Kẻ ngu dầu trọn đời được thân cận bậc hiền trí cũng không hiểu lý pháp, như muỗng với vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 64
Tìm lỗi của người khác rất dễ, tự thấy lỗi của mình rất khó. Kinh Pháp cú
Người ta thuận theo sự mong ước tầm thường, cầu lấy danh tiếng. Khi được danh tiếng thì thân không còn nữa.Kinh Bốn mươi hai chương
Khi ăn uống nên xem như dùng thuốc để trị bệnh, dù ngon dù dở cũng chỉ dùng đúng mức, đưa vào thân thể chỉ để khỏi đói khát mà thôi.Kinh Lời dạy cuối cùng
Không nên nhìn lỗi người, người làm hay không làm.Nên nhìn tự chính mình, có làm hay không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 50)
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc nhưng không hương. Cũng vậy, lời khéo nói, không làm, không kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 51)
Người thực hành ít ham muốn thì lòng được thản nhiên, không phải lo sợ chi cả, cho dù gặp việc thế nào cũng tự thấy đầy đủ.Kinh Lời dạy cuối cùng
Do ái sinh sầu ưu,do ái sinh sợ hãi; ai thoát khỏi tham ái, không sầu, đâu sợ hãi?Kinh Pháp Cú (Kệ số 212)
Ðêm dài cho kẻ thức, đường dài cho kẻ mệt, luân hồi dài, kẻ ngu, không biết chơn diệu pháp.Kinh Pháp cú (Kệ số 60)
Nhà lợp không kín ắt bị mưa dột. Tâm không thường tu tập ắt bị tham dục xâm chiếm.Kinh Pháp cú (Kệ số 13)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Bách Dụ Kinh [百喻經] »» Bản Việt dịch quyển số 4 »»

Bách Dụ Kinh [百喻經] »» Bản Việt dịch quyển số 4

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Việt dịch (1) » Việt dịch (3) » Việt dịch (4) » English version (1) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.42 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.51 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Bách Dụ

Kinh này có 4 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    1 | 2 | 3 | Quyển cuối
Việt dịch: Thích Tâm Châu

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

66. NÓI VÀ LÀM
Xưa con ông đại-trưởng-giả cùng nhiều người lái buôn vào bể tìm ngọc. Con ông trưởng-giả ở nhà đọc thuộc lòng những phương-pháp về thuyền-bè đi bể. Như vào bể gặp chỗ nước xoáy cần lái thuyền như thế, giữ thuyền như thế, bắt thắng như thế, làm cho nó đứng như thế v.v...! Con ông trưởng-giả tự-hào bảo mọi người: “Phương-pháp vào bể tôi biết hết cả rồi!” Mọi người đều mừng.
Vào bể chưa bao lâu, người thuyền-trưởng bị bệnh mất. Con ông trưởng-giả thay vào chỗ đó. Đến chỗ nước xoáy, con ông trưởng-giả xướng: “Nên lái, giữ như thế, bắt thắng như thế...!” Nhưng thuyền cứ quay tròn, không tiến được đến chỗ có châu-ngọc. Cuối cùng cả thuyền đều chết chìm.
Phàm-phu cũng thế, tập được ít pháp thiền-định về Sổ-tức-quán (32) cùng Bất-tịnh-quán..., mới đọc được chữ, không hiểu nghĩa và phương-pháp thực-hành ra sao đã tự-hào là biết rõ, lại trao-truyền cho người khác, làm cho người ta mê-loạn tâm-thần, đảo lộn pháp-tướng, suốt đời không được gì, như người ngu làm người ta chết chìm dưới bể!
67. VỢ CHỒNG ĂN BÁNH
Xưa hai vợ chồng nhà kia có ba cái bánh. Vợ chồng chia nhau mỗi người một cái, còn một cái giao-hẹn với nhau: “Ai không nói sẽ được ăn!”
Giao-hẹn rồi, ai cũng muốn được bánh, nên đều im-lặng không nói. Một chốc có kẻ trộm vào nhà lấy tất cả tài-vật, vợ chồng chỉ liếc mắt nhìn, không nói. Sau cùng không thấy nói, kẻ trộm định lại xâm-phạm người vợ ngay trước mặt chồng. Chồng thấy thế vẫn không nói. Vợ tức quá quát kẻ trộm và mắng chồng: “Đâu lại có người ngu-si như vậy, vì một cái bánh, thấy kẻ trộm mà không kêu-ca gì cả!” Chồng vỗ tay cười: “Ô chị cả, tôi định được cái bánh phải thế chứ chị nhỉ?” Ai nghe biết chuyện này cũng bật cười.
Phàm-phu vì chút danh-lợi nhỏ trá hiện im-lặng, bị phiền-não ác-tặc giả-dối xâm-phạm mất thiện-pháp, sa rơi vào ba đường ác mà không biết sợ-hãi cầu đạo xuất-thế, cứ ham-đắm chơi-đùa trong ngũ-dục... Gặp khổ không lo, như người ngu kia vậy!
68. OÁN-HẠI LẪN NHAU
Xưa có người giận nhau với người khác, buồn-rầu không vui. Một hôm có người hỏi: “Sao nay ông buồn thế?” Người ấy đáp: “Có người họ chê tôi, tôi không đủ sức và không biết phương-pháp báo thù lại họ nên tôi buồn!” Người kia nói: “Chỉ có thần-chú Tỳ-đa-la (33) là có thể hại được họ nhưng, lo chưa kịp hại họ đã hại mình rồi!” Người ấy nghe thế mừng quá, nói: “Xin Ngài làm ơn dạy cho tôi thần-chú ấy, dù sẽ hại mình cũng không sao, tôi chỉ mong hại được họ thôi!”
Người đời, vì cơn giận-tức muốn cầu thần-chú Ty-đa-la để não-hại kẻ khác nhưng, không não-hại được người mà vì sự giận-tức, trước tiên hãy não-hại ngay mình đã. Và, sau còn phải sa vào địa-ngục, ngã-quỷ, súc-sinh như người ngu kia không khác.
69. BẮT CHƯỚC ĂN NHANH
Xưa có người đi từ Bắc-Ấn đến Nam-Ấn. Tới một nơi nghỉ thời-gian lâu, người ấy cưới được một cô gái làm vợ. Vợ làm tiệc vui mừng đãi chồng. Chồng được bữa tiệc ăn lấy ăn để không sợ nóng chi cả. Vợ lấy làm lạ mới bảo chồng: “Đây có giặc-cướp gì đâu mà anh ăn hấp-tấp thế. Ăn từ từ chứ cho vui!” Chồng đáp: “Em ạ, anh có việc rất mật, không thể nói với em được!”
