Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]
Thư tòa soạn

(Chim Việt Vành Nam số 22 ngày 12-02-2006)

Nội dung số này có gì  ? ...

Bước qua năm mới, ít ai nói chuyện " chó ", nhưng năm mới lại là năm Bính Tuất nên chẳng thể đừng .

Nguyễn Dư mở đầu câu chuyện với "Chó thật, chó đá, chó rơm " .

Số phận con chó bằng xương bằng thịt thì ai cũng đã biết. Thật đáng thương.
Ăn thì bữa đói bữa no. Làm thì chẳng từ chuyện gì. (...)
Thế mà còn bị... chụp mũ. Mất mạng như chơi.
(...) Mình là chó, lúc cần mình thì nó tôn mình lên. Hết cần thì nó cho một chày là xong. Đừng tưởng bở. Mình gặp thời, nó mời mình ăn. Không ăn đứa khác cũng đớp mất. Uổng của trời. Chi bằng cứ bài bản " vừa có tình, vừa có lí " cho xong chuyện.

Với Đông phương , " Chó là một súc vật tầm thường, nhiều khi bị liệt vào loài quá hạ đẳng " , chẳng thèm quan tâm, mà đến khi nghĩ tới nhiều khi lại cũng chăng tốt lành gì cho số mạng chú chó .

Nhưng tại Tây Phương vị trí cô chó, chú chó cũng có khác .
Tỉnh Montargis - Pháp, vào thế kỷ thứ 14, một chú chó đã tố cáo kẻ ám hại chủ nó . Nhà vua cho phép chú chó và kẻ bị cáo ra " tranh cãi ", so tài  , " xét xử theo án Trời " (jugement de Dieu ), và kẻ sát nhân đã phải thú tội.
Gần đây, năm 2003, Một "cô chó " bị nhà chức trách Pháp kết tội " tử hình " . Cô chó được luật sư đại diện trước tòa, và luật sư sau đó đã đệ đơn lên tổng thống Chirac xin " ân xá ".
Mời bạn cùng Tâm Minh Ngô tằng giao, " Nhân dịp Năm Tuất (...) thử liếc qua một vòng xem Pháp Luật và Chó có mối... "giao hảo" như thế nào!" ( Pháp luật và ... chó )

 Nguyễn Quốc Bảo nhân " Năm chó ... nói chuyện ăn thịt chó " nêu rõ quan điểm khác biệt giữa Tây với ta về thực chất của con chó :
(...) gần đây tổ chức đá bóng FIFA a dua với tổ chức bảo vệ động vật ép buộc Triều Tiên ra lệnh cấm ăn thịt chó trong dịp giải World Cup (2002), cũng như trước đây, dịp thế vận hội tại Hán thành 1988, các tiệm mộc tồn cũng phải tạm thời đóng cửa hoặc di cư tị nạn về đồng quê.

Nguyễn Quý Đại, qua bài " Chó Tây và Ta " cho ta biết các loài chó Tây, Ta được nuôi nấng dạy dỗ ra sao,(...) với những "chó Cảnh sát hay chó biên phòng "German Shepherd/ Deutscher Schäferhund" " giúp Cảnh sát truy tìm ma tuý, vũ khí và tội phạm" , chó để chăn cừu, chó đi săn, chó trận, chó chạy đua ...

***

Tuy nhiên, Bước qua năm Bính Tuất, nếu có nói về chuyện chó thì chẳng qua cũng chỉ vì thói quen hay bàn về các con vật biểu tượng của mỗi năm. 
Một thông lệ thứ hai nữa là nhìn lại những tập tục ngày Tết. Có những tập tục, như " trồng cây nêu " ,đang trên đà mai một và  những tập tục vẫn sống mãi với con người Việt, dù còn tại xứ hay đã tỏa ra khắp năm châu .

