Người cầu đạo ví như kẻ mặc áo bằng cỏ khô, khi lửa đến gần phải lo tránh. Người học đạo thấy sự tham dục phải lo tránh xa.Kinh Bốn mươi hai chương
Như đá tảng kiên cố, không gió nào lay động, cũng vậy, giữa khen chê, người trí không dao động.Kinh Pháp cú (Kệ số 81)
Không nên nhìn lỗi người, người làm hay không làm.Nên nhìn tự chính mình, có làm hay không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 50)
Người ta thuận theo sự mong ước tầm thường, cầu lấy danh tiếng. Khi được danh tiếng thì thân không còn nữa.Kinh Bốn mươi hai chương
Của cải và sắc dục đến mà người chẳng chịu buông bỏ, cũng tỷ như lưỡi dao có dính chút mật, chẳng đủ thành bữa ăn ngon, trẻ con liếm vào phải chịu cái họa đứt lưỡi.Kinh Bốn mươi hai chương
Rời bỏ uế trược, khéo nghiêm trì giới luật, sống khắc kỷ và chân thật, người như thế mới xứng đáng mặc áo cà-sa.Kinh Pháp cú (Kệ số 10)
Ta như thầy thuốc, biết bệnh cho thuốc. Người bệnh chịu uống thuốc ấy hay không, chẳng phải lỗi thầy thuốc. Lại cũng như người khéo chỉ đường, chỉ cho mọi người con đường tốt. Nghe rồi mà chẳng đi theo, thật chẳng phải lỗi người chỉ đường.Kinh Lời dạy cuối cùng
Nếu người nói nhiều kinh, không hành trì, phóng dật; như kẻ chăn bò người, không phần Sa-môn hạnh.Kinh Pháp cú (Kệ số 19)
Kẻ ngu dầu trọn đời được thân cận bậc hiền trí cũng không hiểu lý pháp, như muỗng với vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 64
Lửa nào sánh lửa tham? Ác nào bằng sân hận? Khổ nào sánh khổ uẩn? Lạc nào bằng tịnh lạc?Kinh Pháp Cú (Kệ số 202)
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
42. CON LẠC-ĐÀ CHẾT
Xưa có ít người lái buôn cùng đi buôn bán với nhau. Một chuyến đi, nghỉ giữa đường, tự nhiên con lạc-đà chết. Trên lưng lạc-đà chở nhiều thứ trân-bảo, vải tốt và các tạp-vật. Nay lạc-đà chết các vật phải mang xuống để lột da. Lột rồi người chủ đi bảo hai người đệ-tử ở lại: “Các anh ở lại coi da lạc-đà này cho khéo, đừng để bị ướt, rữa nhé!”
Sau đó trời mưa, hai người ngây-ngô đem hết vải tốt che tấm da, làm vải tốt hỏng hết; nếu tính giá vải với giá da, thì đắt hơn ngọc! Ngu-si mới đem vải tốt che da vậy!
Người đời cũng thế. Người không sát-sinh như tấm vải tốt, da lạc-đà như của-cải; trời mưa ướt rữa như kẻ phóng-dật làm bại-hoại hạnh lành. Giới không sát-sinh là nhân tốt hơn hết của Pháp-thân (24) Phật. Song, không chịu tu, chỉ đem của-cải xây các tháp-miếu, cúng-dàng chúng Tăng, bỏ gốc lấy ngọn, không cầu căn-bản như thế được phúc ít-ỏi, và có thể sẽ phải lưu-chuyển trong năm ngả, không tự ra khỏi được. Các người tu-hành phải tinh-tâm giữ giới bất sát! 43. CON TRÂU ĐÁ
Xưa có người đục giữa một hòn đá lớn, trải bao ngày, tháng, bao công-sức mới thành con trâu nhỏ để chơi. Dụng-công nhiều mà kỳ-vọng ít!
Người đời cũng thế. “Đục-giũa hòn đá lớn” ví-dụ cho sự học-vấn tinh-cần lao-khổ; “thành con trâu nhỏ” ví-dụ cho tiếng đồn phải, trái lẫn-lộn. Người học, nghiên-cứu kỹ, suy-nghĩ chín, thông hiểu rộng cần phải nói theo thực-hành, cầu những kết-quả thù-thắng cao-xa. Nếu cầu danh-dự nhất thời, kiêu-mạn ngông-nghênh chỉ tăng thêm tội lỗi mà thôi! 44. THÀ ĂN NỬA BÁNH
Xưa có người đói ăn bảy cái bánh nướng. Ăn được sáu cái rưỡi, thấy no no, tự nhiên người ấy tức lên, đập tay phàn-nàn: “Nay ta nói là do nửa cái bánh này no được, thà trước ta ăn nó xong!”