Vợ nghe chồng nói cho là có phép gì kỳ-lạ, tha-thiết hỏi mãi chồng mới nói: “Đây là phương-pháp từ tổ-phụ anh đến nay vẫn ăn nhanh, nên anh vẫn phải ăn nhanh thế vì đó là cổ-truyền!”
Phàm-phu không đạt chính-lý, không biết thiện-ác, làm mọi hạnh-tà, không biết hổ-thẹn lại nói: “Đây là pháp của tổ-phụ tôi như thế, dù chết tôi cũng không bỏ!” Như người ngu ăn nhanh lại cho là phương-pháp tốt đẹp!
70. NẾM QUẢ AM-BÀ-LA
Xưa có ông trưởng-giả muốn ăn quả Am-bà-la (Àmra) (34) mới sai người đến một vườn nhà kia mua và dặn phải mua quả ngon.
Người được sai đem tiền đi mua, người chủ có quả bảo: “Quả Am-bà-la nhà tôi đều ngon không có quả nào xấu, ông nếm thử một quả thì biết tất cả!” Người mua quả nói: “Mỗi quả tôi phải nếm một tí xem sao rồi tôi mới lấy, chứ nếm một quả sao biết cả được!” Tức thời người ấy hái quả, mỗi quả nếm một tí rồi đem về nhà. Vê nhà, ông trưởng-giả trông thấy tởm quá, bực không ăn, vứt tất cả.
Người đời nghe giữ giới và bố-thí sẽ được giầu-có, vui-vẻ nhiều và thân thường được yên-ổn không bị các tai-hoạn, người đời không tin nói: “Nếu bố-thí được giầu-có, tôi được thực tôi mới tin!” Mắt thấy đời nay giầu-sang, nghèo-hèn, đều do nghiệp trước mà được quả-báo nhưng, không biết suy một sự ra muôn sự để tìm nhân-quả, lại mang lòng bất-tín..., một mai mệnh mất đi, của-cải tan-nát, như người ngu nếm quả thành bỏ hết cả!
71. VÌ VỢ MẮT MÙ
Xưa có người đàn-ông lấy hai vợ, nằm gần người này người kia giận. Không sao chấm dứt được cảnh-tượng ấy, người kia đành nằm ngửa giữa hai vợ. Không may gặp lúc trời mưa nhà dột nước, đất đỏ xuống mắt, người kia vẫn không dám cựa-cậy, vì trước người kia đã cam-kết với hai vợ là không ngả-nghiêng sang bên nào, thành hai mắt bị mù.
Phàm-phu gần-gũi bạn tà, tập làm những sự phi-pháp, gây ra những nghiệp triền-phọc, phải sa vào ba đường ác ở mãi nơi sinh-tử, mất con mắt trí-tuệ, như người chồng ngu-si, vì hai vợ mà hai mắt đều hỏng!
72. ĂN VỤNG GẠO
Xưa có anh chàng rể đến nhà bố vợ, thấy giã gạo, anh ta đến bốc trộm một nắm bỏ vào mồm ăn. Vừa bỏ vào mồm, vợ ra thấy chồng mừng quá, muốn được nói chuyện. Nhưng, miệng chồng đầy gạo không nói được. Lại sợ xấu-hổ không dám nhả ra, nên anh ta cứ ấp-úng không nói. Vợ lấy làm lạ, mới lấy tay vẽ, hỏi thì chồng nói là miệng bị sưng. Vợ vội-vàng chạy đi nói chuyện với cha: “Thưa cha, chồng con vừa lại đây, bỗng dưng miệng sưng không nói được!” Người cha thấy thế cho gọi thầy thuốc chữa. Thầy thuốc tới xem bảo: “Bệnh này nặng lắm, phải lấy dao cậy mồm ra đắp thuốc mới khỏi được!” Nói rồi, thầy thuốc liền lấy dao cậy mồm, gạo đổ ra, việc bại-lộ.
Người đời làm mọi hành-vi tàn-ác, phạm giới thanh-tịnh, che-giấu lỗi lầm không chịu tỏ-lộ phải sa vào địa-ngục, ngã-quỉ, súc-sinh. Như người ngu kia, vì chút thẹn-hổ không chịu nhả gạo ra, phải lấy dao cậy mồm mới tỏ lỗi-lầm vậy!
73. NGỰA ĐEN ĐUÔI TRẮNG
Xưa có người cỡi ngựa đen ra trận đánh giặc. Vì sợ quá không chiến-đấu được, người ấy lấy máu của những người đã chết hòa với cát bôi lên mặt mũi rồi nằm lẫn vào đám xác chết trước, giả chết. Người ấy nằm xuống, con ngựa đen bị người khác đuổi mất.
Lúc quân-lính về hết người ấy dậy đi cắt lấy đuôi ngựa trắng của người khác còn đấy đem về làm tin. Về nhà có người hỏi: “Ông để ngựa đâu không cưỡi về?” Người ấy đáp: “Ngựa tôi bị chết rồi, tôi chỉ cắt đuôi đem về thôi!” Người hàng xóm trông thấy nói: “Đuôi ngựa của ông đen sao đuôi này lại trắng?” Người ấy im-lặng. Ai cũng bật cười.
Người đời tự nói là mình tu-hành khá lắm, có tâm từ-bi không uống ăn tửu-nhục nhưng, hay giết-hại chúng-sinh, làm nhiều điều độc-ác. Tự dối là thiện, không việc ác nào không làm thời như người ngu kia nói dối ngựa chết không khác!
74. THAM-CẦU LỢI-DƯỠNG
Xưa có ông vua đặt ra pháp-chế về sự “tẩy-tịnh” (35) đối với các người Bà-la-môn... ở trong nước. Ai trái lệnh phải đi làm các việc vất-vả.
Khi ấy, có người Ba-la-môn xách bình tắm không, nói dối là nước của người tẩy-tịnh đem đổ đi, người ấy nói: “Tôi chẳng tẩy-tịnh, nhà vua tự tẩy lấy! Vì theo ý nhà vua, tránh sự phục-dịch, tôi nói dối là tẩy-tịnh, chứ thực không phải tẩy-tịnh chi cả!”
Phàm-phu tu đạo giải-thoát, hình-tướng bề ngoài đầy-đủ nhưng, bề trong hư-hỏng, tham-cầu lợi-dưỡng và trốn-tránh sự phục-dịch khác gì người cầm bình không kia, có tướng mà trong không vậy!