Nguyễn Đổng Chi kể lại Sự tích Cây Nêu ngày Tết Gốc tích bánh chưng và bánh dầy :

- " To lớn trong thiên hạ không gì bằng trời đất, của quý báu nhất trần gian không gì bằng gạo. Ta đừng làm nhiều, chỉ hai thứ bánh có ý nghĩa là đủ. Hãy nhặt hộ cho tôi chỗ nếp này, rồi đi kiếm cho tôi một ít đậu ". Tự nhiên Liêu thấy thần lần lượt lấy ra những tầu lá rộng và xanh. Thần vừa gói vừa giảng giải: - " Bánh này tượng đất. Đất có cây cỏ đồng ruộng núi rừng thì màu phải xanh xanh, hình phải vuông vắn. Trong bánh phải bỏ thịt, bỏ đỗ để lấy ý nghĩa đất chở cầm thú, cỏ cây... Rồi đem thứ nếp thơm đổ lên cho dẻo giã ra làm thứ bánh tượng trời: màu phải trắng, hình phải tròn và khum khum như vòm trời..."

Nguyễn Quốc Bảo nhân dịp  Ăn Tết  , nói về cái Ăn của người Việt ta 

" Quân tử mưu đạo bất mưu thực.
Người quân tử mưu đạo không mưu ăn,
Đó là sách Luận ngữ chép chuyện Vệ Linh Công, thế nhưng người xứ ta nôm na lại nói ngược Có thực mới vực được đạo ! Thật là đạo thánh hiền sao bì được với lý lẽ dân gian, chúng tớ Ăn sáng, Ăn trưa, Ăn tối, mà cũng Ăn...Tết luôn."

và Thinh Quang cũng  nhân dịp Tết nhất bàn về Tuế Thời Lịch Pháp

Cứ vào Tuế Thời Lịch Pháp thời Hán Vũ Đế đã lập ra lịch Thái Sơ . Lúc bấy giờ gọi là Hạ Lịch. Một năm gồm có 12 Tiết lấy tháng Giêng làm tháng đầu năm, gọi là Nguyên Đán ...
Cứ vào Địa Thiên Thái Dịch Kinh thì "Tháng Giêng" chính là thời thanh bình, bốn phương yên ổn, khí trời mát mẻ, lộc mới đơm cành, trăm hoa đua nở v. v. Ấy đó là khí tiết của mùa Xuân, trên có Khôn, dưới có Càn, nghe ra có phần đảo ngược, bởi Khôn là Đất, Càn là Trời, bảo thế há chẳng lẽ là Đất trên, Trời dưới hay sao?! Ấy thế mà không,...

Tại quê nhà, dân ta ăn Tết ra sao ?

Trước hết, chúng ta về Sài Gòn, theo Lan Anh và Vân Anh  đi một vòng chợ Tết qua phóng sự " Tôi đi chợ Tết "

" Nghe lời chị bạn ở cùng khu chung cư, tôi quyết định "vượt cầu Sài Gòn" ra Metro An Phú để mua hàng tết giá sỉ. Xòe tấm thẻ thành viên để "qua trạm", chưa kịp định thần mình sẽ "khởi hành" về khu vực hàng hóa nào trước, tôi đã ngỡ ngàng vì thấy cả đoàn vài chục người chen nhau ở một cổng nhỏ. Chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra thì tất cả ào ào lao lên giành lấy những chiếc... xe đẩy.
Không khí náo nhiệt hệt như ở những khu vực bán hàng sale. ... "

Chợ Tết Hà Nội cũng không kém phần hào hứng : Hà Nội đã rộn ràng chợ hoa Tết

" Ông Táo chưa về Trời, nhưng chợ hoa Tết trên đường Âu Cơ (Tây Hồ - Hà Nội) đã rộn ràng mấy ngày nay. Đào đã được đưa về từ Nhật Tân, Tây Tựu; quất từ Quảng Bá, Tứ Liên; mai vàng từ Sài Gòn... Tất cả cứ ngồn ngộn bên đường.
Người mua nhiều, chợ búa phát triển, đây cũng là dịp để cho Sinh viên chạy thêm ít tiền túi .