Người đời cũng thế. Từ trước tới nay thường không có sự vui-sướng nhưng, do si-mê điên-đảo tưởng càn là vui-sướng. Như người si kia, tới nửa cái bánh sau cùng sinh ra tư-tưởng no đủ. Ôi, giầu-sang khi cầu nó rất khổ, được rồi giữ nó cũng khổ, sau bị mất đi lo-nghĩ càng khổ! Trong ba thời ấy đều không có gì vui cả! – Như ăn mặc... cho là vui-sướng, trong tân-khổ sinh là lạc-tưởng! – Chư Phật nói: “Ba cõi (Dục, Sắc, Vô-Sắc) không yên, đều là đại-khổ; phàm-phu mê-lầm điên-đảo, tưởng càn là vui-sướng vậy!” 45. NGƯỜI Ở GIỮ CỬA
Xưa có người xắp đi xa, gọi người ở bảo: “Ta sắp đi xa, ngươi ở nhà coi cửa, coi cái dây và coi con lừa này cho khéo nhé!”
Sau khi chủ nhà đi khỏi, bên hàng xóm có tổ-chức cuộc tấu-nhạc vui. Người ở muốn đi nghe nhưng, tâm không yên, liền nghĩ một kế là lấy dây buộc cánh cửa để lên lưng lừa, dắt lừa đến chỗ tấu-nhạc, nghe. Khi người ở dắt lừa đi, của-cải trong nhà kẻ trộm vào lấy hết. Chủ nhà về hỏi: “Của-cải trong nhà đâu cả rồi?” Người ở đáp: “Khi ông chủ đi giao cho tôi coi cửa, coi dây, coi lừa thôi, ngoài ra tôi không biết chi cả!” Ông chủ nói: “Bảo ngươi coi cửa chính vì những của-cải trong ấy, nay của-cải mất dùng cửa làm chi!”
Người ngu trong sinh-tử bị tôi-tớ “tham-ái” cũng thế. Chư Phật dạy thường phải giữ-gìn cửa ngõ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, mình, đừng tham-đắm vào sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; giữ con lừa “vô-minh” coi sợi dây “tham-ái”. Mà những người tu đạo giải-thoát không vâng lời Phật dạy tham-cầu lợi-dưỡng, giả-hiện thanh-bạch, ngồi nơi an-tĩnh, tâm-ý giong-ruổi tham-đắm ngũ-dục, bị sắc, thanh, hương, vị mê-loạn, vô-minh che-lấp chân-tâm, dây “tham-ái” ràng-buộc, của báu đạo-phẩm, chính-niệm, giác-ý (tâm-ý ứng-hợp sự giác-ngộ) đều tan mất! 46. TRỘM TRÂU ĂN THỊT
Xưa có một làng chuyên đi ăn trộm trâu về giết thịt. Người mất trâu dò theo lốt chân trâu đến làng kia tìm, gặp người trong làng người ấy hỏi:
Ông có ở làng này không?
Người ăn trộm đáp: Tôi không ở làng này.
Hỏi: Làng ông có ao và có người ngồi bên ao ăn thịt trâu không?
Đáp: Không có ao.
Hỏi: Bên ao có cây không?
Đáp: Không có cây.
Hỏi: Các ông đi ăn trộm trâu ở phương Đông phải không?
Đáp: Không có phương Đông.
Hỏi: Các ông ăn trộm trâu giữa trưa ư?
Đáp: Không có giữa trưa.
Người tìm trâu nói: Có thể không có làng, không có cây, chứ trong thiên-hạ há lại không có phương Đông, không có thời, như thế biết là ông nói dối không thể tin được, vậy chính ông là người ăn trộm trâu về giết thịt ăn phải không?
Đáp: Thực có ăn.
Người phá-hủy giới-cấm cũng thế. Người ấy che-dấu tội-lỗi không chịu dãi-bày, chết phải sa vào địa-ngục, chư thiên, thiện-thần dùng thiên-nhãn quán-sát không thể che giấu được. Như kẻ ăn trộm trâu kia không thể nào nói dối được. 47. GIẢ TIẾNG UYÊN-ƯƠNG
Xưa nước kia có ngày khánh-tiết, các phụ-nữ đều cầm hoa sen. Có một nhà nghèo vợ bảo chồng: “Hôm nay anh làm sao kiếm cho em được bông hoa sen để góp mặt với đời thì em sẽ là vợ anh, bằng không em sẽ bỏ anh em đi, không lấy anh nữa!”
Người chồng trước đây khéo kêu giả tiếng uyên-ương. Giữa lúc khó tính, người ấy liền đánh bạo vào trong ao sen nhà vua giả kêu làm tiếng uyên-ương để hái trộm. Người coi ao thấy tiếng sột-sạt mới hỏi: “Ai ở trong ao đấy?” Người kia buột miệng đáp: “Tôi là chim uyên-ương đây?” Người coi ao bắt, điệu về chỗ vua, giữa đường người ấy lại họa tiếng uyên-ương kêu. Người coi ao bảo: “Trước đây sao anh không kêu, bây giờ kêu ích gì!”