75. CON LẠC-ĐÀ VÀ CÁI VÒ
Xưa có người đựng thóc trong vò sành, con lạc-đà rúc đầu vào ăn không rút ra được. Người ấy thấy thế lo. Tình cờ có một ông lão tới, bảo: “Ngươi đừng buồn, ta có phương-pháp làm nó rút đầu ra nhanh được. Giờ ngươi nên chặt đầu nó đi, nó sẽ ra được ngay!” Người ấy tin thực, lấy dao chặt đầu lạc-đà. Mất cả lạc-đà, vở cả vò. Người đời ai cũng chê cười.
Tâm phàm-phu mong cầu đạo-quả Bồ-đề (36), giáo-pháp Tam-thừa (37) thời cần phải giữ giới cấm, đề-phòng mọi điều ác. Song, họ bị ngũ-dục phá-hủy tịnh-giới. Phạm giới rồi họ bỏ rơi Tam-thừa, buông-lung tâm-ý, gây mọi việc ác. Đạo-pháp và tịnh-giới đều bỏ, như người ngu làm lạc-đà và vò đều hỏng.
76. ĐIỀN-PHU NHỚ VƯƠNG-NỮ
Xưa có anh điền-phu đi chơi thanh trông thấy con gái vua đẹp quá về nhà ngày đêm tưởng-nhớ, nghĩ cách thông-giao không được thành bệnh. Những người thân-thuộc thấy thế, hỏi. Anh đáp: “Bữa trước tôi ra thành trông thấy con gái vua đẹp quá, tôi tương-tư, nghĩ cách thông-giao với nàng không được nên thành bệnh. Nếu không được toại-nguyện, tôi chết mất!” Những người thân-thuộc nói: “Anh đừng buồn, chúng tôi sẽ tìm phương-tiện cho anh, để anh được toại-nguyện!”
Hôm sau những người thân-thuộc tới thăm nói: “Việc anh, chúng tôi đã nói rồi nhưng, cô ấy không muốn!” Anh điền-phu nghe, vui cười cho là việc đã quyết-định.
Người ngu không phân-biệt thời-tiết: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Trong mùa Đông đem gieo hạt giống xuống đất, mong được hoa-quả chỉ uổng công vô-ích vì trời rét mầm lá, cành rễ đều hỏng. Người ngu tu-tập được ít chút phúc đã cho là đầy-đủ, cho là thiện-căn Bồ-đề có thể chứng được, như anh điền-phu hy-vọng con gái vua không khác!
77. TRANH VẮT SỮA LỪA
Xưa người mọi không biết con lừa làm sao, chỉ nghe người ta nói là sữa lừa rất ngon mà không ai biết cả. Một hôm họ được con lừa đực, họ muốn bú sữa, họ tranh nhau: người nắm đầu, người nắm tai, người nắm đuôi, người nắm chân... và đều muốn bú trước cả. Kết-cục, mọi người hì-hục, mỏi-mệt, vất-vả, không được gì cả. Người đời chê cười.
Phàm-phu, ngoại-đạo nghe nói đến đạo, họ không muốn tìm-hiểu đến nơi đến chốn, sinh tưởng niệm-càn, khởi mọi tà-kiền (tư-tưởng tà-vạy), nào: khỏa-hình, nhịn đói, gieo mình nơi ghềnh đá, đâm đầu vào đống lửa... bởi những tà-kiến ấy phải sa-đọa vào đường ác, như những người mọi vọng-cầu sữa lừa vậy!
78. CHA CON HẸN NHAU
Xưa có người cha đêm nằm bảo con: “Mai con đi cùng cha đến làng kia mang ít đồ vật về với cha!” Đứa con nghe rồi, sáng mai dậy lủi-thủi đi đến làng kia không hỏi gì cha cả. Đến nơi, người mệt, đói-khát không được gì lại quay trở về. Về gặp cha, cha mắng: “Mi ngu quá, không biết chi cả. Sao mi không đợi ta, để đến nỗi đi không về rồi, chịu khổ-cực, lại bị người ta chê cười cho!”
Phàm-phu cũng thế, được xuất-gia, mang hình-tướng người xuất-gia nhưng, không cầu minh-sư để học-hỏi đạo-pháp, làm tổn mất các công-đức đạo-phẩm, thiền-định cùng các đạo-quả của bậc Sa-Môn. Như người ngu đi không về rồi, tự mỏi-mệt, thời người mang hình-tướng tựa Sa-Môn, không hiểu biết gì, cũng không được gì vậy!
79. VÁC KỶ CHO VUA
Xưa có ông vua muốn vào vườn Vô-ưu chơi vui, mới sai một viên quan cầm cái kỷ để ngồi nghỉ. Viên quan sợ xấu-hổ không cầm, mới tâu: “Tôi không cầm được, tôi chỉ vác những thứ vác được thôi!” Ông vua có vẻ bực, sai người lấy ba mươi sáu cái kỷ chất lên lưng viên quan kia bắt vác. Mọi người đều cười.
Phàm-phu chấp-trước, thấy một sợi tóc nữ-nhân rơi ở đất không dám nhặt, tự cho là giữ giới. Nhưng, sau bị phiền-não mê-hoặc, ba mươi sáu vật nơi thân-thể họ như: tóc, răng, đại, tiểu bất-tịnh v.v... không cho là xấu, xông-xáo tất cả, không sinh thẹn-hổ và, đến chết cũng cố-thủ không bỏ, như người ngu vác kỷ vậy!
80. UỐNG LỘN THUỐC RỬA
Xưa có người đau hạ-bộ, thầy thuốc bảo phải dùng thuốc rửa mới khỏi. Người ấy nghe, sắm-sửa đủ các vật-liệu để rửa. Thầy thuốc chưa kịp đến, người ấy lấy ngay thuốc rửa uống. Uống vào, bụng chương lên, sắp chết. Thầy thuốc đến thấy lạ hỏi. Người ấy nói: “Ban nãy tôi lấy thuốc rửa uống nên thế!” Thầy thuốc trách: “Sao ngươi ngu thế, không hiểu phương-tiện là gì cả!” Vừa trách vừa vội-vàng lấy thuốc khác cho người ấy uống, thổ ra được, khỏi ngay.
Phàm-phu cũng thế, muốn tu-học pháp thiền-quán, cần quán “bất-tịnh” trước lại quán “sổ-tức”; cần quán “sổ-tức” lại quán “lục-giới” (38), trên, dưới lộn-lẫn, không có căn-bản, uổng mất thân-mệnh và chịu sự vất-vả. không hỏi bậc lương-sư tu thiền quán lộn-lẫn, như người ngu uống thuốc bất-tịnh vậy!