Tại Hà Nội ,  " Sinh viên vào mùa " chạy Tết "

Còn 3 tuần nữa mới Tết, xóm trọ SV ở cụm 5, P.Xuân La, Q.Tây Hồ, Hà Nội đã vắng tanh. Hỏi ra mới biết, cả xóm đã đi làm cả. Hầu hết "dân cư" ở đây (đang học tại Trường Trung cấp Lưu trữ văn thư) đã cặm cụi tại các cơ sở sản xuất bánh mứt kẹo Xuân Đỉnh (Q. Tây Hồ) từ tuần trước.

Tại Sài Gòn : Sôi động việc làm Tết cho sinh viên

" Vòng quanh hầu hết các siêu thị, trung tâm mua sắm, khu vui chơi giải trí... trong những ngày này tại TPHCM, rất dễ nhận ra những tốp năm, bảy thanh niên nam nữ đứng phát quà khuyến mãi, giới thiệu sản phẩm cho khách hàng... Phần lớn họ đều là sinh viên ở tỉnh, tranh thủ những ngày cận Tết để làm thêm kiếm tiền trang trải học phí. Sinh viên... chạy sô "

Trong nhưng ngày cuối năm , năm Tây và năm Ta, Tết của những người ngoại quốc sống tại Việt Nam cũng không kém phần quan trọng : Đón Tết Paris giữa lòng Hà Nội

" 4 năm nay, tiệc giao thừa của gia đình Rousseau (khu căn hộ May Fair, 34 Trần Phú, Hà Nội) vẫn rất Pháp, với sò điệp, cá hồi,rượu champagne. Vẫn những cuộc điện thoại, thăm viếng chúc mừng bạn bè cả ngày mồng 1 và du lịch xa, dưới nắng ấm phương Nam. "
(...)

và những hình ảnh :

 Tết 2003  - Tết 2005 Sg - Tết 2006 Sg

***

Mời bạn về thăm quê hương miền Nam qua tác phẩm Hương rừng Cà Mau  của Sơn Nam, qua bài Kiên Giang trong ánh mắt tôi của Việt Hải . Đặc biệt , những bạn biết nấu ăn, có thể nấu thử các món Bún Cá Kiên Giang , Bún Mắm Nước Lèo hay Bún Kèn Cá .

"Kiên Giang nằm trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Kiên Giang có những cánh đồng ruộng lúa phì nhiêu, có hải đảo và đồi núi với nguồn tài nguyên vô cùng phong phú và thật đa dạng về nông sản, hải sản, khoáng sản và du lịch."

Nét đặc thù của văn hóa xứ ta cũng là lối " Nói lái " trong ngôn ngữ , theo Hòa Đa, 

"Dù vậy, nói lái vẫn là một hình thức vô cùng đặc sắc của ngôn nhữ Việt, với khả năng nhạy bén về tính trào phúng, tính châm chọc... (và chúng ta chỉ nên khai thác khía cạnh tích cực này), chúng ta tin rằng nói lái sẽ tồn tại với người Việt."

hay những tà áo dài  trong y phục qua dòng suy tưởng của Hoàng Huy Giang  : " Tà áo bay bên trời quê đất khách "

"chiếc áo dài là một trang phục và cũng là một sắc phục thật độc đáo vì nó mang đủ các tính chất: kín đáo, sang trọng, trữ tình, lãng mạn, thanh nhã, thướt tha, dịu dàng mà chị em phụ nữ Việt hẳn phải hãnh diện mỗi khi mặc."

Nguyễn Đắc Xuân phỏng vấn Phạm Duy :   "Nhạc sĩ Phạm Duy  "Biết ái tình ở dòng sông Hương"" như thế nào ?.

Trong những tháng vừa qua, dư luận việt kiều xôn xao vì một bài hát do một thanh niên thế hệ hai trình bày : " Bonjour Viet Nam " - " Việt Nam ơi " do Phạm Quỳnh Anh hát .

