Người Cư Sĩ          [ Trở Về         [Home Page


Tiểu Bộ - Khuddhaka Nikaya
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt

Kinh Tập
Sutta Nipata

Chương 4

 
 

Chương Bốn - Phẩm Tám

(I) Kinh về Dục (Sn 151)
766. Ai ao ước được dục,
Nếu dục được thành tựu,
Chắc tâm ý hoan hỷ,
Ðược điều con người muốn.

767. Nếu người có dục ấy,
Ước muốn được sanh khởi,
Các dục ấy bị diệt,
Bị khổ như tên đâm.

768. Ai tránh né các dục
Như chân tránh đầu rắn,
Chánh niệm vượt thoát được,
Ái triền này ở đời.

769. Người nào tham đắm dục,
Ruộng đất, vàng, bò, ngựa,
Người nô tỳ, phục vụ,
Nữ nhân và bà con.

770. Như người không sức lực,
Bị các dục chinh phục,
Tai họa dẫm đạp nó,
Khổ đau bước theo nó,
Như nước ùa tràn vào,
Chiếc thuyền bị vỡ nát.

771. Do vậy người thường niệm,
Từ bỏ các loài dục,
Bỏ dục, vượt bộc lưu,
Tát thuyền đến bờ kia.

(II) Kinh Hang Ðộng tám kệ (Sn 151)
772. Chúng sanh vào trong hang,
Chấp chặt bị bao trùm,
Người có thái độ vậy,
Chìm sâu trong si mê.
Hạnh viễn ly với nó,
Như vậy thật xa vời,
Các dục ở trong đời,
Không dễ gì đoạn tận.

773. Dục cầu làm nhân duyên,
Bị lạc hữu trói buộc,
Họ rất khó giải thoát,
Không thể có người khác,
Ðến giải thoát cho mình,
Họ cầu việc đã qua,
Họ mong việc chưa lại;
Họ tham đắm các dục,
Những dục này hiện tại,
Và những dục quá khứ.

774. Ai tham đắm các dục,
Bị trí buộc si mê,
Họ xan tham keo kiết.
An trú trên bất chánh,
Khi rơi vào đau khổ,
Họ sầu muộn than khóc,
Ở đây sau khi chết,
Tương lai sẽ thế nào?

775. Do vậy ở tại đây,
Con người cần học tập,
Những gì mình biết được,
Là bất chánh ở đời.
Do nhân duyên như vậy,
Mà sống không bất chánh,
Vì rằng bậc Thánh nói:
Ngắn thay, sanh mạng này.

776. Ta thấy ở trên đời,
Loài Người run, sợ hãi,
Ði đến khát ái này,
Trong những loại sanh hữu.
Phàm những người thấp kém,
Than van trước miệng chết,
Chưa viễn ly khát ái,
Ðối với hữu, phi hữu.

777. Hãy nhìn những người ấy,
Run sợ trong tự ngã,
Như cá chỗ ít nước,
Trong dòng sông khô cạn,
Thấy được sự kiện này,
Hãy sống không của ta,
Không làm sự việc gì,
Khiến tham đắm các hữu.

778. Hãy nhiếp phục ước muốn,
Ðối với hai cực đoan,
Nhờ liễu tri các xúc,
Không còn có tham đắm,
Cái gì tự ngã trách,
Cái ấy không có làm,
Bậc trí không bị nhớp,
Bởi những gì thấy nghe.

779. Do liễu tri các tưởng,
Vượt qua khỏi bộc lưu,
Bậc Mâu-ni không nhiễm,
Ðối với mọi chấp thủ,
Với mũi tên rút ra,
Sở hành không phóng dật,
Không cầu mong đời này,
Không mong ước đời sau.

(III) Kinh Sân Hận tám kệ (Sn 153)
780. Thật có một số người
Nói lên với ác ý,
Và thật cũng có người,
Nói lên ý chân thật.
Dầu có lời nói gì,
ẩn sĩ không liên hệ,
Do vậy bậc Mâu-ni,
Không chỗ nào hoang vu.

781. Người ước muốn dắt dẫn,
Thiên trú điều sở thích,
Làm sao từ bỏ được,
Ðiều tà kiến của mình,
Khi tự mình tác thành,
Quan điểm riêng của mình,
Như điều nọ được biết,
Hãy để nó nói vậy.

782. Người không có ai hỏi,
Lại nói cho người khác,
Biết đến những giới cấm,
Của tự cá nhân mình.
Bậc thiện xảo nói rằng,
Như vậy không Thánh pháp,
Nếu ai tự nói lên
Lời tán thán tự ngã.

783. Vị Tỷ-kheo an tịnh,
Sống hết sức tịch tịnh,
Khi tán thán giới đức,
Không nói "Tôi là vậy".
Bậc thiện xảo nói rằng
Như vậy là Thánh pháp
Với vị ấy đề cao,
Ở đời, không khởi lên.

784. Với những ai các pháp,
Ðược sửa soạn tác thành,
Ðược đặt ra phía trước,
Không phải không tranh luận,
Khi đã thấy lợi ích,
Trên tự thân của mình,
Y đất, duyên dao động,
Ðạt được sự tịch tịnh.

785. Ðối với các thiên kiến,
Không dễ gì vượt qua,
Thẩm sát các pháp xong,
Mới tác thành chấp trước.
Do vậy là con người,
Ðối với trú xứ ấy,
Có khi quyết từ bỏ,
Có khi chấp nhận Pháp.

786. Vị tẩy sạch loại bỏ,
Không tìm được ở đời,
Các kiến được sửa soạn,
Ðối với hữu, phi hữu.
Bỏ man trá, kiêu mạn,
Vị tẩy sạch loại bỏ,
Vị ấy đi với gì,
Vị ấy không chấp thủ.

787. Với ai có chấp thủ,
Bị chỉ trích trong Pháp,
Với ai không chấp thủ,
Lấy gì có thể nói?
Chính đối với vị ấy,
Ngã, phi ngã đều không,
Vị ấy đã tẩy sạch,
Mọi tà kiến ở đời.

(V) Kinh Thanh Tịnh tám kệ (Sn 154)
788. Ta thấy vị thanh tịnh,
Vị tối thượng, không bệnh,
Sự thanh tịnh con người,
Với tri kiến, đạt được.
Nắm giữ quan điểm này.
Xem đấy là tối thượng,
Vị này sẽ xem trí,
Là tùy quán thanh tịnh.

789. Nếu thanh tịnh con người,
Do tri kiến đạt được,
Hay với trí vị ấy,
Từ bỏ sự đau khổ
Vị ấy có sanh y,
Ngoài Thánh đạo được tịnh,
Vị ấy nói như vậy,
Do tri kiến cá nhân.

790. Bà-la-môn không nói,
Ngoài Thánh đạo được tịnh,
Với điều được thấy nghe,
Giới đức, được thọ tưởng;
Với công đức, ác đức,
Vị ấy không nhiễm trước,
Từ bỏ mọi chấp ngã,
Không làm gì ở đời.

791. Từ bỏ tri kiến cũ,
Y chỉ tri kiến mới,
Ði đến sự tham đắm,
Không vượt qua ái dục;
Họ nắm giữ chấp trước,
Họ từ bỏ xa lánh,
Như khỉ thả cành này,
Rồi lại nắm cành khác,

792. Người tự mình chấp nhận,
Các chủng loại giới cấm,
Ði chỗ cao chỗ thấp,
Sống bị tưởng chi phối;
Người có trí rộng lớn,
Nhờ trí tuệ, quán pháp,
Có trí, không đi đến
Các pháp cao và thấp.

793. Vị ấy đạt thù thắng,
Trong tất cả các pháp,
Phàm có điều thấy, nghe,
Hay cảm thọ, tưởng đến;
Với vị tri kiến vậy,
Sống đời sống rộng mở,
Không bị ai ở đời,
Có thể chi phối được.

794. Họ không tác thành gì,
Họ không đề cao gì,
Họ không có nói lên,
Ðây tối thắng thanh tịnh,
Không dính líu tham đắm,
Mọi chấp trước triền phược,
Họ không tạo tham vọng,
Bất cứ đâu ở đời.

795. Với vị Bà-la-môn
Ðã vượt khỏi biên giới,
Sau khi biết và thấy,
Không có kiến chấp trước.
Tham ái không chi phối,
Cũng không tham, ly tham,
Vị ấy ở đời này,
Không chấp thủ gì khác.

(V) Kinh Tối Thắng tám kệ (Sn 156)
796. Ai thiên trú trong kiến,
Xem kiến ấy tối thắng,
Ở đời đặt kiến ấy,
Vào địa vị tối thượng.
Người ấy nói tất cả,
Người khác là hạ liệt,
Do vậy không vượt khỏi,
Sự tranh luận ở đời.

797. Khi nó thấy lợi ích,
Ðến với tự ngã nó,
Ðối với vật thấy nghe,
Giới đức hay thọ tưởng;
Vị ấy ở tại đấy,
Liền chấp trước nắm giữ,
Nó thấy mọi người khác,
Là hạ liệt thấp kém.

798. Người y chỉ kiến ấy,
Thấy người khác hạ liệt,
Bậc thiện nói như vậy,
Ðấy là sự trói buộc;
Do vậy đối thấy nghe,
Thọ, tưởng hay giới cấm,
Bậc Tỷ-kheo không có
Y chỉ, nương tựa vào.

799. Chớ có tác thành ra
Tri kiến ở trên đời,
Từ ở nơi chánh trí,
Hay từ nơi giới đức,
Không bận tâm so sánh,
Tự ngã bằng người khác,
Không có suy nghĩ đến,
Ðây "liệt " hay đây "thắng".

800. Ðoạn tận, từ bỏ ngã,
Không chấp thủ sự gì,
Không tác thành, dựng nên,
Nương tựa ở nơi trí,
Chân thật giữa tranh chấp
Không theo phe phái nào,
Vị ấy không đi theo
Một loại tri kiến nào.

801. Với ai, hay cực đoan,
Không có hướng nguyện gì,
Với hữu và phi hữu,
Hay đời này đời sau,
Vị ấy không an trú,
Tại một trú xứ nào,
Từ bỏ mọi chấp thủ,
Ðối với tất cả pháp.

802. Ðối vị ấy ở đây,
Những gì được thấy nghe,
Ðược cảm thọ tưởng đến,
Chút suy tưởng cũng không;
Vị Bà-la-môn ấy
Không chấp thủ tri kiến,
Không ai ở đời này
Có thể chi phối được.

803. Họ không tác thành gì,
Họ không đề cao gì,
Các pháp không được họ,
Chấp trước nắm giữ gì
Không một Phạm chí nào,
Bị giới cấm dắt dẫn,
Ði đến bờ bên kia,
Vị ấy không trở lui.

(VI) Kinh Già (Sn 158)
804. Sinh mạng này ngắn thay,
Trong trăm năm, rồi chết,
Nếu ai sống hơn nữa,
Rồi cũng chết vì già.

805. Loài Người sầu vì ngã,
Mọi chấp thủ vô thường,
Trống không là đời này,
Thấy vậy sống không nhà.

806. Vì loài Người nghĩ rằng
Cái này là của tôi,
Cái ấy bị sự chết,
Làm hoại diệt hư tàn.
Biết vậy, bậc Hiền trí,
Không gọi, không hướng đến,
Cái này ngã của ta,
Cái này là của ta.

807. Như những gì hiện lên,
Trong giấc ngủ mộng mị,
Con người khi tỉnh dậy,
Không còn thấy được gì.
Cũng vậy ở đời này,
Người được ưa, ái luyến,
Rồi sẽ chết mất đi,
Không ai còn thấy được.

808. Các loại hạng người ấy
Ðược thấy và được nghe,
Nên họ được gọi tên,
Tên này hay tên khác.
Với người đã chết đi,
Chỉ được gọi tên không,
Vì chỉ có tên suông,
Sẽ được còn tồn tại.

809. Tham đắm cái của ta,
Họ không có từ bỏ,
Sầu khổ và than van,
Cùng xan tham keo kiết.
Do vậy bậc ẩn sĩ,
Sau khi bỏ chấp thủ,
Ðã sống một đời sống,
Thấy được sự an ổn.

810. Ðối với vị Tỷ-kheo
Sống thanh vắng một mình,
Sống tu tập tâm ý,
Hướng đến hạnh viễn ly,
Nếp sống vậy được nói,
Hòa hợp với vị ấy,
Và không nêu tự ngã,
Trong hiện hữu của mình.

811. Vị ẩn sĩ không tựa,
Không y chỉ một ai,
Không làm thành thương yêu,
Không tác thành ghét bỏ.
Do vậy trong sầu than,
Trong xan tham keo kiết,
Như nước trên lá cây,
Không dính ướt làm nhơ.

812. Giống như một giọt nước,
Không dính ướt hoa sen,
Như nước trên bông sen,
Khôn dính ướt làm nhơ.
Ðối với vật thấy nghe,
Ðược cảm thọ tưởng đến,
Cũng vậy bậc ẩn sĩ
Không dính ướt tham đắm.

813. Do vậy bậc tẩy sạch,
Không có suy tư đến,
Ðiều được thấy được nghe,
Ðược cảm thọ tưởng đến.
Vị ấy muốn thanh tịnh,
Không có dựa gì khác,
Vị ấy không tham đắm,
Cũng không có ly tham.

(VII) Kinh Tissametteyya (Sn 160)
814. Tissa Metteyya,
Tôn giả nói như sau:
Thế Tôn hãy nói lên,
Sự tai hại của người,
Ðắm say về dâm dục,
Sau khi nghe, chúng con
Sẽ học tập lời Ngài,
Lời dạy về viễn ly.

815. Thế Tôn nói như sau:
Hỡi này Metteyya,
Ai đắm say dâm dục,
Quên mất lời giảng dạy,
Rơi vào đường tà vạy,
Nếp sống ấy không thánh.

816. Ai trước sống một mình,
Nay rơi vào dâm dục,
Như xe bị nghiêng ngã,
Người ấy ở trong đời,
Ðược gọi là phàm phu,
Ðược gọi là hạ liệt.

817. Tiếng tốt có từ trước,
Người ấy bị tổn giảm,
Thấy vậy hãy học tập,
Từ bỏ sự dâm dục.

818. Chi phối bởi suy tư,
Trầm ngâm như kẻ nghèo,
Nghe tiếng trách người khác,
Như kẻ bị thất vọng.

819. Bị người khác buộc tội,
Nó làm các đao kiếm,
Trở thành người tham lớn,
Chấp thủ điều vọng ngôn.

820. Ðược danh là Hiền trí,
An trú sống một mình,
Nếu rơi vào dâm dục,
Sầu não như kẻ ngu.

821. Thấy nguy hại như vậy,
Bậc ẩn sĩ trước sau,
Kiên trì sống cô độc,
Không thực hành dâm dục.

822. Hãy học tập viễn ly,
Ðây hạnh thánh tối thượng,
Không nghĩ mình tối thắng,
Dầu gần được Niết-bàn.

823. Sở hành bậc ẩn sĩ,
Trống không, không mong dục,
Bậc vượt khỏi bộc lưu,
Ðược các người ở đời,
Bị tham dục trói buộc,
Ganh tị và thèm muốn.

(VIII) Kinh Pasùra (Sn 161)
824. Ở đây chính thanh tịnh,
Họ thuyết giảng như vậy,
Họ nói trong pháp khác,
Không có sự thanh tịnh,
Họ nói chỗ y chỉ,
Ở đây là thanh tịnh,
Họ rộng rãi an trú,
Trong sự thật của mình.

825. Những ai muốn tranh luận,
Sau khi vào hội chúng,
Họ công kích lẫn nhau,
Họ gọi nhau là ngu,
Họ đi đến người khác,
Và khởi lên tranh luận,
Họ muốn được tán thán,
Họ gọi chúng thiện xảo.

826. Ham mê thích tranh luận,
Ở giữa các hội chúng,
Ước muốn được tán thán,
Họ sợ hãi thất bại,
Khi bị đánh thất bại,
Họ trở thành rủn chí,
Bị chê, họ nổi giận,
Kẻ tìm lỗi người khác.

827. Khi các nhà thẩm sát,
Phê bình các câu hỏi,
Tuyên bố cuộc tranh luận,
Ði đến chỗ thất bại,
Kẻ nói lời hạ liệt,
Than khóc và sầu não,
Họ rên rỉ than van,
Nó đã đánh bại ta.

828. Giữa các vị Sa-môn,
Các tranh luận khởi lên,
Trong các tranh luận này,
Có chiến thắng chiến bại.
Do thấy rõ như vậy,
Không vui thích tranh luận
Dầu có được tán thán,
Cũng không lợi ích gì.

829. Hay trong tranh luận này,
Nó được lời tán thán,
Sau khi đã nói lên,
Chính giữa các hội chúng.
Do vậy nó vui cười,
Nó tự hào kiêu hãnh,
Ðạt được mục đích ấy,
Như tâm ý nói lên.

830. Cái làm nó cống cao,
Cũng là đất hại nó,
Tuy vậy nó vẫn nói,
Lời cống cao kiêu mạn,
Khi thấy được như vậy,
Hãy đừng có tranh luận,
Bậc thiện xảo nói rằng,
Thanh tịnh không do vậy.

831. Cũng như bậc anh hùng,
Nuôi dưỡng đồ ăn vua,
La hét muốn tìm cầu,
Một địch thủ anh hùng,
Ôi anh hùng hãy tránh,
Chỗ nào có vị ấy,
Từ trước đã không có,
Sự đấu tranh như vậy.

832. Những ai chấp tri kiến,
Tranh luận về kiến ấy,
Tuyên bố thuyết giảng rằng:
Chỉ đây là sự thật,
Ông hãy nói với họ,
Ở đây không tranh luận,
Ông hãy nói thêm rằng
Ở đây không địch thủ.

833. Cuộc chiến đấu đã tàn,
Những ai sống như vậy,
Không có sự va chạm,
Giữa kiến này kiến khác,
Hỡi này Pasùra!
Ông được gì nơi họ,
Với người không chấp thủ,
Một sự gì tối thượng?

834. Vậy Ông hãy đi đến,
Suy tư ngẫm nghĩ kỹ,
Với tâm ý suy tư,
Trên những loại tri kiến,
Hãy hoà đồng chung hợp,
Với bậc đã tẩy sạch,
Ông không có thể không
Cùng vị ấy tiến bước.

(IX) Kinh Màgandiya (SN 163)

Thế Tôn:

835. Sau khi thấy khát ái,
Bất lạc và tham đắm,
Không thể có ưa muốn,
Ðối với sự dâm dục.
Sao, với bao đầy tràn,
Nước tiểu, phân uế này,
Ta không có ước muốn,
Với chân động chạm nó.
Màgandiya:
836. Nếu Ngài không ước muốn:
Ngọc báu như thế này,
Nữ nhân được mong cầu,
Bởi rất nhiều đế vương,
Hãy nói như thế nào,
Là tri kiến của Ngài,
Giới cấm và sinh mạng,
Cùng sự hữu phát sanh.
Thế Tôn:
837. Thế Tôn liền trả lời,
Cho Màgandiya,
Với Ta không có nói,
Ta nói như thế này,
Sau khi quán sát kỹ
Sự chấp thủ trong pháp,
Trong tất cả tri kiến,
Ta không có chấp trước,
Ta thấy sự cất chứa,
Tịch tịnh trong nội tâm.
Màgandiya:
838. Màgandiya nói:
Các lý thuyết quyết định,
Ngài nói vị ẩn sĩ,
Không nắm giữ thuyết nào.
Còn về ý nghĩa này,
Của hai chữ nội tịnh,
Thế nào là bậc Hiền trí,
Hiểu biết hai chữ ấy?
Thế Tôn:
839. Thế Tôn nói như sau:
Này Màgandiya,
Không phải từ tri kiến,
Từ truyền thống, từ trí,
Không phải từ giới cấm,
Thanh tịnh được đem đến.
Người ta nói như vậy,
Nhưng cũng không phải là
Không kiến, không truyền thống,
Không trí, không giới cấm,
Từ bỏ tất cả chúng,
Không chấp thủ sự gì,
Bậc thiện không y chỉ,
Không ước muốn sanh hữu.
Màgandiya:
840. Màgandiya nói:
Nếu không từ tri kiến,
Từ truyền thống, từ trí,
Không phải từ giới cấm,
Thanh tịnh được đưa đến.
Người ta nói như vậy,
Cũng không phải không kiến,
Không truyền thống, không trí,
Không giới luật giới cấm,
Thanh tịnh được đem đến
Con nghĩ rằng pháp vậy,
Là pháp kẻ ngu si,
Vì rằng thật có người,
Nhờ kiến đến thanh tịnh.
Thế Tôn:
841. Thế Tôn nói như sau:
Này Màgandiya,
Nếu y vẫn tri kiến,
Ông còn tiếp tục hỏi,
Chính do những chấp thủ,
Ði đến sự ngu si,
Từ đó, Ông không thấy,
Một chút gì về tưởng,
Do vậy, Ông chớ thấy,
Tất cả là ngu si.