81. GẤU CẮN, BẮN TIÊN
Xưa hai cha con nhà kia đi chơi với bạn. Người con đi lang-thang vào rừng bị gấu cắn, nát cả thân-thể. Người con cố-gắng bò về chỗ cha. Cha trông thấy mình con rách-nát, lạ hỏi: “Mình con sao bị thương vậy?” Người con nói: “Thưa cha, con vào rừng có con vật gì lông mình xồm-xoàm, nó lại hủy-hoại con!” Người cha giận quá, tay cầm cung-tên vào rừng, trông thấy ông Tiên râu tóc rất dài, người cha tưởng là con thú hại con mình, dương cung định bắn. Những người gần bên thấy thế hỏi: “Sao ông lại bắn người ấy, người ấy không làm hại ai cả, ông nên tìm trị những kẻ có lỗi chứ!”
Những kẻ giả-dối vô-đạo ở đời chỉ muốn hãm-hại những bậc lương-thiện có đức, như người cha kia, con bị gấu cắn lại định sát-hại ông Tiên!
82. KHÊNH GIƯỜNG GIEO MẠ
Xưa có người nhà quê đi qua khu ruộng thấy mạ mọc xanh tốt mườn mượt, mới hỏi người điền-chủ: “Ông làm sao mà mạ được mọc xanh-tốt vậy?” Người điền-chủ đáp: “Cần làm đất bằng-phẳng, phân, nước đều là được thế!”
Người ấy về, y theo phương-pháp ấy làm, nghĩa là cũng làm ruộng bằng-phẳng, điều hòa phân, nước rồi gieo mạ xuống đất. Trong khi gieo người ấy sợ chân mình dẫm xuống đất, làm đất dắn lại, mạ không mọc được, mới nghĩ: “Ta nên ngồi trên giường, sai người khênh, ở trên ta rắc mạ xuống, như thế tốt hơn!” Nghĩ rồi, người ấy sai bốn người mỗi người khênh một chân giường, vào ruộng rắc mạ thành đất càng dắn thêm, lại bị người ta chê cười: “Chà, sợ hai chân thành tám chân!”
Phàm-phu tu giới-điền (giới-luật như mảnh ruộng) mầm lành sắp mọc, cần phải có thầy dạy, phải theo đúng mới được. Nhưng, lại trái phạm, làm nhiều điều ác, làm cho mầm-mống của giới-luật không mọc được, như người ngu sợ hai chân, thành tám chân vậy!
83. KHỈ OÁN TRẺ CON
Xưa có con khỉ bị người lớn đánh, không làm sao được, quay lại oán trẻ con.
Phàm-phu ngu-si, trước giận-tức người, việc ấy đã thay-đổi, đã tan-diệt trong dĩ-vãng rồi, thế mà những sự nối-tiếp về sau, vẫn cứ cho là nó thuộc về những sự trước, rồi sinh giận-tức càn, làm cho sự độc-hại của giận-tức càng sâu-dầy, khác gì con khỉ bị người lớn đánh, lại quay ra oán trẻ con!
84. NGUYỆT-THỰC ĐÁNH CHÓ
Thần-thoại xưa cho rằng A-tu-la (39) thấy mặt trời, mặt trăng trong sáng lấy bàn tay che kín. Người thường không hiểu sao, đem chó ra đánh.
Phàm-phu đã bị tham, sân, si làm khổ thân, lại còn nằm trên gai-góc, lửa nóng đốt mình, như người ngu thấy nguyệt-thực đem chó ra đánh!
85. SỢ SẼ ĐAU MẮT
Xưa có cô gái sợ sẽ đau mắt, nên làm đau trước. Có người quen hỏi cô: “Mắt cô đau ư?” Cô đáp: “Đau! Có mắt phải đau chứ! Mắt tôi chưa đau, tôi sợ sau nó sẽ đau, nên tôi làm cho nó đau trước!” Những người ấy nói: “Chà, mắt còn, dù đau hay không đau có hề chi nhưng, mắt không còn thì suốt đời đau-khổ mãi!”
Phàm-phu ngu-si nghe nói sự giầu-sang là gốc của sự suy-hoạn, nên không dám bố-thí, sợ sau được quả-báo nhiều của báu, lại phải chịu thêm sự khổ-não. Có người bảo: “Ông cứ bố-thí, dù sau được quả-báo khổ hay vui không cần nghĩ nhưng, nếu không bố-thí sẽ bị nghèo-cùng khổ quá thì sao?” Như cô gái kia không nhịn được sự đau gần lại đem khoét mắt đi để mang khổ mãi mãi!
86. CHA GIỮ KHUYÊN (40) CON
Xưa hai cha con một nhà đi một đường. Giữa đường, bọn cướp xông ra định bóc-lột. Trên tai người con có đôi khuyên vàng, người cha sợ cướp giựt mất, mới lấy tay dứt. Chặt quá dứt không được, cùng-quẫn người cha liến chém đầu con đem giấu một chỗ. Giây-lát bọn cướp đi, người cha đem đầu lắp lại với mình, thì ôi thôi không liền được nữa!
Phàm-phu vì danh-lợi tạo mọi trò hí-luận, như nói: “Có hai đời, không có hai đời; có trung-ấm (41), không có trung-ấm; có tâm-số-pháp (42), không có tâm-số-pháp. Mọi thứ vọng-tưởng (tưởng càn), không có thực pháp!” Đến khi người khác đem luận-thuyết như-pháp phá luận-thuyết ấy, thì người ấy lại nói: “Trong luận của tôi không có thuyết ấy!”
Như thế, người ngu-si chỉ vì chút danh-lợi, cố nói dối để làm mất đạo-quả của bậc Sa-Môn, sau khi thân-mệnh tan-mất phải sa vào ba đường ác, khác gì người ngu vì chút danh-lợi nhỏ chém đầu con vậy!
87. KẺ CƯỚP CHIA CỦA
Xưa có bọn cướp đi ăn cướp về, lấy được nhiều của đem chia cho nhau. Chỉ còn vài cái áo Khâm-bà-la (Kambala) (43) nơi Lộc-giã không được thuần-hảo, nhiều người cho là của xấu, đem chia cho người kém nhất. Người được, bực quá, đem vào thành bán, không ngờ các nhà trưởng-giả, quí-phái lại trả một giá rất đắt, nếu tính ra thời một áo này giá-trị còn hơn tất cả tài-vật của cả bọn. Người ấy thích quá.