Kỳ thực Quỳnh Anh đã có bước đầu khởi nghiệp ca sĩ khá ấn tượng: giải nhất cuộc thi hát "Vì vinh quang" nhóm tuổi thiếu niên của Đài truyền hình Bỉ RTBF vào cuối tháng 9-2000 và đã ký hợp đồng biểu diễn chuyên nghiệp với Universal từ năm 2002.
Tháng ba 2005, nhạc sĩ Marc Lavoine viết bài Bonjour Vietnam dành cho cô bé có gương mặt thuần châu Á và giọng hát trong trẻo này.
Tháng tư : Quỳnh Anh được chọn song ca với Marc Lavoine bài " Tôi hi vọng " nằm trong album " Giờ mùa hè " phát hành hai tháng sau đó. Tháng mười một, Quỳnh Anh bắt đầu lưu diễn cùng Marc Lavoine, bắt đầu từ thành phố quê hương của cô, Liège, rồi sau đó là Paris (Pháp).

***

Vườn Thơ vẫn là lơi tao ngộ của các nhà thơ quen thuộc :

. Nguyễn Hồi Thủ :   Không đề  - Ghi lại sau lần gặp bạn cũ

. Nguyễn Thế Tài : Cơn đau cuối năm  -  Còn lại nhau ...

. Quỳnh Chi : Lời hoa - Bốn mùa  - Ngắm sao - Vô đề.
- Trường tương tư (Bạch Cư Dị)
- Mộng thiên (Lý Hạ)
- Văn Lân Gia Lý Tranh (Từ An Trinh )
- Đại bi bạch đầu ông  (Lưu Hy Di)

. Tâm Minh Ngô Tằng Giao : Con đường không theo (Robert Frost)  -   Khi ta chết nàng đừng thương đừng tiếc ( William Shakespeare)  - Bài ca mưa tháng tư ( Langston Hugues)

Trần Thế Phong : Mẹ ơi lòng dậy theo ngày tết

Tuấn Trang : Tình thu

. Vũ Tiến Lập : Bên kia bờ  -    Khách trần  -  Ảo ảnh  -  Vắng mặt  - Ký ức

. Vũ Quyên : Ðêm thành phố    -   Trường cũ nghiêng nhìn con dốc say

. Xích Long : Kẻ tha phương   -   Mùa tuyết tháng giêng...   -   Gởi tình đầu

Truyện Ký

Tục ta có câu : "Miếng trầu là đầu câu chuyện". Ăn Trầu  xưa kia là một tập tục của mọi người, nam cũng như nữ. Tục Trầu cau nay đã bớt thịnh hành, có lẽ chỉ những người ở thôn quê hay các bà đã đứng tuổi mới ăn trầu mà thôi. Võ Quang Yến, sống tại trời Tây,  qua bài  "Hoa cau vườn trầu ", cũng đến với Trầu cau nhưng với một cái nhìn khác, một cái nhìn  khoa học, phân tích tường tận chất liệu của Trầu cau.

Cùng một nhịp điệu , Võ Kỳ Điền bàn tới " Thảo mộc trong cổ văn Việt Nam". Trong văn học, mấy ai biết rõ được tất cả những cỏ, cây hoa, lá, mình đã gặp qua  một bài thơ,  một bài văn ? Cây Phong như thế nào ? rồi cây Tử, cây Hoè, cây Ngô đồng, hoa Mẫu đơn , hoa Thược dược ... ?

Việt Hải giới thiệu Chopin, phím đàn sầu rơi

Quỳnh chi kể lại, những mẩu hạnh phúc nho nhỏ nơi dất khách quê người, những Kỳ niệm về tuyết  , về Ken  , cậu bé con người Nhật.

Xích Long hồi tưởng lại mối Tình đầu , mới biết yêu , thuở 17 - 18. 

