Giặc phiền não thường luôn rình rập giết hại người, độc hại hơn kẻ oán thù. Sao còn ham ngủ mà chẳng chịu tỉnh thức?Kinh Lời dạy cuối cùng
Người ta trói buộc với vợ con, nhà cửa còn hơn cả sự giam cầm nơi lao ngục. Lao ngục còn có hạn kỳ được thả ra, vợ con chẳng thể có lấy một chốc lát xa lìa.Kinh Bốn mươi hai chương
Rời bỏ uế trược, khéo nghiêm trì giới luật, sống khắc kỷ và chân thật, người như thế mới xứng đáng mặc áo cà-sa.Kinh Pháp cú (Kệ số 10)
Kẻ không biết đủ, tuy giàu mà nghèo. Người biết đủ, tuy nghèo mà giàu. Kinh Lời dạy cuối cùng
Giữ tâm thanh tịnh, ý chí vững bền thì có thể hiểu thấu lẽ đạo, như lau chùi tấm gương sạch hết dơ bẩn, tự nhiên được sáng trong.Kinh Bốn mươi hai chương
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc nhưng không hương. Cũng vậy, lời khéo nói, không làm, không kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 51)
Ai dùng các hạnh lành, làm xóa mờ nghiệp ác, chói sáng rực đời này, như trăng thoát mây che.Kinh Pháp cú (Kệ số 173)
Chớ khinh tội nhỏ, cho rằng không hại;
giọt nước tuy nhỏ, dần đầy hồ to!
(Do not belittle any small evil and say that no ill comes about therefrom. Small is a drop of water, yet it fills a big vessel.)Kinh Đại Bát Niết-bàn
Xưa, vị lai, và nay, đâu có sự kiện này: Người hoàn toàn bị chê,người trọn vẹn được khen.Kinh Pháp cú (Kệ số 228)
Người ta vì ái dục sinh ra lo nghĩ; vì lo nghĩ sinh ra sợ sệt. Nếu lìa khỏi ái dục thì còn chi phải lo, còn chi phải sợ?Kinh Bốn mươi hai chương
Lúc ấy Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Như vậy có phải là nên nương tựa, y theo bốn hạng người Phật đã nói trên?”
Phật dạy: “Đúng vậy, đúng vậy! Thiện nam tử! Như ta đã nói, nên nương tựa, y theo những người như thế. Vì sao vậy? Vì có bốn thứ ma. Bốn thứ ma ấy là gì? Là ma phiền não, ma năm ấm, ma chết, và ma của cảnh trời Tha hóa tự tại. Những kinh luật khác mà các loài ma ấy thuyết dạy cũng có người thọ trì.”
Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Như Phật vừa nói có bốn thứ ma. Chúng con làm sao có thể phân biệt những điều Phật thuyết dạy với những điều ma thuyết dạy? Có những chúng sanh theo hạnh của ma, lại có những chúng sanh vâng lời Phật dạy, chúng con làm sao biết được?”
Phật dạy Bồ Tát Ca-diếp: “Bảy trăm năm sau khi ta nhập Niết-bàn, bọn ma Ba-tuần sẽ dần dần làm hư hoại Chánh pháp. Ví như người thợ săn mặc vào y phục người tu hành, Ma vương Ba-tuần cũng vậy. Chúng giả dạng tỳ-kheo, tỳ-kheo ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, lại hóa hình từ các vị Tu-đà-hoàn đến A-la-hán, cho đến sắc thân Phật. Với hình hài hữu lậu, Ma vương giả làm thân vô lậu để phá hoại Chánh pháp. Đến lúc ma Ba-tuần phá hoại Chánh pháp, chúng sẽ nói rằng: ‘Thuở xưa Bồ Tát ở trên cung trời Đâu-suất, chết đi rồi mới sanh về thành Ca-tỳ-la nơi cung vua Bạch Tịnh. Đó là nhân chỗ cha mẹ ái dục hòa hợp mà sanh ra thân ấy.’
“Hoặc nói rằng: ‘Nếu ai sanh trong cõi người mà được đại chúng chư thiên và nhân loại thế gian cung kính, đó là sự vô lý.’
“Ma lại nói rằng: ‘Từ thuở xưa kia, ngài đã từng tu khổ hạnh và bố thí mọi thứ, như: đầu, mắt, tuỷ não, thành quách, giang sơn, cho đến vợ con. Nhờ vậy, nay ngài được thành Phật đạo. Bởi nhân duyên ấy, ngài được sự cung kính của các loài chúng sanh: loài người, chư thiên, càn-thát-bà, a-tu-la, ca-lầu-la, khẩn-na-la, ma-hầu-la-già.’
“Nếu có kinh luật nào thuyết dạy như thế, nên biết rằng đó là thuyết của ma.
“Thiện nam tử! Như có kinh luật nào nói rằng: ‘Như Lai Chánh giác thành Phật đã lâu rồi, nay mới thị hiện thành Phật đạo. Vì ngài muốn độ thoát các chúng sanh nên thị hiện có cha mẹ, nương theo chỗ ái dục hòa hợp của cha mẹ mà sanh ra. Ngài tùy thuận thế gian nên làm việc như vậy.’ Nên biết rằng kinh luật như thế thật là chỗ thuyết dạy của Như Lai.
“Nếu ai tùy thuận thuyết của ma, người ấy là quyến thuộc của ma. Như ai có thể tùy thuận kinh luật mà Phật đã thuyết, tất nhiên đó là Bồ Tát.
“Như có kẻ nói rằng: ‘Lúc mới sanh Như Lai hướng về mười phương đi bảy bước theo mỗi phương. Điều ấy không thể tin.’ Đó là thuyết của ma.
“Như có kẻ nói rằng: ‘Lúc mới ra đời, Như Lai hướng về mười phương đi bảy bước theo mỗi phương, đó là phương tiện thị hiện của Như Lai.’ Như vậy gọi là kinh luật mà Như Lai đã thuyết.
“Nếu ai tùy thuận thuyết của ma, người ấy là quyến thuộc của ma. Như ai có thể tùy thuận kinh luật mà Phật đã thuyết, tất nhiên đó là Bồ Tát.
“Như có kẻ nói rằng: ‘Khi Bồ Tát sanh ra rồi, vua cha sai người đưa Ngài đến thiên từ. Chư thiên được thờ phụng nơi đó thấy Ngài vào thảy đều bước xuống lễ kính Ngài. Vì vậy nên ai nấy đều tôn xưng ngài là Phật.’
“Lại có kẻ vấn nạn rằng: ‘Chư thiên xuất hiện trước, Phật ra đời sau; như vậy làm sao chư thiên lễ kính Phật?’ Nên biết rằng lời vấn nạn như vậy tức là thuyết của Ma Ba-tuần.
“Như có kinh nói rằng: ‘Khi Phật bước vào miếu thờ thiên thần, các tượng thần và chư thiên nơi ấy như Ma-hê-thủ-la, Đại Phạm thiên vương, Thích-đề-hoàn-nhân thảy đều chắp tay, kính lễ dưới chân Phật.’ Kinh luật như vậy là thuyết của Phật.
“Nếu ai tùy thuận thuyết của ma, người ấy là quyến thuộc của ma. Như ai có thể tùy thuận kinh luật mà Phật đã thuyết, tất nhiên đó là Bồ Tát.
“Như có kinh luật nói rằng: ‘Khi Bồ Tát làm thái tử, vì lòng tham Ngài đi bốn phương tìm cưới vợ, rồi Ngài ở nơi thâm cung hưởng thụ năm thứ dục lạc, vui sướng đủ điều.’ Kinh luật như thế là do Ma Ba-tuần nói ra vậy.
“Như có thuyết nói rằng: ‘Bồ Tát đã lìa bỏ lòng tham đối với vợ con, gia thuộc từ lâu, cho đến đối với việc thụ hưởng năm thứ dục lạc thượng diệu ở cõi trời Ba mươi ba ngài cũng chỉ cũng xem như đàm dãi nhơ nhớp, huống chi là sự vui thích ở nhân gian? [Vì thế,] ngài cạo bỏ râu tóc, xuất gia tu học đạo.’ Kinh luật như thế là do Phật thuyết.
“Nếu ai tùy thuận thuyết của ma, người ấy là quyến thuộc của ma. Như ai có thể tùy thuận kinh luật mà Phật đã thuyết, tất nhiên đó là Bồ Tát.
“Như có kẻ nói rằng: ‘Khi Phật ở tại thành Xá-vệ, trong tinh xá Kỳ-đà, ngài có cho phép các tỳ-kheo thu nhận và chứa trữ những thứ như nô tỳ, tôi tớ, bò, dê, voi, ngựa, lừa, la, gà, heo, mèo, chó, vàng, bạc, lưu ly, chân châu, pha lê, xa cừ, mã não, san hô, hổ phách, ngọc thạch, ngọc bích, nồi đồng và nồi sắt, mâm đồng lớn và mâm đồng nhỏ, cùng mọi vật dụng...; có cho phép làm ruộng, làm vườn, buôn bán đổi chác, chứa trữ thóc lúa... Vì lòng đại từ thương xót chúng sanh, Phật cho chứa trữ mọi vật ấy và làm mọi việc như vậy.’ Kinh luật như thế là do ma thuyết.
“Như có người nói rằng: ‘Khi Phật ở tại thành Xá-vệ, trong tinh xá Kỳ-đà, xứ sở của quỷ Na-lê-lâu. Lúc ấy, nhân vì ông bà-la-môn Cổ-đê-đức cùng vua Ba-tư-nặc, Như Lai có dạy rằng: Tỳ-kheo chẳng nên thu nhận và chứa trữ vàng, bạc, lưu ly, pha lê, chân châu, xa cừ, mã não, san hô, hổ phách, ngọc thạch, ngọc bích, nô tỳ, tôi tớ, đồng nam, đồng nữ, các loại thú vật như: bò, dê, voi, ngựa, lừa, la, gà, heo, mèo, chó, nồi đồng và nồi sắt, mâm đồng lớn và mâm đồng nhỏ, và mọi thứ giường, mùng, chiếu, gối nhiều màu sắc...
“[Vị tỳ-kheo cũng không nên làm] những việc mà người đời cần đến để mưu sinh như làm nhà cửa, làm ruộng, làm vườn, buôn bán, đổi chác, tự làm thức ăn, xay gạo, giã gạo, luyện chú thuật giữ mình, tập luyện chim ưng dùng để đi săn, xem sao đoán mệnh, suy tính việc nên hư, xem tướng kẻ nam người nữ, theo chiêm bao mà đoán những việc lành dữ, [hoặc đoán thai nhi] là nam, là nữ, hay chẳng phải nam chẳng phải nữ... 64 nghề giỏi; lại có 18 phép chú thuật lừa dối người, các thứ nghề khéo léo, hoặc nói vô số việc thông tục của người đời; dùng hương tán, hương bột, hương phết, hương xông, mọi thứ hoa kết lại; làm nghề hớt tóc, sửa tóc, gian tà bợ đỡ, tham lợi không chán, vui thích chỗ náo nhiệt, nói chuyện giỡn cười, tham ăn cá thịt, pha chế thuốc độc, dầu thơm, dùng dù lọng quý, đi giày da, làm ra quạt lông, rương trấp, các thứ hình vẽ; chứa trữ lúa thóc, các loại lúa mạch, các loại đậu cùng các thứ dưa, trái...
“[Vị tỳ-kheo cũng không được] gần gũi thân mật với vua chúa, con vua, quan chức cao cấp cùng các phụ nữ, nói cười lớn tiếng hoặc nín lặng, không nói năng chi cả; thường nghi ngờ đối với các pháp, hay nói bậy bạ, chuyện dài, vắn, tốt, xấu, lành, dữ, ưa mặc áo đẹp...
“Nếu người xuất gia tự mình khen ngợi các việc bất tịnh như thế trước mặt thí chủ, lại vào ra, đi chơi đến những chỗ bất tịnh như tiệm bán rượu, nhà dâm nữ, chỗ cờ bạc... những người như vậy, Phật chẳng cho ở chung với các tỳ-kheo. Họ nên ra khỏi tăng đoàn, hoàn tục mà làm hạng tôi tớ trong thế gian cho người khác sai khiến. Họ ví như cỏ dại lẫn trong đám lúa, cần phải loại bỏ đi.’
“Những kinh luật nào dạy như trên, nên biết rằng đều là thuyết của Như Lai.
“Nếu ai tùy thuận thuyết của ma, người ấy là quyến thuộc của ma. Như ai tùy thuận thuyết của Phật, người ấy tức là Bồ Tát.
“Như có kẻ nói rằng: ‘Bồ Tát vì muốn cúng dường thiên thần nên vào miếu thần, như những chỗ thờ Đại tự tại thiên, Vi-đà thiên, Ca-chiên-diên thiên...’ [Lời nói như vậy là không đúng, vì] sở dĩ Phật vào những nơi đó là để điều phục cả hàng trời, người. Nếu nói rằng không phải như vậy thì thật vô lý!
“Lại như có kẻ nói rằng: ‘Bồ Tát không thể vào nơi ngoại đạo tà luận để biết oai nghi của họ, văn chương và kỹ nghệ của họ, không thể hòa hợp với bọn đánh thuê, chẳng nhận sự cung kính của kẻ nam, người nữ, quốc vương, đại thần, cũng chẳng biết pha chế các món thuốc. Vì chẳng biết các việc như vậy mới xưng là Như Lai, nếu biết là thuộc về bọn tà kiến. Lại nữa, Như Lai có lòng bình đẳng đối với kẻ oán và người thân, như có người dùng dao cắt thịt ngài hay có người dùng hương thơm thoa phết lên thân ngài, đối với hai người ấy ngài đều không xem là có sự tốt hơn hay tổn hại gì cả. Ngài chỉ giữ mức khoảng giữa, cho nên mới được xưng là Như Lai.’ Kinh luật như vậy, nên biết rằng đó là chỗ thuyết của ma.
“Như có người nói rằng: ‘Bồ Tát thị hiện vào miếu thờ thiên thần và ở trong pháp ngoại đạo xuất gia tu đạo; thị hiện biết oai nghi, lễ tiết của ngoại đạo và thế nhân, hiểu rõ tất cả văn chương, kỹ nghệ của họ, thị hiện vào thư đường, những chỗ kỹ xảo, khéo hòa hợp với bọn đánh thuê; đối với đại chúng, đồng nam, đồng nữ, hoàng hậu, cung phi, mỹ nữ, nhân dân, trưởng giả, bà-la-môn, vua chúa, đại thần, cho đến hạng bần cùng, ngài là bậc tối tôn tối thượng. Ngài lại được các hạng người ấy cung kính, Ngài cũng có thể thị hiện làm mọi việc vừa kể đó. Tuy ở nơi những người tà kiến, nhưng ngài chẳng có lòng luyến ái, như hoa sen không nhiễm bụi dơ. Vì độ tất cả chúng sanh, ngài khéo thi hành mọi phương tiện ấy, tùy thuận thế pháp.’ Kinh luật như vậy, nên biết chính là chỗ thuyết dạy của Như Lai.
“Nếu ai tùy thuận thuyết của ma, người ấy là quyến thuộc của ma. Như ai có thể tùy thuận thuyết của Phật thì người ấy là Đại Bồ Tát.
“Như có kẻ nói rằng: ‘Như Lai vì chúng tôi mà giảng thuyết kinh luật. Như nói rằng trong các pháp xấu ác, dù tội nặng, tội nhẹ hay tội thâu-lan-già thì tánh tội đều là nặng, trong giới luật của chúng tôi hoàn toàn không phạm vào. Từ lâu chúng tôi thọ lãnh và làm theo những pháp mà các ông chẳng tin. Chúng tôi lẽ nào lại bỏ giới luật của mình để theo giới luật của các ông sao? Giới luật của các ông là do ma thuyết; giới luật của chúng tôi mới là do Phật chế định. Đức Như Lai trước đã nói ra pháp ấn chín bộ. Chín cái ấn ấy in sâu vào kinh luật của chúng tôi; chúng tôi chưa hề nghe một câu, một chữ nào về kinh điển Phương đẳng. Như Lai diễn thuyết vô lượng kinh luật, nhưng thuyết kinh Phương đẳng ở nơi nào? Trong kinh luật chúng tôi chưa từng nghe nhắc đến tên mười bộ kinh! Nếu có thì nên biết chắc chắn là do Điều-đạt làm ra. Điều-đạt là người ác, vì muốn diệt pháp lành nên tạo ra kinh Phương đẳng. Chúng tôi chẳng tin những kinh như vậy, vì chính ma thuyết diễn kinh ấy. Tại sao vậy? Đã phá hoại Phật pháp, lại còn nói lời phải trái đảo điên. Những lời như vậy chỉ có trong kinh của các ông mà chẳng có trong kinh của chúng tôi. Trong kinh luật của chúng tôi, Như Lai có nói rằng: ‘Sau khi ta vào Niết-bàn, ở cõi đời xấu ác sẽ có kinh luật bất chánh gọi là kinh điển Đại thừa Phương đẳng.’
“Ở đời vị lai, sẽ có những tỳ-kheo xấu như vậy.
“Phật có dạy rằng: ‘Vượt hơn cả chín bộ kinh có kinh điển Phương đẳng.’ Như ai có thể thấu hiểu được nghĩa này, thì nên biết rằng người ấy thấu hiểu kinh luật một cách đúng đắn, lìa xa tất cả những sự vật bất tịnh, [luôn] nhiệm mầu trong sáng như vầng trăng tròn.
“Nếu có người nói rằng: ‘Như Lai đối với hết thảy kinh luật, thuyết dạy nghĩa lý nhiều như cát sông Hằng, nhưng trong luật của chúng tôi lại chẳng có những nghĩa lý ấy, nên chúng tôi biết là không có. Nếu là có, tại sao trong luật của chúng tôi không thấy Như Lai giảng thuyết? Vì vậy nên nay chúng tôi không thể tin nhận.’ Nên biết rằng những người nói như vậy là có tội.
“Kẻ ấy lại nói rằng: ‘Kinh luật [của chúng tôi] như thế này mới nên thọ trì. Vì sao vậy? Vì kinh luật ấy giúp tôi được ít tham muốn, biết đủ, dứt trừ phiền não; vì đó là trí huệ Niết-bàn, tạo được nhân pháp lành.’ Người nói như vậy chẳng phải là đệ tử của ta.
“Như có người nói rằng: ‘Vì muốn độ chúng sanh, Như Lai có thuyết giảng kinh Phương đẳng.’ Nên biết rằng, người nói như vậy thật là đệ tử của Phật. Nếu ai chẳng thọ trì kinh Phương đẳng, nên biết rằng người ấy chẳng phải đệ tử Phật, chẳng phải vì Phật pháp mà xuất gia, tức là đệ tử của bọn ngoại đạo tà kiến.
“Kinh luật đúng như [đã phân biệt trên đây] là do Phật thuyết dạy, bằng không phải như vậy tức là do ma thuyết. Nếu ai tùy thuận chỗ thuyết của ma, người ấy là quyến thuộc của ma. Nếu ai tùy thuận chỗ thuyết của Phật, tất nhiên người ấy là Bồ Tát.
“Lại nữa, thiện nam tử! Như có kẻ nói rằng: ‘Như Lai chẳng phải do vô lượng công đức mà thành tựu, ngài vẫn là vô thường, biến đổi, bởi ngài đạt được chỗ pháp Không nên tuyên thuyết lẽ vô ngã, nghịch với thế gian.’ Kinh luật như vậy gọi là chỗ thuyết của ma.
“Như có người nói rằng: ‘Như Lai Chánh giác không thể nghĩ bàn, lại do vô lượng công đức mà thành tựu, cho nên Như Lai là thường trụ, không hề biến đổi.’ Kinh luật như vậy mới là chỗ thuyết dạy của Phật.
“Nếu ai tùy thuận thuyết của ma, người ấy là quyến thuộc của ma. Nếu ai tùy thuận thuyết của Phật tức là Bồ Tát.
“Như có tỳ-kheo thật chẳng phạm tội ba-la-di. Mọi người đều cho rằng phạm tội ba-la-di là giống như cây đa-la bị chặt. Nhưng tỳ-kheo ấy thật không có phạm tội chi cả. Vì sao vậy? Ta thường dạy rằng: ‘Trong bốn tội ba-la-di, nếu phạm một tội thì như hòn đá bị tách ra, không thể gắn liền lại nữa.’ Nếu ai tự nói rằng mình chứng đắc quả thánh thì kẻ ấy gọi là phạm ba-la-di. Vì sao vậy? Vì thật không có chỗ đắc pháp mà cố ý giả hiện hình tướng đắc pháp. Người như vậy là gây nhân tội lỗi, đời sau không được làm người. Đó gọi là ba-la-di.
“Như có vị tỳ-kheo ít tham muốn, biết đủ, giữ giới thanh tịnh, ở nơi vắng vẻ yên tĩnh. Đức vua hoặc các quan đại thần nhìn thấy tỳ-kheo ấy, nghĩ rằng vị ấy đã đắc quả A-la-hán, liền đến trước vị ấy mà tán thán, cung kính lễ bái, nói rằng: ‘Vị đại sư như thế này, sau khi bỏ thân sẽ đạt được quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.’
“Nghe được lời ấy, vị tỳ-kheo liền đáp rằng: ‘Thật tôi chưa được đạo quả sa-môn, xin đại vương đừng xưng tán rằng tôi đã chứng đắc đạo quả. Xin đại vương đừng nói lời [khiến tôi thành kẻ] không tự biết đủ. Không tự biết đủ, đó là khi nghe người khác bảo rằng mình chứng đắc quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề mà lặng thinh chấp nhận. Nếu nay tôi lặng thinh chấp nhận điều ấy, chư Phật sẽ quở trách. Chư Phật thường khen ngợi hạnh tự biết đủ, nên tôi trọn đời vui vẻ tu tập theo hạnh tự biết đủ. Tự biết đủ, đó là tôi tự biết chắc mình chưa chứng đắc đạo quả, nay đại vương xưng tán rằng tôi đã đắc quả, tôi không dám nhận, đó gọi là tự biết đủ.’
“Đức vua nói rằng: ‘Đại sư [khiêm cung như thế] quả thật đã đắc quả A-la-hán, như Phật không khác.’ Liền tuyên cáo với tất cả nhân dân trong thành, ngoài thành, cùng các phi tần trong cung, rằng vị tỳ-kheo ấy đã đắc quả sa-môn. Nhờ vậy, những ai nghe biết thảy đều đem lòng cung kính tin theo, cúng dường tôn trọng vị tỳ-kheo ấy.
“Như vị tỳ-kheo ấy mới thật là người đức hạnh thanh tịnh, là nhân duyên giúp cho nhiều người được phước đức lớn. Tỳ-kheo như vậy thật không hề phạm tội ba-la-di. Vì sao vậy? Vì những người đến trước mặt vị ấy đều tự sanh lòng hoan hỷ, tán thán, cúng dường. Vị tỳ-kheo như vậy sao lại phạm tội? Nếu như nói rằng tỳ-kheo ấy có tội, thì nên biết rằng đó là kinh điển do ma thuyết.
“Lại có tỳ-kheo giảng thuyết theo kinh điển trong kho tàng giáo pháp rất sâu xa của Phật rằng: ‘Tất cả chúng sanh đều có tánh Phật; nhờ tánh Phật ấy có thể dứt trừ được các dây trói buộc của vô lượng phiền não, đắc thành quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, chỉ trừ hạng nhất-xiển-đề mà thôi.’ Nếu có đức vua hoặc đại thần thưa hỏi rằng: ‘Tỳ-kheo! Ông sẽ thành Phật hay không thành Phật? Ông có tánh Phật hay chăng?’ Tỳ-kheo ấy đáp rằng: ‘Hiện nay trong thân tôi quyết định có tánh Phật; còn việc thành Phật hay không chưa thể biết rõ.’ Vua nói: ‘Đại đức! Nếu không phải kẻ nhất-xiển-đề thì chắc chắn sẽ thành Phật.’ Tỳ-kheo ấy đáp rằng: ‘Đúng vậy, quả thật như lời đại vương!’ Dù vị ấy nói chắc rằng mình có tánh Phật, cũng chẳng phạm tội ba-la-di.
“Lại có vị tỳ-kheo, ngay lúc xuất gia, suy xét như thế này: ‘Nay tôi quyết định sẽ thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.’ Người như vậy, dù chưa đắc thành đạo quả vô thượng, nhưng cũng đã được phước vô lượng vô biên. Giả sử có ai nói rằng người ấy phạm ba-la-di, thì tất cả các tỳ-kheo không ai là chẳng phạm. Vì sao vậy? Ta đây thuở xưa trong tám mươi ức kiếp, thường xa lìa tất cả mọi vật bất tịnh, ít tham muốn, biết đủ, trọn vẹn oai nghi, khéo tu theo Chánh pháp vô thượng của Như Lai, nên cũng tự biết chắc rằng mình có tánh Phật. Nhờ đó nay ta đắc thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, được xưng là Phật, có đại từ bi.
“Kinh luật như trên là do Phật thuyết. Nếu những ai không thể tùy thuận theo đó, ấy là quyến thuộc của ma. Như ai tùy thuận theo đó tức là Đại Bồ Tát.
“Nếu có kẻ nói rằng: ‘Không có bốn tội ba-la-di, mười ba tội tăng tàn, hai pháp bất định, ba mươi tội xả đọa, chín mươi đơn đọa, bốn pháp sám hối, một trăm điều phải học, bảy pháp dứt sự tranh cãi.v.v... không có cả tội thâu-lan-già, năm tội nghịch cùng tội nhất-xiển-đề. Như tỳ-kheo phạm một trong những tội ấy thì phải đọa địa ngục, còn ngoại đạo thì được sanh cõi trời. Vì sao vậy? Vì ngoại đạo không có giới nào để phạm cả. Giới đó là do Như Lai vì muốn cho người ta khiếp sợ nên mới thị hiện thuyết dạy vậy thôi.’
“Lại có kẻ nói rằng: ‘Phật có dạy: Các tỳ-kheo nếu muốn hành dâm thì nên cởi pháp phục, mặc y phục thế tục rồi hãy làm việc dâm dục. Lại nữa, nên nghĩ tưởng rằng: Nếu ta làm chuyện dâm dục thì không có tội lỗi. Lúc Như Lai còn tại thế, cũng có những tỳ-kheo quen làm chuyện dâm dục, nhưng cũng được giải thoát chân chánh, hoặc sau khi mạng chung được sanh lên cõi trời. Xưa nay thường có những người làm như vậy chứ không chỉ một mình ta. Hoặc có người phạm bốn trọng giới, hoặc có kẻ phạm năm giới, hoặc có kẻ phạm vào tất cả luật nghi bất tịnh, mà còn đạt được giải thoát chân chánh đó thôi! Mặc dù Như Lai có nói rằng kẻ phạm tội đột-cát-la sẽ đọa địa ngục trong một thời gian bằng tám trăm vạn năm ở cõi trời Đao-lợi, nhưng đó cũng là cách Như Lai thị hiện để làm cho người ta khiếp sợ mà thôi. Nếu nói rằng các tội từ ba-la-di cho đến đột-cát-la, nặng nhẹ chẳng khác gì nhau, đó là lời sai trái của các luật sư, lại bảo rằng do Phật chế định. Vậy nên biết chắc rằng đó không phải là lời Phật thuyết dạy.’
“Những lời lẽ như trên chính là kinh luật của ma.
“Lại như có kẻ nói rằng: ‘Đối với giới luật, dù phạm giới nhỏ cho đến các giới rất nhỏ cũng sẽ bị quả báo khổ sở, kéo dài vô hạn.’
“Đã biết như vậy rồi, hãy khéo thận trọng phòng hộ lấy thân tâm, như con rùa thận trọng co rút vào trong mu rùa.
“Nếu như có người dạy luật lại nói rằng: ‘Những việc phạm giới thảy đều không có tội báo gì cả.’ Không nên gần gũi với người như vậy. Như Phật có thuyết kệ rằng:
“Nếu phạm lỗi không nhận,
Đều gọi là nói dối.
Không tin có đời sau,
Việc ác nào cũng làm.
“Cho nên đừng gần gũi với hạng người ấy.
“Trong Phật pháp luôn [giữ gìn sự] thanh tịnh như thế, huống chi phạm tội thâu-lan-già, tội tăng-tàn hay tội ba-la-di mà nói là không có tội được sao? Cho nên cần phải phòng hộ giữ mình một cách nghiêm cẩn và sâu sắc đối với những pháp như vậy. Nếu không cần phải giữ gìn phòng hộ thì còn gì gọi là giới cấm?
“Trong kinh điển ta có dạy rằng: Nếu có kẻ phạm từ bốn tội nặng ba-la-di cho đến các tội cực kỳ nhỏ nhặt như các tội đột-kiết-la, đều phải trừng trị một cách nghiêm khắc. Nếu chúng sanh chẳng nghiêm giữ giới cấm, làm sao thấy được tánh Phật? Tuy tất cả chúng sanh đều có tánh Phật, nhưng nhất thiết phải nhờ sự trì giới mới thấy được tánh Phật. Nhờ thấy tánh Phật mới thành tựu A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.
“Trong chín bộ kinh [ta thuyết dạy trước] không có kinh Phương đẳng, cho nên không nói việc có tánh Phật. Mặc dù những kinh ấy không nói, nhưng phải biết rằng thật có tánh Phật. Nếu ai nói như vậy, nên biết rằng người ấy thật là đệ tử của ta.”
Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Theo như lời dạy trên thì tất cả chúng sanh đều có tánh Phật. Nhưng trong chín bộ kinh, chưa từng nghe nói đến điều ấy. Nếu ai nói rằng có tánh Phật, há chẳng phải là phạm ba-la-di sao?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Theo như ông vừa nói đó, thật không có việc phạm ba-la-di. Thiện nam tử! Ví như có người nói: ‘Biển cả chỉ có bảy vật báu mà thôi, không có tám thứ báu.’ Người ấy không có tội. Lại như có người nói: ‘Trong chín bộ kinh, không có [nói] tánh Phật.’ Người này cũng không có tội. Vì sao vậy? Trong biển đại trí Đại thừa, ta nói rằng có tánh Phật. Đó là lẽ mà người trong hai thừa [Thanh văn và Duyên giác] không thấy biết được. Cho nên nói không có tánh Phật là không có tội. Cảnh giới ấy là chỗ thấy biết của chư Phật, hàng Thanh văn và Duyên giác không thể hiểu nổi.
“Thiện nam tử! Nếu ai chẳng nghe được pháp tạng hết sức sâu kín của Như Lai thì làm sao biết rằng có tánh Phật?
“Thế nào gọi là pháp tạng hết sức sâu kín? Đó là chỉ kinh điển Phương đẳng Đại thừa.
“Thiện nam tử! Có những kẻ ngoại đạo nói lý ngã thường, hoặc nói lý ngã đoạn. Như Lai chẳng phải thế, ngài nói lý hữu ngã mà cũng nói lý vô ngã. Đó gọi là Trung đạo. Như có kẻ nói rằng: ‘Phật nói lý Trung đạo: Tất cả chúng sanh đều có tánh Phật. Bởi phiền não che lấp tánh Phật ấy nên chẳng thấy chẳng biết. Vì thế cần phải siêng tu phương tiện để dứt hết phiền não.’ Nếu ai thuyết được như vậy, nên biết rằng người ấy không phạm vào [một trong] bốn tội trọng. Nếu ai không thuyết được như vậy thì gọi là phạm tội ba-la-di.
“Như có người nói rằng: ‘Tôi đã thành tựu A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Vì sao vậy? Vì tôi có tánh Phật. Có tánh Phật, ắt phải thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Bởi nhân duyên ấy, nay tôi đã thành tựu Bồ-đề.’ Nên biết rằng người nói như vậy là phạm tội ba-la-di. Vì sao vậy? Tuy có tánh Phật, nhưng vì chưa tu tập các phương tiện thiện pháp nên chưa thấy tánh Phật. Vì chưa thấy tánh Phật nên chưa được thành tựu A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.
“Thiện nam tử! Vì nghĩa ấy nên pháp Phật là thâm sâu, không thể nghĩ bàn.”
Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Có vị vua hỏi rằng: ‘Thế nào là tỳ-kheo phạm vào lỗi vọng xưng chứng thánh?’
Phật dạy Ca-diếp: “Như có vị tỳ-kheo vì lợi dưỡng, vì món ăn vật uống mà làm theo những cách nịnh hót, gian ngụy, dối trá, nghĩ rằng: ‘Làm sao để khiến những người thế gian biết rõ rằng ta là bậc khất sĩ? Nhờ nhân duyên ấy, ta sẽ được lợi dưỡng lớn, danh dự lớn.’ Tỳ-kheo ấy vì rất ngu si, trong đêm thường suy nghĩ rằng: ‘Thật ta chưa chứng đắc bốn quả sa-môn. Phải làm thế nào khiến người thế gian tin rằng ta đã chứng đắc bốn quả ấy? Lại làm thế nào để khiến những ưu-bà-tắc và ưu-bà-di cùng nói về ta rằng: Đó là người phước đức, thật là bậc thánh nhân.’ Vị tỳ-kheo suy nghĩ như vậy, chính là người cầu lợi dưỡng chứ không phải cầu pháp. Khi đi lại, lúc vào ra, tới lui, nghỉ ngơi, mặc áo, ôm bát... không để mất oai nghi, lại ngồi một mình nơi chỗ trống trải, vắng lặng, dường như bậc A-la-hán, khiến mọi người thế gian đều nói rằng: ‘Đó là vị tỳ-kheo xứng đáng bậc nhất, ông ấy tinh cần khổ hạnh, tu pháp tịch diệt.’ Người ấy luôn nghĩ rằng: ‘Nhờ nhân duyên ấy, ta sẽ được nhiều đệ tử. Mọi người cũng sẽ cúng dường cho ta nhiều áo quần, đồ ăn thức uống, thuốc men, và có nhiều nữ nhân sẽ kính trọng, yêu quý ta.’ Nếu tỳ-kheo hay tỳ-kheo ni nào có việc làm và suy nghĩ như vậy thì phạm vào tội vọng xưng chứng thánh.
“Lại có vị tỳ-kheo, vì muốn kiến lập Chánh pháp vô thượng liền ngồi yên nơi chỗ trống trải vắng lặng. Vị ấy chẳng phải là A-la-hán, nhưng muốn làm cho người ta gọi mình là A-la-hán, là vị tỳ-kheo tốt lành, là vị tỳ-kheo tịch tĩnh, khiến vô lượng người đời sanh lòng tin. Vị ấy nghĩ rằng: ‘Nhờ nhân duyên ấy, ta sẽ được vô số tỳ-kheo theo kề cận; nhân đó ta sẽ giáo hóa những tỳ-kheo phá giới cùng những ưu-bà-tắc, khiến cho hết thảy đều giữ giới. Nhờ nhân duyên ấy, ta sẽ kiến lập Chánh pháp, mở mang sáng tỏ pháp Vô thượng của Như Lai, chỉ bày khai mở giáo pháp Phương đẳng Đại thừa, độ thoát hết thảy vô lượng chúng sanh, khéo giải nghĩa chỗ nặng, chỗ nhẹ trong kinh luật mà Như Lai đã thuyết.’
Vị tỳ-kheo ấy lại nói rằng: “Nay ta cũng có tánh Phật. Có kinh điển gọi là kho tàng sâu kín của Như Lai; theo kinh ấy thì ta chắc chắn sẽ được thành tựu Phật đạo, dứt hết các dây trói buộc là vô lượng phiền não. Ta sẽ thuyết giảng với vô số các vị ưu-bà-tắc rằng: ‘Các ông thảy đều có tánh Phật. Các ông và tôi đây, chúng ta đều có thể trụ yên trong cảnh giới của Như Lai, thành tựu A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, dứt hết các dây trói buộc của vô lượng phiền não.’ Người nói ra lẽ đó theo cách như vậy không hề phạm vào lỗi vọng xưng chứng thánh. Đó gọi là Bồ Tát.
“Nếu nói rằng phạm tội đột-cát-la đều sẽ đọa địa ngục trong một thời gian tám trăm vạn năm tính theo năm tháng ở cõi trời Đao-lợi, thọ các tội báo, vậy sao lại dám cố ý phạm tội thâu-lan-già? Trong pháp Đại thừa, nếu có tỳ-kheo phạm tội thâu-lan-già thì không nên gần gũi với tỳ-kheo ấy. Thế nào là tội thâu-lan-già theo kinh Đại thừa? Như có vị trưởng giả tạo lập chùa Phật, dùng những dây hoa mà cúng dường Phật. Kế đó, có thầy tỳ-kheo thấy trong chuỗi hoa có sợi dây kết, không hỏi xin mà [tự ý] lấy, đó là phạm tội thâu-lan-già. Dù [có người] biết đến hay không cũng đều là phạm tội.
“Nếu vì lòng tham mà phá hoại tháp Phật cũng là phạm tội thâu-lan-già. Người như vậy không nên gần gũi.
“Như vua, đại thần thấy những tháp thờ hư mục, ý muốn tu bổ, cúng dường xá-lợi. Ví như có người nhặt được trân bảo trong tháp ấy liền gửi cho tỳ-kheo gìn giữ. Được trân bảo rồi, thầy tỳ-kheo ấy tự do sử dụng. Tỳ-kheo như vậy gọi là bất tịnh, thường gây ra nhiều sự tranh chấp. Người cư sĩ tốt không nên gần gũi cúng dường, cung kính tỳ-kheo như vậy. Hạng tỳ-kheo như vậy khác nào những kẻ vô căn, những kẻ lưỡng căn, những kẻ căn tánh không xác định.
“Hạng người căn tánh không xác định thì khi ham muốn người nữ, [căn trong] thân liền biến ra nữ căn; khi ham muốn người nam, [căn trong] thân liền biến ra nam căn. Hạng tỳ-kheo [phạm tội] như vậy cũng ví như kẻ căn tánh xấu xa, chẳng phải nam chẳng phải nữ, [vì tỳ-kheo ấy là] chẳng phải xuất gia cũng chẳng phải tại gia. Không nên gần gũi cúng dường, cung kính hạng tỳ-kheo như vậy.
“Trong đạo Phật, pháp của sa-môn là nên sanh lòng từ bi che chở, nuôi dưỡng chúng sanh, cho đến đối với con kiến cũng nên thí cho sự an ổn không sợ sệt. Pháp của sa-môn là lìa xa việc uống rượu, cho đến chẳng ngửi mùi rượu. Pháp của sa-môn là không được nói dối, cho đến trong giấc mộng cũng không nghĩ đến sự nói dối. Pháp của sa-môn là không sanh lòng dâm dục, cho đến trong lúc nằm mộng cũng không sanh lòng dâm dục. Đó là pháp của sa-môn.”
Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Như có tỳ-kheo nằm mơ thấy mình làm chuyện dâm dục, như vậy có phạm giới chăng?”
Phật dạy: “Không phạm. Nhưng đối với việc dâm dục, nên tưởng đó là việc ô uế nhơ nhớp, cho đến không hề có ý tưởng cho đó là việc trong sạch, thường lìa xa mối phiền não lưu luyến người nữ. Nếu khi chiêm bao thấy mình làm chuyện dâm dục, lúc tỉnh giấc nên sanh lòng hối hận.
“Tỳ-kheo khất thực, trong khi [tiếp xúc] thọ nhận đồ cúng dường, nên có tư tưởng như đang gặp lúc đói kém phải ăn thịt con [để sống]! Nếu thấy lòng dâm dục phát sanh phải lìa bỏ ngay. Nên biết rằng pháp môn như vậy là kinh luật của Phật thuyết. Nếu ai tùy thuận thuyết của ma, đó là quyến thuộc của ma. Như ai tùy thuận thuyết của Phật, đó gọi là Bồ Tát.
“Như có kẻ nói rằng: ‘Phật cho phép tỳ-kheo thường đưa lên một chân, lặng thinh chẳng nói, gieo mình vào lửa dữ, từ trên núi cao mà nhảy xuống, chẳng tránh tai nạn hiểm nguy, uống thuốc độc, tuyệt thực, nằm trên tro trên đất, tự trói tay chân, sát hại chúng sanh, chuyên nghề bùa chú... Những người dòng chiên-đà-la, những kẻ vô căn, lưỡng căn hoặc căn tánh không xác định, cùng những kẻ căn thân chẳng đủ... những hạng người như vậy, Như Lai thảy đều cho phép xuất gia tu đạo.’ Đó gọi là thuyết của ma.
“Phật chỉ cho phép dùng năm loại thức ăn lấy từ loài bò cùng các thứ dầu, đường... Phật cũng cho mặc áo bằng vải dệt từ tơ tằm và đi giày da. Trừ những thứ ấy ra, như có người nói: ‘Phật cho phép mặc áo vải tốt đẹp đắt tiền, Phật cho phép chứa trữ tất cả những hạt giống, cây cỏ đều là loài có mạng sống. Phật đã thuyết như vậy rồi mới nhập Niết-bàn.’ Nếu có kinh luật nào nói như vậy, nên biết rằng đó là thuyết của ma.
“Ta chẳng hề cho phép tỳ-kheo thường đưa lên một chân [như bọn ngoại đạo]. Ta vì [truyền] pháp mà cho phép [tỳ-kheo] đi, đứng, ngồi, nằm. Ta cũng không hề cho phép tỳ-kheo uống thuốc độc, tuyệt thực, đốt mình trong đám lửa năm ngọn, trói buộc tay chân, sát hại chúng sanh, chuyên nghề bùa chú, dùng ngọc thạch, ngà voi, giày da, chứa trữ hạt giống, [ta cũng không nói rằng] cây cỏ đều có mạng sống, [ta cũng không cho phép] mặc áo vải tốt đắt giá... Nếu ai nói rằng Thế Tôn nói ra những điều như vậy, nên biết rằng người ấy là quyến thuộc của ngoại đạo, không phải đệ tử của ta.
“Ta chỉ cho phép ăn năm món lấy ở loài bò cùng là dầu, đường, ta cho phép đi giày da, mặc áo bằng vải dệt từ tơ tằm. Ta có dạy rằng bốn đại đều không có thọ mạng. Nếu kinh luật nào nói những điều như vậy, đó là Phật thuyết. Nếu ai tùy thuận thuyết của Phật, nên biết rằng đó là đệ tử chân thật của ta. Nếu ai chẳng theo thuyết của Phật, đó là quyến thuộc của ma. Nếu ai tùy thuận kinh luật của Phật, nên biết rằng người ấy là Đại Bồ Tát.
“Thiện nam tử! Tướng trạng khác nhau giữa thuyết của ma và thuyết của Phật, nay ta đã vì ông mà phân biệt giảng rộng rõ ràng như vậy.”
Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Nay con mới biết rõ được tướng trạng khác nhau giữa thuyết của ma và thuyết của Phật. Nhờ đó con mới thâm nhập được vào những ý nghĩa sâu xa của pháp Phật.”
Phật khen Ca-diếp rằng: “Lành thay, lành thay! Thiện nam tử! Ông đã có thể hiểu rõ và phân biệt được như vậy, đó gọi là thông minh trí huệ.”
“Thiện nam tử! Nói về sự khổ, không gọi là thánh đế. Vì sao vậy? Nếu nói rằng khổ là khổ thánh đế, thì tất cả những loài bò, dê, lừa, ngựa cùng chúng sanh ở địa ngục, lẽ ra đều phải có thánh đế!
“Thiện nam tử! Nếu có người không biết được cảnh giới thâm sâu của Như Lai, đối với pháp thân vi mật thường trụ chẳng biến đổi mà cho rằng đó là thân do ăn uống [mà thành] chứ không phải pháp thân, chẳng biết oai lực đại đức của Như Lai. Như vậy gọi là khổ. Vì sao vậy? Vì không biết nên pháp thấy là chẳng phải pháp, chẳng phải pháp thấy là pháp. Nên biết rằng người như vậy ắt phải đọa vào nẻo dữ, luân chuyển mãi trong sanh tử, nuôi lớn các mối phiền não trói buộc, chịu nhiều khổ não.
“Nếu ai biết được rằng Như Lai là thường trụ, không hề biến đổi, hoặc nghe được hai tiếng thường trụ, dù chỉ nghe qua một lần cũng được sanh lên các cõi trời. Rồi về sau, đến lúc giải thoát rồi mới có thể chứng biết lẽ Như Lai thường trụ, không hề biến đổi. Khi chứng biết rồi liền nói: ‘Thuở xưa tôi đã từng nghe nghĩa ấy, nay được giải thoát mới thật sự chứng biết. Ngày trước vì không biết được vậy nên tôi phải luân chuyển mãi trong sanh tử, lăn lộn không cùng. Từ nay tôi mới có được trí huệ chân thật.’
Nếu biết được vậy, mới thật là tu tập lẽ khổ, được nhiều lợi ích. Nếu không biết vậy thì dù có chuyên cần tu học cũng không được ích lợi gì. Đó gọi là rõ biết lẽ khổ, gọi là Khổ thánh đế. Nếu không thể tu tập như vậy thì gọi là khổ chứ không phải Khổ thánh đế.
“Nói về Khổ tập đế, người nào đối với pháp chân thật không phát sanh trí huệ chân thật, thọ nhận những vật bất tịnh, như tôi trai, tớ gái... thường đối với những việc không đúng pháp mà gọi là Chánh pháp, làm cho Chánh pháp phải dứt mất, không thể trụ thế lâu dài. Vì nhân duyên ấy nên không biết được tánh pháp. Vì không biết nên khi luân chuyển trong sanh tử thường chịu nhiều khổ não, không được sanh lên các cõi trời và không được giải thoát chân chánh. Nếu có sự rõ biết sâu xa, không phá hoại Chánh pháp, nhờ nhân duyên ấy liền được sanh lên các cõi trời và được giải thoát chân chánh. Nếu không rõ biết về Khổ tập đế mà nói rằng Chánh pháp là không thường trụ nên là pháp sanh diệt, do nhân duyên ấy trong vô số kiếp phải luân chuyển trong sanh tử, chịu mọi khổ não. Nếu rõ biết rằng pháp là thường trụ, không biến đổi, đó gọi là rõ biết lẽ tập, gọi là Tập thánh đế. Nếu không thể tu tập như vậy, đó gọi là tập chứ không phải Tập thánh đế.
“Nói về Khổ diệt đế, nếu ai thường tu tập, học theo pháp [chấp] không thì là bất thiện. Vì sao vậy? Vì dứt bỏ tất cả các pháp, phá hoại kho tàng giáo pháp chân thật của Như Lai. Tu học như vậy gọi là tu [chấp lẽ] không. Người tu tập [đúng lẽ] khổ diệt thì ngược với cách tu của tất cả ngoại đạo. Nếu nói rằng tu tập [chấp] lẽ không là Diệt đế thì hết thảy ngoại đạo đều tu pháp [chấp] không, lẽ ra đều phải có Diệt đế!
“Như có người nói rằng: ‘Thật có tạng Như Lai, dù không thể thấy được, nhưng nếu trừ dứt hết mọi phiền não thì sẽ thể nhập vào tạng Như Lai.’ Nếu ai phát tâm như vậy, dù chỉ một niệm, nhờ nhân duyên đó đối với các pháp liền được tự tại.
“Nếu người tu tập [những tướng trạng] vô ngã, rỗng không vắng lặng [rồi cho đó là] tạng sâu kín của Như Lai, thì trong vô số kiếp sẽ lưu chuyển trong sanh tử, chịu nhiều khổ não. Nếu ai không tu tập theo cách như vậy, thì dù có phiền não cũng mau chóng dứt trừ. Vì sao vậy? Nhờ rõ biết được tạng sâu kín của Như Lai. Đó gọi là Khổ diệt thánh đế. Như ai tu tập lẽ diệt như vậy, ấy là đệ tử của ta. Như ai không tu tập như vậy, đó gọi là tu pháp [chấp] không, chẳng phải tu Diệt thánh đế.
“Nói về Đạo thánh đế, đó là Phật bảo, Pháp bảo, Tăng bảo cùng Chánh giải thoát. Có những chúng sanh vì lòng điên đảo nên nói rằng: ‘Không có Phật, Pháp, Tăng cùng Chánh giải thoát; sự luân chuyển trong sanh tử chỉ như huyễn hóa.’ Do nhân duyên tu tập kiến giải [sai lầm] như vậy nên phải luân chuyển trong Ba cõi, mãi mãi chịu sự khổ não nặng nề. Nếu có thể sanh tâm thấy rằng Như Lai là thường trụ, không biến đổi; Pháp, Tăng, Giải thoát cũng là như vậy; chỉ nhờ vào một niệm ấy mà trong vô số kiếp liền được những quả báo hoàn toàn theo ý muốn. Vì sao vậy? Thuở xưa chính ta đã vì bốn sự điên đảo, đối với việc không đúng pháp mà cho là Chánh pháp, nên phải chịu vô số quả báo ác nghiệp. Nay ta dứt hết những kiến giải [điên đảo] ấy nên thành Phật Chánh giác. Đó gọi là Đạo thánh đế.
“Như có người nói rằng: ‘Tam bảo là vô thường.’ Tu tập theo kiến giải ấy là sai lầm, chẳng phải Đạo thánh đế. Nếu ai thường tu tập niệm tưởng rằng: ‘Tam bảo là thường trụ’ thì người ấy là đệ tử của ta.
“Dùng sự thấy biết chân chánh mà tu tập bốn pháp thánh đế, đó gọi là Tứ thánh đế.”
Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Nay con mới rõ biết được việc tu tập pháp Tứ thánh đế hết sức sâu xa.”
Phật dạy Bồ Tát Ca-diếp: “Thiện nam tử! Nói về Bốn điên đảo, đối với chỗ không phải khổ mà sanh ra tư tưởng khổ, đó gọi là điên đảo. Không phải khổ, đó là Như Lai; sanh ra tư tưởng khổ, là cho rằng Như Lai vô thường, biến đổi.
“Nếu nói rằng Như Lai là vô thường, đó là tội khổ rất lớn. Như nói rằng Như Lai bỏ thân khổ này mà vào Niết-bàn, dường như củi hết thì lửa tắt, đó gọi là không phải khổ mà sanh ra tư tưởng khổ. Như vậy là điên đảo.
“Giả sử ta nói rằng ‘Như Lai là thường’, như vậy tức là ngã kiến. Do ngã kiến nên có vô lượng tội. Vì vậy nên phải nói rằng ‘Như Lai là vô thường’. Vậy nếu nói Như Lai là vô thường ắt ta phải được vui. Nhưng Như Lai là vô thường thì đó là khổ, nếu đã là khổ thì làm sao được vui? Vì đối với sự khổ mà sanh tư tưởng [cho là] vui nên gọi là điên đảo.
“Đối với sự vui mà sanh tư tưởng [cho là] khổ, đó là điên đảo. Sự vui đó, tức là Như Lai; sự khổ đó, là Như Lai vô thường. Nếu nói ‘Như Lai là vô thường’, đó là đối với sự vui mà sanh ra tư tưởng [cho là] khổ. Như Lai thường trụ, đó gọi là vui. Nếu ta nói rằng ‘Như Lai là thường’, vì sao Như Lai lại nhập Niết-bàn? Nếu nói rằng Như Lai không phải sự khổ, vì sao lại bỏ thân này mà thể nhập cảnh giới Diệt độ? Vì đối với sự vui mà sanh ra tư tưởng [cho là] khổ nên gọi là điên đảo.
“Như trên gọi là sự điên đảo thứ nhất.
“[Đối với sự] vô thường lại tưởng là thường; [đối với sự] thường tồn lại tưởng là vô thường, đó gọi là điên đảo. Vô thường đó, là không tu tập pháp không. Vì không tu tập pháp không nên thọ mạng ngắn ngủi. Nếu nói rằng không tu tập pháp rỗng không vắng lặng mà được trường thọ, đó là là điên đảo. Đây là sự điên đảo thứ nhì.
“[Đối với sự việc] vô ngã mà tưởng là ngã, [thật có] ngã mà tưởng là vô ngã, đó gọi là điên đảo. Người thế gian nói hữu ngã, pháp Phật cũng nói hữu ngã. Tuy người thế gian nói hữu ngã, nhưng không có tánh Phật. Như vậy gọi là đối với vô ngã mà sanh ra tư tưởng [cho là] có ngã. Đó gọi là điên đảo. Pháp Phật nói có ngã, ngã đó là tánh Phật. Người thế gian nói pháp Phật là vô ngã. Đó gọi là đối với ngã mà sanh ra tư tưởng [cho là] vô ngã. Nếu như nói rằng: ‘Pháp Phật nhất định là vô ngã, cho nên Như Lai dạy đệ tử tu tập vô ngã’, như vậy là điên đảo. Đó gọi là sự điên đảo thứ ba.
“[Đối với sự việc] tịnh mà tưởng là bất tịnh, bất tịnh lại tưởng là tịnh, đó gọi là điên đảo.
“Tịnh tức là Như Lai thường trụ. Như Lai thường trụ, đó chẳng phải là thân do ăn uống [mà thành], chẳng phải thân phiền não, chẳng phải thân xác thịt, chẳng phải thân [tồn tại nhờ] gân cốt chằng chịt. Như có người nói rằng: ‘Như Lai là vô thường, đó là thân do ăn uống [mà thành], là thân phiền não, là thân xác thịt, là cái thân [tồn tại nhờ] gân cốt chằng chịt. Pháp, Tăng, Giải thoát đều là dứt hết.” Đó gọi là điên đảo.
“[Đối với sự việc] bất tịnh mà tưởng là tịnh, đó gọi là điên đảo. Như có người nói rằng: ‘Trong thân ta đây không có gì là bất tịnh. Bởi không có gì là bất tịnh, nên chắc rằng sẽ vào được chỗ thanh tịnh. Như Lai dạy rằng phải tu phép quán bất tịnh, đó chỉ là hư vọng mà thôi.’ Như vậy là điên đảo. Đó gọi là sự điên đảo thứ tư.
Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Kể từ hôm nay con mới được chỗ thấy biết chân chánh. Bạch Thế Tôn! Con tự thấy rằng từ trước đến nay tất cả chúng con chỉ là kẻ tà kiến.
“Bạch Thế Tôn! Trong hai mươi lăm cảnh giới hiện hữu có thật có cái ngã hay chăng?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Cái ngã đó, tức là nghĩa của tạng Như Lai. Tất cả chúng sanh đều có tánh Phật, đó tức là ý nghĩa của ngã. Cái nghĩa của ngã đó, từ xưa đến nay thường bị vô lượng phiền não che lấp nên chúng sanh không thấy được.
“Thiện nam tử! Ví như người đàn bà nghèo khó, trong nhà chôn giấu một kho vàng ròng rất lớn, nhưng hết thảy mọi người trong gia đình đều không biết là ở chỗ nào. Lúc ấy có một người ngoài khéo biết phương tiện chỉ bày, liền nói với người đàn bà nghèo rằng: ‘Nay tôi mướn chị làm công, chị có thể cào dọn cỏ rác cho tôi chăng?’ Người đàn bà đáp: ‘Tôi không thể làm việc ấy. Nếu tôi có thể chỉ cho con tôi chỗ chôn giấu vàng rồi thì tôi sẽ lập tức đi làm việc cho ông.’ Người kia nói: ‘Tôi biết cách, có thể chỉ chỗ chôn vàng cho con chị.’ Người đàn bà nói: ‘Người trong nhà tôi còn không ai biết chỗ, huống chi ông làm sao biết được?’ Người kia nói: ‘Tôi quả thật biết được.’ Người đàn bà liền nói: ‘Tôi cũng muốn thấy, vậy ông hãy chỉ cho tôi.’ Người ấy liền đào ngay trong nhà, lộ ra kho chứa vàng ròng. Người đàn bà thấy vậy hết sức vui mừng, cho là việc kỳ lạ, lấy làm tôn kính ngưỡng mộ người kia.
“Thiện nam tử! Tánh Phật của chúng sanh lại cũng như vậy. Tất cả chúng sanh đều chẳng thấy được tánh Phật ấy, cũng như người đàn bà nghèo khó kia chẳng biết kho báu của mình chôn ở chỗ nào.
“Thiện nam tử! Nay ta chỉ bày cho hết thảy chúng sanh cái tánh Phật mà họ sẵn có. Tánh Phật ấy bị các phiền não che lấp, cũng như người đàn bà nghèo khó kia có kho vàng ròng nhưng không thể thấy được. Nay Như Lai chỉ bày cho tất cả chúng sanh kho báu tánh giác của họ, ấy là tánh Phật. Thấy việc ấy rồi, lòng họ trở nên vui vẻ, quy ngưỡng Như Lai. Người có tài phương tiện chỉ bày tức là Như Lai. Người đàn bà nghèo khó tức là tất cả vô lượng chúng sanh. Kho vàng ròng ấy tức là tánh Phật.
“Lại nữa, thiện nam tử! Ví như người đàn bà kia sanh dưỡng được một đứa con, thuở nhỏ mắc bệnh. Người mẹ buồn rầu, chạy đi tìm rước thầy thuốc. Thầy thuốc đến rồi, bèn trộn lẫn ba thứ thuốc: bơ, sữa và đường phèn rồi cho đứa trẻ uống, dặn dò rằng: ‘Đứa con của cô đã uống thuốc rồi, đừng cho nó bú. Phải đợi thuốc tiêu hết mới cho bú trở lại.’ Liền đó, người đàn bà liền lấy chất đắng bôi lên vú mình và nói với con: “Vú mẹ có bôi chất độc, con đừng đụng tới nữa.” Đứa trẻ khát sữa muốn bú, nhưng nghe nói có độc bèn tránh xa. Đến khi thuốc đứa con uống vào đã tiêu hết, người mẹ mới dùng nước sạch rửa vú của mình, rồi gọi con rằng: ‘Lại đây, mẹ cho bú.’ Đứa trẻ ấy, mặc dù đói khát, nhưng trước đã nghe nói có độc nên không dám lại. Người mẹ lại nói rằng: ‘Vì con uống thuốc nên mẹ phải bôi chất độc lên vú. Nay thuốc ấy đã tiêu, mẹ đã rửa vú sạch rồi, vậy con nên lại đây bú, không còn đắng nữa.’ Nghe như vậy rồi, đứa trẻ liền trở lại bú sữa.
“Thiện nam tử! Như Lai cũng thế, vì muốn cứu độ tất cả chúng sanh nên ngài dạy tu pháp vô ngã. Tu như vậy rồi, dứt hẳn được tâm chấp ngã mà nhập Niết-bàn. Vì muốn dứt trừ các kiến giải sai lầm của thế gian nên ngài thị hiện pháp xuất thế. Lại vì muốn chỉ bày cho thế gian thấy sự chấp ngã là hư vọng, không chân thật, nên dạy tu pháp vô ngã để làm cho thân được thanh tịnh. Ví như người đàn bà kia, vì [bảo vệ] đứa con nên bôi chất đắng lên vú. Như Lai cũng thế, vì dạy tu pháp không nên nói rằng các pháp đều vô ngã. Lại như người đàn bà kia khi rửa sạch vú rồi bèn gọi con đến cho bú. Nay ta cũng thế, [đến lúc thích hợp nên] thuyết dạy về tạng Như Lai. Vì thế chư tỳ-kheo không nên sợ sệt. Như đứa trẻ kia, nghe mẹ gọi mà trở lại bú sữa. Chư tỳ-kheo cũng vậy, nên tự phân biệt: Tạng sâu kín của Như Lai không thể không có.”
Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Thật không có cái ngã. Vì sao vậy? Lúc đứa trẻ mới sanh ra không hiểu biết chi cả. Nếu có cái ngã, tất nhiên lúc sanh ra phải tự có hiểu biết. Vì nghĩa đó mà biết chắc là không có cái ngã.
“Nếu nhất định có cái ngã, thì khi người ta đã sanh rồi lẽ ra không hề chết. Nếu nói tất cả chúng sanh đều có tánh Phật thường trụ, thì lẽ ra không có tướng trạng hư hoại. Nếu không có tướng trạng hư hoại, vì sao lại có sự khác biệt nhau như sát-lỵ, bà-la-môn, tỳ-xá, thủ-đà, với chiên-đà-la và súc vật?
“Nay thấy có rất nhiều nghiệp duyên khác nhau, nhiều cảnh giới khác nhau. Nếu nhất định có cái ngã, thì tất cả chúng sanh lẽ ra chẳng có kẻ hơn người kém. Vì nghĩa đó mà biết chắc là tánh Phật chẳng phải pháp thường còn. Nếu nói rằng tánh Phật nhất định là thường còn, vì duyên cớ gì lại có những kẻ sát hại, trộm cướp, dâm dục, nói hai lưỡi, nói lời hung dữ, nói dối, nói thêu dệt, tham lam, sân khuể, tà kiến?
“Nếu tánh ngã là thường, tại sao khi uống rượu rồi người ta lại say sưa mê loạn? Nếu tánh ngã là thường, thì kẻ mù đáng lẽ phải thấy được hình sắc, kẻ điếc nghe được âm thanh, kẻ câm nói được ra lời, kẻ què có thể bước đi! Nếu tánh ngã là thường, thì người ta không nên tránh hầm lửa, nước lụt, thuốc độc, gươm đao, kẻ ác, cầm thú!
“Nếu cái ngã là thường, thì những việc đã trải qua rồi lẽ ra không quên! Nếu không quên, vì sao có người lại tự hỏi rằng: ‘Tôi đã từng gặp người này ở đâu?’ Nếu cái ngã là thường, lẽ ra chẳng có những việc như nhỏ tuổi, lớn tuổi, già nua... hoặc những khi thế lực suy vi, hưng thịnh, nhớ lại chuyện đã qua!
“Nếu cái ngã là thường thì nó trú ngụ ở đâu? Ở trong nước bọt, nước mũi, trong các màu sắc xanh, vàng, đỏ, trắng đó chăng? Nếu cái ngã là thường, lẽ ra phải ở khắp trong thân, cũng như chất dầu mè, lan tràn không có chỗ hở! Nếu thân bị chặt đứt, ngay lúc ấy lẽ ra cái ngã cũng phải đứt đoạn!”
Phật dạy Ca-diếp: “Thiện nam tử! Ví như vị vua kia có một đại lực sĩ. Khoảng giữa hai chân mày lực sĩ ấy có một hạt châu kim cương. Trong khi đấu sức với lực sĩ khác, người ấy lấy đầu mà húc kẻ địch. Nhân đó, hạt châu nơi trán bị lún vào phía trong lớp da, nhưng người ấy hoàn toàn không biết việc ấy. Rồi chỗ trán ấy lại sanh ra ghẻ độc, lực sĩ liền rước lương y đến điều trị cho mình.
“Lúc ấy, có vị thầy thuốc sáng suốt hiểu rành phương dược, liền biết rằng ghẻ độc ấy là do hạt châu nằm trong thân thể. Hạt châu lún xuống dưới da, nằm yên ở đó. Lúc ấy, vị lương y dò hỏi lực sĩ rằng: ‘Hạt châu gắn nơi trán ông bây giờ ở đâu?’ Lực sĩ kinh hải, đáp rằng: ‘Đại sư y vương! Hóa ra hạt châu nơi trán tôi đã mất rồi sao? Hạt châu ấy hiện nay ở đâu? Chẳng phải đã có phép thuật ảo hóa gì đó chăng?’ Nói rồi buồn rầu, than khóc.
“Lúc ấy, vị lương y dùng lời êm dịu, khuyên lơn lực sĩ rằng: ‘Ông chớ nên buồn rầu khổ não thái quá. Nhân khi ông giao đấu, hạt bảo châu đã lún vào trong thân thể. Hiện nay nó ở dưới lớp da, ảnh hiện ra ngoài. Trong khi ông giao đấu, vì lòng sân khuể rất mạnh nên hạt châu bị ép vào thân thể mà ông không tự biết.’
“Lúc ấy, lực sĩ không tin lời lương y, nói rằng: ‘Nếu nó ở dưới da, máu mủ bất tịnh, vì sao nó chẳng trồi ra? Nếu nó ở tại trong gân, lẽ ra không thấy được nó. Nay vì sao ông dối gạt tôi?’
“Khi ấy vị lương y lấy kiếng soi trước mặt lực sĩ, hạt châu hiển hiện rõ ràng trong kiếng. Lực sĩ thấy vậy rồi lấy làm kinh quái, cho là việc lạ lùng đặc biệt.
“Thiện nam tử! Tất cả chúng sanh lại cũng như vậy. Vì họ chẳng hay thân cận thiện tri thức, cho nên dù có tánh Phật nhưng thảy đều chẳng thấy được. Tánh Phật bị che lấp bởi tham dâm, sân khuể, ngu si, cho nên đọa nơi địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, a-tu-la, chiên-đà-la, sát-lỵ, bà-la-môn, tỳ-xá, thủ-đà. Họ sanh vào bao nhiêu hoàn cảnh như vậy, là bởi lòng họ khởi ra mọi thứ nghiệp duyên. Tuy mang thân người, nhưng họ bị điếc, đui, câm, ngọng, què cụt... Trong hai mươi lăm cảnh giới hiện hữu, họ nhận chịu mọi thứ quả báo. Vì tâm họ bị che lấp bởi tham dâm, sân khuể, ngu si, nên họ không biết đến tánh Phật. Như lực sĩ kia, trong khi hạt châu báu chôn khuất trong người thì cho là đã mất rồi. Chúng sanh cũng thế, vì không thân cận thiện tri thức nên không biết đến kho báu Như Lai vi diệu sâu kín. Họ tu học lẽ vô ngã chỉ như hạng phàm phu, tuy nói lẽ hữu ngã nhưng cũng chẳng biết chân tánh của ngã. Các đệ tử của ta cũng như thế, vì chẳng biết thân cận thiện tri thức, cho nên tu học lẽ vô ngã mà chẳng biết chỗ của vô ngã. Đã không biết được chân tánh của vô ngã, nói chi đến việc có thể biết được chân tánh của hữu ngã?
“Thiện nam tử! Như Lai dạy rằng hết thảy chúng sanh đều có tánh Phật, cũng ví như vị lương y kia chỉ cho người lực sĩ hạt châu kim cương quý giá. Chúng sanh vì bị che lấp bởi vô lượng phiền não nên không thấy biết được tánh Phật. Nếu dứt hết phiền não, bấy giờ sẽ chứng biết rõ ràng tánh Phật, cũng như người lực sĩ kia khi soi trong gương sáng thấy được hạt châu quý báu.
“Thiện nam tử! Tạng Như Lai sâu kín như vậy, không thể suy lường, không thể thuyết giảng, nghĩ bàn.
“Lại nữa, thiện nam tử! Ví như ở Tuyết sơn có một vị thuốc gọi là lạc vị. Vị thuốc ấy rất ngọt, nhưng nằm khuất dưới lùm cây sâu không ai thấy được. Có người nghe mùi thơm, biết rằng ở chỗ đất ấy có món thuốc đó. Thuở xưa có vị vua Chuyển luân vì món thuốc ấy mà tạo ra ở khắp nơi trong Tuyết sơn những cái ống tre để tiếp nhận nó. Cây thuốc ấy khi già chín, từ dưới đất trồi lên chui vào ống tre, mùi vị vừa phải thích hợp. Sau khi vị vua Chuyển luân ấy qua đời, thuốc lại trở nên chua, mặn, ngọt, đắng, cay hoặc nhạt. Thuốc ấy vốn có một mùi vị, nhưng khi người ta mang nó đến xứ này hay xứ khác, nó lại biến thành những mùi vị khác. Khi thuốc ấy còn ở tại núi, mùi vị nó vẫn vừa phải thích hợp, nhưng kẻ phàm nhân ít phước, dù có dùng rìu búa mà chặt đốn, đào xới, tốn công khổ nhọc cũng chẳng được món thuốc ấy. Chỉ khi có Thánh vương xuất hiện ở đời, nhờ nhân duyên phước đức mới được món thuốc ấy với mùi vị vừa phải thích hợp.
“Thiện nam tử! Tạng Như Lai sâu kín, mùi vị cũng như thế. Vì bị rừng cây rậm rạp phiền não che bít, chúng sanh vô minh chẳng thể thấy được. Mùi vị duy nhất của món thuốc kia, ví với tánh Phật. Vì phiền não, cho nên từ nơi tánh Phật ấy, xuất hiện rất nhiều mùi vị khác, như địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ, trời, người, nam, nữ, chẳng phải nam chẳng phải nữ, sát-lỵ, bà-la-môn, tỳ-xá, thủ-đà.
Tánh Phật là hùng mãnh, không thể hư hoại, cho nên không ai phá hoại được. Như có kẻ phá hoại được, ắt phải làm đứt đoạn tánh Phật. Nhưng tánh Phật như vậy chẳng bao giờ có thể bị đứt đoạn. Nếu nói tánh ấy có thể đứt đoạn thì thật vô lý. Như tánh ngã ấy, chính là tạng Như Lai sâu kín. Tạng sâu kín như vậy không gì có thể làm cho hư hoại, tiêu diệt. Tuy không thể làm hư hoại, nhưng [khi bị che lấp] lại không thể thấy được. Như đã thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, liền chứng biết được nó. Vì nhân duyên ấy, không ai có thể phá hoại được tánh Phật.”
Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Nếu không có kẻ hủy hoại được, lẽ ra không thể có những nghiệp bất thiện?”
Phật dạy Ca-diếp: “Thật có sự giết hại. Vì sao vậy? Thiện nam tử! Tánh Phật của chúng sanh vẫn ở trong năm ấm. Nếu làm hư hoại năm ấm, gọi là giết hại. Nếu có giết hại, tức đọa vào đường dữ. Do nghiệp báo nhân duyên nên có các dòng sát-lỵ, bà-la-môn, tỳ-xá, thủ-đà cùng chiên-đà-la, hoặc nam, hoặc nữ, hay chẳng phải nam chẳng phải nữ, các tướng trạng khác nhau ở trong hai mươi lăm cảnh giới hiện hữu của chúng sanh, luân chuyển trong vòng sanh tử. Những kẻ chưa đạt quả thánh cố chấp sai lầm rằng có ngã, tướng trạng của cái ngã ấy lớn nhỏ xê xích dường như hạt cỏ, hoặc như hạt gạo, hạt đậu, cho đến ngón tay cái hay ngón chân cái... Cứ như vậy mà hư vọng sinh ra đủ cách suy tưởng, ức đoán. Tướng trạng của vọng tưởng không hề chân thật. Tướng ngã của bậc xuất thế gọi là tánh Phật. Nhận biết cái ngã như vậy gọi là việc lành cao cả hơn hết.
“Lại nữa, thiện nam tử! Ví như người khéo biết nơi chôn giấu kho tàng, bèn lấy dụng cụ sắc bén mà đào đất, xuyên qua những hòn đá, sạn, sỏi, một cách không khó khăn gì. Chỉ khi gặp phải kim cương thì không thể xuyên qua. Vì kim cương là chất mà dao búa không thể làm hư hoại.
“Thiện nam tử! Tánh Phật của chúng sanh cũng vậy. Tất cả các vị luận sư, thiên ma Ba-tuần, cùng loài người và chư thiên đều không thể hủy hoại được nó. Tướng trạng của năm ấm tức là sinh khởi và tạo tác. Tướng trạng sinh khởi và tạo tác ví như đá sỏi, có thể đâm thủng, phá hoại; tánh Phật ví như kim cương, không ai làm hư hoại được. Vì nghĩa ấy nên làm hư hoại năm ấm gọi là giết hại.
“Thiện nam tử! Nên biết chắc rằng pháp Phật như vậy là không thể nghĩ bàn!”
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.117.105.74 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.