Người đời bố-thí không biết có được quả-báo hay không nhưng, đến khi được sinh lên cõi trời, được nhiều sự vui-vẻ, khi đó mới hối-hận là trước đây ta không bố-thí nhiều. Áo Khâm-bà-la sau khi được giá đắt người ấy mới sinh tâm vui-mừng cũng như sự bố-thí; bố-thí ít được nhiều, lúc đó mới vui-mừng, hối-hận không làm thêm nhiều sự lợi-ích nữa!
88. KHỈ NẮM NẮM ĐẬU
Xưa có con khỉ nắm một nắm đậu, lỡ rơi một hạt xuống đất, nó liền bỏ những hạt đậu trong tay ra, đi tìm nhặt hạt đậu rơi kia. Hạt đậu rơi chưa tìm được, những hạt đậu bỏ ra gà vịt mổ ăn hết.
Phàm-phu tu đạo giải-thoát, trước hủy một giới không biết sám-hối, phóng-túng tăng thêm thành bỏ cả. Như con khỉ đánh rơi một hạt đậu thành mất cả vậy!
89. ĐƯỢC CON CHUỘT VÀNG
Xưa người đi đường được con chuột bằng vàng, thích quá bỏ vào bọc đi. Đến bên sông, người ấy cổi áo định qua sông, tức thời con chuột vàng biến thành con rắn độc. Người ấy nghĩ: “Thà bị rắn độc cắn chết, cũng cứ mang đi, chứ không vứt bỏ” – chắc tâm người ấy ngầm-cảm là thế nào nó cũng trở lại vàng. – Mãi mãi ngồi bên bờ sông, người ấy thấy con rắn độc biến thành rắn thực, không trở lại vàng nữa, mới bảo: “Ô, nó thường mãi vậy à!” Nói rồi người ấy cứ liều bắt con rắn độc bỏ vào bọc, bị rắn độc cắn chết ngay.
Người ngu ở đời thấy làm việc thiện được lợi, tâm họ không có chân-thực, chỉ vì lợi-dưỡng mà bám vào thiện-pháp ấy thôi, nên sau khi mất đi họ phải sa vào các ngả ác, như người bắt rắn độc bị nó cắn chết vậy!
90. ĐƯỢC TÚI TIỀN VÀNG
Xưa có người nghèo đi đường, tình-cờ bắt được túi tiền vàng, mừng quá đổ ra đếm. Đếm chưa xong, người chủ của túi tiền ấy đến, người ấy phải trả lại tất cả. Trả rồi, người ấy ân-hận là bắt được không đi nhanh đi, còn ở lại đếm, thành tiếc quá!
Người đời gặp được Phật, Pháp, Tăng là ruộng phúc, không chăm tu-hành nghiệp-lành, phút-chốc đi sa vào ba đường ác, khác gì người ngu kia phải trả tiền lại cho chủ cũ mang đi, để mình hối-tiếc không kịp. việc đời như bài kệ sau đây:
Hôm nay tu sửa việc này. Bao nhiêu việc khác chất đầy ngày mai! Đắm say, biết khổ nào ai? Vô-thường vụt đến bên tai chẳng tường! Bộn-bề bao việc thế-thường, Người quanh-quẩn vẫn trong đường quẩn-quanh. Kìa anh tiền được rành-rành, Vội-vàng đếm, đếm để thành tiếc không! Việc đời chung một luật chung!
91. NGHÈO MUỐN BẰNG GIẦU
Xưa có người nghèo, trong nhà có ít của-cải, trông thấy nhà đại-phú sang-trọng, ý chỉ muốn bằng nhưng, không sao bằng được. Người ấy buồn, định có ít của quăng xuống sông hết. Hàng xóm thấy bảo: “tài-vật của ông tuy ít nhưng, nó có thể giúp ông sống được vài ngày, sao ông lại đem quăng xuống sông?”
Người ngu tu đạo giải-thoát, thấy được ít lợi-dưỡng, trong tâm mong-mỏi sao bằng được các bậc cao-đức, để được nhiều lợi-dưỡng. Có ý-tưởng ấy nên thấy những bậc kỳ-cựu có đức, có tài, học rộng được nhiều người cung-kính cúng-dàng, chỉ muốn làm sao bằng được. Không được, buồn, muốn bỏ đạo. Khác gì người ngu kia muốn bằng nhà giầu, không bằng, định quăng ít của của mình đi!
92. TRẺ ĐƯỢC VIÊN THUỐC
Xưa có người vú già bế đứa trẻ đi đường, mệt quá nằm ngủ. có một người đi qua cho đứa trẻ một viên thuốc hoan-hỷ. Đứa trẻ được viên thuốc, ham mùi ngon không tưởng gì đến những vật nơi mình nữa, tức thời người kia cổi hết những kiềng, khóa, vòng anh-lạc, quần-áo, vật-dụng... mang đi.
Người tu đạo giải-thoát ham ở những nơi huyên-náo, lắm việc tham-cầu chút lợi-dưỡng, bị giặc phiền-não cướp mất tất cả vòng báu công-đức của giới-luật. Cũng như đứa trẻ kia tham chút mùi ngon, bị giặc cướp bóc-lột hết thảy!
93. BÀ GIÀ BẮT GẤU
Xưa có bà già nằm dưới gốc cây nghỉ mát, bỗng dưng có con gấu lại vồ. Bà tránh kịp, chạy vòng quanh cây. Con gấu tìm đuổi. Một tay gấu bám cây, một tay định quơ lấy bà. Bà lanh ý, cấp-thời giơ tay quàng nắm lấy hai tay gấu, gấu không cựa-cậy được.
Tình-cờ bà trông thấy một người đi qua, bà gọi: “Ngươi lại đây giết con gấu này với ta, ta chia thịt cho!” Người kia tin lời bà, chạy ngay lại giữ con gấu cho bà. Có người giữ rồi, bà liền bỏ chạy. Người kia sau bị con gấu làm khốn!
Phàm-phu làm các bộ luận kỳ-dị, nội-dung không đẹp, lời văn rườm-rà, nhiễu lỗi. Chưa xong hoàn-toàn, người ấy chết đi, người sau xem đem chú-thích, không đạt được ý thêm khốn-đốn vào mình. Cũng như người dại-khờ kia thay bà già giữ gấu, bị hại ngay mình!
94. LỖ HỔNG MA-NI (44)
Xưa có người tư-thông với vợ người khác. Trong lúc ái-ân, người chồng từ ngoài vào biết, mới đứng ngoài cửa đợi tình-địch ra thì giết.