Ký ức của Võ Kỳ Điền lại trở về với một câu hỏi đơn sơ, nhưng có lẽ bao trùm mọi câu hỏi của con người Câu hỏi kiếp người  : "Anh có hạnh phúc không ? "

" Khi ra tới cổng và dừng lại để chào lần nữa thì Hạnh đi sát chàng, kề tai nói trong hơi thở, tiếng mỏng nhẹ êm ái như tơ : - anh có hạnh phúc không ?
Hoàng chợt bủn rủn và đầu óc quay cuồng. Câu hỏi đơn giản như vậy mà hồi nào tới giờ chàng không nghĩ tới. Chàng có hạnh phúc hay không ? Có hay không, có hay không ? "

Văn Học Nhật Bản

Chúng ta bước vào giòng Văn học đất Phù Tang với nhịp văn dồn dập của truyện " Melos ơi,  chạy nhanh lên ! " (Hashire, Merosu!) , Dazai Osamu sáng tác, Văn-Lang Tôn-thất Phương dịch Việt ;

Melos giọng cương quyết: "Trở lại chứ, chắc chắn tôi sẽ trở lại! Em gái tôi đang đợi ở nhà. Tôi biết trọng lời mình hứa, xin chỉ cho tôi ba ngày! Thôi thế này, nếu không tin tôi thì ở đây có người thợ đá tên Seli là bạn ruột của tôi, xin cứ giữ anh ta. Nếu sau ba ngày mà tôi không trở lại trước khi mặt trời lặn thì cứ đem anh ta ra thay mạng".

Vua Dyonis đắc ý cười thầm, trong đầu nảy ra một ý nghĩ tinh quái: "Chỉ khéo phịa chuyện, thả ra rồi thì đi luôn là cái chắc! Nhưng thôi cứ làm bộ như bị nó gạt, cũng vui vui! Khi kỳ hạn qua đi, có đem con tin ra giết cũng đáng kiếp thôi! Ta sẽ làm bộ buồn rầu, ra lệnh đi treo con tin, chỉ vì có người không thủ tín. Đây cũng là cơ hội cho thiên hạ thấy rõ làm chi có người thành thực ở đời này".

Nguyễn Nam Trân giới  thiệu tác phẩm Niềm tin    của Akutagawa Ryunosuke

Năm 1919, khi viết Bisei no Shin (Chữ tín của Vĩ sinh) mà ở đây chúng tôi dịch là Niềm Tin, lần đầu tiên, người ta chợt nhận ra Akutagawa không giật giây nhân vật trong tiểu thuyết lịch sử của mình như vẫn thường làm mà để cho chính nhân vật giật giây ông.

Nhân vật Vĩ sinh đã thấy trong tác phẩm của Trang Tử cũng như trong Sử Ký Tư Mã Thiên.Vĩ sinh không ai khác hơn là anh chàng hẹn gái dưới chân cầu, gái không tới, thủy triều lên, anh ta vì giữ chữ tín không bỏ đi nên chết đuối. Ông Tư Mã theo thầy Khổng nên khen "Phải giữ cho được chữ tín như thế!", ông Trang mắng "Chết vì chữ tín kiểu đó là ngu!".

Tỏ tình với người vợ không quen (Asada Jirô)  (1951- ). Nhà bình luận Hashizume Daisaburo nhân đọc Tỏ Tình Với Người Vợ Không Quen đã xem hình ảnh trò chơi lắp hình (puzzle) nói đến trong truyện này như chủ đề của văn chương Asada, người làm công việc nhặt nhạnh và xếp lại vào khuôn những mảnh đời vỡ nát.

Phạm Vũ Thịnh giới thiệu truyện ngắn " Buồn ngủ  " của Murakami Haruki " Truyện ngắn sau đây, "Nemui", ra mắt người đọc trong tạp chí "Torefuru -Trefle" khoảng 1981 - 1983, là truyện thứ 3 trong tuyển tập "Ngày Đẹp Trời Để Xem Kangaroo - Kangaruu Biyori"..

