian mất an lạc
Giữa chúng trời Đao Lợi
Thiên Chúa Thích Đề Hoàn
Lòng khổ não ưu sầu
To tiếng than thở khóc.
Như vậy hàng Thiên chúng
Thường tán thán Như Lai
Tự hận xa Thế Tôn
Từng là Thầy thuyết pháp.
Không ăn cam lồ được
Cũng tuyệt tiếng đờn ca
Hàng chư Thiên như đây
Lòng sầu cả sáu tháng.
A Tu La nghe nói
Chánh pháp đã trống hư
Bèn kêu gọi lẫn nhau
Đem binh đánh Đao Lợi.
Diêm Phù các vua chúa
Hủy hoại Phật luật nghi
Chính trong thời kỳ nầy
Trời cùng Tu La chiến.
Sanh vào trong ác đạo
Có rất đông Tỳ Kheo
Cũng nhiều Tỳ Kheo Ni
Chịu đủ mọi sự khổ.
Tại gia phạm các tội
Cư sĩ phá thi la
Tranh bài bác lẫn nhau
Do đây đọa ác đạo.
Phụ nữ làm việc ác
Đều cũng vào tam đồ
Lúc hưng thạnh việc này
Thế gian chẳng an tịnh.
Có lúc qua tụ lạc
Hoặc trốn vào núi rừng
Vì lo sợ nhọc nhằn
Mọi người thọ ngắn yểu.
Khắp nơi nhiều trộm cướp
Sự đói khát lan tràn
Lúa má lại mất mùa
Thêm sâu keo phá hại.
Đời nhiều nghèo đói khổ
Loài người lúc chết rồi
Ngạ quỉ nhiều sanh vào
Chịu biết bao khổ sở.
Những đồ cúng chùa tháp
Vật dâng tứ phương Tăng
Lúc đó các Tỳ Kheo
Cùng nhau chia lấy hết.
Sau khi Phật diệt độ
Khổ như thế dẫy đầy
Phải sớm cố siêng năng
Chớ nhìn lui trở lại.
Bao nhiêu kẻ ngu dại
Người không huệ không căn
Do nghiệp ngu đã thành
Sớm đọa vào ác đạo.
Phải thích giảng đọc tụng
Trí huệ do đây sanh
Người tu huệ tu tâm
Mau sanh cõi lành tốt.
Thường dùng trí quán sát
Học đúng theo lời Phật
Lìa hẳn những buộc ràng
Sớm được Niết Bàn đạo.
Chánh pháp chẳng còn lâu
Phải gắng tinh tấn tu
Phật nói đã cạn lời
Gấp gẫm suy chơn chánh.
Khi kiếp này đã qua
Cả sáu mươi đại kiếp
Hiệu Phật chẳng được nghe
Làm sao có ưa thích.
Đến thời kỳ cơ cẩn
Sự đói khổ không cùng
Dầu cho đến mẹ con
Cũng giết nhau ăn thịt.
Lúc đó đến con đẻ
Kinh hãi đi chẳng yên
Dầu ở trong nhà mình
Vẫn lòng lo sợ sệt.
Thấy nghe những việc này
Rõ kia sanh tử khổ
Ai là người có trí
Mà lại thích lại ưa.
Vô minh là gốc sanh
Phụ nữ là gốc dục
Thân là cội gốc khổ
Do đây phải xa lìa.
Trong đời chúng sanh ngu
Say đắm nơi nữ dục
Người lìa được ngu si
Sẽ được Niết Bàn đạo.
Lúc giảng nói pháp nầy
Chẳng bị quả báo ác
Vì bác không nhơn quả
Nên phải sa ác đạo.
Pháp công đức vô lậu
Không không vô sở đắc
Tịch tịnh vốn không bền
Nên phải mau hiểu rõ".
Phật bảo Đại Ca Diếp: "Nếu có Tỳ Kheo hoặc người nào có thể trọn nên pháp đệ nhứt nầy mà cầu pháp vô lậu, thời nên bảo rằng: đối với tất cả pháp, tâm không chỗ trụ.
- Nầy Đại Ca Diếp! Bồ Tát phải kiên cố tu tập.
Thế nào là kiên cố? Thế nào là tu tập?
Kiên cố là tâm kiên cố và tinh tấn kiên cố.
Thế nào gọi là tâm kiên cố? Bồ Tát nghĩ rằng: cúng dường một Ðức Phật nhẫn đến cúng dường cả hằng hà sa số chư Phật rồi sau mới phát một niệm cầu Phật đạo, sau đó lại trải qua hằng hà sa số kiếp có một Ðức Phật hiện ra đời, vì phát hằng hà sa số tâm nguyện nên một lần được thọ thân người, nhẫn đến thọ hằng hà sa số thân người nghe pháp một câu phát trí huệ sáng suốt, được lợi ích lớn nơi đạo Vô thượng Bồ đề.
Bồ Tát nên phát tâm kiên cố như vậy.
Bồ Tát lại dùng nhiều phương tiện để nhiếp lấy trí huệ của Phật, dùng nhiều khổ hạnh để trông cầu, nhiều khổ hạnh để nhiếp thọ Phật trí. Bồ Tát phải có tâm kiên cố như vậy.
- Nầy Đại Ca Diếp! Nay Phật vì ông mà nói ví dụ. Những người trí do ví dụ mà được hiểu nghĩa trên đây nói về sự nhờ nhiều khổ hạnh mà có thể được Vô thượng Bồ đề, trải qua hằng hà sa số kiếp không nên thôi nghỉ. Nếu hằng hà sa số kiếp học tập mãi không thôi nghỉ, thời có thể hiện chứng Vô thượng Bồ đề. Bồ Tát nên phát tâm kiên cố như vậy để thêm thế lực sách tấn, vĩnh viễn không rời bỏ đạo Vô thượng Bồ đề.
Bồ Tát đã phát tâm như vậy, đối với phải chỗ không phải chỗ chẳng nên chấp lấy. Vì chấp lấy thời trở ngại đạo Vô thượng. Nếu Bồ Tát không chấp lấy phải chỗ không phải chỗ thời sớm được Vô thượng Bồ đề.
- Nầy Đại Ca Diếp! Ví như có người đem của báu đầy cả Đại Thiên thế giới dùng bố thí. Nếu có người tin và thọ trì kinh điển thuận Bồ đề của Phật nói, thời phước của người này hơn người bố thí kia.
- Nầy Đại Ca Diếp! Bồ Tát lại có tâm kiên cố, nhẫn đến tâm kiên cố này cũng bất khả đắc. Do đây sự tu hành của Bồ Tát chẳng nên thôi nghỉ.
Bồ Tát phải tu tập nhiều đến bao nhiêu? Tùy có bao nhiêu pháp tu tập. Nếu còn có một niệm không thể thấu rõ thời đều phải tu tập. Vì những pháp tu tập đó không biểu thị được, dầu vậy nhưng là pháp tu tập tối thắng, nghĩa là tâm tánh kiên cố vậy".
Bấy giờ Ðức Thế Tôn nói kệ rằng:
"Vô tâm, khởi tâm tưởng
Sẽ có bố úy lớn,
Ta sẽ thành, chẳng thành?
Việc này sẽ thế nào?
Do thường suy thường nghĩ
Kẹt ở nơi một bên
Hủy báng đạo chánh pháp
Nên chẳng được Bồ đề.
Đây là tâm giải đãi
Chẳng phải tướng Bồ đề
Người nầy nghi tất cả
Nghi Phật đến Thanh Văn.
Chẳng tu mà mong cầu
Thánh Hiền các Phật pháp,
Chẳng phải do ngôn thuyết
Thành được quả an lạc.
Cần phải có tin ưa
Mới thành được đại pháp,
Chẳng phải chỉ tâm lường
Mà được pháp thắng diệu.
Do một pháp thành được
Tất cả hạnh đã tu,
Biết thắng pháp kia rồi
Vì Phật nên siêng tu.
- Nầy Đại Ca Diếp! Do có thể thành tựu pháp này, Bồ Tát không gần gũi cúng dường chư Phật, tự biết chắc rằng tôi sẽ thành Vô thượng Chánh giác.
- Nầy Đại Ca Diếp! Bồ Tát tại gia có ba pháp tu tập có thể lợi ích đạo Bồ đề: vì nhứt thiết trí nên tin sâu phát nguyện, chẳng đắm trước nghiệp tại gia và giữ chắc năm giới.
Bồ Tát tại gia có đủ ba điều trên thời có thể thành sáu pháp: được báo hiền thánh, chẳng câm, chẳng ngọng, chẳng điếc, nghe pháp mau hiểu, đi đứng đoan nghiêm, lòng tin sâu chắc, nơi pháp thậm thâm chẳng kinh sợ, khi nghe pháp dễ hiểu dễ ngộ và mau được bực bất thối.
Đối với sáu pháp trên đây, phải khéo biết có năm điều chướng: lời ly gián, vọng ngữ, không có chí nguyện, tật đố và đắm trước ngũ dục.
Bồ Tát tại gia lại có ba pháp cần tu hành: thường có lòng muốn xuất gia, nên phải cung kính tôn trọng các bực Sa Môn, Bà La Môn, nếu người thuyết pháp chẳng phải đồng loại thời nên lánh xa, vì chẳng nên học tập theo những pháp tà ngoại chẳng phải Phật đạo.
- Nầy Đại Ca Diếp! Bồ Tát lại phải tu học ba pháp: thường tùy thuận chư Phật, vì giảng dạy người khác nên tự mình siêng tu hành, tập rèn lòng từ đối với chúng sanh.
Bồ Tát lại phải gần gũi ba pháp: lìa hẳn sự đánh đập, chẳng mắng nhiếc người và ban sự vô úy cho người đương kinh sợ".
Lúc bấy giờ Ðức Thế Tôn nói kệ rằng:
"Chẳng gần người hạ liệt
Thấy người chẳng chánh trực
Liền phải gấp lánh xa
Như lánh xa rắn độc.
Chẳng theo học đạo khác
Phi lễ phải xa lìa
Dường như thấy chó điên
Vì phải đọa ác đạo.
Nếu chấp trước theo người
Đồng họ đi đường ác
Nghe pháp "không" thắng diệu
Phải có lòng thích ưa.
Với Tỳ Kheo không tịch
Nên cung kính tôn thờ
Thêm lớn sự đa văn
Mà được sanh trí huệ.
Bực gần gũi Bồ đề
Mọi người phải kính lễ
Gặp qua để học hỏi
Sớm sanh những căn lành.
Muốn trí huệ thêm lên
Như hoa sen trong nước
Phải nghe nhiều chánh pháp
Căn lành lớn càng thêm.
Do trí huệ thêm nhiều
Có thể dứt hữu lậu
Thành oai đức vô úy
Đại trí rất tinh cần
Vì lợi ích mọi người
Tự mình thành lợi ích,
Người tại gia phải bỏ
Đừøng đánh đập chúng sanh.
Phát tâm cầu Bồ đề
Nơi pháp không thối chuyển,
Thân không bịnh, xinh đẹp
Mọi người điều kính ưa.
Nếu tu tập lòng từ
Thoát khỏi ba ác đạo,
Cõi trời Đao Lợi kia
Hưởng quả vui sung sướng.
Thân trời nếu đã chết
Chẳng sa đọa tam đồ
Sẽ sanh trong loài người
Nơi nhà sang tôn quí,
Thân đoan nghiêm xinh đẹp
Chẳng bị người khinh chê,
Thiên, Long theo hộ trì
Tu hành đúng chánh pháp,
Thọ hưởng nơi thắng diệu
Người kính trọng mến thương,
Giấc ngủ được an lành
Lúc thức lòng an ổn,
Vì chư Thiên ủng hộ
Nên chẳng sợ chẳng kinh,
Pháp rộng lớn trên đây
Nhiều lợi ích như vậy.
Hàng tại gia xuất gia
Lại có lợi ích lớn
Làm nẩy nở trí huệ
Căn lành cho mọi người,
Người sợ làm cho an
Đưa đến Vô thượng quả.
Chỉ cầu nhứt thiết trí
Chẳng mong mỏi cõi trời,
Người này được tương ưng
Chánh đạo cùng chánh huệ,
Vì có căn lành này
Chẳng còn sa ác đạo.
Được trí được tam minh
Khéo học ba vô lậu
Trọn nên những công đức
Như chư Phật đã thành.
Đấng tôn quí trong đời
Mọi người cung kính lễ
Người lễ kính Như Lai
Là bực nhứt trong chúng.
Nếu người còn tại gia
Phát được tâm Vô thượng
Vì họ nói pháp yếu
Ông nên lắng nghe đây.
- Nầy Đại Ca Diếp! Bồ Tát tại gia phải có ba điều: xa lìa những sự buông lung chơi bời theo thế gian, cho tặng lẫn nhau cùng lựa chọn ngày lành giờ tốt, nên thanh khiết tránh nhận lãnh nhiều và phải nên tinh tấn siêng học chánh pháp.
Hàng tại gia lại phải ba điều: chẳng trở ngại người thuyết pháp, phải khuyến thỉnh người thuyết pháp và thường thắp đèn đuốc.
Và trọn chẳng được làm ba điều này, nếu làm thời sẽ mang thân phụ nữ: chẳng được ngăn trở mẹ đến nghe chánh pháp và ra mắt Tỳ Kheo, chẳng được ngăn trở vợ ra mắt Tỳ Kheo và đi nghe chánh pháp; chẳng được phạm chỗ phi đạo của vợ".
Lúc bấy giờ Ðức Thế Tôn nói kệ rằng:
"Nên thường có lòng tin
5Thắp sáng đèn với đuốc
Bèn được đôi mắt Phật
Thanh tịnh không cấu nhơ.
Do nơi mắt thanh tịnh
Rõ các pháp sở tri
Vì rõ được sở tri
Nên biết pháp quá khứ
Biết hiện tại cũng vậy
Chẳng phân biệt vị lai
Không có ba thứ tướng.
Có ba thứ tướng này
Bỏ lìa tướng thứ ba.
Tướng gọi là vô tướng
Đều đồng là một nghĩa.
Phật dầu nói chư căn
Nhưng pháp không căn bản
Nơi đây sanh phân biệt
Thời mất đạo Bồ đề.
Tịnh tu Phật nhãõn rồi
Hiện chứng tất cả pháp
Câu đây là Bồ đề
như vừa rồi khai thị.
Pháp không khai thị được
Cũng không hủy hoại được
Các pháp như hư không
Nên nói là khai thị.
Phật tuyên nói nghĩa này
Để dạy chúng tại gia
Thường thắp sáng đèn đuốc
Được Phật nhãn rõ ràng.
Chẳng chướng người thuyết pháp
Giáo pháp của Thích Ca
Trọn chẳng vào tam đồ
Chẳng mắc sanh manh báo.
Thường hay cầu thỉnh người
Tuyên dương pháp tối thắng
Do sức căn lành này
Chuyển pháp luân Vô thượng.
Nếu có người với mẹ
Ngăn trở nghe pháp lành
Thọ thân nữ xấu xa
Đui gù nhiều tội lỗi,
Chẳng thấy được màu sắc
Cũng chẳng nghe tiếng tăm
Ở nơi chỗ tối tăm
Không khác loài dơi chuột.
Với vợ sanh đố kî
Ngăn trở việc tu hành
Mãn thọ sau khi chết
Sẽ mang thân gái xấu:
Tóc vàng, tròng mắt xanh
Đen điu mắt mù lòa
Chưn què, lòng độc ác
Tai điếc, miệng nhiều lời,
Nhiều tội lỗi như đây
Sớm có thân xấu ác
Do dục nhiễm nhân duyên
Mà bị chồng ghen ghét.
Này Đại Ca Diếp! Tại gia Bồ Tát không nên làm ba điều này: những đồ vật bố thí của người khác không luận nhiều ít tốt xấu, nếu người chủ chẳng mời thỉnh thời chẳng nên đem bố thí, người khác muốn xuất gia chẳng được làm trở ngại, còn người chưa xuất gia nên khuyên bảo xuất gia, thấy người xây dựng chùa tháp nên trợ giúp, chẳng được nhơn việc xây cất mà lạm lấy tiền của hay đồ vật".
Lúc bấy giờ Ðức Thế Tôn nói kệ rằng:
Của cải người bố thí
Không phải chỗ chẳng cho
Chỗ thí chẳng được ngăn
Lạm dụng thời mắc tội
Nên ở trước thí chủ
Vòng tay đứng thẳng ngay,
Trong đây nếu thiếu người
Cung cấp cho tăng chúng,
Phải theo lời thí chủ
Đem công giúp cho người,
Đồ uống cùng món ăn
Nhẫn đến thứ rẻ mọn
Đúng theo lòng thí chủ
Chớ để họ oán hờn.
Nếu ai muốn xuất gia
Hoặc con hoặc quyến thuộc
Bồ Tát nên thuận theo
Chẳng nên làm trở ngại.
Nguyện chúng sanh an lạc
Nguyện đặng chứng Niết Bàn
Bổn nguyện tôi được tròn
Nguyện thuyết pháp vô thượng.
Lúc biết mình có lỗi
Chớ để thân tâm nhơ
Chớ mãi mãi lo rầu
Mà bị phiền não nhiễm.
Này Đại Ca Diếp! Bồ Tát tại gia lại chẳng nên làm ba điều này: chẳng nên buôn bán người nam người nữ, chẳng nên đem thuốc độc cho người, chẳng nên gần gũi những người làm các việc trên".
Lúc bấy giờ Ðức Thế Tôn nói kệ rằng:
"Chớ buôn bán người nam
Chẳng buôn bán người nữ
Thuốc độc chớ cho người
Người làm phải tránh xa.
Vì làm khổ chúng sanh
Chư Thiên thừng quở trách,
Không luận đến xứ nào
Lòng lo sợ bị hại.
Hằng ngày thêm buồn lo
Nạn khổ bức thân thể
Chết yểu tự diệt vong
Do đây chẳng nên phạm.
Lỗi nầy và tội khác
Phật biết rõ nguyên nhơn
Lược nói một ít phần
Dạy răn chư Bồ Tát.
Này Đại Ca Diếp! Bồ Tát tại gia lại chẳng nên làm ba điều dưới đây: chẳng nên đến nhà dâm nữ, chẳng nên gần gũi những người mai mối, chẳng ở chỗ hàng thịt sát sanh".
Lúc bấy giờ Ðức Thế Tôn nói kệ rằng:
"Chẳng đến nhà dâm nữ
Nơi nhơ uế buông lung
Người đời sẽ chê bai
Vì gần gũi tệ dục
Đế đó, người trí biết
Ắt quở tách rầy la
Chiêu họa hại thân mình
Do đây thườn chết sớm.
Lại chẳng nên gần gũi
Kẻ mai mối gái trai
Người cưới vợ lấy chồng
Gần họ bị khi dễ.
Nhà sát sanh hàng thịt
Cũng phải chánh chớ qua
Nơi đó người khôn ngoan
Không bao giờ ca ngợi.
Những tội lỗi sâu nặng
Như Lai biết rõ ràng
Vì những người lỗi lầm
Nay Phật nói như thật.
Giáo pháp của Phật dạy
Để tử Phật phải rành
Đúng theo pháp thọ trì
Chỗ tu hành kết quả.
Chúng sanh tu thánh đạo
Mau đến quả Niết Bàn
Phật giảng cho hạng này
Chẳng phải vì người ác.
Này Đại Ca Diếp! Có ba điều Bồ Tát tại gia phải thật hành: ở nhà nên quan sát thân mạng của mình giả tạm như khách; với của cải đã bố thí có quan niệm như được chứa cất, với của cải chưa bố thí xem như xa lìa ta cả trăm do tuần, chẳng có quan niệm chứa của để cho vợ con".
Lúc bấy giờ Ðức Thế Tôn nói kệ rằng:
"Thường quan sát sự chết
Mạng tôi chẳng còn lâu
Sản nghiệp cùng của tiền
Nên thí gieo phước đức.
Của chẳng để vợ con
Cũng chẳng vì thân mình
Đem bố thí cho người
Được phước đức bền chắc.
Ân cần cầu Phật đạo
Chẳng sanh lòng cống cao
Nếu rời các pháp lành
Thường mang lấy tổn hại.
Như trẻ thơ đùa giỡn
Ăn chút ít chẳng no
Pháp vị còn mỏng manh
Dầu tin nhưng khó vững.
Nếu tu chẳng dõng mãnh
Cách đạo thiệt xa vời,
Hoằng pháp nếu chẳng thôi
Gọi là pháp rốt ráo.
Nay Phật vì đại chúng
Nói những pháp môn này
Nếu ai hiểu rõ ràng
Là bực nhứt thiết trí.
Dùng trí khéo quan sát
Lòng nhàm lìa nơi thân
Thường chánh niệm tư duy
Thời như đối trước Phật.
Này Đại Ca Diếp! Bồ Tát tại gia thành tựu được ba pháp dưới đây thời chẳng thối chuyển đạo Vô thượng Bồ đề: Cha mẹ chẳng tin Tam Bảo thời làm cho cha mẹ có lng tin, cha mẹ hủy phạm giới pháp thời khuyên cha mẹ giũ giới, cha mẹ tham lam bỏn sẻn thời khuyên cha mẹ bố thí, khen ngợi đạo Vô thượng Bồ đề mà vì người khác thuyết pháp, đây là pháp thứ nhứt được chẳng thối chuyển Vô thượng Bồ đề.
Bồ Tát tại gia biết rõ đáng cúng dường cùng chẳng đáng cúng dường, cúng dường cho người đáng cúùng, chẳng cúng dường cho người không đáng cúng, dầu chẳng cúng nhưng vẫn có lòng từ đối với họ, đây là pháp thứ hai được chẳng thối chuyển Vô thượng Bồ đề.
Bồ Tát tại gia nhọc nhằn làm ra của cải, chẳng phung phí, chẳng để thất phát, chẳng đem cho bừa bãi, phải nên cất giữ kỹ lưỡng. dầu vậy, nhưng đối với các bực Sa Môn, Bà La Môn thanh tịnh cùng các chúng sanh, vẫn bình đẳng bố thí cúng dường, và không làm chướng ngại những người đồng bố thí. Đây là pháp thứ ba được chẳng thối chuyển Đạo vô thượng Bồ đề".
Lúc bấy giờ Ðức Thế Tôn nói kệ rằng:
"Hàng tại gia Bồ Tát
Cầu Vô thượng Bồ đề
Trọn nên ba căn lành
Thẳng lên Vô thượng giác.
Cha mẹ đối Tam Bảo
Tà kiến không lòng tin
Khuyên cho phát tín tâm
Khiến trụ nơi thắng pháp
Cha mẹ tham bỏn sẻn
Khuyên bố thí làm lành
Phạm giới khuyên giữ gìn
Cũng khuyên tu trí huệ.
Bốn phương nên đi khắp
Thỉnh cầu các pháp sư
Thuyết pháp để độ người
Do đây thêm trí huệ.
Phạm giới khiến giữ giới
Chưa tin khiến được tin
Không huệ khiến chuyên tu
Do đây được bất thối.
Gặp Tỳ Kheo trí huệ
Giữ giới học rộng nhiều
Nên cung kính theo gần
Để thường thường học hỏi,
Do đây hàng cư sĩ
Được bất thối Bồ đề.
Gặp người đức sâu dầy
Hiểu đạo nhiều trí huệ,
Bực này đáng tôn trọng
Thân của đem cúng dường.
Tiêu biểu lònn kính tin
Trước kia Phật từng nói:
Không tin thời không được
Phát đại Bồ đề tâm,
Trí huệ thấy pháp mầu
Mau nên lợi ích lớn,
Ở nơi các pháp diệu
Chứng nhập chẳng khó khăn.
Biết mình cũng biết người
Nơi đây được lợi lớn,
Tương ưng pháp xuất thế
Nên trí huệ càng thêm.
Bao nhiêu những của tiền
Xưa nay thường chứa nhóm
Không phải gìn giữ mãi
Đem bố thí người tu.
Tiền của được sau này
Cũng mang ra bố thí
Bố thí thường tinh tấn
Phật quả ắt mau thành.
Trì giới cùng chúng sanh
Từ tâm đồng bố thí
Bố thí lòng trong sạch
Trọn không chút mong cầu,
Bạc tiền đến ngọc vàng
Đều vui lòng thí cả
Dõng mãnh thí tất cả
Những công hạnh đã làm
Hồi hướng Vô thượng thừa
Bồ đề đại giác đạo.
Cúng dường nếu phi pháp
Dầu bố thí Nhơn, Thiên
Chẳng bằng thuận pháp lành
Cho một người hèn khó.
Tinh tấn vì cầu pháp
Nhờ pháp được tỏ thông
Thắng đạo sanh trí mầu
Chứng Bồ đề vô thượng.
Này Đại Ca Diếp! Bồ Tát tại gia sau khi phát Bồ đề tâm nếu có ba điều dưới đây thời sẽ qua Thanh Văn thừa mà nhập Niết Bàn: có một hạng người sợ ba ác đạo, xem đạo Vô thượng quá nặng quá khó, không chuyên tu tập những thiện căn đã từng tu tập, chẳng thích cầu pháp lành, nản lòng cho là khổ, đây là điều thứ nhứt. Nếu có điều này thời thối thất Bồ đề tâm mà qua Thanh Văn thừa nhập Niết Bàn.
Có một hạng người lúc làm việc bố thí lòng không hoan hỉ, đã bố thí rồi lại hối hận, cũng chẳng hồi hướng cầu trí huệ Phật. Nếu người có điều thứ hai đây thời thối thất tâm Bồ đề, mau qua Thanh Văn thừa mà nhập Niết Bàn.
Lại có hạng người chẳng chuyên cần tinh tấn thật hành hạnh Đại thừa, chỉ thích cầu học rộng, do thiện căn hạ liệt mau nhập Niết Bàn. Đây là hạng thứ ba thối thất Bồ đề tâm, qua Thanh Văn mà nhập Niết Bàn".
Lúc bấy giờ Ðức Thế Tôn nói kệ rằng:
"Đã phát Bồ đề tâm
Chẳng tùy thuận chánh hạnh
Thối thất nơi Phật thừa
Vào nơi Thanh Văn đạo.
Vẫn tin đai Bồ đề
Cũng không lòng giải đãi
Do vô trí xan tham
Nên phải bị trở ngại.
Cảm ơn Phật trì giới
Bố thí lòng siêng năng
Ba la mật được thành
Chứng Bồ đề không khó.
Do tâm tạo những ác
Tâm củng thích cúng dường
Tâm chúng sanh nếu bền
Sẽ là thế gian quả.
Nếu lìa được ba lỗi
Hồi hướng đại Bồ đề
Sẽ là bực Thế Tôn
Chứng Bồ đề vô thượng
Này Đại Ca Diếp! Bồ Tát tại gia nếu có ba điều dưới đây, thời thối thất đạo Bồ đề, mà bát Niết Bàn nơi Độc Giác thừa: có hạng người dầu đã phát tâm Bồ đề nhưng bỏn sẻn chánh pháp. Có hạng người ham coi hạn coi sao và đoán việc cát hung thế gian. Lại co hạng người vì giải đãi mà không thể tu học khắp các pháp trợ Bồ đề. Những hàng tại gia đã phát tâm đại Bồ đề, nếu có ba lỗi trên thời sẽ thoiá thất Đại thừa mà vào Độc Giác thừa bát Niết Bàn.
Lúc bấy giờ Ðức Thế Tôn nói kệ rằng:
"Người bỏn sẻn chánh pháp
Chẳng chịu dạy bảo người
Sẽ qua Độc Giác thừa.
Thối thất đạo vô thượng.
Đã tu Đại thừa pháp
Lại xu cát tî hung
Chẳng phải chánh tín tâm
Tất phải xa Phật đạo.
Có thể chuyên tín nhạo
Kiên cố đạo Bồ đề
Trọn không lễ trời thần
Chỉ phụng thờ Ðức Phật.
Nếu có lòng tịnh tín
Chẳng cầu muốn quả trời
Có thể được Phật thừa
Hiệu là đấùng vô thượng
Nếu lòng thích Bồ đề
Chẳng thờ cúng trời thần
Không luận sanh chốn nào
Thân đẹp xinh tráng kiện.
Này Đại Ca Diếp! Bồ Tát tại gia vì có ba điều mà thọ lấy thân thể đen xấu: lấy đèn sáng nơi tháp của Như Lai, đối với người tranh cãi kiện tụng mà tỏ vẻ giận dữ, với người đen xấu không can dự đến mình mà lại chê mắng".
Lúc bấy giờ Ðức Thế Tôn nói kệ rằng:
"Lấy đèn sáng nơi tháp
Hoặc làm tắt đèn thờ
Thọ lấy thân đen điu
Như lông đen chim quạ
Khinh chê người đen xấu
Tôi trắng trẻo anh đen
Do khinh chê nơi người
Thọ lấy thân đen xấu
Phải khéo gìn lỗ miệng
Lỗi họa tự miệng ra
Tùy theo nghiệp đã làm
Sẽ thọ lấy nghiệp báo.
Này Đại Ca Diếp! Bồ Tát tại gia vì có ba điều sau đây mà phải sanh vào nhà thợ thuyền: tự đã giữ được năm giới, hoặc bị tân khách ép mời mà uống rượi, hoặc tự mời người khác uống, thời sẽ thọ sanh vào nhà thợ thuyền, đây là điều thứ nhứt.
Tự đã giữ được phạm hạnh, lại hòa hiệp người khác khiến họ làm việc uế dục, nên sẽ thọ sanh vào nhà thợ thuyền. Đây là điều thứ hai.
Thấy người siêng năng đọc tụng kinh pháp mà nhà mình lại hưng công rồi bảo kia rằng: Anh nên nghỉ đọc tụng để làm tiếp công việc cho tôi, do đây nên sẽ thọ sanh vào nhà thợ thuyền. Đây là điều thứ ba".
Lúc bấy giờ Ðức Thế Tôn nói kệ rằng:
"Đem rượi mời người uống
Uống rượu với bà con
Vì uống rượu say sưa
Bèn sanh vào nhà thợ.
Làm kim dao chẳng biết
Nghề khéo khác chẳng rành
Chỉ được ngồi động tay
Trước lò thụt ống bễ.
Tự mình tu phạm hạnh
Bảo người làm việc dâm
Mãn báo đã chết rồi
Sẽ sanh vào nhà thợ.
Làm kim dao chẳng biết
Ống bễ chẳng được làm
Chỉ biết quơ búa to
Đập xuống đe rèn sắt.
Bảo người bỏ đọc tụng
Sau khi đã chết rồi
Thọ sanh nhà thợ thuyền
Đâu óc thường nhu tối.
Chẳng biết thụt ống bễ
Cũng chẳng biết đập rèn
Do nghiệp báo khiến nên
Làm hư hại đồ đạc.
Phật có lời khuyên dạy
Nói năng phải gìn lời
Vĩnh viễn chớ dạy người
Làm tất cả việc ác.
Luân hồi sanh tử khổ,
Do tham ái mà ra
Pháp lành phải siêng tu
Lánh xa nhử pháp ác.
Này Đại Ca Diếp! Bồ Tát tại gia nếu có ba điều dưới đây thời sẽ thọ sanh vào nhà vua chúa sang giàu, thanâ thể đoan nghiêm xinh đẹp, được mọi người kính yêu, thông minh khéo léo siêng năng chẳng biếng trễ: người tại gia vừa mới gặp bực Sa Môn, Bà La Môn lần đầu, liền kính tin cúng dường những vật thực y phục thuốc men đồ nằm cùng những vật cần dùng khác. Đây là điều thứ nhứt. Người tại gia giữ vững bổn nguyện tu hành đúng như lời nói trọn chẳng vọng ngữ. Đây là điều thứ hai.
Người tại gia đối với bực Sa Môn, Bà La Môn đầy đủ giới hạnh, kính tin cúng dường các bực ấy mà lại có thể thọ học chánh pháp. Đây là điều thứ ba".
Lúc bấy giờ Ðức Thế Tôn nói kệ rằng:
"Những người có trí huệ
Thấy bực giới học cao
Phải sanh lòng vui mừng
Thường đi theo học hỏi.
Đã được lời dạy dỗ
Nên đúng pháp cúng dường
Bố thí đồ cần dùng
Trọn không lòng hối hận.
Đây là pháp bền chắc
Cần phải tùy thuận làm
Phật trí được tương ưng
Khó được mà mau được.
Do lòng tin sâu chắc
Thẳng đến đại Bồ đề
Đường trí huệ tu hành
Phật đạo chứng chẳng khó.
Sống trong pháp Vô thượng
Mong được pháp diệu mầu
Phải thọ thất thánh tài
Quả Niết Bàn được chứng.
Sẽ sanh nhà tôn quí
Thân xinh đẹp đoan nghiêm
Ăn mặc đều cao sang
Chứng Niết bàn Vô thượng.
Như chỗ Phật khen ngợi
Tu hành tối thượng thừa
Thanh tịnnh diệu Niết Bàn
Đây là quả tối thắng.
Đã tạo nên công hạnh
Quả đẳng lưu chẳng dừng
Trăm ức kiếp trải qua
Nghiệp này cũng chẳng mất.
Này Đại Ca Diếp! Bồ Tát tại gia trọn nên ba điều vun trồng các căn lành nhẫn đến chứng được Vô thượng Bồ đề trọn chẳng thọ vui ngũ dục thế gian:
Người tại gia thọ trì năm giới, không ca ngợi vui ngũ dục với người khác, siêng năng tu tập nghiệp hạnh của mình. Lại phát nguyện rằng: tôi thôi gần gũi tất cả phụ nữ. Từ nay đến khi chứng Vô thượng Bồ đề, nguyện tôi chẳng gặp sự vui ngũ dục thế gian. Đây là điều thứ nhứt.
Người tại gia nghe kinh điển này, sanh lòng tin cầu quả đại Niết Bàn dầu thọ trì giáo pháp này nhưng yêm ẩn chẳng thật hành. Được người khác giảng giải và phát khởi, liền phải xa bỏ việc yêm ẩn mà cố gắng thật hành. Do căn lành này đặng biện tài vô ngại, vô trước. Người này đời hiện tại hoặc lúc lâm chung sẽ được thấy Phật. Sau khi chết sanh lên cõi trời, không bao lâu sẽ chứng được Vô thượng Bồ đề. Đây là điều thứ hai.
Bồ Tát tại gia đem những căn lành mà mình đã có đều hồi hướng Vô thượng Bồ đề, chẳng ưa thích cảnh lục trần, của cải, chức tước, chẳng trìu mến quyến thuộc. Do Tâm vô vi và quả vô vi nên mau chứng Vô thượng Bồ đề. Đây là điều thứ ba.
Lúc bấy giờ Ðức Thế Tôn nói kệ rằng:
"Tại gia tu năm giới
Khéo giữ khéo hộ trì
Chẳng gần gũi nữ nhơn
Trong đây sanh nhàm chán.
Những pháp môn Vô thượng
Siêng tu chẳng mỏi nhàm
Nếu có lỗi chẳng lành
Mau ăn năn chừa bỏ.
Những căn lành tu tập
Đều hồi hướng Bồ đề
Do công đức lành này
Sớm lìa vui ngũ dục.
Thường được học biết rộng
Đem chánh pháp dạy người
Sanh lòng đại từ bi
Cầu Bồ đề Vô thượng
Đã nghe những lợi ích
Phải sanh niệm hiền lành
Các dục nhiễm nên xa
Sớm được thành Phật đạo".
Đại Ca Diếp bạch rằng: "Thế Tôn! Kinh pháp này tên là gì? Nay chúng tôi phải phụng trì thế nào?".
Phật bảo Đại Ca Diếp: "Kinh này tên là "Thuyết Tam Luật Nghi". Cũng tên là "Tuyên Thuyết Bồ Tát Cấm Giới". Cũng tên là "Đồng Nhập Nhứt Thiết Pháp".
Phật nói kinh này rồi, Tôn giả Đại Ca Diếp, tất cả đại chúng, Thiên, Long, Bát bộ v.v...nghe lời Phật dạy đều rất vui mừng tín thọ phụng hành.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.223.158.132 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.