Khi ấy, người vợ bảo với tình-nhân: “Chồng em biết rồi, không có lối ra, ước gì bây giờ có cái lỗ hổng Ma-ni mới có thể thoát ra được!” Tình-nhân nói thế, tưởng lầm là trong buồng có ngọc Ma-ni, tham-tiếc, không biết để chỗ nào, mới bảo: “Không thấy ngọc Ma-ni anh quyết không ra đâu!” Vì vậy, trong chốc-lát bị người chồng kia giết chết.
Phàm-phu cũng thế. Có người bảo: “Trong sinh-tử, vô-thường, khổ, không, vô-ngã... cần xa-lìa thường-kiến, đoạn-kiến mà ở trong trung-đạo; qua trung-đạo sẽ được giải-thoát!” Phàm-phu hiểu lầm bèn tìm trong thế-giới hữu-biên, vô-biên và nơi chúng-sinh hữu-ngã, vô-ngã, hoàn-toàn không quán được lý trung-đạo nào cả, bỗng dưng chết đi do vô-thường giết hại, phải sa vào ba đường ác. Khác gì người ngu kia đi tìm Ma-ni, bị người giết hại. (45)
95. ĐÔI CHIM BỒ-CÂU
Xưa có đôi chim bồ-câu: - con đực, con mái - cùng ở chung một tổ. Mỗi mùa thu khi hoa-quả chín hai con đi công quả về để đầy tổ. Sau quả khô-héo sụt suống còn nửa tổ, con đực giận, ngờ mắng con mái: “Ta đi lấy quả vất-vả, mi ở nhà ăn vụng đi còn nửa tổ thế hở?” Con mái đáp: “Em có ăn vụng đâu, tự quả nó héo sút đi đấy chứ!” Con đực không tin, giận quá: “Không phải mi ăn vụng tại sao ít đi, còn cãi?” Quát rồi, chim đực lấy mỏ mổ chim mái chết.
Sau ít ngày, trời mưa to, quả ngấm nước lại nở ra đầy tổ như cũ. Bấy giờ chim đực hối-hận: “Nó thực không ăn, ta giết lầm nó chết rồi!” Chim đực thương-xót, kêu khóc: “Em ơi, em ở đâu về với anh!!!”
Tâm phàm-phu điên-đảo, thường ôm-ấp, ham-đắm dục-lạc, không quán-sát lẽ vô-thường, phạm vào giới-trọng, sau hối-hận không kịp, chỉ còn biết than-tiếc như con bồ-câu đực kia vậy!
96. NÓI DỐI MẮT LÒA
Xưa có một người thợ làm việc cho nhà vua, không chịu được khổ-cực, mới nói dối là mắt bị lòa. Người thợ khác nghe thấy thế cũng muốn tự-hoại mắt mình, để tránh việc khổ nhọc. Có người bảo: “Sao ngươi lại hủy mình để chịu sự đau-khổ vậy?”
Phàm-phu vì chút danh-dự, lợi-dưỡng, cố nói dối làm hủy-hoại mất tịnh-giới, chết đi phải sao vào ba đường ác. Cũng như người ngu kia vì chút lợi nhỏ, hoại mắt mình vậy!
97. MẤT ÁO LĨNH-ĐIỆP
Xưa có hai người làm bạn với nhau, một hôm cùng đi trong khoảng đồng rộng, một người mặc áo lĩnh-điệp, bị giặc xông ra lột mất, còn một người sợ chạy trốn vào bụi rậm.
Cổ áo lĩnh-điệp trước kia người ấy có giấu một đồng tiền vàng. Người ấy bảo bọn giặc: “Thưa các ông, áo này chỉ đáng giá một đồng tiền vàng, nay tôi muốn đem một đồng tiền vàng chuộc lại áo, các ông có vui lòng không?” Bọn giặc hỏi: “Tiền vàng ngươi để đâu?” Người ấy liền mở cổ áo lấy tiền vàng ra cho bọn giặc xem và bảo: “Đây là vàng thực, nếu các ông không tin lời tôi, các ông đem đến hỏi ông thợ vàng đang trốn trong bụi rậm kia thì sẽ rõ!” Thế là bọn giặc thấy thêm người kia, lại lấy cả áo. Thành ra người ngu làm mất cả áo lẫn vàng; tự mất của-cải của mình, lại làm mất lây đến người khác nữa.
Phàm-phu tu-hành đạo-phẩm, làm các công-đức, bị giặc phiền-não cướp-bóc mất mát thiện pháp, mất mát công đức. Không những mất lợi-lạc nơi mình, lại khiến người khác mất cả đạo-nghiệp, chết đi phải sa vào ba đường ác, như người ngu kia vậy!
98. ĐỨA TRẺ THẢ RÙA
Xưa có đứa trẻ chơi đùa trên bờ ao, được một con rùa lớn. Ý nó muốn giết con rùa nhưng, không biết làm sao được, mới hỏi một người đi qua: “Làm sao giết được con rùa này ông?” Người ấy bảo: “Em đem thả nó xuống nước, tức thời giết được nó!” Đứa trẻ tin lời, đem thả xuống nước, con rùa được nước bơi mất.
Kẻ phàm-phu muốn gìn-giữ sáu căn: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý để tu các công-đức nhưng, không biết làm sao mới hỏi người ta: “Làm nhân-duyên gì được giải-thoát?” Những kẻ ngoại-đạo tà-kiến, ma-vương, bạn ác bảo: “Ngươi cứ thả lỏng tình-ý vào sáu trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp cùng những dục-vọng... quyết được giải-thoát!” Người ngu không suy nghĩ kỹ, tin dùng lời nói ấy, sau khi chết đi phải sa vào ba đường ác, như đứa trẻ tin-tưởng, thả rùa mất hút vậy! (46)
99. TỈNH GIẤC MƠ HOA
Xưa kia khi đức Phật ở trong núi Kỳ-xà-quật (Grdhrakùta), thành La-duyệt-kỳ (Ràjagrha), trong thành có một dâm-nữ mà người ta thường gọi là nàng Liên-Hoa. Nàng có một hình dáng đẹp-đẽ, cả nước không ai sánh kịp. Vì thế, em các đại-thần ai cũng tìm đến nơi nàng và đều kính mến nàng như ngọc.