DTTM giới thiệu truyện : Đàn bà (Akutagawa Ryunosuke)

Nguyễn Nam Trân gửi đến bạn đọc một loạt bài giới thiệu Văn Học Sử Nhật Bản

Lịch Sử 

Cho đến ngày hôm nay, sử sách xứ ta vẫn còn nhiều điểm chưa được rõ rệt, và ngay cả những việc, tưởng như đã được giải đáp vì  được nhiều người đồng tình chấp nhận trong một thời gian dài , cũng chưa hẳn là hoàn toàn chắc chắn. Sự thực Lịch sử có lẽ chỉ lần lần được thể hiện qua các suy tư tìm kiếm đời này qua đời kia.

Triều đại nhà Triệu có thể được kể là một triều đại của dân Việt không ? đây là một câu hòi Trương Thái Du đã nêu ra trong bài :  Triệu Đà và nước Nam Việt trong dòng chảy lịch sử Việt Nam   bên cạnh  Những ưu tư trong Lễ hội hoa Đà Lạt

Gần đây hơn, sách báo đầu thế kỷ ghi chép hoàng hậu thứ ba của vua Gia Long vốn là công chúa nhà Lê. Trong dân gian lại truyền khẩu "Gái đâu có gái lạ đời,  Con vua lại lấy hai đời chồng vua ". Từ đó nhiều người suy đoán ra là Công chúa Ngọc Hân, tác giải bài "Ai Tư Vãn " khóc vua Quang Trung, đã trở thành vợ của vua Gia Long. 
Năm 1943, bài văn tế Ngọc Hân do Phan Huy Ích soạn được công bố, chứng minh rằng bà đã chết 2 năm trước khi Phú Xuân thất thủ. 
Như vậy , ai  vừa là con vua (Lê)  , vừa là vợ vua , sau lại là vợ vua  Gia Long . Tác giả Hồ Văn Chầm tìm  giải đáp cho câu hỏi này qua bài : " Công chúa Đông Đô, Hoàng hậu Phú Xuân, Nàng là ai ? "

Ai về Bình Định mà coi
Con gái Bình Định múa roi, đi quyền
                         (Ca dao)
Bình Định là nơi xuất phát của nhà Tây Sơn, trước đây võ học dĩ nhiên phải được trân trọng.  Nhưng ngày nay , truyền thống đó còn giữ được hay không ? mời bạn đọc bài " Võ học Bình Định " của Đào Đức Chương.

Với Nguyễn Quý Đại qua bài "Văn võ Bình Định " , Bình Định không phải chỉ có võ, mà còn có văn , còn  thú chơi " bài chòi " .

Dân Tộc học - Ngữ Văn

Nguyễn Phú Phong :  Nghiên cứu về nhóm Ngôn ngữ Việt-Mường

Bên cạnh tiếng Việt và những phương ngữ của nó thì tiếng Mường, ngôn ngữ gần gũi nhất, đã phơi bày ra những nét bảo lưu mà trên đại thể có thể phản ánh một trạng thái cổ của tiếng Việt.Vì thế nghiên cứu các ngôn ngữ Mường có tầm quan trọng lớn đối với việc tìm hiểu lịch sử tiếng Việt.
Trên đây tôi đã cố gắng điểm qua tình hình nghiên cứu và thu thập tư liệu về Nhóm Việt-Mường

Nghệ thuật Cải lương

Hai tiếng "Cải lương" có nghĩa là "Sửa đổi cho tốt hơn". Từ xưa ở Việt Nam không có lối diễn tuồng nào khác hơn là hát Chèo hay hátTuồng (ở Bắc Phần) và hát bội (ở Trung và Nam Phần). Ðến 1917, khi cải lương ra đời, người mình nhận thấy điệu hát này có thể tân tiến hơn điệu hát bội, nên cho đó là một việc cải thiện điệu hát xưa cho tốt hơn. Vì lẽ ấy người mình dùng hai tiếng "Cải lương" để đặt tên cho điệu hát mới mẻ này.