842. Bằng ta thắng hơn ta,
Hay thấp kém hơn ta,
Ai suy nghĩ như vậy,
Do vậy đấu tranh khởi,
Ai không bị dao động
Bởi ba vấn đề ấy,
Như vậy, đối vị ấy,
Không bằng, không thù thắng.

843. Sao Bà-la-môn ấy
Lại nói: "Ðây sự thật ",
Ðây chính là nói láo,
Ðể gây nên tranh luận,
Với ai không hề có,
Bằng nhau, không bằng nhau.
Do đâu nó có thể,
Mắc vào tranh luận được.

844. Ðoạn tận mọi nhà cửa,
Sống là kẻ không nhà,
ẩ sĩ không thân thiết,
Với một ai ở làng,
Trống không các dục vọng,
Không xem trọng sự gì,
Không nói chuyện tranh luận,
Với một ai ở đời.

845. Vị ấy sống viễn ly,
Mọi sự việc ở đời,
Bậc Long tượng không chấp,
Và không nói đến họ.
Như hoa sen có gai,
Sanh ra ở trong nước,
Không bị nước và bùn,
Mắc dính và thấm ướt.
Như vậy bậc ẩn sĩ,
Nói an tịnh, không tham,
Không bị dục và đời,
Mắc dính và thấm ướt.

846. Bậc trí, không do kiến,
Cũng không do thọ tưởng,
Ði đến sự kiêu mạn,
Không có tham dự vào,
Không để cho hành động,
Cho truyền thống dắt dẫn,
Không để bị chi phối,
Trong trú xứ của ý.

847. Người không ưa thích tưởng,
Không có bị trói buộc,
Vị được tuệ giải thoát,
Không có sự si mê,
Và những ai chấp thủ,
Tư tưởng và tri kiến,
Người ấy sống xung đột,
Với mọi người ở đời.

(X) Kinh Trước khi bị hủy hoại (Sn 166)

Người hỏi:

848. Người sống đời an tịnh,
Kiến và giới thế nào?
Con hỏi Gotama,
Là bậc người tối thượng.
Thế Tôn:
849. Thế Tôn đáp như sau:
Ly ái trước thân hoại,
Không y chỉ ban đầu,
Không y chỉ cuối cùng,
Không kể đến vật giữa,
Không có ưa thích nào.

850. Không phẫn nộ, không sợ,
Không khoa đại, không hối,
Nói hòa nhã, không động,
Bậc ẩn sĩ thận ngôn.
Không ước vọng tương lai,
Không sầu muộn quá khứ,
Thấy viễn ly giữa xúc,
Không để kiến dắt dẫn.

852. Sống riêng, không man trá,
Không thích, không xan tham,
Không xông xáo nhàm chán,
Không đi đến hai lưỡi.

853. Không mê vật khả ái,
Cũng không có quá mạn,
Nhu hòa, nhưng ứng biện,
Không vọng tín, không tham.

854. Không tu tập vì lợi,
Không được lợi, không sân,
Không bị ái kích thích,
Không đam mê các vị.

855. Thường trú xả, chánh niệm,
Ở đời, không nghĩ mình,
Bằng hơn hay thua người,
Vị ấy, không bồng bột.

856. Không y chỉ một ai,
Biết pháp, không y chỉ,
Vị ấy không có ái,
Ðối với hữu, phi hữu.

857. Ta gọi vị an tịnh,
Không mong cầu các dục,
Vị ấy không triền phược,
Vượt khỏi các tham trước.

858. Vị ấy không con cái,
Thú vật, ruộng, đất đai,
Không có gì nắm lấy,
Là ta, là không ta.

859. Phàm phu có buộc tội,
Hoặc Sa-môn, Phạm chí,
Vị ấy không quan tâm,
Trong lời nói không động,

860. Không tham, không xan lẫn,
ẩ sĩ không nói cao,
Không nói bằng, nói thấp,
Không đi đến thời kiếp,
Vì vị ấy vượt khỏi,
Sự chi phối thời kiếp.

861. Ai không có vật gì,
Không có, không sầu muộn,
Không đi đến các pháp,
Vị ấy gọi an tịnh.

(XI) Kinh Tranh luận (Sn 168)

Người hỏi:

862. Từ đâu được khởi lên,
Các tranh luận, đấu tranh,
Than van và sầu muộn,
Cùng với tánh xan tham,
Mạn và tăng thượng mạn,
Kể cả với hai lưỡi,
Từ đâu chúng sanh nhiều,
Mong Ngài hãy nói lên.
Thế Tôn:
863. Từ ái sanh khởi nhiều,
Các tranh luận, đấu tranh
Than van và sầu muộn,
Cùng với tánh xan tham,
Mạn và tăng thượng mạn,
Kể cả với hai lưỡi,
Các tranh luận, đấu tranh, 
Ðều liên hệ xan tham,
Những lời nói hai lưỡi,
Khởi lên từ tranh luận.
Người hỏi:
864. Do những nhân duyên nào,
Khả ái sanh ở đời?
Hay những tham lam nào,
Ðược lưu hành ở đời?
Ước vọng và thành đạt,
Là do nhơn duyên nào?
Khiến loài Người được sanh,
Trong thời gian tương lai?
Thế Tôn:
865. Do ước muốn là nhân,
Khả ái sanh ở đời,
Hay với những tham lam,
Ðược lưu hành ở đời,
Ước vọng và thành đạt,
Do ước muốn làm nhân,
Khiến loài Người được sanh,
Trong thời gian tương lai.
Người hỏi:
866. Ước muốn sanh ở đời
Là do nhân duyên nào?
Hay cả những quyết định,
Do nhân nào được sanh?
Phẫn nộ và vọng ngữ,
Cùng với cả nghi hoặc,
Hoặc là những pháp nào,
Ðược Sa-môn nói đến?
Thế Tôn:
867. Khả ý, bất khả ý,
Ðược gọi vậy ở đời,
Do y chỉ nơi chúng,
Ước muốn được sanh khởi.
Sau khi thấy trong sắc,
Cả hữu và phi hữu,
Chúng sanh mới làm được,
Những quyết định ở đời.

868. Phẫn nộ và vọng ngữ,
Cùng với cả nghi hoặc,
Những pháp này lưu hành,
Khi pháp đôi có mặt,
Kẻ nghi hãy học tập,
Trên con đường chánh trí,
Sau khi biết các pháp,
Do Sa-môn thuyết giảng.

Người hỏi:
869. Khả ý, bất khả ý,
Là do nhân duyên nào,
Do cái gì không có,
Họ không có hiện hữu.
Còn về ý nghĩa này,
Về phi hữu và hữu,
Hãy nói cho chúng con,
Nguyên nhân gì chúng sanh?
Thế Tôn:
870. Do nhân duyên cảm xúc,
Khả ý, bất khả ý,
Nếu không có cảm xúc,
Họ cũng không hiện hữu,
Còn về ý nghĩa này,
Về phi hữu và hữu,
Ta nói cho Ông rõ,
Nguyên nhân này, chúng sanh.
Người hỏi:
871. Còn cảm xúc ở đời,
Do nhân gì sanh khởi,
Hay các loại chấp thủ,
Do từ đâu sanh nhiều,
Do cái gì không có,
Ngã sở hữu không có,
Cái gì không hiện hữu,
Khiến không có cảm xúc?
Thế Tôn:
872. Do duyên danh và sắc,
Nên có các cảm xúc,
Do nhân các ước muốn,
Nên có những chấp thủ,
Nếu ước muốn không có,
Ngã sở hữu cũng không,
Do sắc không hiện hữu,
Khiến không có cảm xúc.
Người hỏi:
873. Sở hành như thế nào,
Sắc pháp không hiện hữu,
An lạc và khổ đau,
Thế nào không có mặt,
Hãy nói lên cho con,
Không có như thế nào,
Chúng con muốn được biết,
Tâm ý con nói vậy.
Thế Tôn:
874. Không có tưởng các tưởng,
Không có tưởng vô tưởng,
Phi tưởng cũng không có,
Vô hữu tưởng cũng không.
Do sở hành như vậy,
Sắc pháp không hiện hữu,
Do nhân duyên các tưởng,
Hý luận được hình thành.
Người hỏi:
875. Ngài đã nói chúng con,
Những điều chúng con hỏi,
Có điều nữa hỏi Ngài,
Mong Ngài trả lời cho,
Bậc Hiền trí nói rằng,
Như thế này tối thượng,
Nghĩa là ở đời này,
Sự thanh tịnh Dạ-xoa
Hay là chúng muốn nói,
Có điều gì khác nữa?
Thế Tôn:
876. Bậc Hiền trí nói rằng,
Như thế là tối thượng,
Nghĩa là ở đời này,
Sự thanh tịnh Dạ-xoa,
Như có người nói rằng,
Chính là sự hoại diệt,
Lại một số thiện nhân,
Nói rằng: "Không dư y".

877. Biết được những pháp ấy,
Ðều nương tựa y chỉ,
Biết vậy bậc ẩn sĩ,
Suy tư trên y chỉ,
Biết được, nên giải thoát,
Không đi đến tranh luận,
Bậc Hiền không tìm đến,
Cả hữu và phi hữu.

(XII) Những vấn đề nhỏ bé (Sn 171)

Người hỏi:

878. Mỗi người tự thiên chấp,
Về tri kiến của mình,
Do chấp thủ sai biệt,
Bậc thiện xảo nói lên,
Ai biết như thế này,
Vị ấy biết được pháp,
Ai chỉ trích điểm này,
Vị ấy không hoàn toàn.

879. Do chấp thủ như vậy,
Họ tranh luận với nhau,
Họ nói kẻ khác ngu.
Không có khéo thiện xảo.
Trong những lời nói này,
Lời nói ai chân thật,
Hay tất cả vị này,
Là những bậc khéo nói?

Thế Tôn:
880. Nếu không có chấp thuận,
Pháp của các người khác,
Nói kẻ khác là ngu,
Tuệ như vậy thấp kém.
Tất cả là ngu si,
Có tuệ thật thấp kém.
Tất cả tri kiến này.
Ðều chỉ là thiên chấp.

881. Nếu các cuộc tranh luận,
Ðược tri kiến gạn lọc,
Trí tuệ được thanh tịnh,
Thiện xảo trí sáng suốt,
Họ không có một ai,
Là trí tuệ hạ liệt,
Và tri kiến của họ,
Ðược hoàn toàn viên mãn.

882. Ta không có nói rằng:
"Ðây chính là sự thật".
Các người ngu với nhau,
Cùng nhau nói như vậy,
Với tri kiến tự mình,
Họ nói là chân thật,
Do vậy các người khác,
Ðược họ xem là ngu.

Người hỏi:
883. Một số người nói rằng:
"Ðây mới là sự thật"
Họ nói các người khác,
Là trống không, giả dối,
Do chấp thủ như vậy,
Họ tranh luận đấu tranh,
Vì sao bậc Sa-môn,
Không cùng nói một lời?
Thế Tôn:
884. Sự thật chỉ có một,
Không sự thật thứ hai,
Người hiểu biết tranh luận,
Với người có hiểu biết,
Nhưng chân thật họ khen,
Chỉ sự thật của họ,
Do vậy bậc Sa-môn,
Không cùng nói một lời.
Người hỏi:
885. Vì sao họ nói lên,
Những chân thật sai khác,
Vì sao bậc thiện xảo,
Lại nói lời tranh luận,
Nếu các sự thật ấy,
Là nhiều và sai biệt,
Hay họ chỉ nhớ đến,
Những suy luận của họ.
Thế Tôn:
886. Thật sự các sự thật,
Không có nhiều sai biệt,
Từ các luồng tư tưởng,
Về thường còn ở đời,
Do họ suy nghĩ đến,
Tư tưởng các tri kiến,
Họ nói có hai pháp,
Sự thật và giả dối.

887. Các pháp được thấy nghe,
Ðược giữ giới, thọ tưởng,
Họ y cứ pháp này,
Họ suy tư, nhìn thấy,
An trú các quyết định,
Họ chê cười người khác,
Họ nói các người khác,
Là ngu si bất thiện.

888. Vì rằng đối người khác,
Nó xem là ngu si,
Tự mình gọi chính mình,
Là thiện xảo tốt đẹp,
Do chính mình khen mình,
Vị ấy gọi thiện xảo,
Khinh thường các người khác,
Lời người ấy là vậy.

889. Vị ấy quá say mê,
Với tri kiến của mình,
Nên trở thành kiêu mạn,
Viên mãn tự ý mình,
Tự mình với tâm ý,
Làm lễ quán đảnh mình,
Do vậy, bị say mê,
Trong tri kiến của mình.

890. Nếu người khác nói rằng:
Nó là hạng hạ liệt.
Như vậy đối tự mình,
Kẻ kia cũng liệt tuệ,
Nếu tự nó sáng suốt,
Bậc Hiền trí hiểu biết,
Không có ai ngu si,
Giữa các bậc Sa-môn.

891. Những ai tuyên bố pháp,
Sai khác với pháp này,
Ði ngược lại thanh tịnh,
Không là người hoàn toàn,
Như vậy các ngoại đạo,
Tuyên bố thật rộng rãi,
Do lòng tham tri kiến,
Họ quá sức đam mê.

892. Những ai tuyên bố rằng,
Chính đây là thanh tịnh,
Họ nói không thanh tịnh,
Trong các pháp sai khác.
Như vậy các ngoại đạo,
An trú thật rộng rãi,
Họ kiên trì tuyên bố,
Con đường riêng của mình.

893. Ai kiên trì tuyên bố,
Con đường riêng của mình,
Sao ở đây có thể,
Nói người khác là ngu?
Vị ấy tự chê mình,
Ðem lại tiếng liệt tuệ,
Người khác nói nói ngu,
Không được pháp thanh tịnh.

894. An trú trên quyết định,
Tự mình lượng sức người
Vị ấy ở trên đời,
Chỉ tăng thêm tranh luận,
Ai từ bỏ tất cả,
Mọi quyết định, chủ trương,
Không bị người ở đời,
Chê là kẻ liệt tuệ.

(XIII) Những vấn đề to lớn (Sn 174)

Người hỏi:

895. Với những ai thiên vị,
Ðối với những tri kiến này,
Chỉ đây là sự thật,
Họ cãi cọ tranh luận,
Tất cả những người ấy,
Ðem lại sự chỉ trích,
Hay chính tại ở đây,
Họ được lời tán thán?
Thế Tôn:
896. Ðây chỉ là nhỏ bé,
Không đủ đem an tịnh,
Ta nói về hai quả
Của các loại đấu tranh.
Sau khi thấy như vậy,
Chớ có nên tranh luận,
Nên thấy rằng an ổn,
Không phải đất tranh luận.

897. Phàm những thế tục này,
Ðược sanh giữa phàm phu,
Bậc trí không dựa vào,
Tất cả thế tục này,
Ðã không có quan tâm,
Sao nay tìm quan tâm,
Sao có thể kham nhẫn,
Với vật được thấy nghe.

898. Bậc xem giới tối thượng,
Nói tịnh nhờ chế ngự,
Chấp thủ giới cấm xong,
Họ an trú như vậy.
Ở đây họ tu tập,
Do đây được thanh tịnh,
Họ chỉ khéo nói năng,
Họ bị hữu dắt dẫn.

899. Nếu có ai vi phạm,
Giới hạnh và giới cấm,
Người ấy sẽ run sợ,
Vì sở hành khiếm khuyết.
Ở đây người ấy than,
Cố gắng được thanh tịnh,
Như lữ hành lạc đoàn,
Như kẻ bỏ gia đình.

900. Ðối với giới cấm thủ,
Sau khi đoạn tất cả,
Cùng với các sở hành,
Có tội,không có tội,
Không còn có cố gắng,
Thanh tịnh, không thanh tịnh,
Hãy sống hạnh viễn ly,
Không chấp thủ an tịnh.

901. Người y chỉ khổ hạnh,
Người y chỉ nhàm chán,
Kẻ dựa vào nghe thấy,
Hay dựa vào thọ tưởng,
Họ là hạng nói lớn,
Tán thán sự thanh tịnh,
Chưa đoạn được tham ái,
Ðối với hữu, phi hữu.

902. Với ai có nỗ lực,
Cầu mong và ham muốn,
Họ mới phải run sợ,
Với những kiến của mình,
Với những ai ở đời,
Không có sanh và chết,
Do gì, khiến họ sợ,
Họ tham vọng cái gì?

Người hỏi:
903. Có những người tuyên bố,
Pháp này là tối thượng,
Nhưng người khác lại nói,
Pháp ấy là hạ liệt.
Ai nói lời chân thật,
Giữa hai hạng người này,
Hay tất cả hạng này,
Ðều là hạng khéo nói?

904. Với pháp tự của mình,
Nói pháp này viên mãn
Chỉ trích pháp người khác,
Là thấp kém hạ liệt,
Do chấp thủ như vậy,
Họ luận tranh đấu tranh,
Mọi thế tục tự mình,
Họ nói là chân thật.

Thế Tôn:
905. Nếu có bị người khác,
Khinh rẻ là hạ liệt,
Như vậy giữa các pháp,
Không gì thù thắng sao?
Kẻ phàm phu nói rằng
Pháp người khác hạ liệt,
Cương quyết tự đề cao,
Pháp mình không hạ liệt.

906. Như mọi người tôn thờ,
Chánh pháp của tự mình,
Giống như họ tán thán,
Mọi sở hành bản thân,
Tất cả những lời nói
Trở thành lời chân thật,
Sự thanh tịnh đối họ,
Tự mỗi người tác thành.

907. Với người Bà-la-môn,
Không người khác lãnh đạo,
Sau khi đã nghiên cứu,
Chấp thủ trong các pháp,
Do vậy nên vị ấy
Vượt khỏi các tranh luận,
Không thấy pháp người khác,
Có thể thù thắng hơn.

908. Họ nói: "Tôi thấy, biết,
Cái này là như vậy".
Họ đi đến quan điểm,
Thanh tịnh nhờ tri kiến,
Vị ấy đã thấy vậy,
Cần gì kiến người khác,
Vượt qua được quan điểm,
Thanh tịnh nhờ pháp khác.

909. Người có mắt thấy được,
Cả danh và cả sắc,
Sau khi thấy được họ,
Sẽ biết họ là vậy,
Hãy để họ được thấy,
Các dục nhiều hay ít,
Bậc thiện xảo không nói,
Thanh tịnh là nhờ dục.

910. Người đã gọi cuồng tín,
Không đưa đến thanh tịnh,
Vì đã có thiên vị,
Với tri kiến tác thành,
Y chỉ nơi cái gì,
Nơi đấy là tinh sạch,
Người tuyên bố thanh tịnh,
Thấy ở đấy như vậy.

911. Phạm chí không rơi vào,
Thời gian và ước lượng,
Không theo các tri kiến,
Không bà con với trí,
Biết được các thế tục,
Do phàm phu chấp thủ,
Các người khác học hỏi,
Vị ấy sống hỷ xả.

912. Không chấp thủ triền phược,
ẩn sĩ sống ở đời,
Giữa tranh luận khởi lên,
Không theo phe phái nào,
Sống an tịnh, hỷ xả,
Giữa những người không tịnh,
Các người khác học hỏi,
Vị ấy sống không học.

913. Từ bỏ lậu hoặc cũ,
Không tạo lậu hoặc mới,
Không đi đến ước muốn,
Không cuồng tín chấp thủ,
Vị Hiền trí như vậy,
Thoát khỏi các tà kiến,
Không tham dính ở đời,
Không bị ngã chỉ trích.

914. Không có sự thù hằn
Ðối với tất cả pháp,
Phàm có thấy nghe gì,
Cùng với tưởng và thọ,
ẩn sĩ không hệ lụy,
Ðã đặt gánh nặng xuống
Không liên hệ thời gian,
Không chấm dứt, không cầu,
Thế Tôn nói như vậy.

(XIV) Kinh Tuvataka (Con đường mau chóng) (Sn 179)

Người hỏi:

915. Con hỏi bậc Ðại tiên,
Bậc bà con mặt trời,
Con đường đến viễn ly, 
Con đường đến an tịnh,
Tỷ-kheo sau khi thấy,
Làm thế nào mát lạnh,
Không có sự chấp thủ,
Một vật gì ở đời?
Thế Tôn:
916. Thế Tôn đáp như sau:
Hãy chặt đứt hoàn toàn,
Gốc rễ các hý luận,
Mọi tư tưởng "tôi là ",
Tất cả phải chấm dứt,
Phàm có nội ái nào,
Sau khi nhiếp phục chúng,
Thường chánh niệm học tập.

917. Phàm có loại pháp gì,
Ðược thắng tri hoàn toàn,
Hoặc thuộc về nội pháp,
Hay thuộc về ngoại pháp,
Chớ có làm kiên trì,
Bất cứ một pháp nào,
Trạng thái ấy không gọi,
Sự mát lạnh của tịnh.

918. Chớ có nghĩ như sau:
Cái kia là tốt hơn,
Ðây là hạ liệt hơn,
Hay đây là ngang bằng,
Do phải bị xúc chạm,
Với các sắc sai biệt,
Hãy chớ để tự mình,
An trú trên vọng tưởng.

919. Hãy giữ được an tịnh,
Về phía tự nội tâm,
Tỷ-kheo không cầu tìm,
An tịnh từ chỗ khác,
Với người được an tịnh,
Từ phía tự nội tâm,
Ðã không có tự ngã,
Từ đâu có vô ngã.

920. Như chính giữa trung ương,
Của biển cả đại dương,
Sóng biển không có sanh,
Biển hoàn toàn đứng lặng,
Cũng vậy, này Tỷ-kheo
Hãy đứng lặng không động,
Không tạo nên bồng bột,
Ðối sự gì ở đời.

Người hỏi:
921. Vị có mắt rộng mở
Ðã tuyên bố rõ ràng,
Pháp có thể chế ngự,
Mọi nguy hiểm khó khăn,
Bậc Hiền thiện mong Ngài,
Tuyên bố rõ con đường,
Hay về biệt giải thoát,
Hoặc về pháp thiền định?
Thế Tôn:
922. Chớ có những con mắt,
Ðầy dẫy những tham đắm!
Hãy chận đứng lỗ tai,
Nghe câu chuyện của làng.
Lại chớ nên đắm say,
Các mùi vị ngon lành,
Chớ xem là của ta,
Mọi sự vật ở đời!

923. Trong khi được cảm giác,
Với các loại cảm xúc,
Tỷ-kheo không than van,
Bất cứ một điều gì.
Vị ấy không cầu mong,
Dầu lại sanh hữu nào,
Và không có run sợ,
Rơi vào các kinh hoàng.

924. Các đồ ăn thâu được,
Cùng vơiù các đồ uống,
Các món ăn nhai được,
Các đồ vải mặc được,
Chớ có cất chứa chúng,
Những đồ vật nhận được,
Chớ có quá lo âu,
Nếu không thâu được chúng.

925. Hãy tu tập thiền định
Chớ làm kẻ lang thang,
Chớ ưa thích trạo cử,
Ðừng rơi vào phóng dật,
Ðối với các chỗ ngồi,
Cùng với các chỗ nằm,
Tỷ-kheo hãy an trú,
Những chỗ không tiếng động.

926. Ngủ nghỉ có chừng mực,
Chớ có ngủ quá nhiều,
Hãy luôn luôn tỉnh thức,
Nỗ lực và nhiệt tâm,
Hãy từ bỏ biếng nhác,
Man trá, cười, chơi đùa,
Hãy từ bỏ dâm dục,
Bỏ ưa thích trang điểm.

927. Chớ có dùng bùa chú,
A-thar-va Vệ-đà,
Chớ tổ chức đoán mộng,
Coi tướng và xem sao,
Mong rằng đệ tử Ta,
Không đoán tiếng thú kêu,
Không chữa bệnh không sanh,
Không hành nghề lang băm.

928. Tỷ-kheo không run sợ,
Khi bị người chỉ trích,
Cũng không có cống cao,
Khi được khen tán thán,
Hãy từ bỏ tham ái,
Cùng với tánh xan tham,
Kể luôn cả phẫn nộ,
Cùng với nói hai lưỡi.

929. Tỷ-kheo không an trú,
Trong nghề nghiệp bán buôn,
Lại không có chỉ trích,
Bất cứ tại chỗ nào,
Khi ở tại thôn làng,
Không tức giận một ai,
Chớ có vì lợi dưỡng,
Nói chuyện với quần chúng.

930. Tỷ-kheo không nên nói,
Khoa trương quá mức độ,
Và cũng không nói lời
Có dụng ý lợi dưỡng.
Chớ có học tập theo,
Lối sổ sàng trân tráo,
Chớ có thốt ra lời
Khiêu khích xung đột ai!

931. Chớ có bị dắt dẫn,
Rơi vào lời nói láo,
Không cố ý làm nên,
Ðiều man trá giả dối,
Chớ có khinh người khác,
Về vấn đề sinh mạng,
Về vấn đề trí tuệ,
Và vấn đề giới hạnh.

932. Sau khi phẫn uất nghe
Nhiều ngôn từ lời lẽ
Của các vị Sa-môn,
Hay những kẻ phàm phu,
Chớ có phản ứng họ,
Với những lời thô ác,
Bậc hiền lành an tịnh,
Không phản pháo một ai.

933. Sau khi rõ biết được
Pháp này là như vậy,
Tỷ-kheo hãy học tập,
Sáng suốt và chánh niệm,
Rõ biết sự mát lạnh,
Ðược gọi bậc "an tịnh ",
Chớ có sống phóng dật,
Trong lời dạy Cù-đàm.

934. Bậc đã được chiến thắng,
Không ai chiến thắng nổi
Tự mình thấy được pháp,
Không nghe theo tin đồn,
Do vậy hãy học tập
Luôn luôn không phóng dật,
Với tâm tư cung kính,
Lời dạy đức Thế Tôn,
Thế Tôn nói như vậy.

(XV) Kinh Chấp trượng (Sn 182)

Thế Tôn:

935. Từ người cầm các trượng,
Sợ hãi được sanh ra,
Hãy xem các loài người,
Trong khi đấu tranh nhau,
Ta sẽ nói sợ hãi,
Như Ta đã được biết.

936. Thấy loài, người vùng vẫy,
Như cá trong nước cạn,
Thấy họ chống đối nhau,
Ta rơi vào sợ hãi.

937. Ðời toàn không lõi cây,
Mọi phương đều dao động
Muốn cho mình ngôi nhà,
Ta không thấy nhà ở.

938. Cuối cùng là xung đột,
Thấy vậy Ta chán ngắt,
Ðây Ta thấy mũi tên,
Khó thấy, gắn vào tim.

939. Ai bị mũi tên đâm,
Chạy khắp mọi phương hướng,
Ai rút mũi tên ra,
Không chạy, liền ngồi xuống.

940. Ở đây sự học tập,
Ðã được nói rõ lên,
Phàm triền phược ở đời,
Chớ liên hệ với chúng,
Ðâm thủng dục hoàn toàn,
Tự học tập Niết-bàn.

941. Chân thật không xông xáo,
Không man trá, hai lưỡi,
Không phẫn nộ, ẩn sĩ,
Vượt tham ác, xan tham.

942. Người nghĩ đến Niết-bàn,
Bỏ ngủ, nhác, thụy miên,
Không sống với phóng dật,
Không an trú, quá mạn.

943. Không rơi vào nói láo,
Không tham ái các sắc,
Cần liễu tri quá mạn,
Sống từ bỏ bạo ác.

944. Không hoan hỷ việc cũ,
Không nhẫn chịu sự mới,
Trong tổn giảm không sầu,
Không liên hệ tham ái,

945. Ái, Ta gọi bộc lưu,
Mong cầu gọi bọt nước,
Sở duyên gọi biến kể,
Bùn dục khó vượt qua.

946. ẩn sĩ không rời chân,
Phạm chí trú đất liền,
Vị từ bỏ tất cả,
Thật được gọi an tịnh.

947. Biết vậy, gọi người biết,
Biết rồi không y pháp,
Chơn chánh sống ở đời,
Không tham ái một ai.

948. Ai ở đây vượt dục,
Ái khó vượt ở đời,
Không sầu, không tham muốn,
Cắt dòng không trói buộc.

949. Trước Ông làm khô cạn
Sau Ông không vật gì,
Ở giữa không nắm giữ,
Ông sẽ sống an tịnh.

950. Toàn diện đối danh sắc,
Không gì nghĩ "của ta"
Không có gì không sầu,
Không có già ở đời.

951. Không nghĩ "đây của tôi ",
Không nghĩ "đây của người ",
Người không có tự ngã,
Không sầu vì không ngã.

952. Không tàn bạo, không tham,
Không dục, thường đồng đẳng,
Ðược hỏi Ta nói lên,
Lợi ích bậc bất động.

953. Bậc ly dục rõ biết,
Vị ấy không sở hành,
Thoát ly, không tinh cần,
Thấy an ổn khắp nơi.

954. Bậc ẩn sĩ, không nói,
Bằng nhau, thua, hơn nhau,
An tịnh, ly xan tham,
Không nhận, không bác bỏ.
Thế Tôn giảng như vậy.

(XVI) Kinh Sàriputta (Xá-lợi-phất) (Sn 185)

Sàriputta:

955. Trước con chưa từng thấy,
Chưa ai từng được nghe,
Tiếng nói thật ngọt ngào,
Như tiếng bậc Ðạo Sư,
Từ cõi Ðâu-suất đến,
Xá-lợi-phất nói vậy.

956. Bậc có mắt xuất hiện,
Ðời này và thiên giới,
Quét sạch mọi u ám,
Ðộc cư, chứng an lạc.

957. Bậc Giác ngộ, độc lập,
Như thật, không man trá,
Ngài đến ở đời này,
Lãnh đạo các đồ chúng,
Từ nhiều người trói buộc,
Con đến với câu hỏi.

958. Vị Tỷ kheo nhàm chán,
Sống an tọa, trống không,
Tại gốc cây, nghĩa địa,
Hay núi rừng hang sâu.

959. Tại chỗ cao thấp ấy,
Có bao nhiêu sợ hãi,
Khiến Tỷ kheo không run,
Tại trú xứ vắng lặng?

960. Bao nguy hiểm ở đời,
Tỷ Kheo cần chinh phục,
Trong hướng đi bất tử,
Tại trú xứ xa vắng?

961. Ngôn ngữ và hành xứ
Của vị ấy là gì?
Có bao nhiêu giới cấm,
Tỷ Kheo cần tinh tấn?

962. Chấp nhận học tập gì,
Vị Tỷ Kheo nhất tâm,
Thông minh, giữ chánh niệm,
Tẩy sạch các cấu uế,
Trên tự ngã của mình,
Như thợ lọc vàng bạc?

Thế Tôn:
963. Này Sàriputta,
Thế Tôn bèn trả lời:
Với người biết nhàm chán,
Có gì là khoan khoái!
Khi sử dụng sàng tọa,
Tại chỗ tịnh trống không,
Với ai muốn giác ngộ,
Sống đúng với tùy pháp,
Ta sẽ nói người ấy,
Như Ta đã quán tri.

964. Vị Tỷ kheo có trí,
Chánh niệm sống biên địa,
Không có sợ năm điều,
Ðáng sợ hãi ở đời.
Các loại ruồi, mối bay
Cùng các loài bò sát,
Xúc chạm của loài người,
Cùng các loại bốn chân.

965. Vị ấy không nên sợ,
Tri kiến của người khác,
Khi đã được thấy biết,
Nhiều sợ hãi của chúng,
Bậc tìm đến chí thiện,
Thấy được các nguy hiểm
Cần phải lo khắc phục
Tất cả nguy hiểm khác.

966. Khi thọ lãnh bệnh hoạn,
Khi cảm xúc đói khổ,
Với lạnh và cực nóng,
Cần phải nhiếp phục chúng,
Bị chúng cảm xúc nhiều,
Kẻ không bỏ nhà cửa
Cần tinh tấn cần mẫn,
Lòng hết sức kiên trì.

967. Chớ ăn trộm, ăn cắp,
Chớ nói lời nói láo,
Hãy cảm xúc từ tâm,
Ðối kẻ yếu, kẻ mạnh,
Khi rõ biết tâm tư,
Trong tình trạng dao động,
Hãy gột sạch, tẩy sạch,
Phần hắc ám đen tối.

968. Chớ để bị chi phối,
Bởi phẫn nộ, quá mạn,
Hãy đào chúng tận gốc,
Và an trú như vậy,
Ðối những gì khả ái,
Hay đối không khả ái,
Hãy hoàn toàn nhiếp phục,
Chớ để bị chi phối.

969. Thiên trọng về trí tuệ,
Hoan hỷ trong chí thiện,
Hãy chận đứng loại bỏ,
Nguy hiểm ách nạn ấy,
Hãy khắc phục bất lạc,
Ðối trú xứ vắng lặng,
Hãy khắc phục bốn pháp,
Khiến sầu muộn khóc than.

970. Ta sẽ ăn những gì,
Và được ăn tại đâu.
Thật khó khăn ta ngủ,
Nay ta ngủ tại đâu?
Với những tư tưởng ấy,
Vị ấy có thể than,
Bậc hữu học, không nhà,
Hãy nhiếp phục trừ chúng.

971. Với đồ ăn, vải mặc,
Ðúng thời, thâu hoạch được,
Cần ước lượng vừa đủ,
Với mục đích thỏa mãn,
Chế ngự đối với chúng,
Sống nhiếp phục trong lòng,
Dầu phẫn uất, không nói,
Những lời độc thô ác.

972. Với mắt cúi nhìn xuống,
Chân không đi lang thang,
Chú tâm vào thiền định,
Với rất nhiều tỉnh giác,
Cố gắng tu tập xả,
Tự ngã khéo định tĩnh,
Hãy cắt đứt trừ khử,
Các nghi ngờ hối tiếc.

973. Bị buộc, tội bằng lời,
Chánh niệm, tâm hoan hỉ,
Phá hoại sự cứng rắn,
Giữa các đồng Phạm hạnh,
Nói lên những lời nói,
Hiền thiện và đúng thời,
Không để tâm suy tư,
Các chủ thuyết người khác.

974. Lại nữa, năm loại vua,
Hiện có ở trên đời,
Hãy học nhiếp phục chúng.
Luôn luôn giữ chánh niệm.
Ðối với sắc và tiếng,
Ðối với vị và hương,
Cùng đối các cảm xúc,
Hãy chế ngự tham ái.

975. Hãy chế ngự ước muốn,
Ðối với những pháp ấy,
Vị Tỷ kheo chánh niệm,
Tâm tư khéo giải thoát, 
Rồi đúng thời vị ấy,
Chơn chánh suy tư pháp,
Với chuyên tâm nhất trí,
Hãy đoạn tận hắc ám.
Thế Tôn nói như vậy. 


[Giới thiệu][1][2][3][4][5][ ^ ]


[Mục Lục Tiểu Bộ] [Trở về trang Thư Mục]
Revised: 01-01-2001