Đột-nhiên thiện-tâm nàng phát khởi nàng muốn bỏ thế-sự, đi tu. Nàng tìm đến nơi Phật. Giữa đường có giòng suối, nàng nghỉ chân xuống nước. Khi rửa tay, khuôn mắt nàng hiện xuống nước, nàng trông thấy mặt mình hồng-hào, sáng-sủa, đầu-tóc xanh-mướt, hình-dánh đẹp-đẽ hơn người, lòng nàng thao-thức ân-hận: “Người ta sinh ra đời được hình-thể như vầy ít có, thế mà nỡ nào mình tự hủy bỏ, đi làm vị nữ tu-sĩ cho hoài! Ta nên thuận thời, thỏa-mãn tình riêng ta đã!” Nghĩ rồi, nàng quay về.
Đức Phật biết nàng Liên-Hoa đã đến lúc độ được, Ngài mới hóa làm một người đàn-bà đẹp tuyệt-trần, còn đẹp hơn nàng Liên-Hoa nghìn, muôn lần. Người đàn-bà này cũng đi trên con đường ấy nhưng đi ngược lại. Giữa lúc đang đi, nàng liên-Hoa trông thấy người đàn-bà kia, sinh lòng kính mến. Nàng liền hỏi người đàn-bà: “Bà từ đâu lại đây, chồng, con, cha, anh bà ở đâu mà bà đi một mình không có ai cùng đi vậy?” Bà kia đáp: “Tôi từ trong thành tới đây, bây giờ tôi muốn trở về nhà đây ạ!” Bà lại tiếp: “Chúng ta gặp nhau đây, tuy không quen biết nhưng cũng như quen, chúng ta lại bờ suối ngồi nghỉ nói chuyện cho vui đi!” Nàng Liên-Hoa thích quá, trả lời xin vâng.
Hai người trở lại bờ suối ngồi, cùng nhau bày-tỏ tất cả nỗi lòng u-ẩn cho nhau nghe. Một lúc, người đàn-bà kia nằm gối lên đầu gối nàng Liên-Hoa ngủ mất. Và, chỉ trong giây-lát người đàn-bà kia tắt thở, thây chương hôi rữa, bụng nứt, vi-trùng bò ra lúc-nhúc, răng long, tóc rụng, thân-thể, tay chân rã-rời. Nàng Liên-Hoa thấy thế, tâm nàng sợ quá mới nghĩ: “Người đẹp như thế, bỗng dưng chết đi, thân ta há được lâu dài! Thôi, ta nên tới chốn Phật tinh-tiến học đạo là hơn!” Nghĩ rồi, nàng vùng dậy đi đến chốn Phật. Đến nơi nàng lễ Phật, bạch Phật hết mọi sự mà nàng vừa trông thấy.
Đức Phật dạy: “Người ta có bốn sự không thể trông-cậy được. Bốn sự ấy là gì? – Một là, trai-trẻ rồi sẽ già. Hai là, mạnh-khỏe rồi sẽ chết. Ba là, thân-thuộc tụ-họp rồi sẽ biệt-ly. Bốn là, của báu tích-tụ rồi sẽ phân-tán. Tiếp đó, đức Phật nói bài kệ:
Mạnh sao, đau cũng xa đời!
Trẻ sao, già đến sắc người cũng suy!
Suôi tay ghi dấu biệt-ly,
Tấm thân ngà-ngọc ra gì nữa đâu!
Bình-sinh nghĩ tưởng dài lâu,
Lỏng buông ham-muốn, mong cầu sướng vui.
Việc hư đâu biết ngậm-ngùi?
Sự đời thay đổi biết lời gần, xa?
Thân nhơ dùng được chi mà!
Già, đau, chết-chóc la-cà bên thân.
Một mai ai-tín bất thần,
Cha, con thân-thích dễ phần cậy trông?
Nàng Liên-Hoa nghe pháp vui mừng, tâm-ý cổi-mở, quán thấy tấm thân như huyễn-hóa, mệnh người thực nhanh-chóng, chỉ có đạo-đức Niết-Bàn là an-vui lâu dài. Tức thì nàng tới trước Phật, bạch: “Lạy đức Thế-Tôn! Con muốn xuất-gia làm Tỳ-Khưu-Ni, kính mong đức Thế-Tôn hoan-hỷ chấp-thuận cho con!” Đức Phật dạy: “Lành thay!...” Nàng thành vị Tỳ-Khưu-Ni, suy nghĩ chính-quán, chứng quả A-la-hán.
Mọi người nơi giảng-đường nghe đức Phật nói ai cũng vui mừng.
100. CẢNH SỐNG TRÊN ĐỜI
Khi đức Phật ở trong vườn Trúc thành La-duyệt-kỳ (Ràjagrha), một hôm Ngài cùng các đệ-tử nhận lời thỉnh của thiện-tín vào thành thuyết-pháp. Thuyết-pháp xong, chiều về giữa đường Ngài gặp một người chăn trâu, đương đuổi đàn trâu lớn vào thành. Ngài thấy con nào con ấy no-béo, lồng-lộn đâm-húc nhau, Ngài liền đọc bài kệ:
Lăm-tăm roi nhắc trên tay,
Chăn-nuôi mong để có ngày thịt, sơi!
Già đi, chết lại..., chuyển-dời,
Chiếc thân chăm-chút đợi thời ra đi!
Góp-gom tài-sản chi-ly,
Dù ai, ai mặc, suy-vi chẳng từ!
Ngày, đêm sống tưởng lặng-tờ,
Mệnh-căn tự-hủy từng giờ không hay!
Cuộc đời trong giấc ngủ say,
Ao sâu giọt nước, ẩm đầy bao lâu?
Đức Phật về đến vườn trúc, rửa chân rồi ngồi vào tòa cũ. Tôn-giả A-Nan tới trước cúi đầu làm lễ bạch: “Lạy đức Thế-Tôn! Vừa rồi, khi đức Thế-Tôn đi đường Ngài có nói bài kệ, con không hiểu ý-nghĩa ra sao kính mong Thế-Tôn giáo-hóa cho!”
Đức Phật bảo: “Này ông A-nan, ông có trông thấy người chăn trâu đuổi đàn trâu vào thành không?” Tôn-giả A-Nan bạch: “Lạy đức Thế-Tôn! Con có trông thấy!” Đức Phật bảo: “Ông A-Nan, nhà nuôi trâu ấy, họ có đến nghìn con, ngày ngày họ sai người ra ngoài thành tìm cỏ non, nước tốt đem về nuôi cho béo, hàng ngày họ chọn những con béo đem giết thịt. Tính ra những trâu họ đã giết đến quá nửa rồi. Thế mà những con trâu còn lại không hề biết gì mới lồng-lộn, đâm-húc nhau và gào-rống như thế. Ta thương nó không biết gì, nên Ta nói bài kệ ấy!”