Lê Văn Hảo kết thúc loạt bài : Các đại vùng văn hóacác vùng văn hóa của dân tộc Việt Nam

 
1. Đông Bắc - Tây Bắc  2. Thăng Long - Hà Nội  3. Đông-Đoài - Nam - Bắc
4. Xứ Thanh * Xứ Nghệ 5. Xứ Huế - Thuận Hóa  6. Xứ Quảng và xứ Tây Sơn 
7. Xứ Nam Trung Bộ  8. Xứ Chăm - người Chăm 9.  Người Hoa  /  Người Khmer
10. Đồng Nai - Vàm Cỏ 11.  Đồng bằng sông Cửu Long 12. Xứ Gia Định - Sài Gòn 
Văn Học, Tư tưởng 

. Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng : Vài điều suy nghĩ về Toán học Việt Nam

Rất nhiều người ở Việt Nam cho rằng nước ta có một nền toán học mạnh trên thế giới. Nếu tôi không nhầm, báo chí trong nước từng viết "Việt Nam là trung tâm toán học đứng thứ 10 thế giới", sau có đổi lại thành "đứng thứ 10 trong số các nước đang phát triển". Trên thực tế, Việt Nam có tổng cộng (tính tất cả các trường đại học và viện nghiên cứu) quãng trên 1000 cán bộ nghiên cứu giảng dạy về toán, trong đó chỉ có khoảng 300 người "tích cực nghiên cứu" (theo nghĩa là có công trình khoa học trong thời gian gần đây)

. Giáo sư Đào Hữu Dũng - Quảng cáo Truyền Hình trong Kinh tế thị trường (trọn bộ)

. Đặng Tiến : Đọc và phê bình sách : Từ Điển Văn Học

Từ Điển Văn Học Bộ Mới[1], gọi tắt là TĐVH, in đẹp trên giấy tốt, vừa được phát hành đầu năm 2005. Nói là tái bản của Từ Điển cùng tên, ra đời trước đây hai mươi năm, thì vừa đúng vừa không đúng.

. Nguyễn Thị Chân Quỳnh : Lối xưa xe ngựa  :  Chương IX - Hoạn quan

Sử sách của ta chỉ chép tỉ mỉ từ đời Lý, trước đó nước ta có hoạn quan hay không thì không rõ, nhưng xét ra có lẽ chế độ hoạn quan của ta bắt chước Trung quốc.

Tuy tổng số có thể lên đến 3000 người, nhưng chỉ mộ số ít được giữ việc chuyển đạt mệnh lệnh của vua đến các phi tần.
Những người này đều có tên khắc chữ vàng trên thẻ ngọc. Mỗi khi vua muốn triệu ai thì chọn thẻ giao cho viên nội giám giữ việc ấy để đem đèn đến treo trước cửa người cung phi được chọn. Cô này thấy hiệu bèn trang điểm rồi trút bỏ xiêm y, viên nội giám dùng một cái áo choàng rộng màu đỏ bọc lại rồi ẵm đến tận cung vua. Sau đó viên này phải ghi rõ ngày giờ vào sổ để nếu sau có sinh con trai thì đó là bằng chứng.

Trong phần các nhà văn tiền chiến, lần này xin giới thiệu :
  - Đái Đức Tuấn (TCHYA) : Ai hát giữa rừng khuya   - Vũ Trọng Phụng (1912 - 1939)
 
 
Chim Việt Cành Nam (*)
-------------------
(*)1 - Chim Việt Cành Nam, lấy từ chuyện Chim Trĩ , do vua Việt ở phương Nam tân cống cho vua nhà Chu (Chu Thành Vương). Chim chọn cành phía Nam để làm ổ . "Việt điểu sào nam chi" (Sào là làm tổ chim)  , ý nói nhớ quê hương phía Nam. 
2 - Ngựa Hồ hí gió Bấc , là chuyện ngựa của rợ Hồ (Mông Cổ) dâng cho vua Hán Vũ Đế , khi gió Bấc thổi, thì hí lên "Hồ mã tê bắc phong", ý nói nhớ quê, phương bắc.

Trở Về  ]