Người ngu ở đời cũng thế. Suốt đời làm mọi sự tàn-hại, ác-nghiệp, tâm không tập làm và sửa-đổi thành-nghiệp thiện, tới khi mất mới nói: “Nay tôi muốn tu thiện”, thì ngục-tốt đã điệu đến chốn Diêm-la (25), tuy muốn tu thiện cũng không kịp được. Như người ngu kia, đi đến chốn vua mới giả tiếng chim uyên-ương kêu vậy! 48. CÂY GẪY CÁO CHẠY
Xưa có cáo đồng ở dưới gốc cây, bị gió thổi gẫy cành rơi vào lưng. Bị tai-nạn, nó nhắm mắt bỏ cây ấy chạy đến chỗ trống khác, không thèm ngoái trông lại. Chạy mãi đến tối cũng không chịu trở về ổ cũ. Xa xa nó trông vào các cây, đều thấy gió thổi vào cành cây rung-chuyển cả gốc ngọn, nó mới nói: “Thôi ta trở về gốc cây cũ!”
Đệ-tử ngu-si cũng thế. Được xuất-gia được gần thầy, hơi bị quở-trách một chút là trốn ngay đi nơi khác. Sau gặp những ác-tri-thức não-loạn nhiều quá mới về chỗ cũ. Đi, lại như thế thực là ngu-mê! 49. TRẺ TRANH SỢI TÓC
Xưa hai đứa trẻ ra sông tắm, tình cờ chúng được nắm tóc, đứa cho là râu của các ông Tiên, đứa bảo là lông gấu.
Bên sông có một ông Tiên. Khi hai đứa cãi nhau mãi không thôi, chúng đem đến chỗ ông Tiên nhờ ông giải-quyết hộ. Ông Tiên lấy gạo và vừng (mè) bỏ vào miệng nhai, nhổ ra bàn tay, bảo: “Thứ trên bàn tay ta đây tựa như cứt chim sẻ này!” Ông Tiên chỉ nói thế, không đáp thẳng vào lời chúng hỏi chi cả!
Người ngu ở đời, khi nói pháp chỉ nói các pháp hý-luận không chịu đáp theo chính-lý, khác gì ông Tiên kia, lũ trẻ hỏi ông một đàng, ông đáp bóng một nẻo, bị người chê cười. Những kẻ chỉ nói phù-phiếm, dối-trá cũng thế! 50. THUỐC CHỮA LƯNG GÙ
Xưa có người bỗng dưng bị gù lưng, mời thầy về chữa. Thầy thuốc nhào bột với dầu đồ, lấy ván ép đầu, đuôi. Vì sức ép quá đau, hai mắt lòi ra.
Người ngu ở đời cũng thế. Vì tu phúc-đức, đi buôn-bán gây nhiều điều phi-pháp, tuy việc phúc thành nhưng, lợi không hàn kín chỗ hại, sau phải sa vào các đường ác, như người chữa lưng hai mắt bị lòi vậy! 51. THUÊ CHUNG NGƯỜI Ở
Xưa có năm người chung nhau thuê một người ở. Trong năm người, một người bảo họ giặt áo. Sau lại có một người khác bảo giặt áo, người ở bảo: “Theo thứ-tự tôi phải giặt áo cho ông đưa trước đã rồi tôi sẽ giặt cho ông!” Người thứ hai giận bảo: “Ta cùng người trước thuê mi, sao mi chỉ giặt riêng cho người ấy?” Nói rồi, người kia lấy roi đánh mười roi. Và, cứ thế lần-lượt năm người đều đánh mỗi người mười roi.
Năm Ấm (sắc, thụ, tưởng, hành, thức) cũng thế. Phiền-não nhân-duyên họp thành thân này nhưng, năm Ấm này thường đem sinh, lão, bệnh, tử cùng nhiều khổ-não đánh đập chúng-sinh. Năm người dụ cho năm Ấm và người ở dụ cho tấm thân này vậy! 52. CON HÁT TẤU NHẠC
Xưa có người con hát tấu nhạc vui trước nhà vua. Nhà vua hứa cho nghìn tiền. Xong việc, người ấy vào hỏi nhà vua số tiền ấy. Nhà vua không trả, bảo: “Người tấu nhạc vui, vui cho ngươi chứ có vui gì cho ta. Nay ta cho ngươi tiền lại làm vui thêm cho ngươi nữa à?
Quả-báo thế-gian cũng thế. Trong cõi người hay trên cõi trời tuy hưởng được chút vui sướng nhưng, không có gì là thực, vì nó còn bị vô-thường tan-diệt không lâu-bền được, như tấu nhạc vui không kia vậy! 53. TRÒ BÓP CHÂN THẦY
Xưa có ông thầy có hai đệ-tử. Ông có bệnh đau chân, nên ông thường sai hai người đệ-tử tùy thời mỗi người bóp một chân. Hai người thường ghen-ghét nhau. Một người này hành một người khác bằng cách lấy đá đập vào chân ông thầy mà người kia đang bóp. Người kia tới giận lắm, lại lấy đá dập vào chân ông thầy mà người ấy đang bóp.
Học-đồ trong Phật-pháp cũng thế. Người học Đại-thừa chê Tiểu-thừa, người học Tiểu-thừa chê Đại-thừa, làm cho giáo-pháp của Phật tại hai đàng đều hỏng. 54. ĐẦU ĐUÔI TRANH NHAU
Xưa có con rắn đuôi bảo đầu: “Ta phải được đi trước!” Đầu lại bảo đuôi: “Ta vẫn ở trước, sao lại làm lộn-xộn vậy?” Kết-cục, đầu ở trước thì đuôi quấn vào cây không đi được; đuôi ở trước thì rơi xuống hố lửa chết cháy!
Thầy, trò cũng thế. Bảo thầy già-cả ở trên thời những người trẻ không thích, muốn mình là người dẫn đầu mới được. Để cho người tuổi trẻ thời tuổi trẻ tính-khí bồng-bột, không am giới-luật sẽ trái phạm nhiều. Do đó, đều dắt nhau vào địa-ngục cả 55. XIN CẠO RÂU VUA
Xưa ông vua có một người thân-tín liều mình trong quân-trận để cứu vua được an-toàn. Nhà vua vui mừng bảo: “Khanh muốn gì, cầu gì trẫm tha hồ cho khanh được toại nguyện!” Người ấy thưa: “Tâu Đại-vương, thần chỉ xin Đại-vương khi nào Đại-vương cần cạo râu, xin cho thần cạo!” Nhà vua nói: “Gì chứ việc ấy nếu hợp với ý khanh trẫm cũng cho khanh theo sở-nguyện!” Đời ai cũng chê cười là ngu-si: “Chà, xin cai-trị nửa nước hay làm quan đại-thần, phụ-tướng không được đâu mà lại đi xin cái nghề hèn-hạ ấy!”
Người ngu cũng thế. Chư Phật trong vô lượng kiếp làm những hạnh khổ khó làm mà được thành Phật. Gặp được Phật, gặp được giáo-pháp và được thân người toàn-vẹn là khó, khác gì như con rùa mù gặp được hốc gỗ nổi trên biển cả. Nay sự khó gặp đã được song, tâm-ý kém-cỏi, giữ được ít giới cho là đủ, không cần cầu diệu-pháp Niết-bàn tối-thắng nữa, như người không có tâm cầu tiến, tự làm việc tà đã cho là đủ! 56. ĐÒI CÁI VÔ-VẬT
Xưa có hai người đi một đường, thấy một người chở xe vừng (mè) đi trên quảng đường gập-ghềnh không tiến lên được. Người chở xe lên tiếng nhờ hai người đi đường đẩy giúp cho một đoạn để ra khỏi quãng đường này. Hai người kia đáp: “Chúng tôi đẩy giúp ông sẽ cho chúng tôi vật gì?” Người chở xe nói nói: “Vô-vật (không có vật gì!)” Hai người túm vào đẩy giúp xe cho người ấy đến quãng đường bằng-phẳng. Đến đây hai người kia lại hỏi người chở xe: “Sao, bây giờ ông biếu chúng tôi vật gì đem lại đây?” Người chở xe đáp: “Vô-vật!” Hai người kia nói: “Được, ông cho chúng tôi cái “vô-vật” vậy!” Trong hai người, một người mỉm cười nói: “Người ấy chẳng cho chúng ta cái “vô-vật” chúng ta cũng chẳng buồn!” Một người nói: “Không, đã nói cho ta cái “vô-vật”, quyết-định phải có cái vô-vật, mới được!” Một người nói: “Hai chữ “vô-vật” hợp lại là giả-danh; thế-tục phàm-phu chấp vào chữ “vô-vật” ấy, sinh ra ý-niệm là chỗ vô-sở-hữu!” Người thứ hai nói: “Vô-vật” tức là lẽ chân-thực không còn tướng-trạng (vô-tướng), không vương ý-nguyện (vô-nguyện) và không còn tạo-tác (vô-tác)!” (26) 57. ĐẠP MIỆNG TRƯỞNG-GIẢ
Xưa có ông trưởng-giả đại-phú, những người tả, hữu đều cung-kính ông, muốn làm ông vừa lòng, nên khi ông nhổ họ tranh nhau di. Có một người ngu tranh không kịp mới nói: “Trưởng-giả nhổ xuống đất, các anh tranh nhau di, tôi tranh không được, vậy hễ khi tôi thấy trưởng-giả nhổ tôi sẽ di trước các anh!”
Quả thực, khi trưởng-giả sắp nhổ người ấy trông thấy liền co chân đạp vào miệng trưởng-giả sứt cả môi, gẫy cả răng. Trưởng-giả bảo: “Sao ngươi lại đạp vào miệng, môi ta?” Người ngu đáp: “Trưởng-giả nhổ khỏi miệng xuống đất những kẻ nịnh kia tranh nhau di mất, tôi muốn di không kịp nên khi tôi thấy trưởng-giả sắp nhổ ra khỏi miệng tôi giơ chân di trước, mong được vừa lòng trưởng-giả, chứ có phải tôi đạp trưởng-giả đâu!”
“Phàm, vật phải đúng thời. Thời chưa tới, gượng dùng công-sức sẽ bị khổ-não. Người đời nên biết thời và phi-thời!” 58. HAI CON CHIA CỦA
Xưa nước Ma-la (Malaya-dessa) có một người dòng quí-phái bị bệnh nặng, biết mình chết, mới dặn hai con: “Sau khi ta chết các con chia của-cải cho khéo nhé!”
Sau khi cha chết hai con theo lời cha dạy, chia của làm hai phần. Nhưng, người anh bảo: “Em chia không đều!” Khi ấy có ông lão nhà quê bảo: “Nếu các ngươi muốn chia của-cải cho đều, bây giờ có vật gì đều xé, đập làm hai phần cả!” Hai người kia hỏi: “Xé, đập thế nào thưa Cụ?” Ông lão đáp: “Như: áo quần xé làm đôi, mâm, bình đập bổ làm hai, cong vại đập làm hai, tiền bạc bẻ làm đôi. Nghĩa là hết thảy của-cải gì đều xé, bẻ, đập làm hai phần cả!” Phương-pháp chia của như thế ai cũng chê cười.
Ngoại-đạo nghiêng tu về. “Phân-biệt-luận” cũng thế. Luận-môn có bốn loại:
1. Quyết-định-đáp-luận-môn: Như loài người, hết thảy có thân đều phải chết là “Quyết-định-đáp-luận-môn”.
2. Phân-biệt-đáp-luận-môn: Như “tử” (chết) phải có “sinh”; “ái” hết không sinh, có “ái” phải có sinh, là “Phân-biệt-đáp-luận-môn”.
3. Phản-vấn-đáp-luận-môn: Như có người hỏi: “Con người có phải là tối-thắng không?” Nhưng lại đáp ngược lại câu hỏi: “Ông hỏi về con người đối với ba đường ác: địa-ngục, ngã-quỷ, súc-sinh hay là hỏi về con người đối với chư Thiên? Nếu hỏi về con người đối với ba đường ác thì con người thực tối-thắng. Nếu hỏi con người đối với chư Thiên thì con người không bằng. Những nghĩa như thế là “Phản-vấn-đáp-luận-môn”.
4. Trí (xếp-đặt)-đáp-luận-môn: Như hỏi Phật về mười bốn câu nạn-vấn (27) hay hỏi về thế-giới chúng-sinh hữu-biên (có biên-giới), vô-biên (không biên-giới), hữu chung, thủy (có trước, sau), vô chung, thủy (không có trước, sau)... Những nghĩa như thế là “Trí-đáp-luận-môn”.
Ngoại-đạo tự cho mình là có trí-tuệ, phá bốn loại luận-môn trên làm ra một “Phân-biệt-luận” mà thôi. Như người ngu chia của-cải, đập, bể làm đôi vậy! 59. XEM THỢ LÀM BÌNH
Xưa có hai người đến chơi nhà thợ gốm, xem họ lấy chân quay cái vòng làm bình sành không chán.
Sau đó, một trong hai người bỏ đến đại-hội được ăn cơm ngon, được nhiều ngọc báu. Một người xem làm bình cứ bảo đợi xem xong đã, dần dần xem đến mặt trời lặn, thành mất cả ăn uống, của báu.
Người ngu cũng thế. Chuyên-chú sửa-sang việc nhà, không hiểu gì đến lẽ vô-thường:
Hôm nay tu sửa việc này,
Bao nhiêu việc khác tạo đầy ngàn mai!
Độ sinh chư Phật ra đời,
Nơi nơi vang dậy những lời sâu-xa.
Giọt mưa giáo-pháp chung hòa,
Bận duyên thế-sự hóa ra vô tình!
Biết đâu “chết” đến bên Bình!
Mà duyên Phật-Hội (28) xưa thành bỏ qua!
Pháp trân-bảo của Phật-đà,
Mảy-may không được phải sa ba đường!
Bình kia xem-xét tỏ-tường,
Miên-man say-đắm, lợi thường được chi!
...Đường lên giải-thoát mong gì? 60. BÓNG VÀNG ĐÁY NƯỚC
Xưa có người ngu đến một ao lớn, thấy bóng dưới nước đúng bóng vàng thực, người ấy cho là thực vàng liền xuống ao xúc bùn tìm-kiếm. Tìm mệt không được, lên bờ ngồi. Một lúc nước trong, bóng vàng lại hiện ra, người ấy lại xuống xúc bùn tìm. Tìm mãi cũng không được. Đến lúc người cha đi tìm con, thấy con hỏi: “Con làm gì mệt thế?” Người con đáp: “Thưa cha, con thấy đáy nước có bóng vàng thực, con xuống xúc bùn tìm, tìm mệt mà không được!” Người cha nghe con nói, trông xuống đáy nước thấy có bóng vàng thực, biết rằng vàng này ở trên cây chiếu xuống, mới bảo con: “Con, đây quyết là vàng do chim bay công đậu về để trên cây, chứ không phải ở dưới nước đâu, con lên xem!”
Con nghe lời cha trèo lên cây quả-nhiên tìm được:
Phàm-phu không biết chi chi,
Tấm thân “vô-ngã” lại ghì “có ta”!
Vàng đâu bóng nước la-đà,
Khổ công nhọc xác được qua chút nào! 61. SÁNG-TẠO MUÔN VẬT
Xưa kia đồ-chúng Bà-la-môn đều nói: “Đại-Phạm Thiên-vương là cha của thế-gian, tạo ra muôn vật”. Tạo-vật-chủ có các đệ-tử. Các đệ-tử theo đó nói là ta cũng tạo được muôn vật. Các đệ-tử cũng cậy mình có trí-tuệ, một hôm nói với Đại-Phạm Thiên-Vương rằng: “Chúng con muốn tạo ra muôn vật!” Đại-Phạm Thiên-Vương bảo: “Các ngươi đừng khởi ra ý-nghĩ ấy, các ngươi không thể tạo được đâu!” Các đệ-tử kia không tin lời Đại-Phạm Thiên-Vương, cứ tự-nhiên tạo ra muôn vật. Đại-Phạm Thiên-Vương thấy những vật của các đệ-tử mình tạo ra không ra chi, bảo: “Các ngươi tạo hình chi mà đầu to, cổ nhỏ, tay to, cánh tay nhỏ, ống chân lớn, gót chân nhỏ trông như quỉ Tỳ-xá-xà vậy?” Thế biết, mỗi loại, mỗi loại đều do tự-nghiệp tạo ra, chứ không phải Đại-Phạm Thiên-Vương tạo ra!
Chư Phật thuyết-pháp không chấp đoạn (mất hẳn), không chấp thường (thường còn mãi). Như thuyết về bát-chính-đạo (8 con đường chính: chính-kiến, chính-tư-duy, chính-ngữ, chính-nghiệp, chính-mệnh, chính-tinh-tiến, chính-niệm, chính-định) ngoại-đạo thấy thế có kẻ cho là đoạn, là thường rồi sinh chấp-trước, lừa-dối thế-gian..., chỗ nói của họ thực là phi-pháp vậy! (29) 62. ĐAU ĂN CHIM TRĨ
Xưa có người bị bệnh nặng quá, thầy thuốc coi bệnh bảo phải ăn thịt chim trĩ hàng ngày mới khỏi. Người ấy nghe lời ra chợ mua được một con chim trĩ về làm thịt ăn. Ăn hết không mua nữa.
Sau đó, thầy thuốc đến hỏi: “Ông khỏi hẳn chưa?” Người có bệnh đáp: “Trước thầy bảo tôi ăn thịt chim trĩ hàng ngày nhưng tôi ăn một bận thôi, nay bệnh vẫn chưa khỏi!” Thầy thuốc bảo: “Sao ông không ăn luôn đi, lại chỉ ăn một con thời mong khỏi bệnh sao được!”
Ngoại-đạo cũng thế. Phật, Bồ-tát là bậc Vô-thương lương-y bảo: “Nên giải tâm-thức”, thời ngoại-đạo chấp thường-kiến (tư-tưởng chấp thường còn mãi mãi cho quá-khứ, hiện-tại, vị-lai chỉ là một Thức (ví như một con chim trĩ) không có sự tàn-tạ, thiên-chuyển. Thế nên, không thể chữa khỏi được bệnh ngu-hoặc phiền-não. Chư Phật bảo các ngoại-đạo trừ bỏ thường-kiến vì “hết thảy mọi pháp niệm niệm sinh-diệt, sao lại có một Thức thường hằng bất biến?” Như thầy thuốc dạy ăn chim trĩ hàng ngày cho khỏi bệnh, đức Phật cũng thế dạy chúng-sinh hiểu các pháp có hoại nên không thường, nối-tiếp nên không đoạn là diệt-trừ được bệnh thường-kiến. (30) 63. QUỈ LA-SÁT GIẢ
Xưa nước Càn-đà-vệ (Gandhàra) có bọn con hát nhân thời đói kém họ rủ nhau đi sang nước khác kiếm ăn. Đi qua núi Bà-la-tân là núi có rất nhiều quỉ dữ La-sát ăn thịt người.
Bọn con hát tới đây tối phải ngủ đêm dưới chân núi, gió rét đốt lửa sưởi. Trong bọn con hát ấy có một người rét quá không ngủ được, mới dậy lục rương áo trò, lấy cái áo mang hình quỉ La-sát mặc vào, ngồi trông vào đống lửa, sưởi ấm. Có một người ngủ tỉnh dậy trông ra đống lửa thấy quỉ La-sát ngồi sưởi, sợ quá, không xét-nét ra sao vùng dậy chạy, làm kinh-động cả những người đang ngủ; những người đang ngủ cũng nhổ dậy chạy hết. Người mặc áo quỉ La-sát không hiểu sao cũng chạy theo sau. Những người đồng-hành thấy quỉ La-sát theo sau cho là nó muốn làm hại mình càng sợ, chạy vượt qua sông, núi, trụt ngã cả xuống hang-hố, thân-thể sây-sát, mỏi-mệt quá và, mãi đến sáng mới biết là không phải quỉ!
Phàm-phu cũng thế, ở trong phiền-não đói-thiếu thiện-pháp, muốn đi xa tìm thực-pháp vô-thượng: thường, lạc, ngã, tịnh nhưng, đối với tấm thân ngũ-uẩn này chấp càn là “có ta”, vì “ngã kiến” (tư-tưởng chấp cái ta) nên phải lăn-lộn trong sinh-tử, bị phiền-não đuổi theo không được tự-tại, sa rơi vào hang-hố của ba đường ác: địa-ngục, ngã-quỉ, súc-sinh. “Đến sáng” dụ cho đêm sinh-tử đã hết, ánh-sáng trí-tuệ tỏ-lộ mới biết ngũ-uẩn không có chân-ngã. 64. NHÀ CŨ CÓ QUỈ
Xưa có căn nhà cũ, người ta bảo nhà này thường có quỉ dữ nên ai cũng sợ không dám nằm ngủ.
Bấy giờ có người tự khoe là ta to gan, bảo: “Ta muốn vào trong nhà này ngủ một đêm xem sao!” Nói rồi, đêm ấy vào ngủ. Sau lại có người tự khoe là can-đảm, dũng-mãnh hơn người trước, nghe người bên cạnh nói là nhà này thường có quỉ dữ, người ấy cũng muốn vào thử xem sao. Người ấy tới đẩy cửa vào, người đến trước cho là quỉ, đun cửa ra ngăn không cho vào. Người tới sau cũng bảo là có quỉ. Hai người đấu-tranh nhau đến sáng, trông thấy nhau mới biết là không phải quỉ.
Người đời cũng thế. Nhân-duyên tạm-hợp không có chủ-tể, suy-nghiệm, phân-tích ra không có cái gì là “cái ta” song, chúng-sinh chấp càn phải, trái sinh sự tranh-tụng như hai người kia vậy! 65. VIÊN THUỐC HOAN-HỶ
Xưa có một phụ-nữ hoang-dâm vô-độ. Dục-tình nàng càng mạnh, nàng ghen-ghét chồng càng nhiều nên nàng thường nghĩ những phương-sách hại chồng. Mọi phương-sách đều hỏng. May gặp lúc chồng có lệnh đi sứ nước láng-giềng, nàng ngầm làm những viên thuốc độc để hại chồng nhưng nói dối: “Thưa anh, nay anh đi xa em sợ anh đi có lúc bị đói-thiếu, em làm được năm trăm viên thuốc “hoan-hỷ”, là đồ hành-lý tiễn anh lên đường. Khi nào đến cảnh-giới nước ngoài anh hãy dùng!”
Chồng tin lời vợ, đến cảnh-giới nước ngoài chưa kịp đem ăn thời trời tối. Trong đêm tối, nằm nghỉ trong rừng sợ thú dữ người ấy mới trèo lên cây ẩn, thành bỏ quên thuốc hoan-hỷ dưới gốc cây. Ngay đêm ấy, năm trăm người ăn trộm, ăn trộm năm trăm con ngựa cùng của báu của Quốc-Vương nước kia về qua, nghỉ dưới gốc cây. Do sự xông-pha, lẩn tránh về đến đây đều đói, cả bọn thấy thuốc “hoan-hỷ” dưới gốc cây liền chia nhau mỗi người ăn một viên. Ăn rồi, thuốc độc mạnh quá, năm trăm người đều chết.
Sáng sau người ấy ở trên cây xuống thấy bọn trộm chết ở dưới gốc cây, mới giả vờ đem dao, tên bắn chém vào những thây chết, rồi thu lấy ngựa, của báu đi vội vào nước kia.
Nửa đường, người ấy gặp Quốc-Vương cùng nhiều người nước kia đang theo dấu-vết đuổi tìm. Quốc-Vương nước kia hỏi: “Ông là người nào, ở đâu lại bắt được những ngựa này?” Người ấy đáp: “Tôi là người nước kia, giữa đường gặp bọn trộm, tôi với bọn này bắn chém nhau, cuối cùng tôi giết chết được cả năm trăm đứa ở dưới gốc cây. Do đó, tôi bắt được những con ngựa này cùng trân-bảo định đem đến nộp Quốc-Vương. Nếu Ngài không tin, xin ngài sai người thân-tín đến chỗ bọn trộm tôi giết xem có đúng không!” Quốc-Vương kia liền sai người thân-tín đến xem, quả-thực như vậy. Quốc-Vương kia vui mừng khen là hiếm có.
Về đến kinh-đô, Quốc-Vương kia thưởng tước-vị cao, cho nhiều trân-bảo và phong thái-ấp cho người ấy. Các cựu-thần của Quốc-Vương kia thấy thế sinh lòng ghen-tức, tâu vua: “Người kia là người xa lạ chưa đủ tin được, sao Quốc-Vương vội cho họ những ân-sủng quá hậu; Quốc-Vương thưởng tước-vị cho họ hơn cả các cựu-thần!” Người ấy nghe biết, nói: Ai là người đủ sức mạnh có thể thử tài với tôi xin mời ra nơi bình-nguyên cùng tôi đấu một cuộc hơn, thua!” Những người kỳ-cựu nghe biết nhưng đều sợ không dám địch.
Sau đó, nơi đồng ruộng nước kia có con sư-tử dữ, chặn đường bắt người, làm ngăn-trở sự giao-thông của quốc-gia. Khi ấy, các cựu-thần bàn với nhau: “Người kia tự cho mình là dũng-kiện không ai địch nổi, nay nhân có tai-nạn sư-tử này chúng ta tâu với nhà vua sai người kia đi trừ-khử, nếu người kia giết được sư-tử dữ, trừ hại cho nước thời mới thực là kỳ-tài!” Bàn rồi, các cự-thần vào tâu vua, vua ưng-chuẩn, cấp binh-khí cho người ấy đi.
Người ấy nhận sắc-chỉ rồi, ý-chí cương-quyết, đi đến nơi sư-tử. Đến đây, sư-tử trông thấy kêu rống, nhẩy chồm tới trước, người ấy kinh-hoảng vội trèo lên cây. Sư-tử há miệng ngẩng đầu trông lên cây, người ấy sợ xuống, lúng-túng đánh rơi con dao vào trúng mồm sư-tử. Sư-tử chết ngay. Người ấy vui mừng về tâu vua, vua càng yêu-quí và thần-dân trong nước từ đấy ai cũng kính-phục, khen-ngợi.
Viên thuốc “hoan-hỷ” của người vợ là dụ vào “bất-tịnh-thí” (của bố-thí không trong-sạch). Ông vua sai Sứ-giả là bậc “thiện-tri-thức”. Đến nước khác là dụ lên cõi trời. Giết bọn trộm dụ vào người được quả Tu-đà-hoàn, mạnh mẽ dứt được ngũ-dục cùng các phiền-não. Gặp được Quốc-Vương dụ vào việc gặp được Hiền-Thánh. Các cựu-thần ghen-tức dụ vào các ngoại-đạo thấy bậc trí-giả dứt được phiền-não cùng ngũ-dục sinh tâm phỉ-báng nói là không có sự ấy. Người kia khích các cựu-thần không ai địch cùng mình được là dụ về những ngoại-đạo không dám chống-đối. Giết sư-tử là dụ về phá ác-ma, dứt phiền-não, điều-phục được ác-ma, được phong-thưởng đạo-quả không chấp-trước. Thường khiếp-sợ là dụ cho lẽ thường hay dùng yếu chế-ngự mạnh.
Trong lúc ban đầu, bố-thí tuy không có tịnh-tâm nhưng, người bố-thí may gặp thiện-tri-thức, được quả-báo thù-thắng. Sự bố-thí không trong sạch còn như thế, huống là có thiện-tâm hoan-hỷ bố-thí. Thế nên, trong chỗ phúc-điền, tâm cần chăm làm bố-thí! (31) Chú thích:
(24) Pháp-thân: Tấm thân chung cùng trong sự-sự, vật-vật. Xem quyển Bước Đầu Học Phật giải rõ.
(25) Diêm-la: Gọi đủ là Diêm-ma-la-xã (Yama-Rãja) Trung-Hoa dịch nghĩa là “phọc” trăng-trói các tội-nhân. Theo Pháp-Uyển Châu-Lâm thì Diêm-la-vương trước kia là Tỳ-Sa Quốc-vương đánh nhau với Duy-Đà Như-Sinh-vương không nổi, tức, thề sẽ làm Địa-ngục-chúa để trị tội. Và, có 18 người bầy tôi cùng thề phụ-tá, chủ-sự 18 ngục.
(26) Đoạn trên nói: Đã là “vô-vật” – không có vật gì – thì phải không còn có lời nói của “không”, không còn có hình-tướng của “không”, không còn có ý-nguyện về “không”, không còn hành-động tạo-tác về “không”, mới là “không”. Như “giải-thoát”, phải giải-thoát cả cái “thấy”, cái “biết” của giải-thoát mới là “giải-thoát”. Nghĩa là không còn chút vọng-niệm biểu-lộ ra lời nói, hành-động!
(27) 14 câu nạn-vấn của ngoại-đạo hỏi, Phật không đáp vì không là sự-thực: 1/ Thế-giới và ta là thường ư? 2/ Thế-giới và ta là vô-thường ư? 3/ Thế-giới và ta cũng là hữu-thường cũng là vô-thường ư? 4/ Thế-giới và ta là phi hữu-thường, phi vô-thường ư? 5/ Thế-giới và ta là hữu-biên ư? 6/ Thế-giới và ta là vô-biên ư? 8/ Thế-giới và ta là phi-hữu-biên, phi vô-biên ư? 9/ Sau khi chết có thần-thức đi ư? 10/ Sau khi chết không có thần-thức đi ư? 11/ Sau khi chết cũng có thần-thức đi, cũng không có thần-thức đi ư? 12/ Sau khi chết cũng chẳng phải có thần-thức đi, cũng chẳng phải không có thần-thức đi ư? 13/ Đời sau là thân hay là thần? 14/Thân khác, thần khác ư?
(28) Phật-hội: Nơi tụ-hội nghe Phật thuyết-pháp.
(29) Đoạn trên nói: Ngoại-đạo hay có tư-tưởng thiên-lệch cố-chấp. Chấp mọi pháp là thường còn mãi mãi không mất, hay chấp mọi pháp chỉ có nhất thời rồi tan-diệt hẳn. Trái lại, Phật-học đều hướng về trung-đạo (đạo-lý trung-dung) không thiên-chấp bên nào.
(30) Đoạn trên nói: Tâm thức chúng-sinh luôn luôn chuyển-biến và tương-tục không phải như ngoại-đạo cho “tâm-thức” là thường còn mãi mãi không thay đổi, hay cho là đoạn-diệt hẳn.
(31) Đây hết quyển thứ 3.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.140.195.142 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.