Đức Phật bảo: “Ông A-Nan, cứ gì đàn trâu ấy, người đời cũng thế! Người đời chỉ chấp chặt cái “ta”, không biết đến lẽ “vô-thường”, ham-đắm ngũ-dục, nuôi-nấng thân mình, vui lòng thỏa ý lại tàn-hại lẫn nhau; khi vô-thường oán-kết từ xưa vụt đến, mờ-mịt không biết gì, thời có khác chi đàn trâu kia vậy!”
Trong giảng-đường khi ấy có hai trăm vị Tỳ-Khưu còn vương tính tham-lam sự cúng-dàng nghe đức Phật nói pháp ấy tự thẹn, cố-gắng sửa-chữa, được đầy-đủ thần-thông và được quả vị A-la-hán.
Mọi người trong giảng-đường vui, buồn xen lẫn, làm lễ Phật rồi lui.
Tôi tạo bộ luận này,
Hòa-hợp lời vui cười;
Thêm, bớt lời chính-thực,
Quán nghĩa hợp hay không.
Tựa như thuốc độc đắng,
Hòa-hợp cùng thạch-mật;
Thuốc để phá-hoại bệnh,
Luận này cũng như vậy.
Đùa-cười trong chính-pháp,
Như thuốc độc-dại kia;
Nhưng, chính-pháp của Phật,
Vẳng, định soi sáng đời.
Như uống thuốc thổ ra,
Dùng vị Tô (47) nhuận thể;
Nay tôi đem nghĩa ấy,
Tỏ bày lẽ “tịch-định”.
Như thuốc A-già-đà, (48)
Dùng lá cây gói, phong;
Thuốc thoa chỗ độc rồi,
Lá cây vứt bỏ đi.
Đùa-cười như lá bọc,
Thực-nghĩa nằm ở trong;
Trí-giả dùng chính-nghĩa,
Đùa-cười nên bỏ đi! (49)


Chú thích:
(32) Sổ-tức-quán (Ànàpànà) Quán-tưởng bằng cách đếm hơi thở.
(33) Tỳ-đà-la (Vetala): Thần-chú làm quỉ nhập vào thây người chết trở dậy đi giết người.
(34) Quả này tại Ấn-Độ, như quả đào nhưng không phải đào.
(35) Tẩy-tịnh: hai chữ này có nhiều ý-nghĩa khác nhau: 1/ Thân-thể bẩn-thỉu không chịu tắm gội như phái Bà-la-môn tu khổ-hạnh xưa, nay cần phải tắm rửa cho sạch-sẽ. 2/ Thân-tâm làm nhiều tội-lỗi, cần phải gột-rửa cho sạch-sẽ. 3/ Rửa hậu-môn khi đi đại-tiện (đi tiêu, đi cầu) cũng gọi là “tẩy-tịnh”.
(36) Bồ-đề (Boddhi): Có nghĩa là giác-ngộ.
(37) Tam-thừa: Giáo-pháp của Phật tùy-theo căn-cơ chúng-sinh mà hóa-độ nên có cao, thấp khác nhau cũng như ba cỗ xe (Tam-thừa) tùy theo trọng-lượng nhiều, ít mà chuyên-chở. Ba cổ xe ấy là: Đại-thừa, Trung-thừa, Tiểu-thừa. Tiểu-thừa: Thanh-Văn tu Tứ-đế, Trung-thừa: Duyên-Giác tu 12 nhân-duyên, Đại-thừa: Bồ-tát tu Lục-độ.
(38) Lục-giới: Tức lục (6) đại: Địa, thủy, hỏa, phong, không, thức. Xem kinh Duyên-Sinh giảng rõ.
(39) A-tu-la (Asura): Một loài quỷ-thần Trung-Hoa dịch là “Phi-thiên”.
(40) Khuyên: là vật người ta dùng đeo tai cho đẹp. Khuyên có nơi còn gọi là “Cúc, hoa, toòng-teng v.v...”
(41) Trung-ấm: Theo Phật-học, người ta do ngũ (5) ấm: sắc, thụ, tưởng, hành, thức tụ-họp cấu-tạo mà thành. Nó còn là “sinh”, nó tan là “tử”. Tử (chết) nhưng không phải mất hẳn, nó theo nhân làm ra mà đi chịu quả-báo. Trong khi nó chưa đi chịu báo, thời-gian ấy Phật-học gọi là “Trung-ấm-thân”.
(42) Tâm-số-pháp: Tức “Tâm-sở-hữu-pháp” là những tâm phụ-thược vào tâm-vương trong Duy-Thức-học.
(43) Khâm-bà-la: Tên một thứ áo của Ấn-Độ. Áo này dệt vừa lông, vừa tơ.
(44) Ma-ni (Mani): Tên một thứ ngọc. Tàu dịch là “Như-ý”. Ma-ni theo nhà Tề dịch còn có nghĩa là “lỗ hổng ở dưới nước”
(45) Đoạn trên dụ: Người tu muốn được giải-thoát, phải quán-sát lý trung-đạo, nghĩa là quán-sát đạo-lý trung-dung không thiên-chấp vào “có, không”, không nghiêng vào “Niết-bàn, sinh-tử”, ... mới được. Ở đây người ngu không biết quán lý, mò-mẫm, tìm-kiếm trong thế-giới, chúng-sinh “hữu, vô”, thời chứng-ngộ sao được!
(46) Tới đây là hết 98 bài thuộc quyển thứ 4 Kinh Bách-Dụ. Để quy-kết bằng lời Phật cho hoàn-bị bộ kinh, chúng tôi xin thêm hai bài 99, 100 này mượn trong kinh Pháp-Cú Thí-Dụ (lời dịch-giả).
(47) Tô là váng sữa. Lấy sữa bò, sữa dê chế làm đồ ăn gọi là “lạc”, trên món lạc có một từng sữa đóng đông lại gọi là “Tô”.
(48) A-già-đà-dược (Agada): Trung-Hoa dịch là “Bất-tử-dược” (thuốc không chết).
(49) Toàn bài kệ này là phần cuối-cùng của kinh Bách-Dụ gồm có 98 bài ở trên. Theo giọng bài kệ và có tên ghi dưới bài kệ thời chính là Tôn-giả: Tăng-già-tư-na soạn.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 4 quyển »

Tải về dạng file RTF

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.12.151.11 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập